logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

Gió Bấc - 1

Thầy Thích Minh Tuệ, trùng trùng kiếp nạn “tự do tôn giáo Việt Nam”

Thứ Năm, 06/13/2024 - 20:04 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Theo Tây Du Ký, Đường Tăng phải vượt qua 81 kiếp nạn mới được Niết bàn. Nước Đại Đường xưa kém văn minh chưa có tự do tôn giáo nên vua Đường Thái Tông trao văn điệp và bát vàng, Bạch Mã cho thầy Huyền Trang đi thỉnh Kinh mà không xét lý lịch xem thầy có đăng ký với giáo hội hay chưa. Điệp văn cấp để giao thiệp đối ngoại, còn trong nước khắp nơi thầy đi qua chính quyền đều cung thỉnh. Kiếp nạn của Huyền Trang chỉ do bọn yêu ma.

Ở Việt Nam tự do tôn giáo hiện nay, nhà sư đầu trần chân đất, bị kiếp nạn ngay từ chính triều đình và giáo hội. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, thầy Minh Tuệ đột nhiên hai lần đột ngột “tự nguyện ẩn tu”: đêm 2 rạng 3 tháng 6 và đêm 13-6. Từ Huế, 72 vị đồng tu bỗng nhiên được phép màu Cân Đầu Vân của Tôn Ngộ Không đưa đi tản mác kẻ ra Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa, người vào tận Quảng Nam, Bình Định chỉ trong đêm 2-6. Sau kiếp nạn tan đàn lạc nghé, một số vị đồng tu lại tiếp tục bộ hành hàng trăm cây số tìm nhau, tìm thầy. Sau 5 ngày ẩn tu bí mật để làm căn cước công dân, thầy Minh Tuệ bất ngờ xuất hiện trên VTV qua hai clip trả lời phỏng vấn đầy tranh cãi về sự trung thực, cắt ghép về bối cảnh và nội dung câu chuyện. Các đoạn đối thoại chắp nối rời rạc giữa người hỏi kiêm bình luận và người trả lời.

Như để chữa cháy, truyền thông nhà nước đưa hai clip có vẻ chân thực hơn về Thầy Minh Tuệ nhận căn cước công dân và phóng viên báo Người Lao Động phỏng vấn. Xâu chuỗi nội dung các clip cho thấy phía truyền thông nhà nước gợi ý cài cắm để thầy Minh Tuệ thừa nhận tự nguyện ẩn tu và dừng bộ hành do tác hại của việc tụ tập đông người. Thậm chí gợi ý tạo điều kiện cho Thầy đi Ấn Độ thăm quan đất Phật. Thầy Minh Tuệ trước sau khẳng định nguyện vọng muốn bộ hành tu tập hạnh Đầu Đà. Thầy cũng thật thà ý nhị bộc lộ từng có ước mơ bộ hành sang Ấn Độ. Lời lẻ nhẹ nhàng ấy cho thấy ý chí của Thầy chưa bao giờ muốn ngừng bộ hành, ẩn tu. Dù sao, những hình ảnh cho thấy chừng như chính quyền đã cởi mở đồng thuận cho thầy Minh Tuệ tiếp tục tu tập trong sự quản lý của địa phương.

Thông tin trên mạng cho thấy, thầy Minh Tuệ dọn dẹp căn chòi nhỏ trong vườn sầu riêng của người em út, nơi thầy từng ở nhiều năm trước để làm nơi cư trú và tiếp đón phật tử, người đồng tu

Tiếp đó, trong ba ngày 11,12, 13 tháng 6 thầy được đi khất thực hạn chế vài tiếng đồng hồ trong không gian thôn xã của làng quê nơi cư trú. Khu vực này được bảo vệ chặt chẻ bởi nhiều chốt công an nhưng tiếng vang nhanh chóng thu hút hàng ngàn phật tử khắp nơi kéo về chiêm bái. Dù đây là một xả hẻo lánh của Gia Lai nhưng Phật tử đứng ven đường và đi theo thầy Minh Tuệ dài hàng cây số. Nhiều đoàn Phật tử khắp nơi đã đổ về Gia Lai làm tự thiện. Xe khách, máy bay và khách sạn ở Gia Lai cháy vé. Có người còn mau mắn nghĩ đến việc chớp thời cơ phát triển Gia Lai thành trung tâm du lịch tâm linh.

Ngày 13-6 các thầy Minh Nhuận, Tuệ Minh, Minh Tạng, Minh Chiến đã lần lượt tới được Gia Lai và được tin đã gặp thầy Minh Tuệ. Nhóm các thầy Giác Ngộ, Minh Tự…. đang bộ hành trên đèo Lò Xo cách Gia Lai 200km được xe biển xanh của Công An đón để đưa về Gia Lai gặp thầy Minh Tuệ theo nguyện vọng. Cứ ngỡ như sau chặng đường dài hàng trăm cây số tìm kiếm các thầy sẽ gặp nhau nhưng tiếp đó có nhiều dấu hiệu bất thường. Nhóm các thầy Minh Trí, Chơn Trí, Minh Thành cũng đang bộ hành trên đèo Lò Xo thì không còn tin tức.

Sư A Na cùng đi với hai bạn đồng tu mới bỗng dưng mất tích gần một cây xăng. Hai người đồng tu đón xe đò bỏ dở hành trình.

Trong đêm này, em trai thầy Minh Tuệ chủ mảnh vườn sầu riêng nơi thầy Minh Tuệ nương náu lại thông báo Minh Tuệ đã ẩn cư nơi khác. Chắc hẳn lần này sẽ ẩn tu lâu hơn và mức độ tan đàn lạc nghé sẽ triệt để hơn.

Xâu chuỗi các sự kiện có thể thấy rằng có kế hoạch liên hoàn phổi hợp. Có người tung tin qua các Youtuber, mượn lời sư Minh Nhuận kêu gọi các bạn tìm xe đi về Gia Lai. Có người truyền tin, tìm xe cho các thầy và “tình cờ” xe Công An trờ tới đón. Chiến dịch “tự nguyện ẩn tu” đêm 2-6 hàng trăm người bủa lưới vây một điểm nghỉ đêm của các sư. Chiến dịch ngày 13-6, do các thầy tản mác nhiều nhóm, nhiều nơi, màn lưới “tiếp đón” giăng rộng từ Gia Lai lên đến đèo Lò Xo và nhiều nơi khác kéo dài hàng trăm cây số. Quy mô gấp nhiều lần so với trước. Nếu cựu tướng Đỗ Hữu Ca Hải Phòng có mặt ông sẽ khen “Đây là trận đánh tuyệt đẹp”. Có lẽ nguyện vọng tiếp tục bộ hành tu tập theo hạnh Đầu Đà của thầy Minh Tuệ và các đồng tu sẽ là thách thức khó có thể vượt qua.

Sư Minh Tuệ độc hành từ năm 2019, không nhận cúng dường tiền bạc, chìm lỉm giữa đất nước tự do tôn giáo phát triển với làn sóng chùa to- Phật lớn, cúng dường tiền chẵn….. nên chỉ bị những kiếp nạn lẻ tẻ: người ta không cho ăn, xô đuổi, đánh vào mặt… Phẩm hạnh từ bi vô lượng thầy cầu mong cho người ta hạnh phúc nên kiếp nạn ấy đều qua.

Ấy nhưng khi giới truyền thông xã hội phát hiện, phật tử sùng kính, dư luận chú ý ngày càng tăng thì kiếp nạn của ngày càng lớn.

Tinh thần xả ly tuyệt đối, theo hạnh Đầu Đà rủ bỏ thế danh, đốt bỏ giấy tờ tùy thân, xem cha mẹ ruột bình đẳng với bao nhiêu người khác, không vướng mắc trong giáo phái, tự viện nào chỉ tu theo lời Đức Phật, thầy Minh Tuệ đã vướng vào kiếp nạn căn bản nhất của “tự do tôn giáo Việt Nam”, tu mà không đăng ký với giáo hôi quốc doanh của nhà nước. Thầy Minh Tuệ không phải người đầu tiên cũng không phải cuối cùng.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống ra đời từ năm thập kỷ 1960, Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy ra đời từ năm 1939 đến nay vẫn bị đàn áp lên bờ xuống ruộng vì cái tội không đầu phục quốc doanh, ông cụ Lê Tùng Vân hơn 90 tuổi còn bị quy chụp giả sư, loạn luân. Thầy Minh Tuệ không thể thoát vòng kim cô đó. Giáo hội tuyên án Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập ở bất kỳ cơ sở nào mặc dù cả thế giới ngưỡng mộ phẩm hạnh Đầu Đà của ngài Minh Tuệ. Một tiến sỉ cao tăng quốc doanh không nhận cúng dường tiền lẻ gọi ông là “thằng ba trợn”. Thượng Tọa Thích Minh Đạo chỉ vì tình thật, tán thán phẩm hạnh của ông đã bị cấp trên cho “tự nguyện từ chức”, quỳ lại sám hối chư tăng và biệt chúng nhập thất ngay trong lúc an cư kiết hạ.

Phẩm hạnh của sư Minh Tuệ như tấm gương làm lộ mặt ma tăng, sàm tăng đang đầy rẩy chi phối giáo hội quốc doanh tạo ra dư luận phản cảm. Pháp tu khổ hạnh của sư như luồng ánh sáng mầu nhiệm soi vào hố đen tham lam hôn ám, đã đập bể nồi cơm cúng dường phước báu của chư vị quan tu. Báo Giác Ngộ đã có bài than thở VÌ SAO NÊN NỖI? cái nỗi ấy là "Chùa dạo này vắng quá!" (1)

Với thể chế độc tài, tiếng vang, sự ngưỡng mộ quá lớn, quá mạnh mẽ của công chúng với thầy Minh Tuệ là điều không thể chấp nhận, không thể tồn tại trong nền “tự do tôn giáo Việt Nam”. Giáo chủ Huỳnh Phú Số của sáng lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã “vắng bóng” từ năm 1947 khi đi họp với Việt Minh bàn việc hợp tác kháng chiến ở Đốc Vàng. Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập hệ phái Khất sĩ cũng vắng bóng từ năm 1954 ở Cái Vồn. Tiếng tăm da thịt của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh cũng đủ cho em cái án tù lãng nhách. Ngay trong đảng, đệ nhất khai quốc công thần, đệ nhất danh tướng “Điện Biên Phủ chấn động năm châu rung động đia cầu” cũng có lúc bị làm nhục nên có thơ rằng “Ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em”.

Vì vậy, cách tu hành và phẩm hạnh từ bi hỷ xả của thầy Minh Tuệ càng cao quý, càng được kính ngưỡng thì càng nguy hiểm cho nhục thân của Thầy.

Có người cho rằng cái xử sự nhẹ nhàng với thầy Minh Tuệ sau ngày 2-6 là nhờ trận lôi đình hơn 10000 tia sét đánh vào Hà Nội ngày 5-6 và cơn mưa như hồng thủy ở Đại Nội Huế ngay trước giờ khai mạc Festival. Các quan chức anh minh thời nay vốn thiếu niềm tin vào sự thiện lương, chân lý nhân quả nhưng thừa mê tín vào phước báo theo biện luận của đám ma tăng. Thầy bói Hồ Hữu Hòa đã xuyên thủng lá chắn cấp hàm tướng tá. Mộ Võ Thị Sáu luôn tấp nập hương hoa cúng vái. Bái Đính, Ba Vàng đầy rẫy cây cổ thụ mang tên lãnh đạo.

Nhà tu mang tầm quốc tế như hòa thượng Huyền Diệu Tiến sĩ khoa thần học tại Đại học Sorbonne, Pháp, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni hết lời tán thán thầy Minh Tuệ. (2)

Bách Khoa Toàn Thư mở WIKIPEDIA vinh danh Thích Minh Tuệ và ghi nhận rằng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chấp nhận gọi ông là "tu sĩ Phật giáo", tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công nhận điều này và khen ngợi ông hội đủ phẩm hạnh cho danh xưng đó. Đồng tình với việc gọi Thích Minh Tuệ là tu sĩ, dù chính ông không tự nhận mình như thế, các nhà quan sát nhận định việc đánh giá một cá nhân có phải là tu sĩ hay không không phụ thuộc vào sự đồng ý của bất kỳ tổ chức nào” (3)

Quyền lực thế tục của nhà nước cộng sản có thể bôi đen thêm lần nữa mỹ từ “tự do tôn giáo Việt Nam” bằng cách giam hãm hành hạ nhục thân, quyền tự do của thầy Minh Tuệ, thậm chí có thể làm Thầy “vắng bóng”. Nhưng tấm gương sáng trong và pháp hành chánh đạo của Thầy đã khai mở, lay động tâm từ chỉ ra con đường chuyển hóa tham sân si hướng đến sự an nhiên giải thoát. Giá trị ấy không thể đảo ngược!

Có người hỏi nếu ai đó xin Thầy một phần thân thể thầy sẽ làm sao? Minh Tuệ trả lời “Con chỉ xin được 10 ngày để thanh lọc cơ thể thật tinh khiết. Sau đó ai muốn lấy gì cứ lấy!” Với đại nguyện tận hiến ấy thì khó thách thức nào cưỡng ép được.

1- https://giacngo.vn/vi-dau-ra-noi-nay-post70771.html

2- https://www.niemphat.vn/ht-thich-huyen-dieu-noi-ve-su-thich-minh-tue

3- https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Minh_Tu%E1%BB%87

🔝

Nhận diện Đạo Pháp Xã Hội Chủ Nghĩa

Thứ Sáu, 05/31/2024 - 18:07 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Phật Giáo đã ra đời hơn 2600 năm, có đến 18000 pháp môn. Mỗi pháp môn đều có kinh điển đặc trưng, tuy dị biệt nhưng vẫn lấy Từ Bi Hỷ Xả là giá trị căn cốt, hướng chúng sanh thực hành Giới Định Tuệ, rèn luyện Bát Chính Đạo đạt đến trí tuệ giải thoát. Tiến trình tu tập của phật tử, cư sĩ, tu sĩ là thực hành giới luật, các điều Phật dạy, sống thiểu dục, chuyển hóa tham sân si ở những mức độ khác nhau. Đó là Chính Pháp.

Phật giáo Việt Nam có lịch sử lâu đời từ thời Bắc Thuộc vẫn phát triển theo dòng chảy, truyền thống ấy. Tuy nhiên, từ 1981 Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, trực thuộc tổ chức chính trị Mặt Trận Tổ Quốc, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, được người dân gọi là Giáo Hội Quốc Doanh lại có một Đạo Pháp khác với slogan Đạo Pháp- Dân Tộc- Xã Hội Chủ Nghĩa. Xã Hội Chủ Nghĩa là thiên đàng không có thực, là gông cùm của dân tộc thì Đạo Pháp Xã Hội Chủ Nghĩa không thể tôt lành.

Gần đây, hiện tượng Sư Minh Tuệ, sáu năm qua thực hành hạnh Đầu Đà đầu trần, chân đất, mang lõi nồi cơm điện thay bình bát, khất thực mỗi ngày chỉ ăn một lần, không nhận tiền bạc hay thực phẩm dư thừa, đắp y phấn tảo tự may từ vải nhặt được ngoài đường, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa… bốn lần đi xuôi ngược Bắc Nam đang gây xôn xao dư luận trong ngoài nước. Sư khiêm tốn xưng con với mọi người, không dám nhận mình là tu sĩ hay nhà sư, ông cũng nhấn mạnh trước đây từng có xuất gia vào chùa nhưng thấy không phù hợp nên ra đi và ông không liên quan đến giáo hội hay một chùa nào. Ông cố ý dùng lõi nồi cơm điện thay bình bát để không gây nhầm lẫn với các nhà sư. Ông xác định là người Việt Nam học theo lời Phật dạy và đi bộ là để rèn luyện sức khỏe, giữ thân tâm an lạc.

Đông đảo Phật tử, cả người không có đạo lẫn chức sắc Công Giáo, Cao Đài … đều xúc động kính ngưỡng phẩm hạnh tu hành của nhà sư và đều cảm nhận được đây là hình ảnh chân thực, sống động đức hạnh và hành trình của Đức Phật mà trước nay chỉ nghe thấy qua kinh sách. Có người xem Sư Minh Tuệ là hành giả hiếm hoi thực hành chính pháp hết sức nghiêm cẩn mẫu mực xưa nay hiếm người làm được. Có người xem Sư là vị Phật sống. Số người đồng tu tự nguyện cùng theo Sư hành trình càng lúc càng đông nay lên đến hơn 60 người. Trên mọi chặng đường đi hàng ngàn người dân địa phương đổ ra đường chào đón, đảnh lễ hay đồng hành. Mạng xã hội tràn ngập thông tin bày tỏ sự ngưỡng mộ, sự tỉnh thức, sự phát nguyện hướng theo giáo lý Phật học từ tấm gương hành trì đạo hạnh của sư. Không chỉ người trong nước mà nhiều người Việt từ nước ngoài đã bay về nước xin đồng hành. Ngày 29-5 vừa qua, thầy Minh Thiện một người Việt ở Mỹ về đồng hành mấy ngày đã viên tịch trên đường khất thực. Nhiều người đồng tu khác đã rời đoàn do không chịu nỗi thử thách khắc nghiệt của hành trình. Thế nhưng đoàn người đồng tu không giảm mà vẫn tăng lên hàng ngày.

Ấy thế nhưng nhiều chức sắc và ngay chính Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ lại có ý kiến, văn bản khẳng định Sư Minh Tuệ không phải là Tu sĩ Phật Giáo và lưu ý các tổ chức trực thuộc phải “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. (1)

Cả hai tổ chức quan trọng trên lại đưa ra yêu cầu rất đáng quan ngại là “Liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”

Không chỉ nói mà còn hành động. Thượng tọa Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bị Giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm sau khi ông đăng video khen ngợi Thầy Minh Tuệ. Thượng Tọa Minh Đạo phải quỳ sám hối với các nhà sư khác và xin thôi các chức vụ trong giáo hội là ủy viên thường trực của Ban trị sự tỉnh, phó Ban trị sự thị xã Phú Mỹ…. Chỉ còn là trụ trì Tu viện Minh Đạo đang cưu mang 64 trẻ mồ côi (2)

Sự việc chưa dừng lại ở đó, mạng xã hội đang lan truyền văn bản của Văn Phòng 2 Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội mời sư Minh Đạo làm việc vào ngày 4-6 về “nội dung thuyết giảng thiếu chuẩn mực”. Có thể sẽ còn có thêm sự trừng phạt mới từ cấp trung ương. Một nhà sư khen tặng người tu khác sao phải bị trừng phạt nặng nề như vậy?

Ai cũng thấy và chính Ban Tôn Giáo, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hôi cũng thấy thầy Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà của Phật Giáo nhưng tại sao lại phủ nhận ông không phải là tu sĩ. Chính pháp của giáo hội quốc doanh theo slogan Đạo Pháp Xã Hội Chủ Nghĩa khác với đạo pháp truyền thống như thế nào mà cho rằng tán than người tu theo hạnh Đầu Đà sẽ “xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”?

Trong cơ cấu quyền lực của thể chế cộng sản, tất cả các tổ chức tôn giáo được cấp phép đều là tổ chức ngoại vi của đảng, do đảng lãnh đạo, người điều hành đều là đảng viên. Phật giáo quốc doanh cũng vậy.

Để trả lời chính xác câu hỏi này cần vận dụng câu nói để đời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu “… Phải nhìn kỷ những gì cộng sản đã làm”.

Điều dễ thấy nhất là suốt mấy chục năm qua, đảng đã nhào nặn Phật giáo Quốc Doanh thành cơ sở kinh doanh tâm linh thu hút tài sản cúng dường của phật tử, doanh nghiệp. Đức Phật, bậc trí tuệ giải thoát bị biến thành vị thần linh chuyên thâu nhận và ban phát tiền bạc, chức quyền tuổi thọ, một tên quan tham nhận tiền cúng dường và đáp đứng lòng tham của người cầu cúng. Không chỉ là những ma tăng, sàm tăng Thích Chân Quang, Thích Thái Trúc Minh, Thích Nhật Từ, …. chuyên rao giảng niềm tin sai trái mê hoặc phật tử để thu tiền mà phần lớn nếu không nói là hầu hết các chức sắc phật giáo quốc doanh đều cùng một giuộc. Đằng sau mỗi ngôi chùa lớn đều có quan chức cao cấp đỡ đầu để cấp phát đất đai phá rừng nguyên sinh, chiếm lĩnh vị trí đắc địa để kinh doanh dụ lịch, địa ốc. Chùa Bái Đính, Ba Vàng, hệ thống hàng chục chùa Trúc Lâm diện tích hàng chục đến hàng trăm ha. Đặc biệt, Chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Nằm cách Hà Nội khoảng 70km, ngôi chùa này rộng 144 ha trong tổng diện tích 5.100 ha của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là điểm du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng.

Công cuộc kinh doanh của chùa ngày càng mở rộng chuyên nghiệp hơn, mỗi ngôi chùa lớn đều có công ty kinh doanh. Thiền Tông Phật Quang của Thích Chân Quang có công ty Pháp Quang kinh doanh đa ngành truyện sách, thời trang Phật Giáo, dược phẩm có hàng chục đại lý ở nhiều tỉnh thành. (3)

Chùa Giác Ngộ của Thích Nhật Từ có Quỷ Đạo Phật Ngày nay với hàng chục chương trình quyên góp cúng dường trai tăng, ấn tống kinh kệ… với nhiều phương thức đóng góp đa dạng online, offline (4)

Trái ngược hoàn toàn với chính pháp Phật Giáo truyền thống là hướng con người đến lối sống đơn giản thiểu dục, từ bi, thiện lành với cả chúng sinh, chính pháp của giáo hội quốc doanh kích hoạt lòng tham, vị kỷ của phật tử đến vô giới hạn không chỉ kiếp này mà đến cả kiếp sau thông qua việc vét túi cúng dường. Thuyết nhân quả, nhân duyên bị diễn dịch như cuộc đầu tư siêu lợi nhuận, kiếp này cúng dường trăm triệu kiếp sau thành tỉ phú. Mọi tội lỗi ác nghiệp gâ ra đều có thể mua chuộc hối lộ trời phật qua cúng dường.

Cũng giống như công cuộc đốt lò, chống tham nhũng của Đảng chỉ đốn chân đối thủ, thẳng tay với dân đen, bao che cho đồng bọn, xử lấy lệ những vụ đã bại lộ không thể che dấu, giáo hội quốc doanh cũng lờ đi, thỏa hiệp bao che cho những kẻ phạm giới, phạm pháp mười mươi. Với sư Ba Vàng Trúc Minh, việc cúng oan gia trái chủ lừa dân chiếm hàng chục tỷ đồng chỉ bị cách chức qua loa.Vừa phục hồi chức vụ, sư Ba Vàng lại bày ra việc xá lợi tóc phật đầy tai tiếng rồi cũng chỉ bị phạt sám hối, cấm tổ chức lễ hội quốc tế 1 năm. Điều quan trọng là Giáo Hội Quốc doanh cứ ỡm ờ không dám nói thật với dư luận đó là Xá Lợi Tóc thật hay chỉ là cỏ biêt đi bán tràn lan trên mạng.

Nguy hiểm nhất là với Thích Chân Quang ngoài những bài thuyết pháp thô bỉ về chuyện cúng nhà đất cho chùa, hay nhân quả nhảm nhí, ma tăng này còn dám sửa đổi nội dung ngũ giới cấm của đức Phật. Đây là quy ước quan trọng căn bản nhất cho đạo đức con người, Chân Quang đã bỏ giới cấm tà dâm và thay vào đó là cấm phản bội. Đây cũng là đặc trưng nhất của chế độ Cộng sản muốn biến mọi người đều trở thành nô lệ, công cụ ngoan ngoãn phục vụ cho chế độ độc tài. (5)

Chính vì vậy, Chính Pháp của Giáo Hội Quốc Doanh đối kháng 100% với Phật Pháp truyền thống. Phật giáo chân chính giúp con người gạn đoục khơi trong với bản thân, sống hài hòa thân thiện với tha nhân và lớn hơn là với cả chúng sinh. Chính Pháp quốc doanh là sự lừa mị, kích động lòng tham, sự lầm lạc của con người chạy cuốn theo giá trị vật chất, ảo tưởng quyền lực và trở thành thiêu thân cho đám ma tăng cộng sản.

Đức độ, phẩm hạnh tu hành của sư Minh Tuệ đã đánh thức lương tri con người, hồi sinh sức sống thanh khiết cho phật giáo truyền thống vô tình trở thành đối thủ nguy hiểm không chỉ cho bọn ma tăng mà còn có nguy cơ làm suy giảm quyền lực của chế độ độc tài.

Kiếp nạn lớn nhất đang chực chờ sư Minh Tuệ. Thầy ông Nội Lê Tùng Vân là quái nhân ngoài hành tinh hơn 80 tuổi vẫn loạn luân sinh con sòn sọt, lão tướng Trần Độ trên 70 tuổi còn bị bắt khi ăn nằm với gái, một tội ác nhơ nhớp không tưởng nào đó sẽ phủ lên, bôi đen phẩm hạnh của Sư Minh Tuệ trong một ngày không xa. Nguy hiểm hơn nửa, có thể sư Minh Tuệ sẽ đột nhiên vắng bóng như Tổ sư Minh Đăng Quang hay Đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Đó là sở trường chính pháp của Giáo hội Quốc doanh.

1-https://tuoitre.vn/ban-ton-giao-chinh-phu-va-giao-hoi-phat-giao-viet-nam...

2-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9een8k8yxdo

https://thientonphatquang.com/danh-sach-dai-ly-phap-quang/

3-https://quydaophatngaynay.org/cung-duong-hoc-phi-tang-doan-chua-giac-ngo...

4-https://baotiengdan.com/2024/05/25/ong-thich-chan-quang-tu-y-sua-doi-gioi-cam-va-dieu-nguyen-cua-phat-giao/

5-https://baotiengdan.com/2024/05/25/ong-thich-chan-quang-tu-y-sua-doi-gio...

🔝

Bộ Chính trị "lật kèo", Tô Đai tướng rớt kiếm phút 89

Thứ Ba, 05/21/2024 - 13:34 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

“Ba mươi chưa phải là tết”, “đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”. Danh ngôn của Tổng Trọng vô cùng thâm thúy, vận hành vô cùng vi diệu, cho thấy chính trường Việt Nam trắc trở, biến ảo không lường. Những tuyên bố chắc nịch trước ngày họp Quốc hội cho thấy Tô Đại tướng cầm chắc hai suất Chủ tịch nước và Bộ trường Công an. Bất ngờ ngay trước giờ đăng quang, Quốc hội trở cờ bổ sung chương trình nghị sự, thu hồi thanh thượng phương bảo kiếm đầy quyền lực. Tô Đại tướng trúng kế điệu hổ ly sơn, mất hết binh phù, chơ vơ trên chiếc ghế quá nhiều xui rủi. Số phận chính trị tương lai không biết sẽ về đâu. Với người dân, có thêm bài học mới, té ra Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chỉ là trò chơi của “cơ quan có thẩm quyền”.

Ở xứ Đông Lào, Chủ tịch nước là chức vị xui xẻo. Trần Đại Quang chết vì bệnh lạ, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ ở Kiên Giang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng liên tục gảy ghế sau thời gian ngắn ngủi. Trong lúc lửa lò đang cháy rực, nếu ngồi ghế Chủ tịch nước mà không có cơ chế quyền lực hậu thuẩn e rằng sinh mạng cũng khó bảo toàn. Dư luận trước nay đồn đoán Tổng Trọng sẽ nhất tiển hạ song điêu đẩy Tô Đại Tướng lên làm Chủ tịch nước để vừa tước quyền Bộ trưởng Công An vừa buộc phải ngồi vào ghế xui xẻo. Đúng như tin đồn, tin bế mạc kỳ họp Trung ương 9 khẳng định Trung Ương giới thiệu Tô Lâm vào chức vụ Chủ tịch nước để Quốc hộ bổ nhiệm Ngoài ra. có cuộc họp “lãnh đạo chủ chốt” (cơ cấu lãnh đạo chủ chốt này không thấy ghi trong điều lệ và các văn kiện của đảng tiêu chuẩn thế nào gồm nhưng ai, xem trong hình thì có 6 vị gồm cả Tổng Trọng và Tô Lâm) đánh giá lại nội dung kỳ họp. Tại cuộc họp “lãnh đạo chủ chốt”, Tổng bí thư chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước .” (1)

Đến thời điểm này điều nhiều người quan tâm là ai sẽ làm Bộ trưởng Công An vẫn còn bỏ ngõ.

Ngày 19-5, trong cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Báo chí thắc mắc về việc có phê chuẩn, miễn mhiệm chức vụ Bộ trưởng Công An với ông Tô Lâm. Ông Cường trả lời rất rỏ rằng “Trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 cũng chưa có giới thiệu nhân sự bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy Quốc hội kỳ này chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm với chức danh này. Ông Cường nhấn mạnh là “. "Do đó việc này cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị chưa có giới thiệu mới. Vì vậy trong chương trình nghị sự kỳ họp thứ 7 chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm với chức danh bộ trưởng Bộ Công an". (2)

Đến đây mọi người đều nghĩ rằng Tô Lâm sẽ một đít hai ghế vừa Chủ tịch nước vừa bộ Trưởng Công an. Ngay một số cơ quan báo chí nước ngoài đã phân tích bình luận Chủ tích nước kiêm Bộ Trưởng Công An là vi hiến và tạo ra nhiều hệ quả trái khoáy trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Có người cho rằng với vai trò lãnh đạo song trùng như vậy, Tô Lâm sẽ như hổ mọc cánh. Có người lo ngai nó tăng tính công an trị…. Nói thật, trẻ con khi bố mẹ buộc bốc c… ăn 10 đứa thì có đến 9 sẽ thắc mắc, không làm. Ấy vậy mà gần 500 đại biểu Quốc hội dũng cảm, thông thái, của Đông Lào không hề có ý kiến thắc mắc vẫn ngoan ngoãn thông qua chương trình, vẫn làm việc bình thường theo chương trình đã định.

Sáng ngày 21-5, báo chí tiếp tục thông tin “Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, vào cuối chiều 21-5, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, từ 16h30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu sẽ về thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Các quy trình tiếp theo sẽ thực hiện vào sáng 22-5.” (3)

Việc Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an tưởng như là chắc chắn chỉ còn tính bằng giờ. Ấy thế mà ngay trưa 21-5, gió bổng đảo chiều, báo chí đồng loạt thông tin căn cứ ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ quy định pháp luật, xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình các đại biểu xem xét thông qua điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ngay sau đó, như đàn cừu quen đươc chăn dắt, Quốc hội đã rụp rụp biểu quyết tán thành việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Kẻ duy nhất cả gan không đồng ý với việc bổ sung chương trình kỳ họp ắt hẳn có quyền lợi thiết thân với chương trình cũ. (4)

May mắn sao vào phút 89 của trận đấu “cơ quan có thẩm quyền” lại đổi ý, tình cờ cứu Hiến Pháp khỏi vứt vào sọt rác. Trên sàn đấu, Tô Đại tướng đang hiên ngang như Quan Công đơn đao phó hội bổng nhiên thất thế như bị Lã Mông đánh úp Kinh Châu.

Bất giác người ta tự hỏi tại sao “cơ quan có thẩm quyền” lại đổi ý nhanh như vậy? Việc miễn nhiệm Bô trưởng Công an khi chuyển vai trò thành nguyên thủ quốc gia vốn là định chế pháp luât, quyền quyết định hoàn toàn năm trong tay “cơ quan có thẩm quyền”. Tại sao không quyết định từ đầu. Dù cho Quốc hội Đông Lào chỉ là sân khấu kịch nhưng các diễn viên ở đây quen diễn vai chính kịch, luôn trịnh trong cân đai áo mão, bằng cấp toàn giáo sư tiến sĩ. Việc đàn cừu đại biêu tự vả vào mặt mình đến hai lần kém duyên xe so với Hoài Linh ngoái mông hay Công Lý trề môi.

Phải chăng do thất thế phải ủ mưu? Phải chăng “Cơ quan có thẩm quyền” cũ thiếu quân ít tướng không đủ phiếu ép Tô Đại tướng văng ra khỏi Bô Công an nên theo kế Minh tri cố muội, giả vờ ngây dại yếu đuối thuận theo yêu sách “một đít hai ghế” của Tô Đại tướng. Khi ván đã đóng thuyến, “Cấp thẩm quyền” đã bổ sung 4 nhân lực bèn ra kế mới Du long chuyển phượng, tách hai ghế hai nơi, đẩy Tô vô cửa tử.

Trong tay “Cơ quan có thẩm quyền” hiện có tướng Trần Quốc Tỏ, Phan Đình Trạc, Trần CẩmTú, Nguyễn Hòa Bình. Tất cả đều là Ủy viên Bộ chánh trị, đã từng lãnh đạo ngành, địa phương và đều đang là đại biểu Quốc hội, 100% đạt tiêu chuẩn Bô trưởng Công an cứng khừ. Các đàn em của Tô Đại tướng đều còn non xanh, Ủy viên trung ương chưa tròn một khóa, không có đại biểu Quốc hôi, làm gì có cửa cạnh tranh.

Giấc mộng đổi ngôi của Tô Đại tướng e rằng bất thành. Dân Đông Lào không biết nên vui hay nên buồn. Thoát nguy cơ làm thần dân của bạo chúa từng xua quân giết cụ Lê Đình Kình, bắt bớ đàn áp biết bao người bất đồng chính kiến, dân vẫn phải tiếp tục sống trong ách cai trị của thái thú thiên triều dâng biển cho Formosa, đem núi rừng tây nguyên nuôi bo xít, …Một thái thú theo gương Putin, Tập Cận Bình nuôi giấc mơ hoàng đế suốt đời bất chấp lợi quyền dân tộc, ngay cả kỷ cương phép nước. Hiển hiện cụ thể trong lần này, Quốc hội, Hiến pháp bị biến thành hề trong cuộc chơi quyền bính.

1-https://tuoitre.vn/dai-tuong-to-lam-va-ong-tran-thanh-man-duoc-trung-uon...

2- https://nld.com.vn/chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-t...

3- https://tuoitre.vn/hom-nay-quoc-hoi-bat-dau-quy-trinh-bau-chu-tich-nuoc-...

4- https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an...

🔝

Trung ương 9 vở trận: Bộ Chính trị sứt mẻ, Chính phủ xộc xệch, Quốc hội chông chênh.

Chủ Nhật, 05/19/2024 - 17:49 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Rất hiếm hoi bản tin bế mạc kỳ họp của Trung ương Đảng lại thiếu cụm “từ thành công tốt đẹp”. Hôm qua hầu hết báo chí lề đảng đều đăng tin bế mạc hội nghị Trung ương 9 với câu mở đầu thiếu phấn khởi là “Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 18/5.” (1)

Nội dung quan trọng nhất của hội nghị này là nhân sự, các nhân vật chủ chốt ai lên, ai xuống, ai bị kỷ luật như thế nào và mức độ nào? Hóa ra kết quả đúng như tin đồn và thông tin mờ mịt càng làm người ta thất vọng.

Khai trừ khỏi Đảng Dương Văn Thái, bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Mai Tiến Dũng, nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là chuyện đương nhiên vì tất cả đã vô lò. Lần thứ hai cách chức (tất cả các chức vụ) trong Đảng với Lê Thanh Hải làm người ta phải nén cười đến sặc, còn người dân Thủ Thiêm phải nén lời nguyền rủa. Trên trái đất này không quốc gia nào sáng tạo hình thức kỷ luật cách chức người đã về vườn mười năm trước mà lại làm đến hai lần. Chỉ riêng tội ác Lê Thanh Hải đã gây ra với Thủ Thiêm trời không dung, đất không tha, thêm chuyện đỡ đầu cho Trương Mỹ Lan cướp tiền dân, chiếm đất vàng lại được tha bổng nhẹ nhàng như vậy thì đốt lò, chống tham nhũng chỉ là trò đùa.

Bà Trương Thị Mai được hay bị cho thôi giữ các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để nghỉ công tác vì đã có vi phạm về các điều đảng viên không được làm? Sau lưng bà Mai không thấy có doanh nghiệp sân sau nào bị truy tố. Thư ký của bà chứng như cũng yên lành?

Chuyện kỷ luật, đưa ra đã bất ổn, chuyện đưa vô, đưa lên cũng lấp vấp, lưng lơ tạo ra hệ quả bất cân xứng của hệ thống lãnh đạo từ đảng đến chính phủ, quốc hội.

Hội nghị bầu bổ sung vào Bộ Chính trị bốn người: Lê Minh Hưng, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cả bốn đều chuyên về công tác đảng, trừ Lê Minh Hưng làm Trưởng ban Tổ Chức là có vai trò thực chất, Ban Dân vận, MTTQ chỉ là chức vụ danh dự không mấy thực quyền. Ban Tuyên Giáo thì trong quá khứ ông Trần Độ, Trần Trọng Tân không cần vai vế Bộ Chính Trị vẫn tạo dấu ấn mới mẻ trong Đảng lẫn đời sống xã hội.

Điều quan trọng nhất mà chủ lò, Tổng Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc là “Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai Hội nghị mạc vào ngày 20-5” (2)

Kết quả gượng gạo của việc “dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội” là đưa Tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Trần Thanh Mẫn làm Chủ Tịch Quốc hội. Điều đáng sợ là kết quả này dẩn đến hình ảnh Tứ Trụ có đến 2 trụ là tướng Công An. Trong Bộ Chính Trị 16 người hiện nay có đến 5 gốc Công An, 3 tướng Quân Đội. Hình ảnh đậm đặc của bộ máy Đang trị lại thêm Công An, Quân Đội trị không mấy thiện cảm đến e dè của thế giới hiện đại.

Nếu xem việc bầu chọn những nhân sự mới là cái được, là kết quả thì cái được ấy chỉ phục vụ ý chí cá biệt của một ai đó, còn nhìn trên góc độ lợi ích bộ máy nhà nước thì đó là sự bổ sung lệch lạc làm biến dạng, mất cân đối nguồn lực lãnh đạo cao nhất đất nước. Điều này càng thấy rỏ hơn với khiếm khuyết hai chiếc ghế đã gãy chưa được bổ sung.

Theo cơ cấu truyền thống xưa nay và ngay trong khóa 13 này, Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng thường trực phải là Ủy Viên Bộ Chính Trị. Đây không phải chuyện hình thức mà là cơ chế quyền lực cần thiết để điều hành chính phủ. Các lãnh đạo bộ ngành đều là Ủy viên Trung ương, nếu Phó Thủ tướng thường trực không là Ủy viên BCT thì cá mè một lứa khỏ thể điều hành. Từ sau khi ông Phạm Bình Minh bị cưa ghế, các Phó Thủ tướng còn lại đều mới chỉ là Ủy viên Trung ương. Hiện tượng trên bảo dưới không nghe ngày càng rỏ. Tốc độ giải ngân vốn ngân sách chậm, bất động sản ùn ứ, chứng khoán đỏ sàn, giá vàng tăng phi mã.

Nguy hiểm hơn nữa, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp 7, Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm, song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm. (3)

Việc đưa Tướng Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước khi chưa có người thay thế làm Bộ trưởng Công An tạo ra hình ảnh dị dạng về bộ máy nhà nước. Nguyên thủ quốc gia lại là thành viên chính phủ kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an.

BBC News Tiếng Việt ngày 19/5 dẩn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời và phân tích gia chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói rằng theo quy định hiện hành của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, chủ tịch nước không thể kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an.

Theo Hiến pháp 2013, chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, giữ vai trò là Người đứng đầu lực lượng vũ trang nhân dân và Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Hiến pháp cũng quy định, chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Trong khi đó, bộ trưởng Công an là thành viên Chính phủ, lại chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực được phân công phụ trách.

"Việc kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước. Ngoài ra, điều này cũng không phù hợp với tinh thần tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

"Vì những lý do trên, theo quy định hiện hành, trường hợp chủ tịch nước kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị Việt Nam," ông Hợp nói, nhấn mạnh thêm rằng các chức vụ lãnh đạo quan trọng này đều phải được tách bạch và bổ nhiệm cho các cá nhân khác nhau để đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Do chức chủ tịch nước độc lập với chính phủ nên trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm sẽ dẫn đến sự "tréo ngoe" trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chính phủ.

Điều 88 Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn là "đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ".

Như vậy, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.

Nhưng đồng thời, với cương vị bộ trưởng thì ông Tô Lâm lại dưới quyền Thủ tướng Chính. Ông Tô Lâm chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông Chính về lĩnh vực được phân công phụ trách.” (3)

Với ý kiến xác đáng như vậy rõ ràng là Bộ Chính Trị đã đạp trên Hiến Pháp và ép buộc Quốc hội bầu bán vi phạm Hiến Pháp. Một nguyên thủ quốc gia không hợp hiến lại thêm quá khứ ăn bò dát vàng và đồng phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sẽ giao tiếp ra sao với các nguyên thủ quốc gia khác trên trường quốc tế?

Ngoài những phân tích của BBC còn một thực tế nửa là nếu khi Quốc hội bầu ra Bộ trưởng Công an mới thì ông Chủ tịch nước Tô Lâm phải tự ký quyết định miễn nhiệm chính mình trong vai trò Bộ trưởng Công an.

Chưa hết, cũng theo cơ cấu xưa nay, Quốc hội có hai Ủy viên Bộ Chính trị cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường trực. Như trong khóa này, ông Huệ gãy ghế có ông Mẫn thay ngay. Bây giờ chỉ có mỗi ông Mẫn nhở từ nay đến cuối khóa ông Mẫn gảy thì lấy ai thay thế? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì trước kỳ họp, nguồn tin dư luận luôn chính xác 100% đã gọi tên ông Mẫn với thành tích lem luốc từ hồi còn làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Làm Tổng Bí thư, trường tiểu ban nhân sự ba nhiệm kỳ đại hội hơn ai hết ông Trọng thuộc bài về cách tổ chức guồng máy lãnh đạo, nhưng tại sao lần này ông sắp ghế trật rơ tạo ra bộ máy xộc xệch có hệ thống như vậy?

Phải chăng đây là hậu quả cuộc đấu đá bất phân thắng bại ở đấu trường hội nghị Trung ương 9? Chức vụ ma ám Chủ tịch nước là nước cờ điệu hổ ly sơn mà Tổng Trọng muốn đẩy Tô Lâm ra khỏi cái ghế quyền lực chết người Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, bị mất ít nhất là ba đàn em thân tín ở Bộ Chính Trị, sức lực của Tổng chỉ đủ hất Tô lên chức mới mà không thể thay ghế ngay tức khắc. Tổng muốn củng cố quyền lực, tăng số phiếu của phe ta Tổng chỉ điền vào chỗ trống thêm 4 cái tên thân tín. Đưa Lương Cường lên làm Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Trọng Nghĩa vào BCT, Tổng lôi kéo phe Quân đội vào cuộc, sẽ dứt điểm Tô Lâm qua vụ án Xuân Cầu trong tương lai gần trước đại hội 14?

Về phía Tô Lâm, phải ngồi vào ghế xui xẻo không như ý muốn nhưng vẫn đạt mục tiêu suất đặc biệt ngồi lại nhiệm kỳ sau là một bước tiến. Chưa đưa đàn em thân tín thay mình làm Bộ trưởng nhưng vẫn giữ nguyên quyền lực chưa phải là thất thế. Có thêm vị thế mới là thống lỉnh các lực lượng vũ trang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Cài cách Tư pháp, Tô Lâm có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn lực mới. Với thế lực đó việc tiếp tục đốn trụ, cưa ghế các Ủy Viên Bộ chính trị còn lại không phải là điều khó khăn. Đã vào đến Trung ương quan chức nào không có sân sau. Lê Minh Hưng có thời gian làm Thống đốc Ngân hàng, trách nhiệm liên quan với SCB và Trương Mỹ Lan vẫn chưa được nhắc đến. Ngay cả Tổng Trọng nếu quy trách nhiệm Trưởng Tiểu Ban Nhân sự, Tổng bí thư chọn nhầm đến 1/3 Ủy viên Bộ chính trị dính chàm, hàng tá Ủy viên Trung ương vào tù, trách nhiệm người đứng đầu của Trọng còn nặng gấp nhiều lần người khác. Huống hồ chi, Trọng đạp lên điều lệ đảng ôm ghế Tổng bí thư ba khóa và chứng như vẫn chưa muốn nhả ra.

Cuộc đấu chắc hẳn còn dài, ai thắng ai còn tùy tương lai. Nhưng người bên thất bại rõ nhất là đất nước Việt, dân tộc Việt. Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo với chính phủ Hà Nội, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính, hệ quả của công cuộc đốt lò. (5)

Kinh tế tuột dốc, cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ…

Trung Quốc là bậc thầy trong việc lợi dụng những khoảng trống, mâu thuẫn quyền lực trong nước để xâm chiếm nước ta. Nay biển Đông dậy sóng sức ép Tàu Cộng. CamPuChia mở cửa cho Tàu xây căn cứ quân sự, đào kinh Phù Nam. Những nguy cơ đang hiển hiện ngay trước mắt thế nhưng Trung Đảng, Bộ chính trị mãi đánh nhau giành ghế. Quốc hội ngoan ngoãn thản nhiên ngồi bấm nút bầu chọn lãnh tụ vi hiến. Những tiếng nói bức xúc của người dân bị quy chụp lợi dụng quyền dân chủ, lật đổ chính quyền. Ôi đất nước! Hồn thiêng sông núi hãy thấu soi!

1-https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-9-khoa-xiii-119240518102522742.htm

2-https://tuoitre.vn/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-9-thong-nhat-cao-phuong-an...

3-https://thanhnien.vn/chua-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-cong-an-cua-ong...

4-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckddwe5k9pjo

5-https://www.voatiengviet.com/a/7616107.html

🔝

Vì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam cáo buộc sư Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật giáo”?

Thứ Sáu, 05/17/2024 - 18:27 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, mấy chục năm qua Phật giáo Nhà Nước đã biến tướng theo mô thức chùa to phật lớn, pháp giới buông lung. Bầy đàn Thích Cúng Dường, Thích Chuyển Khoản, Thích xe sang … nặn ra những cơn mê cúng vong, giải hạn, cầu siêu, biến phật tử thành con nhang cuồng tín, kích hoạt lòng tham điên đảo hối lộ thần linh như một cuộc đầu tư.

Sự kiện sư Minh Tuệ thực hành Hạnh Đầu Đà, đầu trần chân đất suốt 6 năm, 4 lần đi xuyên Việt tu rèn phẩm hạnh, gột bỏ bản ngã, tìm sự an lạc thân tâm như ánh đuốc giữa đêm đen, cơn mưa trong mùa hạn. Hàn trăm, hàng ngàn người kính ngưỡng, hoan hỉ tháp tùng cùng sư trên chặng đường dài hàng trăm cây số từ Cao Bằng về tận Hà Tỉnh, Quảng Bình … là hiện tượng hiếm có. Nếu biết vận dụng, trân quý giá trị màu nhiệm của Phật pháp thì đây là cơ hội hoằng dương chánh pháp. Phẩm hạnh và con đường thực hiện đại nguyện của nhà sư cần được trân trọng. Thế nhưng thật bất ngờ, ngày 16-5 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản nội dung lạnh lùng, ác ý như dội cả núi băng vào niềm hy vọng vừa lóe sáng của chư Phật tử và những người dân Việt có tín ngưỡng nói chung.

Trong quá trình giao tiếp với đại chúng đồng hành, sư Minh Tuệ đã chia sẻ ý chí buông xã của mình. Khởi đầu quá trình khổ hạnh ông đã bỏ điện thoại, khóa Fb, xé bỏ cả giấy tờ tùy thân và không còn nhắc đến thế danh. Đã từng thọ giới, xuất gia, xưng sư với mọi người, khi thực hiện Hạnh Đầu Đà ông buông bỏ những nghi thức vướng mắc ấy, xác định mình chỉ là học trò thực hành theo hạnh nguyện và lời dạy của Như Lai, xưng con với mọi người, đối xử kính trọng, bình đẳng xem tất cả đều là cha mẹ anh em. Khiêm tốn nhưng thẳng thắn ông không ngại khẳng định với báo chí mình “không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. (1)

Ấy vậy mà Giáo hội Phật giáo lại cất công lôi ra tên tuổi, quá khứ của ông để khẳng định: "Qua tìm hiểu xác minh, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải tu sĩ Phật giáo, không tu tập và hiện không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở thờ tự nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội".

Văn bản đề nghị “Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN.” (2)

Không hiểu các chức sắc Giáo Hội hiểu thể nào là Tu sĩ Phật Giáo mà kết luận thầy Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ?

Ngay trên các trang web của Giáo hội, nhiều bài viết đã trích dẫn định nghĩa từ kinh điển sau đây “Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: “Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định”. (3)

Phật giáo căn bản là hệ thống giáo lý giải thoát, chỉ đường cho đại chúng tự giác hành trì. Tu Sĩ chỉ là khái niệm định danh. Nó khác hoàn toàn với 19 điều cấm đảng viên làm hay các phẩm hàm bí thư, chi ủy viên… theo hệ đảng.

Theo định nghĩa của kinh điển phật học đó, thầy, hay sư Minh Tuệ hoàn toàn xứng đáng là Tu Sĩ. Phải chăng các đồng chí Giáo Hội dựa vào cái gọi là Hiến Chương của Giáo hội Quốc doanh năm 1981 quy định phải đăng ký, được các đồng chí Giáo hội cho phép mới là Tu Sĩ?

Tương tự, căn cứ vào đâu các đồng chí lại kết luận một người nghiêm cẩn hành trì Hạnh Đầu Đà khắc khổ, kiên trì giữ giới luật, thân tâm buông xã, đã đi bộ hàng ngàn cây số và phát nguyện sẽ đi đến khi tịch diệt là không tu tập?

Văn bản này ngay lập tức được guồng máy tuyên truyền của đảng phát tán với tất cả sức mạnh. Chỉ sau 1 ngày search từ khóa “Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ” trên Google sẽ có đến trên 4 triệu lượt tìm kiếm. Ngược lại, văn bản đã gây phản ứng dữ dội trên cộng đồng mạng.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nguyên Thư Ký Tòa Soạn báo Thanh Niên đã viết trên fb “Giáo hội Phật Giáo không có quyền nói Ngài Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật Giáo mà chỉ được quyền nói rằng: không phải là tu sĩ của giáo hội.

Ngài Minh Tuệ chưa bao giờ nói mình là sư mà chỉ nói là đang học tập tu hành theo lời dạy của Phật Thích Ca.

Ngài không nhận ngài là sư, nhưng tui là người dân tui muốn xưng tụng ngài là sư đó là quyền của tui.

Cũng tương tự như vậy, những người dân mến mộ khác có quyền tôn Ngài lên là thánh tăng, là Đức Bồ Tát, là bậc chân tu, là Hành Giả … đó là quyền của mỗi người. (Có người vẫn tôn ông Đỗ Mười là Bồ tát đấy thôi)

Độc quyền lời dạy của Đức Phật, độc quyền kinh phật là sự lố bịch. Tất cả mọi người đều có quyền học theo lời dạy của Phật, tu theo kinh Phật và đều có thể là tu sĩ nếu như họ muốn.” (4)

Nhà giáo Thái Hạo bức xúc có hai bài viết về văn bản này, trong đó bài “Giáo hội và tinh thần Bi - Trí – Dũng của nhà Phật” có đoạn cảm thán:“Riêng cá nhân tôi cho rằng, nội dung của văn bản này thiếu hẳn tinh thần Bi - Trí - Dũng của Phật giáo.

Bi, tức từ bi, là lòng thương yêu con người, thương yêu chúng sinh với tâm rộng lớn. Khi thấy có một người dân bất kỳ phát tâm tu hành, nhất lại là tu khổ hạnh theo giáo lý của Phật (đầu trần chân đất, ba y một bát, ngày ăn một bữa, tối ngủ nghĩa địa...), thì đáng ra với tư cách là một cái hội của các tu sĩ Phật giáo, GHPGVN nên thể hiện tâm từ bi, thương yêu và che chở; nhưng không, Giáo hội lại ra một văn bản mà điều đầu tiên là phủ nhận tư cách nhà tu hành của người dân ấy, tiếp theo là chỉ đạo “ngăn chặn” “ảnh hưởng” từ người này….” (5)

Luật sư Luân Lê có nhận xét sắc sảo về phong thái thể hiện, tính chất của văn bản này nặng tính hành chánh mà không có sắc thái tôn giáo. “Một văn bản được thảo lập bởi một Hội đồng cao nhất (xét trên tính chất và việc phân cấp tổ chức) về tôn giáo nhưng điều nổi bật lên trong bản văn đó hoàn toàn là một điển hình của lối biểu văn hành chính, và ngay cả nội dung của nó cũng không mang dấu tích gì của các yếu tố tôn giáo mà chủ yếu đề cập đến các vấn đề vốn nằm ngoài các phận sự của chính nó, không những thế chúng còn phản ánh một thứ tâm lý bất an và tự ti và thiếu tôn trọng về chính địa vị của tôn giáo (không cho thấy sự chánh ngữ, chánh tư duy thuần khiết). Từ thể thức văn bản, cấu trúc văn phạm và khách thể được điều hướng đều tô đậm một thứ phẩm chất (mệnh lệnh/uy thế) của một hành động hành chính trong việc đưa ra một tuyên cáo về sự quản lý hơn là thông cáo theo lề lối tôn giáo.” (6)

Biết nói sao bây giờ! Muốn biết cái Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội này thuộc đơn vị nào phải hỏi ngài Tô Đại Tướng, hàng năm họ đều nghiêm cẩn chúc tết bác Tô.

Không phải dư luận khách quan mà cả nhưng quan chức có hiểu biết của nhà nước cũng bức xúc. TS Hoàng Đình Chung (Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo) có bình luận về văn bản của Giáo hội. Theo ông, Giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà Giáo hội quản lý.

Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.

‘Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo hội Phật giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam” - TS Chung bày tỏ.

TS Chung cũng cho rằng bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.

“Theo tôi, văn bản của Giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, Giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong Giáo hội của mình” - ông Chung nói. (7)

Không thể trách các đồng chí Giáo hội nặng mệnh lệnh mà thiếu từ bi, giỏi ní luận mà bất cần kinh điển. Trung thành tuyệt đối là quy tắc, là nguyên lý của đảng. Với Giáo hội Quốc doanh khẩu hiệu Đạo Pháp- Dân Tộc- Chủ Nghĩa Xã Hội là để nói nhưng khi làm thì ngược lại. Chủ nghĩa xã hội phải là cái đầu tiên, quyết định, đạo pháp chỉ là thứ phông màn che mắt đại chúng. Tinh túy đạo pháp Phật giáo là đánh thức giá trị tốt đẹp của con người, trong đó cảnh giới cao nhất là tự do, thoát ra khỏi ràng buộc của danh lợi quyền, tham sân si.

Trong tầm nhìn của chư đồng chí quý thầy cấp Giáo hội, sự mê tín, tham cầu của phật tử, đại chúng, là nguồn thu vô tận. Phải cúng dường bằng tiền mệnh giá cao mới có nhiều phước. Phải cúng nhiều tiền để hưởng ở kiếp sau hoặc hóa độ cho người thân….

Nếu Phật tử giác ngộ theo chân lý của Phật theo gương hành của sư Minh Tuệ xem tiền tài vật chất là hư không thậm chí là nguồn gốc phiền não. Ai cũng sống thiểu dục hành thiền thì còn ai cúng dường?

Với tầm nhìn của cấp cao hơn, người dân cần phải ngoan ngoãn ràng buộc trong vòng xoáy xin cho. Thần phục tuyệt đối trong sự lãnh đạo anh minh, tôn kính những cán bộ ưu tú, thanh liêm như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ.

Phát đại nguyện hành trì khổ hạnh thoát ra mọi ràng buộc như Minh Tuệ là mầm mống nuôi dưỡng tự do, đó là điều tối kỵ. Càng nguy hiểm hơn, thầy Minh Tuệ đã tạo tiếng vang lớn, thu phục tình cảm yêu quý, sự kính trọng và nhất là ít nhiều đánh thức tâm đạo của công chúng.

Vòng kim cô Minh Tuệ “không phải là Tu Sĩ” không phải phải mới mẽ. Nó là khởi đầu cho trùng trung kiếp nạn sẽ đổ xuống cho vị sư này. Hoạn nạn của cụ Lê Tùng Vân cũng bắt đầu từ vòng kim cô này. Tu không đăng ký, giả tu rồi sau đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 331, loạn luân. Không thể lấy lòng ngay đo bụng kẻ gian. Không thể đoán được thầy Minh Tuệ sẽ phải hứng chịu những kiếp nạn gì nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không nhẹ hơn cụ Tùng Vân.

1- https://vnexpress.net/ong-thich-minh-tue-noi-chua-tung-nhan-la-tu-si-474...

2- https://vov.vn/xa-hoi/giao-hoi-phat-giao-khang-dinh-su-thich-minh-tue-kh...

3- https://vatphamphatgiao.com/cu-si-la-gi/

4- https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/pfbid0fYLsGqH9FceTpMUThrHHrJi...

5- https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02tPvJDDxMoS6RdMv...

6- https://www.facebook.com/HienTheVoCung/posts/pfbid0B8FgocDM4qLBm3PvXLRx4...

7- https://plo.vn/hien-tuong-su-thay-thich-minh-tue-nhieu-nguoi-dang-nghien...

🔝

Hội nghị Trung ương 9, cuộc sống mái giửa các phe nhóm?

Thứ Tư, 05/15/2024 - 16:02 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Bí mật vĩ đại của đảng mà ai cũng biết là hội nghị trung ương 9 diễn ra từ ngày 16 đến 18-5 để cho phép thêm một trụ thứ năm xin nghỉ theo nguyện vọng và điền vào chỗ trống những chiếc ghế bị cưa chân . “Chiều nay” là đất nước tự do… tin đồn. 800 tờ báo lề đảng chỉ đăng lại những tin đồn được tuyên giáo cấp phép không hề hé răng về hội nghị này. Hơn một tuần qua, tin đồn lao xao về ngày họp, anh nào lên, chị nào xuống nhưng chừng như các tinh hoa của đảng ở trển chưa vừa ý với nhau nên danh sách cứ thay đổi lung tung. Riêng ngày họp thì chắc như bắp trùng khớp với nhau. BBC tiếng Việt còn cất công kiểm chứng dò tìm trong lịch làm việc của các cấp ủy địa phương và phát hiện có hai Bí Thư tỉnh là Ủy viên TƯ đi họp vào các ngày nói trên.

Đất nước không thể một ngày không có vua. Ấy vậy mà nhờ công chăm chỉ đốn củi thần tốc của Tô Đại Tướng mấy tháng qua, hai trong tứ trụ triều đình đã bị cưa gãy, trụ quan trọng nhất già yếu trùm chăn trong phòng ICU quân y viện 108 suốt không mấy khi xuất hiện. Năm trên 18 vị thượng tầng nhà đỏ đã về vườn làm người tử tế đến nay vẫn chưa có người thay. Khoảng trống đáng sợ ấy kéo dài làm thế giới nghi ngại, nhà đầu tư nước ngoài tới thăm rồi quay đi không trở lại. Trung ương mấy lần họp bất thường nhưng chỉ đủ sức bỏ phiếu cho nghỉ theo nguyện vọng và chỉ định người thay thế tạm thời chứ không chọn được người chính thức. Không phải đảng thiếu người tài! Dù rơi rớt hơn 20 ủy viên, Trung Ương đảng vẫn còn trên 150 tinh hoa ưu tú do đảng trưởng dày công chọn giới thiệu và được đại hội 13 sáng suốt bầu chọn kia mà. Vai vế ủy viên nhà đỏ tối cao quyền lực ngất trời, lợi lộc sân trước sân sau vô đối, một lời nói ra trị giá ngàn vàng bốn số chín ai lại không ham.

Cái khó hiện là Tô Đại Tướng đốn củi quá hăng, cổ thụ tươi xanh cũng thành củi lớn, lửa đang phừng phừng làm chủ lò suýt bị cháy râu, cháy áo. Sắp ghế không khéo Tô Đại Tướng thêm vi thêm cánh, quyền lực độc tôn có khi đến lượt chủ lò thành củi. Ngược lại, sắp ghế trái ý, Tô Đại Tướng xuống đao càng ngã ngựa lẹ hơn. Chính vì vậy phải cần thời gian hạ thấp uy phong, xây dựng lực lượng liên hoành hợp tung trước khi bày bát quái trận đồ hội nghị trung ương 9.

Sau đòn sấm sét hạ gục Huệ Vương, Tô Đại Tướng dùng mồm mép của Tô Ân Xô phát ngôn với báo chí vuốt ve Tổng Trọng có lời khen Bộ Công An và dặn dò tiếp tục đốt lò thượng tôn pháp luật. Một cách tế nhị vừa nhường công cho Tổng Trọng, vừa bày tỏ lòng trung thành. Ấy nhưng ai chẳng biết Huệ Vương là truyền nhân Tổng Trọng dày công, kiên trì nâng đỡ từng rớt Ủy Viên Bộ Chính Trị vẫn tiếp tục đưa vào khóa sau. Huệ Vương đi triều kiến thiên triều, bắt tay hội đàm với Tập Chủ hẳn là do Tổng Trọng tiến cử để giới thiệu, cầu phong. Phạm Thái Hà thư ký Huệ Vương cũng có mặt trong phiên họp cấp cao bị bắt khi vừa xuống sân bay. Huệ vương mất chức mấy ngày sau đó dù Bộ Trưởng Tư Pháp Hạ Vinh của Tập bay sang can thiệp. Vừa mất quân tướng, vừa nhục mặt với thiên triều. Lẽ nào Tông Trọng có thể xóa được “thâm tình” của Tô Đại Tướng? Tổng phải ra tay!

Sau khi có thông tin triệu tập hội nghị Trung ương 9, tình hình có những chuyển biến mới khá nóng. Ngày 10-5, trang Báo Tiếng Dân đăng bài “Ai bảo kê cho Tập đoàn CityLand cướp đất quốc phòng?”. Một hồ sơ chi tiết những sai phạm của tập đoàn CityLand được sự đỡ đầu của cha con đại tướng Phùng Quang Thanh và đại tá Phùng Quang Hải kéo dài hàng chục năm qua. Tài sản vi phạm trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Kèm theo bài là những tài liệu khá thuyết phục mà chỉ là quan chức cấp cao trong ngành nội chính mới có. Đặc biệt, trong bài có đoạn “Mới đây, hôm 2-5-2024, UBND tỉnh Hoà Bình ra quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi cho liên danh CTCP Xuân Cầu Holdings với Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand). Diện tích phê duyệt là 60,3 hecta, tổng vốn 5.500 tỉ đồng. Trong đó Xuân Cầu góp 85% vốn, CityLand góp 15%”. (1)

Tiếp đó, ngày 12-5, Tiếng Dân đăng bài “Tập đoàn Xuân Cầu và các đại dự án hàng chục ngàn tỷ”

Bài báo đã điểm danh chi tiết những dự án, tài sản kếch xù của Tập Đoàn Xuân Cầu của gia đình ông Tô Dũng là em ruột của Tô Lâm. Bài báo kết luận rằng “Đến đây, mọi người có thể hiểu vì sao Tập đoàn Xuân Cầu không những thâu tóm bất động sản, mà còn trúng thầu, được chỉ định thầu các đại dự án có vốn đầu tư từ ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt hơn nữa, chưa bao giờ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hay các cơ quan điều tra nào dám nhắc đến cái tên Xuân Cầu trong các báo cáo hoặc bêu tên trên truyền thông của đảng.

Nhiều cây bút sừng sỏ, các KoLs trên mạng xã hội, từng chỉ trích đích danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ trưởng… về vấn đề nọ kia, nhưng tuyệt đối chưa bao giờ họ dám đụng đến Tô Dũng và “đế chế” Xuân Cầu” (2)

Từ thông tin hai bài báo này cho thấy, do sai phạm của CityLand liên quan đến quân đội nên về thẩm quyền, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng có thể thụ lý điều tra. CityLand liên quan đến Xuân Cầu nên vụ việc có thể mở rộng điều tra đến Xuân Cầu. Phải chăng đây là gót chân Asin của Tô Đại Tướng. Tuyệt chiêu khởi tố doanh nghiệp sân sau để đốn cổ thụ chống lưng có thể được áp dụng trong trường hợp này?

Sáng 13-5, báo chí đưa tin Đại tá Vũ Như Hà, quê quán ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cư trú tại xã Phước Kiến, huyện Nhà bè, thành phố Hồ Chí Minh, từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc công an tỉnh Lạng Sơn ông Thái Hồng Công vừa được Bộ Công an cho thôi chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn. (3) Có tin đồn cho rằng ông Thái Hồng Công và toàn bộ Ban Giám Đốc công an Lạng Sơn đã bị bắt về tội gián điệp.

Phải chăng, trước hội nghị trung ương 9 uy thế của Tô Đại Tướng có phần sụt giảm?

Tuy nhiên, qua các nguồn tin khá tin cậy từ nội bộ tung ra cho thấy, Bộ Chính Trị, cơ cấu quyền lực cao nhất mà Tổng Trọng sử dụng để quyết định những vấn đề nhân sự vẫn chưa có phương án nhân sự ổn thỏa trước hội nghị Trung Ương 9. Về số lượng ứng viên Ủy Viên Bộ Chính Trị hiện đang khuyết 5, trong hội nghị bà Trương Thị Mai sẽ xin nghỉ hưu sẽ khuyết đến 6. Nhưng Bộ Chính Trị dự kiến chỉ giới thiệu 5 người bầu chọn 4 người vẫn còn khuyết 2. Với các chức danh chủ chốt dự kiến Tô Đại Tướng làm Chủ Tịch Nước, Trần Thanh Mẫn, Chủ Tịch Quốc Hội, Đại Tướng Lương Cường làm Thường trực Ban Bí Thư nhưng các chức vụ quan trọng nhất là Bộ Trưởng Công An còn đang bỏ ngỏ.

Theo logich quyền lực, nếu Bộ Trưởng Công An là một trong hai đàn em thân tín như Lương Tam Quang hay Nguyễn Đình Ngọc, Tô Đại Tướng hẳn yên lòng làm chủ tịch nước hờ để lấy suất đặc biệt leo lên Tổng Bí Thư trong khóa tới. Nhưng các chiêu thức về tiêu chuẩn như: Bộ trưởng Công An phải là Ủy Viên Bộ Chính Trị; Ủy Viên Bộ Chính Trị phải là Ủy Viên Trung Ương trọn một nhiệm kỳ và phải kinh qua lãnh đạo ngành, địa phương đã trói chân hai con gà chiến của Tô Đại Tướng. Danh sách 5 ứng cử viên được giới thiệu không có tên hai ông này. Trong khi đó Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Hòa Bình đều có đủ tiêu chuẩn và đều có nguyện vọng ngồi lên cái ghế quyền lực vô đối. Mặt khác, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lần này Tô Đại tướng vướng vào vòng kim cô không thể từ chối chức vụ mà Bộ Chính Trị đã phân công.

Nếu sau bao chiến công hạng mã, chặt hạ 6 cây cổ thụ để rồi giao Bộ Công An cho người khác, đổi lấy cái chức hữu danh vô thực, e rằng Tô Đại Tướng khó may mắn làm người tử tế như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng mà sớm đoàn tụ với người tiền nhiệm Trần Đại Quang. Thật ra trong tay Tô vẫn còn quân bài dự bị chiến lược cực kỳ quan trọng là Tướng Trần Quốc Tỏ, có dư tiêu chuẩn, từng là Ủy Viên Trung Ương nhiều khóa, nguyên Bí thư tỉnh Ủy Thái Nguyên. Vấn đề là mối quan hệ Lâm, Tỏ có đủ mức tin cậy đồng hội đồng thuyền?

Đấu trường Hội Nghị Trung Ương về nhân sự vốn rất bất trắc do mâu thuẫn lợi ích, liên minh liên kết phức tạp đan chéo nhau giữa các nhóm. Ngay người chơi cờ dạn dày kinh nghiệm như Tổng Trọng còn mấy lần thất bại khi đề bạt Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ hay kỷ luật đồng chí X. Qua lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi Phạm Minh Chính đã vượt qua với phiếu khá cao, ngược lại Tô Đại Tướng bất ngờ có thứ hạng chung khá thấp. Thế mạnh của Tô Đại Tướng nằm ở thực quyền chứ không phải phe cánh nên chiến thắng khá mong manh.

Với bao nhiêu ân oán đã gieo, với bao nhiêu công lao đã đổ và nhất là với bao nguy cơ rập rình trước mắt nếu để quyền lực rơi vào tay người khác nhất định Tô Đại Tướng hẳn có phương án dự phòng, Ngược lại phía cụ Tổng chủ lò, phe cánh Nghệ An, Hà Tỉnh cũng phải có phương án giành lại những gì đã mất, phải chặn đứng nguy cơ có thể xảy ra. Đấu trường Trung Ương 9 khó có chỗ thỏa hiệp. Nếu có, đó chỉ là thỏa hiệp tạm thời, chuyển tiếp cho xung đột mạnh hơn.

1- https://baotiengdan.com/2024/05/11/ai-bao-ke-cho-tap-doan-cityland-cuop-...

2-https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-ha...

3-https://tienphong.vn/bo-nhiem-giam-doc-cong-an-tinh-lang-son-post1636681...

🔝

Ba Đình luận kiếm: “Tô Nhất Chỉ” đối đầu “Nghệ Vương Công”

Thứ Hai, 04/22/2024 - 16:39 — Gió Bấc

Ảnh của Gió Bấc

Suy cho cùng thì mỗi kỳ đại hội đảng giống như cuộc luận kiếm trong chuyện chưởng Kim Dung. Các cao thủ dù là đồng môn hay khác phải cũng phải lấy hết sức bình sinh thỉ triển tuyệt học võ công loại trừ nhau để tranh ngôi minh chủ,

Tuy nhiên, lần này luận kiếm diễn ra khá sớm. Trước đại hội từ một hai năm, cái lò chống tham nhũng cháy rừng rực đốt cả củi tươi, cổ thụ. Ngày 13-5-2023, tiếp xúc cử tri Đông Anh, Hà Nội trả lời về xử lý cán bộ tham nhũng, người đốt lò vĩ đại đã mở ra bước ngoặt mới cho các đối tượng đã bị lộ hoặc sa cơ thất thế được rời sàn đấu an toàn đồng thời kích hoạt công cuộc thanh trừng.

"Khuyến khích là thôi. Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi. Thế là nhẹ nhàng, nhân văn nhất. Ta đã xử rồi. Lúc đầu có người xuyên tạc bảo phe nọ, cánh kia đánh nhau, nhưng càng ngày càng thấy đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử cho thật nặng". Ông Trọng còn nhấn mạnh thêm: "Anh nào địa phương không làm được thì xử lý, thay anh ấy đi. Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Gần đây, rất nhiều trường hợp thế rồi và đang còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem. Nếu địa phương không làm được, trên này T.Ư làm hộ". (1)

Chỉ trong vòng mấy tháng, đã có 4/18 đại cao thủ của Bộ Chính Trị phải ngậm ngùi rời khỏi đấu trường. Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh dù vị trí hiện nay có khác nhau nhưng đều có điểm chung là ứng cử viên sáng giá của tứ trụ trong đại hội 14. Cả bốn đều rời sàn đấu bằng con đường tự nguyện xin từ chức theo cánh cửa khoan hồng, nhân văn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Công khai trên hệ thống tuyên truyền của đảng, bốn đại cao thủ này đều tự xin gác kiếm vì “trách nhiệm người đứng đầu” để cấp dưới làm sai.

Với Nguyễn Xuân Phúc là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự” (2)

Với Trần Tuấn Anh là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự.” (3)

Với Võ Văn Thưởng là: “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”(4)

Nói mất chức vì trách nhiệm người đứng đầu chẳng qua chỉ là cái cớ, cái bình phong che chắn, lớp hóa chất tẩy rửa cho bàn tay nhúng chàm. Vì nếu thật sự chỉ vì cấp dưới sai phạm người đứng đầu xứng đáng phải từ chức hơn ai hết phải là Nguyễn Phú Trọng. Từ trước đến nay chưa có Tổng Bí Thư nào mới hơn nửa nhiệm kỳ đã có hơn 20 Ủy Viên Trung Ương, 4 Ủy Viên Bộ Chính Trị đương nhiệm phải mất chức, thậm chí nhiều người phải vào tù.

Về quy trình, tất cả bốn trường hợp trên đều theo kịch bản chung: từ kết luận, đề xuất của Ủy Ban Kiểm Tra, Ban Chấp Hành Trung Ương họp bất thường ra quyết định. Thế nhưng có một sự thật, sau mỗi đại cao thủ này đều có bang hội, cái vòi bạch tuộc tham nhũng, bóc lột xương máu người dân đến tận xương tủy, giá trị tài sản chiếm đoạt hàng ngàn tỉ. Sau lưng Phúc là Việt Á. Sau lưng Phạm Bình Minh là chuyến bay giải cứu. Sau lưng Trần Tuấn Anh là tập đoàn tham nhũng ở Bộ Công Thương, Điện Lực, Xăng Dầu. Sau lưng Võ Văn Thưởng là tập đoàn Phúc Sơn.

Cái Ủy Ban Kiểm Tra sang trọng ngồi duyệt xét, kết luận, báo cáo đề nghị Trung ương kỷ luật những củi gộc này cũng chỉ là một cấp thẩm quyền theo thủ tục đánh giá lại hồ sơ đánh án của công an. Cả bốn thanh củi trên đều gục ngã bởi tuyệt kỹ công phu “Tô Nhất Chỉ”của Tô Đại Tướng. Yếu quyết của công phu này là đánh sập doanh nghiệp sân sau, tóm gáy chân rết trung gian thân tín. Dù là cổ thụ bị chặt hết rễ, cành cũng phải cúi đầu quy phục. “Tô Nhất Chỉ” sức mạnh vô song như Cửu Dương Thần Công và Nhất Dương Chỉ của Vương Trùng Dương, Đoàn Dự, bốn đại cao thủ đều quy phục không dám phản đòn.

Ấy vậy mà trong cuộc chiến mới đây, “Tô Nhất Chỉ” đã xuất chiêu nhưng va phải “Nghệ Vương Công” và trong thế bất phân thắng bại.

Tin đồn về cuộc chiến Tô Đại Tướng cưa ghế Huệ Vương lan tràn trên mạng xã hội như sấm động trời nam. Cả báo chí quốc tế cũng xa gần lưu ý. Diễn biến đã qua cho thấy: tin đồn từ chuyện khởi tố tập đoàn Thuận An sân sau, bắt giam đệ ruột Phạm Thái Hà … hầu hết đều đúng và đi trước tin chính thống của lề đảng hàng tuần hàng tháng. Thế nhưng tin đồn và dự đoán kết quả thì con lùng nhùng. Lúc cho rằng Huệ Vương đã buông gươm, khi thông tin Huệ Vương không nhân tội và “yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường”. Quả bóng đang còn trong chân của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Phải lập đoàn kiểm tra trong vòng 60 ngày để kết luận báo cáo Bộ Chính Trị.

Phối kiểm lại các thông tin chính thống của đảng, có thể thấy Huệ Vương thật sự chưa thúc thủ. Với bốn đại cao thủ trước đây, khi đàn em thân tín được công bố đã bắt giam, hầu hết đều im tiếng rời khỏi chính trường. Huệ Vương hoàn toàn ngược lại. Dư luận cho rằng Phạm Thái Hà (thư lý xuyên suốt cho Huệ Vương từ thời làm kiểm toán, Bộ Tài Chính, Thành Ủy Hà Nội và hiện nay), bị bắt từ ngày 15-4. Đánh chó không kiêng chủ nhà, không nêu chức danh chung chung như các ông Thư Ký khác bị bắt, ngày 22-4 báo chí công bố thông tin của tướng Tô Ân Xô nêu đích danh “Bắt ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội” như lời đe dọa. (5)

Hơn ai hết Huệ Vương biết những điều này. Thế nhưng chiều cùng ngày, trên báo chí Huệ Vương vẫn bản lĩnh vững vàng dự họp Thường Vụ Quốc Hội góp ý dự Luật Địa chất và Khoáng sản. (6)

Sự bình tĩnh, tự tin đối đầu với cơ quan điều tra không chỉ thể hiện ở Huệ Vương mà còn cả ở chân rết cấp dưới. Sau khi khởi tố vụ án ở tập đoàn Thuận An, cơ quan điều tra C03 có văn bản yêu cầu một số địa phương báo cáo thông tin về các dự án của Thuận An đang thi công tại địa phương, trong đó có tỉnh ĐăkLăk. Một lãnh đạo của tỉnh này đã hiên ngang trả lời báo chí. "Sau khi Bộ Công an có văn bản, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo đơn vị sự nghiệp của tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Còn báo cáo thế nào là việc của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Bộ GTVT. Tỉnh Đắk Lắk không có văn bản nào". (7)

Cần nhớ rằng Bí thư Đắk Lắk tiền nhiệm là ông “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường nổi tiếng, hiện là Tổng Thư Ký Quốc Hội, cánh tay phải của Huệ Vương. Nếu không có sự chống lưng này thì bố bảo ông lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng không dám trả lời ngang ngạnh như vậy.

Những tình tiết ấy cho thấy Huệ Vương chưa dễ dàng thúc thủ. Công phu “Nghệ Vương Công” có thể cầm cự “Tô Nhất Chỉ” trong vòng 60 ngày mà còn có thể đảo ngược thế cờ.

“Nghệ Vương Công” là gì? Ai cũng biết Huệ Vương phát tích và cầm đầu phe cánh Nghệ An đang có 14 Uỷ viên Trung ương đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị tại khóa 13. Nếu liên kết với Hà Tỉnh và một số địa phương, các đại cao thủ còn lại, Bộ Chính Trị sẽ là thành trì vững chắc bảo vệ Huệ Vương.

Theo quy trình của đảng, nếu Huệ Vương không tự buông gươm, quần hùng sẽ xử lý bằng bỏ phiếu. Yếu tố phe cánh, thế lực, tiền bạc trong bỏ phiếu cực kỳ quan trọng. Nguyễn Phú Trọng từng thất bại trong xử lý đồng chí X thậm chí cả tiểu tốt như Tất Thành Cang cũng không thể khai trừ. Vì vậy, dù kết luận kiểm tra có khách quan, Tô Đại Tướng vẫn chưa chắc thắng.

Để buộc Huệ Vương quy hàng, e rằng không thể chỉ dùng mỗi chiêu “Tô Nhất Chỉ” với cường độ nhẹ nhàng này. Tướng Nguyễn Việt Thành phải mất nhiều tháng trời mất ngủ, phải đưa Hải Bánh về Tiền Giang chăm sóc mới lấy đươc lời khai giết Dung Hà. Tô Đại Tướng sẽ phải dùng binh lực để quy phục thêm cao thủ. Không tạo phe bằng tiền thì phải tạo bằng quyền. Sẽ có nhiều doanh nghiệp sân sau lên thớt. Người ta đã nghe điểm danh một số tên tuổi lẫy lừng. 60 ngày sắp tới đấu trường sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ.

Ngoài ra, Huệ Vương còn có ân sủng vừa triều kiến Tập Hoàng, được ban cho nụ cười tươi hiếm có. Không rõ vô tình hay hữu ý, ngay trong lúc đấu trường đang bất phân thắng bại, Bộ Trưởng Tư Pháp Trung Quốc đến thăm Việt Nam gặp cả Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Nội chính Phan Đình Trạc và cả Tô Lâm, đây cũng là biến số đầy bí ẩn. Đương nhiên tác động, sự lựa chọn của Tập Đế hoàn toàn không vì lợi ích của người dân Việt.

Yếu tố quan trọng khác là sức khỏe, niềm tin của người đốt lò. Đã thật sự muốn truyền ngôi Minh Chủ hay vẫn muốn là ứng viên giấu mặt?

Nói theo nhà thơ Nguyễn Duy, trong cuộc luận kiếm này dù Tô Nhất Chỉ hay Nghệ Vương Công chiến thắng thì nhân dân đều thất bại. Mục tiêu của họ vẫn chỉ là ngôi Minh Chủ, đặc quyền đặc lợi cho cá nhân, phe nhóm.Tài nguyên đất nước, nhân lực, chủ quyền quốc gia sẽ bị vắt kiệt trong thể chế hỗn mang này.

1-https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-neu-thay-tay-nhung-cham-roi-thi-tot-nhat-la-xin-thoi-185230513122147693.htm

2-https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-thoi-giu-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-khoa-13-20230116162443784.htm

3-https://tuoitre.vn/ong-tran-tuan-anh-thoi-giu-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-khoa-xiii-2024012611164621.htm

4-https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html

5-https://tuoitre.vn/bat-ong-pham-thai-ha-pho-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi...

8-https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-gop-y-du-luat-dia-ch...

7-https://nld.com.vn/lanh-dao-tinh-dak-lak-len-tieng-ve-goi-thau-cua-tap-doan-thuan-an-19624041915051581.htm

🔝

Bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử hình?

Thứ Năm, 04/11/2024 - 19:33 — Gió Bấc

GioBac-01-1

Sau một tháng tròn xét xử, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phạm ba tội: Tham ô tài sản, mức hình phạt tử hình, Đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng, mỗi tôi 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Hậu quả hành vi của bà Trương Mỹ Lan quá lớn, tử hình nặng hay nhẹ không bàn. Nhưng áp dụng tội danh tham ô dư luận băn khoăn về pháp lý. Tuy nhiên, với nền pháp chế nhân văn thời đốt lò, không cần cải lý, bà Trương Mỹ Lan vẫn có cách đường hoàng vượt qua cửa tử.

Xưa nay người ta quen nghĩ, hiểu, tội tham ô dành cho quan chức, bà Trương Mỹ Lan chỉ là doanh nhân làm sao phạm tội tham ô? Quả đúng là luật hình sự trước đây tội tham ô, nhận hối lộ, chỉ dành cho quan chức nhưng Bộ Luật Hình Sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2018) đã mở rộng chủ thể tội tham ô cho cả các doanh nhân ngoài nhà nước. Vì vậy, hành vi rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan được Viện Kiểm Sát tách thành hai tội theo hai giai đoạn: từ 2012-2017 là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng. Từ 2018 đến 2022 là tội tham ô.

Nhóm luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội tham ô. Vì cùng hành vi, cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm nhưng do luật thay đổi mà chia ra hai tội độc lập là "chưa thỏa đáng", làm nặng tình trạng của bà Lan.

Thêm nữa, luật sư cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Thật vậy, điều 353 BLHS 215 về tội tham ô có quy định. “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý …“ (1)

Viện Kiểm Sát đã bác lại rằng, chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải "có chức vụ và quyền hạn". Thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Tòa án cũng chấp nhận quan điểm của Viện và kết án tham ô.

Tuy nhiên, về học thuật, pháp lý, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM có ý kiến với BBC tiếng Việt. “Theo tôi hiểu thì phía luật sư của bà Lan cho rằng chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, có quyền hạn. Quyền hạn ở đây là quyền hạn được quy định theo luật hoặc theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo quyết định trao quyền của người có thẩm quyền tại SCB. Trong khi đó, bà Lan không có chức vụ gì, không được giao quản lý tiền tại SCB và thực tế không quản lý tiền của SCB nên không thể truy tố bà Lan tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS 2015 được.

"Còn phía Viện kiểm sát thì cho rằng mặc dù về mặt hình thức pháp lý, bà Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng trên thực tế bà Lan sở hữu trên 91% tổng vốn Điều lệ của SCB và chi phối toàn bộ các hoạt động của SCB nên bà Lan được xem là người có quyền. Luật không buộc người có quyền phải là người có chức vụ nên chủ thể của tội này không nhất thiết là người có chức vụ. Do đó, theo quan điểm của VKS thì việc truy tố bà Lan tội tham ô tài sản là đúng. Quan điểm này của đại diện VKSND phù hợp với thực tế phổ biến hiện nay.

Theo luật định, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại một tổ chức tính dụng không quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Vì vậy, để “lách” các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn trong một số ngành nghề, công ty đại chúng,… nhiều cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài thường nhờ hoặc thuê người khác đứng tên cổ phần, phần vốn góp

Về mặt pháp lý, những người này không có quyền hành gì nhưng trên thực tế thì lại chi phối toàn bộ việc ra quyết định của công ty. Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học pháp lý theo tôi thì không ổn.

Quyền hạn trong tội “Tham ô tài sản” phải được hiểu là quyền hạn này có được trên cơ sở hợp pháp, chứ không phải trên cơ sở phi pháp, nghĩa là hành vi trái pháp luật (nhờ người đứng tên hộ cổ phần của bà Lan) không thể tạo ra được một quyền hạn hợp pháp (bà Lan thành người chi phối SCB)”.

Luật sư Sơn cũng đồng tình cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tách các hành vi theo từng giai đoạn có hiệu lực pháp luật của BLHS để truy tố các tội danh khác nhau. Về bản chất, bà Lan phạm tội nhiều lần chứ không phải thực hiện những loại hành vi phạm tội khác nhau. (2)

Ở một góc độ khác Luật sư Đặng Bá Kỹ tâm tư trên fb cá nhân về áp dụng tội danh tham ô này. Vận dụng nhiều lý thuyết về pháp lý hình sự, ông đồng tình với việc không căn cứ vào hình thức, chức danh chính thức của chủ thể tham ô mà căn cứ vào người có thực quyền điều hành, quyết định công việc. Tuy nhiên Luật sư Đặng Bá Kỹ cũng nêu lập luận tương đồng với Luật sư Phùng Thanh Sơn là bà Trương Mỹ Lan không có trách nhiệm quản lý tiền bạc của SCB, mà theo luật đây là yếu tố cấu thành tội tham ô. Ông Kỹ viết “Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người chiếm đoạt có trách nhiệm quản lý. Vậy ai có trách nhiệm quản lý tiền của SCB – Chưa thấy ai hỏi, đương nhiên cũng chưa có ai trả lời!?!

Ông Kỹ cũng băn khoăn về việc áp dụng luật mới cho hành vi cũ. “Nguyên tắc của luật hình sự là không được áp dụng hồi tố một trách nhiệm pháp lý mới, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, đối với những hành vi xảy ra trước khi quy định đó có hiệu lực. Cho nên thiết nghĩ, trong Vụ án này, cần phải phân tách hành vi của Bà Tr.M.L trước và kể từ ngày Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, trên cơ sở đó có thể phân hóa được trách nhiệm hình sự cho Bà Tr.M.L, khi kết hợp với việc Bà thừa nhận có quyền lực trong SCB, để có thể thận trọng xem xét lại hình phạt cho Bà. Dẫu sao, trước một án tử, không thể không có những suy tư……”(3)

Cũng phải thông cảm cho Viện, cho Tòa. Do để cho bà Trương Mỹ Lan tự do múa gậy vườn hoang đến 10 năm. Khi vỡ lở Ngân Hàng Nhà Nước phải kiểm soát đặc biệt SCB, phải bơm hàng trăm ngàn tỉ tiền mặt để trả cho làn sóng người gửi tiết kiệm ào ạt rút tiền để tránh đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Con số 667.000 tỉ đồng thiệt hại của SCB mà Tòa công bố chính là tiền của Ngân Hàng Nhà Nước trả thay cần phải thu hồi. Tòa xử đúng sai không quan trọng mà cái chính là phải thu hồi tiền của nhà nước.

Bản án sơ thẩm đã xác định: sau khi trừ số tiền đã nộp khắc phục, các khoản khấu trừ khác… bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm số tiền hơn 673.800 tỉ đồng (tương đương dư nợ 1.243/1.284 khoản vay). (4)

Số tiền này gần 25 tỉ USD, so với tổng GDP cả nước năm 2023 là 430 tỉ USD thì giá trị thiệt hại gần 6% GDP.

Đây chỉ mới là giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan còn đang phải đối mặt với bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân.

Những con số khổng lồ này là một áp lực rất lớn không chỉ với các cơ quan tố tụng mà còn với cả nền kinh tế của đất nước.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên quản lý hàng ngàn bất động sản, một số lượng cổ phiếu, 1.122 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, hội đồng xét xử đề nghị SCB phối hợp với C03 - Bộ Công an để xác minh tài sản nào là của bị cáo Trương Mỹ Lan thì xử lý để đảm bảo việc thi hành án.

Tuy nhiên việc thu hồi các tài sản ấy và chuyển hóa thành tiền không phải dễ dàng; Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM đề xuất cần cơ chế đặc biệt để thu hồi tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát. Khó khăn đầu tiên khi thu hồi tài sản trong đại án Vạn Thịnh Phát là các quy định còn chồng chéo, ông đề nghị các cơ quan sớm sửa đổi pháp luật thi hành án phù hợp thực tế, đảm bảo nhanh, hiệu quả... Ông đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường nhân sự, biên chế cho TP HCM để thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi Cục Thi hành án dân sự đang "rất áp lực". (5)

Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường địa ốc đang đóng băng, thị trường chứng khoán đang phập phù xanh đỏ, giá trị các tài sản thi hành án luôn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật và chiếm tỉ lệ nhỏ so với núi tiền khổng lồ bà Trương Mỹ Lan phải thi hành án.

Trí tuệ của người đốt lò vĩ đại đã thấy trước điều đó nên đã rộng mở chân trời nhân ái nhân văn cho tội phạm tham nhũng, tham ô được lấy tiền chuộc mạng. Đã có quá nhiều người chết trong vụ án này nên thêm một sinh mạng Trương Mỹ Lan cũng chẳng thêm chút nào cho sự răn đe và phòng ngừa chung của bản án. Bàn lý lẻ, sự phù hợp chính xác về tội danh với bà Trương Mỹ Lan chỉ là chuyện phải làm.

Bản án tử hình là bắt buộc. Mức án tử hình động lực để Trương Mỹ Lan phải lấy tiền chuộc mạng. Lý sự không thể thay đổi bản án tử hình với bà Trương Mỹ Lan nhưng pháp luật đã rộng cửa để bà được ung dung thoát chết.

Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

…..

c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. (6)

Ước tính cả hai giai đoạn của vụ án, bà Trương Mỹ Lan phải khắc phục hậu quả 700.000 tỉ đồng. Ngoài số tài sản đã bị kê biên, bà Trương Mỹ Lan phải nộp thêm cho dủ ¾ của số tiền này thì sẽ nhận kim bài miễn tử.

Sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của xứ sở thiên đường là vậy đó. Nhà nước ưu ái rộng cửa cho tội phạm vơ vét tiền của người dân, tài nguyên đất nước trong hàng chục năm trời trở thành đại gia, tỉ phú đô la. Khi bị lộ, pháp luật lại công khai mở cửa cho tội phạm dùng tiền chuộc tôi.

1-https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-toi-tham-o-tai-san-toi-nhan-hoi-lo-blhs-...

2-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq5nlx8npqpo

3https://www.facebook.com/permalink.php?...

4-https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-toa-buoc-ba-truong-my-lan-boi-thuon...

5-https://vnexpress.net/can-co-che-dac-biet-thu-hoi-tai-san-vu-an-van-thin...

6-https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat...

🔝

Họp báo ở xứ “thiên đường”: hỏi phải đúng tôn chỉ, đăng ký trước ba ngày!

Thứ Ba, 04/09/2024 - 15:45 — Gió Bấc

GioBac-01-1

Mới đây, ngày 6-4, hơn 800 tờ báo "lề phải" hoan hỉ đồng loạt đăng thông tin nóng hổi về "Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP. Cần Thơ".

Theo Quy chế này, “phóng viên thường trú báo chí Trung ương và địa phương khác hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày. Phóng viên, nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác” (1).

Họp báo là để nghe chính quyền, cơ quan trách nhiệm cung cấp thông tin và đối thoại làm rõ thông tin. Sao phải buộc phải đăng ký câu hỏi trước ba ngày? Buộc nhà báo chỉ được hỏi phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo lại càng mơ hồ, ấm ớ. Chẳng lẽ phóng viên báo Phụ nữ không được hỏi về chuyện đàn ông, đất đai là chuyện riêng của báo Tài Nguyên Môi Trường…?

Đọc Quy chế, tưởng như đây là loại luật rừng của quan chức tỉnh lẻ không hiểu về báo chí. Nhưng không, đây là quan điểm chính thống của đảng, nhà nước xứ “thiên đường”. Báo chí cách mạng được "chống tham nhũng không có vùng cấm", nhưng phải theo "khuôn vàng thước ngọc" là tôn chỉ, mục đích. Ấm ớ vượt ranh là bị tuýt còi, phạt trắng mắt không thua lái xe có nồng độ cồn.

Vào đầu tháng 2-2024, ông V.Đ.T phóng viên tạp chí Công Nghiệp Môi Trường đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 4 triệu đồng vì vi phạm hành chính: “Phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác”. Vi phạm cụ thể là, khi nghe tin bà Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh dùng xe công đi đón con ở sân bay Vinh lại hú còi, ông T gọi điện thoại đến cơ quan Hội để thẩm định thông tin (2).

Một nhà báo nghe thông tin bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên hệ với cơ quan có trách nhiệm để xác minh thông tin, cách tác nghiệp hết sức bình thường, sao lại bị phạt? Việc xác minh thông tin cũng chưa gây hệ quả gì sao lại phạt?

Không chỉ ông T cúi đầu chịu phạt mà cả tờ tạp chí, cơ quan chủ quản của ông cũng ngoan ngoãn im hơi lặng tiếng, hết sức bất thường. Các báo đồng nghiệp cũng đồng loạt đăng tin quan phương mà không có ý kiến phân tích đúng sai, nặng nhẹ về cách xử phạt oái oăm này, cho thấy sự suy đồi về tự do thông tin đã thành hệ thống.

Hóa ra ông T không phải là người đầu tiên vướng vòng kim cô “tôn chỉ mục đích”. Thanh Tra Sở TTTT Hà Tĩnh cũng không phải là đầu têu. Báo chí xứ “thiên đường” đã đóng góp khá khủng cho ngân sách về khoảng vi phạm này, do chính cơ quan quản lý nhà nước cao nhất ra quyết định xử phạt.

Thông tin từ báo Lao Động cho biết: “Đến hết tháng 9.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.

Cụ thể như sau: Tạp chí Thương gia bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị phạt tiền 138 triệu đồng; Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing news) bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 3,5 triệu đồng; Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép loại hình điện tử trong thời hạn 03 tháng; Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 07 triệu đồng; Báo Sức khoẻ và Đời sống bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Báo điện tử Tổ quốc bị phạt tiền 50 triệu đồng”.

Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. “Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Nhà quản lý; chuẩn bị ban hành quyết định xử phạt đối với Tạp chí điện tử Viettimes, Tạp chí điện tử Nhịp sống số, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại” (3).

Theo cách hiểu phổ quát của thế giới, tự do báo chí hay tự do thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp. Biểu hiện của tự do báo chí thể hiện qua việc tự do thông tin, tiếp nhận thông tin qua tất cả các nguồn khác nhau, bày tỏ quan điểm chính kiến mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.

Ở xứ “thiên đường” vốn dân chủ "gấp ngàn lần hơn xứ tư bản giãy chết", người dân có hẳn luật BÁO CHÍ đã được sửa đi sửa lại mấy lần, từ năm 2016 lại có thêm cái luật "sang trọng" nữa là luật TIẾP CẬN THÔNG TIN, trong đó ghi nhận những lời có cánh:

1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

2. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.

3. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật” (4).

Ưu đãi hơn nữa, đảng còn lập ra Quy Hoạch Báo Chí. Chỉ các cơ quan, đoàn thể quyền lực của đảng, nhà nước mới có quyền ra báo và chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, mỗi tờ báo phải có tôn chỉ mục đích và đối tượng phục vụ được xác lập trong giấy phép. Bảng Phong Thần “tôn chỉ, mục đích” của báo chí được lưu trữ ở đây (5).

Ngày xưa, Phật Bà Quan Âm từ bi chỉ ban cho Tôn Ngộ Không vòng Kim Cô đủ để thuần hóa bản năng hoang dã. Ngay nay, Đảng ưu ái cấy cho báo chí cách mạng cái Sinh Tử Phù, phải có cơ quan chủ quản và cẩn thận hơn thêm sợi dây Khổn Tiên Thằng, tùy nghi co giãn "Tôn Chỉ Mục Đích", nên báo chí tha hồ "tự do" đi theo... "lề phải".

Nhà báo, Trương Huy San đã cay đắng bình luận trên Facebook: “Quy hoạch báo chí được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên Giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “Chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “Quyền lực thứ Tư”, chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như Quy hoạch báo chí.

Những người làm Quy hoạch báo chí không phải bị “nghiệp quật”. Phần lớn bọn họ đã là quan tham trước khi bắt tay vào công việc này. Chính bọn họ hiểu rõ, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là báo chí…

Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng TT & TT gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ "khen cho anh chết" (6).

Thật sự thì không phải sự vi phạm tôn chỉ, mục đích nào cũng bị phạt vạ, xử lý. Trước khi Nguyễn Phương Hằng bị bắt, 800 tờ báo đồng loạt tường thuật tỉ mỉ "lời châu ngọc" của nữ đại gia. Mấy ngày gần đây, báo chí rậm rực đưa tin hình ảnh đám cưới cầu thủ bóng đá Quang Hải, bất cần tôn chỉ.

Nhưng chính nhờ cái khung quy hoạch và tôn chỉ ấy nên Trương Mỹ Lan tha hồ thao túng ngân hàng suốt 10 năm qua, ai cũng biết nhưng không báo nào dám nói. FLC tha hồ chiếm đất vàng đất bạc, Phạm Nhật Vũ bán AVG lấy 9000 tỉ trong vòng một nốt nhạc và còn bao đại gia, đại án nữa đang tiếp tục an nhiên đục khoét, cướp đoạt tài nguyên, ngân khố với số tiền khổng lồ triệu đô, tỉ đô?

Nhưng đâu chỉ có lạt mềm “tôn chỉ mục đích”. Xứ "thiên đường" còn có cả lửa địa ngục điều 311, Bộ Luật Hình Sự, thiêu hủy từ trong trứng nước mầm mống của tiếng nói tự do. Một nhà báo độc lập nhận định rằng, bên cạnh bắt bở bỏ tù các nhà báo độc lập, Nhà nước Việt Nam còn “chống lưng” cho các hội nhóm tung tin giả. Đó cũng là lý do khiến tình nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn "ổn định" đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam ở vị trí 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm ba hạng so với năm ngoái, chỉ hơn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên (6).

Thủ đoạn dùng uyển ngữ che đậy bạo quyền đàn áp, đảng và nhà nước cộng sản đã cướp đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân hơn 70 năm ờ Miền Bắc và gần nửa thế kỷ ở Miền Nam. Hệ thống báo chí lề đảng là công cụ mị dân, ngu dân, làm suy đồi dân khí, duy trì chế độ độc tài toàn trị. Bức hại, đàn áp các tổ chức tôn giáo, người tu hành ngoài các giáo hội quốc doanh; đồng hóa, trấn áp các cộng đồng dân tộc ít người. ... Người dân Việt Nam thực chất chỉ là công cụ, là nộ lệ cho thiểu số nhóm lợi ích đang cầm quyền.

Việc nhà nước Việt Nam lọt vào thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vừa qua là vết đen đáng xấu hổ cho tổ chức này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng và có biện pháp thích đáng, tẩy xóa vết đen ấy, đừng để loang lớn hơn thêm.

_________

1. https://tienphong.vn/can-tho-quy-dinh-co-quan-bao-chi-du-hop-bao-phai-gui-cau-hoi-truoc-3-ngay-post1626501.tpo

2. https://tuoitre.vn/vi-sao-phong-vien-tim-hieu-xe-bien-xanh-lap-den-coi-uu-tien-don-nguoi-than-o-san-bay-bi-xu-phat-20240209100742843.

3. https://laodong.vn/xa-hoi/go-bo-hang-nghin-tin-bai-khong-dung-ton-chi-muc-dich-tren-nhieu-tap-chi-1099519.ldo

4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-tiep-can-thong-tin-2016-280116.aspx

5. https://mic.gov.vn/.../Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html

6. facebook-Osinhuyduc

🔝