31.5.2024 - Huy Đức
Hôm trước, nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trên tivi tôi phải chạy vào coi có đúng ổng không. Từ 2008 - 2014, các bộ ngành Việt Nam đẻ thêm khoảng 7.000 giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Nhưng, theo tôi, chỉ cần Bộ Kế hoạch Đầu tư bỏ Luật Quy Hoạch và Luật Đầu Tư là đã đủ để người Việt Nam "làm như vũ bão".
Trong thời đại ngày nay, chậm đầu tư vài tuần đã là có thể mất cơ hội, thế nhưng ở Việt Nam, chỉ riêng xin chủ trương, các nhà đầu tư đã có thể đợi hàng năm.
Nhà nước làm sao nhạy bén thị trường bằng doanh nhân mà lên quy hoạch với phê duyệt đầu tư. Thay vì quy hoạch nhà nước chỉ được đưa ra các nguyên tắc, ví dụ: Cấm làm nhà bám mặt tiền những con đường liên huyện, liên tỉnh; Cấm chuyển sang đất xây dựng ở những vùng "bờ xôi ruộng mật" nhằm đảm bảo an ninh lương thực; Câm công nghiệp gây ở nhiễm ở đầu nguồn nước, gần khu dân cư...
Tách bạch đất đai thành tài sản công, tài sản tư. Đất công, thì nhà nước đấu giá [kèm theo điều kiện sử dụng đất]. Đất tư thì để doanh nghiệp tự nhận chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng xong là "đầu tư". Nhà nước không thu hồi đất và giao đất, không cấp giấy phép xây dựng mà những công ty tư vấn thiết kế, giám sát đủ điều kiện hành nghề tự làm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư.
Giảm bớt tối đa những ngành kinh doanh có điều kiện mà nhà nước có thể quản lý bằng một số thủ tục.
Chỉ có cải cách theo hướng này thì mới có thể giải phóng môi trường đầu tư, cắt giảm biên chế, tăng lương và ngăn chặn sự nhũng nhiễu của bộ máy.
PS: Chỉ nửa tiếng sau khi tôi post bài này, một nhà đầu tư trong ngành hàng không gửi cho tôi ý kiến sau đây:
LUẬT ĐẦU TƯ ĐEO GÔNG CHO HÀNG KHÔNG
Trước đây, để thành lập, xin giấy phép hàng không, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện theo một luật là Luật Hàng không, do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì và cấp giấy phép. Năm 2016 Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa giấy phép hàng không thành đối tượng của Luật Đầu tư, mặc dù hãng hàng không không sử dụng tý tài nguyên đất đai nào.
Từ đó đến nay để thành lập hãng hàng không phải thực hiện theo 2 luật: đầu tiên theo Luật Đầu tư, rồi sau đó theo Luật Hàng không.
Cả 2 quy trình thủ tục đều phải lên đến tận Thủ tướng để được chấp thuận chủ trương. Lần thứ nhất, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ KHĐT, rồi Bộ KHĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lần thứ hai, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ GTVT, rồi Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Ở lần đầu, Bộ KHĐT lấy ý kiến của Bộ GTVT trước khi báo cáo Thủ tướng. Ở lần hai, Bộ GTVT lấy ý kiến của Bộ KHĐT trước khi báo cáo Thủ tướng.
Ở Việt Nam, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet chỉ có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vì khi họ thành lập thì Luật Đầu tư chưa "quản" việc cấp phép hãng hàng không. Hai hãng sinh sau đẻ muộn là Bamboo Airways, Vietravel Airlines có "những" 2 giấy phép: giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp (giống 3 hãng kia), cộng giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KHĐT cấp.
Mặc dù có nhiều hơn các hãng cũ một giấy phép cho Bộ KHĐT cấp, nhưng giấy phép này không tạo lợi ích gì cho các chủ nhân của giấy phép này, mà về bản chất là họ bị một vòng kim cô quàng lên đầu.
Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vô thời hạn, còn giấy chứng nhận đầu tư phải có thời hạn theo dự án đầu tư xin phép (30 năm, 50 năm), làm cho các hãng có giấy phép này bị "mất giá" so với các hãng không có nó.
Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không không giới hạn số lượng máy bay, còn giấy chứng nhận đầu tư giới hạn số lượng máy bay, hãng sử dụng hết quota lại phải xin giấy chứng nhận đầu tư mới rồi mới được tăng máy bay.
Luật Đầu tư làm khổ các hãng thành lập sau rất nhiều so với các hãng thành lập trước ngày Luật Đầu tư "ôm" cấp phép hãng hàng không.
Câu hỏi là 3 hãng hàng không không có giấy chứng nhận đầu tư vẫn hoạt động bình thường, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vậy Luật Đầu tư "quản" cấp phép thành lập hãng hàng không để làm gì???
https://tuoitre.vn/dau-tu-tai-viet-nam-con-xin-cho-con...
28.5.2024 - Huy Đức
I. TINH THẦN PHÁP QUYỀN ĐÃ CHẾT
Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết.
Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. “Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền”. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ [BTA với Mỹ, WTO…].
Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma “pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền” đang dần hiện về.
II. ĐỨC TRỊ HAY PHÁP TRỊ
Ngày 14-4-2016, tôi viết:
Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa "hai con đường" đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước.
Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị. Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa "lãnh đạo án" như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.
Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính [và các ban đảng] thay vì gỡ bỏ "vòng kim cô nội chính" cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.
…..
Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào "tấm gương đạo đức" của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.
Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có "đổi mới II" trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.
III. ĐƯỜNG XA PHẢI NGHĨ NỖI SAU NÀY
Trong bài CÔNG LÝ post ngày 28-5-2015, tôi đã viết:
Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/821267307908452
Tất nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, ý kiến của thường dân như chúng ta, thường rơi vào hư không.
IV. HIỆN TƯỢNG THẦY THÍCH MINH TUỆ
Tuy nhiên, vị tướng sáng qua gọi điện cho tôi nói rằng, ông không quá bi quan vì những ngày gần đây, ông dành khá nhiều thời gian theo dõi hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ. Theo ông, cái tốt luôn được nuôi dưỡng và khi đạo đức xã hội tưởng như đã mục ruỗng những nhân tố như thầy Thích Minh Tuệ sẽ xuất hiện [không chỉ trong tôn giáo].
V. TỪ HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ NHỚ LÊ QUANG THUNG & BẮC HÀ
Những người nắm quyền lực quốc gia thì phải nghĩ đến muôn dân chứ không phải thu vén cho mình hay cánh hẩu.
Phải tích đức thì mới có thể hưởng phúc. Phúc có 6, 7 thì cũng chỉ nên hưởng 5; hưởng hết thì con cháu không còn mà hưởng quá thì đời mình phải trả. Khi nhiều quyền lực nhất hay nhiều tiền bạc nhất mà chỉ cậy quyền, cậy tiền thì cũng coi như đang làm những việc thất đức, tổn phúc là điều không tránh khỏi.
LÊ QUANG THUNG
Mấy hôm nay, tôi cứ phải suy nghĩ tới trường hợp của ông Lê Quang Thung. Ông lại bị bắt khi vừa mới ra tù ít lâu và nay đã 78 tuổi [Năm 2019, ông Lê Quang Thung đã nhận án tù 4 năm].
Ông Ba Thung với ông Mười Rua là hai “đại ca” của ông Ba Dũng. Họ thân nhau ở trường Đảng khi đó Nguyễn Tấn Dũng đang là một sĩ quan được đưa đi đào tạo nguồn, còn Ba Thung và Mười Rua đã tiếng tăm lừng lẩy. Sẽ không có Trương Mỹ Lan và SCB nếu không có những cuộc gặp ở nhà Mười Rua. Ba Thung cũng sẽ có những ngày cuối đời giàu có thanh bình nếu không phải là đại ca của người từng quyền lực nhất.
Khi lên Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định, cán bộ cứ đúng 60 tuổi là hưu trí. Và người bị ông ta cho hưu trí đầu tiên là tướng Quắc, khi ấy, tướng Quắc đang là Trưởng ban chuyên án PMU18. Nhưng, ngay sau khi cho tướng Quắc nghỉ hưu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký tái bổ nhiệm ông Thung làm Tổng Giám đốc tập đoàn Cao Su dù năm ấy ông Thung đã 60 tuổi.
Ông Thung sau đó đã loại bỏ một người phó trưởng thành kỳ cựu ở đây, hạ bệ đương kim Chủ tịch là một người trẻ hơn mình. Và, khi một thứ trưởng được cử vào kiêm chủ tịch, Ba Thung cũng đã khiến ông phải xách cặp về.
Tất cả những việc làm sai trái, không chỉ tự kết thúc cuộc đời mình trong lao lý mà còn đưa rất nhiều thuộc cấp vào tù, đều được Ba Thung thực hiện trong thời gian nhận ân sủng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài tuổi hưu thêm 6 năm.
BẮC HÀ
Tôi viết ngày 9-8-2017
Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.
Không chỉ có Bắc Hà, rất nhiều quan chức tối cao cứ sắp bước chân ra khỏi nhà là thỉnh ý các thầy tâm linh, đổ không biết cơ man nào tiền để xây chùa, xây đền... Họ nên đọc lại "Chuyện Thủ Huồng" để thấy rằng, khi sợ trời phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện. Đừng vì tâm quá hoảng loạn mà vội vàng truyền bá cái văn hóa hối lộ trần tục đến cõi thiêng liêng: vẫn thỏa sức vơ vét của dân rồi mong gỡ tội bằng cách cuống cuồng mua trời, bán phật.
26.5.2024 - Huy Đức
“Xem phim chưởng, thì một đôi đũa, một lá bài, trong tay cao thủ cũng có thể trở thành vũ khí. Nếu tư duy 'quy đồng'[mọi người là tội phạm] thì có lẽ, có ngày chúng ta phải ăn bốc, vì đũa là vũ khí nguy hiểm” - Một giáo sư luật nói khi theo dõi những sửa đổi trong “Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.”
Theo Giáo sư: Cách quản lý hiệu quả và văn minh là quản lý hành vi sử dụng, gắn liền bối cảnh không gian, ví dụ như [mang những công cụ ấy đến] bến xe, ga tàu...; chứ bà bán phở, anh tỉ lô... phải đeo cái giấy phép lủng lẳng ở cổ khi mưu sinh thì thật là nực cười; quản lý từ sản xuất thì sẽ đẩy chi phí kinh doanh lên, mà chả có tác dụng gì khi làm bếp người ta choảng nhau.
Rất đồng tình với Giáo sư nhưng tôi không chỉ tiếp cận vấn đề ở góc độ pháp lý, tôi suy nghĩ rất nhiều ở khía cạnh an ninh của người dân. Nếu định nghĩa như dự thảo thì gia đình nào của Việt Nam, đặc biệt là nông dân, mà không có ít nhất một công cụ “thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định”[Xem dưới chân bài, phần PS].
Vài tuần trước, một vị lãnh đạo lão thành của ngành công an cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy báo đài đưa tin “Thanh tra Bộ Công an thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước”. Và ông được một vị tướng về hưu giải thích, đây là “thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng”.
Khi Luật An Ninh Mạng đang được thảo luận, một số đại biểu và chuyên gia pháp lý đã nhìn thấy tình huống này [công an có thể “vào” trong nhiều ngành]; dù, bằng tư duy quản trị quốc gia thông thường, và hiểu biết của một người từng lãnh đạo ngành, không ai hình dung, công an có thêm chức năng ấy.
Chúng tôi hiểu những khó khăn của các đại biểu Quốc hội khi phản biện những chính sách, những luật do Bộ Công an trình. Ngay cả chúng tôi, khi lên tiếng góp ý cho những chính sách của ngành công an, cũng thường nhận được khá nhiều khuyến cáo. Nhưng, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.
Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.
Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát.
Cảnh sát nên có cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương. Cảnh sát quốc gia, chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động [chống bạo động và duy trì tính thống nhất]. Còn, đã là cảnh sát địa phương [nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ dân] thì phải do chính quyền địa phương quyền tuyển chọn, bổ nhiệm và điều động, phù hợp với ngân sách và đặc thù địa phương. Những địa phương an ninh tốt [do kinh tế phát triển, dân tin tưởng chính quyền] có thể biên chế một lực lược cảnh sát cực kỳ tinh gọn.
Ngược lại, cơ quan điều tra thì không bố trí theo cấp hành chính mà có thể phân vùng, địa hạt. Cơ quan điều tra quốc gia chủ yếu điều tra tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ và tội phạm có tổ chức [cảnh sát địa phương có thể điều tra hình sự thường như trộm cắp, cố ý gây thương tích…].
Quốc hội nên giám sát, đánh giá chủ trương đưa công an chính quy về xã. Nhiều lãnh đạo cơ sở hiện nay đang nuối tiếc cái thời những công an viên của xã dù không ăn lương chính quy, hễ nghe ở đâu có việc [trộm cắp, gây rối…] là “vừa mặc áo vừa chạy tới”; họ là những công an viên gần dân, nắm chắc địa bàn và luôn sát cánh cùng chính quyền xã.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn. Chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua và nếu như lừa đảo trên mạng có yếu tố [mặt trái] của thời đại công nghệ thì “cướp ngân hàng” là hiện tượng mà trước đây rất hiếm [và, bà Trương Mỹ Lan chuyển hàng nghìn tỷ tiền mặt ra khỏi ngân hàng; bạo loạn có hàng trăm người tham gia... mà không phát hiện được từ trong trứng nước].
Tôi tin, nếu cắt giảm 2/3 và tăng lương lên gấp 3, không những an ninh sẽ được cải thiện mà hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng sẽ đẹp hơn.
Cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý đất đai, dự án của ta hiện nay rất khó làm đúng. Rất ít ai ở trong hệ thống này đã từng ký tá mà dám tin rằng mình chưa làm gì sai. Hiện thực ấy, đã khiến cho chỉ có rất ít người đang vận hành hệ thống này không phải sống trong sợ hãi. Không chỉ quan chức. Nên tránh những điều luật khiến cho gần như mọi gia đình và phần lớn người dân đều có thể vi phạm. Đừng để thường dân cũng phải luôn nơm nớp, bất an.
Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi.
Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc bộ công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành.
Sau những năm tháng ngao ngán chứng kiến quan tham “ăn không từ một cái gì”, háo hức chờ những vụ bắt bớ; giờ đây, cái đất nước cần là một giai đoạn thật sự thái bình. Cần những sửa đổi về thể chế để sao cho quan có thể tử tế khi còn tại chức, dân có thể ngủ ngon khi nói và làm những điều ngay thẳng.
PS: Theo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Dự thảo luật này cũng yêu cầu “khai báo vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu”.
5.5.2024 - Huy Đức
Tôi gần như đã định tự đi giám định sức khỏe tâm thần vì không thể nào tin được phát biểu sau đây là của một ông Bộ trưởng:
“Giải pháp mua [điện mặt trời trên mái nhà] với giá 0 đồng là phù hợp, đảm bảo việc ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách”[Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phát biểu ngày 24-4-2024 với các nhà đầu tư quốc tế, Tiền Phong online].
Bộ Công thương là cơ quan ban hành các chính sách và vận hành nền kinh tế thị trường của nước nhà. Nhưng, đây là cách tư duy chính sách rất cửa quyền và nó chỉ có thể là sản phẩm của độc quyền.
Truyền tải và bán lẻ điện đang do EVN “nắm”, chính vì thế, chính sách quan trọng nhất để chống EVN và Bộ Công thương trục lợi chính sách là phải kiểm soát quyền lực của hai cơ quan này.
Và, quy định đúng đắn và ngắn gọn nhất chỉ cần là:
EVN không có quyền từ chối mua điện từ bất cứ nguồn nào. Căn cứ nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng cho phép của hệ thống truyền tải điện, EVN chỉ được căn cứ vào giá bán điện và an toàn lưới điện quốc gia [cân bằng giữa phụ tải nền và phụ tải đỉnh] để đưa ra quyết định mua điện của nhà cung cấp nào.
Những vấn đề mà Bộ Công thương đặt ra như “chống phát ngược” là hoàn toàn có thể xử lý được bằng các giải pháp kỹ thuật và “phát triển hài hòa” thì phải xử lý bằng thị trường, bằng giá chứ không phải là… "không giá".
Thực ra, nếu EVN và Bộ Công thương tư duy một cách có trách nhiệm, dựa trên lợi ích quốc gia, thì hoàn toàn có thể có những tính toán kỹ thuật để cân bằng lưới điện, thậm chí trong ngày và theo mùa.
Ví dụ: Năm nay, các chuyên gia thời tiết đã dự báo các hồ chứa sẽ thiếu nước vào mùa Hè thì ở ngay trong những mùa nắng gió phải hạn chế khai thác thủy điện, tăng các nguồn năng lượng tái tạo. Thậm chí, nếu hệ thống truyền tải cho phép, có thể điều chỉnh trong ngày nguồn năng lượng chủ động để sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo.
PS: Trong quá trình tìm hiểu chính sách “giá 0 đồng” của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lại thêm một ngạc nhiên khi “Google” được những thông tin này trên báo Tuổi Trẻ:
Một đường dây và trạm biến áp 500kV, do Trung Nam, một tập đoàn tư nhân xây dựng -“Đi vào vận hành đã tháo gỡ nút thắt quan trọng trong tắc nghẽn truyền tải tại Ninh Thuận từ năm 2020; đã truyền tải hơn 12,3 tỉ kWh điện, giải tỏa công suất cho gần 40 nhà máy năng lượng, trong đó có cả nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1”. Cho dù nhà nước độc quyền truyền tải điện, Trung Nam yêu cầu bàn giao trạm biến áp và đường dây 500kV này cho EVN với giá ‘0 đồng’ mà EVN vẫn không thèm nhận.
Trung Nam cũng đã đưa lên lưới điện quốc gia gần 700 triệu kWh điện mặt trời [tính giá chuyển tiếp tương đương hơn 800 tỉ đồng] cho tới nay vẫn không được thanh toán tiền mua điện.
Nguyên nhân chỉ vì: Dự án nằm trên ba xã là Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh của huyện Thuận Nam. Nhưng giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy này thể hiện chỉ có một xã Phước Minh nên EVN chỉ thanh toán doanh thu có được từ một xã [Dù quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã nêu chính xác ba xã; link bài dưới cmt].
Cái sai trong quản lý của EVN và Bộ Công thương trong những năm qua là phát triển đã không dựa trên dự báo về nhu cầu quốc gia mà dựa trên quy hoạch [Quy hoạch điện 7 đã rất lỗi thời và Quy hoạch điện 8 thì cứng nhắc]. Giờ đây, khi mua điện lại không dựa trên sản lượng điện mình đã mua mà dựa trên câu chữ trong một tờ giấy mà “các bên đều có sai sót”.
Cho dù những quy định trong Luật Quy hoạch mang nặng tư duy của thời “kế hoạch hóa tập trung” mới là nguyên nhân chính dẫn đến những sai lầm ở tầm quản trị quốc gia. Nhưng, trách nhiệm trực tiếp trong ngành vẫn là của Bộ Công thương và EVN.
Độc quyền - tạo ra những quyết định cửa quyền này - là mảnh đất màu mỡ nhất của tham nhũng. Cố thủ trong những chính sách ấy là cách tốt nhất để duy trì cơ hội trục lợi chính sách chứ không phải để chống trục lợi chính sách như phát biểu của ông bộ trưởng.
6.5.2024 - Huy Đức
Phải công nhận, câu chuyện hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh đi tìm “tên” của bố trong hàng nghìn ngôi mộ ở Điện Biên Phủ là một trường đoạn rất thành công về lấy nước mắt của VTV tối qua. Chỉ có rất ít bia mộ có tên trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở đây. Trên thực tế, tất cả các ngôi mộ ở đây đều vô danh.
Nhưng, sau trường đoạn ấy, một ông anh từng đứng đầu một cơ quan quan trọng ở Trung ương, từ Điện Biên Phủ, gửi về hai tấm hình dưới đây [hình 3 và 4, chụp trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ trên đồi A1].
Từ lâu, người ta đã khao khát lưu danh ở những nơi như Điện Biên Phủ.
Trong “30 năm dân chủ cộng hòa”, Kháng chiến chống pháp là cuộc kháng chiến mang đầy đủ ý nghĩa và đúng tính chất chống ngoại xâm, giành độc lập nhất [cho dù, muốn đánh giá hết ý nghĩa của công cuộc đó phải đứng trên quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa”(Thư gửi già làng trưởng bản, 1946)].
Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có Tướng Giáp.
Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của Tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo [trong Chiến dịch Điện Biên Phủ]. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội.
Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong Chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.
Theo Tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.
Sau 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và Tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như Tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao Tướng Trà nói thế.
Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên Tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp. Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo QĐND tên của Tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài.
Năm 1994, khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?”
Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”
Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, TBT Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục.
Cho dù Tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi Tướng Giáp qua đời.
Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông Họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp.
Trong số những người nghiêng mình trước Tướng Giáp, tôi nghĩ, không chỉ có những người ngưỡng mộ tài năng và tên tuổi lẫy lừng của ông. Sau nhiều thập niên tụt hậu và thất sủng của dân tộc này, người dân tìm thấy ở Tướng Giáp biểu tượng vĩ đại của người thất sủng nhất.
Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.
Bình luận của Ngô Trọng Mỹ - 7.5.2024
Rất tiếc sáng nay lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Điện Biên thiếu ảnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp!
Tôi thấy vô vị như bộ phim về chị Sáu mà ko có bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu’!
2.5.2024 - Huy Đức
Rất ít người biết ông Trần Mộng Hùng mới thực sự là người sáng lập ngân hàng ACB [cùng các cổ đông khác, trong đó có hai ông Phạm Trung Cang và ông Trịnh Kim Quang… vào năm 1992]. Có lẽ do ông ít khi sử dụng siêu xe [của ACB] và tên ông không gắn với đội bóng [cũng của ACB]. Một đôi lần tôi thấy ông giữ mình lặng lẽ ở những chỗ đông người và, rất nhanh, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống rồi rời đi trong chốc lát.
Phần lớn con đường học vấn của ông Trần Mộng Hùng được trang bị từ nền tảng giáo dục miền Nam. Dù, sau năm 1975, ông mới hoàn thành chương trình đại học.
Nếu không có những năm tháng Sài Gòn khánh kiệt bởi “cải tạo”, “đánh tư sản” và thay thế thị trường bằng “phân phối, quan liêu, bao cấp”, có thể ông Trần Mộng Hùng vẫn là một thầy giáo ở trường đại học. Ông từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng [1978-1980]. Ngày ấy, để có thể đứng được trên bục giảng, nhiều giảng viên khác như ông đã phải làm đủ nghề, từ nấu xà bông [từ xút và dầu dừa], đến làm nhựa tái chế và “nước giải khát có gaz”.
Chính sách thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng [đầu thập niên 1990s] đã giúp ông có một quyết định đúng đắn, chọn ngành kinh doanh đúng với chuyên môn của mình: Thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần [TMCP].
Trong gần hai thập niên sau đó, ở Sài Gòn có 3 ngân hàng TMCP hoạt động rất ấn tượng: ACB, Đông Á và Sacombank. Đông Á và Sacombank từng là những ngân hàng bán lẻ tốt nhất. Đông Á còn là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ ATM.
Tôi không chắc, việc Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy TP HCM có cổ phần trong ngân hàng Đông Á hay những sai lầm của ông Trần Phương Bình mới là yếu tố chính “giết chết” ngân hàng lừng lẫy một thời này. Nhưng, ở khu vực hoàn toàn tư, yếu tố minh bạch thường đảm bảo tốt hơn nơi công tư lẫn lộn.
Đáng tiếc nhất là Sacombank. Cổ đông sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành, bị suy yếu sau những thất bại của Sacomreal [khi thị trường địa ốc đóng băng sau khủng hoẳng 2008]. Gặp lúc phải đối diện với những âm mưu thôn tính bằng những công cụ phi thị trường, Sacombank, một ngân hàng đang cường tráng bị buộc phải trao cho một ngân hàng, khi ấy, đã “chết” trên thực tế.
Ông Trần Mộng Hùng là Tổng Giám Đốc đầu tiên và Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB từ năm 1994 đến 2008. Ông “điều hành ACB bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu”. Năm 2008, ACB đã tiên phong khi mời Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Chủ tịch bên cạnh Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người trẻ tuổi, tài năng. Và, người có ảnh hưởng trong giai đoạn này phải công nhận là “Bầu Kiên”.
Trong giai đoạn này, ACB nắm bắt đúng cơ hội, tăng trưởng mạnh và đã có những bước đột phá. Nhưng giai đoạn này, “Bầu Kiên” cũng đưa ACB phát triển theo hướng gây băn khoăn, lo lắng.
Năm 2012, xảy ra vụ án “Bầu Kiên”; một vụ án mà về mặt pháp lý có rất nhiều vấn đề. Nhưng đối với ACB, đây là một tình huống không chỉ buộc ngân hàng này phải xử lý tốt khủng hoảng tức thời mà còn phải cải tổ để đưa ACB trở lại đúng với chiến lược phát triển của người sáng lập.
Con trai ông Trần Mộng Hùng, Trần Hùng Huy, năm ấy 34 tuổi, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, lên làm Chủ tịch. Ông Hùng quay trở lại HĐQT và khi ACB đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo, ông rời HĐQT về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Quản Lý Rủi Ro [2018 – 2023].
Vào những lúc mà thị trường đất đai đang sôi động nhất, ông Trần Mộng Hùng nói với tôi, ông nhận được rất nhiều lời chào mời kể cả những lời chào mời từ phía chính quyền, nhưng ACB vẫn kiên quyết không đầu tư vào địa ốc. Đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc, đây là “sự đối lập giữa đạo đức kinh doanh và tinh thần liều lĩnh”.
Đã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Trần Mộng Hùng nhưng biết, ACB vẫn giữ được những giá trị cốt lõi ấy, vẫn là một ngân hàng kiên định với nghề ngân hàng chứ không sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn cho các công ty trong cùng "hệ sinh thái".
Ông Trần Mộng Hùng ra đi thật đột ngột [chỉ vừa 72 tuổi]. Nhưng ACB không bị đặt trong tình huống bất ngờ.
Ông Trần Mộng Hùng không những nằm trong số không nhiều những nhà doanh nghiệp Việt Nam tạo được cho mình một đế chế mà còn nằm trong số rất ít người chuẩn bị cho đế chế ấy sự thừa kế; xét cả từ góc độ gia đình và xã hội.
Trong hơn 30 năm qua, thay vì liên tục bám trụ “ngai vàng”, có những thời gian ông đứng hẳn ra ngoài dành sân cho thế hệ khác. Nhưng dù đứng ở vị trí nào, ông vẫn được coi là một "người thầy nghiêm khắc". Trước khi ra đi, vì thế, ông đã kịp xây dựng cho ACB một nền tảng quản trị hiện đại, hình thành được triết lý kinh doanh và về mặt con người, chuẩn bị được cho ACB một đội ngũ.