Từ hơn chục năm nay, thế giới bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của dân chủ trên mức độ toàn cầu. Tại các nước Phi châu, dân chủ đang trở thành một khái niệm phổ cập với sự hình thành giai tầng thượng lưu có kiến thức dân chủ, các chế độ độc tài lần lượt sụp đổ. Tại Á châu, nhu cầu của xã hội, khủng hoảng kinh tế buộc các chính quyền đương thời phải cải tổ hay chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Tại Ðông Âu, sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghiã Liên Xô và Ðông Âu dẫn tới sự dân chủ hóa các chế độ này. Tại các nước Trung, Nam Mỹ, dân chủ ở trên đà phát triển và dần dần trở thành tập quán chính trị. Mặc dù đây còn là các nền dân chủ non trẻ nhưng nhìn chung, dân chủ đang trở thành nhu cầu bức thiết và tất yếu của cả nhân loại.
Trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, dân chủ và thực hiện dân chủ là một đề tài tế nhị thậm chí có thể gây nên nhiều "vấn đề". Dù muốn, dù không Việt Nam cũng vẫn phải đi theo đà tiến hóa của nhân loại:
Về lý thuyết, những người cộng sản đã dầy công xây dựng một lý thuyết với mục đích thực hiện dân chủ (nhân dân) và công bằng (cào bằng) xã hội, bằng phương tiện chuyên chính vô sản; tự nó, cứu cánh (dân chủ, công bằng) và phương tiện đã là mâu thuẫn đối kháng; hơn nữa mục tiêu trước mắt của chủ nghĩa này là dùng chuyên chính vô sản để tiêu diệt tư bản, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội ra sao thì còn nằm trong trí tưởng tượng của mỗi người (đã có rất nhiều lý thuyết từ Marx, Lenine, Staline tới Mao Trạch Ðông, nhưng tất cả đều là lý thuyết xuông). Ðể giải quyết khủng hoảng lý thuyết, các đảng cộng sản Tây Âu từ bỏ chuyên chính vô sản(Eurocommunisme), còn ở Ðông Âu thì đưa ra chủ nghĩa xã hội nhân bản (một cách phủ nhận chuyên chính vô sản trong hoàn cảnh của các nước này, Socialisme à visage humain). Bức tường Bá-Linh sụp đổ là hậu quả tất yếu của bế tắc lý thuyết mà những người cộng sản đã thấy từ trước đó rất lâu.
Về thực tế, chế độ đảng trị và toàn trị dẫn tới một cơ chế xã hội xơ cứng với guồng máy nhà nước khổng lồ, nó bóp chết mọi sáng kiến cá nhân, với "tập thể" là cái bung xung, điều tốt là của cá nhân, còn điều xấu là trách nhiệm tập thể, tài sản nhà nước trở thành "của chùa". Hơn nữa, thay vì tiêu diệt giai cấp, lại nẩy sinh giai cấp mới là giai cấp đảng viên (hiển nhiên là đảng viên cỡ lớn, Nomenklatura). Cho tới nay chưa có một chế độ chuyên chính vô sản nào tự ý từ bỏ chuyên chính của họ để thực hiện nền dân chủ nhân dân với mục đích sau cùng là xoá bỏ Nhà Nước; cái mà mọi người đều thấy là các chế độ này là các chế độ độc tài mang tính quân phiệt (Staline), phong kiến Âu châu (Ceaucescu) hay phong kiến Ðông Á (Mao Trạch Ðông, Kim Nhật Thành) ...; về thực chất thì chỉ là các chế độ độc tài thường thấy mà thôi. Sự thực hiện dân chủ nhân dân chỉ là lý thuyết, thậm chí trở thành cái bình phong của chế độ.
Bế tắc lý thuyết, khủng hoảng chế độ tất nhiên dẫn tới nguy cơ chế độ tự sụp đổ. Ðây chính là lý do khiến cho Kroutchev và sau này là Gorbatchev phải thực hiện những cải cách chế độ. Chính sách "đổi mới" của Việt Nam thể hiện sự đồng ý với những nhận định của Liên Xô, đã có một thời người ta nhắc đi, nhắc lại câu "đổi mới hay là chết". Ở Trung quốc, sau những thất bại xây dựng kinh tế (như chương trình Ðại Nhẩy Vọt), Mao Trạch Ðông thấy không thể áp dụng lý thuyết xã hội chủ nghĩa được nên từ năm 1973, Mao bắt tay với Mỹ, khởi đầu tiến trình từ bỏ nền kinh tế hoạch định xã hội chủ nghĩa (có nghĩa là từ bỏ chủ nghĩa xã hội, ít ra là về mặt kinh tế); ông ta cũng không tiêu diệt địch thủ của mình, Ðặng Tiểu Bình (điều hiếm thấy và là một điểm son khi xét về bản chất của Mao) vì ông ta thừa biết là chỉ có họ Ðặng mới có thể xây dựng lại nền kinh tế Trung quốc (*3).
Nhìn chung thì hầu như tất cả các đảng cộng sản đều thấy bế tắc và nguy cơ tự sụp đổ, đây là vấn đề thường được bàn cãi trong hậu cung của họ. Sự tan rã của Liên Xô và Ðông Âu là điều không thể tránh, dù có Gorbatchev hay không, hơn nữa, chính nhờ ông ta mà giới hạn được những hậu quả xấu của sự tan rã này, khi chúng ta so sánh sự tàn lụi của các đế quốc khác trong lịch sử (từ đế quốc được hiểu theo nghĩa có một quốc gia cầm đầu với các nước chư hầu, tự nó không nhất thiết có nghĩa là xấu).
Do không tránh được sự tự sụp đổ nên vấn đề còn lại là phải thay đổi cơ chế (với câu hỏi đầu tiên là sự lựa chọn cơ chế mới) và làm sao để chuyển sang cơ chế mới.
Có hai lựa chọn cơ chế mới:
Như tất cả mọi lựa chọn khác, các giải pháp này đều có những hậu quả của nó:
Ðể chuyển sang cơ chế mới, tất nhiên phải có một dự án chính trị như chương trình "đổi mới" của ông Gorbatchev hay "bốn hiện đại" của ông Ðặng Tiểu Bình.
Lịch sử các nước phương Tây (trừ các nước di dân như Hoa Kỳ, Úc ...) từ hơn hai trăm năm nay, từ sự hình thành và phát triển tư bản và nền kinh tế thị trường, cho thấy là sự hình thành xã hội dân sự và dân chủ hoá chế độ là điều không thể tránh. Vấn đề là làm sao để sự chuyển đổi này ít gây ra đổ vỡ nhất, đây chính là biết rút kinh nghiệm của các nước phương Tây.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, sự chuyển đổi từ chế độ hiện nay sang chế độ dân chủ là một tiến trình đòi hỏi nhiều suy nghĩ, cả về lý thuyết lẫn phương án thực hiện; hơn nữa thực hiện sự chuyển đổi này trong ổn định lại càng cần động não hơn. Tất nhiên, sự tìm kiếm những giải pháp là nhằm giải quyết thoả đáng quyền lợi của tất cả, kể cả quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam.
Công cuộc dân chủ hóa xã hội Việt Nam là sự thay đổi toàn diện xã hội, từ cơ chế chính trị tới quan niệm, quan điểm, chính sách kinh tế, từ quan hệ giữa công dân và chính quyền tới văn hóa, tư tưởng; hơn nữa ngay cả trong nếp nghĩ cũng cần phải xem xét lại. Sau hơn 24 năm có hòa bình, về chính trị, xã hội và con người (nhất là các nạn nhân chiến tranh của cả hai phe), hậu quả của hai cuộc chiến tranh vẫn còn nặng nề, hận thù còn dai dẳng và nằm trong tiềm thức của nhiều người và làm sao hóa giải hận thù khi bất công, thành kiến và tinh thần phe phái vẫn còn đè nặng lên xã hội ta; đây cũng là một yếu tố bùng nổ xã hội, chính trị và là một vấn đề phải giải quyết trong bài toán dân chủ hóa xã hội; hơn nữa, đất nước là của chung, do đó, mọi người đều phải có "phần bánh" của mình, đây là công lý và là nguyên tắc điều hành của xã hội văn minh.
Mặc dù là một công cuộc to lớn và có thể dùng từ cách mạng dân chủ (mà nhiều người thường tránh né) để nói lên được hết ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, nhưng công cuộc này không nhất thiết phải là một cuộc cách mạng, lật đổ đầy máu lửa như thói quen thường liên tưởng của nhiều người (và của những kẻ chuyên nghề tuyên truyền). Lịch sử sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ tại nhiều nước từ trên mười năm nay đã chứng minh điều này, giành và giữ chính quyền không nhất thiết phải ở trên đầu mũi súng (*4).
Trong công cuộc dân chủ hóa, có rất nhiều phương diện và liên hệ giữa các phương diện, cần phải xem xét và thực hiện. Trước tiên, thực hiện dân chủ là xây dựng Nhà Nước pháp quyền (État de droit) với cơ cấu chính trị, xã hội và phương thức điều hành dân chủ. Sự thực hiện này mang tính chất tổ chức và hình thức trong khi nội dung của dân chủ là ở nông thôn, với các trì kéo của quá khứ phong kiến Ðông Á từ hàng nghìn năm nay; cần thiết phải lưu tâm tới các đặc thù ở nông thôn và có một dự án dân chủ hóa riêng, vì nếu không khả năng có những ông quan dân chủ trong một chế độ dân chủ (hình thức) là rất lớn. Sự bình đẳng và bình đẳng chính trị là một nguyên tắc của chế độ dân chủ, trong thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ độc đảng sang dân chủ (thường có nghĩa là đa đảng), sự dân chủ hóa ở trong đảng và đưa đảng trở về vị trí của một đảng bình thường trong sinh hoạt chính trị là điều tối cần thiết để thực hiện dân chủ trong ổn định và mở đường cho sự hình thành xã hội dân sự. Nhìn toàn bộ xã hội thì dân chủ hóa có nghĩa là xây dựng xã hội dân sự, chủ động xây dựng xã hội dân sự có nghĩa là tạo khả năng phát triển dân chủ trong ổn định; xã hội dân sự được hình thành sẽ tạo thế đối trọng giữa công dân và quyền lực chính trị, theo cách nói dân gian là thay đổi tương quan giữa dân (chi dân) và quan (phụ mẫu).
Dưới đây, xin trình bầy bốn phương diện cơ bản này và xin trình bầy dưới dạng bốn phương án thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp.
Phương án này là tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội lập hiến. Ðây là mục tiêu của sự chuyển đổi cơ chế, là sự cải tạo toàn bộ cơ cấu chính trị và xã hội: từ chế độ độc đảng sang đa đảng, từ bỏ chế độ làm chủ tập thể ..., công nhận quyền tư hữu, tự do cá nhân, ngôn luận, tư tưởng, tín ngưỡng ..., công nhận quyền thành lập các tổ chức tư nhân như nghiệp đoàn, báo chí, tôn giáo ...(theo từ ngữ thời nay là dân lập, điều khác biệt là hiện nay chỉ là dân lập có định hướng).
Ðây là sự xử dụng các biện pháp hành chính (tổng tuyển cử) với mục đích xây dựng khuôn khổ hình thức của một chế độ pháp quyền (hay pháp trị), tạo điều kiện thuận lợi cho sự (đang) hình thành và phát triển xã hội dân sự.
Về chương trình thực hiện, cần có các bước sau:
Hội nghị đề ra các nguyên tắc, biện pháp tổ chức bầu cử nhằm bảo đảm sự công bằng, trong sạch và tự do trong cuộc bầu cử. Hội nghị cũng đề ra các nguyên tắc thành lập các tổ chức chính trị, đưa ra dự án luật về các tổ chức chính trị trong thời chuyển tiếp...
Kết quả của hội nghị sẽ được thương thảo với quốc hội hiện nay nhằm đạt tới đúc kết cuối cùng. Cần thương thảo với quốc hội vì hai lý do sau:
Dù sao, Hội Nghị Quốc Dân cũng khó thể nhìn thấy hết mọi khía cạnh, do đó cần phải tham khảo ý kiến của nhiều thành phần trong đó quốc hội là một thành phần chủ yếu.
Theo quan niệm thực hiện dân chủ trong ổn định thì cần có sự tiếp nối và tìm kiếm sự đồng thuận tối đa. Do đó có thể coi Hội Nghị Quốc Dân là tiếp nối của quốc hội hiện nay, còn quốc hội thì ít ra họ cũng là đại diện của các địa phương, tìm kiếm sự đồng thuận của họ chính là góp phần thực hiện sự đồng thuận tối đa. Hơn nữa, đây là sự cải tạo cơ chế, còn về cá nhân thì không phải là điều quan trọng; có thể đa số trong quốc hội lập hiến tương lai là các đại biểu quốc hội hiện nay.
Từ Hội Nghị Quốc Dân, thành lập Ban Tổ Chức Bầu Cử, trong đó có Uy Ban Giám Sát Bầu Cử (nên có sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc).
Song song với Hội Nghị Quốc Dân, cần nới rộng các quyền tự do, dân chủ, cởi trói báo chí, thả tù nhân chính trị, chấp nhận thành lập các đảng phái chính trị, ...
Trên đây là đại cương về chương trình thực hiện. Cần phải xem xét về tính khả thi của phương án này. Sau đây là một số yếu tố :
Ðây là xét tình hình trước mắt, còn về lâu dài thì tổng tuyển cử vẫn là giai đoạn sau cùng trong quá trình chuyển đổi cơ chế độc tài sang dân chủ và là điểm khởi đầu bảo vệ và phát triển nền dân chủ non trẻ này.
Cho tới nay, chưa thấy có một chế độ nào tự ý giải thể và thực hiện tổng tuyển cử lập hiến chỉ vì thấy chế độ dân chủ là tốt đẹp cả (trường hợp Liên Xô khá đặc biệt, xin trình bầy ở phần sau). Thường thì sau khi chế độ cũ đã tan rã, một chính phủ lâm thời lên thay với nhiệm vụ tổ chức bầu cử, sự lựa chọn cơ chế mới sẽ tùy thuộc vào kết quả bầu cử.
Mặc dù là một giai đoạn và là một biện pháp tổ chức cần thiết nhưng tổng tuyển cử, tự nó không đồng nghĩa với dân chủ. Có dân chủ hay không còn tùy thuộc hoàn cảnh mỗi nước, cần phải xem xét sâu hơn về tình trạng xã hội, chính trị mỗi xứ và không thể vơ đũa cả nắm để kết luận rằng dân chủ là tốt hay xấu được. Do đó, có những nước thực hiện dân chủ một cách xuông xẻ như Tiệp Khắc, Ba Lan hay Hun-ga-ri, còn như ở Nga; Rou-ma-ni thì vẫn còn những yếu kém. Có nước như Indonésie thì mới chỉ bắt đầu tiến trình thực hiện. Thậm tệ hơn, ở Nam Tư, Milosovic xử dụng chiêu bài chủng tộc quá khích để thắng cử.
Sau đây là một số kinh nghiệm:
Một khía cạnh quan trọng cần nêu lên là sau khi chuyển đổi chế độ, giai tầng thượng lưu ở các xứ này, từ Ðông Âu tới Á, Phi, cũng vẫn chiếm các địa vị chủ chốt trong xã hội, họ không mấy bị thiệt hại. Ngày nay, các chủ thuyết chính trị nặng mùi phe phái, cực đoan, đòi tiêu diệt (trong thực tế thường có nghĩa là giết bỏ) đối thủ (thậm chí cả một giai cấp) đã trở thành lỗi thời. Nhu cầu của xã hội là cải tổ cơ cấu và qui chế điều hành chính trị (dân chủ hóa) chứ không phải là con người, giai cấp.
Ðây là phương án thực hiện dân chủ ở nông thôn. Xác định lại vai trò, chức năng và quyền hạn của các tổ chức địa phương, từ làng, xã, huyện, quận, tỉnh; quan hệ với chính quyền trung ương. Thực hiện các cải cách về cơ chế. Ban đầu, thực hiện bầu cử các hội đồng hành chính địa phương trong cả nước dựa trên nguyên tắc tự do và ứng cử cá nhân (vì chưa có chế độ đa đảng). Xét cho cùng thì đây chính là thực hiện khẩu hiệu "dân thấy, dân bàn và dân làm": nông dân có thừa sức để thấy người mà họ sẽ bầu lên, họ có điều kiện để nói lên và thực hiện những nguyện vọng của họ thông qua bầu cử và ngưòi mà họ bầu lên chính là từ nhân dân mà ra, để thực hiện những điều mà họ mong muốn.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở xã hội là thực hiện nội dung dân chủ, từ đó những cải tổ cơ chế chính trị trung ương (phương án một) sẽ dễ dàng hơn và hầu như trở thành vấn đề hình thức, tổ chức và pháp lý (không còn là vấn đề cốt lõi, hay giảm thiểu tính chất, của công cuộc chuyển đổi sang chế độ dân chủ).
Sự cải tổ cơ chế này là để thay đổi quan hệ công dân và chính quyền, địa phương và trung ương. Trong thời phong kiến, đây là quan hệ hàng dọc, hoàn toàn tôn ti trật tự, với quan niệm chi dân phụ mẫu; người dân có nhiệm vụ đi lính, đóng thuế và phục tùng triều đình còn ơn mưa móc thì tùy vào sự bốc đồng của vua mà thôi. Thời Pháp thuộc (*6), với mục đích cai trị và khai thác có hiệu quả, mặc dù chính quyền thuộc địa có thay đổi cơ chế hành chính nhưng họ chẳng dại gì xóa bỏ tinh thần tôn ti trật tự thể hiện trong cơ chế phong kiến (họ vẫn giữ chế độ cai tổng, lý trưởng). Sau giải phóng, chế độ phong kiến được thay thế bằng chế độ đảng trị, các ông lý tân thời này lại theo đường cũ mà thôi (vì thiếu ý thức và cũng vì chẳng ai buộc họ phải làm khác). Sự cải tổ sang cơ chế dân chủ nhằm giảm thiểu quan hệ hàng dọc (mặc dù trong hành chính, tập quyền là điều khó thể tránh và dù sao cũng vẫn cần có cái tối thiểu), xây dựng cơ chế đối trọng, tăng cường sự tham gia trực tiếp của người dân vào các công việc địa phương, bước đầu thực hiện tản quyền. Một điểm cơ bản khác của sự cải tổ là tách rời (hay giảm thiểu) quan hệ quyền (quyền lực chính trị) và lợi (ruộng đất) của giới cầm quyền ở nông thôn (xử dụng quyền lực chính trị để chiếm phần hơn, thậm chí cưỡng đoạt ruộng đất), là điều vẫn có từ nghìn xưa tới nay.
Trên đây là vấn đề cải tổ cơ chế, sự cải tổ này sẽ rỗng tuếch ý nghĩa nếu như không có chương trình kinh tế nông nghiệp phù hợp. Trước hết, tư hữu hóa nông nghiệp dựa trên nguyên tắc bình đẳng (như không phân biệt đảng viên hay không) và nâng đỡ các hộ nghèo; đây là chương trình cải cách điền địa, thực sự thực hiện khẩu hiệu "người cầy có ruộng"; đồng thời cũng cần phải trả lại ruộng đất đã tịch thu trước đây (với chương trình bù đắp, nếu như khó thể trả lại toàn bộ đất đai trong ngắn hạn). Về trung hạn, cần phải có chương trình kinh tế nông nghiệp phù hợp với đà phát triển chung của cả nước: sự kỹ nghệ hóa nền kinh tế quốc gia và nông nghiệp là tất yếu với tất cả các khả năng và hậu quả của nó; một trong các hậu quả là sự thặng dư sức sản xuất nông nghiệp (nói cách khác là nạn thất nghiệp), do đó, chương trình kinh tế nông nghiệp phải đề ra hướng giải quyết.
Có ít nhất là bốn phương diện cơ bản trong việc dân chủ hóa nông thôn cần phải nêu lên:
Trên đây là những vấn đề lý thuyết, trong thực tế, thực hiện dân chủ hóa nông thôn tất nhiên gặp phải sự kháng cự quyết liệt của thành phần thủ cựu địa phương, mặc dù có chính quyền trung ương đủ uy lực và có các chính sách, biện pháp tổ chức thích đáng.
Có một số kinh nghiệm, tổng quát và riêng biệt, xin trình bầy ở đây :
Từ ba yếu tố trên, sự dư thừa lao động ở nông thôn được thu hút bởi các ngành kinh tế mới mà ít có căng thẳng xã hội. Hơn nữa, ruộng đất nay không còn là nguồn lợi duy nhất của người dân và do đó không còn là trọng tâm quyền lợi; từ đó sự dân chủ hóa nông thôn chủ yếu là vấn đề tổ chức và các biện pháp hành chính.
Trước tiên, thực hiện dân chủ hóa đảng cộng sản Việt Nam. Sự thực hiện này trở thành cơ sở để hướng dẫn, chủ động trong công cuộc dân chủ hóa xã hội.
Trước đây, trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, đảng viên được trang bị bằng tinh thần "chí công, vô tư", "cần, kiệm, liêm, chính" và chính bằng tinh thần này mà họ lãnh đạo được nhân dân ta trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vừa qua. Mặc dù đây là các khái niệm nằm trong quan niệm Khổng giáo và bề ngoài thì không mấy dính lứu tới quan niệm dân chủ Tây phương, nhưng đây là trang bị cần thiết cho công cuộc dân chủ hóa đảng; vả chăng nếu những người cầm quyền (đảng viên) đều còn có tinh thần này thì dân tộc ta cứ việc ăn no, ngủ kỹ và chả cần nói chuyện dân chủ làm gì !. Mặt khác, đây chính là xây dựng lại uy tín của đảng, chuẩn bị cho tương lai lâu dài của đảng và bằng con đường hoàng đạo. Về cụ thể, đây là sự gom góp lại "nội lực" chuẩn bị cho công cuộc đổi mới đảng.
Trước đây, trong kháng chiến, tổ chức đảng là một tổ chức bán quân sự, có hiệu năng để lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Sau kháng chiến, tổ chức đảng vẫn không thay đổi, mặc dù nhu cầu thời cuộc là xây dựng đất nước và đảng trở thành đảng cầm quyền. Nói tới quyền hành là nói tới sự hủ hóa của kẻ cầm quyền và cơ chế đảng không dự đoán điều này, hơn nữa nó còn thuận tiện cho sự bao che, chối bỏ trách nhiệm.
Có một số nguyên tắc và biện pháp cải tổ: từ bỏ nguyên tắc trách nhiệm tập thể, cải tiến nguyên tắc trách nhiệm cá nhân (đây là điều đảng có thực hiện được ít nhiều), công khai hóa các hoạt động của đảng, thành lập (lại) ban giám sát và ban nghiên cứu cải tổ tổ chức nội bộ.
Một trong những vấn đề của đảng và của dân tộc là ban Tổ chức đảng, đây chính là ban công an quốc gia, nắm quyền sinh sát trong tay, là cái "lửng lơ" trên đầu mà mọi người, trong hay ngoài đảng, đều khiếp hãi. Không cải tổ nó, không giảm thiểu vai trò của nó thì nói chuyện dân chủ là không tưởng.
Tổ chức đảng là tổ chức một chiều, từ trên xuống dưới, những ý kiến được "bảo lưu" trên thực tế là được bỏ vào thùng rác. Cần thiết chấp nhận có khác biệt và tôn trọng nó ngay trong nội bộ đảng, những thảo luận trong đảng phải thực sự dân chủ, xóa bỏ tệ trạng chụp mũ, kết án bừa bãi (đây là các thủ thuật nhằm bảo vệ, bao che các bè phái mà thôi). Nguyên tắc tập trung dân chủ (*8), áp dụng trong nội bộ đảng, trên thực tế trở thành cái bùa để trấn áp trong cuộc đấu đá giữa các phe phái; cần thiết từ bỏ nguyên tắc này. Xây dựng cơ chế nhằm bảo vệ thiểu số và để họ có cơ hội trình bầy, bảo vệ và phát triển ý kiến của họ.
Liên hệ này cũng là liên hệ một chiều, trong thời kháng chiến, để có thể động viên toàn dân thì điều này có thể chấp nhận được. Trong thời xây dựng đất nước thì điều này trở thành phương tiện để kiểm soát toàn thể nhân dân, một thí dụ là theo quan điểm của đảng thì quốc hội cũng chỉ là một tổ chức quần chúng, nhằm thực hiện các nhiệm vụ của đảng trao cho.
Ðây là sự từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của chế độ đảng trị (và toàn trị), là sự trở về vai trò, vị trí của một đảng chính trị trong khuôn khổ một chế độ dân chủ. Ðây là sự lựa chọn tương lai của đảng: vì quyền lợi vị kỷ trước mắt mà tiếp tục duy trì chế độ hiện nay với nguy cơ sụp đổ và sụp đổ vĩnh viễn hay biết nghĩ tới tương lai lâu dài của chính họ và quyền lợi của dân tộc. Ðây có lẽ cũng mang ý nghĩa của sự trở về: sự tranh cãi giữa Ðệ Nhị hay Ðệ Tam quốc tế chủ yếu là về chiến lược và phương thức đấu tranh (đấu tranh trong khuôn khổ chính thức, bằng phương thức hòa bình hay giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng), còn mục đích đấu tranh của các phong trào tả khuynh (xã hội, cộng sản ...) là những "giá trị phe tả" thì không mấy khác biệt; ngày nay, đa số các đảng (tân) cộng sản đều ít nhiều đi theo con đường này.
Trong chế độ dân chủ, ngân sách nhà nước giành cho các đảng phái chính trị được định chế hóa và công khai hóa, dựa trên cơ sở bình đẳng và thường dựa trên kết quả của cuộc bầu cử cuối cùng; không có một đảng nào được quyền hưởng những quyền lợi đặc biệt cả, đây là nguyên tắc tổ chức dân chủ; cần phải trình bầy thẳng thắn ở đây.
Trên phương diện kinh tế, chấp nhận kinh tế thị trường có nghĩa là phải giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cạnh tranh với hàng ngoại. Chi tiêu của đảng rất lớn (*9), đây là một sự lãng phí của công và (trực tiếp hay gián tiếp) làm tăng giá thành sản phẩm (do đảng không công bố ngân sách, nên không thể khẳng định là bao nhiêu, nhưng với chế độ độc đảng thì sự phung phí của công không phải là điều đáng ngạc nhiên). Hậu quả của sự kiện này không phải là nhỏ, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở châu Á và Việt Nam sắp bỏ hàng rào quan thuế, mở cửa thị trường, đúng theo thỏa thuận với ASEAN.
Do hoàn cảnh lịch sử, có những lẫn lộn trong sinh hoạt đảng, chính quyền và nhân dân; từ đó, việc đưa đảng trở về vị trí bình thường của một đảng chính trị có những chồng chéo tế nhị, cần phải phân định và tìm ra các hướng giải quyết thỏa đáng. Một thí dụ là có những đảng viên cả đời làm công tác đảng khi về hưu thì lãnh hưu bổng của một cán bộ đảng và được tương đương hóa với lương hưu của một công chức nhà nước; trong khi với một nhà nước dân chủ thì có sự phân biệt rõ rệt giữa công và tư. Sự lẫn lộn giữa đảng và nhà nước có lẽ cũng gần giống như sự lẫn lộn giữa nhà thờ và chính quyền tại các nước Âu châu trước đây (cho tới nay cũng vẫn chưa hết hậu quả). Tất nhiên, sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ là thực hiện những cải cách cơ chế nhằm phục vụ con người, có nghĩa là cho tất cả mọi người, đảng viên hay không; do đó cần tìm những giải pháp, pháp lý (phân biệt công, tư) và cụ thể (không để cá nhân, đảng viên, bị thiệt thòi), thỏa đáng. Các khuynh hướng thủ cựu trong đảng thường dựa vào những điều này làm thủ thuật hù họa.
Như trên đã trình bầy, những bế tắc của chủ nghĩa xã hội, từ lý thuyết tới chế độ, đã được thấy từ lâu. Ðã có nhiều khuynh hướng cải cách, dưới đây chỉ xin trình bầy ba trường hợp:
Tại Trung quốc và Việt Nam, hai khó khăn này không lớn. Ðây là nền kinh tế nông nghiệp với cơ chế phân phối quốc doanh và chợ đen (hay móc ngoặc). Nhìn một cách đơn giản và tổng quát hóa thì sự chuyển đổi kinh tế tại các nước này là sự từ bỏ nền kinh tế hoạch định xã hội chủ nghĩa, chấp nhận kinh tế thị trường: giải thể các hợp tác xã (nông nghiệp) và cơ sở kinh tế quốc doanh, chính thức hóa nền kinh tế ngầm (chợ đen, cho phép tư doanh được phát triển). Nói một cách khác là để cho mọi người tự do làm giầu.
Do hai cơ cấu kinh tế khác nhau nên tranh cãi "cải cách chính trị trước, kinh tế sau" hay "cải cách kinh tế trước, chính trị sau" là tranh cải vô bổ và có lẽ đây chỉ là thủ thuật tuyên truyền của kẻ cầm quyền.
Thực hiện dân chủ hóa xã hội, chủ động xây dựng từng bước xã hội dân sự song song với sự phát triển của kinh tế (thị trường) và xã hội (dân sự). Nới rộng các quyền dân sinh, dân chủ, tự do thành lập các tổ chức dân sự (báo chí, nghiệp đoàn, ...), chấp nhận sự hình thành xã hội đa thành phần, đa diện, đa đạng, chuẩn bị cho sự hình thành cơ chế chính trị dân chủ (đa đảng) sau này. Một trong những cải cách phải làm là tự do ngôn luận, vì vai trò trọng yếu của báo chí. Xã hội được dân chủ hóa có sức ép buộc các thành phần thủ cựu trong đảng phải thay đổi.
Về đại thể, chương trình dân chủ hóa xã hội là sự tiếp nối chính sách "đổi mới" thời 1986-1987, với những cải cách sâu, rộng hơn và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Một thí dụ là chương trình trả lại nhà, đất đã được thi hành theo kiểu nửa giơi, nửa chuột; thường thì những cái không có giá trị được trả lại, còn "của bở" được trả lại là điều hiếm thấy (và thường thì "phí tổn" khá bộn, coi khi lại mất tiền toi); tất nhiên, chương trình trả lại nhà, đất mới phải giải quyết đối kháng quyền lợi giữa người chủ thực sự và người đang xử dụng trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của chủ nhân (tôn trọng quyền tư hữu), đồng thời tránh gây sáo trộn xã hội; đây là chương trình dài hạn, phức tạp và tốn kém cho ngân quỹ quốc gia.
Các người lãnh đạo thường coi những cải cách chính trị (dân chủ hóa) là nguyên nhân sụp đổ của khối Ðông Âu và những xáo trộn sau này. Ðây là lý do bề nổi. Lý do sâu xa thì rất giản dị: từ tâm lý hoảng sợ trước sự sụp đổ của một chế độ tương đương và gắn sự sụp đổ này với quyền lợi trước mắt của họ (mất chế độ thì mất quyền lợi) dẫn tới khuynh hướng co cụm và dùng bạo lực (công an) trấn áp. Ðây là phản ứng bình thường của một con người, đáng tiếc là những người có tầm nhìn chính trị xa hơn không (hay ít) có tiếng nói.
Các người lãnh đạo thường đặt câu hỏi "có trụ được không ?". Ðể trả lời câu hỏi "có trụ được không ?", cần thiết phải trở về vấn đề quan niệm: một chế độ chỉ là một cơ chế chính trị do con người tạo nên để quản lý xã hội, khi nhu cầu của xã hội đòi hỏi thì phải có những cải cách để đạt mục đích mong muốn; tự nó không có chuyện còn hay mất (trụ được hay không trụ được). Ðiều này khác với cách nhìn thâm căn cố đế theo kiểu nhà Lê mất, nhà Nguyễn lên thì quân thần nhà Lê phải tháo chạy bán mạng.
Dưới bất kỳ một chế độ nào, quyền lợi của một cá nhân thì thường trực là chuyện còn hay mất; những đấu đá và phân định ngôi thứ, trong hậu cung hay ngoài xã hội, là chuyện muôn thủa của con người (trong cùng một chế độ, ông A lên thì hiển nhiên là ông ta đem nhân sự của mình vào; còn nhân sự cũ thì hoặc ngồi chầu rìa, hoặc phất cờ mới). Tất nhiên, cải tổ cơ chế dẫn đến ít, nhiều thay đổi nhân sự. Vả chăng, việc thực hiện dân chủ trong ổn định chính là để giảm thiểu những xáo trộn không cần thiết.
Trong lịch sử, có những chế độ quá gắn bó với quyền lợi trước mắt và cương quyết dùng bạo lực để bảo vệ; trong trường hợp này thì chỉ còn nước nổi loạn, làm cách mạng lật đổ (cách mạng 1789, cách mạng vô sản, ... là điều đã xẩy ra). Ðây là điều cần tránh và cũng là một khả năng.
Thực hiện dân chủ trong đảng hay ngoài xã hội có liên hệ mật thiết với nhau, đây là hai khía cạnh của vấn đề; do đó xin xem những kinh nghiệm của phương án ba.
Ngoài ra, thời kỳ Mặt Trận Bình Dân ở Pháp và Tây Ba Nha cũng là những kinh nghiệm cần xem xét. Những cải cách trong thời kỳ này dân chủ hóa xã hội, nâng cao sức mua của người lao động, góp phần tạo điều kiện hình thành xã hội tiêu thụ sau này; xã hội tiêu thụ lại trở thành một động cơ chính của sự phát triển kinh tế tại các nước Tây Âu sau chiến tranh. Ðây chính là thông điệp về ích lợi của dân chủ trong phát triển kinh tế của phương Tây.
Như trên đã trình bày, những vấn đề của Việt Nam được nhìn dưới khía cạnh các phương án thực hiện. Ðây là bốn vấn đề cơ bản của xã hội, có liên hệ hỗ tương, không thể tách rời; thực hiện dân chủ là thực hiện các cải cách song song trong tất cả mọi địa hạt, những tiến bộ trong một lãnh vực tạo điều kiện thuận lợi để phát triển dân chủ trong các lãnh vực khác (tương tự như trong kiến trúc xây nhà). Dân chủ hóa xã hội là một tổng thể bao gồm bốn vấn đề nêu trên. Cần nhấn mạnh ở đây là sự chuyển đổi sang cơ chế chính trị dân chủ chỉ là bước cuối cùng của giai đoạn hình thành nền dân chủ và mở đầu cho giai đoạn mới, giai đoạn củng cố và phát triển dân chủ vì dân chủ lúc nào cũng là một vấn đề thời sự.
Phương án từ trên xuống dưới (cải tổ cơ chế chính trị) và phương án từ trong ra ngoài (dân chủ hóa đảng và đưa đảng trở về vị trí của một đảng chính trị bình thường) mang nặng tính chất tổ chức, hình thức; còn phương án từ dưới lên trên (dân chủ hóa nông thôn) và phương án từ ngoài vào trong (xây dựng xã hội dân sự) là thực chất, nội dung của công cuộc dân chủ hóa xã hội. Tại các xã hội phương Tây, người ta đã dầy công xây dựng cơ chế chính trị dân chủ, cái mà Mác gọi là dân chủ hình thức; còn thực chất của dân chủ (chủ yếu) là thành quả của các áp lực, đấu tranh đẫm máu của quần chúng (kể cả các phong trào vô sản) và chính vì có thực chất nên các chế độ tư bản Tây phương không sụp đổ như Mác tiên đoán.
Tại các nước phương Tây, đã hình thành tư tưởng và các cơ chế dân chủ từ lâu, đối với các nước chậm phát triển, sự tìêu hóa, hội nhập dân chủ gặp các khó khăn thường thấy: do điều kiện khác nhau nên khó thể áp dụng trực tiếp các lý thuyết, kinh nghiệm của họ; từ lý thuyết đến thực tiễn lúc nào cũng có một khoảng cách rất lớn.
Về mặt phương pháp luận, sự tiếp thu lý thuyết dân chủ và tìm cách thực hiện là cách làm "từ lý thuyết đến thực hiện" với các ưu, khuyết điểm của nó. Ưu điểm vì ít ra cũng hiểu được ý nghĩa và nội dung của dân chủ; khuyết điểm vì lý thuyết lúc nào có giới hạn so với thực tế cuộc sống, đây là khuyết điểm của chính phương pháp này. Ðể bổ túc cho cách làm trên, cần có cách làm "từ thực tế tới thực hiện", từ đó làm nổi bật lên những điều kiện, khó khăn đặc thù của xã hội, sự xem xét tính khả thi của một dự án dân chủ hóa xã hội có phần chính xác hơn; đây là nội dung mong muốn của bài.
Một điểm cơ bản khác là bản chất "hỉ, nộ, ái, ố", "tham, sân, si" của con người. Ðây không phải là lý thuyết mà là một nhận định, những điểm này thuộc về bản chất của con ngưòi. Các nghiên cứu lý thuyết thường quá chú trọng tới cái chung, cái tổng thể (như giai tầng, giai cấp xã hội) mà quên đi cái gốc của vấn đề là con người, thậm chí có khi coi cái gốc là cái phụ thuộc (trong lý thuyết duy vật, tương quan phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất là cái chính, giai cấp - con người - chỉ là hệ quả).Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, thì bản chất này của con người là một cản trở lớn trong công cuộc dân chủ hóa xã hội: từ dân thường tới đảng viên, ai nấy đều hăm hở làm ăn, chỉ nghĩ tới quyền lợi trước mắt mà không có cái nhìn xa hơn; thậm chí, những người có quyền thì sẵn sàng dùng uy quyền của họ để chống trả quyết liệt khi bị đụng chạm. Con người thì như vậy, trong khi sự phát triển của xã hội đòi hỏi sự dân chủ hóa; do đó, khả năng bùng nổ xã hội và chính trị là rất lớn.
Tại các nước phương Tây, từ hơn hai trăm năm nay, sự phát triển của kinh tế dẫn đến xã hội đa diện, đa dạng với nhiều giai tầng, giai cấp; xã hội dân sự hình thành và để điều hành xã hội này thì phải dùng phương thức tổ chức dân chủ. Nói một cách khác, xã hội dân sự là nội dung, cá tính của các xã hội phương Tây, còn dân chủ là cơ chế tổ chức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội này. Ðây là sự quan sát lịch sử các nước này. Xã hội Việt Nam không thể không đi theo con đường này, áp lực của nền kinh tế thị trường và xã hội dân sự buộc phải đi theo con đường này. Vấn đề là làm sao để sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ ít gây thiệt hại, đổ vỡ nhất.
Những điều trình bầy trên đây mang nặng tính chất gợi ý và đại thể, cần thiết có những nghiên cứu bề sâu và cụ thể. Những vấn đề của dân tộc là rất lớn và thậm chí có khi là những vấn đề từ hàng nghìn năm nay. Việt Nam hiện nay đang ở trong thời kỳ tư bản tự phát với tất cả những hậu quả của nó, bùng nổ xã hội với khả năng biến động chính trị là điều có thể thấy trước; dân chủ hóa xã hội là để giảm, tránh những biến động này. Nhu cầu dân chủ ngày càng trở nên bức thiết và để tránh đổ vỡ thì thời gian không đợi chúng ta. ( *10 )
Bruxelles, ngày 1-11-1999.
Nhặt sạn & thêm link, ngày 19-10-2020.
*1. Trước đây (1-11-1999), để tránh đụng chạm nên tôi ghi chú như sau (nguyên văn):
“Bài này được viết nhân dịp Hội Thảo Mùa Hè 1999 tại Liège, tác giả dùng tên thật là Nguyễn Lân. Vì có một số điểm cần sửa đổi vào lúc chót và cũng vì không tiện nên rốt cuộc không đăng ký. Dưới đây là bài viết đã được sửa đổi, các phần sửa đổi sẽ được chú thích đầy đủ. Tác giả xin chân thành cảm tạ các góp ý và nhặt sạn, có lẽ vẫn còn nhiều sạn !.”
Nay, cần trình bày sự thật như sau:
Tại Hội Thảo, để được trình bày, các tác giả phải đăng ký và gửi bài cho ban tổ chức duyệt. Tôi không được lên diễn đàn trình bày, theo ban tổ chức, Nguyễn Mạnh Cầm, ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng ngoại giao đương thời không đồng ý. Tôi không ngạc nhiên về quyết định này, đối với tôi, đây là phép thử cuối cùng đối với chế độ độc tài toàn trị kiểu cộng sản trị này. Sau đó, tôi ca bài giã từ chế độ và chuẩn bị làm YKien.net.
*2. Sự tự sụp đổ này là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ sự thạch hoá chế độ (từ thời Staline) tới sự đất hoá chế độ (từ sau thời Kroutchev : từ thạch biến thành đất : sự kiện bắn rơi máy bay Boing của hãng hàng không dân sự Nam Hàn với những lủng củng, thiếu nhất quán của giới lãnh đạo quân sự, mang đầy ý nghĩa; nó chứng minh rằng ngay cả guồng máy quân sự - là con chủ bài của chế độ, được đặc biệt ưu đãi, chăm lo - cũng không còn hoạt động hữu hiệu nữa) và sau cùng là thời kỳ sụp đổ (khoảng 1989; sự thất bại của cuộc đảo chính chống Gorbatchev nhằm thiết lập lại chế độ chuyên chính kiểu Staline chứng tỏ là khi đất đã rã thì không làm sao cứu vãn được). Ðây không phải là sự nổ sụm (implosion) vì từ này mang nặng tính chất bùng nổ, đột biến khác với quá trình ung thối lâu dài và giống như người bị kiệt sức, tới lúc thì sụm thôi.
*3. Khoảng những năm 70-80, tác giả có đọc bài báo viết về chuyện có những phái đoàn thuộc thế giới thứ ba gặp Mao và hỏi về việc áp dụng chủ nghĩa xã hội tại các nước này thì được Mao trả lời là không nên áp dụng chủ nghĩa này. Ðây là theo trí nhớ thôi, nếu độc giả nào sưu tầm được bài báo này, xin gửi cho tác giả làm tài liệu chứng minh rằng Mao không còn tin chủ nghĩa nữa; xin chân thành cảm tạ. Có một vấn đề về việc xem xét lịch sử cũng xin nêu lên ở đây : ai cũng biết rằng Ðặng là người thực hiện đổi mới, đây là sự thật phổ biến, còn chuyện Mao cũng có ý định từ bỏ chủ nghĩa là chuyện cần chứng minh; trong trường hợp đúng thì nó chứng minh rằng ngay cả một ông tổ lý thuyết của chủ nghĩa xã hội cũng không còn tin chủ nghĩa nữa !.
*4. Trong thời kỳ 1968, có nhiều người thiên tả phương tây rất chuộng khẩu hiệu "chính quyền trên đầu mũi súng" (le pouvoir est au bout du fusil) của Mao.
*5. Có lẽ lịch sử Ba Lan sẽ ghi công tướng Zaruzelki trong trong công cuộc bảo vệ Ba Lan không bị khối Varsovie can thiệp và giữ lối thoát để sự chuyển đổi chế độ diễn ra trong ổn định trong trường hợp chế độ của chính ông sụp đổ.
*6. Trước đây viết là: "Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa có thay đổi cơ chế hành chính với mục đích cai trị và khai thác có hiệu quả và do đó họ chẳng dại gì xóa bỏ tinh thần tôn ti trật tự thể hiện trong cơ chế phong kiến".
*7. Trước đây viết là: "cơ chế quốc phòng và chính trị".
*8. Nhặn sạn : trước đây viết là "Nguyên tắc chuyên chính vô sản", dùng cụm từ "tập trung dân chủ" thì đúng hơn. Theo thiển ý, chuyên chính vô sản là nguyên tắc chung, được áp dụng cho toàn xã hội, còn tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức, được áp dụng trong đảng nhưng dù sao cũng vẫn phải thể hiện tính chất chuyên chính vô sản và "dân chủ" chẳng qua chỉ là chuyện nói cho vui; chính vì vậy mà trong các chế độ này mới nẩy sinh các nhà độc tài lớn, nhỏ như Staline, Mao, Kim Nhật Thành ... : trước tiên họ là kẻ cầm đầu đảng với nguyên tắc tập trung dân chủ và sau đó, trong hoàn cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa thì họ là kẻ nắm quyền tối thượng trên toàn xã hội với nguyên tắc chuyên chính vô sản.
*9. Nhặn sạn : trước đây viết là "Sự kiện đảng lấy hơn nửa ngân sách quốc gia để chi tiêu cho riêng mình là một sự lãng phí của công và (trực tiếp hay gián tiếp) làm tăng giá thành sản phẩm". Ðể tránh những ngộ nhận, những đồn đại trong dân gian, đảng nên công bố ngân sách của mình.
*10. Sau đây là phần trả lời một số câu hỏi chung. Những câu hỏi này đều là những vấn đề lớn, cần phải có những bài nghiên cứu riêng, bao gồm mọi khía cạnh, từ chính trị, kinh tế, xã hội, hành chính ... đến cả triết lý, quan niệm sống hay phong tục, tập quán; từ lý thuyết đến thực hiện và ngược lại. Ðiều này có nghĩa là cần ý kiến của các chuyên viên. Nhân đây xin cảm tạ đã nêu lên nhiều vấn đề vì quả thật thực hiện dân chủ tại Việt Nam đặt ra rất nhiều vấn đề và những điểm tác giả nêu lên trong bài chẳng qua chỉ phản ảnh một phần thực trạng Việt Nam mà thôi. Với những giới hạn của mình, tác giả cố gắng trả lời một số điểm; tất nhiên đây chỉ là các trả lời ngắn gọn, còn về sau sẽ được đề cập tới trong những bài viết khác trên trang Web này.
10.1. Hỏi : Có lý do nội tại gì làm chế độ hiện nay cần chấp nhận một trong những đề nghị của tác giả ? Nếu họ không theo thì chế độ có sụp đổ không và tại sao ?
Ðáp : Ðể cải tổ hay thay đổi cơ chế chính trị, tất nhiên là phải ý thức được sự cần thiết của nó, hiện nay thì người ta sống theo phản ứng (có nghĩa là chạy theo quyền lợi vị kỷ trước mắt và trấn áp những gì mà người ta nghĩ là có thể làm mất quyền lợi của họ), do đó họ chỉ có thể có phản ứng phủ nhận những đề nghị này mà thôi. Mục đích của bài là đưa ra các đề nghị cho tất cả mọi người, trong đo có đảng cộng sản Việt Nam và đảng này có vai trò chủ yếu; cũng cần lưu ý là 4 phương án trong bài nằm trong một toàn thể những cải cách phải tiến hành song song. Nếu cứ tiếp tục tình trạng tư bản (đỏ) tự phát như hiện nay, thì có thể xem xét 4 giả thuyết:
1) Trở thành "rồng, cọp" và từ từ dân chủ hoá chế độ như Ðài Loan, Ðại Hàn.
- Ðể trở thành "rồng, cọp" thì các nước này đã có một số điều kiện cơ bản thuận lợi như sau : a) chính sách giáo dục tốt, b) khả năng tiếp thu kỹ thuật, quản lý của người dân c) được sự viện trợ và nâng đỡ kinh tế, kỹ thuật của Mỹ, d) thời kỳ chuẩn bị và cất cánh kinh tế thuận lợi (từ 60-80) : ít cạnh tranh, kỹ nghệ mũi nhọn chưa phát triển nhiều, e) được sự đóng góp của kiều dân (trường hợp Ðại Hàn thì ít hơn), f) không bị cách mạng vô sản làm cho "sạch sành xanh" và phải hàn gắn, xây dựng lại từ đầu g) riêng về nông nghiệp thì thừa hưởng kỹ thuật "cách mạng xanh" của tây phương h) về ngoại thương thì được hưởng thuận lợi của người trong "phe ta" (tư bản) trong thời kỳ đối đầu chiến tranh lạnh.
- Hiện nay, Việt Nam có hai yếu tố thuận lợi: sự tăng trưởng kinh tế (kết quả của thời kỳ đổi mới) và khả năng tiếp thu kỹ thuật của người dân. Ngược lại, chính hai yếu tố này cũng "có vấn đề" làm giới hạn khả năng phát triển của nó: kết quả của sự cởi trói kinh tế bắt đầu giảm và hậu quả của khủng hoảng kinh tế ở châu Á bắt đầu có tác dụng, sự phá sản của nền giáo dục, hậu quả của chính sách chính trị là thống soái trong thời kỳ bao cấp và tinh thần "cha chung không ai khóc" điển hình của chế độ xã hội chủ nghĩa (về giáo dục thì còn rất lâu mới có thể vực dậy được). So sánh với các nước kể trên va xem xét thực trạng Việt Nam thi điều này không cho phép chúng ta thấy được viễn ảnh "rồng, cọp" này.
2) Khó khăn kinh tế dẫn đến bùng nổ xã hội, kéo theo biến động chính trị : trong trường hợp này thì lịch sử Việt Nam chỉ là sự lập lại lịch sử các nước như Thái Lan (thời các tướng lĩnh), Phi Luật Tân (với Marcos), Nam Dương ... Về giả thuyết này thì, trong hoàn cảnh có nhiều điểm giống nhau, có lẽ nên đặt ngược lại câu hỏi : có khả năng nào để Việt Nam tránh được hay không ?
3) Tất nhiên, ngoài 2 giả thuyết trên, còn có giả thuyết "rồng đau, cọp yếu" : tăng trưởng kinh tế tý chút, không đủ để cất cánh và chế độ thì vẫn "đổi mới như cũ", dân chúng, ai không chịu được nổi đoá lên thì chính quyền đấm mõm cho tý chút, còn ai chịu đựng được thì ráng mà chịu. Ðiều này có vẻ khôi hài, nhưng đây là khả năng lớn nhất và đáng buồn nhất. Tất nhiên, đây chỉ là giai đoạn chuyển tiếp của một trong hai giả thuyết trên. Mong rằng giai đoạn này không quá dài !. Có lẽ có thể coi chỉ số tăng trưởng kinh tế là dấu hiệu để đoán khả năng bùng nổ hay "rồng, cọp" : trong trường hợp tăng trưởng dưới 3 % (chỉ nên dựa trên con số của các cơ quan quốc tế) thì có nhiều khả năng bùng nổ vì sự tăng trưởng 3 % có nghĩa là dậm chân tại chỗ, so sánh với các nước trong vùng thì điều này có nghĩa là tụt hậu; trong trường hợp tăng trưởng từ 5 % trở lên thì ngoài khả năng "rồng, cọp" vẫn có khả năng bùng nổ và đây là khẩ năng thứ tư xin trình bầy dưới đây.
4) Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị ... và để tiếp tục tăng trưởng thì phải có khả năng và nhất là phải có tinh thần giải quyết vấn đề vì ích lợi chung. Ðây là 2 điểm mà đảng cộng sản Việt Nam không có. Do đó, sự tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng làm nẩy sinh, tăng lên, trầm trọng hoá các vấn đề và khả năng khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị ... sẽ ngày càng lớn hơn. Một thí dụ là một trong các nguyên nhân chính của các cuộc khủng hoảng, kinh tế và cả chính trị (như trường hợp Nam Dương), ở đông nam Á hiện nay là sự không giải quyết các yếu kém trong thời kỳ tăng trưởng (như chính sách tín dụng, cơ chế ngân hàng).
10.2. Hỏi : Có lý do gì tác giả không kể trong phương án của mình con đường Ðảng CS việt nam đang lựa chọn, tức là một giải pháp giữ ổn định trong khuôn khổ hiện nay, đẩy mạnh phát triển kinh tế, dân chủ dần dần qua xây dựng hệ thống pháp lý ? Lý do gì tác giả chứng minh rằng phương án mình đề nghị hơn hẳn phương án đảng CS đang theo và không gây ra mất ổn định ?
Ðáp : Ðể đưa ra những đề nghị thì phải xem xét tình hình thực tế, còn những người cầm quyền thì họ muốn nói gì thì nói. Câu hỏi đặt ra là làm sao giữ ổn định khi hiện nay là tình trạng tư bản tự phát với các bất công, bất bình đẳng, phân hoá xã hội, tha hoá con người và xã hội ngày càng cao; những điểm này chính là nguyên nhân của bùng nổ, nổi loạn. Chế độ độc tài đảng trị khiến cho rất khó để giải toả áp lực này; chính sách co cụm, trấn áp hiện nay không cho phép có cái nhìn lạc quan hơn; trước mắt chỉ thấy những kẻ cầm quyền làm tất cả cho cái hầu bao của họ mà thôi (để tranh ăn và bảo vệ miếng ăn bằng mọi giá). Chính sách co cụm, trấn áp người dân hiện tại không cho phép chúng ta thấy sự từ từ dân chủ hoá ở đâu cả (mặc dù những quảng cáo của guồng máy tuyên truyền, nhưng ngày nay, người dân đã biết quá rành cái lưỡi gỗ của các chính trị gia rồi). Làm sao có thể "xây dựng hệ thống pháp lý" khi chính đảng không tôn trọng pháp lý ?. Tóm lại cái gọi là "phương án đảng CS đang theo" chỉ có trên giấy mà thôi. Những điều trình bầy trong bài nhằm mục đích giảm thiểu, hoá giải những nguyên nhân có thể dẫn đến bùng nổ, bạo động và xin xem lại bài . Về mặt chính trị, không nên quá xử dụng lý luận toán học để chứng minh "đúng, sai", ai có thể khẳng định giả thuyết của mình là đúng trăm phần trăm ?. Hơn nữa, rất nguy hiểm khi khẳng định điều này; kinh nghiệm với một ông Marx quá tài ba, tự coi chỉ có mình là đúng, là quá đủ cho nhân loại rồi.
10.3. Hỏi : Tác giả viết "Tổng tuyển cử, tự nó không đồng nghĩa với dân chủ. Có dân chủ hay không còn tùy thuộc hoàn cảnh mỗi nước ... không thể vơ đũa cả nắm để kết luận rằng dân chủ là tốt hay xấu", nếu lý luận như thế thì tại sao Việt Nam hiện nay lại cần dân chủ qua tổng tuyển cử ? Hay cần dân chủ ? Vậy thế nào là dân chủ ? Thế nào là nền dân chủ thích hợp cho Việt Nam ?
Ðáp : Có lẽ bài trình bầy không được rõ. Về lý thuyết thì tất nhiên là không ai thật tâm muốn khúm núm trước kẻ khác và dân chủ là một giá trị phổ cập của nhân loại. Về tổ chức thì tổng tuyển cử là phương tiện hầu như duy nhất để chuyển đổi chế độ một cách hoà bình và bảo đảm tư cách pháp lý của chế độ tương lai. Về hiệu quả thì tùy thuộc hoàn cảnh mỗi nước và không chắc là tổng tuyển cử sẽ chỉ dẫn đến những điều tốt đẹp mong đợi; có rất nhiều kinh nghiệm của các nước : trường hợp tốt như Ba Lan, Tiệp Khắc, xấu như Nam Tư (và không nên quên là Hitler được dân Ðức bầu lên), còn nhiều vấn đề như Roumanie, Nam Dương ("Có dân chủ hay không còn tùy thuộc hoàn cảnh mỗi nước"). Tóm lại, tổng tuyển cử là một phương tiện để thực hiện dân chủ ("tự nó không đồng nghĩa với dân chủ"). Ngoài ra, kẻ làm chính trị có dụng ý của họ khi bàn về vấn đề này : kẻ độc tài thì tìm cách đồng hoá dân chủ với hỗn loạn, người muốn có dân chủ thì thường chỉ nêu lên tính chất lý tưởng, tốt đẹp của dân chủ và không đề cập tới những khía cạnh khác, cần phải xem xét sâu hơn ("không thể vơ đũa cả nắm để kết luận rằng dân chủ là tốt hay xấu"). Dân chủ là một giá trị phổ cập của nhân loại và không có chuyện dân chủ của ta khác dân chủ của tây (theo lối giá trị phương đông, giá trị phương tây), cũng không có dân chủ này hơn gấp triệu lần dân chủ nọ (dân chủ xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa). Những khác biệt chỉ là về mặt tổ chức hay có tính tổ chức mà thôi (chế độ đại nghị, thổng thống chế, ...), tất nhiên điều này cũng rất phức tạp. Về lý thuyết, xây dựng thể chế dân chủ cho Việt Nam đòi hỏi sự tìm kiếm những cách tổ chức phù hợp và phải là công trình tổng hợp đa ngành (như xã hội, chính trị, luật pháp, hành chính, kinh tế ...) của các chuyên viên; tất nhiên cũng chẳng nên có tinh thần triệt để phải kiếm ra cái mới vì như vậy mới phù hợp. Về thực hiện, trước tiên, nếu chính quyền này không động đậy, thì tất nhiên phải có những cuộc vận động thực hiện dân chủ mà thôi; sau đó là xây dựng chế độ dân chủ tương lai với tất cả những vấn đề của chuyện từ lý thuyết đến thực hiện.
10.4. Hỏi : Tác giả nói về phương án dân chủ ở nông thôn. Nhưng làm sao thực hiện dân chủ ở nông thôn ? Tác giả đặt ra tản quyền, nhưng tản quyền như thế nào ? Ðối trọng như thế nào ở nông thôn ? Tại sao "dân chủ hoá nông thôn chủ yếu là vấn đề tổ chức và các biện pháp hành chính" như tác giả viết ?
Ðáp :
- Bước đầu thực hiện dân chủ ở nông thôn gồm 4 khâu chính :
1) Tách rời quyền lực chính trị và lợi nhuận kinh tế (về ruộng đất hay liên quan đến ruộng đất), trong đó có vấn đề quan hệ giữa quan (lý trưởng mới : kẻ thay mặt đảng ở nông thôn) và dân. Có thể có những biện pháp hành chính như buộc phải công bố ngân sách địa phương, áp dụng chính sách thuế thống nhất trên toàn nước (tối thiểu là xoá bỏ nạn "quĩ", "sổ vàng" ...), biện pháp tổ chức như để nông dân tham gia trực tiếp vào các công trình địa phương, kiểm soát sự lạm dụng quyền lực chính trị để lấn chiếm ruộng đất.
2) Cải tổ cơ chế : tổ chức bầu cử tự do dựa trên nguyên tắc ứng cử cá nhân (không cần phải là đảng viên). Cho nông dân có quyền lập các hiệp hội nông nghiệp (tất nhiên là tư nhân).
3) Chính sách kinh tế nông thôn : cải tiến sản xuất (như thực hiện cách mạng xanh bao gồm kỹ thuật, quản lý và tín dụng), xem xét lại khâu phân phối sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hoá kinh tế nông thôn để lợi nhuận kinh tế không còn chỉ là về ruộng đất (như phát triển công nghệ chế biến thực phẩm, du lịch), chú trọng giải quyết nạn thừa người, chính sách kinh tế nông thôn phải nằm trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Chính sách kinh tế nông thôn là một khâu trọng yếu trong công cuộc dân chủ hoá nông thôn.
4) Thực hiện tản quyền ở nông thôn : Ðể có cái nhìn tổng quát nên tác giả có đề cập tới vấn đề tản quyền, nhưng trong bài tác giả trình bầy như một câu hỏi hơn là câu trả lời, vì những phức tạp và hậu quả của vấn đề. Mặc dù tản quyền là một khâu của công cuộc thực hiện dân chủ, nhưng có lẽ khó thể áp dụng tức khắc tản quyền ở mức độ cao được; đây là điều cần nghiên cứu. Nhân đây cũng xin đề cập thêm về vấn đề tản quyền : nói chung về tản quyền trên bình diện quốc gia thì có 4 điểm chính : a) Phân chia quyền lực, chức năng giữa chính quyền trung ương và địa phương : có thực hiện tản quyền hay không ? và có khả năng nẩy sinh nạn cát cứ hay không ? ; b) Ở mức độ cơ sở : sự tham gia trực tiếp của dân chúng vào những công việc chung như trong lãnh vực giáo dục cấp thấp, những ủy ban phường, khóm phải thực sự do nhân dân tự quản (chứ không phải là một khâu trong guồng máy công an); c) Ở mức độ quốc gia : khuyến khích sự tham gia trực tiếp (thường là góp ý, khiếu nại) của nhân dân trong đa số các hoạt động quốc gia : cái cửa ở mỗi bộ (giáo dục, y tế, kinh tế, ...) phải mở rộng để đón tiếp và giải quyết những vấn đề nhân dân đưa ra và không được trả thù nhân dân ! ; tất nhiên cần có những cải tiến hành chính phù hợp ; d) Có rất nhiều sắc dân sống tại Việt Nam, cần xét lại chính sách đối với các sắc tộc thiểu số hiện nay và khả năng thành lập các vùng tự trị; cần thực hiện khẩu hiệu "đất nước Việt Nam là của tất cả những người sống tại Việt Nam" (điều này có nghĩa là của tất cả các sắc tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số nhưng chỉ là một sắc tộc mà thôi); cũng xin nói về một chuyện có lẽ là nhỏ nhưng đầy ý nghĩa vì trước khi nói chuyện tản quyền thì nên xem xét quyền sống cơ bản của con người: có những người Việt, trước đây là Việt kiều, nay sống tại Việt Nam nhưng (về mặt pháp lý cũng như chính sách, thái độ cư xử) vẫn không được coi là người Việt !; cũng cần nhắc lại là chủ nghĩa lý lịch, chính sách phân biệt đối xử, coi "ngụy quân, ngụy quyền" và cả thân nhân của họ là một loại công dân hạng nhì trước đây không phải đã biến mất, mặc dù có đỡ hơn (một bằng chứng là giấy chứng minh nhân dân "đặc biệt"" của những người này). Ngoài ra, việc tôn trọng nguyên tắc phân quyền (tam quyền phân lập) như tại các nước dân chủ tây phương (khác với quan niệm đảng lãnh đạo, quốc hội chuẩn y và chính phủ thừa hành như hiện nay) và tách rời chính trị, tôn giáo (khác với sự chèn ép tôn giáo) là điều có lẽ ít ai phủ nhận trong công cuộc xây dựng thể chế dân chủ.
- Ðối trọng như thế nào ở nông thôn : một số các biện pháp để hình thành thế đối trọng : để dân có quyền kiểm soát, theo dõi công việc của chính quyền địa phương (như công khai hoá ngân sách địa phương, công bố kết quả những bước thực hiện, cải tổ ban giám sát, kiểm tra nhân dân), lập các hiệp hội nông dân tư nhân, cải tiến tư pháp (để dân có chỗ trình bầy uẩn ức một cách dễ dàng và không sợ bị trả thù), khuyến khích sự thành lập các tờ báo tư nhân chuyên về nông thôn.
- Trong phần rút kinh nghiệm, có nêu lên trường hợp Ðài Loan và Nam Hàn : tại các nước này vì quyền lực chính trị và lợi nhuận kinh tế ở nông thôn trở nên ít mật thiết (xem phần trên) nên "từ đó dân chủ hoá nông thôn chủ yếu là vấn đề tổ chức và các biện pháp hành chính". Tại Việt Nam tất nhiên là không như vậy.
10.5. Hỏi : Tác giả nói trả lại nhà đất cho nhân dân, nhưng nhà đất đã bị tịch thu kể từ năm 1945 đến mới đây, đã bao lần đổi chủ, xây dựng lại, thay đổi giá trị bao nhiêu lần, thử hỏi tác giả giải quyết như thế nào cho bao nhiêu người đang ở đó, con số có thể lên hàng nhiều triệu người. Và nếu phải mua lại, nhà nước lấy ngân quỹ đâu để mua. Nguyên tắc giải quyết vấn đề và tổ chức để giải quyết sẽ như thế nào ?.
Ðáp : Tất nhiên đây là một vấn đề rất khó khăn như đã trình bầy trong bài (xin nhắc lại : "chương trình trả lại nhà, đất mới phải giải quyết đối kháng quyền lợi giữa người chủ thực sự và người đang xử dụng trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của chủ nhân (tôn trọng quyền tư hữu), đồng thời tránh gây sáo trộn xã hội; đây là chương trình dài hạn, phức tạp và tốn kém cho ngân quỹ quốc gia"). Sau đây là một số ý:
1) Thành lập ủy ban điều tra về việc trả lại nhà đất, đây là ủy ban đặc trách và hỗn hợp bao gồm chính phủ (đại diện nhà nước), quốc hội (trên nguyên tắc thì đại diện nhân dân) và các cá nhân, chuyên viên. Mục đích là điều tra, thành lập hồ sơ, nghiên cứu tính khả thi, đưa ra các đề nghị, công bố quyển "sách trắng" về việc này. Có lẽ cần sự cộng tác của các tư vấn quốc tế về phương pháp để các cuộc điều tra có tính chính xác hơn.
2) Thành lập ủy ban thực hiện việc trả lại nhà đất, đây là ủy ban đặc trách của chính phủ, xem xét và thực hiện việc trả lại nhà đất dựa trên hồ sơ của ủy ban điều tra.
3) Sự giải quyết việc trả lại nhà đất có thể kéo dài hàng chục năm.
4) Nguyên tắc giải quyết : có 2 nguyên tắc : a) tôn trọng quyền tư hữu : cách này hay cách khác, phải bồi thường hay trả lại của cải của họ b) tránh gây sáo trộn xã hội : không có chuyện đuổi những người đang ở.
5) Phương hướng giải quyết : dựa trên cơ sở lâu dài, mềm dẻo, kết hợp nhiều phương tiện. Xin nêu lên một số ý :
- Ðối với những người đang ở : a) nếu họ có trên 1 nhà "tiếp thu" hay "hoá giá": họ phải trả lại phần dư vì nhà là để cho họ ở chứ không phải để cho họ làm thương mại hay chia chác (tất nhiên, đây là điều khó làm vì những ngưòi này thường là kẻ có ô dù); b) trong khuôn khổ của chương trình phúc lợi xã hội về nhà ở, thì có thể coi họ là những người được ưu đãi trước, do đó, họ và người thừa kế sẽ không được ở trong danh sách của chương trình này; c) định lại giá trị nhà so với lúc họ có nhà (một loại hoá giá), nếu có khác biệt thì người ở được quyền trả góp dài hạn với lãi xuất nhẹ, tương đương với chương trình phúc lợi kể trên, có lẽ cao hơn khoảng 0.25 - 1.00 %, tùy theo là nhà ở hay là cơ sở thương mại, nhỏ hay lớn, vì dù sao họ không thuộc diện những người nghèo cần nâng đỡ (tất nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn kỹ thuật); d) trong trường hợp chuyển nhượng, thì họ sẽ phải chịu thuế rất cao vì điều này có nghĩa là họ làm thương mại.
- Ðối với sở hữu chủ : a) phải giải quyết tất cả vấn đề kể cả từ thời 1945 tới nay, có thế mới là thực hiện sự danh chính ngôn thuận, nhân đây xin nêu lên tấm gương người Do Thái, họ giữ rất kỹ những tài liệu về thiệt hại của họ trong thời kỳ thế chiến thứ hai và coi đây là một cuộc đấu tranh lâu dài của họ, đây là gương sáng rất đáng để chúng ta noi theo; b) tốt nhất là trả lại của cải của sở hữu chủ, về thực tế, điều này rất khó thực hiện và tỷ lệ thực hiện được rất thấp; c) để bồi thường cho họ, vì hiện tại không có khả năng tài chính nên chỉ có thể là một hay nhiều chương trình bồi thường dài hạn, trước mắt, nếu chưa làm được thì phải lưu trữ hồ sơ để về sau giải quyết; d) nếu có người tự nguyện không đòi bồi thưòng thì cần giấy chứng thực của họ; e) có thể nghĩ tới các hình thức bù lỗ khác, như tạo thuận tiện cho những người nay trở thành Việt kiều muốn về nước đầu tư, nhưng có lẽ đây là điều không nên làm vì có thể dẫn tới những móc ngoặc hay làm cho công việc thêm rắc rối (cần nghiên cứu thêm); f) về ruộng đất, phải có chính sách riêng vì thuộc diện cơ sở kinh tế, chính sách này nhằm thực hiện khẩu hiệu "người cầy có ruộng" (kể cả đảng viên) và trả lại hay bồi thường sở hữu chủ, có thể lấy một phần thu nhập trong việc khoán đất để bồi thường. Cần lưu ý các sở hữu chủ là rất khó thực hiện bồi thường trọn vẹn, cả vốn lẫn lời, và có thể sự thực hiện kéo dài rất lâu và tùy thuộc vào khả năng chi trả nhất thời của nhà nước (theo lối có nhiều trả nhiều, có ít trả ít và "ngâm tôm" phần còn lại, đợi khi kinh tế khả quan hơn; tất nhiên không thể là sự chờ đợi thường trực !).
- Sự bồi thường hay trả lại của cải được áp dụng cho các cá nhân, cơ sở kinh tế và cả các đoàn thể dân sự, tôn giáo. Về cơ sở kinh tế, thì có thể có cùng chính sách áp dụng cho các cá nhân. Ðối với các tôn giáo,có thể có những điểm cần phải xem xét lại (như tại miền nam trước đây, Công giáo được sự giúp đỡ của chính quyền, do đó có lẽ họ có nhiều đất đai hơn là họ cần có; dù sao đây chỉ là nghi vấn nhưng cần nêu lên để thấy vấn đề toàn diện hơn) và nằm trong việc xét lại chính sách (chèn ép) tôn giáo hiện nay và đề ra chính sách tôn giáo toàn bộ để thực hiện tự do, bình đẳng tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tâm linh của công dân. Ðối với các tổ chức chính trị cũ thì có lẽ cứ để cho lịch sử chấm dứt vai trò của nó. Vấn đề chính là gia tài của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay và tất nhiên là không có gì phải bồi thường họ cả và là vấn đề ngược lại; điểm này nằm trong chính sách đối với các đảng phái chính trị tương lai, trong đó có đảng này.
- Trên bình diện quốc gia : a) dự trù phần chi trả hàng năm trong ngân sách quốc gia; b) phát hành công phiếu đặc biệt cho công cuộc này; c) coi đây là mối lưu tâm hàng đầu và chừng nào chưa giải quyết thì còn là món nợ chưa trả được cho nhân dân; d) phát hành quyển sách trắng như đã nêu lên, điều này có giá trị tinh thần, tượng trưng rất lớn và đối với những ngưòi bị thiệt thòi từ hàng chục năm nay thì ít ra họ cũng được "mát ruột".
6) Vì sao trước những khó khăn quá lớn như vậy nhưng vẫn phải nêu lên và giải quyết vấn đề ? Trước tiên cần xem xét vấn đề đạo lý và công lý. Khi thấy chính sách tịch thu nhà, đất là sai lầm thì tất nhiên phải sửa, không thể nhân danh bất cứ điều gì để lờ đi, tinh thần thực dụng (thấy khó có khả năng trả lại hay bồi thường) không có chỗ đứng ở đây. Vì sao trước đây chúng ta coi "không có gì quí hơn độc lập, tự do" là chân lý và quyết tâm thực hiện nó, bằng mọi giá (và quả thật dân tộc đã phải trả giá rất đắt, quá đắt) ?. Vì sao trước đây (và cả hiện tại ? ) chúng ta quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa xã hội và những giá trị của nó, cũng bằng mọi giá ?. Cơ bản hơn, vì sao con người không thể sống như loài thú và phải bảo vệ những giá trị nhân bản ?. Hỏi tức là trả lời vậy. Giải quyết vấn đề nhà, đất cũng nằm trong khuôn khổ của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền. Ðể xây dựng nhà nước pháp quyền thì không chỉ giản dị bỏ câu này vào trong Hiến pháp là xong, còn những bất công chồng chất từ mấy chục năm nay vẫn sờ sờ ở đó và kẻ có trách nhiệm trơ mắt ngồi yên !. Mặc dù khó khăn to lớn và lâu dài, nhưng đây là nhiệm vụ của kẻ cầm quyền, họ không thể chỉ ngồi chơi sơi nước, ăn hại và thậm chí đái nát (có thể vì vô ý thức không thấy vấn đề hay cố ý lập lờ kiếm lợi, có thể vì nhắm mắt áp dụng chủ nghĩa vô sản hay chỉ vì phản ứng theo bản năng của kẻ chiến thắng tìm cách chia phần, hôi của, nhưng hậu quả là vấn đề nhà đất từ 1945 tới nay lâm vào tình trạng rối rắm, tứ bề nát bét, không ai biết giải quyết ra sao; những khó khăn này chính là do lỗi của họ và khó khăn do lỗi của họ không thể trở thành cái cớ để họ lờ đi không giải quyết).
10.6. Hỏi : Làm sao vừa có dân chủ vừa có công bằng ?
Ðáp : Thực hiện dân chủ có nghĩa là thực hiện công bằng, theo nghĩa mỗi người có một khoảng không gian sống (vật chất và tinh thần) tối thiểu và khó thể là cào bằng xã hội; lại càng không thể là "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu" được vì như vậy là chuyện "không ai muốn làm, ai cũng muốn hưởng" mà thôi.