7.4.2024 - Lưu Trọng Văn
Sự kiện lãnh đạo Nghệ An chuẩn bị làm lễ đặt tượng Lê Nin 4,5 tấn đồng tại Vinh dấy lên nhiều luồng dư luận trong đó có không ít dư luận không ủng hộ.
Một anh bạn gã năm 2018 từng cùng một phái đoàn bảo tàng qua Nga làm việc với Bảo tàng Lịch sử chính trị quốc gia Nga tại Sant Peterbourg. Khi phái đoàn VN muốn bạn tổ chức một triển lãm về Lê Nin tại VN, Tổng giám đốc bảo tàng bạn đã trả lời:
“Chúng tôi không thể mang triển lãm về Lê Nin sang trưng bày tại Hà Nội được, bởi vì chúng tôi khi trưng bày thì không thể không trưng bày những sự thật không hay về cuộc đời Lê Nin. Nếu vậy chắc chắn sẽ bị phản đối, bởi các bạn được tuyên truyền Hồ Chí Minh là người học trò xuất sắc của Lê Nin, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới, tại sao lại có nhiều tài liệu không tốt đẹp đến như vậy về Lê Nin?”.
Cũng năm 2018 tại Budapest, Hunggari, gã vào bảo tàng Tình báo thấy nhiều tài liệu nói về mối quan hệ tình báo của người Do Thái với Lê Nin trước Cách mạng Tháng Mười.
Sau khi Liên Xô đổ sụp thì nhiều sự thật về Liên Xô cũng như về các lãnh tụ Liên Xô được công khai. Vì vậy cả thế giới biết hết sự thật, trừ VN. Chính vì biết nhiều sự thật về Lê Nin nên hình ảnh Lê Nin không còn được tôn vinh trong đa số dân Nga. Bản thân Đảng của Putin cũng không hề tôn vinh Lê Nin, nhưng họ không công khai dẹp bỏ tượng, lăng Lê Nin vì tranh thủ sự ủng hộ của đảng CS Nga và những người thân CS.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã đưa ra tổng hợp thông tin rất đáng lưu tâm:
-Putin 4 lần sang thăm Việt Nam các năm2001, 2006, 2013, 2017, Medvedev 5 lần sang thăm Việt Nam các năm 2010, 2012, 2015,2018,2023 nhưng cả hai không hề đến thăm tượng đài Lenin ở vườn hoa Chi Lăng Hà Nội.
-Từ năm 1992, chưa một lần đại sứ và đại sứ quán Nga ở Hà Nội đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
10.4.2024 - Lưu Trọng Văn
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đang ở Bắc Kinh được Tập Cận Bình, Vương Hỗ Ninh đón tiếp nồng nhiệt cùng những lời ca ngợi “tình đồng chí, anh em chung vận mệnh”.
Liệu chủ tịch QH có lời nào nói về đại nạn khô hạn đang làm “vận mệnh” hàng triệu nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng do đâu?
Hữu nghị đồng chí anh em ư? Hàng chục con đập chặn nước thượng nguồn sông Cửu Long đã nói lên tất cả.
Dòng sông cạn kiệt nước ngọt. Biển dâng nước mặn tràn đồng. Lúa khát. Cây trái khát. Đất đai khát.
Người cháy khát!
11.4.2024 - Lưu Trọng Văn
“Quỳnh Đôi khoa bảng thật nhiều
Như cơn trên rú, như diều trên không”.
“Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”
Đó, Quỳnh Đôi đi vào ca dao, tục ngữ bao đời nay vậy đó.
Lúc đầu làng có tên là “Thổ Đôi Trang”, đến năm 1528, cụ Hồ Nhân Hy (đời Mạc) đổi tên thành làng Quỳnh Đôi nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cái tên Quỳnh Đôi liên tục đến hôm nay hơn 500 năm chứ ít ỏi gì.
Người Thổ Đôi, Làng Quỳnh, Quỳnh Đôi đầu thế kỷ 20 tự hào có 734 người đỗ tú tài và cử nhân, 4 Phó bảng, 7 Tiến sỹ, 2 Hoàng Giáp và 1 Thám hoa” không hổ danh là làng khoa bảng, trên cả nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn Quỳnh Đôi có trên 52 thạc sĩ, 55 tiến sĩ, 16 phó giáo sư, 5 giáo sư, 3 viện sĩ khoa học quốc tế. Đó là chưa kể về chính trị, Quỳnh Đôi có 5 Ủy viên Trung ương trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 9 đại biểu Quốc hội, 15 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương...
Quỳnh Đôi là quê hương của các danh nhân lừng lẫy lịch sử Dân tộc:
- Hồ Phi Tích (1665 -1754): đậu Hoàng Giáp khoa Canh Thìn (1700) làm quan đến Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, tước Quỳnh quận công.
- Hồ Xuân Hương (1772 - 1822): được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm
- Phạm Đình Toái: tác giả cuốn sách "Đại Nam - Quốc sử diễn ca",
- Hồ Tùng Mậu (1895 - 1951): (tức Hồ Bá Cự) Chí sĩ cách mạng
- Cù Chính Lan (1930 - 1951): Liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong 7 cá nhân đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam, được nhân dân gọi là "anh hùng đánh xe tăng".
Tại Quỳnh Đôi có Khu di tích Tôn vinh họ Hồ với tượng, đền thờ các danh nhân: Hồ Quý Ly, Hồ Thơm ( anh hùng Nguyễn Huệ), Hồ Xuân Hương…
Ấy vậy mà uỷ ban ND huyện Quỳnh Lưu vừa có văn bản đòi bỏ tên Quỳnh Đôi văn hoá lịch sử ấy để sáp nhập với xã Quỳnh Hậu thành xã… Đôi Hậu.
Cuộc sáp nhập các địa danh đang làm xáo trộn văn hoá truyền thống Dân tộc. Và việc xoá bỏ tên xã Quỳnh Đôi là đỉnh điểm của sự tàn phá vô văn hoá này.
Một xã, huyện tồn tại bởi giá trị thương hiệu văn hoá của nó chứ không phải bới con số người và diện tích đất. Vatican không đủ tiêu chí là một quốc gia. Vậy thì sáp nhập vào đâu đó đi thưa các ngài!
Tượng Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Đôi
Làng Quỳnh
Mộ các danh nhân họ Hồ đóng góp cho Đất nước
12.4.2024 - Lưu Trọng Văn
Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình. Chẳng vui và hãnh diện gì khi tử hình một người đàn bà. Nhưng nếu bỏ án tử hình vẫn là điều bất công ở đất nước có nhiều kẻ đáng tội chết nhưng vẫn đang nhởn nhơ ngoài vùng phủ sóng pháp luật.
Chết là hết.
Gã mong muốn Trương Mỹ Lan không phải chết khi đổi được những kẻ thực sự là tội đồ đứng đằng sau mọi sa ngã, mọi nhúng chàm của Trương Mỹ Lan phải ra toà.
Người Sài Gòn không ai hả hê trước cái chết của Trương Mỹ Lan khi còn đó những tội đồ đã tạo nên một Trương Mỹ Lan để chúng vơ vét, cướp đoạt.
Chết là hết ư?
Không ai tin tự dưng có một Trương Mỹ Lan có thể tung tác để chiếm đoạt hàng chục tỷ đô la một cách tênh tênh như thế cả chục năm trời.
Chết là hết ư?
Chết là khép lại tất cả ư?
Nếu vậy cái chết thật vô nghĩa vì nó đem lại thở phào nhẹ nhõm cho những kẻ tạo nên Trương Mỹ Lan.
Lẽ nào Trương Mỹ Lan trước máy chém lại có thể chấp nhận mình và cả gia đình mình tan hoang còn những kẻ thật sự tội đồ lại nhơn nhơn trên đống vàng?
Chết là hết. Nhưng hy vọng khi máy chém chưa buông xuống, chưa… hết.
Chưa thể hết!
14.4.2024 - Lưu Trọng Văn
Đọc tin trên báo Hà Tĩnh lúc 13g30 ngày 10.4.2024:
“Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã triển khai treo 332 băng rôn, khẩu hiệu, 48.913 cờ Đảng và cờ Tổ quốc, 16.530 hồng kỳ, 218 phướn, 19 bảng pano khổ lớn, 852 bảng áp phích; làm 26 cổng chào trên các tuyến đường trục chính; 122 công trình phần việc với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng để chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024).”
Gã cứ tưởng đùa. Nhưng báo của tỉnh đảng bộ Hà Tĩnh đăng thì sao đùa được?
Có điều trong bản tin này có viết ngoài các cờ phướn… còn 122 công trình khác, thì đó là các công trình theo gã biết là sửa sang đường xá, trường học, công viên, là trồng thêm cây xanh hữu ích. Nhưng các cờ phướn, pano, khẩu hiệu cổng chào hình thức chiếm bao nhiêu tiền trong hơn 200 tỷ kia? Gã tự nhẩm tính một cây cờ một mét vuông giá khoảng 100.000 đồng thì gần 49.000 cây cờ giá là 4 tỷ 9 rồi. 26 cổng chào giá chót một chiếc bằng sắt cũng phải 100 triệu, đi đứt 2 tỷ 6 rồi. Sơ sơ gã tính khoảng 20 tỷ huyện Đức Thọ chi cho cờ quạt khẩu hiệu hình thức rùm beng.
Gã phải nói thẳng là rất bất bình với việc một tỉnh mới thoát nghèo để lên gần trung bình như Hà Tĩnh lại có thể đang tâm, thực ra là nhẫn tâm bỏ ra 20 tỷ chỉ để làm các cờ phướn cổng chào cho việc kỷ niệm 120 năm sinh của ông Trần Phú, một người cộng sản.
20 tỷ.
20 tỷ.
Mà nếu chỉ 2 tỷ thôi thì đối với một huyện như Đức Thọ cũng là quá lớn đối với hàng ngàn bà con nghèo và cận nghèo rồi.
Bao giờ cách tổ chức lễ lạc hình thức lãng phí này mới chấm dứt ở VN?
Cách tưởng nhớ ông Trần Phú tốt nhất là thực hiện khát vọng đấu tranh xoá bỏ bóc lột, nghèo khó, xây dựng một xã hội tử tế hạnh phúc theo lý tưởng của ông, như chính lãnh đạo Hà Tĩnh theo đuổi, chứ đâu phải là hình thức khẩu hiệu, cờ quạt kèn trống, nhiều thứ xong lễ là vứt bỏ, hở giời?