24/04/2024 - NCQT
Nguồn: “America is concerned about social media. China is, too.” The Economist, 21/03/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Dường như không có hồi kết cho tâm lý lo lắng về mạng xã hội ở Mỹ. Ý tưởng rằng TikTok, một ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, có thể được dùng như công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản khiến các chính trị gia khiếp sợ. Vào ngày 13 tháng 3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc chủ sở hữu ByteDance phải bán ứng dụng này nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ. Năm ngày sau, Tòa Tối cao nghe tranh luận trong một vụ kiện về việc chính quyền Biden yêu cầu các công ty truyền thông xã hội xóa các bài đăng chứa thông tin sai lệch. Cả hai câu chuyện đều nói lên sức mạnh của các công ty này, vốn đóng vai trò to lớn trong việc phổ biến tin tức và định hướng dư luận.
Điều đó cũng không kém phần đúng với mạng xã hội ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản từ lâu đã cấm các trang web Mỹ như Facebook, X, hay YouTube. Những ứng dụng của Trung Quốc lấp vào khoảng trống ấy. Giống như các đối tác Mỹ, họ đã phát triển thành các nền tảng truyền thông rộng lớn. Một cuộc khảo sát vào năm 2022 cho thấy 46% người Trung Quốc nhận tin tức từ các ứng dụng video ngắn như Douyin, phiên bản nội địa của TikTok có khoảng 740 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ người). Khoảng một phần ba khác nhận tin tức từ các nền tảng như Weibo, một trang giống X thuộc sở hữu của công ty Sina. Nhiều người cũng tìm đến WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Tencent có 1,3 tỷ người dùng.
Với sự kiểm soát chặt chẽ của đảng về thông tin và sự nghi ngờ sâu sắc đối với doanh nghiệp tư nhân, nhìn từ bên ngoài thì có vẻ Đảng Cộng sản kiểm soát mọi thứ. Đảng đã dùng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của mình, và các nội dung lệch lạc chính trị đều bị xoá. Tuy nhiên, các quan chức ở Bắc Kinh vẫn lo lắng về mạng xã hội nhiều như các chính trị gia ở Washington.
Đảng chắc chắn không có kế hoạch để mạng xã hội đóng một vai trò lớn như vậy trong việc cung cấp thông tin cho công chúng. Những công ty này phần lớn được chính phủ xem như động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà sáng lập của họ được tôn vinh như những anh hùng doanh nhân. Và phần lớn họ biết không nên làm mất lòng đảng. Vào năm 2018, người sáng lập ByteDance, Trương Nhất Minh, đã đưa ra lời xin lỗi công khai đáng chú ý sau khi một trong những nền tảng truyền thông xã hội của ông bị các cơ quan quản lý chỉ trích vì lưu trữ nội dung không đứng đắn. “Tôi ăn năn và mang cảm giác tội lỗi, hoàn toàn không thể ngủ được,” ông nói và thừa nhận sản phẩm của mình “không tương xứng với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội.”
Nhưng khi lượng khán giả và tầm ảnh hưởng của họ ngày càng tăng, các công ty truyền thông xã hội, cùng với phần còn lại của ngành công nghệ, bị giám sát chặt chẽ hơn. Hồi năm 2020, các cơ quan quản lý đã siết chặt hoạt động, cho rằng các công ty công nghệ đi quá xa so với các giá trị xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, đảng tiến sâu hơn vào trong ngành công nghệ. ByteDance, Tencent, và Sina bắt đầu có đảng uỷ được tham vấn về các quyết định lớn. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư thuộc nhà nước cũng nắm giữ lượng cổ phần nhỏ ở các công ty con chủ chốt của những tập đoàn này. Những “cổ phiếu vàng” này cho phép chính phủ bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, cùng nhiều quyền hạn khác.
Mặc dù vậy, các quan chức của đảng vẫn thể hiện sự lo lắng tương tự – nếu không muốn nói là hoàn toàn giống – với ở Mỹ. Trong khi chính quyền Biden nhắm tới thông tin sai lệch, Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng loại bỏ tận gốc bất cứ điều gì mâu thuẫn với đường lối của họ. Tất nhiên, phương pháp của hai nước là khác nhau. Chính phủ Trung Quốc chi 6,6 tỷ USD mỗi năm để kiểm duyệt nội dung trực tuyến, theo ước tính của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn ở Mỹ. Chỉ trong hai tháng vào năm ngoái, chính quyền tuyên bố đã xóa 1,4 triệu bài đăng trên mạng xã hội và 67.000 tài khoản (trớ trêu thay, họ dán nhãn cho nhiều bài đăng là “thông tin sai lệch”). Gần đây, các quan chức đã mở một cuộc điều tra về các nền tảng video ngắn đang gieo rắc “sự bi quan” trong giới trẻ, nhiều người trong số họ đang phải chật vật tìm việc làm.
Tuy vậy, một số nội dung không được chào đón vẫn lọt lưới. Ví dụ, vào năm 2022, một đoạn video ngắn cho thấy sự tàn khốc của lệnh phong tỏa covid-19 ở Thượng Hải đã được hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ. Các video này lan nhanh hơn tốc độ kiểm duyệt, sử dụng các thủ thuật như đảo ngược video hoặc nhúng nó vào các đoạn phim hoạt hình để tránh bị phát hiện.
Có lẽ mối bận tâm lớn hơn là sự can thiệp từ bên ngoài thông qua mạng xã hội. Trong khía cạnh này, nỗi lo cũng giống như ở Mỹ. Một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã viết vào năm 2022: “Tất cả các bên đều cố gắng truyền bá và khuếch đại hoạt động tuyên truyền của mình, đồng thời tố cáo và cản trở hoạt động tuyên truyền của bên kia, bằng cách thao túng các nền tảng mạng xã hội.” Nỗi lo này của Trung Quốc có lẽ là có cơ sở, khi Reuters đưa tin trong tháng này rằng vào năm 2019, CIA đã phát động một chiến dịch bí mật trên mạng xã hội Trung Quốc nhằm hướng dư luận chống lại chính phủ. (Dù nó được cho là có ít tác động.)
Ngày nay, chính phủ đang đào sâu hơn, kiểm tra các thuật toán quyết định những gì người dùng nhìn thấy trên mạng xã hội. Kể từ năm 2022, các công ty đã được yêu cầu đăng ký thuật toán của mình với cơ quan quản lý và giải thích logic của chúng. Trong hầu hết các trường hợp, thuật toán sẽ ưu tiên các nội dung theo ý đảng. Vị trí hàng đầu trong danh sách các chủ đề thịnh hành của Weibo thường là tin tức về những gì nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang làm. Hồi năm 2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã theo dõi những video đang thịnh hành trên Douyin trong khoảng thời gian 4 tháng và nhận thấy có tới 57% video được tạo bởi chính phủ hoặc các tổ chức có liên kết với đảng.
Nhưng các thuật toán hoạt động theo những cách bí ẩn. Đôi khi, ngay cả người tạo ra chúng cũng không thể giải thích được tại sao chúng lại đề xuất thứ này thay vì thứ khác. Đảng không thích sự không chắc chắn như vậy. Cho tới nay đảng đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội theo ý mình. Nhưng họ rõ ràng vẫn còn phải hoài niệm về những ngày người dân Trung Quốc chỉ nhận được tin tức từ truyền hình và báo chí nhà nước./.
25/04/2024 - NCQT
Nguồn: Paul Krugman, “Ukraine Aid in the Light of History,” New York Times, 23/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thứ Bảy vừa qua, Hạ viện Mỹ cuối cùng đã vượt qua sự phản đối của phong trào MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine. Chính quyền Biden có lẽ đã chuẩn bị sẵn vật tư, chỉ còn chờ sự cho phép của Quốc hội, vậy nên chúng ta sẽ sớm thấy được tác động của bước đột phá về mặt lập pháp này.
Giống như nhiều nhà quan sát khác, tôi đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm, xấu hổ, tức giận, và lo lắng trước những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi một quốc gia bị bao vây có thể nhận được viện trợ kịp thời để tồn tại, chí ít là thêm một thời gian, điều đã ngày càng trở nên xa vời do ưu thế áp đảo của pháo binh Nga. Tôi xấu hổ vì mọi chuyện đã đi đến mức này – rằng nước Mỹ đã suýt phản bội một nền dân chủ đang gặp nguy hiểm. Tôi tức giận với phe chính trị đã chặn khoản viện trợ suốt nhiều tháng qua, như tôi sẽ giải thích dưới đây, không phải vì những lo ngại chính đáng về chi phí, mà có lẽ vì họ muốn Vladimir Putin giành chiến thắng. Và tôi lo lắng vì phe đó vẫn rất mạnh – đa số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại viện trợ cho Ukraine – và họ vẫn có thể tiêu diệt Ukraine trong những năm tới.
Nhưng hãy tạm đặt cảm xúc sang một bên và cố gắng phân tích vấn đề. Cụ thể, hãy để tôi nói về một số lầm tưởng về viện trợ cho Ukraine. Chi tiêu cho Ukraine không phải là gánh nặng lớn đối với Mỹ, nó không gây ảnh hưởng đến các ưu tiên trong nước. Mỹ cũng không phải gánh chịu tổn thất này một mình mà không có sự giúp đỡ từ các đồng minh châu Âu. Và viện trợ của Mỹ rất quan trọng, một phần vì châu Âu có thể viện trợ bằng tiền nhưng vẫn chưa đủ khả năng cung cấp đủ khí tài quân sự.
Để hiểu rõ những điểm này, sẽ hữu ích nếu nhìn lại sự tương đồng lịch sử rõ ràng giữa khoản viện trợ hiện tại cho Ukraine với chương trình Cho vay-Cho thuê của Franklin Roosevelt, vốn đã bắt đầu viện trợ cho Anh và Trung Quốc từ năm 1941, trước cả khi Trân Châu Cảng buộc Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II.
Người ta thường quên rằng Cho vay-Cho thuê đã gây tranh cãi đến mức nào ở thời điểm đó. Nhiều người có lẽ cũng biết rằng từng có một phong trào “Nước Mỹ trên hết” phản đối bất kỳ khoản viện trợ nào dành cho nước Anh đang bị bao vây, một phần vì một số nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào này, đặc biệt là Charles Lindbergh, là người phân biệt chủng tộc và đã công khai bày tỏ thiện cảm với Đức Quốc Xã.
Hiếm có ai biết rằng, ngay cả trong Quốc hội Mỹ, Cho vay-Cho thuê cũng là một vấn đề mang tính đảng phái sâu sắc. Dự luật đầu tiên, được ban hành vào đầu năm 1941, đã được Hạ viện thông qua với rất ít sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Đáng chú ý hơn, sự ủng hộ cho Cho vay-Cho thuê (các hình tam giác hướng lên trên trong biểu đồ bên dưới) có mối tương quan chặt chẽ với ý thức hệ kinh tế (Trục 1). Gần như tất cả những người theo chủ nghĩa tự do đều ủng hộ việc hỗ trợ Anh trong thời điểm đen tối nhất của nước này, nhưng nhiều người bảo thủ lại không nghĩ vậy.
Tỷ lệ phiếu bầu phê duyệt Đạo luật Cho vay-Cho thuê ở Hạ viện Mỹ, tháng 02/1941. © Voteview.com
Sau cùng, Cho vay-Cho thuê vẫn được thông qua và Quốc hội đã chi 13 tỷ USD trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Đây là một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó – tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Mỹ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không có nhiều vũ khí trong số viện trợ đó. Như Hiệp hội Lịch sử Mỹ đã lưu ý: “Ngành công nghiệp đạn dược của chúng ta khi đó phần lớn vẫn đang ở trạng thái sơ khai. Và ban đầu, dòng vũ khí thành phẩm rất nhỏ giọt.”
Quả thật, châu Âu đã bắt đầu tái vũ trang từ nhiều năm trước khi Thế chiến II bắt đầu, trong khi nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập còn chưa phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Xin lấy một ví dụ nổi tiếng, xe tăng Sherman mãi đến năm 1942 mới được đưa vào sản xuất. Vì thế, viện trợ ban đầu của Mỹ được gửi đi dưới hình thức thực phẩm – chúng ta đã không phải là kho vũ khí, mà là kho bánh mì của nền dân chủ.
Vậy thì viện trợ cho Ukraine có thể so sánh với trải nghiệm đó như thế nào?
Trước tiên, viện trợ cho Ukraine nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô nền kinh tế của chúng ta. Gói viện trợ vừa được thông qua lớn gần gấp đôi số viện trợ tích lũy mà chúng ta đã cung cấp cho Ukraine, nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 60 tỷ USD, chưa đến 0,25% GDP hiện tại – và chỉ bằng 1/40 quy mô của chương trình Cho vay-Cho thuê ban đầu. Bất cứ ai cho rằng khoản chi này sẽ phá vỡ ngân sách, hoặc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ưu tiên khác, thì họ hoặc là không biết tính toán, hoặc là không thành thật, hoặc cả hai.
Thế còn những tuyên bố cho rằng Mỹ đang gánh quá nhiều gánh nặng? Tuần trước, Donald Trump đã cáo buộc châu Âu không chịu đóng góp phần của mình: “Tại sao Mỹ phải chi cho Chiến tranh Ukraine nhiều hơn châu Âu tận 100 tỷ USD, trong khi giữa chúng ta có cả một Đại dương ngăn cách? Tại sao Châu Âu không thể chi ra một khoản tương đương với số tiền mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã viện trợ để giúp đỡ một Quốc gia đang gặp khó khăn tuyệt vọng?”
Câu trả lời cho câu hỏi của Trump là khẳng định của ông đã sai. Theo báo cáo từ Viện Kiel, “Dữ liệu cho thấy tổng viện trợ của châu Âu từ lâu đã vượt qua viện trợ của Mỹ – không chỉ về mặt cam kết, mà còn về phân bổ viện trợ cụ thể gửi đến Ukraine.” Đáng chú ý là nhiều quốc gia, mặc dù không phải tất cả, đang chi một phần trăm GDP cao hơn chúng ta đáng kể để hỗ trợ Ukraine.
Tổng viện trợ song phương [cho Ukraine]: Cam kết của chính phủ tính bằng % GDP. © Viện Kinh tế Thế giới Kiel
Nhưng cũng đúng là Mỹ đã cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn châu Âu:
Hỗ trợ của Chính phủ cho Ukraine: Viện trợ quân sự, tính bằng tỷ euro. Cam kết từ ngày 24/01/2022 đến ngày 15/01/2024. © Viện Kinh tế Thế giới Kiel
Tại sao lại vậy? Hãy nhớ rằng trong năm đầu tiên thực hiện Cho vay-Cho thuê, Mỹ đã không thể cung cấp nhiều vũ khí, bất chấp quy mô kinh tế khổng lồ của chúng ta, bởi vì nhiều năm chi tiêu quân sự thấp đã khiến chúng ta có một nền tảng công nghiệp-quốc phòng kém phát triển. Phải mất vài năm để biến sức mạnh công nghiệp tổng thể của Mỹ thành sức mạnh quân sự tương đương. Châu Âu hiện đang ở trong tình trạng tương tự: Họ có tiền để giúp Ukraine, và phần lớn sẵn sàng làm điều đó, nhưng lại không có năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu quân sự của Ukraine.
Liệu điều này sẽ thay đổi? Châu Âu đang tiến tới tăng cường năng lực quân sự, nhưng chậm hơn mức cần thiết, nên viện trợ của Mỹ vẫn rất quan trọng.
Vì vậy, như tôi đã nói, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng Mỹ đã thông qua khoản viện trợ thiết yếu, nhưng vẫn rất lo lắng về tương lai. Chí ít thì trong lúc này, sự hỗ trợ của Mỹ vẫn rất quan trọng đối với sự sống còn của Ukraine.
24/04/2024 - NCQT
Nguồn: Gideon Rachman, “Ukraine is the front line of a much larger conflict,” Financial Times, 21/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Mỹ và các đồng minh coi Nga, Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên là trục đối thủ
Sau nhiều tháng tranh cãi và do dự, Hạ viện Mỹ cuối cùng cũng chịu hành động. Cuộc bỏ phiếu ở Washington nhằm cung cấp khoản viện trợ quân sự mới trị giá 61 tỷ đô la cho Ukraine có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến với Nga. Chí ít, nó sẽ giúp Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu.
Về phần mình, Nga sẽ tiếp tục hy vọng rằng, nếu Donald Trump được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới, đây có thể là gói viện trợ quân sự lớn cuối cùng của Mỹ. Nhưng điều đó có lẽ cũng không thể gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của Ukraine. Các ngành công nghiệp quân sự của châu Âu đã bắt đầu hoạt động (dù muộn màng) và sẽ có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ Ukraine vào năm 2025.
Cuộc bỏ phiếu nhằm cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine đã được Hạ viện Mỹ thông qua, cùng với các cuộc bỏ phiếu khác nhằm cung cấp viện trợ đáng kể cho Israel và Đài Loan. Cùng nhau, chúng cung cấp một nhận thức rõ ràng về cách Mỹ – và các đồng minh chủ chốt của họ ở châu Âu và châu Á – nhìn nhận thế giới.
Nhìn chung, toàn bộ số tiền này nhằm mục đích đẩy lùi 4 quốc gia mà Tướng Chris Cavoli, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, mô tả là “trục đối thủ” (axis of adversaries), gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Từ “trục” gợi nhớ lại những ký ức không hay hồi năm 2002 và về “trục ma quỷ” (axis of evil) của George W. Bush, vốn đã phóng đại mối liên hệ giữa Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau hai thập niên, ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực hơn về sự hợp tác quân sự nghiêm túc giữa Moscow, Bắc Kinh, Tehran, và Bình Nhưỡng.
Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang cung cấp cho Nga động cơ máy bay không người lái, thiết bị cho tên lửa hành trình, và các hình thức viện trợ quân sự khác. Các chế độ ở Bình Nhưỡng và Tehran đã trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Moscow. Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố “tình bạn sâu sắc” với Triều Tiên và đã cử một quan chức cấp cao tới Bình Nhưỡng để đàm phán.
Trong lúc bốn chế độ chuyên chế này xích lại gần nhau hơn, các đồng minh dân chủ của Mỹ cũng đang thắt chặt quan hệ. Tại Washington, Mỹ và Nhật Bản gần đây đã công bố một loạt thỏa thuận mới sẽ đưa quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hàn Quốc cũng trở thành một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ukraine.
Trên thực tế, “liên minh phương Tây” hiện là một mạng lưới toàn cầu gồm các đồng minh cho rằng mình đang tham gia vào một loạt các cuộc tranh đấu cấp khu vực. Nga là đối thủ chính ở châu Âu. Iran là thế lực gây rối loạn nhiều nhất ở Trung Đông. Triều Tiên là mối nguy hiểm thường trực ở châu Á. Hành vi và lời nói của Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn, và nước này có thể huy động các nguồn lực mà Moscow hoặc Tehran không có.
Tất nhiên, vẫn có những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia này. Nga, Iran, và Triều Tiên bị Mỹ và các đồng minh coi là những quốc gia bị bài xích. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của tất cả các nước thuộc “phương Tây toàn cầu.”
Tuy nhiên, giả định hiện hành ở Washington và Tokyo là, về lâu dài, Tập Cận Bình cũng kiên quyết như Vladimir Putin hay Ali Khamenei trong việc lật đổ trật tự thế giới hiện tại. Người Nhật, giống như người Mỹ, nghĩ rằng những gì xảy ra ở Ukraine sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Do đó, Mỹ và các đồng minh tin rằng họ đang củng cố hàng phòng thủ bằng cách hỗ trợ các quốc gia nằm trong tầm bắn của trục đối thủ – trên hết là Ukraine, Israel và Đài Loan.
Việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho các quốc gia này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích trên khắp phổ chính trị. Cánh hữu chủ trương biệt lập ở Mỹ vẫn phản đối gay gắt việc hỗ trợ Ukraine, trong khi cánh tả cấp tiến cáo buộc Mỹ ủng hộ “cuộc diệt chủng” của Israel ở Gaza.
Ngay cả một số người ủng hộ khát vọng bảo vệ cơ cấu quyền lực toàn cầu hiện tại cũng lo lắng về chiến lược này. Henry Kissinger quá cố lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc. Những người khác tin rằng Mỹ đơn giản là thiếu các nguồn lực quân sự và kinh tế để dẫn đầu việc cùng lúc đẩy lùi các đối thủ ở châu Á, châu Âu, và Trung Đông.
Có lẽ có một phần sự thật trong quan điểm này. Một trợ lý cấp cao của chính quyền Biden thừa nhận rằng “hiện tại chúng ta đã làm hết sức rồi.” Nhưng Mỹ và các đồng minh cũng biết rõ rằng đối thủ của họ đang gặp khó khăn rất lớn. Nga đã phải chịu thương vong lên đến hàng trăm nghìn người trong cuộc chiến với Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đang chật vật khó khăn. Iran đối mặt với bất ổn nội bộ, còn Bắc Triều Tiên là một điểm nóng hạt nhân.
Washington cũng đang vật lộn với việc làm thế nào để tăng cường khả năng răn đe mà không khiến Mỹ trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến với bất kỳ thành viên nào của trục đối thủ. Trên thực tế, điều này thường có nghĩa là cung cấp cho các đồng minh tiền tuyến của Mỹ viện trợ quân sự mới, đồng thời cố gắng kiềm chế hành động của họ.
Xuyên suốt cuộc chiến Ukraine, Mỹ đã cố gắng ngăn cản Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Sau khi Iran bắn một loạt tên lửa vào Israel trong tháng này, Mỹ cũng có động thái ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa.
Ngay cả khi Mỹ cung cấp thêm hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Đài Loan, họ vẫn nhấn mạnh rằng Đài Loan không được khiêu khích Bắc Kinh bằng cách thực hiện các bước công khai hướng tới độc lập chính trị chính thức khỏi Trung Quốc.
Mỹ đang chơi một trò chơi trí tuệ nguy hiểm với các đối thủ của mình, triển khai lực lượng quân sự một cách có chọn lọc, với hy vọng ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến rộng hơn. Ukraine đang chiến đấu cho tự do và độc lập của chính mình. Nhưng nước này cũng là tiền tuyến trong một cuộc xung đột tiềm tàng lớn hơn rất nhiều.
23/04/2024 - NCQT
Nguồn: Thomas Lim và Eric Ang, “Comparing Gray-Zone Tactics in the Red Sea and the South China Sea,” The Diplomat, 20/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các hoạt động của Houthi ở Biển Đỏ và các hành động của Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Mây có những điểm tương đồng đáng chú ý về chiến thuật và phản ứng của các bên đối đầu.
Trong thời kỳ hỗn loạn trên biển, chiến thuật vùng xám đã trở thành công cụ ưa thích của các chủ thể muốn thúc đẩy lợi ích của mình mà không cần dùng đến xung đột quân sự trực tiếp. Về bản chất, chiến thuật vùng xám có nghĩa là các hoạt động trong ‘khoảng tối’ giữa hòa bình và chiến tranh. Những hành động như vậy có nguy cơ làm suy giảm quyền tự do hàng hải, một khái niệm trung tâm vốn củng cố sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Hai trường hợp gần đây – các hoạt động của Houthi ở Biển Đỏ và các hành động của Trung Quốc quanh Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông – cho thấy những điểm tương đồng đáng chú ý khi nói đến việc triển khai các chiến thuật vùng xám, dù được cắt ra từ các bối cảnh hoàn toàn khác nhau.
Một phân tích sâu về hai trường hợp này cho thấy những điểm tương đồng đáng kể trong chiến thuật và phản ứng của các bên đối đầu, với ba bài học quan trọng được rút ra cho cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các diễn biến trong tương lai của chiến thuật vùng xám trên biển này.
Ván cờ ở Biển Đỏ
Đặt trụ sở tại Yemen, phong trào Houthi là một chủ thể phi nhà nước có thể được phân loại là một nhóm vũ trang có tổ chức với tham vọng chính trị. Kể từ vụ cướp một tàu chở hàng vào ngày 19/11/2023, Houthi được cho là đã nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel để ngăn Israel tấn công Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Và kể từ tháng 3/2024, danh sách mục tiêu của họ đã tiếp tục mở rộng sang các tàu có liên kết với Mỹ và Anh.
Dù Houthi đã sử dụng lực lượng quân sự trên các tàu thương mại, luật pháp quốc tế hiện hành (bao gồm cả luật chiến tranh hải quân) không được áp dụng cho xung đột giữa các quốc gia và các chủ thể phi nhà nước. Việc phân loại Houthi là một chủ thể phi nhà nước tham gia vào các hoạt động vùng xám khiến cộng đồng quốc tế khó có thể đưa ra phản ứng tương xứng, bất chấp mối đe dọa mà hành động của Houthi gây ra đối với vận tải và an ninh hàng hải trong khu vực.
Ngoài ra, Houthi còn liên tục lan truyền thông tin sai lệch và tuyên truyền ủng hộ chính mình thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhằm biện minh cho hành động của họ đồng thời làm suy yếu sự ủng hộ quốc tế dành cho các đối thủ. Chiến thuật này nhằm thách thức cách nhìn nhận tổng thể của quốc tế bằng cách nhấn mạnh tính chính nghĩa của Houthi trong việc gìn giữ các giá trị của họ và bảo vệ vị thế của họ trên thế giới – theo đó mô tả bất kỳ phản ứng nào được thực hiện (đặc biệt là các phản ứng của phương Tây) là những cuộc thập tự chinh thời hiện đại.
Điều quan trọng là Houthi đang nhắm mục tiêu chiến lược vào một “huyết mạch” vận tải hàng hải quan trọng ở Biển Đỏ – Eo biển Bab al-Mandab, nơi mà 25% lưu lượng hàng hóa hàng ngày của thế giới đi qua. Nhóm này đã sử dụng tên lửa, máy bay không người lái, và tàu không người lái chống lại các tàu dân sự không được vũ trang, làm gián đoạn thương mại hàng hải toàn cầu, và gây sức ép buộc các cường quốc khu vực phải đáp trả. Chiến thuật này tận dụng sự dễ tổn thương về mặt địa lý của huyết mạch này để tăng mức độ rủi ro cho cộng đồng quốc tế, và từ đó tăng trọng lượng cho các mục tiêu của Houthi.
Cuộc phong tỏa Bãi Cỏ Mây
Ở đầu bên kia thế giới, tần suất sử dụng các chiến thuật vùng xám của Hải cảnh (cảnh sát biển) và Hải binh (dân quân biển) Trung Quốc đã tăng lên kể từ tháng 2/2023, đặc biệt là xung quanh Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn và cản trở các nhiệm vụ chuyển quân và tiếp tế của Philippines cho BRP Sierra Madre, một con tàu rỉ sét neo đậu gần Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 và cho đến nay trở thành nơi đồn trú của Hải quân Philippines.
Đây là một biểu hiện khác của chiến thuật vùng xám, bao gồm việc sử dụng luật pháp (lawfare) để biện minh cho các hành động của Trung Quốc, sử dụng những cách diễn giải có chọn lọc để khẳng định nền tảng đạo đức, và sử dụng sự hiện diện liên tục để thể hiện thái độ hung hăng.
Trung Quốc đã cố gắng sử dụng luật pháp như một công cụ biện minh bằng cách thông qua Luật Hải cảnh vào cuối tháng 1/2021. Luật nội bộ này của Trung Quốc trao cho lực lượng Hải cảnh (và các lực lượng dưới quyền họ) quyền thực thi quyền tài phán tại các lãnh hải mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền. Dù có những điểm gây tranh cãi giữa Luật Hải cảnh và luật quốc tế, tức Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – một công ước mà Trung Quốc là thành viên từ năm 1996 – Trung Quốc vẫn bỏ qua những khác biệt so sánh này, và biện minh rằng việc hành động của họ là hợp pháp theo phạm vi của Luật Hải cảnh.
Hơn nữa, Philippines đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả là kẻ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, cáo buộc Philippines vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng đất nước họ đã duy trì nền tảng đạo đức bằng cách tuân thủ đầy đủ DOC và rằng họ đã trục xuất một cách hợp pháp các tàu Philippines xâm phạm.
Tưởng chừng hợp lý, nhưng các tuyên bố có chọn lọc này đã bỏ qua thực tế rằng DOC là một thỏa thuận không mang tính ràng buộc, bắt nguồn từ các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Những cách diễn giải có chọn lọc như vậy đã giảm nhẹ các hành động vi phạm của chính Trung Quốc gần Bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012, cũng như các biện pháp cưỡng chế gần đây của các tàu Trung Quốc, dù DOC đã quy định chỉ sử dụng các phương thức hòa bình (không sử dụng vũ lực) để giải quyết các tranh chấp như vậy.
Cuối cùng, Hải cảnh Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục xung quanh Bãi Cỏ Mây thông qua sự hỗ trợ của các tàu dân quân biển. Các tàu này đã có nhiều hành động hung hăng như đâm và nhắm vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines, phong tỏa toàn bộ khu vực, và ngăn chặn các nỗ lực tiếp tế. Xét đến bản chất dân sự của lực lượng dân quân biển, hành động của họ đã xoá mờ ranh giới giữa thực thi pháp luật và hành động quân sự, khiến các quốc gia khó xác định được phản ứng thích hợp. Điều này cho phép Trung Quốc thể hiện sự hung hăng trong việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng đồng thời tránh đối đầu quân sự trực tiếp giữa các bên.
Sự tương đồng trong chiến thuật vùng xám
Dù bối cảnh và động cơ đằng sau hai trường hợp này là khác nhau đáng kể, vẫn có những điểm tương đồng cần chú ý trong việc sử dụng chiến thuật vùng xám. Cả Houthi và Hải cảnh Trung Quốc đều hoạt động trong vùng nước tối bằng cách tận dụng các chủ thể phi quân sự. Houthi là một lực lượng ủy nhiệm phi quốc gia, trong khi dân quân biển của Trung Quốc có thể được xem là lực lượng bán quân sự hoặc ngư dân dân sự. Sự mơ hồ này đã xoá mờ ranh giới trách nhiệm giải trình, khiến việc thiết lập bất kỳ phản ứng quốc tế rõ ràng nào cũng trở nên khó khăn. Vũ khí hóa sự mơ hồ có chủ ý (hoặc vô ý) sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ leo thang, đồng thời cho phép cả hai nhóm đạt được các mục tiêu chính trị của mình.
Hơn nữa, cả hai trường hợp đều cho thấy mong muốn tuyên truyền theo định hướng. Dù mức độ kiểm soát nội dung tuyên truyền là khác nhau, nhưng cả hai bên đều đang lan truyền những thông tin sai lệch hoàn toàn. Houthi ban đầu tuyên bố chỉ nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel/Mỹ/Anh, nhưng họ cũng đã nhắm mục tiêu vào cả các tàu không có liên kết nào, chẳng hạn như tàu STAR IRIS, một tàu mang cờ Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của Hy Lạp, đang trên đường chở ngô từ Brazil đến Iran.
Ngoài ra, không thể chối cãi việc chọn lọc các thông tin có lợi, chẳng hạn như việc Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ đã khuyến khích quân sự hoá ở Biển Đông (mà không hề nhắc đến các hoạt động quân sự hoá của chính Trung Quốc), cũng như việc gọi Philippines là kẻ xâm lược trong tranh chấp Bãi Cỏ Mây, dù khu vực tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Có một nỗ lực phối hợp để quản lý quan điểm chính thức trước công chúng, hoặc chỉ đơn giản là đưa ra một câu chuyện thay thế (thường là sai) để hợp pháp hóa hành động của họ.
Hai trường hợp này cũng liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào (các) chuỗi cung ứng hàng hải, dù ở các cấp độ khác nhau. Houthi đang làm gián đoạn thương mại quốc tế và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế toàn cầu nhằm gây áp lực lên Israel và các đồng minh phương Tây của nước này về vấn đề Gaza. Trong khi đó, Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, đồng thời cản trở các nỗ lực tiếp tế hậu cần và nhân lực cho BRP Sierra Madre – nhiều khả năng nhằm ngăn chặn việc củng cố căn cứ cuối cùng của Philippines trên Bãi Cỏ Mây, nơi đang có nguy cơ sụp đổ do điều kiện khắc nghiệt trên biển.
‘Chiến đấu’ trong vùng xám
Các chiến thuật vùng xám được sử dụng để gây hoang mang cho đối thủ. Và ngay cả khi những chiến thuật này được thừa nhận là mơ hồ (xám), chúng được thiết kế sao cho tất cả các bên đều khó đưa ra phản ứng thích hợp. Do đó, bên cạnh việc nhận biết các chiến thuật vùng xám, các quốc gia cần phát triển các phản ứng linh hoạt và được điều chỉnh liên tục để ngăn chặn những kẻ vi phạm vượt quá giới hạn, nhưng đồng thời vẫn hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh.
Để đối phó với Houthi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã giải thích rõ ràng mối đe dọa từ các hành động của Houthi đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tiếp theo đó, Mỹ đã thành lập Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, một liên minh đa quốc gia được thành lập để bảo vệ giao thông thương mại ở Biển Đỏ khỏi các hành động hung hăng của Houthi, dưới sự bảo trợ của Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp 153. Ý tưởng đằng sau liên minh này rất đơn giản – các hành động của Mỹ được thiết kế để ngăn chặn Houthi bằng cách an ninh hóa vấn đề. Khi đưa 41 quốc gia vào liên minh Người bảo vệ Thịnh vượng, và nhấn mạnh các khía cạnh an ninh kinh tế và hàng hải ở Biển Đỏ, cách tiếp cận của Mỹ tạo ra cơ hội leo thang hoặc xuống thang khi cần thiết, đồng thời tạo ra một khung phản ứng cạnh tranh để đáp lại các tuyên bố của Houthi.
Còn đối với Bãi Cỏ Mây, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tập hợp các quan chức hàng đầu để thảo luận về vụ va chạm xảy ra vào tháng 10/2023 giữa tàu tiếp tế của Philippines và tàu Hải cảnh Trung Quốc, đồng thời ra lệnh cho cơ quan chức năng tiến hành điều tra hàng hải. Tiếp đến, phía Philippines đã chỉ trích trực tiếp các hành động leo thang của Trung Quốc, nói rõ rằng Hải cảnh Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn và coi thường luật pháp quốc tế.
Sau đó, Philippines bắt đầu kêu gọi các quốc gia khác chung tay chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, mà ví dụ nổi bật là việc tăng cường hợp tác trong các dự án an ninh hàng hải với Việt Nam, ký kết thỏa thuận tiếp cận đối ứng hàng hải với Nhật Bản, và tiến hành tuần tra hải quân chung với Australia ở Biển Đông. Ý tưởng ở đây cũng tương tự: các hành động của Philippines được thiết kế nhằm đưa ra một cách kể chuyện đối lập với Trung Quốc, đồng thời thu hút các quốc gia khác có mối quan ngại an ninh tương tự để cùng nhau bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.
Ở cả Biển Đỏ và Biển Đông, cách thức hoạt động của cả hai bên đều giống nhau – bất kỳ phản ứng nào cũng bắt đầu bằng việc đánh giá tình hình, sau đó là công khai lên án kẻ vi phạm đang hoạt động trong vùng xám. Cuối cùng, các quốc gia bị hoạt động vùng xám nhắm mục tiêu sẽ phát triển một câu chuyện nhằm gia tăng mức độ rủi ro cho cộng đồng quốc tế, đưa các quốc gia có cùng quan điểm, cùng lợi ích, và cùng quan ngại an ninh cơ bản vào phương trình.
Bài học về việc đối phó với chiến lược vùng xám
Dù các hành động an ninh hoá trên đây được thực hiện theo từng bối cảnh cụ thể, một phân tích về sự tương đồng của hai trường hợp này vẫn cho chúng ta thêm hiểu biết về việc điều hướng các thách thức của chiến thuật vùng xám.
Đầu tiên, sự mơ hồ của các chiến thuật vùng xám nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của một phản ứng quốc tế được phối hợp giữa các cấp độ, thể chế, và chủ thể khác nhau. Các phản ứng phân tán và đơn phương sẽ làm suy yếu đáng kể các nỗ lực quốc tế, và logic này cũng áp dụng với cả các cường quốc hùng mạnh. Sự phức tạp của chiến thuật vùng xám đòi hỏi phải tổng hợp các nguồn lực và ý tưởng từ những người chơi khác nhau đang đối mặt với cùng một rủi ro.
Hơn nữa, ngay cả khi các quốc gia chịu hợp tác cùng nhau để phát triển các chiến lược hiệu quả nhằm ngăn chặn và chống lại các chiến thuật vùng xám, điều quan trọng là cách thức các nỗ lực hợp tác đó được triển khai để đi đến thành công. Trong trường hợp của Người bảo vệ Thịnh vượng, chiến dịch này có lẽ đã được phát động sai cách vì phản ứng do Mỹ dẫn đầu có thể củng cố câu chuyện của Houthi rằng “phương Tây” chỉ đang tiếp tục một chiến dịch xâm lược đã có từ lâu nhằm chống lại các quốc gia Trung Đông. Tương tự, sự can dự của Philippines với hầu hết các thành viên của Đối thoại An ninh Quad (Australia, Nhật, Mỹ) về các vấn đề ở Biển Đông có thể khiến họ ngày càng xa lánh Trung Quốc, làm suy yếu ý nghĩa của phản ứng của họ đối với các hành động của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây.
Đơn giản thì, một bộ khung phân tích là cần thiết vì rất nhiều lý do, từ tính hợp pháp của phản ứng, cho đến thiện chí của đối thủ trong việc tham gia các kênh ngoại giao để giải quyết căng thẳng. Bộ khung được lựa chọn cho Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng có thể được điều chỉnh để tránh câu chuyện gây kích động của Houthi.
Thứ hai, tầm quan trọng ngày càng tăng của các huyết mạch trên biển đối với cộng đồng quốc tế đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn về an ninh hàng hải. Các quốc gia, cả lớn và nhỏ, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào an ninh hàng hải và tăng cường các cơ chế hiện có để nâng cao nhận thức về tình hình và phát triển các giao thức hành động chung. Quá trình này không chỉ đề cập đến sự tương tác giữa các cơ quan ra quyết định của các cường quốc khu vực và toàn cầu, mà còn mở rộng sang việc hợp tác và xây dựng năng lực với chính quyền địa phương và cộng đồng vận tải biển thương mại.
Việc tăng cường các khuôn khổ an ninh hàng hải để cho phép chính quyền và các bên liên quan vạch trần các chiến thuật vùng xám bằng cách trình bày các câu chuyện đúng sự thật là cần thiết nhằm định hình nhận thức của công chúng, và việc cập nhật luật pháp hàng hải để buộc các chủ thể phải chịu trách nhiệm là cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong tương lai. Những nỗ lực nhằm làm rõ và củng cố các khuôn khổ pháp lý hiện có – chẳng hạn như bản sửa đổi gần đây của Cẩm nang Newport về Luật Chiến tranh Hải quân để bao gồm những bước tiến mới như việc sử dụng tàu tự hành – là cần thiết để đảm bảo tính liên quan và khả năng áp dụng của các quy tắc quốc tế hiện đang chi phối các tương tác trên biển.
Cuối cùng, các bên liên quan cần nhớ lại điểm yếu của các chiến thuật vùng xám bằng cách nhận ra rằng các vấn đề kiểu này thường bắt nguồn từ những bất bình chính trị và kinh tế xã hội sâu sắc hơn. Gốc rễ của hành động của Houthi có lẽ bắt nguồn từ cuộc chiến ủy nhiệm Iran-Israel, trong đó Iran hỗ trợ cho nhiều nhóm ủy nhiệm (bao gồm cả Houthi) để đe dọa Israel, còn Israel thì đánh chặn các tàu khả nghi để ngăn Iran cung cấp vũ khí cho các nhóm ủy nhiệm này. Những phản ứng trả đũa của Israel sau vụ tấn công của Hamas vào tháng 10/2023 có thể được hiểu là đã châm ngòi cho việc Houthi nhắm vào các tàu ở Biển Đỏ.
Đối với Trung Quốc, động cơ của nước này có lẽ bắt nguồn từ Thế kỷ Ô nhục, vốn đã khiến việc đánh mất chủ quyền trở thành một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Dựa trên các tuyên bố lịch sử, vùng nước được bao bọc bởi đường chín đoạn ở Biển Đông là hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, và điều này đã được khắc sâu vào ký ức tập thể của người Trung Quốc. Dù Trung Quốc đã phản kháng đáng kể trước bất kỳ nỗ lực bên ngoài nào nhằm đi ngược lại những tuyên bố này, nhưng việc bảo vệ tính thiêng liêng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các bên ký kết UNCLOS. Do đó, các quốc gia cần đặt nền móng cho sự ổn định lâu dài bằng cách tham gia vào các sáng kiến ngoại giao và sáng kiến phát triển để giải quyết những động cơ cơ bản này, đồng thời giảm bớt sức hấp dẫn của chiến thuật vùng xám đối với các chủ thể.
Kết luận
Các hoạt động của Houthi ở Biển Đỏ và các động thái của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây cho thấy các cách thức đa dạng mà chiến thuật vùng xám được triển khai trong thế kỷ 21. Dù các chủ thể và bối cảnh là khác nhau, những trường hợp này nêu bật sự cần thiết phải có một phản ứng phối hợp từ cộng đồng quốc tế để chống lại những thách thức này, và duy trì trật tự toàn cầu hòa bình và ổn định. Bằng cách thúc đẩy các phản ứng thống nhất, đầu tư vào an ninh hàng hải, tăng cường luật pháp quốc tế, và giải quyết các động cơ cơ bản, cộng đồng quốc tế có thể điều hướng tốt hơn trong vùng nước tối của chiến thuật vùng xám và vạch ra lộ trình hướng tới những vùng nước tươi sáng hơn.
Thomas Lim là nhà phân tích cấp cao thuộc Chương trình Nghiên cứu Quân sự của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, một viện chính sách có trụ sở tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore.
Eric Ang là nghiên cứu viên của Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương.
26/01/2015 - NCQT
Nguồn: Brahma Chellaney, “East Asia’s Historical Shackles,” Project Syndicate, 12/01/2015.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Các mối quan hệ ngoại giao ở Đông Á từ lâu đã trở thành con tin của lịch sử. Nhưng gần đây, “vấn đề lịch sử” của khu vực này đã trở nên căng thẳng hơn với việc chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh giữa các chủ thể quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, làm tăng thêm những bất đồng về mọi mặt, từ lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên cho đến việc tưởng niệm chiến tranh và sách giáo khoa. Liệu các quốc gia Đông Á có thể vượt qua những xung đột để lại từ những thế hệ đi trước để tiến tới một tương lai có lợi cho tất cả?
Hãy xem xét mối quan hệ giữa hai đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù những bất đồng trong lịch sử từ lâu đã cản trở các mối quan hệ song phương, lập trường dân tộc chủ nghĩa ngày một mạnh mẽ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã gay gắt. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc thất bại trong việc ngăn những bất đồng gay gắt trong lịch sử quay trở lại thì quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đóng băng và vô tình làm lợi cho Trung Quốc.
Không quốc gia nào hứng thú với chiêu bài lịch sử nhiều như Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang dựa vào chủ nghĩa dân tộc để đem lại tính chính danh cho nền cai trị của mình. Năm ngoái, Trung Quốc ấn định hai ngày tưởng niệm mới để tưởng nhớ cuộc kháng chiến trường kỳ của Trung Quốc chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến II: “Ngày chiến thắng chống quân xâm lược Nhật Bản” vào mùng 3 tháng 9 và “Ngày tưởng niệm vụ Thảm sát Nam Kinh” vào ngày 13 tháng 12. Điều gì sẽ xảy ra nếu những quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ cũng đặt ngày tưởng niệm các cuộc xâm lăng của Trung Quốc với họ kể từ năm 1949?
Bằng cách củng cố định kiến về các quốc gia thù địch, những tranh cãi xoay quanh lịch sử và sự tưởng niệm như vậy đã gây ra sự chia rẽ và bất ổn, và nó chắc hẳn đã khiến những tranh chấp lãnh thổ gần đây trở nên trầm trọng hơn. Thật vậy, việc chính trị hóa lịch sử vẫn là trở ngại chính đối với quá trình hòa giải ở Đông Á. Những nỗ lực liên tục nhằm viết lại lịch sử – đôi khi đúng theo nghĩa đen của từ này, bằng cách sửa lại sách giáo khoa – cùng các đường lối dân tộc chủ nghĩa đã khiến việc thiết lập các thể chế khu vực gần như là bất khả thi.
Điều này không nên xảy ra. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền dân chủ năng động và là những cường quốc kinh tế theo định hướng xuất khẩu, có quan hệ văn hóa truyền thống gần gũi và nhiều giá trị chung. Nói cách khác, hai nước là những ứng viên sáng giá cho sự hợp tác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận ra tiềm năng này và thúc đẩy tăng cường hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đặt nền tảng cho một liên minh an ninh ba bên với Hoa Kỳ, một liên minh mạnh mẽ hơn và có khả năng đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy. Dù vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc lại từ chối gạt bỏ quá khứ.
Chắc chắn, cáo buộc từ phía Hàn Quốc rằng Nhật Bản đang phủ nhận một số hành động của nước này trong quá khứ ít nhiều là đúng. Nhưng có một điều cũng đúng là bà Park – người từ chối gặp gỡ chính thức Abe cho đến khi ông giải quyết xong những vấn đề dai dẳng xung quanh việc Nhật Bản từng thôn tính bán đảo Triều Tiên – đã dùng lịch sử để dung dưỡng tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong nước. Thật vậy, việc theo đuổi lập trường cứng rắn đã cho phép bà Park che dấu đi một phần quá khứ không mấy dễ chịu của gia đình: Thân phụ của bà, nhà độc tài Park Chung-hee, đã hợp tác với quân đội Nhật Bản khi Hàn Quốc còn nằm dưới sự cai trị của chế độ thực dân.
Abe cũng làm dấy lên những căng thẳng giữa hai nước, đặc biệt là qua chuyến viếng thăm Đền Yasukuni ở Tokyo – một nơi tưởng niệm gây tranh cãi vì vinh danh những tội phạm chiến tranh loại A thời Thế chiến II bên cạnh những nhân vật khác. Dù chỉ đến thăm ngôi đền này một lần vào tháng 12 năm 2013, Abe cảm thấy buộc phải làm vậy để đáp trả việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao gồm cả những vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền nhưng không nắm quyền kiểm soát.
Dĩ nhiên, sự khác biệt giữa các câu chuyện lịch sử của Nhật Bản và Hàn Quốc đã có từ trước Thế chiến II. Hơn một thế kỷ trước, nhà hoạt động người Hàn Quốc Ahn Jung-geun đã ám sát thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản là Hirobumi Ito tại một trạm xe lửa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, điều này khiến Ahn trở thành một người anh hùng ở Hàn Quốc và một tên khủng bố ở Nhật Bản. Hình ảnh của Ito được in trên tờ giấy bạc 1.000 yên Nhật; còn hình ảnh của Ahn xuất hiện trên tem bưu chính 200 won ở Hàn Quốc.
Năm ngoái, bà Park đã đề nghị Tập Cận Bình vinh danh Ahn. Tập Cận Bình nắm ngay cơ hội này để chia rẽ hai đồng minh chính của Mỹ ở châu Á bằng cách xây dựng một đài tưởng niệm Ahn. Nhật Bản đáp trả bằng cách chỉ trích kịch liệt Trung Quốc vì đã tôn vinh một tên khủng bố và tuyên truyền cái nhìn “một chiều” về lịch sử – một động thái mà Nhật Bản khẳng định là “không có lợi cho việc xây dựng môi trường hòa bình và ổn định.”
Chất xúc tác cho những xung đột như vậy rõ ràng là sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của châu Á. Với nền kinh tế ngày càng được mở rộng, các quốc gia châu Á đã đủ tự tin để xây dựng và tán dương một quá khứ mới mà trong đó, họ hạ thấp tầm quan trọng của những cuộc xâm lược do họ tiến hành hoặc làm nổi bật thái độ vững vàng của họ khi phải đối mặt với sự đối xử vô cùng tàn nhẫn từ nước khác.
Các câu chuyện được hợp pháp hóa của mọi quốc gia đều bóp méo các sự kiện và truyền thuyết lịch sử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những di sản lịch sử có thể gây ảnh hưởng thái quá, át đi năng lực đưa ra những lựa chọn chính sách duy lý của các nhà lãnh đạo. Điều này lý giải tại sao bà Park tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc, cho dù đối tác khu vực tự nhiên của Hàn Quốc là nước Nhật dân chủ. Một nguồn hi vọng mới bắt nguồn từ chiến thắng áp đảo của Abe trong cuộc bầu cử sớm gần đây, điều đã trao cho ông nguồn vốn chính trị để tiếp cận Park với một sự mặc cả lớn: Nếu Nhật Bản bày tỏ sự ăn năn một cách rõ ràng hơn về quá khứ quân phiệt của mình, Hàn Quốc sẽ đồng ý gạt bỏ những đau thương của lịch sử ra khỏi chính sách chính thức của họ.
Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không thể thay đổi quá khứ. Nhưng họ có thể nỗ lực để định hình một tương lai hợp tác hơn. Như một câu ngạn ngữ Nga nói ngắn gọn: “Quên đi quá khứ thì mù một mắt, sống trong quá khứ thì mù cả hai.”
Brahma Chellaney là Giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở đặt tại New Delhi, tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.