Thứ Sáu, 05/31/2024 - 07:55 — blog nguyenanhtuan
Khi ba trong năm nhân vật quyền lực nhất chính trường Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị thanh trừng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Có vài lý do cho điều này.
Đầu tiên, xét về tuổi tác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ phải về hưu vào đầu năm 2026, khi Đại hội XIV khai mạc. Chiếm lấy một trong những chiếc ghế “tứ trụ” là điều kiện tiên quyết để ông có thể vượt qua giới hạn tuổi tác cho việc ở lại Trung ương một nhiệm kỳ nữa, chiếu theo đảng quy hiện hành. Quả thật, ít lâu sau những vụ thanh trừng vô tiền khoáng hậu, ông Tô Lâm đã được “đôn” lên làm Chủ tịch nước.
Một lý do khác, quan trọng hơn, là vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò mười năm qua. Dư luận tin rằng Bộ Công an, với độc quyền điều tra theo luật định, đã khống chế chiến dịch đốt lò. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an, Tô Lâm, đương nhiên trở thành thế lực nắm quyền sinh sát trong đảng. Giáo sư Abuza Zachary, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, còn đưa ra cáo buộc cụ thể là Bộ trưởng Tô Lâm đang “vũ khí hóa” chiến dịch chống tham nhũng để nuôi tham vọng chính trị cá nhân.
Dư luận có xu hướng tin vào cáo buộc này bởi ấn tượng của họ về Bộ Công an trong đời sống thường nhật. Chưa bao giờ công chúng thấy thấy Bộ Công an nhiều quyền lực đến vậy. Với ngân sách tăng không ngừng, Bộ Công an không chỉ giới hạn mình trong các công tác trị an thông thường, mà còn dài tay chiếm giữ nhiều lãnh vực vốn thuộc cơ quan khác, tạo ra cảm giác rõ ràng của công chúng về một xã hội công an trị ở Việt Nam.
Vừa sợ vừa ghét, công chúng có xu hướng tin vào những cáo buộc tham vọng quyền lực cá nhân của bất kỳ ai đến từ Bộ Công an, dĩ nhiên là bao gồm cả người đứng đầu.
Tuy nhiên, liệu điều này có phản ánh đúng những gì xảy ra trên chính trường Việt Nam?
Đúng là ông Tô Lâm có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa khi ngồi một trong những ghế tứ trụ. Nhưng nếu thế thì ông đâu cần phải loại bỏ cùng lúc ba trong năm nhân vật quyền lực nhất. Chưa kể, ghế Chủ tịch nước gần mười năm nay mang cái dớp khiến bất kỳ ai ngồi vào cũng gặp điều không may, bao gồm cả tiền nhiệm Bộ trưởng Công an của ông là ông Trần Đại Quang, ông Tô Lâm không lẽ không mảy may cân nhắc? Cũng có thể như một số người nói, ông Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước để nhiệm kỳ tới có thể kế nhiệm ông Trọng làm Tổng Bí thư. Nhưng cơ sở nào cho thấy ông có thể trở thành Tổng Bí thư khi ông Trọng chưa tỏ ra bất kỳ ý định nào sẽ bước xuống? Nếu ông Trọng có ý định rời ghế Tổng Bí thư, vì sao ông lại quyết định tới đây sửa Điều lệ Đảng?
Ngộ nhận tiếp theo quan trọng hơn liên quan đến vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò.
Đúng là Bộ Công an đang hiện diện ngày một sâu rộng hơn trong đời sống xã hội thường nhật trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam, học theo Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường xu hướng an ninh hóa nhằm ứng phó với những thách thức của bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Cũng đúng là chưa bao giờ công an bắt bớ cán bộ nhiều như những năm gần đây.
Tuy nhiên, những vụ ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai không phải là án tham nhũng thông thường mà là các vụ thanh trừng chính trị, là kết quả của những tranh chấp chính trị thượng tầng. Trong cuộc chơi này, Bộ Công an không hẳn đã có nhiều quyền lực như những gì công chúng hình dung.
Cụ thể, ngay từ trước khi thâu tóm quyền hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kéo từ Chính phủ về một cơ quan mà sau này trở thành vũ khí chiến lược của ông - Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Cơ quan này đóng vai trò như một tiểu tổ lãnh đạo (lingdao xiaozu) theo kiểu Tập Cận Bình, một cơ chế mà lãnh đạo hạt nhân dùng để điều phối và chỉ đạo một loạt các cơ quan đảng và chính quyền nhằm thực hiện một công tác nhất định. Tiểu tổ lãnh đạo giúp lãnh đạo hạt nhân vừa chỉ đạo được một loạt các cơ quan, vừa khiến các cơ quan giám sát chéo lẫn nhau, và quan trọng nhất là không phụ thuộc vào riêng một cơ quan nào đối với công tác quan trọng.
Chẳng hạn, trong chiến dịch đốt lò, thay vì phụ thuộc vào chỉ một cơ quan, như Bộ Công an, hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Nội chính Trung ương trong công tác chống tham nhũng tiêu cực, bằng cơ chế Ban Chỉ đạo, ông Trọng vừa có thể điều phối hoạt động giữa các cơ quan vừa để chúng giám sát lẫn nhau. Vừa đạt được mục tiêu “đốt lò”, mà không lo có anh “thợ lò” nào thành kiêu binh quay lại chiếm đoạt “cái lò” của mình, đó là lý do tồn tại của các tiểu tổ lãnh đạo.
Lưu ý là trong Ban Chỉ đạo của ông Trọng không chỉ có Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, mà còn gồm đại diện nhiều cơ quan khác. Với 8 Ủy viên Bộ Chính trị, và nguyên tắc làm việc nhấn mạnh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và vai trò của Trưởng ban, thật khó để nói rằng một mình ông Tô Lâm, bất luận ở vị trí Bộ trưởng Công an hay Chủ tịch nước, có khả năng chi phối toàn bộ Ban Chỉ đạo.
Riêng cái được cho giúp tạo ra sức mạnh của Bộ Công an là độc quyền điều tra của cơ quan này cũng là điều cần xem xét lại. Trong mô hình Ban Chỉ đạo, báo cáo về sai phạm của một quan chức nào đó không nhất thiết chỉ đến từ Bộ Công an mà còn có thể từ các cơ quan riêng biệt nhau như Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, và còn có thể là Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng. Với vai trò là cơ quan tố tụng theo luật định, Bộ Công an có thể được Ban Chỉ đạo “giao” một vụ việc phát xuất từ báo cáo, công khai hoặc bí mật, của một cơ quan khác, và rồi phải xuất hiện trước công chúng như thể đã khởi sự điều tra vụ việc đó, trong khi thực tế họ chỉ đang làm một vụ được “giao”.
Tóm lại, trong mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng, một bản sao của tiểu tổ lãnh đạo kiểu Tập Cận Bình ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an chỉ là một thành viên, và vì thế không có khả năng chi phối Ban Chỉ đạo cũng như toàn bộ chiến dịch đốt lò. Người chủ lò quyền uy thực sự và nắm quyền sinh sát đồng chí trong tay vẫn là Đảng trưởng, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ Tư, 05/29/2024 - 16:11 — blog nguyenanhtuan
Giữ nước từ sớm, từ xa là phương châm hàng đầu của nền quốc phòng Việt Nam, được cho là đã có truyền thống lâu đời trong lịch sử. “Từ sớm” có nghĩa là không đợi đến khi chiến tranh nổ ra thì mới hành động, mà cần chuẩn bị từ trước cho mọi kịch bản xung đột. “Từ xa” có nghĩa là xác định các rủi ro của quốc gia trong bức tranh rộng lớn hơn của khu vực và thế giới và đa sắc hơn của các lĩnh vực khác nhau ngoài quân sự, từ đó tìm cách khắc chế các mối đe dọa này bất luận chúng xuất hiện ở trong hay ngoài biên giới lãnh thổ.
Nhìn dưới góc độ quản trị rủi ro, thực hiện phương châm này là điều thông thường ở mọi nền quốc phòng, với sự tham gia không chỉ của quân đội mà còn những lực lượng khác của quốc gia vì lẽ tồn vong của một dân tộc.
Tuy nhiên, ở nước Việt Nam cộng sản, nơi nhiều khái niệm thông thường bị xuyên tạc, phương châm này đã bị lợi dụng cho những mục tiêu không lấy gì làm tốt đẹp. Chẳng hạn, Đảng Cộng sản, trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đưa ra định nghĩa của họ về bảo vệ Tổ quốc như sau:
“Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Ý nghĩa cao quý của công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, theo đó, đã bị giáng cấp xuống chỉ để gìn giữ quyền lực và quyền lợi của một đảng phái và áp đặt một khuynh hướng chính trị làm cơ sở cho quyền lực và quyền lợi của đảng phái đó.
Với quan điểm sai trái về bảo vệ Tổ Quốc, phương châm giữ nước từ sớm, từ xa cũng bị xuyên tạc.
Vào tháng 6/2023, lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo cấp quốc gia với đề tài “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Mặc dù đề tài hội thảo là bảo vệ Tổ Quốc, song trọng tâm của nó lại là về an ninh chế độ. Phát biểu chỉ đạo hội thảo của Bộ trưởng Tô Lâm dưới đây cho thấy điều đó:
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, các thế lực thù địch thay đổi chiến lược và phương thức chống phá ta, sử dụng phương thức phi vũ trang là chủ yếu, lợi dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, dân tộc để can thiệp vào nội bộ nước ta với chiến lược hết sức nguy hiểm “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ. Do vậy, phương thức đấu tranh phi vũ trang ngày càng giữ vị trí quan trọng. Đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa là những phương thức để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.”
Ở đây, an ninh quốc gia đã bị đánh đồng với an ninh chế độ, giữ nước không khác gì giữ chế độ, bởi lẽ Tổ Quốc đã bị đánh đồng Đảng Cộng sản.
Hai tháng sau khi Bộ Công an tổ chức hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách an ninh Lương Tam Quang có bài viết trên Báo Nhân Dân với tựa đề “Cụ thể hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bảo đảm an ninh quốc gia”, nêu rõ phương hướng hành động của Bộ Công an để thực hiện chỉ đạo của Đảng. Trong năm phương hướng chính được nêu, đáng chú ý là hướng thứ hai và hướng thứ ba:
“(2) Quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh bên ngoài, bên trong từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới lãnh thổ, từ cơ sở, ngay khi mới bắt đầu, không để diễn biến phức tạp. Tập trung kiềm chế, từng bước xóa bỏ các vấn đề an ninh phức tạp kéo dài nhiều năm.
“(3) Đấu tranh xử lý quyết liệt với các đối tượng chống phá trọng điểm, kể cả từ bên ngoài biên giới quốc gia, tạo răn đe, bảo đảm các yêu cầu chính trị, đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước.”
Đây là bằng chứng cho thấy Đảng đã bật đèn xanh cho Bộ Công an gia tăng và mở rộng hoạt động đàn áp xuyên quốc gia (TNR) nhằm đảm bảo an ninh chế độ. Với nguồn lực được gia tăng không ngừng, kèm với sự hợp tác với cơ quan an ninh Trung Quốc, các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của Bộ Công an được dự đoán sẽ còn gia tăng và có thể sẽ còn hiệu quả hơn, đe dọa sự an toàn của bất kỳ ai dám thách thức quyền lực của Đảng, bất luận người đó ở trong hay ngoài biên giới Việt Nam.
Hệ quả cụ thể của xu hướng mới này là gì, ảnh hướng đến ai, và những người đó cần làm gì để ứng phó sẽ là đề tài của những bài viết tiếp theo.
Thứ Ba, 04/30/2024 - 23:26 — blog nguyenanhtuan
Chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây ắt hẳn khiến công chúng và giới quan sát kinh ngạc vì những diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Chỉ trong vòng 16 tháng đã có ba Ủy viên Bộ Chính trị hàng tứ trụ phải khăn gói ra đi theo một thủ tục đặc biệt gọi là “xin thôi”. Quy trình này được Bộ Chính trị đưa ra từ tháng 11/2021 nhằm dàn xếp sự rút lui của các quan chức cấp cao nhất mà không phải áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Trong ba trường hợp này, vụ việc ông Nguyễn Xuân Phúc có vẻ dễ hiểu trong mắt công chúng. Ông Phúc được cho là để gia đình “dính” vào vụ Việt Á - một scandal tham nhũng trục lợi trên nỗi đau của dân chúng trong đại dịch COVID-19. Vụ việc vỡ lở, ông Phúc rút lui để chịu trách nhiệm chính trị cũng là điều hợp tình hợp lý.
Nhưng trường hợp ông Võ Văn Thưởng và mới đây nhất là ông Vương Đình Huệ lại khó hiểu với công chúng hơn rất nhiều khi hàng loạt câu hỏi được đặt ra và chưa hề được giải đáp.
Cứ cho là ông Thưởng mất chức vì để người thân nhận tiền của công ty Phúc Sơn thời ông làm Bí thư Quảng Ngãi cách đây 13 năm, còn ông Huệ phải ra đi vì vài chục năm qua để cho trợ lý Phạm Thái Hà mượn danh trục lợi từ doanh nghiệp, nhưng câu hỏi là phải chăng là tới giờ này các cơ quan kiểm soát của Đảng mới biết những điều này?
Đây là điều vô lý vì công tác kiểm soát nội bộ của các chế độ cộng sản luôn được ưu tiên hàng đầu do nhiều cơ quan cùng thực hiện nhằm kiểm chứng chéo lẫn nhau, bao gồm Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Cục Bảo vệ Chính trị Nội bộ thuộc Bộ Công an và cả Tổng cục II thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là còn chưa kể đến Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương hoạt động rất tích cực dưới thời ông Trọng.
Thế thì, với những sai phạm cũ và kéo dài như vậy, vì sao ông Thưởng và ông Huệ có thể vượt qua những tiêu chí khắt khe đối với nhân sự cấp cao qua những kỳ Đại hội Đảng gần đây, để mà thăng tiến lên những vị trí cao nhất - hàng tứ trụ?
Vì sao những sai phạm này không được đưa ra từ sớm, để chặn những nhân sự này thăng tiến từ đầu, mà đến tận 13 năm sau trong trường hợp ông Thưởng, hay như trường hợp ông Huệ là hàng chục năm sau?
Câu trả lời đơn giản là vì người nắm quyền tối cao - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - muốn như vậy?
Bằng cách này, và cứ thế này, chỉ trong khoảng hơn một năm nữa, tức là vào lúc Trung ương phải quyết định phương án nhân sự chủ chốt, sẽ không còn một lựa chọn khả dĩ nào khác ngoài ông Trọng cho vị trí Tổng Bí thư, mặc cho hồ sơ sức khỏe và bệnh tình của ông.
Ông Trọng sẽ điềm nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 với lời biện bạch quen thuộc, rằng dù tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn, song không thể thoái thác nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.
Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng cũng sẽ được hợp thức hóa bằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng - lần đầu trong 15 năm - ở kỳ Đại hội tới đây. Việc sửa đổi này được chính ông Trọng công bố lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Tổng Bí thư sẽ được gỡ bỏ.
Dĩ nhiên có người sẽ cho rằng ông Trọng không cần phải hao tâm tổn trí loại bỏ các thành viên tứ trụ khác như vậy. Với quyền lực hiện tại, nếu muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, ông Trọng cứ thế mà ngồi lại vì rất ít ai dám thách thức vị trí của ông.
Tuy nhiên, với một người hay nhắc đến danh dự như ông Trọng, ngồi lại là một chuyện, ngồi lại nhưng không bị dèm pha và điều tiếng tham quyền cố vị lại là một chuyện khác. Ông Trọng đã từng gặp phải điều tiếng này vào Đại hội 13 khi ông ngang nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình bất chấp giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng.
Ngoài những điều tiếng xì xào của công chúng, ông Trọng còn sẽ vấp phải phản ứng từ dư luận trong Đảng, đặc biệt là từ các nguyên lão - cán bộ cấp cao về hưu. Nhiều người trong số này thuộc lớp đàn anh của ông Trọng, vốn từng chịu ràng buộc về tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ, một cách tự nhiên sẽ không hài lòng trước việc ông Trọng cố tình vi phạm Điều lệ Đảng để ngồi lại.
Họ có thể không phản đối ông Trọng một cách công khai, nhưng có thể tìm cách đưa ra thông điệp trong Đảng rằng ông Trọng nên nghỉ hưu để tạo điều kiện cho X, hoặc Y, hoặc Z - những người trẻ khỏe và có năng lực hơn, gánh vác trách nhiệm.
Bằng cách loại bỏ hết cả X lẫn Y lẫn Z, ông Trọng sẽ làm tắt tiếng những thông điệp như thế và tạo ra tình thế không còn lựa chọn hợp tình hợp lý nào khác ngoài cá nhân ông cho vị trí Tổng Bí thư.
Bởi vậy, có thể cho rằng việc ông Huệ và trước đó nữa là ông Thưởng và ông Phúc bị loại sẽ mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng.