08.6.2024 - Nguyễn Thanh Huy
Từ nghệ thuật, có những nhân vật bước ra đời sống. Từ đời sống, cũng có vài con người đi vào nghệ thuật. Nhưng trở thành hình tượng trung tâm, biểu tượng cho sự thiện lương tuyệt đối, không gợn chút bụi trần, có lẽ ngoài Đức Phật, là sư Minh Tuệ.
Nói như vậy, không phải là để so sánh hay nâng tầm, thánh hoá, Phật hóa sư Minh Tuệ. Mà đây là một sự thực đang diễn ra ngay lúc này trong đời sống nghệ thuật đương đại.
Phẩm cách và giới hạnh của ông đã khiến bao trái tim rung lên những cảm xúc triền miên khó tả. Thân hành và bước đi của ông đã khiến cho người ta phải suy nghĩ về cuộc đời. Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Thế nào là hạnh phúc? Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong những khối óc biết suy tư. Dường như, có một sự đảo lộn trong những nhận thức đã có trước đó.
Người đời cứ chạy theo cuộc sống, bị nó quay cuồng, nó nhấn chìm chúng ta vào vòng xoáy danh lợi, tiền bạc; được mất, hơn thua. Thế rồi, khi người ta có trong tay tất cả những thứ mong ước ấy, là lúc nhận ra mình bất hạnh. Niềm vui chẳng thấy mà chỉ thêm phiền não, bất an. Lại có người tự dối lòng, rằng mình luôn thanh thản. Kỳ thực, đó chỉ là sự trấn an do sự thanh thản ấy đang thiếu vắng ở trong lòng.
Và có một thời, người ta nói về hạnh phúc nghe có vẻ triết lý, rằng “hạnh phúc là đấu tranh”. Nghe hay và có lý lắm. Nhưng có lẽ quan niệm này được chấp nhận do suốt một thời con người phải sống trước những lựa chọn, lựa chọn sinh tồn, lựa chọn tư tưởng, lựa chọn giai cấp…
Đến khi sư Minh Tuệ xuất hiện, người ta mới nhận ra, hạnh phúc là buông, hạnh phúc là khi không có gì. Sư Minh Tuệ không phải là người “phát kiến” ra điều này nhưng chính ông là người tiêu biểu hiện thực hóa điều này; ông như một minh chứng sống động và cụ thể cho những tư tưởng, triết lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết cách đây gần 2600 năm.
Đó là lí do ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận, làm nên những xúc cảm mãnh liệt, cứ lớn dần và đi tiếp trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Không chỉ có vậy, ông đã nhen nhóm tình yêu thương trong tất cả những người mà trước đây không mấy quan tâm đến tha nhân và hiện thực cuộc sống; thôi thúc họ phải viết về ông, phải bộc lộ những tâm tư về ông, như một cách giải tỏa, giải thoát những điều được giấu kín trong thế giới nội tâm của họ bấy lâu nay, cho dù viết có vụng về hay vấp váp, điều đó không mấy quan trọng.
Ông đã cộng hưởng lòng bi mẫn vào những trái tim vốn đã giàu lòng nhân ái khiển họ thêm thổn thức, dâng trào những xúc cảm êm đềm, trong mát, ngọt ngào.
Và như thế, người viết văn, kẻ làm thơ. Lời hay ý đẹp cứ tuôn trào tạo thành những dòng chảy len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Hàng trăm bài luận, hàng ngàn bài thơ và còn nữa. Có lẽ cũng mới là sự bắt đầu.
Nghệ thuật đâu chỉ có văn chương, hội hoạ cũng không thể đứng ngoài cuộc trước cơn gió thiện lành. Sức lan tỏa của lòng từ bi, của hương đức hạnh đã làm nên bao bức tranh tuyệt mĩ. Tôi thật sự ấn tượng trước những bức họa này! Mỗi tác phẩm là một cảm xúc, một thế giới rất riêng của người nghệ sĩ, và cũng chẳng giống nhau trong tâm người thưởng thức. Phải thừa nhận rằng dường như chính cái cà sa y phấn tảo của sư nó như rất hợp với hội hoạ, nó như miền đất màu mỡ để những họa sư thỏa sức mà canh tác, cải tạo, trình diễn tài năng của mình. Thật thích thú và khâm phục!
Và thời trang, họ cũng không chịu đứng im, họ đã lên tiếng bằng hàng loạt kiểu mẫu mang màu sắc, phong vị của y phấn tảo. Nói chính xác hơn, nghệ thuật này càng có nhiều cơ hội để diễn trình. Bỏ qua yếu tố thương mại và lợi nhuận, thì chính thời trang đã khiến y phấn tảo bay xa hơn, cao hơn. Nó đã có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Rõ ràng, đó chính là thông điệp giá trị, ý nghĩa mà chỉ có sư Minh Tuệ mới mang lại được.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một luận điểm quan trọng trong tu Phật, đó là “tu là bỏ tất cả, bỏ tất cả là được tất cả, được tất cả là không được gì hết”(*). Rõ ràng, sư Minh Tuệ chính là hiện thân của triết lý cao thâm này, vì tâm ông đã đạt trạng thái như vậy. Vô cầu, vô trụ, vô chấp.
Một chữ, BUÔNG !
Chú thích:
(*) “được tất cả là không được gì hết”: tức hoàn toàn thanh tịnh, không chấp trước bất cứ điều gì.
@ Hình các tác phẩm hội hoạ: mượn từ trên mạng. Mong các họa sĩ sáng tác lượng thứ.
Nha Trang, 08/06/2024
Nguyễn Thanh Huy
Đăng trên Thư Viện Hoa Sen:
https://thuvienhoasen.org/.../su-minh-tue-mot-bieu-tuong...
05.6.2024 - Nguyễn Thanh Huy
Cho tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ nghĩ ngay đến sư Minh Tuệ, mặc dù ông không phải là người thực hành hạnh này đầu tiên và duy nhất.
Điều gì làm nên một liên tưởng mặc định như vậy?
Vì hạnh tu này quá khó, không mấy ai làm được, và trong cái thời buổi mạt pháp này nó là thứ gì đó xa lạ, lập dị, kì quái. Nên sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã khiến hạnh đầu đà như là pháp tu của riêng ông.
Nhìn lại lịch sử, ngay thời Đức Phật tại thế, pháp tu này có không ít người thực hành, nhưng không phải ngẫu nhiên mà đại đệ tử Ca Diếp được gọi là “đệ nhất đầu đà”, nghĩa là chỉ ông mới thực hành một cách nghiêm trì và đầy đủ nhất.
Lịch sử Phật giáo trải dài gần 2600 năm, tất nhiên đã từng có không ít cao tăng, thánh tăng chọn lựa con đường này và đạt được thành tựu viên mãn.
Nhắc lại để minh định rằng không nên nhầm lẫn giữa hạnh đầu đà mà sư Minh Tuệ đang hành trì là giống với cách tu của các nhà sư thuộc phái Khất Sĩ ở miền Nam trước 1975, hay những tu sĩ thuộc phái Nam Tông bây giờ. Giữa họ có một số điểm chung ở các pháp hành và giữ gìn giới hạnh. Nhưng ở sư Minh Tuệ, ông mới là người thực hành nghiêm mật và rốt ráo tất cả 13 hạnh đầu đà ấy. Đó là lý do vì sao người ta kính trọng, ngưỡng vọng ông, đặc biệt ngay trong giới tăng ni hoặc những bậc cao tăng đức độ cũng phải tán thán. Vì sao vậy? Vì họ rõ hơn ai hết, ở thời điểm hiện tại, ông là duy nhất. Cho nên, cần hiểu cho đúng, sức hút của ông, sự lan toả của ông là do chính giới hạnh mà ông đắc được, chứ không phải là nhờ truyền thông và mạng xã hội (tất nhiên họ cũng có phần trong đó).
Vẫn có một số người đánh đồng, việc tu như sư Minh Tuệ cũng đang có đầy ở các nước Phật giáo Nam truyền, như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện… Xin thưa, điều này không đúng. Ở các nước ấy họ tu thì cũng không khác mấy những tu sĩ Nam Tông ở Việt Nam. Có điều họ đông hơn, mạnh hơn, vì Phật giáo nước ta theo Đại thừa là chủ yếu.
Tôi có tham khảo qua một số tu sĩ mà họ đã đi qua nhiều nước trên thế giới, họ kết luận rằng như sư Minh Tuệ là rất hiếm. Đặc biệt, khả năng bộ hành đầu trần chân đất đi trên đường nhựa với sức nóng - bỏng da cháy thịt, có lẽ sức chịu đựng đó là vô đối. Nên nhớ, so với thời Ca Diếp đi khất thực, khi ấy chắc chắn không có đường nhựa, chỉ là đường đất và cây cối xanh tươi, bóng mát rất nhiều. Rõ ràng sư Minh Tuệ đã rèn luyện được một thân kim cang để có thể hành cước liên tục, mà trên nét mặt vẫn luôn bình thản, an lạc.
Như vậy, thực hành được hạnh đầu đà là một sự phi thường. Cho nên không gì ngạc nhiên khi sư Minh Tuệ được đánh giá là “một tu sĩ kiệt xuất nhất” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam (1). Ngoài ra, cũng bởi hình ảnh của sư đã khiến bao người tỉnh thức, lột mặt bao kẻ dối gian, và nhiều người đã buông bỏ tất cả mà bước theo ông trên con đường cao thượng này.
Từ một hạnh đầu đà cứ thế đã có 72 hạnh đầu đà (2). Ta chưa bàn đến việc 71 hành giả kia có đủ căn cơ, ý chí để đi đến hết con đường hay không. Hoặc giả 71 vị ấy sẽ có bao nhiêu đầu đà đắc đạo. Việc đó không quan trọng, vì đâu phải cứ tu là đắc, cũng như thực tế ngày nay có bao nhiêu tu sĩ, bao nhiêu chùa chiền mà có thấy vị nào đắc quả được đâu! Cho nên, chỉ cần họ dám lựa chọn hạnh tu này đã là một sự dũng cảm hơn người.
Thế giới tìm một đầu đà đã hiếm trong khi đất nước ta lại có cả một đoàn tăng hạnh đầu đà. Vậy, điều này không đáng để Phật giáo Việt Nam tự hào với thế giới hay sao?
Có thể nói, hiện tượng này là hi hữu, khiến âm vang các nẻo, rúng động chư thiên, vì ngay cả khi Đức Phật còn tại thế cũng không có đầu đà đông như vậy!
Trớ trêu thay! Họ không lấy đó làm tự hào mà ngược lại họ không vui, lo lắng, bất an.
Thế là đoàn đầu đà phải bị chấm dứt. Có lẽ, nếu không có bước đi này đoàn tăng ấy sẽ còn tăng thêm mỗi ngày và con số là không ai có thể biết trước. Khi ấy không biết thế giới nhìn vào chúng ta với con mắt như thế nào đây?
Khi họ bị chặn đứng, chia tách, giải tán, đó là thời khắc u ám, ảm đạm với tất cả những người mộ đạo và lương thiện. Nhưng lập tức, như một tia sáng lóe lên khi mà những con người ấy rải đi khắp nẻo tìm nhau, cũng là lúc hạnh đầu đà xuất hiện mang theo hạt giống bồ đề rải khắp nơi nơi, và một lần nữa hương đức hạnh được lan xa, bay cao.
Chỉ cần thấy một vị đầu đà người ta sẽ nhớ ngay về sư Minh Tuệ, và chỉ như thế người ta đủ biết người tu là như thế nào - người tu không cần ăn ngon mặc đẹp, người tu càng không được giữ tiền bạc. Khi đó các giá trị chân - ngụy, chánh - tà, thiện - ác, tự khắc lộ rõ. Và chúng Phật tử sẽ tự biết họ phải làm gì.
Chưa dừng lại ở đó, sức mạnh của hạnh đầu đã như đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người, nên ngay cả khi không gặp một vị đầu đà trước mặt mà chỉ cần nhìn thấy vài miếng vải rách, vải nhiều màu thì cũng đủ khiến họ nhớ về một đầu đà Minh Tuệ. Đây cũng chính là giá trị tỉnh thức mà ông đã mang lại, một khi nó đã gieo vào đầu thì không một quyền lực nào có thể tẩy trắng đi được.
Vậy nên, cho dù ông có bước đi hay dừng lại, cho dù những huynh đệ kia có tìm thấy nhau hay tan rã; thì sự tỉnh thức vẫn không thể quay đầu, nó sẽ tiếp tục hành trình, nó phải hoàn thành sứ mệnh; và đến một lúc nào đó ta lại thấy hạnh đầu đà sẽ có ở muôn nơi, có lẽ cũng sớm thôi!
————
P/s: Hôm nay sét ở bầu trời Hà Nội cả ngàn cơn. Hi hữu. Kẻ vô thần lại thường hay sợ hãi, người tín thần thì đã có đức tin. Xưa nay thiên nhân cảm ứng, người xưa dạy chớ có nghi ngờ.
———-
Chú thích:
(1) Trong Thông bạch của GHPGVNTN
(2) Ngay cả trong số đó nếu có vài vị giả tu.
————
Nha Trang, 05/06/2024
Nguyễn Thanh Huy
———-
Đăng trên Thư Viện Hoa Sen:
https://thuvienhoasen.org/.../huong-duc-hanh-khong-ngung...
03/06/2024 - Nguyễn Thanh Huy
Sư lăn tay làm căn cước.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một sự kiện kỳ lạ đến như vậy! Một cá nhân, một con người nhỏ bé đã khiến cho hàng triệu ánh mắt dõi theo từng bước, hàng triệu khối óc suy tư lo lắng cho số phận, và hàng triệu con tim vỡ oà cảm xúc khi biết sư vẫn bình an.
Nhìn lại, hành trình của sư Minh Tuệ cứ như một cuốn phim, nó bắt đầu im ắng, chậm rãi, rồi tăng dần, đẩy lên cao trào, và kết thúc một cách đột ngột. Tuy nhiên, cái kết thúc ấy chỉ lả sự chấm dứt cho những bước chân rong ruổi trên khắp các nẻo đường và kéo theo đó bao sự nhốn nháo, thị phi của trần thế.
Có lẽ, lựa chọn này không phải bởi ý nguyện của sư, nhưng nó cũng là cách khả dĩ duy nhất và hài hoà cho tất cả. Điều mà mọi người được an ủi, nhẹ nhõm là khi đã nhìn thấy những hình ảnh xác tín về sự hiện diện của sư, rằng họ vẫn còn đó một đầu đà Minh Tuệ. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, chúng ta sẽ có một mất mát quá lớn, một tiếc nuối vô hạn và một tổn thương khó nguôi ngoai.
Đứng trước những lựa chọn, chúng ta sẽ chọn lựa cách tốt nhất; đứng trước những ngã rẽ chúng ta sẽ chọn lối đi bình an. Đó là bản năng của lí trí. Sư Minh Tuệ, dù với giới hạnh sâu dày có thể khuất phục tất cả, hay với tâm tịch tịnh vô úy trước mọi hoàn cảnh thì cũng đành phải tùy duyên mà hành trên bước đường tu còn lắm xa xăm.
Hiểu cho cùng cho sâu, tất cả đều có nhân duyên, việc gì đến sẽ đến, việc gì đi sẽ đi. Còn duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Kết thúc của cái này sẽ là khởi đầu của cái khác. Những bước chân dừng lại nhưng con đường đi vẫn phía trước. Nghiệp tu, ý nguyện vẫn còn đó, sư có thể buông tất cả nhưng con đường cầu đạo nhất quyết sẽ không buông. Có lẽ trong họa có phúc, từ đây sư sẽ có đủ không gian tĩnh lặng để tinh tấn hành trì, tập trung tâm trí hành thiền để có thể tiến nhập vào định mà đạt trí huệ viên mãn.
Điều quan trọng nhất, không phải sư sẽ bước đi nữa hay không, mà là những bước đi của sư đã làm nên một cuộc tỉnh thức kì vĩ. Người ta đã chợt nhận ra mình mê lạc, người ta kịp nhận ra mình bị lừa dối; người ta đã biết yêu người, và người ta đã biết đâu là hạnh phúc. Sư như ánh sáng xua tan màn đêm, như cơn mưa rào gột rửa, cuốn phăng những bụi trần.
Sự xuất hiện của sư mang lại thật nhiều cảm xúc và những lợi lạc “không thể nghĩ bàn”. Nên giờ đây, sư có bước tiếp hay dừng lại thì con đường ấy vẫn mở ra phía trước, dẫn lối cho tất cả những ai có tấm lòng cầu đạo tầm pháp.
Cuối cùng, tôi cầu mong sư thực sự được bình an và sớm thành đạo - đắc quả vị Phật, như ý nguyện một kiếp nhân sinh.
———
Nha Trang, 03/06/2024
Nguyễn Thanh Huy
THẨT THẬP NHỊ HIỀN
Sau khi 72 hành giả bị chia nhỏ, giờ hạnh đầu đà đã xuất hiện khắp nơi nơi. Như vậy chẳng phải là cách gieo hạt giống lành càng nhanh, càng mạnh hơn đó hay sao?
Con số 72 thật ngẫu nhiên trùng với 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không.
Trong hoạ có phúc, trong bi có hỷ, trong khổ có lạc. Vạn vật xoay vần, biến hoá khôn lường.
Duyên !
——-
Nha Trang, 04/06/2024
Nguyễn Thanh Huy