2024.04.25 - RFA
Người Việt diễu hành với lá cờ VNCH năm 2013. AFP
Gần nửa thế kỷ đã đi qua từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vấn đề hoà hợp - hoà giải dân tộc lại được bàn luận mỗi dịp 30/4. Cho đến nay, điều này vẫn chưa đạt được với những người sống trong thời chiến hoặc thế hệ thứ hai sau chiến tranh.
Tuy nhiên, trong cái nhìn của các bạn trẻ thế hệ thứ ba thì sao? Họ nghĩ gì về cuộc chiến, về màu cờ của hai phía và nhìn nhận của họ về hoà hợp - hoà giải dân tộc?
Phương Anh, 23 tuổi, lớn lên ở miền Nam California, nơi được mệnh danh là “Thủ phủ người Việt tị nạn Cộng sản”, và hẳn nhiên là khi còn nhỏ, Phương Anh mặc nhiên cho rằng lá cờ Việt Nam là cờ nền vàng với ba sọc màu đỏ:
“Từ lúc nhỏ cho tới lớn thì ở đâu em cũng thấy lá cờ vàng có ba sọc đỏ và đó là lá cờ mà em lớn lên và được hiểu biết là của người Việt Nam.
Chỉ có sau này khi em được coi trên YouTube và về Việt Nam thì em mới được thấy lá cờ đỏ có ngôi sao màu vàng thôi. Ở trong lớp tiếng Việt thì thầy của em cũng nói rằng ở bên đây cái cờ vàng là cờ mà mình muốn xài, nếu mình nói về lá cờ kia thì người ta có thể buồn.”
Ông nội của Phương Anh từng là một người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tuy gia đình Phương Anh chưa bao giờ nói điều gì xấu về miền Bắc hay dạy cô phải ghét lá cờ của họ, nhưng tự cô cũng hiểu rằng người thân của cô sẽ không vui và không thoải mái nếu nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng:
“Mình không có được học để ghét một lá cờ nào hết, nhưng mà em đã hiểu biết ra là ở bên đây, nếu mà người ta thấy lá cờ đỏ thì người ta sẽ không được vui lắm tại vì người ta không muốn suy nghĩ về lá cờ đó.
Còn ở Việt Nam thì rất là khác. Em đi đâu cũng không thấy một cái dấu vết nào của hồi đó, lịch sử của lá cờ vàng nó đã mất hết ở Việt Nam.”
Không quá khó khăn để Phương Anh nhận biết được sự chia rẽ sâu sắc giữa hai ý thức hệ đại diện cho hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Điều này khiến những người trẻ gốc Việt như Phương Anh gặp một chút khó khăn khi tìm hiểu về nguồn cội Việt Nam:
“Lá cờ là đại diện cho một nhóm hoặc là một quốc gia nhưng mà bây giờ mình lại có hai lá cờ, mà hai bên không có muốn công nhận cờ của nhau thì nó làm cho Việt Nam rất là chia rẽ.
Em là người Việt Nam, em rất muốn về Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa, ăn được nhiều thức ăn của Việt Nam nhưng mà bây giờ mình đã bị chia rẽ quá thì cũng hơi khó.”
Với quan điểm của một người trẻ thế hệ thứ ba sinh ra sau chiến tranh Việt Nam, Phương Anh công nhận rằng “cờ đỏ-sao vàng” là cờ chính thức của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với cô, cờ vàng vẫn là lá cờ đại diện cho mình và cho cộng đồng người Việt ở Mỹ:
“Tại vì cờ đỏ đã là cờ của Việt Nam hiện nay rồi, cái đó là một thực tế hiện tại. cho nên em nghĩ là mình phải chấp nhận điều đó.
Nhưng mà thậm chí với cái thực tế đó thì cái lá cờ vàng mà người Việt Nam dùng ở bên này là đại diện cho danh tính mà người ta đang nhớ về thời mà người ta sống ở bên Việt Nam, đó là cờ của người ta.”
Phương Anh cho biết cô chưa từng nghe tới cụm từ “hoà hợp - hoà giải dân tộc, nhưng theo cô, bất kỳ ai muốn sử dụng lá cờ đỏ ở Mỹ cũng không sao, điều quan trọng nhất vẫn là hai bên nên biết tôn trọng và chấp nhận những giá trị của nhau:
“Nếu như có một bạn nào chỉ muốn dùng lá cờ màu đỏ thì cũng không sao, nhưng mà phải biết rằng, phải hiểu suy nghĩ của những người Việt Nam ở bên này là người ta nếu nhìn thấy lá cờ màu đỏ có thể người ta sẽ cảm thấy buồn và khó chịu, cho nên hai bên cũng phải chấp nhận lẫn nhau.
Nếu mà người ta có thể hòa giải được với nhau thì đó là một điều tốt tại vì bây giờ mình đang rất là chia rẽ, nhưng mà em cũng hiểu điều đó sẽ rất là khó cho mọi người.
Em cảm thấy là ở bên đây người ta sẽ rất là khó để quên được chuyện đó.”
Thế hệ trẻ gốc Việt ở Mỹ. Ảnh: Reuters
Trái ngược với Phương Anh, Johnny Huy, 29 tuổi, là một người sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, cho biết anh chưa hề thấy một lá cờ vàng ba sọc đỏ hay bất kỳ một di sản nào của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngoài đời thực khi ở Việt Nam.
Từ tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, Huy cho biết, lúc nhỏ, cũng như tất cả học sinh trên khắp Việt Nam, anh được học và được nghe nói về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ một chiều: rằng chính quyền Việt Nam Cộng hoà chỉ là “bù nhìn, tay sai” cho Mỹ; và rằng miền Bắc, đại diện là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã giải phóng miền Nam thoát khỏi sự cai trị của Mỹ.
Lớn lên, dù sống trong một đất nước có hệ thống thông tin bị kiểm duyệt chặt chẽ, Huy vẫn có cơ hội tiếp xúc với các thông tin đa chiều hơn về chiến tranh Việt Nam, thông qua các nền tảng mạng xã hội mà chính phủ Việt Nam chưa thể chặn được một cách triệt để tại Việt Nam, ví dụ các bài báo, hình ảnh trên Facebook hay các phóng sự, phim ảnh quốc tế liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Cũng từ đó, Huy biết được rằng sau cái ngày mà anh được dạy là “đại thắng mùa xuân” - 30/4/1975, có một làn sóng người hàng triệu người đã liều mình vượt biên đào thoát khỏi Việt Nam. Huy chia sẻ, nếu muốn hoà giải dân tộc sau hàng chục năm chia rẽ như vậy, Chính phủ Việt Nam cần thừa nhận nỗi đau của những người rời bỏ Việt Nam sau 1975, phải cho người dân trong nước được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau về cuộc chiến này:
“Mình hiểu được cái nỗi đau của dân tộc thì mới có cái sự hòa hợp được. Em thấy những cái chuyện này là những cái chuyện mà dân tộc mình cần phải biết, mình cần phải thừa nhận nó và mình phải thừa nhận nỗi đau của những người mà sau năm 75 họ phải chạy trốn, vượt biên.
Không phải là thấy kèo thơm thì gọi là người Mỹ gốc Việt còn kèo thối thì gọi là ba que.”
Huy cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, ngày càng có nhiều người, đặc biệt thuộc thế hệ trẻ như mình tìm hiểu và biết được một khía cạnh khác của chiến tranh Việt Nam mà vốn chưa từng được phổ biến trong nước:
“Sự thật nó là sự thật và sự thật mình không thể che giấu được. Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ nhìn nhận được vấn đề và họ không còn thấy thù ghét nhau nữa.”
Tuy nhiên, Huy nhận thấy có vẻ như Hà Nội, ngoài mặt kêu gọi hoà hợp - hoà giải bằng các chính sách được tuyên truyền trên các kênh truyền thông Nhà nước; nhưng thực chất thì khác:
“Có thể việc hòa hợp hòa giải dân tộc chưa chắc đã là cái điều mà chính quyền Việt Nam mong muốn. Nếu người miền Bắc và người miền Nam, rồi Người Việt hải ngoại mà cùng hòa hợp hoà giải và có chung một tiếng nói là một mối nguy cho chính quyền Việt Nam. Thành ra, em nghĩ là Chính phủ mong muốn những điều đang diễn ra hiện tại vì nó tốt cho chế độ.”
28-04-2024 - RFA
Ông Dương Minh Cường. Công an TP Hà Nội. Công an TP Hà Nội
Ông Dương Minh Cường (28 tuổi, ngụ tại số 5, ngách 35, ngõ 164 Hồng Mai, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bắt theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Công an thành phố Hà Nội vào ngày 28 tháng tư cho truyền thông Nhà nước biết biện pháp vừa nêu đối với ông Dương Minh Cường. Trước khi bắt ông này, lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở của ông.
Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP Hà Nội cũng phê chuẩn các biện pháp của phía Công an.
Tin không nêu rõ những hoạt động, hành vi nào của ông Dương Minh Cường đã thực hiện khiến ông bị bắt theo cáo buộc của Công an TP Hà Nội.
Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là “mơ hồ” mà Chính phủ Hà Nội sử dụng nhằm “bịt miệng” những công dân bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.
Gần nhất vào ngày 26 tháng tư, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, cũng theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Báo mạng Kiên Giang nêu rằng từ năm 2020 đến nay, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội “Dương Hồng Hiếu,” “Dương Hiếu” và “Phù Dung” để “tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang”.
Trên trang Facebook “Dương Hồng Hiếu” với hình ảnh của ông Hiếu trong quân phục sỹ quan quân đội và quần áo dân sự, có nhiều bài viết chỉ trích các bài giảng của Thượng toạ Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bên cạnh việc chỉ trích các bài giảng của thượng toạ Thích Chân Quang, ông Hiếu còn lên tiếng về việc phá huỷ di tích lịch sử chùa Phù Dung và di sản văn hoá núi rừng Bình San ở xã Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Hoàng Lam 28-04-2024 - RFA
Bộ đội Việt Nam tái hiện cảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh chụp hôm 30 tháng 4 năm 2005. Reuters
Một ngày đầu tháng 10 năm 1975, mợ tôi_một cán bộ cấp vụ_ghé thăm gia đình chúng tôi. Cả nhà lúc đó đang tá túc ở chái bếp của nhà thờ họ. Khi ra về, mợ nói với tôi, giọng đầy trắc ẩn, đầy ngại ngùng và cũng đầy nghi ngại:” Ba đi cải tạo, nhà bị tịch biên, con không được tiếp tục đi học, gia đình ly tán….chắc con hận chế độ lắm phải không?” Cậu thanh niên 19 tuổi lúc ấy là tôi, trả lời ngay, không nhiều thời gian suy nghĩ:” Dạ NẾU chế độ mang lại hạnh phúc cho dân tộc, phồn vinh cho đất nước thì một số cá nhân, gia đình bị thiệt thòi, mất mát chẳng phải bận tâm nhiều”
Và chữ NẾU ấy đã đeo đẳng tôi, đeo đẳng cả dân tộc nhọc nhằn này từ ấy đến giờ. Đeo đằng từng ngày, từng tháng, từng năm. Ròng rã đã 49 năm qua.
“Cực không thể kể hết được”, bà HTMT 68 tuổi, giáo viên cấp hai về hưu, bùi ngùi nói,” Ra trường năm 1980, được phân dạy ở miền núi. Lạnh lắm. Đói lắm. Mà nhục nữa. Đi dạy mà cứ trông gia đình học sinh nào có giỗ có chạp mời ăn. Rồi khi có gia đình thì khổ khỏi phải nói, đói khổ cả mẹ lẫn con. Cho nên bay giờ T chỉ muốn quên, quên hết.Chẳng muốn nhắc đến 30 tháng 4 hay giải phóng chi hết.”
Đúng rồi, quên đi, ráng mà quên đi những đói khổ, những nhọc nhằn, những căm hận trong những năm đầu sau 30 tháng 4 năm 1975. Quên đi những lễ kỷ niệm sặc sỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Quên đi những buổi diễu binh hùng tráng, những tiệc pháo hoa sáng rực góc trời. Quên đi những chiếc bánh chưng, bánh dày khổng lồ kệch cỡm khoe mình trong những kỷ lục vô nghĩa. Quên đi những thân cây xanh tươi bị bứng từ rừng về trồng lại trong khuôn viên nào đó để các ông đầu đội nón cối, chân đi ủng , tay cầm xẻng thắt nơ đỏ, vun vun ,xới xới, quay phim chụp ảnh, gắn biển đồng để công chúng ghi công nhớ đức….
Quên đi 9,000 giáo sư và 24,000 tiến sỹ mà công trình khoa học gần như chẳng có gì.
Nhưng quên sao được khi qua gần 1/4 thời gian của thế kỷ 21 mà còn nhiều ngôi trường trống huơ, trống hoác, nền bùn đất lầy lội. Quên sao được những đứa bé xanh xao chân đất đến trường chỉ mong ngày được bữa cơm no. Quên sao được hình ảnh bầy học sinh báo vào thùng xốp, nhấp nhô trên són nước để kịp giờ đến lớp học. Và cũng khó lòng quên được cảnh cô giáo chui vào bao nylon, bám vào dây thừng, vượt sông suối để đến trường dạy học.
“Chỉ có đồng lòng hòa hợp- hòa giải dân tộc mới giúp chúng ta vượt qua những định kiến, thù hằn. Khi nào trên dưới chung sức, chung lòng thì những khó khăn khách quan sẽ được khắc phục…” ông TXA, nghiên cứu sử học nghiệp dư, nói.
Nhưng hòa giải hòa hợp thế nào đây khi sự phân hóa, phân tầng đã lên đến đỉnh điểm? Khi mà người dân bị xua đuổi ra khỏi căn nhà của chính mình, ra khỏi mảnh đất của gia đình mình với giá đền bù vài nghìn đến vài chục nghìn mỗi mét vuông? Rồi những mảnh đất ấy được biến hóa rơi vào tay người này người kia với giá tỷ này tỷ nọ?
Hòa giải- hòa hợp thế nào đây khi ba người dân trộm hai con vịt và thứ trưởng bộ Ngoại giao nhận hối lộ 21,5 tỷ nhận mức án 13 năm tù như nhau?
Một ông cựu bộ trưởng đã nói:” Nếu chúng sai, chúng ta nhận lỗi trước dân; nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”
Chính cái lỗi suy nghĩ đó đã đưa đất nước chúng ta rơi vào tình trạng tham nhũng và chuyên quyền như hiện tại.
Quốc gia nào cũng có tham nhũng nhưng “ăn” như trong dịch COVID-19 năm nào thì chỉ có ở Việt Nam. Bộ Y tế ăn, Bộ Ngoại giao ăn, Bộ Công thương ăn, Bô Lao động- Thương binh- Xã hội ăn….Ăn từ cấp lãnh đạo cao nhất đến nhân viên.Họ ăn trong nỗi khốn cùng và tang thương của dân tộc. Họ ăn trong nỗi kiệt quệ và sợ hãi của dân tộc.
Và chắc chắn một điều: chỉ có một chế độ như thế nào mới sản sinh ra loại người không có nhân tính như thế!
Những ngày cuối tháng tư, trời nắng gay nắng gắt.Nắng rát mặt người, nắng chảy nhựa đường, nắng nung không gian thành một khối nóng khổng lồ, hít thở nóng ran lồng ngực.
Lúc như thế này, người ta thường mơ về một cơn mưa mát lành.Mưa tỏa xuống mát đất, mát trời, mát những con người héo hon đang chật vật mưu sinh.
Nhưng chỉ là mơ thôi. Những ngày cuối tháng tư này, trời đang nóng lắm. Nắng gay nắng gắt…
Anh thanh niên 19 tuổi ngày xưa nay đã thành ông già 69 tuổi, ngồi giữa cái nóng tháng tư với nhiều hồi ức.
Bà mợ đã mất lâu lắm rồi.
Chữ NẾU ngày xưa vẫn còn nguyên đó. Nhưng ông đã có thể quên đi những nhọc nhằn, những mất mát. Đã quên đi những ước mơ tươi đẹp thời tuổi trẻ sớm bị tước đoạt…Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, không cay đắng, chẳng thù hằn…
Chỉ còn điều này chắc chắn: trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông sẽ không bao giờ QUÊN những gì đã và đang làm tàn hại đất nước và dân tộc mình.
2024.04.26 - RFA
Ông Dương Hồng Hiếu khi bị bắt. Công an Nhân dân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang ngày 26/4 khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo báo mạng Kiên Giang, từ năm 2020 đến nay, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội “Dương Hồng Hiếu,” “Dương Hiếu” và “Phù Dung” để “tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang”.
Báo chí Nhà nước cũng cho biết trước khi bị bắt, ông Hiếu đã bị cơ quan chức năng mời làm việc nhiều lần về các bài đăng của mình, và ông này đã làm cam kết không tái phạm về hành vi tương tự. Tuy nhiên sau đó ông Hiếu vẫn tái diễn hành vi vi phạm.
Trên trang Facebook “Dương Hồng Hiếu” với hình ảnh của ông Hiếu trong quân phục sỹ quan quân đội và quần áo dân sự, có nhiều bài viết chỉ trích các bài giảng của Thượng toạ Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo giới thiệu của Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Chân Quang là Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, nhà sư này có nhiều bài giảng đăng tải trên mạng xã hội có nội dung gây tranh cãi về nhiều vấn đề xã hội, cúng dường, nhân quả... Thậm chí ông này còn cho rằng hành động chủ động tấn công ba châu của triều Tống ở Trung Hoa năm 1075-1076 là “hỗn” vì “Trung Quốc là anh còn Việt Nam là em.”
Trong bài đăng một ngày trước khi bị bắt, ông Hiếu bày tỏ tin tưởng vào các lãnh đạo Việt Nam như Phan Văn Giang, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm.
Bên cạnh việc chỉ trích các bài giảng của thượng toạ Thích Chân Quang, ông Hiếu còn lên tiếng về việc phá huỷ di tích lịch sử chùa Phù Dung và di sản văn hoá núi rừng Bình San ở xã Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
2024.04.26 - RFA
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị Giao ban Bộ Công an hôm 25/4/2024 ở Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Tại Hội nghị Giao ban Bộ Công an hôm 25/4/2024 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, vụ án dư luận xã hội quan tâm...
Từ Hà Nội hôm 26/4/2024, Nhà báo Lê Anh Hùng nhận định với RFA:
“Theo tôi họ phải lựa những vụ án nào vừa được lợi cho họ, vừa nhận được sự quan tâm của công chúng xã hội. Thực tế mà nói người dân quan tâm đến những vụ án liên quan đến vấn đề mang tính đạo đức hơn, mang tính chất đụng chạm lương tâm, lương tri của con người hơn... Chẳng hạn như vụ án của dân oan hay vụ án người dân bị tù oan chẳng hạn. Cái đấy không nằm trong lợi ích cơ quan chức năng, cho nên họ không điều tra, họ phớt lờ. Còn những vụ án liên quan đến tham nhũng thì tất nhiên nó cũng kích thích tính tò mò sự quan tâm từ công chúng, công chúng muốn thấy mức độ thối nát của chế độ như thế nào?”
Nhà báo Lê Anh Hùng cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công an nói như thế thì cũng đúng, chỉ có điều theo ông Hùng, có những cái công chúng quan tâm hơn thì Bộ Công an lại không để ý đến.
Dư luận xã hội tại Việt Nam hiện rất quan tâm những vụ án, mà các chuyên gia luật nhận định là án tử hình oan vẫn chưa được điều tra lại như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hay Lê Văn Mạnh. Riêng tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9/2023, sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.
Khi kêu gọi ‘đẩy nhanh tiến độ các vụ án dư luận xã hội quan tâm’ thì không phải Tô Lâm chỉ nói tới Bộ Công an. Mà còn là một mệnh lệnh yêu cầu bên phía tuyên giáo phải đẩy mạnh dư luận tập trung vào các tập đoàn sân sau của đối thủ Tô Lâm.
- Anh Trần Anh Quân
Trở lại với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 26/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:
“Với những diễn biến chính trị trong thời gian qua, có thể thấy Tô Lâm đang rất muốn ngồi vào ghế Tổng Bí thư của ông Trọng. Và "cái lò" của ông Trọng đã bị Tô Lâm lợi dụng để thiêu rụi mọi cây cỏ trên con đường tiến thân của mình. Bởi vậy Bộ trưởng Bộ Công an không còn mặn mà với những vụ án nhỏ nữa, mà đang tập trung vào các vụ đại án để thanh trừng các thế lực chính trị có thể gây ảnh hưởng tới phe nhóm của Tô Lâm.
Khi kêu gọi ‘đẩy nhanh tiến độ các vụ án dư luận xã hội quan tâm’ thì không phải Tô Lâm chỉ nói tới Bộ Công an. Mà còn là một mệnh lệnh yêu cầu bên phía tuyên giáo phải đẩy mạnh dư luận tập trung vào các tập đoàn sân sau của đối thủ Tô Lâm. Đây là chiến lược thường thấy mà Tô Lâm đã và đang áp dụng trong thời gian qua: đầu tiên là tung tin dẫn dắt dư luận, sau đó bộ công an vào cuộc, và cuối cùng là triệt hạ đối thủ.”
Ông Vương Đình Huệ khi còn là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 23/10/2023. AFP.
Chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013. Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy khi trả lời RFA trước đây cho rằng, trong một thể chế độc đảng như Việt Nam, các quan chức cũng đồng thời là các đảng viên đảng Cộng sản. Việc chống tham nhũng ở Việt Nam trong tình hình hiện nay chủ yếu đến từ quyết định của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, trong khi không có một sự độc lập nào từ nhánh tư pháp. Do đó, việc chống tham nhũng chỉ là một hình thức khác của việc xử lý nội bộ giữa các đảng viên với nhau.
Đồng quan điểm, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 26/4/2024 nhận định với RFA:
“Từ xưa đến nay, các vụ án liên quan đến vấn đề đấu đá trong nội bộ chóp bu Đảng Cộng sản, thì bao giờ cũng được quan tâm chỉ đạo một cách sát sao. Mặc dù những vụ án về những người dân oan hay những vụ án về những tử tù kêu oan được dư luận xã hội quan tâm đông đảo hơn rất nhiều. Trong khi đó đối với những vụ án tham nhũng hay những vụ án doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thì ở cấp trung ương đều được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, ở cấp tỉnh thì thuộc Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.”
Từ xưa đến nay, các vụ án liên quan đến vấn đề đấu đá trong nội bộ chóp bu đảng cộng sản, thì bao giờ cũng được quan tâm chỉ đạo một cách sát sao.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Theo luật sư Đài, như vậy rõ ràng Bộ Công an đang quan tâm đến quyền lực, lợi ích kinh tế của những quan chức của chế độ, nhiều hơn là quan tâm đến công việc hay sự oan ức hàng ngày của người dân. Ông Đài nói tiếp:
“Trong chế độ cộng sản Việt Nam thì hầu hết những sai phạm của những quan chức thuộc hàng cao nhất từ Bộ Chính trị đến Ban Bí thư, cho đến Ban Chấp hành Trung ương, thì đều được Bộ Công an là cơ quan có đầu mối thu thập tất cả thông tin sai phạm liên quan các quan chức này. Có thể năm năm trước hoặc 10 năm trước, ví dụ như trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, những sai phạm ổng có liên quan bắt đầu từ năm 2011, khi ông ấy về làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi. Vụ án đấy đã bị chìm xuồng từ năm 2015, nhưng khi họ muốn hạ bệ nhau thì họ sẽ lôi những sai phạm từ 5 - 10 năm trước để họ xử lý nhau.”
Trong khi đó, theo luật sư Đài, những oan ức của người dân thì không bao giờ được được xem xét một cách thấu đáo như vậy.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII ngày 20/3/2024 ra thông báo đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh.
Lý do được nêu là ông Võ Văn Thưởng ‘đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.’
Truyền thông Nhà nước không đưa tin cụ thể những sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Đây là tập đoàn có các dự án lớn tại tỉnh Quảng Ngãi từ thời ông Thưởng còn là Bí thư tỉnh này khoá 2011 - 2014.
Mới nhất là vào ngày 26/4/2024, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ cũng đã từ chức, chỉ sau mấy tuần chủ tịch nước cũng phải từ nhiệm.
Lý do theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam: “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.” Tuy nhiên cụ thể những vi phạm, khuyết điểm gì của ông Vương Đình Huệ không được nêu rõ.
2024.04.27 - RFA
Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ “tứ trụ” của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.
* Bài bình luận của Zachary Abuza
Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA. AFP
Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong một phiên họp khẩn bất thường vào ngày 25/4 và Ủy ban Trung Ương đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của ông này vào ngày sau đó.
Ông Huệ là ủy viên Bộ Chính trị thứ 5 bị phế truất trong nhiệm kỳ này, ngã ngựa trong Chiến dịch chống tham nhũng có tên “Đốt lò”, sau Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Bộ Chính trị hiện chỉ còn 13 thành viên trong một cuộc chiến tiêu hao ác hiểm khi chỉ còn 19 tháng nữa là đến Đại hội Toàn quốc ĐCSVN lần thứ 14.
Việc phế truất ông Huệ rõ ràng là làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc đua cho chiếc ghế Tổng Bí thư ĐCSVN sắp tới. Theo quy định hiện hành của Đảng, ông Huệ là một trong bốn ứng cử viên đủ điều kiện có thể kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng- người đã làm Tổng Bí thư tới 3 nhiệm kỳ.
Điều gì đã khiến ông Huệ ngã ngựa?
Câu trả lời đơn giản là chính trị và tham vọng quyền lực đã hạ bệ ông Huệ.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm trước cuộc họp tại Hà Nội ngày 30/10/2020. Nguồn ảnh: Thống Nhất/TTXVN qua AP
Ông Huệ là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư. Ông đã được chuẩn bị cho vị trí này, đã giữ các vị trí lãnh đạo tại Tổng kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, Thành ủy Hà Nội và Bộ Tài chính.
Nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại muốn vị trí đó và nắm trong tay quyền to lớn để tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng đối với các vụ làm ăn lan trải cũng như đời tư của các đối thủ của mình.
Trong những tuần qua, Tô Lâm đã đưa ra những bằng chứng về các vi phạm của ông Huệ. Ông cũng đã làm việc này với Võ Văn Thưởng khi mà ông đưa ra những chi tiết về vụ hối lộ 16 tỉ đồng (630 ngàn đô la). Ông Tô Lâm đã trông đợi ông Huệ sẽ ứng xử như ông Thưởng, người đã thú nhận những việc làm sai và lặng lẽ rút lui và đổi lại, cái ông được nhận là sự hạ cánh an toàn.
Theo nhiều nguồn tin thì ông Huệ đã không nhưng không chấp nhận hạ cánh an toàn mà còn bác bỏ tất cả các cáo buộc trước khi đe dọa sẽ lật tẩy các vụ làm ăn của chính các đồng nghiệp trong Bộ Chính trị.
Ông Tô Lâm đã nhanh tay hành động và như thường lệ, bắt đầu từ người trợ lý của ông Huệ.
Công an đã bắt giữ ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội ngay khi ông này trở về từ chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc.
Ông Hà, có bằng Tiến sĩ về tài chính, đã làm trợ lý cho ông Huệ được 20 năm. Ở mọi cương vị trong sự nghiệp của ông Huệ, bắt đầu từ Kiểm toán Nhà nước, rồi tới Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương và cuối cùng là Quốc Hội, ông Hà luôn làm cấp phó cho ông Huệ.
Ông Hà đã bị bắt ngay tại sân bay, rõ ràng là ngay trước mắt sếp của ông để gia tăng hiệu ứng tâm lý.
Việc bắt giữ ông Hà là một phần của quá trình điều tra Công ty Cổ phần Thuận An, một công ty phát triển bất động sản tương đối nhỏ mà đã có một hành trình ngoạn mục khi đã trúng 38 trong 47 gói thầu của chính phủ cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Lãnh đạo công ty đã bị bắt giữ hôm 15 tháng 4. Tổng giám đốc đã bị cáo buộc tội hối lộ trong khi phó tổng giám đốc đang bị giam giữ và điều tra về tội hối lộ và gian lận trong đấu thầu. Tổng cộng đã có 6 người bị bắt, trong đó có 3 quan chức tỉnh Bắc Giang.
Hôm 19 tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một cơ quan của Trung ương Đảng chuyên điều tra về tham nhũng đối với các quan chức cao cấp, đã chính thức bắt đầu điều tra về ông Huệ. Vị Trưởng ban, Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị đã thành lập một ban gồm 9 thành viên để dẫn đầu cuộc điều tra.
Ngày 21 tháng 4, Bộ Công an tuyên bố ông Hà sẽ bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, vi phạm Khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự. Ngày hôm sau, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã cho phép khám nhà và văn phòng của ông Hà.
Đời tư của ông Huệ, với nhiều cáo buộc về chuyện tình ái mà đã trở thành “món ăn” quen thuộc trên mạng xã hội, đã làm tiêu tan mọi hy vọng ông có thể sống sót.
Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, áo đỏ, đứng trên bục phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh: Hoàng Đình Nam/ AP
Ngày 26 tháng 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chấp thuận đơn từ chức của ông Huệ - người từng được coi là có nhiều khả năng nhất để lãnh đạo ĐCSVN trong nhiệm kỳ 2026-2031.
Vậy thì sao?
Việc ông Huệ mất chức đã buộc phải có sự đảo lộn lớn đối với các vị trí cao cấp tại cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 26 tháng 4.
Việt Nam đã không có Chủ tịch nước từ tháng 2 năm nay. Sự ra đi của Huệ để lại chiếc ghế trống thứ hai trong bộ “tứ trụ” của chế độ lãnh đạo tập thể ở Việt Nam.
Quốc Hội Việt Nam là một ngoại lệ trong các cơ quan lập pháp của các chế độ cộng sản ở chỗ nó không phải là một con dấu bằng củ khoai. Cơ quan này là một trong những định chế được tin cậy nhất của quốc gia này, tương đối minh bạch đồng thời có nỗ lực buộc các vị lãnh đạo [ban ngành] phải có trách nhiệm giải trình.
Quan trọng hơn, hàng loạt các bộ luật và văn bản hướng dẫn thi hành cần phải được thông qua.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được cho là đã bổ nhiệm bà Trương Thị Mai, hiện là Thường trực Ban Bí thư, làm tân Chủ tịch Quốc hội. Quyết định này, cùng với việc ông Huệ chính thức từ nhiệm, sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Bà Mai có kinh nghiệm dày dạn trong cơ quan lập pháp. Từ 2016-2021, bà là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan lãnh đạo và đại diện cho Quốc hội khi Quốc hội không trong kỳ họp.
Nhưng Trung ương cũng còn phải xem xét một số vị trí cao cấp khác mà vẫn còn trống.
Bà Mai sẽ phải có người thay thế vị trí tại Ban Bí thư, cơ quan phụ trách công việc hàng ngày của Đảng.
Một cái tên đang nổi lên là Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – vị chính ủy cao nhất của quân đội. Giống như ở Trung Quốc, Quân đội Nhân dân là cánh vũ trang của Đảng Cộng sản và có trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa trước nhà nước. Việc kiểm soát quân đội của Đảng là tối quan trọng.
Không rõ lần này ông Cường sẽ nghỉ hưu khỏi quân đội hoặc tiếp tục trong quân đội. Việt Nam có các chuẩn mực khác biệt về quan hệ quân sự - dân sự.
Vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương (cơ quan nhân sự của ĐCSVN) đã trống ghế từ tháng 3/2023. Điều này là rất khó hiểu trong bối cảnh công tác kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 hiện đang diễn ra.
Chức chủ tịch nước đã khuyết từ tháng 2 năm nay. Có hai ứng cử viên có thể kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng là ông Trần Thanh Mẫn và Nguyễn Văn Nên. Việc này sẽ được quyết định tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới của Quốc hội.
Dường như ông Huệ sẽ được hạ cánh an toàn giống như tất cả các vị lãnh đạo cấp cao đã bị phế truất trong 17 tháng qua. Ông có mặt trong ảnh chụp tại lễ viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo cấp cao khác trước cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương. Mặc dù ông Tô Lâm có thể muốn ra đòn cuối cùng với đối thủ chính trị của mình nhưng dường như ông Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ đệ tử cũ của mình khỏi bất cứ tấn công tiếp theo nào.
Ông Nguyễn Văn Nên, ứng cử viên chức Chủ tịch nước Việt Nam (bên trái) rời một cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 6/4/2015. Nguồn ảnh Khâm/Reuters
Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành Tổng Bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhưng chắc chắn là chính trị Việt Nam chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay cũng như chưa bao giờ mang tính tàn phá thể chế đến vậy. Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.
* Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
27-04-2024 - RFA
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Courtesy Tiền Phong
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Hương Giang, bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật khiển trách; còn nguyên Chủ tịch UBND tỉnh- ông Nguyễn Tử Quỳnh, bị xóa tư cách Chủ tịch UBND Bắc Ninh.
Biện pháp kỷ luật đối với chủ tịch và nguyên chủ tịch tỉnh Bắc Ninh như vừa nêu được truyền thông Nhà nước loan ngày 26 tháng tư.
Bà Nguyễn Hương Giang- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021-2026, bị cho có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng. Thời gian thi hành kỷ luật đối với bà này tính từ ngày công bố Quyết định thi hành kỷ luật số 1117-QĐNS/TW ngày 31/1/2024 của Ban Bí thư.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh cũng nhận kết luận tương tự.
Hồi ngày 19 tháng 1 vừa qua, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, và cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Hạnh Chung, bị khởi tố và bị bắt theo tội “nhận hối lộ” của Công ty Cổ Phần Tiến bộ Quốc tế AIC.
Ngoài hai ông Quỳnh và Chung, Cơ quan Điều tra đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Nhường, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vào tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các ông Trần Văn Tuynh- cựu giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế; Nguyễn Đằng An- cựu trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình Xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Kim Huân- cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Viết Toản- cựu nhân viên Công ty AIC; Nguyễn Đăng Linh- cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE, và Nguyễn Hồng Sơn- Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC. Những người này cùng bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Đầu tháng 1-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Lã Tuấn Hưng- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết bị can Nguyễn Tử Quỳnh cùng các bị can nêu trên bị bắt do liên quan tới các vi phạm về đấu thầu liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn khỏi Việt Nam trước khi vụ án đầu tiên liên quan đến bà bị Công an khởi tố.
Mạng báo Taz của Đức hồi đầu tháng 8/2023 loan tin nói bà Nhàn đang ở Đức và phía Hà Nội có yêu cầu Berlin dẫn độ bà này về Việt Nam. Tuy vậy yêu cầu này bị từ chối, và theo Taz, Chính phủ Berlin cảnh báo Hà Nội không được có động thái bắt cóc bà này trên đất Đức.
Đến ngày 16/8/2023, Phó Ban Nội chính Trung ương về phòng/chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Yên, đưa ra quyết tâm bắt bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với tuyên bố: “Khi anh mới là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha.”
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và các nhóm quốc phòng Phương Tây; trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.
27-04-2024 - RFA
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC. AIC Group
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại Trung Tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và các đơn vị liên quan. Ngoài bà Nhàn còn có 13 người khác cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam ngày 27 tháng tư cho biết vừa hoàn tất kết luận về vụ án vừa nêu với đề nghị truy tố 14 người.
Cụ thể bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Trần Mạnh Hà- Phó Tổng Giám đốc AIC, và ông Trần Đăng Tấn- Trưởng Văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP HCM, bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cả ba người này đều đang bỏ trốn và bị truy nã.
Nguyên giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn TP HCM, ông Dương Hoa Xô, bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Tám người khác là cán bộ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Công ty Kiểm toán AISC, Viện xây dựng và Quản trị kinh doanh TP HCM, Công ty Thẩm định giá SEAAC, Sở KH&ĐT TP HCM… bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Có 2 người bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết luận điều tra cho thấy vào năm 2006, Ủy ban Nhân dân TP HCM đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Người giám đốc Trung tâm lúc đó, ông Dương Hoa Xô, bị cho đã nhận tiền của bà Nhàn để giúp Công ty AIC trúng thầu.
Trong khoảng thời gian từ năm 2015-2018, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo hai ông Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn đưa tiền cho ông Dương Hoa Xô sáu lần tại nơi làm việc của ông này, với tổng số tiền là 14,4 tỉ đồng.
Cũng theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, ông Dương Hoa Xô chi cho ông Trần Bình Minh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 1 tỷ đồng; ông Nguyễn Đăng Quân- Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học 950 triệu đồng; ông Nguyễn Viết Thạch- nguyên Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc Trung tâm công nghệ sinh học 1,1 tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ ba đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Vào cuối năm 2022, Bà Nhàn bị tuyên 30 năm tù vì chủ mưu trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Vào tháng 10 năm 2023, bà Nhàn bị Tòa án tỉnh Quảng Ninh tuyên án 10 năm với cáo buộc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh này.
2024.04.26 - RFA
Tỳ kheo Thích Minh Vương cùng di ảnh của anh ruột (trái) và thi thể bầm tím của nạn nhân. Photo: RFA
Đang nghỉ ngơi ở chùa Phúc Long sau một ngày dài tu tập, thầy Thích Minh Vương nhận được cuộc gọi của người thân báo tin anh ruột đã tử vong ở bệnh viện, chỉ vài tiếng sau khi làm việc với Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
"Thầy không thể thở được khi nghe tin anh mất, nghẹn cứng tim. Đệ tử đã đỡ thầy và chở thầy cùng gia đình ra sân bay liền," tỳ kheo Thích Minh Vương (thế danh Vũ Hoàng Phú) một tháng sau vụ việc vẫn nhớ như in khoảnh khắc của ngày hôm đó.
Nạn nhân trong vụ việc là ông Vũ Minh Đức, 31 tuổi, từ Ninh Bình vào lập nghiệp tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ mấy năm qua, có vợ và hai người con.
Trong buổi sáng ngày 22/3, vợ và anh ruột đưa ông Đức đến Công an huyện Long Thành theo giấy triệu tập với mục đích “làm việc về một vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã An Phước hồi đầu tháng 10/2023,” nhưng không hề biết đó là lần cuối cùng anh em, vợ chồng họ gặp nhau.
Ông Đức được đưa vào phòng làm việc lúc 10 giờ 30 sáng, người thân bị yêu cầu ra ngoài. Đến 15 giờ, điều tra viên gọi điện yêu cầu vợ ông lên trụ sở để ký một số giấy tờ “liên quan bệnh lý.”
Khi người vợ đến, điều tra viên nói đã đưa ông Đức vào Bệnh viện Đa khoa huyện Long Thành cấp cứu do ông bị ngất xỉu trong quá trình làm việc.
Ông sau đó được chuyển viện lên tuyến trên ở TPHCM. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ thông báo cho người nhà biết, ông Đức đã qua đời lúc 21 giờ 30 cùng ngày, tức là 13 tiếng sau khi làm việc với công an huyện.
Tuy nhiên, giấy chứng tử của Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp thể hiện, ông Đức tử vong vào lúc 23 giờ với nguyên nhân tử vong là hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn theo dõi tổn thương não sau ngưng tim; suy thận cấp (tổn thương thận cấp); suy gan cấp (tổn thương gan cấp), tổn thương phần mềm đùi phải, trái.
Thầy Thích Minh Vương đáp chuyến bay sớm nhất từ Ninh Bình vào TPHCM để chứng kiến Viện Pháp Y Quốc gia của Bộ Y tế phối hợp cùng công an huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm tử thi nạn nhân vào chiều 23/03 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một ngày sau vụ việc.
Trong khi vợ ông Đức vật vã khóc thương trong phòng lạnh ở nhà xác bệnh viện, vị tỳ kheo này nén nỗi đau chứng kiến việc khám nghiệm tử thi anh mình từ đầu đến cuối.
Từ trực quan có thể thấy, thi thể có rất nhiều vết bầm tím, trong khi trên cổ tay có các vết xước chéo mà gia đình cho rằng do còng số 8 để lại khi bị treo ngược lên cao, các tù nhân từng trải nghiệm kiểu tra tấn này của công an gọi nó là "treo cánh tiên."
Khoang ngực phải của ông Đức có một vết bầm kích thước 4x3 cm, trong khi vùng da bên ngoài có nhiều vết xước và bị lún. Mông và hai đùi cũng bị bầm dập, tím đen.
“Không thể tin được khi ở trên đồn công an về mà lại dẫn đến cái mức độ như thế. Một sự đau thương không một từ ngữ nào có thể diễn tả được, không một ai mà chịu đựng nổi, mẹ thì ngất, vợ thì điêu đứng, các cháu cứ đòi bố,” vị tu hành này hồi tưởng lại.
Ông Đức là một thanh niên cường tráng, có sức khỏe tốt, không có tiền sử sử dụng chất kích thích và hoàn toàn không có bệnh nền.
"Khi lên đồn công an trong tay công an huyện Long Thành thì không gặp thêm một lần nào nữa. Khi gia đình gặp lại là gặp một cái xác,” thầy Thích Minh Vương nghẹn ngào.
Hình minh hoạ: Nạn nhân chết trong đồn công an trong năm 2018 (Fb)
Ông Đức là trường hợp mới nhất về tình trạng công dân chết bất thường trong đồn công an hay nhà tạm giữ/tạm giam ở nhiều địa phương trong nhiều năm gần đây, cho dù Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT) của Liên Hiệp quốc từ năm 2015.
Việt Nam ký công ước vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn một năm sau đó. Đây được cho là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của LHQ. Trong khoảng thời gian này, tình trạng nghi can, nghi phạm, và tù nhân bị chết ở mức báo động.
Báo Thanh Niên hồi tháng 3/2015 đưa tin trong một phiên họp của Quốc hội, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm báo cáo cho biết, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc.
Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Từ đó, không có thêm báo cáo nào từ cơ quan chức năng được đưa ra.
Thu thập tin tức trên các phương tiện truyền thông dưới sự quản lý của nhà nước, phóng viên nhận thấy trong năm 2018 có ít nhất 11 người bị chết trong các cơ sở giam giữ của Bộ Công an.
Từ năm 2020 đến nay, tức là từ khi Việt Nam có báo cáo giữa kỳ về thực hiện CAT (2019) đến ngày 19/4 vừa qua, khi Hà Nội gửi báo cáo thứ hai, có ít nhất 14 trường hợp như vậy được báo chí nhà nước đưa tin. Trong số này, có ba trường hợp cơ quan công an cho là tự sát trong khi gia đình nạn nhân nghi ngờ kết luận này của lực lượng thực thi pháp luật.
Trong trường hợp ông Vũ Minh Đức, hai ngày sau khi người này tử vong, Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ công tác đối với đại uý Thái Thanh Thương và điều tra viên Lưu Quang Trung để phục vụ điều tra làm sáng tỏ cái chết của ông.
Tuy nhiên, cho đến nay, gia đình chưa nhận được thông tin gì về vụ việc từ nhà chức trách địa phương, kể cả kết luận giám định tử thi. Gia đình cũng chưa nhận được lời xin lỗi hay thăm hỏi từ Công an huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai.
Sư thầy Thích Minh Vương trong một tháng qua đã ba lần gửi đơn cho các cơ quan có thẩm quyền và gửi đích danh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với 25 bộ đơn và các hình ảnh có dấu vết nghi bị nhục hình của nạn nhân, nhưng không nhận được hồi đáp.
Phóng viên ngày 26/4 gọi điện cho Công an huyện Long Thành để hỏi thông tin, tuy nhiên cán bô trực điện thoại yêu cầu phóng viên mang giấy giới thiệu đến trụ sở để được cung cấp thông tin.
Chính phủ Việt Nam ngày 19/4 vừa qua gửi Báo cáo lần thứ 2 về thực thi CAT đến Liên Hiệp quốc cho biết, thời gian qua toà án cấp sơ thẩm đã tiếp nhận 6 vụ án với 15 bị cáo với cáo buộc “dùng nhục hình” theo Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015, trong đó đã xét xử 05 vụ án hình sự đối với 12 bị cáo, và kết án một cán bộ trại giam 9 năm tù giam, ba người khác bị án từ ba năm đến bảy năm, và tám cán bộ khác với thời hạn tù từ hai đến ba năm.
Trong báo cáo, Chính phủ Việt Nam nói rằng đã ban hành hàng chục luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Theo đó, Bộ Công an đã triển khai lắp đặt thiết bị ghi hình trong nhiều phòng hỏi cung để ghi âm ghi hình nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn.
Báo cáo cũng thừa nhận Việt Nam còn một số vấn đề nội tại cần được quan tâm giải quyết, đó là
“cơ cấu tổ chức và cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở còn những hạn chế nhất định về năng lực, nhận thức, cản trở việc thực hiện yêu cầu trong một số tình hình mới; sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, chống tra tấn chưa kịp thời, chặt chẽ, khiến quá trình soạn thảo kéo dài, chất lượng nội dung giảm sút.”
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người hiện đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ cho biết, từ khi tham gia Công ước Chống tra tấn, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 theo hướng chú trọng đến chống tra tấn và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
“Đã có một sự tiến bộ đáng kể so với luật trước. Tuy nhiên, thực tế thì không phải là như vậy bởi chúng ta hiện nay vẫn còn nghe còn thông tin chính thức của nhà nước là có những trường hợp đang khỏe mạnh tự nhiên vô trong đồn công an ra thì chết, không phải tự nhiên người ta chết, đó là do người ta tra tấn và chết.”
Từ kinh nghiệm bào chữa nhiều năm trong các vụ án hình sự ở trong nước, ông Miếng khẳng định việc tra tấn như trường hợp của ông Vũ Minh Đức xảy ra bắt đầu từ giai đoạn tiền tố tụng, tức là thời điểm công an mời/triệu tập hay thậm chí là bắt cóc đương sự rồi đưa về đồn để dùng “các biện pháp nghiệp vụ” buộc phải nhận tội.
Sau khi có sự thú nhận của đương sự, công an sẽ đưa những tài liệu đó cho phía Viện kiểm sát để phê chuẩn lệnh bắt cho phù hợp với luật.
Theo ông, vấn nạn tra tấn có nguyên do từ ham muốn phá án của cơ quan công an để lấy thành tích bất chấp việc vi phạm quy trình tố tụng.
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh dẫn lại vụ án tranh chấp đất đai của người dân với quân đội ở xã Đồng Tâm, mà ông là một trong số các luật sư bào chữa để làm minh chứng cho hành động tra tấn nghi phạm của cơ quan điều tra nhưng không bị trừng phạt. Ông nói:
"Trong số 29 người dân phải ra tòa, thì có đến 19 người xác nhận tại tòa đã bị tra tấn dã man, bị đánh đập trong đêm khuya, bị đổ nước vào cửa mình (nữ), không được chăm sóc y tế khi tra tấn bị thương tích…”
Trong vụ này, ngoài cụ Lê Đình Kình - thủ lĩnh tinh thần của người Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết ngay tại phòng ngủ, hai con trai của ông cũng phải nhận bản án tử hình, người cháu lãnh án chung thân và các bản án tù dài hạn khác nhau.
Ông Đào Bá Cường bị kết án 2 năm tù vì đòi công lý cho con trai Đào Bá Phi- người chết một cách bất minh trong đồn công an ở Phú Yên năm 2022 (CAND)
Để giảm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình của cơ quan điều tra, Chính phủ kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của Công ước Chống tra tấn và phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn.
Ngoài ra, việc đào tạo cho cán bộ tư pháp, điều tra viên về phòng chống tra tấn trong hoạt động tư pháp cũng sẽ được chú trọng bên cạnh việc thanh tra và tiếp nhận, xử lý thông tin về các trường hợp liên quan đến tra tấn, cưỡng bức, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết, các cơ quan chức năng cần phải thực thi nghiêm chỉnh Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành và luật sư phải được hiện diện trong tất cả các giai đoạn tố tụng để có thể giảm vấn đề nhức nhối tồn tại trong rất nhiều năm qua.
Theo ông, nếu thấy có bất cứ một vi phạm nào trong quá trình tố tụng thì phải vô hiệu hóa kết quả điều tra và trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Còn luật sư Mạnh kiến nghị "tách cơ quan giam giữ ra khỏi cơ quan công an", bên cạnh đó thiết bị ghi âm, ghi hình ở phòng hỏi cung lúc nào cũng phải hoạt động và đồng thời phải "giáo dục và trừng phạt nghiêm khắc mọi trường hợp phát hiện tình trạng công an tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo với nghi can.”
Sư thầy Thích Minh Vương đồng tình với kiến nghị này của luật sư để không còn những trường hợp tử vong bất thường như người thân của ông sau khi làm việc với công an.
“Cũng mong khi mà làm việc như vậy thì công dân sẽ được kêu được phép mời luật sư hay là được phép cho gia đình vào trong ngồi để được xem các đồng chí làm việc, phục vụ điều tra như thế nào cũng như là điều tra và trừng phạt thật nặng những người đã thực thi pháp luật mà làm sai so với quy ước quốc tế,” vị tu hành nói.
2024.04.26 - RFA
Bà Trương Mỹ Lan - 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vào ngày 26 tháng tư có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm tuyên tử hình bà.
Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn đơn kháng cáo gửi đi từ trại tạm giam của bà Trương Mỹ Lan nêu rằng bản thân bà không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Bà trình bày các nguyên nhân khách quan trong việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng này dẫn đến rủi ro.
Như tin RFA loan, vào ngày 11 tháng tư vừa qua, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tuyên án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan vì vai trò của bà trong vụ lừa đảo tài chính trị giá 304 nghìn tỷ đồng (12,46 tỷ USD). Đây là vụ án lừa đảo trong ngành ngân hàng được cho lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Bà Lan bị kết tội tham ô, hối lộ và vi phạm các quy định ngân hàng tại TP HCM.
Các mức án cụ thể của bà Lan gồm: tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt là tử hình.
Ngoài ra, Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) xác định bà Lan còn phải bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng trong số 1.243 khoản vay.
Ngoài án của bà Lan, đáng chú ý có án tù đối với bà Trương Huệ Vân (TGĐ Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor) là cháu gái bà Lan - 17 năm tù thuộc nhóm tội tham ô; tỷ phú người Hong Kong đồng thời là chồng bà Lan - ông Chu Lập Cơ - bị tuyên án chín năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; bà Đỗ Thị Nhàn (Nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) - người đã nhận năm triệu đô la tiền hối lộ từ bà Lan - phải chịu án chung thân và buộc nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Ngoài đơn kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan như vừa nêu, Tòa án TP HCM cũng đang tập hợp các đơn kháng cáo của những người khác trong vụ này.
2024.04.26 - RFA
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Công an tỉnh Bắc Kạn
Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Kạn hôm 26/4 tuyên án bốn năm tù đối với Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm Bắc Kạn (Trung tâm Đăng kiểm 97- 01D) về tội nhận hối lộ. Cùng bị tuyên án tù trong vụ án còn có Phó giám đốc Hoàng Huy Trường và tám người khác thuộc trung tâm đăng kiểm này. Tất cả đều bị cáo buộc tội nhận hối lộ.
Truyền thông Nhà nước dẫn cáo trạng cho biết, từ năm 2020 đến 2022, ông Trần Đức Dương (sinh năm 1970 với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm Bắc Kạn (Trung tâm Đăng kiểm 97- 01D) đã chỉ đạo, thống nhất cùng Hoàng Huy Trường, Phó Giám đốc công ty và các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ nhận tiền hối lộ của khách hàng để bỏ qua lỗi không đạt điều kiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện cơ giới, máy chuyên dùng trái quy định pháp luật.
Tổng số tiền mà các bị cáo nhận hối lộ được xác định lên đến gần 334 triệu đồng. Khách hàng đến đăng kiểm xe mỗi lần nộp từ 150.000 đến 1,5 triệu đồng tiền hối lộ, cáo trạng cho biết.
Ngoài hình phạt tù, ông Trần Đức Dương còn bị phạt bổ sung 50 triệu đồng. Ông Hoàng Huy Tường bị tuyên án ba năm sáu tháng tù và phạt bổ sung 40 triệu đồng.
Ba bị cáo khác trong vụ án bị tuyên án từ ba năm đến ba năm sáu tháng tù và bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Những người còn lại bị tuyên án mỗi người hai năm tù.
Vụ án tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm còn gọi là “đại án đăng kiểm” được bắt đầu vào năm 2022. Vào hồi cuối tháng ba vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan. Trong số những người bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ có hai nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.
Trên cả nước, số lãnh đạo và nhân viên đăng kiểm bị khởi tố và bắt giam là hơn 600 người, theo số liệu được báo trong nước loan tải.
2024.04.25 - RFA
Các tác động môi trường, kinh tế và những thách thức về an ninh được viện dẫn là những lý do chính cho việc việc cần phải có thêm các cuộc đối thoại.
Hành khách đi phà qua sông Bassac, một nhánh của sông Mekong tại Phnom Pênh ngày 27/2/2023. Tang Chhin Sothy/AFP
Các đại biểu tham dự một cuộc họp tham vấn do Việt Nam tài trợ đã gợi ý rằng Hà Nội nên yêu cầu Phnom Pênh trì hoãn dự án kênh đào mà nước này đề xuất để tiếp tục các cuộc thảo luận. Gợi ý này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam có những lo ngại về những tác động môi trường và kinh tế của dự án.
Theo kế hoạch của Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) dài 180km nối thủ đô Phnom Pênh của Campuchia với vịnh Thái Lan sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay và hoàn thành trong vòng 4 năm.
Dự án kênh đào được đề xuất sẽ bao gồm một đoạn của sông Mekong, do đó khiến Việt Nam quan ngại về những ảnh hưởng của nó đối với vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Kênh đào này có thể “làm giảm tới 50% lưu lượng dòng chảy của sông [Mekong] khi về đến Việt Nam” - ông Lê Anh Tuấn, một nhà khoa học có tiếng của Việt Nam cho biết.
Việt Nam cần có thêm thời gian tham vấn để có thể bảo vệ ĐBSCL, nơi sinh sống của 17,4 triệu người - ông Tuấn nói tại cuộc họp tham vấn ở thành phố Cần Thơ.
Một chuyên gia khác, ông Đặng Thanh Lâm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải yêu cầu Campuchia cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Pênh cũng lên tiếng kêu gọi cần có thêm thông tin về dự án. Phái đoàn ngoại giao này nói rằng mặc dù Hoa Kỳ tôn trọng “chủ quyền của Campuchia trong việc đưa ra các quyết định phát triển và quản trị nội bộ”, người dân Campuchia và người dân tại các quốc gia láng giềng “sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch về bất cứ dự án quan trọng nào có tiềm năng ảnh hưởng tới sự bền vững của nguồn nước và nông nghiệp trong khu vực”.
"Chúng tôi kêu gọi các cơ quan hữu trách [của Campuchia] phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong (MRC) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án đồng thời tham gia đầy đủ vào bất kỳ nghiên cứu tác động môi trường thích hợp nào để giúp Ủy hội và các quốc gia thành viên hiểu, đánh giá và chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ tác động nào có thể xảy ra của dự án" - một phát ngôn viên của Đại sứ quán nói.
Chủ một lồng cá ở đoạn sông Mekong bị ảnh hưởng của trầm tích chỉ cho khách xem cá da trơn đuôi đỏ nuôi lồng ở Cần Thơ. Ảnh chụp ngày 25/5/2022. Nguồn ảnh: Reuters/Athit Perawongmetha
Về phần mình, Campuchia nói rằng nước này đã có được sự ủng hộ dành cho dự án của Chủ tịch Ủy hội sông Mekong đồng thời là Chủ tịch nước Lào, ông Thongloun Sisoulith.
Ông Sisoulith vừa thăm Phnom Pênh và trong một cuộc họp với ông Hun Sen, cựu Thủ tướng Campuchia và hiện là Chủ tịch Thượng viện, ông này đã được yêu cầu thể hiện sự ủng hộ đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo.
“Đáp lại, Chủ tịch nước Lào đã tuyên bố ủng hộ một cách không do dự” – mạng báo Fresh News của Campuchia, một cơ quan báo chí ủng hộ chính phủ, đưa tin.
Lào và Campuchia đều là đồng minh lâu năm của Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, cả hai đều ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc.
Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường có thể xảy đến của dự án.
Chính trong tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thúc giục Campuchia cung cấp thông tin và đánh giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và cân bằng sinh thái của khu vực ĐBSCL.
Đáp lại, một quan chức cấp cao của Campuchia nói rằng Phnom Pênh không có nghĩa vụ phải làm việc này.
Ông So Naro, Đặc phái viên của Thủ tướng Campuchia phụ trách các vấn đề ASEAN nói với tờ Thời báo Khmer rằng về mặt pháp lý, Campuchia không có nghĩa vụ phải gửi bất cứ tài liệu nào liên quan tới việc nghiên cứu và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam.
Campuchia đã đệ trình "tất cả các tài liệu nghiên cứu liên quan đến các tác động của kênh đào đối với môi trường và tài nguyên nước" lên Ủy hội Sông Mekong – ông So Naro nói.
Ủy hội Sông Mekong là một tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm quản lý bền vững lưu vực sông Mekong.
“Các nhà chức trách Việt Nam có thể yêu cầu được tiếp cận các tài liệu đó” – ông So Naro nói.
Campuchia nhiều lần quả quyết rằng dự án kênh đào này không làm gián đoạn dòng chảy của sông Mekong.
Nguồn ảnh: Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia
Với tên gọi chính thức là “Dự án Đường thủy và Hậu cần Tonle Bassac”, kênh đào Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỷ USD sẽ được một công ty Trung Quốc triển khai thực hiện.
Việc xây dựng kênh đào này có nghĩa là sẽ có thêm dòng hàng hóa thương mại đến trực tiếp tại các cảng của Campuchia mà không phải đi qua Việt Nam. Chính phủ Campuchia cho biết dự án này sẽ giúp cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cũng như giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam.
Chính phủ nước này cũng nói rằng dự án sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho 1,6 triệu người dân Campuchia sống dọc kênh đào.
Bên cạnh các tác động về môi trường và kinh tế, các nhà phân tích cho hay Việt Nam cũng lo lắng về những vấn đề an ninh mà kênh đào này có thể gây nên.
Có những ý kiến cho rằng kênh đào này có thể giúp tàu hải quân Trung Quốc di chuyển từ phía Vịnh Thái Lan và căn cứ hải quân Ream do Trung Quốc xây dựng trên bờ biển của Campuchia gần biên giới với Việt Nam, đi lên về phía thượng nguồn.
Campuchia đã bác bỏ suy đoán này với việc ông Hun Sen một mực quả quyết rằng Campuchia và Việt Nam "là láng giềng tốt và có quan hệ hợp tác tốt trong tất cả các lĩnh vực".
Nhưng Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tranh chấp một chuỗi đảo ở Biển Đông và vì vậy nước này thường nhìn những can dự của Trung Quốc trong khu vực với ánh mắt hoài nghi.
Việt Nam có chung đường biên giới khá dài với Campuchia. Trong những năm 1977-1978, đã có các cuộc giao tranh giữa lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia và quân đội Việt Nam trong cuộc chiến thường được gọi là Chiến tranh Biên giới Tây Nam. Cuộc chiến này đã dẫn đến cuộc xâm lược của Việt Nam và việc thành lập một chính phủ thân Hà Nội ở Campuchia.
Cần phải quan tâm hơn tới tính hình ở biên giới phía Tây của Việt Nam vì “các mối đe dọa về những thách thức an ninh phi truyền thống, chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Mekong” – ông Nguyễn Thế Phương, một nhà nghiên cứu chính trị của Việt Nam tại Đại học News South Wales của Australia phát biểu.
“Việc mất đi khả năng duy trì sản xuất lương thực trên quy mô lớn ở ĐBSCL sẽ có ảnh hưởng to lớn tới an ninh của Việt Nam ở khu vực phía Nam” – ông Phương nói.
“Theo tôi, mặt trận phía Tây đang trở nên quan trọng hơn từng ngày nhưng Việt Nam đang bị quá phân tâm bởi các vấn đề hàng hải ở mặt trận phía đông, nghĩa là ở Biển Đông” – nhà nghiên cứu này nhận định.