VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

RFA - 7

ĐCSVN có thể sẽ chưa trở lại trạng thái bình thường sau cải tổ

2024.05.23 - RFA

Tuy Bộ Chính trị có diện mạo mới, quốc gia độc đảng vẫn có thể phải đối mặt với đấu đá chính trị nội bộ và áp lực kinh tế.

Bài bình luận của Zachary Abuza*

ĐCSVN có thể sẽ chưa trở lại trạng thái bình thường sau cải tổ
Hình minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vừa công bố bổ nhiệm một loạt các vị trí cấp cao tại một hội nghị toàn thể gần đây – một động thái được hy vọng sẽ giúp đảng này vượt qua nhiều tháng đấu đá kịch tính và trở lại trạng thái bình thường.

Nhưng mọi thứ có thể không suôn sẻ như vậy. Đang có sự phẫn nộ, oán hận âm ỉ về vai trò dẫn dắt của tân Chủ tịch nước Tô Lâm trong việc buộc 6 ủy viên Bộ Chính trị (BCT) phải từ chức kể từ tháng 12/2022 trong một chiến dịch chống tham nhũng tình cờ loại bỏ các đối thủ của ông này. Đội ngũ ủy viên mới cũng thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế trong khi [kinh tế] Việt Nam đang ở thời điểm bất ổn định.

Ông Lâm, 66 tuổi, người đang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, hôm thứ Tư (22/5) đã được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước – một chức danh chủ yếu mang tính nghi lễ nhưng lại thuộc “tứ trụ” trong số các vị trí chính trị hàng đầu ở Việt Nam. Tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc tịch là những vị trí còn lại trong “tứ trụ”.

Vị trí Chủ tịch nước cũng có thể chuẩn bị cho ông Lâm kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người được cho là có sức khỏe không tốt trong khi nhiệm kỳ năm năm lần thứ 3 của ông sẽ kết thúc vào năm 2026.

Có bốn hàm ý chính có thể rút ra từ những biến động mới nhất tại Hà Nội.


Ông Vương Hộ Ninh (bên phải) - một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - gặp gỡ ông Đỗ Văn Chiến tại Bắc Kinh ngày 20/7/2023. Nguồn ảnh: Yue Yuewei / Xinhua/Getty Images

Thứ nhất, việc bà Trương Thị Mai - người đứng đầu Ban Bí thư và là người phụ nữ có được vị trí cao cấp nhất trong ĐCSVN – buộc phải từ chức đã khiến cuộc đua vào vị trí kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ 14 chỉ còn hai ứng cử viên đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, đó là: Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tô Lâm.

Bà Mai là ủy viên Bộ Chính trị thứ 6 bị buộc phải từ chức trong vòng chưa đầy hai năm, “ngã ngựa” bởi chiến dịch “Đốt lò” - một chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ một phần ba số ủy viên Bộ Chính trị được bầu vào tháng 1/2022.

Thứ hai, việc bầu chọn các thành viên mới của Bộ Chính trị cho thấy cả những bất an và ưu tiên của ĐCSVN – và họ dường như đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh nhiều hơn là nền kinh tế.

Bộ Chính trị thường được cơ cấu một cách cân bằng ở các khía cạnh lợi ích, vùng miền, xuất thân của các ủy viên từ hệ thống đảng hay nhà nước. Tuy nhiên, trong lần mở rộng này, ba trong số bốn ủy viên mới được bầu chọn đến từ những cấp cao nhất trong chính hệ thống Đảng.

Bà Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, hiện là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị gồm 16 thành viên. Bà giữ cương vị đứng đầu Ban Dân vận Trung ương. Từ năm 2011-2021, bà là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra tham nhũng trong ban lãnh đạo cấp cao.

Dân vận, tuyên truyền và kiểm soát

Ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, người dân tộc thiểu số duy nhất trong Bộ Chính trị, là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – cơ quan quản lý, giám sát tất cả các đoàn thể, hiệp hội, các tôn giáo được chính thức công nhận, các tổ chức xã hội dân sự và các cuộc bầu cử. Công việc của ông là duy trì sự kiểm soát của đảng ở các tổ chức này.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa được cử làm người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không ai trong số ba người ngày có kinh nghiệm đáng kể hoặc kinh nghiệm gần đây trong quản lý nhà nước hoặc kinh tế. Họ đại diện cho các khía cạnh nỗ lực khác nhau của ĐCSVN trong hoạt động dân vận, tuyên truyền và kiểm soát.

Chỉ có duy nhất một người trong bốn ủy viên mới của BCT là có kinh nghiệm quản lý kinh tế đáng kể: Ông Lê Minh Hưng, 54 tuổi, con trai của cựu Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Ông Hưng đã dành sự nghiệp ban đầu của mình làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

Từ năm 2011 đến năm 2014, ông Hưng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - thời điểm Việt Nam đang cố gắng thu dọn vụ bê bối ngân hàng lớn đầu tiên của nước này. Từ đó, ông được chuyển sang làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Từ năm 2016-2020, ông Hưng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là người trẻ tuổi nhất có được vị trí này. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021, ông được điều động trở lại làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng.


Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính toàn diện gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Hà Nội, ngày 31/5/2017. Nguồn ảnh: Kham/Reuters

Ông Hưng sẽ tiếp quản Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan phụ trách việc bổ nhiệm tất cả nhân sự từ trung đến cao cấp trong Đảng – một công việc trọng yếu trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào 1/2026.

Ông Hưng rõ ràng là một nhân vật đáng theo dõi trong tương lai và là người có vị thế thuận lợi để trở thành thủ tướng tiếp theo của Việt Nam.

Một lần nữa, không có đương kim phó thủ tướng nào được bầu vào BCT - một cơ quan vốn thiếu người có kinh nghiệm quản lý kinh tế.

Hàm ý thứ ba liên quan đến vai trò nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) cùng với sự thăng tiến của Đại tướng Lương Cường. Vị sĩ quan quân đội 67 tuổi này đã thay thế bà Mai, tiếp quản Ban Bí thư, cơ quan điều hành các hoạt động hàng ngày của Đảng.

Ông Cường, với tư cách là người đứng đầu Tổng cục Chính trị của QĐNDVN, là vị chính ủy cao nhất của quân đội. Chức vụ này mang lại cho ông cấp bậc và địa vị tương đương với vị trí Tổng tham mưu trưởng – tư lệnh chỉ huy tác chiến cấp cao nhất.

Quân đội của Đảng

Giống như Trung Quốc, quân đội Việt Nam là quân đội của Đảng. Đây là cánh vũ trang của ĐCSVN, bị ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ ĐCSVN và hệ thống xã hội chủ nghĩa và đặt việc bảo vệ Đảng và chế độ lên trên bảo vệ nhà nước. Tất cả các sĩ quan thăng tiến lên đến một cấp bậc nhất định đều phải là đảng viên và quân đội hiện là nguồn cung cấp đảng viên lớn nhất ở Việt Nam.

Ông Cường đã phục vụ trong Ban bí thư ĐCSVN đồng thời phối hợp chặt chẽ các hoạt động của Tổng cục Chính trị với Ban bí thư.

Mặc dù việc thay thế một quan chức dân sự bằng một sĩ quan quân đội có vẻ như là vi phạm các mối quan hệ dân sự - quân sự, tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này không được coi là đi ngược lại chuẩn mực vì "Đảng lãnh đạo, điều hành quân đội”.

Tại Hội nghị Trương ương lần thứ 9, ông Cường đã ngồi trên bục, phía bên trái của Tổng bí thư Trọng và mặc thường phục. Vẫn chưa có công bố về việc ông sẽ rời khỏi quân đội hay không. Hai phó chủ nhiệm hiện tại của Tổng cục Chính Trị QĐNDVN cũng đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại tướng Lê Khả Phiêu là vị sĩ quan quân đội điều hành Ban Bí thư gần đây nhất, thời điểm tháng Tư năm 1996. Sau đó, ông nhanh chóng trở thành Tổng Bí thư ĐCSVN, nhiệm kỳ 1997-2001.


Đại tướng Lương Cường (bên phải), người hiện đứng đầu Ban Bí thư, cơ quan điều hành các hoạt động hàng ngày của ĐCSVN. Ảnh chụp ông tham dự lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 1/2/2021. Nguồn ảnh: Minh Hoang/AP

Một trong những khuôn mặt mới mẻ trong Bộ Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng từng là người của quân đội nhưng đã ra khỏi ngành.

Giống như ông Cường, ông Nghĩa, 62 tuổi, đã dành toàn bộ sự nghiệp quân sự của mình làm việc trong Tổng cục Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021, ông Nghĩa đã thôi vị trí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và chuyển sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Câu hỏi lớn hơn là QĐNDVN oai hùng sẽ đóng vai trò kiềm chế về mặt thể chế ở mức độ nào đối với ông Lâm và Bộ Công an? Quân đội hiện nắm giữ 3 trong số 16 ghế trong Bộ Chính trị, chiếm 19%.

Việc quân đội gần đây bắt giữ một quan chức công an ở Lạng Sơn – thành phố cực bắc của Việt Nam - vì nghi làm gián điệp cho Trung Quốc cho thấy dấu hiệu của việc đấu đá nội bộ.

Tương tự, hiện có thông tin cho rằng các cơ quan điều tra của quân đội đang xem xét các hoạt động kinh doanh của ông Tô Dũng, em trai ông Tô Lâm. Một cuộc điều tra như vậy đối với Tập đoàn Xuân Cầu không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Tổng Bí thư Trọng - người đứng đầu Quân ủy Trung ương.

Ông Lâm tạo kẻ thù

Điều này dẫn đến hàm ý thứ 4: Hội nghị Trung ương lần thứ 9 vừa kết thúc gần đây đã đề cử ông Trần Thanh Mẫn thay ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Ông Mẫn đã giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội và là một người miền Nam hiếm hoi trong giới chính trị hàng đầu Việt Nam, vì vậy việc đề cử ông là hợp lý.

Nhưng việc đề cử ông Lâm làm Chủ tịch nước đang khiến nhiều người ngạc nhiên.

Đối với một số người, đây là bằng chứng cho thấy ông Tô Lâm đang bị gạt ra ngoài lề về chính trị trong cuộc đua giành chức Tổng Bí thư ĐCSVN. Quốc hội từ chối để Tô Lâm đồng thời giữ chức Bộ trưởng Công an và chức Chủ tịch nước là bằng chứng cho thấy có một số sự phản đối.

Ban Chấp hành Trung ương đã không ủng hộ Thượng tướng Lương Tam Quang – người ông Lâm mong muốn kế nhiệm mình – và ông Quang đã không được bầu vào Bộ Chính trị trong tháng này.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Tỏ là em trai của ông Trần Đại Quang, nguyên Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước của Việt nam đã qua đời năm 2018. Ông Tỏ không phải là đồng minh của ông Tô Lâm và nhiều người trong Ban Chấp hành Trung ương coi ông Tỏ là trở lực chống lại ảnh hưởng của vị tân Chủ tịch nước đối với Bộ này.

Bất cứ ai trở thành Bộ trưởng Công an đều phải được đưa vào Bộ Chính trị. Điều này đòi hỏi tổ chức Đảng này sẽ phải mở rộng số thành viên lên 17 người.


Sau khi tuyên thệ nhận chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm (người ở giữa) ôm Thủ tướng Phạm Minh Chính. Người ở bên phải đang nhìn theo là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh chụp tại nhà Quốc hội - Hà Nội, ngày 22/5/2024. Nguồn ảnh: Nghia Duc/Quốc hội qua AP

Tuy nhiên, việc giữ chức chủ tịch nước không ngăn cản việc ông Lâm là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Thực tế, nó có thể là một thứ tài sản, giúp đánh bóng lý lịch chính trị của một người đã dành toàn bộ sự nghiệp làm việc ở Bộ Công an. Nếu ai đó đang cố gắng có được các vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cùng một lúc, giống như ở Trung Quốc, thì đó là ông Lâm.

Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy không phải tất cả các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương hài lòng với cách ông Lâm hạ bệ các đối thủ của mình một cách có tính toán thông qua việc sử dụng chiến dịch “Đốt lò”. Bên cạnh 6 ủy viên Bộ Chính trị, có khoảng 20 ủy viên trung ương đã ngã ngựa trong chiến dịch này – điều này khiến ông Lâm không có nhiều bạn hữu.

Mặc dù việc bầu bốn ủy viên Bộ Chính trị mới là một nỗ lực báo hiệu ổn định chính trị đang quay trở lại, bức tranh trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026 vẫn tiếp tục chông chênh và bất định.

* Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown.

🔝

Huế: Đại lễ Phật đản của Tăng đoàn GHPGVNTN bị phá, băng-rôn bị xịt sơn

2024.05.24 - RFA

Huế: Đại lễ Phật đản của Tăng đoàn GHPGVNTN bị phá, băng-rôn bị xịt sơn
Băng-rôn trên lễ đài tổ chức Phật Đản ở chùa Quốc Ân (Huế) trước và sau khi bị phun sơn. Tăng đoàn GHPGVNTN/RFA edited.

Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 và lễ Hiệp kỵ (lễ giỗ) ở Tổ đình Quốc Ân (thành phố Huế) nhưng bị phá rối và sách nhiễu, trưởng ban tổ chức Hoà thượng Thích Không Tánh nói các hành động này thực hiện bởi thế lực vô minh.

Ngày mùng 08/4 năm Giáp Thìn (tức ngày 15/5/2024 dương lịch), nhiều chức sắc và tăng ni cùng tín đồ Phật tử của Tăng đoàn GHPGVNTN (viết tắt là Tăng Đoàn) từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tụ hội về chùa Quốc Ân để tham dự đại lễ.

Tại cổng tam quan và sân chùa Quốc Ân, ban tổ chức đã cho dựng hai tấm biểu ngữ lớn với dòng chữ “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kính mừng Đại lễ Phật đản” và “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thành kính tưởng niệm Hiệp kỵ Chư tôn Giáo phẩm GHPGVNTN các thời kỳ.”

Tuy nhiên, ngay đêm trước khi diễn ra buổi lễ, các khẩu hiệu này đã bị xịt sơn, những cụm từ “Tăng đoàn” hay “Thống nhất” bị che bằng sơn vàng nham nhở, chỉ còn trơ lại dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Hoà thượng Thích Không Tánh cho hay những người không rõ danh tính trong đêm tối che đi những dòng chữ nêu trên khiến nhiều người nghĩ rằng các sự kiện lễ lạt này được tổ chức bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam- thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sự phá hoại này cũng diễn ra ở chùa Phước Thành, một trong ba ngôi chùa là văn phòng của Tăng Đoàn.

Hoà thượng Thích Không Tánh, trưởng ban tổ chức đại lễ Phật đản của Tăng Đoàn trong hai năm qua cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong ngày 24/5:

Sự sách nhiễu, quấy rối, phá rối của thế lực vô minh, mà họ không tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tôn trọng các ngày lễ mùa Phật đản cũng như niềm tin của Phật tử đối với Đức Phật trong mùa lễ Phật đản.

Nhiều tăng lữ và Phật tử ở Huế cũng như một số địa phương đã bị công an và chính quyền địa phương đến vừa thuyết phục vừa đe doạ không đến tham dự đại lễ ở Tổ đình Quốc Ân. Vị Hòa thường từng bị chính quyền giam giữ nhiều lần sau năm 1975 vì các hoạt động tôn giáo nói thêm:

Họ đề nghị phải theo Phật giáo Việt Nam của Nhà nước thì họ mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc sửa sang chùa hoặc là được thoải mái trong việc hành đạo hơn.

Còn nếu như mà ủng hộ Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có nhiều bất lợi.”


Biểu ngữ trước chùa Phước Thành, Huế bị xịt xơn nham nhở. Ảnh: Tăng Đoàn GHPGVNTN/RFA edited

Vị Hoà thượng còn cho biết trong ngày đại lễ, nhiều người dường như là an ninh trà trộn cùng với các Phật tử và ngăn cản người chụp ảnh hoặc quay video. Họ còn dùng thiết bị phá sóng khiến việc phát sóng trực tiếp buổi lễ lên mạng xã hội không thể thực hiện.

Khi hỏi về những kẻ phá rối này, Hoà thượng Thích Không Tánh không chỉ đích danh mà chỉ nói:

Từ lâu Tăng đoàn và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị sách nhiễu đàn áp, do vậy, tổ chức hay nhóm nào hay là khuynh hướng nào đàn áp sách nhiễu gây trở ngại đó thì tự nhiên quần chúng người ta biết.”

Phóng viên gọi điện cho Công an thành phố Huế để kiểm chứng thông tin nhưng người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở cơ quan này để được cung cấp thông tin.

Phóng viên cũng gửi email cho Ban Tôn giáo Chính phủ với đề nghị bình luận về các cáo buộc đàn áp Tăng Đoàn và GHPGVNTN, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Hoà thượng Thích Không Tánh còn cho biết việc tương tự từng xảy ra tại đại lễ Phật đản của Tăng Đoàn cũng tại chùa Quốc Ân vào dịp Phật đản năm ngoái.

GHPGVNTN là một tổ chức tôn giáo có từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1981, chính quyền cho thành lập và công nhận duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 2014, một số sư thầy thuộc GHPGVNTN đã tách ra thành lập Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nhiều cơ sở của hai tổ chức tôn giáo độc lập này, điển hình là chùa Phước Bửu và Thiên Quang ở Vũng Tàu, liên tục bị đàn áp sách nhiễu trong việc tu sửa cơ sở vật chất và thực hành nghi lễ.

🔝

Truyền thông quốc tế: Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư

2024.05.23 - RFA

Truyền thông quốc tế: Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư
Hình cắt từ Tiktok của Nusr-Et

Một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin tức về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, coi đây là một bước đi hướng tới chức Tổng bí thư- vị trí cao nhất trong chế độ độc đảng ở Việt Nam trong Đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm 2026.

Tham vọng trở thành tổng bí thư

Nhiều chuyên gia về chính trị Việt Nam được truyền thông quốc tế dẫn lời cho rằng mục tiêu của ông Tô Lâm là thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã ở cương vị này liên tiếp ba khoá trong điều kiện tuổi cao sức yếu (80 tuổi).

Hãng tin AP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng với cương vị mới, ông Tô Lâm đang ở vị thế rất mạnh để trở thành Tổng bí thư trong thời gian tới.

Đại diện Quỹ Konrad Adenauer (KAS) của Đức ở Việt Nam, ông Florian Feyerabend được hãng tin Aljazeera dẫn lời cho rằng ông Tô Lâm rõ ràng có nhiều tham vọng hơn là về hưu, vì nếu tiếp tục ở lại Bộ Công an, ông sẽ phải ra đi vì đã ở cương vị này hai khoá.

Một nhà quan sát giấu tên ở Hà Nội nhận định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 23/5:

Không loại trừ là ông ta có tham vọng tiến tới ghế Tổng bí thư. Tham vọng quyền lực sẽ không có giới hạn, không cần biết nhân dân đang suy nghĩ gì, tức giận ra sao khi mà xã hội vẫn đầy rẫy tham nhũng và bất công, mà trong đó công an cũng có vai trò thủ phạm lớn, như bảo kê và hoạt động sân sau.”

Một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội cho rằng ông Tô Lâm chắc chắn có tham vọng trở thành người đứng đầu đảng, nhưng ông cũng có nhiều đối thủ, và không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trong Bộ Công an. Do vậy, con đường dẫn tới cương vị đứng đầu đảng của Tô Lâm sẽ có nhiều chông gai.

Để trở thành người thay thế ông Trọng, ông Tô Lâm còn phải tranh đấu với nhiều ứng cử viên khác, nổi bật là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cả tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown, nói với Aljazeera rằng sau khi rời Bộ Công an, ông Tô Lâm “có thể ở vị trí yếu hơn” để đối mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính là một ứng cử viên nặng ký khác.

Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà quan sát chính trị đang định cư ở Canada, trong cuộc hội luận với Đài Á Châu Tự Do lại có một nhận định khác.

Ông Tuấn cho rằng cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang bị tô vẽ như một người có tham vọng quyền lực qua các cuộc thanh trừng nội bộ, tuy nhiên, trên thực tế người đạo diễn toàn bộ các câu chuyện thời gian vừa qua lại chính là ông Trọng. Ông cho biết quan sát của mình:

"Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian vừa qua với chuyện 'đốt lò' thực sự là một cuộc xáo trộn chưa có tiền lệ và với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác thì nó có nhu cầu tái đoàn kết nội bộ và nó có một nhu cầu phải có một 'con dê tế thần' để gây lại sự đoàn kết trong Đảng.

Tôi nghĩ rằng người chủ mưu của những chuyện này là Nguyễn Phú Trọng đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một 'con dê tế thần' và vì vậy đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng ông Tô Lâm nuôi thăm vọng quyền lực cá nhân và vì vậy không Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị."

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, có thể người bị xử lý tiếp theo lại là ông Tô Lâm, và ông Trọng "sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ tư của mình không phải như một kẻ tham quyền cố vị mà như là một người cứu Đảng khỏi tham vọng của ông Tô Lâm, cứu Đảng khỏi một kẻ vì cuồng vọng quyền lực của mình mà đã thanh trừng nội bộ, đã xáo trộn Đảng trong suốt thời gian vừa qua".

Những điểm tối của Tô Lâm

Trong tám năm qua, dưới thời ông Tô Lâm, bộ máy an ninh đã thực hiện nhiều chiến dịch đàn áp nhân quyền, trấn áp giới bất đồng chính kiến và tàn phá xã hội dân sự, theo đánh giá của nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Theo New York Times, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo “cuộc trấn áp sâu rộng xã hội dân sự và bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc một cựu quan chức cấp tỉnh người Việt ở Berlin vào năm 2017.”

Tờ báo của Mỹ đang nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh - cựu quan chức dầu khí trốn sang Đức xin tị nạn chính trị nhưng bị các mật vụ bắt cóc trở về Việt Nam xử lý.

Ngoài ông này, hai nhà hoạt động khác là ông Trương Duy Nhất-blogger của Đài Á Châu Tự Do và ông Đường Văn Thái-người chuyên đưa tin chính trị nội bộ lên YouTube cũng bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Việt Nam dưới thời của ông Tô Lâm.

Hãng tin Reuters còn nhắc đến Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với lời cảnh báo về nhiều vi phạm nghiêm trọng của lực lượng an ninh dưới quyền của Tô Lâm.

Hãng tin Anh Quốc này cũng nói trong thời gian Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an, Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên chỉ trích Hà Nội về đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Reuters còn dẫn báo cáo của Dự án 88 nói rằng dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm, xã hội dân sự ở Việt Nam đối mặt với nhiều hạn chế từ năm 2021 và bị thắt chặt từ năm 2023 cùng với việc nhiều nhà hoạt động khí hậu bị bỏ tù trong khi luật được ban hành để kiểm duyệt mạng xã hội.

Năm 2021, ít nhất 32 người bị kết án tù dài hạn vì chỉ trích phủ trên mạng xã hội và 26 người bị bắt vì các cáo buộc nguỵ tạo, theo thống kê của HRW.

“Với việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước, Việt Nam trở thành nhà nước công an trị,” Reuters dẫn lời ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88. Nhà hoạt động này dự báo đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt sẽ tăng cường trong thời gian tới khi nhiều thành viên của Bộ Chính trị là công an hoặc xuất thân từ công an.

Nhiều hãng tin cũng nhắc lại việc ông Tô Lâm ăn bò dát vàng trong nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn năm 2021 khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với đại dịch COVID, và việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm khi người này nhại lại động tác rắc muối của chủ nhà hàng Salt Bae.

New York Times dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak:

“Nền tảng là bộ trưởng công an mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền lực nhưng cũng có thể là một trở ngại đối với ông ấy vì ông ấy bị nhiều người sợ hãi.

“Nếu ông ấy trở thành Tổng bí thư, mọi người đã lo ngại rằng ông ấy có thể lợi dụng bộ máy an ninh để biến Việt Nam thành một nhà nước cảnh sát.”

🔝

Chính trường Việt Nam sau khi ông Tô Lâm rời Bộ công an lên vị trí Chủ tịch nước

2024.05.22 - RFA

Chính trường Việt Nam sau khi ông Tô Lâm rời Bộ công an lên vị trí Chủ tịch nước
Ông Phạm Minh Chính (trái) ôm chúc mừng ông Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. (Nghia Duc/National Assembly via AP)

Ngày 19/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Bộ trưởng Bộ Công an chưa được phê chuẩn hay bãi nhiệm tại kỳ họp thứ 7 Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, ngày 21/5/2024, Quốc hội Việt Nam tuyên bố sẽ miễn nhiệm chức bộ trưởng công an của ông Tô Lâm. Ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được biểu quyết làm chủ tịch nước. Trong cùng ngày, ông Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng thường trực Bộ Công an, được phân công “điều hành hoạt động của Bộ Công an cho đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an theo quy định.”

Vị trí bộ trưởng công an bị bỏ trống

Như vậy, sau khi ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước và rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Công an, vị trí Bộ trưởng Công an vẫn được bỏ trống, dù công việc của cơ quan có nhiều quyền lực này vẫn có lãnh đạo điều hành. TS. Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore giải thích với RFA về sự bỏ trống này là “Chức Bộ trưởng Công an, có nhiều quyền lực, nên có vài người muốn được làm Bộ trưởng sau khi miễn nhiệm ông Lâm. Vì thế, có thể đó là một khó khăn để chọn một người.” Cùng góc nhìn với TS. Hà Hoàng Hợp, GS Zachary Abuza ở Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense University) cũng cho rằng các nhà quan sát nên chú ý tới một thực tế là Bộ Công an ở Việt Nam rất lớn. Bộ này có một loạt các chức năng và trách nhiệm khác nhau, từ an ninh và hải quan biên giới, kiểm soát nhập cư, đến trị an, chữa cháy, tình báo và phản gián (chống gián điệp). Đó là một bộ máy quan liêu sâu rộng.

Do đó, theo GS. Zachary, câu hỏi đặt ra là nếu nắm một cơ quan lớn như vậy thì người kế nhiệm tương lai có làm được như ông Tô Lâm đã làm không. GS Zachary cho rằng một mặt, ông Tô Lâm đã thất bại, vì Bộ Công an thực sự không thể theo kịp các cuộc điều tra “tội phạm cổ trắng” (white-collar investigations, tức loại tội phạm của những người có địa vị cao trong xã hội và chiếm đoạt tài sản nhờ tận dụng vị trí xã hội này). Mặt khác, chiến dịch chống tham nhũng đã được “vũ khí hóa” rất nhiều. Theo GS Zachary, nó truy đuổi các đối thủ chính trị nhiều hơn là giải quyết nạn tham nhũng. Bất kỳ người kế nhiệm nào cũng sẽ cố gắng làm theo những gì ông Tô Lâm đã làm.

GS Zachary cho rằng ông Tô Lâm đã xây dựng một vương quốc rất hùng mạnh cho mình, và không có lý do gì khiến người kế nhiệm ông lại không cố gắng làm điều tương tự. Bộ Công an không chỉ là lực lượng tấn công của Đảng trong việc truy lùng những người bất đồng chính kiến hoặc cố gắng ngăn chặn các cuộc cách mạng màu, mà nó còn là thứ được sử dụng để tích lũy quyền lực chính trị và của cải kinh tế, theo vị giáo sư đến từ Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ.

GS. TS. Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downtown cho rằng nếu ông Tô Lâm mất đi ảnh hưởng ở Bộ Chính trị thì vị trí Chủ tịch nước của ông sẽ không kéo dài. Đó là lí do vì sao mà ông Tô Lâm không muốn mất hoàn toàn Bộ Công an. Tuy không còn còn là Bộ trưởng Công an, nhưng ông Tô Lâm hiện vẫn là Bí thư Đảng ủy của bộ này. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cũng không thành công trong cố gắng đưa người mình muốn vào vị trí kế nhiệm tại Bộ công an nên hiện nay vị trí này chưa có người chính thức nắm giữ. TS. Nguyễn Văn Chữ nói tiếp:

“Chuyện này tôi nghĩ chỉ ngắn hạn thôi vì trước mắt trên thượng tầng giải quyết chưa xong. Nếu tôi không lầm thì ông Tô Lâm muốn đưa cả hai ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc để ứng cử vào Bộ trưởng Công an nhưng cả hai ông đều chưa được đồng ý. Như vậy trước mắt họ chưa tìm được người thay thế, nhưng rồi họ sẽ tìm được người thay thế thôi. Vấn đề đặt ra là ông Tô Lâm có đủ sức đưa người thân cận của mình vào bộ trưởng bộ công an hay không.”

Trao đổi với RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh lưu ý rằng ông Trần Quốc Tỏ không phải là Bộ trưởng mà chỉ là người điều hành. Nhưng điều đáng chú ý là ông Tỏ không phải là “người ăn cánh” với ông Tô Lâm, theo LS. Đặng Đình Mạnh:

“Giao cho người không ăn cánh với ông Lâm điều hành Bộ công an là dấu hiệu cho thấy phe cánh còn lại đang chống lại những việc ông Lâm làm vừa rồi. Họ đã thành công trong việc đẩy ông Lâm ra khỏi Bộ công an và Bộ công an đang do một người không thuộc cánh ông Lâm quản lý.”

Cuộc đua đến vị trí tổng bí thư

Sau khi ông Tô Lâm đăng quang vị trí Chủ tịch nước của Việt Nam, mọi cặp mắt của các nhà quan sát chính trị Việt Nam đều đổ dồn vào vị trí khác: Tổng bí thư. Đây chỉ là vị trí cao nhất của một tổ chức đảng, nhưng theo Hiến pháp 2013 hiện hành thì đó là nguyên thủ quốc gia trên thực tế, là vị trí nắm thực quyền đối với mọi vấn đề trọng yếu của đất nước.

Theo GS. Zachary, ông Tô Lâm là người vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư tại Đại hội 14 vào tháng 1 năm 2026. Ngoài ông Tô Lâm, hiện chỉ còn một ứng cử viên khác theo quy định hiện hành của ĐCSVN, là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, GS Zachary lưu ý ông Chính cũng đang có “những cáo buộc tham nhũng đeo bám mình” qua câu chuyện công ty AIC. Như vậy, hai ứng viên này sẽ quyết định chính trị Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, không dễ để nhóm lãnh đạo chủ chốt tự ý quyết định điều mình muốn. Theo TS. Bill Hayton ở Chapman House, Anh quốc, cuộc tranh giành quyền lực ở Việt Nam dân chủ hơn ở Trung Quốc. Bởi lẽ những nội dung quan trọng nhất phải được quyết định ở quy mô rộng hơn là Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải quyết định trong một phạm vi hẹp như ở Trung Quốc. Đồng tình với quan điểm này, GS. Zachary nói rằng BCH Trung ương ở Việt Nam là cơ quan có quyền lực hơn nhiều so với cơ quan tương đương của Trung Quốc. Ông nói đây thực sự là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc ra quyết định của Việt Nam, bởi lẽ có những cuộc tranh luận căng thẳng trong BCH Trung ương, có những liên minh kết lại thành các phái. Đây là một cơ quan việc tranh luận diễn ra mạnh hơn nhiều so với ở Trung Quốc, nơi nó thực sự là có tiếng nói đối với không chỉ Bộ Chính trị, mà cả Thường vụ Bộ Chính trị. BCH Trung ương đã cân nhắc và bác bỏ một số quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự. Theo GS. Zachary, chúng ta nên kỳ vọng rằng BCH Trung ương sẽ cân nhắc rất chắc chắn trước Đại hội 14. Họ sẽ không chấp nhận một đội ngũ nhân sự được chỉ định để họ chỉ việc thông qua.

Bên cạnh vai trò của BCH Trung ương, GS. Zachary còn lưu ý đến các ủy viên mới trong Bộ Chính trị, với năm người xuất thân từ Bộ Công an và ba người từ Bộ Quốc phòng. Đối với các ủy viên xuất thân công an, GS. Carl Thayer ở Đại học Canberra, Úc, cho rằng nhiều người trong số họ đã rời Bộ Công an và chuyển sang lĩnh vực khác từ lâu, do đó, họ quyết định độc lập chứ không còn liên quan tới lãnh đạo công an đương nhiệm. Còn GS. Zachary cho rằng ba vị tướng quân đội trong Bộ Chính trị (Phan Văn Giang, Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa) là ba người quan trọng và cần lưu ý.

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những thành viên mới của Bộ Chính trị, được đưa vào từ hôm 17/5/2014, có thể sẽ “pha loãng” tầm ảnh hưởng của ông Tô Lâm. Mặc khác, theo LS. Mạnh, ông Lâm không đưa được người của Bộ công an vào Bộ Chính trị, nhưng Bộ chính trị có thêm người đến từ Bộ quốc phòng (ông Nguyễn Trọng Nghĩa). Trao đổi với RFA, GS Zachary Abuza cũng cho rằng ba tướng Bộ quốc phòng trong Bộ Chính trị là rất quan trọng. Tướng Giang là bộ trưởng quốc phòng, từng là tổng tham mưu trưởng. Tướng Lương Cường chuyên về chính trị và chưa từng đánh trận. Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa là thôi chức vụ bên quân đội từ Đại hội 13 và được bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên giáo Trung ương và nay được đưa vào Bộ chính trị. GS Zachary đặt câu hỏi liệu ông Lương Cường có thôi chức vụ bên quân đội hay sẽ làm Trường trực Ban bí thư trong khi vẫn “mặc quân phục.” Theo GS. Zachary, từ trước đến nay chỉ có ông Lê Khả Phiêu là người vừa giữ chức vụ trong quân đội vừa đảm nhiệm chức vụ trong đảng.

🔝

Miễn nhiệm chức Bộ trưởng công an của Đại tướng Tô Lâm phút 89?

2024.05.21 - RFA

Miễn nhiệm chức Bộ trưởng công an của Đại tướng Tô Lâm phút 89?
AFP. Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, được đề cử làm tân Chủ tịch nước, tại phiên họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 năm 2024.

Chiều 21 tháng 5 năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình đề nghị điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7. Theo đó, bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an, bầu chủ tịch nước với ông Tô Lâm, căn cứ quy định pháp luật và xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Không thấy bổ sung nội dung xem xét nhân sự cho chức bộ trưởng Công an thay thế Tô Lâm.

Trước đó, Hội nghị Trung ương 9 kết thúc vào ngày 18 tháng 5 giới thiệu Bộ trưởng Công an Tô Lâm vào chức Chủ tịch nước. Sang ngày 19 tháng 5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho báo chí biết, Quốc hội sẽ không thực hiện việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm trong kỳ họp này do Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm.

Như vậy, nếu không có nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an vào chiều 21 tháng 5 trong khi Đại tướng Tô Lâm đã được Trung ương Đảng giới thiệu cho chức danh Chủ tịch nước, có nghĩa ông Tô Lâm kiêm cả hai chức là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ công an.

Chắc hẳn Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam muốn rằng cuộc đốt lò vẫn tiếp tục sau khi ông Lâm rời bộ Công an, bởi việc đốt lò không phải việc của mình ông Lâm, mà của đảng Cộng sản Việt Nam, theo lối tập thể, có nhiều cơ quan tập trung ở Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do ông tổng bí thư Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore nêu quan điểm của ông với RFA:

“Đến lúc này, ông Lâm là Bộ trưởng Công an, và là ứng cử viên chức Chủ tịch nước. Ông ấy chưa nắm hai chức vụ cùng lúc khi nào. Hôm 19 tháng 5, Tổng thư ký Quốc hội nói rằng vì chưa có nhân sự thay thế ông Lâm, nên chưa miễn nhiệm ông Lâm trước khi bầu Chủ tịch nước. Hôm nay, theo đề nghị của Thủ tướng, Quốc hội đồng ý miễn nhiệm ông Lâm khỏi chức Bộ trưởng Công an trước khi bầu ông ấy làm Chủ tịch nước, Theo lịch đã công bố, chiều nay sẽ miễn nhiệm, sáng mai sẽ bầu. Như thế đúng với Hiến pháp năm 2013.

Do chưa có người được cử làm Bộ trưởng Công an sau khi miễn nhiệm ông Lâm, thì theo thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ có thể ra quyết định để một trong số các thứ trưởng công an đứng ra phụ trách Bộ Công an, chỉ đạo chung, nhưng có thể không phải là quyền bộ trưởng. Làm như thế đúng với Hiến pháp. Chức Bộ trưởng Công an, có nhiều quyền lực, nên có vài người muốn được làm Bộ trưởng sau khi miễn nhiệm ông Lâm. Vì thế, có thể đó là một khó khăn để chọn một người.

Chắc hẳn Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam muốn rằng cuộc đốt lò vẫn tiếp tục sau khi ông Lâm rời bộ Công an, bởi việc đốt lò không phải việc của mình ông Lâm, mà của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo lối tập thể, có nhiều cơ quan tập trung ở Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do ông Tổng bí thư Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo”.

Cũng theo ông Hợp, chỉ trong hai tháng qua đã có ba lãnh đạo quan trọng của đảng Cộng sản Việt Nam nghỉ việc, cho nên đang thiếu lãnh đạo cho lúc này, và cho khóa 14, tức là đang có một sự bất ổn về lãnh đạo chính trị.

Ba người mà ông Hợp đề cập đến là ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai.

Miễn nhiệm phút 89?

Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Nhà nước. Còn Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng kiêm Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Ông Trọng giữ hai chức vụ trong hai năm rưỡi, từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 4 năm 2021.

Việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng công an đối với Tô Lâm được bổ sung vào phút chót trong nghị trình Quốc hội, được dư luận cho là bất ngờ và cho thấy sự mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo cấp cao.

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nói với RFA:

“Đây là điều gây sửng sốt cho người dân chúng tôi, bởi mới mấy hôm trước, Quốc hội cho hay chưa có nội dung phê chuẩn miễn nhiệm hay bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an do Đại tướng Tô Lâm nắm giữ, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm được giới thiệu vào chức Chủ tịch nước.

Nó cho thấy cái nguyên tắc quan trọng nhất suốt hàng chục năm qua là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã bị phá vỡ. Nó cho thấy nội bộ tập thể Bộ chính trị đang mất đoàn kết nghiêm trọng. Với một vị trí quan trọng như vậy mà họ loan báo vào phút 89, nghĩa là Tô Lâm ‘không kịp trở tay’. Điều này cho thấy cái mô hình độc đảng toàn trị của Việt Nam ngày hôm nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại. Nếu muốn giữ vững ở định chính trị như Bộ Chính trị mong muốn thì họ phải chuyển từ mô hình độc đảng toàn trị sang mô hình độc tài toàn trị như ông Tập Cận Bình đang thực hiện

Theo tôi, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục hỗn loạn nếu Tô Lâm vào vị trí Chủ tịch nước, vì Tô Lâm có thể miễn nhiệm cả Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Chính cũng xuất thân từ công an nên tôi cho rằng, cả ông Tô Lâm lẫn ông Chính đều nắm trong tay nhiều bằng chứng về nhau. Chính điều đó tôi cho rằng, cuộc đấu đá vẫn còn tiếp diễn và một thời loạn lạc mới đang bắt đầu”.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua ngày 19 tháng 1 năm 2011 nêu rõ, Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Theo tôi, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục hỗn loạn nếu Tô Lâm vào vị trí Chủ tịch nước, vì Tô Lâm có thể miễn nhiệm cả Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Chính cũng xuất thân từ công an nên tôi cho rằng, cả ông Tô Lâm lẫn ông Chính đều nắm trong tay nhiều bằng chứng về nhau. Chính điều đó tôi cho rằng, cuộc đấu đá vẫn còn tiếp diễn và một thời loạn lạc mới đang bắt đầu. - Một nhà quan sát tình hình chính trị

Tạp chí Cộng sản hôm 19 tháng 2 năm 2022 có bài viết “Cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra”, dẫn giải thích của ông Hồ Chí Minh về nguyên tắc này:

“Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó...

Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”.

🔝

Phật cũng phải vào biên chế

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn 2024.05.19 - RFA

RFA-07-05
Sư Thích Minh Tuệ trò chuyện với người qua đường. Báo Người Lao Động

Hôm qua mưa to mát mẻ. Rảnh hơi, tôi ra vườn bứt một đám bông cúc, ngồi xếp bằng đình huỳnh chơi trò bói hoa.

Người ta hay bói tình yêu, còn tôi là công dân Việt Nam gương mẫu, tất nhiên tôi chơi trò bói thời sự.

Bứt một cánh cúc: Sư quốc doanh.

Bứt cánh thứ hai: Sư ngoài quốc doanh.

Sư ngoài, sư trong

Sư ngoài quốc doanh thì dễ rồi. Mấy tuần nay cả thế giới người Việt chộn rộn lên với ông thầy Thích Minh Tuệ, cái ông ốm teo nhưng rắn như sắt nguội, bận cái y phấn tảo đủ màu, ôm bình bát DIY bằng lòng nồi cơm điện cưa vành, đi bộ du hành học Phật từ Bắc vào Nam. A cái ông thầy này mới thiệt là kỳ: trước giờ thọ thực thì chỉ nhận cơm chay đủ ăn, ăn xong bữa trong ngày rồi thì Phật tử quỳ lạy năn nỉ cũng không nhận nữa. Người ta mang vật thực tới chờ đợi cho thầy thì chỉ nhận một phần, còn nói có các thầy khác cùng đi với mình, chia ra đi cho mỗi thầy một phần. Phật tử tặng tiền thì cười, dứt khoát không nhận, đã vậy sẵn dư một chai nước trong bình bát cầm ra tặng lại cho người ta một chai rồi bỏ đi lập tức. Ngủ thì vô nghĩa trang, cánh đồng, nhà hoang, gió mưa thì quấn y quấn bạt chịu đựng.

Lại còn thêm không xưng là sư, là thầy của bất cứ ai, cũng không tu trong chùa nào, chỉ là một công dân đang tu tập theo Phật. Không giảng pháp cũng không thuyết pháp, chỉ nói chuyện hồn nhiên như đứa trẻ nhưng Phật tử lẫn người ngoài đạo Phật cứ nhìn cách thực hành tu tập của thầy thì một mực đi theo, quét đường, rắc hoa, đảnh lễ, thắp nến, treo bạt che mưa. Thầy ngồi trong nghĩa trang, dân đi theo thắp nhang cầu nguyện cho tất cả các phần mộ quanh đó. Thầy ngồi trên đống sỏi, dân đứng ngồi xung quanh nghe thầy nói chuyện. Thầy ngồi giữa cánh đồng trơ chân rạ, dân xúm xít mang nước, che ô. Khung cảnh thực sự y hệt những gì được viết, vẽ trong các sách Phật về ngày Phật ra đời. Là sự ngưỡng vọng, yêu thương, thành kính và tận tụy một cách tự nhiên, từ trong đáy lòng, không thể dùng cách bắt buộc nào mà tạo ra được.

Không chỉ mình Thích Minh Tuệ mà còn một nhóm các sư, các thầy từ những phái tu học khác nhau trên đường bộ hành học Phật. Họ cùng gặp nhau ở một điểm: dốc lòng muốn trải nghiệm lại những gì Đức Phật đã trải và đã dạy. Họ từ chối những khả năng sở hữu vật chất và cả lời ca tụng.

Còn sư trong quốc doanh?

Dĩ nhiên con số các tăng, các ni có tên chính thức trong các chùa, các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là bậc chân tu hay vừa vừa tu thôi, vẫn là chiếm đa số. Các sư, thầy, tăng, ni đang sống đạo hạnh, chuyên cần tu tập và chăm lo cho đời sống tâm linh an lành của một vùng đất, là chỗ dựa tinh thần của Phật tử là rất nhiều, không thể kể hết.

Xin kính cẩn đảnh lễ họ.

Nhưng…

Các sư to, sư lớn nhưng càn rỡ, xảo quyệt, lừa gạt, dâm dê, tham-sân-si đủ combo, sao mà đếm cũng mỏi tay.

Sư xin tí khí: Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, từng dẫn nữ Phật tử vào thất định giở trò đồi bại.

Sư thích đập hộp: Đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, xã Tân Hưng, TP Hải Dương đăng hình đập hộp iPhone 6 (năm đó mới ra, rất oách) và khoe dùng điện thoại Vertu giá 600 triệu đồng mới “sứng tầm” (thôi thì tha cho sư cái tội khoe của, nhưng viết trên mạng xã hội còn sai chính tả thì nhất quyết không thể tha được). Vẫn trên mạng xã hội, Sư Cường còn khoe ảnh đội mũ bộ đội, mặc áo rằn ri, cầm súng, ngồi ăn bên một bàn tiệc ê hề…

Sư cúng sao giải hạn: Thượng tọa Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Phúc Khánh, chùa Non Nước (Hà Nội) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa làm giàu bằng cách nhận tiền của Phật tử để cúng sao giải hạn. Chùa nổi tiếng từ một lần từ chối cúng sao giải hạn cho một phụ nữ vì chị này thiếu 50.000 đồng so với mức giá chùa đưa ra.

Sư oan gia trái chủ: Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sư Minh luôn luôn rao giảng kiếp trước của mỗi con người đều từng gây vô số oan gia, cho nên tất cả các biến cố, bệnh tật hay điều không mong muốn của kiếp này đều do các trái chủ trả thù. Muốn chữa bệnh hay giải trừ mọi điều bất như ý chỉ có một cách duy nhất là cúng dường tiền bạc của cải cho chùa Ba Vàng, cúng càng nhiều càng đạt được ý nguyện. Nếu chưa đạt thì là do cúng vẫn chưa đủ hoặc chưa thành tâm.

Sư giả danh trí thức: Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương ở tỉnh Đồng Nai. Lập công ty bán nước tương, gạo lức, muối mè với giá thăng thiên, tuyên bố chữa khỏi hẳn tất cả các bệnh từ viêm gan, ung thư, đến HIV, COVID chỉ với nước tương gạo lức bột sắn dây… do công ty của sư bán ra.

Sư thích tiền chẵn, giảng nhân quả theo kiểu quả táo nhãn lồng: Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Sư giảng:

-Khi còn trẻ mà ham mê du lịch nhiều nơi về già sẽ bị liệt nằm một chỗ.

-Nếu hàng xóm hát karaoke làm mình khó chịu thì dán một cái băng rôn trước cửa nhà họ ghi dòng chữ “Sống hát karaoke, chết làm ma câm”.

-Vong ở Tây đang rất khổ. Họ chỉ muốn qua Việt Nam thôi.

-Nằm võng thì tổn phước.

-Phật tử lấy tiền mệnh giá thấp nhét vào tượng Phật thì năm đó sẽ gặp xui. Lấy tiền mệnh giá cao đưa tận tay thầy trụ trì thì năm đó sẽ gặp hên.

Dân mạng quý thương các vị sư ấy quá, bèn ưu ái tặng thêm nhiều pháp danh có thể xài chung cho (cùng một hạng): Thích Tí Khí, Thích Chuyển Khoản, Thích Tiền Chẵn… Riêng sư Thích Trúc Thái Minh thì tôi xin đặt thêm tên nữa: Thích Sám Hối. Bởi, sau khi bị phạt sám hối đại tăng vì dọa dẫm người dân để kiếm tiền giải oan gia trái chủ cách đây mấy năm, sư Minh lại tiếp tục bày ra trò “xá lợi tóc Phật tự chuyển động” lừa cả đám đông dân chúng u mê khóc rưng rức. Báo chí và truyền thông xã hội làm um lên, buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể làm ngơ. Sau vụ đó, sư Minh lại… xin sám hối!

Không hiểu phong thủy ra sao mà vài năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam gặp nhiều ca sư hàng độc như vậy. Cũng chẳng hiểu nhân sự thiếu thốn đến mức nào mà các sư bị kỷ luật xong lại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ cũ, để rồi lại … sư quen chùa cũ rất chóng vánh!

Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Vào buổi tối 16/5, đùng phát có công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát ra liên quan đến Thích Minh Tuệ. Chính cái công văn bị dân mạng chê là đầy sân si vì nó nói ông Thích Minh Tuệ không có tên trong nhân sự của bất cứ chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho nên ông không phải là tu sĩ. Giáo hội cẩn thận căn dặn các chi nhánh địa phương nhắc nhở người dân để đừng nhầm lẫn ông Thích Minh Tuệ là nhà sư.

Công văn này rất xách mé, gọi tên tục của Thích Minh Tuệ chứ không gọi pháp danh của ông để tỏ rõ thái độ bề trên của kẻ đi tu có thẻ với người chỉ một mực xưng mình là một công dân đang trên đường tu học, một lòng học theo Đức Thích Ca.

Nhưng mà dân không chịu nghe theo cái công văn. Người ta cứ quét đường, rải hoa, đảnh lễ, hỏi pháp, chào đón và đi theo Thích Minh Tuệ.

Và đừng nhìn cái bề ngoài lúc nào cũng tươi cười hay cách nói chuyện hồn nhiên của Thích Minh Tuệ mà lầm. Ông không ăn nói trơn tru bóng bẩy, không lên giọng xuống giọng bổng trầm du dương hay nhấn mạnh vào các trọng tâm như nhiều Thích Chuyển Khoản thực hành rất thuần thục khi giảng pháp. Ông nói nhiều khi ngắt quãng, từ ngữ bình dân đơn giản khiến một đám Thích Tiền Chẵn bám vào đấy cười rú lên miệt thị “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện đi lang thang”, như Thích Chân Quang lồng lộn lên bôi nhọ.

Thế nhưng hãy nghe ông đáp trả công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sáng 18/5/2024:

“Con không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và cũng không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Con cũng cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó (…).

Con chưa từng nhận mình là sư hay là thầy. Con không có thị giả, cũng không nhận đệ tử. Con chỉ là một người cố gắng thực hành tu học theo Đức Phật. Đức Phật, Phật pháp không của riêng ai cả (mà) là của nhân loại (…) Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Trời ơi trời ơi, nốc ao chưa? Thật sướng khoái, thật chí lý, đã đời vô cùng! Nổi sóng từ mạng đến đời, rất nhiều người dẫn lại câu nói này của Thích Minh Tuệ.

Đang không tự dưng thổi gió thành bão khiến nó quật ngược lại tối tăm mặt mũi, chiều 17/5, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải (lật đật) quánh chánh. Ý quánh chánh rằng, Giáo hội tôn trọng quyền tự do và thực hành tín ngưỡng của tất cả mọi người, tuy nhiên, “qua sự việc ông Minh Tuệ, nhiều người đã có hành vi xúc phạm, miệt thị đối với một số chư tôn đức tăng ni cũng như đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Thế nên phải mách mẹ để xử lý bọn chúng.

Hên ghê, tới lần quánh chánh này Giáo hội đã chịu công nhận cái tên Minh Tuệ chứ không (dám) tiếp tục xách mé gọi là người đàn ông tên Lê Anh Tú nữa.

Túm lại, cuối cùng ý định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn Phật cũng phải vào… biên chế, đã thất bại toàn tập.

Giá như Giáo hội Phật giáo Việt Nam minh tỉnh nhìn lại sự thật là có (rất không ít) sư trụ trì các chùa, là nhân sự chính thức, là tu sĩ cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng vào rất nhiều giới luật và pháp luật. Sự thật là họ chẳng hề sám hối, sửa chữa bất cứ điều gì mà vẫn tiếp tục sắm vai các bậc chân tu đạo mạo, tiếp tục lừa gạt Phật tử và người dân.

Nói theo ngôn ngữ đang thịnh hành thì họ đã vi phạm quy định về những điều tu sĩ không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của trụ trì các chùa, cơ sở thờ tự, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật, và chùa.

Rồi học tập các vị trụ cột trong giới lãnh đạo Việt Nam vừa qua, làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ, nghỉ công tác.

Thế có phải đã tốt đời đẹp đạo, Phật tử tán thán vang lừng không?

__________

Tham khảo:

https://www.tiktok.com/@trongtran.87/video/7359003933571812628

https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-pgvn-noi-ro-them-cong-van-ve-hien-tuong-su-thich-minh-tue-d83684.html

https://nld.com.vn/su-thich-minh-tue-noi-gi-ve-van-ban-cua-hoi-dong-tri-su-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-19624051722184127.htm

https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-pgvn-thong-tin-ve-hien-tuong-su-thich-minh-tue-d83662.html

https://vietnamnet.vn/dai-duc-thich-truc-thai-minh-sam-hoi-bi-ky-luat-2235296.html

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

🔝

Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội: ‘Con quay búng sẵn trên trời…’

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân 19-05-2024 - RFA

Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội: ‘Con quay búng sẵn trên trời…’
Ảnh minh họa chụp tại một kỳ họp Quốc hội trước đây. AFP

TW Đảng họp lần thứ 9 (TW9) đã giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị. Từ đầu Đại hội 13 đến nay, Trung ương đã có 7/16 cuộc họp bất thường. Các thông báo ‘nửa kín nửa hở’ cho thấy TW9 đã trải qua một cuộc giao tranh khốc liệt…

Sáng 19/5/2024 đã có họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp này sẽ bầu Chủ tịch nước (CTN), Chủ tịch Quốc hội (CTQH). Đến sáng ngày 22/5 sẽ hoàn thành công đoạn này (1). Trước đó, 10 giờ sáng ngày 18/5, Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với các thành viên lãnh đạo chủ chốt. Tham dự có ông Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị (BCT), Thường trực Ban Bí thư; ông Lê Minh Hưng, Uỷ viên BCT, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương. Sau phiên bế mạc TW9, các lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận TW9 vừa đề ra (2). Dù họp diện hẹp hay mở rộng, họp bất thường hay bình thường, thì ĐCSN đã chuẩn bị mọi kịch bản. Giống như “con quay búng sẵn trên trời…”, mọi số phận của các yếu nhân liên quan đều đã được định đoạt sẵn, như con quay được búng lên và không thể tự mình quyết định kết cục của định mệnh.

Được biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) nhóm họp trong ba ngày 16 – 18/5 để giới thiệu Đại tướng Tô Lâm vào ghế CTN và Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn vào ghế CTQH (3). Trong lịch sử ĐCSVN từng có khái niệm “các đồng chí lãnh đạo chủ chốt” để nhấn mạnh tầm quan trọng của các Ủy viên BCT trong việc lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Đảng/Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công tác quản trị quốc gia. Nhưng khái niệm dùng kỳ này có ý nghĩa đặc biệt. Nó để lộ ra hai điều rất cơ bản. Thứ nhất, TW9 vừa qua rất kịch tính và có nhiều điều chưa thống nhất với nhau, nay cần bàn thêm trong diện hẹp. Phải trám 6 ghế trống trong BCT, nhưng chỉ bầu được 4, vì các bên không muốn tăng người của Công an vào BCT. Thứ hai, không có “người tâm phúc” của mình “giữ gôn” ở Bộ Công an, Tô Lâm “ra đi” không yên tâm, vẫn muốn đòi thêm người của mình vào BCT. Để ngăn vỡ trận, BCT phải bàn hẹp để “khóa” Tô Lâm, và có thể công bố một kiểu “Thường vụ BCT” giống bên Tàu, cho dù Việt Nam đã có Ban bí thư (4).

Những ngày này nên nhắc lại tác phẩm của Phạm Thành, một ấn phẩm đầu tiên dám lên án nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng (5). Bởi vì giờ đây, từ các đảng viên lẫn quần chúng ngoài đảng, đa số ngày càng nhận thức ra, chính TBT Nguyễn Phú Trọng mới là đầu mối của mọi vấn đề. Vì ‘tham vọng quyền lực’ muốn ngồi lại nhiệm kỳ thứ 4 sau Đại hội Đảng 14 ở cái tuổi bát tuần, ông Trọng không chỉ ngồi xổm lên Hiến pháp, Điều lệ Đảng (6), mà còn gây ra tình trạng ‘trên dưới’ không ‘đồng lòng’, ‘dọc ngang’ không ‘thông suốt’ như bản thân ông từng cảnh báo. Các nhà phân tích tình hình nội chính ở Việt Nam ví ông Trọng như một thầy phù thủy, với nhiều chiêu trò dùng người đầy ma thuật. Cách ví von này hoàn toàn phù hợp với kết quả có thể cho là quan trọng nhất của kỳ họp TW9 lần này bằng việc Đảng đã giới thiệu nhân sự CTN, CTQH và bầu bổ sung 4 Ủy viên BCT.

RFA-07-04

Trường hợp Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được giới thiệu vào chiếc ghế CTQH không có gì đặc biệt, vì bản tính vô can, hiền lành của một chính khách miền Nam, lại hoạt động tại một cơ quan lập pháp trên danh nghĩa nhưng không có thực quyền. Ngược lại, trường hợp của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì quả là một trường hợp điển hình về thuật dùng người của Nguyễn Phú Trọng. Trước TW9 dư luận trong nước đã râm ran về chủ trương này, mà thực chất đấy là kế “đuổi hồ ra khỏi rừng” của TBT. Ai cũng biết trong hơn hai năm qua, Tô Lâm với “thượng phương bảo kiếm” trong tay, đã đốn ngã các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một lô xích xông các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các quan chức đầu tỉnh, đầu ngành trong cả nước.

Cho nên Tô Lâm đã trở thành một nỗi kinh hoàng đối với hầu hết tất cả các đồng chí Trung ương. Trong một thể chế lấy “quyền và tiền” chứ không phải lý tưởng làm động lực tiến thân, thì để ngồi vào cái ghế “Trung ương ủy viên”, không có đồng chí nào là “không nhúng chàm”. Tô đại tướng trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh của các nhóm “kiêu binh” đánh Đông dẹp Bắc, có khi theo lệnh của TBT, mà cũng có lúc “tiền trảm hậu tấu”. Vì thế từ năm ngoái, nhiều thế lực trong Đảng đã hè nhau, muốn đẩy “con hổ Tô Lâm” về đồng bằng. Nhưng khi Đảng gợi ý chiếc ghế CTN vào tháng 3/2023, Tô Đại tướng đã nhường chiếc ghế ấy cho Võ Văn Thưởng, người được cho là “học trò cưng” của TBT. Vị trí mà Tô Lâm hướng tới là chiếc ghế TBT tương lai. Nhưng rồi “người tính không bằng Trời tính”. Sau cú ngã ngựa của CTQH Vương Đình Huệ, Tô Lâm trở nên quá nguy hiểm đối với hầu hết các phe phái. Đồng đội muốn ông phải sớm “giã từ vũ khí”.

Giờ đây, Đại tướng Tô Lâm rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Để có thể ngồi lại sau Đại hội 14, ông không thể giữ mãi chiếc ghế “Bộ trưởng Công an”, vì ông đã giữ nó hai nhiệm kỳ. Chỉ có cách phải lọt vào “Bộ Tứ”, ông mới có cơ hội hưởng suất “đặc biệt”, nếu không, bước sang năm 2026, ông thuộc diện quá tuổi. Chờ để “tập kích” vào ghế TBT thì thời cơ dường như ngày càng xa vời trước quyết tâm của Tổng Trọng trụ lại sau Đại hội. Bám vào ghế Công an, ông sẽ bị loại do tuổi tác. Đành chấp nhận vị trí “Nguyên thủ” trên danh nghĩa. Nhưng ngự trên ghế CTN mà để ghế Công an cho người không thuộc diện “tâm phúc” ngồi vào thì quá nguy hiểm cho bản thân, cho gia tộc và phe cánh Hưng Yên. Đại tướng Tô Lâm chưa ngồi vào ghế Chủ tịch mà hàng loạt tin rúng động về đại gia Tô Dũng – “bào đệ” của ông vẫn đang khuấy đảo thương trường bao lâu nay – đã ‘rợp trời’ trên mạng xã hội như bươm bướm vào hè, suốt cả mấy tuần nay (7).

Quốc hội chưa bỏ phiếu bầu ông lên “ngai vàng” mà một “bàn tay vô hình” nào đó đang muốn gom các sự kiện thành một “tệp tin”. Nhưng “Mật lệnh 419a” trong vụ 3.000 công an tập kích thôn Hoành, Đồng Tâm (Hà Nội) lúc 3 giờ sáng ngày 9/1/2020, tấn công thường dân để hạ sát, rồi phanh thây lão nông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 56 tuổi đảng và đưa 25 nông dân ra toà, thì đâu phải là tội của một mình Tô Đại tướng (8)? Rồi việc ký 3 công văn “Mật” lúc tân Chủ tịch nước mới ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công an để bịt miệng báo chí vụ nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch 7 ngàn tỷ VND để chia nhau… (9) thì cũng đã chìm xuồng. Tuy chưa lâu bằng vụ “Hậu pháo” chục năm có lẻ, nhưng nay lôi ra ánh sáng là với ý đồ gì? Các bộ trưởng ăn chia trong vụ này cũng đã “đầu quân cho Juventus”. Kể cả vụ “người nách thước kẻ tay đao” sang tận Đức quốc, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh, phá nát quan hệ đối tác chiến lược với Bonn… (10)

bộ trưởng công an tô lâm.jpeg

Không loại trừ trường hợp “chủ lò” Nguyễn Phú Trọng tính đến chuyện “bẻ cung, giết chó” sau khi ông muốn “tạm dừng việc săn thỏ”. Tô Lâm lên Chủ tịch nước không phải nhờ uy tín hay một phần thưởng nào đó, mà chủ yếu do “các đồng chí” trong cả Trung ương lẫn Quốc hội đều quan ngại một người sở hữu khối “big data” về các thành tích bất hảo của “các đồng chí chưa bị lộ”. Nay Tô Lâm chấp nhận cái ghế Chủ tịch nước mà trước đây một năm ông đã khước từ, thì đấy là cái thế đang đi xuống của Tô đại tướng. Nói cách khác, tất cả “các đồng chí chưa bị lộ” tán thành kế “điệu hổ ly sơn”. Nhưng Tô đại tướng không phải là ‘robot’. Ông cũng có những tính toán riêng của mình, nhưng đành phải từ bỏ kế hoạch vận động cho Thượng tướng Lương Tam Quang ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an. Chưa rõ, bức ảnh hiếm hoi ghi lại buổi làm việc giữa TBT với “các đồng chí lãnh đạo chủ chốt” lúc 10 giờ sáng hôm 18/5 có chuyển tải thêm ý nghĩa gì hay không, khi mà Tô đại tướng ngồi đối diện với TBT?

Việc Tô Lâm “giã từ sân cỏ” chắc sẽ khó thay đổi, dù bất luận thế lực nào thay thế ông ở Bộ Công an. Hy vọng sau Trung ương 9 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội, không có nguy cơ vỡ trận. Trong nguy có cơ, nếu các bên tạm hòa hoãn cho đến thời điểm Đại hội 14, đầu năm 2026. Các phái trong Đảng cũng như trong Nhà nước có khả năng chặn tình trạng ‘tất cả sẽ chống lại tất cả’? Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày. Bắt đầu ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6/2024. Kỳ họp theo hai đợt. Đợt 1 là từ 20/5 đến 8/6/2024. Đợt 2 là từ 17/6 đến 27/6/2024. Quốc hội kỳ này sẽ bàn riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia (11). Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng bên trong Vịnh Bắc Bộ đòi hỏi Việt Nam cần chủ động đàm phán lại để giải quyết các vấn đề này theo luật pháp quốc tế. Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam Trung Quốc mặc dù có hiệu lực từ 20 năm trước (năm 2004) nhưng có nhiều điểm để ngỏ khả năng thay đổi, cho nên Việt Nam sẽ phải sớm có những động thái mới để ứng phó.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hay-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-cong-an-2282205.html

(2) https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lam-viec-cung-cac-dong-chi-lanh-dao-chu-chot-7383200.html

(3 và 4) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/trung-uong-gioi-thieu-nhan-su-chu-tich-nuoc-chu-tich-quoc-hoi-bau-bo-sung-4-uy-vien-bo-chinh-tri-119240516165335965.htm

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/compare-books-written-about-general-secretary-nguyen-phu-trong-01192022122541.html

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html

(7) https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/

(8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143629

(9 và 10) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html

(11) https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-7-cua-quoc-hoi-se-xem-xet-nhieu-noi-dung-quan-trong-20240515122006977.htm

🔝

Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?

2024.05.15 - RFA

Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?
Sư Thích Minh Tuệ. Facebook Thinh Nguyen

Một vị sư với y áo chắp vá bằng những mảnh vải rách, cầm nồi cơm điện thay bình bát đi khất thực. Hình ảnh nhận diện ông là đầu trần, chân đất, ông phát nguyện bộ hành dọc đất nước để tập học Phật pháp, được người dân khắp nơi tôn kính, dõi theo. Đánh từ khóa “sư Minh Tuệ” trên google search chỉ có một bài viết trên VTCNews nhắc đến ông, với tựa bài “Hãy để cho sư Minh Tuệ được yên thân tu tập”, ngoài ra không thấy các trang web hoặc báo điện tử khác trong nước loan nhắc về ông.

Sư Thích Minh Tuệ trở thành hiện tượng

Ông xưng pháp danh là Thích Minh Tuệ, tu theo 13 hạnh Đầu Đà. Không tự nhận mình là sư thầy, không theo một giáo hội nào, cũng không thuyết pháp nhưng hành trình của sư đã thu hút được sự chú ý và mến mộ từ rất nhiều người dân trong nước.

Truyền thông Nhà nước không nhắc đến ông nhưng hàng chục YouTuber đã đi theo sư Minh Tuệ, ghi lại từng nẻo đường mà vị sư này đi qua. Do đó, nếu tìm kiếm trên mạng, nhiều người sẽ thấy hàng chục video về ông được các trang YouTube hoặc Facebook đăng tải, khiến ông đang trở thành “hiện tượng”.

Nói về sư Minh Tuệ, ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường đại học Phật giáo ở Paris, giải thích tại sao vị sư chân chất này đang trở thành hiện tượng:

“Cái cốt lõi của đạo Phật, của một người tu sĩ là “Giới, Định và Tuệ”. Khi một người tu sĩ giữ chặt những giới luật của một người tu sĩ thì cái “Giới” sẽ sinh ra cái “Định” và cái “Định” sẽ sinh ra cái “Tuệ”.

Cái “Tuệ” khi mà đã có rồi thì giống như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm. Từ xa người ta nhìn thấy ngọn đèn đó sẽ tìm đến. Một vị sư mà giữ “Giới” thật là chặt thì tự nhiên sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ đến với ông ta.”

Mất niềm tin với Giáo hội Phật giáo Việt Nam?

Một nhà báo trẻ trong nước, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng đây là phản ứng của xã hội và nó cho thấy rằng người ta đã quá nhàm chán với các vị sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

“Các ông thầy ở Việt Nam được hậu thuẫn bởi Nhà nước, nói tầm bậy để thuyết phục cúng dường rồi vẽ ra những chuyện mê tín, điên khùng để thao túng người dân đi vào những hố sâu của mê muội. Cho nên, bản thân câu chuyện thanh bạch và đi hành đạo của thầy Thích Minh Tuệ cho thấy một sự khác biệt rất rõ.

Và cái sự ủng hộ đối với thầy Thích Minh Tuệ cũng cho thấy thái độ của người dân đối với Giáo hội Phật giáo Nhà nước quốc doanh Phật hôm nay là đã quá chán.”

Đồng quan điểm với nhà báo này, bà Tố Nga, nhận định thêm rằng sở dĩ sư Thích Minh Tuệ được dân chúng sùng bái là bởi:

“Có nhiều tăng ni trong hệ thống GHPGVN xảy ra tình trạng kêu gọi phật tử cúng dường quá nhiều nên khi sư Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường thì người dân sinh lòng thần tượng.

Người dân sống trong một cơ chế chính trị độc tài, giáo dục xuống cấp, tôn giáo cũng bị nhà cầm quyền thao túng nên họ mất niềm tin vào tổ chức tôn giáo của nhà nước, nên khi sư Minh Tuệ xuất hiện với pháp tu tự do, không nhận tiền bố thí thì người dân cảm thấy thầy là chân tu.”

Nhà nước đang quan sát?

Dù đông đảo người dân chú ý và theo dõi hành trình của vị tu sĩ này khi mỗi video trên YouTube về sư Minh Tuệ có lượt view từ trăm ngàn cho đến cả triệu, nhưng hệ thống truyền thông chính thống nhà nước, cho đến ngày 14/5, vẫn rất hạn chế loan tải thông tin liên quan.

Lý giải cho điều này, một nhà báo trẻ giấu tên cho rằng:

“Việc từ chối tham gia một hệ phái do Nhà nước lập ra và thực hiện việc tu tập tự thân không có liên quan đến bất kỳ ai là một điều mà nhà nước hay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thích, không công nhận.”

Còn ông Thành Đỗ thì nhìn nhận rằng, chính quyền vẫn đang đứng ngoài cuộc quan sát. Bởi lẽ, theo ông Đỗ, vì số lượng người ái mộ sư Minh Tuệ quá đông nên chính quyền vẫn chưa có động thái ngăn chặn nào. Tuy nhiên, ông Thành Đỗ cho rằng, một khi các sư thầy bên Giáo hội Phật giáo Nhà nước mà lên tiếng thì tương lai sẽ khó khăn cho vị sư này:

“Tôi nhận thấy một điều là vừa rồi có những vị sư mà mình hay gọi là sư quốc doanh của Giáo hội Phật giáo Nhà nước bắt đầu đăng đàn và phán như là một bề trên phán xuống là thầy Minh Tuệ làm như vậy là đúng, là sai, là không được quyền, không được phép… Có một ông trắng trợn nhất là Thích Chân Quang còn kêu thầy là “thằng ba trợn”, thì những điều đó rất đáng lo ngại.

Nhà nước cho tới giờ này vẫn đứng ngoài đứng ngó thôi, nhưng mà khi bắt đầu có một áp lực là nó từ phía bên Phật giáo Việt Nam thì tôi e rằng sẽ dữ nhiều lành ít cho sự Minh Tuệ.”

Thượng toạ Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Phật Quang từng phát biểu chỉ trích sư Minh Tuệ trong một bài thuyết pháp của mình, thậm chí còn nói rằng mọi người đang sùng bái một “thằng ba trợn mặc áo rách, ôm nồi cơm đi bộ hành”.

Phát biểu này ngay lập tức nhận được hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội khiến sư Thích Chân Quang phải gỡ bỏ video sau một ngày đăng tải trên YouTube của chùa Phật Quang.

****

Cập nhật:

Hôm 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng trước hiện tượng này. Theo đó, Giáo hội khẳng định ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ làm ảnh hưởng đến Giáo hội này vì có nhiều Phật tử tập trung đông, cúng thức ăn, vật phẩm... gây dư luận trái chiều.

Vì vậy, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thông báo đến toàn bộ Phật tử và liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

🔝

Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hóa sâu sắc hơn

Bài bình luận của Zachary Abuza* 2024.05.16 - RFA

Thống trị Bộ Chính trị, khối an ninh nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự tồn vong của chế độ

Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hóa sâu sắc hơn
Hình minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA. Reuters

Rất nhiều sự chú ý đã tập trung vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm – người đã vũ khí hóa các cuộc điều tra chống tham nhũng để loại bỏ một cách có hệ thống những đối thủ chính trị khi ông này xoay sở để trở thành Tổng bí thư tiếp theo của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).

Khả năng ông Lâm được cất nhắc vào vị trí cao hơn khiến người ta đặt câu hỏi: Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào?

Trong các cuộc bàn luận về chính trị tinh hoa của Việt Nam, vấn đề vị trí thống trị của Bộ Công an (MPS) thường không được nhắc tới. Bộ máy an ninh rộng khắp phụ trách đủ mọi thứ từ cảnh sát khu vực tới điều tra quốc gia, tội phạm kinh tế, an ninh biên giới cho tới cứu hỏa, tình báo, phản gián và rất nhiều thứ nữa.

Với thông tin bà Trương Thị Mai vừa từ chức, tổng cộng đã có 6 ủy viên Bộ Chính trị đã phải từ chức kể từ tháng 12/2022 đến nay, khiến cho tổ chức này của Đảng hiện chỉ còn 12 người. Sự ra đi của một số nhà kỹ trị kinh tế đã khiến việc an ninh hóa Bộ Chính trị trở nên rõ ràng hơn.

Ngoài ông Lâm, bốn ủy viên Bộ Chính trị khác cũng xuất thân từ Bộ Công an, khiến cho họ là khối lớn nhất, 5/12 người, chiếm 42% trong Bộ Chính trị.

Nếu tính cả Đại tướng Lương Cường và Đại tướng Phạm Văn Giang của Quân đội Nhân dân Việt Nam - lực lượng xét cho cùng là một đội quân của Đảng - có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và ĐCSVN, thì có tới 7 trong số 12 (58%) ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ lĩnh vực an ninh.

Có hai điều có thể rút ra từ đây. Thứ nhất, nó phản ánh những lo lắng của chế độ về các cuộc cách mạng màu và diễn biến hòa bình. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng bị thống trị bởi những người có phản ứng bản năng đối với bất cứ điều gì cũng là: Phải kiểm soát.

RFA-07-01
Đại tướng Tô Lâm, người mới được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị (bên phải), chụp ảnh với các thành viên khác của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP

Đại tướng Tô Lâm, người mới được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị (bên phải), chụp ảnh với các thành viên khác của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP

Điều rút ra thứ 2 là tầm quan trọng của Bộ Công an với tư cách là phương tiện để thăng tiến chính trị. Đại học An ninh Nhân dân (tên gọi mới là Học viên An ninh Nhân dân) do Bộ Công an quản lý là cái nôi đào tạo Ủy viên Bộ Chính trị hàng đầu với 03 ủy viên đương nhiệm là cựu học viên.

Nhiều quan chức cấp cao đã có sự nghiệp lâu dài trong Bộ Công an trước khi được thuyên chuyển sang các vị trí Chính phủ và Đảng. Các trải nghiệm và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực an ninh thường định hình thế giới quan của họ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một công an chuyên nghiệp. Ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an giai đoạn 2006 - 2009 và rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật trong một thời gian ngắn.

Từ năm 2010-2011, ông Chính giữ chức Thứ trưởng, rời ngành công an với quân hàm Trung tướng và từ đó, chuyển sang làm việc trong bộ máy Đảng ở tỉnh Quảng Ninh.

Bài học từ Liên Xô

Ông Nguyễn Văn Nên, người hiện là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đồng thời là ủy viên Ban Bí thư, từng là công an ở Tây Ninh trong 17 năm trước khi chuyển sang các vị trí trong chính quyền và hệ thống Đảng ở tỉnh này.

Một phần vì những kinh nghiệm trong Bộ Công an, năm 2011, ông Nên đã trở thành thành viên Ủy ban Ban chỉ đạo Tây Nguyên – cơ quan chịu trách nhiệm về các chính sách và việc giám sát khu vực này – nơi tiếp tục phải đối diện với những bất ổn đến từ các dân tộc thiểu số.

Phan Đình Trạc – người hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, cũng là một cảnh sát chuyên nghiệp. Tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân, ông phục vụ trong Bộ Công an từ năm 1980 đến năm 2005.

Từ năm 2005 đến năm 2010, ông Trạc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An (thuộc khu vực Bắc Trung Bộ) và là Bí thư Thành ủy Nghệ An giai đoạn 2010-2013. Sau đó, ông Trạc đảm nhận một loạt các vị trí cấp cao của Đảng trong Ủy ban Nội chính Trung ương cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan chuyên điều tra tham nhũng của các quan chức từ trung đến cấp cao.


Một sĩ quan công an điều khiển giao thông bên ngoài Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 của ĐCSVN tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 26/1/2021. Nguồn ảnh: Kham/Reuters

Ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và là ủy viên Ban Bí thư. Ông Bình quê ở Quảng Ngãi nhưng là "hạt giống đỏ". Gia đình ông chuyển ra miền Bắc sau khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền vào năm 1954.

Ông Bình cũng tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân và sau đó trải qua bốn năm, từ 1987 đến 1991, làm nghiên cứu sinh tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Ở đó, ông đã tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô. Không có gì phải nghi ngờ, trải nghiệm này, đã định hình nên thế giới quan của ông.

Sự nghiệp của ông Bình trong Bộ Công an chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tội phạm kinh tế - một công việc đã mang đến cho ông một cái nhìn độc đáo về phạm vi và quy mô của tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

Ông Bình đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp công an của mình trong giai đoạn 2007-2009 khi được thăng quân hàm Thiếu tướng và giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông cũng từng giữ chức Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Sau một thời gian làm việc tại Đảng bộ Quảng Ngãi với cương vị cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy, ông Bình tiếp quản Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào năm 2011 và trở thành kiểm sát viên cấp cao nhất của Việt Nam (tức Viện trưởng Viện Kiểm sát). Ông giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao kể từ năm 2016 đến nay – một nhiệm kỳ dài bất thường.

Tư duy và chiến thuật Trung Quốc

Kể từ thời kỳ Đổi mới bắt đầu vào năm 1986 và do 5 ủy viên buộc phải từ chức kể từ tháng 12/2022, Bộ Chính trị Việt Nam chưa bao giờ trở nên kém đa dạng đến vậy cho dù nhân sự của tổ chức này dự kiến sẽ sớm được bổ sung.

Theo điều lệ hiện hành của ĐCSVN, các thành viên của Bộ Chính trị phải nghỉ hưu ở tuổi 65 trừ khi họ có được miễn trừ. Như vậy, 10 trong số 12 thành viên đương nhiệm của tổ chức này cần được cho nghỉ hưu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Nhưng điều này sẽ đi ngược lại thông lệ/chuẩn mực có tính lịch sử rằng không quá 50% ủy viên Bộ Chính trị được nghỉ hưu tại một kỳ Đại hội.

Có vẻ như ít nhất 3 thành viên của Bộ Chính trị có khả năng sẽ được miễn trừ, trừ khi Ban Chấp hành Trung ương ra một quyết định hy hữu muốn trẻ hóa tổ chức này. Nếu vậy, khối an ninh thậm chí còn trở nên đậm đặc hơn.

Nếu Bộ trưởng Tô Lâm được đề bạt làm Tổng Bí thư, người thay thế ông cũng sẽ có thể được bầu vào Bộ Chính trị.

Trong Đại hội 12, được bầu năm 2016, bốn trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị từng làm việc tại Bộ Công an. Do đó, khối an ninh này nhiều khả năng tiếp tục là một thuộc tính kéo dài của chính trị Việt Nam.

Sáu trong số 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương xuất thân từ Bộ Công an, xếp thứ hai chỉ sau Bộ Quốc phòng trong số các lực lượng mặc đồng phục. Mặc dùng không hoàn toàn chi phối Ban này nhưng đó rõ ràng là sự lấn át về mặt tổ chức.

Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới công chúng và định hình mạng internet, truyền thông xã hội, xã hội dân sự và kinh tế của Việt Nam. Những người đàn ông này nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự sống còn của chế độ.

RFA-07-03

Chúng ta đã thấy chế độ hiện hành ở Việt Nam cảm thấy bất an như thế nào qua Chỉ thị 24 do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 7/2023. Chỉ thị này không chỉ có những cảnh báo về nguy cơ diễn biến hòa bình và các cách mạng màu mà còn áp dụng lối tư duy hiện tại của Trung Quốc về mối đe dọa từ các nhà đầu tư quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ - những người có thể thúc đẩy, kích động những nguy cơ này.

Nhà cầm quyền gần đây vừa bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) đồng thời là một cựu công đoàn viên và cựu chuyên gia tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ông đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một công ước cho phép thành lập các đoàn độc lập của người lao động.

Nhà cầm quyền cũng đang vận dụng thêm các chiến thuật kiểu Trung Quốc: Ông Bình bị truy tố theo điều 337 Bộ Luật Hình sự - một điều khoản hình sự hóa việc tiết lộ bất hợp pháp các thông tin mật.

Đảm bảo an ninh chế độ và phát triển kinh tế cần đi đôi với nhau. Tăng trưởng kinh tế thường mang đến cho ĐCSVN tính chính danh nhờ thành quả lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, rất khó để đồng thời có được cả hai thứ và nhu cầu an ninh sẽ chiến thắng sự thực dụng kinh tế.

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả.

🔝

Xáo động chính trị khiến giới đầu tư ngoại quốc bán ra cổ phiếu tại Việt Nam

2024.05.17 - RFA

Xáo động chính trị khiến giới đầu tư ngoại quốc bán ra cổ phiếu tại Việt Nam
Mặc dù thị trường chứng khoán với tổng trị giá 200 tỷ USD của Việt Nam có mức tăng 22% kể từ đầu năm 2023; thế nhưng các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ra cổ phiếu, quỹ đầu tư và trái phiếu với trị giá chừng 2 tỷ USD trong cùng thời gian. AFP

Tổng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ giảm gần 2 tỷ USD kể từ đầu năm 2023 đến nay. Lượng bán ra được ghi nhận ở mức kỷ lục vào những tuần lễ xảy ra biến động chính trị tại nước này.

Reuters loan tin ngay 17 tháng 5 dẫn số liệu như vừa nêu. Cụ thể mặc dù thị trường chứng khoán với tổng trị giá 200 tỷ USD của Việt Nam có mức tăng 22% kể từ đầu năm 2023; thế nhưng các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ra cổ phiếu, quỹ đầu tư và trái phiếu với trị giá chừng 2 tỷ USD trong cùng thời gian.

Chừng phân nửa nguồn bán đi cao hơn mua vào này xảy ra trong 17 tuần lễ của 20 tuần tính đến lúc này; trùng với những tin tức xấu về tình hình chính trị thượng tầng của Việt Nam. Thực tế rõ nhất được ghi nhận tại thị trường chứng khoán lớn nhất Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh.

Tuần lễ 25 tháng 3 vừa qua được cho là tuần tệ nhất khi tổng giá trị tịnh cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài bán ra là gần 185 triệu USD. Đó là thời điểm sau khi ông Võ Văn Thưởng phải rời chức chủ tịch nước hôm 20 tháng ba. Còn tuần lễ xảy ra điều này là tuần xấu thứ hai với tổng lượng tịnh cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài bán đi là 3,18 ngàn tỷ đồng. Tuần lễ được ghi nhận xấu thứ ba là sau khi ông Vương Đình Huệ phải từ bỏ chức chủ tịch quốc hội vào ngày 26 tháng tư.

Xáo động chính trị chưa từng có tại quốc gia do đảng cộng sản cai trị diễn ra suốt hai năm qua. Hàng ngàn quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng khiến hai chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội phải từ chức ra đi.

Thực trạng tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo thượng tầng làm trì chậm đáng kể công tác điều hành, gây trễ nãi trong chuẩn thuận các dự án đầu tư, khiến hàng tỷ USD đầu tư công và nguồn quỹ đầu tư nước ngoài không thể giải ngân.

Giới đầu tư nước ngoài lo lắng tác động của cuộc tranh giành quyền lực đối với bế tắc về nguồn cung cấp năng cho sản xuất.

🔝

Chuyên gia: Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình

2024.05.14 - RFA

Chuyên gia: Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu BRP Bagacay (giữa) của Philippines hôm 30/4/2024 gần bãi Scarbrough ở Biển Đông. Philippine Coast Guard (PCG) / AFP

Trung Quốc hiện đang phong tỏa cùng lúc ba thực thể của Philippines, trong đó có hai thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là Bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, và Bãi cạn Scarborough. Đồng thời Trung Quốc cũng đang bao vây thực thể thứ ba là đảo Thị Tứ do Philippines quản lý. Trước tình hình đó, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, cho rằng: “Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình”.

Theo ông Powell, Việt Nam hiện đang quản lý nhiều thực thể hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ hướng mắt về những thực thể này. Tất cả những gì Việt Nam quản lý đều nằm trong yêu sách của Trung Quốc và “bây giờ chúng ta có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa”.

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell cũng cho rằng động thái Trung Quốc hiện nay xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam có mục đích khẳng định các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh. Mặc dù hành động này diễn ra đồng thời với việc phong tỏa ba thực thể của Philippines, tuy nhiên, việc diễn ra đồng thời không có gì đặc biệt. Ông nêu quan điểm của mình với RFA:

“Bởi lẽ, tàu Hải cảnh 5403 của Trung Quốc có lịch trình riêng của nó. Những cuộc tuần tra của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính diễn ra khá đều đặn. Luôn có tàu CCG (hải cảnh Trung Quốc) trong khu vực. Khi tàu này rời đi, tàu khác sẽ thế chỗ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần, tra xâm nhập trong vùng biển tranh chấp “để thiết lập sự hiện diện liên tục và dần dần bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực vốn là của các nước láng giềng nếu xét theo luật pháp quốc tế”.

ae49eb1b-95d8-4fa9-81fc-622fc37a35fd.jpeg
Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5403 xâm nhập, tuần tra bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 13/5/2024. SeaLight / Raymond Powell

Tuy vậy, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute thì không có cái nhìn như vậy. Theo TS. Nagao, Trung Quốc có cái nhìn tổng hợp, kết nối tất cả các khu vực trong một tầm nhìn duy nhất. Đối với các nước khác thì đó là các vùng khác nhau, nhưng đối với Trung Quốc thì các vùng khác nhau đó nằm trong cùng một vùng.

TS. Nagao Satoru chỉ ra rằng, nếu nhìn từ phía Trung Quốc, Trung Quốc có thể tích hợp và kiểm soát mọi hành động quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, v.v. dưới một trung tâm điều hành, một chính phủ. Ví dụ, Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông để cô lập Đài Loan như một chiến lược tổng hợp.

Nhưng đối với các nước xung quanh Trung Quốc, theo ông Nagao, mỗi vấn đề đều được tách biệt. Đối với Philippines và Việt Nam, Biển Đông là vấn đề chính. Đối với Nhật Bản, biển Hoa Đông là vấn đề chính. Đối với Đài Loan, vùng biển xung quanh Đài Loan mới là vấn đề. Đối với Ấn Độ, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ Dương là những vấn đề chính. Vấn đề Nam Thái Bình Dương là vấn đề lớn đối với Úc (hoặc QUAD) nhưng không phải là vấn đề đối với tất cả các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vì vậy, theo TS Nagao Satoru, hoạt động phối hợp trong tầm nhìn toàn cảnh là rất quan trọng đối với các quốc gia này, vị chuyên gia ở Hudson Institute về an ninh quốc tế nhận định với RFA.

Giai đoạn 2013-2022, Trung Quốc đóng 148 tàu hải quân. Đây là quy mô tương đương với tổng số Hải quân ở Nhật Bản hoặc Ấn Độ. Để đối phó với lực lượng Trung Quốc khổng lồ như vậy, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hoặc các quốc gia khác nên phối hợp nỗ lực với Mỹ để đối phó với Trung Quốc, TS. Nagao Satoru chia sẻ góc nhìn của mình. Ông trao đổi với RFA:

“Chúng ta nên làm gì? Tôi nghĩ điều quan trọng là khả năng răn đe bằng năng lực tấn công. Trung Quốc có thể mở rộng lãnh thổ vì họ không phải lo lắng về khả năng phòng thủ của mình. Vào tháng 4/2024, Philippines đã tiếp nhận hệ thống tên lửa tầm xa mới "Typhon" (dựa trên Tomahawk) của Mỹ. Nhật Bản đang nhập khẩu tên lửa Tomahawk từ Mỹ. Úc sẽ sở hữu các tàu ngầm hạt nhân mới với tên lửa Tomahawk dưới sự quản lý của AUKUS. Đài Loan đang sở hữu tên lửa tầm xa tấn công Thượng Hải. Hàn Quốc đang mở rộng phạm vi của kho vũ khí tên lửa của mình. Ấn Độ đang phát triển nhiều loại tên lửa đủ tầm xa răn đe Trung Quốc. Và Việt Nam cũng đang sở hữu tên lửa phóng từ tàu ngầm Klub. Khả năng răn đe bằng năng lực tên lửa của các nước này rất quan trọng vì Trung Quốc cần chi nhiều tiền hơn để phòng thủ chúng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể sử dụng toàn bộ ngân sách và nguồn lực của mình cho hành vi xâm lược. Tất cả các quốc gia này nên tích hợp các nỗ lực của mình và nâng cao năng lực cũng như hiệu quả. Đó là giải pháp.”

Theo thông tin từ ông Raymond Powell, vào ngày 12 tháng 5, 2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5403 đã tiến hành xâm nhập vào khu vực các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc huy động bốn tàu hải cảnh và 26 tàu dân quân biển để phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines cũng như bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đảo Thị Tứ. Và đó là những diễn biến đang diễn ra hiện nay trên Biển Đông.

🔝

Việt Nam mất hàng tỷ USD tiền tài trợ do thực trạng bế tắc chống tham nhũng

2024.05.17 - RFA

Việt Nam mất hàng tỷ USD tiền tài trợ do thực trạng bế tắc chống tham nhũng
Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD tiền tài trợ từ nước ngoài trong vòng ba năm qua, và còn có thể mất thêm 1 tỷ USD do thực tế hành chính bị tê liệt. AFP

Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD tiền tài trợ từ nước ngoài trong vòng ba năm qua, và còn có thể mất thêm 1 tỷ USD do thực tế hành chính bị tê liệt.

Reuters loan tin độc quyền ngày 17 tháng 5 dẫn nguồn từ văn thư của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ nước ngoài gửi cho Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Phạm Minh Chính mà hãng này đọc được.

Thư do các đại diện của LHQ, WB tại Việt Nam ký và thêm 18 đại sứ các nước ở Hà Nội cùng tham gia; trong đó có đại sứ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản…

Thư nêu rõ chừng 1 tỷ USD quỹ phát triển đang chờ được duyệt chuẩn thuận, và 2,5 tỷ USD phải trả lại do hết hạn tài trợ. Số liệu này tương đương gần 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam.

Nguồn tài trợ hết hạn có thể làm chậm các dự án cần thiết như nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Công cuộc chống tham nhũng được mệnh danh “đốt lò” do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang tạo ra một dạng “tê liệt” vì giới chức trách chậm hoặc không dám phê duyệt do sợ phạm phải những quy định phức tạp, rối rắm hiện nay.

🔝