Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn 2024.05.29 - RFA
Sư Thích Minh Tuệ bộ hành. Facebook Thinh Nguyen
Tôi nói với ba tôi:
-Nếu ba mẹ còn khỏe, tự lo được cho bản thân, chắc con sẽ đi theo thầy Minh Tuệ một thời gian. Có lẽ con sẽ xin không đắp y, không xuống tóc mà chỉ xin gia nhập vào đoàn như một người dân thường chuộng Đạo muốn cùng đồng hành.
Tôi cũng nói với vợ tôi như vậy. Chúng tôi đều thích cuộc sống có nhiều trải nghiệm, muốn được tự mình tham gia vào những sự kiện có nhiều chiều suy nghĩ, nên vợ tôi cũng hăm hở hệt như tôi.
Nhưng chúng tôi còn cha mẹ già hai bên phải chăm sóc hàng ngày và tụi nhỏ đang còn ở cái tuổi chưa thể xa ba mẹ một thời gian dài.
Chứ một cuộc sống tự do như thầy Minh Tuệ, trời ơi…
Tất nhiên là trừ những đoạn khổ hạnh đến mức cực đoan (và theo cá nhân tôi, nó không còn phù hợp với đời sống tôn giáo hiện tại nữa), như ít nhất 15 ngày mới được tắm như đã nói ở trên, cộng với đi chân trần, đầu trần, ngủ ngồi. Không được tắm rửa thường xuyên, cơ thể sẽ ngứa ngáy khó chịu. Đầu trần đi dưới nắng dễ bị ung thư da, sinh nhiều bệnh. Chân trần dễ đạp phải mảnh sành, mảnh chai, chẳng may bị uốn ván thì rồi đời. Thân không còn thì chẳng còn cơ hội tu học gì nữa. Ngủ ngồi cũng không cần thiết vì cơ thể không được nghỉ ngơi đúng và đủ sẽ dễ sinh bệnh tật cả tâm trí và cơ thể.
Thầy Minh Tuệ cũng thừa nhận từ khi thực hành 13 hạnh đầu đà thì bệnh tật kéo đến rất nhiều. Là do cách sinh hoạt thiếu thốn khổ hạnh mà ra chứ đâu, nhưng với thầy thì đó lại là những phép thử thách chí nguyện tu hành. Tôi thì cho rằng nên để tâm trí rỗng rang mà quán sát những vấn đề lớn hơn của bản thân và xã hội thì có lợi lạc hơn là vượt qua những nỗi khổ thế xác không cần thiết đó.
Ngoài sự khác nhau đó ra, tất cả những điều cấm còn lại tôi cho rằng nhiều người đều có thể thực hiện được; nó cũng không khác lắm với kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, lại còn an toàn hơn rất nhiều.
Mà nhẹ nhõm vô cùng. Sư Minh Tuệ không có nhà cửa để phải lo trả tiền nợ ngân hàng hay sửa sang nó hàng năm khi mùa mưa bão ngập lụt tới. Không có công việc chuyên môn nào để phải chạy deadline đến đau dạ dày và thiếu ngủ phờ phạc. Không có con cái mè nheo hay ẩm ương để lo đứng lo ngồi sợ nó chậm lớn hay chơi với bạn hư. Thậm chí ông không còn có cả cha mẹ để chăm sóc, phụng dưỡng khi tuổi già (trong nhiều video, Thích Minh Tuệ nói rằng từ khi xuất gia là ông đã “bỏ” cha mẹ, không về thăm. Và vì giới hạnh của ông là không dùng điện thoại nên dù cha mẹ có gọi điện thoại ông cũng không nhận). Ngay cả cái ăn, cái điều khiến gần như tất cả mọi người trên thế giới này đều phải quần quật đánh đổi bằng sức lao động, thậm chí bán từng mẩu não để đổi lấy, ông cũng không phải lo nốt; luôn có người cho ông bữa ăn, nước uống và một số thứ cần thiết hàng ngày.
Áo quần thì nhặt vải người ta bỏ đi, lọc sạch, may tay lại. Chỉ tốn thời gian (kim chỉ kéo… cũng được cúng dường) nhưng lại được thực hành một thú vui sáng tạo và sang trọng. Vì thời buổi này áo quần may sẵn vừa nhiều vừa rẻ, nhưng thời gian thì đắt. Ngoài các nhà thời trang, chẳng mấy ai có thời gian hay khả năng tự tay thiết kế và may y phục cho mình. Hoạt động may khâu đều đều của các ngón tay lại khiến cho tâm trí tập trung và thư thái, cũng là một hình thức thiền. Các bộ y phấn tảo của Thích Minh Tuệ đều đẹp mắt và đặc sắc, đó cũng có thể do ông đã vô tình bộc lộ khả năng phối màu của mình.
Hạnh đầu đà cũng nói người hành giả có thể ngủ ở bất cứ đâu. Ngủ ở nghĩa địa như các hành giả khổ hạnh là trải nghiệm không dễ gì trên đời mấy người có, nó khiến người ta gan dạ hơn và có cơ hội nhìn thấu lẽ sinh tử.
Trong khi chúng ta từ sáng sớm đã quay cuồng với các trách nhiệm của người làm con/làm cha/mẹ/vợ/chồng/nhân viên/sếp…, đang đi làm đã phải nghĩ đến bữa tối sẽ mua gì nấu ăn cho gia đình, chủ nhật ngày nghỉ phải lo dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, phơi phóng… thì ông chẳng hề phải gánh bất cứ trách nhiệm gì. Chúng ta phải chờ vài tháng để có một kỳ nghỉ, sung sướng quăng hết công việc ra sau đầu để kéo nhau đi, đi gần như bất cứ đâu, miễn là ra khỏi nhà trong vài ngày, không phải chợ búa, nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp. Thì Thích Minh Tuệ thích ở thì ở, thích đi là đi. Cũng không phải sợ kẹt xe, tiền xăng, tiền tài xế, giá vé cao. Hai bàn chân ông đưa ông đến bất cứ đâu ông muốn đến.
Trời ơi một đời sống như thế, tự do như một linh hồn. Toàn bộ thời gian là của mình, không phải lo toan về bất cứ việc gì, không phải lo toan cho bất cứ người nào cả. 24/24, ta chỉ việc nghĩ đến bất cứ điều gì mình thích nghĩ. Không có đứa nào dạy dỗ hay đòi hỏi ta phải dậy sớm để thành công. Không đứa nào đánh giá ta thiếu cần mẫn, hay mơ mộng. Không chi bộ nào yêu cầu ta phải thanh liêm, đạo đức, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Ta chỉ có một ông sếp duy nhất, mà ông ấy thì bao giờ cũng hiền từ, thấu hiểu, bao dung và tỏ sáng mọi điều. Ta chỉ việc làm đúng những gì ông ấy dạy bảo, thậm chí không cần phản biện lại vì sao phải làm đúng như thế.
Sư Minh Tuệ đã làm đúng như thế. Ông có đạt được an lạc hay không thì chỉ mình ông biết rõ, và sáu năm có lẽ chưa đủ dài để kết luận ông sẽ tu học thành công, thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng ít nhất cuộc sống của ông trong sáu năm qua, lòng tin chất phác và chân thành của ông đã giúp ông khiến rất nhiều người khác có dịp nhìn lại cuộc sống của mình và bớt được không ít lo âu.
Khía cạnh nổi bật khác của đời tu khổ hạnh Thích Minh Tuệ mà chính ông không hề nghĩ tới nhưng rất nhiều người đồng tình, là trở thành kính chiếu yêu đánh rớt mặt nạ một đám trọc tham lam và dối trá trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đã rõ.
Rất nhiều người trong chúng ta từng đi từ thiện thường xuyên.
Hẳn quý vị còn nhớ lần đầu tiên mình mang một món quà gói cẩn thận đẹp mắt, đi tìm những người ăn mày, người vô gia cư đang nằm vùi nơi đầu đường xó chợ, dưới một mái hiên vắng, để tận tay trao cho họ và chúc một lời may mắn.
Hay lần đầu tiên cầm bàn tay cụt mất vài ngón của người bệnh nhân phong, vuốt ve và cắt móng tay cho họ.
Đó là cảm giác bật mở trong ý thức rằng chúng ta-tất cả đều là anh em; chúng ta-tất cả đều bình đẳng; chúng ta chủ yếu nhờ may mắn nên có được đời sống tốt hơn những người anh em này, vì thế đừng khinh miệt họ. Và trong sức của mình hãy giúp đỡ tha nhân, làm điều có ích cho xã hội để trả phần phước mà ta được nhận.
Đó là cảm giác của một dòng nước nhỏ len lỏi nhiều ngày qua các bãi khô và sỏi đá, cô đơn và hoang mang, rồi khoảnh khắc òa ra nhập vào biển bao la, từng tế bào trong thân đều ngỡ ngàng mừng vui trong sự giác ngộ rằng mỗi chúng ta thực ra đều là những giọt nước trong cùng biển nước, là những chiếc lá trên một thân cây.
Cũng như thế, có lẽ với đa số người chưa bao giờ xuất gia tu tập giống như tôi, cảm giác của lần đầu tiên đứng yên lặng trước một ngôi nhà chờ người ta bố thí bữa ăn, và đói no của mình trong suốt ngày đó phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Là cơ hội cho ta quán sát sự khiêm cung tận cùng, đồng thời cũng là sự thản nhiên tận cùng của chính bản thân. Đơn giản nhất: nhà này không cho thì mình đi tiếp xin nhà khác. Ta cần họ giúp, nhưng không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Trên con đường du hành, chúng ta sẽ đi qua vô số nơi, gặp vô số con người, chứng kiến vô số cảnh đời và sự vật. Kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Gần như mỗi khoảnh khắc đều là những hạnh ngộ chỉ có thể ước, không có thể cầu. Những hạnh ngộ đó như những cánh cửa mở dần trên con đường tìm hiểu về bản thể, về con người, về cõi đời. Một cánh cửa mở ra rồi là trí và tâm đều tiến lên một bước mới, mãi mãi rời xa những tư duy, cảm thức cũ.
Một đời sống như thế, chao ôi, bao nhiêu người ước mơ mà không thể thực hiện.
Không thể nói việc tự tu thân của Thích Minh Tuệ sẽ không có ích cho ai, hay ai cũng như ông ấy thì ai trồng lúa, ai dệt vải, ai giữ bình yên trên con đường du hành. Nếu quan sát và quán sát tốt, ông sẽ như một người bạn lớn có vô vàn điều hay ho về cuộc sống, về con người, về phong cảnh, về rất nhiều điều mà những người không có cơ hội trải nghiệm như ông không thể có được. Ông có sự bình tĩnh và bao dung sau nhiều năm du hành chạm mặt với đủ loại người, đủ loại trạng thái cảm xúc. Chỉ cần sự bình tĩnh và bao dung đó, ta đã có thể chia sẻ với ông nhiều điều thuộc về cảm xúc của một con người bình thường. Vì câu trả lời đúng thì nhiều người biết, nhưng tạo ra trạng thái đúng để thực hiện câu trả lời đó thì thậm khó, khó vô cùng. Người tạo ra trạng thái ấy cho nhiều người để họ tự tìm được giải pháp cho mình được gọi là Phật, là Chúa, là Allah…
À, tôi còn nói thêm với ba tôi câu này:
-Có lẽ con sẽ trải nghiệm việc khất thực, ăn ngày một bữa, du hành ban ngày và ngủ đêm cùng địa điểm, nhưng con sẽ vào nhà nghỉ tắm rửa và thay áo quần vì con sẽ không thể chịu đựng được việc ít nhất 15 ngày không tắm và không thay quần áo sạch. Con cũng có thể không dùng điện thoại nhưng đọc sách và dùng giấy bút ghi chép những điều con trông thấy và cảm nghĩ thì chắc Phật đồng ý mà. Nếu thế, con nghĩ con có thể cùng du hành như vậy ít nhất là một vòng Bắc-Nam. Rồi con về, tiếp tục chăm sóc cha mẹ và con cái. Thỉnh thoảng khi điều kiện thuận lợi, con lại đi.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
2024.05.28 - RFA
Trẻ em đi sở thú ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP
“Đóng tiền thì được ăn liên hoan không đóng tiền thì nhịn”; “Cháu bé không được tham gia liên hoan với lớp chỉ vì mẹ không đóng tiền, đáng bị trách là các cô giáo và mấy phụ huynh” … là những bình luận trên mạng xã hội về câu chuyện một học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do phụ huynh không đóng quỹ, trong một lớp học có 32 học sinh, tại Trường Tiểu học Gia Lương Tỉnh Hải Dương.
Luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên facebook cá nhân của ông, RFA đã được phép trích đăng:
“Thôi thì chúng ta chấp nhận cuộc chơi của phụ huynh, ai góp tiền thì được ăn, không góp tiền, nhịn; công bằng! Thế nhưng, việc này nên diễn ra ở các cuộc vui ngoài khuôn viên trường, lớp như các cuộc đi dã ngoại, thăm thú đâu đó; còn một khi đang ở nhà trường, nhân danh lớp học, điều đó là không nên, đúng hơn là không được phép.
Khi cô giáo cũng đồng tình và chấp nhận “luật chơi” của các phụ huynh một cách ráo hoảnh, thiếu nhân văn, không có tình người thì cần nghiêm túc xem lại đạo đức người giáo viên. Phụ huynh có thể không thích nhau, thậm chí có thể ghét nhau, nhưng đây là nhà trường, nơi giáo viên là người có quyền và trách nhiệm nhất liên quan tới học tập và đời sống tinh thần của các cháu nhưng giáo viên chủ nhiệm phó thác trách nhiệm cho phụ huynh như vậy thì thật là không còn gì để nói cả… Bản thân tôi cho rằng người cô giáo chủ nhiệm kia không xứng đáng và không nên làm giáo dục!”
Thôi thì chúng ta chấp nhận cuộc chơi của phụ huynh, ai góp tiền thì được ăn, không góp tiền, nhịn; công bằng! Thế nhưng, việc này nên diễn ra ở các cuộc vui ngoài khuôn viên trường, lớp như các cuộc đi dã ngoại, thăm thú đâu đó; còn một khi đang ở nhà trường, nhân danh lớp học, điều đó là không nên, đúng hơn là không được phép. - Ls. Ngô Anh Tuấn
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hải Dương lên tiếng cho rằng đây là vụ việc đáng tiếc và yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm chung trong công tác quản lý, tránh để xảy ra các vụ việc tương tự. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Lương cho rằng giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống nên đã yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn trường nhằm đảm bảo không xảy ra những sự việc tương tự trong thời gian tới.
Giáo sư Mạc Văn Trang nêu quan điểm của ông với RFA:
“Ở đây nó có hai chuyện. Chuyện thứ nhất là chuyện các người lớn cãi nhau, lý lẽ với nhau thì đúng sai tôi không cần biết. Tôi chỉ biết là 31 cháu, 2 cô giáo và 3 vị phụ huynh ngồi ăn liên hoan vui vẻ, còn một cháu bé ngồi đấy là điều tôi không thể tưởng tượng được. Cháu bé sẽ cảm thấy rất là tủi thân, cảm thấy bị bỏ rơi.
Cái sự tủi thân đó đối với đứa trẻ sẽ ghi dấu ấn suốt cả cuộc đời trẻ. Nó làm cho đứa trẻ thiếu tự tin. Đối với cháu đó là sự xúc phạm và một sự tổn thương về tâm lý.
Chuyện thứ hai là đối với 31 cháu được ăn vui vẻ, cười đùa nhìn thấy một bạn không được ăn thì 31 cháu này cũng bị ảnh hưởng. Các cháu không được giáo dục sự đồng cảm, sự chia sẻ với bạn của mình. Đó cũng là một cái vô giáo dục; một cái rất tác hại đối với các cháu. Nó cho thấy các cháu rất ích kỷ, rất vô cảm, không có sự chia sẻ và đồng cảm với bạn. Thế cho nên, về mặt giáo dục thì việc nhỏ như thế nhưng ảnh hưởng tâm lý các cháu rất lớn mà cô giáo và phụ huynh không ý thức được điều đó thì thật đáng buồn!”
Quyền của trẻ em được quy định trong Luật Trẻ Em 2016 có ghi: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi; Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Một số người cho rằng, câu chuyện trên cho thấy những người lớn liên quan trong câu chuyện, bao gồm cả giáo viên lẫn phụ huynh cháu bé, đều vi phạm vào quyền của trẻ em. Rằng người ta nhân danh sự đóng góp công bằng mà quên đi quyền lợi của trẻ; quên đi ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ hồn nhiên về bạn bè, về sự chia sẻ vô tư, không tính toán
Nếu xét trên phương diện Quyền Trẻ em, thì cả người mẹ, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh có thể phải hầu tòa vì làm tồn tương một đứa trẻ như thế. Nhưng ở Việt Nam thì việc đó có xảy ra hay không lại là một chuyện khác. - Ông Liêu Thái
Ông Liêu Thái, hiện có hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường, bày tỏ suy nghĩ của ông với RFA:
“Theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục thì người mẹ không có lỗi, nhưng với em bé, con của cô ấy, thì cô rất lỗi!
Cũng theo thông tư này, Ban đại diện cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm không có lỗi. Nhưng xét trên phương diện con người, họ quá vô cảm. Nó làm tổn thương sâu xa cho đứa trẻ.
Nếu xét trên phương diện Quyền Trẻ em, thì cả người mẹ, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh có thể phải hầu tòa vì làm tồn tương một đứa trẻ như thế. Nhưng ở Việt Nam thì việc đó có xảy ra hay không lại là một chuyện khác”.
Giáo sư Mạc Văn Trang kết luận, những người lớn trong câu chuyện đã quên dạy trẻ tính nhân văn, bởi câu chuyện diễn ra trước mặt chúng hoàn toàn vô cảm, không cho trẻ thấy lòng nhân ái khi cư xử với nhau. Các giá trị nhân văn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, nơi mà mọi người được đối xử công bằng. Do đó, có thể nói, những đứa trẻ này đã bị tước mất quyền được giáo dục nhân bản.
2024.05.28 - RFA
Một buổi diễu hành kỷ niệm ngày 30/4/1975 do người Việt thực hiện mang theo lá cờ vàng của VNCH tại Washington DC hôm 30/4/2005. AFP
“Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch” - Nhà văn Nguyễn Viện.
Ngọc Mai, một ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, hôm 27/5 vừa qua đăng tải một video ghi lại hình ảnh cả gia đình cô đang vui chơi trong một căn phòng. Hình ảnh hai lá cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng hòa trong phòng lọt vào khung hình camera.
Video này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực của cư dân mạng trong nước.
Ngày 28/5, Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Hoàng Việt, cho báo chí nhà nước biết, bộ này đang xác minh vụ việc này trước khi đưa ra những bước xử lý tiếp theo.
Cùng ngày, sáng 28/5, Công an TPHCM đã có buổi làm việc với Nhạc viện TPHCM - nơi Ngọc Mai từng làm việc. Đại diện trường này cho biết, cơ quan an ninh làm việc để nắm thêm thông tin về quá trình Ngọc Mai đã làm việc trước đây.
Nhà văn Nguyễn Viện, từ TPHCM cho rằng trong vụ việc này, cần phải xem xét kỹ xem nơi mà cô ca sĩ Ngọc Mai ở là nhà riêng hay cô ấy chỉ là khách:
“Nếu mà Quốc nghiệp và Ngọc Mai ở tạm hay ở nhờ nhà người khác thì việc có lá cờ là hết sức bình thường. Đây là một tình huống vô tình thôi tại vì ở trong nhà người ta thì mình không thể tự ý di dời đi được.”
Nói về việc các cơ quan chức năng và cả công an vào cuộc xử lý vụ việc này, ông Nguyễn Viện cho rằng từ góc độ của chế độ đang điều hành đất nước, họ có lý do hợp lý để ngăn chặn hình ảnh lá cờ hay biểu tượng Việt Nam Cộng hòa xuất hiện tự do ở Việt Nam. Ông lý giải:
“Một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện ở trong nước nó khác với một lá cờ xuất hiện ở Mỹ.
Họ (nhà nước VN - PV) không muốn khơi dậy, lưu giữ một điều gì đó mà nó mang tính có thể gây chia rẽ dân tộc và thậm chí nếu mà người ta quan tâm tới nó (cờ VNCH - PV) quá thì sẽ trở thành một thái độ chính trị. Và cái thái độ chính trị đó họ (nhà nước VN - PV) có thể khẳng định như là một sự chống đối chế độ.”
Luật sư Bùi Quang Thắng, hiện đang ở Hà Nội, nhận xét về vụ việc này trên trang cá nhân của mình rằng nếu lá cờ vàng có xuất hiện ở nơi nào đó tại Việt Nam thì cũng không phải là điều gì phạm pháp vì cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định cờ Việt Nam Cộng hòa là vật bị cấm.
Chồng Ngọc Mai là nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Nghiệp, người cũng có mặt trong video, lên tiếng giải thích trên Facebook cá nhân rằng anh và gia đình có kỳ nghỉ tại Mỹ nhận dịp Ngọc Mai có một show diễn từ thiện gây quỹ cho các em khuyết tật, trong chuỗi chương trình "Góp lá mùa xuân" tại nhiều tiểu bang của Mỹ.
Quốc nghiệp cho biết "Để tiết kiệm ngân quỹ cho các em nhỏ Hướng Dương, cả đoàn luôn được các tình nguyện viên chuyên chở và cho ở nhờ. Sau hơn hai tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một Cô Chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý chung quanh, không kiểm soát chi tiết những gì lọt vào camera. Qua việc này Quốc Nghiệp và O Sen Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra".
Phóng viên liên hệ với Hội Văn hóa - khoa học Việt Nam (VCSA) tại Mỹ - ban tổ chức các đêm diễn “Góp lá mùa xuân” để hỏi thêm chi tiết vụ việc nhưng không có ai nghe máy.
Dù đã nhanh chóng xóa video này trên trang facebook cá nhân nhưng ca sĩ Ngọc Mai vẫn bị một loạt các Facebook page lên án, chỉ trích nặng nề.
Nhà văn Võ Thị Hảo, từ Berlin, cho rằng trong quá khứ có rất nhiều quốc gia đã từng xâm lược, đóng quân ở Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn giữ quan hệ hữu nghị tốt đẹp, vậy lý do gì lại cấm cản biểu tượng của một quốc gia đã không còn gần nửa thế kỷ?
“Tôi thấy như thế giống như là cộng đồng Việt Nam bắt nạt nhau, triệt hạ nhau. Tại sao những nước từng xâm lược Việt Nam thì Việt Nam biết dùng tình hữu nghị biết chèo kéo, xin xỏ, nhờ giúp đỡ viện trợ thương mại, trong khi người Việt Nam chúng ta lại cứ triệt hạ nhau như vậy.”
Theo nhà văn Nguyễn Viện, hiện vẫn còn một số người trong nước nghi kỵ các biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa vì người ta nghĩ rằng đó là một quốc gia thù địch với chính thể Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, theo ông:
“Bây giờ cuộc chiến nó đã chấm dứt 49 năm rồi. Tôi nghĩ rằng lá cờ đó mình chỉ nên coi nó như là một biểu tượng của một quốc gia đã mất. Trong thực tế nó chỉ còn là một hoài niệm và chúng ta nên tôn trọng sự hoài niệm đó. Nó là một phần của lịch sử và chúng ta không thể chối bỏ nó được.
Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch.”
Trên thực tế, Hà Nội vẫn luôn cấm đoán, tìm mọi cách ngăn chặn hình ảnh, biểu tượng của Việt Nam Cộng hòa xuất hiện ở Việt Nam. Điển hình như việc Bộ ngoại giao Việt Nam đề nghị Úc dừng lưu hành đồng tiền có cờ Việt Nam Cộng Hòa năm 2023, đóng cửa quán cafe ở Bình Dương trang trí theo phong cách người lính quân lực Việt Nam Cộng hòa…
2024.05.29 - RFA
Hình ảnh cờ VNCH xuất hiện trong video clip ghi lại cảnh vợ chồng Quốc Nghiệp và Ngọc Mai vui đùa cùng các con (cắt ghép từ clip). An ninh Thủ đô
Cơ quan an ninh thuộc Công an TPHCM vào ngày 28/5 làm việc với Nhạc viện TPHCM về thông tin video của ca sĩ Ngọc Mai có hình ảnh vàng sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa.
Trước đó, vào ngày 27/5, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh vợ chồng ca sĩ Ngọc Mai (O Sen) và nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp vui đùa cùng con tại một căn phòng ở Mỹ. Trong video, người xem thấy có hình cờ vàng sọc đỏ và cờ Mỹ.
Ngày 28/5, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết đang xác minh đoạn video này.
Trong khi đó, báo Nhà nước cho biết, ca sĩ Ngọc Mai đã từng làm giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM và hiện đã nghỉ việc từ năm 2019.
Báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời nghệ sĩ Tạ Minh Tâm - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cho biết ca sĩ này đã được kết nạp Đảng tại Nhạc viện TPHCM nhưng sau đó không tham gia sinh hoạt đảng thường xuyên nên đã bị xóa tên khỏi Đảng.
Chồng ca sĩ Ngọc Mai, nghệ sĩ Quốc Nghiệp cũng đã đăng bài trên trang Facebook cá nhân cho biết, gia đình sang Mỹ du lịch và góp mặt biểu diễn trong một chương trình tự thiện. Video được quay tại một ngôi nhà một gia đình tình nguyện viên mà vợ chồng ca sĩ đến chơi và khi vui đùa họ không để ý đến lá cờ vàng. Nghệ sĩ cho biết họ “đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra".
Tuy nhiên, các trang Facebook thân Chính phủ những ngày qua liên tục đăng các dòng trạng thái và bình luận chỉ trích nữ ca sĩ với hình cờ vàng sau lưng.
Trang Tifosis đăng tải video và bình luận ca sĩ này là “qua cầu rút ván”. Trong khi đó, trang Đơn vị Tác Chiến Điện Tử viết: “Tự quay video trong phòng rồi kêu không biết thì đi hát chắc cũng không cần biết người hợp tác mình như thế nào luôn”.
Lá cờ vàng của VNCH là biểu tượng cấm kỵ tại Việt Nam suốt 50 năm qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Các nội dung có hình ảnh cờ vàng trên các ấn phẩm xuất hiện ở Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ.
2024.05.14 - RFA
Vàng miếng SJC. REUTERS
Hạ nhiệt thị trường vàng, kiểm soát thị trường vàng, bình ổn giá vàng… là những điều được chính phủ Việt Nam nêu ra từ mấy năm qua, mỗi khi giá vàng trong nước lập đỉnh mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sáng 14 tháng 5 được truyền thông trong nước loan đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để trong tuần Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng.
Trước đó, hôm 20 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Việt Nam ký công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Ngay thời điểm đó, giá vàng SJC bán ra đầu ngày là 81,6 triệu đồng/lượng. Đến ngày 11 tháng 5 năm 2024, khi Chính phủ ban hành văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thanh tra tình trạng thao túng vàng thì giá vàng SJC bán ra cuối ngày là 91,3 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy giá vàng liên tục nhảy múa dù Chính phủ ban hành nhiều công điện yêu cầu bình ổn.
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012. Tại khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.
Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai là Nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. - Ts. Ngô Trí Long
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Một số chuyên gia kinh tế mà RFA trò chuyện đều cho rằng, để kiểm soát thị trường vàng thì điều cần thiết là xóa bỏ độc quyền nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC. Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, nói với RFA:
“Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi Nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai là Nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì Quốc Hội đã từng chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC.”
Cũng theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, việc xây dựng SJC là thương hiệu quốc gia dẫn đến tâm lý người dân sẽ lựa chọn vàng này để tích trữ dẫn đến cung không đủ cầu, là một nguyên nhân khiến giá vàng tăng.
Ngoài việc xóa bỏ độc quyền thì các chuyên gia kinh tế còn cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác có phẩm chất tương đương SJC để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hoá nguồn cung.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm của ông với RFA:
“Tôi nghĩ vấn đề chính là phải giải quyết việc nhập khẩu vàng. Nếu cho tự do nhập khẩu và tự do hóa thị trường vàng, không còn độc quyền thì tôi chắc là giá vàng trong nước sẽ tiếp cận giá vàng thị trường thế giới. Tức là phải thay đổi cách quản lý vàng như hiện nay. Nếu cách quản lý vàng độc quyền như hiện nay thì vẫn sẽ xuất hiện chuyện giá cả như hiện nay. Kinh tế học đã nói là độc quyền sẽ dẫn đến không cạnh tranh, giá cả sẽ độc quyền trên thị trường. Bây giờ cần phải xử lý tận gốc vấn đề này.”
Để kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng, Chính phủ ban hành Công điện số 23 hôm 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Tôi nghĩ vấn đề chính là phải giải quyết việc nhập khẩu vàng. Nếu cho tự do nhập khẩu và tự do hóa thị trường vàng, không còn độc quyền thì tôi chắc là giá vàng trong nước sẽ tiếp cận giá vàng thị trường thế giới.- Ts. Lê Đăng Doanh
Thực hiện Công điện số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến hàng loạt tiệm vàng trong thành phố đóng cửa nghỉ bán.
Bà Hồng Lan, một người dân Sài Gòn nói với RFA sáng 14 tháng 5 năm 2024 rằng, trong thực tế, mỗi tiệm vàng chỉ bán ra hai cây vàng cho một người và người mua phải trình chứng minh nhân dân (CMND):
“Nó chỉ bán hai cây thôi. Nó lấy lý do là ngăn ngừa đầu cơ tích trữ. Cái gì mà cung-cầu chênh lệch thì nó càng trở nên khan hiếm. Tại nhà nước bóp giá không cho đẩy vàng lên. Thật vô lý khi họ cho là vàng trong nước chênh lệch với thế giới 20 triệu, nhưng Nhà nước vẫn đấu thầu với giá 87.700 ngàn đồng thì họ phải bán cao hơn 87.700 ngàn đồng chứ.
Bây giờ tiền để dành người ta chỉ có những kênh đầu tư sau: Thứ nhất là gửi ngân hàng, nhưng ngân lãi suất xuống thấp quá mà vàng ngày càng lên thì buộc lòng người ta phải mua vàng. Hơn nữa bây giờ có những người ‘lướt vàng’. Nền kinh tế bây giờ suy thoái, bất động sản chết thì lãi suất càng thấp vì nhà nước phải cứu bất động sản. Do đó kênh đầu tư vàng là dễ thanh khoản, mua bán nhanh không cần giấy tờ”.
Để tăng nguồn cung cho thị trường vàng và ổn định thị trường vàng, Ngân hàng nhà nước đã tổ chức sáu lần đấu thầu vàng miếng vào các ngày 22 tháng 4, 23 tháng 4, 25 tháng 4, 3 tháng 5, 8 tháng 5 và 14 tháng 5. Tuy nhiên, chỉ có ba phiên đấu thầu ngày 23 tháng 4, 8 tháng 5 và 14 tháng 5 có đơn vị trúng thầu. Các phiên còn lại đều bị hủy với lý do được nói là không đủ đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Nhà nước Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị “hút vàng trong dân” để phát triển kinh tế. Từ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thu hút vàng trong dân.
Truyền thông trong nước dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 rằng, bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế bởi vàng được cất giữ trong dân như mọi tài sản khác. Nếu huy động thì vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông và do đó nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống và sẽ khiến thị trường bất ổn do người dân sẽ đầu cơ, tích trữ vàng.
2024.05.28 - RFA
Vàng miếng SJC. AFP PHOTO
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 27/5/2024 đã chính thức thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng. Đồng thời cơ quan này cũng cho biết sẽ tìm phương án bình ổn vàng khác thay thế trong thời gian sớm nhất, nhưng không nói rõ là giải pháp gì?
Trước đó vào ngày 15/4/2024, NHNN công bố thông tin cho đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm, với lý do để tăng nguồn cung cho thị trường, giúp bình ổn thị trường. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phiên đấu thầu trở lại được tổ chức vào ngày 22/4/2024, đến nay đã đã có 9 phiên đấu thầu được NHNN tổ chức, trong đó 3 phiên không thành công do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Theo NHNN, với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng mua vào và cung ứng ra thị trường.
Việc ngân hàng nhà nước loay hoay tìm cách bình ổn giá vàng chỉ là cái ngọn, chẳng giải quyết được gì khi mà cái gốc thì không giải quyết.
-Một người không nêu tên
Một người từng có đầu tư vàng ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/5/2024 cho RFA biết ý kiến:
“Từ trước đến nay, nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng. Việc độc quyền này chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ cho ‘lợi ích nhóm’ của các tổ chức tài chính nói chung, ngân hàng nói riêng mà trong đó các quan chức nhà nước và người nhà quan chức, có cổ phần hoặc sân sau của quan chức! Ngay cả Campuchia là quốc gia láng giềng Việt Nam có giá vàng tương đương với giá vàng thế giới vì họ không độc quyền nhập khẩu vàng. Vì vậy mà có tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới để hưởng chênh lệch giá giữa Việt Nam so với Campuchia!”
Ông này nhận xét thêm về cách thức cơ quan chức năng Việt Nam bình ổn giá vàng:
“Việc ngân hàng nhà nước loay hoay tìm cách bình ổn giá vàng chỉ là cái ngọn, chẳng giải quyết được gì khi mà cái gốc thì không giải quyết. Vì vậy, cần giải quyết cái gốc này là bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nhưng giải pháp này sẽ khó thực hiện vì đụng đến ‘lợi ích nhóm’ của các quan chức nhà nước cấp cao có thẩm quyền trong lĩnh vực này, cùng với những lợi ích đan xen với các quan chức nhà nước cấp cao ở các lĩnh vực khác.”
Lý do NHNN cho đấu thầu vàng trở lại được cho là để bình ổn thị trường vàng, tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, tại Việt Nam hôm 28/05 giá vàng miếng SJC tăng vượt 90 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới chỉ khoảng 72.2 triệu đồng/lượng, đang thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 18 triệu đồng/lượng.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, giải thích:
“Thị trường vàng là một bộ phận của hệ thống tài chánh tiền tệ trong một quốc gia, biến động của nó tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ cho nên nhà nước luôn luôn phải làm sao để hiểu cái thị trường này. Trong bối cảnh hiện nay do cơ chế chính sách trong thời gian gần đây đã làm cho vàng trở thành điểm nóng và chính vàng trong điểm nóng đó chính là tâm bão của giai đoạn hiện nay mà chính phủ đang khắc phục dần.
Để thu hẹp được giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì phải chờ thời gian. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng nhà nước là phải dùng vai trò của mình bằng cơ chế chính sách chứ không trực tiếp tham gia vào việc bán vàng, trực tiếp kinh doanh thì chắc chắn hiệu quả sự ổn định trường vàng khó có khả năng thực thi trong mục tiêu đã đặt ra.”
Ảnh minh họa chụp tại một tiệm vàng ở Sài Gòn trước đây. AFP.
NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28/3/2013. Tổng cộng NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (tương đương 69,9 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó dù tăng nguồn cung vàng để bình ổn thị trường vàng, nhưng giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Sau 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, NHNN đã ngưng cho đấu thầu vàng cho đến khi cho đấu thầu lại vào tháng 4 năm 2024… và lại cho ngưng đấu thầu vào ngày 27/5/2024.
Muốn bình ổn giá vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, khi trả lời RFA hôm 28/5/2024 thì cho rằng, phần đông người dân mua và giữ vàng như một phương tiện để bảo lưu giá trị tài sản, chứ không phải là một phương tiện để đầu tư. Vì vàng giữ giá trị của nó theo thời gian khi so với sự lạm phát quá nhanh của tiền Đồng. Nhưng vàng theo ông Vũ không hẳn là một phương tiện để đầu tư được ưa chuộng vì sự tăng trưởng giá trị của nó theo thời gian khá khiêm tốn khi so với việc đầu tư vào các lĩnh vực khác. Ông Vũ cho biết tiếp:
“Muốn bình ổn giá vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận. Khi lợi nhuận từ việc đầu tư lớn hơn lợi ích từ việc nắm giữ vàng thì người có tiền sẽ chuyển sang đầu tư, không còn mặn mà với vàng nữa. Vàng vì vậy mà sẽ không còn nóng sốt nữa.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một trong những kênh đầu tư đơn giản đối với người dân bình thường đó là gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ khi mà lãi suất ngân hàng lớn hơn giá trị của lạm phát một cách đáng kể thì lúc đó người dân sẽ chuyển từ việc nắm giữ vàng sang gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm. Do đó điều hành chính sách tiền tệ trong tình trạng Việt Nam hiện nay phải để dòng tiền tiết kiệm chuyển sang ngân hàng để bảo lưu giá trị, tăng tính thanh khoản và kích thích đầu tư thay vì chuyển sang vàng. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:
“Một trong những kênh đầu tư khác là thị trường chứng khoán. Chỉ khi thị trường chứng khoán được cải cách để tăng tính linh hoạt của nó, mà nơi đó người tham gia được quyền đánh lên (long) và đánh xuống (short) đối với các cổ phiếu và các quỹ nhằm bảo vệ tài sản của mình, thì lúc đó sự nhộn nhịp tham gia và việc tạo ra lợi nhuận từ thị trường sẽ thu hút nhiều người đầu tư. Lúc đó tài sản thay vì nằm trong vàng sẽ chuyển thành vốn cho doanh nghiệp.”
Về lâu về dài theo Tiến sĩ Vũ, sự năng động của nền kinh tế với các cơ hội đầu tư sinh lợi và sự ổn định của tiền Đồng sẽ thu hút tài sản của người dân thay vì mua vàng dự trữ sẽ chuyển thành vốn để phát triển các doanh nghiệp. Lúc đó thị trường vàng sẽ trở nên bình ổn hơn, không còn nóng sốt như đã chứng kiến trong khoảng thời gian vừa qua.
2024.05.28 - RFA
Hai nhà hoạt động Đặng Đình Bách (phải) và Bùi Văn Thuận. RFA edited
Hai tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách vừa cho thân nhân biết việc tiếp tục bị ngược đãi tại Trại giam số 6. Trước tình trạng đó, bản thân ông Thuận tiến hành tuyệt thực để phản đối; còn gia đình ông Bách làm đơn khiếu nại.
TNLT Bùi Văn Thuận bắt đầu tuyệt thực từ ngày 25/5 tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Ông Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông thông báo kế hoạch tuyệt thực kéo dài năm ngày cho gia đình trong cuộc gọi điện về ngày 20/5, vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, nói cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Bà thuật lại lý do tuyệt thực của chồng:
“Anh ấy có bảo là anh ấy sẽ tuyệt thực trong vòng 5 ngày để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu cho các tù nhân chính trị ra ngoài sân chung để giao lưu học tập với nhau.
Ba người hiện đang bị giam giữ trong một căn phòng rất là bí bách, cái phòng đấy ở cuối dãy nên là không có sân nào để có thể đi lại tập thể dục.”
Trước kia, trong dịp cuối tuần, trại giam thường mở cửa cho các tù nhân chính trị ở Phân trại 1 ra khu vui chơi chung để họ giao lưu gặp gỡ và thể dục thể thao. Tuy nhiên, gần đây, không rõ vì lý do gì mà trại giam không còn cho họ ra sân chơi chung nữa mà buộc họ phải ở trong phòng giam chật hẹp vào mùa hè oi bức ở miền trung thường có gió Lào khô và nóng.
Ông Thuận cho vợ biết ông quyết định tuyệt thực sau khi đã từ chối khẩu phần ăn của nhà tù trong một tuần để phản đối chế độ giam giữ vô nhân đạo nhưng phía trại giam im lặng.
Ông cũng nói với vợ là từ khi chuyển sang Phân trại 1 từ đầu tháng tư vừa qua, bệnh viêm khớp của ông tái phát, uống thuốc vẫn không đỡ, và ông cho rằng có nguyên do là bị giam trong buồng chật hẹp và không có không gian để vận động.
Để kiểm chứng thông tin, phóng viên tìm cách liên hệ với Trại giam số 6 và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, tuy nhiên không thể kết nối theo số điện thoại của hai cơ quan này đăng công khai trên mạng Internet.
Bà Nhung nói rất lo lắng cho sức khoẻ của chồng trong điều kiện giam giữ hiện nay.
“Gia đình rất lo lắng, muốn phía Trại giam số 6 thay đổi chế độ giam giữ và cho tù nhân được ra ngoài giao lưu học tập với nhau và đó là cái quyền lợi chính đáng của các tù nhân chính trị.”
Gia đình sẽ đồng hành cùng với anh Thuận để đòi lại quyền lợi cho anh Thuận và các tù nhân chính trị ở trong trại giam số 6. Nếu mà trại giam họ không thay đổi, gia đình để tiếp tục khiếu nại lên đến các cơ quan có thẩm quyền.”
Như đã đưa tin, bên cạnh việc giam giữ trong điều kiện vô nhân đạo, ông Thuận còn không được giao tiếp với bố mẹ và em trai bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Mường trong khi họ không thành thạo tiếng Kinh trong các buổi thăm gặp ở trại giam.
Việc tù nhân lương tâm tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ hà khắc xảy ra phổ biến ở nhiều trại giam trên cả nước. Ngay ở Trại giam số 6, hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách có nhiều lần tuyệt thực dài ngày trong vài năm gần đây. Lần gần đây nhất, ông Thức tuyệt thực một tuần và chấm dứt vào đầu tháng 02 vừa qua và ông Bách tiếp sức sau đó.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng tuyệt thực nhiều lần và có lần kéo dài 37 ngày ở trại giam này giữa năm 2013, chia sẻ với RFA:
“Tù nhân không ai muốn tuyệt thực cả nhưng mà ở trong cái môi trường như thế khi mà bị đàn áp không thể nào đưa được tin tức ra ngoài thì lúc đó tù nhân phải mang chính cái tính mạng mình ra để mà đấu tranh.
Khi mà anh em tù nhân tuyệt thực thì tất cả các trại giam ở Việt Nam tìm mọi cách ngăn chặn thông tin, không để thông tin lọt ra ngoài. Thứ hai nữa là khi mà anh đã ngưng tuyệt thực thì họ đưa truyền thông của họ vào để họ đối phó. Họ thu những hình ảnh của mình lúc mà mình đã hết tuyệt thực rồi và họ nói rằng là mình không tuyệt thực.”
Do vậy, ông cho rằng người thực hiện tuyệt thực hoặc bạn tù phải đưa được thông tin ra ngoài để cộng đồng ở bên ngoài lên tiếng, gây sức ép buộc trại giam phải cải thiện điều kiện giam giữ.
Luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), cũng đang thụ án tù năm năm về tội danh “trốn thuế” trong Phân trại 1 của Trại giam số 6.
Vợ ông, bà Trần Phương Thảo, cho RFA biết ngày 24/5 vừa qua, bà đã gửi đơn tới Ban giám thị của Trại giam số 6 để khiếu nại về việc cơ sở giam giữ này không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của chồng.
Theo đó, chồng bà đang bị giam cùng với nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức trong một buồng giam chỉ rộng khoảng 10 mét vuông gồm cả bệ ngủ và khu vệ sinh. Phòng chỉ được trang bị một quạt nhỏ trong khi nhiệt độ trong phòng giam có thể lên tới 43 độ C vào mùa hè. Ông đã đề nghị được trại giam cấp thêm quạt nhưng cho tới nay giám thị vẫn chưa trả lời.
Thêm nữa, vì ông Bách ăn chay nên ông đề nghị trại giam thay thế thực phẩm từ động vật thành thức ăn thực vật, nhưng đề nghị của ông vẫn bị lờ đi.
Bà Thảo, người cũng hoạt động xã hội và nhân quyền, nói với RFA qua tin nhắn:
“Tôi cho rằng việc Trại giam số 6 giam giữ tù nhân trong phòng giam chật hẹp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt là hình thức tra tấn và ngược đãi họ.
Việc giam giữ họ biệt lập trong các buồng giam như hiện nay đang hạn chế nhu cầu tương tác xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần, khiến người tù có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý, lâu dần dẫn đến mất khả năng giao tiếp.”
Phòng giam của hai ông Bách và Thức có khoảng sân như mái hiên rộng khoảng 10 mét vuông nhưng không có cây cối xung quanh và trại giam cũng không cho tù nhân trồng gì. Trước kia, trại giam không mở cửa cho hai ông ra sân này, nhưng sau khi hai ông phản đối quyết liệt, gần đây giám thị mới cho mở cho họ ra vài tiếng mỗi ngày để hít thở không khí bên ngoài.
2024.05.28 - RFA
Học sinh Trường tiểu học Gia Lương trong giờ học. (Ảnh minh hoạ). ND
Bộ Giáo dục & Đào tạo đang xác minh thông tin “học sinh lớp Một không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ" gây xôn xao dư luận.
Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD) được tờ VietnamNet dẫn lời trong ngày 27/5 rằng Bộ buộc phải vào cuộc bởi thông tin liên quan đến giáo viên, phụ huynh và học sinh này gây “ầm ĩ” trên mạng xã hội dù chưa rõ thực hư. Bộ sẽ rà soát và khoanh vùng để xem sự việc nếu có thực thì ở khu vực nào, diễn ra ở trường và lớp học nào. Khi nắm được tình hình cụ thể, Bộ sẽ thông tin chính thức tới báo chí và dư luận.
Trước đó, nhiều trang mạng xã hội đăng tải lại bài viết với nội dung một phụ huynh “tố” con học lớp Một không được ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ phụ huynh. Theo nội dung đăng trên mạng xã hội, phụ huynh này bức xúc cho rằng: “Quỹ lớp thì tôi đóng chứ quỹ hội tôi không đóng vì đấy là khoản phí không bắt buộc, ai thích thì đóng. Thế mà 31 học sinh trong lớp ăn liên hoan, lại thêm cả cô giáo chủ nhiệm và cô tiếng Anh cùng ba phụ huynh phát suất ăn, vậy mà để mình con tôi trơ mắt nhìn mọi người liên hoan trong vui vẻ".
Cũng trên mạng xã hội, phụ huynh này cho rằng quỹ hội là khoản thỏa thuận, không bắt buộc nên không đóng. Dòng trạng thái của phụ huynh trên sau khi xuất hiện trên mạng đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Đến thời điểm này, thông tin sự việc được Bộ GD&ĐT cho biết vẫn chưa được xác thực.
2024.05.28 - RFA
Hình ảnh cờ VNCH xuất hiện trong video clip ghi lại cảnh vợ chồng Quốc Nghiệp và Ngọc Mai vui đùa cùng các con (cắt ghép từ clip). An ninh Thủ đô
Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Việt Nam đang xác minh đoạn video ghi lại cảnh vợ chồng ca sĩ Ngọc Mai (O Sen) vui đùa cùng con tại Mỹ trong căn phòng có để lá “cờ vàng ba sọc đỏ” của Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ) cho tờ Tiền Phong hay tin trên trong ngày 28/5.
Đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội ngày 27/5, hiện đã được gỡ, tuy vậy, ông Việt nói, đơn vị chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành xác minh trước khi đưa ra những bước xử lý tiếp theo.
Trong ngày 27/5, nghệ sĩ Quốc Nghiệp giải thích rằng gia đình anh sang Mỹ du lịch nhân dịp nghỉ hè. Vợ anh góp mặt trong một chương trình từ thiện. Cả đoàn luôn được các tình nguyện viên chuyên chở và cho ở nhờ. Căn phòng trong video cũng là phòng của tình nguyện viên.
"Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý xung quanh, không kiểm soát chi tiết lọt vào camera. Qua việc này Quốc Nghiệp, Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra", nam nghệ sĩ giải bày. Tuy nhiên, mhiều khán giả không đồng tình với giải thích trên.
Tờ VietnamNet ghi nhận đây là lần thứ 2 ca sĩ Ngọc Mai bị khán giả phản ứng mạnh mẽ, liên quan đến trách nhiệm của nghệ sĩ đối với hình ảnh của mình trước công chúng.
Trước đó, dư luận lan truyền thông tin Ngọc Mai và Quốc Nghiệp đến với nhau khi cả hai chưa ly hôn vợ/chồng đầu tiên. Khi đó, nhiều khán giả phản đối khi Ngọc Mai có tên trong danh sách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nói về việc này, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) lên tiếng với truyền thông rằng, Bộ không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi trái chiều nào về trường hợp của Ngọc Mai nên chưa đủ căn cứ xem xét lại hồ sơ xét tặng danh hiệu NSUT của cô.
Ngọc Mai từng làm giảng viên Thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, hiện tại đã nghỉ việc. Ngọc Mai cũng có thời gian công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.
Quốc Nghiệp – chồng ca sĩ Ngọc Mai là một trong những NSUT trẻ nhất Việt Nam khi được phong tặng danh hiệu này ở tuổi 26. Quốc Nghiệp và anh trai Quốc Cơ từng có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam "dị ứng" với các biểu trưng của chế độ cũ. Hồi tháng 1 năm 2022, Đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV phát trễ đến 10 phút trận bóng đá giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Úc do cổ động viên Úc đem cờ vàng ba sọc đỏ đến sân để cổ vũ. Vào tháng 5/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Úc dừng lưu hành đồng tiền hai đô la Úc có in hình cờ vàng ba sọc đỏ.
Đính chính:
Khán giả phản đối ca sĩ Ngọc Mai không nên có tên trong danh sách xét duyệt nghệ sĩ ưu tú không liên quan đến video clip đăng tải trong dịp này. Việc phản đối này liên quan đến lùm xùm trước đây của ca sĩ Ngọc Mai. Xin lỗi quý khán giả vì sự hiểu lầm trên. Xin được đính chính lại như sau:
Tờ VietnamNet ghi nhận đây là lần thứ hai ca sĩ Ngọc Mai bị khán giả phản ứng mạnh mẽ, liên quan đến trách nhiệm của nghệ sĩ đối với hình ảnh của mình trước công chúng.
Trước đó, dư luận lan truyền thông tin Ngọc Mai và Quốc Nghiệp đến với nhau khi cả hai chưa ly hôn vợ/chồng đầu tiên. Khi đó, nhiều khán giả phản đối khi Ngọc Mai có tên trong danh sách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
2024.05.25 - RFA
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. AIC Group
Cựu Chủ tịch Công ty AIC vừa phải đối mặt với cáo buộc mới về hành vi đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM, gây thiệt hại 94,6 tỷ đồng. Tổng cộng có 14 người bị truy tố trong vụ án này.
Truyền thông Nhà nước cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vào ngày 23/5 truy tố bà Nhàn cùng Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà và Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP HCM Trần Đăng Tấn về hai tội danh này.
Ngoài ba người này, ông Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Có hai người bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là bà Trần Thị Bình Minh, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM và ông Phan Tất Thắng, cựu phó phòng kinh tế ngành thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.
Tám người còn lại bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án xảy ra từ năm 2016 khi Công ty AIC của bà Nhàn trúng các gói thầu mua sắm trang thiết bị phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.
Cáo trạng của VKS được báo Nhà nước trích đăng xác định bà Nhàn và ông Dương Hoa Xô đã làm việc cùng nhau để công ty của bà Nhàn trúng tám gói thầu, đổi lại, bà Nhàn đã đưa hối lộ cho ông Xô số tiền là 14,4 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, nhận được tiền từ bà Nhàn, ông Xô đã đưa cho bà Trần Thị Bình Minh, phó giám đốc Sở KH&ĐT số tiền 1 tỷ đồng; Nguyễn Đăng Quân, Phó giám đốc Trung tâm CNSH 950 triệu đồng (đưa thành nhiều lần, từ năm 2016- 2020); Nguyễn Viết Thạch, Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình thuộc Trung tâm CNSH là 1,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 11,3 tỷ đồng ông Xô sử dụng vào mục đích cá nhân.
Hiện, ông Xô đã nộp lại 11,5 tỷ đồng, ông Quân nộp lại 700 triệu đồng; ông Thạch nộp 200 triệu đồng; bà Minh nộp 800 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn, Đỗ Vân Trường (nhân viên AIC) hiện đang bỏ trốn.
Đây là vụ án thứ ba bà Nhàn bị truy tố tội hình sự. Bà đã bị kết án 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; và 10 năm tù trong vụ án cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
2024.05.25 - RFA
Sân bay Nha Trang cũ ở trung tâm thành phố. VnExpress/Bùi Toàn
Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ án hình sự liên quan đến những vi phạm về quản lý đất tại sân bay Nha Trang bao gồm cả việc bàn giao đất ở sân bay này cho Tập đoàn Phúc Sơn - công ty đang bị điều tra về một loạt các sai phạm về đấu thầu ở các địa phương khác như Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc khiến các quan chức cấp cao ở hai tỉnh này bị khởi tố và bắt giam.
Theo truyền thông Nhà nước, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hoà cung cấp hồ sơ các khu đất tại sân bay Nha Trang bao gồm cả danh sách cá nhân tham mưu, ký quyết định quan trọng trong việc giao đất quốc phòng tại sân bay này.
Cũng theo truyền thông Nhà nước, có sáu dự án BT (xây dựng - chuyển giao) có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay này. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vào năm 2021 đã kết luận toàn bộ các dự án BT này đều có sai sót, vi phạm.
Đáng chú ý, trong danh sách các dự án BT tại sân bay này, có ba dự án của Tập đoàn Phúc Sơn bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, và đấu thầu.
Các dự án đó bao gồm: dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang; Dự án BT nút giao thông Ngọc Hội; Dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.
Sân bay Nha Trang cũ vốn do Bộ Quốc phòng quản lý với diện tích 238ha. Từ năm 2009, Bộ Quốc phòng và tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này.
Vào năm 2016, Bộ Quốc phòng bàn giao hơn 62ha đất quốc phòng tại Sân bay Nha Trang cho địa phương quản lý. Phần diện tích này được Khánh Hòa tiếp tục bàn giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án khu đô thị theo hướng phân lô, bán nền.
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn 2024.05.25 - RFA
Nhà sư chùa Ba Vàng đi khất thực. Chùa Ba Vàng
“Trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) và một số kinh điển Nam truyền, có nhắc đến 13 hạnh đầu đà, là những hạnh tu khổ hạnh giúp người xuất gia rèn luyện sự thanh tịnh và buông bỏ, nâng cao tinh thần giác ngộ. Những hạnh này được xem là phương pháp hữu hiệu để tu hành, gìn giữ sự thanh tịnh của tâm hồn và tiến gần hơn đến giải thoát.
1. Hạnh phấn tảo y: Sử dụng y phục làm từ vải vụn, không phải từ những chất liệu mới mẻ hay đắt tiền. Hạnh này giúp người ta buông bỏ sự kiêu hãnh về ngoại hình và tập trung vào nội tâm.
2. Hạnh ba y: Chỉ sở hữu ba y, không có thêm y phục nào khác. Hạnh này giúp giảm bớt lòng tham ái và sự phụ thuộc vào vật chất.
3. Hạnh khất thực: Đi khất thực để nuôi sống bản thân, không dựa vào sự cung cấp riêng từ một người nào. Hạnh này rèn luyện sự khiêm nhường và tinh thần từ bỏ của cải vật chất.
4. Hạnh khất thực từng nhà: Đi xin ăn từ nhà này sang nhà khác, không ở lại lâu một nơi. Điều này giúp tâm hồn không bị gắn bó với một nơi chốn hay con người cụ thể.
5. Hạnh nhất tọa thực: Chỉ ăn một lần trong ngày, không ăn thêm bữa nào khác. Hạnh này giúp kiểm soát và giảm bớt sự tham ăn, nâng cao tinh thần khổ hạnh.
6. Hạnh ăn bằng bát: Chỉ dùng một bát để ăn, không sử dụng nhiều vật dụng. Điều này tượng trưng cho sự giản dị và không lệ thuộc vào những tiện nghi không cần thiết.
7. Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong): Không giữ lại thức ăn cho lần ăn sau, sống trong sự thanh tịnh và từ bỏ. Điều này rèn luyện tính kỷ luật và sự không chấp giữ.
8. Hạnh ở rừng: Sống trong rừng, xa lánh thế gian để tập trung vào việc tu tập. Hạnh này giúp giải phóng tâm trí khỏi những phiền não của cuộc sống đô thị.
9. Hạnh ở gốc cây: Chỉ ở dưới gốc cây, không xây dựng nhà cửa. Điều này giúp giảm thiểu sự sở hữu và sống gần gũi với thiên nhiên.
10. Hạnh ở giữa trời: Sống ở nơi không có mái che, để rèn luyện sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng. Hạnh này giúp tăng cường tinh thần chịu khổ và từ bỏ tiện nghi.
11. Hạnh ở nghĩa địa: Ở tại các nghĩa địa để thiền định và nhận thức về sự vô thường của cuộc sống. Hạnh này giúp người tu thấy rõ bản chất của sinh tử và không còn sợ hãi cái chết.
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong: Không có chỗ nghỉ cụ thể, ngủ ở bất cứ nơi nào. Hạnh này giúp buông bỏ sự gắn bó với một nơi chốn cụ thể và rèn luyện tính linh hoạt. Thường đi du hành, không ở một chỗ.
13. Hạnh ngồi (không nằm): Chỉ ngồi và không nằm xuống, ngay cả khi ngủ. Điều này rèn luyện tính kỷ luật và sự kiên định trong việc tu tập.
Mỗi hạnh đầu đà này đều mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc rèn luyện tâm hồn và giúp người tu hành buông bỏ những ràng buộc thế gian. Qua việc thực hành những hạnh này, các vị xuất gia có thể đạt được sự thanh tịnh nội tâm và tiến gần hơn đến sự giác ngộ.
(Thầy Pháp Nhật, Phatgiao.org, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 21/4/2024).
Núi non trải rộng, xanh ngắt một màu. Trên con đường mòn quanh co từ núi đi ra, có một hàng rất dài nhà sư đang đi bộ. Họ khoác cà sa vàng nghệ tươi nổi bật trên nền núi rừng xanh mờ, tay ôm bình bát, đầu không mũ nón, đi chân trần. Gần bốn chục vị bước đi cách đều nhau tăm tắp, tạo thành một đường cong lấm chấm vàng rực chuyển động nhẹ nhàng, đẹp như vẽ giữa núi rừng hùng vĩ.
Trong một set quay đẹp như mộng khác, đó một vị, đây một vị, kia một vị… ngồi khoanh chân trên tảng đá mọc chìa ra trên mặt suối. Lưng họ thẳng như cán thương, hai bàn tay chắp trang nghiêm giữa làn sương mờ bạc phủ làn lụa ảo diệu xuống núi rừng hay trong luồng nắng trong vắt lấp lánh chiếu rọi từ phía sau, viền lên quanh đầu, cổ và vai của họ những viền sáng như hào quang.
Lại một cảnh quay tuyệt vời nữa: Dòng suối tuôn chảy bắn tung những cuộn nước bạc qua ghềnh đá. Những vị sư ôm bình bát lội qua suối, nước ngập đến đầu gối, chệnh choạng trên đôi chân trần trên đường đi khất thực.
Rồi những đôi chân trần dưới tà cà sa vàng nghệ đặt nhẹ lên những mỏm đá, đường mòn, bước đi nhẹ nhàng giữa làn nắng sớm trong mờ buông xuống màn xanh thăm thẳm của núi rừng, như vị tiên đang bước giữa cõi tiên.
Rồi những cảnh quay góc rộng: Giữa triền đồi cỏ xanh biếc, mấy chục vị tăng ngồi xếp bằng ngay hàng thẳng lối, mặt trang nghiêm cung kính hướng về bậc chân tu ngồi đĩnh đạc ở phía trên cùng. Bức ảnh được chú thích là các sư đang lắng nghe thượng tọa trụ trì giảng pháp.
Rồi một đoàn sư đi từ trong rừng ra, lần này ảnh chụp chính diện, rõ mặt người đi đầu tiên. Tầm vóc cao rộng cân đối, khuôn mặt quả trứng đẹp, trán rộng vuông vức, đôi môi rõ nét. Đặc biệt nhất là đôi chân trần đang bước đi: đôi chân bước theo đường chéo chữ V, điệu đà như đang đi catwalk, rồi ồ, chiếc bình bát trên tay sư sao ánh lên màu vàng óng ánh thế kia? Nó khác hẳn với những bình bát (có màu) bạc trên tay các sư còn lại.
Chả nhẽ chiếc bình bát khất thực cũng phải phân chia đẳng cấp thấp cao ư?
Xem xem: những chiếc cà sa vàng nghệ rực rỡ làm sao. Tất cả mười mấy chiếc y trên người đoàn sư từ rừng ra (và được chú thích là) đi khất thực vào mỗi sáng đều có cùng một sắc độ vàng tươi giống hệt như nhau. Chúng cũng đều mới tinh, phẳng phiu, không hề nhăn nheo, không hề sờn rách, không hề tưa mép, không hề lấm bẩn, không hề có góc nào bị phai nhạt hay đổi màu.
Những chiếc bình bát theo các sư đi khất thực hàng ngày, lội qua suối, đi dưới nắng mưa nhiều ngày cũng thế. Chúng tròn vo, sáng bóng, đẹp không tưởng. Giống như tà áo cà sa trên người các sư, chúng không hề bị một vết xước, cũ, méo, ố màu, mất lớp mạ ngoài… nào cả.
Nếu thực hành hạnh đầu đà trong rừng thời gian dài, mỗi ngày đều lội qua suối, băng mấy chục cây số đường rừng đi khất thực rồi lại lội mấy chục cây số trở về. Ngồi trên cỏ, ngồi gốc cây, ngồi tảng đá, giặt phơi y trên tảng đá hay thân cây… tất cả các dấu tích hư hoại đó đều sẽ in lại trên tấm cà sa. Nhất là nếu các sư tuân theo hạnh tam y, quanh năm chỉ đắp trên người một tấm y đó, rách hết chỗ vá mới thay y khác.
Thế nhưng… vi diệu thay!
Chúng ta cũng nhìn kỹ đôi gót chân đang nhón bước hình chữ V trên con đường rừng, hoặc đang nhẹ nhàng giẫm lên những tảng đá rung rinh trong lòng suối, trong mùa đông cắt da. Có lẽ các sư biết phép lột da, chứ khá nhiều những đôi gót chân ấy bộ hành đường rừng ấy vẫn mượt mà xinh đẹp, không hề chai sạn, không hề bị nứt nẻ ở gót.
Mấy chục vị tăng tu hạnh đầu đà “trong rừng sâu” “tu cho đến thành chánh quả mới được ra” như lời họ tự giới thiệu, hoặc chỉ được ra khỏi rừng khi chùa có Phật sự lớn cần giúp đỡ. Thế nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một túp lều bằng tranh tre, mái bạt, có cửa sổ, được giới thiệu là nơi tu tập của trụ trì khi ở trong rừng sâu. Ngoài ra, còn duy nhất một chiếc lều con con khác cũng dựng lên bằng bạt chống trên vài thanh tre nhỏ, được giới thiệu là nơi ngủ đêm của các tăng.
Vậy, trong mùa đông rét buốt của miền núi phía Bắc, nơi có khi nước gần đóng thành băng thì mấy chục vị tăng khác ngủ đêm ở đâu? Dưới gốc cây, trên triền đồi hay trên tảng đá ven suối?
Mỗi ngày đều phải trèo núi, lội suối đi mấy chục km mới ra được đến cửa rừng để đi khất thực, lại sống hành xác kham khổ như vậy mà trong các cảnh quay cận, sư nào cũng béo khỏe mượt mà, làn da không hề bị rám nắng mà trắng bóng đến phát sáng.
Các nhà sư chùa Ba Vàng nhận cúng dường từ Phật tử. Chùa Ba Vàng
Khéo léo thay bàn tay đạo diễn cho những chiếc video. Toàn bộ những cảnh quay từ cận cảnh đến toàn cảnh hay flycam từ trên xuống, không một cảnh nào là tự nhiên. Tất cả đều được chọn lựa và dàn dựng rất công phu từ góc độ, ánh sáng, màu sắc y phục và động tác, để mỗi cảnh đều đạt được ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Thế nhưng khéo quá hóa vụng. Tất cả các chi tiết quá đẹp đẽ hoàn mỹ đều quay lại phản chủ. Chúng kêu thét lên rằng đây là cảnh giả, mọi thứ trong đó đều là đạo cụ. Mấy chục vị sư đắp y ôm bình bát khuôn mặt trang nghiêm cũng đều đang diễn theo ý đồ trụ trì. Để quảng bá … “tự hiệu” nhà chùa.
Marketing, kêu gọi đầu tư, tài trợ cho chùa, hiện có ai giỏi hơn sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng nữa?
Quý vị cứ vào fanpage của chùa Ba Vàng để thán phục trình điều binh khiển tướng, tổ chức truyền thông, làm hình ảnh quảng cáo thượng thừa… của ông sư này.
Chùa Ba Vàng luôn luôn xuất hiện trong những hình ảnh đẹp đẽ, hoành tráng, lung linh nhất. Các sư trong chùa thì đạo hạnh, hy sinh, khiêm cung, thần thái ngời ngời. Thầy trụ trì thì vừa đẹp trai sáng láng vừa học thức, thông thạo cả cõi Phật lẫn cõi ma. Đặc biệt, những bức ảnh chụp thầy thường na ná các bức tranh trong truyện Phật. Cảnh chùa đẹp như cảnh tiên, đến chùa không mất tiền ăn tiền ở, lại tha hồ chụp hình khoe Facebook, thí chủ (thường là phụ nữ trung niên, có tiền và thời gian) mê thích đến rộn rã trong lòng ấy chứ.
Thế nhưng túi vàng của chùa Ba Vàng không nằm ở đó. Lớp vỏ long lanh đấy chính là miếng mồi thơm phức dắt dẫn người ta đến để sập bẫy giải nghiệp oan gia trái chủ mà thôi.
Người dân truyền miệng rất nhiều về việc muốn trụ trì chùa thì đều phải cúng tiền, từ vài trăm triệu trở lên cho các bậc bề trên trong giáo hội, cho đến các cơ quan chuyên trách tôn giáo ở địa phương.
Người viết không xác tín được tin đồn này, nhưng thực tế có những điều rất khó biện bạch ngược lại.
Như việc sư Thích Trúc Thái Minh cách đây vài năm đã phải sám hối đại tăng về hoạt động giải nghiệp oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng, nhưng hối xong, sư lại về chùa tiếp tục giải nghiệp, không nghỉ ngày nào. Các clip và bài viết trong đó chính sư Minh giảng giải về oan gia trái chủ, về nghiệp báo… vẫn chình ình trên các trang mạng chính thức của chùa Ba Vàng, họ chẳng thèm ẩn đi hay xóa bớt khi dư luận công kích. Bất cứ người nào đến chùa xin chữa bệnh, xin gia đình hết bất hòa, xin con cái đi thi đỗ đạt, chuyển cơ quan thành công, hay vợ đẻ con trai, hàng xóm không hát Karaoke ồn ào suốt ngày nữa… đều được bộ máy kinh doanh của chùa Ba Vàng tóm cổ vào phòng để giải oan gia trái chủ.
Oan làm sao? Trái như thế nào?
Thì, do thí chủ trong ba vạn chín nghìn kiếp trước đã từng đánh một con chuột, nên nó mang lòng thù hận, đi theo gây bệnh mõm nhọn cho thí chủ. Hoặc 3.976 kiếp trước, thí chủ là một con dế suốt ngày gáy oang oang trong góc nhà người khác khiến họ không ngủ được, vì vậy kiếp này chịu cảnh hàng xóm hát karaoke suốt đêm… Đại loại như thế, tất cả đều diễn trong muôn vạn kiếp trước của thí chủ, nên kiếp này chỉ có cúng dường tiền bạc thật nhiều, rất nhiều, vô cùng nhiều cho chùa Ba Vàng thì mới được các sư tăng giúp hóa giải oan trái ấy.
Người phàm nào có thể cãi lại chân lý vô lượng kiếp của bậc thầy đầu trọc mặc cà sa? Rất nhiều người đã bị choáng ngợp vì sự “đạo hạnh, xuất trần” của các sư “tu theo hạnh đầu đà” của chùa Ba Vàng, rồi u mê cun cút nộp tiền cho chùa để giải oan gia nghiệp chướng. Đến khi tiền hết, nhà bán, bệnh tật vẫn còn (hoặc nặng thêm) mới tỉnh ra, thì có khi đã muộn.
Dựa vào đâu sư Minh ngang nhiên, thách thức đến thế? Hỏi đã là trả lời.
***
Sư Minh Tuệ cầm nồi cơm điện bộ hành hồi năm 2022 và lòng bàn chân của ông. Facebook Thịnh Nguyễn
Hôm nọ, thấy sư Thích Minh Tuệ được Phật tử và người dân yêu quý, tôn kính quá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết công văn ấm ức khoe mình cũng có nhiều tăng ni đang tu theo hạnh đầu đà tại các chùa, cơ sở tự viện “theo đúng Chánh pháp và các quy định của pháp luật” (chứ không phải ông Thích Minh Tuệ của các vị đâu, ông này chẳng qua chỉ là một người dân thường đi lang thang!). Cơ mà cáu lắm, công văn phát ra đến hai lần mà chẳng Phật tử nào thèm quan tâm. Người dân cứ dõi theo, tán thán và kính ngưỡng ông sư chân đất áo vá, vì tuy ông nhất quyết không thừa nhận mình là một tu sĩ mà chỉ đang tập học, tập tu theo Đức Phật, nhưng lối sống của ông đã minh chứng cho những đức hạnh mà Đức Phật khuyên theo.
Soi vào ông, Phật tử và người dân càng trông thấy rõ bản chất của những kẻ cạo đầu gõ mõ mà miệng thì đòi Phật tử cúng tiền mệnh giá lớn tận tay, nếu không cả năm sẽ bị xui xẻo như sư Thích Chân Quang chùa Phật Quang, hay những trò biểu diễn “hạnh đầu đà” sặc mùi sân khấu và lòe bịp như kể trên tại chùa Ba Vàng.
Sư mô như thế mà xưng là tu theo hạnh đầu đà á? Hạnh đầu độc thì có!
Đầu độc trước hết chính bản thân những người xuất gia (thật hay giả vờ) đang vô tình hoặc cố ý tham gia vào trò lừa gạt của sư Thích Trúc Thái Minh, sau đó đầu độc Phật tử và người dân, đầu độc niềm tin vào Phật giáo và đầu độc xã hội.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.