VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

RFI - 1

Việt Nam : Ai sẽ thay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

Đăng ngày: 10/06/2024 - 15:33 - RFI

“Tứ Trụ” Việt Nam tạm ổn sau những bất ngờ liên tiếp về nhân sự, đặc biệt với việc hai chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc Hội lần lượt từ chức. Giới quan sát quốc tế lưu ý là những xáo trộn trong thượng tầng lãnh đạo không phải là chuyện lạ trước mỗi kỳ Đại Hội đảng nhưng lần này là “chuyện chưa từng có trong lịch sử”, công khai hơn và chưa có dấu hiệu chấm dứt vì còn 19 tháng nữa mới tới Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIV với việc bầu tổng bí thư mới.

RFI-01-05

Ảnh minh họa từ trái sang phải : thủ tướng Phạm Minh Chính, phó chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn, bộ trưởng Công An Tô Lâm vào viếng chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên họp của Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/05/2024. AP - Hau Dinh

Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị tổng bí thư đảng ? Câu hỏi này được truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt kể từ khi Quốc Hội phê chuẩn thay đổi nhân sự vào tháng 05/2024 : ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc Hội, bộ trưởng Công An Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, bà Trương Thị Mai được cho thôi làm đại biểu Quốc Hội và các chức ủy viên bộ Chính Trị, ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bà Mai là ủy viên bộ Chính Trị thứ 6 phải từ chức từ năm 2022 trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng.

Tiêu chí ứng viên : Hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ trong bộ Chính Trị

Bộ Chính Trị hiện nay có 16 ủy viên, thay vì 18 như đầu Đại Hội lần thứ XIII của Đảng năm 2019, với 4 ủy viên mới được bầu bổ sung trong tháng 05/2024. Trong số này chỉ có 12 ủy viên có thể đáp ứng được yêu cầu tiên quyết là hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm trong bộ Chính Trị để được đề cử làm tổng bí thư.

Trong số này, hai vị trí trong “Tứ Trụ” được đề cấp nhiều nhất, gồm chủ tịch nước Tô Lâm, thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai “ứng viên nổi bật” này đều sẽ quá tuổi nghỉ hưu theo quy định là 65 khi diễn ra Đại Hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dự kiến vào tháng 1/2026 nên sẽ cần được coi là “trường hợp đặc biệt”.

Ông Tô Lâm được các nhà quan sát về chính trị Việt Nam cho là “đang trên đường hướng tới chiếc ghế tổng bí thư”, đặc biệt là vị trí bộ trưởng Công An đã được giao cho cộng sự thân tín của ông là thứ trưởng Lương Tam Quang, theo ghi nhận của trang The Diplomat ngày 07/06. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Futaba Ishizuka, Viện Kinh tế Phát triển JETRO, lưu ý trên trang Nikkei ngày 22/05 : “Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong bộ Công An sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành tổng bí thư hay không”.

Trong loạt bài tổng hợp về “Sự thay đổi lãnh đạo ở Việt Nam” (Leadership change in Vietnam), giáo sư danh dự Carl Thayer, Đại học New South Wales, cho rằng “việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước có thể được hiểu theo hai cách : ông được đưa lên vị trí chủ yếu mang tính hình thức và giữ chức đến cuối nhiệm kỳ vào tháng 05/2026. Hoặc chức chủ tịch nước có thể được coi là bàn đạp cho vị trí tổng bí thư”. Tuy nhiên, ông Tô Lâm “phải vượt qua được 5 cửa ải” :

“Thứ nhất, thông thường tổng bí thư hiện tại đề cử người kế nhiệm. Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV, hiện do tổng bí thư Trọng đứng đầu, phải cân nhắc và phê chuẩn ông Tô Lâm làm ứng viên. Ông cũng phải được coi là “trường hợp đặc biệt” vì sẽ quá 65 tuổi theo quy định nghỉ hưu.

Chặng thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) hiện nay phải phê chuẩn đề xuất của tiểu ban nhân sự hoặc đạt được đồng thuận về người kế nhiệm. Tiến trình này thường kéo theo nhiều cuộc thăm dò ngẫu nhiên trước khi bỏ phiếu chính thức. Ví dụ, năm 2020, tổng bí thư Trọng đề cử ông Trần Quốc Vượng nhưng ông Vượng đã không nhận được đa số phiếu và cuối cùng là đạt được đồng thuận để ông Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Tóm lại, ông Tô Lâm có hai hướng để đi đến thành công ở chặng hai. Hoặc việc đề cử ông được chấp nhận hoặc ông trở thành một ứng viên được đồng thuận.

Chặng thứ ba, ông Tô Lâm phải nhận được đa số phiếu từ hơn 1.500 đại biểu Đại hội XIV để được bầu vào BCHTƯ mới. Chặng thứ tư, BCHTƯ mới phải bầu ông Tô Lâm vào bộ Chính Trị. Và khi lựa chọn xong bộ Chính Trị, BCHTƯ mới phải bầu ông Tô Lâm làm tổng bí thư”. (1)

Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Carl Thayer, hành trình sẽ không hoàn toàn thuận lợi cho ông Tô Lâm vì ông không được ủng hộ cao, bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc Hội bầu và phê chuẩn năm 2023, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp. Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên đồng thuận nội bộ, trong khi ông Lâm lại là một ứng viên gây chia rẽ.

Ứng viên nặng ký thứ hai cho chức tổng bí thư đảng là thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong “Tứ Trụ” hiện vẫn đứng vững. Giáo sư Zachary Abuza, trường National War College (Mỹ), nhận định trên trang Al Jazeera ngày 22/05 rằng sau khi rời ghế bộ trưởng Công An, ông Lâm “khó có thể hạ được ông Phạm Minh Chính”.

Một nhân vật mới cũng gây chú ý là đại tướng Lương Cường, vừa được bổ nhiệm tham gia Ban Bí thư và chức vụ Thường trực Ban Bí thư. Dường như ông Tô Lâm đã không gây được sức ép để trợ lý thân cận của ông là thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thay thế vị trí của bà Trương Thị Mai. Theo giáo sư Carl Thayer, việc bổ nhiệm tướng Lương Cường “nên được xem như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của một liên minh chống lại sự trỗi dậy của ông Tô Lâm hơn là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

“Ông Lương Cường là ủy viên BCHTƯ từ Đại hội XI. Ông đã hoàn thành nhiệm kỳ đầu ở bộ Chính Trị, đây là điều kiện tiên quyết cho vị trí tổng bí thư. Ông Cường sinh năm 1957 ở tỉnh Phú Thọ, miền bắc Việt Nam, cũng là một lợi thế chính trị. Tuy nhiên, ông sẽ 69 tuổi khi diễn ra Đại hội XIV, có nghĩa là nhiều hơn 4 tuổi theo quy định nghỉ hưu. Cho nên ông cũng cần được coi là “trường hợp đặc biệt”.

Về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành tổng bí thư tương lai. Nhiều tin đồn cho rằng quân đội đang gây sức ép để thanh tra tập đoàn Xuân Cầu (CTCP Xuân Cầu Holdings với công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand)) do em trai của ông Tô Lâm điều hành”. (2)

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yosof Ishak Institute, Singapore), cũng cho rằng tướng Lương Cường có thể là một một ứng viên đáng chú ý, nhất là khi ông được “lịch sử ủng hộ”, ý muốn nói đến trường hợp ông Lê Khả Phiêu nhậm chức tổng bí thư từ vị trí thường trực bộ Chính Trị - tương đương với vị trí thường trực ban bí thư hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam chưa từng có tổng bí thư nào xuất thân từ ngành công an.

Ngoài ra, theo giáo sư Carl Thayer, căn cứ vào việc bổ nhiệm nhân sự mới đây, có thể có thêm hai ứng viên tiềm năng khác là Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn.

“Cả hai sẽ chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định và đều có một nhiệm kỳ 5 năm bắt buộc ở bộ Chính Trị. Ông Mẫn vừa được bầu làm chủ tịch Quốc Hội. Vị trí này từng là bàn đạp cho cả hai nhà lãnh đạo đảng là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Ông Tú, thuộc nhánh Nghệ An, là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng”. (3)

Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer cũng lưu ý đến một tiêu chí “ngầm” khác là nguyên quán của ứng viên cho chức tổng bí thư, thường là người miền Bắc.

Tổng bí thư đương nhiệm đề cử ứng viên thay thế

Thông thường, tổng bí thư đương nhiệm là người đề cử tên người kế nhiệm. Giám đốc nghiên cứu Benoit de Tréglodé, trường Quân sự Pháp, nhận định với RFI Tiếng Việt rằng có lẽ ông Trọng chưa tìm ra được người kế nhiệm vì đích thân ông làm trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại Hội XIV. Tuy nhiên, tổng bí thư không phải là người toàn quyền quyết định vì đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc tập thể. Thêm vào đó, việc ông Thưởng bị buộc từ chức chủ tịch nước, trong khi ông được coi là người được tổng bí thư che chở, cho thấy ảnh hưởng của ông Trọng đã bị suy giảm phần nào. Giáo sư Carl Thayer nhận định :

“Cần nhớ lại rằng ông Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đảng XIII vào đầu năm 2021 và đề cử ông Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm. Nhưng trong cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương tháng 11/2020, ông Vượng đã không hội đủ được đa số ủng hộ và đã bỏ cuộc. Do đó, ông Trọng không phải là người có quyền lực không thể tranh cãi trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái (2023), kế hoạch cho Đại hội đảng lần tới đã được triển khai. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban nhân sự, phụ trách lựa chọn và bổ nhiệm những ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội XIV vào đầu năm 2026. Ông Trọng đã chịu nhiều phản ứng tiêu cực vì cách tiếp cận mang tính độc đoán hoặc thiếu đồng thuận.

Vấn đề sức khỏe của ông hiện nay cũng đánh dấu chấm dứt thời kỳ giữ chức tổng bí thư của ông. Những người được lợi hoặc những người đã tận sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, hiện rất chú ý đến việc duy trì ảnh hưởng của họ trong những tháng tới. Bàn tay của ông Trọng suy yếu vì ông Thưởng phải từ chức. Nếu ông Trọng muốn bảo vệ di sản chống tham nhũng và xây dựng đảng, từ giờ ông sẽ phải mặc cả với những “nhóm lợi ích” khác”. (4)

Những nỗ lực chống tham nhũng của tổng bí thư Trọng đáng được hoan nghênh nhưng giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng ông Trọng phải cáng đáng trách nhiệm trong việc giám sát tiến trình lựa chọn nhà lãnh đạo sau này bị phát hiện là “giống như những trái táo thối”. Việc ông đứng đầu tiểu ban nhân sự cũng có thể được hiểu là ông muốn chuộc lỗi để lựa chọn khắt khe ứng viên cho các vị trí lãnh đạo sắp tới. Gần 20 tháng trước kỳ Đại Hội có thể được coi là giai đoạn hỗn loạn nếu ông Tô Lâm tìm cách lãnh đạo Đảng nhưng lại bị những người không muốn ông thăng tiến phản đối. Cuộc đấu tranh nội bộ chưa có hồi kết, rất có thể sẽ tiếp tục cho tới Đại Hội lần thứ XIV của Đảng.

*****

(1) Background Brief (Tóm tắt tình hình), Thayer Consultancy, ngày 19/05/2024.

(2) Background Brief, ngày 20/05/2024.

(3) Background Brief, ngày 20/05/2024.

(4) Background Brief, ngày 21/05/2024.

🔝

Việt Nam: Báo động về mất cân bằng giới tính khi sinh

Đăng ngày: 15/05/2024 - 13:22 - RFI

Năm 2023, tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, tức là 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên là khoảng 105/100, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa được công bố đầu năm nay. Năm 2022, tỷ số này là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, đã được đánh giá nghiêm trọng, thế mà năm 2023 còn tiếp tục tăng thêm.


Trẻ em Việt Nam, trai nhiều hơn gái © RFI

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức đối với Việt Nam từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 bé trai/100bé gái.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thuộc Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước, nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Xét ở phạm vi vùng kinh tế-xã hội, vào năm 2006 chỉ mới có 3/6 vùngmất cân bằng giới tính khi sinh, đến năm 2021 cả 6/6 vùng đều bị mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính ngay ở lần sinh đầu tiên. Tình trạng mất cân bằng giới tính này đưa Việt Nam vào trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất. Theo một báo cáo năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc ( UNFPA ), riêng tại châu Á, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Riêng tại Việt Nam, tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam và là nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh. Nguyên nhân thứ hai lạm dụng khoa học – công nghệ. Ngoài ra, các quy định pháp luật chưa được thực thi nghiêm làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/01/2024, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) ghi nhận:

“ Thứ nhất là người Việt Nam mình thờ cúng tổ tiên và dòng họ thì theo họ bố. Tâm lý dòng họ vẫn là tâm lý rất nặng. Cha em thì trông chờ vào sự chăm sóc, sự nối dõi khi về già của người con trai gia đình. Vẫn có tâm lý là nếu không đẻ được con trai thì giống như là không làm tròn bổn phận đối với dòng họ, tổ tiên. Tâm lý đó còn rất nặng kể cả đối với những người ở thành phố, kể cả những người có học hành, có trình độ rất cao.

Bây giờ còn có thêm một yếu tố, đó là các phương tiện để giúp người ta tìm kiếm sinh đẻ với giới tính theo ý muốn. Người ta có thể sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau, kể cả các kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật hiện đại để đạt được điều đấy.

Đấy là một trong những yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc tỷ lệ con trai sinh ra vẫn nhiều hơn con gái”.

Một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2014 cho biết những gia đình mà vợ chồng có học vấn càng cao và kinh tế càng khá giả thì càng thích con trai. Một số thay đổi gần đây cũng góp phần làm trầm trọng thêm hiện tượng này như tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt các công nghệ sinh sản hiện đại và chi phí phải chăng, cho phép nhiều người tiếp cận.

Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA, cũng ghi nhận:

“ Luật pháp không cho phép, tuy nhiên người ta vẫn dùng muôn vàn thủ thuật để đạt được điều người ta muốn mà luật pháp không biết, ví dụ như các phương pháp truyền thống mà người ta truyền miệng với nhau để sinh được con trai, người ta có thể ra nước ngoài, tìm ra các kỹ thuật. Nói chung là có rất nhiều cách để lách luật, chứ luật pháp Việt Nam không chấp nhận việc sàng lọc giới tính khi sinh và không chấp nhận bác sĩ hoặc người làm siêu âm thông báo giới tính của thai nhi. Luật pháp đã cấm từ lâu rồi, nhưng người ta vẫn làm được việc đấy.”

Theo báo mạng vnExpress ngày 8/10/2022, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chọn làm thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – viết tắt là IVF) để sinh cho bằng được một đứa con trai dù biết lựa chọn giới tính thai nhi là trái pháp luật. Đây là phương pháp sàng lọc và xét nghiệm phôi hiện đại, có thể xác định được giới tính phôi trước lúc chuyển vào cơ thể người mẹ.

Tờ báo này cho biết, hơn chục năm trước, những người muốn làm IVF hầu hết phải sang Thái Lan, Singapore với chi phí cả tỷ đồng. Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo về thụ tinh ống nghiệm của khu vực, chi phí IVF tại hơn 40 trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc dao động trong khoảng từ 70 đến 100 triệu đồng, chỉ bằng 20-25% các nước. Từ năm 2017 trở đi, số ca IVF thực hiện mỗi năm ở Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả nước có gần 35.000 ca IVF được thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng mất cân bằng giới sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2034, nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi 15-49. Đến năm 2059, dự báo con số này sẽ là 2,5 triệu. Nếu kịch bản này xảy ra, rất có thể Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu cô dâu” như Trung Quốc và Ấn Độ. Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh chia sẽ mối quan ngại đó.

" Các nhà khoa học đã nói nhiều rồi: Trong một xã hội mà số nam giới nhiều quá thì nhìn sang các nước hàng xóm thì chúng ta đã thấy, đến khi tỷ lệ nam giới thừa nhiều quá thì ngay cả việc tìm được một người bạn đời cũng không phải là dễ, thậm chí có nhiều nước mà mọi người phải tìm cách để có được những cô dâu từ nước ngoài.

Thêm vào đó có thể còn có tình trạng xâm hại tình dục, cưỡng hiếp mà mọi người cũng đã nói khá nhiều rồi. Tôi nghĩ là sẽ còn những hệ lụy khác khi xã hội có sự mất cân bằng cao về giới tính, dồn đến một thời điểm nào đó thì sẽ bùng nổ."

Trước tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng như vậy, theo bà Nguyễn Vân Anh, về lâu dài phải đẩy mạnh việc truyền thông theo hướng làm thay đổi cái nhìn của xã hội đối với phụ nữ:

"Khi làm truyền thông, mình cũng đã tranh luận rất nhiều với những người làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Mình không thể truyền thông là hãy ngừng việc lựa chọn giới tính thai nhi. Truyền thông như thế không giải quyết được vấn đề, mà cần làm rõ hình ảnh của người phụ nữ trong xã hội là phải như thế nào.

Nếu chúng ta nhìn thấy nhiều phụ nữ giỏi giang, có thể quản lý được cuộc đời mình và có thể có đời sống hạnh phúc, cũng như có thể thành công không kém gì nam giới, thì người ta sẽ thấy là nam giới và nữ giới không có khoảng cách. Nhưng nếu người ta chỉ nhìn thấy phụ nữ bị bạo lực, đời sống phải lệ thuộc, bị coi thường, thì người ta sẽ nghĩ rằng sinh ra làm phụ nữ rất là khổ. Nếu không chú ý điều đó, thì truyền thông của mình vẫn là sai.

Cho nên, trong chương trình truyền thông của SCAGA trong thời gian dài, chúng tôi tập trung vào hình ảnh những phụ nữ và những nữ thanh niên thành đạt. Tại các trường thì ở cấp 3 khi hướng nghiệp, người ta thường nói là con gái thì không cần học nhiều, chỉ cần lấy được chồng tốt.

Nhưng khi đến các trường, chúng tôi đem đến những tấm gương của nhiều phụ nữ thành đạt: người thì là cảnh sát quốc tế, người thì là cung thủ, kiếm thủ, hoặc là nhà bảo tồn động vật hoang dã đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Các em và các phụ huynh mới thấy: “ Ơ, phụ nữ cũng làm được những nghề này à? Thế mà từ trước đến giờ mình không biết!”. Các thầy cô giáo cũng thấy: “À, mình có thể hướng cho các em tự chọn theo khát vọng của các em, chứ không phải dựa vào giới tính của các em để tự định ra một cái khuôn là phụ nữ nên làm nghề này và nam giới nên làm nghề này.

Nhưng tất cả những điều ấy sẽ khích lệ về lâu dài, chứ sự mất cân bằng giới tính thì không thể xóa bỏ một sớm một chiều được.”

Thật ra thì đây là một hiện tượng phổ biến ở rất nhiều nước. Phát biểu tại một hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính giới tính khi sinh, diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 10/2022, ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA, đã nêu bật: "Hiện có hơn 140 triệu phụ nữ 'bị thiếu hụt' trên khắp thế giới do tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính".

🔝

Tác động của kênh đào Funan Techo: Tranh cãi trong giới chuyên gia Việt Nam

Đăng ngày: 20/05/2024 - 11:28 - RFI

Kể từ khi chính phủ Cam Bốt công bố kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo ( Phù Nam Techo ), chính phủ Việt Nam và một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về tác động của dự án này đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giới chuyên gia Việt Nam lại không đồng nhất ý kiến về tác động thật sự của kênh đào Funan Techo, nhất là đối với lưu lượng của các con sông tại vùng đồng bằng này.

RFI-01-03
Ảnh minh họa: Một tàu chở cát trên sông Mekong tại khu vực Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 01/08/2022. AP - Heng Sinith

Về mặt giao thông, với kênh đào này, dự án 1,7 tỷ đôla do Trung Quốc tài trợ, hàng hóa từ thủ đô Phnom Penh sẽ được vận chuyển thẳng đến các cảng trên Vịnh Thái Lan, không đi vòng qua Việt Nam nữa.

Theo thông tin từ phía Cam Bốt, kênh đào Funan Techo sẽ có chiều dài khoảng 180 km, đi qua 4 tỉnh ( Kandal, Takeo, Kampot và Kep) với tổng dân số sinh sống hai bên ven sông là 1,6 triệu người. Dự án cũng sẽ xây dựng 3 âu thuyền để duy trì mực nước, 11 cây cầu và 208 km đường mới kèm theo.

Theo thiết kế, kênh Funan Techo sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu 5,4m. Dự kiến kênh đào sẽ được khởi công vào khoảng cuối năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này được ước lượng là 7 triệu tấn/năm.

Chính phủ Hà Nội đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về tác động của kênh đào Funan Techo đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về ý kiến của các chuyên gia, theo báo chí trong nước, tại hội nghị tham vấn về Dự án kênh đào Funan Techo, do Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức ngày 23/4 ở Cần Thơ, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp của Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, lưu ý là báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt (CNMC) chỉ đề cập đến chức năng của kênh Funan Techo như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy, mà lại không đề cập đến các chức năng khác, cụ thể không nói rõ là kênh có phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, lấy nước sinh hoạt hay không và mức độ khai thác thế nào.

Theo ông Lê Anh Tuấn, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mekong và có tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước của sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm nghiêm trọng hơn những năm khô hạn. Bên cạnh đó, kênh đào Funan Techo được cho là sẽ có tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học của vùng này.

Cũng tại hội nghị nói trên, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhắc lại, từ Phnom Penh, dòng chảy sông Mê Kông có phân lưu sông Bassac ( Hậu Giang, theo tên Việt Nam ), phân chia dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu. Khi kênh đào Funan Techo đi vào hoạt động, dòng chảy sông Mekong sẽ phân chia thêm một lượng nước về sông Bassac, làm giảm dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (Tiền Giang ), dẫn đến khả năng là nguy cơ thiếu hụt lượng nước trong mùa khô ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác như giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, thì không tin vào kịch bản nói trên:

“Theo tôi và một số anh em trong ngành thủy lợi, mình không nên lo lắng nhiều quá, tại vì sông Mekong chảy từ Tây Tạng qua Vân Nam ( Trung Quốc ), Lào, Thái Lan, Cam Bốt, rồi mới đổ vào Việt Nam. Nếu có dịp đi dọc theo sông Mekong ta sẽ thấy dòng sông này, sau Lào, khi xuống tới đoạn Cam Bốt qua Việt Nam, có những khúc không đi tàu được, vì nhiều đoạn chỉ là ghềnh thác hoặc đá sỏi. Cho nên, trong thực tế, những nước phía trên Việt Nam không tận hưởng được nước như tại đồng bằng sông Cửu Long của mình, vì mặt đất ruộng của họ cách mặt nước của dòng sông khá là xa, có nơi tới mười mấy, hai chục mét, thành ra không cách chi mà lấy nước để mà tưới được.

Mực nước sông Mekong khi vào Việt Nam thì cách mặt đất ruộng chỉ khoảng 1 mét, cho nên mình hưởng nước này gần như trọn vẹn hơn các nước phía trên. Sông Cửu Long khi xuống tới Việt Nam thì dòng Tiền Giang trở nên rất là mạnh, trong khi Hậu Giang chảy rất yếu. Do đó, thiên nhiên cũng tạo ra sông Vàm Nao, tách ra từ Tiền Giang, đổ xuống dưới,chảy vào Hậu Giang. Cụ thể là trong mùa mưa, mùa lụt, lưu lượng của nước từ Tiền Giang tràn qua phía Hậu Giang, tạo thành sông Vàm Nao.

Trước năm 1974, lưu lượng của sông Cửu Long đo tại Kratie bên Cam Bốt trong mùa nước lớn là khoảng 40.000 m3/giây, nhưng tới mùa nắng, mùa khô thì còn tối đa là 2.000 m3/giây. Nhưng sau năm 1974 cho tới những năm gần đây, lưu lượng mùa khô tăng lên thành 2.300 m3/giây, chứng tỏ là nó có nhiều nước hơn trong lúc này. Tuy nhiên, khi vào đến Phnom Penh, khi Mekong chảy thành hai đoạn, thì kênh đào Funan Techo sẽ lấy nước từ Hậu Giang, tức là sông yếu hơn của Mekong. Thành ra, những người lo lắng, bi quan thì nói là nó sẽ lấy nước đồng bằng sông Cửu Long ít nhất là từ 50% đến 70%, thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ khô hạn hết. Tôi và một số chuyên gia về thủy lợi thì không tin điều đó, tại vì sông Tiền Giang từ xưa đến nay luôn luôn là rất mạnh. Bây giờ dù phía Cam Bốt có lấy nước đi nữa, thì nó cũng còn ở phía trên, còn bên mình thì nước chảy xuống những cao độ thấp hơn bên đó, cho nên mình vẫn có thể hưởng được dòng Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang qua sông Vàm Nao để đổ vào hệ thống Hậu Giang.”

Thật ra thì một số chuyên gia lo lắng là vì đối với họ, báo cáo của Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt về kênh đào Funan Techo “chưa phân tích đầy đủ, chưa thể hiện hết các mặt của sự tác động”. Vì thế, họ yêu cầu phía Cam Bốt chia sẻ minh bạch các thông tin chi tiết về dự án bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án. Họ cũng đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế cần hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động.

Riêng đối với giáo sư Võ Tòng Xuân, phía Cam Bốt cần phải cung cấp thêm một số thông tin để có thể đánh giá tác động của kênh đào Funan Techo đối với lưu lượng các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long:

“Thật sự lưu lượng nước lấy từ sông Hậu Giang bên phía Cam Bốt để cung cấp cho kênh đào này không quá nhiều như là nhiều người đang lo. Trái lại, nó sẽ lấy vừa phải, bởi vì bản thân dòng nước này đã yếu rồi. Bây giờ mình sẽ hỏi thêm là họ có đào thêm một con kênh mới để nối Tiền Giang với Hậu Giang để đưa xuống con kênh này hay không, thì mình sẽ biết rõ ràng hơn, chắc chắn hơn là họ lấy bao nhiêu nước. Đến chừng đó mình mới dám kết luận là kênh Funan Techo có làm hại cho lượng nước xuống đồng bằng sông Cửu Long của mình hay không? Bây giờ mình chỉ mới nói theo cảm tính thôi, chứ còn số liệu cụ thể thì chưa có"

Về phía chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 05/05/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng đã ra lời kêu gọi với phía Cam Bốt:

“Chúng tôi mong rằng Cam Bốt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong" .

Đáp lại những quan ngại nói trên, chính phủ của thủ tướng Hun Manet vẫn không thay đổi lập trường, đó là họ sẽ tiến hành xây dựng kênh đào Funan Techo mà không cung cấp thông tin chi tiết về dự án này cho phía Việt Nam. Theo nhật báo Khmer Times, trong một cuộc họp báo với các phóng viên trong nước vào ngày 07/05, phó thủ tướng Sun Chanthol khẳng định dự án kênh đào "chỉ cần 5 mét khối mỗi giây (m3/s), tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong", tức là sẽ không gây tình trạng thất thoát nước. Ông còn khẳng định khi đi vào hoạt động, kênh đào "sẽ góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam".

Ông Chanthol cho biết đã tham khảo Hiệp định Mekong năm 1995, quy định rằng các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của sông Mekong, bao gồm cả Tonle Sap, phải được “thông báo” cho Ủy ban Hỗn hợp. Cam Bốt đã thông báo cho ủy ban này vào ngày 08/08/2023. Nhưng phó thủ tướng Chanthol nhấn mạnh : “Cam Bốt không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong ( MRC)”.

Phó thủ tướng Cam Bốt ngược lại đã chỉ trích Hà Nội khi nêu lên dự án cải tạo kênh Chợ Gạo ở miền Nam Việt Nam và khẳng định là phía Việt Nam "thậm chí còn không thông báo về dự án này cho Ủy hội sông Mekong”.

Cũng theo Khmer Times, cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, hôm 16/05 thậm chí còn kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà hãy tiến hành xây kênh đào Funan Techo càng sớm càng tốt để chấm dứt những tranh luận chung quanh dự án này.

🔝

Tại sao Việt Nam không nhập vũ khí lớn năm 2023 ?

06/05/2024 - 07:46 - RFI

Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội từ ngày 10-22/12/2024. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam mở rộng tiếp xúc, tìm đối tác mới trong bối cảnh Nga - nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Hà Nội - vẫn bị trừng phạt do gây chiến ở Ukraina. Dù có ngân sách mua sắm vũ khí hàng năm khoảng 1 tỉ đô la, Việt Nam đã không ký bất kỳ hợp đồng nào năm 2023.

RFI-01-02
Ảnh tư liêu : Bộ đội Việt Nam tham gia diễu binh Ngày Quốc Khánh 02/09/2015 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. AP - HAU DINH

Trong báo cáo ngày 11/03/2024, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) cho biết Hà Nội chỉ nhận một tầu hộ tống loại biên do Ấn Độ tặng. Giáo sư Carl Thayer cho rằng « Trung Quốc sẽ gia tăng lợi thế về sức mạnh quân sự quy ước nếu Việt Nam tiếp tục giậm chân tại chỗ ».

Tại sao Việt Nam không nhập khẩu vũ khí năm 2023 ? Năng lực quốc phòng của Việt Nam sẽ bị tác động như nào ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.


RFI : Viện SIPRI cho biết Việt Nam gần như không mua vũ khí trong năm 2023. Cần hiểu sự kiện này như thế nào ?

Nguyễn Thế Phương : Có nhiều lý giải cho sự kiện lần này. Thứ nhất, phải đặt trong bối cảnh là cuộc chiến Nga-Ukraina đang diễn ra hết sức khốc liệt. Có thể nói Nga là đối tác cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam. Việc Nga bị vướng vào cuộc chiến, bị phương Tây cấm vận và khả năng các quốc gia mua vũ khí của Nga sẽ bị cấm vận, đặt Việt Nam trong một tình thế khá là khó khi mà Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, hầu như là không thể mua sắm các loại vũ khí mới.

Nhưng nếu nhìn lại trong báo cáo, ngân sách quốc phòng của Việt Nam vẫn tăng. Vậy có thể hiểu như thế nào ? Ngân sách dành cho mua sắm vũ khí nước ngoài giảm xuống, chủ yếu vẫn là do cuộc chiến Nga và Ukraina và những vấn đề phức tạp địa-chính trị. Nhưng các chi tiêu khác cho quân đội vẫn gia tăng : Chi tiêu cho lương bổng, hỗ trợ, hành chính ; Chi tiêu liên quan đến vấn đề bảo trì-bảo dưỡng vũ khí ; Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học. Đặt nghiên cứu này trong bối cảnh Việt Nam đã hướng tới ưu tiên phát triển một tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai nên việc Việt Nam đầu tư, chi nhiều tiền vào nghiên cứu và phát triển cũng là việc hiển nhiên. Chưa kể đến việc sắp tới quy mô quân đội sẽ diễn ra nhiều thay đổi, ví dụ lục quân tái cấu trúc, chuẩn bị đầu tư một số dự án phát triển mới, do đó ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng lên.

Thứ ba, hiện nay, tỉ lệ ngân sách quốc phòng trên tổng GDP của Việt Nam là dưới 3%. Trong tương lai, khi GDP tăng lên, rõ ràng số tuyệt đối về ngân sách quốc phòng sẽ phải tăng theo. Tỉ trọng chi tiêu quốc phòng so với GDP sẽ tăng. Và hai cái tăng này sẽ làm cho chỉ số tuyệt đối tiếp tục tăng mạnh hơn trong tương lai. Như báo cáo của SIPRI, tới năm 2030, tổng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ là từ 10 đến 12 tỉ, chưa kể những chi tiêu mà Việt Nam không đưa vào ngân sách quốc phòng chính thức nhưng có liên quan đến quân đội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kinh tế của quân đội, ví dụ những tập đoàn kinh tế quân đội. Con số đó sẽ nhiều hơn 12 tỉ. Đó là lý do giải thích cho việc ngân sách quốc phòng của Việt Nam sắp tới sẽ vẫn tiếp tục tăng, nhưng chi tiêu cho mua sắm vũ khí nước ngoài sẽ giảm. Và hiện tượng đó bắt đầu từ cuộc chiến Nga và Ukraina năm 2022.

RFI : Sự sụt giảm này có thể tác động như thế nào đến khả năng phòng thủ của Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trong vùng, theo như đánh động của một số chuyên gia ?

Nguyễn Thế Phương : Việc này sẽ tác động tương đối lớn tới khả năng Việt Nam có thể tiến hành hoặc tham gia vào một cuộc xung đột cường độ cao, bởi vì quân đội là một mắt xích rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống quốc phòng, cũng như các lực lượng vũ trang và họ sẽ là lực lượng gánh vác sứ mệnh cao nhất khi có xung đột cường độ cao xảy ra.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, các lực lượng như hải quân, không quân, một số lực lượng tác chiến điện tử, lực lượng đặc biệt… sẽ được hiện đại hóa ngay lập tức. Mục tiêu này cho đến năm 2030 chắc chắn sẽ bị tác động tương đối lớn bởi cuộc chiến Nga-Ukraina, vì Nga là đối tác quốc phòng và an ninh quan trọng nhất của Việt Nam trong mua bán vũ khí, đặc biệt là những vũ khí lớn, ví dụ xe tăng, máy bay, tàu chiến.

Quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ nước ngoài đã diễn ra trước cuộc chiến Nga-Ukraina, nhưng còn chậm. Tuy nhiên, sau khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraina, quá trình này bắt đầu được đẩy nhanh hơn, với việc Việt Nam tiếp xúc với rất nhiều đối tác quốc phòng khác ngoài Nga, mà không phải là truyền thống. Đối tác truyền thống có có Israel, Ấn Độ. Bây giờ, Việt Nam bắt đầu mở rộng ra, có Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác ở Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có tiếp xúc.

Sự kiện này cho thấy rằng Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nguồn cung nhưng không tiến triển nhanh được, cũng sẽ phải có một khoảng thời gian để Việt Nam có thể làm quen, tiếp xúc, để thay đổi một số cấu trúc bên trong quân đội để có thể thích ứng quá trình mới. Nhưng hiện nay, Việt Nam đầu tư cho các lực lượng, đặc biệt là các lực lượng hàng hải, ví dụ hải cảnh, dân quân biển, kiểm ngư, bởi vì trong nhãn quan của quân đội Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, mối nguy hại cao nhất vẫn là những điểm nóng xung đột cường độ thấp.

Cường độ thấp ở đây là gì ? Có thể hiểu một cách nôm na là chiến lược hoặc là chiến thuật « vùng xám » của Trung Quốc, có thể nhìn thấy rõ nhất thông qua những gì Trung Quốc đang làm với Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Đó chính là xung đột cường độ thấp. Trung Quốc không sử dụng hải quân, không đe dọa tiến hành chiến tranh xâm lược vào lãnh thổ của một nước khác. Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, họ chỉ sử dụng các lực lượng hải cảnh, dân quân biển để tăng cường sức ép lên quốc gia nhỏ hơn liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Quân đội Việt Nam hiện nay ưu tiên kiểu này nhiều hơn, bằng chứng là họ đầu tư rất nhiều cho lực lượng hải cảnh, dân quân biển, kiểm ngư.

Trước mắt, quá trình hiện đại hóa không quân và hải quân, tức là những lực lượng chuyên biệt đối phó với các xung đột cường độ cao sẽ bị chững lại. Nhưng với ưu tiên quốc phòng của Việt Nam hiện nay, sự chững lại đó là chấp nhận được khi mà khả năng xảy ra xung đột cường độ cao không có nhiều. Hiện nay, mối đe dọa chủ quyền và an ninh lớn nhất đối với Việt Nam là các xung đột cường độ thấp do Trung Quốc gây ra. Vì thế hiện nay, song song với việc vẫn tiếp tục những yếu tố như quan hệ với các quốc gia, mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, đầu tư vào công nghiệp quốc phòng nội địa, thì một phần nguồn lực quốc phòng sẽ đầu tư ngược lại cho các lực lượng chuyên đối phó với các xung đột cường độ thấp.

RFI : Việt Nam chú trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Lĩnh vực này hiện đáp ứng được đến mức nào nhu cầu của quốc phòng Việt Nam ?

Nguyễn Thế Phương : Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đã liệt kê ra một số mũi nhọn mà ngành công nghiệp quốc phòng và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam sẽ cố gắng đáp ứng trong tương lai. Danh mục đó khá là dài, nhưng tóm tắt lại thì có thể nói hiện nay, Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí liên quan đến bộ binh, như súng đạn, lựu đạn, pháo hoặc một số yếu tố liên quan đến công nghệ cao, tác chiến điện tử, thiết bị không người lái thì Việt Nam cũng dần dần tiếp cận được. Hoặc trong lĩnh vực đóng tàu, các loại tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển, thì ngành công nghiệp đóng tàu nội địa Việt Nam, cả dân sự lẫn quân sự, đều đã có khả năng đóng những lớp tàu đó.

Nhưng vấn đề ở đây là những loại thiết bị công nghệ cao thì hiện giờ Việt Nam vẫn hoàn toàn phải nhập khẩu, đặc biệt là các loại công nghệ nền và công nghệ lõi để vũ khí đó có thể vận hành được. Do đó, năng lực của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, mặc dù đã phát triển hơn trước rất nhiều, rất là tốt so với trước đây, không những phục vụ cho nhu cầu của quân đội Việt Nam mà một số sản phẩm hoặc bán thành phẩm của công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng đó chỉ là những sản phẩm có nền công nghệ ở tầm thấp đến tầm trung. Những sản phẩm đó chỉ đáp ứng một phần khả năng, cũng như nhu cầu của quân đội.

Đặc biệt ngay cả trong tương lai tầm trung từ 10-15 năm, Việt Nam vẫn chưa có khả năng tạo ra được một loại vũ khí lớn, ví dụ máy bay, tầu chiến. Do đó, hiện tại vẫn cần có thời gian rất dài để có thể có đủ nguồn lực để đầu tư tập trung phát triển công nghệ, tiếp theo là tập trung công nghệ. Muốn làm được việc đó, hiện nay phải đi tìm và chi nguồn lực cho vấn đề đó. Đây cũng là một phần lý do giải thích tại sao ngân sách quốc phòng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai.

RFI : Nhật Bản sửa đổi chính sách, bật đèn xanh cho xuất khẩu chiến đấu cơ hợp tác chung với Ý và Anh. Việt Nam được nêu trong danh sách các thị trường tiềm năng. Về lâu dài, liệu Nhật Bản sẽ trở thành đối tác bền vững của Việt Nam ?

Nguyễn Thế Phương : Nhật Bản là một trong những đối tác đang nổi của quốc phòng và an ninh Việt Nam, cũng như là của ngành công nghiệp quốc phòng. Ngoài Nhật Bản, còn có Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, một số quốc gia phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ấn Độ.

Vấn đề ở đây là từ « tiềm năng » đến « thực tế » là một khoảng cách tương đối xa và cần nỗ lực rất lớn của cả Việt Nam và Nhật Bản trong việc định hình chính sách cụ thể để biến « tiềm năng » thành thực tế. Việc này thực sự không đơn giản và cần thời gian. Ví dụ sẽ phải xác định xem lĩnh vực nào, loại khí tài cụ thể nào cả hai bên mong muốn phát triển hoặc trao đổi mua bán với nhau, số lượng như nào. Đặc biệt Việt Nam sẽ mong muốn rằng nếu có khả năng, Nhật Bản sẽ chuyển giao một số loại công nghệ quốc phòng cho Việt Nam. Và Việt Nam cũng phải xác định cụ thể Nhật Bản có thế mạnh gì. Sự sẵn sàng của Nhật cũng rất quan trọng, bởi vì toàn bộ hệ thống công nghệ quốc phòng của Nhật Bản liên quan mật thiết đến công nghệ quốc phòng của Mỹ. Mối quan hệ quốc phòng Việt-Nhật có thể phát triển tốt cũng dựa vào mối quan hệ Việt - Mỹ tốt đẹp.

Cho nên, tiềm năng là có và tương đối lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây vẫn là các chính sách tư duy cụ thể để biến tiềm năng thành thực tế. Trong trường hợp của Việt Nam, những điểm này không nhanh được, cần thời gian và trong nhiều trường hợp là cần khá nhiều thời gian để biến thành hiện thực. Cho nên, hãy đặt kỳ vọng đó trong giai đoạn 10 năm. Sau năm 2030 mới kỳ vọng thấy được điều gì đó cụ thể. Còn từ đây đến 2030 chỉ là quá trình đặt nền tảng cho quan hệ quốc phòng Việt-Nhật chứ chưa có gì nổi trội. Cùng lắm là Việt Nam có thể mua một số khí tài đã qua sử dụng của Nhật Bản, cũng không phải là những khí tài lớn, không phải máy bay, xe tăng hay tầu chiến, mà là chuyển giao công nghệ, hoặc những khí tài như tên lửa nhưng đã qua sử dụng.

Thứ hai, tiềm năng giữa Việt Nam và Nhật Bản về hợp tác an ninh quốc phòng cũng phải đặt trong bối cảnh Việt Nam quan tâm nhất hiện nay đến việc gì. Đó chính là xung đột cường độ thấp và sẽ tập trung nhiều hơn vào những "phần mềm" của hợp tác quốc phòng : huấn luyện, trao đổi đoàn, hỗ trợ ODA, một số tàu tuần tra… Những điểm này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Còn về xung đột cường độ cao liên quan đến những vũ khí lớn thì phải cần rất nhiều thời gian.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.

🔝

Lời mời tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam và thế cân bằng khó khăn của Hà Nội

Đăng ngày: 22/04/2024 - 14:44 - RFI

Theo báo chí trong nước, ngày 26/03/2024, trong một cuộc điện đàm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin “sớm thăm chính thức Việt Nam” và ông Putin đã nhận lời. Cho đến nay, tổng thống Putin đã đến thăm Việt Nam 4 lần, gần đây nhất là nhân thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.

RFI-01-01
Ảnh tư liệu: Chủ tịch nước của Việt Nam Võ Văn Thưởng (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023

Hiện giờ chưa biết khi nào ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam. Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, hai bên “sẽ phối hợp thu xếp thời điểm thích hợp” cho chuyến đi này.

Trong cuộc điện đàm nói trên, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định Việt Nam vẫn “trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay” cho Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga là “một trong những ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của mình.

Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và đến năm 2012 đã nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do tổng thống Vladimir Putin phát động vào tháng 2/2022 đã đặt Hà Nội vào thế khó xử, nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn cố giữ thái độ trung lập, theo đúng chính sách ngoại giao được mệnh danh là ngoại giao "cây tre".

Trong bài viết mang tựa đề “Việt Nam và chiến tranh Nga-Ukraina: “Ngoại giao cây tre” của Hà Nội thành công nhưng thách thức vẫn còn”, được đăng vào tháng 02/2024 trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhà nghiên cứu cao cấp Ian Storey của Viện này ghi nhận:

"Giữa hai bên tham chiến, duy trình quan hệ với Nga rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhưng để phù hợp với chính sách ngoại giao "cây tre" của mình, Hà Nội cũng đã cẩn thận để không làm mất lòng Kiev. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023, mà Nhật Bản mời cả Việt Nam và Ukraina, thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Ukraina và về xung đột Nga-Ukraina, lập trường của Hà Nội là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc."

Việt Nam mời tổng thống Nga đến thăm mặc dù vào tháng 3 năm ngoái, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt giữ ông. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/04/2024, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, giải thích vì sao Việt Nam mời tổng thống Putin sang thăm trong lúc này mà không ngại phản ứng của các nước phương Tây, nhất là của Mỹ:

"Bản thân tôi cũng cảm thấy khá bất ngờ với lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời tổng thống Putin sang thăm Việt Nam trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và các nước phương Tây khác cấm vận và cô lập trên trường quốc tế. Có lẽ và bản thân ông Putin muốn phát triển quan hệ với các nước đối tác truyền thống như Việt Nam để giảm sức ép quốc tế để thể hiện nước Nga vẫn có bạn bè, đối tác và có thể vượt qua được các áp lực, cấm vận từ phương Tây.

Trong bối cảnh ấy cũng dễ hiểu khi mà Nga chọn Việt Nam để tăng cường quan hệ. Chính vì vậy mà có lẽ Việt Nam cũng đã chịu một ít sức ép từ phía Nga trong việc gởi lời mời ông Putin sang thăm Việt Nam. Có lẽ Hà Nội cũng sẽ cảm thấy bất tiện khi mời ông Putin sang thăm lần này trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina vẫn đang diễn ra như vậy và bản thân ông Putin cũng đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã.

Bên cạnh sức ép của Nga thì có thể Việt Nam cũng cân nhắc các động lực khác, vì hiện nay Việt Nam cũng có một số lợi ích trong quan hệ với Nga mà Việt Nam muốn duy trì, như là Việt Nam vẫn sử dụng nhiều loại vũ khí có nguồn gốc từ Nga, hay là Việt Nam có các khoản đầu tư lớn vào Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, hay nông phẩm.

Chuyến thăm lần này không đơn thuần là nhằm tăng cường quan hệ hai nước, mà Việt Nam muốn có chuyến thăm nhằm giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương. Chúng ta còn cần thời gian để xem, nhưng trước mắt, Việt Nam có thể là không hoàn toàn thoải mái với chuyến thăm này. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam vẫn cố gắng tuân thủ một số yêu cầu từ phương Tây trong việc trừng phạt Nga. Theo tôi hiểu thì hiện tại Việt Nam vẫn chưa nối lại các đường bay thẳng tới Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraina tháng 02/2022. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam khá là nhạy cảm trong việc cân bằng quan hệ giữa Nga với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu."

Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Ian Storey nhận định:

“Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina vào tháng 2/2022 là một cuộc trắc nghiệm đối với chính sách ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng giữa đối tác cũ của Hà Nội là Nga và các đối tác mới ở phương Tây, cũng như giữa phương Tây và đối thủ truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc. Để đối phó với cuộc xâm lược, Việt Nam đã áp dụng quan điểm trung lập về cơ bản để tự bảo vệ mình khỏi các tranh chấp giữa các nước lớn phát sinh từ chiến tranh, duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia chính và các bên liên quan, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

Như vậy là cho tới nay, Việt Nam vẫn cố giữ lập trường trung lập đối với xung đột Ukraina - Nga, một phần cũng vì Hà Nội đều có quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng nếu chiến tranh kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, liệu lập trường đó có thể đứng vững được không? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

"Việt Nam vẫn có lợi ích rất lớn trong việc giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraina. Tuy nhiên, khi chiến tranh càng kéo dài, việc giữ vị thế trung lập ấy sẽ ngày càng khó khăn hơn do áp lực từ cả hai phía đối với Việt Nam ngày càng gia tăng.

Trong thời gian đầu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina thì có vẻ như Việt Nam đồng cảm với Nga hơn, nghiêng về Nga nhiều hơn. Nhưng theo thời gian thì Việt Nam dần dần quay lại vị thế trung lập. Không loại trừ khả năng là trong tương lại, khi cuộc chiến kéo dài, gây ra các thiệt hại về lợi ích, về hình ảnh, Việt Nam sẽ ngày càng giữ khoảng cách với Nga.

Điều này xuất phát từ thực tế: cho dù Nga là đối tác truyền thống của Việt Nam đã hỗ trợ Nga rất nhiều trong quá khứ, nhưng hiện tại tầm quan trọng của Nga đối với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế, không lớn, đặc biệt là so sánh với các đối tác như Mỹ và châu Âu, những bạn hàng và thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các nước phương Tây cũng là nguồn đầu tư mà Việt Nam rất mong muốn thu hút.

Chính vì vậy mà Việt Nam sẽ không thể làm ngơ trước các áp lực ngoại giao của Mỹ và phương Tây nói chung trong quan hệ với Việt Nam. Phía Việt Nam cũng sẽ rất mong muốn Nga sẽ sớm kết thúc cuộc chiến Ukraina. Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra trong thời gian trước mắt. Cho nên, việc Việt Nam giữ thế trung lập của mình với Nga và phương Tây sẽ ngày càng khó khăn hơn và sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khéo léo về mặt chiến lược của Việt Nam."

Mặt khác, N ga hiện nay vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu của Việt Nam. Việc Nga bị quốc tế trừng phạt, cấm vận có gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, nhất là trong việc thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô nay đã sắp hết hạn sử dụng, chẳng hạn như các chiến đấu cơ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải đáp:

"Các vũ khí của Nga đã được Việt Nam sử dụng hàng chục năm nay, kể từ thời chiến tranh lạnh cho đến nay, cho nên kể cả khi Việt Nam không mua mới từ Nga thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Nga về việc bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị này. Ví dụ như Việt Nam trông thời gian qua đã có một số khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các tàu ngầm mà Việt Nam đã mua từ Nga. Trong một số lĩnh vực, Việt Nam phải phụ thuộc vào một số dịch vụ từ các bên thứ ba, ví dụ như Ấn Độ.

Bây giờ làm sao giải quyết được vấn đề này trong quan hệ với Nga, vừa có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng của mình trong thời gian tới? Đó là một bài toán rất là khó đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì sẽ vi phạm các lệnh cấm vận của phương Tây và có thể làm sứt mẻ quan hệ của Việt Nam với phương Tây. Còn nếu Việt Nam ngưng các hoạt động hợp tác quốc phòng với Nga thì sẽ không chỉ gây khó khăn cho quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam sẽ phải tìm mọi cách để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Trong bối cảnh đang bị cấm vận, năng lực của Nga cung cấp các vũ khí, các trang thiết bị mà Việt Nam mong muốn sẽ bị hạn chế. Vi phạm các lệnh trừng phạt của quốc tế cũng không phải là điều mà Việt Nam mong muốn. Chính vì Việt Nam hiện cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại, quốc phòng với các đối tác mới, ví dụ như Israel, Hàn Quốc hay kể cả Mỹ, Nhật và các nước Đông Âu vẫn có các mặt hàng tương thích với các vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sử dụng. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn về chi phí, đặc biệt là rất cao, nếu mua các vũ khí của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra còn có vấn đề tương thích giữa các vũ khí, các hệ thống mới với các hệ thống của Nga mà Việt Nam đang sử dụng.

Các triển lãm quốc phòng mà Việt Nam tổ chức gầy đây cho thấy ý định của Việt Nam đa dạng hóa các nguồn cung. Tuy nhiên Việt Nam cần có thêm thời gian để làm tốt việc này. Chính vì vậy, trong thời gian trước mắt, ít nhất là trong 5-10 năm tới, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các vũ khí của Nga có thể sẽ không giảm quá nhanh và quá nhiều."

Nhà nghiên cứu Ian Storey cũng cho rằng xung đột Nga-Ukraina đặt ra những thách thức về trung và dài hạn cho quân đội Việt Nam, vốn dựa nhiều vào vũ khí của Nga. Theo ông, xung đột này cũng ảnh hưởng đến tranh chấp kéo dài giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông, do Nga ngày càng phụ thuộc vào đối tác chiến lược Trung Quốc.

Ông Ian Storey nhận định việc tăng cường quan hệ chiến lược Nga - Trung ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Hà Nội lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ với Matxcơva để làm suy yếu lợi ích của Việt Nam.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, như vậy liệu Việt Nam có thể đặt tin tưởng vào đối tác Nga? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

"Việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh họ đang bị bao vây, cô lập, cấm vận của phương Tây là một rủi ro mà Việt Nam phải cân nhắc khi tăng cường hay duy trì quan hệ với Nga. Trung Quốc là đối tác lớn hơn Việt Nam rất nhiều đối với Nga, cho nên khi cần phải cân nhắc hay đánh đổi giữa quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam, tôi tin chăc là Nga sẽ ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và điều này phần nào được thể hiện qua thái độ của Nga đối với tranh chấp Biển Đông. Đã có một số lần phía Nga thể hiện lập trường ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông làm phương hại đến các lợi ích của Việt Nam.

Tôi nghĩ là động lực này sẽ không thay đổi, thậm chí rủi ro còn trở nên cao hơn đối với Việt Nam, nhất là khi mà chiến tranh Ukraina kéo dài và làm cho sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc ngày càng lớn và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga ngày càng tăng. Đó là một lý do mà tôi nghĩ là Việt Nam cần phải nhanh chóng giảm sự phục thuộc vào Nga, đặc biệt là về nguồn cung vũ khí, để có thể có sự tự chủ chiến lược lớn hơn trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. Nói chung Việt Nam cần phải thận trọng, thực tế hơn trong quan hệ với Nga, không nên để các yếu tố cảm tính át đi lý trí, vì suy cho cùng, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia vẫn là tối thượng trong việc định đoạt chính sách của mình đối với các quốc gia khác nói chung và với Nga và Trung Quốc nói riêng."

🔝