Thứ Năm, 06/13/2024 - 09:49 — Song Chi
Qua việc bắt giữ 2 nhân vật nổi tiếng là nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển – hai con người dù có những ý kiến, bài viết phản biện sắc sảo trước mọi vấn đề của đất nước, xã hội, nhưng vẫn được xem như người trong hệ thống, phản biện để góp phần xây dựng đảng, xây dựng đất nước tốt đẹp hơn chứ không phải là người của “các tổ chức, thế lực thù địch”; và việc “quản lý” sư Minh Tuệ – một người tu hành không quan tâm đến chính trị và vì vô tính mà trở thành nổi tiếng chứ không muốn thế, nhà nước cộng sản Việt Nam đã cho người dân trong nước và thế giới thấy rõ một điều:
Trước mắt, sẽ không có một sự khoan dung, đổi mới nào về chính trị cả. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo sẽ càng bị siết chặt, tình hình nhân quyền sẽ càng tệ hại đi ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy Việt Nam càng “mở cửa” làm ăn với thế giới, càng đa phương hóa trong chính sách ngoại giao thì đối nội càng gia tăng ngăn chặn, đàn áp mọi tiếng nói phản biện, mọi cá nhân, tổ chức có thể có ảnh hưởng với đám đông. Những năm gần đây tình hình càng tệ hơn. Nhà cầm quyền đã “bắt nguội, bắt vét, truy cùng diệt tận” cả những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt đã tạm ngừng hoạt động một thời gian vì những lý do cá nhân như bận việc gia đình, sức khỏe… như kỹ sư, blogger Nguyễn Lân Thắng, kỹ sư, nhà hoạt động Trần Bang, cựu admin của trang Facebook Nhật ký yêu nước Phan Tất Thành v.v…Không chỉ giới blogger, nhà báo, luật sư nhân quyền, mà cả những nhà hoạt động môi trưởng, những người ở trong hệ thống như ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội), ông Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội), Ông Vũ Minh Tiến (Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) …Và mới đây nhất, như vừa nói, là nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển.
Tại sao lại như vậy?
Có nhiều lý do để không gian tự do vốn đã vô cùng chật hẹp đối với người dân Việt Nam, nay càng bị siết chặt hơn. Ngoài nỗi ám ảnh thường trực của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam về các “thế lực thù địch”, về “diễn biến hòa bình”, thì tình trạng bất ổn, khủng hoảng chính trị ở thượng tầng với những cuộc đấu đá, triệt hạ lẫn nhau vô cùng khốc liệt đã không còn che giấu được ai, là một lý do. Khi thượng tầng càng bất ổn, thì nhà cẩm quyền càng phải gia tăng đàn áp để giữ vững chế độ.
Thứ hai, yếu tố phe nhóm, địa phương trong những cuộc tranh giành quyền lực khiến không chỉ các doanh nghiệp “sân sau” thuộc về phe này, phe khác, mà cả những cá nhân vô tình được sự ủng hộ của một phe nào đó, cũng sẽ bị phe khác “ngứa mắt” triệt luôn. Và nếu theo cách lý giải đó thì nhà báo Huy Đức, suốt một thời gian dài được cho là ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng (cho tới hai bài viết mới nhất, chỉ trích cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lẫn ông Tân Chủ tịch nước Tô Lâm) có thể bị ông Tô Lâm lệnh cho Bộ Công An bắt; hoặc theo người khác thì cả hai ông Huy Đức và Trần Đình Triển đều gốc Hà Tĩnh, mà nội bộ “cung đình” thì có các cuộc đầu đá giữa phe Nghệ An-Hà Tĩnh với phe Hưng Yên, nên các ông bị vạ lây? (Nhân tiện, không biết có quốc gia nào khác như Việt Nam hay Trung Quốc, mà yếu tố phe nhóm địa phương trong tranh giành quyền lực lại mạnh đến vậy?)
Chúng ta không có câu trả lời chính xác. Như từ bao nhiêu năm nay vẫn vậy, đảng Cộng sản Việt Nam che giấu mọi thông tin từ nội trị cho tới ngoại giao, người dân chỉ có thể suy đoán mà thôi.
Nguyên nhân thứ ba khiến nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng mạnh tay đàn áp, chà đạp nhân quyền là bởi vì không có sức ép nào đáng kể từ cả quốc tế cho tới công luận trong nước. Và chính vì vậy họ cứ ngang nhiên, công khai ngồi xổm lên luật pháp trong nước, luật pháp quốc tế.
Với những trí thức nổi tiếng như nhà báo Huy Đức, luật sư Trần Đình Triển, bắt họ có khi còn là để có những đầu mối dẫn đến người khác, chúng ta biết Huy Đức là người có quan hệ rộng, và trong suốt quá trình làm báo anh có rất nhiều tư liệu liên quan đến bao nhiêu người. Hay có khi chỉ là để chứng tỏ quyền lực mạnh đang lên của một cá nhân, một nhóm nào đó.
Dù không phải là bi quan nhưng với việc gán cho hai người tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, dự đoán là bản án sẽ không dưới 5 năm.
Chuyện nhà báo Huy Đức, luật sư Trần Đình Triển bị bắt là như vậy, còn chuyện sư Minh Tuệ, cũng không có gì lạ nếu nhìn lại chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của đảng Cộng sản. Bất cứ một cá nhân, tổ chức nào muốn nằm bên ngoài hê thống tôn giáo quốc doanh do nhà nước kiểm soát chặt chẽ thì đều không được phép, huống chi sư Minh Tuệ, dù chỉ xuất hiện trên mạng xã hội một tháng nay nhưng sức ảnh hưởng, lan tỏa lại mạnh mẽ không ngờ, khiến nhà cầm quyền phải dẹp ngay.
Trong một chế độ độc tài toàn trị như ở Việt Nam, tuyệt đối không có chỗ cho các đảng phái đối lập, những tiếng nói phản biện, hay bất cứ một thần tượng nào ngoài ông Hồ Chí Minh. Bất cứ ai có thể có ảnh hưởng tới đám đông là phải bị dập, bất cứ ai đứng ngoài hệ thống là không được phép. Đơn giản như vậy.
Nhưng đối với sư Minh Tuệ, có mấy điều khiến những chúng ta có thể tạm yên tâm:
Sư Minh Tuệ chỉ là một cá nhân tự tu tập, không thuộc về bất cứ tổ chức giáo hội nào, sư là người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng là bộ đội, công chức cán bộ của chế độ, sư không quan tâm đến chính trị, chuyện thế sự v.v…Hoàn toàn khác với những trường hơp như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Quảng Độ, và những người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức Phật giáo được thành lập từ năm 1964 và không chấp nhận chịu sự kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam. Các ngài như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Quảng Độ, Thiền sư Lê Mạnh Thát là những người có kiến thức, trí tuệ cao vời về Phật học, triết học nhưng đồng thời cũng là những người rất hiểu rõ chế độ độc tài cộng sản là gì, và không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp trước cường quyền, vì vậy đảng và nhà nước cộng sản phải tìm mọi cách để cô lập, kết án tù hàng chục năm, thậm chí họ từng kết án tử hình Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và thiền sư Lê Mạnh Thát…Nhưng còn sư Minh Tuệ thì không quan tâm đến chính trị, có lẽ trước mắt nếu người dân không bu quanh, không đưa tin liên tục, không ngưỡng mộ quá mức mà chỉ chắp tay đứng bên đường chào khi sư đi qua thì có lẽ nhà cầm quyền sẽ để cho sư Minh Tuệ tiếp tục bộ hành dưới sự “quản lý” của họ, còn nếu lại có chuyện ồn ào vây quanh thì họ lại tách sư ra, đưa về lại một chỗ, hoặc sư lại phải “ẩn tu” (như tình hình mới nhất ngày 14/6) nhưng chuyện tù đày trước mắt chắc là không có.
Muôn vàn thủ đoạn, biện pháp để ngăn chặn, tiêu diệt
Gần tám thập niên cầm quyền ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam có muôn vàn biện pháp, thủ đoạn để ngăn chặn từ xa mọi mầm mống phản kháng, mọi khát khao thay đổi, mọi hình ảnh, biểu tượng, ảnh hưởng tốt đẹp có thể tạo ra sự liên tưởng, so sánh, đối chiếu với sự sai lầm, tổi dở của đảng và cái hệ thống nhà nước XHCN.
Chúng ta đã thấy, bất cứ khi nào bắt một người có liên quan đến yếu tố chính trị thì nhà cầm quyền cô lập người đó suốt trong thời gian tạm giam cho đến khi ra tòa không cho tiếp xúc với bạn bè, người thân để bẻ gãy ý chí của người đó, tầm thường hóa, kể cả bôi nhọ, vu khống người bị bắt với những tội danh hình sự…Còn đối với các nhân vật tôn giáo thì cũng cô lập khỏi tín đồ, bình thường hóa, tầm thường hóa họ. Việc báo đài nhà nước liên tục nêu tục danh sư Minh Tuệ, nhắc đi nhắc lại việc sư không phải là một tu sĩ của bất cứ chùa nào, bắt sư lăn tay làm căn cước công dân…đều nằm trong thủ đoạn này. Nếu ai có xem cái video do công an Gia Lai đưa lên về việc sư Minh Tuệ đến nhận Căn cước công dân thì hiểu. Công an liên tục gọi tên công dân Lê Anh Tú, nhắc đến việc có Căn cước công dân thì có lợi ra sao, tức là nhằm giải thiêng, bình thường hóa, rằng đây chỉ là một công dân đi lang thang không có giấy tờ nay được nhà nước cấp giấy tờ cho. Cũng trong video đó, nét mặt sư Minh Tuệ không hề tỏ ra vui vẻ gì như công an nói, bởi vì với sư, một người đã từng có Chứng minh nhân dân, có công ăn việc làm, cha mẹ nhà cửa rộng rãi khang trang, nhưng đã bỏ hết để đi tu thì cần gì một cái thẻ Căn cước công dân nữa?
Thậm chí có ý kiến bên dưới cái video được đưa lên mạng này cũng nói rằng “Ngài có lần nói “thế danh con bỏ rồi, không hỏi thế danh con nữa”!
Bên cạnh đó, báo chí nhà nước mấy ngày nay cũng liên tục có những đòn đáp trả dư luận trong ngoài nước về 2 vụ việc trên. Với trường hợp Huy Đức, báo quốc doanh nhấn mạnh ông từng là nhà báo nhưng đã bị cho thôi việc, không còn là nhà báo nữa, cũng giống như sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ vì không thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất cả những điều này rất khôi hài và vô nghĩa, Bởi vì là một nhà báo hay không là dựa trên năng lực, kiến thức, nghiệp vụ của người đó, chất lượng của những bài báo người đó viết chứ không phải dựa trên việc có còn làm việc trong 1 tòa soạn, có thẻ nhà báo hay không; biết bao nhiêu nhà báo có thẻ mà từ nặng lực, tay nghề, cho tới lương tâm nhà báo là vứt đi, như trường hợp cô phóng viên VTV đưa tin vụ Đồng Tâm theo quan điểm của nhà cầm quyền và làm 2 cái video lắp ghép, dối trá về sư Minh Tuệ bị dân mạng chỉ ra bao nhiêu sơ hở. Cũng như vậy có là tu sĩ, nhà sư hay không trong mắt phật tử là do phẩm hạnh, đạo đức, trí huệ của nhà sư đó chứ không phải là do thuộc về 1 tổ chức phật giáo hay không; biết bao nhiêu người gọi là sư mà tham lam sân si trần tục, sống một cuộc sống phủ phê hưởng lạc, miệng rao giảng những lời nhảm nhí, góp phần làm băng hoại nền phật giáo Việt Nam, làm ngu dân người Việt Nam…Một vài nhân vật ma tăng này mấy hôm nay cũng liên tục lên tiếng chê bai sư Minh Tuệ, chỉ trích nặng nề truyền thông ngoài lề và mạng xã hội vì đã lật mặt họ là những giả sư như thế nào…
Bất chấp việc báo đài của nhà nước nói sư Minh Tuệ “tự nguyện” ẩn tu hoặc trong video clip của VTV nói rằng “khi đi hết các địa phương trên cả nước thì ông sẽ dừng chân ở 1 nơi nào đấy, hoặc khi nào thuận lợi vài năm mới đi 1 lần chứ không phải lúc nào cũng bộ hành…”, sư Minh Tuệ không hề khẳng định sẽ ẩn tu. Bởi vì như sư đã từng nhiều lần nói ước nguyện của sư là được tiếp tục thực hành tu tập theo hạnh đầu đà, đi bộ hành khất thực từ nơi này sang nơi khác cho đến chết. Trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động ngày 10/6, sư cho biết từ ngày 10/6 lại đi khất thực, vì nếu chỉ ngồi một chỗ nhận cơm nước do gia đình đem đến là không đúng với lối tu khắc khổ của hạnh đầu đà.
Một điều ai cũng thấy là sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã có những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, giúp nhiều người dân nhận chân đâu là một vị chân tu, đâu là những ma tăng, thấy rõ hơn sự biến tướng, biến chất của Phật giáo Việt Nam khi bị chính trị hóa, thương mại hóa suốt một thời gian dài. Và cũng từ việc dư luận lên tiếng so sánh, chỉ trích mà “đại đức” Thích Nhuận Đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm vì liên quan đến những video thuyết giảng bị cho là phản cảm; “thượng tọa” Thích Chân Quang thì bị Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẩm tra và báo cáo về các phát ngôn, việc làm và thuyết giảng lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua, vì bị cho là “không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo”…Rõ ràng là những nhân vật này hay như Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ đều có những hành vi, lời nói không phù hợp với 1 người tu hành suốt 1 thời gian dài, nhưng chính nhờ sự xuất hiện của sư Minh Tuệ và phản ứng của dư luận mà Ban Tôn giáo chính phủ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải làm những việc chấn chỉnh này.
Tuy nhiên, việc chấn chỉnh một vài nhà sư sẽ không thay đổi được gì, cũng như việc thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thực hiện được khi không có tự do tôn giáo, bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì từ lâu đã trở thành một tổ chức độc quyền về phật giáo, bị chính trị hóa, thương mại hóa thành ra lệch lạc, biến tướng, suy thoái như vậy.
Khủng hoảng chính trị, có hy vọng gì cho Việt Nam?
Khi phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài và không nhìn thấy lối thoát, nhiều người trong chúng ta có tâm lý hy vọng vào một sự thay đổi từ bên ngoài hoặc từ trên xuống. Nhớ lại giai đoạn trước đây với ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng có quan điểm cho rằng ông Dũng và phe ông Dũng có vẻ thân với phương Tây, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng lại lấy con trai của một viên chức VNCH, trong khi phe ông Nguyễn Phú Trọng bị cho là thân Tàu. Vì vậy nên ủng hộ ông Dũng để khi ông ấy nắm được quyền lực, sẽ làm những cuộc cải cách, thay đổi. Kết cục như chúng ta thấy trong suốt thời gian ông Dũng làm Thủ tướng, Chính phủ của ông tuy có đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, mở cửa thị trường nhưng lạm dụng quyền lực, tham nhũng nặng nề, đã tạo ra những tập đoàn kinh tế Nhà nước tham nhũng, làm ăn thất bại như Vinashin, Vinalines… để lại phía sau những khoản nợ công lớn, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, rồi đại dự án Bôxít Tây Nguyên lợi ít, hại nhiều, đã ngốn của Nhà nước những nguồn lực lớn v.v…
Khi ông Nguyễn Phú Trọng mới nhậm chức, cũng vô số lời khen ngợi, có những bài báo gọi ông Nguyễn Phú Trọng là kẻ sĩ Hà Nội, là người cộng sản cuối cùng, người “đốt lò” vĩ đại…và kêu gọi người dân ủng hộ công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng. Kết cục như thế nào?
Tham nhũng càng hoành hành ở mức độ ngày càng lớn, trở thành những đại án, siêu đại án. Bản thân ông Trọng còn giữ chức vụ Trưởng Tiểu ban Nhân sự nhưng việc chọn người của ông đã chứng tỏ sự sai lầm khi hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao do chính ông chọn lựa đều bị khui ra có tham nhũng, vi phạm pháp luật và phải từ chức. Rồi việc ông cứ lập đi lập lại yêu cầu về đạo đức cách mạng, dùng đức trị thay cho pháp trị càng không hiệu quả.
Bây giờ lại có những ý kiến về Tô Lâm như thể một người mạnh tay quét sạch các quan tham, rằng nếu ông Tô Lâm có quyền lực cao hơn, thậm chí có thể nhập cả hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước làm một, thì có thể sẽ chuyển đổi từ mô hình độc tài cộng sản, độc tài tập thể thành độc tài cá nhân, nhà nước công an trị, hay thậm chí theo hướng dân chủ hóa?
Thực tế Việt Nam cho thấy trong quá trình lâu dài tranh giành và bám giữ quyền lực, những người cộng sản không chỉ tiêu diệt các đảng phái đối lập, những người bất đồng chính kiến mà cũng tiêu diệt cả những người ưu tú có khuynh hướng cởi mở, tiến bộ trong đảng. Từ tướng Trần Độ, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch… trước kia cho tới mới đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng là một khuôn mặt sáng sủa, có trình độ… Rốt cuộc, những kẻ chiến thắng trong những cuộc tranh giành quyền lực này hoặc là những người theo chủ nghĩa Mác Lenin giáo điều – những người thuộc bên tuyên giáo, hoặc bên công an. Họ chỉ tập trung vào việc bảo vệ chế độ hơn là đi theo con đường dân chủ hóa. Mà cho dù có muốn, họ cũng không làm được. Không một ai trong số những quan chức lãnh đạo cao cấp hiện nay có đủ uy tín, tầm nhìn xa, kiến thức rộng, có lòng yêu nước thương dân, biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi của đàng, của phe nhóm. Còn nếu trở thành độc tài cá nhân, công an trị thì chẳng có gì tốt đẹp hơn.
Vận mệnh Việt Nam vì vậy không thể trông chờ từ phương Tây, từ sự sụp đổ của Trung Cộng, từ sự nghĩ lại thay đổi của các quan chức lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Sức ép phải từ người dân. Mỗi người làm hết sức việc của mình. Cộng với thời cơ đến có khi bất ngờ.
Điều lạc quan, đáng hy vọng là người dân Việt Nam bây giờ nhờ có internet đã nhận được nhiều thông tin đa chiều hơn, họ không còn hoàn toàn tin vào những lời nói của đảng và nhà nước, họ cũng nhìn thấy hiên tình xã hội, đất nước, nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, sự bất công, không có tự do dân chủ ra sao. Người dân khát khao sự tử tế – từ một vị chân tu cho tới những quan chức trung thực; khát khao được sống trong một xã hội văn minh, nhân bản, luật pháp công bằng, con người được tự do, được tham gia góp ý, phản biện những chính sách của nhà nước, được là người chủ thật sự của đất nước chứ không phải bị gạt ra ngoài lề chỉ đứng nhìn những tấn tuồng chèo trên sân khấu chịnh trị như lâu nay. Và khi cơ hội đến chắc chắn đa số người dân sẽ muốn biến sự khát khao ấy thành hiện thực.
Thứ Năm, 05/30/2024 - 13:42 — Song Chi
Sư Minh Tuệ, một người 6 năm qua lặng lẽ thực hành lối tu khổ hạnh (Hạnh đầu đà)-- ngày ăn một bữa, áo mặc là những mảnh vải rách vá lại với nhau, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa, ngày đi lang thang từ nơi này sang nơi khác khất thực mà ăn, không nhận vật dụng, không nhận tiền cúng dường--bỗng nhiên vì có người quay phim, chụp hình đưa lên mạng xã hội mà thành “hiện tượng”, thành ra “nổi tiếng” bất đắc dĩ. Điều đáng nói là “cơn sốt” của xã hội Việt Nam về sư Minh Tuệ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết khác nhau về sư Minh Tuệ trong suốt thời gian qua, với đủ mọi lời khen chê, mọi cung bậc sắc thái cảm xúc, nhưng có một điều rõ ràng là “hiện tượng” sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.
Chuyện bình thường ở nhiều nước khác, lại trở thành bất thường ở Việt Nam
Chuyện các nhà sư tu khổ hạnh lặng lẽ đi khất thực từ nơi này sang nơi khác không phải là chuyện lạ ở một số quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Phật đông đảo, thậm chí ngay ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ VNCH trước đây, dân chúng cũng đã từng bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi khất thực như vậy.
Nhưng như nhiều người cũng đã phân tích, tại sao bây giờ chuyện sư Minh Tuệ lại thành một hiện tượng? Thứ nhất, vì lâu nay hầu như hiếm có ai tu như vậy. Thứ hai, người dân được dịp so sánh với các ông “sư quốc doanh” trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Trúc Thái Minh…và rất nhiều ông sư khác. Các chức sắc Phật giáo này ở trong những ngôi chùa được xây nguy nga đẹp đẽ bằng tiền cúng dường, hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ, thậm chí đi xe hơi, xài điện thoại, đồng hồ đắt tiền, mặt mũi béo tốt, từ hành vi cử chỉ, lời nói cho đến lối sống còn đầy đủ sự tham lam sân si trần tục…Chẳng hạn như Thích Nhật Từ đi kiện một ông cụ già 90 tuổi chỉ vì một câu nói “ngu như bò”, Thích Trúc Thái Minh lừa phật tử qua việc trưng bày cái gọi là “xá lợi tóc” ở chùa Ba Vàng, hoặc kêu gọi cúng sao giải hạn, hay Thích Chân Quang với những lời giảng xàm xí về kiếp trước, về nhân quả, khuyên phật tử phải cúng dường càng nhiều càng tốt, đe dọa không cúng thì sẽ không được phước báu…
Sư Minh Tuệ xuất hiện cho chúng ta thấy điều gì trong tâm lý đám đông, hiện trạng xã hội, hiện tình Phật giáo Việt Nam?
Việc người dân kéo đàn kéo lũ đi theo sư Minh Tuệ, quay phim, chụp ảnh, sắp hàng đảnh lễ, quét rác, rải hoa trên đường đón sư Minh Tuệ và các huynh đệ đi qua, một mặt cho thấy người dân khao khát có những bậc chân tu, khao khát được nhìn thấy Phật giáo trở lại con đường giản di đúng với bản chất tự ngàn xưa; nhưng mặt khác việc nhiều người tôn sùng, quỳ lạy, khóc lóc, đọc thơ, sờ vào người, đòi đổi nồi cơm điện, giành nhau cái bìa carton sư lót chai nước, xâm phạm sự riêng tư--sư Minh Tuệ đi vào nhà vệ sinh cũng chĩa máy quay…cho thấy sự mê muội, thói mê tín, quan niệm lệch lạc, hiểu sai về đạo Phật của một số người. Cũng giống như việc đi chùa nhét tiền vào tay tượng Phật, cúng bái để cầu mong làm ăn phát tài mua may bán đắt, nhiều người dường như có quan niệm cúng dường chỉ để xin phước báu? Bên cạnh đó là sự trục lợi của một số người làm YouTube, Tiktok.
Dư luận cũng nói nhiều đến thái độ ghen tị, sân si của một số nhà sư quốc doanh, một số “đệ tử” của các vị này hay những “nhà báo” bênh vực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ những bài viết, tấn công trực diện vào sư Minh Tuệ đăng trên trang Phật Giáo Đời Sống, như bài “Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ” của tác giả Lý Diện Bích chẳng hạn, vu khống, chụp mũ sư Minh Tuệ, lời văn bộc lộ rõ sư ganh ghét, tức tối về việc tu tập của sư Minh Tuệ (cả 3 bài viết này hiện đã lẳng lặng bị gỡ bỏ); rồi những cái sai trong văn bản của Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hạ thấp thầy Minh Tuệ, tuyên bố sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ/nhà tu, đưa tên tuổi, nhân thân của sư Minh Tuệ ra; hay việc sư Sư Thích Chân Quang làm video mắng thầy Thích Minh Tuệ là thằng, là ba trợn…
Giữa những người mang tiếng là tu hành mà không hề bớt sân hận đó thì một nhà sư có những lời giảng sâu sắc, chân thành, đúng đắn về hiện tượng sư Minh Tuệ là Hòa thượng Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại bị tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương của Hòa thượng khiển trách, bắt phạt quỳ sám hối, khiến vị Hòa thượng này phải xin rút lui khỏi mọi nhiệm vụ của giáo hội, “xin khép mình trong im lặng”.
Điều tích cực là sự lên tiếng của rất nhiều facebooker, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhân sĩ trí thức, phật tử trên mạng xã hội đã có những tác dụng: Những bài viết tấn công sư Minh Tuệ bị buộc phải gỡ bỏ, giáo hội Phật giáo Việt Nam phải “mời” nhà sư Thích Chân Quang lên làm việc về những phát ngôn của mỉnh, và ngày 20/5 vừa qua trện báo điện tử của tỉnh Hải Dương đã có một bài viết rất đàng hoàng: “Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ”.
Bên cạnh đó cũng có rât nhiều người chất vấn: đi tu như vậy thì làm lợi gì cho xã hội? Ai cũng đi tu thì ai lao động, làm ra lúa gao, dệt vải, giữ gìn trật tự an ninh con đường sư đi. Đây gọi là lo bò trắng răng. Xã hội mỗi người một việc. Xã hội Việt Nam 100 triệu dân, có mấy người đi tu khổ hạnh được như thầy Minh Tuệ? Nếu lên tiếng sao không lên tiếng về những nhà sư, chùa cao cửa rộng giảng bậy bạ làm mê muội dân chúng, hay hiện tượng du lịch tâm linh, kinh doanh chùa…nhằm móc túi người dân và làm cho Phật giáo càng băng hoại thêm.
Giữa tất cả những sự ồn ào, bất nháo cho thấy sự mê muội, thiếu ý thức của nhiều người do phải sống quá lâu trong một xã hội độc tài, lệch chuẩn, một điều an ủi khác nữa như đã nói là đám đông vẫn luôn khao khát điều tốt đẹp, khao khát những con người tử tế. Khi một người tử tế, một trí thức đúng nghĩa, một vị chân tu xuất hiện người ta nhân ra ngay. Khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ qua đời, nhiều người trong đó có những trí thức miền Bắc lần đầu mới nghe đến tên Ngài, mới tìm đọc những gì Ngài viết rồi ngưỡng mộ, chia sẻ, lan tỏa…
Những người như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát, hòa thượng Thích Quảng Độ và bao nhiêu bậc chân tu, thiền sư, học giả ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với trí tuệ cao vời, đã miệt mài làm công việc giảng dạy, viết sách, dịch kinh…đóng góp vào văn hóa, giáo dục; cũng như đã làm gương cho đám đông qua chính bản thân các vị với một đời sống giản dị, đại bi đại trí đại dũng của mình.
Trong khi đó sư Minh Tuệ là người thực hành con đường tu tập của đức Phật thời xa xưa, không thuyết giảng, nhưng hình ảnh buông xả, từ bỏ tất cả của sư Minh Tuệ sẽ có những tác động. Khi nhìn thấy một người có thể từ bỏ, buông bỏ tất cả như vậy người ta sẽ tự đặt câu hỏi tại sao chúng ta không có thể buông bỏ một chút xíu gì đó trong tâm tính, trong ham muốn, cắt giảm bớt các nhu cầu, bớt phàn nàn sân si ghen tị v.v…để cuộc sống nhẹ nhàng hơn?
Tuy nhiên, cái gỉ thái quá thì cũng có hại. Kể cả sự khen ngợi, ngưỡng mộ, sùng bái khi quá mức sẽ không chỉ làm phiền đến việc tu tập, sự bình an của sư Minh Tuệ và những người đi cùng, mà sẽ tạo cớ cho nhà cầm quyền ra tay.
Lại có những người cho rằng sự xuất hiện của sư Minh Tuệ thời gian qua tuy làm hại cho Phật giáo Việt Nam là lột mặt nạ những kẻ giả tu và phơi bày sự suy thoái, biến tướng của Phật giáo Việt Nam, nhưng lại vô hình trung làm lợi cho nhà nước cộng sản. Giữa lúc “thượng tầng chính trị” của đảng cộng sản đang bị khủng hoảng trầm trọng với những cuộc thay người, “đảo chính mềm” diễn ra liên tục, thì việc dân chúng chú ý đến sư Minh Tuệ, bàn bạc suốt ngày về sư Minh Tuệ cũng làm giảm bớt sự chú ý vào nội tình bất ổn này? Nhưng chỉ cần sau khi bàn cờ ngã ngũ, mọi cái ghế đã được chia xong mà mối quan tâm cũng như ảnh hưởng của sư Minh Tuệ vẫn không giảm đi, thì nhà cầm quyền có thể sẽ ra tay “dẹp sạch” bằng bất cứ lý do vớ vẩn gì đó. Trong một chế độ độc tài mọi thứ từ hữu hình đến vô hình đều phải nằm “trong hệ thống”, đều phải chịu sự kiểm soát của đảng, bất cứ cái gì khác đi, dù là một cách tu khác, cũng không được phép.
Chế độ độc tài toàn trị khiến mọi thứ đều lệch lạc, lệch chuẩn
Nhìn vào xã hội Việt Nam hiên tại dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy một sự sai lạc, lệch hướng, lệch chuẩn trong mọi lĩnh vực, xuất phát từ sự sai lầm của mô hình thể chế chính trị và hướng đi của đất nước. Đó là sự lệch chuẩn từ những giá trị trong cuộc sống, tiêu chuẩn đánh giá con người, lối sống--chạy theo vật chất, chạy theo những cái bề ngoài…cho tới văn hóa, đạo đức, tôn giáo… Bởi vì tất cả đều bị chính trị hóa. Phật giáo Việt Nam thì vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lâu nay đã trở thành một tổ chức “thần quyền”, dựa vào nhà cầm quyền, ứng xử độc tài chẳng khác gì chính nhà nước này khi tự cho mình cái quyền xác nhận ai không phải là tu sĩ/nhà sư, ai tu khác đi thì không được công nhận, ai lên tiếng nói điều phải thì bị phạt, bị quỳ sám hối, ai tu tại gia thì bị triệt cho vào tù...; còn những “ma tăng” suốt ngày rao giảng nhảm nhí, bậy bạ, hù dọa người dân để họ phải cúng dường cho mình có tiền sống phủ phê, có tiền hàng tỷ trong tài khoản, có sổ đỏ đất đai v.v…thì lại không hề gì.
Và hiện tình đó của Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thay đổi khi nào còn chế độ độc tài, còn chưa có tự do tôn giáo. Phải có tự do tôn giáo thì các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng mới có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng, mới có nhiều vị chân tu, trí thức, thiền sư xuất hiện tự do hoằng dương chánh pháp, in ấn sách vở, mở trường đại học, tổ chức những cuộc tranh luận sâu về triết học, về Phật giáo…Từ đó mới lại có thể có “thế hệ vàng” những nhà sư, thiền sư, trí thức có kiến thức uyên thâm, đạo hạnh cao vời như miền Nam trước đây và mới có thể nâng cao dân trí, giúp cho người dân có được sự hiểu biết đúng đắn về Phật giáo để không sa vào mê tín, dị đoan. Và những tổ chức tôn giáo độc lập, những nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ, hay người tu khổ hạnh như sư Minh Tuệ có thể được tự do tu hành miễn không làm hại gì ai.
Thứ Năm, 05/09/2024 - 17:55 — Song Chi
Cùng lúc với việc mở rộng bắt bớ hoặc trừng phạt các quan tham từ trên xuống dưới (thực chất là đấu đá, sát phạt lẫn nhau để giành ghế là chính), nhà cầm quyền Việt Nam cũng gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự. Với mỗi quan tham bị bắt thì người dân đều choáng váng vì mức độ tham nhũng, hối lộ nghiêm trọng, “ăn của dân không chừa một thứ gì”; đám quan tham này đã làm thất thoát bao nhiêu tiền bạc, tài nguyên của nhân dân, đất nước, đã để lại những hậu quả năng nề cho nền kinh tế, đã làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào mức độ minh bạch về kinh tế, sự ổn định chính trị của Việt Nam cũng như lòng tin (vốn đã mòn tới đáy) của người dân vào nền luật pháp XNCHVN v.v…Trong khi đó với những người bất đồng chính kiến, chỉ lên tiếng một cách ôn hòa, không có bất cứ một lực lượng, thế lực, quyền hành gì trong tay, thì người ta phải đặt câu hỏi họ gây nguy hiểm gì, gây hại gì mà nhà cầm quyền phải “truy cùng diệt tận” họ như vậy? Gọi là “truy cùng diệt tận” bởi vì hầu hết những người bị bắt mấy năm gần đây đều là “bắt nguội”, “bắt vét” khi chính họ vì lý do này lý do khác, đã không còn lên tiếng hay hoạt động gì nữa một thời gian.
Mới đây nhất là 2 trường hợp liên quan đến trang Facebook Nhật ký yêu nước mà admin của trang này, Phan Tất Thành cũng đã ngừng hoạt động khá lâu nhưng vẫn bị bắt và mới bị Tòa Án Nhân dân TP.HCM ngày 8/5 vừa qua kết án 8 năm tù giam. (Trang Nhật ký yêu nước là một trang từng được nhiều người Việt, nhất là giới trẻ, biết đến rộng rãi qua những bài viết phản ánh hiện tình Việt Nam và qua những lần kêu gọi thành công sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ngay từ những năm 2007, 2008. Sau này trang vẫn còn hoạt động nhưng không nổi như trước). Một thành viên khác, Nguyễn Văn Dũng tức Dũng Aduku thì từ nhiều năm nay rồi thường xuyên bị công an xách nhiễu, truy đuổi, o ép, không thể làm được việc gì để mưu sinh mà không bị phá, đến mức cuối cùng phải chọn cái chết (và nguyên nhân thực sự của cái chết này vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng sau khi bị công an Phú Thọ tạm giữ và thẩm vấn 4 ngày từ 22/4-26.4 rồi thả ra, thì chỉ sau đó một ngày, Dũng đã tìm đến cái chết). Trước đó nhiều năm Dũng đã từng bị công an gài bẫy và bị tù với một tội danh không được hay ho, nhằm bôi xấu anh.
Nhìn lại trong suốt những năm qua, tất cả những người đã từng lên tiếng chỉ trích nhà nước Việt Nam đều phải trả giá rất đắt, nếu không phải chịu những bản án tù nặng nề thì cũng bị mất công ăn việc làm, mất sự nghiệp, gia đình ly tán, bị chặn đường mưu sinh, đi làm ở đâu, sống ở đâu cũng không yên, hoặc phải rời nước sống lưu vong. Một thủ đoạn thâm độc khác nữa của công an là dựng chuyện bôi nhọ, bôi bẩn hình ảnh của những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động; hoặc gây ly tán giữa người này với người kia…Và như đã nói ở trên, nhà cầm quyền đê hèn đến mức nhiều năm sau vẫn còn truy đuổi, bắt bớ họ.
Trong một xã hội độc tài mà bộ máy công an, an ninh chìm nổi, dư luận viên dày đặc này, Nguyễn Văn Dũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Cái chết của Dũng rồi cũng sẽ bị quên đi như hàng triệu cái chết oan khiên đủ kiểu của người dân Việt Nam, ngay cả sau khi đất nước đã ngừng tiếng súng chiến tranh - những cái chết trong thời bình: Từ những cái chết vì vượt biển thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ XX cho tới chết trong thùng container đông lạnh, trên đường xuyên rừng, trên xuồng cao su khi người dân tiếp tục vượt biển đi tìm một cuộc sống bình an, no đủ hơn; chết vì tai nạn lao động, vì làm việc quá sức như nô lệ, vì bị chủ đánh đập hoặc bị bạo hành tình dục khi đem thân đi làm thuê, làm vợ, thậm chí làm gái ở nước ngoài; chết vì bị công an bạo hành trong đồn, chết vì bệnh tật, vì điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong những nhà tù của nhà nước cộng sản Việt Nam… Cuối cùng là không thiếu những cái chết do con người bị dồn đến đường cùng mà thỉnh thoảng chúng ta lại đọc/nghe thấy qua báo chí hoặc qua mạng xã hội: người thì tự thiêu vì bị cưỡng chế đất đai mất hết nhà cửa, người thì tự tử vì quẫn bách, đói kém, nợ nần…Và bây giờ là một cái chết vì bị “khủng bố tinh thần” như Dũng Aduku.
Có thể có những quốc gia mà một vụ tham nhũng lớn đã đủ sức làm cho cả dân tộc phẫn nộ đứng lên đòi thay đổi chế độ thối nát, tham nhũng đó.
Có thể có những quốc gia mà những vụ thanh trừng, “tiêu diệt” lẫn nhau của đám quan chức cấp cao làm cả chế độ phải sụp đổ.
Có thể có những quốc gia mà cái chết oan ức của một người dân dưới bàn tay của công an, quan chức đủ để tạo ra cả một cuộc cách mạng.
Nhưng ở Việt Nam thì khác.
Những vụ án tham nhũng với mức độ ngày càng kinh khủng, ngày càng vô đạo đức, dường như chỉ làm cho người Việt quen đi, sự phẫn nộ cũng chỉ trong giây lát.
Những vụ thanh trừng, hãm hại nhau cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dường như chỉ làm cho người Việt hào hứng theo dõi như xem những vở bi-hài kịch.
Đối với những cái chết oan ức cũng vậy, người Việt cũng quen đi…
Bao giờ thì những sự bất công, bất bình thường ấy mới thôi được xem là “bình thường”, rằng “cái nước mình nó thế”?
27.4.2024 - Song Chi
Lãnh đạo Sài Gòn tham, dốt nên chặt bỏ những hàng cây rợp bóng mát khiến Sài Gòn đã nóng càng thêm nóng, hay đây chỉ là một trong những sự cố tình phá hoại thành phố này? Vì như nhiều người cũng nhận xét, trước kia tại những con đường có bóng mát việc kinh doanh cũng sầm uất hơn, người đi lại nhộn nhịp hơn, khách du lịch cũng thích thú đi dạo, còn bây giờ ngay cả những đại lộ khu trung tâm như Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng…cứ vào những giờ nắng lên cao là vắng ngắt.
Về kinh tế thì xem Sài Gòn như con bò để vắt sữa, làm ra bao nhiêu tiền phải đóng vào ngân sách tới 82% rồi 79% (trong khi có những thành phố chả đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào ngân sách quốc gia thì tối ngày xây cổng chào, tượng đài tiền tỷ để “ăn”); hạ tầng cơ sở thì không xây dựng, không những thế còn phá. Phá nát tất cả những gì thuộc Sài Gòn xưa, từ kiến trúc cũ, những địa điểm, địa danh lịch sử cho tới phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt cũng bị biến thành phi trường nội địa, rồi những hàng cây rợp bóng mát một thời lãng mạn của Sài Gòn…Không phải cố tình phá hoại thì là gì?
Cộng sản ở đâu cũng tâm địa nhỏ nhen giống nhau. Cứ nhìn Hong Kong, từ một làng chài nghèo qua tay người Anh đã trở thành một trung tâm tài chính thương mại quốc tế, một thành phố tự do, dân chủ, văn minh, hiện đại, âm nhạc, phim ảnh gì cũng đều phát triển (thập niên 50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước các nước láng giềng trong đó có VN đều mê phim Hong Kong, diễn viên tài tử ca sĩ Hong Kong, hồi đó phim Hàn, nhạc Hàn làm gì đã “xuất hiện” đình đám như bây giờ). Vậy mà chỉ về với “đất mẹ” chưa tới 3 thập niên, toàn bộ sự tự do dân chủ của Hong Kong bị triệt tiêu, Hong Kong xuống về mọi mặt, bởi vì sau khi học hỏi những cái hay của Hong Kong một thời gian là Bắc Kinh siết lại, và chỉ tập trung đầu tư cho những thành phố lớn của đại lục như Thượng Hải, Thẩm Quyến…
Không chỉ Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long từng một thời trù phú, làm chơi ăn thật, không bao giờ biết đến hạn hán là cái gì, người nông dân Nam Bộ thông minh biết thuận theo thiên nhiên, mùa nào thì trồng cây gì, nuôi con gì. Vào tay các lãnh đạo duy ý chí, dốt nát, đem những bài học xử lý đê điều các thứ của vùng đồng bằng sông Hồng áp dụng vào miền Tây, làm đảo lộn hệ sinh thái sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long gây bao nhiêu thiệt hại, hạn hán ngập mặn bắt đầu xảy ra, cộng thêm việc Trung Cộng, Lào, Campuchia xây các đập thủy điện gây tác hại thêm mà không thấy Việt Nam có những động thái mạnh mẽ gì hoặc lo có kế hoạch đối phó; đến vụ kênh đào Funan Techo đã rập rình từ mấy năm nay rồi bây giờ mới thấy Việt Nam bắt đầu chính thức lên tiếng, liệu có quá trễ?
Quan chức lãnh đạo từ trên xuống dưới chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, rồi lo đánh nhau giành ghế, có quan tâm đến chuyện gì khác đâu?
Thứ Năm, 04/25/2024 - 10:58 — Song Chi
Tưởng Niệm 49 năm biến cố lịch sử ngày 30/4/1975, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với hai người có xuất thân, quá trình học hành, kinh nghiệm sống khác hẳn nhau là Tiến sĩ, dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A từng sống dưới chế độ VNDCCH ở miền Bắc trước đây, hiện tại đang sống tại Hà Nội, Việt Nam và nhà văn, nhà báo Từ Thức từng sống dưới chế độ VNCH cũ ở miền Nam, hiện tại đang sống tại Paris, Pháp.
SC: Chế độ Việt Nam Cộng Hòa kết thúc vào ngày 30/4/1975, đến nay đã gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói “Việt Nam Cộng Hòa” không phải là quá khứ mà là tương lai thì các ông nghĩ như thế nào về câu nói này?
TS Nguyễn Quang A:
Câu hỏi lý thú này có một câu trả lời là dứt khoát KHÔNG và một câu trả lời mang tính gợi ý CÓ.
1. Đầu tiên hãy xét phần dứt khoát không theo nghĩa hẹp, tức là “Việt Nam Cộng hòa” không phải là tương lai, bởi vì:
- Với tư cách một chính thể Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt;
- Việc dùng tên Việt Nam Cộng hòa cho một chính thể tương lai sẽ gây chia rẽ hơn nữa trong một đất nước, một dân tộc cần tránh chia rẽ, phân cực hơn bao giờ hết và vì thế là không thích hợp cho sự hòa giải, thống nhất dân tộc, cho sự phát triển đất nước;
- Chính vì thế tôi khuyên tất cả những ai coi trọng sự phát triển đất nước, sự thống nhất quốc gia dân tộc không nên dùng rhetoric gây chia rẽ, phân cực và cố gắng làm hết sức mình để vun đắp cho sự thống nhất và sự phát triển của đất nước trong mọi hoạt động của mình (bất chấp lối nói và hành động của những người khác ý kiến với mình và không sa đà vào việc tranh cãi mang tính thắng-thua và thay vào đó cố gắng xây dựng, truyền bá các giá trị hết sức cần thiết cho một xã hội dân chủ như tự do, công bằng, bình đẳng, trung thực, khoan dung, thỏa hiệp,…; xây dựng văn hóa tranh luận cân nhắc và văn hóa chính trị lành mạnh).
2. Tuy vậy, hiểu theo nghĩa rộng, Việt Nam Cộng hòa đã là một chính thể theo hướng dân chủ đầu tiên trong suốt lịch sử dài của Việt Nam. Theo nghĩa đó, nếu muốn Việt Nam thực sự dân chủ và tự do thì dứt khoát chính thể tương lai của Việt Nam phải đi theo hướng đó, tức là đi theo hướng của Việt Nam Cộng hòa, phải học những kinh nghiệm cả hay và dở của Việt Nam Cộng hòa, nhưng không nên dùng cái tên Việt Nam Cộng hòa vì những lý do nêu ở phần 1 của câu trả lời, nhưng cũng vì Việt Nam Cộng hòa chưa phải là một chính thể dân chủ chín muồi thực sự và nửa thế kỷ qua đã có những biến đổi sâu rộng về công nghệ, xã hội và chính trị mà việc quá lưu luyến quá khứ đó chưa hẳn là cách hay.
Việc chọn tên nào cho chính thể tương lai là vấn đề chiến thuật tế nhị và cần được thảo luận trên tinh thần xây dựng, không gây chia rẽ, phân cực và lấy lợi ích phát triển quốc gia làm chính. Các tên khả dĩ có thể là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một cái tên rất hay nhưng có thể vẫn gây chia rẽ, phân cực; có lẽ Việt Nam Cộng hòa Dân chủ hay hơn? Hay chẳng nên dùng thêm tính ngữ nào cả mà chỉ tập trung vào xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ trong đó người Việt Nam được tự do, hạnh phúc. Đấy là những vấn để cần được thảo luận một cách xây dựng rộng rãi. Và đó có thể là một mẫu số chung để tất cả hay hầu hết những người Việt chung sức xây dựng một dự án mới cho đất nước.
Cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu, thảo luận rộng rãi về Việt Nam nên đi theo con đường dân chủ như thế nào, để người dân có thể hiểu về dân chủ nói chung, dân chủ bầu cử, dân chủ đại diện, dân chủ thảo luận cân nhắc, dân chủ tham gia vân vân cũng như các điểm hay điểm dở của chúng đề xuất chúng ta nên xây dựng một nước Việt Nam dân chủ ra sao để chính họ sáng tạo, thử nghiệm các sáng kiến của chính họ trong mọi việc kể cả việc quản lý nhà nước ở mức địa phương và quốc gia. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay khi các nền dân chủ đang gặp nhiều thách thức, cần những cải cách sâu rộng (kể cả việc kết hợp bầu cử với sự “rút thăm”) để xây dựng các cơ quan nhà nước hay bổ nhiệm các quan chức cấp cao thì việc “nâng cao dân trí” này càng cấp bách.
Nhà báo Từ Thức:
Điều chắc chắn là chế độ tương lai không thể là một chế độc tài, nhất là độc tài toàn trị, kiểu Cộng sản, hay hậu Cộng sản.
Phải có một chế độ dân chủ, nhưng dân chủ kiểu nào sẽ do một quốc hội lập hiến, do toàn dân bầu ra, quyết định. Ngày nay có rất nhiều hình thức dân chủ trên thế giới.
Thí dụ nước Pháp trao trọn quyền cho tổng thống, quốc hội đóng vai phụ, vì sau đại chiến thứ 2, Pháp muốn có một tổng thống nhiều quyền hành, để có thể hành động nhanh chóng.
Hoa Kỳ cũng theo tổng thống chế, nhưng quyền hạn bị hạn chế bởi quốc hội, nhất là Thượng Viện.
Tại nhiều nước khác quốc hội lựa Thủ tướng, tổng thống nếu có, chỉ đóng vai tượng trưng, không có quyền hình gì; thủ tướng mất chức khi mất đa số ở quốc hội. Bà Merkel, thủ tướng Đức, có lần chỉ trụ sở quốc hội, nói: ‘’Boss của tôi’’.
Thuỵ Sĩ theo chế độ dân chủ trực tiếp, những vấn đề lớn đều do dân quyết định qua trưng cầu dân ý, một chuyện không thể thực hiện ở Pháp, vì dân Pháp bất mãn kinh niên, khi hỏi ý, đều trả lời ngược lại với chính sách của chính quyền, do chính họ bầu ra.
Hình thức dân chủ nào cũng có ưu hay khuyết điểm.
Việt Nam, trong cái rủi có cái may, là có hàng triệu người đang sống ở hải ngoại, có thể quan sát, học hỏi, rút kinh nghiệm tại nhiếu quốc gia, để khi có cơ hội, có thể xây dựng một thể chế thích hợp cho đất nước.
Có thể lạc quan về chuyện đó, khi thấy Đài Loan chỉ trong vài năm đã xây dựng một chế độ dân chủ gần như kiểu mẫu, không thua kém gì các nước Tây phương đã bỏ ra nhiều thế kỷ để thực hiện.
Vấn đề là bao giờ người Việt có quyền tự chủ?
SC: Theo các ông, những sai lầm lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam và những di sản tệ hại nhất mà họ đang và sẽ để lại cho đất nước, dân tộc là gì?
TS Nguyễn Quang A:
1) Sử dụng bạo lực [cả vật lý và ngôn từ] và luôn tìm ra những kẻ thù tưởng tượng;
2) Khi buộc phải sửa sai lầm của chính mình thì thường không thú nhận sai lầm một cách công khai (nhân văn giai phẩm, sửa chính sách kinh tế [“đổi mới” thực sự là sự sửa chính sách kinh tế sai lầm nhưng coi là thành công của mình], cải cách ruộng đất có thừa nhận công khai sai lầm nhưng chưa thành thật,…) góp phần làm hủy hoại hệ thống đạo đức;
3)Dùng các khái niệm cùng tên nhưng ngược với cách hiểu chung của thế giới, ngăn chặn và đàn áp các tiếng nói khác và như thế góp phần làm đảo lộn các giá trị;
4) Bóp nghẹt tự do và như thế không có đất cho sự sáng tạo thật sự.
Nhà báo Từ Thức:
Cái sai lầm lớn nhất và di sản tai hại nhất người Cộng sản để lại cho đất nước là… đã nhập cảng chế độ Cộng sản.
Câu trả lời có vẻ lẩm cẩm, nhưng đó là sự thực. Bởi vì chủ nghĩa đó là nguyên nhân của tất cả những bế tắc của Việt Nam.
Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế phủ nhận khái niệm quốc gia, khiến Việt Nam trước đây trở thành trường thành của Cộng sản quốc tế, ngày nay càng ngày càng rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, nhất là khi phe đảng cầm quyền ở Việt Nam nghĩ Bắc Kinh là bảo hiểm sinh mạng của họ.
Chủ nghĩa Cộng sản chủ trương vô sản chuyên chế, khiến độc tài toàn trị là con đường duy nhất, việc triệt tiêu những quyền căn bản của con người trở thành quốc sách, mặc dù ngày nay các nhà lãnh đạo vô sản đã trở thành triệu phú, hay tỷ phú dollars.
Cộng sản coi lý thuyết Mác Lê là kim chỉ nam, khiến Việt Nam không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ; coi tất cả những người không nghĩ như họ là kẻ thù, biến Việt Nam thành một nước không có văn hoá, vì văn hoá cần sáng tạo, sáng tạo cần tự do tối đa.
Chủ nghĩa Cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện, coi thuần phong mỹ tục là trò chơi của giai cấp tư sản bóc lột, khiến tôn giáo bị đàn áp thẳng tay, để thay thế bằng mê tín dị đoan, xã hội rối loạn.
Trước bất cứ tệ trạng nào, người ta suy nghĩ tìm giải pháp, cuối cùng đều phải đi tới kết luận: chừng nào chế độ này còn tồn tại, sẽ không có giải pháp. Càng sửa càng sai, càng sai càng sửa.
SC: Các ông đánh giá chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thành công không, tại sao, và liệu việc đánh tham nhũng này có dẫn đến nguy cơ cho đảng Cộng sản Việt Nam theo kiểu không kiểm soát được và sẽ “tự bắn vào chân mình”?
TS Nguyễn Quang A:
Tham nhũng gắn với quyền lực và vì thế không thể triệt tiêu tham nhũng. Chỉ có thể giảm bớt tham nhũng mà thôi. Thế giới có rất nhiều nghiên cứu về quản trị tốt và tham nhũng. Theo đó, muốn chống tham nhũng thành công (tức là gữ cho mức độ tham nhũng ở mức xã hội có thể chịu đựng được) thì về mặt thể chế cần ít nhất 4-5 thứ:
1) Luật trị hay nhà nước pháp quyền tức là không ai, không tổ chức nào có thể đứng trên luật pháp cả và bản thân việc làm luật cũng phải tuân theo những quy tắc phổ biến để bảo vệ các quyền của người dân, hạn chế sự lạm dụng của chính quyền, chứ không phải ban hành luật một cách tùy tiện;
2) Nền tư pháp độc lập, tức là cơ quan điều tra, tố tụng và tòa án hoạt động độc lập chỉ dựa vào pháp luật, không bị một cá nhân hay tổ chức nào chi phối;
3) Báo chí tự do, nhất là nghề báo điều tra;
4) Xã hội dân sự lành mạnh, sôi động để tập hợp sức mạnh trí tuệ, kỹ năng của người dân để buộc các tổ chức, các quan chức phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình;
5) Có các cơ quan nhà nước giám sát độc lập nhưng không phụ thuộc vào chính quyền (về tiền tệ, môi trường, khoa học, dược và thực phẩm, v.v.) hoạt động chỉ theo các luật hay quy định riêng cho chúng.
Ngoài các nhân tố thể chế nói trên việc xây dựng các giá trị, tập quán văn hóa cũng quan trọng trong việc kiểm soát tham nhũng.
Các bạn soát lại xem Việt Nam có nhân tố nào trong 5 nhân tố cơ bản nêu trên: không nhân tố nào cả! Càng độc quyền càng sinh ra tham nhũng. Hệ thống sinh ra ra tham nhũng. Thiếu các yếu tố đó thì bất kể cuộc chống tham nhũng nào, từ “đả hổ diệt ruồi” đến “đốt lò” đều không thể có kết quả, gỏi nhất chúng chỉ có thể làm hài lòng ngắn hạn dân chúng chưa hiểu biết kỹ mà chỉ khoái thấy các quan chức cấp cao bị “trừng trị” nhưng không thể giải quyết bài bản, tận gốc vấn đề tham nhũng mà ngược lại làm không khéo, tràn lan thì có thể gây sự mất lòng tin, sự tê liệt của bộ máy, mất tính sáng tạo, sáng kiến thử nghiệm của các tổ chức và các quan chức nhà nước, những việc vô cùng quan trọng trong việc vận hành, phát triển và đổi mới đất nước.
Nhà báo Từ Thức:
Câu nói nổi tiếng của Lord Acton, mà người ta gán cho Churchill, đã trở thành một định luật: “Quyền lực đưa tới tham nhũng, quyền lực tối đa tham nhũng tối đa” (power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely).
Ở các nước dân chủ, không phải chỉ có chính quyền diệt tham nhũng. Việc tố cáo, điều tra hay trừng trị tham nhũng là việc làm của các cơ quan giám sát, của tư pháp chuyên môn về kinh tài, của quốc hội, của các hội đoàn, báo chí, các đảng phái, và ngay cả mọi công dân, tất cả hoàn toàn độc lập đối với chính quyền. Một người tham nhũng khó lọt qua tất cả những cửa ải đó.
Ở những nước độc tài, chuyện chống tham nhũng nằm trọn trong tay một người, toàn quyền quyết định ai tham nhũng, ai đáng bị trừng phạt.
Toà án và công an điều tra chỉ tuân theo mệnh lệnh. Đó chỉ là những cơ hội để triệt hạ những kẻ không thuộc phe của nhóm đang cầm quyền.
Chiến dịch ‘’đốt lò’’ của ông Trọng chỉ là trò bắt chước chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”của Tập Cận Bình, theo truyền thống những gì xẩy ra ở bên Tàu sẽ xẩy ra ở Việt Nam, như cuộc Cải Cách Ruộng Đất kinh hoàng, man rợ trước đây.
Nhân danh diệt tham nhũng, Tập đã bỏ tù trên 100.000 cán bộ lớn nhỏ, loại bỏ tất cả những người không cùng phe cánh, hay những nhà tài phiệt đã quá thành công để có thể có ảnh hưởng trong xã hội, như Jack Ma, để trở thành hoàng đế vĩnh viễn của nước Tàu.
Hậu quả là tham nhũng không thuyên giảm, nhưng guồng máy nhà nước trì trệ, vì cán bộ các cấp sợ bị sờ gáy, khoanh tay không làm gì nữa. Các nhà đầu tư ngoại quốc tìm cách chạy khỏi Trung Quốc, vì giới kinh tài rất sợ đầu tư ở những nước không có đường lối, luật pháp minh bạch.
Tập có 2 mục đích khi phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Thứ nhất: loại trừ đối lập. Thứ hai: cứu Đảng, vì nạn tham nhũng khủng khiếm đã gây bất mãn trong các tầng lới nhân dân, ở một xứ người dân đã quên cả chuyện bất bình, để được yên thân.
Ông Trọng học nguyên văn bài bản của Tập, cũng có 2 mục tiêu đó khi “đốt lò”. Chiến dịch đốt lò có vẻ ngoạn mục, trở thành chuyện vui trong các tiệm cà phê, bàn tán chuyện ai lên ngựa ai ngã ngựa, nhưng sẽ chẳng đi tới đâu. Ông Trọng cũng không nên mong chuyện diệt tham nhũng thành công, bởi vì nếu không còn tham nhũng, sẽ chẳng còn ai làm việc, chẳng còn ai giữ đảng.
Ngày nay, không ai còn mơ thế giới đại đồng, không còn chiêu bài chống Mỹ cứu nước, nếu còn những người trung thành với Đảng, chỉ vì còn đặc quyền đặc lợi, quyền được tham nhũng.
Bài trừ tham nhũng tới nơi tới chốn là một cách cưa cành cây, trên đó các lãnh tụ Đảng đang ngồi.
SC: Sau gần nửa thế kỷ dưới một chế độ độc tài toàn trị, theo các ông, những “căn bệnh” lớn nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay là gì?
TS Nguyễn Quang A:
Băng hoại đạo đức, dối trá, khoa trương, không minh bạch.
Nhà báo Từ Thức:
Dân tộc nào cũng có tính xấu bên cạnh tính tốt. Dân Việt Nam cũng vậy. Nhưng có những bệnh xã hội đặc biệt do chế độ độc tài tạo ra: bệnh dối trá, vô trách nhiệm, vô cảm, vô luân
Dối trá: Dưới một chế độ toàn trị, dối trá là một nghệ thuật sống. Nói thực điều mình suy nghĩ, bày tỏ sự bất mãn, bất đồng ý kiến có thể mất công ăn, việc làm, bổng lộc, nếu không mất mạng. Dối trá là một phương pháp để sống còn, dần dần sẽ trở thành một thói quen, một bản năng, một dân tộc tính.
Vô trách nhiệm: dối trá đưa tới tinh thần vô trách nhiệm. Người ta chỉ làm những gì chắc chắn là sẽ không bị tai bay vạ gió; không ai nghĩ tới xã hội, tới ích lợi chung. Giả vờ tin, giả vờ làm việc.
Vô cảm: những người còn lương tâm, bất mãn trước bất công, trước bạo quyền, trước việc đất nước lâm nguy, đều bị đàn áp, hành hạ, bỏ tù. Hậu quả là không ai tha thiết đến chuyện chung nữa, hoàn toàn vô cảm, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng.
Vô luân: những giá trị cũ, phong hoá cũ bị xoá sạch, tôn giáo bị đàn áp để thay bằng mê tín dị đoan, giáo dục thay bằng tuyên truyền, xã hội không còn kim chỉ nam, hỗn loạn, không lý tưởng.
Đó chỉ là một vài thí dụ, nhưng đủ đưa tới một xã hội rất kỳ lạ. Rất khôi hài, nếu không phải là dân tộc của chính mình.
Một dân tộc không có quá khứ, bởi vì lịch sử đã bị viết lại. Không có tương lai, giống như cây tre, chính sách ngoại giao của ông Trọng, không biết ngả về hướng nào, không biết đi đâu, ngoài chuyện cố bám vào, hay giả vờ bám vào một chủ nghĩa đã giết 100 triệu người, mà thế giới, trừ Tàu, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, đã chối bỏ.
Không quá khứ, không tương lai, không còn một giá trị, khuôn mẫu nào, xã hội như một con tầu không lái, không biết đi về hướng nào. Cả một dân tộc sống cho qua ngày, chờ đợi một cái gì vô hình. Giống như những nhân vật trong vở kịch “En attendant Godot’’ (Trong khi chờ đợi Godot), của Samuel Beckett, ngồi chờ Godot, nhưng không biết Godot là ai, có thể làm gì để cứu mình. Và cuối cùng Godot không tới.
SC: Theo các ông, bài học lớn nhất rút ra từ cuộc chiến Việt Nam, cho cả hai miền Nam-Bắc là gì? Và hiện nay Việt Nam đã học được bài học ấy chưa?
TS Nguyễn Quang A:
Bất bạo động, “bạo động tắc tử” như lời nhắc nhở của cụ Phan Châu Trinh. Đáng tiếc người dân Việt Nam ở khắp nơi cả trong nước và ngoài nước, thuộc bất cứ phe nào phải rất nghiêm túc học bài học này (kể cả việc không dùng ngôn từ kích động bạo lực, hiểu đúng về sự thỏa hiệp [một giá trị vô cùng quan trọng nhưng thường bị người Việt coi là xấu], cổ vũ khuyến khích sự khoan dung…nói cách khác là xây dựng các giá trị dân chủ trên tầng văn hóa).
Nhà báo Từ Thức:
Bài học lớn nhất cho người Việt Nam là chỉ có mình bảo vệ, xây dựng đất nước mình. Những nước khác chỉ nghĩ tới quyền lợi của chính họ, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh nếu họ muốn thay đổi chính sách.
Việt Nam Cộng Hòa quá tin Hoa Kỳ, đã bị bỏ rơi không thương tiếc.
Người Cộng sản trung thành, vâng lệnh Trung Cộng, mặc dù Trung Cộng xâm chiếm biển đảo, ranh giới, bành trướng thế lực ở Việt Nam, hay trắng trợn xâm lăng như khi Đặng Tiểu Bình muốn “dạy Việt Nam một bài học” năm 1979.
Bài học cực kỳ đơn giản đó, trải qua những kinh nghiệm đắng cay, đau đớn, người Việt ta chưa học được. Vọng ngoại là bệnh nan y của người Việt, nhiều người đồng hương vẫn trông chờ những đấng cứu tinh ngoại quốc tới cứu mình, quên rằng mục tiêu số một của họ là giữ cái ghế của chính họ, sau đó là quyền lợi phe đảng, cuối cùng là quyền lợi của đất nước họ. Số mệnh của dân tộc Việt Nam là một khái niệm rất mơ hồ. Nếu cần hy sinh hàng triệu người Việt vì một tính toán lợi lộc, họ sẵn sàng làm.
Việt Nam là một nước nhỏ, không thể đứng một mình, cần đồng minh. Nhưng đồng minh nào cũng chỉ là nhất thời, cái linh thiêng vĩnh viễn là vận mệnh dân tộc. Và vận mệnh của một dân tộc hoàn toàn tuỳ thuộc dân tộc đó.
SC: Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng thế giới hiện nay đang đứng trước một tình thế rất nguy hiểm, với những xung đột đang hoăc sẽ có khả năng bùng nổ ở nơi này nơi khác: cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, xung đột ở khu vực Trung Đông, mối đe dọa của Trung Cộng đối với Đài Loan và khu vực biển Đông, sự hình thành trục ác Nga-Trung Quốc-Iran-Bắc Hàn trong lúc các nền dân chủ hàng đầu của phương Tây đang bị đánh phá, xói mòn từ bên ngoài lẫn bên trong…Chỉ cần một hành động gây hấn hay một cái đầu “nóng” của một nhân vật lãnh đạo, một nguyên thủ quốc gia nào đó là chiến tranh có thể lan rộng, thậm chí thế chiến thứ Ba sẽ bùng nổ; hoặc sự thắng thua của một bên trong một cuộc xung đột có thể làm đảo lộn trật tự thế giới v.v…Đứng trước tất cả những thử thách đó thì các ông nhận thấy tầm nhìn, sự chuẩn bị đối phó cho tới những bước đi cụ thể của đảng Cộng sản Việt Nam ra sao?
TS Nguyễn Quang A:
Do đảng Cộng sản Việt Nam không minh bạch và có thể coi các sự chuẩn bị hay kế hoạch như vậy là bí mật quốc gia nên tôi không rõ họ chuẩn bị thế nào nên khó bình luận. Tuy vậy từ chính sách ngoại giao (xây dựng các mối quan hệ với các nước theo tầm quan trọng của họ với Việt Nam theo các cấp độ khác nhau) để tranh thủ giữ hòa bình phát triển đất nước là hướng tôi cho là đúng. Còn tốt hơn nữa nếu chúng ta có cùng các giá trị với các nước dân chủ tiên tiến và có sự thảo luận để dân chúng cùng xây dựng các phương án đối phó với tình hình, thế thì người dân mới là chủ chứ không chỉ là chủ hờ trên giấy.
Nhà báo Từ Thức:
Tại Á Châu, các quốc gia láng giềng của Việt Nam đang xiết chặt hàng ngũ chống hiểm hoạ Tàu. Nhật Bản, Phi Luật Tân công khai hợp tác với AUKUS (1) là một tổ chức hợp tác quân sự giữa 3 quốc gia Úc, Anh và Mỹ thành lập từ 2021 với mục đích ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng. Hoa Kỳ qua quyết định viện trợ mới đây cho Đài Loan đã cho thấy họ sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, người ta không hiểu đường lối ngoại giao của Việt Nam là gì. Ông Trọng hãnh diện về chính sách ‘’ngoại giao cây tre’’. Cây tre không nghiêng hẳn về phe nào, nhưng theo cơ hội chủ nghĩa, ngả theo chiều gió.
Trung thành với Bắc Kinh, trong khi các nước trong vùng kết hợp chống Tàu, Việt Nam tự cô độc hoá ở Á Châu. Không quốc gia nào trong vùng tin vào Việt Nam nữa.
Vận mệnh Việt Nam nằm trong tay Bắc Kinh. Đó là một nghịch lý: trong khi Trung Hoa đang gặp khó khăn về mọi mặt: kinh tế khủng hoảng, xuất cảng giảm sút, thất nghiệp tràn lan, dân tộc lão hoá, và đang bị Hoa Kỳ và các nước Tây Phương coi là kẻ thù, ít nhất trên lãnh vực kinh tế. Tóm lại, khi chuyện thoát Trung có cơ hội thuận tiện nhất, Việt Nam càng ngày càng rơi vào quỹ đạo Tàu.
Nhìn từ ngoài thấy khó hiểu, nhưng ông Trọng có lý của ông khi ngả về phe Tàu. Thứ nhất: ông Trọng là những người cuối cùng còn tin, còn cuồng chủ nghĩa Cộng sản. Thứ hai: giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cảm thấy gần gũi với những nước có văn hoá Cộng sản như Nga, hay Tàu, hơn là với những nước dân chủ. Thứ 3: kết hợp bè đảng với các nước độc tài thoải mái hơn là với những nước dân chủ, có những nguyên tắc rắc rối, nhiêu khê mà họ ghê sợ, thí dụ bầu cử trong sạch, tự do báo chí, tam quyền phân lập vv…
Trong thời đại cực kỳ bất ổn hiện tại trên thế giới, rất khó biết đường đi nước bước của Việt Nam trong tương lai. Vì Việt Nam đi đâu, theo ngả nào, không phải là chuyện chung của gần 100 triệu người, mà là chuyện riêng của một nhóm. Họ có lý luận riêng, có logique riêng. Họ sẽ tuỳ cơ ứng biến, tuỳ theo quyền lợi của họ để quyết định vận mệnh của một mảnh đất 330.000 cây số vuông, mà họ là chủ nhân.
SC: Dự đoán của các ông về tương lai của Việt Nam 10 năm tới và vai trò của người trí thức đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc?
TS Nguyễn Quang A:
Một hệ thống gồm các thành phần biết tư duy, tức là suy nghĩ, có hành động (mà lại phụ thuộc vào tư duy) tạo thành một hệ thống phi tuyến, phức tạp và sự tiến triển của hệ thống như vậy không thể dự đoán được. Một xã hội là một hệ thống như vậy và còn phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh bên ngoài, nên các dự đoán thường chỉ là sự đoán mò của các lang băm.
Tôi không muốn trở thành một lang băm. Tuy nhiên nếu chúng ta làm mọi cách để nâng cao dân trí, để phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ, để có cuộc sống khỏe, để nuôi dưỡng các giá trị chung, nhất là khát vọng tự do (chấn hung dân khí) và tích cực tham gia vào các phong trào xã hội để thực hiện và nâng cao các giá trị đó thì mục tiêu xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, bình đẳng hạnh phúc chắc chắn sẽ đạt được (từng phần) và quá trình này chỉ có thể được cải thiện liên tục nếu số đông người Việt làm vậy một cách liên tục và không ngưng nghỉ. Nói cách khác chúng ta nên học tập, phát triển, làm phong phú thêm và thực hiện tư tưởng Phan Châu Trinh. Việc đó chính là việc góp phần xây dựng dân chủ (ngay bây giờ trong lòng chế độ độc tài), hiện đại hóa đất nước thay cho việc ngồi thụ động trông chờ ai đó khác và bận tâm đến việc dự đoán. Tương lai của Việt Nam là sự lựa chọn của chính chúng ta, nó phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của tất cả chúng ta hàng ngày! Tự do hay nô lệ là lựa chọn của chính chúng ta. Nước mạnh dân giàu hay dân nghèo nước yếu là lựa chọn của chính chúng ta.
Nhà báo Từ Thức:
Các chuyên gia, kể cả những người lỗi lạc nhất, thường thường sai lầm khi tiên đoán thời cuộc.
Trước đó ít ngày, ít ai nghĩ Nga Xô Viết sụp đổ nhanh chóng như vậy, năm 1991. Trước khi Putin xua quân qua lãnh thổ Ukraine, không ai nghĩ Putin sẽ điên khùng như vậy, trừ tình báo Mỹ.
Những thay đổi lớn trên thế giới thường thường nhờ hai điều điện: thứ nhất là làn sóng ngầm, đòi hỏi thay đổi. Thứ hai là một đột biến khiến nhà cầm quyền không kiểm soát nổi tình thế.
Nếu lạc quan, người ta nghĩ chế độ Cộng sản đã cáo chung, vì bế tắc mọi mặt, khiến dân bất mãn, nghĩa là đã có một làn sóng ngầm.
Người bi quan hỏi: ai, lực lượng nào sẽ gây đột biến, trong một quốc gia đa số thờ ơ, vô cảm, trong một quốc gia ngân sách công an lớn hơn ngân sách giáo dục.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng một mô hình xã hội như Aldous Huxley mô tả: một nhà tù không tường, trong đó tù nhân được hưởng những thú vui vật chất, những trò giải trí rẻ tiền, thoả mãn với thân phận nô lệ của mình, không muốn phá ngục nữa, đôi khi còn đồng loã với cai ngục (2)
Khi nào cái tư duy chưa bị đập vỡ, sẽ khó có thay đổi. Và nếu có thay đổi, theo Antonio Gramsci, sẽ chỉ là những cuộc đảo chánh. Quyền lực sẽ từ Đảng Cộng sản chuyển sang tư bản đỏ, mafia đỏ, như ở nước Nga của Putin.
Ai làm chuyện thay đổi tư duy đó, mà cụ Phan Chu Trinh gọi là ‘’khai dân trí’’, để làm nền móng cho tương lai? Trí thức.
Rất tiếc Việt Nam không có một tầng lớp trí thức (intelligentsia), soi đường cho xã hội, là lương tâm của đất nước, như ở Pháp với Victor Hugo, Emile Zola…, hay gần đây với Albert Camus.
Sau gần một thế kỷ, chính sách ngu dân đã tiêu diệt hàng ngũ trí thức, chỉ còn những người có bằng cấp, bằng giả hay bằng thực, thụ động, yên phận để bảo vệ đôi chút bổng lộc, hay đôi khi chỉ đôi chút danh hão.
Vai trò của trí thức ? Câu hỏi mông mênh. Tạm trả lời, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ không nên trông chờ một hàng ngũ trí thức đóng vai lương tâm của xã hội, đứng mũi chịu sào. Chỉ mong họ ý thức một điều cơ bản: đất nước không thể xây dựng trong một chế độ độc tài. Tất cả bắt đầu từ trí não, từ cách suy nghĩ. Nói vậy có vẻ đơn giản, trẻ con, nhưng rất gần với sự thực.
Viết về tệ trạng nô lệ thời La Mã, Alexis de Tocqueville ngạc nhiên thấy tại sao giữa các triết gia, trí thức uyên bác, không có ai thấy chuyện bình đẳng giữa người với người là một chuyện rất tự nhiên.
Đó là chuyện cách đây 2000 năm. Ngày nay, chắc có người ngạc nhiên tại sao ý niệm nhân quyền, nhân phẩm của mỗi người dân vẫn chưa là một ưu tiên, trước thú vui hưởng thụ vật chất, nơi rất rất đông người đồng hương, kể cả trí thức.
Trong bối cảnh đó, phải ngả mũ khâm phục những người, trí thức hay không, rất hiếm hoi, vẫn tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, cho đất nước, dưới mọi hình thức, bất chất đe doạ, phỉ báng, vu cáo, chụp mũ hay tù đày. Càng đáng kính hơn nữa, khi họ hành động trong sự thờ ơ của xã hội.
SC: Chân thành cảm ơn TS Nguyễn Quang A và nhà báo Từ Thức.
-----------
(1) (AUKUS: Australia, United Kingdom, US)
(2) https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/huxley-orwell-ionesco-mô-hình-n...
Thứ Sáu, 04/12/2024 - 10:09 — Song Chi
Sống dưới chế độ độc tài toàn trị do một đảng cộng sản cai trị suốt nhiều thập niên, có lẽ chúng ta cũng nên luôn luôn tỉnh táo để tự nhắc mình và nhắc nhau rằng tất cả những gì được phơi bày ra trên bề mặt, và trên truyền thông, không bao giờ là sự thật 100%. Ngay cuộc chiến “đốt lò” chống tham nhũng lâu nay cũng vậy. Báo chí truyền thông nhà nước chạy hết công suất đưa tin với nhiệm vụ đã ngầm được đảng chỉ thị, nhằm tạo tính chính danh cho đảng, củng cố niềm tin của dân đối với chế độ (giả dụ, nếu còn được một mẩu vụn lòng tin nào sót lại). Đảng cộng sản luôn nói rằng chống tham nhũng không có “vùng cấm”, nhưng ai cũng thừa biết, là có “vùng né”. Chống đến đâu thì né, thì chừa. Thổi phồng những sự việc này, trút hết lên đầu nhân vật kia nhưng lại lờ đi, giấu biệt những chi tiết khác, nhân vật khác ở trong bóng tối, ở trên cao. Và khả năng lũng đoạn báo chí của nhà cầm quyền để dẫn dắt dư luận đi theo hướng mà họ muốn, với mục đích gì chỉ có họ biết, là…vô đối.
Đừng quên những vụ án đình đám như Năm Cam, Tăng Minh Phụng…trước kia, nhiều người cũng đã nói Năm Cam, Tăng Minh Phụng thật ra là chết oan, tội của họ không đến mức phải tử hình.
Vụ án Vạn Thịnh Phát này bà Trương Mỹ Lan dứt khoát không oan. Nhưng thể chế nào đã tạo ra Trương Mỹ Lan, những nhân vật cụ thể nào đã tạo ra, đã ăn chia, đã che chắn, đã hưởng phần lớn số tiền bị thất thoát trong bao năm? Và những cái chết bí ẩn bao quanh vụ án này: Trước hết là cái chết của hai nhân vật được bà Trương Mỹ Lan khai trước tòa là đã đích thân vận động bà Lan đứng ra hợp nhất 3 ngân hàng--ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1998-2013 và ông Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cựu Thứ trưởng Bộ Công an. Cả hai người trước kẻ sau, đều mất vào khoảng tháng 2/2014. Khi lời khai của Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines trong một vụ án khác, có nhắc đến việc chính ông này đã đưa cho tướng Ngọ số tiền 1 triệu USD từ bà Lan thì một ngày sau ông Ngọ chết tại Bệnh viện, còn ông Tuấn mất trước đó khoảng 1 tuần. Rồi khi vụ án Vạn Thịnh Phát đang trong giai đoạn điều tra thì 3 nhân vật có liên quan là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của ngân hàng SCB; bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB; Ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cả ba đều “đột ngột qua đời”. Chưa kể 5 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB đang bỏ trốn, và đang bị truy nã. Hay ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người đã giúp cho bà Lan thâu tóm hàng loạt khu đất vàng tại Sài Gòn, nhưng đến nay vẫn an toàn.
Và có đúng bà Lan là chủ mưu hay chỉ là công cụ, cho dù là một công cụ hết sức quan trọng--nhờ vào những mối quan hệ rộng rãi với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước, khả năng huy động vốn v.v…? Nguồn tiền bà Lan chuyển ra bên ngoài hay nguồn tiền của các đối tác bên ngoài rót vào các cơ sở bất động sản “khủng” của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đường dây của nó có dẫn đến tận những nhân vật nào đó ở nước láng giềng? Rồi mấy chục ngàn nạn nhân gửi tiền vào SCB sẽ được giải quyết ra sao?
Sơ sơ như thế để thấy vụ án còn quá nhiều điều khuất tất, chưa rõ ràng, chưa thể kết thúc. Và do đó tử hình bà Trương Mỹ Lan chẳng khác nào hành vi bịt đầu mối.
Liệu bà Lan, đằng nào cũng mất hết rồi, có dám khui ra cho toàn dân tỏ tường những gì bà biết được, những mảng tối phía sau (nhưng ngay chính bà, cũng chưa chắn đã biết hết)? Hay bà Lan, cũng như hàng ngàn, hàng vạn bị cáo bị xử trong vô số vụ án công khai hoặc những cựu quan chức bị cho về vườn “làm người tử tế”, tệ hơn, bị “cho đi tàu suốt”…sẽ mãi mãi im lặng để đổi lấy sự an toàn cho gia đình, con cháu?
Một lần nữa, chúng ta càng thấy rõ, dưới chế độ này, những gì được phơi bày ra thì chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh, đảng muốn cho người dân thấy cái gì, tới đâu thì người dân chỉ được thấy tới đó. Cũng như vụ ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người dân cũng chẳng được biết ông ta sai phạm những gì, mức độ ra sao.
Chừng nào còn thể chế độc tài toàn trị do một đảng cộng sản-mafia-khủng bố cai trị, thì chừng đó tham nhũng vẫn còn, những vụ đại án tham nhũng sẽ tiếp tục được khui ra với mức độ ngày càng kinh khủng (cho tới khi vì những lý do khác nhau, các nhân vật quyền lực nhất của đảng quyết định dừng “đốt lò”), sự minh bạch, công khai, công bằng từ đưa tin, điều tra, xét xử…vẫn còn là giấc mơ. Quan trọng nhất, người dân vẫn tiếp tục là nạn nhân và là người ngoài cuộc của tất cả những vở đại bi-hài kịch mà cái giá phải trả vô cùng đắt đỏ đó.