logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

Thái Hạo - 2

Đạo đức và sự phá sản đạo đức

16.4.2024 - Thái Hạo

Bên dưới bài viết thể hiện lòng tôn trọng của tôi đối với một vị tu sĩ, có một số bình luận nhận định về người tu hành như, “Không lao động đóng góp cho xã hội, cả đời cũng chưa từng làm việc gì tốt... Đạo đức xã hội bị lệch lạc cũng từ đây mà ra”, hay “Lao động tạo ra của cải để giúp người khác thì tốt hơn là lối khổ hạnh vô ích”, v.v.. Vậy rốt cuộc tu hành có ích gì cho xã hội?

Câu trả lời có lẽ không khó nếu xem xét những khía cạnh lớn nhỏ khác nhau, nhưng để nói một cách căn bản thì lại không dễ. Trong bộ phim Ấn Độ “Cuộc đời Đức Phật”, Phật nói với các học trò của mình rằng: “Con đường của ta không phải đưa các ông trốn tránh cuộc đời này. [Mà bởi vì] Ta tin rằng con người có thể thay đổi khi tiếp xúc với việc thiện hoặc việc ác của người khác. Niềm hy vọng [về việc đưa đến sự thay đổi] này dành cho những tâm hồn cao thượng”. 

Nghĩa là gì? Bởi tin rằng rằng đức hạnh của một cá nhân sẽ ảnh hưởng một cách to lớn tới người khác, cho nên thay đổi xã hội hay cải hóa đạo đức của dân chúng có một cách rất căn bản: là xã hội ấy cần phải có những bậc mô phạm làm mẫu mực cho mọi người khởi lòng hướng thiện, hướng thượng và tự tu sửa bản thân họ. Đó là con đường của giáo hóa. Và vì thế, những người đi tu phải là những “tâm hồn cao thượng”, mang lý tưởng lớn lao, không những tự mình mang đến hạnh phúc cho bản thân mà còn phải gánh vác trách nhiệm “chấn hưng văn hóa” bằng chính cái đời sống đầy phẩm hạnh của mình. Đó cũng chính là lý do tại sao khi gặp hình ảnh một bậc tu hành chân chính thì rất nhiều người lập tức bị cảm hóa, không ai xui khiến nhưng họ luôn muốn quỳ xuống đảnh lễ. 

Con người vốn có sẵn tính thiện trong mình, nhưng vì những lý do nào đó, nó bị ô nhiễm và che mờ, và một trong những cách mau chóng nhất, hiệu quả nhất để thắp sáng trở lại thiện căn ấy chính là những tấm gương đức hạnh chói sáng của một con người.

Người ta sẽ bảo, nhưng đó là “niềm tin lạc hậu” ở 2.600 năm trước. Không, rất gần chúng ta thôi, nhà bác học “vĩ đại nhất thế kỷ XX” A. Einstein đã viết trong tác phẩm “Thế giới như tôi thấy”: “Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng. Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?”. Phát biểu này đồng với những lời Đức Phật đã nói ở trên.

Tôi không phủ nhận ý nghĩa của tiền bạc, khoa học, công nghệ..., nhưng tôi cũng cho rằng không gì có thể thay thế được sức mạnh của phẩm hạnh cá nhân. Khốn nỗi là ở chỗ, “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Nó không nằm ở chỗ nói suông, càng không nằm ở những nơi ba hoa khoác lác. Đức hạnh chỉ được định nghĩa trên “hành” chứ không phải “ngôn”, mà ngôn thì dễ, chứ hành thì khó lắm, trong muôn vàn, chưa hẳn đã có một.

Sống như nói, đó mới là đạo đức chân thật. Và chỉ khi đó nó mới có sức mạnh. Miệng hô “buông bỏ” nhưng tay vơ vét, sống xa hoa, tham lam tiền bạc, quyền lực, thì đó chỉ là đạo đức giả. 

Tôi không phải là một người theo “chủ nghĩa đạo đức” – hiểu như là một lối cai trị xã hội bằng thuyết giáo đạo đức để mị dân, nhưng tôi tin rằng phẩm hạnh viên mãn của một con người sẽ luôn là nguồn ánh sáng dữ dội rọi vào tâm hồn một cộng đồng, khiến họ xúc động, bừng tỉnh. Tiếc thay, kẻ nói đạo lý thì nhiều vô kể, nhưng người sống đức hạnh thì ngày càng vắng bóng, trong một xứ sở trăm triệu dân. Một xã hội phá sản về đạo đức, đó mới là bi kịch.

Thái Hạo

🔝

Về ông Thích Minh Tuệ

14.4.2024 - Thái Hạo

Thời gian vừa qua tôi vô tình thấy hình ảnh một vị tu sĩ được lan truyền trên MXH, tên là Thích Minh Tuệ. Tôi tò mò tìm xem thêm một số clip do nhiều người đưa lên; rồi lại thấy cả những bài bình luận của nhiều thành phần khác nhau: khen - chê, tán dương - dè bỉu, thậm chí ác ý chụp mũ và vu khống, đủ cả. Xin có mấy suy nghĩ thế này.

Đầu tiên, việc bộ hành (còn gọi là hành cước) và khất thực là một trong những truyền thống quen thuộc của Phật giáo, nên cách của ông Thích Minh Tuệ không phải là điều gì đặc biệt hay lập dị. Trên thực tế, nếu quan sát, chúng ta cũng sẽ thấy hiện nay có nhiều người đang thực hành như thế, chỉ là họ không được/ bị các youtuber, tiktoker...để ý hay biết đến nên không đưa hình ảnh lên mà thôi. Trong lịch sử, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, ông đã cùng với học trò mình đi khất thực khắp nơi; đến nay vẫn có hẳn một phái như thế, gọi là phái Khất sĩ. Không chỉ đi bộ, có người còn tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) hoặc nhất bộ nhất bái (mỗi bước một lạy). Ở Trung Quốc cận đại, thiền sư Hư Vân có lẽ là người đã đi nhiều nhất theo cách ấy. Việt Nam cũng không xa lạ khi thi thoảng ta vẫn gặp những vị sư vừa đi vừa lạy trên quốc lộ.

Hạnh đầu đà (khổ hạnh) là một thực hành Phật giáo cũng quen thuộc và phổ biến: mặc áo vá, ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi và hưởng thụ... Ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy không ai xa lạ gì với điều này. Tóm lại, hành trạng của ông Thích Minh Tuệ không có gì kỳ đặc hay kỳ quái cả, thậm chí nó gần hơn với hình ảnh Đức Phật và tăng đoàn trong quá khứ. Và cũng vì thế, những bình luận tỏ ra ngạc nhiên để tấn công là một loại hành vi thể hiện sự kém hiểu biết, nếu không phải là ác ý.

Riêng về ông Thích Minh Tuệ, với những clip tôi coi được, thì thấy rằng đây là một người ăn nói có phần vụng về nhưng mộc mạc, thật thà. Ông luôn nói đi nói lại rằng, việc đi như thế là để “tập học”, và ông không nhận mình là thầy của ai cả, ngược lại một mực xưng “con” với tất cả mọi người. Ông nói việc xưng hô như thế là một cách để tự nhắc rằng mình chưa có thành tựu gì và đồng thời thể hiện sự tôn trọng và mong cầu cho mọi người có tâm hướng thượng. Ông cũng không nói điều gì cao siêu huyền bí, nếu có ai hỏi về phương pháp tu hành thì ông chỉ luôn lặp lại, là “giữ giới” và làm việc tốt. Với ông, giữ giới là cốt lõi của tu hành. Và điều này là rất đúng đắn.

Lúc Phật Thích Ca sắp qua đời, học trò lo lắng rằng không biết sẽ nương tựa vào đâu khi thầy mình chết đi, Đức Phật đã căn dặn “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Đó là 2 người thầy lớn nhất và sáng suốt nhất. Với Phật giáo, giữ giới là điều căn bản nhất. Anh có thể thuyết giáo cao siêu đến đâu nhưng nếu anh không giữ giới thì không đáng tin. Ví dụ, một trong những giới của người xuất gia là không giữ tiền bạc, ai làm được thì đó là đệ tử chân chính của Phật. Ngày nay, chỉ một giới ấy thôi nhưng hầu hết đều “phạm”; không những thế còn bày mưu tính kế, thao túng tín đồ để sống xa hoa với xe xịn, đồng hồ hiệu, chùa chiền như cung điện, tiền hô hậu ủng như vua chúa.

Như chính ông Minh Tuệ đã nói, rằng ông chỉ là một người đang “tập học”, cố gắng sống đúng với lời Phật dạy, ông không nhận làm thầy hay dạy dỗ ai, cùng lắm là chia sẻ vài lời nếu bị “ép” quá. Vì thế, mỗi người cũng cần tôn trọng điều đó: Có thể yêu quý, tôn trọng, nhưng không nên sùng bái cá nhân và thần thánh hóa một vị tu sĩ đang tìm cách “làm chủ cái tâm của mình” (như chính lời ông nói). Và quan trọng hơn, có lẽ nên để yên cho ông ấy tu hành, đừng săn đón/ săn lùng để đưa lên mạng.

Người như tu sĩ Thích Minh Tuệ trở thành “của hiếm” trong hoàn cảnh hiện nay, vì thế hình ảnh ông một mặt trở thành tấm gương khiến nhiều người ngưỡng mộ và kính trọng; nhưng mặt khác cũng sẽ gây đố kỵ, căm ghét, thậm chí tìm cách gây hại. Việc tung hô ông quá mức hoặc dùng ông để chỉ trích những kẻ giả tu, vô tình có thể khiến ông gặp nguy hiểm. Nên bảo vệ những người như ông bằng cách bớt quấy rầy và bớt tung hô. Và tốt hơn hết là lặng lẽ học ở ông những điều tốt đẹp phù hợp với cuộc sống của bản thân.

Thái Hạo

ThaiHao-02-11

Có người chất vấn rằng "Tại sao lại thấy có người quỳ lạy dưới chân ông Minh Tuệ?". Tôi đã xem được những clip như thế, và thấy rằng, đó là những người một mực "đòi lạy" ông. Ông Minh Tuệ xua tay và từ chối nhưng họ vẫn năn nỉ, cầu xin, nên ông đành chắp tay cho họ lạy, coi như một cách đáp lễ. Có những trường hợp ông cản không được nên liền vội quay đi, dù người kia vẫn lạy ở phía sau. Phải thấy rằng, lạy là quyền của người muốn, điều này cũng không có gì sai trái; riêng người được lạy thì ứng xử thế nào mới là điều quan trọng. Ông Minh Tuệ đã phải miễn cưỡng chấp nhận một số trường hợp khó xử. Đó là điều tôi nhìn thấy được qua các clip.

Thái Hạo

🔝

Ông chủ tịch Nguyễn Quang Vinh và UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đang làm gì?

12.4.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-9

Không rõ, cho đến sáng hôm nay, ông chủ tịch Nguyễn Quang Vinh và UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã xác minh xong “động cơ đăng tải clip” chưa? Và đang lên kế hoạch gì để “xử lý” họ?

Xin thưa, Điều 25 Hiến pháp quy định: Công dân “có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Việc tự do thông tin là quyền, ông Vinh và chính quyền Cẩm Lệ phải nhớ điều đó để không dùng quyền lực của mình mà đe dọa và bịt mồm người dân.

Hiện nay, lợi dụng quyền lực cá nhân, nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đang vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản này. Giáo viên và học sinh trong nhà trường bị hăm dọa, bị trù dập, thậm chí công khai cấm đoán từ cái like, cái còm trở đi. Nhiều cơ quan ngang nhiên ra những quy định vi hiến đối với quyền tự do thông tin của mỗi người. Thậm chí, nay không ít nơi cấm cả học sinh mang đề ra khỏi phòng thi sau khi đã thi xong... Một không khí im lặng, ngột ngạt đang bao trùm đến đáng sợ.

Tại sao có sự cấm đoán này và ngày càng phổ biến, ráo riết? Để che đậy và dung túng cho cái xấu, cái ác. Hành vi vi hiến này đang làm mục nát từ bên trong từng tổ chức, đơn vị; nuôi dưỡng các hoạt động bất minh, phi pháp; duy trì bất công sai trái bằng cách tước đoạt các quyền con người cơ bản.

Hơn ai hết, mỗi người dân cần phải nhớ rằng, ngụy tạo thông tin sẽ bị pháp luật chế tài; còn tự do thông tin là quyền được Hiến pháp bảo hộ, bất kỳ hành vi ngăn cấm, đe dọa và bịt miệng nào cũng đều là vi phạm pháp luật. 

Tự do thông tin có ý nghĩa trọng đại, vì nó giúp xã hội luôn được làm sạch từ bên trong và tức thời, mà không tốn một đồng tiền thuế; còn sự bưng bít sẽ làm tha hóa xã hội mà không một bộ máy nào có thể kiểm soát được, dù bộ máy ấy có đồ sộ đến đâu.

Hành vi hăm dọa người đăng tải clip của ông chủ tịch Nguyên Quang Vinh là đáng bị lên án và không thể chấp nhận được đối với tư cách người đại diện cho ngành hành pháp của một địa phương. Với hành xử ấy, người này không còn đủ tư cách làm một công chức chính quyền.

Để tạm kết, xin dẫn lại stt sáng nay của nghệ sĩ Yến Năng: “Xem clip người đàn ông bạo hành hai bé gái, mà thấy tức giận và ghê tởm. Dù cường độ bạo lực vật lý không cao nhưng hành vi túm cổ, nắm vai, vuốt tóc, day má... là hành vi tra tấn tâm lý ở mức độ cao. Ta hình dung ra con mèo vời con chuột trước khi ăn thịt, hoặc kẻ độc ác mất nhân tính đe dọa con tin mà ta hay gặp trong phim Mỹ. Đây chắc chắn không phải hành vi nóng giận bột phát thiếu kiềm chế, mà là thói quen bạo lực có nghề. Vì thế tôi đề nghị: 1.Truy tố người đàn ông này vì hành hung và làm nhục trẻ em; 2. Khen thưởng nóng người quay và đăng video lên mạng; 3. Cộng đồng mạng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ người đã phát hiện tội ác”.

Thái Hạo

ThaiHao-02-10-video
Video ▶️

🔝

Mô hình giáo dục cổ chày

9-4-2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-8

Thật bi hài. Ngày xưa, thời tụi mình, ai đậu đại học thì làm cỗ mời làng; nay đậu lớp 10 mới mở tiệc, đại học chả ai quan tâm nữa. Nhưng mà lên lớp 10 rồi thì lại có nghĩa là sẽ đậu đại học (nếu muốn). Mà khổ nỗi, khó vào công lập thì đi học nghề, học bổ túc, học tư thục – rồi tất cả lại cũng cùng rủ nhau vào đại học.

Nghĩa là con “đường giáo dục” của Việt Nam bây giờ trông như một cái chày, bỗng dưng bị thắt nghẹn lại ở giữa, còn hai đầu thì nở tè le. Quả là một mô hình độc đáo.

Nhìn kỹ hơn, không chỉ thắt ở duy nhất 1 điểm, mà thắt tùy tiện, có khi vào lớp 1, lớp 6 cũng đều là những cái nút, bị ứ lại. Nó cứ thắt như đột ngột bị bóp cổ vậy. Cho đến khi đứng trước cổng lớp 10 thì bóp một phát chí mạng, như muốn tắt thở luôn.

Một cuộc chiến thi lên lớp 10 diễn ra vô cùng khốc liệt, nhưng thực chất là ảo, là giả tạo. Vì sao? Vì chưa thi đã bị “mời làm việc”, bị ngăn, bị dọa, bị cấm. Vì chả có cái gì giống như “phân luồng, hướng nghiệp” ở đây cả. Thiếu trường, thiếu lớp, và sống chết mặc bay. Cả xã hội loạn lên, chen lấn, dẫm đạp nhau trong vài tháng, xong rồi ai cũng trầy vi tróc vảy, bơ phờ, tơi tả. Kẻ vào được công thì cũng thương tích đầy mình, nhưng vuốt mồ hôi cười ngạo nghễ; đứa đi bổ túc hay tư thục thì “ồ, cũng chả sao”. Rồi hết 12 thì cả công cả tư đều rủ nhau đi thi đại học, sau 4 năm thì ra, thất nghiệp đầy đường.

Nhưng cái nút cổ chày kia (cùng với biết bao thứ phản giáo dục suốt hàng chục năm liên tục giáng lên thân) thì kinh khủng, nó để lại di chứng vĩnh viễn trong tâm lý và nhân cách của tất cả. Méo mó, dị dạng và thương tổn suốt đời. Cha mẹ cũng phát bệnh lên, cả một xã hội bấn loạn, không hiểu vì sao...

🔝

Bệnh hoạn giáo dục

9-4-2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-7-video
Video - ▶️

Cũng đúng vào thời điểm này cách đây 2 năm, tôi đã đưa sự việc tồi tệ “ép học sinh không thi lên lớp 10” ra công luận, từ một đoạn tin nhắn trong nhóm phụ huynh Hà Nội. Dư luận dậy sóng, báo chí “vào cuộc”, chính quyền và sở giáo dục Hà Nội như từ trên trời rơi xuống, tỏ ra ngạc nhiên rồi “chỉ đạo”, nào là “nghiêm cấm”, là “xử lý nghiêm”, v.v. và v.v..

Nhưng ngay năm sau, năm 2023, tình trạng không những không được giải quyết mà còn trầm trọng và nở rộ hơn, không chỉ Hà Nội (xin search Google để đọc báo). Và sang năm nay cũng vẫn thế, cứ bước vào học kỳ 2 là các trường THCS lại “mở chiến dịch”, lại “ra quân”. Nào là “tư vấn”, dỗ ngọt, nào là “ưu tiên”, nào là đe dọa, nào là mời phụ huynh, nào là “làm công tác tư tưởng”... Sớm, trưa, chiều, tối. Đứa trẻ đang tuổi đi học, chưa kịp biết năng lực và định hướng của bản thân thì đã bị thầy cô nhồi vào đầu đủ thứ độc hại, mà nói trắng ra là “Em học ngu lắm, không thi được đâu, đừng có thi, phải đi học trường nghề hay ra tư thục”.

“Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”? Thầy cô giáo và các nhà trường không rảnh để đến mức suốt ngày kêu phụ huynh và học sinh lên để “làm công tác tư tưởng” như vậy đâu. Vì tỉnh/ thành phố “giao chỉ tiêu”, “đánh giá chất lượng” của sở; thế là sở đánh giá phòng, phòng phải xếp loại trường, rồi trường phải áp lên đầu giáo viên. Thi đua, thi đua, và thi đua.

Cứ sau mỗi kỳ thi 9 lên 10, các trường THCS bị đưa vào một bảng “tổng sắp huy chương” để thấy điểm trung bình so sánh ở địa phương, rồi trường nào nhiều em được vào trường chuyên nhất, trường nào bị rớt nhiều nhất. Những con số này sẽ quyết định sinh mệnh nghề nghiệp của giáo viên, quyết định cái ghế của hiệu trưởng. Hỏi làm sao mà họ không loại ngay những học sinh mà họ cho là sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của mình?

Cho nên, muốn dẹp những thứ quái thai này, không phải là “chỉ đạo”, là “xử lý nghiêm” kiểu động tác giả ấy nữa; mà là nhà nước và ngành giáo dục phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng, bệnh thành tích không phải từ trời rơi xuống. Nó do chính các vị đẻ ra và đang nuôi dưỡng bằng những thứ thi đua bệnh hoạn kia. Các vị chỉ cần tự “chỉ đạo” và “xử lý” mình, thì bệnh sẽ hết.

Căn bản hơn, là bớt xây tượng đài, cổng chào, và hội hè đình đám đi, dành tiền mà xây trường, tuyển giáo viên, cung cấp đủ trường lớp cho trẻ em được học hành, lúc đó tùy theo nhu cầu tự thân của xã hội, mỗi người sẽ có lựa chọn phù hợp. Và bệnh sẽ được “chữa lành”.

Thái Hạo

🔝

Vua Tiếng Việt, từ sai chính tả đến lỗi văn hóa

8.4.2024 - Thái Hạo

Chương trình truyền hình Vua Tiếng Việt của VTV trở nên ồn ào từ giữa năm 2023 khi mắc lỗi sai chính tả (và nhiều lỗi khác) ở mức khó mà tưởng tượng được ngay trên sóng truyền hình, kể từ thời điểm được ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra. Tuy nhiên, nếu lỗi về chuyên môn làm người ta bất ngờ 1 thì lỗi về văn hóa ứng xử có thể khiến người ta ngạc nhiên tới 10.

Kể từ thời điểm ấy, đến nay đã 1 năm trôi qua, nhưng chưa từng thấy những người chịu trách nhiệm chính về Vua Tiếng Việt lên tiếng. Và hầu như hiếm người nào biết họ là ai, vì tất cả đều được đẩy cho cố vấn và người dẫn chương trình bước ra đối mặt với dư luận. 

Cuối tháng 4 năm 2023, với lỗi “chậm chễ” bị cộng đồng chỉ trích gay gắt, báo Dân Trí dẫn lời hai vị cố vấn là TS Đỗ Thanh Nga và TS Đỗ Anh Vũ, vừa xin lỗi vừa biện minh cho sự sai sót buồn cười ấy. Cũng trong bài báo này, một người là có tên là “chị Nhung” được Dân Trí giới thiệu là “đại diện chương trình” đã thay mặt nhà đài trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, cũng không ai biết “chị Nhung” là ai, chức vụ ra sao và giữ vai trò gì ở chương trình này. 

Cho đến mùa 3 này, khi những sai sót vẫn tiếp tục xảy ra và không có chiều hướng “thuyên giảm”, nhưng trước những lần “bắt quả tang” và phân tích rành mạch của người “gác đền tiếng Việt” là ông Hoàng Tuấn Công, thì thậm chí không còn thấy ai bên nhà đài lên tiếng thanh minh hay xin lỗi nữa, kể cả cố vấn, người dẫn chương trình hay một “chị Nhung” nào đó như trước đây. Tất cả đều đồng lòng im lặng.

Sai thì phải sửa, lên tiếng đính chính, xin lỗi và không lặp lại sai lầm nữa. Đó là ứng xử tối thiểu của những người làm văn hóa. Còn nếu thấy mình không sai thì dõng dạc đăng đàn tranh luận, phản bác. Nhưng cũng không.

Thông tin trên báo chí nhà nước cho biết, chỉ đạo sản xuất của Vua Tiếng Việt là “nhà báo quyền lực nhất VTV3” Tạ Bích Loan, còn đạo diễn chương trình là người con gái “kín tiếng” của bà, cô Khuất Ly Na. Nhưng lạ thay, cho đến nay, trước các sai sót, cả lặp lại và phát sinh, hai nhân vật chính giữ vai trò chủ đạo này chưa từng có bất kỳ phát ngôn nào nhận trách nhiệm hay có một lời phân trần lấy lệ. Thậm chí, họ “kín tiếng” tới nỗi, không mấy ai biết rằng họ chính là “người đạo diễn” Vua Tiếng Việt. Trước đây chương trình còn chiếu cố dư luận bằng cách đẩy các vị cố vấn, người dẫn chương trình hay “chị Nhung” ra để nói vài lời, thì nay, ngay cả đến cái động tác chiếu lệ ấy cũng không thèm làm nữa.

Ngạc nhiên hơn nữa, ngay sáng nay (8.4) trước một lỗi sai khác được ông Hoàng Tuấn Công mới chỉ ra, báo Tiền Phong viết bài đề cập và dẫn lại lời của TS Đỗ Anh Vũ – cố vấn Vua Tiếng Việt – phát biểu một cách hết sức kỳ lạ, rằng “sơ suất là khó tránh”; vì "Không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng vậy, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục". 

Nói rằng “kỳ lạ” vì đây là một lập luận chống chế nhưng rất vụng về. Ngôn ngữ nói chung thì vô cùng, đúng, nhưng “đề thi” và “đáp án” trong một chương trình cụ thể phát trên đài truyền hình quốc gia, có cả một e-kip hùng hậu cùng thực hiện, thì không; bởi nó [chương trình] là giới hạn, được chuẩn bị trước, và bắt buộc phải nghiên cứu kỹ đến mức không được phép mắc sai lầm. Mà hi hữu, lỡ có mắc sai lầm thì phải chân thành nhận trách nhiệm, sửa chữa, đính chính chứ không thể nói tỉnh bơ rằng “sơ suất là khó tránh”. Đã gọi là “sơ suất” thì tại sao những sai sót lại lặp đi lặp lại như vậy? Và còn nữa, ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với lịch sử, văn hóa, phong tục (và nhiều lĩnh vực khác), chứ không phải “cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục”; đánh đồng tất cả chúng để biện minh cho những sai sót của mình là một một thao tác ngụy biện.

Phải chăng, ngay từ đầu, với cái cách những người chịu trách nhiệm chính về Vua Tiếng Việt đẩy các vị cố vấn ra làm bia đỡ đạn, cho đến những phát ngôn quanh co, chống chế của chính các vị này, đã dự báo một lối ứng xử tất yếu sẽ đến như hôm nay: không thèm chống chế nữa, chứ đừng nói đến xin lỗi và sửa lỗi?

Và phải chăng, phía sau và phía trong của tất cả các lỗi về chuyên môn đã và đang xảy ra, là một lỗi lớn hơn đã bao trùm và chi phối đến chất lượng của chương trình này: lỗi văn hóa?

Thái Hạo

(*) Theo tôi được biết, đến giờ này thì duy nhất chỉ có một vị cố vấn của Vua Tiếng Việt dám công khai xin lỗi và nhận sai sót khi giải thích thành ngữ “đá đưa đầu lưỡi” qua một comment tương tác trên FB của ông Hoàng Tuấn Công hồi giữa năm ngoái. Còn lại, tất cả vẫn điềm nhiên xuất hiện trên chương trình mỗi tối cuối tuần như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

🔝

Sạn chữ (kỳ 5): ‘Hội Ký sinh trùng Việt Nam’ tổ chức ‘Hội nghị Ký sinh trùng’

07.04.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-1

ThaiHao-02-2

Hội nghị là cuộc họp được tổ chức với quy mô lớn, có nhiều người tham dự, để bàn bạc hoặc giải quyết công việc chung: hội nghị tổng kết năm, hội nghị thượng đỉnh các nước G20, hội nghị công chức - viên chức... Tức, đã là hội nghị thì phải của con người hoặc các tổ chức thuộc về con người. Ký sinh trùng không thể tổ chức hội nghị. Tuy nhiên, ngày 5/4/2024, tại TP Huế, Trường Đại học Y - Dược thuộc Đại học Huế đã phối hợp với Hội Ký sinh trùng Việt Nam tổ chức một “hội nghị ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 50”.

Gõ “hội nghị ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 50”, trong 0,40 giây Google cho ra 6.590 kết quả. Rất nhiều báo đã dẫn lại nguyên văn cái tên này để đưa tin. Đáng chú ý là trên trang chủ của mình, Hội Ký sinh trùng Việt Nam cũng ghi “THÔNG BÁO SỐ 3: HỘI NGHỊ KÝ SINH TRÙNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ 50”. Lần thứ 48 và 49 cũng được ghi tương tự trên Website này. Nhưng, thật may mắn, truy ngược thêm một bước nữa, lần thứ 47 đã được viết đúng: “Hội nghị Ký sinh trùng học Toàn quốc”. Tức là cái sai này ít nhất đã bắt đầu khoảng 3 năm nay.

Tóm lại, ghi/ gọi đúng phải là Hội nghị Ký sinh trùng học toàn quốc/ Hội nghị Ngành ký sinh trùng học toàn quốc/ Hội nghị đại biểu ngành ký sinh trùng học toàn quốc/ Hội nghị khoa học ngành Ký sinh trùng toàn quốc...

Một vấn đề nữa là cách đặt tên hội, “Hội Ký sinh trùng Việt Nam”, là không ổn. Ký sinh trùng khó lòng mà lập hội (và tổ chức hội nghị) được. Có lẽ, để tránh gây hiểu lầm, nên chỉnh sửa cho đúng ngữ nghĩa tiếng Việt: Hội Ký sinh trùng học Việt Nam.

🔝

Sạn chữ (kỳ 4): Từ một câu văn sai ngữ pháp – 'Ai là người ăn xin?'

3.04.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-3

Trong hình là ảnh chụp bài viết có tên “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít” đăng trên trang vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, có link gốc thuộc Báo Tuổi Trẻ. Câu văn được đóng khung đỏ là một câu sai ngữ pháp, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, mơ hồ và không thể rối rắm hơn.

“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”. Cái được “nêu và chia sẻ thêm” là nội dung ở trước hay sau cụm từ này? Nếu cái “chia sẻ thêm” ấy là ở trước [“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”] thì nội dung phía sau nó trở thành vô lý. Vì thực tế ông chỉ “chia sẻ thêm” ngay trong bài “phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024”, chứ không thể có cái “chia sẻ thêm” nào từ khi “làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam”, vì nó là một khoảng thời gian quá dài, và vì thế không ai “chia sẻ” liên tục không ngừng nghỉ suốt hàng nhiều năm trời như thế cả.

Còn nếu cái “chia sẻ thêm” này là nội dung thuộc phần phía sau nó thì ai là “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, ông Thiều hay Hội Nhà văn Việt Nam? 

“từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, viết thế này thì có buộc phải hiểu rằng chính ông Thiều đã làm cho Hội Nhà văn Việt Nam “trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” hay không? Chiếu vào thực tế thì có vẻ không đúng, vì người đó, nếu có, phải là người tiền nhiệm của ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, với câu nói nổi tiếng “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Hay, cái “chia sẻ thêm” này của ông Thiều là chia sẻ chỉ từ lúc ông làm Chủ tịch Hội Nhà văn – cái hội “đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” [còn trước đó, khi chưa làm Chủ tịch thì ông không có cái “chia sẻ thêm” này]? Nhưng ý này cũng vô lý không kém, như đã chỉ ra ở trên.

Viết một câu văn mà người đọc phải đoán mò ý tác giả để rồi rốt cuộc cũng không biết là phải hiểu thế nào cho đúng, thì đó là một hạt sạn quá lớn.

Tôi thử sửa lại câu trên, về mặt ngữ pháp thôi, theo các cách khác nhau để có được những câu văn gãy gọn và rõ nghĩa. Riêng ý của tác giả bài báo thì có thể là 1 trong các câu đó:

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm, từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm cho Hội Nhà văn Việt Nam trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, đó là điều ông Thiều nêu và chia sẻ thêm về Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”. Ông Thiều nêu và chia sẻ thêm rằng từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì Hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

...

P/S: Câu văn liền trước câu trong khung đỏ này cũng mắc một lỗi ngữ pháp nghiêm trọng, làm cho ý nghĩa của câu trở nên trái ngược hẳn với điều mà tác giả bài báo muốn diễn tả. Xin dành cho các bạn tự phân tích.

*Đọc bài đầy đủ trên vanvn: https://vanvn.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu

🔝

Sạn chữ (kỳ 3): Báo Thanh Niên – lẫn lộn lỗi đánh máy và lỗi chính tả

2.4.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-4

Ngày 1 tháng 4, Báo Thanh Niên đăng bài “Cư dân mạng bức xúc với biển chỉ dẫn sai chính tả ở Thái Bình”, dẫn một status trên mạng xã hội phản ánh về một tấm biển chỉ dẫn đặt ở Thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị mắc nhiều lỗi: “Cảng cá Tân Sơn thì ghi là Tiên Sơn. Từ "Cảnh" trong "Nguyễn Đức Cảnh" cũng ghi sai”. “Ngoài những lỗi sai trên, dấu thanh trong chữ "Tưởng" cũng đặt chưa đúng quy định” (hết trích). Và bài báo gọi các lỗi này là “sai chính tả”.

Cách gọi này của Báo Thanh Niên là không đúng. Vì đây không phải là “lỗi chính tả”. Hai lỗi liên quan đến chữ “tưởng” và “cảnh” là lỗi đánh máy/ lỗi viết chữ/ lỗi sắp chữ, gọi chung là lỗi văn bản. Còn “Tân Sơn” viết thành “Tiên Sơn” là do nhớ nhầm hoặc lẫn lộn địa danh. Tất cả các lỗi này đều không có lỗi nào là “lỗi chính tả” cả. Điều đáng nói là sự nhầm lẫn trong việc nhận diện các lỗi ngôn ngữ này đang ngày càng phổ biến và gây ra không ít hậu quả. Vậy, phân biệt lỗi văn bản với lỗi chính tả như thế nào? Chúng tôi xin chia sẻ dưới đây nội dung trích từ một bài viết của tác giả Hoàng Tuấn Công (2023) khi ông phê phán chương trình Vua Tiếng Việt (mùa 2), vì cùng mắc lỗi tương tự như lỗi của Báo Thanh Niên: không phân biệt được lỗi văn bản và lỗi chính tả.

"LỖI CHÍNH TẢ KHÁC LỖI ĐÁNH MÁY 

Nếu như lỗi chính tả thể hiện trình độ tiếng Việt của người viết, thì lỗi văn bản đơn giản chỉ là lỗi thao tác trên máy tính, máy chữ, hoặc lỗi nhà in (thời còn sắp chữ). Lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc không nắm vững quy ước chính tả đã được cộng đồng thừa nhận. Còn lỗi văn bản thì muôn hình vạn trạng, và thường thể hiện ở hiện tượng thiếu dấu, thiếu chữ, thừa chữ, lộn chữ, nhầm chữ, nhảy chữ,...

Ví dụ, một số lỗi “chính tả” mà “Vua tiếng Việt” đưa ra sau đây: 

-“thăm thẳm” viết thành “thăn thẳm” là lỗi đánh máy (Không ai phát âm “thăm” thành “thăn” cả).

-“vội vã quá” thành “vội vã qá”; “chúng ta” thành “chúg ta”, đều là những lỗi đánh máy (thiếu chữ), không phải lỗi chính tả (Khi viết tay, những lỗi này sẽ không xuất hiện; nếu có là do viết “ngoắng” nên thiếu nét). 

-“thuở trước”, viết thành “thưở trước” ; “chung quanh” viết thành “trung cuanh”, thì “thưở”, “cuanh”, nếu được xem là “lỗi chính tả”, cũng là lỗi của trẻ con mới học lớp vỡ lòng chưa biết đánh vần. Đem ra để thử thách ngôi “Vua tiếng Việt” thì thường quá.

Vì lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc qui ước chính tả, nên người ta có thể dự đoán, nắm được các kiểu sai thường mắc. Và từ điển chính tả căn cứ vào các kiểu sai này để hướng dẫn người ta viết đúng. Còn lỗi đánh máy thì biến hoá khôn lường, không theo một qui luật nào, nên không thể có từ điển sửa lỗi đánh máy. Ví dụ, với từ “năng suất”, thì lỗi chính tả thường mắc, là viết thành “năng xuất”, “lăng xuất”. Nhưng với lỗi đánh máy, nó có thể thành “ăng suốt”, “năn suất”, “năng sất”, “nang xuât”,...tuỳ lỗi thao tác.

Vì không phân biệt được lỗi đánh máy với lỗi chính tả, nên trong nhiều chương trình, VTV cố tình tạo ra các lỗi đánh máy, rồi yêu cầu người chơi sửa “lỗi chính tả” một cách rất vô bổ. Cách này không thể là thước đo để lựa chọn ra “Vua tiếng Việt”. Mặt khác, qua đây, VTV cũng góp phần dĩ hư truyền hư, củng cố thêm cái sai của nhiều người, coi lỗi đánh máy với lỗi chính tả là một”. (Hoàng Tuấn Công)

Nguồn: TuancongThuphong

Như vậy, Báo Thanh Niên trong khi chỉ ra lỗi của một tấm biển thì chính mình lại mắc phải lỗi khác, có khi nghiêm trọng không kém – như đã phân tích ở trên. Thêm nữa, theo chia sẻ thêm của tác giả Hoàng Tuấn Công, mặc dù ông đã viết bài chỉ ra và giúp phân biệt hai loại lỗi này từ năm ngoái của Vua Tiếng Việt (mùa 2), nhưng đến nay, sau gần 12 tháng, Vua Tiếng Việt (mùa 3) của VTV vẫn tạo ra lỗi văn bản rồi yêu cầu người chơi “sửa lỗi chính tả”.

Bàn thêm: 

Việc phân biệt lỗi văn bản (lỗi đánh máy) và lỗi chính tả là rất quan trọng, vì thứ nhất nó bảo đảm tính chính xác trong sử dụng ngôn ngữ, thứ hai nó tiền giả định và định hướng những cách khắc phục/ sửa chữa khác nhau. 

Có một hiện tượng mà bây giờ ta thấy đã phổ biến đến mức được dân tình đúc kết thành một dạng thành ngữ: “thằng đánh máy”, “lỗi tại thằng đánh máy”,... Đó là mỗi khi có một văn bản được cấp hay ngành nào đó ban hành nhưng mắc sai sót lớn về mặt nội dung, thay vì người có trách nhiệm phải đứng ra nhận lỗi thì họ lại phủi tay, đổ thừa cho “thằng đánh máy”. Lỗi đánh máy (văn bản) rất dễ nhận diện và dễ truy nguyên về chữ đúng, và thường ít khi gây hiểu lầm về nội dung. Do đó, đổ lỗi cho “thằng đánh máy” là rất vụng và tỏ rõ sự coi thường người dân.

“Thằng đánh máy”, vì thế, là một thành ngữ hiện đại, phản ánh rất sinh động tâm lý, nhận thức, thái độ và tư cách của không ít cán bộ bây giờ: phủi bỏ trách nhiệm một cách vụng về nhưng thiếu tự trọng và liêm sỉ.

Thái Hạo

* Bài báo đã dẫn trên Tờ Thanh Niên: https://thanhnien.vn/cu-dan-mang-buc-xuc-voi-bien-chi-dan

🔝

Sạn chữ (kỳ 2): Về cách dùng chữ ‘tội’ trên báo chí

31.3.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-5

Mỗi khi có một vụ bắt người, báo chí sẽ đưa tin. Cấu trúc của tiêu đề thường là “Bắt ông A vì tội B”. Ví dụ gần nhất, hàng loạt báo chạy tít: “Bắt Shark Thủy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”/ “Shark Thủy bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”... Vậy cách viết/ nói này đúng hay sai, và nếu sai thì sai như thế nào?

Như chúng ta đã biết, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Nhưng, với thói quen của mình, mỗi khi một người bị bắt, báo chí thường vô tư viết “bắt vì TỘI”, đó là cách dùng từ không chính xác. Người bị bắt chưa phải là người có tội, chỉ đến khi có một bản án đã có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên, khi đó họ mới bị coi là có tội. Với việc “vô tư” dùng chữ “tội”, báo chí đã vô tình hay cố ý thay mặt tòa kết án một người. Mặc nhiên coi họ là những người đã có tội.

Xét một cách sâu hơn, đây không chỉ đơn thuần là việc dùng từ thiếu chính xác; mà nghiêm trọng, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công khai kết luận người khác có tội, trong khi điều đó không thuộc thẩm quyền của mình và chưa có một phán quyết của tòa án, như Điều 13 đã quy định.

Khi gõ từ khóa “bắt vì bị cáo buộc” vào thanh tìm kiếm, trong 0,31 giây Google cho ra 34.500 kết quả; nhưng gõ “bắt vì tội” thì con số là 421.000 kết quả chỉ trong 0,25 giây, lớn hơn gấp hơn 12 lần! Đây là những con số nói lên thực trạng sử dụng sai từ ngữ đã trở nên chiếm thế thượng phong như thế nào trên báo chí và truyền thông nói chung.

Với thói quen dùng chữ “tội” theo cách này, lâu dần có thể khiến báo chí vượt quá quyền hạn và đánh mất tính vô tư khách quan trong việc đưa tin, và tự biến mình thành một tòa án trên không gian mạng. Tai hại hơn, với cách nói này của mình, báo chí sẽ gieo vào người đọc một tâm lý và nhận thức sai lầm, dẫn đến hành xử sai lầm: cứ thấy bất cứ ai bị bắt là nghiễm nhiên coi rằng họ đã có tội, mặc sức kết án và buông lời bình phẩm, thóa mạ hoặc tuyệt vọng. Điều đó cũng sẽ dần triệt tiêu đi tinh thần “suy đoán vô tội” vốn là một nguyên tắc tiến bộ của luật pháp văn minh.

Vì thế, để dùng đúng chữ “tội” trong trường hợp này, cần viết “Bắt ông A vì bị CÁO BUỘC tội B”... “Cáo buộc” tức là chưa có tội nhưng đủ cơ sở pháp lý bắt người. Còn có tội hay không phải đợi tòa án kết luận bằng một bản án.

Khi viết có ai đó bị bắt vì một “cáo buộc” thì nó được hiểu rằng đây mới chỉ là phần buộc tội từ một phía; và việc của bị cáo còn đó, chẳng hạn là sẽ bào chữa để chứng minh rằng cáo buộc ấy không đúng. Điều này rất quan trọng, vì trước hết nó giúp bảo đảm những quyền con người và quyền công dân của bị can, bị cáo; thứ hai nó tạo nên tâm thế “bình đẳng trước pháp luật” của mọi công dân.

Một chữ thôi nhưng hệ trọng ghê gớm đối với tương lai xã hội. Muốn tiến bộ, trước tiên cần bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như thế, đó là dùng từ ngữ cho chính xác.

Thái Hạo

* Cảm ơn luật sư Ngô Anh Tuấn (Tuan Ngo) đã nhiệt tình chia sẻ trước các câu hỏi của tôi về góc độ pháp lý của việc sử dụng từ ngữ được đề cập trong bài này.

🔝

Sạn chữ* (kỳ 1): Sách giáo khoa Tiểu học – sai dấu câu

30.3.2024 - Thái Hạo

ThaiHao-02-6

[Bài đầu tiên của mục Sạn chữ xin bắt đầu từ “sạn” trong sách giáo khoa Tiểu học, cấp học quan trọng và là đặt nền móng cơ sở cho việc sử dụng tiếng Việt của mọi người Việt]

Trong sách giáo khoa cấp Tiểu học, tôi lấy làm ngạc nhiên về cách viết các loại dấu câu. Trừ dấu chấm (.), dấu phẩy (,), và dấu ba chấm (...) là viết sát vào chữ liền trước, còn các dấu còn lại như dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu 2 chấm 🙂), dấu chấm phẩy (😉 đều viết tách ra. Nếu là viết trên máy tính thì nó tương ứng với một lần gõ phím spacebar. Xin xem hình, chụp bài đầu tiên trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5, tập hai, Nxb Giáo Dục, 2021.

Tất cả các sách Tiểu học mà hiện nay đang còn được áp dụng cho lớp 5 đều thống nhất cách viết dấu câu như đã nêu trên, chứ không phải chỉ riêng môn Tiếng Việt. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, khi lên cấp THCS thì tất cả các sách giáo khoa lại đồng loạt thay đổi: dấu câu được viết sát vào chữ liền trước.

Như chúng ta biết, dấu câu trong văn bản luôn phải được viết sát vào chữ liền trước. Nếu như trên đây là quy tắc mới để từ đó toàn bộ các văn bản tiếng Việt đều được được thay đổi cách viết dấu câu thì còn hiểu được, nhưng đằng này nó lại chỉ áp dụng cho cấp Tiểu học, và sau đó thì không dùng lại nữa. Còn nữa, tất cả các sách của mọi môn học thuộc bộ sách này đều viết như thế, nhưng sang bộ sách của Chương trình mới (2018) thì lại đồng loạt bỏ đi quy tắc ấy. Lý do nào đằng sau việc quyết định áp dụng và không áp dụng những quy tắc viết dấu câu này ở các cấp học và các bộ sách khác nhau?

Rõ ràng, cách viết dấu câu của bộ sách Tiểu học này vừa sai, vừa thiếu thống nhất và gây khó khăn cho việc dạy và học. Cách viết này không những sai với quy tắc của văn bản tiếng Việt mà còn xa lạ với “thông lệ quốc tế” khi chúng ta thấy các văn bản tiếng Anh cũng không viết như thế.

Tiểu học là cấp học đầu tiên, dạy những kiến thức cơ bản nhất, giúp học sinh làm quen và bắt đầu biết viết tiếng Việt. Nhưng nếu ngay từ đầu đã bị dạy sai/ dạy tùy tiện một cách có hệ thống thì sau này việc sửa chữa sẽ rất vất vả; học sinh cũng không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, và sai đúng dựa trên tiêu chuẩn nào. 

Các tác giả của bộ sách giáo khoa Tiểu học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Giáo Dục và các bên liên quan phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi ‘Vì sao lại có cách viết dấu câu khác lạ như vậy?’. Một thực tế đã tồn tại hàng chục năm và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học trò trên cả nước, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Hiện nay, khi đọc báo, và nhất là mạng xã hội, chúng ta luôn có thể bắt gặp cách viết dấu câu một cách tùy tiện như thế (bị cách ra khỏi chữ liền trước, thậm chí là viết sát vào chữ liền sau). Phải chăng, do sách giáo khoa và cách dạy viết các loại dấu câu trong nhà trường một cách không đúng chuẩn mực và thiếu nhất quán đó đã góp phần tạo ra tình trạng này?

Thái Hạo

* Chúng tôi quyết định đổi cái tên đã dự kiến là “Nhặt sạn trên báo” thành “Sạn chữ” để có thể đề cập đến một phạm vi xuất bản phẩm rộng hơn, thay vì chỉ trên lĩnh vực báo chí.

🔝

Vua Tiếng Việt là ai?

5-4-2024 - Thái Hạo

Vua Tiếng Việt là một trò chơi truyền hình có mục đích và tham vọng khá lớn như chính những người làm chương trình đã tuyên bố. Sau những sai sót suốt hai năm qua ở chương trình này, dù ông Hoàng Tuấn Công đã kiên nhẫn chỉ ra, đến nỗi, nay, nhiều người phải phát biểu rằng, VTV nên dừng chương trình này lại; nhưng cùng với sự “kiên định” của mình, Vua Tiếng Việt không những không sửa lỗi mà còn lặp lại và phát sinh thêm. Điều ấy khiến tôi tò mò: không biết ai là “tác giả” của Vua Tiếng Việt?

Theo báo Lao Động (2021), nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng Ban sản xuất các chương trình Giải trí – Đài Truyền hình Việt Nam là Chỉ đạo sản xuất chương trình Vua tiếng Việt; còn Khuất Ly Na là đạo diễn của chương trình này.

Một thông tin thú vị mà chúng tôi đọc thấy trên nhiều báo, trong đó có VietNamNet (2021), rằng đạo diễn Khuất Ly Na là con gái của bà Tạ Bích Loan. Bài báo cho biết “Là con gái của người phụ nữ quyền lực nhất kênh VTV3 – nhà báo, MC Tạ Bích Loan nhưng Khuất Ly Na lại cực kỳ kín tiếng. Cô gái sinh năm 1992 được biết là một người trẻ tài năng, đam mê với nghệ thuật kịch”.

Tuy thế, theo tôi, ngoài những sai sót chuyên môn liên tục mắc phải mà ông Hoàng Tuấn Công cùng nhiều người khác đã lên tiếng, Vua Tiếng Việt còn tồn tại nhiều vấn đề rất đáng bàn.

Cái tên “Vua Tiếng Việt” có lẽ ngầm ý rằng, đây là cuộc chơi/ cuộc thi nhằm tìm ra người giỏi tiếng Việt nhất. Nhưng với những phần thi và câu hỏi của nó, tôi thấy rằng khó mà tìm ra “vua” bằng cách ấy. Trước hết, giỏi tiếng Việt cần được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất là người nào dùng tiếng Việt một cách chính xác, hay và hiệu quả; thứ hai là người có tri thức sâu rộng, uyên bác về tiếng Việt.

Căn cứ vào nội dung của chương trình, chúng tôi thấy Vua Tiếng Việt chủ yếu được tổ chức theo hướng thứ nhất. Tuy nhiên, như đã nói, với cách hỏi – đáp như đang diễn ra, khó lòng mà tìm được Vua Tiếng Việt, dù có thể tìm ra được “nhà vô địch” với số tiền thưởng lên tới 320 triệu đồng. Vì sao?

Vua Tiếng Việt có 4 phần chơi, gồm Phản xạ, Giải nghĩa, Xâu chuỗi, Soán ngôi. Nhưng các phần chơi này đều có vấn đề nếu đặt mục tiêu tìm ra “vua”.

Đầu tiên là Phản xạ. Những câu trả lời đúng trong phần này khó mà khẳng định được là người ấy có giỏi tiếng Việt hay không. Ví dụ, cho các chữ cái được sắp xếp lộn xộn và yêu cầu xếp lại để thành một từ đúng với đáp án của chương trình. Cách ra đề kiểu này cùng lắm là tìm được những người nhanh tay nhanh mắt, chứ khó mà nói lên điều gì.

Hay, như phần Giải nghĩa: Người chơi phải diễn giải làm sao để bạn chơi gọi đúng được từ mà chương trình đưa ra. Đây là một ví dụ. Để giúp bạn chơi gọi ra được từ “đậu tương”, người chơi đã “giải nghĩa” như sau: “Từ ghép, hai từ. Từ thứ nhất là trong các loại đỗ thì có đỗ gì đó, và từ thứ hai thì là nó phù hợp với cái gì đấy. […] Đỗ gì? Đỗ đen này, đỗ xanh này… Đỗ gì mà để làm đậu ấy”. Một bạn nhấn chuông trả lời “tương đồng”. “Sắp đúng rồi đấy. Từ thứ hai… Nó nghiệm với một cái gì đấy”. “Mẩn ngứa ngoài da đấy”. Bấm chuông: “Tương ứng”. “Tương ứng, chính xác!” (Vua Tiếng Việt mùa 3, tập một).

Đó, cái cách người ta “giải nghĩa” một từ theo lối ấy thì hoàn toàn không phải là giải nghĩa mà cũng chẳng giúp ai nâng cao hiểu biết tiếng Việt hơn, nếu không nói là góp phần làm hỏng vì không những không cung cấp được khái niệm chính xác mà còn “giải nghĩa” rất buồn cười, khiến người chơi và người xem hiểu biết lệch lạc về nghĩa của từ.

Phần Xâu chuỗi cũng có vấn đề tương tự. Ở đây, chương trình đưa ra những từ được sắp xếp lộn xộn và “người chơi giành điểm bằng cách sắp xếp các từ thành câu có nghĩa”. Lạ là, khi người chơi đã “sắp xếp thành câu có nghĩa” nhưng lại không được chương trình chấp nhận. Ví dụ: với chuỗi “bát/ ba/ cơm/ Ăn/ những” nhưng khi người chơi đưa ra đáp án là “Ăn những ba bát cơm” thì lại không được chương trình chấp nhận, mà “đáp án đúng” phải là “Ăn cơm những ba bát!” (mùa 3 – tập 2).

Một ví dụ khác (VTV mùa 3, tập 1) với chuỗi “mơ/ đắng?/ Bao/ nhiêu/ mà” người chơi đã xếp lại “Bao nhiêu mơ, mà đắng?” và đây chính là đáp đúng của chương trình. Nhưng căn cứ vào đâu để cho rằng đây là trật tự đúng, giả sử người chơi xếp là “Bao nhiêu mà mơ, đắng?” thì sao, liệu có được chấp nhận không? Không, bởi đây là một câu thơ của Vũ Hoàng Chương, và người chơi phải xếp đúng trật tự của câu thơ ấy, không cần biết anh có biết gì đến bài thơ ấy hay không.

Đây là một đòi hỏi vô lý, vì ngôn ngữ thơ ca rất đặc biệt, lắm khi nó tạo ra một thứ ngôn ngữ không bình thường chút nào; vậy sự sắp xếp của người chơi là rất hên xui; thứ nữa, nó [đáp án] phủ nhận luôn cả những trật tự đúng trong tiếng Việt (chỉ vì không đúng với câu thơ). Lấy ngôn ngữ thi ca làm chuẩn duy nhất cho tiếng Việt, đó không phải là một nhận thức đúng.

Tôi gặp lại cách “ra đề” này của Vua Tiếng Việt thường xuyên, ví dụ ở mùa 3 – tập 2 với “chuỗi” “son/ mềm!/ Trên/ ta/ lưỡi/ liếc/ môi/ gươm” và sau một hồi đưa ra hết phương án này đến phương án khác, như “Trên lưỡi gươm ta liếc môi son mềm”, “Trên lưỡi gươm môi son mềm ta liếc”, nhưng không được chấp nhận, dù rằng chúng đều có nghĩa. Cuối cùng một người nói: “Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm”. Xuân Bắc đã phải kêu lên “Làm sao có thể nhờ! Cứ loanh quanh luẩn quẩn thì trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch, nhỉ”.

Nhưng đây là câu thơ trong bài Mộng cầm ca của Bích Khê, người chơi không hề biết điều ấy và cứ đoán mò, nhưng phải đúng trật tự của câu thơ. Đó là một cách ra đề rất phản tiếng Việt. Vì nếu đề chỉ yêu cầu sắp xếp lại cho “chuỗi” có nghĩa thì người chơi hoàn toàn có thể xếp: “Trên lưỡi gươm mềm ta liếc môi son”/ Trên gươm mềm môi son, ta liếc”… Cách ra đề này không thể tìm ra vua được, cùng lắm nó chỉ có thể tìm ra người may mắn bằng một sự đánh đố của người ra đề.

Điểm qua mấy phần chơi của Vua Tiếng Việt với cách “ra đề” và cách “làm bài” như thế, để thấy nó gặp vấn đề rất lớn về “phương pháp thi cử”, nếu không nói rằng nó đang góp phần làm hỏng tiếng Việt, chỉ vì những thứ vui vui được tạo ra một cách rất tùy tiện của những pha mất điểm hoặc ăn điểm.

Tóm lại, cùng với những sai sót liên tục về mặt chuyên môn cụ thể thì phương pháp thi của Vua Tiếng Việt không hề hứa hẹn sẽ tìm thấy “vua” dù có tìm ra người chiến thắng đi chăng nữa. Bởi, năng lực tiếng Việt không phải được thể hiện ở những sự đoán mò, những lối giải nghĩa bậy, những kiểu sắp xếp tình cờ và vi phạm các nguyên tắc sơ đẳng của đặc trưng của một ngôn ngữ.

Một chương trình mà sai sót nhiều về cả kiến thức chuyên môn và hỏng cả về “phương pháp thi cử” như vậy, liệu có thể nói rằng đạo diễn của nó là một “tài năng”, ít nhất là đối với sự am hiểu tiếng Việt? Vai trò và trách nhiệm của đạo diễn lẫn chỉ đạo sản xuất ở đâu trước các sai sót và sai lầm này? Phải chăng những người tổ chức và sản xuất Vua Tiếng Việt đang ‘lực bất tòng tâm’?

Giỏi tiếng Việt trước tiên được thể hiện ở chỗ nói đúng, viết đúng (chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp…) và cùng với nó là nói hay, viết hay, diễn tả được những nội dung từ đơn giản đến phức tạp và có những sáng tạo độc đáo, góp phần làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Ở Vua Tiếng Việt, tôi chưa thấy hầu như tất cả những đòi hỏi này, ngoại trừ yêu cầu viết đúng chính tả. Oái oăm thay, ở chính nội dung này, Vua Tiếng Việt lại rất hay sai chính tả với những lỗi nặng tới mức không ai có thể ngờ tới.

🔝