27.5.2024 - Thái Hạo
1. Đừng vội tin?
Về vụ việc một em bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan mà mạng xã hội (và sau đó là báo chí) đưa lên, đến thời điểm này đã có 2 luồng ý kiến, một là tin và bức xúc; hai là nghi ngờ và cho rằng đó chỉ là thông tin một chiều, sai sự thật, và đừng vội tin. Nhưng lại tin ngay vào cái bình luận của một cái nick có tên Mưa Mùa Thu (xem hình 1).
Nick này có nói sự thật không? Tôi không check được tất cả các nội dung liên quan, nhưng trước hết xin chỉ ra một điểm sai sự thật trong cái bình luận của người này, đó là chi tiết “Hồi trung thu còn ý kiến sao cho con tôi ăn bánh nướng không tốt”. Bây giờ mời đọc hình 2, chính là lời của vị phụ huynh đã nói về những cái bánh nướng kia. Bánh không tem mác, không ghi thương hiệu, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, vậy chị ta ý kiến thì có chính đáng không? Không những thế, chị ta còn rất lịch sự, ăn nói từ tốn có trước có sau. Kết thúc ý kiến, chị ta còn nói “Vì sức khỏe của các con để đảm bảo đồ ăn em cũng mong rằng ban hội phụ huynh khi mua quà nên để ý giúp ạ. Em cảm ơn”. Ấy thế nhưng, khi qua lời của một người tự xưng là phụ huynh của lớp ấy, thì nó thành “sao cho con tôi ăn bánh nướng không tốt”, biến một người rất có trách nhiệm và lịch sự thành một loại lắm chuyện, hay đòi hỏi, thích gây sự và chuyên phá rối!
Chỉ mới kiểm tra một chi tiết mà đã thấy người này nói sai hoàn toàn và nói bằng một giọng khác hẳn, làm méo mó bản chất sự việc đến mức gần như đổi trắng thay đen, thì những chi tiết khác ta có thể tin được không? Đừng vội tin, đúng, nhưng cũng đừng vội tin bất cứ điều gì chỉ vì nó phù hợp với điều mình muốn thấy.
2. Sai ngay từ đầu
Như đã nói trong bài trước, bất luận thế nào, việc lớp và ban đại diện của lớp này tự ý đặt ra 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh rồi bổ đầu cha mẹ để thu là sai quy định, cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật. Theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, chỉ có một khoản duy nhất là “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh” là được phép thành lập, và khoản tiền này có được là do đóng góp tự nguyện và những tài trợ hợp pháp (không được thu theo dạng bình quân); khoản tiền này cũng không phải được dùng để liên hoan, nó chỉ dùng cho hoạt động của Ban đại diện (hoạt động đó là gì, mời đọc Thông tư 55).
Việc các vị phụ huynh khác hoặc cộng đồng chỉ trích vị phụ huynh nọ là đã không đóng tiền quỹ còn la lối om sòm, đó điều là vô lý. Vị phụ huynh này không đóng là đúng, vì không ai cho phép thu sai pháp luật như thế cả, bất luận anh có dùng tiền ấy vào việc gì. Cũng cần nói rõ, vị này chỉ không đóng quỹ phụ huynh, còn quỹ lớp thì vẫn đóng, nhưng nó đã không làm cho những người muốn thu cả 2 loại quỹ bằng lòng.
Bạn hãy tưởng tượng: không phải là chuyện liên hoan mà là việc phụ huynh lớp này huy động quỹ để lắp điều hòa hoặc thay gạch nền, sửa chữa phòng học..., nếu vị phụ huynh kia không nộp (vì xây dựng cơ sở vật chất là việc của nhà nước, phụ huynh đã đóng thuế và đóng học phí rồi), thì con của chị ta phải ra hành lang ngồi, hay nhẹ hơn thì cũng bị phân biệt đối xử bằng những ánh mắt và câu nói mỉa mai? Rất nhiều thứ khác tương tự nữa mà bạn có thể hình dung ra hoặc đã từng đọc thấy trên truyền thông về những sự rối loạn này. Và bạn có muốn một xã hội vận hành theo cách ấy? Chúng ta muốn một xã hội rạch ròi về trách nhiệm hay lại hô hào nhau đi đóng tiền vì “nói có được gì đâu”?
Việc các phụ huynh của lớp này và một bộ phận dân chúng nhắm vào vị phụ huynh kia để phê phán tính “xét nét”, “keo kiệt”, “hay ý kiến”, là một thái độ rất không ổn. Tôi tưởng trước nay các vị vẫn bất bình với tình trạng lạm thu, loạn thu và việc sử dụng Ban đại diện làm cánh tay nối dài để thu các khoản tiền trên trời dưới đất? Nay, tại sao có một phụ huynh luôn dẫn Thông tư 55 ra để nói chuyện với những phụ huynh khác, và thực tế là chị ta đang làm đúng pháp luật, nhưng các vị lại không những không ủng hộ mà còn chỉ trích, đấu tố?
Quen lắm, tôi đọc các tin nhắn “lời qua tiếng lại” trong nhóm zalo của phụ huynh nọ thì không thấy ngạc nhiên, nào là tại sao 31 phụ huynh khác đóng được mà chị không đóng, nào là chăm lo cho con mình, nào là không để con thiệt thòi, nào là nhà chị giàu, nào là chị hay ý kiến, nào là tại sao không ai nói gì mà chị khi nào cũng xét nét, v.v. và v.v.. Đây có phải là vì một con đã không chịu làm cừu trong đàn cừu?
3. Vị phụ huynh kia có bịa đặt không?
Điều này thì chưa kết luận chắc chắn được về mọi chi tiết, nhưng đọc tin nhắn trong nhóm zalo của phụ huynh lớp ấy (xem hình 3 và 4), tôi nghĩ đây không hoàn toàn là chuyện không có thật. Sau khi vị phụ huynh thắc mắc/ chất vấn sau buổi liên hoan ấy thì Trưởng ban đại diện lớp này không hề phản bác, mà thay vào đó là lập luận, đại ý, rằng do chị không đóng quỹ phụ huynh. Theo logic thông thường, nếu vị phụ huynh này nói sai thì trưởng ban đại diện sẽ phủ nhận ngay và các phụ huynh khác cũng sẽ lên tiếng đính chính, cãi lại, nhưng đã không có lời nào như thế cả. Khả năng có sự phân biệt đối xử là đặc biệt cao, chỉ chưa rõ về mức độ và hình thức mà thôi.
Đọc những lời trao đổi trong nhóm zalo ấy tôi cũng thấy rằng vị trưởng ban đại diện của lớp này có một thái độ rất thiếu văn hóa, nếu không nói là mất dạy (xem hình các tin nhắn trong cmt), trong khi vị phụ huynh kia vẫn nói năng dựa trên lý lẽ và vẫn giữ được thái độ ôn hòa.
Xin nhắc lại, việc vị phụ huynh này không đóng các loại quỹ đó là đang làm đúng quy định, chính chị ta, bằng nhận thức và thái độ rạch ròi của mình, đang góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục vốn rất bát nháo bởi các khoản thu và các hoạt động mang tính tự phát đã diễn ra sôi nổi suốt hàng chục năm qua.
Gần giống với nội dung ở hình 1, tôi còn đọc thấy một bài đăng của một vị phụ huynh khác, phốt vị này, cũng về vụ bánh trung thu. Vị phụ huynh thắc mắc rằng tại sao bánh lại không có tem mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng không có, “giải thích là bánh nhà chị Mai, 1 tiệm bánh nổi tiếng rồi vẫn không nghe”. Và coi rằng chị này quá quắt! Mọi người tự nghĩ đi, xem những thắc mắc của vị phụ huynh có chính đáng không, chị ta có phải là người lắm chuyện hay quá quắt không khi thắc mắc những việc liên quan rất hệ trọng đến sức khỏe của trẻ em như thế? Thế này là xấu xa sao? Một việc rõ ràng với những phản ánh chính đáng như thế mà còn bị những phụ huynh khác bẻ cong hoàn toàn để đấu tố, thì tôi cũng không ngạc nhiên về câu chuyện liên hoan đang nổi sóng trên mạng khi chị ta trở thành người bị chỉ trích.
Tôi nghĩ, cũng như hàng vạn câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại trong cái gọi là “tập thể” ở khắp mọi nơi, bất cứ đâu có một kẻ “lắm lời”, “hay ý kiến”, thì kẻ đó là đáng ghét. Nó sẽ bị cô lập, bị coi là “thích gây rối”, “không có ý thức xây dựng”, “phá đám”, và nó nên được cho ra khỏi đàn. Tôi biết, ở đây không ít người đã thấm thía những trải nghiệm ấy khi đi họp phụ huynh hay lúc bàn bạc công việc chung trong các nhóm zalo của lớp. Không cẩn thận thì ngay cả việc anh nói đúng, nói để có lợi cho các cháu cũng sẽ bị cái tập thể ấy nhìn như một kẻ gây rối, họ chỉ mong anh biến đi cho rảnh mắt. Người không có thần kinh thép thì không thể chịu nổi những ánh mắt, những chỉ trích và sự cô lập của đám đông kiểu này đâu.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng, những cái quỹ (quỹ lớp, quỹ phụ huynh) mà các vị phụ huynh của lớp ấy nêu ra hay đang được một bộ phận cộng đồng dùng như một thông tin để chứng minh rằng vị phụ huynh nọ đã không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp nên mới xảy ra cơ sự này ấy, chính là minh chứng để cho thấy cái sai đã được chấp nhận. Một mặt ta lên án nạn lạm thu, thu sai quy định, mặt khác ta lên án một phụ huynh vì đã không đóng các khoản sai trái ấy. Thật lạ lùng! Comment ở hình 1 còn nói rằng vị phụ huynh kia “cả 5 đứa con từ mầm non lên cấp 2 đều không đóng” [quỹ phụ huynh], và ta liền thấy rằng đó là điều tồi tệ, thật là một người mẹ ghê gớm, khó lòng chấp nhận. Không biết thông tin này có chính xác không (hay cũng là bịa đặt như chuyện về chiếc bánh trung thu), nhưng nếu đúng thì tôi khâm phục người phụ huynh ấy, rất hiếm phụ huynh có thể “sống và làm việc theo pháp luật” giữa một rừng những phán xét đạo đức như ở ta.
Có nhiều cái đúng trong một hoàn cảnh cụ thể sẽ thành sai khi đặt vào những nền tảng lớn hơn. Trong trường hợp này là chị không đóng tiền nên tôi không mua đùi gà cho con chị là đúng, nhưng ai cho phép anh thu các khoản tiền ấy với tư cách là một loại quỹ để tổ chức liên hoan trong khung giờ chính khóa (?) – nghĩa là từ đúng đã thành sai, và đây là cái sai nền tảng. Ủng hộ hay cổ xúy cho cái đúng kiểu này là đang gián tiếp hủy hoại những nền tảng căn bản của một xã hội, đó là pháp luật và sự công bằng.
Chủ nghĩa tập thể vẫn là thứ đáng sợ nhất trong câu chuyện này, nó bất chấp đúng sai, bất chấp quy định của pháp luật, nó chỉ dùng các diễn ngôn như “vì con em chúng ta”, “có đáng bao nhiêu đâu”, “tại sao ai cũng...mà chị lại...”. Cá nhân tôi luôn kinh hãi trước những diễn ngôn loại này.
TB: Trước mắt, tôi chưa kết luận về tính chính xác của tất cả các chi tiết cụ thể trong câu chuyện liên hoan này, chờ những thông tin xác thực từ những người có trách nhiệm. Nhưng như đã nói, bất luận thế nào cái sai lớn sẽ tất yếu làm nảy sinh vô vàn cái sai nhỏ mà không ai có thể kiểm soát nổi, không phải buổi liên hoan này thì cũng sẽ là buổi liên hoan khác, không rơi vào người này thì cũng sẽ rơi vào người khác. Và trên thực tế nó đã xảy ra hàng chục năm nay rồi, với ngàn ngạt những câu chuyện gây bất bình trong xã hội, chỉ là do ta chóng quên mà thôi. Và tôi tin rằng, nó chỉ kết thúc khi phụ huynh nào cũng có được ý thức pháp luật và sự dũng cảm như vị phụ huynh kia. Tiếc rằng, quá ít, và sau vụ này có thể chị ta cũng sẽ không bao giờ dám ý kiến ý cò gì nữa.
Thái Hạo
Thái Hạo
Tôi đã nhắc đến Thông tư 55 nhưng hình có nhiều bạn vẫn không chịu đọc nên mới cố nói là có 2 loại quỹ (lớp và phụ huynh). Thế thì đọc báo vậy. Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM nói "Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn để tất cả các khoản thu của nhà trường đều phải được thực hiện trên hệ thống, không dùng tiền mặt, để Sở quản lý được việc trường thu như thế nào".
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/giam-doc-so-gd-dt-tp-hcm-khong-co...
28.5.2024 - Thái Hạo
Bài viết trong hình là của phóng viên Mỹ Quyên, báo Thanh Niên (hình như phụ trách mục giáo dục của báo).
Không rõ là phóng viên Mỹ Quyên không biết đầu đuôi sự việc mà nói những lời bịa đặt, cay nghiệt và đấu tố này, hay biết mà vẫn cố ý?
Tôi xin dẫn lại một lần nữa những chi tiết đã dẫn đến việc bị cho là "không đóng tiền nhưng đòi có suất ăn" mà nhiều người đang không hiểu hoặc cố ý không hiểu.
"Đầu năm học e đi họp lớp con nhà e có 2 khoản Quỹ cô giáo nêu ra :
1. QUỸ LỚP
2. QUỸ HỘI CHA MẸ HỌC SINH
E có hỏi 2 khoản Quỹ dùng vào việc gì thì dc cô hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm tl như sau : QUỸ LỚP ( chi phô tô bài làm cuối tuần cho các con và tổ chức trung thu , liên hoan cuối năm học nếu thiếu sẽ đóng thêm , thừa thì mua sách vở tặng khích lệ cho các con , khoản Quỹ Lớp này cô giáo chủ nhiệm cầm để chi thu )
QUỸ HỘI ( LÀ THOẢ THUẬN GIỮA PHỤ HUYNH VÀ NHÀ TRƯỜNG KHOẢN NÀY KO ÉP BUỘC TRONG ĐÓ DÙNG VÀO VIỆC HOẠT ĐỘNG CHO CÁC CON 30% VÀ 70% VỀ NHÀ TRƯỜNG ) và ko có chuyện e ko nộp quỹ hội thì con e ko dc ăn liên hoan .
- Cái vấn đề nộp quỹ hội này e đã nói đầu năm học là e ko đóng khoản quỹ hội ( khoản này trên tinh thần tự nguyện )
Còn lại các khoản quỹ lớp e vẫn đóng .
"Vừa rùi liên hoan cuối năm con e lớp 1 e ko thấy cô giáo đăng lên nhóm thông báo là quỹ lớp còn ít hay hết nên vấn đề này e ko dc biết vì e nghĩ Quỹ Lớp vẫn đủ, nếu e biết ko đủ e sẽ ủng hộ thêm cho các con . Và cũng ko có tin nhắn riêng nào trao đổi cả".
Lưu ý, những trình bày trên đây là của vị phụ huynh có con không được ăn suất liên hoan, đăng công khai đã 2 ngày và không ai thuộc nhà trường hay Ban đại diện có ý kiến khác hay chứng minh được cô ấy nói sai sự thật. Cũng lưu ý là Báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Dương cũng đã thừa nhận "sai sót" của giáo viên lớp này.
Nghĩa là gì? Là vị phụ huynh này đã đóng tiền liên hoan rồi (nó trong quỹ lớp) nhưng Ban đại diện và cô giáo lại dùng tiền từ nguồn khác (quỹ hội phụ huynh) để mua đồ ăn liên hoan, và không có thông báo gì trước về sự thay đổi này. Vị phụ huynh không biết đến sự thay đổi vô lý ấy nên cứ đinh ninh rằng con mình cũng có suất ăn như các bạn khác. Chứ không phải không đóng tiền mà đòi ăn.
Dân thường thì không nói, nhưng là phóng viên thì trước khi viết điều gì lên trước công chúng, phải tìm hiểu ngọn nguồn sự việc, không thể ăn nói hàm hồ.
Là phóng viên nghĩa là ngoài việc tuyệt đối phải tôn trọng sự thật thì còn phải đứng trên các giá trị khác nữa, như tính giáo dục, tinh thần nhân văn...để nhìn nhận sự việc, chứ không phải chỉ xét đến mỗi miếng ăn.
Nguồn bài của PV Mỹ Quyên: https://www.facebook.com/share/p/PCd4MkEuSfKX7m4N/?
23.5.2024 - Thái Hạo
Không muốn nói mấy chuyện này nữa, vì hiện nay nó đã nhiều như rác thành phố, nhưng có nhiều bạn nhắn tin than phiền quá, xin chia sẻ mấy dòng như sau.
Khoảng vài mươi năm nay, cứ cuối năm học là các nhà trường trên khắp cả nước, ngoài lễ tổng kết đã thành truyền thống, thì còn có thêm nội dung "tri ân", phổ biến nhất là "tri ân lớp 12". Và nay thấy có cả "tri ân lớp 5" nữa, nên mọi người bất ngờ thôi.
Để hiểu đúng nội dung của cái lễ này, viết đầy đủ sẽ như sau:
"Lễ tổng kết năm học và lễ tri ân CỦA học sinh lớp x". Cần có chữ CỦA để phản ánh đúng nội dung, nếu không nó sẽ thành ra nghĩa khác.
Như vậy, ở đây có hai nội dung, là lễ tổng kết năm học do nhà trường chủ trì, và hoạt động tri ân đối với nhà trường do học sinh thực hiện. Nhưng do cố viết tắt, viết cho thật ngắn/ gọn nên thành ra méo mó về mặt nghĩa, gây cười một cách thê thảm.
Nhà trường và giáo viên là nơi dạy chữ cho cả xã hội, nhưng oái oăm thay, hiện nay ở đó tình trạng viết sai tiếng Việt ngày càng trở nên tràn lan một cách đáng báo động. Đó là một thảm cảnh.
Nói thêm về cái hoạt động tri ân này. Đó là những bài phát biểu [thường do chính nhà trường viết sẵn hoặc đã duyệt, sửa] do học sinh (và có khi cả phụ huynh) đọc để cảm ơn nhà trường! Những lời này phần lớn là sướt mướt, sáo rỗng, ba hoa và không thật. Trong lễ tri ân này nhà trường cũng thường tổ chức cho học sinh biểu diễn các tiết mục văn nghệ và tặng hoa, ca ngợi công ơn thầy cô và công lao của nhà trường. Đặc biệt, lễ tri ân sẽ có nội dung học sinh và phụ huynh trao quà cho nhà trường. Quà này có thể là hiện vật hoặc tiền mà trước đó đã bổ đầu học sinh để thu. Mức thu khác nhau giữa các trường và các địa phương, ít thì một vài trăm/em, nhiều thì dăm trăm hoặc hơn nữa.
Tóm lại, là học sinh tri ân nhà trường theo yêu cầu và phân công của nhà trường, nôm na là "Các em phải tri ân thầy và tri ân như thế này, thế này này".
Đã có gần 10 năm ngồi ở những cái lễ tri ân thế này, giờ nghĩ lại còn toát mồ hôi...
À quên, còn một món "tri ân" nữa, đó là ăn cỗ. Sau lễ thường có một bữa tiệc mặn linh đình, thực khách sẽ gồm cả giáo viên nhà trường, quan khách và học sinh, và tiền là do phụ huynh học sinh chi.
Hiện Tại Tràn lan. Một ví dụ, hình báo Tuổi trẻ:
26.5.2024 - Thái Hạo
1.
Câu chuyện một em bé học sinh lớp 1 ở Hải Dương phải ngồi nhìn cả lớp ăn liên hoan vì mẹ bé không đóng “Quỹ phụ huynh” đang gây bức xúc trong dư luận. Trước khi nói đến chuyện hay dở, tốt xấu, ta cần xem xét vấn đề trên khía cạnh đúng - sai.
Theo thông tin trên báo chí và chính chia sẻ từ những người có liên quan, thì lớp này có 2 loại quỹ, là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Buổi liên hoan ấy chi 40k/em, nhưng vì quỹ lớp không đủ nên phụ huynh đã huy động đóng thêm quỹ phụ huynh, 100k/phụ huynh.
Đầu tiên phải nói ngay rằng, cả hai loại quỹ này (quỹ lớp và quỹ phụ huynh) đều là những khoản trái quy định của pháp luật, không có cái gọi là quỹ lớp hay quỹ phụ huynh, chỉ có KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí này lấy từ đâu? Theo thông tư 55 quy định: Kinh phí này “có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”. Hãy nhớ “ủng hộ tự nguyện” và “nguồn tài trợ hợp pháp”, chứ không phải bổ đầu phụ huynh ra thu. Nếu thông tin trên báo là chính xác thì việc lớp này thu cuối năm 100k/phụ huynh là sai quy định. Ngay cả việc sử dụng quỹ này vào việc liên hoan cũng là chưa đúng so với quy định trong thông tư 55, vì kinh phí này chỉ dùng cho hoạt động của Ban đại diện, mà hoạt động của cái ban này thì, theo Thông tư, chỉ là các cuộc họp, không có quy định nào cho phép ban đại diện dùng tiền kinh phí để tổ chức liên hoan.
Sai chồng sai, từ việc tự ý quy định 2 loại quỹ không được pháp luật cho phép đến việc tự ý bổ đầu phụ huynh ra thu, rồi dùng quỹ ấy để liên hoan ngay trong nhà trường cũng là chưa thỏa đáng.
Việc tự ý đặt ra các loại quỹ và thực hiện các khoản thu trái quy định đã diễn ra từ lâu nay trong hầu hết các nhà trường; nó gây bức xúc, bất mãn và cả khó xử cho rất nhiều phụ huynh, đồng thời gây rối loạn cho các hoạt động giáo dục khi chồng chéo, lẫn lộn về nhiệm vụ, chức năng của các thành phần khác nhau.
2.
Liên hoan không phải là công việc thuộc chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các lớp nếu muốn vẫn có thể tổ chức các buổi liên hoan, nhưng phải trên nguyên tắc tự nguyện và không được đặt nằm trong khung hoạt động của trường của lớp với tư cách như một hoạt động giáo dục bắt buộc.
Những cha mẹ nào nếu muốn con cái mình có một buổi liên hoan thì “hú nhau”, tự thỏa thuận mức đóng góp và tìm địa điểm, tổ chức theo ý thích, chứ không thể coi đó [liên hoan] như một hoạt động của lớp để bổ đầu phụ huynh ra thu tiền và ngầm ý rằng nếu phụ huynh nào không đóng nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ! Nhà trường chứ không phải nhà hàng. Tất nhiên, nếu nhóm phụ huynh này sau khi xin phép nhà trường mà được sự đồng ý thì có thể sử dụng không gian trường lớp để tổ chức, nhưng phải hiểu rằng đây là “mượn địa điểm”, chứ không phải là hoạt động bắt buộc trong giáo dục của nhà trường.
Cái nhóm “thích liên hoan” này có thể 5 người, 10 người hay vài ba chục, tùy, miễn là những người đó có cùng sở thích và nhu cầu, không có chuyện các vị sử dụng không gian và thời gian của lớp học để tổ chức liên hoan rồi đẩy những đứa trẻ không đóng tiền ra ngồi nhìn mồm được. Việc làm này sai thì đã đành, mà còn vừa rất tồi tệ, phản giáo dục, nếu không nói là ác độc.
Cũng trên tinh thần đó, những học sinh và phụ huynh không muốn tham buổi gia liên hoan ấy thì hãy tự mình làm cho con một bữa tiệc nho nhỏ hoặc cho các cháu đi chơi cùng gia đình hay tặng cho bé một món quà, v.v.. Không ai có quyền bắt các vị phải nộp tiền, cũng không ai có quyền đuổi con bạn ra ngoài để chiếm lấy lớp học, trường học để phục vụ riêng cho nhu cầu cá nhân của cái nhóm ấy. Nếu nhóm này mượn được địa điểm ở trường để liên hoan thì buổi liên hoan đó phải nằm ngoài khung giờ chính khóa của năm học.
Mọi sự rắc rối bắt đầu từ việc không tuân thủ quy định cuả luật pháp, làm sai, làm bừa, làm càn quấy, tùy tiện và có biểu hiện cửa việc của quyền. Và như chúng ta biết, chuyện “nhìn mồm” này không phải là lần đầu tiên, mấy năm nay hầu như năm nào cũng lặp lại, rồi dư luận rộ lên ca thán, rồi lại chìm đi. Đến hẹn lại lên.
Với tất cả những cái sai, cái dở, cái xấu ấy trong ứng xử, những thầy cô giáo và phụ huynh trong lớp này là rất đáng chê trách, thậm chí cần thanh tra hoạt động của nhà trường và các giáo viên liên quan trong việc thu chi và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý nhà nước về giáo dục. Theo thời gian, các khoản thu sai trái, những chi tiêu bất minh, những hoạt động không đúng quy định không những không được chấn chỉnh mà ngày càng trăm hoa đua nở, đang gây mất niềm tin nặng nề trong dân, làm dư luận bức xúc và trực tiếp làm hỏng môi trường giáo dục một cách nghiêm trọng.
Thái Hạo
Nội dung câu chuyện này trên báo Dân trí: https://dantri.com.vn/.../be-lop-1-phai-ngoi-nhin-cac-ban...
Phần tranh luận về quỹ phụ huynh được người mẹ chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: Phụ huynh đăng tải).25.5.2024 - Thái Hạo
Có bạn gửi cho tôi cái giấy Quy y Tam bảo này, nói rằng của chùa Thiền Tôn Phật Quang (do Thượng tọa Thích Chân Quang làm trụ trì). Tôi không tin, vì làm sao mà chùa lại tự ý sửa đổi giới cấm của Phật (từ giới Tà dâm thành giới Không phản bội) như thế này được.
Tôi search trên Google, tìm vào trang của bổn tự, thì thật không thể tin vào mắt mình: đây đúng là giấy Quy y của chùa Thiền Tôn Phật Quang (xem link đính kém cuối bài, bấm vào hình và zoom lớn). Bài viết còn cho biết: chỉ trong 3 ngày của năm 2023 đã có 1.500 người quy y ở chùa của Thượng tọa Thích Chân Quang, với cái giấy có nội dung như đã nói.
Không những tự ý sửa đổi giới cấm, giấy Quy y này còn đặt ra thêm các điều đáng kinh ngạc khác, như trong phần "Chín điều nguyện": "8. Nguyện tận dạ trung thành, vâng phục tôn sư" (tức là trung thành và vâng phục thượng tọa Thích Chân Quang?); "9. Nguyện không tu hành cô độc".
Phật giáo làm gì có "trung thành" với ai? Ngay cả Phật còn nói là đừng vội tin Phật kia mà? Sao bây giờ một vị Thượng tọa lại yêu cầu Phật tử "tận dạ trung thành" và "vâng phục" mình?
Phật còn nói, mỗi người hãy làm hòn đảo cho chính mình nương tựa, tự mình thắp đuốc lên mà đi, sao bây giờ Thượng tọa Thích Chân Quang lại cấm Phật tử tự tu hành?
Khó hiểu nhất là việc tự ý sửa giới Tà dâm thành "giới Không phản bội". Phản bội thì đã hàm chứa trong các giới khác như trộm cắp, nói dối, sát sinh, sao lại còn tự đặt riêng ra và bỏ luôn giới Tà dâm? Và Không phản bội là không phản bội ai? Không phản bội "tôn sư" ư?
Việc tự ý sửa đổi giới cấm và đặt ra các "điều nguyện" trái với tinh thần, tư tưởng và giáo lý của Phật như chùa Thiền Tôn Phật Quang của Thượng tọa Thích Chân Quang đã và đang làm phải chăng là đang công khai phá đạo? Rồi những hệ quả khó mà đo lường hết được do nội dung quy y như trong giấy này gây ra, thì ai là người chịu trách nhiệm? Giáo hội có biết việc này không, và Giáo hội có cần lên tiếng về vụ việc?
* Xem xác thực về giấy quy y của chùa Thiền Tôn Phật Quang tại đây: https://thientonphatquang.com/gan-1-500-nguoi-quy-y-tam.../
Thái Hạo
21.5.2024 - Thái Hạo
Tôi thì nghĩ, ai cũng có thể có những khiếm khuyết về tư duy và nhận thức, bởi không ai am tường hết mọi thứ trên đời, kể cả đó là một tiến sĩ. Nhưng là một người rất quan tâm đến tiếng Việt, tôi đã phải đọc lại stt ngắn này của ông Lê Kiên Thành nhiều lần, để cố hiểu nó.
Ông viết: “Với tất cả sự kính trọng Thầy và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người muốn và đang đi theo bước chân thầy...”. Tôi không rõ tác giả đang muốn nói ai là người “kính trọng thầy”, là tác giả hay những người “đi theo”? Theo ngữ pháp tiếng Việt thì không thể hiểu là những người đi theo được, vì câu văn được bắt đầu bằng chữ “với” [tất cả sự kính trọng]. Nhưng đọc đến đoạn “và lòng yêu mến của các bạn với Thầy”, kết nối hai phần này lại với nhau thì ta mới nhận ra rằng cả “sự kính trọng” và “lòng yêu mến” ấy đều là "của các bạn”, chứ không phải của tác giả Lê Kiên Thành. Một câu văn rất rối rắm, lởm khởm. Tuy nhiên, nó cũng đã khiến không ít người hiểu lầm nếu đọc vội: họ sẽ tưởng tác giả “kính trọng” thầy Minh Tuệ.
Xin góp ý với tác giả để viết tiếng Việt cho trong sáng và đúng ngữ pháp. Câu trên có thể sửa thành: “Quan sát tất cả sự kính trọng Thầy và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người muốn và đang đi theo bước chân thầy...”. Ở vị trí chữ “quan sát” còn có thể thay bằng “thấy”, “nhìn thấy”, “nhận thấy”. Còn để viết cho gọn gàng hơn nữa thì nên sửa lại toàn bộ câu văn, ví dụ: “Quan sát tất cả sự kính trọng và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi...”. Viết như thế là đủ, không thừa, không thiếu và không gây hiểu lầm.
---
Trên thực tế, tư duy và nhận thức như thể hiện trong cái stt này của ông Lê Kiên Thành hiện vẫn còn rất phổ biến (tối qua tôi cũng đã có viết vài dòng về cái lối nghĩ ấy). Về mặt logic thì lập luận này là rất vụng và nông nổi, thôi không cần bàn nữa, vì nó gần giống như câu hỏi “Nếu ai cũng là đàn ông thì lấy ai sinh đẻ?”.
Nhưng nhìn sâu hơn một chút thì thấy vấn đề rất đáng suy ngẫm, bởi nó đã gián tiếp bộc lộ cái quan niệm để thể hiện một thái độ văn hóa còn rất lạc hậu. Vì, thứ nhất, chỉ coi trọng những giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần/ tư tưởng; chỉ coi trọng những vấn đề xã hội sơ đẳng mà coi thường những vấn đề tâm linh, tôn giáo. Thứ hai, là lối đồng phục xã hội. Đáng ra, cần phải tôn trọng và khuyến khích một xã hội đa dạng, đa nguyên, phong phú, thì lối nghĩ này thể hiện sự khước từ, quay lưng. Nó còn có tên gọi khác, là “chủ nghĩa tập thể”. Đây là con đẻ của tư tưởng chuyên chế (?).
10.5.2024 - Thái Hạo
1.
Hàng chục năm qua, câu chuyện về phong trào “trăm hoa đua nở” của tượng đài chưa bao giờ thôi ồn ào ở nước ta, trong đó Thanh Hóa có thể coi là một “điểm nóng” trong con mắt dư luận. Khi mọi thứ chưa kịp nguội đi thì mới đây, báo chí và mạng xã hội lại xôn xao về việc UBND huyện Quảng Xương có đề xuất gửi Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc xin xây Tượng đài Phà Ghép chiến thắng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 85 tỷ đồng (theo Báo Công Luận) (1).
Câu chuyện tượng đài phải đặt trong bức tranh tổng thể của tình hình kinh tế, y tế , xã hội, giáo dục...; đặt trong tình hình dân sinh và an sinh với sự thiếu thốn trường lớp, giáo viên không đủ, bệnh viện xuống cấp hoặc quá tải, môi trường ô nhiễm, giao thông rối loạn..., thì mới thấy hết sự bi hài của nó.
Năm 2020, cũng liên quan đến sự kiện huyện Yên Định đề xuất xây tượng đài, Báo Đại Đoàn Kết (cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) viết: “Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Chao ôi, với những lý do này thì các huyện khác của tỉnh Thanh Hóa cũng có thể “nại” ra được những lý do tương tự. Vậy thử hỏi tỉnh Thanh Hóa có quy hoạch tượng đài không? Điều đáng bàn hơn là huyện Yên Định gần đây đang “dậy sóng” về chuyện nợ tiền tiếp khách, xây dựng... lên đến 52 tỉ đồng (trong đó Huyện ủy nợ 29 tỉ đồng, UBND huyện nợ 23 tỷ đồng) đến nay chưa được kết luận rõ” (hết trích) (2).
Từ nhận định này của báo Đại Đoàn Kết chúng ta cũng có quyền đặt câu, rằng có phải huyện Quảng Xương cũng đang “nại ra” lý do tương tự để xây tượng đài Phà Ghép chiến thắng? Và không chỉ Thanh Hóa hay Quảng Xương, trên khắp cả nước, với “tinh thần” ấy, bất cứ địa phương nào cũng đều có thể vin vào hoặc “nại ra” những lý do như thế để làm tượng đài cho bằng được. Và cứ đà “lạm phát tượng đài” này, đến một ngày ở đâu người dân cũng sẽ thấy những khối bê tông “siêu to khổng lồ” nhưng vô hồn, nhạt nhẽo hiện diện trên khắp mặt đất.
Vì sao nói thế? Sau chuyến đi đến các nước văn minh và thăm thú các tượng đài ở đó, PGS - TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ với Báo Xây dựng: “tượng đài ở các nước luôn đem đến những cảm xúc, gợi mở sự lắng đọng, suy tư, còn với tượng đài ở Việt Nam hầu hết đều là những khối lớn, hoành tráng nhưng rất ít hồn” (3).
Khi Việt Nam còn nghèo, bao nhiêu vấn đề thiết thân của đời sống người dân và sự phát triển của xã hội đang nhức nhối, thì việc đua nhau xây nên những cái gọi là “tượng đài” như thế không những là lãng phí mà còn là vô trách nhiệm và có tội với người dân.
2.
Trên báo VietnamNet có bài “Nước Mỹ và những tượng đài do dân, vì dân” cung cấp những thông tin rất đáng suy ngẫm về việc làm tượng đài của một đất nước văn minh. Theo đó, ở Mỹ tượng đài là do người dân xây dựng, nhà nước hầu như rất ít “can thiệp” hay đầu tư tiền của.
Vì sao Mỹ làm thế? “Vì chính họ [người dân] mới là người đánh giá nhân vật nào khả kính mang lại giá trị chung khi họ "rút hầu bao". Ví dụ, dân muốn xây tượng đài của vị tổng thống lập quốc vĩ đại Washington thì “tiền của đều do các tổ chức tư nhân kêu gọi đóng góp. Quốc hội Hoa Kỳ đóng góp bằng cách… “hiến” miếng đất”. Đang xây nhưng bị hết tiền, công trình này đã phải dừng lại đến 30 năm sau khi quyên góp được thêm tiền để hoàn thành. “Có người nói đùa, bên Mỹ mà chính khách lấy tiền thuế xây đền đài thì về nhà đuổi gà cho vợ” (4). Cứ theo đây thì có thể đoán rằng, nếu để người dân Nghệ An tự lựa chọn, họ sẽ đặt tượng nhà yêu nước Phan Bội Châu, thay vì tượng Le-nin.
Ở Mỹ, tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng là do nước Pháp tặng, chứ không phải nhà nước Mỹ bỏ tiền ra xây. Bức tường đá hoa cương nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam tại National Mall cũng do hội cựu binh Mỹ gây quĩ (4). Cách làm này [để người dân tự lựa chọn, tự bỏ tiền ra xây] thể hiện một tinh thần sâu sắc, rằng tượng đài là những biểu tượng đã và đang sống trong lòng người dân, vì thế họ chọn dựng tượng ai đó là quyền họ, đồng thời họ phải có trách nhiệm tự mình xây lấy, nhà nước không thể dùng thuế dân để thực hiện cái ý chí của nhà nước.
Cái hợp lý ở đây là nhân dân yêu mến ai, kính trọng ai, muốn lưu giữ sự kiện nào và đồng thời khả năng của họ tới đâu thì sẽ làm tới đó. Nó thể hiện sự tôn trọng người dân và việc chi ngân sách phải đúng nơi đúng chỗ. Nếu vẫn cứ dùng ý chí của các cơ quan nhà nước để xây tượng đài ồ ạt như hiện nay đang diễn ra, thì thứ nhất nó biểu hiện việc “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong việc sử dụng tiền thuế của người dân; thứ hai nó có thể không phản ánh đúng tinh thần, nguyện vọng và mong muốn của dân về những gì họ tôn kính hay không tôn kính; thứ ba nó có nguy cơ để lại một lượng “rác văn hóa” khổng lồ vì sự xấu xí của các tượng đài này, như nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận định.
Tôi nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần có quy định và quy hoạch chặt chẽ, chi tiết về việc xây tượng đài, siết chặt việc quản lý, và nhất là trong hoàn cảnh kinh tế xã hội như hiện nay của đất nước thì cần hạn chế tối đa việc xây mới, dù lý do đưa ra là gì đi chăng nữa.
Biểu tượng của chiến thắng trong quá khứ phải được thể hiện bằng sự phát triển và thịnh vượng trong hiện tại. Vì thế, không có gì “tuyên truyền” tốt hơn và xây dựng những biểu tượng có thể sống mãi trong lòng dân chúng cho bằng việc tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao và đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân.
Việc vẫn “kiên định” để tiếp tục xây lên những cái gọi là tượng đài trăm tỉ nghìn tỉ kia chỉ khiến dân ca thán, chán nản và mất hẳn niềm tin. Trong tình hình hiện nay, những bệnh viện lớn bảo đảm việc khám chữa bệnh cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp nhất hay những ngôi trường “thân thiện” mà ở đó “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”..., mới chính là những "tượng đài" mà người dân đang cần hơn bao giờ hết. Và nó sẽ trở thành biểu tượng không phai nhạt trong lòng người, có sức sống lâu bền và khả năng “tuyên truyền” không gì địch nổi. Hãy dốc lòng “tuyên truyền” bằng cách ấy, dân sẽ ủng hộ và sau này rất có thể đích thân họ sẽ bỏ tiền ra để tạc tượng các vị.
Thái Hạo
Bình luận của Le Thanh Truong
Và vì sao bọn xây tượng đài cứ điếc đặc trước mọi lời phản biện?
Vì thứ nhất chúng không quan tâm đến giá trị của mấy thứ đó; thứ hai đó chỉ là cơ hội để chúng ăn; thứ ba chúng có quyền cứ làm mà không ai ngăn cản được; thứ tư các cấp có quyền ngăn chúng lại thì không ngăn vì thứ nhất chúng cũng không quan tâm đến giá trị thứ hai chúng cùng chia sẻ lợi ích thứ ba chúng có quyền coi khinh mọi ý kiến phản biện mà không ai buộc được chúng...
Tóm lại vấn đề không phải là mấy cái tượng đài, dù xây lên một đống cứt mà hốc được chúng vẫn cứ làm như thường.
8.5.2024 - Thái Hạo
Chiều nay tôi gặp sư Minh Tuệ trên đường ông đi khất thực ngang qua Thanh Hóa, đúng hơn là nhìn thấy chứ không phải gặp. Lúc ấy ông ghé vào một nghĩa trang, chắc là để nghỉ qua đêm ở đây. Có cả một đoàn hàng trăm người vòng trong vòng ngoài lũ lượt vây quanh và đi theo.
Tôi đứng bên ngoài nhìn vào. Một vị tu sĩ với dáng người gày gò nhỏ thó, nước da đanh lại như gỗ lim, nhưng sáng, khuôn mặt nhẹ nhõm với nụ cười luôn nở. Ông ngồi xuống một gốc cây, bên cạnh có vài người mặc áo tu (chắc là mới đi theo ông trong ngày). Người họ đầm đìa mồ hôi, mặt tái nhợt và hơi thở như gấp gáp, chắc là do đi bộ đường dài với đầu trần dưới trời nắng không quen. Rất nhiều người chắp tay vái sư Minh Tuệ, có những người quỳ xuống lạy ông. Ông chắp tay đáp lễ.
Tôi đứng ở bên ngoài nhìn vào và nghe đủ những lời bàn tán nên biết được phần nào tâm lý của những người có mặt ở đó. Sùng bái có, tò mò có, hiếu kỳ có; cung kính có, thô lỗ có, xúc phạm có...
Biết ông trên mạng từ trước nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy. Thú thực là lòng nhiều cảm xúc khi đối trước một người tu hành đã xả ly thế tục, sống đời buông xả, không nhà không cửa, ba y một bát, tối ngủ dưới gốc cây, đơn độc trên đường tìm cầu chân lý...
Nếu gặp ở một quãng vắng không có ai quấy rầy, chắc tôi sẽ xin được đảnh lễ ông, nhưng nhìn đoàn người đen đỏ vây kín, bất giác thấy ái ngại và thương ông. Tôi đoán, với tình hình này, có lẽ không lâu nữa sư Minh Tuệ phải chọn một lối khác, ví dụ như ẩn tu. Tôi cũng đoán, bây giờ, vào lúc tôi post những dòng này, thì có lẽ ông cũng vẫn chưa được “buông tha”. Ở một số clip trên mạng, tôi cũng đã bắt đầu thấy hình ảnh công an đến “hỏi thăm” ông và “giải tán đám đông”.
Trong bối cảnh hiện nay của Phật giáo Việt Nam, sư Minh Tuệ đã làm sống lại hình ảnh của tăng sĩ thời Đức Phật: sống tối giản và một lòng cầu đạo với hùng tâm tráng chí trong lý tưởng lớn của người xuất gia. Chỉ khác là ngày xưa Phật đi khất thực với 1250 vị tỳ kheo là học trò đã chứng A-La-Hán, thì nay đa số là Tiktoker và Youtuber!
Nhìn sư Minh Tuệ, tôi vừa lo lắng vừa khởi lên một lòng tin, rằng ông sẽ vượt qua “kiếp nạn” này và sẽ có những thành tựu trên đường tu học gian khổ, để làm phạm hạnh cho đời.
Thái Hạo
Bình luận của Le Thanh Truong
Phật giáo hiện nay ở VN đã biến thành công cụ vừa trục lợi, vừa ngu dân thì ngọn đèn Minh Tuệ khó tránh khỏi bảo tố sắp tới. Nhưng ông đã độc hành 5 năm. Nghe những gì ông trả lới qua các clip trên mạng, trong đó mạng sống mất, còn cũng để tự nhiên. Không cần đến giấy tờ tùy thân., Và hình như ông ấy đã tiên liệu đến sự khó khăn khi nói răng " Con không phải thầy tu, không thuộc giáo hội nào, mà chỉ là công dân VN như mọi người, đang đi tập, học" Tôi tin ông sẽ xem sự làm phiền từ các đối tượng và cả chính quyền là cơ hội để bước xuyên qua nó trên con đường tu hành.
23.4.2024 - Thái Hạo
Câu hỏi này hôm trước đã trả lời một nửa (*), nay nói nốt nửa còn lại.
Người ta thấy, hiện nay nhà sư hay chùa chiền làm đủ thứ chuyện, như nuôi trẻ con, nuôi người già, làm từ thiện, bốc thuốc, v.v.. Những chuyện này đều tốt cả, nhưng hỏi đó có phải là mục đích rốt ráo của tu hành hay không? Không. Nuôi dưỡng người cô quả thì giống các cô nhi viện hay trại tế bần, làm từ thiện thì từ cá nhân đến các tập đoàn lớn đều có, chữa bệnh thì bệnh viện hay nơi này nơi khác cũng làm. Ăn chay thì chả cứ phải tu, nhiều người Âu Mỹ bây giờ cũng ăn chay vì lý do sức khỏe; phóng sinh thì các tổ chức bảo vệ động vật trên khắp thế giới còn làm tốt hơn nhiều.
Vậy đi tu là để sống cho tốt và thanh thản tâm hồn? Cái này ở nhà cũng làm được. Vả lại ở đâu mà chả phải lo sống cho tử tế; còn thanh thản thì do cái suy nghĩ của mình thôi. Đấy là nói vậy, chứ người không làm việc xấu ác thì tâm hồn tự thanh thản, đâu cần phải cạo tóc đi tu. Còn suốt ngày “hiến kế” để lùa tiền cúng dường của bá tánh thì có cạo đầu ở chùa tâm vẫn bất an.
Phật nói “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, là vị mặn; pháp của ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát”. Mục đích tối cao của Phật giáo là giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì? Cái khổ.
Phật giáo nhìn thấy bản chất của đời sống chỉ có một màu: khổ đau. Nghèo hay giàu, khỏe hay bệnh, nam hay nữ, sang hay hèn, trẻ hay già....tất cả đều khổ. Và cái khổ cuối cùng là chết. Chết không phải là hết, chết là để bắt đầu một hành trình khổ mới. Đi tu là để thoát khỏi tất cả những nỗi khổ này, mà mấu chốt là ở chỗ đoạn dứt sinh tử luân hồi.
Tất cả những việc đã kể trên chỉ là trợ duyên, là phụ họa, muốn đạt được mục đích thì phải Giới – Định – Tuệ. Không giới thì chẳng thể định, không định thì tuệ mờ tối, tuệ đã mờ tối thì không cách chi chứng được thật tướng của tồn tại. Vì thế, dù có từ thiện, phóng sanh, ăn chay... vạn kiếp cũng chỉ là kẻ sống trong ảo ảnh do cái thức điên đảo của mình dựng lên, và cứ thế trôi lăn mà không cách gì tự nhận biết được.
Đọc lịch sử từ thời Đức Phật còn tại thế, chúng ta thấy ông cùng học trò không hề làm tất cả những việc kể trên, cùng lắm là “tùy duyên”, tiện tay thì làm, xong là thôi và liền trở lại con đường của giới định tuệ. Các nước theo truyền thống nguyên thủy bây giờ cũng vậy, chùa chiền không phải là nơi để đến ngắm cảnh, du lịch hay trại tế bần. Người tu sĩ có một công việc lớn lao phải làm, đó là dồn toàn bộ cuộc đời và sinh mạng mình vào con đường khai mở trí tuệ để đạt đến giải thoát. Và vì thế, nhiều người đã trở thành mô phạm cho thế gian về đức hạnh và sức mạnh tinh thần.
Đi tu là để thoát khổ, vì thế, tất nhiên nếu anh không thấy khổ thì chẳng việc gì phải đi tu, cứ ở đời mà sống cho sướng. Oái oăm ở chỗ không phải ai cũng biết thế nào là sướng là khổ thật sự. Để thấy Khổ (và Không, Vô thường, Vô ngã) lại cần phải có trí tuệ.
Bài này không phải phản đối việc làm từ thiện, làm được thì tốt thôi, tôi chỉ nói cái cốt lõi của tu hành để không lẫn lộn nó với các tổ chức từ thiện. Đấy là chưa kể những thứ méo mó như mượn hình tướng Phật giáo và việc từ thiện để gom tiền thiên hạ.
(*) Một nửa đã nói trước đó:
Đạo đức và sự phá sản đạo đức
18.4.2024 - Thái Hạo
Cầu mưa là một thực hành văn hóa - tâm linh phổ biến của nhân loại trong quá khứ. Ngày nay, nhiều vùng trên thế giới vẫn còn duy trì truyền thống này, ngay cả ở các nước hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều sắc tộc thiểu số hiện vẫn còn lưu giữ.
Trên phương diện quốc gia, ngày xưa mỗi khi hạn hán kéo dài, vua sẽ đại diện cho cả nước đứng ra lập đàn cầu mưa. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, từ thời nhà Lý nghi lễ này đã được tiến hành. Ngày nay, với văn hóa hiện đại, chúng ta nhìn lại thì thường có cảm nhận rằng đó là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ... Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.
Với quan niệm hữu thần và thiên - địa - nhân hợp nhất (trời, đất và con người là một thể), người ta khởi lên niềm tin rằng, thần thánh/ ông trời có thể tương dung, tương thông, nghe thấy được lời cầu xin của con người, chỉ cần họ có tâm chí thành.
Người ta nghĩ rằng, mọi tai họa dưới nhân gian là do sự sai trái, lầm lạc, xấu xa, độc ác của con người gây ra. Và người phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là vua. Vì thế, trước khi cầu mưa (hay cầu những điều khác), nhà vua phải trai giới (ăn chay, tránh tà dâm, sinh hoạt trong giới đức...), phóng thích tù oan, thả bớt cung nữ, mở kho cứu đói cho dân, v.v.. Khi tất cả đã được thực hiện và giữ gìn tinh nghiêm sau một thời gian đủ dài, lúc đó lễ cầu mưa mới được tiến hành. Và người ta tin rằng, nếu cầu mà trời vẫn không mưa là do mình đã chưa chuộc hết tội lỗi, phải thành thật sám hối, tự kiểm điểm lại tất cả hành vi, phát tâm quyết rửa sạch và không ngừng hành thiện.
Không bàn tới sự phi lý trong quan niệm rằng mưa là do Ông Trời ban cho và con người có thể cầu mà được; nhưng ít ra người xưa tin rằng mọi thứ nên hư tốt xấu xảy ra đều là do ở chính mình. Cái tư duy “tiên trách kỷ” này là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng của người xưa mà nay đã trở thành xa xỉ. Vì nhiều lý do, có thể là nằm ngoài dự liệu, nhưng nó mang tới những suy nghĩ và hành xử có tính cảnh tỉnh và tự cảnh tỉnh, nó nhắc nhở con người biết sống thiện lương, tử tế, nỗ lực tạo công đức... Biết sợ (sợ thần thánh, sợ nhân quả, sợ luật pháp, sợ lương tri...), ở một một khía cạnh nào đó chính là đạo đức. Còn một khi đã “coi trời bằng vung” thì không việc ác nào không dám làm.
Nay thì không còn nữa. Không những “tự nhận lỗi” đã trở thành một món đắt đỏ bậc nhất mà hơn thế, sự vô sỉ và ý thức lưu manh đã chiếm thế thượng phong. Quan chức từ nhỏ đến lớn và rất lớn lũ lượt kéo nhau vào lò vì tham nhũng, tàn bạo, phá nát nền tảng văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Ngay cả khi bị “kỷ luật”, bị bắt, phải ra trước vành móng ngựa rồi vẫn trơ tráo, quanh co, lấp liếm, đổ lỗi...
Bỏ sang một bên những chuyện tâm linh thì vẫn phải thấy rằng đây là sự phá sản về đạo đức. Mà, thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nếu “vua quan” hiểu rằng hạn hán có một nguyên nhân quan trọng là do phá rừng và không chăm lo trị thủy đúng mực thì họ sẽ nhận lỗi, “sám hối” bằng cách ban hành những chính sách phù hợp: bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đầu tư xây đập, đắp đê ngăn mặn, dồn tài lực phát triển hệ thống nước máy sinh hoạt, đình chỉ mọi thứ lãng phí vào tượng đại, cổng chào, lễ lạt... Nhưng không. Một huyện nghèo bỏ ra 230 tỉ đồng để làm một cái lễ kỷ niệm, đó là việc làm mà cả trời và người đều oán giận.
Trong một đất nước mà từ vua quan đến người dân đều luôn biết tự xét mình, cảnh tỉnh mình, sống có trách nhiệm và hành động đúng với chức phận mình thì chưa cần trời giúp cũng là đã tự giúp mình. Đó cũng là một dạng “trời người là một”: con người tự định đoạt lấy cuộc sống và số phận của mình, con người tự làm “ông trời” của chính mình.
Nay cái thiêng (tin vào trời đất thánh thần) đã mất mà đạo đức cũng đã suy bại. Biết dựa vào đâu?
Nói thêm: người xưa, có thể chỉ là vô tình nhưng đã chạm đến những nguyên lý rất hiện đại. Chúng ta biết rằng, vật lý lượng tử đã vén lên bức màn về sự “hợp nhất” giữa tinh thần (con người) và tồn tại (vật chất). Nó rất gần với phát biểu “vạn pháp duy tâm” trong Phật giáo. Tinh thần (niềm tin, ý chí, sự lương thiện...) sẽ ảnh hưởng một cách vô hình nhưng mạnh mẽ đến cái vũ trụ mà họ sống. Tinh thần có thể làm thay đổi “cảnh giới”. Ở đâu sự dối trá và cái ác ngự trị, ở đó bất an, tai họa trùng trùng; ở đâu lòng chân thật và sự lương thiện bao trùm, ở đó cây cối xanh tốt, chim muông mở hội, mưa thuận gió hòa.
Sự xuống cấp đạo đức không chỉ làm rối loạn xã hội do các hành vi sai xấu gây nên, mà sâu xa hơn: phá hủy các nền tảng sâu về “đạo của vật lý”/ tâm linh. Khi không còn biết sợ quỷ thần như quan niệm sơ khai, cũng không còn biết sợ nhân quả, lại lạm dụng quyền lực trong một nền tảng luật pháp nhiều hạn chế, thì tất yếu sẽ phải dẫn đến những tai ương, không thể khác được.
Thái Hạo