21/04/2024 - VOA
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 19/6 lên tiếng nói rằng việc “bơm tiền” quy mô lớn là để cứu cho ngân hàng SCB không sụp đổ, không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của VOA cho rằng khoản bơm hàng chục tỷ đô la trên chỉ là liều “thuốc bổ”, tạm thời hồi sức cho một bệnh nhân đang lâm trọng bệnh, biện pháp tái cơ cấu được giám sát chặt chẽ và minh bạch mới là liều thuốc chữa bệnh cho SCB và cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.
“SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn”, Tiền Phong dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói tại buổi họp báo ngày 19/4.
Giải thích của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đưa ra vài ngày sau khi Reuters dẫn các nguồn tin riêng cho biết NHNN đã bơm 24 tỷ đô la để cứu SCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn), là ngân hàng gặp nguy khốn trong vụ án Vạn Thịnh Phát – vụ lừa đảo tài chính lớn nhất tại Việt Nam.
“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Còn nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”, nguồn tin của Reuters cho biết.
Đề cập đến vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, trong đó bao gồm sai phạm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Đào Minh Tú nói rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tất cả những sai phạm này do cá nhân gây ra.
Ông nói khi SCB rơi vào tình trạng khó khăn, mất cân đối thanh khoản và “khủng hoảng” vào tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kịp thời và cần thiết để ổn định tình hình, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung cũng như hệ thống tài chính của quốc gia.
Quan chức của NHNN không cho biết chính xác số tiền đã “bơm” để cứu SCB là bao nhiêu, nhưng Reuters trong bản tin độc quyền hôm 17/4 cho biết tính đến đầu tháng 4 này, NHNN đã bơm 24 tỷ đô la qua “các khoản vay đặc biệt” dành cho SCB, theo một trong những văn bản ngành ngân hàng mà Reuters được xem qua.
Liều thuốc bổ
“Tôi nghĩ rằng đây là chuyện làm đúng của Ngân hàng Nhà nước”, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, người có hai bằng tiến sĩ về Kinh Tế và Kế toán, Giáo sư Đại Học chương trình Thạc sĩ MBA và đã là Giám đốc Kiểm toán cho những Tập Đoàn lớn nhất Hoa Kỳ Fortune 500, đưa ra nhận định với VOA.
Theo giải thích của ông, khi NHNN bơm tiền vào cứu SCB, động thái này có tác dụng “trấn an” người dân để họ không ồ ạt rút tiền, dẫn đến sự sụp đổ của SCB và đề ra nguy cơ lớn cho cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong mắt giới đầu tư kinh doanh, biện pháp này vẫn chỉ là một “liều thuốc bổ” tạm thời hồi sức cho một bệnh nhân đang lâm trọng bệnh, mà không có tác dụng “chữa trị” lâu dài.
“Cái lâu dài của Việt Nam không phải là chích thuốc bổ không mà là chữa bệnh như thế nào. Chữa bệnh bằng cách là số tiền này phải được tiêu xài với một hội đồng kiểm soát và điều chỉnh việc chi tiêu ở đâu, tái cơ cấu như thế nào và những điều này cần phải được đưa lên mạng, lên đài truyền hình… để dân chúng biết hệ thống tái cơ cấu như thế nào”, TS. Khương Hữu Lộc nói.
Ngoài ra, theo ông, còn “rất nhiều vấn đề” cần phải giải quyết để ổn định SCB, trong đó có việc xử lý đống nợ xấu vốn đã tồn đọng từ trước đó khi 3 ngân hàng được gộp lại.
NHNN Việt Nam đã đặt SCB dưới sự giám sát để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng, gây ra bởi vụ bắt giữ bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022, người đã bị kết án tử hình vào tuần trước vì vai trò của bà trong vụ gian lận tài chính trị giá 12,5 tỷ USD, vụ án về tài chính lớn nhất Việt Nam.
Theo TS. Khương Hữu Lộc, bên cạnh việc bơm tiền, những tài sản của bà Trương Mỹ Lan thuộc diện phải tịch thu thì cần phải thu hồi ngay để có thể dùng làm tài sản “thế chân” cho gói cứu trợ 24 tỷ USD. Điều này sẽ có hai tác dụng: giữ cho khối tài sản không bị mất giá và NHNN có tài sản để bảo đảm. Chuyên gia kinh tế-tài chính có trụ sở tại Mỹ giải thích động tác này tương tự như chương trình “too big to fail” vào năm 2008 tại Hoa Kỳ, khi chính phủ Obama đưa ra tài trợ hàng chục tỷ đô la nhưng sau đó đã thu lại cả vốn lẫn lãi.
“Too big to fail” là thuật ngữ chỉ các tổ chức tài chính ngân hàng có ảnh hưởng kinh tế đáng kể đến hệ thống tài chính quốc tế và nếu chúng thất bại có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế khu vực hay toàn cầu.
Ảnh hưởng dòng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc?
Theo Reuters, việc bơm 24 tỷ USD (khoảng 5,6% GDP) để cứu SCB không phải là một con số quá lớn so với mức chi trung bình mà các chính phủ lớn đã chi ra để giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng động thái này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư về tính bất ổn của kinh tế Việt Nam, giữa lúc tầm quan trọng của quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng tăng lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hãng thông tấn Anh cho rằng đây giống như “lời cảnh tỉnh” đối với những người đã bỏ qua những tin đồn về chiến dịch chống tham nhũng gần đây hoặc những người nghĩ rằng khoản đầu tư của họ có thể được hưởng lợi nếu các quan chức cắt đứt mối quan hệ thân hữu giữa các tập đoàn lớn và nhà nước. Còn những công ty vẫn quyết tâm đầu tư để tận dụng lao động giá rẻ tại Việt Nam thì cần phải có “tinh thần thép”, theo Reuters.
TS. Khương Hữu Lộc lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng chiều hướng dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn quốc tế sẽ vẫn tiếp diễn mặc dù “họ đều biết về chuyện lũng đoạn, không phải chỉ SCB không mà còn những nơi khác, và cả chương trình ‘đốt lò’”.
Ông giải thích: “Tại vì trong viễn cảnh NHNN làm như vậy, làm cho các công ty như Samsung, Apple… hay những công ty về bán dẫn mà Hoa Kỳ muốn đưa về sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, trừ phi không làm gì cả và trường hợp này lan rộng ra. Thành ra đây là liều thuốc bổ cần thiết, nhưng liều thuốc chữa bệnh cần phải đi kèm theo”.
Một lý do khác có thể “giữ chân” các nhà đầu tư, theo TS. Khương Hữu Lộc, là vì nhiều công ty đã đầu tư tại Việt Nam đều rất hiểu về tình trạng lũng đoạn, tham nhũng tại Việt Nam, “nhưng họ vẫn thấy rằng đầu tư tại Việt Nam vẫn có lợi hơn đầu tư ở Trung Quốc vì những yếu tố rất phức tạp bên Trung Quốc”.
“Dĩ nhiên, đây là điều không tốt, nó làm cản trở, như chiếc xe bị rà thắng phần nào, nhưng nó không làm chiếc xe ngừng lại hay thụt lùi”, ông đưa ra ví dụ.
Cần tái cơ cấu hiệu quả, minh bạch
TS. Khương Hữu Lộc cho rằng giải pháp cốt lõi và cần thiết vẫn là một quy trình tái cơ cấu hiệu quả và minh bạch, trong đó cần có sự tham gia của các tập đoàn, chuyên viên hàng đầu về lĩnh vực ngân hàng trên thế giới thì may ra mới giải quyết được, theo khuyến nghị của ông.
TS. Khương Hữu Lộc nói thông thường tại Mỹ, để giải quyết vấn đề ngân hàng khủng hoảng như SCB, người ta thường chọn một trong hai giải pháp: để cho phá sản hoặc cứu trợ.
“Ở Hoa Kỳ thì tùy trường hợp, trong thời gian 2008-2010, Hoa Kỳ để cho nhiều trường hợp ngân hàng tự khánh tận, nhất là những ngân hàng chuyên cho vay về địa ốc. Còn những ngân hàng họ nghĩ là chính yếu “too big to fail” và có thể hệ thống dây chuyền thì họ cứu vãn, với tin tưởng là có thể cứu vãn được thì mới cứu”, TS. Khương Hữu Lộc cho biết thêm.
Tại buổi họp báo ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có những giải pháp và chính sách kể cả luật hóa để can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định, trước hết cho ngân hàng yếu kém và sau là đến hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo an ninh trật tự của xã hội.
Ông cho biết các khoản vay hỗ trợ cho SCB đã được luật định các điều khoản và thực hiện đúng các quy định cho phép, và sẽ có những rà soát để đảm bảo các biện pháp cho vay, thu nợ được xác định đầy đủ, rõ ràng trong đề án tái cơ cấu.
20/04/2024 - VOA
Một thuyền chở di dân lậu đi qua Eo biển Manche (ảnh tư liệu, 2/10/2023).
Từ đầu năm đến nay, con số di dân lậu là người Việt đi trên các con thuyền nhỏ, mong manh vượt Eo biển Manche để vào Anh chiếm số lượng đông hơn bất cứ nhóm quốc tịch nào khác, nhiều báo Anh đưa tin trong những ngày gần đây.
The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph đăng bài trong các ngày từ 15-19/4 trích dẫn các nguồn thuộc Bộ Nội vụ Anh và phát biểu từ người phát ngôn của thủ tướng nói rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.
Tuy nhiên, các báo Anh viết rằng các nguồn tin tại Bộ Nội vụ không đưa ra con số cụ thể và rằng phải đến tháng 5 bộ mới công bố thông tin.
Theo The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph, con số di dân Việt đi lậu vào Anh là 505 người hồi năm 2022 nhưng đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái thành 1.323 người và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay.
Còn trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này.
Trong tuần lễ tính đến ngày 19/4, tờ The Sun và The Times nói rằng phần lớn những di dân lậu người Việt là phụ nữ, trái ngược với xu thế của các nhóm quốc tịch khác có tới 3/4 là nam giới.
The Times viết rằng số di dân lậu người Việt tăng vọt được cho là có liên quan đến việc Việt Nam và Hungary ký kết hiệp định mới về visa, giúp người Việt nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary, nước thành viên của Vùng Schengen vốn cho phép các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) được qua lại nhau một cách tự do.
Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.
Họ bị các nhóm tội phạm bóc lột và phải làm việc như nô lệ để trả dần các món nợ mà họ đã vay để trang trải cho hành trình vượt biên từ Việt Nam qua các nước Đông Âu như Ba Lan hay Hungary để đến Anh.
Việt Nam có bãi biển tuyệt vời và phong cảnh đẹp, kinh tế tăng trưởng tới 6%, với nhiều nhà máy của các hãng lớn trên thế giới và được cho là sẽ trở thành một con hổ về kinh tế…, nhưng vẫn có nhiều người chưa thoát cảnh nghèo đói và bị những kẻ buôn người dụ dỗ, lừa phỉnh, do đó liên tục có nhiều người bất chấp hiểm nguy, kể cả nguy cơ mất mạng, vẫn đi lậu sang Anh, các báo của nước này viết.
The Sun và Daily Mail phỏng vấn những người nắm vấn đề, trong đó có ông Dan Barcroft thuộc Cục Tội phạm Quốc gia Anh và bà Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại ở Việt Nam, và họ xác nhận rằng phần lớn những người đó ra đi là vì lý do kinh tế.
Bà Mimi Vũ nói với The Sun và Daily Mail rằng những tay môi giới ở địa phương bên Việt Nam thu phí cho hành trình vượt biên có khi lên tới 43.000 Bảng Anh/người (hơn 53.000 đô la Mỹ, hay hơn 1,3 tỷ đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng hơn 94 triệu đồng/năm.
Nhìn chung, các di dân lậu không có sẵn số tiền nêu trên nên họ phải vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị bóc lột, các báo Anh viết, dẫn lời các chuyên gia.
Hồi năm 2019, đã xảy ra thảm kịch trong đó 39 người Việt đi lậu bị thiệt mạng trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, nhưng sự kiện đau lòng này không hề làm giảm làn sóng vượt biên trái phép.
Hôm 17/4, như VOA đã đưa tin, Anh và Việt Nam ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và ngăn chặn người Việt mạo hiểm tính mạng khi vượt Eo biển Manche để vào Anh.
Một thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh chuyên trách phòng chống di cư bất hợp pháp nói trong một thông cáo của bộ rằng “Thỏa thuận này là một bước quan trọng với một đối tác có giá trị nhằm đảm bảo chúng tôi nỗ lực hết mình để chấm dứt sự bóc lột của các băng nhóm buôn người và cứu mạng [các nạn nhân]”.
20/04/2024 - VOA
Bà Phạm Thị Lân và ông Nguyễn Tường Thụy. Photo Facebook Lan Tuong Thuy.
Bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thuỵ, bị bộ đội biên phòng thuộc Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, cấm xuất cảnh hôm 18/4 khi bà trên đường sang Campuchia du lịch cùng gia đình.
Bà Lân xác nhận với VOA Tiếng Việt việc bà bị cấm xuất cảnh ngay sau khi bà quay về Hà Nội hôm 19/4.
“Tôi là người đàn bà sáu mươi mấy tuổi mà các anh ấy bảo là vì lý do ‘an ninh quốc gia’ nên tôi phải trở về đây”, bà Lân nói trong một livestream trên Facebook cá nhân khi trên xe buýt từ sân bay Nội Bài về nhà ở trung tâm Hà Nội vào chiều ngày 19/4.
“Tôi là một bà già suốt ngày chỉ trông cháu và làm nội trợ mà cũng ảnh hưởng ‘an ninh quốc gia’ à?”, bà đặt câu hỏi.
Bà Lân cho rằng đó là một lý do “mơ hồ”.
VOA đã liên lạc với Cục Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ xác nhận việc bà Lân bị tạm dừng xuất cảnh vì lý do “an ninh quốc gia”, nhưng chưa được trả lời.
Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bị bắt vào tháng 5/2020, đang thụ án tù 11 năm về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, nơi cách xa nhà hơn 1.500 km.
Hồi năm 2023, nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) ra kết luận trong bản ý kiến số 16/2023 cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Thụy là “tùy tiện”, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.
Việc vợ của ông Thụy bị cấm xuất cảnh diễn ra khi Hội đồng Nhân quyền LHQ chuẩn bị tổ chức tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam vào đầu tháng 5 tới tại Gevena, Thụy Sĩ. Trong tiến trình này, quyền tự do đi lại của công dân, cũng như các quyền căn bản khác, được các bên liên quan thảo luận cùng với những khuyến nghị để Hà Nội cải thiện nhân quyền.
Theo báo cáo 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do đi lại trong nước, đi lại ra nước ngoài, di cư và hồi hương, nhưng chính phủ thường xuyên áp đặt các giới hạn đối với việc đi lại của các cá nhân, đặc biệt là những người được trả tự do sau khi chấp hành án tù vì lý do “an ninh quốc gia” hoặc các cáo buộc chỉ trích chính phủ.
Như VOA đã đưa tin, các trường hợp chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia” gần đây gồm bà Nguyễn Xuân Mai, một chánh trị sự đạo Cao Đài Chân Truyền 1926, bị cấm xuất cảnh vào tháng 9/2023 khi trên đường đi dự hội nghị về Tự do Tôn giáo tổ chức tại Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, bị chặn xuất cảnh vào tháng 5/2023 khi trên đường sang Thái Lan.
Ngoài ra, một vài thân nhân của những tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến cũng bị hạn chế đi lại, giữa lúc các nhóm nhân quyền cho là tình trạng “vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng” tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội bác bỏ cáo buộc này.
Vào năm ngoái, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị 24 trong một động thái được giới quan sát cho rằng nhằm siết chặt kiểm soát xã hội giữa bối cảnh đất nước gia tăng hợp tác quốc tế. Chỉ thị đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có kiểm soát chặt chẽ việc đi lại nước ngoài của công dân Việt Nam và ngăn chặn xã hội dân sự trong việc định hình chính sách của nhà nước và thành lập các nhóm đối lập chính trị.
20/04/2024 Reuters - VOA
TƯ LIỆU - Ảnh chụp từ trên không do Tân Hoa Xã công bố cho thấy nước lũ bao phủ huyện Diên Thọ thuộc tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, ngày 5 tháng 8 năm 2023.
Gần phân nửa số thành phố lớn của Trung Quốc đang bị sụt lún ở mức độ “từ trung bình đến nghiêm trọng,” khiến hàng triệu người có nguy cơ bị ngập lụt, đặc biệt là khi mực nước biển dâng cao, theo một nghiên cứu về dữ liệu vệ tinh toàn quốc công bố hôm 19/4.
Các tác giả của cuộc nghiên cứu đăng trên chuyên san Science nhận thấy 45% đất đô thị của Trung Quốc đang lún nhanh hơn 3 mm mỗi năm, với 16% ở mức hơn 10 mm mỗi năm, không chỉ do mặt nước ngầm đang sụt lún mà còn do sức nặng của môi trường được xây cất trên mặt đất.
Với dân số đô thị của Trung Quốc đã vượt quá 900 triệu người, "ngay cả một phần nhỏ đất sụt lún ở Trung Quốc cũng có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với cuộc sống đô thị," nhóm nghiên cứu do Ao Zurui thuộc Đại học Sư phạm Hoa Nam dẫn đầu cho biết.
Sự sụt lún đã khiến Trung Quốc thiệt hại hơn 7,5 tỉ nhân dân tệ (1,04 tỉ đôla) hàng năm và trong thế kỉ tới, gần một phần tư đất ven biển có thể thực sự thấp hơn mực nước biển, khiến hàng trăm triệu người chịu nguy cơ bị ngập lụt cao hơn.
“Nó thực sự nêu bật thực tế là đây là một vấn đề tầm cỡ quốc gia đối với Trung Quốc chứ không phải là vấn đề chỉ ở một hoặc hai địa phương,” Robert Nicholls tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Tyndall tại Đại học East Anglia nói. “Và điều này phản ánh những gì đang xảy ra khắp phần còn lại của khắp thế giới.”
Thành phố Thiên Tân ở miền bắc, nơi sinh sống của hơn 15 triệu người, được xác định là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm ngoái, 3.000 cư dân đã phải sơ tán sau một "thảm họa địa chất bất ngờ" mà các nhà điều tra nói là do cạn kiệt nguồn nước cũng như việc xây dựng các giếng địa nhiệt.
Nhiều vùng khai thác than cũ của Trung Quốc cũng hứng chịu hậu quả của việc khai thác quá mức, và chính quyền thường buộc phải bơm bê tông vào các hầm than đổ nát để gia cố đất.
Vấn đề không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào tháng 2 cho biết khoảng 6,3 triệu km vuông đất trên toàn cầu đang gặp nguy cơ. Trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Indonesia, với phần lớn thủ đô Jakarta hiện ở dưới mực nước biển.
Ông Nicholls nói các thành phố có nguy cơ có thể rút ra bài học từ Tokyo, nơi bị lún khoảng 5 mét cho đến khi họ cấm khai thác nước ngầm vào những năm 1970.
“Việc khắc phục sụt lún cần được xem xét rất nghiêm túc, nhưng vì không thể ngăn tất cả tình trạng đó nên giờ ta đang nói về việc thích ứng và xây dựng đê điều,” ông nói thêm.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Singapore, trong số 44 thành phố lớn ven biển gặp phải vấn đề này, có 30 thành phố ở Châu Á.
“Đó là vấn đề về đô thị hóa và tăng trưởng dân số - mật độ dân số cao hơn, khai thác nước nhiều hơn và sụt lún nhiều hơn,” Matt Wei, chuyên gia địa vật lý tại Đại học Rhode Island, cho biết.
19/04/2024 Reuters - VOA
Một người phụ nữ đi ngang qua biểu ngữ có hình tên lửa đang được phóng, ở phía bắc Tehran của Iran hôm 19/4.
Các vụ nổ xảy ra tại một thành phố của Iran vào sáng ngày 19/4 trong những gì mà các nguồn tin mô tả là một cuộc tấn công của Israel, nhưng Tehran đã hạ giảm vụ việc và cho biết họ không có kế hoạch trả đũa – một phản ứng dường như được cho là theo hướng ngăn chặn một cuộc chiến tranh trên diện rộng trong khu vực.
Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng im lặng của Iran dường như báo hiệu nỗ lực thành công của các nhà ngoại giao đang tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện kể từ cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel hôm 13/4.
Truyền thông và các quan chức Iran mô tả một vài vụ nổ mà họ cho là do lực lượng phòng không bắn trúng ba máy bay không người lái trên thành phố Isfahan ở miền trung Iran. Đáng chú ý, họ gọi vụ việc là một cuộc tấn công của "những kẻ xâm nhập", chứ không phải của Israel, khiến việc này không cần thiết phải trả đũa.
Một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters rằng họ không có kế hoạch đáp trả Israel về vụ việc.
“Nguồn từ bên ngoài của vụ việc vẫn chưa được xác nhận. Chúng tôi chưa bị bất kỳ cuộc tấn công từ bên ngoài nào và cuộc thảo luận nghiêng về việc xâm nhập hơn là tấn công,” quan chức này nói.
Ông Jonathan Lord, người đứng đầu chương trình an ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, nói rằng điều này “dường như cho thấy Iran đang tìm cách bước ra khỏi bờ vực, giảm thiểu tác động của cuộc tấn công và có lẽ giảm leo thang từ đây".
Israel không nói gì về vụ việc và đồng minh của họ là Washington cũng từ chối bị cuốn vào. Khi được hỏi nhiều lần về vấn đề này tại một cuộc họp báo ở Ý, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông sẽ không bình luận ngoài việc nói rằng Hoa Kỳ cam kết đảm bảo an ninh của Israel nhưng không tham gia vào bất kỳ hoạt động tấn công nào.
Bạo lực giữa Israel và các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông đã gia tăng trong suốt 6 tháng đổ máu ở Gaza, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến âm thầm giữa những kẻ thù lâu đời này có thể biến thành xung đột trực tiếp.
Kêu gọi bình tĩnh
Israel đã nói rằng họ sẽ trả đũa sau cuộc tấn công hôm 13/4. Đó là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel, nhưng không gây thương vong sau khi Israel và các đồng minh bắn hạ hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái.
Tehran đã tiến hành các cuộc tấn công đó để đáp trả cuộc không kích được cho là của Israel vào ngày 1/4, phá hủy một tòa nhà trong khu đại sứ quán Iran ở Damascus và giết chết một số sĩ quan Iran, trong đó có một tướng lĩnh hàng đầu.
Không có thông tin nào từ Israel hôm 19/4 về việc liệu họ có lên kế hoạch hành động tiếp theo hay không. Ngoài các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran, họ còn có các cách tấn công khác, bao gồm tấn công mạng và tấn công vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở nơi khác.
Các nước trên thế giới kêu gọi bình tĩnh.
“Trước các báo cáo về cuộc tấn công hôm 19 tháng 4, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hợp tác để ngăn chặn leo thang hơn nữa”, các ngoại trưởng của Nhóm bảy nền dân chủ công nghiệp phát triển cho biết trong một tuyên bố chung khi kết thúc cuộc họp ở Ý có sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken.
Họ cũng kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, thả các con tin bị Hamas bắt giữ ở đó, viện trợ cho dân thường ở Gaza và yêu cầu Israel ngừng tấn công Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của hơn một triệu người dân Gaza.
“Điều thực sự cần thiết là khu vực vẫn ổn định và tất cả các bên kiềm chế hành động tiếp theo,” người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết. Bắc Kinh, Moscow và các quốc gia Ả Rập trong khu vực cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự.
Trên thị trường tài chính, giá cổ phiếu toàn cầu giảm, giá dầu tăng và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khi các nhà giao dịch lo lắng về rủi ro.
Không nhắc đến Israel
Ở Iran, tin tức về vụ việc hôm 19/4 không nhắc đến Israel, và truyền hình nhà nước đưa tin rằng các nhà phân tích và chuyên gia dường như bác bỏ quy mô của vụ việc. Một nhà phân tích nói với đài truyền hình nhà nước Iran rằng các máy bay không người lái mini do "những kẻ xâm nhập từ bên trong Iran" điều khiển đã bị lực lượng phòng không ở Isfahan bắn hạ.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết rằng ngay sau nửa đêm "đã phát hiện ba máy bay không người lái trên bầu trời Isfahan. Hệ thống phòng không đã hoạt động và tiêu diệt những máy bay không người lái này trên bầu trời".
Truyền thông Israel tránh trích dẫn trực tiếp các quan chức Israel, thay vào đó đề cập đến các ghi nhận của truyền thông nước ngoài trích dẫn các nguồn tin của Israel xác nhận Israel đứng sau các vụ tấn công.
Một số người Israel cho rằng mục đích là để chứng tỏ khả năng tấn công của họ nhưng không gây tổn hại. Một tờ báo ví nó như một câu chuyện trong Cựu ước về [Vua tường lai] David rón rén đến gần Vua Saul và lén cắt vạt áo khoác của Vua – cảnh báo rằng có khả năng giết Vua Saul nhưng đã không làm.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cảnh báo Israel trước cuộc tấn công hôm 19/4 rằng Tehran sẽ "phản ứng nghiêm khắc" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của nước này.
Iran nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 18/4 rằng họ " buộc phải ngăn chặn bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào của Israel chống lại lợi ích của chúng tôi" khi tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo rằng Trung Đông đang ở trong "thời điểm nguy hiểm tối đa".
Đến sáng ngày 19/4, Iran đã mở lại các sân bay và không phận đã bị đóng cửa trong các cuộc tấn công.
Cuộc tấn công của Israel vào Gaza bắt đầu sau khi những người Hồi giáo Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, giết chết 1.200 người, theo thống kê của Israel. Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công quân sự của Israel đã giết chết 34.000 người Palestine ở Gaza.
Các nhóm được Iran hậu thuẫn đã tuyên bố hỗ trợ người Palestine, thực hiện các cuộc tấn công từ Lebanon, Yemen và Iraq, làm dấy lên lo ngại xung đột ở Gaza đang biến thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
19/04/2024 - VOA
Bảng cổ động bài Israel với hình ảnh tên lửa Iran trên đường phố Tehran.
Israel dường như đã đáp trả Israel vào hôm 19/4 – gần một tuần sau khi Iran bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel vào tối ngày 13/4 trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nhà nước Do Thái, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết các vụ nổ đã vang lên ở thành phố Isfahan của Iran mà các nguồn của họ cho là ‘hành động tấn công của Israel’. Truyền thông và các quan chức Iran cũng cho biết có một vài vụ nổ, mà họ nói đó là do hệ thống phòng không của họ đã bắn trúng ba máy bay không người lái trên thành phố Isfahan.
Dư luận khắp nơi tin rằng đây là hành động Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran nhưng sự đáp trả này chỉ ‘ở mức giới hạn’ để không leo thang xung đột trong khu vực trong bối cảnh Israel đang chịu sức ép của Mỹ và các nước phương Tây trong khi Iran cũng không muốn chiến tranh lan rộng, một nhà nghiên cứu nói với VOA.
Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng lặng lẽ của Iran dường như cho thấy nỗ lực các nhà ngoại giao vốn đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn chiến tranh bùng phát toàn diện, đã ‘thành công’, Reuters nhận định.
Đáng chú ý, chính quyền Iran đã gọi vụ việc này là cuộc tấn công của ‘những kẻ xâm nhập’ chứ không nêu đích danh Israel. Do đó, Iran đã loại bỏ sự cần thiết phải trả đũa.
Cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 đã đặt chính quyền Israel vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là phải cân bằng giữa áp lực quốc tế kêu gọi kiềm chế và áp lực từ trong nước đòi phải có phản ứng thích hợp.
Nội các chiến tranh của Israel đã họp liên tục kể từ đó đến nay. Ngay sau cuộc họp kéo dài gần ba giờ đồng hồ hôm 15/4, nội các chiến tranh của Israel quyết tâm sẽ đáp trả Iran nhưng không cho biết thời gian và quy mô đáp trả, theo CNN.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cân nhắc lời kêu gọi của liên minh cánh hữu cầm quyền là cần phản ứng mạnh mẽ với Iran bất chấp nguy cơ bị quốc tế cô lập khi mở rộng cuộc chiến mà không có sự ủng hộ quốc tế.
Áp lực từ đồng minh
Tuy nhiên, phản ứng của Israel bị giới hạn bởi vì họ đang hành động trong một liên minh không chính thức, ông Tamir Hayman, cựu giám đốc tình báo quân sự của Israel, viết trên X. Không chỉ mình Israel đánh chặn các tên lửa Iran mà họ còn có sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp và cả Jordan.
“Đồng minh hỗ trợ là hiệu quả và quan trọng, nhưng nó sẽ hạn chế tự do đáp trả,” ông Hayman, lãnh đạo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đã nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống Iran, các quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề nói với CNN. Ông Biden đã tìm cách thuyết phục Israel rằng thành tích đánh chặn là chiến thắng lớn cho nên không cần phải phản ứng nữa. Thay vào đó, ông Biden muốn Tel Aviv dùng giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Israel nhắm vào cô lập Iran thay vì leo thang tình hình, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Iran không nên tiến hành thêm các cuộc tấn công và cho biết Israel cũng phải góp phần làm giảm leo thang.
Trong cuộc gặp với ông Netanyahu ở Tel Aviv hôm 17/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Anh David Cameron đã kêu gọi Israel kiềm chế.
Tuyên bố chung của nhóm G7 do Ý, nước chủ tịch luân phiên của khối, đưa ra hôm 14/4 cũng cảnh báo là ‘cần phải tránh gây ra leo thang không thể kiểm soát ở khu vực’.
Chính trị trong nước
Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cầm quyền cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, và giữ cho chính phủ không sụp đổ đòi hỏi ông phải xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn.
Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel kỳ cựu, được CNN dẫn lời nói rằng quyết định trả đũa nào của Israel cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu và nhu cầu giữ vững ghế của chính ông Netanyahu.
Tuy nhiên, ông Pinkas cũng nói thêm rằng công chúng Israel không muốn mở thêm một mặt trận nữa khi mà quân đội Israel vẫn đang chiến đấu với Hamas ở Gaza.
“Mọi người vẫn còn tan nát và sốc về những gì đã xảy ra vào hôm 7/10 (ngày mà Hamas tấn công), do đó tôi không nghĩ công chúng mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran,” nhà ngoại giao Israel nói.
Trả đũa giới hạn
Do đó, các nhà phân tích cho rằng Israel có rất ít lựa chọn, và mỗi lựa chọn đều đi kèm với một cái giá, nhất là khi họ đang dính vào một cuộc chiến tàn khốc kéo dài đã sáu tháng với Hamas ở Dải Gaza và đang đối đầu với các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực
Israel chưa bao giờ tiến hành tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 15/4 đã cảnh báo rằng ‘những hành động làm tổn hại lợi ích của Iran dù là nhỏ nhất cũng sẽ hứng chịu phản ứng ‘nghiêm trọng, bao quát và đau đớn’.
“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung đạt được các mục tiêu chính ở Gaza, chứ không phải mở một mặt trận mới,” ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng nội các chiến tranh Israel đã đạt được đồng thuận cao về việc phải có hành động trả đũa của Iran.
“Tôi nghĩ rằng họ (Israel) không dễ dàng chấp nhận bỏ qua cuộc tấn công vừa rồi của Iran bởi vì mối quan hệ xung khắc giữa Iran và Israel nó đã âm ỉ từ lâu rồi. Trước đây Iran thậm chí còn tuyên bố sẽ xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới. Ngược lại Israel luôn coi sự phát triển hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với Nhà nước Do Thái,” Tiến sỹ Hải phân tích.
Tuy nhiên, nếu việc đáp trả của Israel diễn ra ở quy mô lớn và gây ra thiệt hại hại nặng nề cho Iran thì Iran ‘chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ trở lại. “Lúc đó cuộc chiến sẽ có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thu hút sự can dự của các nước bên ngoài,” ông cảnh báo.
“Nếu như họ (Tel Aviv) thật sự phớt lờ tất cả các lời cảnh báo mà tấn công Iran thì đó sẽ là điều tồi tệ đối với cả khu vực và thế giới.”
Ông cho rằng Israel chỉ tấn công Iran ‘ở mức độ chấp nhận được’ đối với Mỹ ngay cả khi Washington không đồng tình về bất kỳ hành động trả đũa nào.
Mỹ không muốn leo thang
Tiến sỹ Hải giải thích Mỹ và các nước phương Tây không muốn xung đột Iran-Israel leo thang vì cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và Mỹ cũng đang bận tâm về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Tôi nghĩ Mỹ đã làm hết khả năng để ngăn cản Israel leo thang hơn nữa hoặc là tấn công Iran ở quy mô lớn,” ông nói.
“Phương Tây muốn dồn lực để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trước Nga và để duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.
Ngoài ra, nếu căng thẳng Iran-Israel lan rộng thành khủng hoảng lớn thì ‘sẽ có tác động tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Biden’, Tiến sỹ Hải nhận định và cho rằng nếu ông Biden thành công trong việc giữ cho lò lửa chiến tranh Trung Đông không lan rộng thì ông sẽ ghi điểm về đối ngoại.
‘Như vậy là đã đủ’
Về phần Tehran, Tiến sỹ Hải cho rằng họ ở trong thế bắt buộc phải hành động sau khi sứ quán của họ ở Syria bị tấn công mà họ buộc tội Israel đứng đằng sau. Cuộc tấn công này làm 7 thành viên Vệ binh Cộng hòa, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao của Iran, thiệt mạng. “Họ phải hành động để giữ được sự ủng hộ của người dân và duy trì chủ nghĩa dân tộc,” ông giải thích.
“Vừa rồi họ cũng gửi một thông điệp rõ ràng đến Israel là đã tấn công có giới hạn như vậy thôi bởi vì họ phải giữ thể diện cả ở trong nước lẫn đối ngoại.”
Theo lời ông thì Tehran biết rõ khả năng phòng thủ tên lửa của Israel được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh nên hành động tấn công của họ ‘là có tính toán kỹ’, ‘tấn công có giới hạn’ và ‘rõ ràng là không muốn leo thang’.
“Họ cũng thừa hiểu rằng nếu họ đi quá xa, gây thiệt hại lớn cho Israel thì khả năng can dự của Mỹ là rất lớn. Cho nên họ có tính toán và tấn công có giới hạn là vì vậy,” ông nói thêm.
Sau vụ phóng tên lửa và drone vào Israel, Tehran đã nói rằng họ không muốn leo thang xung đột và ‘như vậy là đã đủ’. Họ cũng đã báo trước cho chính quyền các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, 72 giờ trước khi tấn công xảy ra, mặc dù điều này đã bị Mỹ bác bỏ, trong một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm giảm thiểu tác động của cuộc tấn công.
18/04/2024 VOA Tiếng Việt - VOA
Trang tin tức WRAL ở bang North Carolina, Mỹ, đưa tin về dự án nhà máy VinFast bị đình trệ, 17/4/2024.
Mỗi cổ phiếu của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast chỉ bằng 2,72 đô la, thấp nhất từ lúc lên sàn đến nay, khi thị trường Nasdaq ở Mỹ chốt phiên giao dịch hôm 17/4. Cùng ngày, một số trang tin Mỹ cho hay việc xây nhà máy của VinFast ở bang North Carolina bị đình trệ, hãng tính thu nhỏ quy mô.
So với ngày hôm trước, cổ phiếu mã VFS của VinFast mất đi hơn 11% giá trị và là phiên thứ tư liên tiếp bị giảm điểm, theo quan sát của VOA.
Hôm 11/4, VFS vẫn còn ngấp nghé ngưỡng 4 đô la/cổ phiếu, như vậy, chỉ sau vài ngày đã mất gần 33%. Tỷ lệ mất giá lên đến gần 67% nếu tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm nay, theo thông tin mà VOA có được.
Mức vốn hóa thị trường của hãng xe thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày càng co lại, rớt xuống thấp kỷ lục vào ngày 17/4, chỉ còn là gần 7,2 tỷ đô la.
Con số đó thể hiện cú rơi tự do tới 92% kể từ ngày đầu tiên hãng lên sàn vào tháng 8/2023, với mức giá chốt phiên hôm đó là hơn 37 đô la/cổ phiếu và vốn hóa đạt khoảng 85 tỷ đô la. Khi đó, nhiều tờ báo, trang tin Việt Nam ca ngợi hãng xe của ông Vượng “vượt qua” cả những hãng xe lâu đời, danh tiếng của Mỹ và thế giới.
Như VOA đã đưa tin, đà đi xuống của VFS diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin không thuận lợi gồm nhu cầu chung về xe điện toàn cầu chậm lại, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tăng hoạt động ở Việt Nam, bản thân VinFast lỗ và nợ nhiều tỷ đô la và ít nhất 5 công ty luật Mỹ theo đuổi vụ kiện VinFast.
Giờ đây lại có thêm tin là việc xây nhà máy của hãng ở Mỹ bị đình trệ và hãng tính thu nhỏ quy mô.
Hai trang The News&Observer và WRAL, đều có trụ sở tại bang North Carolina, đưa tin hôm 17/4 rằng việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang này theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.
Phần móng mới sẽ rộng gần 7,3 hectare so với mức ban đầu lên đến hơn 9,2 ha được duyệt hồi tháng 7/2023, theo The News&Observer và WRAL.
Hai trang tin Mỹ mô tả rằng ở thời điểm hai ngày 16 và 17/4, dường như không có gì được hoàn tất thêm tại địa điểm xây nhà máy kể từ lễ động thổ. Quận hạt Chatham nói rằng không có hoạt động xây dựng nào được tiến hành cho đến khi có giấy phép mới cấp cho việc điều chỉnh móng.
Nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp qua điện thoại hôm 17/4, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy khẳng định dự án ở North Carolina “vẫn tiếp tục”, WRAL và The News&Observer tường thuật.
“Chúng tôi vẫn đúng tiến độ để bắt đầu hoạt động vào khoảng cuối năm sau, bắt đầu tuyển dụng nhiều nhân viên và đi vào hoạt động vào cuối năm sau. Nhưng có lẽ phải mất vài tháng mới hoạt động toàn bộ”, bà Thủy nói, theo phần trích dẫn bằng tiếng Anh trên hai trang tin Mỹ.
VinFast từng dự định đi vào sản xuất ở North Carolina thuộc Bờ Đông nước Mỹ vào mùa hè năm nay nhưng đã lùi kế hoạch sang cuối năm tới. Họ nói rằng nhà máy của hãng sẽ có công suất 150.000 ô tô điện/năm trong giai đoạn 1.
Cả bang North Carolina lẫn Quận hạt Chatham hiện dành các khoản ưu đãi tổng cộng 1,2 tỷ đô la cho dự án của VinFast, theo WRAL và The News&Observer.
Doanh số bán xe của VinFast ở Mỹ đạt gần 930 xe trong quý 1 năm 2024, chỉ chiếm thị phần 0,3% trong gần 269.000 ô tô điện bán ở Mỹ cùng thời điểm, theo một báo cáo vừa được công bố của Kelley Blue Book, một hãng nghiên cứu thị trường xe hơi Mỹ.
Với kết quả này, VinFast đứng gần cuối bảng xếp hạng, ở vị trí số 23 trong tổng số 26 hãng xe điện mà Kelley Blue Book tập hợp được dữ liệu.
Giới quan sát nêu câu hỏi với doanh số nhỏ giọt như vậy, không rõ liệu VinFast có tiêu thụ hết sản lượng 150.000 xe mỗi năm mà họ dự kiến sẽ sản xuất ở Mỹ hay không.
Như VOA đã đưa tin, mới nhảy vào ngành chế tạo xe hơi điện vài năm nay, VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ đô la chỉ trong 3 năm trở lại, trong khi số tiền đi vay tăng lên, với tổng cộng cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.
17/04/2024 VOA News - VOA
Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr., trái, và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chụp ảnh trước hội nghị ba bên tại Tòa Bạch Ốc ngày 11/4/2024.
Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ ở châu Á dựa vào cái được gọi một cách không chính thức là hệ thống “trục và nan hoa” của các liên minh song phương. Nhưng gần đây, các quan chức Mỹ đã sử dụng một cách so sánh khác để mô tả tầm nhìn của họ đối với khu vực: một hàng rào lưới.
Nghe có vẻ chỉ là một sự điều chỉnh mang tính ẩn dụ, nhưng các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nó có thể có ý nghĩa lớn khi họ cố gắng tạo ra một kế hoạch lâu dài để ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo khuôn khổ cũ, Hoa Kỳ, siêu cường quân sự toàn cầu, đóng vai trò là trung tâm và các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đóng vai trò là nan hoa.
Các nan hoa không liên kết với nhau. Nhưng động lực đó đang thay đổi, khi một số đồng minh và đối tác lớn của Hoa Kỳ liên kết lại xung quanh cái mà họ gọi là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Những gì các quan chức Mỹ hình dung không phải là một liên minh hiệp ước đa phương như NATO. Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng một khuôn khổ an ninh như vậy là không thể ở châu Á, do các lợi ích cạnh tranh và sự thù địch lịch sử sâu sắc, ngay cả giữa các đồng minh của Mỹ.
Thay vào đó, mục tiêu là giúp tạo ra ngày càng nhiều các mối liên kết củng cố lẫn nhau giữa các quốc gia có cùng quan điểm, cùng nhau tạo thành một hàng rào – hay nói cách khác là một mạng lưới.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên
Chiến lược mạng lưới đã được thể hiện vào tuần trước, khi ông Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.
Cuộc gặp gỡ có giá trị biểu tượng quan trọng. Một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về thái độ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ của mình đè bẹp các yêu sách lãnh thổ của Nhật Bản và Philippines.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ thêm cho các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Philippines và tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận chung trong khu vực với sự tham gia của ngày càng nhiều đối tác trong những năm gần đây.
Tại cuộc gặp riêng giữa ông Biden và ông Kishida, Mỹ và Nhật đã công bố hàng chục thỏa thuận song phương liên quan đến hợp tác quốc phòng, bao gồm kế hoạch cho phép các lực lượng Mỹ và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn trong một cuộc xung đột tiềm ẩn.
Theo một quan chức chính quyền Hoa Kỳ, người đã nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo, các cuộc gặp này là bằng chứng cho thấy kế hoạch châu Á của ông Biden đang có hiệu quả.
“Lý thuyết của (Biden) là nếu Hoa Kỳ tái đầu tư vào các liên minh và quan hệ đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… thì những đồng minh và đối tác đó sẽ sát cánh cùng nhau theo những cách giúp chúng tôi được trang bị tốt hơn nhiều để hoàn thành các mục tiêu của mình,” quan chức Hoa Kỳ nói.
Quan chức này nói thêm, không nơi nào lý thuyết này được chứng minh tốt hơn so với liên minh giữa Mỹ và Nhật, nơi ông Kishida “tiến lên và bước vào thế giới nhiều hơn bất kỳ ai thực sự có thể tưởng tượng”.
Nhật đóng vai trò chủ chốt
Khi Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiềm chế theo chủ nghĩa chủ hòa của họ, quốc gia này đã trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh khu vực. Nhật Bản đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, chuyển sang mua phi đạn có thể tấn công các quốc gia khác và ban hành những thay đổi về mặt pháp lý cho phép nước này xuất khẩu vũ khí dễ dàng hơn.
Nhật Bản hiện tham gia sâu vào nhiều diễn đàn do Mỹ dẫn đầu, bao gồm Đối thoại An ninh Bốn bên, một liên minh không chính thức bao gồm Australia và Ấn Độ, và Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến, ngày càng tập trung vào Trung Quốc.
Tuần trước, Anh, Mỹ và Australia tuyên bố đang xem xét hợp tác với Nhật Bản thông qua hiệp ước an ninh AUKUS. NATO, liên minh quân sự châu Âu, cũng đã mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Ông Daniel Russel, phó chủ tịch tổ chức Asia Society và là cựu quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Nhật Bản ngày nay không còn là quốc gia nhút nhát và hướng nội, trông cậy vào chủ nghĩa hòa bình và sức mạnh của Mỹ để bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài”.
Một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong khu vực là việc cải thiện mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, vốn đã căng thẳng từ lâu vì các vấn đề liên quan đến việc Nhật Bản chiếm đóng thuộc địa Hàn Quốc. Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hiện nay hai nước thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với Mỹ. Năm ngoái, ba nước đã công bố một hệ thống mới để chia sẻ dữ liệu cảnh báo phi đạn của Triều Tiên trong thời gian thực.
Có hiệu quả không?
Rất ít nhà quan sát phủ nhận rằng những thay đổi lớn đang diễn ra khi các nước phản ứng trước một Trung Quốc hùng mạnh hơn. Nhưng sự thay đổi chiến lược hướng tới Hoa Kỳ còn lâu mới được nhất trí.
Ông Van Jackson, giảng viên tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói: “Hầu hết các chính phủ trong khu vực đều đang phòng ngừa rủi ro, thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc là đối tượng lâu dài và trung tâm của nền kinh tế chính trị châu Á”.
Theo một cuộc khảo sát được Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố trong tháng này, nhận thức của các nước Đông Nam Á về Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.
Cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á hàng năm đều đặt ra những câu hỏi tương tự cho một nhóm chuyên gia và quan chức chính phủ.
Hơn một nửa, 51% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ sẽ đứng về phía Trung Quốc thay vì Mỹ nếu buộc phải lựa chọn. Đây là lần đầu tiên cuộc khảo sát cho thấy sự ưa thích dành cho Trung Quốc.
Theo cuộc thăm dò, một trong những phàn nàn chính là sự hoài nghi về sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, nhiều người ở châu Á đã đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có cam kết tự do thương mại như trước đây hay không.
Các quan chức của ông Biden không đồng ý về quan điểm đó, coi Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay IPEF, như một đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nhưng IPEF khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống ở chỗ nó không mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn hoặc giảm thuế quan - những lĩnh vực không còn được coi là an toàn trong bối cảnh chính trị nội bộ của Hoa Kỳ. Bất chấp điều đó, ông Trump đã thề sẽ dẹp IPEF nếu đánh bại ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Theo ý kiến của ông Philip Turner, nguyên là một nhà ngoại giao New Zealand, IPEF dường như đã thất bại phần lớn.
Ông Turner, người gần đây nhất giữ chức đại sứ New Zealand tại Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều nước châu Á và các nước trong khu vực như Australia và New Zealand đã chỉ ra rằng việc Mỹ không cam kết về mặt kinh tế với khu vực sẽ làm suy yếu các tuyên bố của nước này đối với vai trò lãnh đạo khu vực”.
Ông Turner nói thêm, mặc dù khu vực đang ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy và thái độ của Trung Quốc, nhưng rất ít quốc gia châu Á ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Ông nói: “Họ muốn Hoa Kỳ bước xuống từ việc ép buộc kinh tế cao độ chống lại Trung Quốc và tìm cách hòa hợp với nhau mà không xảy ra xung đột”.
18/04/2024 Reuters - VOA
Lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines họp thượng đỉnh mới đây ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Philippines nói hôm thứ Năm 18/4 rằng quyết định của nước này tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Hoa Kỳ là "sự lựa chọn tối thượng", đồng thời kêu gọi Trung Quốc hãy "suy ngẫm về hành động của chính họ" ở Biển Đông.
Bộ ngoại giao nói trong một tuyên bố: “Nguồn gốc căng thẳng trong khu vực của chúng ta đều được mọi người biết rõ”.
“Chính các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc quân sự hóa các thực thể được bồi đắp, đang làm suy yếu hòa bình, ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng”, bộ này nói thêm.
Tuyên bố được đưa ra để đáp trả những lời chỉ trích của Trung Quốc về cuộc họp thượng đỉnh ba bên gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con).
Ba nhà lãnh đạo đã cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về “hành vi nguy hiểm và hung hăng ở Biển Đông” của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần trước rằng Bắc Kinh phản đối việc "hình thành các bè cánh khép kín trong khu vực".
Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đang phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng trên tuyến đường thủy có những tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng vận tải hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm. Các yêu sách lãnh thổ của nước này chồng lấn lên các vùng biển mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay tuyên rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này.
13/04/2024 Reuters - VOA
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 11 tháng 4 năm 2024.
Một thỏa thuận hợp tác giữa Philippines, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông và khu vực, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói hôm thứ Sáu, trong khi tìm cách trấn an Trung Quốc rằng nước này không phải là mục tiêu.
“Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên này cực kì quan trọng,” ông Marcos nói trong cuộc họp báo ở Washington một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước.
“Nó sẽ thay đổi thế cục mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN ở châu Á, quanh Biển Đông,” ông Marcos nói, nhắc đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Ba nhà lãnh đạo bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về "hành vi nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến đường nơi hơn 3 ngàn tỷ đôla khối lượng thương mại tàu biển đi qua hàng năm với nhiều tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước khác.
Tuy nhiên, ông Marcos nói hội nghị thượng đỉnh "không chống lại bất kì nước nào" mà tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói rằng các yêu sách sâu rộng của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Các tàu của Philippines và Trung Quốc đã tiên tục đối đầu trong tháng qua trong những vụ việc có sử dụng tới vòi rồng và lời qua tiếng lại nảy lửa.
Bắc Kinh ngày thứ Năm triệu tập đại sứ Philippines tại nước này và một quan chức đại sứ quán Nhật Bản để phản đối điều mà bộ ngoại giao nước này mô tả là “những bình luận tiêu cực” nhắm vào Trung Quốc.
Tranh chấp ngày càng trầm trọng giữa Trung Quốc và Philippines diễn ra cùng lúc những giao tiếp an ninh với Mỹ gia tăng dưới thời ông Marcos, bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ của Philippines, cũng như với Nhật Bản, nước dự kiến sẽ kí một hiệp ước quân sự tương hỗ với Manila.
Ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm 128 triệu đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines.
Ông Marcos cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng khoảng 100 tỉ đôla trong các thỏa thuận đầu tư khả dĩ trong vòng năm đến 10 năm tới kể từ hội nghị thượng đỉnh sẽ trở thành hiện thực.
Khi ở Washington, ông Marcos cũng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đảm bảo với ông rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ.
“Toàn bộ sự hợp tác này là hệ trọng đối với an ninh chung của chúng ta và sự thịnh vượng liên tục khắp khu vực,” ông Austin nói, nhắc lại cam kết phòng thủ mạnh mẽ của ông Biden.
17/04/2024 Reuters - VOA
Việt Nam đã làm một việc “chưa từng có” để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), là ngân hàng gặp nguy khốn trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước, Reuters đưa tin độc quyền vào sáng 17/4 theo giờ Hà Nội, trích dẫn 3 văn bản của ngành ngân hàng và thông tin chính thức mới mà một người được tiếp cận đã cung cấp cho hãng tin.
“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Còn nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”, theo thông tin mới mà Reuters nhận được.
Thông tin mới cũng mô tả tình huống này là “chưa từng có”, xét đến khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của hoạt động này cũng như quy mô thiệt hại hiện tại và tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ đô la vào cuối năm 2023.
Tính đến đầu tháng 4 này, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã bơm 24 tỷ đô la qua "các khoản vay đặc biệt" vào SCB, theo một trong những văn bản ngành ngân hàng mà Reuters đã xem, tài liệu này cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày kể từ ngày 29/3 về tổng số tiền bơm từ ngân hàng trung ương.
Việc cho vay đã giảm một chút nhưng đạt mức trung bình là hơn 900 triệu đô la/tháng trong 5 tháng qua, theo văn bản đó, cũng như theo văn bản thứ hai cập nhật từ ngày 15/3 đến 20/3 và văn bản thứ ba từ tháng 11/2023 với các thông tin cập nhật hàng tháng từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023.
Những khoản bơm tiền mặt rất lớn đó của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào SCB tương đương với 5,6% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Những số tiền cho vay đó chưa được đưa tin trước đây.
Ngân hàng nhà nước đưa SCB vào diện bị giám sát để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi SCB, bị châm ngòi bởi vụ bắt giữ nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022. Kể từ đó, SCB đã sử dụng những số tiền được bơm để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà SCB đã gửi cho ngân hàng trung ương vào tháng 11/2023 để giải thích về việc sử dụng các khoản vay.
Theo thông tin chính thức mới từ nguồn tin, sau khi ngân hàng trung ương vào cuộc, tiền gửi ở SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ đô la vào tháng 12/2023. SCB có thể không còn các khoản tiền gửi vào giữa năm nay với tốc độ rút tiền hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10/2023.
Bà Lan, nữ đại gia bị bắt vào tháng 10/2022 và đã gây ra tình trạng rút tiền ồ ạt, bị kết án tử hình hôm 11/4 sau khi bị kết tội chủ mưu vụ lừa đảo. Bà đã không nhận tội biển thủ và hối lộ trong vụ án có tới 12,5 tỷ đô la là tiền các khoản vay đã bị tuồn từ SCB sang các công ty vỏ bọc trong khi bà Lan thông qua các nhân vật bình phong để kiểm soát SCB trên thực tế.
Bà Lan, từng là một nhân vật nổi bật trong làng tài chính Việt Nam, sẽ kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư của bà cho biết.
Theo thông tin mới mà Reuters nhận được, bất chấp sự trợ giúp chính thức, tính đến tháng 12/2023, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác và khi xử lý thanh toán qua hệ thống thanh toán bù trừ chính của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” của khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng, văn bản của ngành ngân hàng cho hay.
Ngân hàng nhà nước đã cấp cho SCB 592,7 nghìn tỷ đồng (tức 23,72 tỷ đô la) dưới dạng "các khoản vay đặc biệt" tính đến ngày 2/4, theo một bản cập nhật gần đây do ngân hàng soạn về vấn đề này, mà Reuters xem được. SCB từng là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất Việt Nam, tính theo lượng tiền gửi.
17/04/2024 - An Tôn VOA
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, hiện là đồng giảng viên tại Đại học Indiana, Mỹ, nhận xét với VOA rằng việc Việt Nam nhắm mục tiêu xây 2 tuyến đường sắt tốc độ cao nối Hà Nội với Trung Quốc là có tính chiến lược và điều then chốt là phải làm một cách có hiệu quả để lợi nhiều hơn hại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam nói hôm 9/4 rằng đất nước này tính khởi công trước năm 2030 để xây một tuyến đường sắt tốc độ cao từ hai thành phố cảng Quảng Ninh và Hải Phòng qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; và một tuyến từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của nước láng giềng.
Trung Quốc chỉ làm những gì có lợi cho họ. Nhìn từ khía cạnh này thì 2 tuyến đường cao tốc này, ở góc nhìn của Trung Quốc, thuộc chiến lược Vành đai-Con đường và Cộng đồng chia sẻ tương lai của họ.
Ts. Huỳnh Thế Du
Một chuyên gia về chính sách công đã nghỉ hưu nói với VOA từ Hà Nội hôm 11/4 với điều kiện ẩn danh rằng 2 tuyến đường sắt trong dự định đó cũng như đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang xây dựng và đường cao tốc Hà Nội-Sơn La đã hoàn thành “thực chất đều nằm trong chiến lược Vành đai-Con đường của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.
Ts. Du, cũng là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Fulbright Việt Nam, có chung quan sát: “Trung Quốc chỉ làm những gì có lợi cho họ. Nhìn từ khía cạnh này thì 2 tuyến đường cao tốc này, ở góc nhìn của Trung Quốc, thuộc chiến lược Vành đai-Con đường và Cộng đồng chia sẻ tương lai của họ”.
Mặc dù vậy, theo ông Du, nhìn từ phía Việt Nam, vẫn cần làm 2 tuyến này miễn là tính toán được lợi ích quốc gia là gì và những rủi ro cần giảm thiểu là gì.
Trả lời phỏng vấn của VOA qua văn bản hôm 14/4, Ts. Du chỉ ra rằng những tuyến đường này thuộc kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia của Việt Nam.
Nhìn trong cục diện chung và mục tiêu của Việt Nam trở thành nước phát triển, việc kết nối đất nước với Trung Quốc để khai thác nền kinh tế mà ông Du tiên liệu sẽ có quy mô lớn nhất thế giới trong một tương lai gần “là hết sức quan trọng và có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam”, ông đánh giá.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng xét về công nghệ làm đường sắt cao tốc ở hai khía cạnh chi phí và chất lượng, Trung Quốc có thể nói là tốt nhất hiện nay. “Công nghệ và chất lượng của Nhật Bản có thể tốt hơn, nhưng chi phí lại cao hơn rất nhiều. Do vậy, Việt Nam lựa chọn công nghệ và nguồn vốn từ Trung Quốc tôi cho rằng là hợp lý”, ông Du viết trong câu trả lời cho VOA.
Về mặt lợi nếu kết nối với Trung Quốc bằng 2 tuyến đường sắt tốc độ cao đó, Ts. Du nêu bật rằng đó là “cơ hội rất tốt khai thác nền kinh tế Trung Quốc, nhất là du khách” và ông nhấn mạnh: “Đây là điều mà Việt Nam cần làm cho được nếu muốn trở thành nước phát triển”.
Trong góc nhìn của ông, “nếu Việt Nam làm đúng cách, giảm thiểu được những rủi ro và những yếu kém nội tại thì có thể có được hệ thống đường sắt cao tốc chi phí phải chăng với chất lượng cao như hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc”.
Bàn về 2 tuyến đường sắt này, như VOA đã tường thuật, hôm 11/4, hai Giáo sư Đặng Hùng Võ và Nguyễn Đình Cống ở Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến ở Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có nguy cơ cao rơi vào bẫy nợ và lệ thuộc công nghệ.
Với kiến thức của một chuyên gia kinh tế, Ts. Du bình luận rằng: “Rủi ro rơi vào bẫy nợ và lệ thuộc công nghệ là vấn đề muôn thủa của việc tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, vấn đề không phải là tìm kiếm hỗ trợ từ nước nào”.
Mục tiêu của Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng như những quốc gia khác trong việc hỗ trợ các nước đối tác là giống nhau, họ chỉ vì mục tiêu của chính mình, ông Du đưa ra quan điểm.
Vấn đề đối với những nước vay vốn hay nhận viện trợ là “cách làm hiệu quả hay không hiệu quả”, theo ông Du.
Ảnh Tiến sĩ Huỳnh Thế Du trên trang TheLeader.vn, 11/2/2024.
Ông nêu ví dụ rằng Hoa Kỳ đã đưa ra học thuyết Domino và thực thi nó sau Thế chiến II, theo đó, đại cường quốc này đã hỗ trợ rất nhiều nước.
“Nhìn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây là cơ hội cất cánh của nhiều nước. Philippines là nước có lợi thế và được Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều nhất. Tuy nhiên, họ đã không tận dụng tốt cơ hội. Trái lại, Hàn Quốc đã làm rất tốt điều này, đã rất hiệu quả. Trong khi đó, những vấn đề nội tại, đặc biệt là lợi ích nhóm, tham nhũng, quan hệ thân hữu đã gây ra những trục trặc cho Philippines”, Ts. Du tóm lược lại.
Nhìn rộng hơn trên bình diện toàn cầu, vẫn theo câu trả lời của chuyên gia này, rất ít quốc gia đã tận dụng thành công hỗ trợ từ bên ngoài, với Mỹ La Tinh và châu Phi là hai ví dụ điển hình. “Nguyên nhân chính là do yếu kém, tham nhũng và kém hiệu quả của chính các quốc gia tìm kiếm hỗ trợ hay tận dụng nguồn lực từ bên ngoài”, Ts. Du đúc kết.
Việt Nam vay vốn và sử dụng công nghệ của Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội và của Nhật Bản cho tuyến đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai đã gặp rất nhiều trục trặc và đội vốn mà chủ yếu là do cách làm của Việt Nam.
Ts. Huỳnh Thế Du
Liên hệ từ thực tế đó, ông lưu ý rằng “rủi ro là hiện hữu khi Việt Nam tìm kiếm hỗ trợ và hợp tác với bên ngoài”. Bên cạnh đó, ông viết rằng Việt Nam “cần tính toán cái được cái mất trong các mối quan hệ” khi mà “không ai cho không ai cái gì” và “mỗi nước đều có mục đích riêng của mình trong quan hệ đối ngoại”.
Để thu về nhiều điều lợi hơn những điều không có lợi, Ts. Du nhấn mạnh: “Hiệu quả, hiệu quả và hiệu quả là những điều Việt Nam cần quan tâm. Then chốt là phải làm bằng được một cách hiệu quả. Cần phải rút ra những bài học và khắc phục những bất cập hiện tại”.
Minh họa cho câu trả lời này, ông Du dẫn ra việc Việt Nam vay vốn và sử dụng công nghệ của Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội và của Nhật Bản cho tuyến đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Cả hai đã gặp rất nhiều trục trặc và đội vốn mà chủ yếu là do cách làm của Việt Nam”, Ts. Du nhận xét.
Vẫn ông Du cảnh báo: “Nếu điều này tiếp tục thì Việt Nam sẽ gặp trục trặc. Trái lại, nếu làm được những gì như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc đã làm được thì sẽ tốt cho Việt Nam”.
Một trong hai dự án đường sắt đô thị được Ts. Du đề cập đến là tuyến Cát Linh-Hà Đông đầy tai tiếng ở Hà Nội.
Nói với VOA hôm 11/4 từ California, Mỹ, Ts. Nguyễn Lê Tiến xem đó như là điềm báo cho 2 tuyến đường sắt tốc độ cao trong tương lai: “Mình đã thấy đường ngắn thôi, Cát Linh-Hà Đông đấy, đội vốn lên gấp đôi, nó kéo dài vô cùng. Hai dự án này tôi nghĩ cũng đi theo số phận như thế thôi”.
Cũng nói về tuyến chỉ dài 13 km này, Gs. Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nêu ý kiến: “Mỗi lần tôi nhìn thấy đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tôi cảm thấy rùng mình và đặt câu hỏi ‘Tại sao nó lại như vậy?’ Việt Nam đã nghèo lại đầu tư theo kiểu đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì Việt Nam chẳng có cái lợi gì ở đây cả. Thì đấy chính là cái đặt ra trong đầu mỗi khi ta nhìn vào việc hợp tác rộng hơn về đường sắt”.