26/04/2024 - VOA
Ông Y Bum Bya bị đưa ra kiểm điểm hồi tháng 12/2023. YouTube An ninh Trận tự Đak Lak.
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) kêu gọi điều tra về cái chết của thầy truyền đạo Y Bum Bya ở tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải buộc Việt Nam chịu trách nhiệm cho việc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên. Hà Nội chưa lên tiếng về vấn đề này.
“Cái chết của ông Bya không phải là ngẫu nhiên. Đây rõ ràng là một cuộc tấn công có chủ đích và ác độc nhằm vào một thành viên nổi bật của một nhóm tôn giáo mà chính quyền Việt Nam đã tìm cách bỏ tù và bịt miệng một cách có hệ thống”, ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nêu quan điểm trong một bản tuyên bố hôm 23/4.
“Không thể bỏ qua hành động tàn bạo này và chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam mở một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của ông ấy”, vẫn lời ông Thomas.
Ngoài ra, CSW còn kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp và bịt miệng có hệ thống các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng thiểu số, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù hoặc bị giam giữ tùy tiện vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cơ bản của họ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền tỉnh Đắk Lắk, đề nghị họ đưa ra bình luận về phát biểu và lời kêu gọi của CSW, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 22/4, trong một tờ trình gửi đến Liên Hiệp Quốc, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết rằng nhà chức trách địa phương vẫn chưa tiến hành điều tra về cái chết xảy ra hồi tháng trước đối với ông Bya.
Như VOA đã đưa tin, vào ngày 8/3/2024, dân làng phát hiện thi thể ông Y Bum Bya trong tư thế treo cổ trên cây tại nghĩa trang gần nhà ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau khi ông được cho là đã nhận được cuộc gọi từ công an và đã rời nhà.
“Sau khi đi tìm ông, dân làng phát hiện thi thể của ông Bya, chỉ vài giờ sau khi ông đi gặp công an và không thấy quay trở lại. Họ nói rằng thi thể của ông có dấu hiệu bị tra tấn”, tổ chức CSW mô tả.
Hồi tháng 12/2023, ông Y Bum Bya, 49 tuổi, cho biết ông đã bị công an câu lưu, thẩm vấn và đánh đập vì liên quan tới Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo bị chính quyền dán nhãn “phản động”. Ông cũng bị đấu tố trước dân làng và buộc tuyên bố từ bỏ đạo trên truyền hình, theo HRW.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị kiểm soát ngặt nghèo với việc tổ chức tôn giáo nào muốn hoạt động phải được chính quyền công nhận chính thức và đặt dưới sự quản lý của ban trị sự do nhà nước chuẩn thuận. Trong khi đó, các nhóm tôn giáo không được chính quyền công nhận sẽ bị dán nhãn là “tà đạo” và chịu sự sách nhiễu.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần bác bỏ các cáo buộc là họ vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng nhà nước “tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân”.
26/04/2024 Nguyễn Lại - VOA
Ảnh tư liệu - Những chung cư mini và nhà cao tầng xây dựng ken đặc những quận trung tâm Hà Nội
Washington DC — Từ sau Tết đến nay, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã ‘nóng’ trở lại, đặc biệt là phân khúc chung cư. Theo những người hoạt động trong lĩnh vực này, giá chung cư ở thủ đô đã tăng từ 20%-30% trong vòng hai tháng nay và hiện tại với giá trung bình khoảng trên 50 triệu/m2 thì nhà, đất thổ cư, kể cả trong ngõ sâu, đang tiếp đà tăng giá. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây không phải là tín hiệu hồi phục kinh tế hay người dân có nhiều tiền tích trữ hơn, mà chỉ là làn sóng nhỏ cho thấy sự lo lắng của những người có tiền trước sự bất ổn chính trị và sự mất giá của đồng tiền.
Anh Đặng Thành Trung, một người môi giới có thâm niên trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, cho biết sau thời kỳ ảm đạm kéo dài hơn 3 năm do đại dịch Covid, những tháng gần đây sàn bất động sản nơi anh làm việc đã bận rộn trở lại. Riêng anh cũng có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/tháng vì số lượng chung cư bán thành công có thể nói là bất ngờ.
“Từ đầu năm đến giờ thì mình cũng bán được khá nhiều, tầm chục căn chung cư hơn chục căn gì đấy”, anh Trung hồ hởi cho biết và khẳng định rằng mặc dù giá chung cư đã rất cao nhưng anh vẫn còn rất nhiều hy vọng chốt được hợp đồng với thị trường nhà và đất thổ cư.
“Việt Nam mình hiện lãi suất đang thấp mà vàng thì tăng cao rồi. Trong khi chính trị thì lại đang như thế nữa nên là tiền nó mất giá và mọi người chỉ có cách là trú ẩn vào vàng và bất động sản thôi.”
Anh Trung dẫn chứng mảnh đất vợ chồng anh đầu tư tại huyện Đông Anh cách đây mấy năm hiện đã tăng giá gấp đôi nhưng người mua tất nhiên ‘không phải là những người có nhu cầu mua để ở’.
“Cuối tuần rồi hai vợ chồng mình vừa qua khu đấy thì thấy toàn các mảnh xây tường quây của các bố đầu tư thôi, chứ có ai về ở đâu,” anh nói.
Trước tình hình tăng giá nhà đất, đặc biệt là giá chung cư, anh Nguyễn Thanh Thịnh, một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Hoàn Kiếm, cho biết vợ chồng anh tích góp được một chút tiền với hy vọng mua được một căn chung cư nhỏ để an cư trong lúc thị trường còn trầm lắng, nhưng giờ mua không kịp và ‘không biết sẽ còn vất vưởng đi thuê nhà đến khi nào’.
“Vỡ mặt rồi. Bây giờ mua thế nào được nữa,” anh Thịnh chia sẻ.
Anh Đỗ Huy Nam, một biên dịch viên tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội, cho biết sau hơn 20 năm di cư ra thủ đô sinh sống, vợ chồng anh cố tích góp được chút đỉnh với hy vọng vay thêm ngân hàng để mua một căn chung cư cho cả gia đình. Nhưng giờ với mức tăng giá hiện tại, vợ chồng anh không còn hy vọng gì.
“Cơ bản kiếm tiền bây giờ nó khó, kinh tế đang khó khăn. Bây giờ đi làm 20 triệu/tháng thì còn ăn còn tiêu chứ đâu có uống nước lã và hít khí trời không được. Trong khi tiền thuê nhà bây giờ cũng cao lắm. Cái chung cư ngày trước thuê 10 triệu/tháng thì giờ lên tới 15-17 triệu/tháng.”
Anh Nam cho rằng sự tăng giá của chung cư nói riêng và của bất động sản nói chung trong thời gian gần đây là do tâm lý lo lắng của tầng lớp giàu có trước những bất ổn chính trị ở thượng tầng và sự ảm đạm kéo dài của nền kinh tế.
“Những cái thuộc về tài sản an toàn thì đều tăng cao ví dụ như nhà cửa hay vàng thì cũng lên tới trên 80 triệu/lượng rồi. Đô la Mỹ thì cũng lên tới 25-26 ngàn/đô la rồi. Nói chung đồng tiền mình nó mất giá nên thế,” anh Nam phân tích thêm.
Những nhân viên thu nhập thấp như anh Nam và anh Thịnh không còn hy vọng mua được một căn chung cư để an cư trong khi những người thu nhập cao hơn hiện cũng thận trọng tìm nơi ‘trú ẩn’ an toàn cho số tiền họ tích góp được.
Anh Nguyễn Nam Trung, một chủ doanh nghiệp tại quận Cầu Giấy, cho biết hiện anh cũng đang phải đau đầu tìm kênh đầu tư cho số tiền cá nhân khi mà hiện tại giá vàng, đô la và bất động sản đều đã ở mức ngất ngưởng.
“Giá nó cao quá nên người có nhu cầu thực sự người ta chẳng với được. Ví dụ như một căn hộ ở khu Mandarin mà mình đang ở này có giá tới hơn chục tỉ thì có mà điên mới mua,” anh Trung cho biết.
Theo báo chí nhà nước cho biết: Bộ Xây dựng thừa nhận thị trường bất động sản trong nước giá cả neo cao do những nguyên nhân căn bản chưa thể giải quyết như: thiếu nguồn cung, cơ cấu không phù hợp, thiếu phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thị trường xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu vì thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở…
Còn Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) nhận định, sau một thời gian dài sụt giảm, nguồn cung căn hộ ở hai đô thị đã bắt đầu tăng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường. Riêng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì cần thời gian trước khi chính thức đưa ra thị trường và chủ yếu các dự án này đều ở những khu vực xa trung tâm. Do đó, dự báo trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn tiếp tục duy trì đà tăng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, nhiều chủ đầu tư dự ánđang muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, hệ quả là giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua, một số chủ đầu tư bất động sản còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30 - 40%, khiến cho người có nhu cầu mua nhà để ở càng khó với tới.
Truyền thông nhà nước cũng nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất. Tuy vậy, việc triển khai sẽ phải có sự nghiên cứu rất kỹ để loại thuế này không đánh vào người thu nhập thấp mua nhà thực sự để ở mà chỉ nhắm vào nhóm đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà đất.
26/04/2024 - VOA
Dàn tứ trụ Việt Nam khi ra mắt hồi năm 2021. Ông Vương Đình Huệ đứng ngoài cùng bên trái. Hiệu giờ chỉ còn các ông Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính là còn tại vị.
Ông Vương Đình Huệ hôm 26/4 vừa bị Đảng cho ra khỏi Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị để tiến tới bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, báo chí trong nước đưa tin.
Theo đó, Trung ương Đảng đã họp để cho ý kiến về trường hợp của ông Huệ, vài ngày sau khi người phụ tá thân cận của ông là Phạm Thái Hà đã bị công an bắt giữ do dính líu đến Tập đoàn Thuận An.
Quyết định này được đưa ra trên cơ sở xem xét nguyện vọng của ông Huệ, tờ Tuổi Trẻ dẫn thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng cho biết.
Trước đó, ông Huệ đã có đơn xin từ chức và nghỉ công tác vì ‘nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân’, thông cáo nêu.
Báo cáo trước Ban chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định rằng ông Huệ đã ‘vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và chịu trách nhiệm người đứng đầu’.
“Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông,” thông cáo viết.
Sau khi Đảng cho nghỉ, chức Chủ tịch Quốc hội của ông Huệ còn phải cần được Quốc hội miễn nhiệm trong kỳ họp sắp tới.
Cũng như trường hợp của ông Thưởng, Đảng không nói rõ sai phạm của ông Huệ cụ thể là gì, dính dáng đến Tập đoàn Thuận An đến đâu. Nhưng với quyết định này, nhiều khả năng ông Huệ cũng được cho hạ cánh an toàn như ông Thưởng, tức là sẽ không bị truy tố hình sự.
Như vậy, ông Vương Đình Huệ là trường hợp lãnh đạo trong tứ trụ thứ hai bị mất chức chỉ sau hơn một tháng, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng bị Đảng cho về nghỉ hồi tháng 3 cũng vì lý do tương tự. Trước đó hơn một năm, một nhân vật tứ trụ khác cũng từ chức vì ‘nhận trách nhiệm người đứng đầu’ là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây là điều chưa từng thấy trong một nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản
Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay, đã có đến 5 trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị bị rớt đài, bao gồm phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Với sự ra đi của ông Huệ, tứ trụ lãnh đạo của Việt Nam giờ chỉ còn hai: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Đảng phải tìm người thay thế cho ông Thưởng và ông Huệ.
Hiện giờ chưa rõ ai sẽ là người lên thay ông Huệ, nhưng cấp phó của ông Huệ là ông Trần Thanh Mẫn cũng là một ủy viên Bộ Chính trị nhưng chưa làm hết một nhiệm kỳ.
Ông Vương Đình Huệ đã có quá trình thăng tiến rất bài bản, từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước, rồi Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và cuối cùng trở thành Chủ tịch Quốc hội hồi năm 2021.
Vụ án ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An hiện đang gây rúng động trên chính trường Việt Nam. Sau khi các Chủ tịch, Tổng giám đốc cùng phó Tổng giám đốc của tập đoàn này bị bắt, hàng loạt quan chức cấp tỉnh cũng đã bị công an bắt.
Vụ việc của Huệ nằm trong chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông bản thân ông Trọng đã nhiều lần nói là ‘không có vùng cấm’, ‘không có ngoại lệ’. Nhưng các nhà quan sát cho rằng nó nằm trong cuộc đấu đá quyền lực giữa ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, và ông Vương Đình Huệ, vốn được cho là một ứng cử viên sáng giá để lên thay ông Trọng trong bối cảnh Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 14 sẽ diễn ra trong 2 năm nữa.
Ông Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, từng nhận định với VOA rằng việc Đảng xử lý ông Vương Đình Huệ một mặt cho thấy cuộc đốt lò ‘rất hiệu quả, lên đến tận những cấp cao nhất’, nhưng mặt khác nó sẽ ‘hủy hại niềm tin của người dân vào các lãnh đạo’.
26/04/2024 Trân Văn - VOA
Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Tập Cận Bình tại Hà Nội, 12 tháng 12, 2023. Ông Nguyễn Phú Trọng là người chủ trương phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” nhưng đồng thời “đánh chuột đừng để vỡ bình”.
(tiếp theo)
Cách nay mười năm (tháng 10/2014), trong vai đại biểu Quốc hội, trả lời chất vấn của cử tri về phòng – chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đại ý: Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sự khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Chống tham nhũng không phải là xới tung tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định [1].
Thực tế cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đã diễn ra đúng như thế. Tai tiếng không cản được sự thăng tiến của nhiều cá nhân. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục biến những cá nhân bị công chúng dè bỉu, chỉ trích, thậm chí kịch liệt thành các nhân vật “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức” [2]. Chuyện một số nhân vật trong nhóm đột nhiên trở thành “chuột” vì những tì vết trong... quá khứ chỉ chứng minh phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đúng là... “phức tạp”!
“Bình” hay sự “ổn định chính trị”, chính xác hơn là duy trì toàn trị cộng sản, tạo ra “chuột” rồi chọn chuột để... “đánh”. Vì lẽ gì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đột nhiên “đánh” hàng loạt “chuột”, thậm chí không ít là “chuột” đầu đàn, tạo cảm giác “xới tung tất cả”, không ngại “gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau” và đã cũng như đang “gây rối loạn” trong chính các hệ thống? Dường như cách thức điều hành đảng đã kích thích tham vọng làm... “chủ”, kiểm soát toàn bộ “bình”.
***
Ông Nguyễn Phú Trọng là người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” [3] nhưng ông cũng chính là người chủ trương “đánh chuột đừng để vỡ bình” và cam kết sẽ “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” khi điều hành công cuộc phòng chống tham nhũng [4]. Làm sao có thể giúp “quyết liệt, nghiêm minh” sánh duyên với... “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”? Ông Trọng là người duy nhất làm được chuyện vốn dĩ bất khả thi ấy!
Cứ xem lại diễn biến công cuộc phòng chống tham nhũng từ khi ông Trọng giữ vai trò Tổng bí thư ắt sẽ thấy, làm... “chủ”, kiểm soát toàn bộ “bình” đồng nghĩa với việc có quyền định đoạt, biến cá nhân nào trong nhóm “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức” thành... “chuột”. Dẫu về nguyên tắc, đã cắn phá thì phải xử lý “quyết liệt, nghiêm minh” song nhờ sức sáng tạo của ông Trọng, việc đính kèm “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” giúp một số “chuột” chỉ bị phê bình, hay khiển trách hoặc cảnh cáo, một số “chuột” dù phải tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị hệ thống công quyền nhưng thoát trách nhiệm hình sự. Dường như sự... “uyển chuyển” trong hướng dẫn sử dụng “quyết liệt, nghiêm minh” và “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” đã triệt tiêu khả năng phản kháng của “chuột” trong “bình”.
Theo Khoản 1, Điều 17 trong Điều lệ hiện hành của đảng CSVN, một cá nhân không thể đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ [5]. Tuy nhiên không có đại biểu nào tham dự Đại hội đảng CSVN thứ 13 “quyết liệt” phản đối việc giới thiệu ông Trọng tham gia Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) khóa 13 để bảo vệ sự “nghiêm minh” của đảng. Việc ông Trọng thản nhiên “gánh vác” vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba vi phạm điều lệ của tổ chức chính trị do ông lãnh đạo trở thành điều... “bình thường mới”. Vì sao? Có thể do không ai dám từ bỏ “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” của ông Trọng khi... “hữu sự”! Đó không phải lần đầu tiên các thành viên cốt cán của đảng bất chấp các quy định của chính họ, bất kể “kỷ cương”, từ bỏ “quyết liệt, nghiêm minh” để thực thi “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” với ông Trọng.
Ông Trọng trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy đảng CSVN quy định hết sức chặt chẽ về tuổi trong quy hoạch nhân sự nhưng trước khi mãn nhiệm kỳ, BCH TƯ khóa 11 (2016 – 2016) nhất trí xác định ông Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất thuộc “trường hợp đặc biệt” (tuổi tác quá quy định cần phải rời chính trường) sẽ tham gia BCH TƯ khóa 12 (2016 – 2021) để làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa [6]. Tương tự, lúc chuẩn bị mãn nhiệm, BCH TƯ khóa 12 lại tiếp tục xác định ông Trọng là “trường hợp đặc biệt” để tham gia BCH TƯ khóa này (khóa 13) và làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba (2021 – 2026). Liệu ông Trọng có đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa chăng? Không thể nói có vì tình trạng sức khỏe của ông không tốt, cũng chẳng thể nói không vì rõ ràng cần giữ cho đảng không... “rối loạn”!
Nhìn một cách tổng quát, ông Trọng vừa... “quyết liệt, nghiêm minh” trong công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, vừa “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” cả với chính... ông. Thành ra dù liên tục là người phụ trách công tác tuyển chọn, sắp đặt nhân sự của BCH TƯ đảng hai khóa 12 và 13, đồng thời còn là người đứng đầu nhưng ông hoàn toàn vô sự vì vô can trong việc các Ủy viên BCH TƯ đảng, các thành viên trong Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng cả hai khóa bị xử lý kỷ luật vì những sai phạm từ hồi... nẩm! Chuyện các thành viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa này... tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vì “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân” không làm ông ngại, bởi đảng còn cần ông... “nêu gương”! Tấm gương này có không ít ảnh phản chiếu...
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh...
[2] https://vtv.vn/chinh-tri/thanh-cong-cua-dai-hoi-xiii-khong-phai-dai-hoi-xong-la-coi-nhu-xong...
[4] https://laodong.vn/thoi-su/quyet-liet-nghiem-minh-nhung-rat-nhan-van-nhan-ai-nhan-nghia-nhan-tinh...
[6] https://tuoitre.vn/mot-truong-hop-dac-biet-la-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong...
[7] https://thanhnien.vn/10-truong-hop-dac-biet-trung-cu-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii...
26/04/2024 Trân Văn - VOA
Cả hai vị Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Trần Tuấn Anh đều đã thôi chức. Hình chụp ngày 15 tháng 11, 2020 lúc còn tại chức.
(tiếp theo)
Trong vòng 27 tháng từ khi BCH TƯ đảng khóa 13 nhận nhiệm vụ lãnh đạo toàn đảng, toàn dân (1/2021 – 4/2024), có 20/180 Ủy viên chính thức bị kỷ luật, gần một nửa bị tống giam và nếu thật sự tôn trọng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” thì hơn một nửa còn lại cũng phải vào tù.
Đáng lưu ý là trong số đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước, Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế BCH TƯ, Võ Văn Thưởng – Chủ tịch Nhà nước). Nếu tin đồn là đúng, sắp có thêm Ủy viên thứ năm của Bộ Chính trị lãnh... “búa”!
Nếu chịu khó quan sát thì chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, các Ủy viên Bộ Chính trị liên tục bị “búa”. Tháng 12/2022 là ông Phạm Bình Minh. Tháng sau (1/2023) là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tháng 1/2024 tới lượt ông Trần Tuấn Anh. Tháng 3/2024 là ông Võ Văn Thưởng. Tháng này dường như sẽ là ông Vương Đình Huệ!
Vì lẽ gì mà những cá nhân vốn ở vị thế còn cao hơn những cá nhân được xưng tụng là... “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” liên tục bị “búa”? Những người am tường chính trị Việt Nam bảo rằng nguyên nhân nằm ở các quy định về quy hoạch nhân sự.
***
Tháng 1/2020, BCH TƯ đảng khóa 12 ban hành Quy định số 214-QĐ/TW nhằm định “khung” để xác lập “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” thì chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” [1].
Đến tháng 2/2022, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành thêm Hướng dẫn 16-HD/BTCTW xác lập “một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”. Hướng dẫn này nhấn mạnh “quy hoạch chức danh cao hơn”, đòi hỏi “chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm”.
Theo hai văn bản vừa đề cập, những Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị “búa”, nếu không bị “búa” đều đủ tư cách trở thành ứng viên cho năm vị trí cao nhất vì đáp ứng được tiêu chuẩn đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” và khi tiến hành quy hoạch nhân sự phải đặt họ vào vị trí cao hơn.
Loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị chính là loại trừ những đối thủ cạnh tranh các vị trí cao nhất: Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà việc loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa 13 diễn ra vài tháng sau khi Hướng dẫn 16-HD/BTCTW ra đời!
***
Trừ ông Phạm Bình Minh là nhân vật duy nhất không có tai tiếng nhưng bị loại bỏ khỏi Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng khóa 13 và vị trí Phó Thủ tướng Thường trực vì liên đới về trách nhiệm đối với scandal “giải cứu”, các Ủy viên Bộ Chính trị bị “búa” (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng) đều thừa tai tiếng.
Tại sao ông Trần Tuấn Anh đã có thể nhẹ nhàng rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm khi điều hành Bộ Công Thương với hậu quả như đã biết để tiếp tục tham gia BCH TƯ khóa 13 và nhảy tót vào Bộ Chính trị, thay đảng định hướng kinh tế quốc gia... ông Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng từ lâu vì vợ con “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” song không chỉ vô sự mà còn được đặc miễn về tuổi tác để tiếp tục tham gia BCH TƯ đảng khóa 13, tham gia Bộ Chính trị và trở thành Chủ tịch Nhà nước... Ông Võ Văn Thưởng vẫn tiếp tục thăng tiến dù đã có rất nhiều tai tiếng khi làm Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM... nhưng sau khi có Hướng dẫn 16-HD/BTCTW thì cả ba tuần tự bị xử lý do “liên đới trách nhiệm” với các sai phạm mà thiên hạ đã kháo nhau từ lâu? Ngoài chuyện diệt trừ đối thủ chính trị, còn có cách nào khác để lý giải việc công an Việt Nam đột ngột xuống tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn khiến ông Thưởng từ nhiệm bởi trót dây với Phúc Sơn 12 năm trước?
Tương tự, trong mười năm qua Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An liên tục thắng các gói thầu từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ ở Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn,... năm năm gần đây, doanh nghiệp này tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, chưa kể bốn gói thầu đang chờ kết quả, tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ nhưng vì sao công an Việt Nam không thấy, không nghe, không lên tiếng, không hành động. Đột vào Thuận An, bắt Phạm Thái Hà còn lý do nào khác ngoài quy hoạch nhân sự BCH TƯ đảng khóa 14?
Từ tháng 8 năm ngoái, các cơ quan trung ương và các địa phương bắt đầu tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH TƯ đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026 – 2031). Thiên hạ bắt đầu dự đoán về nhân vật sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được xem là sáng giá nhất và đột nhiên... công an vào cuộc!
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/...
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/...
25/04/2024 Trân Văn - VOA
Vương Đình Huệ tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội, 13 tháng 12, 2023.
Nếu tin đồn lại... đúng thì vài ngày nữa, các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 lại tụ tập bất thường thêm một lần nữa để gật đầu, chấp nhận cho ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam – từ nhiệm (từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền).
Theo tin đồn thì ông Huệ không chỉ bảo kê một số tập đoàn tư nhân, hỗ trợ lũng đoạn chính sách, kinh tế - xã hội để được hối lộ hàng ngàn tỉ đồng mà còn vi phạm các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống [1]. Cuộc tấn công ông Huệ bắt đầu bằng việc bắt giữ các nhân vật chủ chốt của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”, bắt giữ một số viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ” [2], kế đó bắt giữ ông Phạm Thái Hà vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Cuộc tấn công vừa kể được xem là “vô tiền khoáng hậu” vì lời lẽ liên quan tới việc bắt giữ ông Hà... đanh thép bất thường.
Việc thư ký, trợ lý của các nhân vật nắm giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bị bắt vốn đã trở thành điều ... “bình thường mới” nhưng chưa bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại cho phép các cơ quan truyền thông chính thức loan báo rộng rãi và cặn kẽ lai lịch bị can như khi bắt giữ ông Phạm Thái Hà.
Nhân thân ông Hà được xác định rõ ràng là “Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ”. Chưa hết, việc cố tình liệt kê “quá trình công tác” của bị can Phạm Thái Hà còn nhằm minh định ông Hà chính là “thủ túc” của ông Huệ, ông Huệ đi đến đâu, ông Hà theo tới đó, thành ra ông Hà “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” thì ông Huệ không thể vô can... Khi ông Huệ là Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Hà được chọn làm Thư ký Tổng KTNN. Lúc ông Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, ông Hà là Thư ký Bộ trưởng Tài chính. Ông Huệ trở thành Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng, ông Hà là Thư ký trưởng ban. Rồi ông Huệ đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng, ông Hà là Trợ lý Phó Thủ tướng. Lúc ông Huệ được điều động làm Bí thư Hà Nội, ông Hà là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội...
Một số cơ quan truyền thông chính thức, trong đó có VTV1 (kênh số 1 của Đài Truyền hình quốc gia) còn đi xa hơn khi nhấn mạnh: Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản [3].
Từ sự hiểu biết về “thế và lực” của ông Huệ, đối chiếu những yếu tố bất thường trong việc bắt giữ và công bố thông tin khởi tố - tạm giam ông Phạm Thái Hà, sự xuất hiện của website vuonghamy.com [4] – khuê danh của ái nữ ông Huệ - nhằm bơm thêm dầu vào lửa,... những người am tường hậu trường chính trị Việt Nam phòng đoán, cuộc chiến giành quyền lực trong đảng CSVN đã đến giai đoạn... “một mất, một còn”!
***
Thương tuần tháng 2 năm 2021, khi tuyên bố bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN (Đại hội 13), ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba – khẳng định: Đại hội đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13... Nhiệm kỳ khóa 13 phải tốt hơn nhiệm kỳ khóa 12 [5],...
Sau đó, tại cuộc họp báo nhằm công bố kết quả Đại hội 13, ông Trọng tuyên bố: Đại hội 13 đã thành công rất tốt đẹp cả về nội dung, cách thức, tạo ra không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi, phấn khởi. Công tác nhân sự cho Đại hội 13 của đảng được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó. Do vậy khi đưa ra đại hội đã nhận được sự thống nhất rất cao [6]...
Giống như ông Trọng, nhiều viên chức minh định... “kỳ vọng các đồng chí trong BCH TƯ nhiệm kỳ này là những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”. Thậm chí một Ủy viên Bộ Chính trị còn bảo, đại ý: Việt Nam đã đủ điều kiện để lập nên “kỳ tích” như Nhật, như Hàn [7]...
Đến nay, tuy chỉ mới hơn hai năm sau khi “thành công rất tốt đẹp” nhưng BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13 đã tụ tập 14 lần (6/14 là tụ tập bất thường ngoài kế hoạch) và 10/14 lần tụ tập chỉ để loại bỏ những cá nhân từng được ca tụng là “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”.
Vì sao lại thế?...
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://baotiengdan.com/...
[3] https://vtv.vn/phap-luat/...
[4] https://www.vuonghamy.com/
[5] https://www.vietnamplus.vn/...
[6] https://vtv.vn/chinh-tri/...
[7] https://vtv.vn/chinh-tri/...
25/04/2024 - VOA
Ân xá Quốc tế(Amnesty International) hôm 23/4/2024 công bố báo cáo nhân quyền ở 155 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hôm 23/4, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2023, nhận định rằng “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp, các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm”.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại London, Anh, cũng ghi nhận việc chính quyền Việt Nam ngày càng mở rộng mạng lưới giám sát của mình, với việc sử dụng phần mềm gián điệp để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính quyền, hoặc bất cứ ai thảo luận các vấn đề được coi là nhạy cảm với lợi ích của chính phủ.
Báo cáo viết rằng kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2021 và sau đó đắc cử cho đến nay, hàng chục nhà báo độc lập, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác “đã bị bắt giam một cách tùy tiện”.
Thậm chí việc ông Võ Văn Thưởng lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 cũng không khiến tình hình nhân quyền của Việt Nam được cải thiện, báo cáo nhận định.
Báo cáo điểm lại các vụ bắt giữ và truy tố trong thời gian qua gồm nhà báo Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng, nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, YouTuber Đường Văn Thái... như là các vụ vi phạm điển hình về quyền tự do biểu đạt.
Liên quan đến án tử hình tại Việt Nam, Ân xá Quốc tế nhận định rằng số liệu về các vụ tử hình và án tử hình vẫn được coi là bí mật quốc gia nhằm ngăn cản sự giám sát độc lập. Tuy nhiên, có ít nhất hai trường hợp gia đình nhận được thông báo về việc người thân bị tử hình hoặc sắp bị tử hình như vụ ông Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh.
Một nghiên cứu của Ân xá Quốc tế phát hiện rằng từ tháng 2 đến tháng 6/2023, một chiến dịch gắn với phần mềm gián điệp Predator của hãng Intellexa đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 50 tài khoản mạng xã hội của 27 cá nhân và 23 tổ chức, một vài trong số đó là người Việt Nam. Predator là một thành phần trong một cơ cấu tấn công trên mạng.
Ngoài ra, Ân xá Quốc tế cũng phát hiện các công cụ của Intellexa đã được bán cho những công ty Việt Nam có liên kết kinh doanh với Bộ Công an. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy các đặc vụ của chính phủ Việt Nam có thể đứng đằng sau chiến dịch sử dụng phần mềm gián điệp này.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.
Trước đây, các trang báo của nhà nước Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này “xuyên tạc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Trong một bài xã luận gần đây, trang Công an Nhân dân của Bộ Công an viết: “Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, trong đó có nghĩa vụ nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người”.
25/04/2024 Reuters - VOA
Một con tàu, được RUSI xác định là tàu chở hàng Angara đã đăng ký của Triều Tiên, được nhìn thấy cập cảng cùng với một tàu lớn hơn tại cầu cảng của Công ty đóng tàu Châu Sơn Hâm Á ở Trung Quốc ngày 11/22/2024 qua ảnh vệ tinh.
Trung Quốc đang cho neo đậu cho một tàu chở hàng Nga bị Mỹ trừng phạt có liên quan đến việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga, theo hình ảnh vệ tinh mà Reuters có được, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết tàu Angara của Nga, kể từ tháng 8 năm 2023 đã vận chuyển đến các cảng của Nga hàng nghìn container bị nghi là chứa đạn dược của Triều Tiên, đã neo đậu tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc ở phía đông tỉnh Chiết Giang kể từ tháng 2 năm nay.
Sự hiện diện của con tàu tại cảng Trung Quốc nhấn mạnh những thách thức mà Hoa Kỳ và các đồng minh phải đối mặt khi họ tìm cách ngăn chặn sự hỗ trợ quân sự và kinh tế của Bắc Kinh cho Nga.
Với việc Ukraine đang bị Nga tấn công trở lại trong lúc thiếu đạn dược, các quan chức Mỹ ngày càng đưa ra những cảnh báo rõ ràng về điều mà họ cho là sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc củng cố lại quân đội Nga sau những thất bại ban đầu trong cuộc chiến Ukraine.
Sự hỗ trợ đó dự kiến sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong tuần này khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh.
Người đứng thứ hai của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kurt Campbell, cho biết trong tháng này rằng Washington sẽ không "ngồi yên" nếu Bắc Kinh tăng cường ủng hộ Moscow.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã biết từ “các báo cáo nguồn mở, đáng tin cậy” rằng tàu Angara hiện đang neo đậu tại một cảng Trung Quốc và đã nêu vấn đề này với chính quyền Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình theo UNSCR 2397”, người phát ngôn nói, đề cập đến nghị quyết của Liên hợp quốc về hạn chế thương mại với Triều Tiên và yêu cầu các quốc gia Liên hợp quốc hủy đăng ký bất kỳ tàu nào liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
“Khi Ngoại trưởng Blinken gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong tuần này, ông ấy sẽ nói đến một loạt mối quan ngại, bao gồm cả cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và mối quan hệ Nga-Triều Tiên,” người phát ngôn cho biết.
Hình ảnh vệ tinh mà RUSI thu được trong những tháng gần đây từ các công ty, trong đó có Planet Labs PBC – công ty chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh về trái đất có trụ sở tại San Francisco, cho thấy tàu Angara neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á ở Chiết Giang. Trang web của hãng cho biết đây là công ty sửa chữa tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Con tàu được xác định nhờ bộ phát đáp của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đã được bật lên trong thời gian ngắn, có thể vì lý do an toàn, khi đang di chuyển trên đoạn eo biển đông đúc trên đường đến Trung Quốc.
Theo RUSI, trước khi đến Trung Quốc vào ngày 9/2, dường như để sửa chữa hoặc bảo trì, tàu Angara đã cập cảng Triều Tiên và Nga vào tháng 1 và tắt bộ phát đáp. Nó lại tắt ngay sau khi đến Trung Quốc.
Ít nhất 11 chuyến giao hàng đến Nga
Con tàu, bị Mỹ chế tài vào tháng 5/2022, đã thực hiện ít nhất 11 chuyến giao hàng giữa cảng Rajin của Triều Tiên và các cảng của Nga từ tháng 8/2023, theo RUSI. Viện nghiên cứu này đang theo dõi hoạt động của con tàu như một phần của dự án sử dụng dữ liệu nguồn mở để giám sát các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng họ không biết các chi tiết liên quan đến Angara, nhưng Trung Quốc “luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hoặc ủy quyền của Hội đồng Bảo an”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết họ không có thông tin gì về vấn đề này.
Mỹ và hàng chục quốc gia khác hồi đầu năm nay cho biết việc chuyển vũ khí của Triều Tiên sang Nga vi phạm “rõ ràng” nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Joseph Byrne, một nhà nghiên cứu của RUSI, cho biết chính phủ Trung Quốc nên biết rằng con tàu bị Mỹ trừng phạt đã cập cảng tại xưởng đóng tàu của họ.
“Nếu họ để (tàu Angara) rời cảng mà không được kiểm tra và mới được sửa chữa, thì điều đó cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không có bất kỳ hành động nào đối với các tàu này của Nga”, ông Byrne nói.
Washington đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc không hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022. Nga khởi động cuộc chiến chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine qua việc cung cấp các bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.
Bộ Ngoại giao Nga và Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á không trả lời yêu cầu bình luận liên quan đến tàu Angara.
Trang web của công ty cho biết khách hàng của họ đến từ khắp châu Á, châu Âu và Mỹ và họ có “sự hợp tác chiến lược” với các công ty vận tải toàn cầu, bao gồm Maersk và Evergreen Marine Corp của Đài Loan, cũng như quan hệ đối tác với các công ty công nghệ châu Âu.
Cả Nga và Triều Tiên đều nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích về cáo buộc chuyển giao vũ khí. Moscow cho biết họ sẽ phát triển quan hệ với bất kỳ đối tác nào mà họ muốn và sự hợp tác của họ với Bình Nhưỡng không trái với các thỏa thuận quốc tế.
Ông Campbell phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 22/4 rằng mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Triều Tiên với Nga là "trái ngược" với lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
24/04/2024 Trân Văn - VOA
Hình minh họa.
(tiếp theo)
Thuận An và Phúc Sơn chỉ là hai trong những doanh nghiệp “lớn như... thổi” tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, sau khi một số trong số những doanh nghiệp “lớn như... thổi” này (Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á,...) trở thành bọt xà phòng, thiên hạ có cơ hội hiểu tại sao những doanh nghiệp tự dán vào thương hiệu hai chữ “tập đoàn” lại... “bạo phát, bạo tàn”.
Cứ ngẫm ắt sẽ thấy, nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không được tổ chức, vận hành nhằm hỗ trợ đảng CSVN nắm giữ, duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam bằng mọi giá thì sẽ không có những đại án như đã biết (Vạn Thịnh Phát – SCB, FLC, AIC, Việt Á,... ) và đang thấy (Thuận An, Phúc Sơn,...).
Sau khi đẩy xứ sở rơi xuống đáy của lạc hậu, khiến cả dân tộc càng ngày càng lầm than, giới lãnh đạo đảng CSVN quyết định tự cứu chính họ bằng cách từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” kiểu cộng sản để thực thi kinh tế thị trường. Từ bỏ thứ từng được xiển dương và quay lại đi theo con đường từng bị lên án được tung hô là... “đổi mới”. Tuy nhiên toàn trị không thể song hành với kinh tế thị trường nên họ lai ghép “định hướng XHCN” với... “kinh tế thị trường”, tạo ra... “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”.
Lúc đầu, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vừa là bà đỡ cho các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước, vừa rút toàn bộ nội lực quốc gia trút vào những doanh nghiệp chỉ phá chứ không xây này. Không thể tính chính xác các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước đã biến bao nhiêu ngàn tỉ thành rác, tạo ra thêm bao nhiêu nợ nần và đã khiến quốc gia để lỡ bao nhiêu cơ hội mà chỉ có thể khẳng định là rất lớn. Khi những đại án liên quan đến các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước khiến diện mạo của “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” trở thành nhem nhuốc tới mức vô phương tẩy rửa, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mà những đại án vừa qua và gần đây cho thấy, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” chỉ có khả năng tạo ra những hệ quả không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới!
***
Bởi “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vừa cho các viên chức hữu trách quyền lực vô hạn, vừa vô hiệu hóa thiết chế kiểm tra, giám sát, điều chỉnh những lệch lạc, bất cập nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trở thành công sai, phục vụ những cá nhân lãnh đạo các hệ thống này. Đó cũng là lý do những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức sử dụng công quyền trợ giúp một số doanh nghiệp để được chia chác.
Thuận An và Phúc Sơn không phải cá biệt. Việt Á cũng thế. Tuy đại án “Việt Á” đã được xét xử sơ thẩm nhưng hệ thống tư pháp vẫn gạt bỏ, không thèm làm rõ tại sao Việt Á liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (TP.HCM) và chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được chọn thực hiện 1.500 dự án? Đến giờ thiên hạ vẫn không biết những ai đã góp 800 tỉ vào Việt Á...
Mới đây, khi loan báo về kết quả điều tra sơ bộ vụ án xảy ra tại Phúc Sơn, viên tướng phụ trách bộ phận điều tra khoe - đại ý: Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Kẻ phạm tội dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, ’gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở” và “làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân” [1]. Khoe như thế không chi trâng tráo mà còn gián tiếp xác nhận, công an Việt Nam cũng chỉ là một loại công sai, thay vì bảo vệ và thực thi pháp luật theo đúng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” thì chỉ nhắm mắt làm theo thượng cấp theo kiểu “chỉ đâu đánh đó”, do vậy có đụng tới “kẻ phạm tội” thì cũng là vì đã được cho phép!
Xin nhắc lại một tình tiết trong vụ án liên quan tới việc AIC được chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn làm doanh nghiệp cung cấp 16 gói thầu cho Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ mà Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu năm ngoái [2] để minh họa...
Dù xin tiền xây dựng bệnh viện cho dân chúng Đồng Nai nhưng ngay cả Bí thư Đồng Nai cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ làm “vỏ” bệnh viện. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương mới cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các thiết bị y tế). Cũng vì vậy, các viên chức lãnh đạo Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ ơn” từ bà Nhàn. Ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai trước tòa, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để nhờ bà “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương” [3].
Dẫu hệ thống tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng hệ thống tư pháp chỉ ghi nhận như thế rồi thôi chứ... không làm gì thêm! Điều này cho thấy... “dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở và làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân”... không những không... “mới” mà còn là... “đương nhiên” khi xây dựng... “kinh tế thị trường theo dịnh hướng XHCN”. Nếu ai đó “có quyền lực” bị truy cứu trách nhiệm thì vì cần phải triệt hạ, có thể triệt hạ, dứt khoát không phải do... nghiêm minh!
***
Đem “sự nghiệp” của những Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á,... ra so với thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam. Lấy các số liệu liên quan đến “thành tựu” của những “tập đoàn” này đặt bên cạnh các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, ví dụ, “trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022, trung bình, một tháng có khoảng 14.4000 doanh nghiệp rút rút khỏi thị trường” [4], hoặc “trong hai tháng đầu năm 2024 có 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước” [5], ắt sẽ thấy tội của những kẻ lai ghép “kinh tế thị trường” với “định hướng XHCN” để duy trì việc “ăn trên ngồi trốc” lớn thế nào!
Chú thích
[1] https://hanoionline.vn/...
[4] https://vov.vn/kinh-te/...
[5] https://www.tuyengiao.vn/...
24/04/2024 Trần Đông A - VOA
Kênh Truyền hình Nhân dân ngày 20/4/2024 xuất hiện một clip với tựa đề: ‘Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ’. Clip này nhắc tới các sai phạm của Lê Thanh Hải tại khu Thủ Thiêm. (Hình: Trích xuất từ kênh YouTube "Đảng với Dân".
Phát biểu của ông Lê Thanh Hải trong tiếp xúc cử tri ngay từ năm 2019 từng làm cho nhiều người dân bức xúc, vì nó trái với thực tế diễn ra mà người dân Thủ Thiêm là nạn nhân…
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên hôm 27/6/2019 về các sai phạm của Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh khi thực hiện dự án Thủ Thiêm, cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nói: ‘Giờ tôi hưu rồi, có làm được gì mà trả lời’ (1). Lời chống chế ấy của ông Hải, theo giới quan sát, chỉ tác dụng trì hoãn được thời gian ‘khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét’. Từ năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 757 về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM có nhiều sai phạm. Đáng nói, phần lớn số nhà đất này đã về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ nhiều năm trước (2). Mối liên đới giữa Lê Thanh Hải với Trương Mỹ Lan, người sáng lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lại rộ lên ở Việt Nam những ngày này. Quan hệ làm ăn giữa Lê Thanh Hải với bà trùm Trương Mỹ Lan được báo chí nước ngoài từ cách đây nhiều năm đề cập khá trực tiếp. The Daily Guardian viết ngày 22/10/2022: ‘Việc bắt giữ nữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… một lần nữa khiến mối liên hệ giữa Trung Quốc với các trùm kinh doanh ở Việt Nam bị chú ý’ (3).
Cũng chính vì một phần có yếu tố nước ngoài (chồng bà Lan là Chu Nap Kee Eric – Chu Lập Cơ là người Hong Kong, Trung Quốc) nên toàn bộ các mối liên hệ mờ ám giữa Hai Nhật với Mỹ Lan được ‘chìm xuồng’ khá lâu. Nay tuy vụ án Vạn Thịnh Phát dù tạm coi là đã xử xong, nhưng đó vẫn là một ‘sự bẽ bàng’ cho Việt Nam, vì vẫn còn khá nhiều khuất tất. Điều khuất tất nhất là cho tới nay, chưa có một chính trị gia hay quan chức cấp cao nào đứng đầu ở địa phương (TP.HCM) hay Trung ương phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối này. Sai phạm đã diễn ra hơn mười mấy năm trời, có nghĩa là nhiều quan chức các cấp có thể đã dính dáng hoặc phải chịu trách nhiệm (4). Cách đây 5 năm, Đài VOA cũng từng có phóng sự ‘Vòng vây ngày càng siết chặt quanh Lê Thanh Hải?’ Lúc bấy giờ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng còn là nhà quan sát tự do từ Sài Gòn đã cảnh báo sớm việc ông Lê Thanh Hải sắp bị ‘sờ gáy’. Đặc biệt lời cảnh báo nhằm vào việc Hai Nhật có sự ưu ái rất rõ ràng đối với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng ngoài liên hệ với Vạn Thịnh Phát, nhà báo Phạm Chí Dũng còn dẫn chứng ‘dấu hiệu rõ ràng nhất’ về chiếc thòng lọng đang siết chặt đối với Lê Thanh Hải là bản báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ về Thủ Thiêm mà trong đó lần đầu tiên nêu lên con số 26.300 tỷ đồng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách trung ương (5).
Trong 15 năm vừa là Chủ tịch UBND vừa là Bí thư Thành ủy, ông Lê Thanh Hải đã có hàng loạt chỉ đạo làm cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn toàn ‘biến dạng’. Ngay từ tháng 1/2020, báo chí Việt Nam đã từng đánh động: ‘Cựu Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải nhiệm kỳ 2001– 2006, được xem là ‘người khởi nguồn’ cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu Đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là đã chỉ đạo ‘xé nát’ 160 ha đất tái định cư của người dân bị giải tỏa’ (6). Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương trong họp kỳ 42 (diễn ra từ 3 – 8/1/2020) đã kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Kết luận cũng chỉ rõ, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy (7).
Bốn năm sau ‘cáo trạng’ trên, mãi tới những ngày này, Đảng lại gọi tên ông! Trên kênh Truyền hình Nhân dân ngày 20/4/2024 xuất hiện một clip với tựa đề: ‘Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ’. Clip này nhắc tới các sai phạm của Lê Thanh Hải và nhiều vị từng là ‘tai to mặt lớn’ khác (8). Liệu ông và các ‘đồng chí’ còn có thể ngụy biện, mình làm theo đường lối? Sau thời gian đất nước hội nhập, nhận thức của chính quyền, từ trung ương đến địa phương, về nguồn lực quốc gia và ưu thế thể chế, đã dẫn đến sự thay đổi căn bản trong chính sách pháp luật về đất đai. Đúng như phân tích của Luật sư Ngô Ngọc Trai, theo đó, tất cả các vấn đề khác chỉ là phụ, việc thu hồi đất trở thành vấn đề trọng tâm, được quan tâm nhất, và trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong đời sống xã hội. Luật đất đai năm 2003 sử dụng đến 72 lần từ ‘thu hồi đất’, phát triển nhảy vọt từ 11 lần được sử dụng ở Luật đất đai năm 1993. Nhưng nó vẫn thua xa so với Luật đất đai năm 2013 sử dụng đến 167 lần thuật ngữ ‘thu hồi đất’. Tần suất mức độ sử dụng thuật ngữ này cho thấy tính quan trọng và tầm ảnh hưởng chi phối của vấn đề trong toàn bộ văn bản pháp luật về đất đai (9).
Giờ đây có ai dám đứng ra làm giảm nhẹ tội trạng ‘ba năm rõ mười’ của Lê Thanh Hải? Bởi vì, thời còn là lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải đều lợi dụng kẻ hở của Luật đất đai, và luôn kiếm được một Nghị quyết phê duyệt của tổ chức Đảng cấp trên, đi kèm theo Quyết định ‘thu hồi đất’ mỗi lần thực hiện cưỡng chế đất đai. Lần này nếu Đảng ‘thí xe’, liệu ông có dám gia nhập vào hàng ngàn hộ dân oan Thủ Thiêm bị tha hương ngay trên mảnh đất ‘chôn nhau cắt rốn’ để đi kêu oan? Với những lời chống chế thượng dẫn, liệu Lê Thanh Hải có thể trở thành một loại ‘dân oan đặc biệt’, ra tận Ba Đình đi khiếu kiện tập thể? Mà ‘tập thể’ của ông đâu còn ai nữa? Ban Thường vụ Thành ủy hầu như đã vào tù gần hết, kể cả người phó trung thành và tận tụy của ông. Cuối 2022, cựu Phó Bí thư Tất Thành Cang đã phải chấp nhận 14 năm 6 tháng tù mà không dám kháng cáo. Còn ông, suốt 5 năm 55 ngày, với cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM, ông đã từng cố tình sai phạm trong Dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cố tình tiếp tục dấn sâu vào tội ác trong thời gian ‘lên ngôi’ Bí thư Thành ủy kéo dài 9 năm 222 ngày. Tại vị gần 15 năm trời, Đảng đã ‘biệt đãi’ ông đủ thời gian để phá nát ‘thành Hồ’ (10). Sau những rón rén cả chục năm trời, giờ này liệu TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ dám đưa ra ‘phán quyết cuối cùng’?
Từ sai phạm trong việc ‘xé nát’ 160 ha đất tái định cư của người dân bị giải tỏa ở Thủ Thiêm đến lời cảnh báo chống lưng cho Trương Mỹ Lan tham ô ‘một triệu tỷ VND’… một phần từ các ‘cáo trạng’ ấy đã được nêu rõ trên hệ thống truyền thông của Đảng. Liệu Đại tướng Tô Lâm đang tính toán những gì với Lê Thanh Hải và mối quan hệ với ‘các đồng chí’ đã cố ý bao che trong suốt cả thời gian dài đối với các vụ án khủng ở Việt Nam? Sự đời này có vay có trả! Lỗ Tấn, ‘thánh nhân số một’ của Trung Quốc có lần từng phán, ‘xã hội… là một bữa tiệc ăn thịt người, ông Vua béo và anh hành khất gầy cũng chỉ là những món nhậu khác nhau trên cùng bàn tiệc của lũ giòi bọ… Kẻ bị ăn thịt hôm nay cũng từng đã ăn thịt người khác và kẻ hôm nay đang chén thịt ấy rồi sẽ bị người khác ăn tươi nuốt sống’ (11). Chỉ mong rằng, sau khi Đảng gọi ông, thì tên ông đừng trở thành tên đất nước! Xứ Đông Lào này sẽ đến lúc người dân được chọn những ‘người đầy tớ’ xứng đáng với nghĩa của từ này!
Tham khảo:
(3) https://thedailyguardian.com/
(5) https://www.voatiengviet.com/
(10) https://www.rfa.org/vietnamese/
(11) https://daohieu.wordpress.com/
24/04/2024 - VOA
Ông Vương Đình Huệ lúc nhậm chức Chủ tịch Quốc hội hồi năm 2021
Việc trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt cho thấy cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang nóng lên và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang có ưu thế, các nhà quan sát nhận định với VOA.
Ông Phạm Thái Hà, trợ lý gần gũi lâu năm với ông Huệ, hôm 22/4 đã bị Bộ Công an loan báo đã bắt giữ để điều tra về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’. Khi bị bắt, ông Hà đang là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Hà bị bắt sau khi công an mở rộng điều tra các vụ án ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’ xảy ra ở Tập đoàn Thuận An, tập đoàn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông có trụ sở tại Hà Nội.
Sóng gió quanh vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà ập đến với ông Vương Đình Huệ không lâu sau vụ việc tương tự xảy ra với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước sau khi những thuộc cấp cũ của ông bị phanh phui có dính líu đến Tập đoàn Phúc Sơn trong giai đoạn điều tra mở rộng của công an về tập đoàn này.
Trước ông Thưởng hơn một năm Chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã xin từ chức để ‘nhận trách nhiệm của người đứng đầu’ vì đã để xảy ra những sai phạm trong thời ông còn là Thủ tướng Chính phủ.
Hiện giờ chưa rõ ông Huệ có bị xác định trách nhiệm trong vụ Tập đoàn Thuận An hay không nhưng theo tin từ báo chí trong nước thì ông vẫn thực thi những chức trách của Chủ tịch Quốc hội.
‘Chưa từng thấy’
Nhưng nếu cuối cùng ông Huệ cũng ra đi như ông Phúc, ông Thưởng trong cùng một nhiệm kỳ thì ‘đó sẽ là biến động chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam’, ông Nguyễn Quang A, nhà quan sát và nhà bất đồng chính kiến, nói với VOA từ Hà Nội.
Trước diễn biến mới nhất này, đã có 4 trong tổng số 18 ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức trong một nhiệm kỳ, điều chưa từng thấy từ trước đến nay.
“Đây là cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nó đang diễn ra và đang ở cao trào,” ông Lê Trung Khoa, nhà quan sát chính trị ở Berlin, Đức, nói với VOA.
Nhận định về thời điểm xảy ra vụ việc Phúc Sơn và Thuận An, nhà quan sát này chỉ ra Đảng đang trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra vào năm 2026 và ông Huệ đang là ứng cử viên sáng giá để tiếp quản chức Tổng bí thư từ ông Trọng.
Ông Nguyễn Quang A cho biết ông đã từng gặp ông Huệ vài lần khi ông Huệ còn là Tổng kiểm toán Nhà nước và đánh giá ông Huệ là ‘người thông minh’. “Nhưng sau này ông ấy lên làm to hơn, to hơn rất nhiều. Quyền lực có thể làm tha hóa con người,” ông A nói.
Người điều khiển các cuộc điều tra của Bộ Công an nhắm vào ông Võ Văn Thưởng trước đây và trợ lý của Vương Đình Huệ hiện nay là ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Năm nay 67 tuổi, ông Lâm là cánh tay đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc ‘đốt lò’. Nhưng đến năm 2026, ông Lâm đã quá tuổi theo quy định của Đảng để có thể ở lại trừ phi ông được Đảng đặc cách như trường hợp ông Trọng.
Theo nhận xét của ông Lê Trung Khoa thì hiện giờ với tình trạng sức khỏe của ông Trọng, ‘người nắm quyền lực lớn nhất là ông Tô Lâm’.
“Ông Lâm hiện nắm ‘binh quyền’ trong tay với hàng loạt cơ quan điều tra dưới quyền trải từ bắc vào nam với quân số đông đảo. Nhiều quan chức là bí thư, chủ tịch tỉnh đều bị Tô Lâm ‘bắt sống’ khi đang đương chức nếu có bằng chứng rõ ràng chứ không đợi đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như trước đây,” ông Khoa lập luận về quyền hành của ông Tô Lâm.
Do đó, ông Khoa cho rằng vị bộ trưởng công an này đang nhắm đến được Đảng đặc cách về tuổi tác để cho vào một trong tứ trụ và nhắm đến chức Tổng bí thư.
Về thái độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã nâng đỡ ông Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, ông Khoa cho rằng ông Trọng ‘sẽ bất lực’, ‘không thể bảo vệ ông Vương Đình Huệ’ trước ‘những bằng chứng mà có lẽ ông Tô Lâm nắm rất rõ về việc trợ lý ông Huệ tham nhũng, nhận hối lộ’.
“Ông Trọng sức khỏe đã yếu đi nhiều thì không còn khả năng che chắn cho ông Huệ hay có những dàn xếp để ổn định nội bộ của Đảng,” ông phân tích.
Trong Bộ Chính trị hiện giờ có ông Nguyễn Xuân Thắng, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, và ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, là đồng hương Nghệ An với ông Huệ. Xét rộng ra trong Trung ương Đảng thì phe phái của ông Huệ vẫn đông hơn của ông Tô Lâm, ông Khoa cho biết.
“Nhưng các phe phái hiện nay đang đứng trước việc điều tra, xét hỏi và bắt bớ khắp nơi của Bộ Công an thì tôi nghĩ rằng họ cũng có những cân nhắc nhất định chứ không phải tìm cách cứu giúp người đồng hương của họ.”
Vụ việc xảy ra với ông Huệ khi ông vừa trở về sau chuyến thăm 6 ngày đến Trung Quốc mà khi đó ông đã được tất cả các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, tiếp đón trọng thị.
“Ông Vương Đình Huệ là một chính trị gia nhạy bén. Có thể ông ấy thấy nguy hiểm đang đến gần nên ông phải đi trước một nước. Ít nhất là đi thăm Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội được sự ủng hộ của Tập Cận Bình và để ông ta có thể vượt qua trở ngại lần này,” ông Khoa nói.
Ông cũng chỉ ra việc mới cách nay hai ngày, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, bà Hạ Vinh đã sang Việt Nam để bàn về cải cách tư pháp và đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tô Lâm trong lúc cuộc bố ráp của Bộ Công an vào tập đoàn Thuận An đang diễn ra.
Tác động đến Đảng
Sau khi cách chức ông Thưởng hồi tháng 3, đến nay Đảng vẫn chưa tìm ra được chủ tịch nước. Chỉ có ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, nằm trong số ít ỏi những người có thể lên thay theo những quy định về nhân sự của Đảng. Do đó, nếu ông Huệ cũng bị phế truất thì Đảng lại càng căng thẳng về nhân sự.
Ông Khoa cho rằng trong trường hợp đó, Đảng có thể sửa quy định (chức vụ tứ trụ phải phục vụ hết một nhiệm kỳ Bộ Chính trị) cũng như Đảng đã từng đặc cách về tuổi tác cho ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.
“Nếu ông Vương Đình Huệ từ chức thì tôi nghĩ có rất nhiều người khác chuẩn bị sẵn sàng để thay thế Vương Đình Huệ,” ông nói. Phó chủ tịch Quốc hội hiện tại Trần Thanh Mẫn cũng là một ủy viên Bộ Chính trị nhưng ông mới vào vị trí này từ đầu năm 2021, chưa hết một nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Quang A cho rằng nếu Đảng xử lý ông Vương Đình Huệ, họ có thể lấy đó để ca ngợi công cuộc đốt lò ‘rất hiệu quả, lên đến tận những cấp cao nhất’. Nhưng mặt khác nó sẽ ‘hủy hại niềm tin của người dân vào các lãnh đạo’
“Lẽ ra chống tham nhũng là phải làm những việc rất bài bản để hạn chế những nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, chứ không phải chỉ dừng ở truy tố vụ A, vụ B, vụ C. Truy tố người này lại lòi ra những người khác,” ông A nói.
24/04/2024 - VOA
Hình ảnh quảng bá của Campuchia về dự án kênh đào Phù Nam-Techo.
Các chuyên gia Việt Nam đưa ra những ước tính khác nhau rằng kênh đào Phù Nam-Techo sắp được thi công ở nước láng giềng Campuchia có thể làm giảm mất từ 30-50% lượng nước chảy vào Việt Nam, hai trang tin tức Thanh Niên và VnExpress dẫn thông tin từ một hội thảo cho hay hôm 23/4.
Như VOA đã đưa tin, Campuchia tuyên bố mở tuyến đường thủy nhân tạo dài 180 km, rộng 80-100 m, sâu 5,4 m, nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kep, thông ra Vịnh Thái Lan, với vốn đầu tư của Trung Quốc, nhằm giảm lệ thuộc vào đường thủy và cảng biển của Việt Nam.
Dự án tốn 1,7 tỷ đô la này dự kiến sẽ khởi công cuối năm nay và đi vào hoạt động trong năm 2028.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội thảo ở thành phố Cần Thơ hôm 23/4 để bàn về kênh này, Thanh Niên và VnExpress tường thuật.
Thanh Niên trích dẫn một báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam gửi Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra đánh giá ban đầu rằng nếu Campuchia sử dụng kênh đào không chỉ cho giao thông đường thủy mà còn phục vụ đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại, ước tính sơ bộ lưu lượng nước khai thác có thể lên đến 150 m3/giây.
Con số đó đồng nghĩa là lưu lượng nước về sông Hậu bị mất đi 30% trong mùa kiệt. “Điều này có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Thanh Niên viết, dẫn lại bản báo cáo.
Ngược lại, báo cáo cho rằng nếu kênh chỉ đơn thuần dùng cho giao thông thủy và các cống âu được vận hành, nguy cơ tác động đến diễn biến dòng chảy về ĐBSCL là “không lớn”. Tuy nhiên, trong trường hợp bất lợi, nếu các cống âu được mở tự do, khả năng mất nước trong mùa kiệt chiếm khoảng trên dưới 2% lưu lượng về ĐBSCL.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, đưa ra ước tính về lượng nước bị kênh đào của Campuchia lấy đi có thể còn cao hơn, theo tường thuật của VnExpress.
Ts. Tuấn lưu ý rằng con kênh đào sẽ chảy qua vùng đất có khoảng 1,6 triệu dân sinh sống và đưa ra cảnh báo: "Nếu tính đầy đủ, thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, đô thị từ dự án này, nước trên sông Tiền và sông Hậu - hai phân lưu của sông Mekong - về đến ĐBSCL có thể sẽ giảm khoảng 50%. Vào những năm khô hạn, sự thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn".
VnExpress trích dẫn ông Tuấn đưa ra dự báo u ám rằng mực nước các nhánh sông suy giảm và khả năng xâm nhập mặn sâu hơn có thể ảnh hưởng tới “hơn nửa diện tích canh tác vùng châu thổ Cửu Long trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường”.
Giảng viên này của Đại học Cần Thơ cũng báo động rằng Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của chính phủ Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do nguồn nước thiếu hụt, ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL sẽ tác động đến hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai.
“Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng”, ông nói trong bản tin của VnExpress.
Ts. Tuấn nêu đề xuất rằng trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần “đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia".