29/04/2024 VOA Tiếng Việt - VOA
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2023. Ông Lâm là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũng
Công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘vũ khí hóa’ để triệt hạ các đối thủ và bản thân ông Lâm trở thành người chiến thắng trong bối cảnh còn chưa tới 2 năm là đến kỳ Đại hội Đảng, một nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói với VOA.
Chiến dịch chống tham nhũng ‘không có ngoại lệ’, ‘không có vùng cấm’ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 để làm trong sạch Đảng và cho đến nay, nó đã khiến hàng loạt quan chức từ huyện, tỉnh, đến trung ương bị kỷ luật, cách chức, truy tố và thậm chí đã ngồi tù.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa 13 dù mới hơn nửa đường nhưng đã có hàng chục ủy viên trung ương và 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có ba lãnh đạo thuộc hàng tứ trụ là các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
‘Triệt hết đối thủ’
Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng khi bộ công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp mà sau đó dẫn đến các cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.
Điển hình như trong vụ việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công an đã bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An nhân lúc ông Huệ vừa lên đường công du Trung Quốc và bắt giữ trợ lý thân cận của ông ngay khi người trợ lý này cùng ông Huệ vừa về tới Hà Nội khi công an mở rộng điều tra Tập đoàn Thuận An. Chưa đầy một tuần sau đó, ông Huệ đã phải nộp đơn xin từ chức.
“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại,” Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nói với VOA.
Theo nhận định của vị giáo sư này thì ông Tô Lâm ‘rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng’ khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.
“Ngay lúc này chỉ còn hai ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (thường trực Ban bí thư, trưởng Ban Tổ chức trung ương),” ông Abuza nói. “Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”
Ông Phạm Minh Chính cũng xuất thân từ Bộ Công an như ông Tô Lâm trước khi chuyển qua làm công tác Đảng với tư cách trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi sau này nhảy sang làm người đứng đầu Chính phủ.
Khi được hỏi liệu cuộc chiến chống tham nhũng có đi quá xa và liệu kết quả của nó có thể làm cho ông Trọng hối tiếc hay không khi những người như ông Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ - vốn được ông Trọng nâng đỡ vào Bộ Chính trị - đều bị chính công cuộc đốt lò của ông ‘thiêu đốt’, Giáo sư Abuza cho rằng ông Trọng ‘đã cưỡi lên lưng cọp’.
“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông ấy (attack dog). Nhưng trong khi tiến hành, ông ấy đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”
“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này nếu như ông ấy muốn,” ông nhận định. “Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”
Nhận định về ông Vương Đình Huệ, nhà nghiên cứu này cho rằng ‘rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ’.
“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội),” ông Abuza nói.
“Ông Huệ cũng tham nhũng như các lãnh đạo cấp cao khác mà thôi,” ông chỉ ra và nhắc lại vai trò của ông Huệ khi còn là bộ trưởng Tài chính đã xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan sát nhập ba ngân hàng yếu kém thành SCB hồi năm 2012– tiền đề dẫn đến vụ án gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ông Huệ vừa trở về sau chuyến công du kéo dài khác thường đến 5 ngày đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc thì ngay lập tức bị dính vào tâm bão của vụ án Thuận An.
Ông Abuza nhận định rằng chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy Bắc Kinh ‘đặt cược rằng ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ’.
Ngoài ông Tập, ông Huệ cũng đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân Đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh.
‘Đảng đang hỗn loạn’
Về tình hình nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng đang ‘hỗn loạn’ (in turmoil) với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng và hai ghế tứ trụ đang để trống.
Công cuộc đốt lò vốn có mục đích là lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản thì nay lại ‘phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào ngay ở cấp cao nhất của Đảng’.
“Người dân đã quen với tham nhũng ở cấp thấp nhưng không nghĩ là sẽ bắt được con sâu trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.”
“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân),” ông nói thêm.
Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng ‘hiện giờ không có gì ngoài bất ổn’ (anything but stable) trong khi ‘một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị’.
“Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm thông qua luật và thực thi các đạo luật. Đảng không thể để cái ghế này trống,” ông giải thích tại sao việc ông Huệ ra đi lại gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, về triển vọng sắp tới, ông cho rằng tình hình ‘sẽ không sớm ổn định trở lại’.
Với sự rơi rụng liên tiếp của các nhân sự chủ chốt, Giáo sư Abuza cho rằng sẽ không ngoa khi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua ‘khủng hoảng lãnh đạo’ và ‘đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng’.
Theo phân tích của ông khi Đảng kiếm người để thế vào hai ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên) thì Đảng phải tìm người thay thế hai vị trí của bà Mai là Thường trực Ban bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.
Chức Thường trực Ban bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng trong khi chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, ông chỉ ra.
29/04/2024 Trân Văn - VOA
Ông Trương Tấn Sơn (người cầm hoa) được các lãnh đạo cao nhất của tỉnh Long An tiếp đón ngày 22 tháng 12, 2023. (Ảnh chụp màn hình báo Pháp Luật)
(tiếp theo)
Hạ tuần tháng 12 năm ngoái – cách nay chừng bốn tháng – nhiều người ngạc nhiên khi biết ông Trương Tấn Sơn (lúc đó 39 tuổi), Ủy viên Thường vụ quận ủy Tân Bình, Phó Chủ tịch quận Tân Bình được điều động từ TP.HCM về Long An để làm... cán bộ của Tỉnh ủy Long An [1].
Nhiệm sở đầu tiên của ông Sơn (Kỹ sư Xây dựng – Địa chính) là... Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) – doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM, sau đó lấy Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, học Cao cấp Lý luận chính trị và thăng tiến rất nhanh. Đến khi ông trở thành Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist thì trong một “kỳ họp bất thường” diễn ra hồi tháng 3/2020, ông đột nhiên được HĐND quận Tân Bình tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch quận cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đến nhiệm kỳ sau (2021 – 2025), ông Sơn tiếp tục được “tín nhiệm” để đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch quận và năm 2022 được Thành ủy TP.HCM “tín nhiệm” chọn làm Ủy viên Thường vụ Quận ủy Tân Bình cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Không rõ vì lý do gì, ông Sơn lại được Long An “tín nhiệm” để mời về công tác tại Tỉnh ủy?
“Sự nghiệp chính trị” của ông Sơn tuy khác thường (nhảy từ hoạt động kinh tế qua điều hành chính quyền, đảm nhiệm thêm công tác đảng, rồi trở thành cán bộ đảng chuyên nghiệp) và trong vài năm gần đây luôn là người được trám vào những vị trí bị khuyết giữa các nhiệm kỳ, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” qua các cấp... song lại hết sức bình thường. Nói theo kiểu cộng sản Việt Nam thì sự ngạc nhiên trước những dấu hiệu khác thường ấy là... “lạc hậu”, bởi việc thăng tiến như vậy hoàn toàn... “đúng quy trình”, kể cả nhảy từ quận ủy một quận thuộc đơn vị hành chính trực thuộc trung ương này vào tỉnh ủy của một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương khác.
Trung tuần tháng 2/2022, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW để định hướng cho công tác quy hoạch cán bộ. Mục thứ 3 của văn bản này giải thích yêu cầu “thực hiện phương châm quy hoạch đóng và mở”, theo đó: Quy hoạch “mở” được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị [2]. Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW chính là dành cho những người như ông Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang (cựu Bí thư TP.HCM, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Nhà nước).
***
Nếu chịu khó lướt qua các văn bản liên quan đến lựa chọn, sắp đặt nhân sự của đảng CSVN, tự nhiên sẽ thấy chúng được soạn thảo chỉ nhằm hỗ trợ một số cá nhân “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến đỉnh quyền lực. Làm gì còn chỗ cho hiền tài cống hiến trí lực, sức lực, có không gian thực thi “đổi mới công tác nhân sự” khi Nghị quyết số 26-NQ/TW (tháng 5/2018) xác định “đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược” phải được xây dựng theo hướng “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” và muốn lên cao hơn phải “có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” [3]?
Với những quy định theo kiểu như thế, chẳng riêng thường dân, ngay cả cán bộ - đảng viên không phải “con ông, cháu cha”, không thuộc phe nào, nhóm nào cũng chẳng có “cửa”. Chỉ cần dành ra ít phút, ngẫm nghĩ một chút ắt sẽ nhận ra thâm ý của những đòi hỏi như... chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên... trong Quy định số 214-QĐ/TW của BCH TƯ đảng khóa 12 ban hành hồi tháng 1/2020 [4], hay “chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm” trong Hướng dẫn 16-HD/BTCTW...
Không phải tự nhiên mà hàng loạt Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13, trong đó có tới năm Ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng. Trận bão nhân sự này chỉ diễn ra sau khi sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng sa sút và khả năng ông không thể đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ... tư trở thành hết sức rõ ràng. Việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự nhằm hạn chế cạnh tranh quyền lực trong đảng trở thành nguyên nhân khiến triệt hạ để loại bỏ đối thủ chính trị trở nên tàn khốc hơn, bất chấp điều đó “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước” nghiêm trọng hơn cả sai phạm cụ thể của các đương sự.
Không chỉ có thế. Khi việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự còn nhằm hồi sinh “con vua thì lại làm vua” như trường hợp ông Trương Tấn Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang, trường hợp các ông Nguyễn Thanh Nghị [5], Nguyễn Minh Triết [6] – những quý tử của ông Nguyễn Tấn Dũng,... đã mở đường cho các viên chức ở cấp thấp hơn thi đua thực hiện phong trào “cả họ làm quan” và dù vô lý thế nào, bất cập ra sao cũng vẫn... “đúng quy trình”. Trung ương bất chính, địa phương tắc loạn. Các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự chính là những bằng chứng sinh động minh họa cho bản chất dân chủ XHCN - công dân có nghĩa vụ làm thần dân đời đời, kiếp kiếp.
Sông dẫu đã cạn, núi dẫu đã mòn, kinh tế dẫu đã suy thoái đến mức khó tưởng, dân chúng lầm than nhưng quy hoạch nhân sự vẫn thế, không thay đổi. Xem cách hành xử của những viên chức hữu trách cao cấp nhất, dường như quốc kế, dân sinh chỉ là vấn đề thứ yếu, vấn đề chính yếu vẫn chỉ là làm sao giữ được ghế và tiếp tục leo lên vị trí cao nhất!
Chú thích
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban...
[3] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn...
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban...
[5] https://chinhphu.vn/tom-tat-tieu-su?id=3752
[6] https://tuoitre.vn/anh-nguyen-minh-triet-la-chu-tich-trung-uong-hoi-sinh-vien-viet-nam-khoa-xi...
29/04/2024 - VOA
Các nạn nhân trái phiếu SCB đã đi đòi tiền ở các chi nhánh SCB ròng rã trong gần hai năm qua
Các nạn nhân bị lừa đảo trái phiếu ở ngân hàng SCB bày tỏ với VOA mong muốn sớm được trả lại tiền và bà Trương Mỹ Lan được sống để đền bù cho họ, đồng thời cũng lo ngại về khả năng không được đền bù sau khi phiên tòa xét xử bà Lan rút ruột SCB vừa diễn ra xong.
Tại phiên tòa này, bà Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hôm 11/4 đã bị tuyên án tử hình - mức án tổng hợp cho ba tội là ‘Tham ô’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng’ và ‘Đưa hối lộ’ và bị buộc phải đền bù 673.000 tỷ đồng cho SCB.
Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn 1 trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan. Giai đoạn 2 sẽ xét xử bà Lan về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để chiếm đoạt gần 30.000 tỷ đồng của hơn 42.000 nạn nhân khắp cả nước.
‘Mong bà Lan được sống’
Trao đổi với VOA, các nạn nhân trái phiếu của bà Lan đều nói họ mong bà Lan sẽ không bị tử hình để còn có thể đền tiền cho họ.
“Nếu như chúng tôi là nạn nhân của bà Lan, chúng tôi không mong muốn bà Lan phải chết gì cả. Chúng tôi muốn bà Lan sống để trả lại tiền cho chúng tôi,” ông Tăng Hữu Tranh, một người về hưu ở Quận Ba Đình, Hà Nội, nói với VOA.
Ông Tranh cho biết cách nay vài tuần, các nạn nhân trái phiếu SCB từ khắp các tỉnh thành đã kéo về Hà Nội và tập trung trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước đòi bồi thường.
Theo tìm hiểu của VOA, từ khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt hồi tháng 10 năm 2022, hàng ngàn nạn nhân trái phiếu đã xuống đường ròng rã để đòi quyền lợi. Họ đến các trụ sở và chi nhánh SCB để đòi tiền cũng như đến các cơ quan công quyền để thưa kiện SCB. Một số nạn nhân còn đến xem phiên tòa xét xử bà Lan vừa qua mặc dù chưa liên quan đến họ.
“Nếu Bộ Công an đã xác định chúng tôi là nạn nhân bị lừa đảo thì khi xét xử giai đoạn 2, Nhà nước cần yêu cầu bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phải có trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi,” ông kiến nghị và cho rằng các nạn nhân cần phải được hoàn trả đầy đủ số tiền gốc lẫn lãi cùng với bồi thường ‘thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần’ khi họ lâm vào cảnh ‘sống dở chết dở gần 2 năm qua’.
Ông Tranh có 5 hợp đồng mua trái phiếu do các công ty con của Vạn Thịnh Phát phát hành với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, theo lời ông, và đó là tiền mà ông đã làm lụng và tích cóp cả đời.
Một nạn nhân khác là anh Trần Gia An, sống tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã bị SCB chi nhánh Thủ Đức thuyết phục mua 800 triệu trái phiếu An Đông, cũng nói là ‘không nên tử hình bà Trương Mỹ Lan’.
“Tôi có theo dõi phiên tòa xét xử bà Lan thông qua báo chí. Mức án tử hình cho bà Lan là hợp lý với những gì bà ta đã gây ra. Tuy nhiên nên để bà ta sống sẽ có ích trong việc khắc phục hậu quả hơn,” anh An nói.
Khi được hỏi về hy vọng vào phiên tòa xử vụ trái phiếu sắp tới, anh An nói rằng anh và gia đình ‘không mong gì hơn là tòa án sẽ tuyên bố SCB trả lại tiền trái phiếu cho những nạn nhân bị bà Lan và ngân hàng cấu kết lừa gạt’.
‘Thủ phạm là SCB’
Cả hai nạn nhân này đều nói với VOA rằng thủ phạm phải trả tiền cho họ ‘là ngân hàng SCB chứ không phải bà Trương Mỹ Lan hay tập đoàn Vạn Thịnh Phát’.
“Dĩ nhiên là SCB. Chúng tôi không tới Vạn Thịnh Phát hay An Đông gửi tiền, chúng tôi đưa tiền cho SCB và bị SCB lừa gạt, điều chắc chắn là chúng tôi muốn nhận lại tiền từ SCB,” anh An trả lời câu hỏi của VOA là muốn ai đền tiền cho mình.
Hồi cuối năm 2022, SCB ra thông cáo nói rằng ngân hàng này “luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến” của khách hàng và bày tỏ mong muốn rằng họ “hợp tác” với SCB để “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo đúng quy trình và quy định của pháp luật, góp gần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội”.
Về phần mình, ông Tranh trả lời câu hỏi này như sau: “Chúng tôi không biết bà Lan là ai. Bây giờ ngân hàng SCB trực tiếp nhận tiền của chúng tôi thì phải trả tiền cho chúng tôi. Nếu mà SCB không trả được thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường vì Nhà nước đẻ ra ngân hàng SCB.”
Ông cũng phản bác việc các nạn nhân bị gọi là ‘nhà đầu tư’ hay ‘trái chủ’ với hàm ý ‘tự mua tự chịu’.
“Thực ra chúng tôi không phải là nhà đầu tư. Chúng tôi không hề đi mua trái phiếu. Chúng tôi chỉ đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng SCB và chúng tôi bị rơi vào cái bẫy có chủ đích,” ông Tranh giải thích.
Hồi cuối năm ngoái, Bộ Công an đã kêu gọi những ai đã mua trái phiếu ở SCB ra khai báo thiệt hại để có cơ sở đền bù sau này. Theo quan sát của VOA, khi đó chính quyền ghi nhận những người sở hữu trái phiếu là ‘bị hại’.
Tuy nhiên, theo lời kể của ông Tranh thì mẫu đơn mà ông được công an yêu cầu điền vào lại ghi ông là ‘nhà đầu tư trái phiếu trực tiếp đến Vạn Thịnh Phát’.
‘Nên ưu tiên nạn nhân trái phiếu trước’
Khi được hỏi có lo ngại bà Trương Mỹ Lan sẽ hết tiền đền bù cho các nạn nhân trái phiếu hay không khi mà bà đã bị Tòa yêu cầu đền 673.000 tỷ đồng cho SCB, ông Tranh nói: “Chúng tôi mong Nhà nước, đã là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì phải xác định người bị hại là người được trả tiền đầu tiên, trước hết.”
Theo lý giải của ông thì tổng thiệt hại của các nạn nhân trái phiếu, vào khoảng 1,2 tỷ đô la, là ‘không đáng kể so với số tài sản bất động và lưu động của bà Lan’. “Vấn đề là chính quyền có muốn giải quyết cho chúng tôi không thôi,” ông bày tỏ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bỏ ra tới 24 tỷ đô la cho SCB để cứu ngân hàng này khỏi sụp đổ sau khi bị bà Lan rút ruột, theo Reuters.
“Nói tóm lại phiên tòa vừa rồi mục đích Nhà nước là dùng SCB để thu hồi số tiền Nhà nước đã bỏ ra cho SCB. Chúng tôi yêu cầu SCB, ngân hàng đã chiếm đoạt tiền của chúng tôi, sau khi được Nhà nước thu hồi tiền thì phải trả lại tiền cho chúng tôi,” ông Tranh yêu cầu.
Còn anh Trần Gia An cũng mong ‘bà Lan trả tiền cho nạn nhân trái phiếu trước’và nói anh ‘khúc mắc không biết liệu tòa án có hợp nhất hai chuyện thành một hay không’. Nếu có thì ‘bà Lan đền cho SCB thì cũng chính là đền cho nạn nhân trái phiếu’, anh nói.
“Lo lắng là chuyện tất nhiên, nhưng tôi mong chờ chính phủ sẽ hỗ trợ nạn nhân trong lần này hơn là mong chờ bà Lan trả đủ tiền,” anh nói khi trả lời câu hỏi về khả năng đền bù của bà Lan.
“Sai phạm lần này một phần lớn cũng do sự kiểm soát không tốt của Nhà nước, đặc biệt là ở khâu thanh tra có tham nhũng,” anh nói thêm, ý nhắc đến việc các cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã được bà Lan hối lộ để ém nhẹm những hành vi sai trái của SCB.
Trong bản án được tuyên hôm 11/4, Tòa tuyên bố khối tài sản khổng lồ của bà Lan sẽ tiếp tục bị kê biên không chỉ để khắc phục thiệt hại cho SCB mà còn đền bù cho các nạn nhân trái phiếu trong giai đoạn 2 theo hướng ‘ưu tiên cho các bị hại trong vụ trái phiếu’, theo tường thuật của tờ Pháp Luật.
Hy vọng vào phiên tòa
Tuy nhiên, ông Tăng Hữu Tranh nói khi theo dõi diễn biến các vụ án bà Trương Mỹ Lan, ông thấy hy vọng lấy lại được tiền là ‘mong manh’.
“Người ta đã cố tình chiếm đoạt tiền của chúng tôi. Họ làm có kịch bản, có sự bao che của quan chức, còn chúng tôi chỉ là dân đen thì có hy vọng gì nữa,” ông bày tỏ.
Cũng giống như anh An, ông Tranh nói ‘Nhà nước cũng có trách nhiệm’ trong vụ bà Trương Mỹ Lan lừa đảo người dân.
“Ngân hàng SCB đã được Ngân hàng Nhà nước cho hoạt động và đã được đánh giá là ngân hàng tốt. Nhà nước đã cho kiểm tra, giám sát đầy đủ thì làm sao chúng tôi không tin tưởng SCB được?” ông lập luận
Ông nói thêm rằng Nhà nước Việt Nam vốn được cho là ‘của dân, do dân, vì dân’ thì ‘phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người dân’ chứ ‘hàng ngàn người dân ai cũng muốn có cuộc sống an ổn, chả ai muốn phải xuống đường đòi quyền lợi, đòi tài sản của mình như thế’.
Ông bày tỏ lo ngại các nạn nhân nếu có được đền tiền thì hoặc là ‘chúng tôi không còn sống’, hoặc là ‘đồng tiền mất giá’, hoặc là ‘số tiền đến tay nạn nhân cũng bị trừ này trừ nọ theo các ưu tiên do luật định’. Ông cho biết một số nạn nhân đã qua đời trong hai năm qua mà vẫn chưa lấy lại được tiền.
Khi được hỏi về kịch bản các nạn nhân không được đền đồng nào, ông Tranh nói hơn 42.000 nạn nhân khắp cả nước sẽ ‘tức nước vỡ bờ’.
“Tại sao một Nhà nước vì dân mà để cho một ngân hàng trắng trợn lừa gạt tiền của hàng chục ngàn người dân như thế? Đã lừa mà không đền bù thì còn gì là công lý nữa,” ông bức xúc.
Anh Ngô Gia An thì tin rằng ‘không có lí do gì nạn nhân trái phiếu sẽ không lấy lại được tiền’.
“Tại vì nếu lần này hàng chục ngàn người mất tiền thì tôi không biết chắc sẽ xảy ra những bất ổn gì. Trước hết niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ suy giảm mạnh và uy tín tài chính Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng,” anh lý giải.
“Nhà nước nên sớm trả tiền để ổn định lòng dân cũng như lấy lại uy tín cho SCB để SCB có thể hoạt động bình thường,” anh nói thêm.
28/04/2024 VOA Tiếng Việt - VOA
Các lãnh đạo tập đoàn Thuận An (hàng trên) và các quan chức tỉnh Bắc Giang (hàng dưới) bị bắt giữ hôm 15/4.
Tình trạng các quan chức kết nối với doanh nghiệp làm lợi cho nhau đã diễn ra ở Việt Nam hàng chục năm nay, gây méo mó cho nền kinh tế, và Nhà nước cần cải thiện cơ chế minh bạch, giám sát quyền lực cũng như tiền lương để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nói với VOA.
Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã phanh phui ra hai tập đoàn có quan hệ dây mơ rễ má với các quan chức từ cấp tỉnh lên đến cấp trung ương: tập đoàn Phúc Sơn và tập đoàn Thuận An. Các lãnh đạo của hai tập đoàn này đều đã bị bắt giữ để điều tra về các hành vi ‘Vi phạm về các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Hối lộ’.
Đáng chú ý là các vụ việc này đã khiến một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải ra đi như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng Ba do lính líu đến tập đoàn Phúc Sơn và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi hồi đầu tuần này trợ lý của ông bị bắt giam do dính líu đến tập đoàn Thuận An.
Bên cạnh đó, hàng loạt quan chức cấp tỉnh từ bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến trưởng ban quản lý dự án một số tỉnh thành cũng xộ khám vì bị phát hiện nhận hối lộ để bao che hay ưu ái cho các các tập đoàn này.
“Tình trạng sân sau có sự can thiệp của những người có quyền lực là hệ quả của một hệ thống pháp luật không cụ thể và chồng chéo, trùng lắp và có điểm mâu thuẫn với nhau,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định với VOA.
Ông chỉ ra ví dụ luật đất đai có nội dung liên quan nhưng lại chỏi nhau với luật đầu tư công, luật nhà ở, luật đấu thầu… Điều đó khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro pháp lý vì hoạt động của họ có thể phù hợp với điều luật này nhưng lại vi phạm điều luật khác. Do đó, họ phải tìm đến sự bảo trợ của các quan chức.
“Theo cảm quan của tôi và qua tiếp xúc với các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp tư nhân khi muốn kinh doanh ở Việt Nam đều muốn có mối quan hệ và được sự che chở của một hay nhiều người có quyền lực liên quan đến lĩnh vực họ kinh doanh. Điều ấy sẽ dẫn đến môi trường kinh doanh không công khai, không minh bạch, không trong sạch và có thể bị bóp méo vì những lợi thế không phải năng suất lao động, không phải do tiến bộ khoa học kỹ thuật,” ông Doanh nói.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu giám đốc Viện nghiên cứu phát triển IDS và hiện là một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với VOA rằng trong một nền kinh tế phát triển khá nhanh như Việt Nam thì ‘chắc chắn sẽ xảy ra’ tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nghiệp để chia chác thành quả cũng như tài nguyên đất nước.
“Người ta (quan chức) có thể nghĩ rằng để cho nền kinh tế phát triển được như thế cũng là cái công của người ta nên họ cũng phải được hưởng một phần gì đó,” ông nhận định.
“Lẽ ra phần người ta được hưởng là phải được quy định rất rõ ràng trong luật, như lương, thưởng đàng hoàng cho các quan chức người ta được hưởng một cuộc sống có thể là không rất giàu nhưng cũng không kém những người làm trong các doanh nghiệp bao nhiêu.”
Theo quan sát của ông A thì lương quan chức hiện giờ ‘rất thấp so với các doanh nhân’. “Từ mớ bòng bong đó dẫn đến một khế ước xã hội ngầm là phải chia chác bằng một cách gì đấy phần lợi nhuận sinh ra,” ông phân tích.
“Khi cơ hội nảy sinh thì không thể không có chuyện người ta bằng cách này hay cách kia tham nhũng,” ông nói thêm và cho rằng dễ nhất là ‘quyền quản lý đất, quyền cấp phép cái này, cái kia, tạo điều kiện trúng thầu’.
Theo lời ông thì điều này ‘cũng là đúng’ vì ‘con người ai cũng có nhu cầu về vật chất tiền bạc’ và Đảng không thể đòi hỏi các cán bộ của mình ‘phải cống hiến, phải hy sinh vì nước để chấp nhân mức lương thấp’.
Ông A cho biết tình trạng này đã xảy ra ở Việt Nam được 30-40 năm rồi và ‘quy mô hành vi ngày càng lớn theo quy mô nền kinh tế’ và ‘không chỉ ở các quan chức cấp cao trong phạm vi tứ trụ mà là toàn bộ bộ máy Nhà nước’.
“Có một nghịch lý là thu nhập chính thức của các quan chức Nhà nước từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh rất thấp so với mặt bằng thị trường nhưng ai cũng muốn chạy để vào được các chức đấy,” ông chỉ ra.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì chỉ ra cơ chế giám sát quyền lực của Việt Nam: “Tình trạng này xuất hiện bởi vì hiện nay cơ chế giám sát quyền lực của Việt Nam vẫn còn có những lỗ hổng, như chúng ta đã thấy rất nhiều những bí thư, chủ tịch một số tỉnh đã bị bắt. Điều đó chứng tỏ những người này đã hoạt động mà không có sự giám sát có hiệu lực để ngăn chặn kịp thời những vi phạm của họ.”
Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng các văn bản chính thức của chính quyền Việt Nam đều có đề cập đến vấn đề này và hệ quả tiêu cực của nó đối với nền kinh tế.
“Đây là một hiện tượng không tốt cho phát triển kinh tế nhất là nhìn trong dài hạn, nguồn lực phát triển méo mó và gây ảnh hưởng niềm tin xã hội vào con đường phát triển, cải cách của Việt Nam,” ông cho biết.
Theo giải thích của ông thì việc các doanh nghiệp đưa tiền bôi trơn cho các quan chức để họ được kinh doanh thuận lợi sẽ ‘dẫn đến nguồn lực bị phân bổ méo mó vì nó không dựa trên các yếu tố cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là nguy hại trong phát triển nguồn lực, khiến cho nguồn lực không được phân bổ đến nơi tốt nhất có thể’.
Về cách giải quyết như thế nào, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện môi trường luật pháp để nó được rõ ràng hơn, công khai hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam ‘hiện vẫn ở mức trung bình thấp’, cũng theo lời ông Doanh.
“Theo tôi thì phải chuyển đổi mạnh sang kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử mới cải thiện được tình hình hiện nay,” ông nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát quyền lực.
16/04/2024 VOA Tiếng Việt
Ba lãnh đạo của một tập đoàn xây dựng cầu, đường ở Việt Nam vừa bị công an khởi tố để điều tra về các tội ‘Đưa hối lộ’, ‘Nhận hối lộ', và ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, Bộ Công an cho biết.
Theo thông tin mà người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, nói với báo chí trong nước hôm 15/4 thì họ đã bắt giữ các ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc và Nguyễn Khắc Mẫn, phó Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.
Tập đoàn có trụ sở ở Hà Nội này được ông Hưng thành lập cách đây 20 năm và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ những gói thầu do Nhà nước giao, theo truyền thông trong nước.
Trước tập đoàn Thuận An không lâu, một số lãnh đạo của Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu ‘Pháo’, đã bị bắt để điều tra về các tội hối lộ, sai phạm trong đấu thầu và gian lận tài chính.
Đáng chú ý là sau khi ông Hậu bị bắt, hàng loạt lãnh đạo, cả đương nhiệm lẫn về hưu, ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi lần lượt ‘ngã ngựa’ vì bị phanh phui đã nhận tiền của Phúc Sơn. Đỉnh điểm là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị bãi miễn tất cả các chức vụ hồi tháng Ba do được cho là dính dáng đến Phúc Sơn. Tuy nhiên, nguyên nhân được thông báo khi ông Thưởng bị bãi nhiệm là vì ông đã “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”
Hiện giờ chưa rõ vụ việc ở Tập đoàn Thuận An có liên quan đến các quan chức cấp cao nào hay không và cũng chưa có lãnh đạo cấp tỉnh nào bị bắt như trong vụ Phúc Sơn. Theo thông tin của tờ Tuổi Trẻ thì trong vòng 5 năm qua tập đoàn này đã trúng thầu đến 22.612 tỉ đồng, bao gồm 8.272 tỉ đồng là được ‘chỉ định thầu’, tức là không cần đấu mà vẫn được cho trúng thầu.
Tổng cộng, họ đã trúng 39 trong 51 gói thầu mà họ tham gia đấu thầu từ năm 2019 đến nay, cũng theo Tuổi Trẻ. Các gói thầu mà họ tham gia đấu thầu trải dài khắp cả nước từ bắc xuống nam.
Bộ Công an không nói cụ thể các sai phạm ở tập đoàn này đã xảy ra như thế nào. Nhưng, theo ghi nhận của Công an Nhân dân, ngoài ba lãnh đạo của Thuận An bị bắt, Bộ Công an cũng bắt giữ thêm ba cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Nhận hối lộ’.
Sau khi bắt giữ những bị can trên, Bộ Công an sẽ thẩm vấn để mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm cũng như xác định thêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản, cũng theo Công an Nhân dân.
Hiện tại, Bộ Công an đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắc Lắc cung cấp toàn bộ hồ sơ và tài liệu liên quan đến gói thầu của Thuận An tại dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thành phố Buôn Mê Thuột có giá trị 1.500 tỷ đồng, tờ Tiền Phong cho biết. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu rà soát các dự án, các gói thầu trên địa bàn tỉnh được giao cho Thuận An.
Đây là những vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang tiếp tục mở rộng. Trước khi ông Thưởng bị bãi nhiệm, các quan chức hàng đầu khác của chính phủ Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đã phải xin thôi chức vì liên quan đến các đại án tham nhũng.
27/04/2024 Thiên Hạ Luận - VOA
Cờ Đảng và cờ Việt Nam trên một đường phố Hà Nội hồi năm 2016. Giới quan sát cho rằng, việc ông Vương Đình Huệ mất chức không phải chuyện lớn. Thể chế hiện tại mới là điều quan trọng. Hình minh họa.
Trân Văn
Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 lại họp bất thường thêm một lần nữa để xác định các “tin đồn” về ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là hoàn toàn chính xác, chẳng có chút nào... thất thiệt [1]. Đó cũng là lý do nhiều người sử dụng mạng xã hội đùa như Lê Thượng Tiến vừa đùa: Từ hồi COVID tui đã biết ông bảo vệ công ty làm cho CIA rồi vì ổng nói cái gì đúng cái đó…Nể [2]!
Tuy BCH TƯ đảng khóa 13 chỉ xác định ông Huệ tự nguyện từ nhiệm, từ bỏ tất cả các chức vụ vì có “vi phạm, khuyết điểm” và họ hoàn toàn nhất trí chứ không giải thích lý do nhưng chẳng ai thắc mắc vì “tin đồn” đã đáp ứng “quyền được biết” của các công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chẳng có ai ngạc nhiên vì sao chỉ trong vòng một tháng, hai Ủy viên Bộ Chính trị, một đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, một đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội cùng tự nguyện từ nhiệm....
Có người như Nguyên Tống nhận xét: Cách mạng đang trong tình thế nguy nan. Số lượng đảng viên trung kiên - cao cấp bị lộ và bị bắt có lẽ nhiều hơn số ngày xưa bị Pháp lẫn Mỹ bắt! Bởi Danh Nguyen – một thân hữu của Nguyên Tống - than: Quân ta bắt quân mình, thốn quá! Nên Thang Vu trấn an: Các đồng chí chưa bị lộ vẫn đông như quân Nguyên nên đừng lo thiếu nguồn. Còn Hung Vuong thì dửng dưng: Toàn lưu manh chính trị, bọn hại nước hại dân thôi! Nguyen Phuc tưng tửng: Lỗi thuộc về toàn dân nhé [3].
Từ thực tế như đã biết, Trần Quốc Quân cho rằng: Với cơ chế này, trong thể chế này, gần như quan chức nào, doanh nhân nào cũng là tù nhân dự bị không số. Nguyễn Hoàng Tuyển góp thêm: Tất cả đang trong nhà tù lớn, ai đặc biệt mới được vinh dự vào nhà tù bé, giờ các đồng chí có thể xây dựng chi bộ đảng vững mạnh trong nhà tù vì đông về số lượng. Huệ Nguyễn Thị Thu – một thân hữu khác của Trần Quốc Quân – tâm sự: Hôm qua Biên tập viên của VTV1 đọc danh sách cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị kỷ luật dài đến nỗi em phải chuyển kênh vì thấy tăm tối quá! Kinh khủng! Chỉ một tỉnh thôi mà ngần ấy kẻ sai phạm!
Cá nhân ông Vương Đình Huệ không phải là chủ đề chính, vấn đề chính mà dân chúng – những người sử dụng mạng xã hội như các thân hữu của Trần Quốc Quân – luận bàn là thể chế. Ví dụ theo Nghia Vo: Quan lại ai cũng tham nhũng, hư hỏng. Các nhóm lợi ích kiểm soát mọi lĩnh vực. Lừa đảo giả dối khắp nơi. Bằng giả, tiến sĩ dỏm tràn ngập. Dân thì không ngại đâm chém... Có thể nói mô hình phát triển gọi là định hướng XHCN của Việt Nam lúc này đã hoàn toàn sai đường. Còn sống được chỉ nhờ kiều hối, FDI chống đỡ, không có chắc rã rồi. Thấy sai mà vẫn bắt dân phải theo mình là một tội ác. Người ra khỏi nhà nước này cảm thấy cuộc đời mình thật vô nghĩa khi cống hiến cho ảo tưởng giả dối, tưởng đẹp nhưng hại người biết bao nhiêu...
Cùng mạch nghĩ ấy, Ton Hoang nhận định: Cái mất lớn nhất, phải cả trăm năm may ra mới khôi phục được là đạo đức, văn hoá, lương tri, phẩm giá. Có khi phải vài thế kỷ! Cũng có người thẳng tuột như Viet Nguyen: Cơ chế này tạo ra lũ ăn cướp, nếu muốn sạch sẽ thì phải xóa đi làm ván mới. Đau nhưng phải làm. Đó chính là trách nhiệm của nhân dân [4].
***
Trong hơn hai năm (từ 1/2021 đến 4/2024), BCH TƯ đảng khóa 13 tụ tập 15 lần trong đó có bảy lần “bất thường” và 11/15 lần chỉ nhằm loại bỏ những cá nhân được giới thiệu là... “mẫu mực”. Không ít người bày tỏ sự ngán ngẩm như Đặng Tuấn Trung: Chưa bao giờ cuộc cờ mịt mù khói lửa như thế này. Máu chảy, đầu rơi lênh láng. Luật rừng được thi triển, cựu binh vào cuộc, mạch phim càng hồi hộp. Long Bùi góp thêm mong muốn có sự thay đổi lãnh đạo cao nhất vì: Cái kiểu nửa nạc nửa mỡ này rất khó làm ăn. Tham thì nhận tham, ăn thì nhận ăn, quyền lực một người cũng được nhưng nó rõ ràng. Đặng Tuấn Trung đáp lại: Đúng vậy! Trách nhiệm đầu tiên của chính quyền là phát triển kinh tế, tạo an sinh xã hội nhưng giờ, lãnh đạo các địa phương nằm im, thở khẽ chỉ vì trò hề củi lò vô pháp. Sai bắt, đúng cũng bắt. Chỉ ngoan là yên thân. Ngày nào cũng nghe tán trò bắt bớ chứ không thấy triển khai dự án, kế hoạch nào, xã hội thì hoang mang xáo trộn [5]…
Ngoài việc chia sẻ một ý kiến nhiều người tán thành: Với thể chế này chỉ là may hơn khôn chứ chẳng ai tử tế, trong sạch đâu [6], Võ Anh Dũng thở dài: Thượng thư, Thái thú, Lãnh chúa đã vào tù không ít. Tứ đại Thiên vương cũng lần lượt “bỏ của chạy lấy người” thì... hết biết [7]!
Có người như Anh Pham xem chuyện xử lý hết Chủ tịch Nhà nước đến Chủ tịch Quốc hội là “ăn vã lãnh đạo” và bàn: Vấn đề không còn là cá nhân lãnh đạo không tốt đẹp sạch sẽ mà là nền thuộc loại không sửa được. Trong môi trường như thế khó ai giữ cho mình sạch. Thay vì việc đốt đuốc đi tìm người tài đức để kế thừa, kế nhiệm thì bắt đầu phải tính việc trăm năm bắt đầu từ thiết kế lại những rường cột của nền văn hóa trọng con người, bao dung, đề cao nhân phẩm. Dù bắt đầu ngay thì trăm năm chưa chắc đã gột rửa được bản tính cũ nhưng vẫn cứ nên bắt đầu [8].
Chú thích
[2] https://www.facebook.com/lethuong...
[3] https://www.facebook.com/nguyen....
[4] https://www.facebook.com/quocquan....
[5] https://www.facebook.com/Tuan...
[6] https://www.facebook.com/photo...
[7] https://www.facebook.com/voanh....
[8] https://www.facebook.com/...
28/04/2024 Lê Quốc Quân - VOA
Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Hình minh hoạ, ông Trọng phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 1 tháng Hai, 2021.
Chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ. Chỉ sau hơn 1 năm, hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và một chủ tịch quốc hội buộc phải từ chức.
Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.
Tính đồng phục trong quản lý báo chí đã quay trở lại một cách đầy khiên cưỡng giữa một thế giới đang số hoá và tràn ngập thông tin. Bởi vậy tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.
Các quy định của đảng?
Chưa bao giờ các quy định nội bộ của Đảng cộng sản được các đảng viên lo lắng tìm hiểu và học thuộc như bây giờ. Chưa bao giờ Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của Nhà nước một cách chóng vánh trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.
Trong những năm gần đây, càng bị bế tắc về lý luận soi đường, Đảng cộng sản Việt Nam càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.
Theo Quy định số 66/QĐ-TW về Thể loại, thẩm quyền và thể thức ban hành văn bản của Đảng thì Đảng cộng sản Việt nam hiện nay đang có 25 thể loại văn bản và 8 loại văn bản, giấy tờ hành chính. Một hệ thống cơ quan của Đảng vẫn trải dài từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến tận các bản làng xa xôi, lũng đoạn và can thiệp vào mọi công việc của chính quyền.
Song song với hàng loạt quy định của Đảng được ban hành, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn kịp hoàn thiện được một số tác phẩm dày cộm của mình, trở thành “nền tảng lý luận cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới”.
Ba vũ khí quan trọng để hạ bệ nhau
Từ năm 1980, Đảng cộng sản Việt Nam đã học theo mô hình Liên Xô, đưa Điều 4 vào Hiến pháp, cho phép Đảng cộng sản “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Dựa vào đó, Đảng bắt đầu đưa ra các quy định của riêng mình, để len lỏi điều hành toàn bộ cả quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã “nấp mình trong dân” và lãnh đạo một cách khéo léo qua các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nhưng gần đây, khi xung đột càng cao lên, số lượng đảng viên lớn và khả năng quản trị khó khăn hơn giữa một thế giới “phẳng hơn”, Đảng đã đưa ra các loại văn bản của mình để quản lý, điều hành và “kỷ luật” lẫn nhau một cách công khai và bài bản hơn.
Bộ ba “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:
Tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.
Trong 19 Điều đảng viên không được làm theo Quy định 37/QĐ-TW thì có những mục rất cụ thể, đọc giống như các Điều khoản trong Chương XXIII về “Các tội phạm về tham nhũng”, như: “Tham ô, hối lộ, nhận tiền, chạy chức, chạy quyền, đánh bạc….” (Điều 14,15); nhưng cũng có những điều rất mơ hồ đọc như một văn bản tôn giáo như: “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức..” hoặc “thờ ơ, vô cảm với những hành vi sai trái trong xã hội, mê tín, thực hành mê tín, tổ chức tiệc cưới, việc tang xa hoa…” (Điều 18)
Quy trình đánh một “mục tiêu” là Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của đảng” rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với Pháp luật của Nhà nước.
Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật hình sự.
Áp dụng cho tất cả cán bộ
Lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng cộng sản để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” nghĩa là áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.
Điều 3 của Quy Định 41/QĐ-TW minh định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, nghĩa là từ một nhân viên cấp thấp nhất cho đến vị trí lãnh đạo nhà nước cao nhất đều bị đảng “lãnh đạo và quản lý”.
Thời gian trước, Quốc hội đã từng bàn về việc dân được trực tiếp bầu ra trưởng thôn, nhưng không lâu sau đó Nghị quyết liên tịch (số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN) đã khoá trái điều này bằng cách Quy định mọi ứng viên phải được báo cáo với Chi uỷ Chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất danh sách người ra ứng cử (từ 1-2 người).
Như vậy, bằng Quy định nội bộ của mình, Đảng cộng sản đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.
Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi mà không được biết lý do. Rõ ràng nhân dân không thể không hoang mang khi chỉ cách đây hơn 2 năm, vào ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ đã được 100% Đại biểu quốc hội có mặt bầu làm Chủ tịch quốc hội. Các cơ quan truyền thông khi đó đều đồng loạt ca ngợi ông Huệ như một niềm hy vọng cho đất nước, dẫn dắt “cơ quan quyền lực cao nhất” đến những cải tổ pháp lý quan trọng.
Nhưng rồi, cũng chính ông, nếu không từ chức chắc chắn sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn và báo chí có thể bắt đầu viết về ông như những tên tội phạm. Hàng loạt câu hỏi nhức buốt cứ vương vấn trong đầu những người còn suy tư về đất nước rằng thực tế ông đã phạm vào điều gì?
Rút súng bắn vào chân mình
Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Ông Trọng đã kiên quyết gắn cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và “đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền” trong các tác phẩm của mình, sáng tạo và làm lây lan một loại vi rút “nội quy” trong toàn bộ đảng viên đang giữ chức vụ.
Việc “sản xuất vũ khí” là công tác quan trọng nhưng cũng nguy hiểm. Trong khi say sưa đưa ra các quy định nội bộ của riêng mình tưởng như để làm “trong sạch” và vững mạnh đảng của mình, Ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt toàn đảng trước một nguy cơ vô tiền khoáng hậu khi các “vũ khí pháp quy” đang vượt khỏi tầm kiểm soát và được sử dụng lung tung.
Với tư cách là đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa, Ông không thể ngờ được rằng hàng loạt Uỷ viên Bộ chính trị có thể ra đi và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.
Nghiêm trọng hơn, Nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “Hội kín đó” và tương lai thực sự sẽ ra sao?
27/04/2024 Hoàng Trường - VOA
Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)
Lần đầu tiên cả giới chuyên gia lẫn Chính phủ Việt Nam đã buộc phải lên tiếng về Funan Techo. Lịch sử Cambodia liệu sẽ nhớ về triều đại Hun Sen – Hun Manet như một cột mốc huy hoàng hay một tác nhân gây đảo lộn hệ sinh thái không chỉ cho Việt Nam?
Đề nghị tạm hoãn dự án
Có những cột mốc trong quan hệ Việt Nam – Cambodia mà giờ đây mới cảnh báo thì quả là hơi muộn. The Funan Techo Canal (Việt Nam gọi là Kênh đào Phù Nam Techo) là một trong những cột mốc – sự kiện như thế! Nhưng thà muộn còn hơn không!
Ngày 23/4 tuần trước, lần đầu tiên Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam đã tổ chức tại thành phố Cần Thơ một Hội thảo về ‘Dự án Kênh đào Funan Techo’. Ở đây có hai công đoạn quan trọng đã được Hội nghị nhấn mạnh là cần nghiên cứu kết quả thực hiện ‘Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới’ (gọi tắt là TbEIA), cùng với việc xem xét kết quả thực hiện ‘Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận’ (Viết tắt là PNPCA) của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) đối với dự án nói trên (1).
Thật ra, nghiên cứu tác động (TbEIA) và tiến hành thủ tục thông báo (PNPCA) đáng ra đã phải được gióng lên như là những hồi chuông báo động ngay từ cách đây hàng năm trời, lúc Cambodia bắt đầu công khai rộng rãi cho các cơ quan liên đới. Bởi vì, về thực chất, nếu dự án Funan Techo được tiến hành như dự tính, thì đấy là chiếc đinh cuối cùng ‘đóng vào quan tài’ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo nhận định của Tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center, nói với RFA (2).
Tại Hội nghị nói trên, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ cho hay, các quốc gia trong lưu vực Mekong cần tuân thủ theo nguyên tắc và tinh thần sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hòa bình, không gây nguy hại cho các quốc gia khác và chia sẻ lợi ích. Đồng thời các nước cùng chia sẻ rủi ro một cách công bằng nguồn nước chung, giảm thiểu tối đa tác hại đối với môi trường, hệ sinh thái và sinh kế dựa vào nguồn nước của hàng triệu người dân sống dọc theo dòng Mekong, con sông lớn nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia tính toán kênh đào Funan Techo mà Cambodia triển khai ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mekong về ĐBSCL có thể giảm 50%. TS. Lê Anh Tuấn đề xuất: ‘Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Cambodia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan’ (3). Không rõ, đề nghị muộn màng này có được chuyển đến Ban Thư ký MRC, Cambodia và các quốc gia thành viên Ủy hội, vì không thấy TTXVN đề cập đến trong bản tin.
Nhưng không riêng gì giới chuyên gia, ngày 11/4/2024, trong cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đoàn Khắc Việt cũng đã nêu quan điểm của Chính phủ Việt Nam về ‘Dự án kênh đào Funan Techo’, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong. Hà Nội đã đưa ra đề nghị, Cambodia nên phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái của ĐBSCL, để đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong lưu vực (4). Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam chính thức lên tiếng công khai về việc Cambodia xây kênh đào Phù Nam Techo. Mà không riêng gì Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã kịp thời bày tỏ quan điểm chính thức về ‘Funan Techo’. Washington kêu gọi Cambodia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam (5)
Thanh minh là tự thú
Cũng tuần trước, ông Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng Viện Cambodia đã lên tiếng phủ nhận con kênh ‘Funan Techo’ sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Trung Quốc từ Căn cứ Hải quân Ream đi lên dòng sông Mekong.
Ông Hun Sen viết trên Diễn Đàn X: “Tại sao Cambodia lại đưa quân Trung Quốc vào đất nước của mình, điều đó vi phạm Hiến pháp. Và tại sao Trung Quốc lại đem quân vào Cambodia, đi ngược với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Cambodia’. Hun Sen thanh minh như thế này là để phủ nhận điều mà tờ The Straits Times ngày 9/4 cho rằng, ‘dự án kênh đào Cambodia có thể tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc tiếp cận khu vực’ (Canal project could facilitate Chinese military access) (6).
Dư luận nhận thức rõ, dự án Kênh Funan Techo có ‘công dụng kép/ lưỡng dụng’ (dual-use), tạo thuận lợi cho sự xâm nhập bằng quân sự của Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ Cambodia, sát với biên giới Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Manet cố gắng xoa dịu lo ngại của Thủ tướng Việt Nam về tác động môi trường, khẳng định kênh đào sẽ không gây gián đoạn nguồn nước và gây nguy hại đến môi trường cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Giám đốc Brian Eyler từ Trung tâm Stimson Đông Nam Á nói với Nikkei Asia rằng các bản đồ của Ủy ban Sông Mekong cho thấy tác động trực tiếp của kênh đào đối với dòng chính con sông sẽ lớn hơn nhiều so với những tuyên bố của Cambodia (7).
Có thể thấy, kênh đào Phù Nam là một công trình đặc biệt. Chắc chắn Hun Sen muốn để lại dấu ấn về triều đại của cha con ông. Lịch sử Cambodia liệu sẽ nhớ về triều đại Hun Sen – Hun Manet như một cột mốc chói lọi hay một tác nhân đảo lộn hệ sinh thái, gây khủng hoảng về biến đổi khí hậu không chỉ cho Việt Nam? Theo nhận định của giới chuyên gia, Funan Techo còn có thể gây tác động lên chính Biển Hồ Tonle Sap. Bản thân Cambodia lẽ ra phải rất quan tâm đến điều này, vì nhiều năm nay Biển Hồ đã bị mất dần nhịp lũ. Khi thêm kênh Funan Techo cùng chảy với sông Tiền và Hậu ra Biển Đông thì liệu nhịp lũ cho Biển Hồ còn tồn tại được không? Các con đê của kênh đào này có thể khiến nước chảy về hướng đông và ngược vào các nơi tại Cambodia vốn trước đây chưa từng ngập lũ. Các chuyên gia lo ngại về khả năng dẫn tới lũ lụt tại thành phố Takeo và các vùng ở phía nam ngoại ô Phom Penh (8). Lịch sử cũng đã để lại những bài học đáng cảnh báo. Một nghiên cứu từ Đại học Buckley (Mỹ) từng tìm thấy bằng chứng về các mùa mưa mạnh khiến hệ thống thủy lợi của kinh đô Angkor xa xưa, sau một thời kỳ hạn hán, bị phá hủy hoàn toàn (9).
Phúc họa tương sinh
Bắc Kinh nhận tài trợ cho dự án Funan Techo trị giá 1,7 tỉ đô la, gồm 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên. Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao. Có thể nói, hệ thống kênh đào là một biểu hiện tập trung của việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Phnom Pênh và Bắc Kinh trong khuôn khổ ‘BRI’ và ‘Lục giác Kim Cương’, với sáu lĩnh vực trọng yếu gồm chính trị, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa.
Giới quan sát chia sẻ khả năng kênh Funan Techo còn có thể giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở xứ Chùa Tháp. Từ năm 2022, Trung Quốc đã ‘thế chân Mỹ’, giúp Phnom Penh nâng cấp căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville ở miền nam, nhìn ra vịnh Thái Lan. Ngày 6/6/2022, báo chí Mỹ tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ được Phnom Penh dành độc quyền sử dụng một phần căn cứ. Ngày 18/4/2024, trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ Hải quân Ream trong hơn 4 tháng. Đấy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc tới Ream và từ đấy tới các nước khác (10).
Xem vậy để thấy, nhân sinh tại thế tựa như một giấc trường luân. Họa phúc không xảy ra trong một buổi. Dự án Funan Techo cần được nhìn nhận trong tương quan chiến lược vùng. Theo một bình luận trên Diễn đàn VOA ngày 9/4/2024 các thỏa thuận quốc phòng giữa Trung Quốc và Cambodia hiện nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật (11). Không ngẫu nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, trong một chuyến công du mới đây tại Cambodia đã nêu các vấn đề liên quan đến căn cứ hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ, theo tiết lộ từ báo South China Morning Post. Trong một thế trận cờ vây tương lai, Funan Techo với ‘Lục giác Kim Cương’ là lý do để ‘Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi các xây dựng xung quanh căn cứ Hải quân Ream, cũng như vai trò của quân đội CHND Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai. Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong khu vực là ‘để đảm bảo rằng các đối tác của Mỹ tiếp tục có thể bảo vệ được chủ quyền của mình’ (12). Một ‘Đại sử ký’ mới đây được Bác sỹ Ngô Thế Vinh ghi chép và lưu giữ trên VOA cho thấy câu hỏi ‘Kênh đào Funan Techo sẽ là dấu ấn một triều đại hay nó sẽ gây tai họa cho nhiều đời?’ vẫn còn treo đấy trong mối bang giao giữa Cambodia với Việt Nam và các nước trong khu vực (13).
Tham khảo:
(1) https://www.vietnamplus.vn/uy-ban-song-mekong-viet-nam-tham-van-ve-du-an-kenh-funan-techo-...
(2) https://www.rfa.org/vietnamese...
(3) https://vnexpress.net/chuyen-gia-du-an-kenh-funan-techo-co-the-khien-nuoc-ve-mien-tay-giam-...
(4) https://baochinhphu.vn/viet-nam-rat-quan-tam-den-du-an-kenh-dao-funan-techo-cua-campuchia-...
(5) https://www.bloomberg.com/news/-...
(6) https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/hun-sen-denies-cambodia-canal-project-could...
(7) https://www.youtube.com/watch?v=ceFvGsWwaIY
(8) https://www.rfa.org/vietnamese...
(9) https://vnexpress.net/de-quoc-khmer-bi-diet-vong-nhu-the-nao-...
(10) https://thanhnien.vn/csis-tau-chien-trung-quoc-hien-dien-nhieu-thang-o-can-cu-hai-quan...
(11) https://www.voatiengviet.com/a/phu-nam-techo-tien-trach-ky-hau-trach-nhan-/7562758.html
(12) https://www.scmp.com/news...
(13) https://www.voatiengviet.com/...
28/04/2024 - VOA
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 21/9/2023 tại Washington DC. Tại buổi gặp này, ông Chính đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét yêu cầu đánh giá lại tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, Liên minh các công ty sản xuất của Mỹ phản đối công nhận quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế thị trường, nêu lên những lo ngại trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ (DoC) đang trong quá trình 270 ngày lấy ý kiến để xem xét yêu cầu của Việt Nam muốn được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Việt Nam chính thức nộp yêu cầu này lên Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/9, ngay trước khi Washington và Hà Nội nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Trong phần bình luận gửi lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để phản hồi quyết định xem xét yêu cầu cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam của DoC, Liên minh các công ty sản xuất Hoa Kỳ (AMM) nói rằng họ “mạnh mẽ phản đối yêu cầu của Chính phủ Việt Nam rằng Bộ [Thương mại Mỹ] không coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nữa trong bối cảnh luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ.”
Liên minh, được thành lập năm 2007 bởi một số nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ và Nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam nên tiếp tục được coi là nền kinh tế phi thị trường vì sự kiểm soát của Chính phủ đối với nền kinh tế nước này.
Việt Nam, trong yêu cầu khởi xướng rà soát để xem xét vấn đề kinh tế thị trường gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng họ đã có những “bước phát triển và cải cách mạnh mẽ” kể từ khi Mỹ lần đầu tiên xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm cá phi lê đông lạnh của Việt Nam vào năm 2002.
“Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển đổi và không nên bị coi là NME (kinh tế phi thị trường),” Bộ Công Thương Việt Nam nói trong bản đề nghị, đồng thời cho biết có 72 quốc gia – nổi bật là Anh, Canada, Úc và Nhật Bản – đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Bộ Công Thương nói rằng những thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách quan trọng kể từ chính sách “Đổi Mới” năm 1986 của Việt Nam đảm bảo tái xác nhận quốc gia này là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, AMM cho rằng Việt Nam vẫn “tiếp tục hoạt động như một nền kinh tế phi thị trường” khi đưa ra những phân tích cho thấy quốc gia Đông Nam Á không đáp ứng được 6 yếu tố mà DoC dùng để xác định một nền kinh tế thị trường.
‘Quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc’
Trong số những quan ngại hàng đầu mà AMM nêu lên là việc Việt Nam, quốc gia xã hội chủ nghĩa có hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vốn đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.
“Kể từ khi GOV (chính phủ Việt Nam) yêu cầu CCR (rà soát tình trạng thay đổi), Chính phủ Việt Nam chỉ có tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc bằng việc công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai nước láng giềng cộng sản,” AMM viết trong bản nhận định gửi bà Raimondo.
Việt Nam và Trung Quốc ký kết 36 văn kiện hợp tác và nhất trí xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai chung” trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội hồi tháng 12, chỉ vài tháng sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ.
“Có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại,” Chủ tịch AMM, Scott Paul, nói với VOA.
“Một số công ty Trung Quốc đang vào Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang các thị trường khác và để khai thác lao động cũng như tài nguyên,” ông Paul nói.
Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và sau đó thay bao bì cũng như gắn nhãn “Made in Vietnam” trước khi xuất khẩu sang Mỹ và các nước như châu Âu. Các quan chức Việt Nam đã phát hiện ra việc này và cho rằng Trung Quốc cố tình dán mác sản xuất ở Việt Nam lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ.
Việt Nam hồi tháng 7/2020 nói rằng họ đã kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Nêu quan ngại về sự gắn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc về mặt hàng hóa, AMM cho rằng “phần lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, điều này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát các doanh nghiệp [của họ] hoạt động tại Việt Nam và nói rộng hơn là đối với các ngành của nền kinh tế Việt Nam.”
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng vào tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất đã phải cảnh báo rằng có một làn sóng “với quy mô cực lớn, cực nhanh” của các công ty Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam để né thuế. Theo ông Tuất, các công ty Trung Quốc hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam.
AMM cho rằng việc nâng Việt Nam lên vị thế nền kinh tế thị trường “sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” vì Việt Nam “có mối liên hệ chính thức... về mặt chính trị, phòng thủ và kinh tế” với Trung Quốc, hiện được xem là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh của Mỹ.
Đưa ra dẫn chứng về thương mại không công bằng nếu cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, AMM nói rằng Việt Nam “là trung tâm của lao động cưỡng bức và vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).”
“Việt Nam đã được chứng minh là nguồn cho các hàng hóa nhập khẩu phá giá bị phát hiện gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước và người lao động cũng như cộng đồng của họ,” AMM cho biết.
Hải quan Mỹ hồi tháng 2 nói rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Việt Nam bị dùng để ‘né thuế’
Hàng chục nhà lập pháp Mỹ, trong bức thư chung gửi bà Raimondo để nêu quan ngại về việc DoC rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, cũng đã thúc giục Bộ Thương mại Mỹ “phải tính đến mối quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc và Việt Nam tích cực tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại giữa hai nước.”
“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ Trung Quốc, khiến ngành này ‘dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng,” hơn 30 nhà lập pháp Mỹ viết trong thư và nhắc tới chính cảnh báo trước đây của DoC về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để né thuế chống phá giá của Mỹ áp lên hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc.
Việt Nam được xem là một đối tác quan trọng của Mỹ trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tới các nước thân thiện với Hoa Kỳ trong khi Washington tìm cách kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam về những quan ngại của AMM và các nhà lập pháp Mỹ liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khi AMM và các nhà lập pháp Mỹ phản đối, thì Hiệp hội các Nhà bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NRF) lại cho rằng Việt Nam nên được xem là một nền kinh tế thị trường vì, theo họ, quốc gia Đông Nam Á đã đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu của Mỹ. Hiệp hội thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới nói rằng việc này “đặc biệt đúng đối với các hàng hóa tiêu dùng quan trọng như may mặc, dày dép, điện tử gia dụng và đồ nội thất.”
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, trong bức thư gửi Bộ trưởng Raimondo để yêu cầu DoC khởi xướng CCR, nói rằng Việt Nam đáp ứng được 6 tiêu chí mà DoC dựa trên đó để đánh giá một nền kinh tế thị trường cũng như cho biết rằng “các yếu tố khác cho thấy kinh tế Việt Nam vận hành dựa trên các nguyên tắc thị trường.”
“Công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường sẽ là một yếu tố quan trọng của chính sách [đa dạng chuỗi cung ứng của Mỹ],” Phó Chủ tịch về Chuỗi cung ứng và Chính sách Hải quan của NRF, Jonathan Gold, nói trong thư gửi bà Raimondo.
Ông Gold cho rằng việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường có thể ảnh hưởng, hay làm dừng lại, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhưng theo Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, “đã có sự đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào lĩnh vực bán dẫn và khoáng sản đất hiếm của Việt Nam.” Nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn trong tháng này, vị giáo sư chuyên về các vấn đề chính trị và anh ninh Đông Nam Á nói rằng điều này khiến ông “lo ngại rằng Việt Nam sẽ không nằm trong chiến lược giảm rủi ro [của Mỹ] như chúng ta nghĩ.”
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ không nên tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường, hiện đang gồm có các nước kém thân thiện với Hoa Kỳ như Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn, vì, theo ông, Việt Nam “là một trong những người bạn tốt nhất của [Mỹ] ở châu Á và Đông Nam Á và giúp đứng lên chống lại Trung Quốc.”
Các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ đưa ra hôm 4/3 nói rằng Quốc hội có thể tiến hành giám sát việc đánh giá của Bộ Thương mại về tình trạng NME của Việt Nam để giải quyết những lo ngại rằng quy trình này đang bị làm gấp gáp và để đảm bảo Việt Nam đáp ứng các điều kiện của nền kinh tế thị trường theo quy chế của Hoa Kỳ. Quốc hội được khuyến nghị xem xét những tác động tiềm ẩn của quyết định về thương mại Mỹ-Việt và các mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai nước.
27/04/2024 Ngô Nhân Dụng - VOA
Ông Mike Johnson phát biểu tại Capitol Hill ngày 17 tháng Tư, 2024.
Chính sách ngoại giao Mỹ thay đổi sẽ tạo ra nhiều nạn nhân. Người dân Campuchia và Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua kinh nghiệm đó, năm 1975; dân Afghanistan, năm 2021. Trong mấy tuần lễ vừa qua, dân Ukraine cũng nóng lòng chờ coi số phận của họ. Chính phủ Mỹ vẫn nhất định hỗ trợ Ukraine chống trả cuộc xâm lăng của Vladimir Putin; Thượng viện đã thông qua một dự luật viện trợ hơn $60 tỷ đô la vũ khí; nhưng Hạ viện vẫn chưa đem ra thảo luận.
Nếu không được cung cấp thêm các hỏa tiễn phòng không, đạn dược cho các cỗ đại pháo trong vài tháng tới, quân đội Ukraine sẽ không đủ sức cầm cự sức tấn công của quân Nga trên phòng tuyến dài hàng ngàn cây số. Nếu thắng thế ở Ukraine, dù chỉ chiếm được một phần ba xứ này, cộng với bán đảo Crimea, ông Putin sẽ củng cố địa bàn để có thể lấn thêm đất đai của các nước khác như Georgia, Moldova mà quân Nga đã đánh chiếm. Các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania, cho tới Poland và Finland sẽ bị đe dọa. Thế cờ cả Âu châu sẽ thay đổi, khối NATO và nước Mỹ sẽ yếu thế. Số phận Ukraine liên can mật thiết đến địa vị và nền an ninh của nước Mỹ.
Đảng Cộng Hòa chiếm đa số mỏng manh tại Hạ viện; chỉ cần vài ba dân biểu không đồng ý thì cũng không đủ túc số để thông qua ngân sách viện trợ cho Ukraine. Một dân biểu, bà Marjorie Taylor Greene (CH-Ga.) đủ sức gây bế tắc sau khi bà đề ra quyết nghị cất chức (motion to vacate) ông chủ tịch; bà sẽ yêu cầu bỏ phiếu truất phế nếu ông Mike Johnson đem dự luật viện trợ Ukraine ra bàn.
Tuần trước, theo tường thuật của báo chí, ông Mike Johnson đã nói, “Nếu tôi lo bị cất chức, tôi sẽ không làm được gì hết. Lịch sử sẽ phán xét những việc chúng ta làm. Đây là một thời điểm quyết định. Tôi có thể chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà không làm gì cả; nhưng tôi đang làm điều mà tôi tin là chính đáng. Tôi nghĩ phải viện trợ cho Ukraine ngay lập tức.”
Thứ Bảy trước, Mike Johnson đã bất chấp những người chống đối trong cùng đảng khi yêu cầu biểu quyết ngân sách $95 tỷ mỹ kim vũ khí viện trợ Ukraine, Israel, Đài Loan trong đó Ukraine được hưởng $60.8 tỷ. Vẫn theo tường thuật của báo chí, ông giải thích tại sao quyết tâm tiến tới: “Tôi tin tưởng những tin tức tình báo mà tôi đã được nghe thuyết trình.”
Giám đốc Trung ương Tình báo (CIA) Bill Burns đã trình bày với ông chủ tịch Hạ viện về tình hình bi đát trên chiến trường Ukraine và hệ quả toàn cầu nếu không quyết định, theo tường thuật của CNN dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Ông Burns báo trước hậu quả nếu quân Nga thắng ở Ukraine, ảnh hưởng sẽ lan khắp thế giới. Các nước theo chế độ tự do dân chủ ở Âu châu sẽ bị đế quốc Nga trực tiếp đe dọa; ngay bây giờ Anh, Pháp, Đức đã lo gia tăng ngân sách quốc phòng, sản xuất thêm khí giới để giúp Ukraine và tự vệ. Sau khi nghe thuyết trình, ông Johnson cảm thấy nước Mỹ phải bảo vệ nền độc lập của Ukraine. CNN tường thuật, Johnson bị thuyết phục rằng “sinh mệnh của nền dân chủ phương tây được đặt trên vai ông.”
Đây là một “biến chuyển lớn” trong đời một dân biểu 52 tuổi, mới đắc cử tại tiểu bang Louisiana năm 2017, chỉ được dư luận toàn quốc chú ý khi ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Mike Johnson được bầu làm chủ tịch Hạ viện sau 21 ngày hỗn độn trong nội bộ các dân biểu Cộng Hòa, khiến cựu chủ tịch Kevin McCarthy phải từ chức, rồi từ bỏ luôn không làm chính trị nữa. Ba dân biểu Cộng Hòa uy tín nhất không được cánh cực hữu chấp nhận lên thay thế McCarthy; cuối cùng Johnson được chọn như một giải pháp thỏa hiệp.
Đảng Cộng Hòa chiếm đa số 217 ghế trong số 435 dân biểu của Hạ viện, nhưng chỉ có 214 người bỏ phiếu vì ba người giữ các chức vụ không được bỏ phiếu (non-voting delegates); ông Johnson phải làm sao không có ai trong đảng mình bỏ phiếu chống thì mới thắng được 213 đại biểu đảng Dân Chủ, với 210 phiếu bầu (vì có 3 non-voting delegates). Một thủ tục, được các dân biểu Cộng Hòa đặt ra khi họ chống ông McCarthy, cho phép chỉ cần một dân biểu cũng có thể đề nghị truất phế ông chủ tịch. Nỗi khó khăn của Mike Johnson là làm cách nào để không một ai cùng đảng đưa quyết nghị truất phế mình; mà bà Marjorie Taylor Greene và ông Matt Gaetz (CH., Florida) luôn luôn đe dọa. Ngay việc thông qua ngân sách các bộ trong chính phủ, như bộ quốc phòng, bộ nội an, thường được chuẩn y nhanh chóng, cũng cần phải được lèo lái, sao cho không ai chống đối!
Mike Johnson đã “đi dây” như vậy và làm được việc! Phương pháp ông sử dụng là vẫn tỏ ra đồng ý với các chủ trương của cựu tổng thống Trump, đồng thời vẫn tìm cách thỏa hiệp với đảng Dân Chủ. Ngoài thái độ phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Johnson còn chiều theo ý kiến của ông Trump khi bỏ qua không đưa ra bàn một dự luật về di dân và biên giới đã bị ông Trump chống, dù được chính phủ Joe Biden và Thượng viện đồng ý. Ông cũng cho Hạ viện thảo luận và biểu quyết “đàn hạch” bộ trưởng nội an Alejandro Mayorkas, dù biết rằng sẽ bị Thượng viện, do đảng Dân Chủ chiếm đa số, bỏ qua không đem bàn.
Nhưng muốn “được việc,” ông Johnson đã bắt tay với phe đối lập. Dự luật chi $95 tỷ mỹ kim vừa rồi, hơn $60 tỷ cho Ukraine, được Hạ viện chấp thuận với lá phiếu của 210 dân biểu Dân Chủ, 101 dân biểu Cộng Hòa. Có 112 trong số 214 dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống, đi ngược lại với chính sách cố hữu của đảng là hỗ trợ các quốc gia dân chủ chống các đế quốc độc tài như Nga hay Trung Quốc.
Dân biểu Hakeem Jeffries (DC., N.Y.) phải công nhận, theo tường thuật của Washington Post, “cánh Cộng Hòa cổ truyền, do Chủ tịch Mike Johnson lãnh đạo, đã hiên ngang đứng lên trước thử thách.” Tất cả các dân biểu đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ số $60 tỷ tiền viện trợ vũ khí cho Ukraine. Bà Marjorie Taylor Greene phải chấp nhận có truất phế Johnson cũng vô ích. Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã đặc biệt nêu tên ông Johnson khi ngỏ lời cảm ơn Hạ viện Mỹ đã “chọn con đường đúng như lịch sử đòi hỏi.”
Quả thật, đây là một quyết định lịch sử. Một quyết định được cả hai đảng chính trị lớn thông qua, đã củng cố niềm tin tưởng của thế giới vào quyết tâm bảo vệ các chế độ dân chủ tự do, chống lại ách độc tài. Địa vị của nước Mỹ được củng cố vì nhiều quốc gia biết họ sẽ được Mỹ bảo vệ nếu bị Nga hay Cộng sản Trung Quốc đe dọa. Các nước như Ba Lan, Romanie ở châu Âu, Nhật Bản hay Philippines ở Á châu biết họ sẽ được Mỹ bảo vệ cho nên yên tâm duy trì các quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Mối liên kết về an ninh là một nền tảng cho các quan hệ kinh tế phát triển vững chắc. Nếu không có mạng lưới quan hệ đó thì kinh tế Mỹ cũng không thể đóng vai “một mình một chợ” được.
Đó là điều mà những dân biểu chống đối ông Mike Johnson bên trong đảng Cộng Hòa không nhìn thấy. Trong bài phỏng vấn của ký giả Ian Ward, đăng trên Politico ngày 19 tháng Tư, cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich gọi những người chống Johnson trong đảng ông là “sáu hay tám người tự yêu mình nhất trên đời” (six or eight narcissists), ngu dốt và ích kỷ (selfish idiots). Ông Gingrich đã lãnh đạo làn sóng “thắng lợi” của đảng Cộng Hòa năm 1995, khi họ chiếm đa số ghế ở Hạ viện Mỹ, sau 40 năm phải đóng vai thiểu số.
Năm nay, ông Gingrich kêu gọi những người “narcissists” hãy ngưng, đừng phá ông Johnson nữa, “Anh không thể cai trị nếu cứ mỗi ngày lại bắn vào đầu mình!” (You can’t govern by shooting yourself in the head every day), ông nói, cũng trong bài phỏng vấn của Ian Ward trên Politico.
Newt Gingrich khen Mike Johnson là người “điềm tĩnh và có kỷ luật,” mà chính ông chịu thua về khoản kỷ luật. Nhà báo hỏi, liệu những người chống đối trong đảng có tìm cách truất phế ông Johnson sau khi ông thỏa hiệp với đảng Dân Chủ để thông qua viện trợ cho Ukraine hay không, ông Gingrich đoán rằng hành động đó sẽ gây hỗn loạn một lần nữa, như hồi họ truất phế ông McCarthy. Newt Gingrich khuyên Mike Johnson cứ tiến tới vì, “Những người can đảm chỉ chết một lần, kẻ hèn nhát chịu cả trăm lần chết!” (Brave men die but once, a coward dies a hundred deaths).
Một loạt quan chức, gồm Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn… bị phạt tù trong vụ AVG – Mobifone. Nhưng liệu Bộ Công An có vô can với các công văn số 4352/BCA-A81, 418/BCA-TCAN, và 2889/BCA-A61? Hình chụp trong phiên xử tháng 12, 2019.
(tiếp theo)
Trừ ông Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), lý do khiến các ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế BCH TƯ đảng CSVN khóa 13), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước) mất tất cả chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là đã giúp sức cho một số doanh nghiệp thu lợi bất chính. Ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) – nhân vật vừa nối gót ba ông vừa kể cũng cùng lý do. Tuy nhiên, nếu vô tình hay hữu ý, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức cho doanh nghiệp tư nhân thu lợi bất chính là nghiêm trọng tới mức phải xử lý thì ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an) vô sự là hết sức vô lý...
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo cả bằng đơn, thư gửi cho các cá nhân, cơ quan hữu trách lẫn bày ra trên Internet nhằm tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào bận tâm đến những tố cáo và cảnh báo ấy. Đầu năm 2016, thương vụ hoàn tất. Tố cáo vẫn không ngừng. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng TTCP vẫn không công bố Kết luận Thanh tra (KLTT).
Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Hai hôm sau – 14/3/2018 – TTCP công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone.
Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Công an…, đã cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi TTCP chính thức công bố kết luận được xem là có... đạo diễn lành nghề giúp sức! Nhờ sự chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi TTCP công bố KLTT hai... ngày, tuy là chủ mưu nhưng ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù!
Cần lưu ý là trong KLTT vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, TTCP xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản: “Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định”[1]. Những công văn đó mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là “hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị”, nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để AVG nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này.
Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà TTCP đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân [2] tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ TTTT ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn... bốn ngày. Sự can dự được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên.
Không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại “Mật”, yêu cầu Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này” (Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015 – xếp loại “Tối mật”) .
Không phải tự nhiên mà trong KLTT, TTCP kiến nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II. Khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị đảng xử lý kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm dù lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của “đồng chí” tương đồng với các bị cáo.
***
Quy hoạch nhân sự đã nâng Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Công an lên Đại tướng – Bộ trưởng Công an, đưa ông vào Bộ Chính trị. Các quy định về quy hoạch nhân sự hứa hẹn sẽ đưa những người ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vươn tới đỉnh của quyền lực, ông Tô Lâm cũng thế và đột nhiên chỉ trong vòng hai tháng, hai trong số vài ứng cử viên cho vị trí Tổng Bí thư phải từ nhiệm vì những “vi phạm, khuyết điểm” mà bản chất chẳng khác gì hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Có bao giờ hành vi ấy trở thành... “vi phạm, khuyết điểm”. Không thể nói có cũng chẳng thể nói không vì sự “phức tạp” của quy hoạch nhân sự... còn xa hơn nữa!
(còn tiếp)
Chú thích
27/04/2024 - VOA
(1/2) Đài KRON4 tường thuật về vụ tai nạn ở Pleasanton, đề cập đến xe VinFast, 25/4/2024.
(2/2) Tin của NBC Bay Area nói hôm 26/4 rằng xe bị tai nạn hôm 24/4 là ô tô điện VinFast.
Cả 4 người trong một gia đình thiệt mạng vào tối thứ Tư 24/4 khi xe ô tô điện của họ đâm vào cây bên đường và bốc cháy ở thành phố nhỏ Pleasanton, miền bắc bang California, nhiều báo đài Mỹ đưa tin. Hai đài truyền hình KRON4 và NBC nói rằng xe gặp nạn là một chiếc VinFast sản xuất ở Việt Nam.
KRON4, có trụ sở ở San Franscisco, và NBC, ABC7, FOX 2 cùng các báo đài khác cho hay chiếc xe chở cặp vợ chồng và hai con nhỏ, đều dưới 15 tuổi, đã đâm đổ một cột đèn và lao vào một gốc cây lớn ven đường Foothill, tạo ra tiếng nổ lớn và lửa bùng lên nhanh chóng.
Một số báo đài tường thuật rằng sau khi xảy ra tai nạn, ngay cả khi các nhân viên ứng phó khẩn cấp tưởng như đã dập lửa xong, chiếc xe lại bùng cháy trở lại vài lần rồi mới tắt hẳn.
Đoạn đường nêu trên lâu nay bị xem là điểm đen tai nạn giao thông vì trước đây đã từng xảy ra ít nhất 4 vụ gây chết người vào các năm 2005, 2007, 2013 và 2017. Vụ tai nạn mới nhất gây sốc và đau buồn đối với cộng đồng, các bản tin mô tả.
Sở cảnh sát Pleasanton nói hôm 26/4 với các báo đài Mỹ rằng tài xế trong vụ tai nạn làm cả gia đình bị chết lúc khoảng 9h tối 24/4 có thể đã lái xe quá nhanh. “Tốc độ có thể là một yếu tố”, cảnh sát cho hay và nói thêm rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Nhiều người hàng xóm, đồng nghiệp của 4 nạn nhân và cả những người không quen biết đã đến hiện trường vụ tai nạn để tưởng niệm họ, các báo đài tường thuật. Những người thân thiết với gia đình nói với báo giới rằng họ không muốn nêu danh tính của những nạn nhân cho đến khi nhà chức trách làm như vậy.
Hai trang AsAmNews và Onmanorama đăng bài viết rằng các nạn nhân là người gốc Ấn Độ trong khi cảnh sát chưa công bố danh tính của họ với lý do vẫn còn phải giữ bí mật.
Trong bản tin của KRON4, phát trên internet hôm 25/4, một nữ phóng viên nói: “Gia đình này lúc đó đang lái một chiếc VinFast. Đó là một chiếc ô tô đến từ một hãng Việt Nam, nó được sản xuất ở Việt Nam. Hãng này mới chỉ hoạt động vài năm”.
Bản tin của NBC cập nhật vào tối 26/4 nói rằng cảnh sát xác định chiếc xe trong vụ việc là ô tô điện VinFast nhưng không nói rõ nó thuộc phiên bản gì.
VOA cũng liên lạc với sở cảnh sát Pleasanton để tìm hiểu thêm nhưng họ chưa hồi đáp.
27/04/2024 - VOA
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại một kỳ họp của Quốc hội ngày 13/12/2023.
Giới quan sát nhận định rằng việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức càng làm tăng thêm tình trạng bất ổn trong nước, giữa lúc chiến dịch bài trừ tham nhũng đang diễn ra làm rung chuyển giới chính trị thượng tầng và giới doanh nghiệp tại đất nước do Đảng Cộng sản cai trị.
Ông Huệ, 67 tuổi, trở thành Chủ tịch Quốc hội vào tháng 3/2021. Trong suốt thời gian qua ông được giới quan sát đánh giá là “người kín tiếng”, “ít va chạm”, từng được xem là nhân vật có khả năng trở thành người kế nhiệm chức tổng bí thư đầy quyền lực.
Nhưng những tin đồn về số phận của chủ tịch Vương Đình Huệ đã lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua, và sự sụp đổ của ông gần như không thể tránh khỏi vào đầu tuần này khi trợ lý của ông bị bắt giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi” do dính líu đến công ty Thuận An, ông Dương Quốc Chính, một nhà nhà quan sát tình hình chính trị ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA.
“Việc ông Huệ từ chức cũng không quá bất ngờ vì người ta cũng đồn đoán mấy hôm nay rồi. Hơn một tuần rồi có rất nhiều tin đồn, nên tôi cũng không quá bất ngờ”, ông Chính bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Chính nhận định rằng ông Huệ là người khá kín tiếng trong công việc, nên khá nhiều người cũng bất ngờ về những “mối quan hệ làm ăn” của ông ấy sau vụ trợ lý Phạm Thái Hà của ông bị bắt.
“Nhưng khi Bộ Công an tiến hành việc bắt giam này, khiến cho nhiều người bất ngờ, do công ty Thuận An chỉ là công ty nhỏ, dường như chỉ là sân sau”, vẫn lời ông Chính.
Một cư dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, chia sẻ với VOA rằng ông không bất ngờ về việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức, nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc đấu đá nội bộ để loại trừ đối thủ trong bộ máy cầm quyền.
“Việc này cũng không có gì ngạc nhiên. Tôi nghĩ mấy ổng không thống nhất nhau nên loại nhau là chuyện bình thường”. Người này nói thêm rằng lãnh đạo ở cấp địa phương cũng đấu đá như vậy nhưng không nêu rõ bằng chứng.
Bất ổn thượng tầng chính trị
Hôm 26/4, Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường để xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Ông Huệ trở thành nhân vật thứ hai trong nhóm lãnh đạo “tứ trụ” từ chức trong vòng chưa đầy hai tháng qua, sau khi cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng bị mất chức vào giữa tháng 3.
Hai vụ từ chức này diễn ra sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cũng bị mất chức vào tháng 1/2023.
Giới quan sát cho rằng việc từ chức này, không ảnh hưởng lắm đối với các vấn đề chính sách trước mắt, nhưng đó là một tình trạng hỗn loạn chính trị thượng tầng gây sốc cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế vì Việt Nam vốn là một quốc gia luôn tự hào về sự ổn định chính trị.
“Khi người nước ngoài nhìn vào chắc họ sẽ lo lắng và bất ngờ, vì có lẽ cũng chưa có nước nào như Việt Nam đã xử lý đến ngần đấy vụ trong một khoảng thời gian ngắn. Chắc chắn họ có những lo ngại về chính trị thượng tầng”.
Hãng tin AP hôm 26/4 dẫn lời nhà quan sát Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng việc từ chức của ông Huệ “cho thấy sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị mất chức chỉ trong một năm qua”.
Một cuộc khảo sát với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào tháng 3 cho thấy các công ty nước ngoài quyết định đến làm ăn ở đất nước này chủ yếu vì sự ổn định chính trị.
Nhà phân tích Giang nhận xét rằng ông Huệ từng được coi là người có khả năng kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói: “Sự sụp đổ của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tìm nhân vật kế nhiệm ở Việt Nam”.
Báo chí nhà nước bị bịt kín?
Tương tự như những vụ từ chức trước, các trang báo Việt Nam hôm 26/4 không nói rằng ông Huệ có dính líu đến tham nhũng, nhưng đồng loạt dẫn tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phán xét rằng ông Huệ đã ‘vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và chịu trách nhiệm người đứng đầu’.
“Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”, thông cáo của ủy ban này viết.
Giới quan sát nhận định rằng qua các vụ từ chức ở Hà Nội và những lý do đằng sau đó cho thấy nền báo chí Việt Nam chưa làm tròn nhiệm vụ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho người dân, khiến người dân phải trông chờ vào các thông tin rò rỉ từ mạng xã hội.
“Khi nói về những sân sau này, báo chí chính thống Việt Nam rất nhạy cảm, họ chỉ dám đăng những tin mà Bộ Công an cung cấp, chứ không như phương tây – họ có kênh điều tra hoàn toàn độc lập với công an và pháp lý. Báo chí Việt Nam gần như 100% phải bắt buộc đăng tin do Bộ Công an cung cấp”.
Ông Chính chia sẻ rằng ông biết nhiều nhà báo có một số thông tin khá nhạy cảm nhưng họ không được phép đăng. “Như vậy, hầu như người Việt Nam phải dựa vào những thông tin phi chính thống” trên mạng xã hội, ông Chính nói.
Luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ viết trên trang Facebook cá nhân hôm 26/4 nhận định về việc ông Huệ từ chức: “Chưa bao giờ chính trường Việt Nam mâu thuẫn căng thẳng và xung đột gay gắt như bây giờ. Cũng chưa bao giờ báo chí bị bịt kín thông tin, nhân dân chỉ biết đứng ngoài xem vị chủ tịch của ‘Cơ quan quyền lực cao nhất’ bị hạ bệ một cách bí mật, như bây giờ”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một lực lượng chiếm đóng trong một giai đoạn trên đất nước Việt Nam, nơi người dân và cả các đảng viên cấp dưới hoàn toàn không biết và không được tham gia vào công cuộc quản trị đất nước”, ông Quân viết.