Một cụm loa phường ở Hà Nội. Hình minh họa.
Chính quyền thành phố Hà Nội vẫn ngậm tăm, không thèm hồi đáp vấn đề mà dân chúng đã nêu cả trên mạng xã hội [1] lẫn hệ thống truyền thông chính thức [2] suốt tuần vừa qua: Tại sao lại phung phí hàng trăm tỉ vào chuyện sắm cờ để tặng mỗi gia đình một lá chỉ vì 20 tháng 10 sắp tới là 70 năm “giải phóng thủ đô”?
Ý tưởng tặng mỗi gia đình ở Hà Nội một lá cờ được ông Trần Sỹ Thanh - một Ủy viên của BCH TƯ đảng CSVN đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội – loan báo hôm 10/5/2024 và yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan phải hoàn thành yêu cầu này vào hạ tuần tháng chín [3].
Thiên hạ bất bình vì Hà Nội có khoảng 2,2 triệu gia đình nếu giá bán sỉ quốc kỳ là 25.000 đồng/lá, cán cờ là 3.000 đồng/cái, tổng số tiền chi cho việc mua cờ làm quà sẽ hơn... 200.000 tỉ! Không phải tự nhiên mà dân chúng nêu ra những thắc mắc kiểu như, tại sao không dùng số tiền ấy vào những việc thiết thực hơn như miễn học phí cho trẻ con?..
Lệnh “tặng” cờ bị chỉ trích kịch liệt vì ngoài thiển cận và tùy tiện trong sử dụng công quỹ nó còn là bằng chứng cho thấy chính quyền thiếu tôn trọng các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ, ngoài việc ép dân chúng nhận “quà”, chính quyền còn buộc họ dùng... “quà” bất kể dân chúng có muốn hay không!
***
Tháng trước, dân chúng Nam Hàn xôn xao bàn tán về sự kiện Sở Cảnh sát và Sở Cứu hỏa của Gwangju – một tỉnh nằm ở Tây Nam xứ này – phát thông báo tìm người hảo tâm đã tặng cua biển cho các đồn cảnh sát và trạm cứu hỏa ở Gwangju, đề nghị ông ta/bà ta liên lạc để nhận lại số quà đã tặng cảnh sát và lính cứu hỏa...
Theo báo chí Nam Hàn, sáng 8/4/2024, nhân viên nhiều đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa, phòng cấp cứu, trung tâm chăm sóc trẻ em ở khu vực Gwangju phát giác tại cửa ra vào nơi họ làm việc có một thùng chứa đầy cua biển còn sống. Trên nắp mỗi thùng có số cua biển tươi nặng khoảng hai ký này có một tờ giấy. Nội dung giống nhau, đại ý: Đây là quà của một doanh nghiệp nhỏ ở Gwangju nhằm cám ơn quý vị, những người quên mình vì nhân dân. Đây là hải sản – một loại sản phẩm nông nghiệp – nên không bị chi phối bởi các quy định về phòng/chống tham nhũng, mong quý vị không từ chối việc chúng tôi muốn tri ân quý vị [4]...
Có tất cả 280 thùng chứa cua sống được người (hoặc những người) hảo tâm thuê dịch vụ vận chuyển mang tới để trước cửa các cơ sở thuộc hệ thống bảo vệ/thực thi pháp luật, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trẻ em ở Gwangju. Trừ các bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ em, những thùng cua sống ấy đã làm lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cứu hỏa bối rối!
Lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cứu hỏa đã xin ý kiến của một ủy ban chuyên duyệt xét về việc tiếp nhận quà tặng. Sau khi tham khảo các quy định liên quan đến ứng xử của công chức và kêu gọi – tiếp nhận – sử dụng đóng góp của dân chúng, ủy ban này xác định, cảnh sát và cứu hỏa không được phép nhận những thùng cua sống này [5]...
***
Rất nhiều quốc gia có quy định tương tự Nam Hàn về nhận quà và kêu gọi – tiếp nhận quyên góp từ công chúng nói chung và doanh giới nói riêng. Lý do, quà tặng và sự đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp có thể khiến công chức thiên lệch, không bảo đảm sự khách quan, công bằng khi hành xử công quyền. Rất ít quốc gia như Việt Nam...
Trung tuần tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an tổ chức “Lễ trao tặng ‘Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh tổ quốc’ nhân dịp kỷ niệm 19 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2023)” để “tri ân, tôn vinh các doanh nhân có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân (CAND)”.
Cứ như ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an – thì các doanh nhân, doanh nghiệp được tặng ‘Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh tổ quốc’ vì họ hoặc doanh nghiệp của họ “luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ lực lượng CAND thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà đảng, nhà nước và nhân dân giao phó vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Cụ thể họ đã... “hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng CAND triển khai xây dựng các dự án trọng điểm của Bộ Công an, như: Dự án xây dựng trụ sở Bộ Công an, Dự án xây dựng Nhà hát Hồ Gươm, xây dựng trụ sở công an xã tại các địa phương,...”. Chưa kể các doanh nhân, doanh nghiệp ấy còn... “phối hợp giúp đỡ, ủng hộ lực lượng CAND các cấp trong thực hiện chủ trương an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng các trường học trên địa bàn các tỉnh còn nhiều khó khăn, các tỉnh vùng sâu, vùng xa”, nhờ vậy, “lực lượng CAND đã triển khai xây dựng trên 14.200 căn nhà cho người nghèo, tương đương 600 tỷ đồng” [6].
Tại sao ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung lại có thể thản nhiên vận động và tiếp nhận đủ thứ từ một số doanh nhân, doanh nghiệp? Khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình đến thế thì lấy gì bảo đảm ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung giữ được sự vô tư, khách quan khi thực thi pháp luật, “bảo vệ an ninh tổ quốc”? Tại sao ông Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung lại tùy tiện kiêm nhiệm việc “thực hiện chủ trương an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng các trường học trên địa bàn các tỉnh còn nhiều khó khăn, các tỉnh vùng sâu, vùng xa” rồi hăm hở vận động, tiếp nhận tiền, quà của một số doanh nhân và doanh nghiệp? Tại sao một số doanh nhân và doanh nghiệp chỉ muốn... “phối hợp giúp đỡ, ủng hộ lực lượng CAND các cấp” cho dù công an không có chức trách “thực hiện chủ trương an sinh xã hội”, cũng không phải là ngành, là nơi đủ thẩm quyền “xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng các trường học trên địa bàn các tỉnh còn nhiều khó khăn”?
***
Trước giờ, không chỉ có Bộ Cộng an như thế mà bộ, ngành, chính quyền địa phương nào ở Việt Nam cũng như thế. Cũng không phải tự nhiên lại có những doanh nhân mặc sức “chọc Trời, khuấy nước”, lũng đoạn từ trên xuống dước, từ trái sang phải. Chuyện thản nhiên dùng cờ thay cho các loại phúc lợi thiết thân và chuyện đề cao “xã hội hóa”, rồi những cuộc “vận động” nếu không đáng ngờ thì cũng là cưỡng ép cùng có một điểm chung mà chịu khó ngẫm nghĩ một chút ắt sẽ nhận ra vì sao...
Chú thích
[1] https://www.datviet.com/ha-noi-phung-phi-220-ty-dong-thue-dan-cho-vu-tang-co-do/
[3] https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-se-tang-moi-gia-dinh-mot-la-co-to-quoc-20240510161529147.htm
[4] https://news.nate.com/view/20240408n24489
[5] https://www.hankookilbo.com/News/Read/A2024040916400004931
Các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Việt Nam tham dự lễ động thổ xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh hôm 29/4/2022 tại Phú Quốc, Kiên Giang. Hình minh họa. Photo SGGP.
Cuối tuần này, các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ khánh thành “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Việc thực hiện công trình vừa kể được cho là nhằm “thể hiện tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Sau trận bão dư luận hồi 2015 về dự án xây dựng “Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh” ở Sơn La, dự trù ngốn tới 1.400 tỉ trong khi trẻ con ở khu vực đó “ăn không đủ no, trời rét vẫn đi chân đất, thiếu chỗ để học”, giới hữu trách ở Việt Nam bắt đầu ngậm tăm về chi phí thực hiện các “quảng trường” và “tượng đài” để dân khỏi biết, khỏi bàn nữa.
Theo xu hướng vừa kể, “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng... không rõ chi phí! Thiên hạ chỉ biết, đại khái, tượng bác đúc bằng đồng, cao 18 mét, nếu kể cả bệ đá thì chiều cao của tượng đài là 20,7 mét, phía sau có dãy phù điêu ghép từ 484 tấm đá...
Cứ như tường thuật, tượng đài “bác” và “Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã góp phần nâng cao giá trị của... “khu trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ” vì kề cận “quảng trường” kèm... “cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc” [1].
***
Việc giới hữu trách vừa lờ đi chi phí thực hiện “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vừa khẳng định công trình vừa kể “thể hiện tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh” vô tình khiến người ta không biết “tình yêu” của “nhân dân” với bác thật sự ra sao.
Rồi cũng bởi giới hữu trách khẳng định: “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang... “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” - nên phải ngẫm nghĩ một chút xem điều đó có... thiệt không?.
Cách nay hai tuần, tờ Thanh Niên giới thiệu phóng sự ảnh về Hòn Khoai, hòn đảo nhỏ cách Phú Quốc khoảng 220 cây số đường biển. Về mặt hành chính, Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau nhưng đảo không có dân cư, chỉ có binh sĩ của lực lượng biên phòng Cà Mau, binh sĩ hải quân của Vùng 5, nhân viên bảo đảm an toàn hàng hải, nhân viên kiểm lâm trú đóng. Tuy phạm vi trách nhiệm của các lực lượng vũ trang và nhân viên dân sự làm việc tại Hòn Khoai rất rộng (kiểm soát và hỗ trợ tàu bè qua lại ở nội thủy cũng như lãnh hải ở cực Nam của Việt Nam) nhưng trên hòn đảo có diện tích chỉ chừng bốn cây số vuông này thiếu đủ thứ.
Những cá nhân đang thực sự “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” không chỉ chật vật xoay sở với chuyện thiếu nước ăn uống, tắm giặt, phải chắt – gạn từng chút từ đáy một dòng suối sắp cạn, bởi từ tháng 10 năm ngoái tới nay tuy trời không mưa song không hề được tiếp tế nước ngọt, bất kể Hòn Khoai chỉ cách đất liền chừng 15 cây số, mà còn phải tự tìm cách sinh tồn với nhiệt độ thường xuyên sắp chạm đến ngưỡng 50 độ C do hệ thống chuyển hóa quang năng thành điện năng trên đảo đã hư hỏng nhưng không được sửa chữa và cũng vì thiếu đủ thứ nên phải hết sức tiết kiệm trong việc dùng máy phát điện để bơm nước, nấu nướng [2].
Có lẽ vì không thể kể tường tận trên hệ thống truyền thông chính thức, tác giả phóng sự ảnh vừa đề cập viết trên Facebook thế này: Mấy ngày trên đảo, cứ tối đến là rừng nguội, biển dịu, hết thảy đều cởi trần trùng trục, nằm trên nền nhà cho đỡ nóng và mơ về một cái quạt gió, một miếng máy lạnh như bao người trong đất liền... Có những thứ rất bình thường lại đang là phi thường, ước mơ trong thời 4.0 này, mới chạnh lòng! Ông bà nào nhân hậu, từ bi bác ái, tặng đồn biên phòng duy nhất trên đảo quân sự vùng biển Tây Nam một hệ thống năng lượng mặt trời để bộ đội có điện chạy quạt, nấu cơm, thắp sáng,... nào nào [3].
***
Hồi 2015, giữa trận bão dư luận về dự án xây dựng “Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh” ở Sơn La, ông Nguyễn Trọng Phúc – Phó Giáo sư, cựu Viện trưởng Lịch sử đảng - khẳng định: “Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tiết kiệm, tự trồng rau, nuôi cá, ăn cơm độn giống nhân dân. Xây tượng đài tốn kém, bác biết sẽ không an lòng” [4].
Chắc chắn ông Phúc không bị xếp vào nhóm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nên mới được vấn ý. Khi một người như ông Phúc mà còn cảmn thấy “sốc” thì tại sao “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” vẫn tiếp tục mọc lên khắp nơi. So “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với những chuyện kiểu như chuyện đối đãi với những người đang thực sự “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” ở Hòn Khoai thì cái gì là chính, cái gì là phụ. Tương tự “tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” cái nào là thật, cái nào là giả?
Chú thích
[1] https://tienphong.vn/tuong-dai-bac-ho-o-phu-quoc-truoc-ngay-khanh-thanh-post1637643.tpo
[4] https://vnexpress.net/pgs-nguyen-trong-phuc-xay-tuong-ton-kem-bac-se-khong-an-long-3259974.html
16/05/2024 - VOA
Bà Trương Thị Mai (áo đỏ, giữa) là nữ lãnh đạo duy nhất trong Bộ Chính trị khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh chụp các tân ủy viên khóa 12 được bầu vào kỳ Đại hội Đảng ngày 28/1/2016.
Một loạt thay đổi thượng tầng trong bộ máy lãnh đạo của Việt Nam được chính thức loan báo trong ngày khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khoá XIII hôm 16/5, trong đó một lãnh đạo cấp cao tiếp theo bị cho “thôi giữ các chức vụ” và “nghỉ công tác”, người thứ 3 trong hàng lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam rời khỏi chức vụ trong vòng hai tháng.
Những thay đổi ở cấp cao nhất của nhà nước độc đảng diễn ra sau nhiều tuần biến động chính trị, trong đó chủ tịch quốc hội và chủ tịch nước đều từ chức vì những cáo buộc chung chung giống nhau là “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm” và “chịu trách nhiệm người đứng đầu”, giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang leo thang.
Trong thông cáo chính thức, việc xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, 66 tuổi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, là nội dung đầu tiên trong 4 nội dung của ngày đầu hội nghị.
Cũng như cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bà Mai được giới thiệu là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Bà được cho là luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong suốt quá trình công tác và trên các cương vị lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Mai đã có “một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.
Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho bà Mai “thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác” theo nguyện vọng.
Bà Mai là nhân vật lãnh đạo cao thứ năm, sau “tứ trụ”. Bà cũng là nữ lãnh đạo duy nhất trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và từng được dự đoán là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng bí thư thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng 14, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026.
Đại tướng Lương Cường 67 tuổi, Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11-13, Bí thư Trung ương Đảng khóa 12, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, đã được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư thay cho bà Mai.
Với những xáo trộn chưa từng có trong thời gian gần đây của bộ máy lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó các lãnh đạo cấp cao liên tục “từ chức” như Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện danh sách các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn vào “tứ trụ”, mà theo quy định là nhất thiết phải phục vụ hơn hai nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị, giờ thu hẹp còn Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Như vậy, chỉ còn Bộ trưởng Tô Lâm là còn ngoài “tứ trụ” tính đến ngày 16/5.
Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 9, một số nội dung khác cũng được giới thiệu như Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, là hai vị trí đang bỏ trống sau khi hai ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ rời đi.
Quốc hội dự kiến sẽ bỏ phiếu về những vấn đề này trong phiên họp thường lệ bắt đầu vào thứ Hai, cùng với bốn thành viên của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, có 4 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII được bầu bổ sung, bao gồm: Ông Lê Minh Hưng, 53 tuổi, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được phân công giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 62 tuổi, người đứng đầu đơn vị an ninh mạng gồm 10.000 người và là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; và ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc.
Cũng tại phiên họp ngày 16/5, cựu Bí thư thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chính thức bị Trung ương cách tất cả chức vụ trong Đảng vì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc”, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước; và để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng.
Các ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang; Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị Khai trừ ra khỏi Đảng vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gây hậu quả rất nghiêm trọng.
15/05/2024 Trần Đông A - VOA
Một người bán hàng rong đi ngang qua một chi nhánh Saigon Commercial Bank, Hà Nội, 6 tháng 12, 2011. Hình minh hoạ.
Ngay về kinh tế cũng có hai phe
Bên ủng hộ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường xuất phát từ thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã thực hiện khá thành công trong vài ba thập kỷ qua, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Việt Nam đã mở cửa đón đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và ký kết các hiệp định thương mại khu vực và toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tăng cường. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 giữa hai nước ước đạt 100,62 tỷ USD. Điển hình đối với lập trường ủng hộ ‘xóa nhãn NME’ (Non Market Economy – Nền kinh tế phi thị trường) cho Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius. Ông cựu đại sứ tuyên bố: ‘Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, vì đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ…’ (1).
Một thực tiễn khách quan khác xiển dương cho lập trường ‘bóc nhãn NME’ là Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự phát triển kinh tế và hội nhập vào hệ thống thị trường toàn cầu của Việt Nam phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Á cũng như trên toàn cầu. Lãnh đạo bộ phận chính sách công ở Mỹ của Samsung, ông Scott Thompson, nói tại phiên điều trần: ‘Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn của Mỹ trong chuỗi cung ứng... rốt cuộc cũng vì lợi ích của kinh tế Mỹ’. Chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn cả một công ty Mỹ để ‘lobby’ chiến dịch bóc nhãn. Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy Việt Nam đã thuê hãng luật Steptoe có trụ sở tại Washington để hỗ trợ chiến dịch này. Ông Eric Emerson đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam là người từ Công ty luật Steptoe đã phát biểu thuận cho Việt Nam tại điều trần (2). Theo BBC, quyết định cuối cùng có thể được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trước ngày 26/7/2024 (3).
Những người phản đối, ngược lại cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc, với một số mặt hàng trong đó đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump, đại diện cho hãng Steel Dynamics, lập luận tại phiên điều trần, việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam mà ông cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ. ‘Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ là món quà cho Trung Quốc và phục vụ lợi ích của Trung Quốc,’ ông Gerrish nhấn mạnh. Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Thương mại dưới chính quyền Trump hiện đang làm việc cho Công ty luật Wiley Rein cũng cho biết tại buổi điều trần, Hà Nội từng dùng các chính sách áp bức và tập quán kinh tế hung hăng như Trung Quốc và có khả năng đứng về phe quốc gia láng giềng hùng mạnh để đối đầu với Mỹ (4).
Ngoài ra, vẫn còn đó những mối quan tâm và thách thức tiềm ẩn cản trở việc xóa nhãn. Các nhà phản đối cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có những lo ngại về trợ cấp không công bằng, thiếu minh bạch và can thiệp vào thị trường. Tiêu chuẩn lao động và môi trường ở Việt Nam vẫn là di sản nặng nề từ cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Có khá nhiều ý kiến bảo lưu, bao gồm các công đoàn lao động và các nhóm môi trường tiếp tục nêu quan ngại về thực tiễn lao động và môi trường của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng là một thực tế, trong khi vẫn còn những lo ngại về quyền lao động và nhân quyền, thì việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể tạo đòn bẩy để Hoa Kỳ và phương Tây khuyến khích cải cách và cải thiện hơn nữa trong các lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy tính minh bạch và quản trị tốt.
Việt Nam đối mặt với mâu thuẫn lớn
Từ hơn một năm nay, Hà Nội đã và đang ráo riết vận động hành lang để Hoa Kỳ xóa nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ (NME). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/11/2023 đã ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về đợt vận động này (5). Nhưng theo Tiến sỹ Bill Hayton, nghiên cứu viên tại Viện Chatham House, một think tank về chính trị quốc tế từ Luân Đôn, tại cuộc tranh giành quyền lực hiện nay trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra ngày càng quyết liệt, giới lãnh đạo cứng rắn mới trong Đảng không quan tâm đến việc đối đầu với Trung Quốc hay tham gia liên minh ‘chống Trung Quốc’ nữa. Cuộc tranh giành quyền lực tiếp tục kéo dài, đã dẫn đến việc bất ngờ sa thải cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội. Kết quả của cuộc đấu tranh này sẽ khiến những ai vẫn hy vọng Việt Nam có thể tham gia tập hợp chống Trung Quốc phải suy nghĩ lại. Các nước có thể chưa ‘hạ cấp’ quan hệ với Việt Nam, nhưng mọi người sẽ bớt hy vọng vào Hà Nội khi thấy Việt Nam tiến gần hơn đến các đối tác toàn trị. Dù cuộc tranh giành quyền lực hiện nay không liên quan đến đối ngoại, nhưng nó có chiều hướng ‘bẻ lái’ Việt Nam gần với Trung Quốc và rời xa Mỹ và phương Tây (6).
Trong bối cảnh nói trên, những cân nhắc về chính trị lẫn địa-chiến lược cũng chỉ còn có ý nghĩa tương đối so với trước đây. Bởi vì, cuộc đấu đá nội bộ hiện nay ở Hà Nội thực chất là một cuộc tiếm quyền giữa các phe phái trong Đảng. Vẫn theo đánh giá ngày 9/5/2024 từ Tiến sỹ Bill Hayton, những gì chúng ta đang thấy là một ‘cuộc tiếp quản’. Những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyền lực này là những người theo đường lối cứng rắn. Họ bao gồm các tướng tá Công an và những người theo chủ nghĩa Lênin giáo điều. Việt Nam dường như sẽ ngả theo Trung Quốc trong xu thế ‘chính trị hướng nội’. Một chỉ thị cách đây gần một năm, trước cả khi Tổng thống Biden có mặt ở Hà Nội – Chỉ thị 24 của Đảng (7) – đã hướng dẫn cán bộ, đảng viên cần hạn chế tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các NGO. Sự co cụm lại theo tinh thần Chỉ thị 24, đến lượt nó sẽ vô hiệu hóa mọi nỗ lực từ trước đến nay của các thành phần muốn thúc đẩy sâu hơn sự hội nhập kinh tế và luật pháp của Việt Nam với Mỹ và phương Tây. Bên cạnh nhiều hệ lụy tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng được cho là sẽ chậm lại.
Sự tồn tại hai phe ủng hộ và chống lại việc ‘bóc nhãn NME’, cùng với nội tình trong Đảng và Chính quyền Việt Nam đang bấn loạn, khiến cho Hà Nội phải đối đầu với một khối mâu thuẫn lớn. Một mặt, phái cải cách trong chính quyền đang nỗ lực hết sức, sao cho việc ‘bóc nhãn’ NME diễn ra trước cuộc bầu cử tháng 11/2024 ở Mỹ. Bởi sự kiện này có thể dẫn tới việc ông Trump trở lại Nhà Trắng. Donal Trump từng đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam, vì nước này có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Trump từng chỉ trích Việt Nam về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Trump cũng công kích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng Mỹ’ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc. Nhưng mặt khác, phái có lợi ích gắn với việc để Trung Quốc ‘tiếp quản’ nền kinh tế Việt Nam, cũng đang ra sức ‘chọc gậy bánh xe’ các lobby vận động hành lang ở Mỹ. Đúng vào ngày 9/5/2024, Công an Hà Nội cho biết, An ninh điều tra Công an thành phố đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ‘đối tượng’ Nguyễn Văn Bình (8).
Nguyễn Văn Bình vừa bị gán cho là ‘đối tượng’, mới nửa tháng trước đây là đương kim Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA), từng được Nhà nước Việt Nam đánh giá là ‘có lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động’. Là một chuyên gia có hạng, ông Bình từng chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức (9). Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam công khai, ông Bình bị bắt trước đấy cả nửa tháng (từ ngày 24/4/2024), nhưng Hà Nội ‘phải chờ’ đến ngày 9/5, đúng lúc bên kia địa cầu đang cân nhắc xem có nên nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’ hay không, thì mới công bố bản tin. Việt Nam hiện nay tuy độc tài – độc đảng, nhưng trong Đảng có nhiều phái. Có thể giả định, phái nào đó trong hệ thống muốn ‘thọc gậy bánh xe’ bang giao Việt – Mỹ? Mà phái này thực ra đã hành động theo hướng ấy từ lâu, phục vụ cho quyền lợi của quốc gia nào thì đã rõ, chứ không phải hành động vì lợi ích của Việt Nam!
Tham khảo:
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1844xn4vxo
(8) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-bat-tam-giam-vu-truong-119240509100410532.htm
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw590x62170o
Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
11/05/2024 Reuters - VOA
Màn hình hiển thị kết quả biểu quyết trong cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về dự thảo nghị quyết công nhận Palestine đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức của LHQ, tại New York, ngày 10 tháng 5 năm 2024.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Sáu ủng hộ với tỉ lệ áp đảo nỗ lực của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ bằng cách công nhận họ đủ điều kiện gia nhập và đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ “xét lại vấn đề một cách thuận lợi.”
Cuộc biểu quyết của Đại hội đồng gồm 193 thành viên là một cuộc khảo sát toàn cầu về sự ủng hộ dành cho nỗ lực vận động của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ - một bước đi trên thực tế sẽ là công nhận một nhà nước Palestine - sau khi Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng trước.
Đại hội đồng thông qua một nghị quyết với 143 quyết thuận và chín biểu quyết chống - bao gồm Mỹ và Israel - trong khi 25 quốc gia không biểu quyết. Nó không trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của LHQ mà chỉ công nhận họ có đủ điều kiện để gia nhập.
Nghị quyết "xác định rằng Nhà nước Palestine... do đó nên được kết nạp làm thành viên" và "khuyến nghị Hội đồng Bảo an xét lại vấn đề một cách thuận lợi."
Việc Palestine vận động để trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc diễn ra bảy tháng sau chiến tranh nổ ra giữa Israel và các phần tử chủ chiến người Palestine Hamas ở Dải Gaza, và trong khi Israel đang mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà LHQ coi là bất hợp pháp.
Hồ sơ đệ nạp trở thành thành viên đầy đủ của LHQ trước tiên cần phải được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và sau đó là Đại hội đồng chấp thuận. Nếu nghị quyết này được hội đồng biểu quyết một lần nữa, nó có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự: bị Mỹ phủ quyết.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói với Đại hội đồng sau cuộc biểu quyết rằng các biện pháp đơn phương tại LHQ và trên thực địa sẽ không giúp thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
"Biểu quyết của chúng tôi không phản ánh sự phản đối đối với việc thành lập một nhà nước Palestine; chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi ủng hộ điều đó và tìm cách thúc đẩy nó một cách có ý nghĩa. Thay vào đó, biểu quyết là sự thừa nhận tư cách nhà nước sẽ chỉ đến từ một quá trình bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên," ông nói.
Liên Hợp Quốc từ lâu đã ủng hộ viễn kiến hai quốc gia sống cạnh nhau trong các đường biên giới an ninh và được công nhận. Người Palestine muốn có một nhà nước ở Bờ Tây, đông Jerusalem và Dải Gaza, tất cả lãnh thổ bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 với các quốc gia Ả-rập láng giềng.
Nghị quyết của Đại hội đồng được thông qua hôm thứ Sáu sẽ trao cho Palestine một số quyền và đặc quyền bổ sung từ tháng 9 năm 2024 - như một ghế trong số các thành viên LHQ trong hội trường - nhưng họ sẽ không được quyền biểu quyết trong cơ quan này.
Palestine hiện là một quốc gia quan sát viên phi thành viên.
11/05/2024 Reuters - VOA
TƯ LIỆU - Các thành viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines đứng canh trong khi một tàu Hải cảnh Trung Quốc chặn đường họ thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông, ngày 5 tháng 3 năm 2024.
Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ đã điều các tàu đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi họ cáo buộc Trung Quốc đang xây “một đảo nhân tạo” trong bối cảnh tranh chấp hàng hải giữa hai nước leo thang.
Lực lượng tuần duyên đã cử một tàu “để theo dõi các hoạt động bị xem là bất hợp pháp của Trung Quốc, tạo ra một ‘đảo nhân tạo,’” văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói trong một phát biểu, nói thêm rằng thêm hai tàu khác đang được triển khai trong đợt điều động luân phiên trong khu vực.
Người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Philippines, Phó đề đốc Jay Tarriela, nói tại một diễn đàn rằng đã có "việc bồi đắp quy mô nhỏ" ở Bãi cạn Sabina mà Manila gọi là Escoda và rằng “có nhiều phần chắc” Trung Quốc là tác nhân.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những phát biểu của Philippines mà có thể làm trầm trọng hơn rạn nứt song phương.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines ngày thứ Sáu kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc về chuyện một cuộc điện đàm với một đô đốc Philippines về tranh chấp hàng hải bị rò rỉ.
Bắc Kinh và Manila cả năm qua đã đối đầu gay gắt liên quan đến các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của họ ở Biển Đông, nơi khối lượng thương mại trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi ngang qua hàng năm.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ thủy lộ thiết yếu này, bao gồm những phần mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã ồ ạt tiến hành bồi đắp đất trên một số đảo ở Biển Đông, xây dựng không lực và các cơ sở quân sự khác, gây lo ngại ở Washington và các nước quanh vùng.
Một tàu Philippines đã neo đậu tại Bãi cạn Sabina để "đánh bắt và ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát," ông Tarriela nói, dẫn ra sự hiện diện "đáng báo động" của hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm tàu nghiên cứu và tàu hải quân.
Ông Tarriela nói sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đảo san hô này cách tỉnh Palawan của Philippines 200 km trùng hợp với việc lực lượng tuần duyên phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát.
Lực lượng tuần duyên sẽ đưa các nhà khoa học biển đến khu vực để xác định xem các đống san hô là hiện tượng tự nhiên hay do con người can thiệp, ông cho biết.
Ông nói thêm rằng lực lượng tuần duyên dự định duy trì sự "hiện diện kéo dài" tại Bãi cạn Sabina, điểm tập kết của các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên một chiếc tàu chiến tại Bãi cạn Second Thomas, nơi Manila và Trung Quốc thường xuyên đối đầu trên biển.
09/05/2024 - VOA
Bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (trái), phát biểu trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5/2024. Photo UN WebTV.
Chính phủ Hoa Kỳ, Anh bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 117, 331 của Bộ Luật Hình sự.
Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối những người bày tỏ quan điểm ôn hòa.
“Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người LGBTQI+ [Đồng tính nữ, Đồng tính nam, Song tính, Chuyển giới, Queer + Liên giới tính]. Nhưng chúng tôi vẫn quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội”, bà nói tại phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp.
Đồng thời vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ đưa các khuyến nghị cho Việt Nam, bao gồm việc sửa đổi các Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng”, cũng như tăng cường bảo vệ quyền tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.
“Hãy chấm dứt ngay việc cưỡng ép từ bỏ đạo đối với thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”, bà Billingsley ra khuyến nghị.
Cuối cùng nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi nhân quyền; điều tra việc quan chức có hành vi lạm dụng bạo lực; đảm bảo quyền được xét xử công bằng và đưa ra biện pháp khắc phục cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào.
Tương tự, chính phủ Anh cũng bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Việt Nam “nhắm mục tiêu vào các chuyên gia chính sách công và môi trường cũng như các tổ chức phi chính phủ”.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, phát biểu hôm 7/5/2024, khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Điều 117, Điều 331 BLHS. Photo UN Web TV.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, đưa ra đề xuất trong phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp:
“Làm rõ nghĩa vụ pháp lý và tài chính của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế khi nhận tài trợ dưới mọi hình thức; cho biết thời gian ân hạn để tuân thủ; bảo đảm xử lý công bằng trước pháp luật đối với mọi hành vi vi phạm”.
Nhà ngoại giao Anh đồng thời khuyến nghị chính phủ Việt Nam giảm số án tử hình.
Cũng giống như chính phủ Mỹ, chính phủ Anh khuyến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo” thông qua việc sửa đổi Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về những phát biểu và khuyến nghị trên của chính phủ Mỹ, Anh, nhưng chưa được trả lời.
Ý kiến của giới hoạt động
Từ Geneva, ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại châu Âu, người đang tham dự các phiên hội thảo vận động bên lề UPR đối với Việt Nam, cho VOA biết rằng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong thời gian qua được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói phản biện trong nước.
“Chúng tôi lên án Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền trắng trợn bằng những điều luật mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay kết án các thành viên họ coi là thuộc tổ chức “khủng bố” trong khi thật sự họ chỉ hoạt động chính trị, tôn giáo một cách ôn hòa”.
Tại phiên rà soát UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam hôm 7/5, có các đại diện của hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong điều mà truyền thông Việt Nam gọi là “không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất”.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phản bác những lời kêu gọi sửa đổi các điều luật 117, 331, cho rằng việc kêu gọi “là một đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội”, nói thêm rằng đó là những điều luật “hoàn toàn hợp hiến”.
Phát biểu của phái đoàn Việt Nam
Trình bày báo cáo của chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại trong kỳ UPR hôm 7/5, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định “chính sách nhất quán” của Việt Nam “về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Ông Việt viện dẫn các thành tựu tăng trưởng kinh tế là minh chứng cho thành tích nhân quyền của Việt Nam. Ông nói: “Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng”.