VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

VOA - 8

VinFast bị kiện ở Mỹ vì không trả tiền thuê phòng trưng bày

22/05/2024 Reuters - VOA


Dây chuyền lắp ráp xe VinFast tại nhà máy ở Hải Phòng.

Nhà sản xuất xe điện VinFast đang bị kiện tại tòa án California vì không trả tiền thuê cửa hàng, theo đơn khiếu nại của công ty dịch vụ bất động sản SPG Center, mà VinFast nói là không chính xác.

SPG Center cho biết VinFast đã thuê mặt bằng tại một trung tâm mua sắm ở Palo Alto từ cuối tháng 3 năm 2023, nhưng đã ngừng thanh toán từ tháng 5 năm 2023 cho đến tháng trước, với tổng số tiền đến hạn gần 356.000 đô la, tương đương 12 tháng tiền thuê, theo đơn khiếu nại đã nộp vào ngày 14 tháng 5 lên Tòa án cấp cao quận Santa Clara.

“Cáo buộc VinFast không trả tiền thuê nhà từ ngày 1/5/2023 đến ngày 1/4/2024 là không chính xác”, VinFast cho biết trong tuyên bố với Reuters.

VinFast cho biết thêm: “Chúng tôi đã thực hiện thanh toán tiền thuê hàng tháng cho đến và bao gồm cả tháng 3 năm 2024. Chúng tôi đã tạm dừng thanh toán tiền thuê kể từ tháng 4 năm 2024 do đang đàm phán với chủ nhà để sửa đổi hợp đồng thuê”.

SPG Center nói trong đơn khiếu nại rằng đã gửi cho VinFast thông báo thanh toán vào ngày 26/4 nhưng VinFast đã không thực hiện đúng yêu cầu của thông báo trước hạn chót ngày 1/5.

VinFast đang đối mặt với hai cuộc điều tra riêng biệt ở Hoa Kỳ về vụ tai nạn hồi tháng 4 ở California khi 4 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn liên quan đến xe VinFast VF8; và vì cáo buộc vi phạm bằng sáng chế ArcelorMittal đối với nhôm được sử dụng trong VF8.

Hai công ty luật cũng đã đệ đơn kiện vào tháng 4 chống lại VinFast thay mặt cho các cổ đông cáo buộc những tuyên bố sai lệch của nhà sản xuất ô tô đã gây thiệt hại tài chính cho họ.

Các nhà điều tra an toàn ô tô của Hoa Kỳ hôm 20/5 cho biết họ đã mở cuộc điều tra về vụ tai nạn hồi tháng 4 của xe điện VinFast ở Pleasanton, California.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia NHTSA cho biết cuộc điều tra sẽ tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn ngày 24/4 và vụ cháy sau đó. Một khiếu nại được gửi tới cơ quan này vào ngày 29 tháng 4 cho biết tay lái có thể có vấn đề trong vụ tai nạn khiến một cặp vợ chồng cùng các con của họ 13 và 9 tuổi thiệt mạng.

Cảnh sát Pleasanton nói người lái chiếc xe trong vụ tai nạn dường như đã lạc tay lái và đụng vào một cây sồi lớn và tốc độ có thể là một nguyên nhân.

VinFast, bắt đầu bán xe tại Hoa Kỳ vào năm 2023. VinFast không trả lời yêu cầu bình luận về việc này.

Tờ Pleasanton Weekly hồi đầu tháng này dẫn lời phát ngôn viên của VinFast nói hãng xe đã biết về vụ tai nạn, đồng thời cho biết thêm: “Các cơ quan chức năng hiện đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và sẽ chia sẻ những phát hiện của họ khi công việc hoàn tất.”

Bị điều tra về tai nạn xe, cổ phiếu VinFast giảm gần 19%

22/05/2024 - VOA


Mẫu xe VF8 được lưu hành trên thị trường Mỹ

Cổ phiếu VFS của hãng xe điện Việt Nam VinFast vừa có hai phiên giao dịch đầy kịch tính khi vừa tăng giá 30% vào hôm 20/5 đã ngay lập tức giảm 19% trong phiên giao dịch ngay sau đó, theo tìm hiểu của VOA.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, cổ phiếu VFS đã mất 18,67% giá trị, theo chỉ số Nasdaq, sau khi có tin Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra một vụ tai nạn trên xe VinFast ở California hồi tháng trước làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng.

Mới một ngày trước đó, trong phiên giao dịch hôm 20/5, VFS đã có một phiên bùng nổ khi đã tăng giá hơn 30% sau khi nhà đầu tư đón nhận tin tức VinFast được tiếp cận hệ thống sạc xe điện của hãng Bosch của Đức ở châu Âu.

Vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 24/4, một gia đình ở thành phố Pleasanton, bang California, đã mượn chiếc xe điện SUV VF8 của một đồng nghiệp. Chiếc xe này đã bị lạc tay lái, chệch khỏi đường, đâm vào một cây cột rồi đâm tiếp vào một cái cây, sau đó bốc cháy khiến cả gia đình bốn người đều tử vong, CNN dẫn đơn khiếu nại được cho là của chủ xe được đăng trên trang web của NHTSA cho biết. Trong số các nạn nhân có hai trẻ em ngồi ở ghế sau.

Chủ chiếc xe VF8 này từng phàn nàn về tính năng tự lái của nó, cũng theo CNN. Trang TechCrunch còn nói rõ hơn là chủ xe từng than phiền về phần mềm hỗ trợ của xe mà chủ xe cho là ‘đôi khi giật xe sang bên phải’. Đây cũng là điều mà các chủ xe VF8 khác cũng đã trải qua.

Trong đơn khiếu nại được CNN dẫn lại, chủ xe cho biết chiếc xe gặp nạn từng bất ngờ bị lệch sang bên phải khi đang chạy trong ít nhất là hai trường hợp. Trong ít nhất một trường hợp, tính năng tự lái của xe, được bật lên ‘theo mặc định’. Chủ xe lúc đó đã có thể giành lại quyền kiểm soát và kéo chiếc xe quay trở lại đúng làn.

TechCrunch cho biết NHTSA đã giao cho bộ phận Điều tra Đặc biệt về Tông xe (Special Crash Investigations) xem xét tình huống khiến xe gặp nạn và vụ cháy xe sau đó.

Tuy nhiên, trong khi đợi kết luận điều tra, hiện chưa rõ có phải tính năng Hỗ trợ lái Nâng cao (Advanced Driving Assistance System – ADAS) là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chết chóc này hay không, CNN cho biết. Trước vụ tai nạn này, NHTSA cũng đã điều tra nhiều sự cố xảy ra đối với xe của những hãng khác, trong đó có Tesla và Ford, mà lúc đó ADAS cũng đang hoạt động. Truyền thông đã dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết tài xế chạy quá tốc độ là một nguyên nhân.

“VinFast và NHTSA đang hợp tác cùng nhau để xác định nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. NHTSA không điều tra VinFast,” hãng xe này nói trong tuyên bố gửi đến CNN. “Cảnh sát Pleasanton hiện đang điều tra nguyên nhân tai nạn và sẽ công bố kết luận khi công việc của họ hoàn tất.”

Còn về thỏa thuận hợp tác trạm sạc với Bosch được công bố hôm 20/5, nó cho phép các tài xế chạy xe VinFast ở châu Âu được phép tiếp cận hệ thống trạm sạc rộng lớn của Bosch gồm 700.000 điểm sạc trải rộng trên 30 nước, chuyên trang về xe điện electriccarsreport cho biết.

Các tài xế xe VinFast có thể tìm vị trí các trạm sạc của Bosch, sạc và thanh toán thông qua ứng dụng VinFast trên điện thoại di động hay thao tác trực tiếp trên màn hình tích hợp trên xe, cũng theo trang tin này. Các ứng dụng này cũng minh bạch thông tin về lịch sử các lần sạc để chủ xe có thể quản lý chi phí sạc một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các khách hàng cũng có thể được hệ thống hỗ trợ khách hàng toàn diện của cả VinFast và Bosch ở châu Âu hỗ trợ về những vấn đề liên quan đến sạc.

Cách nay hơn một tuần, hôm 13/5, cổ phiếu VFS đã mở đầu tuần giao dịch mới với mức tăng vọt 51,5% so với mức giá đóng cửa phiên trước đó sau khi có tin VinFast cho ra mắt dịch vụ giải trí RIDEVU trong bối cảnh Mỹ loan báo áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc.

Tính đến hết phiên giao dịch hôm 21/5, cổ phiếu VFS được giao dịch ở mức giá 5,12 đô la, tức là tăng hơn 100% so với mức đáy 2,26 đô la một cổ phiếu hồi tháng trước.

🔝

Tân chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ, ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt

22/05/2024 - VOA


Ông Tô Lâm là chủ tịch nước thứ ba của Việt Nam chỉ trong vòng hơn hai năm

Bộ trưởng Công an Tô Lâm vào sáng ngày 22/5 đã tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước mới của Việt Nam trong một buổi lễ tại Quốc hội có sự tham dự của đầy đủ các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam nhưng lại vắng mặt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Lâm đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối là 472/473 đại biểu có mặt tán thành bằng hình thức bỏ phiếu kín, tờ Tuổi Trẻ và Công an Nhân dân cho biết.

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt tay lên Hiến pháp tuyên thệ ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó’.

Sau lễ tuyên thệ và diễn văn nhậm chức của Tô Lâm, tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tân Thường trực Ban bí thư Lương Cường và phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được nhìn thấy tặng hoa chúc mừng ông Tô Lâm.

Đáng chú ý, buổi lễ nhậm chức của ông Tô Lâm không có sự hiện diện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn theo thông lệ của Đảng phải có mặt, và cũng không có sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để chúc mừng người kế nhiệm.

Sau khi bầu ông Lâm làm nguyên thủ, Quốc hội sẽ xúc tiến quy trình miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an cũng trong buổi sáng ngày 22/5.

Trước đó, trong phiên họp vào chiều ngày 21/5, Quốc hội đã phải thêm vào nội dung miễn nhiệm bộ trưởng công an đối với ông Lâm sau khi bị dư luận phản ứng về việc ông Lâm sẽ lên làm chủ tịch nước nhưng vẫn nắm quyền ở Bộ Công an và sau khi 'có ý kiến của cấp có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính', Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết.

Với việc ông Lâm lên chức, cái ghế bộ trưởng Công an hiện đang bỏ trống và hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người lên thay ông Lâm. Bộ Công an dưới quyền ông Tô Lâm đã mở các cuộc điều tra vào các tập đoàn mà sau đó dẫn đến sự từ chức liên tiếp của các ông Võ Văn Thưởng, người mà ông Lâm lên thay, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Khác vị vị trí đứng đầu Bộ Công an đầy quyền lực nắm quyền một bộ máy an ninh rộng khắp của Đảng, chức Chủ tịch nước dù là một trong ‘tứ trụ triều đình’ ở Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ mang tính nghi lễ.

Ông Lâm, năm nay 67 tuổi, sẽ phục vụ cho hết nhiệm kỳ chủ tịch nước còn lại cho đến năm 2026, một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm mà cho đến nay đã có đến ba chủ tịch nước lần lượt là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và giờ là ông Tô Lâm.

Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê quán Hưng Yên, được cho là có bằng Tiến sỹ Luật và bằng Cử nhân An ninh. Cả sự nghiệp chính trị của ông cho đến nay là ở Bộ Công an. Ông trở thành Bộ trưởng Công an từ năm 2016 và được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong hàm Đại tướng hồi năm 2019.

Với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự đoán sẽ về hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026, ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai Ủy viên Bộ Chính trị đã phục vụ qua hai khóa và được cho là ứng cử viên tiềm năng để thay thế ông Trọng để trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam.

Sau các cuộc điều tra của Bộ Công an của ông Tô Lâm khiến cho các ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị mất chức, Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, từng nhận định với VOA rằng ông Tô Lâm ‘đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị của mình’ và trong công cuộc đốt lò ở Việt Nam, ông Tô Lâm ‘là người chiến thắng’.

🔝

Việt Nam: Độc diễn chính trị và thảm họa (P2)

22/05/2024 Trân Văn - VOA

VOA-08-12
Hình minh họa. Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.

Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN kết thúc vào thứ bảy 18/5/2024 thì ngày chủ nhật 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường (Tổng Thư ký Quốc hội) tổ chức họp báo về Nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15 khai mạc vào ngày hôm sau (20/5/2024).

Ở cuộc họp báo ấy, ông Cường cho biết, tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ bầu cả Chủ tịch Quốc hội (CTQH) lẫn Chủ tịch Nhà nước (CTNN) mới, thay cho ông Vương Đình Huệ vừa bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTQH qua một... “phiên họp bất thường” cách nay chưa đầy ba tuần [1] và ông Võ Văn Thưởng người cũng bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTNN qua một... “phiên họp bất thường” cách nay hai tháng [2]!

***

Theo hiến pháp [3], CTQH và CTNN là những người được các ĐBQH – những cá nhân đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân” - bầu chọn và quyết định có miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm hay không (Điều 70 – Khoản 7). Tuy nhiên trên thực tế, các ĐBQH chỉ bầu và miễn nhiệm CTQH, CTNN theo quyết định của BCH TƯ đảng CSVN.

Việc ông Vương Đình Huệ “thôi” làm CTQH được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ bảy của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 26/4/2024 và vài ngày sau (2/5/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 hội họp bất thường lần thứ bảy chỉ để hoàn tất quyết định này của BCH TƯ đảng CSVN.

Tương tự, việc ông Võ Văn Thưởng “thôi” làm CTNN được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ sáu của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 20/3/2024 và ngay trong ngày hôm sau (21/3/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 cũng hội họp bất thường lần thứ sáu nhằm thực thi ý chí của BCH TƯ đảng.

BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này tụ tập bất thường bao nhiêu lần thì Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam hội họp bất thường bấy nhiêu lần bởi những cá nhân là Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này bị đồng đảng xử lý cũng là những cá nhân từng được đảng sắp xếp để đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

***

Trở lại với cuộc họp báo diễn ra vào ngày chủ nhật 19/5/2024 để thông tin về nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Cường (một Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13) hồn nhiên tuyên bố, ở hội nghị lần thứ chín, BCH TƯ đảng CSVN khóa này “thống nhất rất cao” để “giới thiệu” ông Trần Thanh Mẫn (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội) làm CTQH mới và ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm CTNN mới.

Bởi Quốc hội có nghĩa vụ thi hành quyết định của BCH TƯ đảng nên ông Bùi Văn Cường mới hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương chín chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phe chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này. Thậm chí Tổng Thư ký của cơ quan lập hiến và lập pháp còn viện dẫn trường hợp ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường – TNMT) sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng vẫn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng TNMT một thời gian để trấn an việc ông Tô Lâm vừa làm CTNN, vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng Công an là bình thường [4].

Người viết bài này đã phân tích ở phần trước việc ông Tô Lâm vừa đảm nhiệm vai trò CTNN vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an không chỉ vi hiến mà còn tạo ra sự hỗn loạn khó lường về hậu quả đối với chính trị - kinh tế - xã hội nhưng độc diễn chính trị đã khiến giới lãnh đạo đảng CSVN trở thành tùy tiện đến mức không thể tưởng tượng.

Tại sao chỉ hai ngày sau, hôm 21/5/2024, cũng chính ông Bùi Văn Cường lại công bố Tờ trình về điều chỉnh nghị trình, đưa thêm việc miễn nhiệm Bộ trưởng Công an vào hoạt động nghị trường lần này trước khi các ĐBQH bỏ phiếu bầu CTNN? Tại sao phút chót lại xảy ra hàng loạt chuyện ngoài dự kiến: Cấp có thẩm quyền đề nghị, Thủ tướng đề nghị nên đề nghị các ĐBQH đồng ý “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an”? Vì sao từng bị xem như một mớ giấy lộn, đột nhiên “pháp luật” lại trở thành một yếu tố quan trọng để trở thành... “căn cứ”? Vì lẽ gì một Ủy viên BCH TƯ đảng giữ trọng trách Tổng Thư ký Quốc hội phải tự “bôi tro, trát trấu” vào mặt ông ta?

***

Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 15, các ĐBQH khóa này đã bỏ phiếu xác định sự tín nhiệm đối với những cá nhân đã được họ bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ. Ông Vương Đình Huệ, lúc ấy là CTQH nhận được 90,85% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu [6]. Chỉ sáu tháng sau, theo quyết định của đảng, cũng những ĐBQH này nhất trí bỏ phiếu cho ông “lên đường”. Cũng tháng 10 năm ngoái, ông Trần Thanh Mẫn, lúc ấy là Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội chỉ nhận được 86,07% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nhưng giờ, sau quyết định của đảng, ông nhận được 100% phiếu tín nhiệm với đề nghị để ông đảm trách vai trò CTQH [7].

Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân đã được các ĐBQH bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an) chỉ nhận được 68,40% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nên chỉ đứng thứ 25 trong số 30 cá nhân được các ĐBQH đánh giá cao. Lần này, khi các ĐBQH quyết định về việc có chọn ông Tô Lâm làm CTNN hay không, ông sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm phiếu? Nếu phiếu tín nhiệm là đáng tin, tại sao số ĐBQH tín nhiệm ông Tô Lâm ở mức cao lại thấp hơn ông Vương Đình Huệ nhưng “sự nghiệp chính trị” của cả hai lại khác biệt như vậy?

Nếu “BCH TƯ đảng đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội” như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố khi loan báo về kết quả hội nghị lần thứ chín [8], vì sao Quốc hội lại quay 180 độ về chuyện ông Tô Lâm vừa là CTNN, vừa kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an?

***

Cách nay vài ngày, dựa trên thư cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và một số quốc gia, tổ chức ngoại quốc gửi Thủ tướng Việt Nam, Reuters cho biết, trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã mất khoản tài trợ ít nhất là 2,5 tỷ Mỹ kim và có thể sẽ mất thêm chừng một tỷ Mỹ kim tài trợ nữa vì bộ máy công quyền tê liệt do hoạt động “chống tham nhũng[9]. Nếu chịu khó ngẫm nghĩ ắt sẽ thấy việc độc diễn chính trị mới là nguyên nhân chính và thảm họa kinh tế - xã hội từ đó mà ra.

Chú thích

[1] https://baochinhphu.vn/mien-nhiem-chuc-vu-chu-tich-quoc-hoi-doi-voi-ong-vuong-dinh-hue-102240502173807515.htm

[2] https://baochinhphu.vn/mien-nhiem-chuc-vu-chu-tich-quoc-hoi-doi-voi-ong-vuong-dinh-hue-102240502173807515.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

[4] https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-bo-cong-an-1341846.ldo

[5] https://baotintuc.vn/thoi-su/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-chuc-vu-bo-truong-bo-cong-an-voi-dai-tuong-to-lam-20240521144320415.htm

[6] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nhung-nguoi-giu-chuc-vu-do-quoc-hoi-bau-phe-chuan-duoc-tin-nhiem-cao-748611

[7] https://vnexpress.net/ong-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-4748005.html

[8] https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-tu-thong-nhat-cao-phuong-an-nhan-su-chu-tich-nuoc-chu-tich-quoc-hoi-185240518110656663.htm

[9] https://www.voatiengviet.com/a/7616855.html

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

🔝

Dự án 88: VN bắt giam cựu Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn Vũ Minh Tiến

21/05/2024 - VOA

VOA-08-11
Ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời nguyên là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU). Photo The 88 Project.

Hôm 20/5, tổ chức nhân quyền The 88 Project (Dự án 88) cho biết chính quyền Việt Nam vừa bắt giam ông Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời nguyên là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), với tội danh “làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự.

Trong một thông cáo phát đi hôm 20/5, ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết tổ chức của ông đã xác minh việc ông Tiến bị bắt giam.

“Trong khi công an chưa công bố việc bắt giam cũng như cáo buộc đối với ông Tiến, một nguồn tin nói với Dự án 88 rằng ông Tiến đang bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Hà Nội tạm giam theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự”, ông Swanton cho biết.

Thông báo cho biết ứng dụng nhắn tin trên điện thoại của ông Tiến không còn hoạt động kể từ ngày 20/4 và lần xuất hiện trước công chúng lần gần nhất của ông là tại một thảo ở Tp. Hồ Chí Minh hôm 21/3.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Công an Tp. Hà Nội và Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, đề nghị họ xác nhận việc bắt giam ông Tiến, nhưng chưa được phản hồi.

Theo tìm hiểu của VOA, đến tối ngày 20/5, truyền thông Việt Nam vẫn chưa đưa tin về việc ông Vũ Minh Tiến bị bắt.

Vụ bắt giữ ông Tiến diễn ra ngay sau vụ bắt giữ một quan chức khác trong cơ quan quản lý lao động của Việt Nam là ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ông Bình được xem là một nhà cải cách lao động của chính phủ, người cũng bị bắt với tội danh tương tự như ông Tiến.

“Ông Tiến, giống như ông Bình, đang dẫn đầu các nỗ lực đưa Luật Lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trong vai trò của mình tại Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm nay”, vẫn ông Swanton.

Tổng Liên đoàn Lao động là cơ quan do nhà nước Việt Nam kiểm soát. Tại Việt Nam, nhà nước vẫn chưa cho phép hình thành các công đoàn độc lập.

Còn viện IWTU thuộc Tổng Liên đoàn Lao động, nơi ông Tiến từng điều hành, có nhiệm vụ nghiên cứu về các vấn đề lao động và tham mưu về chính sách cho chính phủ Việt Nam.

Truyền thông Việt Nam cho biết ông Tiến giữ chức Viện trưởng IWTU từ tháng 9/2018, nhưng đến tháng 11/2023 thì bị điều động sang làm Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam.

IWTU cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam. Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cả EU và Việt Nam đều phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập DAG để giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của họ.

Hồi tháng 12/2023, nhóm DAG của EU đã đưa ra tuyên bố bày tỏ cảnh báo về vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi Việt Nam phê chuẩn công ước ILO ngay lập tức. Gần đây hơn, một liên minh các nhóm xã hội dân sự Việt Nam đã gửi đơn khiếu nại lên EU về cáo buộc vi phạm quyền đối với người lao động.

Vào tháng 4/2024, Việt Nam bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, người đang thúc đẩy chính phủ phê chuẩn Công ước ILO 87. Và giờ đây, lại bắt thêm ông Vũ Minh Tiến, cựu giám đốc một tổ chức có đại diện trong nhóm DAG của Việt Nam. “Bất chấp thành tích tồi tệ này, EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các điều khoản của hiệp định EVFTA", tổ chức Dự án 88 đưa ra nhận định.

“Các chính phủ phương Tây tuyên bố quan tâm đến nhân quyền cần phải hành động trước chính sách vi phạm chính những quyền này của Việt Nam”, ông Swanton nhấn mạnh. “Những vụ bắt giữ này là một ví dụ khác về sự thất bại của các tổ chức quốc tế trong việc cứ luyên thuyên nói rằng họ bảo vệ những người ủng hộ và những nhà cải cách lao động để rồi cuối cùng những người này lại bị tống vào tù”.

🔝

Việt Nam: Độc diễn chính trị và thảm họa (P1)

21/05/2024 Trân Văn - VOA

VOA-08-10
Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc tạo ra thực trạng, Thủ tướng phải báo cáo công việc với thuộc cấp. Hình minh họa, chụp ngày 21 tháng 12, 2023, khi ông Tô Lâm phát biểu tại Quốc Hội Việt Nam.

Sáng 21/5/2024, báo chí Việt Nam loan báo: “Hôm nay, Quốc hội bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước[1]. Theo đó, Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để bầu Chủ tịch nước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15”. Tuy được gọi là “danh sách đề cử” nhưng danh sách ấy chỉ có... một người, là ông Tô Lâm!

Cho dù Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam chưa bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch Nhà nước (CTNN) nhưng ai cũng biết ông Tô Lâm sẽ trở thành người kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng. Điều đó trở thành đương nhiên bởi ở kỳ họp thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13, BCH TƯ đã “thống nhất rất cao” về việc “giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước”, cũng vì vậy, chuyện “bầu” tân CTNN của Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ bảy chỉ là... “thủ tục” và điều đó cho thấy, đảng CSVN chẳng ngại ngần chút nào khi phô bày việc họ là tổ chức duy nhất độc diễn trên chính trường!

***

Theo hiến pháp, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namlà nơi thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước” (Điều 69) và dù là “lực lượng lãnh đạo nhà nước, xã hội” (Điều 4 – Khoản 1) nhưng trong hiến pháp, đảng CSVN long trọng cam kết “các tổ chức của đảng và đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” (Điều 4 – Khoản 3). Tuy nhiên với đảng CSVN, hiến pháp chỉ là một mớ... giấy lộn!

Nếu đảng CSVN không xem hiến pháp là một mớ giấy lộn, ông Bùi Văn Cường (Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) sẽ không dám dám khơi khơi bảo toàn dân, đại ý, ngoài việc chỉ hợp thức hóa việc BCH TƯ đảng chọn ông Tô Lâm làm CTNN, Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ không miễn nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm bởi BCH TƯ đảng chưa... giới thiệu người thay thế, bất kể chuyện một cá nhân vừa làm CTNN, vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng không chỉ năm ngoài phạm vi hiến định mà còn vi hiến và sẽ tạo ra những hệ quả khó lường.

***

Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép” (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed, but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn lạm quyền [2]. Luật pháp nhiều quốc gia được xây dựng trên nền tảng đó và dù không minh định điều vừa kể là nguyên tắc nhưng Việt Nam không phủ nhận, thậm chí có viên chức khẳng định, điều vừa kể là một đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN [3].

Hiến pháp Việt Nam không chỉ không cho phép CTNN kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng mà hợp pháp hóa việc kiêm nhiệm đó còn giẫm đạp những nội dung đã được hiến định [4] . Theo hiến pháp, CTNN là người đứng đầu nhà nước, thay mặt Cộng hòa XHCN Việt Nam trong đối nội và đối ngoại (Điều 86).

CTNN có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó CTNN, Thủ tướng và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của chính phủ (Điều 88 – Khoản 2). CTNN cũng là nhân vật có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, các Thẩm phán, Kiểm sát viên ((Điều 88 – Khoản 3). CTNN còn là nhân vật có quyền ra quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của quân đội và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội nhân dân ( (Điều 88 – Khoản 5).

Ngoài ra, cứ như hiến pháp thì Thủ tướng là nhân vật lãnh đạo chính phủ (Điều 95). Ngoài các tập thể như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo với cá nhân duy nhất là CTNN (Điều 94). Các Bộ trưởng nhận chỉ đạo của Thủ tướng và báo cáo với Thủ tướng (Điều 99).

Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm CTNN và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc biến Bộ trưởng Công an trở thành VUA vì có quyền đề nghị Quốc hội “tính sổ” với Phó CTNN, Thủ tướng. Chánh án Tòa án Tội cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Đồng thời có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng là đồng liêu, các Thẩm phán, các Kiểm sát viên. Đồng thời cho phép một ông đại tướng công an ban hành quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của các sĩ quan cao cấp trong quân đội và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội!

Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm CTNN và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc tạo ra thực trạng, Thủ tướng phải báo cáo công việc với thuộc cấp (Bộ trưởng Công an) vì ông Bộ trưởng là thuộc cấp ấy được BCH TƯ đảng “thống nhất rất cao” trong việc cử làm CTNN và để ông ta tiếp tục làm Bộ trưởng Công an!..

***

Cuối ngày 21/5/2024, ông Bùi Văn Cường đột nhiên đăng đàn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu... “Tờ trình xin điều chỉnh Chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa này” [5]. Theo Tờ trình, Quốc hội nên sửa nghị trình, tiến hành “miễn nhiệm” vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm trước khi bầu ông làm CTNN [5]. Vở diễn “bầu” CTNN dẫu đã được quảng cáo rộng rãi nhưng vì lẽ gì đó, giờ chót, giới lãnh đạo đảng CSVN đã biên tập lại kịch bản, ông Tô Lâm chỉ còn sắm một vai... Ông Tô Lâm sẽ đăng quang trễ hơn một ngày so với dự kiến. Độc diễn chính trị không chỉ tạo ra chuyện vừa bi, vừa hài như vừa đề cập...

Chú thích

[1] https://vnexpress.net/hom-nay-quoc-hoi-bat-dau-quy-trinh-bau-chu-tich-nuoc-4748464.html

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Everything_which_is_not_forbidden_is_allowed

[3] https://vietnamnet.vn/mong-manh-dinh-che-dan-duoc-lam-tat-ca-nhung-gi-luat-phap-khong-cam-546259.html

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

[5] https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-doi-voi-dai-tuong-to-lam-20240520090106909.htm

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

🔝

Những thiếu sót và bất lợi của dự án kênh Phù Nam Techo

19/05/2024 - VOA

VOA-08-08
Tuyến kênh Phù Nam Techo (Nguồn: Stimson Center)

Phạm Phan Long

Gửi tới hai dân tộc Khmer và Việt Nam yêu công lý và hoà bình

VOA: Kỹ sư (KS) Phạm Phan Long là cố vấn và chuyên gia kỹ thuật công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ông từng đưa ra sáng kiến dự án điện mặt trời nổi trên Biển Hồ Tonle Sap (2019) với mục đích tìm giải pháp năng lượng và bảo vệ Biển Hồ, để không phải xây đập Sambor và giảm giá điện cho người dân Cambodia từ cao nhất xuống mức thấp nhất khu vực. Bài viết này có mục đích độc nhất mong Cambodia thận trọng và đừng quá vội vã với kênh Phù Nam. Ông cho rằng nếu Cambodia và Việt Nam liên minh yêu cầu Trung Quốc giảm tích nước, khôi phục nhịp lũ và bảo đảm Biển Hồ nhận đủ 80 tỉ mét khối nước như trước khi có thuỷ điện, hai quốc gia Cambodia và Việt Nam sẽ không còn tranh chấp vì có đủ nước cho châu thổ cả hai nước cùng phát triển. KS Phạm Phan Long sáng lập và hoạt động cho Viet Ecology Foundation, NGO, tại Mỹ và là soạn giả Bản Tuyên Ngôn sông Mekong 1999.

***

Kênh Phù Nam Techo / Đại Vận Hà của Vương Quốc Cambodia

Ủy ban sông Mekong quốc gia Cambodia đã công bố bản thông báo về kế hoạch đào kênh Phù Nam dưới tên gọi Funan Techo Canal, dài 180 km, rộng 80 m tới 100 m, mực nước 4,7 m. Kênh đào này bắt đầu từ sông Mekong, nối sang sông Bassac và hướng ra vịnh Thái Lan. Song song hai bên kênh sẽ có 200 km đường bộ kết nối các thị trấn. Khi có hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông và nguồn cung cấp nước, tiềm năng phát triển kinh tế đồng bằng Tây Nam của Cambodia, sẽ được vực dậy. Kênh Phù Nam đã được chính quyền Cambodia đánh giá có tính khả thi kinh tế rất cao.

Đại công ty quốc doanh China Communication Construction của Trung Quốc (TQ) đã âm thầm thực hiện nghiên cứu tính khả thi từ hai năm trước. Công trình này sẽ được chương trình Vành Đai – Con Đường (Belt and Road Initiative - BRI) của TQ tài trơ với kinh phí $1,7 tỉ. Vào Thế kỷ 13, TQ đã đào Đại Vận Hà dài 1800 km cho dân tộc họ, đến nay vẫn là con kênh dài nhất thế giới; kênh Phù Nam có thể xem là một Đại Vận Hà của Vương Quốc Cambodia.

Sau đây là những thiếu sót và bất lợi có thể lật ngược tính khả thi của dự án.

1. Thiếu sót một quy hoạch toàn diện

Kênh Phù Nam sẽ phải đi đôi với một hệ thống kiểm soát lũ lụt và thủy lợi vì nó cắt đôi diện tích 1 triệu hecta đồng lũ. Hệ thống này sẽ phải thực hiện cùng lúc với kênh Phù Nam để khỏi gây tổn thất lớn do khủng hoảng toàn bộ môi trường sinh thái chắc chắn sẽ giáng xuống hàng triệu dân cư.

2. Thiếu nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và Biển Hồ

Kênh Phù Nam sẽ cùng với sông Tiền và sông Hậu chia nước Mekong từ Phnom Penh chảy ra châu thổ hai nước. Nếu kênh Phù Nam chuyển nhiều nước để canh tác thủy lợi trong mùa mưa thì chính Biển Hồ sẽ thất thoát mất lượng nước đó, vì ở trên cao Biển Hồ không thể dành nước với ba phân lưu phía dưới.

Cambodia và Việt Nam chịu chung một bất hạnh giáng xuống từ thượng nguồn; Biển Hồ Tonle Sap đã trải qua những mùa lũ kiệt quệ. Diện tích động lũ co thắt lại và năng suất ngư nghiệp thất thoát mất dần. Lượng nước Mekong chảy ngược thời tiền thủy điện lên Biển Hồtrung bình là 43 km3 mỗi mùa mưa nay hạ xuống chỉ còn 10 km3. Đó là vì các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tích trữ nước nên vào giữa mùa mưa mà một phần đồng lũ Tonle Sap bất lực phải chịu cảnh khô khát.

Thậy vậy, nhóm nghiên cứu của TS Samuel De Xun Chua, National University of Singapore, đã khảo sát nhịp lũ suốt 60 năm tại Biển Hồvà công bố tình trạng suy thoái như sau:

“Chúng tôi thấy rằng … thời gian mùa lũ đã giảm khoảng 26 ngày (Kampong Cham) và 40 ngày (Chaktomuk), mùa lũ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn nhiều. Dọc sông Tonle Sap, dòng chảy ngược trung bình hàng năm từ sông Mê Kông đến hồ Tonle Sap đã giảm 56,5 %, từ 48,7 km3 năm 1962–1972 xuống còn 31,7 km3 năm 2010–2018. Kết quả là mực nước mùa mưa tại hồ Tonle Sap giảm 1,05 m trong năm 2010–2019 so với năm 1996–2009, tương ứng với diện tích hồ giảm 20,6 %.”

An ninh nguồn nước và thực phẩm của Cambodia đang lâm nguy. Cambodia không thể để Biển Hồ, trái tim lưu vực sông Mekong ngừng đập. Kênh Phù Nam là mối đe doạ mới ló dạng cho Biển Hồ.

3. Kinh phí dự trù không đủ và lãi xuất quá cao

Kinh phí cho cao tốc Sihanoukville Phnom Penh đã mất $2 tỉ, chỉ phải thiết kế để chịu đựng xe cộ di chuyển trên mặt đường. Kênh Phù Nam dài và rộng hơn để đủ cho dòng nước chảy và hai làn xe mỗi bên, kết cấu phải vững và an toàn hơn để chịu đựng được áp lực nước và dao động cho thương thuyền nhiều ngàn tấn dịch chuyển; kênh Phù Nam sẽ không thể nào hoàn tất với $1,7 tỉ . Trong khi World Bank cho các nước vay không tính lời trong 10 năm đầu với lãi xuất chỉ có 2,5% từ năm 11 đến 50, Thủ tướng Hun Manet sẽ giải thích sao khi dân Cambodia biết được tài trợ cho các dự án hạ tầng từ Belt and Road Initiatives thường phải trả lãi suất 7% tới 10%.

4. Dự phóng thu nhập quá cao so với thực tế tăng trưởng kinh tế

Phó Thủ tướng Cambodia, Sun Chanthol, ước tính thu nhập từ thu phí trên kênh là $88 triệu năm đầu và $570 triệu cho 25 năm sau. Tăng trưởng như thế tương đương với 7,5% suốt 25 năm là điều hoang tưởng. Chưa hề một nước nào đạt được thành tích này trong lịch sử Á Châu. Tính khả thi kinh tế của dự án này quá cả mức độ đáng ngờ vực.

5. Đi ngược với nguyên tắc hoạt động của thị trường tự do

Khi chọn tuyến kênh Phù Nam thay vì Việt Nam, thương thuyền phải trả phí ra vào kênh Phù Nam, phải đi chậm trên kênh và xếp hàng chờ 6 tiếng tại ba ship lock, khi ra tới cửa biển Vịnh Thái Lan, còn phải đi xa thêm một đoạn cong dài 398 dặm mất thêm 17 tiếng, vòng dưới mũi Cà Mau ngược về hướng Vũng Tàu rồi mới lên Bắc Thái Bình Dương, khiến chi phí tăng cao là điều vô lý. Trừ khi bị ép buộc thương thuyền sẽ không tình nguyện hợp tác. Như thế, kênh Phù Nam sẽ bị tẩy chay, có khả năng sẽ bị bỏ hoang như các cao ốc tại Sihanoukville không có người ở.

VOA-08-09
Hải trình nối dài đối tác Á Châu phải đi để vào kênh Phù Nam. Hình do tác giả phác hoạ trên trang mạng Map Data) (Nguồn: shiptraffic.net)

6. Bất lợi về chiến lược toàn diện và lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc

Cambodia không chắc thoát ly được tuyến sông Tiền và sông Hậu, mà sẽ mất ngay chủ quyền 180 km cho Trung Quốc và phải lệ thuộc vào họ 50 năm. Gây hiềm khích với Việt Nam như thế có thể không mất đi đặc quyền tối huệ quốc nhưng Việt Nam là nước nhập cảng nhiều hàng của Cambodia, chỉ sau Mỹ.

Cuối cùng, đã có báo cáo là “Bắc Kinh có thể tìm kiếm đòn bẩy địa chính trị đối với các nước BRI. Một nghiên cứu năm 2021 đã phân tích hơn một trăm hợp đồng tài trợ nợ mà Trung Quốc đã ký với các chính phủ nước ngoài và phát hiện ra rằng các hợp đồng này thường chứa các điều khoản hạn chế tái cơ cấu với nhóm 22 quốc gia chủ nợ lớn được gọi là “Câu lạc bộ Paris”. Trung Quốc cũng thường xuyên giữ quyền yêu cầu trả nợ bất cứ lúc nào, giúp Bắc Kinh có khả năng sử dụng nguồn tài trợ như một công cụ để thực thi các vấn đề nóng bỏng của Trung Quốc như Đài Loan hay cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 1/2022, Nicaragua chính thức tham gia BRI, một tháng sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.”

Cambodia không nên để Mỹ phải đối phó với một liên minh quân sự Cambodia - China gây đảo lộn trật tự và cân bằng địa bàn chiến lược của họ ở Biển Đông.

🔝

Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc hội

20/05/2024 - VOA

VOA-08-07
Ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào ngày 20/5/2024.

Ông Trần Thanh Mẫn, 61 tuổi, vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 20/5, thay thế cho ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức vào tháng trước vì những vi phạm và khuyết điểm không được nêu rõ, giữa bối cảnh thượng tầng lãnh đạo Việt Nam đang diễn ra các cuộc “đổi ngôi” chưa từng có trong nhóm “tứ trụ” khi chiến dịch chống tham nhũng đang ngày càng leo thang.

Ông Trần Thanh Mẫn quê quán ở Hậu Giang. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế và trước đó từng giữ các chức vụ lãnh đạo tại tỉnh Cần Thơ như Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội... trước khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2021.

Ông Mẫn được 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (475/475 đại biểu) bỏ phiếu tán thành sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đề cử cho chức chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/5.

“Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của tôi trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Trần Thanh Mẫn nói trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức.

Tân chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói ông “nhận thức sâu sắc rằng dù ở vị trí công tác nào cũng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, đồng thời cam kết “thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng” và “gương mẫu về đạo đức, lối sống”.

Trước khi được bầu vào nhóm “tứ trụ”, ông Trần Thanh Mẫn là cấp phó của ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức chủ tịch quốc hội vào tháng trước khi nhiệm kỳ làm việc của ông còn đang dang dở. Trước ông Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng từ chức vào tháng 3/2024 chỉ sau một năm đảm nhiệm chức vụ. Cả hai ông đều được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho “thôi giữ các chức vụ” và “nghỉ công tác” với lý do chung chung giống nhau là “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm” và “chịu trách nhiệm người đứng đầu”, giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang leo thang.

Ông Thưởng và ông Huệ ra đi khiến cho hai trong số 4 vị trí lãnh đạo cao nhất (“tứ trụ”) của Việt Nam bị bỏ trống.

Ngoài ông Trần Thanh Mẫn đã chính thức nhậm chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã được Trung ương giới thiệu cho chức chủ tịch nước hôm 19/5 và ông dự kiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu bầu chọn vào cuối tuần này. Đây được xem là một bước chỉ mang tính thủ tục.

Việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao “từ chức” giữa nhiệm kỳ trong một khoảng thời gian ngắn đã tạo ra những biến động chính trị lớn mà giới quan sát và phân tích nói là chưa từng có tại Việt Nam, gây những tác động mạnh trên kinh tế, khiến LHQ, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây phải đưa ra cảnh báo với chính phủ.

Reuters hôm 17/5 dẫn số liệu từ các tổ chức cho biết Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng “tê liệt” bộ máy hành chính khi cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng gia tăng, khiến các quan chức chậm phê duyệt các kế hoạch và dự án vì sợ vi phạm vào các quy định phức tạp.

Đảng Cộng sản Việt Nam tuần trước đã bầu bốn thành viên mới bổ sung vào Bộ Chính trị, sau khi lãnh đạo cấp thứ năm là bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, được chấp thuận cho “thôi giữ các chức vụ”, khiến bà trở thành người thứ 6 rời Bộ Chính trị kể từ cuối năm 2022.

🔝

Phó Thủ tướng Việt Nam: Kinh tế đang đối mặt áp lực ngày càng lớn

20/05/2024 - VOA

VOA-08-06
Một phụ nữ bán hàng tre nứa trên đường phố Hà Nội. Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5/2024 cho biết nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5 thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cho biết chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, theo Reuters.

Theo ông Lê Minh Khái, lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó bao gồm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây sức ép lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.

Ông Khái cho biết tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.

“Đây là một thách thức lớn để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay”, Reuters dẫn lời ông Khái nói khi thay mặt chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2024 hôm 20/2.

Việt Nam, một trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất tăng cao trên toàn cầu khi chúng làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất ở châu Á nhưng vẫn thấp hơn mức 7% trước đại dịch.

Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.

“Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm”, Lao Động dẫn lời ông Lê Minh Khái nói.

Trước tình trạng khó khăn trên, chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, Bloomberg dẫn lời ông Khái cho biết thêm.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tìm cách cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và thúc đẩy đầu tư công. Vẫn theo lời ông, Việt Nam sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Việt Nam cũng thừa nhận quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ áp lực lạm phát cao trong năm nay.

Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát từ 4% - 4,5%. Trong quý I/2024, lạm phát tại Việt Nam ở mức tăng bình quân 3,77% so với bình quân cùng kì, theo Tổng cục Thống kê.

🔝

Văn Bút Mỹ vinh danh tác giả Phạm Đoan Trang

18/05/2024 - VOA

VOA-08-04
Ông Dinaw Mengestu, phó chủ tịch Văn Bút Mỹ, bà Trần Quỳnh Vi, và ông Đặng Đình Mạnh tại lễ trao giải Tự do sáng tác Barbey 2024 cho tác giả Phạm Đoan Trang hôm 16/5/2024 ở New York, Mỹ. (Photo by Kevin Mazur/Getty Images for PEN America)

Tại đêm Gala trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 hôm 16/5 ở New York, tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America) vinh danh nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, gọi bà là “nhà văn, nhà hoạt động tiêu biểu trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác ở Việt Nam”.

Ông Dinaw Mengestu, tiểu thuyết gia và nhà văn người Mỹ gốc Ethiopia, đồng thời là phó chủ tịch Văn Bút Mỹ, đã trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 cho hai đại diện của bà Trang là luật sư Đặng Đình Mạnh và bà Trần Quỳnh Vi - một người bạn và đồng thời là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV).

Giải thưởng này được trao hàng năm cho một nhà văn đang bị bỏ tù vì những tác phẩm của mình và ghi nhận lòng dũng cảm và sự hy sinh khi đối mặt với áp bức.

Được biết đến như là một blogger, một nhà hoạt động và là tác giả của những quyển sách về quyền tự do dân sự, chính trị, bà Trang bị chính quyền Việt Nam kết án 9 năm tù vào năm 2021 với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”.

“Bị giáng mức án 9 năm tù vì dám thách thức chính quyền Việt Nam qua các bài viết của mình, bà Phạm Đoan Trang là điển hình cho cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhiều nhà văn và nhà hoạt động vì quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam”, bà Anh-Thu Vo, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Mỹ, viết trong một bài xã luận trên trang Just Security hôm 17/5 ca ngợi sự kiên cường của bà Trang.

VOA-08-05
Ông Đặng Đình Mạnh (trái) và bà Trần Quỳnh Vi (giữa) tại buổi Gala trao giải thưởng. (Photo by Bryan Bedder/Getty Images PEN America)

Bà Trần Quỳnh Vi phát biểu tại lễ trao giải: “Bà Trang là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự kiên trì, truyền cảm hứng cho vô số bạn trẻ hình dung và phấn đấu vì một Việt Nam nơi tự do và nhân quyền được đề cao”, theo một thông cáo hôm 16/5 của Văn Bút Mỹ.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về việc trao giải thưởng này cho bà Trang, nhưng chưa được trả lời.

“Là luật sư bào chữa cho cô Phạm Đoan Trang, tôi hiểu về sự dấn thân của cô ấy để đấu tranh cho những giá trị mang tính cách phổ quát, cùng với cái giá rất đắt mà cô ấy đã phải đánh đổi: Bằng sức khỏe, bằng tuổi thanh xuân, bằng sự tự do...”, luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho bà Trang và hiện đang tị nạn chính trị tại Mỹ, nêu nhận định với VOA trước khi diễn ra lễ trao giải.

“Theo đó, cô ấy hoàn toàn xứng đáng với mọi sự vinh danh, tất nhiên, bao gồm sự vinh danh dành cho Đoan Trang lần này đến từ hội Văn Bút Hoa Kỳ - một tổ chức hàng đầu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận”, ông Mạnh cho biết thêm.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính quyền trong nước gia tăng sự đàn áp quyền tự do ngôn luận đến mức khốc liệt chưa từng có, thì sự vinh danh Đoan Trang của hội Văn Bút Hoa Kỳ càng mang ý nghĩa đặc biệt. Nó chẳng khác nào là thông điệp phản đối mạnh mẽ của thế giới văn minh gởi đến chính quyền trong nước, rằng sự đàn áp quyền tự do của người dân không hề được chào đón, thậm chí, còn bị lên án ở khắp mọi nơi”.

“PEN America đã trao những giải thưởng này cho những người mà họ tin là những nhà văn truyền cảm hứng và sử dụng bài viết của mình để truyền cảm hứng cho người khác làm những điều tốt đẹp hơn trong xã hội”, bà Trần Quỳnh Vi, hiện đang làm việc tại Đài Loan, chia sẻ với VOA trước khi đến New York nhận giải thưởng thay mặt cho người bạn đang bị giam cầm.

“Tôi xin cảm ơn PEN America và PEN International vì họ đã ủng hộ quyền tự do của cô Trang và họ cũng nhận thức rất rõ về quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam”, bà Vi cho biết thêm.

Bà Phạm Đoan Trang, 45 tuổi, hiện đang thụ án tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có “Chính trị của một Nhà nước Công an” và “Chính trị bình dân”.

Giải thưởng của Văn Bút Mỹ ra đời vào năm 2016, đặt theo tên của ông Peter Barbey, giám đốc điều hành của nhà xuất bản Reading Eagle, có trụ sở ở bang Pennsylvania, Mỹ. Giải thưởng này được thiết kế để hàng năm vinh danh một nhà văn bị bỏ tù vì các tác phẩm của mình.

Cũng trong tuần này, như VOA đưa tin, bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ, và Nhân quyền nêu ra những “lo ngại nghiêm trọng” về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, nơi mà trong những năm gần đây xảy ra các vụ bắt giam những người bất đồng chính kiến.

Phát biểu hôm 14/5 tại sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, bà Zeya nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, cũng như các nhà hoạt động tôn giáo, họ nằm trong số hơn 180 tù nhân chính trị bị Việt Nam giam giữ oan uổng.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của công dân, bao gồm quyền tự do biểu đạt, luôn được tôn trọng.

🔝

Trung ương 9: Bước ngoặt hay ngõ cụt?

18/05/2024 Hoàng Trường - VOA

VOA-08-03
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022. Trung ương Đảng Cộng Sản VN ngày 18 tháng Năm, 2024 vừa giới thiệu nhân vật này để được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.

Trung ương Đảng ra một số quyết định về nhân sự để kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 ‘bấm nút’. Sau đợt ma-ra-tông này, cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình liệu có giảm bớt?

‘Xáo bài’ hay ‘Điệu hổ ly sơn’?

Trước khi Hội nghị, Bộ Chính trị đã báo cáo Ban Chấp hành trung ương (BCHTW) về quyết định phân công Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư (BBT); cử Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương (VPTW) giữ thêm chức vụ Trưởng Ban Tổ chức.

Đảng cũng bầu bổ sung Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Tưởng ban Tuyên giáo TW; Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức, Chánh VPTW; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận và Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Mặt trận vào Bộ Chính trị (1). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ‘xáo lại các quân bài’. Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Minh Hưng vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị, chứ không phải bổ sung một tướng Công an, cho thấy tương quan giữa quân đội và công an cân bằng hơn trước đây. Cùng với Đại tướng Phan Văn Giang, ông Tổng bí thư vẫn duy trì được ê kíp thân tín (Bộ tứ Giang – Cường – Nghĩa – Hưng). Tô Lâm nhận ghế Chủ tịch nước (Phúc, Quang, Thưởng đều ngã ngựa từ chiếc ghế này) là do cần phải có điều kiện để được hưởng ‘suất đặc biệt’ (giúp lách tuổi) mà ngồi lại sau Đại hội 14.

Rời Bộ Công an lúc này còn có thể do thế của Tô Lâm giờ đây không còn như đầu năm ngoái. ‘Hổ về đồng bằng’ liệu nanh vuốt sẽ ‘bị bào mòn’ tiếp? Điều này tùy vào việc ai sẽ được chọn thay ông và người này ngồi ghế ấy bao lâu? Người ấy từ Bộ Công an lên hay từ ngoài Bộ vào? Nhân vật ấy có thể ‘phá vây’, mà cũng có thể ‘bao vây’ Tô Lâm. Tô đại tướng chưa nhậm chức Chủ tịch nước mà cả tuần nay đã có hàng loạt tin tức bất lợi lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung dường như có ‘bàn tay vô hình’ tập hợp các vụ này nhắm vào ông!

Cuộc ‘đảo lại các quân cờ’ nói trên của Tổng bí thư có nguy cơ ‘trăm dâu đổ đầu tằm’. Bởi vì, cho đến nay, dư luận vẫn không tin rằng tất cả các vụ sau đây đều lỗi một mình Tô đại tướng: Vụ tập kích thôn Hoành, Đồng Tâm (Hà Nội) lúc 3 giờ sáng ngày 9/1/2020; vụ ký 3 công văn ‘Mật’ nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến AVG; và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.

Tất cả, sao không để Chủ tịch tân cử nhậm chức xong hẵng nhắc lại mọi chuyện cho đỡ bất tiện. Sắp tới lại là lúc ‘quan trên trông xuống người ta trông vào’, dù giễu nhại ấy xuất phát từ thời ‘bít-tết dát vàng’ ở London. Dẫu sao cũng khó đổ mọi chuyện lên đầu tân Chủ tịch?

‘Độc tài mềm’ hay dân chủ hóa?

Có lẽ chưa lúc nào cả nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam khó khăn như những ngày này. Kinh tế và xã hội bết bát, việc Mỹ xóa nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ vẫn bấp bênh. Trung Quốc ‘sát ván’ với Philippines là cũng nhằm để ‘dằn mặt’ Việt Nam. Đu giây giữa trật tự Mỹ (Đối tác chiến lược toàn diện/ CSP) và trật tự Trung Hoa (Cộng đồng chung vận mệnh/ CCD) là thách thức lớn về đối ngoại hiện nay. Cha con Hun Sen đang gợi lại những khó khăn trong quá khứ, tuy thời đại FOIP và AUKUS, Việt Nam không đơn độc như trước. ĐCSVN và ĐCSTQ tự xưng là anh em, nhưng thỏa thuận về các cuộc họp hai năm một lần trong chuyến công du của “Huệ Vương” là để người em báo cáo những vấn đề nội chính của mình cho người anh giám sát. Thoả thuận liên quan đến chuyện ‘hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế’, có nghĩa là, việc bỏ phiếu của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn toàn cầu, từ này răm rắp theo ‘chỉ lệnh’ Bắc Kinh. Ngày 9/4/2024, trong cuộc hội kiến giữa ông Huệ với Vương Hộ Ninh, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị ĐCSTQ, ông Ninh nhắc ông Huệ về việc phải xây dựng và bảo vệ các công trình hữu nghị Trung – Việt truyền thống, kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng cửa khẩu thông minh, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới, khoáng sản then chốt… (2).

Dưới những áp lực kể trên, nay là dịp người dân trong nước ‘thấu thị’ bản chất của thể chế không phải do họ tự lựa chọn. Trong thời gian ngắn kỷ lục, hai Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, một nữ lưu có danh tiếng là ‘trong sạch nhất’ Bộ Chính trị – bà Trương Thị Mai, người cùng lúc giữ hai ghế quan trọng là Trưởng Ban Tổ chức và Thường trực BBT – bị ép cáo quan về quê. Người dân ‘thấu thị’, tuy không biết ất giáp chuyện gì đằng sau ‘những bức tường tre’ kín mít ở Ba Đình. Ngay cả Hội nghị lần thứ 9 này cũng là ‘bí mật quốc gia’. Gần cả ngàn tờ báo dân phải bỏ tiền ra nuôi, cũng nhất nhất chỉ được đăng lại ‘lời vàng ý ngọc’ của người phát ngôn Bộ Công an, mỗi khi liên quan đến các đại án của ‘các đại quan trong triều’. Trong một không gian nghẹt thở như thế, Hội luận thứ Năm hàng tuần của VOA vẫn nghị bàn về bước ngoặt dân chủ hóa của Việt Nam trong tương lai thì phải nói, những người tham gia Chương trình thật đáng khích lệ về tinh thần ‘lạc quan lịch sử’ (3). Lịch sử luôn có khúc quanh bất ngờ, khó có thể dự đoán chắc chắn điều gì sẽ xẩy ra. Thế ‘cùng tắc biến’ liệu có kịp ‘thông’ hay sẽ ‘vỡ trận’ vẫn là những khả năng tiềm ẩn?

Việt Nam mất khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính (10). TW9 chưa mở ra bước ngoặt nào! Sự thâu tóm quyền lực giữa các phe phái không loại trừ nguy cơ dẫn đến cát cứ. Ý chí tại vị của Tổng bí thư sau Đại hội 14 không suy suyển, dù tuổi cao, sức yếu. Những ‘trụ’ trẻ khoẻ hơn có tiếp tục rơi rụng? Liệu có thể loại hết ‘các đồng chí bị lộ’ còn ‘các đồng chí chưa bị lộ’ có xứng đáng ngồi ở ghế quan tòa để phán xử? Các quy định về tổ chức, cơ cấu độ tuổi, vùng miền, về lý lịch xuất thân, học vấn ... tất yếu sẽ xung đột khiến cho quá trình bình chọn của Đảng đi vào thế bế tắc. Cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình vẫn chưa thể giảm bớt. Mà rối loạn càng tăng, đấu đá càng kéo dài dễ dẫn đến vỡ trận, mất kiểm soát về mọi mặt, dễ bị thế lực ngoại bang thao túng. Sự dàn xếp mang tính thoả hiệp với quá nhiều xung đột khiến các giải pháp kém chất lượng và dẫn đến hệ thống dễ sụp đổ. Tại Hội luận của VOA ngày 17/5 có ý kiến nêu lên khả năng chế độ độc tài có thể chuyển sang ‘độc tài mềm’, bớt sắt máu và công an trị. Từ đó, với ý thức và ý chí mạnh mẽ của người dân, một tiến trình ‘dân chủ hóa’ có thể bắt rễ trong tương lai. Đây là niềm hy vọng hay chỉ là ảo tưởng? Chỉ có lịch sử phiêu du mới có thể trả lời! (4)

Tham khảo:

(1) https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-lam-viec-thu-nhat-hoi-nghi-trung-uong-9-khoa-xiii-20240516171028447.htm

(2) https://www.rangdongonline.com/2024/05/15/vuong-dinh-hue-ky-ket-voi-tq/

(3) https://www.voatiengviet.com/a/7615276.html?withmediaplayer=1

(4) https://www.voatiengviet.com/a/7616107.html

🔝

Khi muốn tu phải được... công nhận

17/05/2024 Thiên Hạ Luận - VOA

VOA-08-02
Sư Minh Tuệ khẳng định mình không phải nhà sư và lý do ông đi bộ từ Nam ra Bắc ‘chỉ là để rèn luyện sức khỏe chứ không phải tu tập’.

Trân Văn

Dư luận vừa dậy lên thành bão sau khi Hội đồng Trị sự (HĐTS) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) gửi Thông báo cho Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố về “người được mạng xã hội gọi là ‘sư Thích Minh Tuệ’ không phải là tu sĩ Phật giáo”.

Thông báo vừa kể nhấn mạnh “người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại” đang “gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. HĐTS của GHPG VN cho biết “đã xác minh” và “khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clips trên mạng xã hội”. Theo HĐTS của GHPG VN thì “người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Tú sinh sống tại huyện Eakar tỉnh Đắk Lắk. Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Tuy nhiên lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. HĐTS của GHPG VN đề nghị Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố thông báo để không gây ngộ nhận ông Tú là “nhà sư”.

Đáng lưu ý là HĐTS của GHPG VN đề nghị Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố “liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam[1].

***

Trên thực tế, người đàn ông tên là Lê Anh Tú được nhiều triệu người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam ngưỡng mộ, tán thán với tên “sư Thích Minh Tuệ”, không phải nguyên nhân dẫn tới thực trạng mà GHPG VN cho là “dư luận xúc phạm”. “Dư luận xúc phạm” đã dậy lên từ lâu sau khi nhiều tăng, ni của GHPG VN vừa phô bày sự xa hoa, vừa đốc thúc Phật tử dâng sao giải hạn, cúng dường, chuyển khoản, thậm chí hiến kế cho nhau để tăng nguồn thu.

Không chỉ Phật tử mà công chúng nói chung chú ý đến “sư Thích Minh Tuệ” bởi sự khiêm cung, con đường tu tập mà ông chọn cho thấy nghị lực phi thường, nỗ lực buông bỏ tất cả để đạt đạo.

Có không ít người chẳng hạn như Thái Đức Phương đã so sánh cách thức tu trì của “sư Thích Minh Tuệ” với thực tế tu tập, thuyết pháp của nhiều tăng ni trong GHPG VN và chính sự so sánh này khiến HĐTS của GHPG VN cảm thấy đó là “dư luận xúc phạm”...

Theo Thái Đức Phương thì “ông Minh Tuệ” có “bảy cái sai”. Chẳng hạn ông chỉ “khất thực” chứ không chịu nhận “cúng dường”, đặc biệt là từ chối nhận tiền. Ông chọn lối tu tập... “khoe hình ảnh” đầu trần, chân đất ngoài đường trong khi nhiều vị tăng nổi tiếng ở Việt Nam thường khiêm tốn “ẩn mình” trong Mercedes, Audi,... Đã vậy ông còn “phân biệt” trong việc nhận đồ cúng, khác với những vị tăng nổi tiếng nhận hết, không chừa thứ gì. Chưa hết ông làm “tổn phước” vì khiến người ta cãi nhau về pháp tu của ông, do vậy mới có vị tăng quở ông, ông bị trách vì không biết tu theo “miệng đời”, sửa mình cho khớp với cái tham – sân - si của thiên hạ để vuốt ve Phật tử khiến Phật tử hăm hở cúng tài vật. Thái Đức Phương nói thêm, “ông Minh Tuệ” còn sai ở chỗ chỉ tu cho mình, “xưng con với tất cả mọi người, không chịu nhận là sư hay là thầy của ai, không chịu hoằng dương đạo pháp”. Cuối cùng ông “ép xác”, sai với “con đường trung đạo của Phật” bởi theo cách hiểu của số đông, trung đạo là tương đối, chẳng hạn đối với những người thu nhập bèo bọt như Thái Đức Phương, “đi xe máy là trung đạo, còn đối với những sư thầy vang danh thiên hạ có hàng trăm tỉ trong tài khoản ngân hàng thì đi Mercedes hay Audi là trung đạo”.

Tuy nhiên Thái Đức Phương thừa nhận: Hình ảnh của ông Minh Tuệ đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng khi thực hành tâm nhẫn trong công việc. Một người “tập học” theo Đức Phật, chưa làm gì lỗi đạo thì đáng được tán thán, chứ không đáng bị gọi là “thằng ba trợn” như một vị “nhân tài đất Việt thời kỳ hội nhập quốc tế” đã gọi. Nhờ những Youtuber và đoàn Phật tử đã đi theo ông Minh Tuệ suốt ngày đêm mà người ta biết được ông tu tinh tấn cỡ nào. Trước, tôi không tin có người thực hiện được hạnh ngủ ngồi suốt nhiều ngày liền và cho rằng đó chỉ là chuyện bịa ở trong kinh. Giờ điều đó đã có người làm được một cách nhẹ nhàng. Trước, người ta chỉ nghe giảng về buông xả, vô ngã qua miệng các nhà sư, thì giờ đây bỗng có người “dám” đem điều đó ra thực hành, cả xã hội ồ lên, nhận ra thế nào là “thực hành” và bọn tu mõm thì nhảy sồn sồn. Nhờ có ngắn, người ta mới biết thế nào là dài. Nhờ có bầu trời đêm, người ta mới thấy được các vì sao. Nhờ có bọn tu mõm, người ta mới biết được thế nào là một người “tập học” theo Phật. Tôi hiểu chữ “thực” trong câu “Có thực mới vực được đạo” nghĩa là “thực hành”. Phật pháp bị mạt phải chăng là do người ta mải rao giảng Phật pháp mà không chịu thực hành. Theo tôi, chỉ có thực hành đạo pháp mới mong vực dậy được đạo pháp [2]...

***

Không phải tự nhiên mà càng ngày càng nhiều người gọi GHPG VN là “Phật giáo quốc doanh”. Thông báo về “người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại” của HĐTS GHPG VN khiến rất nhiều người phẫn nộ như Phạm Hải: Phật giáo có từ hàng ngàn năm, GHPG VN lấy tư cách gì định đoạt ai là tu sĩ, ai không phải tu sĩ? Có người mỉa mai như Phạm Minh: Vợ em không tham gia Hội Phụ nữ Việt Nam, vậy vợ em có phải phụ nữ không ạ [3]? Cũng có người nhận định về những khác biệt khiến GHPG VN không thể dung “sư Thích Minh Tuệ” như Tran Nhat Binh: Người này làm gì có ‘chùa’ mà được nhận vào băng nhóm của các ông! Người này vô sản, làm sao ngồi chung với các ông dưới một mái nhà! Người này không vợ, không con, ăn chay... làm gì được ngồi chung mâm với các ông! Người này không livestream câu view kiếm tiền, không tu online... làm sao ngồi chung bàn với các ông! Người này không khuyên thiên hạ cúng dường, giải hạn, đuổi ma, trừ tà, mê tín dị đoan... làm sao được nhận vào hội của các ông! Người này chân trần, áo rách, da bọc xương, làm sao có thể lên chung một xe với các ông! Người này ăn nói khiêm nhường, một lòng tu thân tích đức, làm sao dám đi cùng một đường với các ông [4]!

Sau khi xem thông báo của HĐTS GHPG VN, có người như Chanh Tam thắc mắc mà như than: Hội đồng Trị sự sức giấy cho Ban Trị sự các tỉnh, thành phố chuyện nội bộ của giáo hội mà nơi gởi có A02 Bộ Công an? Để nhờ công an phối hợp đôn đốc, nhắc nhở hay gì [5]? Phải chăng tiêu chí “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” mà GHPG VN quyết tâm hướng tới đã đẩy tổ chức tôn giáo này đến chỗ khiến Phật tử nói riêng, dân chúng nói chung nhìn thông báo vừa đề cập chỉ là vấn đề như Hai Tran cảm nhận: Ông Minh Tuệ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào vận động cúng dường và giải oan gia trái chủ của Hiệp hội Doanh nghiệp cổ phần chùa Việt Nam [6]. Hoặc là chuyện như Hoàng Thanh Tâm bỡn cợt: Đề nghị “người đàn ông mang hình dáng nhà sư” trả lại NỒI CƠM cho GHPG VN vì đã làm bể nồi cơm của hội rồi! Hay buộc Tri Do phải thở dài: Văn phong của Trung ương Phật giáo quốc doanh mạnh như nghị quyết của chính quyền. Kinh thật! Chuyển qua Bộ Công An theo dõi, xử lý? Sợ lắm! Ôi thời mạt vận, miệng mồm mấy thầy chùa quốc doanh có gang, có thép gớm [7]!

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02WRsgQuDZScNRRtHnQeVD1s6nKbzqk8RPMhvbLg7aCB79Won6vKLy94bS3bC8Ee5Wl

[2] https://www.facebook.com/phuongthienlanh/posts/pfbid0kUFmTRB7jALYHxJ3XiEYrzg3tW29bP8Wvh6e1PTxQy1euzBC3U3dW1Yf2mgjtFfHl

[3] https://www.facebook.com/tuanlinh25/posts/pfbid09tcSFRU6Dh5GWZByYWpJ3pusuBcLzfZWNzrWAtJ7grYpn2tHXmgQaqPhsubs7NUhl

[4] https://www.facebook.com/tran.n.binh/posts/pfbid02zxqwS8UFxFTt5kwisdtHHsGiVRmkhRF9UneXurQhFVcYaTWgYpF6GiA337HNuPFZl

[5] https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/pfbid0fj3cnhF4EZXEV1hUxqCZ29RD8tnRLqnQ7jtHYosJFWJhbyRXeYP8pi6MYQuC7vWFl

[6] https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02WRsgQuDZScNRRtHnQeVD1s6nKbzqk8RPMhvbLg7aCB79Won6vKLy94bS3bC8Ee5Wl

[7] https://www.facebook.com/hoangthanhtam/posts/pfbid021f2ymw7V2V5ENs6jHu6fH1viS3Mx5NeesqX5EA9MaVJsjksxSTtKaGobVqA6AHnQl

🔝

‘Ổn định chính trị’ giá bao nhiêu?

17/05/2024 Trân Văn - VOA

VOA-08-01
Từ trái: Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (đã từ chức), TBT Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (đã từ chức). Hình chụp ngày 15 tháng Giêng, 2024.

Thêm một thành viên nữa của Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN nhiệm kỳ 13 “nhất trí” cho “thôi” làm ủy viên của cả Bộ Chính trị lẫn BCH TƯ khóa này (bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư) [1]. Do “nhất trí” chọn lầm, cử sai nên sau ba năm bốn tháng, BCH TƯ đảng khóa 13 tiếp tục “nhất trí” cho... một phần ba Ủy viên Bộ Chính trị (6/18 người) “thôi nhiệm vụ” lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.

Điều đáng nói là sai lầm trong chọn, cử diễn ra liên tục nên phải luân phiên gật, lắc. Chỉ trong một năm thay hai Chủ tịch Nhà nước (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng), ba Thường trực Ban Bí thư (Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Lương Cường), mới ba năm đã đổi Chủ tịch Quốc hội (Vương Đình Huệ)... song đến giờ, nhân sự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội vẫn... khuyết, cùng chờ... bổ sung do những cá nhân được chọn, cử giữ các vai trò này cùng có vấn đề gì đó về... “trách nhiệm”!

Do vậy không ai dám chắc, sự... “nhất trí” trong chọn, cử có lầm và sai nữa hay không! Nếu các tin đồn lại đúng như đã từng rất đúng thì BCH TƯ đảng khóa này sẽ còn phải họp nhiều lần nữa để “nhất trí” cho phần lớn Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, kể cả những Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm trọng trách phòng ngừa tham nhũng, xử lý tiêu cực, chỉnh đốn đảng “thôi” mọi thứ khi thời thế khiến các đương sự đột nhiên “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” như sáu... đồng đảng từng bị buộc hạ cánh!

***

Trong 40 tháng vừa qua, BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 họp 16 lần và 7/16 lần là họp... bất thường để giải quyết vấn đề nhân sự. Nếu tính cả những lần họp chính thức phải đem vấn đề nhân sự ra bàn bạc, xử lý thì có tới 12/16 lần BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 tụ họp chỉ để loại bỏ cá nhân này, chọn cá nhân kia thay thế. Trung bình cứ hơn ba tháng lại có xáo trộn nhân sự trong đội ngũ mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khẳng định là... “tinh hoa” của dân tộc, của xứ sở!

Hội nghị BCH TƯ đảng lần thứ chín (16/5/2024 – 18/5/2024) vừa bổ sung bốn cá nhân vào Bộ Chính trị, thay cho sáu Ủy viên Bộ Chính trị đã được BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này “nhất trí” cho “thôi” mọi thứ. Cả bốn (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến) đều là thành viên Ban Bí thư của BCH TƯ đảng khóa này. So với sĩ số lúc khởi đầu (18) thì vẫn còn khuyết hai. Với bốn cá nhân mới được bổ sung, liệu tính hình kinh tế - xã hội, tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc có khá hơn chăng?

Câu trả lời là chẳng có gì chắc! Khi đảng CSVN vẫn khăng khăng nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và 50% thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ lực lượng chuyên dùng… súng thì có thể hy vọng gì khác? Trong 16 thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm, có tám xuất thân từ lực lượng vũ trang...

Ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng) có 27 năm khoác áo công an, (từng là Trung tướng Thứ trưởng Công an). Ông Lương Cường (Thường trực Ban Bí thư) vốn là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội (TCCT QĐ). Ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư TP.HCM), có 17 năm khoác áo công an (từng là Trưởng Công an huyện). Ông Phan Văn Giang hiện là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính) có 30 năm khoác áo công an (từng là Giám đốc Công an Nghệ An). Ông Tô Lâm hiện là Đại tướng Bộ trưởng Công an. Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao) có 33 năm khoác áo công an (từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát). Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng ban Tuyên giáo) vốn là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT QĐ.

Tám thành viên còn lại của Bộ Chính trị thì có hai chuyên về... “lý luận xây dựng đảng và chủ nghĩa xã hội” (ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Thắng), phần lớn những thành viên còn lại, nếu không xuất thân từ các tổ chức mà dân chúng ví von là “cờ, đèn, kèn, trống” như ông Trần Thanh Mẫn (cán bộ đoàn) thì gần như toàn bộ cuộc đời cũng gắn với các... doanh nghiệp nhà nước và... công tác đảng!

***

Không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia về Việt Nam đề cập đến “khủng hoảng nhân sự thượng tầng” và nguyên nhân không phải do Việt Nam thiếu những cá nhân đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, dân tộc mà vì giới lãnh đạo đảng CSVN tự đặt định các tiêu chí sao cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự có lợi nhất cho chính họ.

Những đòi hỏi kiểu như... chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên... trong Quy định số 214-QĐ/TW của BCH TƯ đảng khóa 12, ban hành cách nay bốn năm [2] được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc tàn sát các ứng cử viên của nhiệm kỳ tới. Chưa kể việc cố tình... “sáng tạo” hàng loạt yêu cầu phi lý về quy hoạch nhân sự đang tạo ra một cuộc hôn nhân cận huyết về chính trị.

Nhân loại xem hôn nhân cận huyết không chỉ là hủ tục mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho xã hội bởi việc lựa chọn người phối ngẫu gần gũi về huyết thống sẽ tạo ra các thế hệ mắc nhiều bệnh bẩm sinh thuộc loại nan y, làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi. Nhân danh “ổn định chính trị” để đặt định những quy định vô lối, lạc hậu trong lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc không chỉ khiến đảng CSVN phải trả giá đắt về uy tín, cái gọi là “ổn định chính trị” ấy đã, đang và sẽ còn gieo rắc vô số tai họa cho xứ sở và nhấn dân tộc này sâu hơn vào lầm than. Tại sao hàng trăm triệu người phải hi sinh no ấm cho sự “ổn định” tương lai chính trị của một nhúm người?

Chú thích

[1] https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-lam-viec-thu-nhat-hoi-nghi-trung-uong-9-khoa-xiii-20240516171028447.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-214-QD-TW-2020-tieu-chuan-chuc-danh-can-bo-thuoc-dien-Ban-Chap-hanh-Trung-uong-433545.aspx

🔝