VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

VOA - 10

Công an: Trương Mỹ Lan ‘chuyển ra nước ngoài 4,5 tỷ đô la’ và ‘rửa tiền’

06/06/2024 - VOA

Cho đến nay bà Trương Mỹ Lan đã bị truy tố 6 tội danh và đã bị tuyên án tử hình

Tỷ phú Trương Mỹ Lan bị truy tố thêm hai tội danh ‘Chuyển tiền trái phép qua biên giới’ và ‘Rửa tiền’ sau khi có kết luận điều tra giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà làm chủ tịch, báo chí trong nước dẫn lời cơ quan công an cho biết.

Trong giai đoạn hai, công an điều tra về hành vi gian dối phát hành trái phiếu của các công ty con trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua ngân hàng SCB. Như vậy, với hai tội danh mới, tổng cộng bà Trương Mỹ Lan bị truy tố ba tội danh. Trước đó, bà đã bị truy tố về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ khi bị bắt hồi tháng 10 năm 2022.

Cụ thể, với tội danh ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc phát hành 25 gói trái phiếu của các Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh, trang VOV dẫn kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết.

Đây là những ‘gói trái phiếu khống’, theo cơ quan công an, vì ‘không có tài sản đảm bảo’. Trong số hơn 30.869 tỷ đồng được huy động bằng trái phiếu, hiện còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nạn nhân khắp cả nước. Công an xác định số trái phiếu này ‘hiện mất khả năng thanh toán’, cũng theo VOV.

Theo tìm hiểu của VOA, những nạn nhân trái phiếu này vốn là những người đến ngân hàng SCB gửi tiết kiệm nhưng bị ngân hàng SCB dẫn dụ mua trái phiếu nhưng lại tưởng là ‘gửi tiết kiệm linh hoạt với lãi suất cao’.

Với tội danh ‘Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới’, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chuyển tiền phi pháp hơn 106.730 tỷ đồng, tức gần 4,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó có hơn 1,5 tỷ được chuyển ra nước ngoài, số 3 tỷ đô la còn lại là chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra được VOV dẫn lại.

Còn với tội danh ‘Rửa tiền’, bà Lan được xác định đã chủ mưu rửa tiền hơn 445.747 tỷ đồng, tức gần 17,5 tỷ đô la. Trong đó, có hơn 415.000 tỷ đồng là bà Lan tham ô của ngân hàng SCB, còn 30.081 tỷ đồng còn lại là lấy từ việc lừa đảo phát hành trái phiếu.

Thủ đoạn trong việc chuyển tiền trái phép, theo cơ quan điều tra được Tiền Phong dẫn lại, là ‘lập hợp đồng khống’ mua bán cổ phần, góp vốn, vay nợ giữa các công ty của bà Trương Mỹ Lan với các các công ty, tổ chức ở nước ngoài. Số tiền được bà Lan chuyển ra nước ngoài là số tiền bị bà rút ruột của ngân hàng SCB.

Trong hành vi rửa tiền, bà Lan chỉ đạo rút tiền mặt từ số tiền vay được của SCB và tiền phát hành trái phiếu rác để đưa vào các tài khoản đứng tên các tổ chức và cá nhân rồi sau đó được chi cho các mục đích như trả gốc và lãi các khoản vay tại SCB, trả gốc, lãi trái phiếu, trang trải chi phí hoạt động của SCB, chi trả cho các dự án bất động sản đang triển khai dang dở, chuyển tiền ra nước ngoài, chi tiêu cá nhân của vợ chồng bà Trương Mỹ Lan...

Trong giai đoạn hai của vụ án, bà Lan bị truy tố cùng 33 bị can khác. Bên cạnh đó, có 3 bị can đã bất ngờ qua đời trong giai đoạn điều tra, bao gồm Nguyễn Phương Hồng, cựu giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn, Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội đồng Quản trị SCB, và Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, Tiền Phong cho biết.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan cùng 85 bị cáo khác đã bị xét xử về hành vi rút ruột ngân hàng SCB. Riêng bà Lan đã bị tuyên án tử hình – mức án tổng hợp cho 3 tội danh là ‘Tham ô’, ‘Vi phạm các quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng’ và ‘Đưa Hối lộ’. Ngoài ra, bà còn bị buộc khắc phục thiệt hại số tiền 27 tỷ đô la cho SCB.

🔝

Quy Định 144-QĐ/TW: Vũ khí mới nguy hiểm của Đảng

05/06/2024 Lê Quốc Quân - VOA

VOA-10-10

Quốc kỳ và đảng kỳ. Hình chụp tại Hà Nội, tháng Giêng, 2016.

Quy định số 144 QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới, được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 9/5/2024 dự báo sẽ trở thành một “vũ khí mới” vô cùng nguy hiểm để các bên có thể sử dụng “thanh trừng” lẫn nhau.

Loại “vũ khí” mới này được bổ sung vào bộ sưu tập đảng quy mà đã được Đảng sử dụng một cách quyết liệt trên sàn đấu trong những trận tỷ thí xảy ra trong suốt hơn 2 năm qua, dự báo cả một khoảng trống quyền lực, hoặc độc tài sắt máu.

Tuyệt đối trung thành và kiên định

Quy định 144 QĐ/TW có 6 điều dài khoảng 4 trang giấy A4 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” là sự “nâng cấp” Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành TW Đảng về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Nội dung của Quy định gồm 5 điểm nằm ở 5 điều chính mà có thể gói gọn ở mấy chữ: Trung thành (Điều 1), Kiên định (Điều 2), Trong sạch (Điều 3), Đoàn kết (Điều 4), Gương mẫu (Điều 5) và Điều 6 quy định về việc tổ chức thực hiện.

Khoản 1, Điều 1 của Quy định nhấn mạnh đến sự trung thành với Đảng bằng một mệnh đề rõ ràng là đảng viên phải “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng”.

Đây là một khẳng định dứt khoát của đảng cộng sản về lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản mà rất nhiều người, khi chứng kiến nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam mà đã trở nên mơ hồ hoặc bị nhầm lẫn.

Không chỉ có người dân trong nước mà nhiều người hải ngoại từng “chống cộng” cũng đang bắt đầu tin về một Việt Nam đang thay đổi từng ngày và kỳ vọng những người cộng sản sẽ “buông bỏ” lý thuyết về Chủ nghĩa Cộng sản để tiến hành dân chủ hoá đất nước.

Không! Những người cộng sản chưa bao giờ ngừng đòi hỏi các đảng viên phải kiên định về mục đích và lý tưởng cộng sản. Họ vẫn liên tục hô hào tu dưỡng về đạo đức cách mạng một cách không ngơi nghỉ.

Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Việt Nam lơ là trong việc bồi dưỡng lý tưởng và củng cố tinh thần cho các đảng viên của mình dù cho lý thuyết đó đã bị chối bỏ trên quê hương khai sinh ra nó và đang bị thách thức gay gắt bởi thực tiễn Việt Nam.

Cuộc tìm kiếm bài bản và sự tha hoá lâu dài

Mặc cho thực tế liên tục giáng những đòn cay đắng vào lý tưởng, Đảng Cộng sản vẫn liên tục tìm kiếm các bạn trẻ ở các trường trung học có năng lực và lý lịch trong sạch nhất để kết nạp vào trong hàng ngũ của họ, nâng tổng số đảng viên ngày một nhiều hơn với chất lượng đầu vào cao hơn.

Sau khi đã đưa chiêu mộ được những học sinh giỏi mà non nớt vào “tròng”, Đảng bắt đầu 2 nhiệm vụ quan trọng: Một là liên tục răn dạy những bài giảng về đạo đức, lối sống, tư tưởng và lòng yêu đảng mà họ đồng hoá là yêu nước . Hai là treo ngay trước mắt những quyền lợi về vật chất và chức vụ, gọi là được “quy hoạch”.

Đã có những người đợi cả đời vì một chữ “quy hoạch cán bộ”, bỏ qua vô vàn cơ hội để trở thành một con người tự do và giàu có một cách chính đáng ở ngoài kia. Họ được cơ cấu và sống trong niềm hy vọng của sự “cơ cấu” đó cho đến tận lúc về hưu.

Nhiều người biện minh cho việc vào Đảng là để “đem đến sự cải cách” hoặc “pha loãng sự ngu dốt” của những người đi trước. Thế nhưng, kể từ khi bước lên bục tuyên thệ, họ vĩnh viễn bước vào một trạng thái đầy mông lung và sợ hãi. Mông lung vì lý tưởng ngày càng xa vời, sợ hãi vì bất cứ khi nào các đồng chí cũng dựa vào sự “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của mình để ra đòn triệt hạ.

Khi họ bắt đầu giơ tay hô to “Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản”, đó là lúc họ bắt đầu tha hoá trong chuỗi, rễ và bè nhóm của mình.

Đó là lúc “giọt nước trong” với lòng tinh khiết bắt đầu hoà mình vào một lọ mực đen, là lúc Đảng bắt đầu nhốt các đảng viên của mình vào chiếc hộp Pandora Box với những phe nhóm và tai ương dẫn dụ, đẩy họ càng lên cao càng xa rời chính con người thật của mình, càng trở nên tha hoá.

Những người đeo mặt nạ

Ngày nay, những đảng viên cộng sản vẫn phải mang lý tưởng và chuẩn mực “đạo đức cách mạng” như một tấm bình phong nguỵ trang cho toàn bộ cuộc đời mình, phải thường xuyên phải đeo mặt nạ. Những đảng viên là quan chức đã phải trường kỳ nguỵ trang nhân cách cho chính mình theo cách nói một đàng làm một nẻo.

Loạt bài báo dài 4 kỳ được giải B Toàn quốc về xây dựng Đảng của nhà báo Nguyễn Hoà Văn, đã mô tả chân thực sự “giao tranh” quyết liệt giữa lý tưởng và thực tế cuộc sống, về sự giằng co trong tiến hoá và suy thoái đạo đức của các đảng viên. Tiếc rằng, bài báo không thể giải quyết được vấn đề vì bản thân cơ chế đó đã không tạo được động lực cho những thay đổi tốt đẹp phù hợp với thực tiễn khách quan.

Một mặt họ muốn sống thật với chính mình, một mặt bị đảng buộc phải “sinh hoạt” như một tổ chức tôn giáo nơi các tín đồ phải “nhóm” với nhau thường xuyên để nghe rao giảng về những lời của giáo chủ.

Tôn giáo thì chỉ khuyên răn những việc làm thiện hảo ở đời này để được hưởng hạnh phúc “đời sau”, trong khi đó, đảng áp đặt lợi ích quốc gia dân tộc vào chung với lợi ích chung của Đảng, trói chặt mọi đảng viên vào một bộ đồng phục lý tưởng may sẵn và giám sát nó trong các công việc hằng ngày.

Cụ thể, Điều 2 của Quy định nêu trên đề cập về “Bản Lĩnh, Đổi mới, sáng tạo và hội nhập” nhưng bản lĩnh có nghĩa là “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối chủ trương của Đảng…”

Như vậy các đảng viên phải đeo mặt nạ và mặc áo giáp như những người máy với đồng phục của Đảng, trang bị bằng lý tưởng cộng sản và xông pha giữa sự đa dạng của nền kinh tế nhiều thành phần trong một đất nước đang hội nhập quốc tế sôi động.

Chính việc ép buộc tất cả mọi thành viên đều phải đi theo “tư tưởng của đảng” đã giết chết mọi “đổi mới, sáng tạo và hội nhập”.

Bất cứ đảng viên nào tiến hành việc “sáng tạo và hội nhập” vào với thế giới phương tây hoặc các quan điểm khác biệt thì đều có thể bị coi là vi phạm và Quy định 144/QĐ-TƯ này và là căn cứ để đối thủ tiêu diệt.

Đảng như một màn sương

Vào năm 1989, Đảng cộng sản Liên Xô có khoảng 20 triệu thành viên và tất cả đều được coi là “Tuyện đối trung thành” với lý tưởng cộng sản. Thế nhưng chưa đầy 2 năm sau, các đảng viên đã “bốc hơi” một cách kỳ lạ và không ai có thể vực dậy được một đảng cộng sản có tầm vóc ở Nước Nga sau này. Điều đó cho thấy rằng lý tưởng cộng sản đã thực sự chết khô trong tâm hồn của những người cộng sản.

Giờ đây, Ông Nguyễn Phú Trọng, đang cố níu kéo lại những lý tưởng cộng sản bằng cách đưa ra những quy định về “đạo đức, lối sống” và trói chặt các đảng viên vào những trách nhiệm “nêu gương” đầy tưởng tượng. Sự giằng co này đang làm đất nước suy giảm động lực phát triển do các véc tơ thuộc về các lực đẩy khác nhau.

Đó là điều vô cùng tai hại và tất cả các đảng viên đều biết điều đó, nhưng không ai có đủ sự dũng cảm để thoát ra khỏi những nhận thức của chính mình. Nếu khi có một biến cố đủ mạnh tạo nên ngọn triều lịch sử, sẽ xô đổ tất cả và đảng có thể biến mất một cách mau chóng, để lại cả một khoảng trống quyền lực rất lớn và cực kỳ nguy hiểm cho tương lai đất nước.

Bởi vậy, “vũ khí” mới về đạo đức cách mạng này, tưởng như củng cố thêm vai trò của đảng, nhưng thực chất chỉ khoét sâu thêm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm, tạo lý do cho những cuộc “tỷ thí” có một không hai trong thời gian sắp tới.

🔝

Việt Nam, tân vương và ‘tội’ khi quân! (P1)

04/06/2024 Trân Văn - VOA

Ông Tô Lâm tuyên thệ làm Chủ tịch nước Việt Nam ngày 22 tháng Năm, 2024, tại Hà Nội.

Cách nay ba ngày (1/6/2024) người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kháo nhau rằng ông Trương Huy San (nhà báo có bút danh là Huy Đức, blogger có nickname là Osin) và ông Trần Đình Triển (luật sư, cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cùng bị bắt [1].

Tuy nhiên đến nay – ngày 4/6/2024 - các thông tin vừa kể vẫn chỉ là... “tin đồn” bởi giới hữu trách tại Việt Nam chưa công bố bất kỳ thông tin chính thức nào. Có thể vì giới hữu trách đang tận dụng quy định liên quan đến “tạm giữ hình sự”.

Theo luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam có quyền “tạm giữ hình sự” bất kỳ ai trong vòng ba ngày. Nếu không đủ căn cứ để khởi tố thì sau đó phải trả tự do cho người bị tạm giữ, trừ trường hạn đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ thêm ba ngày nữa [2].

Chuyện ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đột nhiên “mất tích” tạo ra làn sóng với vô số đồn đoán, bình phẩm, trong đó nổi lên hai vấn đề: Thứ nhất, nếu họ bị bắt, thì vì sao họ bị bắt? Thứ hai, nếu họ bị bắt, thì tại sao lại bắt giữ họ vào thời điểm này?.

Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đều có rất đông bạn bè, người theo dõi trên mạng xã hội. Nếu điểm lại những status mà cả hai từng post trong khoảng nửa tháng vừa qua, hẳn sẽ nhận ra sự tương đồng.

***

Ngày 18/5/2024, BCH TƯ đảng khóa 13 công bố kết quả hội nghị lần thứ chín (16/5/2024-18/5/2024), theo đó các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 “thống nhất rất cao trong việc giới thiệu ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an – để Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm Chủ tịch Nhà nước (CTNN) [3]. Hôm sau (19/5/2024), trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình nghị sự kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội – loan báo: Quốc hội sẽ bầu ông Tô Lâm làm CTNN song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm [4].

Cũng trong ngày 19/5/2024, ông Trương Huy San giới thiệu suy nghĩ của ông. Theo đó, ông đã đọc rất kỹ cả tường thuật về cuộc họp báo mà ông Bùi Văn Cường chủ trì lẫn hiến pháp, đồng thời đã tìm hiểu các tiền lệ nhưng “vẫn không hiểu được cách giải thích của ông Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường”. Bởi ông Cường đề cập đến tiền lệ (ông Trần Hồng Hà, vừa là Phó Thủ tướng, vừa kiêm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho đến khi có người thay ông Hà làm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường) nên ông Trương Huy San nói thêm: “Không rõ cách ông Bùi Văn Cường trả lời báo chí trên đây là ý kiến cá nhân ông hay ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có nên coi đây là cách mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp và lúc này thì những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó không? Nếu vậy thì điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp”... Đồng thời ông Trương Huy San lưu ý: “Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm chánh án. Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm[5].

Tuy trang Facebook của ông Trương Huy San đã bị đóng nhưng có thể tìm đọc status vừa trích dẫn trên trang Tiếng Dân [6]. Nếu chịu khó theo dõi mạng xã hội hẳn sẽ thấy, sau 19/5/2024, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã nêu chính kiến về việc ông Tô Lâm không thể vừa là CTNN, vừa là Bộ trưởng Công an. Việc ông Tô Lâm bị miễn nhiệm Bộ trưởng Công an không phải do dư luận nhưng chắc chắn dư luận là một phần trong việc Thủ tướng đột nhiên đề nghị miễn nhiệm ông Tô Lâm và Quốc hội điều chỉnh nghị trình!

Điều tương tự cũng đã xảy ra với trang Facebook của ông Trần Đình Triển nhưng theo lưu trữ của người viết bài này thì ngày 14/5/2024, ông Trần Đình Triển từng viết “Phải chăng các vua Hùng đã lựa chọn”.

Trong status, ông Triển đề cập đến chuyện Bộ Chính trị có họp không chính thức về việc sắp đặt nhân sự giữ các trọng trách của đảng và nhà nước vào ngày 11/5/2024 hay không và tại sao “những nội dung quan trọng về nhân sự lại bị rò rỉ”(?). Tuy nhấn mạnh “không quan tâm đến chính trị, ai được Đảng, Nhà nước và nhân dân để bạt làm lãnh đạo thì tôi đều trân trọng và quý mến” nhưng ông Trần Đình Triển cho rằng: “Những vị trí nhân sự lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước trước khi bổ nhiệm, không nên đưa vào danh mục ‘Bí mật nhà nước’. Căn cứ Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin; ‘Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hệ thống chính trị’; ‘Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân’,…thì những người đứng đầu các tổ chức Đảng và Nhà nước cần công khai lấy ý kiến rộng rãi của Đảng viên và công dân trước khi bầu cử tại tổ chức có thẩm quyền. Nếu làm được vậy, có thể không xảy ra nhiều vị lãnh đạo bị kỷ luật như thời gian qua; vì quần chúng là tai mắt nhìn nhận, phản ánh mọi hoạt động của xã hội”.

Trong status vừa dẫn, ông Triển còn giới thiệu tấm ảnh dâng hương tại Đền Hùng và viết thêm: “Giả sử thông tin cuộc họp Bộ Chính trị ngày 11/5/2024 bị tiết lộ là chính xác, nếu mọi người tinh ý đã phỏng đoán được từ 29/4/2024 (tức 10/3 âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương)”. Trong tấm ảnh ấy, từ trái qua phải là Đại tướng Lương Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân vật chủ lễ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm [7].

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ScQX6JKw1xGrUseeSo2LStPZoDW9YhjxXH5RQtaaakiSMtXUvLSZYtqSMtBZyno2l&id=1569759542

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx

[3] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/trung-uong-gioi-thieu-dong-chi-to-lam-lam-chu-tich-nuoc-dong-chi-tran-thanh-man-lam-chu-tich-quoc-hoi-665380.html

[4] https://thanhnien.vn/chua-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-cong-an-cua-ong-to-lam-185240519091328294.htm

[5] https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=7411870405514743&id=10000075570124

[6] https://baotiengdan.com/2024/05/19/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-dang-giai-thich-hien-phap/

[7] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0RZo4Ea4yXUJt5NZbdJUG85RkYaaX5YYqPzhTBQxNdYgFFBdE3xc6MYdVbuAg9YNJl

🔝

Việt Nam, tân vương và ‘tội’ khi quân! (P2)

04/06/2024 Trân Văn - VOA

Hình bìa tác phẩm Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức.

Sau khi Thủ tướng đương nhiệm đột nhiên đề nghị Quốc hội miễn nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm và Quốc hội nhất trí sửa đổi nghị trình để thực hiện đề nghị này, ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được bầu và trở thành Chủ tịch Nhà nước (CTNN) thứ 13 của Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thiên hạ tin rằng, những diễn biến bất thường ấy cho thấy, cuộc chiến giành quyền lực ở thượng tầng đã đến giai đoạn khốc liệt. Dẫu khả năng ông Tô Lâm trở thành người kế nhiệm ông Trọng lớn hơn trước nhưng không có gì bảo đảm điều đó sẽ thành sự thật vì dư luận không ủng hộ ông, còn đồng chí thì thuộc phạm trù khó lường.

Trong bối cảnh đó, ngày 28/5/2024, ông Trương Huy San viết “Những suy nghĩ không rời rạc”. Theo lời Trương Huy San: “Một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an vừa điện thoại tâm sự với tôi rằng: Nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết. Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ (BTA với Mỹ, WTO, TTP…). Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về”.

Những suy nghĩ không rời rạc” không chỉ có thế. Đó là tâp hợp một số suy nghĩ của Trương Huy San từ giữa thập niên 2010. Lúc ấy, ông Trương Huy San từng nhận xét “việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị” và “không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ”. Nay, trước thực tại như ai cũng thấy, Trương Huy San nói thêm: “Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa. Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”.

Ngoài khái quát về “tinh thần pháp quyền đã chết” và “đức trị hay pháp trị”, trong “Những suy nghĩ không rời rạc”, Trương Huy San lập lại cảnh báo “Đường xa phải nghĩ nỗi sau này”. Cụ thể: “Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế. Tất nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, ý kiến của thường dân như chúng ta, thường rơi vào hư không”. Nhân hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ, Trương Huy San nhắn thêm: “Khi nhiều quyền lực nhất hay nhiều tiền bạc nhất mà chỉ cậy quyền, cậy tiền thì cũng coi như đang làm những việc thất đức, tổn phúc là điều không tránh khỏi” [1], [2].

Cũng trong ngày 28/5/2024, ông Trần Đình Triển viết “Quan tham là lũ lưu manh côn đồ trong đảng”. Trong status này, sau khi nêu câu hỏi: “Tham nhũng là ai?”, ông Triển tự trả lời: “Là kẻ có chức có quyền, là Đảng viên, là cán bộ công chức. Là những kẻ có quyền uy mà nhà nước trao cho; kiến thức chuyên môn thì dốt nát - nhưng thủ đoạn chính trị thì thâm sâu; bẻm mép và dối trá; hủ hoá và đĩ bợm; lươn lẹo và mưu mô; hở ra là đớp không từ một thứ gì của nhà nước và của dân. Mua quan bán chức, bè phái, cha truyền con nối,... hình thành một đội ngũ có tính giai cấp lưu manh và thượng lưu mới tàn bạo, độc ác, bất nhân bất nghĩa nhất chưa từng có trong các hình thái xã hội của lịch sử loài người. Mang danh Đảng chống lại Đảng; mang danh nhà nước chống lại nhà nước, mang danh vì dân nhưng bóc lột và chống lại nhân dân;... Mang danh đầy tớ của dân, nhưng xử sự với dân không khác gì côn đồ; ăn trên ngồi trốc, hống hách và trịch thượng. Mỗi tên quan tham là một tên lưu manh côn đồ giả danh lương thiện![3].

***

Đã có không ít đồn đoán về chuyện ông Tô Lâm củng cố quyền lực tại Bộ Công an, sử dụng bộ này như công cụ hỗ trợ ông loại bỏ các đối thủ chính trị thông qua “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Sau khi phải rời khỏi Bộ Công an, ông Tô Lâm vẫn tìm mọi cách để có thể tiếp tục chi phối Bộ Công an [4] nhằm “tạo ra sức ép”, qua đó có đủ sự ủng hộ và trở thành người kế nhiệm ông Trọng. Tuy nhiên thiên hạ chỉ có thể tìm thấy hình ảnh và thông tin về “Hội nghị Cán bộ chủ chốt lấy ý kiến giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026” diễn ra vào ngày 28/5/2024 trên mạng xã hội [5]. Theo... “tin đồn”, thay vì để Bộ Chính trị lựa chọn và phân công, Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ là Bộ trưởng Công an thì Bộ Công an tổ chức hội nghị để Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố bỏ phiếu đề cử và nhân vật vừa được đề cử (Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an) sẽ chiếm một trong những ghế còn trống ở Bộ Chính trị.

Tin mới nhất và cũng là tin chính thức – ông Nguyễn Duy Ngọc, Thượng tướng, Thứ trưởng khác của Bộ Công an, đồng thời còn là một đồng hương khác của ông Tô Lâm (Hưng Yên) vừa được đề cử làm Chánh Văn phòng BCH TƯ đảng – tin này hợp thức hóa một phần các tin đồn [6].

Dường như việc chia sẻ bất kỳ nhận xét, đề nghị nào dẫu thành tâm, thiện ý và về lý, chẳng có gì sai song có thể tác động đến nhận thức của cả đồng chí lẫn đồng bào, gây nguy hại cho “sự nghiệp chính trị” của ông Tô Lâm đều có thể dẫn tới “mất tích” dù “khi quân” không có trong luật hình sự Việt Nam!

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02tBNDHD7gnyeLKabXsu5UYr8gNQj41ZjXZWvSEfNEDvtT75RV7qfH1CR1X7oyyHZil

[2] https://baotiengdan.com/2024/05/28/nhung-suy-nghi-khong-roi-rac/

[3] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0A5egcbVLmpPw6VKrt1mTDd3Wi2RQVS5hAvDGiiZBZM1NqbFsU1nq7MrgWBNvLPBBl

[4] https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/posts/pfbid02i8jaNL14LZFg44uZAvd1sQU1dQSxhTvBHpHXcHatswvwiro3YQWP2nzRspQXwNHKl

[5] https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid01NEAjb8mdw3YPM8HzBmRhpFB3EYFHVU7dCDYUovEtLXsJLksSgWVpGJvyperQbvNl

[6] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-chinh-tri-dieu-dong-phan-cong-dong-chi-nguyen-duy-ngoc-giu-chuc-chanh-van-phong-trung-uong-dang-119240603110218027.htm

🔝

Thích Minh Tuệ ‘Chân trần, Chí thép’

03/06/2024 Trần Đông A - VOA

Sư Minh Tuệ, người tu tập theo Hạnh đầu đà trong Phật Giáo, trở thành một hiện tượng tại Việt Nam trong thời gian qua. (Hình: Screenshot from laodong.vn)

Sư Minh Tuệ ‘đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực’, theo truyền thông nhà nước. Đây là kết quả làm việc ‘của các cơ quan chức năng sau khi gặp gỡ trao đổi’ với Sư hay do sự đốn ngộ của nhà sư… mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới?

Thật khó trả lời vế thứ hai của câu hỏi, vì đa số chúng ta không phải là bậc tu hành. Còn đối với vế thứ nhất thì khỏi cần phải trả lời! Đại chúng từng mắt thấy tai nghe hằng hà sa số các trường hợp, ai đó bị Công an bắt vào đồn rồi tử thương do ‘bị té ngã’; hay nhờ sự vận động cũng ‘của các cơ quan chức năng’ mà trước đây Trịnh Xuân Thanh ‘đã tự thú và ‘cũng tình nguyện về nước (?!) Cái gì đến sẽ phải đến! Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Con người chỉ là những hạt cát nhỏ bé trong dòng chảy thời gian. Chấp nhận sự thật này giúp ta sống an nhiên và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời vô thường này. Mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới, mỗi phép thử là một cơ hội để dân trí trưởng thành hơn? Hãy đón nhận mọi điều với tinh thần lạc quan và niềm tin vào ngày mai. Mặc cho hàng chục YouTuber quốc doanh la làng ‘cào lưng ăn vạ’ hãy cảnh giác với thế lực thù địch (1). Sáng sớm ngày 3/6, nhiều thông tin trên mạng cho biết, sư Minh Tuệ đột nhiên ‘biến mất’, sau khi ngài đến địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế vào buổi chiều hôm trước, không ai rõ tung tích…

Thích Minh Tuệ đã ‘chân trần chí thép’ (2) từng hành thiền ba vòng rưỡi trên các nẻo đường từ Bắc vô Nam mà chẳng cần quảng bá. Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là thầy. Ngài chỉ bộc bạch, con chỉ là người học tu… Sư đã bộ hành như thế hầu như suốt 6 năm trời ròng rã, một mình. Chỉ từ đầu tháng Năm vừa qua, khi đặt chân đến Thanh Hóa thì ‘cư dân mạng’ mới bắt đầu chú ý đến thầy. Và sau hơn một tháng, số người quan tâm ban đầu là hàng trăm, rồi lên đến hàng chục ngàn và giờ này gõ vào Google ba chữ ‘Thích Minh Tuệ’, số người quan tâm đã lên đến gần trăm triệu viewers. Phép tu ‘Hạnh đầu đà’ của Sư cũng chỉ là một trong hàng vạn phép tu mà Phật pháp từng xiển dương. Thế mà bỗng dưng những ngày qua, hiện tượng Thích Minh Tuệ đã trở thành một “trend” cuồn cuộn, cuốn hút hàng loạt tu sĩ tình nguyện đi khất thực cùng Sư. Sát cánh với ‘tăng đoàn tình nguyện’ ấy là đám đông đại chúng, gồm những người hâm mộ lẫn những kẻ tò mò theo sát các vị từng cung đường, dưới cái nắng như lửa thốc vào mặt và những trận mưa rào xối xả…

Thích Minh Tuệ phải chăng là phép thử từ ‘Cõi Trên’ (a test from the ‘Upper Realm’)? Phép thử ấy hàm ý về hành động tu tập hoặc sự hiện diện của Sư và tăng đoàn ‘tình nguyện’ quá đỗi phi thường, cuốn hút cộng đồng trong và ngoài giới Phật tử, ở cả Việt Nam lẫn quốc tế. Phép thử ấy hàm ý như một cuộc kiểm tra về mặt thế tục cũng như tâm linh, nhưng trong một số biểu hiện cụ thể, nó còn là sự giao thoa và bổ sung lẫn nhau giữa những hoạt động đời thường với các trải nghiệm siêu nhiên. Kẻ chê bai, phỉ báng Sư vẫn còn đó, ngay trên báo chí nhà nước. Nhưng rồi lời thị phi và đố kỵ, những câu chuyện vu khống và ngã mạn của họ giảm dần theo từng bước chân tăng đoàn. Có cả tu sỹ từ ngoại quốc về để gia nhập cuộc khất thực do Thích Minh Tuệ dẫn đầu. Số người tràn ra đường quá đông đảo, nơi thì xô bồ như khi qua địa bàn Quảng Trị, nơi thì được tổ chức hết sức trật tự và văn minh như lúc đoàn tiến vào cố đô Huế.

‘Phép thử Thích Minh Tuệ’ diễn ra như một phép lạ. Phép lạ nhưng lại rất đỗi đời thường… Đúng như bình luận trên truyền thông nước ngoài, ‘một con người xuất hiện mà làm lộ ra bao nhiêu điều’ (3). Hay như một khái quát nhiều ẩn ý: ‘Thích Minh Tuệ người được chọn?’ (4). Điều không hiểu nổi là phản ứng của truyền thông trong nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Trên thực tế họ đại diện cho chính quyền thế tục. GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra hai công văn nói sư Thích Minh Tuệ ‘không phải tu sỹ Phật Giáo’, người đàn ông bộ hành qua các tỉnh thành đã ‘gây dư luận trái chiều ảnh hưởng đến GHPGVN’. Thật là những kẻ tự ‘lấy đá ghè chân mình’ (5). Hai công văn này nói lên ranh giới giữa ‘sư quốc doanh’ với các các bậc chân tu? Còn báo chí nhà nước, ban đầu cũng có một số bài hàm ý xúc xiểm lối tu ‘ăn bờ, ở bụi’ của thầy (6), nhưng trước các trends của đại chúng, dàn báo chí mậu dịch được lệnh ‘wait and see’, không ‘máu lửa’ như hồi đầu. Nhưng nay thì lại bắt đầu la lối om sòm tuy vẫn còn đó hiện tượng ‘vượt rào’, như toát lên một sự thức tỉnh. Đó bài trên báo Hải Dương: ‘Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ’ (7).

Cuộc đời và hành tung của Thích Minh Tuệ còn là một thử thách về đức tin, về sự kiên cường của một con người tìm đến sự giác ngộ. Hãy nghe nhà sư bộc bạch tâm can: ‘Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với bốn nỗi khổ: Sinh, già, bệnh, chết không’. Sự hiện diện và những phát ngôn của thầy có thể được coi là sứ điệp, nhằm hướng dẫn hoặc thách thức mọi người hướng tới sự hoàn thiện bản thân. ‘Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật’, nhà sư khuyến cáo chúng sinh nên ‘cố gắng giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu, sẽ được hạnh phúc. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới – Định – Tuệ’ (8). Tất cả các phát biểu của sư Thích Minh Tuệ trong nhiều năm qua không phải là những lời kể lể về cá nhân, đấy chỉ là những câu thầy trả lời đại chúng. Vậy mà kỳ diệu biết bao, tất cả là một tập hợp rất logic và thống nhất bao gồm giáo lý, thiền định, thực hành đạo đức và phương pháp tu tập.

Cuối cùng, trong một kỷ nguyên hôn ám của cả đạo lẫn đời ở Việt Nam hiện nay, phép thử Thích Minh Tuệ như một luồng sáng ban mai chiếu rọi vào cái không gian đầy bụi bặm. Đối với các bậc Chân Tu, chẳng bao giờ có nhị biên giữa ra đi và dừng lại! Điều này thì không chỉ guồng máy đàn áp của nhà nước công an trị, mà ngay cả GHPGVN cũng không thể đốn ngộ! GHPGVN và bộ máy kìm kẹp tôn giáo cảm thấy giờ là lúc họ phải ra tay đối với thầy và tăng đoàn, đồng thời cần phải bó hẹp hơn nữa đối với không gian truyền thông xã hội. Họ đâu biết, Sư Minh Tuệ và tăng đoàn sẽ tự hòa mình vào cuộc đời, vào cát bụi trần gian, trải dài mênh mông, tự do và tự tại, cho dù Sư sẽ ẩn trên hang núi hay xuống bến chợ lưng đèo… Tất cả sẽ hòa vào cuộc sống thường nhật… Đấy là minh triết của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Minh triết về một cách sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời ô trọc: ‘Muôn dòng nhập cuộc rong chơi/ Hoà chan cát bụi ngút vời phiêu nhiên’ (9). Chính quyền tưởng cho an ninh ‘gặp gỡ trao đổi’ với Sư, cho báo chí gào thét ‘chống lại các thế lực thù địch’ là có thể giải tỏa khỏi áp lực về cái nhìn của đại chúng đối với bộ máy lãnh đạo đất nước đang mục ruỗng hiện nay. Họ nhầm!

Tham khảo:

(1) https://www.youtube.com/watch?v=K3Q0TafmS0o

(2) https://www.dtv-ebook.com/chan-tran-chi-thep-james-g-zumwalt_6778.html

(3) https://www.rfavietnam.com/node/8065

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjqq7lgz532o

(5) https://www.voatiengviet.com/a/7616321.html

(6) https://www.youtube.com/watch?v=hFxivLZm4cc

(7) https://baohaiduong.vn/su-that-phoi-bay-qua-hien-tuong-thich-minh-tue-382107.html

(8) https://www.niemphat.vn/su-thich-minh-tue-phai-chang-ngai-da-dat-canh-gioi-vo-nga

(9) https://thuvienhoasen.org/a36117/hoa-am-cung-thien-ly-doc-hanh-ca

🔝

Quốc hội và... ‘gỗ quý’

31/05/2024 Thiên Hạ Luận - VOA

VOA-10-07

Hình minh họa. Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, tháng Giêng 2022. Photo Quochoi.

Trân Văn

Tuần này, thiên hạ tỏ ra hết sức bất bình khi ông Phạm Văn Hòa (Phó Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Tháp tại Quốc hội, kiêm Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đề nghị dùng luật pháp vạch “lằn ranh đỏ” để “cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực” dừng lại, tự thú và hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt.

Để khuyến khích cán bộ, doanh nghiệp tự thú và tự nguyện hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt, ông Hòa cho rằng, chính quyền nên dùng luật pháp, cam kết che đậy hành vi phạm tội của những người này và tạo điều kiện cho họ “hoạt động, công tác bình thường[1].

Ông Hòa giải thích, sở dĩ ông đệ đạt như vậy vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa”, vì “tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại”, vì “chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước”, vì “cơ chế, chính sách” thành ra mới dẫn đến suy nghĩ “có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai” và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt, phải liên tục khuyến khích viên chức “dám nghĩ, dám làm” nhưng chưa đạt hiệu quả mong đợi...

***

Nguyễn Thông kể, sau khi biết ông Hòa xót xa vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm”, hàng xóm của ông đã rủa ông Hòa vì... từ cổ chi kim, thiên hạ chỉ đốt gỗ tạp, rất dại mới đốt gỗ quý hiếm! Bên cạnh thắc mắc, phải chăng tư duy của ông Hòa “có vấn đề”, vị hàng xóm này liên tưởng tới chuyện khác: Hay là lão ấy bóng gió về kẻ đốt lò kém đến mức không phân biệt được gỗ quý hiếm, hoặc muốn nịnh chủ lò thẳng tay đốt tuốt ‘không có vùng cấm’ nhưng không biết cách diễn đạt và bị tẩu hỏa nhập ma?..

Cũng vì vậy, Nguyễn Thông thắc mắc: Đó có phải là lý do phần lớn ‘dân biểu’ im re, không nói năng gì vì nhỡ sảy mồm thiên hạ sẽ biết trình độ mình thế nào?.. Trong khi Trần Thanh Phúc bình: Nguy! ổng không phân biệt được tốt với xấu?... thì Toàn Văn Ngọc: Lạy các bố nghị sĩ thời nay. Dốt lại hay ví von. Thua toàn tập! Anh Cương Võ bỡn cợt: Toàn bọn ‘tinh hoa’ nhưng phải thêm chữ ‘ba’ ở giữa mới đủ bộ. Loi Tran lưu ý: Chen vào ngồi trong cái nghị trường ấy chắc chẳng có tên nào ‘trong veo’ [2].

Tuy đề nghị của ông Hòa khiến công chúng phẫn nộ nhưng Kiem Mai Ba cho biết ông “rất thông cảm cho ‘biểu đại’ Phạm Văn Hòa”. Sau khi liệt kê vài “danh mộc” như Nguyễn Thanh Long Bộ trưởng Y tế, đến giờ vẫn còn được tiếc thương, trong khi hơn 40.000 nạn dân thiệt mạng vì COVID-19 bị thiêu như gỗ tạp chẳng còn ai bận tâm, Kiem Mai Ba phỏng đoán: Ông Hòa xót xa cho gỗ quý vì chưa có Quốc hội khóa nào XÀI HAO ĐẠI BIỂU bằng khóa 15. Có thể ổng ‘run tay, lạnh cẳng’ khi phải bấm nút loại bỏ cả ‘gỗ nhóm một’ như: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh,...

Giống như thân hữu của Nguyễn Thông, nhiều thân hữu của Kiem Mai Ba không giấu diếm băn khoăn, bất bình. Chẳng hạn Hoang Nguyen Minh trầm tư: Suy nghĩ như ông Hòa có khác gì bao nhiêu năm đổ xương máu kháng chiến chỉ để dựng lên một tầng lớp quý tộc có đặc quyền đặc lợi và cha truyền con nối như thời phong kiến? Khánh Tuyền Tuyền thì tin rằng: Còn nhiều tên thương tiếc đồng đảng bị BÃI, bị tống ngục. Ông Hoà đánh giá củi vào LÒ là gỗ quí hiếm vì đó là ‘trụ cái’ đỡ triều đình. Nên xử lý ông Hoà vì nói vậy khác nào phủ nhận chống tham nhũng.

Tương tự, theo Erika Nguyen: Xưa nay chưa từng thấy ai lấy gỗ quý hiếm đưa vào lò ngoại trừ những người không bình thường! Bác này nói thế khác nào nói cụ Tổng bị….điên! Minh Tâm Lê cũng nghĩ như vậy: Ý ông Hòa hẳn là muốn nói chủ lò khùng nặng hay lú lẫn rồi , chụm củi bằng gỗ quý hiếm là phá gia chi tử. Song Trịnh Dương không tán thành bởi: Toàn là cây do bác Cả trồng nên toàn là gỗ quý hiếm thôi. Ổng nói đúng đấy ạ! Hoai Anh LE cũng tin những cá nhân ông Hòa cho là “gỗ quý” chính là “củi quý”, chỉ có điều: Nếu cứ để những khúc củi ấy tiếp tục làm việc thì chả mấy chốc nhân dân không còn cả quần để mặc. Non sông cẩm tú giờ toàn bị bọn ‘tặc’ này phá nát [3]!

***

Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa cũng là lý do nhắc công chúng phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Sau khi Canh Tranthanh đưa ra đề nghị: Quốc hội nên làm một cái phòng ‘tự răn’, nghị nào nói nhăng, nói nhảm cho vào đấy, dội nước lạnh vào đầu, rồi tự vả ba bảy hăm mốt cái, để tỉnh trí ra! - Phạm Lan Hương không tán thành do: Thế thì thời gian ‘tự răn’ nhiều hơn thời gian họp. Trần Thanh Phúc cũng cho rằng không nên bởi: Như vậy thì còn lại mấy vị ngồi họp, hoặc sẽ không có ai phát biểu! Đó cũng là lý do Yến Ngọc chỉ có thể thốt: Đại diện cho trí tuệ của nhân dân mà ăn nói loạn chuẩn!

Sau khi than “chịu”, Lương Thắng – thân hữu của Canh Tranthanh – nói thêm: Tại sao đại biểu ngồi bên cạnh ông ấy không vả vào mồm ông ấy môt cái? Song Phạm Minh Đạo không... nhất trí bởi: Dù phát ngôn vi phạm cả luật pháp nhưng cả quốc hội đều không thấy đó là nhảm thì sao. Tuyen Nguyen lưu ý: Đến chủ lò còn nói nhảm, trách gì đám lâu la! Chủ lò chẳng đã từng nói cương lĩnh của Đảng còn cao hơn hiến pháp mà. Nguyen Tran nhận định: Phần lớn toàn dạng này, nếu thật sự dân cử, dân bầu thì đâu đến nỗi! Hung Ngtu trăn trở: Quá là nhăng cuội. Để loại này ngồi trong nghị trường quả là tai họa cho quốc gia, dân tộc [4].

Sau khi Lông Bút nêu thắc mắc trên Group Nhà báo và Công luận về ý tưởng của ông Hòa (nên ban hành quy định nếu cán bộ tự thú và tự nguyện hoàn trả tiền đã chiếm đoạt thì sẽ bảo mật hành vi phạm tội của họ và để họ tiếp tục công tác): Liệu các đồng chí đã ‘rụng’ trước có chịu không? - Phạm Chinh nhấn mạnh: Tư duy của đại biểu đại diện cho nhân dân thế này thì làm sao chống được tham nhũng? Phải chăng cứ vơ vét thật nhiều rồi thành thật nhận lỗi là có thể về hưu an hưởng thành quả cướp từ dân, của nước? Saigon Xanh gọi đó là: Nửa mùa. Cứ tham nhũng xong hoàn tiền thì thằng nào cũng muốn tham nhũng. Vậy thường dân ăn cắp xong trả tiền thì có phải ngồi tù không [5]?

Chú thích

[1] https://tienphong.vn/de-xuat-co-lan-ranh-do-de-can-bo-tu-giac-hoan-tra-lai-nguon-tien-bat-hop-phap-post1641430.tpo

[2] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ZvMhxt1XkYvzXhMvwMQ2gK4gozBABNkQLGBW7b4AjGPkMam98qKb7vH7MRFQLcGCl&id=100024722048900

[3] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid021Un1d7gUsWLzkPWFSVPbfMU5XMYZmtFAazfEPrLp1yBRikxsjVZ7n11Zc4a9SdWil&id=100089087646024

[4] https://www.facebook.com/canh.tranthanh.90/posts/pfbid031FfrDaDN2zdY6h2WeVXzCEeyMka2VNAu2fpNRucqhRdiJc6oDtx25VFLHZ7CGDmcl

[5] https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/posts/2490193698037053/

🔝

Thu tiền ‘khắc phục’ và hệ thống vô phương ‘khắc phục’ (P2)

31/05/2024 Trân Văn - VOA

VOA-10-06

Hình minh họa: Sinh viên xếp đội hình thành quốc kỳ Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư, 2015.

Cách nay đúng một năm, trong báo cáo gửi Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao – kiến nghị cơ quan này “chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng”, đặc biệt là “cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục” [1].

Trước đó chừng một năm, ông Trí cũng là người khuấy động dư luận khi đề nghị “giảm phạt tù, tăng phạt tiền[2], song một đại diện Bộ Tư pháp bảo rằng: “Đề xuất cho tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho trách nhiệm hình sự mà Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí đưa ra không phải là quan điểm mới” vì “Nghị quyết Trung ương 3 khoá 10 đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng[2]. Nhiệm kỳ của BCH TƯ đảng CSVN khóa 10 từ 2026 đến 2011. Khi ấy, ông Nguyễn Phú Trọng là thành viên Bộ Chính trị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội.

Nói cách khác, tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, phải “quyết liệt” phòng chống nhưng từ lúc khởi đầu công cuộc này đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không bận tâm đến chuyện làm sao ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc mà chỉ chuyên chú thu hồi tiền bị tham nhũng. Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong vài thập niên chỉ là viên chức vơ vét mạnh tay hơn, trắng trợn hơn còn các hệ thống thì hoan hỉ hơn bởi đã thu hồi khoản “khắc phục hậu quả” khổng lồ [4].

Nếu công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đừng tiến hành theo kiểu mà ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách nay mười năm: Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sự khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Chống tham nhũng không phải là xới tung tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định [5], chỉ thực hiện phòng chống tham nhũng như thiên hạ, chắc chắn các hệ thống sẽ không có cơ hội để khoe: “Trong vòng hai năm đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế; kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu” và không phải bạc mặt vì các hệ thống tê liệt, viên chức “tụ thủ bàng quan” bất chấp hậu quả đối với kinh tế - xã hội thế nào!

Dẫu Bộ Chính trị loan báo “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, rồi chính phủ ban hành “quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung[5] nhưng các hệ thống vẫn không nhúc nhích và giờ, tới lượt quốc hội dự tính ban hành nghị quyết để khắc phục chuyện viên chức “không dám hành động do sợ sai[6], một vài cá nhân như ông Phạm Văn Hòa kiến nghị vạch “lằn ranh đỏ”.

***

Đã có lúc, thiên hạ từng thắc mắc, tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa “giàu có bất thường” (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017 [7] và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018 [8] nhưng ông Trọng - người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai[9] - đã giải đáp thắc mắc này: Phòng chống tham nhũng phải bảo đảm nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình[10].

Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa (ban hành các quy phạm pháp luật để tha bổng những tham quan ô lại tự nguyên khai báo, nộp lại tài sản, che đậy hành vi phạm tội và tiếp tục lưu dụng những tham quan ô lại này) chỉ là một bước trong kế hoạch thực thi nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”. Trong kế hoạch đó chỉ có một vấn đề mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là chuyện nhỏ nên không bận tâm, đó là không có chỗ cho “nhân dân” dù “nhân dân” mới thực sự là chủ thể và “nhân dân” đang là đối tượng trực tiếp gánh chịu đủ loại hậu quả từ tham nhũng. Trong nhận thức của những người như ông Hòa, “nhân dân” không “quý” như tham quan, ô lại nên ông và các đồng chí của ông không hề cảm thấy “xót xa” như đã và đang “xót xa” cho các tham quan ô lại.

Trăn trở của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam về việc viên chức “không nghĩ, không làm, không hành động” cho nên phải chiêu dụ tham quan ô lại để kích thích “dám nghĩ, dám làm, dám hành động” chính là một trong những bằng chứng hết sức cụ thể cho thấy, xứ sở này, dân tộc này chỉ là tài sản của một nhúm người không thể thay thế, thành ra việc lựa chọn, sắp đặt và trọng dụng dứt khoát chỉ có thể nhắm vào những thành viên thuộc nhúm người ấy bất kể tài, đức ra sao!

Chú thích

[1] https://thanhnien.vn/ong-le-minh-tri-tang-che-tai-phat-tien-giam-phat-tu-voi-toi-tham-nhung-185230516144125848.htm

[2] https://vnexpress.net/ong-le-minh-tri-de-nghi-giam-phat-tu-tang-phat-tien-nguoi-vi-pham-khong-vu-loi-4583386-tong-thuat.html

[3] https://soha.vn/de-xuat-toi-pham-tham-nhung-nop-tien-duoc-giam-an-tu-bo-tu-phap-noi-gi-20220719203256814.htm

[4] https://vnexpress.net/thu-hoi-hon-386-000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-4661671.html

[5] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-4-dai-bao-hiem-cho-can-bo-dam-nghi-dam-lam-648686.html

[6] https://vnexpress.net/kien-nghi-quoc-hoi-ra-nghi-quyet-rieng-de-khac-phuc-can-bo-so-trach-nhiem-4750460.html

[7] http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm

[8] https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh-20171121095053431.htm

[9] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-vi-su-nghiep-chung-bat-ke-do-la-ai-20221207141122219.htm

[10] https://laodong.vn/thoi-su/quyet-liet-nghiem-minh-nhung-rat-nhan-van-nhan-ai-nhan-nghia-nhan-tinh-1202106.ldo

🔝

Phán quyết về ông Trump: Điện Kremlin nói ‘đối thủ dùng mọi cách để loại bỏ ông’, người ủng hộ kêu gọi bạo loạn

31/05/2024 Reuters - VOA

VOA-10-05

Cựu Tổng thống Donald Trump đi đến cuộc họp báo tại Trump Tower ở New York vào ngày 31/5/2024.

Điện Kremlin hôm 31/5 nói bản án kết tội ông Donald Trump cho thấy tất cả các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp đang được sử dụng ở Hoa Kỳ để loại bỏ các đối thủ chính trị.

Ông Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội hôm 30/5 khi bồi thẩm đoàn ở New York buộc tội ông làm giả tài liệu để che đậy khoản thanh toán nhằm bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016.

“Nếu chúng ta nói về ông Trump, thì thực tế là việc loại bỏ các đối thủ chính trị bằng mọi biện pháp có thể, hợp pháp và bất hợp pháp, là điều hiển nhiên,” người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói trong một cuộc họp báo.

Ông Trump, 77 tuổi, sẽ bị kết án vào ngày 11/7.

Ban vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phán quyết chứng minh rằng “không ai đứng trên luật pháp”, nhưng nó sẽ không làm thay đổi nhiều động lực của cuộc bầu cử ngày 5/11.

Trong khi đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, tức giận trước việc ông bị bồi thẩm đoàn New York kết án 34 trọng tội, đã bày tỏ tràn ngập các trang web ủng hộ ông với những lời kêu gọi bạo loạn, cách mạng và trừng phạt bằng bạo lực.

Đã có hàng chục bài đăng trực tuyến kêu gọi bạo lực, theo đánh giá của Reuters, trong các bình luận trên ba trang web liên kết với ông Trump: mạng xã hội Truth Social của chính cựu tổng thống, Patriots.Win và Gateway Pundit.

Một số kêu gọi tấn công các bồi thẩm viên, xử tử thẩm phán – Thẩm phán Juan Merchan – hay nội chiến tổng thể và nổi dậy bằng vũ trang.

Những đe dọa bạo lực và lời lẽ đe dọa đã tăng vọt sau khi ông Trump thua cuộc bầu cử năm 2020 và tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

Trong khi vận động tranh cử nhiệm kỳ Nhà Trắng lần thứ hai, ông Trump đã gọi các thẩm phán và công tố viên trong các phiên tòa xét xử ông là công cụ tham nhũng của chính quyền Biden, có ý định phá hoại nỗ lực tranh cử vào Nhà Trắng của ông, mà không đưa ra bằng chứng.

Những người trung thành với ông đã đáp trả bằng một chiến dịch đe dọa nhắm vào các thẩm phán và quan chức tòa án.

“Đây là một sự ô nhục, đây là một phiên tòa gian lận bởi một thẩm phán tham nhũng đầy mâu thuẫn”, ông Trump nói với các phóng viên sau đó, lặp lại những bình luận mà ông thường đưa ra trong phiên tòa.

Việc tuyên án được ấn định sẽ diễn ra vài ngày trước khi Đảng Cộng hòa dự kiến chính thức đề cử ông Trump làm ứng viên tổng thống trước cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump đã phủ nhận hành vi sai trái và dự kiến sẽ kháng cáo.

Ông Jacob Ware, đồng tác giả cuốn sách “Chúa, súng và sự nổi loạn: Chủ nghĩa khủng bố cực hữu ở Mỹ”, cho rằng ngôn ngữ bạo lực mà những người ủng hộ ông Trump sử dụng là minh chứng cho “khả năng sắt đá của cựu tổng thống trong việc huy động những người ủng hộ cực đoan hơn để hành động, cả ở phòng phiếu và thông qua bạo lực.”

“Cho đến khi và trừ khi ông [Trump] chấp nhận quy trình này, thì phản ứng cực đoan đối với những rắc rối pháp lý của ông ấy sẽ vẫn còn mang tính chiến đấu,” ông Ware, cũng là một nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.

Một người phát ngôn của Truth Social cho biết: “Thật khó để tin rằng Reuters, từng là một hãng tin được kính trọng, lại sa sút đến mức cho đăng một bài báo mang tính lôi kéo, sai sự thật, phỉ báng và ngu ngốc một cách hiên nhiên như bài báo hoàn toàn nhằm mục đích chính trị này.”

Cả ba trang web nêu trên đều có chính sách chống ngôn ngữ bạo lực và một số bài đăng sau đó đã bị xóa. Đại diện của Patriots.Win và Gateway Pundit đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Người phát ngôn của ông Trump cũng không trả lời email yêu cầu bình luận.

🔝

Cuộc đua vào Nhà Trắng ở tình thế chưa từng có khi ông Trump chờ tuyên án vào tháng 7

31/05/2024 Reuters - VOA

VOA-10-04

Các tờ báo in tại một quầy bán báo ở Brooklyn của New York một ngày sau khi bồi thẩm đoàn New York kết tội cựu Tổng thống Donald Trump có tội trong toàn bộ 34 tội danh hôm 30/5.

Ông Donald Trump, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ bị kết án phạm tội, sẽ phải đối mặt với một cột mốc quan trọng mới trong nỗ lực lịch sử của ông nhằm giành lại Nhà Trắng khi một thẩm phán sẽ quyết định vào ngày 11/7 xem liệu có đưa ông vào tù hay không.

Phán quyết có tội hôm 30/5 đã đẩy Hoa Kỳ vào tình thế chưa từng có trước cuộc bỏ phiếu ngày 5/11, khi ông Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, sẽ phải tìm cách giành lại Nhà Trắng mà ông đã mất vào tay Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vào năm 2020.

Tội danh mà ông Trump bị kết án là làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, có mức án tối đa là 4 năm tù. Những người khác từng bị kết án về tội danh tương tự thường nhận mức án nhẹ hơn, như phạt tiền hoặc quản chế, nhưng thẩm phán trong vụ án vừa được xét xử cho biết trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn rằng ông Trump có thể phải đối mặt với án tù.

Khả năng án tù cao, nhưng việc bị giam sau song sắt sẽ không ngăn cản ông Trump vận động tranh cử hoặc nhậm chức nếu ông giành chiến thắng.

Ông Trump đã bực bội hàng ngày trong phiên tòa xét xử khi việc phải hầu tòa đã ngăn cản ông không đi vận động tranh cử được. Giờ đây, vị cựu tổng thống Mỹ có sáu tuần để làm điều đó trước khi Thẩm phán Juan Merchan, người xét xử vụ án tiền bịt miệng của ông, đưa ra bản án vào ngày 11/7, chỉ bốn ngày trước khi khai mạc Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, nơi ông Trump dự kiến sẽ giành được đề cử của đảng.

Sau hai ngày nghị án, một bồi thẩm đoàn gồm những người dân New York đã tuyên bố ông Trump, 77 tuổi, có tội trong tất cả 34 tội danh mà ông phải đối mặt vì làm giả tài liệu để che đậy khoản tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử thành công của ông năm 2016.

Ông Trump vẫn còn phải đối mặt với ba vụ truy tố hình sự khác – gồm hai vụ với cáo buộc nỗ lực lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 – nhưng phán quyết ở New York có thể là vụ duy nhất được đưa ra trước khi người dân Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống vì các vụ án khác đang chưa có ngày xét xử vì những rắc rối pháp lý. Ông Trump đã không nhận tội trong cả 4 vụ án mà ông cho là có động cơ chính trị.

“Phán quyết thực sự sẽ được người dân đưa ra vào ngày 5 tháng 11,” ông Trump nói với các phóng viên ngay sau khi bị kết tội hôm 30/5, đồng thời tuyên bố rằng ông “là một người rất vô tội.”

Ông Trump sẽ không bị bỏ tù trước khi bị tuyên án, và một nguồn tin quen thuộc với hoạt động nội bộ trong chiến dịch tranh cử của ông cho biết phán quyết này dự kiến sẽ khiến ông tăng cường cân nhắc về việc chọn một phụ nữ làm phó tổng thống cùng tranh cử với ông.

Một luật sư đại diện cho ông Trump cho biết họ sẽ kháng cáo nhanh nhất có thể.

Chia rẽ đảng phái

Có các phản ứng rất gay gắt đối với phán quyết, trong đó thậm chí mang tính đảng phái sâu sắc. Trong khi các đảng viên Đảng Dân chủ ca ngợi kết quả của phiên tòa thì nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa tán thành khẳng định của ông Trump rằng các cuộc truy tố là một nỗ lực có động cơ chính trị nhằm ngăn cản ông trở lại nắm quyền.

“Không ai đứng trên luật pháp, kể cả cựu tổng thống,” Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons, thành viên Ủy ban Tư pháp của Hạ viện, cho biết. “Tôi khen ngợi sự phục vụ của các bồi thẩm viên và kêu gọi tất cả người dân Mỹ, bất kể đảng phái của họ, hãy chấp nhận và tôn trọng kết quả của phiên tòa này.”

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson nói sau phiên tòa rằng "hôm nay là một ngày đáng xấu hổ trong lịch sử nước Mỹ... Đây là một hành động thuần túy chính trị, không phải hành động pháp lý."

Các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy ông Trump đang trong cuộc đua sít sao với ông Biden, và 1/4 người thuộc Đảng Cộng hòa trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 4 cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị bồi thẩm đoàn kết án trọng tội.

Một số chiến lược gia lên tiếng hoài nghi rằng đảng Cộng hòa sẽ quay lưng lại với ông Trump sau những lời lẽ không ngừng công kích của ông vào các công tố viên trong thời gian diễn ra phiên tòa.

"Chỉ có một cách để ngăn Donald Trump khỏi Phòng Bầu dục [phòng làm việc của tổng thống tại Nhà Trắng]: Tại các hòm phiếu. Hãy quyên góp cho chiến dịch của chúng tôi ngay hôm nay", ông Biden nói trên mạng xã hội sau phán quyết.

Một số nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ tiếp tục quyên góp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump bất chấp bản án.

Che giấu tiền bịt miệng

Bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump phạm tội làm giả tài liệu kinh doanh sau một phiên tòa có lời khai rõ ràng từ bà Daniels về quan hệ tình dục mà bà nói đã có với ông Trump vào năm 2006 trong lúc ông đang trong quan hệ hôn nhân với người vợ hiện tại, bà Melania. Ông Trump phủ nhận từng quan hệ tình dục với bà Daniels.

Người ‘sửa chữa’ và luật sư cũ của ông Trump, Michael Cohen, đã khai rằng ông Trump đã cho chi trả khoản tiền bịt miệng trị giá 130.000 USD cho bà Daniels trong những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử năm 2016, khi ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc về hành vi sai trái tình dục.

Ông Cohen cũng khai rằng ông đã xử lý khoản thanh toán và ông Trump đã phê duyệt kế hoạch hoàn trả cho ông thông qua các khoản thanh toán hàng tháng được ngụy trang dưới dạng chi phí pháp lý. Các luật sư của ông Trump đã hạ thấp uy tín của ông Cohen, nêu ra hồ sơ tội phạm, án tù cũng như lịch sử nói dối của ông.

Làm giả tài liệu kinh doanh thường là một tội nhẹ ở New York, nhưng các công tố viên tại văn phòng Công tố Manhattan Alvin Bragg đã nâng vụ việc lên thành trọng tội với lý do ông Trump tìm cách che giấu khoản tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử được chi tiêu một cách bất hợp pháp.

Nếu đắc cử, ông Trump có thể đóng lại hai vụ án liên bang cáo buộc ông tìm cách lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 một cách trái phép và xử lý sai các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở vào năm 2021. Nhưng ông Trump sẽ không có thẩm quyền để ngăn vụ xét xử riêng rẽ về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử ở bang Georgia.

🔝

Thu tiền ‘khắc phục’ và hệ thống vô phương ‘khắc phục’ (P1)

30/05/2024 Trân Văn - VOA

Ông Hòa bảo rằng, nếu “nhà nước bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ” và để những cá nhân “lỡ nhúng chàm” được “hoạt động, công tác bình thường” thì tham quan, ô lại và doanh nghiệp hối mại quyền thế “sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm”. Hình minh họa.

Ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội - vừa đề đạt chuyện chưa từng có từ cổ chí kim: Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nên dùng luật pháp vạch “lằn ranh đỏ” mà bên này là “cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực”, còn bên kia là những người, những doanh nghiệp tự giác khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản từng chiếm đoạt.

Cứ như ông Hòa giải thích thì nhiều tham quan, ô lại và các doanh nghiệp lớn mạnh nhờ hối mại quyền thế đang “sẵn sàng khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp”, mắc mứu chỉ nằm ở chỗ hệ thống lập pháp, lập quy chưa có “văn bản hướng dẫn” thành ra cần soạn – công bố các quy phạm pháp luật, khuyến khích số này tự giác. Ông Hòa bảo rằng, nếu “nhà nước bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ” và để những cá nhân “lỡ nhúng chàm” được “hoạt động, công tác bình thường” thì tham quan, ô lại và doanh nghiệp hối mại quyền thế “sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm”!

Không phải tự nhiên mà ông Hòa đề đạt như vậy. Ông cho rằng cần làm như vậy vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa”, vì “tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại”, vì “chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước”, vì “cơ chế, chính sách” thành ra mới dám đến suy nghĩ “có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai” và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt phải khuyến khích “dám nghĩ, dám làm[1].

Cần lưu ý, ông Hòa từng là đại biểu quốc hội cả khóa trước lẫn khóa này. Ở khóa này, ông là thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nơi chuyên thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các dự luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quy phạm pháp luật, đồng thời cũng là nơi giám sát việc thi hành các quy phạm pháp luật, đưa ra các đề nghị nhằm hoàn thiện bộ máy công quyền và hệ thống pháp luật... Tại sao một người như thế lại xem hiến pháp và luật pháp hiện hành như... giấy lộn!

***

Tuy luật hình sự của Việt Nam dành riêng chương 23 để xử lý những tội phạm liên quan đến chức vụ nhưng xét về bản chất, các tội phạm về tham nhũng ở Mục 1 và nhiều tội ở Mục 2 của chương này chẳng khác gì các tội xâm phạm sở hữu cá nhân ở chương 16 [2]. Do vậy, cần phải hỏi, tại sao cá nhân trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản,... của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự nhưng tham quan, ô lại và doanh nhân hối mại quyền thế chỉ cần tự nguyện khai báo sẽ được tha bổng, thậm chí được cam kết che đậy hành vi phạm tội để tiếp tục “sống, làm việc theo... đảng”? Vì sao lại tha những kẻ xâm phạm công sản vốn thuộc “sở hữu toàn dân”, về nguyên tắc phải được sử dụng đúng cách để đem lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân và hậu quả của việc xâm phạm công sản gieo họa cho cả quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ gieo họa cho một hoặc vài cá nhân như các hành vi xâm phạm sở hữu cá nhân?

Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó “tự giác khai báo” có khác gì công nhiên chà đạp Hiến pháp [3]. Nếu “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” như hiến định thì ông Phạm Văn Hòa nói riêng và quốc hội, chính phủ nói chung sẽ dựa vào đâu để ban hành quy phạm pháp luật mới theo hướng đã bỏ qua còn che đậy cho những cá nhân từng lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm công sản và cuối cùng cũng chỉ vì lợi ích của chính họ, “tự nguyện” bước qua bên kia “lằn ranh đỏ” để có thể tiếp tục thủ đắc chức vụ, có thể tiếp tục sử dụng công quyền, có thể tiếp tục “ăn trên, ngồi trốc”? Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó “tự giác khai báo” có khác gì sổ toẹt luật hình sự, chứng minh điều mà Cộng hòa CHCN Việt Nam khẳng định, nhiệm vụ của luật hình sự là “bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” chỉ là cố tình lừa bịp đồng chí, đồng bào?

***

Nếu chịu khó đối chiếu, ngẫm nghĩ, hẳn sẽ dễ dàng nhận ra đề nghị của ông Phạm Văn Hòa không phải là sáng kiến của riêng ông. Đề nghị này chỉ là bước tiếp theo của một kế hoạch đang được hoàn thiện để cuối cùng có thể sử dụng chính luật pháp XHCN để giúp tham quan ô lại tại Việt Nam tẩy rửa sạch sẽ mọi tì vết theo kiểu rũ bùn đứng dậy... sáng lòa” để tiếp tục cùng đảng CSVN quang vinh dẫn dắt toàn dân bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội...

(còn tiếp)

Chú thích

[1] https://tuoitre.vn/vi-sao-can-bo-nhung-cham-chu-dong-nop-tien-khac-phuc-20240108073326154.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

🔝

EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam: ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’

30/05/2024 - VOA

EU kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Hôm 29/5, Liên hiệp châu Âu (EU) công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023.

“Dù Việt Nam đảm nhận vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2023-2025, vẫn có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền trong năm 2023”, phúc trình viết.

“Không gian cho xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp, thể hiện qua việc sách nhiễu, bắt giữ và kết án tùy tiện các nhà hoạt động và các blogger. Các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường vẫn là mục tiêu hàng đầu: các luật sư nhân quyền bào chữa cho họ có nhiều khả năng bị Bộ luật Hình sự trừng phạt nghiêm khắc với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, phúc trình cho biết thêm, nói rằng thêm một số người trong số họ đã trốn khỏi đất nước.

EU cho rằng Nghị định 53/2022/ND-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng được ban hành năm 2022 “tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận” bằng cách ủy quyền truy cập dữ liệu người dùng “theo các điều khoản được xác định một cách mơ hồ, liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.

Trong lĩnh vực quyền lao động, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước ILO 87 về tự do lập hội và chưa thông qua nghị định về các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, vẫn theo báo cáo của EU.

“Các án tử hình vẫn tiếp tục được thi hành mà không có thống kê chính xác về số vụ hành quyết”, báo cáo nêu rõ.

Liên quan đến quyền của người dân tộc và quyền tự do tôn giáo, EU nhận định rằng “các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền”.

“Nhân quyền thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc thảo luận song phương” với chính phủ Việt Nam, báo cáo cho biết, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam, và các cuộc trao đổi trong khuôn khổ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế quan trọng để hai bên đưa ra các “vấn đề quan tâm”.

Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lao động, vừa là ưu tiên vừa là nghĩa vụ của EU theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đã được đề cập trong nhiều trường hợp, phúc trình cho biết.

Liên minh của tổ chức gồm 27 quốc gia châu Âu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ và trao quyền cho các cá nhân hoạt động nhân quyền, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Ngoài ra, EU cũng quan ngại về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, sự siết chặt không gian và môi trường làm việc đối với các tổ chức xã hội dân sự (CSO).

EU tập trung vào việc tăng tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận; tự do tôn giáo và tín ngưỡng; xã hội dân sự và dân chủ có sự tham gia chủ động; quyền bình đẳng và đa dạng; quyền của thanh thiếu niên và trẻ em; quản lý công bằng và pháp quyền công bằng, bao gồm việc bãi bỏ hình phạt tử hình, tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và thực hiện hiệu quả các cơ chế nhân quyền.

Trong thời gian qua, EU tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền, yêu cầu được phép quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền và yêu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế và thăm viếng gia đình các tù nhân, vẫn theo phúc trình thường niên.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo nhân quyền mới nhất này, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng các quyền căn bản của người dân được “tôn trọng và đảm đảm”.

Nhận định về bản phúc trình này, nhà hoạt động Helena Hương Nguyễn ở Đan Mạch, chia sẻ với VOA: “Bản phúc trình của EU về tình hình nhân quyền tại Việt Nam rất súc tích, và hoàn toàn phù hợp với những điều nhiều tổ chức nhân quyền và chúng tôi đã thường xuyên cảnh báo EU và thế giới. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong bản báo cáo của họ quá trung dung và khách sáo vì tính cách ngoại giao của họ”.

“EU và các quốc gia thành viên phải có những hành động cụ để giúp người dân Việt Nam được hưởng những quyền căn bản con người. Cụ thể là phải đẩy mạnh, tham gia và phổ biến rộng rãi các hoạt động hỗ trợ tinh thần và tài chính cho những người bị áp bức...”, bà Helena đưa ra khuyến nghị.

“Đặt biệt là nếu không có sự tiến bộ trong 3 lãnh vực được EU quan tâm đặt biệt là tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng và sự tham gia chủ động của của xã hội dân sự và dân chủ, EU phải can đảm áp dụng luật Magnitsky đối với các viên chức của bộ công an Việt Nam có trách nhiệm trong các trường họp giam cầm tùy tiện, tra tấn, hay chết trong tù và đồn công an”, bà cho biết thêm.

Vào tháng 12/2020, Hội đồng Liên hiệp châu Âu đã thông qua Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu, thường hay được gọi là Đạo luật Magnitsky của EU, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào các quốc gia thành viên.

🔝

Quan chức Quốc hội Việt Nam ‘lừa doanh nhân nước ngoài 1,8 triệu đô la’

30/05/2024 - VOA

Ông Đỗ Minh Tâm là cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội Việt Nam

Một quan chức Quốc hội Việt Nam vừa bị truy tố về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do đã lừa một doanh nhân Lào số tiền 1,8 triệu đô la Mỹ để thực hiện hợp đồng hỗ trợ xây dựng dự án, truyền thông trong nước đưa tin.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội được tờ Người Lao Động dẫn lại, ông Đỗ Minh Tâm, phó Cục trưởng Cục Quản trị I, Văn phòng Quốc hội, và đồng phạm là ông Nguyễn Thế Phùng, đã lừa doanh nhân Lào có tên là Pheutsapha Phoummask rằng họ có thể giúp ông được cấp đất để xây công trình ở Hà Nội.

Theo đó, hồi năm 2019, ông Pheutsapha Phoummask, chủ tịch Công ty Asia Investment có trụ sở tại Vientiane, Lào, có ý định xây một công trình có tên là Tòa nhà Hữu nghị ở Hà Nội để làm văn phòng cho thuê. Ông đã được người quen giới thiệu đến các ông Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng nhờ giúp đỡ.

Khi đó ông Tâm đã đưa ông Pheutsapha Phoummask đến xem hai khu đất rộng gần19.000 mét vuông ở phường Mễ Trì, quận Cầu Giấy, và nói với doanh nhân Lào này rằng ông ‘có quan hệ với lãnh đạo Hà Nội’ để nhờ tác động giúp ông mua được hai mảnh đất này, trang mạng VnExpress dẫn cáo trạng cho biết.

Vị quan chức Quốc hội này bị cáo buộc đã yêu cầu ông Pheutsapha Phoummask phải đưa trước 1,8 triệu đô la Mỹ và giao cho ông Nguyễn Thế Phùng đứng ra ký hợp đồng, nhận tiền thay vì ông đang là cán bộ Nhà nước nên ‘không thể trực tiếp nhận tiền’, cũng theo VnExpress.

Sau đó, công ty Asia Investment đã 6 lần giao tiền cho phía ông Phùng tổng cộng 1,8 triệu đô la, tờ Người Lao Động cho biết. Nhưng sau đó không thấy ông Tâm và ông Phùng có động tĩnh gì, ông Pheutsapha Phoummask đã đòi lại tiền. Mãi đến hai năm sau, vào cuối năm 2021, ông Tâm và ông Phùng mới trả lại được 130.000 đô la và ‘viện nhiều lý do để không trả số tiền còn lại’.

Đến tháng 5 năm 2022, doanh nhân Lào đã tố cáo ông Tâm và ông Phùng với công an. Sau đó, hai ông này đã trả lại hết số tiền còn nợ cho doanh nhân Lào.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và chính quyền địa phương được VnExpress dẫn lời cho biết tại hai lô đất kể trên, không có tổ chức, cá nhân nào liên hệ với họ để thực hiện dự án.

Ngoài ra, ông Đỗ Minh Tâm và ông Nguyễn Thế Phùng còn bị xác định có liên quan trong một vụ lừa đảo chạy án khác vào giữa năm 2021 khi ông Tâm giới thiệu ông Phùng giúp chạy án cho hai người đang bị tạm giam về tội ‘Cướp tài sản’. Ông Phùng đã nhận 2,7 tỷ đồng nhưng không thực hiện lời hứa nên người bị hại đã tố cáo ông ra công an, VnExpress cho biết.

🔝