VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_318x120
acrobat  📂  🏠   

VOA - 11

Vì sao Việt Nam liên tục lên tiếng kêu gọi Mỹ gỡ bỏ cấm vận đối với Cuba?

13/06/2024 - VOA

VOA-11-12

Tuyên bố ủng hộ Cuba của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam công bố ngày 10/6/2024.

Tiếp nối Bộ Ngoại giao Việt Nam, các nhà lập pháp thuộc nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba hôm 10/6 lên tiếng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố và dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với quốc đảo vùng Caribe.

Tuyên bố do Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba, ông Vũ Hải Hà, ký và được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam đăng hôm 10/6 cũng kêu gọi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba “trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của mỗi bên”.

“Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những khó khăn mà nhân dân Cuba phải gánh chịu do ảnh hưởng tiêu cực của chính sách bao vây, cấm vận kéo dài do Hoa Kỳ áp đặt hơn 60 năm qua”, tuyên bố của nhóm này nói và bày tỏ tin tưởng rằng “nhân dân Cuba sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức và luôn vững bước trên con đường đã chọn”.

Tuyên bố cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp tích cực vào quá trình đối thoại, xây dựng lòng tin giữa Hoa Kỳ và Cuba nhằm cải thiện quan hệ hai nước.

Liên tục lên tiếng

Tuyên bố của nhóm nghị sĩ được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba.

“Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam kêu gọi Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói tại buổi họp báo ngày 6/6.

Trước đó, vào tháng 11/2023, trong cuộc họp tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính đối với Cuba và cho rằng các biện pháp này vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tôn chỉ, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo TTXVN.

Ông Giang nói Việt Nam chống lại mọi hình thức áp đặt đơn phương và cấm vận đối với quốc gia có chủ quyền và bày tỏ cảm thông với những khó khăn của Cuba.

Việc Việt Nam liên tục lên tiếng về vấn đề của Cuba, theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), là không có gì đáng ngạc nhiên vì Việt Nam và Cuba vốn có quan hệ hữu nghị lâu năm và “Nó phù hợp với chính sách đối ngoại đa hướng của Việt Nam và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quan hệ Mỹ-Việt”.

Tuy nhiên, việc tập trung lên tiếng liên tục trong thời gian gần đây của Hà Nội, theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu khách mời của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, thì có một sự tính toán chiến lược về thời điểm.

“Khi đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ thì có điều kiện tốt hơn để bình thường hóa quan hệ với Cuba và giải cấm vận”, TS. Hà Hoàng Hợp đưa ra nhận định với VOA.

Ông dẫn chứng từ thực tế trong quá khứ khi Tổng thống Obama trước khi rời nhiệm sở đã cho tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba ở cấp đại sứ và có một số bước chuẩn bị để bỏ cấm vận. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, mối quan hệ mới được tái lập này đã bị hủy bỏ và thậm chí Cuba còn bị Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ định Cuba là nhà nước tài trợ khủng bố ngay trước khi rời nhiệm sở, một động thái được cho là đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên hòn đảo cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc “không hợp tác đầy đủ” trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây được xem là một động thái ôn hòa mang tính biểu tượng quan trọng của chính quyền Biden, vốn cho đến nay phần lớn vẫn duy trì các hạn chế từ thời của ông Trump đối với hòn đảo do Cộng sản lãnh đạo, theo Reuters.

“Việt Nam rất hy vọng rằng ông Joe Biden trước bầu cử sẽ thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa Mỹ và Cuba, còn chuyện để bỏ được cấm vận thì còn phải thong thả, nhưng tiền đề là tái lập lại mối quan hệ ngoại giao cấp đại sứ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Đổi mới

Việt Nam và Cuba nằm trong số năm quốc gia do Cộng sản cai trị cuối cùng trên thế giới, cùng với Trung Quốc, Lào và Triều Tiên. Washington đã duy trì lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba kể từ đầu những năm 1960, lệnh cấm vận mà chính quyền ở Havana đổ lỗi là nguyên nhân của những vấn đề về kinh tế quốc gia.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994, và mối quan hệ giữa hai cựu thù đã được nâng cấp lên mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện, vào năm ngoái khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thực tế khác biệt giữa hai quốc gia Cộng sản trong quan hệ với Mỹ đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích.

Nhà nghiên cứu Frederick Z. Brown, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong một bài phân tích có tựa đề “Việt Nam, Cuba và ‘bình thường hoá’”, cho rằng “Cả hai nước đều được cai trị bởi hệ thống chính trị độc tài do đảng cộng sản kiểm soát. Trong hệ thống này, người ta hiểu rằng chủ nghĩa Mác đã bị phá sản và tương lai kinh tế của quốc gia nằm ở những thay đổi sâu sắc theo định hướng thị trường dẫn đến việc trở thành thành viên được hưởng lợi trong hệ thống thương mại toàn cầu. Nhưng làm thế nào để vừa thực hiện được điều đó mà vừa không mất đi sự kiểm soát về chính trị là một vấn đề nan giải”.

Một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam cho tới nay đã khá thành công trong việc này, nhưng Cuba thì khác.

“Về chính trị, ở Cuba họ chấp nhận biểu tình, chấp nhận những tiếng nói phản biện. Họ chưa đến mức chấp nhận có nhiều hơn một đảng nhưng họ chấp nhận để cho những tổ chức xã hội mà là mầm mống rõ ràng của các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu xuất hiện và hoạt động khá tích cực ở Cuba. Những điều vừa nói nó thể hiện chính quyền ở Cuba cởi mở hơn chính quyền ở Việt Nam bây giờ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Nhưng sở dĩ Cuba cho đến nay vẫn đang chống chọi với nền kinh tế lạc hậu, yếu kém và chưa hoà nhập với thương mại với toàn cầu là vì quá trình “đổi mới” về kinh tế của quốc gia này quá chậm chạp và không tương xứng so với những đổi mới về chính trị, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.

Nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng nếu Mỹ không bỏ lệnh cấm vận đã kéo dài hơn 60 năm thì sẽ không có cơ hội nào cho Cuba mở ra với thế giới bên ngoài hay để cải thiện quan hệ giữa Cuba với Mỹ và các nước khác, từ đó giúp Cuba tiến tới một xã hội cởi mở và dân chủ hơn.

Ông nói việc Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba là dựa trên mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và trên tinh thần Hiến chương LHQ, chứ không hoàn toàn do mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản.

“Quan hệ giữa Việt Nam – Cuba giờ không còn là quan hệ giữa hai đảng nữa, thực ra quan hệ giữa hai đảng bây giờ rất yếu vì đảng (Cộng sản) Cuba họ thay đổi nhiều lắm. Mặc dù bên đó họ vẫn giữ một đảng (cầm quyền) nhưng thay đổi rất nhiều, chỉ có chính quyền ở Cuba chưa có những đổi mới về kinh tế nên người dân Cuba vẫn rất nghèo”.

Hôm 7/6, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã gửi lời cảm ơn tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vì những tuyên bố gần đây của Hà Nội kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba và phản đối việc đưa nước này vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố mà Cuba gọi là “danh sách bất hợp pháp”.

Ông Rodriguez cũng hoan nghênh quyết định của chính quyền Biden khi đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc “không hợp tác đầy đủ” trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cho rằng nó chưa đi đủ xa.

🔝

Nhóm tư vấn EU ‘quan ngại’ về chỉ thị 24 của Đảng Cộng sản Việt Nam

13/06/2024 - VOA

VOA-11-11

Thông báo của Nhóm DAG EU được các cơ quan của EU chia sẻ trên trang X.

Nhóm Tư vấn Nội địa của Liên hiệp châu Âu (DAG EU) vừa bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và việc tiếp tục đàn áp xã hội dân sự ở đất nước Đông Nam Á, đồng thời nhóm này kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nên thực hiện các biện pháp cần thiết để Việt Nam thực hiện đúng các cam kết.

Nhóm DAG EU được thành lập trên sở của Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), cụ thể là theo Chương 10 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của hiệp định.

Nhóm DAG có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.

“DAG EU vô cùng quan ngại khi biết rằng có một chỉ thị mật về an ninh quốc gia do các lãnh đạo cấp cao của nước này ban hành, mang tên Chỉ thị 24”, thông cáo của DAG EU viết sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels, Bỉ.

“Chỉ thị này thiết lập chính sách ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các thông tin chỉ trích đảng cầm quyền, phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập của công nhân”, tuyên bố của DAG EU hôm 6/6 nhận định.

Với lý do trên, nhóm này cho rằng Chỉ thị 24 đi ngược lại cam kết về Thương mại và Phát triển bền vững như đã nêu trong hiệp định EVFTA, bao gồm cả việc thực hiện các công ước của ILO, và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 về tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức.

Hồi tháng 5, như VOA đã đưa tin, tổ chức The 88 Project (Dự án 88) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở bang Ilinois, Mỹ, chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam - công bố rằng chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị đã bị rò rỉ. Đây là chỉ thị ra hướng dẫn cho các cơ quan có thẩm quyền về “đảm bảo an ninh quốc gia” trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nội dung chỉ thị gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức có hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Phản hồi câu hỏi VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị 24, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng đó là những thông tin “có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi phản đối những thông tin sai lệch, bịa đặt có mục đích xấu nhằm vào Việt Nam. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho VOA biết qua email.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị bộ bình luận về tuyên bố của nhóm DAG EU.

Ngoài việc lên án chỉ thị trên của Việt Nam, DAG EU còn nhắc lại mối “quan ngại sâu sắc” của họ trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và các vụ bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.

Nhóm này nêu tên các nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt, gần nhất là trường hợp bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến. Hai ông được xem là những người đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi đã liên tục thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) nêu lên những quan ngại này ở mức cao nhất và đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với Việt Nam. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi này và kêu gọi EC thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo EVFTA được thực thi đúng đắn”, nhóm DAG EU đưa ra khuyến nghị.

🔝

Cảnh báo nguy cơ chiến tranh gia tăng vì chính sách mới của Trung Quốc ở Biển Đông

13/06/2024 - VOA

VOA-11-10

Hải quân Philippines thu nhặt các gói hàng do máy bay thả xuống Bãi Cỏ Mây ngày 19/5/2024.

Các chuyên gia quân sự đang cảnh báo về nguy cơ chiến tranh gia tăng với Trung Quốc sau những thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thực thi mạnh mẽ hơn các yêu sách của họ đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố lực lượng tuần duyên của họ sẽ được trao quyền điều tra và giam giữ tới 60 ngày “những người nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc” trong vùng biển tranh chấp. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 6.

Và vào ngày 8 tháng 6, họ tuyên bố sẽ cho phép Philippines cung cấp vật tư và sơ tán nhân sự khỏi một tiền đồn của Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) đang tranh chấp, nơi được tòa án quốc tế xác định là nằm trong vùng biển của Philippines, chỉ khi nào Manila thông báo trước cho Bắc Kinh.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines khẳng định nước này sẽ tiếp tục duy trì và tiếp tế cho các tiền đồn của mình ở Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong một tuyên bố chính thức, cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano nói khuyến nghị của Trung Quốc là “vô lý, lố bịch và không thể chấp nhận được”.

Theo bản tin ngày 10 tháng 6 trên tờ South China Morning Post, một cuộc khảo sát do cơ quan khảo sát độc lập OCTA Research công bố cho thấy 73% người Philippines ủng hộ có thêm hành động quân sự để bảo vệ quyền lãnh thổ của Philippines, bao gồm mở rộng tuần tra hải quân và điều động thêm quân.

Truyền thông Philippines tin rằng các đòi hỏi mới của Bắc Kinh sẽ trao quyền cho lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ “tùy tiện” người Philippines trong vùng biển của họ. Tuyên bố của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển này vươn tới các vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của một số nước Đông Nam Á.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gọi các quy định mới của Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và cho biết ông sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “bảo vệ công dân” và tiếp tục “bảo vệ lãnh thổ đất nước”.

Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Đối thoại An ninh Shangri-La ở Singapore vào ngày 31 tháng 5, Tổng thống đã chỉ ra rằng nếu một người Philippines thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Biển Đông với Trung Quốc, điều đó “gần như chắc chắn” sẽ vượt qua ranh giới đỏ và “rất gần” với những gì Philippines định nghĩa là một hành động chiến tranh.

Ông John C. Aquilino, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã khai chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước rằng Manila có thể viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 trong trường hợp như vậy.

Ông Bob Savic, người đứng đầu thương mại quốc tế tại Viện Chính sách Toàn cầu ở London, tuần trước cho biết điều này có thể khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào xung đột trực tiếp.

“Ngòi nổ của Thế chiến thứ nhất xảy ra vào ngày 28/6/1914 với vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand tại một quốc gia ở Đông Nam Âu. Lần này, ngòi nổ có thể là cái chết của một thủy thủ Philippines ở vùng biển nhiệt đới Đông Nam Á”, ông viết trong một bài báo đăng trên tờ Asia Times.

Ông tin rằng nếu Manila buộc phải yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung, có thể hình dung rằng các tàu Tuần duyên Trung Quốc sẽ nhanh chóng đối đầu với các tàu chiến Mỹ đang duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Ông Savic viết: “Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo rằng họ không mộng du lặp lại thảm kịch năm 1914 vào nửa cuối tháng 6 năm 2024 hoặc thực tế là vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai”.

‘Việc này có thể kích hoạt leo thang’

Bà Andrea Chloe Wong, một nhà nghiên cứu không thường trú tại Viện Các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói với đài VOA tại hội thảo ngày 6 tháng 6 do Cục Nghiên cứu Châu Á của Quốc gia tổ chức rằng nếu Hiệp ước Phòng thủ Chung được viện dẫn, “nó có thể gây ra leo thang hoặc xung đột giữa các nước Philippines và Trung Quốc.”

Sự an toàn của nhân sự Philippines đã trở thành tâm điểm trong các vòng tranh chấp gần đây ở Biển Đông. Vào ngày 7 tháng 6, Philippines cáo buộc một tàu tuần duyên Trung Quốc đã đâm vào một tàu Philippines, ngăn cản việc sơ tán một bệnh binh khỏi một tàu chiến đang mắc cạn đóng vai trò là tiền đồn quân sự của Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas.)

Ông Romeo Brawner, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, nói với các phóng viên ngày 4/6 rằng lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã ‘cướp’ một số thực phẩm mà một máy bay thả xuống cho nhân viên hải quân Philippines trên chiếc tàu chiến cũ kỹ làm tiền đồn này. Ông cũng đã công bố video về vụ việc.

Bất chấp căng thẳng gia tăng, bà Oriana Skylar Mastro, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, nói với VOA rằng khả năng Thế chiến III nổ ra ở Biển Đông là không cao.

Bà tin rằng Trung Quốc sẽ không lựa chọn phát động chiến tranh ở Biển Đông vào thời điểm này vì họ biết mình sẽ thua.

“Họ chưa thể triển khai sức mạnh ở những khoảng cách như vậy. Khi tôi nói chuyện với PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng quân sự chính của Trung Quốc], họ nói lý do duy nhất họ chưa tuyên bố vùng nội thủy ở [chuỗi] Trường Sa là bởi vì không có cách nào họ có thể thực thi điều đó."

Mỹ hứa hẹn khí tài

ABS-CBN News hôm 11/6 dẫn lời Tuần duyên Philippines cho biết Tuần duyên Hoa Kỳ đã hứa sẽ gửi khí tài tới Biển Đông để giúp Manila duy trì quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong một tuyên bố, Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ sẽ triển khai Lực lượng Tuần duyên Bắc Thái Bình Dương theo đề nghị của Đô đốc Philippines Ronnie Gil Gavan. Ông Gavan kêu gọi “việc triển khai nhiều hơn” ở vùng biển khơi “để giải quyết mối đe dọa sắp tới” do lời đe dọa của Trung Quốc nhằm bắt giữ người nước ngoài bên trong vùng mà họ tuyên bố là ranh giới biển của mình.

Trong một phúc trình nghiên cứu do Cục Nghiên cứu Châu Á của Quốc gia công bố vào tháng trước, ông Michael Shoebridge của Cơ quan Phân tích Chiến lược Úc đã chỉ ra rằng hành động tập thể của Philippines và các đồng minh có thể giảm thiểu rủi ro ở Biển Đông một cách hiệu quả.

Ông viết: “Nguy cơ hành động tập thể như vậy leo thang thành xung đột là có thật. Tuy nhiên, nó có thể được giảm thiểu bằng cách quân đội hành động rõ ràng theo luật pháp quốc tế và phối hợp một phản ứng chính trị thống nhất để thể hiện và truyền đạt điều này”. Việc này sẽ chống lại những nỗ lực của Trung Quốc “đe dọa các nước khác và xem những hành động hợp pháp như vậy là gây hấn.”

Ông Shoebridge, người cũng đã tham dự hội thảo ngày 6 tháng 6 của Cục Nghiên cứu Châu Á, đã phát biểu tại cuộc họp rằng “trừ khi chúng ta làm cho chính sách và hành động của Trung Quốc thất bại, chúng ta sẽ để lại tất cả đòn bẩy cho Bắc Kinh, và chúng ta đang chờ đợi các quân nhân của chúng ta bị PLA giết chết và đó không phải là tương lai mà tôi mong muốn.”

🔝

Thường vụ Quốc hội VN đồng ý cho cảnh sát giao thông hưởng 85% tiền phạt người vi phạm

12/06/2024 - VOA

VOA-11-09

Lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam rất đông đảo. (Ảnh chụp từ VNExpress)

Trong cuộc họp hôm 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đồng ý ý cho cảnh sát giao thông được giữ lại hầu hết số tiền xử phạt các lỗi vi phạm để ngành công an hiện đại hóa lực lượng và tăng cường cơ sở vật chất, VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh đưa tin trong cùng ngày.

Tin tức của VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói rằng việc trích lại tiền xử phạt vi phạm và giao cho cảnh sát giao thông (CSGT) không phải là vấn đề gì mới.

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt và tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm.

Dẫn thông tin từ cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, các báo cho hay giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ trích lại cho Bộ Công an là 70%, năm 2022 và 2023 là 79%, từ năm 2024, mức trích lại là 85% cho bộ còn các địa phương là 15%.

VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM cho biết việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại sẽ được thực hiện theo một nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được ban hành sớm, cũng như căn cứ vào pháp luật về ngân sách nhà nước, như vậy, sẽ không phải sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Ngân sách nhà nước.

Phát biểu với Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định ngành của ông “không lấy một đồng nào” từ việc giữ lại một tỷ lệ lớn tiền phạt “để bồi dưỡng cho lực lượng CSGT”.

Theo trích dẫn trên báo chí, Thứ trưởng Long nhấn mạnh "Chúng tôi dùng hoàn toàn vào công tác trang bị phương tiện, phương tiện nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông”.

Ông nói rằng trong thời gian tới, ngành công an “sẽ hiện đại hóa tuần tra, kiểm soát, giám sát giao thông, xử phạt giao thông và điều khiển toàn bộ hoạt động của CSGT", VnExpress, Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM tường thuật.

🔝

Cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ đang tạm lánh, tố chính quyền nhiều lần ‘bắt cóc’

13/06/2024 - VOA

VOA-11-08

Bà Đặng Thị Huệ.

Bà Đặng Thị Huệ, người từng bị chính quyền bỏ tù do phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý tại Việt Nam, nói với VOA hôm 12/6 rằng bà bị công an Thái Bình truy tìm và dọa bắt do bà kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Bà Huệ, 44 tuổi, từng bị tuyên 15 tháng tù hồi năm 2020 về tội “gây rối trật tự công cộng” sau các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí giao thông theo hình thức “Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao” (BOT) đặt không đúng vị trí hoặc thu quá hạn, trong đó có trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.

“Sau khi ra trại, tôi tiếp tục lên tiếng và ủng hộ các tù nhân lương tâm nên chính quyền đã nhiều lần bắt cóc tôi, và mới đây nhất là ngày 13/5, khi tôi từ Hà Nội về đến địa phận tỉnh Thái Bình”, bà Đặng Thị Huệ, còn có tên khác là Như Huệ, thuật lại với VOA sự việc mà bà cáo buộc rằng an ninh tỉnh Thái Bình chặn giữ và câu lưu bà.

“Họ giữ tôi 24 tiếng ... và qua ngày 15/5 họ kêu làm việc tiếp và yêu cầu tôi ký cam kết ngưng lên tiếng trên mạng xã hội về việc vận động cho các tù nhân chính trị, trong đó có vận động chữ ký cho kiến nghị đòi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh”.

Nhà hoạt động Thúy Hạnh đang bị chính quyền Hà Nội tạm giam 3 năm qua với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và gần đây bà Hạnh phát hiện đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa.

Hồi tháng 5, tổ chức nhân quyền Dự án 88 (The 88 Project) có trụ sở tại Mỹ, đưa tin rằng bà Đặng Thị Huệ, một cựu tù nhân chính trị, đã bị công an tỉnh Thái Bình “bắt cóc” và thẩm vấn trong 24 giờ mà không có thông báo trước.

Bà Huệ cho biết thêm rằng chính quyền Thái Bình hôm 30/5 lại tiếp tục vây bắt bà nên bà buộc phải rời nơi cư trú và liên tục thay đổi chỗ ở để lánh nạn.

Viết trên Facebook cá nhân hôm 5/6 và kèm theo đó là đoạn ghi hình đề ngày 13/5, bà Huệ mô tả đây là cảnh các nam nữ viên chức an ninh, cả mặc đồng phục lẫn thường phục, đi trên một chiếc xe khách ùa xuống áp giải bà về trụ sở công an làm việc khi bà đang nghe điện thoại.

Bà Huệ, người mãn hạn tù đầu năm 2023, viết trên Facebook: “Hiện nay tôi đang giữ kỷ lục Việt Nam là người phụ nữ bị bắt cóc, đàn áp diện rộng nhiều lần nhất (3 lần), 2 lần của công an Thái Bình và 1 lần của công an Sóc Sơn, Hà Nội”.

Bà kêu gọi dư luận trong và ngoài quan tâm giúp bà để bà thoát cảnh “bất an”. Tuy nhiên, bà Huệ không tiết lộ nơi bà đang cư ngụ vì lý do an toàn.

“Đối với một người hoạt động ôn hòa như tôi, việc hành xử của công an Thái Bình và chính quyền cộng sản là hết sức phi lý. Họ sẵn sàng bắt cóc, giữ người mà không cần có bất kỳ giấy tờ nào”, bà Huệ nhận xét.

VOA đã liên lạc với hai cơ quan công an của Thái Bình và Hà Nội, đề nghị họ cho ý kiến về các cáo buộc của bà Huệ, nhưng chưa được trả lời.

Hồi tháng 7/2020, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt bà Đặng Thị Huệ 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, bà bị tuyên 24 tháng tù treo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hồi năm 2016, nên tổng hợp hình phạt chung là 39 tháng tù.

Trên mạng xã hội, bà Huệ được biết như người đấu tranh phản đối các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí giao thông quá thời hạn, thường được gọi là BOT “bẩn”.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng khi ấy nói rằng bà Huệ cùng một số đối tượng đã “lập các nhóm phản đối Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, trên nhiều trang mạng xã hội để kích động, kêu gọi mọi người tham gia phản đối...”, và cáo buộc rằng hành động của nhóm này đã “làm tê liệt hoạt động bình thường” của trạm thu phí.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này vi phạm nhân quyền hay giam giữ người bất đồng chính kiến, tù nhân chính trị.

Hà Nội nói rằng họ luôn đảm bảo các quyền căn bản của mọi công dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

🔝

Bắt giam luật sư Trần Đình Triển, Việt Nam tỏ rõ 'không chấp nhận tiếng nói chỉ trích, phản biện'

11/06/2024 - VOA

VOA-11-06

Luật sư Trần Ðình Triển.

Các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giam luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, đồng thời họ kêu gọi Hà Nội bãi bỏ điều luật mà họ cho là “mơ hồ” này để phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) bày tỏ sự “quan ngại” về việc luật sư Trần Đình Triển đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam với tội danh quy định theo Điều 331, một đại diện của ICJ bày tỏ quan điểm với VOA.

“Điều này dường như nhằm mục đích tùy tiện làm suy yếu quyền tự do ngôn luận của ông ấy, được bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế”, vị đại diện của ICJ viết cho VOA qua email hôm 10/6.

VOA-11-07

Luật sư Trần Đình Triển phát biểu tại một sự kiện của Đòan Luật sư Hà Nội. Facebook Trần Đình Minh Long.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Công an Việt Nam hôm 8/6 loan tin rằng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giam luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

“Sáng ngày 1/6/2024, tôi nhận được tin có lệnh khám xét chỗ ở của bố tôi tại địa chỉ văn phòng của Văn phòng Luật sư Vì Dân”, luật sư Trần Đình Minh Long, con trai của luật sư Triển, thuật lại hôm 7/6 trên trang Facebook cá nhân về tin cha ông bị bắt.

“Tiêu đề lý do khám xét tôi đã được xem và ghi rõ “Dấu hiệu của tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, ông Long viết thêm. “Các Điều tra viên cũng nói rõ lý do là những gì ông đăng trên trang Facebook cá nhân Trần Đình Triển của ông”, vẫn ông Long, đồng thời cho biết thêm rằng trang này đã bị khóa sau vụ khám xét nhà.

Theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam, luật sư Trần Đình Triển bị bắt cùng ngày với nhà báo tự do Trương Huy San và hai ông bị khởi tố cùng tội danh.

Truyền thông nhà nước dẫn lời cơ quan chức năng cho rằng ông Triển và ông San, hay còn gọi là blogger Huy Đức, đã “đăng tải các bài viết trên mạng xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng

Đáp lại việc VOA đề nghị đưa ra bình luận về động thái của chính quyền Việt Nam bắt giam ông Triển và ông San, hôm 10/6, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ qua email: “Chúng tôi thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người tại Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của những người bị giam giữ cũng như tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội cho tất cả người dân Việt Nam”, bộ này nói thêm.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Công an, đề nghị họ cho ý kiến về những nhận định của ICJ, Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng như từ các tổ chức nhân quyền lên án việc bắt hai ông, nhưng chưa được phản hồi.

Điều 331 ‘mơ hồ’

“Điều 331, một điều luật an ninh quốc gia thường bị chỉ trích vì bản chất quá rộng của nó, cho phép chính quyền thực hiện kiểm duyệt toàn diện đối với những người chỉ trích chính phủ”, trang Jurist.org, tạp chí của các sinh viên luật quốc tế viết về sự khủng khoảng của nền pháp trị, đưa ra ý kiến hôm 9/6.

“Trên toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức giám sát đã bày tỏ mối quan ngại về sự suy thoái của quyền tự do báo chí ở Việt Nam vì Điều 331 và chính quyền mới, hiện do cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm lãnh đạo, sau khi ông được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng rồi”, vẫn theo Jurist.org.

“Điều này tiếp tục xu hướng đáng quan ngại ở Việt Nam về các cuộc điều tra và tố tụng hình sự không đúng chuẩn mực đối với các luật sư nhân quyền theo Điều 331 mơ hồ, không chính xác và quá rộng”, tổ chức ICJ chuyên bảo vệ quyền lợi cho giới luật sư nói với VOA.

ICJ hôm 10/6 tái khẳng định rằng Điều 331 phải bị “bãi bỏ hoặc sửa đổi một cách đáng kể vì nó không phù hợp với quyền tự do ngôn luận”.

Trước đó, hồi tháng 5/2024, chính phủ các quốc gia phương tây, bao gồm cả Mỹ và Anh, bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 331, 117 của Bộ Luật Hình sự. Điều 117 quy định các hình phạt đối với các hành vi bị cho là “tuyên truyền chống nhà nước”.

Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại Liên Hiệp Quốc của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng chính quyền Việt Nam nên sửa đổi hai điều luật trên “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng”, cũng như tăng cường bảo vệ quyền tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.

Nhắm vào giới luật sư, nhà báo?

“Khoảng ba năm trở lại đây, chính quyền tăng cường bắt bớ tất cả những người đã từng lên tiếng chỉ trích, phê bình, phản biện về thực trạng đất nước, về chính sách, về các hoạt động tư pháp…”, luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang tị nạn chính trị tại Mỹ sau khi bị chính quyền truy tìm với cáo buộc theo Điều 331 hồi tháng 6/2023, nêu ra quan sát với VOA.

“Thông điệp từ việc bắt bớ rất rõ: Chính quyền không chấp nhận bất kỳ sự chỉ trích nào của bất cứ ai. Dĩ nhiên, các hành xử ấy của chính quyền thể hiện sự đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà chính quyền đã từng long trọng thừa nhận trong Hiến pháp”, vẫn luật sư Mạnh.

Tương tự, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang sinh sống tại Mỹ, nêu nhận định: “Đó là điều rất tệ, thể hiện sự leo thang của chiến dịch đàn áp các tiếng nói đóng góp để xây dựng đất nước”.

“Bố tôi luôn luôn hiểu rõ rủi ro khi chọn cho mình là một luật sư đứng lên bảo vệ lẽ phải, chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Khi ai đó không thể tự lên tiếng để bảo vệ cho họ, khi có những điều sai trái trong xã hội mà không ai dám nói ra thì ông đã tự chọn cho mình nghĩa vụ phải là người đứng ra lên án những điều đó”, luật sư Long viết trên Facebook cá nhân.

Việc bắt giữ nhà báo Trương Huy San và Luật sư Trần Đình Triển là “một dấu hiệu rất đáng lo ngại”, luật sư Quân nhận định. “Trước đây thì chính quyền bắt các tiếng đối lập còn bây giờ là chính các tiếng nói góp ý chân thành từ những người trong hệ thống, góp ý cho chính Đảng và Nhà nước tốt hơn cũng bị bắt”.

Ông Trần Đình Triển là tiến sĩ luật, nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội. Ông mở văn phòng luật sư Vì Dân vào năm 2006 và đã có hơn 40 năm hành nghề luật, theo trang VNExpress.

Theo thông tin trên trang Luật sư Vì dân của luật sư Triển, văn phòng này “vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng chứng nhận Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. Trang này đánh giá đây là một “thành tựu đáng tự hào và chứng minh cho sự nỗ lực và đóng góp của Văn phòng luật sư Vì Dân trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích chung của cộng đồng”.

“Đối với ông, ước nguyện lớn nhất cả đời là được đấu tranh cho một nền pháp luật Việt Nam công bằng, nghiêm minh, thật sự vô tư, khách quan. Nơi mà mọi người dân Việt Nam dù yếu thế nhưng ai cũng được đối xử bình đẳng, bác ái; nơi mà dù có những kẻ quyền cao chức trọng đến mấy cũng sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật khi gây tổn thương đến quyền lợi nhân dân, đất nước”, luật sư Long chia sẻ ước nguyện của cha ông. “Và với ông, sứ mệnh đó mà ông chọn đáng để dâng hiến cả cuộc đời mình mà không có gì phải hối hận”.

Giới luật sư nhận định rằng các quốc gia văn minh trên thế giới đều thiết lập nền tư pháp để bảo đảm công lý cho người dân, còn chính quyền Việt Nam - về mặt hình thức - cũng tạo ra một cảm giác tương tự, với đầy đủ các định chế tòa án, công tố, điều tra, thẩm phán, luật sư…

“Thế nhưng, chúng đều chỉ là hư danh mà thôi. Chúng không hề mang lại công lý cho người dân theo đúng thiên chức của mình. Mục đích chính của nền tư pháp trong nước hiện nay là củng cố quyền lực chính trị độc tài cho đảng Cộng Sản mà thôi”, luật sư Mạnh bày tỏ ý kiến cá nhân.

“Tôi và các đồng nghiệp có những khi đùa vui với nhau rằng với Điều 331 thì ở Việt Nam có lẽ ai cũng là ‘tù nhân dự khuyết’. Tuy chỉ là những câu nói đùa vui, nhưng bản thân tôi và những người khác đều cảm nhận được sự chua xót lặng thầm sau những câu nói tâm sự đó”, luật sư Long chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Từ Mỹ, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn được gọi là blogger Mẹ Nấm, nêu nhận định trên trang X hôm 7/6: “Dưới thể chế công an trị thì Điều 331 là công cụ hữu hiệu và dễ dàng nhất cho nhà cầm quyền ra tay với bất kỳ ai, bất kỳ chuyện gì. Bởi chỉ cần lôi Điều 331 là “giải quyết được mọi thứ để đảm bảo an ninh trật tự xã hội””.

🔝

Nhìn lại những xáo trộn trên thượng tầng Ba Đình: Việt Nam sẽ đi về đâu?

10/06/2024 Hoàng Trường - VOA

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, Hà Nội, ngày 22/5/2024. Pham Trung Kien/VNA via AP)

Dích dắc ‘xây thành đắp lũy’

Một cuộc ngã giá vô tiền khoáng hậu. Theo nguồn tin nội bộ, chấp nhận ghế Chủ tịch nước (CTN) ngày 22/5/2024, Tướng Tô Lâm đã đặt điều kiện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) và Trung ương đảng (TƯ), phải bầu bổ sung hai tướng ba sao của ông là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, đều là dân gốc Hưng Yên, vào Bộ Chính trị (BCT). Nhưng rồi ‘mộng đẹp không thành’, Tô Lâm ‘đành cài số lùi’.

Hôm 6/6, khi Quốc hội bấm nút chấp thuận tướng Quang vào ghế Bộ trưởng Công an (BTCA), cũng là lúc Tô Lâm cho CO3 ra tuyên bố công khai: Cơ quan An ninh BCA chấm dứt điều tra giai đoạn 2 vụ án hình sự Vạn Thịnh Phát (1). Vậy là, Lê Minh Hưng, tân Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯ) – người từng đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vào những năm Trương Mỹ Lan ‘múa gậy vườn hoang’ giữa Đô thành, gây thiệt hại cho người dân khoảng 30.869 tỷ VND – có khả năng sẽ thoát nạn. ‘Bánh ú trao đi bánh chì trao lại’. Người của Tô Lâm ‘ấm ghế’ ở TƯ để hy vọng vào BCT nay mai, thì ngay lập tức Lê Minh Hưng, trong cùng ngày 6/6 ‘gần như khỏi lo’ bị điều tra ngược. Không cần trở thành Ủy viên BCT, chỉ là ‘phó thường dân dự khuyết’ cũng biết được, Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn một mình không thể nuốt trôi 5,5 triệu USD do Trương Mỹ Lan lại quả.

Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đã không gom đủ số phiếu tại Hội nghị Trung ương 9 (2). Tô Đại tướng đành quyền biến, ‘lùi một bước tiến hai bước’ khá ngoạn mục. Ngày 3/6, Tô Lâm tạm thỏa mãn ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯĐ) đối với Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, để ngày 6/6 vừa qua, ông đạt được đòi hỏi thứ hai, tức là gần như 100% Quốc hội bầu Thượng tướng Lương Tam Quang vào ghế BTCA. Trong Hội nghị TƯ-9, ‘tâm phúc’ của Tô Đại tướng chưa dành ngay được hai vị trí trong BCT, nhưng với ghế CVPTƯĐ và BTCA, tương lai Ngọc và Quang vào BCT vẫn chưa hết hy vọng. Chậm nhưng chắc, theo bước chân của người tiền nhiệm Lê Minh Hưng, trước mắt, tướng Ngọc sẽ được vào Ban bí thư. Cuộc ngã giá của tân CTN đã buộc TƯ và BCT phải chấp thuận cho các thủ túc của ông ‘gác cửa’ ở Trung ương Đảng và thay ông ‘trông coi’ BCA. Đối với tân CTN, đây là thành công bước đầu ngoạn mục, mặc dầu để cài tiếp hai ‘đệ tử của mình’ ở BCA leo tiếp trên các nấc thang quyền lực vẫn còn là một tương lai bất định.

BCT lúc đầu vốn quan ngại vây cánh của Tô Lâm quá mạnh trong TƯ và BCT nên chưa đồng thuận cho hai Thượng tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang vào BCT ngay trong đợt bầu bổ sung tại Hội nghị TƯ-9. Nhưng với kế hoạch ‘bao vây’ và ‘đánh lấn’ của Tô Lâm, TBT Nguyễn Phú Trọng cuối cùng cũng đã thúc thủ. Tại phiên họp Quốc hội (QH) hôm 6/6, tân CTN Tô Lâm, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đã đề nghị QH phê chuẩn cho tướng Lương Tam Quang làm thành viên Hội đồng. Và QH đã biểu quyết thông qua đề nghị này với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành (3). Trước mắt, tướng Quang và tướng Ngọc sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ của ông Tô Lâm đến năm 2026. Nếu Quang không ‘leo’ được tiếp lên BCT, ông sẽ kết thúc cuộc đời binh nghiệp ở tuổi 61 vào tháng 1/2026. Dẫu sao Tô Đại tướng cũng đã ép được BCT và TƯ chấp thuận kế hoạch ‘xây thành, đắp lũy’ của mình. Bố trí xong hai ghế CVPTWĐ và Bộ trưởng BCA cho Ngọc và Quang, vốn là các thủ túc thân tín của ông. Ngay từ đầu, Đại tướng Tô Lâm không dấu diếm, đó là các điều kiện tiên quyết để ông chấp nhận rời ghế BCA sang ngồi vào ghế CTN.

Liệu có ‘cái chết trên chấm phạt đền’?

Giới bình luận quốc tế đánh giá, các điều kiện tiên quyết của Tô Lâm áp đặt lên BCT thực chất là một cuộc chính biến (coup d'etat) hoàn hảo (4). Tô Đại tướng đã hành động ‘tréo ngoe’ so với Hiến pháp cũng như Đảng chế xưa nay. Mọi quyết sách lớn về nhân sự trên thượng tầng Ba Đình thường là do BCT thiết kế, sau đó TƯ và QH chỉ bấm nút triển khai thực hiện. Đằng này, vừa qua, bằng một Hội nghị bất thường để lấy phiếu tín nhiệm từ cơ sở cho điều gọi là ‘kiện toàn vị trí BTCA’, Tô Lâm trên thực tế đã vô hiệu hóa quyết định trước đó của Chính phủ để Trần Quốc Tỏ ‘điều hành BCA’, áp đặt luôn kết quả bỏ phiếu để đưa Quang vào vị trí làm ‘bàn đạp’ chuẩn bị ‘nhảy lên’ BCT về sau. Điều này liệu có thể diễn ra, khi mà tân Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa đủ điều kiện ‘trọn một khóa’ TƯ và cũng chưa từng qua một khóa công tác ở cấp tỉnh? Nhưng với ‘tả phù hữu bật’, với ‘thế chẻ tre’ trên bàn cờ chính trị Ba Đình (5), Tô lâm đã ‘xây thành đắp lũy’ thành công mà không sợ các thế lực khác ‘đánh úp’ khi ông buộc lòng phải ‘buông’ ghế BTCA để tính chuyện được được ‘hưởng suất đặc biệt kéo dài tuổi hưu’ tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026. Giới quan sát chính trị Hà Nội đang đặt vấn đề: Nếu một khi có ‘cái chết trên chậm phạt đền’, Tô Lâm có đủ quyền bính để gộp CTN với TBT làm một?

Trong một bài viết súc tích trước khi bị bắt hôm 1/6/2024, nhà báo Huy Đức đã mô tả về cái chết của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Huy Đức có ý đổ trách nhiệm cho TBT Trọng trong việc ông có vẻ lấn át bộ máy quản trị bên chính phủ, chỉ tập trung ‘gia cố’ hệ thống các Ban bên Đảng (6). Thật ra cuộc tranh giành lúc ngấm ngầm, lúc công khai giữa ‘cung Vua’ và ‘phủ Chúa’ ở Ba Đình khi nhân loại đã đi được một phần tư thế kỷ 21, có lẽ là một trong những chương đen tối của lịch sử ĐCSVN. Ở một đất nước ‘luật pháp có cũng như không’, gần một tuần lễ trôi qua, người dân và cả hệ thống truyền thông ‘lề đảng’ vẫn chưa biết, Huy Đức đã ‘bị bốc hơi’ cách nào. Mãi đến cách đây vài ngày mới có tin chính thức Huy Đức bị bắt về tội “lợi dụng tự do, dân chủ.” Trong khi đó thì tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức, như một bình luận trên RFA cũng vào ngày 6/6, giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân đứng ngoài ‘trò chơi cung đình’, trong đó sự tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu 2023 đến thời điểm hiện nay, hàng tá các Ủy viên BCT, các Phó thủ tướng, bộ trưởng và nhiều quan chức cao cấp khác bị ‘ngã ngựa’ dưới các hình thức khác nhau… (7)

Trong một nghiên cứu được trao giải quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, các học giả về Việt Nam đã tiên đoán về sự ‘tắc tử’ của hệ thống pháp quyền XHCN và sự lên ngôi của chế độ độc tài công an trị. Có một số kịch bản phát triển khả dĩ cho Hà Nội như sau: Thứ nhất, ĐCSVN tiếp tục theo con đường hiện tại, từ chối thực hiện các cải cách chính trị và quản trị triệt để hơn và tránh xa thực hành đa nguyên chính trị. Trong trường hợp này, tham nhũng có thể sẽ trở nên lan tràn và gây tổn hại nghiêm trọng hơn và các phe phái cùng các nhóm lợi ích sẽ gây thêm nhiều tổn hại hơn nữa. Một sự phát triển như vậy sẽ dẫn đến sự mất hoàn toàn tính hợp pháp của Đảng Cộng sản. Thứ hai, ĐCSVN bám giữ chế độ ‘đảng trị’ duy nhất bằng mọi giá và chỉ thực hiện các cải cách phi chính trị. Trong tình huống ấy, thời gian trước khi mất tính hợp pháp có thể kéo dài và Việt Nam sẽ trở thành một loại hình nhà nước cảnh sát toàn trị. Thứ ba, Việt Nam tiến tới đa nguyên chính trị mà không có bất kỳ cải cách toàn diện nào. trong trường hợp ấy, sự phát triển của Việt Nam sẽ càng khó dự đoán hơn và sẽ gặp nhiều hỗn loạn và bất định phía trước (8).

Tham khảo:

(1) https://www.vietnamplus.vn/giai-doan-2-vu-an-van-thinh-phat-de-nghi-truy-to-34-bi-can-ve-3-toi-danh-post957512.vnp

(2) https://www.voatiengviet.com/a/trung-uong-9-buoc-ngoat-hay-ngo-cut-/7617585.html

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tan-bo-truong-bo-cong-an-luong-tam-quang-duoc-quoc-hoi-giao-trong-trach-moi-119240606165255555.htm

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/video?v=1_0y3gsfco

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-and-his-bamboo-splitting-power-in-the-vietnamese-political-chessboard-06062024082652.html

(6 và 7) https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-huy-duc-van-mat-tich-sau-khi-bi-co-quan-chuc-nang-dua-di/7645709.html

(8) https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/25529_1_Institutional_Reforms_Final__V_.pdf

🔝

6 phụ nữ Việt Nam, 7 đàn ông Singapore bị đảo quốc khởi tố về kết hôn giả

08/06/2024 - VOA

VOA-11-05

Singapore phát triển, mức sống cao nên thu hút nhiều người đến làm việc, sinh sống.

Cơ quan Quản lý Nhập cư và Cửa khẩu Singapore cho biết 13 người - 6 người phụ nữ Việt Nam và 7 người đàn ông Singapore - bị một tòa án cấp quận khởi tố hôm 6/6 về các tội danh liên quan đến kết hôn giả, The Straits Times, The Star và CG Wall đưa tin hôm 7/6. Mỗi người trong số họ bị khởi tố về 1 cho đến 12 tội danh theo Đạo luật Di trú của Singapore.

The Straits Times, The Star và CG Wall nêu tên những người phụ nữ là Ngo Thi Thanh, 28 tuổi; Ho Gia Phan, 30 tuổi; Nguyen Thi Thuy Quyen, 30 tuổi; Tran Ngoc Phuong Thao, 31 tuổi; Nguyen Thi Minh Trang, 32 tuổi; và Nguyen Thi Thu Giang, 32 tuổi.

6 người đàn ông bị khởi tố vì tham gia vào những cuộc hôn nhân giả, The Straits Times, The Star và CG Wall cho biết. 4 người trong số họ - Noel Teo Junwei, 23 tuổi; Gan Jun Wei, 25 tuổi; Melvin Tan Soon Kang, 27 tuổi; và Lim Kian Keong, 32 tuổi - bị cáo buộc đã được trả tiền từ 8.000 đến 18.000 đô la mỗi người để làm như vậy.

Người đàn ông thứ năm, Jonathan Kwek Zi Hao, 32 tuổi, bị cáo buộc là đã được nhận “tiền trả công” nhưng số tiền này không được tiết lộ trong hồ sơ của tòa án. Trong khi đó, Teo Wei Jie, 27 tuổi, bị cáo buộc đã được mời chào một số tiền nhất định nhưng không rõ là bao nhiêu.

Theo The Straits Times, The Star và CG Wall, người đàn ông thứ bảy, Javier Ang Kun Teng, 26 tuổi, được cho là đã sắp xếp 3 cuộc hôn nhân giả liên quan đến Noel Teo, Gan và một người đàn ông được xác định danh tính là Ryan Lim Meng Yang, 25 tuổi.

Ang bị cáo buộc đã thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 2/2024 để giúp 3 phụ nữ Việt Nam có được giấy thông hành ra vào Singapore.

Gan được cho là đã nhận 8.000 đô la từ Thanh để làm đám cưới giả với cô tại Marina Bay Sands vào ngày 26/1/2023.

Lim Kian Keong bị cáo buộc đã kết hôn với Giang tại khách sạn Equarius ở Sentosa Gateway vào ngày 27/3/2023. Anh ta được cho là đã nhận được 18.000 đô la từ cô ấy để làm như vậy.

Tan bị cáo buộc nhận 12.800 đô la từ Phan và 1.000 đô la từ một người đàn ông có tên “Jason” để kết hôn giả với Phan. Anh ta bị cáo buộc đã thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 10/4/2023, tại khách sạn Hard Rock Singapore, cũng trên đảo Sentosa.

Noel Teo bị cáo buộc đã kết hôn với Bui Thi Huong, 35 tuổi, vào ngày 1/2/2024. Anh ta được cho là đã nhận của cô này 13.000 đô la.

Ngoài ra, Teo Wei Jie bị cáo buộc đã kết hôn với Thao vào ngày 6/4/2023, trong khi Kwek được cho là đã làm như vậy với Quyen vào ngày 10/4 cùng năm đó.

The Straits Times, The Star và CG Wall dẫn lời ICA cho hay thủ tục về các vụ án liên quan đến toàn bộ 13 người được hoãn lại đến ngày 13/6. Họ bị bắt trong một chiến dịch thực thi pháp luật vào ngày 5/6, khi đó, nhà chức trách đồng loạt khám xét các tòa nhà công cộng và nhà riêng trên khắp Singapore.

Các nhà điều tra cũng đang xem xét khả năng đã xảy ra hành vi phạm tội khai man liên quan đến đơn xin cấp thị thực nhập cảnh của các nghi phạm.

ICA cho biết các vụ bắt giữ được thực hiện sau các cuộc điều tra về một tổ chức bị cáo buộc đã dàn xếp các cuộc kết hôn giả.

Theo The Straits Times, The Star và CG Wall, những người bị kết tội kết hôn giả có thể bị phạt tới 10.000 đô la, phạt tù tới 10 năm hoặc cả hai. Tổng cộng có 18 người đã bị bắt trong giai đoạn từ năm 2021-2023 vì những tội danh như vậy. 8 người đã bị bắt chỉ riêng trong năm 2023.

🔝

Thái Lan bắt giữ nam nghi phạm ma túy người Việt bị công an Việt Nam truy nã

08/06/2024 - VOA

Trang tin The Thaiger đăng bài về vụ bắt giữ Nguyen Tuan Thanh ở Bangkok, 7/6/2024.

Lực lượng chống ma túy Thái Lan vừa bắt giữ nghi phạm người Việt bị công an Việt Nam truy nã 1 năm nay có tên là Nguyen Tuan Thanh ở thủ đô Bangkok, hai trang tin tức The Thaiger và Bangkok Post đưa tin hôm 7/6.

The Thaiger và Bangkok Post dẫn lời Trung tướng Cảnh sát Panurat Lakboon, Tổng Thư ký Văn phòng Ủy ban Kiểm soát Ma túy (ONCB) nói trong cùng ngày rằng tay tội phạm ma túy khét tiếng Nguyen Tuan Thanh, 33 tuổi, bị bắt tại một căn hộ hạng sang ở quận Watthana.

Theo The Thaiger và Bangkok Post, Cục Cảnh sát Phòng chống Ma túy thuộc Bộ Công an Việt Nam đã báo tin cho nhà chức trách Thái Lan để họ tiến hành bắt giữ Thanh, người đã bỏ trốn sau khi bị truy tố về một loạt hành vi phạm tội hình sự.

Công an Việt Nam đã ban hành lệnh truy nã ông này cách đây 1 năm sau khi triệt phá một nhóm buôn bán ma túy lớn vào ngày 22/9/2022. Trong vụ này, nhà chức trách bắt giam 7 người và thu giữ 200 kilogam lá thuốc lá tẩm ABD-Butinaca, một dạng cần sa tổng hợp. Cả 7 người đó đều khai rằng Thanh cầm đầu hoạt động phạm pháp.

Khi nắm được thông tin là Thanh lẩn trốn ở Thái Lan, công an Việt Nam đề nghị ONCB giúp đỡ. The Thaiger tường thuật rằng sau nhiều tháng điều tra tỉ mỉ và theo dõi chặt chẽ, ONCB đã khép vòng vây và rốt cuộc bắt được Thanh.

Trung tướng Cảnh sát Panurat khen ngợi sự cộng tác thành công giữa các lực lượng bảo vệ luật pháp của Thái Lan và Việt Nam trong vụ này, các bản tin của The Thaiger và Bangkok Post cho hay.

🔝

Nhà báo Huy Đức bị bắt giam, khởi tố; Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do

07/06/2024 - VOA

VOA-11-03

Các tổ chức nhân quyền, gồm CPJ, RSF và PEN America, đã lên tiếng kêu gọi Việt nam minh bạch về hành tung của nhà báo Huy Đức cũng như trả tự do cho ông.

Các tổ chức Bảo vệ Ký giả, Ân xá Quốc tế và Văn bút Mỹ đã lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tự do cho nhà báo nổi danh Trương Huy San cũng như bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo có bút danh Huy Đức sau khi ông cho đăng tải những bài viết về tình trạng bất ổn chính trị hiện tại của đất nước.

Những lời kêu gọi này được đưa ra ngay trước khi tờ Tuổi Trẻ cho biết cơ quan an ninh điều tra đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam cựu nhà báo Trương Huy San hôm 7/6. Bộ Công an được tờ báo này dẫn lời nói rằng họ ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Một ngày trước khi có thông báo của Bộ Công an, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói trong một thông báo rằng “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức tiết lộ nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện.”

Trước khi bị bắt, nhà báo Huy Đức đăng tải những bài viết chỉ trích gay gắt và trực diện hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, người được bổ nhiệm vào chức vụ này hôm 22/5 sau khi dẫn dắt Bộ Công an.

Theo Tuổi Trẻ, kết quả điều tra ban đầu của Công an xác định ông Huy Đức đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra an ninh cũng cho biết rằng họ đã bắt giữ và khởi tố Luật sư Trần Đình Triển của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với cùng tội danh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan này được Tuổi Trẻ trích dẫn, nhà báo Huy Đức và LS Triển "đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ".

Bộ Công an không cho biết họ bắt ông Huy Đức khi nào nhưng nhà văn Trần Thanh Cảnh cho VOA biết hôm 6/6, ông Huy Đức đã không đến tham dự buổi mạn đàm mà ông dự kiến là diễn giả ngày 1/6. Theo ông Cảnh, những người bạn và người dân sống cùng tòa nhà của ông Huy Đức ở Long Biên, Hà Nội, chứng kiến lực lượng của nhà chức trách đến khám nhà và đưa nhà báo này đi cùng ngày hôm đó.

Trang Facebook có hơn 350.000 người theo dõi của ông Huy Đức đã bị gỡ xuống kể từ khi ông bị bắt.

Một ngày trước khi Bộ Công an thông tin về việc bắt giữ ông Huy Đức, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói trong thông báo đưa ra hôm 6/6 rằng “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức tiết lộ nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện.”

Trước khi được bị bắt, nhà báo Huy Đức đăng tải những bài viết chỉ trích gay gắt và trực diện hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, người được bổ nhiệm vào chức vụ này hôm 22/5 sau khi dẫn dắt Bộ Công an.

Trong các bài viết được đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Huy Đức, tác giả cuốn sách được xuất bản từ Mỹ “Bên Thắng Cuộc”, cho rằng sự phát triển của Việt Nam không thể dựa trên sự sợ hải và lưu ý đến vai trò Bộ trưởng Công an lâu năm của ông Tô Lâm.

Theo CPJ, ông Tô Lâm được nhiều người coi là ứng cử viên để thay thế ông Trọng, 80 tuổi, ở vị trí lãnh đạo hàng đầu khi nhiệm kỳ 5 năm thứ 3 chưa có tiền lệ của tổng bí thư Đảng kết thúc vào năm 2026.

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt,” ông Cedric Alviani, giám đốc Văn phòng châu Á của RSF, nói trong thông cáo đưa ra hôm 7/6. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và phục hồi lại trang Facebook của ông.”

RSF nhận định rằng, ông Huy Đức là một nhà báo kỳ cựu sinh năm 1962, từng làm việc cho nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam, nơi ông vạch trần hành vi lạm dụng quyền lực của các quan chức hàng trước khi ông bị cho thôi việc vào năm 2009 vì những bài viết chỉ trích của ông.

Ông Huy Đức cho đăng các bài viết độc lập về chính trị Việt Nam trên trang blog và mạng xã hội của ông, gồm Facebook, trước khi nhận học bổng Nieman để theo học tại Đại học Harvard vào năm 2012-2013.

Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) cũng đưa ra quan ngại về thông tin ông Huy Đức bị các nhà chức trách bắt giữ hôm 1/6. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/6, tổ chức này nói họ “quan ngại rằng ông Trương Huy San có thể bị nhắm tới vì những bài viết chỉ trích chính phủ Việt Nam.” Tổ chức có trụ sở ở New York chuyên cổ vũ cho tự do ngôn luận kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam minh bạch về việc bắt giữ ông Huy Đức.

“Không thể buộc tội Trương Huy San vì quyền tự do ngôn luận,” PEN America nói.

Còn ông Crispin của CPJ kêu gọi Việt Nam “phải ngừng đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các thành viên báo chí bị giam giữ oan trái.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao về những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền trên.

Theo RSF, từ năm 2016, Tổng bí thư Trọng đã đẩy mạnh đàn áp quyền được thông tin trong nước. Tổ chức có trụ sở ở Paris của Pháp cho rằng các nhà báo chỉ trích chế độ thường xuyên bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và có thể bị kết án lên tới 20 năm tù. Năm 2021, nhà báo nổi danh Phạm Đoan Trang, người đạt giải tự do báo chí của RSF, bị kết án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Việt Nam bị xem là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới, với ít nhất 19 người viết báo đang bị giam sau xong sắt tính đến ngày 1/12/2023, theo cuộc điều tra nhà tù toàn cầu hàng năm của CPJ. Quốc gia Đông Nam Á này bị xếp thứ 174/180 các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2024 của RSF.

(Bản tin được cập nhật với tuyên bố của Bộ Công an qua Tuổi Trẻ)

🔝

‘Vào cấp 3 trường công còn khó hơn vào đại học’

07/06/2024 Nguyễn Lại - VOA

VOA-11-02

Ảnh tư liệu _ Phụ huynh chờ rút thăm may mắn cho con vào một trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Washington DC — ‘Thi vào cấp 3 trường công hiện còn khó hơn xét tuyển vào đại học,’ theo các phụ huynh tại Hà Nội được VOA phỏng vấn. Họ e rằng nếu con em không thi được vào trường công thì tương lai của các cháu và cuộc sống của gia đình sẽ có rất nhiều thay đổi vì những khó khăn liên quan đến học phí cao tại hệ thống các trường tư. Vì thế, lúc này những phụ huynh có con đến tuổi thi vào cấp 3 đều ‘phấp phỏng, nơm nớp’ về kỳ thi tuyển sinh trong ít ngày tới.

Anh Nguyễn Thành Hưng, một công chức làm việc cho một cơ quan nhà nước tại quận Hoàn Kiếm, cho biết những ngày gần đây gia đình anh như ngồi trên đống lửa. Con gái anh đăng ký thi vào một trường điểm gần nhà để đi học thuận tiện nhưng do là trường điểm nên không có nhiều khả năng cháu có thể đỗ vào học tại đây.

“Lo lắm. Bây giờ như con tôi thi là tỉ lệ chọi mấy chục cháu mới có một cháu vào được cơ,” anh Hưng nói với VOA.

“Lương tôi thì chỉ đủ đóng tiền học cho cháu thôi, thậm chí là không đủ. Bởi vì thực sự lúc đấy có lựa chọn nào khác đâu. Riêng trong kỳ thi tới, theo tôi biết, sẽ có 10.000 học sinh vào lớp 10 là không có chỗ ở trường công. Tức là trường công không đáp ứng được, quá tải. Như vậy là buộc phải học trường tư đúng không? Trong khi trường tư thì cứ 10 – 11 triệu/tháng mà còn chưa chắc đã thi vào được. Nhà nước ít ra cũng phải cho người ta có quyền lựa chọn. Trường công ít nhất cũng phải đảm bảo đủ cho học sinh nó học đã chứ,” anh Hưng than thở và cho biết nếu con gái không đậu vào trường công thì là một ‘thảm hoạ’ đối với một gia đình công chức nghèo như gia đình anh.

Chị Nguyễn Thu Thủy, một phụ huynh ở quận Đống Đa, cho biết con trai chị năm nay đăng ký thi vào lớp 10 một trường công gần nhà nhưng không chắc vào được vì có ‘hàng nghìn hồ sơ đăng ký mà nhà trường thì chỉ có thể nhận vào khoảng hơn 500 học sinh mà thôi’.

“Bây giờ thi vào cấp 3 trường công khó hơn vào đại học nhiều. Đại học thì nhan nhản ra, nhưng cấp 3 thì mệt lắm. Nhà nào cũng nơm nớp về việc làm sao con vào được cấp 3”, chị Thuỷ chia sẻ.

Là một gia đình công nhân với thu nhập chưa tới 20 triệu đồng/tháng, chị Thủy đã lên phương án nếu con trai không thi vào được trường công.

“Không vào được trường công thì nó sẽ phải vừa học vừa đi làm. Vào trường vừa học vừa làm dự kiến thì khi học hết lớp 12 nó sẽ được đi làm cho doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, vì trong 3 năm học nó đã học tiếng của nước đấy rồi. Khi nó ra nó làm thì nó sẽ công việc ổn định, rất là ổn chứ không cần phải đại học nữa,” chị Thủy nói.

Chị cho biết nếu con trai không vào được cấp 3 công lập thì phải chấp nhận nối nghiệp bố mẹ làm công nhân chứ gia đình chị không đủ tài chính cho cháu học trường tư.

Những phụ huynh có con học giỏi xuất sắc thì đỡ lo hơn, như anh Đặng Thành Nam, một phụ huynh ởquận Hoàn Kiếm.

Anh Nam cho biết vợ anh là một giảng viên đại học và kèm cặp con trai từ nhỏ nên khả năng cậu bé đỗ vào hệ chuyên hóa của trường chuyên là khá cao. Anh nói nếu con anh vào được trường chuyên thì gia đình anh hoàn toàn yên tâm và thảnh thơi.

“Như cái trường thằng cu nhà tôi thi vào thì nó thuộc đại học quốc gia, nên học phí của nó chỉ có 2 triệu đồng/tháng thôi,” anh Nam cho VOA biết.

Những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả hơn thì cho hay con của họ học trường công hay trường tư cũng không thành vấn đề.

Anh Nguyễn Minh Hòa, một phụ huynh ở quận Ba Đình, là một trường hợp như vậy. Con gái anh đã nộp hồ sơ vào một trường THPT gần nhà, nhưng anh nói nếu con không đỗ thì anh sẵn sàng cho học trường tư.

“Trường tư thì không phải học thêm nữa, trong khi trường công thì vừa phải học thêm ở ngoài lại còn học thêm cả ở trường nữa. Mỗi buổi mấy trăm nghìn. Tuần học 4 – 5 buổi thì cũng khác gì trường tư đâu,” anh Hòa lý giải và cho biết thêm rằng để cho chắc ăn, anh cũng đã nộp hồ sơ vào 2 trường tư khác nhau.

“Xin vào trường tư cũng khó đấy. Chứ không phải mất tiền mà dễ vào đâu. Một số trường thì dễ nhưng những trường chuẩn và được người ta đánh giá tốt thì họ cũng lấy điểm cao như trường công luôn,” anh nói.

Thành phố Hà Nội công bố lịch thi vào cấp trung học phổ thông năm học 2024 -2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 08 và 09/6, với 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ.

Truyền thông trong nước dẫn báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết toàn thành phố trong kỳ thi năm nay có 135.000 em đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập trong khi chỉ tiêu nhận là 81.000 học sinh. Như vậy, 54.000 học sinh không vào được công lập sẽ phải học trường tư hoặc vào các trường giáo dục thường xuyên và các trường nghề.

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Phùng Thị Hồng Hà, được báo nhà nước dẫn lời cho biết nguyên nhân của tình trạng thiếu trường cho học sinh hiện nay là do tốc độ tăng dân số, nhiều khu nhà ở và khu đô thị mới được hình thành nhưng số trường học được xây dựng lại không theo kịp.

Tại khu vực nội thành Hà Nội, trong nhiều năm qua hầu như không có trường học mới nào được xây. Ủy ban Nhân dân thành phố dẫn ví dụ như quận Hai Bà Trưng, với hơn 303.000 dân, thì cần có từ 6-10 trường trung học phổ thông nhưng hiện chỉ có 3 trường. Quận Hoàn Kiếm, với gần 213.000 dân, cần có từ 4-7 trường nhưng hàng chục năm nay vẫn chỉ có 2 trường mà thôi.

Truyền thông trong nước trích lời Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Vũ Thu Hà, cho biết thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép xây dựng trường học theo tiêu chí diện tích sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất/học sinh. Vẫn theo kiến nghị này, các quận nội thành không còn quỹ đất để xây dựng đáp ứng số lượng học sinh tăng nhanh thì cho phép Hà Nội nâng tầng các khối nhà và xây tầng hầm tại các trường học.

🔝

Tạp chí Ấn Độ giới thiệu các trang web giúp đàn ông ngoại quốc ‘mua vợ’ Việt Nam

07/06/2024 - VOA

VOA-11-01

Tạp chí Outlook đăng bài về môi giới kết hôn với phụ nữ Việt Nam, 6/6/2024.

Tạp chí Outlook ở Ấn Độ đăng một bài dài hôm 6/6 giới thiệu các trang web được xem rất hiệu quả trong việc giúp những người đàn ông phương Tây hẹn hò qua mạng và kết hôn thành công với những người phụ nữ Việt Nam.

Bài viết của tạp chí có đoạn “Nếu bạn muốn mua một người vợ từ Việt Nam, bạn cần cân nhắc cẩn thận những ưu điểm, nhược điểm của việc đi đến hôn nhân với các cô gái bản địa”.

Dưới tiêu đề “Những cô dâu Việt Nam đặt mua qua mạng tốt nhất năm 2024”, tạp chí đã hoạt động 29 năm nay ở Ấn Độ liệt kê ra 5 trang web hàng đầu chứa thông tin về các cô gái, phụ nữ Việt Nam đăng quảng cáo về bản thân để tìm chồng ngoại.

Đó là SakuraDate, Orchid Romance, The Lucky Date, Eastern Honeys và Asian Melodies, kèm theo là đánh giá về các điểm tốt hay không tốt của từng trang.

Theo Outlook, những ai ở Việt Nam muốn tìm chồng ngoại thường có 3 điểm chung. Thứ nhất là muốn khám phá các tập quán văn hóa, lối sống khác. Tiếp đến là vấn đề mất cân bằng giới tính ở Việt Nam khiến nhiều chị em không tìm được chồng như ý. Cuối cùng là sở thích cá nhân, như có người đơn thuần chỉ thích có mối quan hệ yêu đương xuyên quốc gia, có người thì thích các cá tính hoặc đặc điểm thể chất của đàn ông phương Tây.

Tờ tạp chí của Ấn Độ nêu ra những điểm cộng của cô dâu Việt gồm coi chồng ngoại là trung tâm của vũ trụ, thường trẻ hơn chồng và giữ được vẻ bề ngoài trẻ trung trong nhiều năm, khi hẹn hò qua mạng thường mong kết hôn ngay và có độ chung thủy cao.

Ngược lại, có một số điểm trừ, đó là đàn ông ngoại quốc khó hiểu hết được một phụ nữ Việt thông qua hẹn hò trên mạng, tốn nhiều công sức để lo việc nhập cư cho người vợ Việt trong tương lai, hai bên có những khác biệt văn hóa mà cả hai đều cần phải điều chỉnh và không phải ai cũng có thể đi lại qua quãng đường dài nên cần nhanh chóng chuyển sang mối quan hệ hai người ở bên cạnh nhau.

Bài viết đưa ra con số tiền trung bình mà đàn ông ngoại cần chuẩn bị để kiếm được vợ Việt Nam là hơn 16.000 đô la, trong đó lớn nhất là đám cưới tốn từ 8.000-10.000 đô la, visa kết hôn 2.500 đô la, đi chơi quanh thành phố Hồ Chí Minh 1.300 đô la, đi nghỉ mát và ăn nhà hàng 1.100 đô la, vé máy bay cho vợ 700 đô la...

Theo quan sát của VOA, ngoài trang Outlook ra, khi tìm kiếm trên Google bằng cụm từ khóa “vietnamese mail order brides” (cô dâu Việt đặt mua qua mạng) đem lại kết quả là có rất nhiều trang web của nước ngoài cung cấp thông tin hoặc thảo luận về việc mai mối, hẹn hò giữa đàn ông ngoại với phụ nữ Việt Nam, một số trang thậm chí dùng cụm từ “mua vợ Việt”.

Báo chí Việt Nam từng dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết từ năm 2008 đến 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, và chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...

Con số chính thức của Việt Nam cho thấy GDP đầu người của đất nước hồi năm 2023 là gần 4.300 đô la, vẫn thấp hơn từ vài lần đến vài chục lần so với những nước là đích đến chính của nhiều cô dâu Việt.

🔝