logo-vuot
acrobat  📂  🏠   

VietTuSaiGon - 1

Phản Đề Thích Minh Tuệ

Thứ Bảy, 06/08/2024 - 20:36 — VietTuSaiGon

Cho đến thời điểm này, không còn cách nào khác, phải gọi Thầy Thích Minh Tuệ là một phản đề của chủ nghĩa Cộng sản. Và sở dĩ gọi ông là phản đề bởi chính vì điều này mà bằng cách này hay cách khác, ông bị “biến mất” ở Huế trong mấy ngày nay. Và cũng chính vì ông là một phản đề, nên hệ thống chính trị buộc phải quan tâm đến ông một cách “sâu sắc nhất” có thể. Vì sao gọi ông là một phản đề? Dựa trên cơ sở nào?

Ông là một phản đề đáng sợ nhất của mọi triều đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định như vậy. Bởi nói tới người Cộng sản là phải nói tới vật chất, vật dục, bởi triết thuyết của người Cộng sản dựa trên vật dục, mọi phát triển dựa trên cơ sở này.

Gần đây nhất, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, đại ý “Tự do, dân chủ là cái nhà để ở, áo quần để mặc, cơm, để ăn...”, chuyện ăn, mặc ở là tiền đề phát triển, là nền tảng và cũng là cứu cánh của người Cộng sản.

Dựa trên cơ sở lý luận này, mọi giá trị tinh thần đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong xã hội Cộng sản, nhà cầm quyền bằng cách này hay cách khác, đưa con người vào quĩ đạo của ăn - mặc - ở và con người luôn xoay vần, quây quần, cuống cuồng trong quĩ đạo ấy.

Các giá trị tinh thần như Tự Do, Dân Chủ, Văn Minh, Nhân Bản, Tiến Bộ... được lồng ghép trong quĩ đạo ăn - mặc - ở. Và người ta luôn dựa trên cơ sở phải có ăn mặc ở đầy đủ rồi hãy nói tới tiến bộ. Chính vì vậy mà cho dù nghèo rớt mùng tơi hay giàu nứt đố đổ vách thì các giá trị tinh thần vẫn cứ bị bỏ lơ trong xã hội Cộng sản.

Hơn nữa, một khi các giá trị tiến bộ bị khỏa lấp, bị dìm mất dấu thì cơ hội phát triển phe nhóm trục lợi, thủ đoạn, toa rập, đội trên đạp dưới và không trọng dụng hiền tài, chỉ cần dùng người biết trung thành, càng trung thành càng tốt, càng dốt, càng chịu bị sai vặt và biết nịnh bợ càng tốt... luôn phát triển và phát triển không ngừng trong xã hội Cộng sản.

Chính vì cái quĩ đạo ăn - mặc - ở đã đẩy xã hội đến chỗ chuồng trại, bất nhân, bất trí, bất nghĩa và người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau mà thăng tiến. Một xã hội không cần suy tư, không cần phản tỉnh, không cần tư lự và càng thủ đoạn thì càng thành công.

Và trong xã hội ấy, mọi sinh hoạt tinh thần đều được chỉ định, áp đặt, giả trá và trình diễn theo một yêu cầu, theo cái gật đầu và theo sự hài lòng của một bề trên nào đó, vừa xa lại vừa gần, người ta vừa lo sợ sau gáy có người theo dõi lại vừa nghĩ rằng cái ở sau gáy tít tận trên cao, nhưng nghe thấy tất cả.

Một xã hội được kiến tạo bởi miếng ăn, cái mặc và chỗ ở nhanh chóng đẩy toàn bộ hệ thống giá trị tinh thần qui về mối ấy, các hoạt động tinh thần, tâm linh đều được đánh tráo bằng vật dục và giá trị con người cũng được định bằng vật dục.

Chính vì vậy mà hầu hết các chùa, các sư, các ni đều rất đỏ, thậm chí các nhà thờ, các linh mục cũng nhuộm đỏ không ít, và người ta định giá đỉnh cao tinh thần bằng vật dục nốt. Vật dục càng cao thì giá trị càng lớn.

Người ta bàn về chùa này lớn, sư kia giàu, một buổi nói chuyện của giảng sư có thể thu về tiền tỉ, người ta bàn về chiếc xe của sư đi, đồng hồ của sư đeo, đệ tử nữ của sư là hot girl... Người ta bàn về các tôn giáo khác cũng vậy, nhà thờ lớn, chuông lớn, giáo đoàn giàu có... Mọi thứ đều xoay quanh giá trị vật chất.

Và, các giá trị tinh thần đều được xem là nhạy cảm, đều bị giới hạn trong chừng mực của các chỉ thị, không ai được nói quá lời, vì nói quá lời sẽ mất miếng ăn. Kỳ thực, cái mà người ta gọi là “nói quá lời” ấy vốn dĩ là lời bình thường, lời cần phải nói của một giảng sư chân chính, của một người tu chân chính. Nhưng người ta lựa chọn ngậm miệng ăn xôi.

Và chuyện giá trị tâm linh bị đánh tráo, đến giờ phút này đã thành căn bệnh xã hội, nó vô hình trung trở thành lá chắn vững vàng cho chủ nghĩa vật dục, cho triết lý lấy vật chất làm trung tâm và nó củng cố thêm niềm tin về vấn đề “vật chất quyết định ý thức”.

Hay nói cách khác, tất cả những lộn xộn và lợn cợn ở các chùa chiềng, các tôn giáo góp phần bảo vệ mọi lộn xộn, mọi ung nhọt tham nhũng, tư lợi, bòn rút công sản... đang diễn ra nhan nhản mỗi ngày.

Con người trong xã hội vật dục không cần phản tỉnh, bởi phản tỉnh trên cơ sở nào? Bởi ngay cả những bậc dẫn dắt tâm linh cũng mặc nhiên thừa nhận giá trị vật chất, thì cứ như vậy mà đi, cứ như vậy mà cuống cuồng, cứ như vậy mà ngoi lên để sống... Đó là khuynh hướng của xã hội.

Mọi thứ có liên quan đến vật chất trở thành hệ hình phát triển xã hội và là định hướng chung của xã hội Cộng sản. Điều này khiến cho xã hội đông cứng các hoạt động tinh thần, các giá trị tinh thần bị tê liệt và chết dần chết mòn theo thời gian. Bởi người ta luôn thấy trước mắt rằng nếu không có vật chất, người ta sẽ chết, sẽ bị đạp xuống đáy.

Thế rồi hình ảnh một vị sư đi chân đất, đầu đội trời, khoác chiếc y phấn tảo được vá víu từ những mảnh vải vụn nhặt được bên đường, tay ôm chiếc lõi nồi cơm điện, ăn mỗi ngày một bữa, bừa nào xin hết buổi sáng mà không ai cho thì trưa nhịn đói, tối đến nghĩa địa ngồi thiền, rồi ngủ ngồi.

Một con người bình thường sẽ không bao giờ làm được việc ấy một cách cô độc chỉ trong vòng một tuần lễ. Ở đây, Sư đã hành tu suốt sáu năm ròng như vậy. Và, sư vốn dĩ xuất thân là một con người bình thường như bao con người khác, nhưng Sư có chí nguyện và quyết tâm. Giá trị tinh thần vụt sáng.

Hình ảnh của Sư Thích Minh Tuệ như một cú sấm rền đánh thẳng vào lương tri nhân loại, đánh thẳng vào suy tư con người và đánh thẳng vào lý tưởng, các giá trị tinh thần vốn dĩ đã ngủ quên hoặc lạc đường rất lâu trong mỗi người.

Một người hâm mộ, kính ngưỡng, vài người hâm mộ, kính ngưỡng, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, và hàng triệu người ngưỡng mộ, tín thành, yêu kính một vị Sư chân đất, không có tài sản gì ngoài Bi - Trí - Dũng.

Một khi Bi - Trí - Dũng được đánh thức trong mỗi người, thì giá trị vật dục sẽ bị đẩy lùi vào đúng vị trí của nó, nó không còn là một hệ thống tiên phong dẫn đường cho tinh thần con người nữa.

Và một khi vật chất không còn là nhà lãnh đạo tinh thần thì mọi hệ thống liên đới, mọi tổ chức, đảng phái và chính thể vận dụng triết thuyết của nó cũng sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi một cách tự nhiên.

Một khi triết thuyết bị khủng hoảng, các giá trị được xét lại và con người có đường hướng, lý tưởng riêng để theo đuổi, để so sánh một cách “bất bạo động” thì e rằng đây là lúc mà chủ nghĩa coi trọng vật chất đang đối mặt với chuyện sống còn.

Một con người không có tài sản, tu hạnh đầu đà, chẳng màng gì đến lợi danh nhưng lại vô tình rơi vào thái cực đối trọng, phản đề của một hệ thống chính trị, một hệ thống tư tưởng. Thì liệu cái hệ thống ấy có để yên cho con người ấy tiếp tục tu hành, tiếp tục hạnh nguyện không?

Câu trả lời đã quá rõ ràng. Nên cũng đừng ngạc nhiên nếu Sư Thích Minh Tuệ bỗng đứt gánh giữa đàng và tiếp theo sau sự vắng bóng của Sư là một trào lưu, một hệ phái (giống như hệ phái Khất sĩ của Ngài Minh Đăng Quang chẳng hạn!) ra đời, sau đó trở thành một chi nhánh của giáo hội nhà nước và cuối cùng là những câu chuyện vật dục quanh quẩn, cồn cào nơi hệ phái ấy! Bởi Thích Minh Tuệ, đến lúc này là một phản đề của chủ nghĩa Cộng sản. Vậy thôi!

🔝

Nốt lặng trong giáo dục

Thứ Ba, 05/28/2024 - 20:52 — VietTuSaiGon

Câu chuyện về một em bé bị nhìn thèm, ngồi nhìn các bạn và thầy cô ăn tiệc liên hoan cuối năm, em ngồi nhìn như vậy cho đến khi tan buổi liên hoan và ra về ở trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trong dịp kết thúc niên khóa 2023 - 2024 vừa qua khiến cộng đồng mạng sôi sục. Ở một góc khác, có thể xem đây là nốt lặng trong giáo dục, một nốt nhạc khiến cho mọi thứ như đứng im, hóa đá và theo sau đó là một chuỗi bàng hoàng. Nỗi bàng hoàng của nốt lặng này nằm ở chỗ trách nhiệm làm cha, làm mẹ, trách nhiệm làm thầy cô, làm ban đại diện phụ huynh và trên hết là trách nhiệm làm người của những người lớn có liên quan.

Theo báo Dân Trí, lớp học có 32 học sinh nhưng ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm chỉ mua 31 suất gà rán và để cho một em bé ngồi nhìn các bạn ăn vì gia đình không đóng tiền khẩu phần ăn cho em bé ấy. Vậy là cộng đồng mạng sôi sục và ném đá về phía các đại diện cha mẹ học sinh cũng như giáo viên chủ nhiệm.

Về phần ban đại diện cha mẹ học sinh (trước đây gọi là ban đại diện phụ huynh học sinh) và giáo viên chủ nhiệm, họ cũng phản hồi thông tin, nêu ra sự thật là trước đó, tức năm học 2022 - 2023, cùng chính em bé này và người mẹ này đã làm họ uất ức. Nghĩa là người mẹ cũng không đóng tiền liên hoan cho con, tuyên bố rằng có tiền nhưng không đóng khoản vô lý ấy. Sau đó, buổi tiệc liên hoan vẫn diễn ra, cả lớp đều có phần ăn, em bé ấy cũng có phần ăn. Xong buổi liên hoan, người mẹ lên mạng xã hội buông lời quở trách, thậm chí sỉ vả ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm với nội dung thức ăn tệ hại, không xứng đáng để con cô ăn.

Theo ban đại diện cha mẹ học sinh, vậy là rút kinh nghiệm năm trước, năm nay quyết định không mua suất thứ 32 cho bé, không mua gà rán cho bé nhưng vẫn để bé cùng ăn bánh kẹo với các bạn. Sự vụ tưởng dừng ở đó, ai dè mạng xã hội, rồi báo Dân Trí đưa tin, sau đó là cuộc ném đá của bạn đọc vì bức xúc. Chuyện trở nên trầm trọng, người ta đặt câu hỏi về nhân cảm, nhân tính của giáo viên chủ nhiệm cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh. Và đương nhiên, người ta không quên đặt câu hỏi về trách nhiệm làm mẹ của người mẹ.

Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về quá trình lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam, một ngành giáo dục vừa có tính cách mạng nhưng cũng vừa có tính lạc hậu thuộc vào hàng bậc nhất thế giới này.

Tính cách mạng của Giáo dục Việt Nam (cả hai phía) với miền Nam - Việt Nam Cộng Hòa dựa trên nền tảng triết lý: Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng. Miền Bắc - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với chủ trương nam nữ bình đẳng trong học tập. Tức có một bước cách mạng trong giáo dục miền Bắc, đó là phụ nữ được đi học, đây là điểm khác biệt giữa giáo dục miền Bắc với giáo dục thời phong kiến.

Tuy nhiên, cái ách giáo dục xã hội chủ nghĩa cùng với biến thiên lịch sử, từ thời Cải Cách Ruộng Đất cho đến thời Kinh Tế Hợp Tác Xã, Tập Trung Bao Cấp, rồi đến nay là Kinh Tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, dường như nền giáo dục chịu quá nhiều cái ách và vết thương trên gáy của nó chưa kịp chai sần thì mưng mủ.

Nói về một bữa ăn hụt trong buổi liên hoan của một em bé tiểu học, tại sao tôi phải lôi cả chuỗi dài lịch sử giáo dục ra và điều này có khiên cưỡng quá không? Tôi nghĩ là không, bởi giáo dục đi ra từ tâm thức và tâm thức đi ra từ giáo dục. Ở một nền giáo dục có bước chuyển từ chỗ đấu tố, anh em, chạ mẹ, con cái sẵn sàng đấu tố, lật tội, thậm chí vu khống nhau vì tiếng vỗ tay của “bề trên” không rõ ràng nào đó, rồi đến lúc người ta ngồi phanh phui từng lát thịt mỡ để cạnh tranh, hơn thua, thậm chí từng lạng ngô, từng lát khoai, lát sắn khô, thậm chí từng mm vải quần cũng bị soi vì chuyện hơn thua... Một nền giáo dục trải qua hai giai đoạn tâm thức chỉ làm cho con người trở nên hơn thua, tranh nhau, kèn cựa nhau khốc liệt vì miếng ăn.

Mãi cho đến khi nền kinh tế thị trường mở cửa, thì toàn bộ nếp nghĩ, toàn bộ các nếp nhăn trên vỏ não ấy được lưu cửu, di truyền sang thế hệ khác, một thế hệ thoải mái hơn về vật chất. Nhưng, có một cuộc cạnh tranh, kèn cựa khác còn khốc liệt hơn, nó hiện hữu nhân danh vật chất. Mọi giá trị của con người được qui đổi về vật chất, người ta định dạng giá trị của con người dựa trên căn nhà anh/chị ta đang ở, chiếc xe anh/chị ta đang đi, chiếc điện thoại di động cùng giày dép, áo quần hàng hiệu mà anh/chị ta đang mặc, thậm chí cách vung tiền của anh/chị ta. Tất cả những chỉ dấu trên đều cho thấy giá trị con người được qui vào vật chất.

Và nó “hữu lý” đến độ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên “Có bao giờ được như hôm nay!”. Và, trong nền giáo dục trọng vật chất, lấy vật chất làm nền tảng này, quyền lực được định nghĩa theo “phản vật chất”, tức là trong lúc người khác phải se sua, bợ đỡ, xu nịnh để con cái được yên ổn học hành, thì ta không tốn xu nào, không cần se sua, bợ đỡ mà con ta vẫn được ưu tiên.

Thứ mặc cảm quyền lực ấy đầy rẫy trong các bậc cha mẹ có con đến lớp. Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh dở khóc dở cười khi cha mẹ học sinh lôi cái thông tư 55 của Bộ Giáo dục về việc thu phí hay không thu phí hội cha mẹ học sinh, quĩ lớp... và tuyên bố không đóng các quĩ ấy vào đầu năm học, thế nhưng đến cuối năm học, chính cái người không đóng quĩ lớp lại là người to tiếng nhất trong việc phanh phui, yêu cầu ban đại diện phải nói rõ số tiền đã tiêu vào mục gì, tại sao lạm dụng chi, tại sao không có hóa đơn đỏ khi mua... Trong khi đó, nếu mua một cuốn tập hay một lẵng hoa đặt trên bàn mà ghi hóa đơn đỏ thì quá vô ích, bởi hóa đơn đỏ phải cõng thêm thuế giá trị gia tăng.

Đương nhiên cũng không ít trường hợp ngược lại, tức ban đại diện cha mẹ học sinh lại yêu cầu một phụ huynh nào đó “cá biệt” vì nghèo nên đưa con ra khỏi lớp học, chuyển con sang lớp khác vì đây là lớp của “những đại gia, những người chịu chơi... không chấp nhận người nghèo!”.

Mọi thứ màu sắc phản giáo dục đều có, diễn ra khắp mọi nơi. Bởi ngay cả nhà giáo, lãnh đạo của nhà giáo như Hiệu Trưởng, Hiệu Phó - kẻ có chữ nghĩa mà còn ăn không từ thứ gì, kể cả mấy lát thịt trong bữa cơm của học sinh nghèo miền núi, thì sá gì những người ít chữ, ít nhận thức hơn!

Và chuyện người mẹ cương quyết không nộp tiền suất ăn cho con mình từ năm ngoái nhưng vẫn để con đến lớp ăn uống cùng bạn bè, rồi sau đó lên mạng xã hội sỉ vả ban đại diện cha mẹ học sinh, năm sau lại tiếp tục bổn cũ, là một chuyện hết sức đau lòng khi bàn về tính thể cũng như tri đức của người làm cha, làm mẹ. Một người dám đánh đổi niềm vui của con trẻ, đánh đổi cả sự tổn thương của con trẻ chỉ vì tin và dám thách thức một tập thể nào đó, vì tin vào sự khuếch đại của mạng xã hội, chứng tỏ người đó đã bị tổn thương và mặc cảm quyền lực quá nặng nề, điều đó khiến người ta quên cả sứ mạng làm mẹ.

Ngược lại, ban đại diện cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm, không chó bé ăn gà rán vì kinh nghiệm năm cũ, nhưng vẫn chó bé ăn bánh ngọt, bánh bông lan (theo giải thích của giáo viên chủ nhiệm và ban phụ huynh) thì chưa chắc đã đúng, chưa chắc đã không có lỗi.

Về tính sòng phẵng và kinh nghiệm xã hội của con người, giữa con người với con người thì giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện hoàn toàn hợp lý, không có lỗi. Nhưng, về mặt nhân bản, nhân vị và nhân cảm, thì việc không cho bé ăn gà rán diễn ra từ hai ý thức: Vì không nộp tiền thì không có phần; Vì chê gà này nọ thì đừng cho ăn, nhỡ có ảnh hưởng gì về thực phẩm thì nguy to...

Nhưng, nếu vì không nộp tiền mà không cho bé ăn, thì nếp suy nghĩ quá nhỏ, chưa phải là nếp nghĩ của người thầy cũng như nếp nghĩ của những vị đại diện cha mẹ học sinh. Một lối nghĩ còn chưa thoát khỏi thời phân chia lát thịt trên đầu người, và nói một cách nghiêm túc là kém tính người.

Ngược lại, nếu nghĩ rằng vì sợ mẹ đứa bé sẽ lên gân thậm chí ăn vạ vì ăn gà rán, e rằng nếp nghĩ này cũng chưa thoát được kiểu tư duy chụp mũ xã hội chủ nghĩa, mà chính xác hơn, đó là thứ tư duy chụp mũ hiện hành. Một kiểu nói lấy được, bởi người ta phải tin tưởng rằng gà an toàn mới dám cho 31 bé còn lại ăn chứ?! Sợ điều tiếng chỉ là cách đổ thừa, dựa trên tư duy chụp mũ.

Suy cho cùng, người thiệt thòi nhiều nhất là đứa bé. Một đứa bé mới học tiểu học, đã phải chịu đựng quá nhiều trí trá từ người thân và nhà trường như vậy, thì sẽ phát triển tâm hồn, nhân cách ra sao? Và tương lai của bé sẽ về đâu?! Và câu chuyện về một suất ăn của một em bé học sinh cứ như một nốt lặng giữa vô vàn nốt lặng của ngành giáo dục xứ này!

🔝

Võ sĩ Lâm đã thăng hạng, tiếp theo sẽ là gì?

Thứ Tư, 05/22/2024 - 07:16 — VietTuSaiGon

Trước đây tôi có viết một bài về sàn đấu giải tranh đai Chủ tịch nước và dự đoán võ sĩ Tô Lâm sẽ loại bỏ võ sĩ Vương Đình Huệ bằng knock out kĩ thuật như đã từng loại bỏ võ sĩ Võ Văn Thưởng. Và việc gì đến cũng đã đến, Tô Lâm chính thức nắm đai vô địch - bước lên ghế Chủ tịch nước. Thế nhưng, luật chơi đã dừng hay chưa và võ sĩ Tô Lâm có được ngồi yên với đai vô địch của mình chưa? Đó là câu hỏi rất quan trọng, bởi suy cho cùng, mọi cuộc đấu đá chính trị đều dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế quốc gia, nếu tìm được một quãng thời gian hòa hợp nhất định để vãn hồi trật tự chính trị và kinh tế là điều vô cùng quan trọng cho đất nước.

Qua quan sát, có thể thấy rằng tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa, nếu không nói là mọi nguy cơ vẫn đang rình rập các võ sĩ. Bởi trước khi nắm đai vô địch, võ sĩ Lâm đã đánh sát ván và không nễ mặt bề trên, cụ thể là võ sư Nguyễn Phú Trọng.

Mặc dù võ sư Trọng bây giờ chân yếu, tay run, mắt mờ và chẳng đánh đấm được gì nữa. Nhưng sự hiện hữu của ông lại khiến cho võ đài trở nên có uy tín, có bảo chứng và quan trọng hơn hết là có đối lập. Tức các phe phái có cái cớ để luân chuyển từ võ đường này sang võ đường khác để thi đấu, để tìm cơ hội tốt nhất cho bản thân.

Và cũng qua các trận đấu đầy máu lửa và sát thương giữa các võ sĩ, mới thấy rằng trong luật chơi của họ, chẳng có võ sĩ nào trung thành với võ đường, võ phái nào, thứ mà họ trung thành chính là Danh Lợi, võ đường, võ phái nào có cơ may mang đến danh lợi cho họ thì họ sẽ đầu quân và sẵn sàng thách đấu, tấn công vào võ đường cũ của mình.

Nói chính xác là một sàn đấu có phần lộn xộn, bất tín và tham vọng quá cao, độ sát thương quá cao mặc dù những băng rôn, biểu ngữ của võ đài luôn mang tính nhân bản, nhân văn, đấu vì tinh thần thượng võ, đấu vì tinh thần võ sĩ đạo, đấu vì chính nghĩa, đấu vì danh dự của võ sĩ... Kỳ thực, đó là những gì người ta treo và múa miệng với nhau trước khi lao vào đấm vỡ quai hàm, đấm toạc mồm nhau và knock out nhau một cách nặng nề nhất có thể.

Lần này, võ sĩ Lâm bước lên bục nhận đai vô địch với gương mặt điềm tỉnh và đượm buồn. Đượm buồn bởi ông vừa rời võ đường vốn là bệ phóng của mình - Bộ Công an. Nếu như trước khi nắm đai vô địch, mọi võ sĩ có thể thay đổi võ đường, thay đổi võ phái xoành xoạch, không ngoại trừ Tô Lâm, thì khi nắm đai vô địch xong rồi, việc anh bắt buộc phải rời võ đường là một sự cô đơn, thậm chí là một sự nguy hiểm.

Điều này làm nhớ tới võ sĩ Trần Đại Quang trước đây, sau khi nắm đai vô địch, làm Chủ tịch nước, mỗi trưa, ông vẫn ghé về Bộ Công an, vẫn ngồi vào ghế Bộ trưởng để làm việc, còn Bộ trưởng Lâm mới chấp chính, nhận chức Bộ trưởng lúc ấy nhìn nhỏ nhoi, lép vế hơn Trần Đại Quang bội phần.

Thế nhưng khi đã chính thức bị bứt khỏi võ đường, võ sĩ Trần Đại Quang nhanh chóng rơi vào cô lập, và các trận thách đấu tuy không xảy ra nhưng những màn đấu đá theo luật chơi giang hồ lại nhắm vào võ sĩ Quang. Kết cục, võ sĩ Quang rời khu vực thi đấu bằng một cách thế chẳng giống ai.

Giờ đến võ sĩ Lâm, nắm đai Chủ tịch nước nhưng người ta lại đoạt mất quyền trượng Bộ trưởng Công an. Nếu xét về mặt quyền lực cũng như thực lực và cơ hội, thì phải nắm quyền trượng Bộ trưởng công an trong tay mới có thể hô mưa gọi gió được, nếu mất quyền trượng, ngồi vào ghế Chủ tịch nước không thôi thì xem như đã bị phế võ công.

Vì võ công và quyền lực của Chủ tịch nước rất hạn chế, Thủ tướng còn nắm được các bộ trong tay, Chủ tịch Quốc Hội còn nắm được lực lượng thứ ba tức dân biểu, các nhà “lập pháp” trong tay, Tổng Bí thư vừa nắm thóp tất cả các thành viên trong trung ương đảng, và có thực lực ở những cơ quan bên dưới như Bộ Quốc Phòng, Tổng Bí thư vẫn nắm quyền tối cao, quyền sinh sát trong Bộ Quốc Phòng, và ngay cả Bộ Công an, Tổng Bí thư vẫn đứng ở vị trí rất cao. Ngược lại, Chủ tịch nước không đứng tối cao trong các Bộ quan trọng, đặc biệt hai bộ vừa nói.

Chính vì vậy mà trong các trận đấu đá vừa qua, vị trí Thủ tướng vẫn được vững, vị trí Tổng Bí thư chẳng hề hấn, chỉ có Chủ tịch nước là thay đổi xoành xoạch, hạ bệ xoành xoạch. Đặt giả định nếu như Vương Đình Huệ không phải đối thủ nặng ký của Tô Lâm thì có lẽ, Chủ tịch Quốc Hội cũng chẳng hề hấn gì, chẳng bị knock out thê thảm như đã thấy.

Còn bây giờ, Tô Lâm đã đạt được đai vô địch, nắm đai Chủ tịch nước, thế nhưng quyền trượng Bộ trưởng Công an bị lấy tức thì, không để ông có cơ hội hô mưa gọi gió nữa, thì cái ghế Chủ tịch nước chẳng khác nào cái ghế thư ký võ đài hoặc chủ tịch danh dự của giải đấu.

Phải chăng đây là kế điệu hổ ly sơn của ai đó? Bởi một khi để võ sĩ Lâm tiếp tục nắm quyền trượng võ phái Bộ Công an thì chắc chắn rằng, võ sĩ này còn tiếp tục gầy trận và thách đấu với mọi võ sĩ, võ sư, cái lý của võ sĩ này là chỉ có những võ sĩ, võ sư xứng đáng mới ngồi vào ghế chủ tọa, đương nhiên, trận đấu như vậy sẽ gây kịch tính và tiếng vỗ tay không ngớt, nhưng nguy hiểm cho các võ sư lắm thay!

Thôi, thì có cách nào hay hơn là lấy đi quyền trượng Chưởng môn, cắt đứt mọi quyền thách đấu cũng như dẫn dắt võ sĩ thi đấu, cho vào ghế chủ tịch danh dự của võ đài và ngồi đó mà uống nước trà, ngồi đó mà buồn, vì quyền lợi từ vật chất đến tinh thần của cái ghế danh dự kia chẳng bao giờ sánh nổi với cái quyền trượng Chưởng môn đầy thực lực, giúp ta hô mưa gọi gió vậy! Điều này chẳng khác nào cho rồng lên cạn, cho hổ xuống đồng bằng.

Và, quyền trượng Bộ trưởng Công an được giao cho Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, một người mà theo quan sát, không nằm trong võ đường, võ phái Bộ Công an thời Tô Lâm còn nắm quyền trượng. Theo nhận xét của các nhà quan sát, có vẻ như võ sĩ Tô Lâm chính thức bị cắt cánh, chặt hết mọi quyền lực?!

Nhưng, kỳ thực, kẻ nắm quyền trượng (tạm thời) mới có đủ nội lực để chấp chính Chưởng môn võ phái Bộ Công an hay không lại là chuyện khác. Và, liệu cựu Chưởng Môn Tô Lâm có nhìn thấy vấn đề này ngay từ đầu, ông đã chuẩn bị lực lượng phản vệ ngay trong võ phái của mình, phòng khi kẻ khác nắm quyền trượng hay chưa?

Đây là những câu hỏi bỏ ngỏ, và đương nhiên, với việc thiết lập một hệ thống đủ mạnh để có thể xô dạt mọi đối thủ, võ sĩ Tô Lâm đã nghiễm nhiên đứng vị trí trụ đồng của võ đài, việc ông bị đẩy lên ghế Chủ tịch danh dự ngồi chơi xơi nước có làm ông suy suyễn sức mạnh hay không lại còn tùy thuộc vào sự trung thành cũng như giá trị lợi dụng của ông trong các đồng nghiệp thuộc cấp. Đây là bài toán có phương trình vô nghiệm, rất khó để tìm ra một nghiệm cụ thể.

Nên, chuyện Tô Lâm bị điệu hổ ly sơn hay là Tô Lâm như hổ mọc thêm cánh vẫn còn là một ẩn số, và võ đài sắp tới sẽ còn nhiều trận đấu gay cấn, li kì, võ đài đẫm máu chỉ mới bắt đầu!

Và cơ hội để võ sĩ Lâm bước tiếp một bước, thách đấu với võ sư Nguyễn Phú Trọng, tạo ra trận đấu một mất một còn để nắm quyền tổ chức võ đài, nắm luôn quyền trượng Tổng Bí thư không phải là không có. Vấn đề thời gian và bí mật quyền lực của mỗi võ sĩ được tính toán, bảo đảm như thế nào mới là điều đáng nói!

🔝

Hiện tượng Thích Minh Tuệ nhìn từ góc độ xã hội học

Thứ Năm, 05/16/2024 - 04:00 — VietTuSaiGon

Hơn tuần này, dường như hình ảnh tu sĩ Thích Minh Tuệ (người được cho rằng đang tu theo Hạnh Đầu Đà trong Phật Giáo nguyên thủy) chiếm hầu như mọi trang mạng xã hội. Và làn sóng hưởng ứng, tôn sùng cách tu của Thích Minh Tuệ nhanh chóng trở thành những đám đông, đặc biệt đám đông ở Nghệ An lên đến hơn năm ngàn người. Điều này vô hình trung gợi nhớ đến các đám đông theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ... Và các đám đông này cho thấy điều gì?

Trước nhất, hãy nhắc về các đám đông hàng ngàn người theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang... Họ là ai?

Xin thưa, họ là những Phật Tử và họ đã bị các trang mạng xã hội ném đá, phàn nàn, thậm chí nói nặng lời vì họ “mê tín, ngu muội, vô minh...”. Kỳ thực, có đến nỗi phải nói họ như vậy không?

Cũng giống như đám đông đi theo sư Thích Minh Tuệ hiện tại, có người quỳ khóc nức nở, có người xuống tóc đòi theo thầy Minh Tuệ... đủ các sắc thái nhuốm màu thần tượng. Như vậy, có nên kết luận họ vô minh hay không?

Tôi nghĩ là không, bởi quần chúng, nhân dân mãi là những đám đông, điều này luôn tồn tại và nó chỉ chấm dứt khi nhân dân không cần bất kì trật tự chính trị, trật tự hành chính nào. Bất kì quốc gia nào, hễ có quần chúng ắt có đám đông. Mà đám đông ấy chắc chắn có cả những trí thức, họ có lý lẽ của họ, rất khó lạm bàn, bởi ngoài cái Lý còn có cả cái Lẽ.

Cái Lý ở đây là sự hiểu biết về kinh Phật, kiến thức Phật Học và các triết lý của Đức Phật được ứng dụng phù hợp với đời sống. Nhưng cái Lẽ ở đây chính là cơ địa và thân phận con người, thân phận xã hội của từng người riêng lẻ cùng với hệ hình ứng xử của họ.

Cái Lý, có vẻ như là cái Lý chung, không cần bàn thêm, bởi kinh sách, mọi triết lý của Đức Phật đều xoay quay trục Nhân - Quả và muốn cho các đệ tử của Ngài thấy lý Nhân - Quả để hành động. Trong việc hành động theo lý Nhân - Quả sẽ có rất nhiều mô phạm đạo đức tương ứng và tốt đẹp... có lẽ không cần bàn thêm.

Nhưng cái Lẽ, nhất là cái Lẽ của người Việt, một dân tộc mang thân phận nhược tiểu, dễ khóc, dễ than vãn, dễ nỗi nóng, dễ điên loạn và bốc đồng, dễ bạo động... Tính cách chung của một dân tộc trải qua quá nhiều chiến tranh, đói khổ và mất mát.

Và những đám đông cuồng tín, cuồng thần tượng, cuồng nộ... là biểu hiện của một dân tộc giàu tiền bạc trong sinh quyển thực dụng, trong cơ chế chính trị và tôn giáo không có tự do, kìm kẹp, thiếu dưỡng chất tiến bộ.

Không riêng gì tu sĩ Thích Minh Tuệ mới tạo ra được hiệu ứng đám đông hàng ngàn người, mà trước đây (thiết nghĩ sau này vẫn sẽ vậy) những đám đông hàng ngàn, hàng vạn người chạy ra đường, thậm chí múa may quay cuồng và khỏa thân, hò hét sau một trận cầu, gây ra ách tắc giao thông, tai nạn xe cộ và xả rác khắp mọi nơi. Rồi những đám đông đi đón giao thừa, những đám đông kéo ra biển nhân ngày lễ, những đám đông kéo lên Yên Tử, Ba Vàng, điện Cậu ở Tây Hồ... nhiều vô kể. Không có nơi nào có thể nhanh tập hợp các đám đông như Việt Nam.

Do đâu? Đây lại là một phạm trù về tâm lý học và phân tâm học, một dân tộc bị tổn thương và mặc cảm trong tâm lý lúc nào cũng được quyền Ca Ngợi và Tự Hào nhưng không được phép Ta Thán và Phản Biện, kẻ nào biết tự hào, biết ca ngợi thì tồn tại, phát triển và gặp suông sẻ, kẻ nào Ta Thán, Phản Biện thì gặp những điều không may, xui rủi, thậm chí tai vạ.

Bằng chứng của việc này là tất cả những cá nhân và tập thể phản biện trong xã hội đều gặp những điều bất lợi, bất trắc và nguy hiểm. Ngược lại, tất cả những kẻ a dua, biết nịnh, biết ngợi ca và tự hào đều trở nên đỏ da thắm thịt, vinh thân phì gia.

Với một xã hội tổn thương nặng nề như vậy, người thấp cổ bé miệng hoặc là bị vùi dập, hoặc là cắn răng cắn cỏ mà nỗ lực vượt thoát bằng cách lạn lách, nịnh bợ, bất chấp, thủ đoạn (nếu có được!)... thì chắc chắn một điều, trong sâu thẳm nội tâm của cả kẻ thắng và người thua đều mang nặng vết thương.

Vết thương này mưng đau và biến thành tiếng gào chung trong một sắc thái khác, đã được bao bọc dưới lớp vỏ tự hào hoặc trào lộng mỗi khi có cơ hội. Những đám đông như một chỉ dấu cho các mặc cảm và tổn thương xã hội. Hay nói khác đi, con người luôn cố tìm kiếm một điều gì đó đủ để khóc, cười, gáo thét, quên mình, xả bỏ bản thân trong chốc lát và chấp nhận đánh đổi vì nó. Trạng thái chấp nhận đánh đổi có thể đến từ ý thức hoặc vô thức.

Xã hội luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng, tổn thương và mặc cảm. Đương nhiên, bóng mát tôn giáo sẽ là chỗ để xoa dịu hữu hiệu cho xã hội. Nhưng, các tôn giáo “chính thống” tại Việt Nam lại là cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. Họ là một thứ cơ quan ngôn luận khác nhằm tuyên truyền với nhân dân về tính ưu việt của đảng cầm quyền. Chính vì chức năng đặc trưng của tôn giáo tại Việt Nam mà hầu hết, các cơ sở tôn giáo chính thống đều thực hiện hai nhiệm vụ gồm nhiệm vụ tuyên truyền và nhiệm vụ thâu tóm tài chính. Tuyên truyền là nhiệm vụ bắt buộc, những ngôi sao tuyên truyền trong tôn giáo như Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ... cho đến thời điểm này đã hoàn toàn rõ chân tướng và họ không ngần ngại phơi bày con người thật của họ bởi họ đã thực hiện xong trách vụ và sứ mệnh của các nhà tu chính thống dưới lá cờ Đảng.

Điều này vô hình trung đẩy tổn thương của con người lên cao một bậc, tức từ chỗ tổn thương, mặc cảm và cam chịu, họ chuyển sang mê tín, dị đoan, không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái bởi “bậc khai thị” đã nói với họ như vậy... như vậy...!

Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong họ vẫn còn một thứ ánh sáng của từ tâm và giác linh, tánh giác, nó bị lấn át chứ không mất đi hẳn, nó sẽ trỗi dậy khi cần thiết, dưới hình thái cộng hưởng của đám đông. Nó có thể bị đánh trao bởi đám đông fan cuồng, đám đông lễ hội, tranh đoạt, chụp giật lộc lá, hoặc đám đông cuồng thần tượng...

Những đám động kéo theo thầy Thích Minh Tuệ trong hai tuần vừa qua là những đám đông Phản-Tỉnh-Tổn-Thương. Họ là những người luôn thao thức, tìm kiếm hình ảnh vị chân tu, với niềm tin tôn giáo nguyên sơ, họ cũng có thể là những đám đông cầu lộc và tin rằng bậc chân tu sẽ gieo duyên thực sự, không phải thứ duyên ba xàm của các sư đội lốt, họ cũng có thể là người không có tôn giáo, thậm chí cán bộ nhà nước, vì yêu mến hình ảnh đẹp... Tất cả họ đều khủng hoảng về hình ảnh Chân - Thiện - Mỹ và bất kì hình ảnh nào mang dấu hiệu của chân thiện mỹ sẽ nhanh chóng cuốn hút họ.

Thiên hình vạn trạng kiểu đám đông, nhưng, đám đông luôn bị dẫn dắt bởi truyền thông, sư Thích Minh Tuệ đã thực hành tu theo Hạnh Đầu Đà hơn sáu năm, đi khắp đất nước đã nhiều vòng, và cũng chẳng mấy người để ý tới sư, không phải do họ không thấy mà cái sự thấy của họ không được “khai thị” bởi truyền thông.

Ngay lúc này, tình hình chính trị rối ren, xã hội bất ổn về kinh tế, truyền thông, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phổ biến rộng rãi hình ảnh một nhà tu không có gì cả nhưng được xem như giàu vô biên, ăn một ngày một bữa “cư trần lạc đạo” và luôn mang đến cho người khác cảm giác “thấy đủ là đủ”...

Đương nhiên tôi không dám khẳng định bất kì điều gì về vị tu sĩ đáng kính Thích Minh Tuệ, nhưng tôi cũng không thể nói rằng những đám đông vây quanh thầy Thích Minh Tuệ không phải là sản phẩm nhào nặn từ một bàn tay có chủ ý thông qua truyền thông, trong lúc này...!

Nhưng dù sao, con người vẫn còn cầu Chân - Thiện - Mỹ là vẫn còn hi vọng, không đến nỗi quá tối tăm!

🔝

Hưng đá giò lái chưa đúng lúc

Thứ Tư, 05/08/2024 - 11:34 — VietTuSaiGon

Cho đến lúc này, tôi quan sát thấy chưa có ca sĩ nào lại dùng võ, đặc biệt dùng đòn nghịch lân (còn gọi là đá giò lái) giỏi như Đàm Vĩnh Hưng. Nói khác đi, Hưng là một nghệ sĩ biết tận dụng thời cơ chính trị thuộc vào dạng thượng thừa, bậc thầy. Nhưng có vẻ như lần này, Hưng đá giò lái hơi sớm và không có lợi cho anh mấy.

Nói Hưng đá giò lái thượng thừa vì xuất thân là chàng ca sĩ hạng áp chót, chuyên hát thay chỗ, những năm 1990, lúc đó Lam Trường nổi đình nổi đám với Tình thôi xót xa, Hoa tím ngày xưa... thì Mr Đàm lọt tọt đi theo sau, ngồi ở cánh gà sân khấu, cầu trời sao bạn Lam của mình đi muộn, kẹt xe, cấn sô để hát lấp, có hát thì có tiền mà bỏ bụng.

Thế rồi cái thời của Lam Trường, thời của Làn sóng xanh qua mau, lúc này, mọi thứ trở nên nhàn nhạt, người ta tìm một cái gì đó nghe cho sâu hơn. Quang Dũng nổi lên nhưng chưa tới, để tìm một “cái gì đó” vô cùng khó, vậy là Mr Đàm mở ngay cước pháp giò lái, thay vì đi hát lấp hay hát phòng trà, anh làm một CD riêng và chấp nhận tặng cho mọi người, thậm chí mang đi tặng giống như nhân viên tiếp thị đi phát tờ rơi quảng cáo vậy.

Kết quả vượt ngoài mong muốn, cú đá giò lái của Hưng quá đẹp, người ta bắt gặp một CD mà người trẻ nghe cũng có máu lửa tuổi trẻ, người già nghe cũng thấy có cái sâu của ca từ. Quyết định làm cover lại toàn bộ các ca khúc trữ tình trước 1975 bằng chất giọng và khúc thức, giai điệu mới của Hưng nhanh chóng đẩy Hưng lên vị trí hàng đầu.

Vấn đề tên tuổi coi như tạm giải quyết xong, tiếp theo là đá giò lái chính trị, bởi tại Việt Nam, một nghệ sĩ mà không có các va chạm chính trị thì cứ nhàn nhạt, chán lắm, còn va chạm quá thì lại hỏng. Vậy là Hưng làm một tour diễn ra nước ngoài, ở đây, Hưng nhắm tới Mỹ, vì ở Mỹ có cơ hội đá giò lái tốt nhất, không đụng bên này thì cũng đụng bên kia, chí ít là có đụng, đụng mới vang.

Không rõ lúc đó Hưng đã có thẻ xanh chưa, nhưng khả năng có là rất cao, và không chừng, nếu thị phần béo bở, thị trường rộng mở thì phát biểu vài câu gì đó “tạo ấn tượng”, coi như trở thành công dân Mỹ như một số đàn anh, đàn chị từng làm, tị nạn chính trị... Nếu thị trường không béo bở thì lại tính theo chiêu thức khác.

Lần đi đó của Hưng, không biết Lý Tống do vô tình hay hữu ý lại lọt vào đòn giò lái của Hưng, Lý Tống xịt một phát hơi cay vào Hưng, anh lảo đảo trên sân khấu, sau đó tuyên bố trướng truyền thông “Lý Tống, anh nợ tôi 1 - 0!”. Phải nói là quá ngầu, có thể không ngầu trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thậm chí vớ vẩn, nhưng lại rất ngầu với anh em dư luận viên trong nước, nhưng vẫn chưa đủ ếp-phê.

Năm 2012, Hưng bồi tiếp một cú bằng cách len lỏi, thậm chí lăn lóc để vào viếng đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Hình ảnh của Hưng mang lại cho anh ta một số điểm quá lớn, đủ để hoạt động ca hát thỏa thích trong nước dưới sự che chở của nhiều thứ và bên cạnh sự ủng hộ của anh em dư luận viên (sau này gộp thành AK47). Nắm được lực lượng này trong tay, được họ ủng hộ, thì lượng vé của giới thanh niên đoàn, tức đoàn viên thanh niên CSHCM có thể nói là đếm không xuể, đếm mòn cả chỉ tay.

Vậy là từ bấy tới nay, sự nghiệp ca hát của Hưng một bước lên mây, cái danh “ông hoàng nhạc Việt” cũng chưa đủ, Hưng còn mong làm cả mặt trời. Mà mong làm mặt trời là bị lố, đá như vậy quá hở sườn, Hưng quên rằng với anh em AK47, chỉ có một mặt trời duy nhứt, đang nằm trong lăng Ba Đình thôi. Hố cú này nghe có vẻ đơn giản nhưng bị ném đá tơi tả, mà bị chính người anh em AK47 ném nữa thì xem như độ rủi ro rất cao.

Hơn nữa, tình hình chính trị rối ren, thêm phần chuyện chị Hằng, rồi chuyện nguy cơ mất trắng tài sản của một số nghệ sĩ vì có dính dự đến chính trị, dính đến các vụ kiện tụng và lợi ích nhóm trong thời gian sắp tới, chuyện này, chắc chắn Hưng phải là người biết rõ hơn ai hết, bởi Hưng thông minh và nhanh nhảu mà! Hơn nữa, vụ chị Hằng cùng các lùm xùm có dính đến Hưng vẫn chưa ra tấm ra mẻ gì. Giờ chỉ có đường vạch càng nhanh càng tốt, mà vạch đi đâu cho chắc ăn ngoài đi Mỹ?!

Nghiệt nỗi, giờ bà vợ, cũng là bầu sô của Hưng một thời bên Mỹ đã đệ đơn li dị Hưng, khán giả hải ngoại thì xem Hưng là thằng nằm vùng, dân văn công trá hình... Vậy thì đường nào cho Hưng sang Mỹ đây. Trong khi sống tại Việt Nam, rất khó cho Hưng ở quãng đường phía trước, bởi một khi khán giả bắt đầu quay lưng, thời vàng son khép lại, thì e rằng mọi thứ khó khăn có thể ập xuống bất kì giờ nào. Và muốn giữ cửa thì phải nuôi đàn em, trước có tiền này tiền nọ mới nuôi nổi chứ tới lúc hết thời, có bán cả gia tài cũng chả nuôi được bao lâu. Nếu không nuôi thì không yên, chơi với giang hồ đâu có dễ! Lâu nay Hưng lớn láo là nhờ giang hồ chống lưng cả đấy thôi!

Thì chơi tiếp một cú giò lái vậy, lần này đá ngược, cơ hội cũng rất cao bởi vì dân đấu tranh dân chủ dạo gần đây có vẻ tắt tiếng ca cũng nhiều, rồi thêm nhiều anh chị dân chủ lại ăn nói hớ hênh, có phần trả treo làm cho cộng đồng người Việt hải ngoại thất vọng, nếu không muốn nói là quá thất vọng về họ. Nói khác đi, lúc này, hình ảnh một “nhà” gì đó xuất hiện là hết sức hợp lý và thời cơ chín muồi. Hưng tung ngay đòn giò lái của mình.

Hưng chọn ngay kiểu thời trang mà chỉ cần xuất hiện trên sân khấu thì anh em AK47 sẽ nhảy cẩng lên vì bất ngờ, sau đó lồng lộn. Và, Hưng cũng chỉ mong chừng đó, vì anh em AK47 càng ném đá Hưng bao nhiêu thì càng đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng người Việt hải ngoại bấy nhiêu. Hưng chỉ cần chừng đó, để lấy lại thị trường và thị phần trên đất Mỹ. Với tấm thẻ xanh có sẵn, Hưng bước sang Mỹ, một thời vàng son mới lại nổi lên và không chừng, lúc đó Hưng lại làm thơ rằng mình từng phản tư, từng ném đá vào cái mặt trời trong lăng bằng cách nói “tôi muốn làm mặt trời, vì mặt trời chỉ có một”, nghĩa là tao đá cái mặt trời trong lăng kia rồi mà bọn nó không hiểu.

Người ta nói rồi, lưỡi nó không có xương, mà cỡ hù dọa anh chị, hù dọa dao thớt một cách công khai, ra dáng anh chị giang hồ Hưng cũng dám làm thì không có thứ gì Hưng ngại qua mặt khán giả cả. Vì có hành vi ấy, người khác đã rớt đài lâu rồi, Hưng thì không, vẫn lên như diều gặp gió, thế mới biết tầm cỡ và nội lực lưỡi của Hưng cỡ nào!

Rất tiếc, lần này, hiệu ứng giò lái đã có, một số người ở hải ngoại, thậm chí từng ghét Hưng chuyển sang mến mộ anh trở lại. Nhưng con số ít ỏi, hơn nữa, cơ hội để vạch sang bên kia lần này lại rất thấp. Không còn thông thoáng như ngày xưa. Lần này Hưng đá giò lái quá thành công nhưng lại đá sớm, không dính mặt đối thủ mà dính mặt trọng tài, nguy cơ bị rút thẻ đỏ rất cao. Đợi rồi xem!

🔝

Bốn mươi chín năm, nhìn lại...

Thứ Ba, 04/30/2024 - 10:27 — VietTuSaiGon

Tuổi trẻ của tôi đi qua một mùa lúa không thể nào quên, mùa lúa đen đúa và hôi hám, năm ấy lụt toàn miền, các hợp tác xã chính thức bỏ đồng, người nông dân đua chen nhau gặt mót những bông lúa thối, đương nhiên, nó sẽ được phơi khô, sấy, giã lấy gạo để nấu cháo. Và đương nhiên, tôi không thể nào quên mùi cháo đó, nó còn đáng sợ hơn rất nhiều so với mùi cơm độn khoai mì khô xắt lát hay hạt kê. Nhưng đó là bữa cháo may mắn toàn gạo thời kinh tế tập trung bao cấp, cái thời mà cả nước rồng rắn nối đuôi, bà lương thực như bà chúa, ông thuế vụ tợ ông vua.

Thế rồi cái thời khốn nạn và kinh hoàng ấy cũng đi qua, thay vào đó là thời kinh tế thị trường, mở cửa nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thống soái, điều hành đất nước và lãnh đạo tiên phong của đảng Cộng sản.

Năm 1986, năm mở cửa kinh tế bắt đầu, cũng là năm bắt đầu mùa bội thu của những kẻ biết cơ hội và cán bộ Cộng sản.

Khi kinh tế mở cửa, có nhiều thứ được nới lỏng, trong đó cơ hội làm giàu của người thuộc chế độ cũ cũng được mở ra. Tuy nhiên, nó chỉ mở rộng và dễ chịu với những kẻ biết cơ hội, những kẻ trước 30 tháng 4 còn là cán bộ miền Nam, sau 30 tháng 4 bỗng chốc đội nón cối, mang túi xách theo đoàn đi lùng sục nhà từng người để tịch biên tài sản.

Cú đánh vào tư sản sau 30 tháng 4 khiến cho gia đình ông bác họ của tôi lụn bại đúng nghĩa, cả nhà bị tịch biên mọi thứ, ông là người liều lĩnh và thông minh, trước đó đã cho một ít vàng vào nồi canh khi nghe đoàn công tác tới. Đoàn tới ngay bữa cơm trưa, vậy là đoàn tha hồ khám xét và kê biên, cả nhà chỉ còn biết ngồi như tượng đất, và chẳng ai dám múc canh vì sợ tiếng leng keng.

Thế rồi người cán bộ - cũng là đồng nghiệp cũ của ông, người thuộc cấp của ông và bây giờ đã theo cơ hội mới - liếc thấy gia đình không ai dám múc canh cả, ông ta hoài nghi, lấy cái vá khuấy vào nồi canh, tiếng leng keng khiến ông ta cười đắc chí, còn ông thì ngã ngửa vì đau đớn, gia đình thì mất mọi thứ và mất cả nồi canh hến, thứ rất quí hiếm sau ngày 30 tháng 4.

Sau đó gia đình ông bác tôi trở nên bần hàn đúng nghĩa, kéo nhau về quê, lam lũ, vất vả với đám ruộng tập thể, đất đai ở quê cũng bị tịch biên sung công cả, tự mình đi làm công điểm trên đám ruộng của mình. Đương nhiên, gia đình ông bị xếp vào diện tư sản và phong kiến, bị đẩy vào những chỗ dơ dáy, rác rưởi và đầy phân heo, phân bò để đứng cấy, đứng cào cỏ.

Người anh cả trong gia đình cũng không được thi vào đại học vì lý lịch đen, may sao đến thời tôi thì nhà nước đã bỏ thứ qui định quái quỉ ấy nên các anh họ khác cùng lứa với tôi vào đại học. (Thực tâm mà nói, tôi cho rằng nhà nước bỏ thứ qui định đó là còn biết khôn, chứ nếu cứ giữ, chả có mấy đứa đi học đại học, trường đại học cũng không còn bao cấp như xưa, có mà phá sản à. Đó là chưa muốn nói đến lượng chất xám bị vứt đi một cách ngu xuẩn!).

Thời gian trôi qua, khốn cùng trôi qua, thế rồi gia đình ông bác tôi cũng gượng dậy dưới thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, những đứa cơ hội bắt đầu toa rập, áp phe với cán bộ địa phương, rồi leo dần lên những nấc thang cao hơn để qua lại, áp phe làm ăn. Những đại gia mọc ra như nấm sau đêm mưa, sau một trận mưa thị trường nhà đất thì người ta đếm đại gia không xuể, toàn tiền tỉ này tỉ nọ, thậm chí trăm tỉ, ngàn tỉ...

Tất cả các đại gia trên đều không có khả năng sản xuất nổi một con ốc hay gói mì tôm theo dây chuyền đúng nghĩa, tất cả các đại gia trên đều trở thành ăn mày nếu như đất có sự cố thị trường, nếu như cái dù che họ bị bật gốc, hay nói khác đi là nếu như kẻ chống lưng quyền lực bị rớt, mọi thứ coi như xong.

Cho đến lúc này, hàng loạt các đại gia bị tó, kèm theo việc này là hàng loạt quan chức cấp cao, cao khủng khiếp cũng bị tó, nếu không bị tó thì bị xua về vườn một cách nhục nhã. Mọi thứ đã nói lên vấn đề, chắc không nên bàn thêm.

Nghe con số vài ngàn tỉ, thậm chí vài triệu tỉ đồng cứ như giấy lộn, lá mít, những con số đầy nhức nhối ấy mọc ra giữa một mặt bằng dân sinh hết sức lổm chổm, có nhiều người vì nợ vài chục triệu đồng (khoản tiền tương đương một miếng bò dát vàng ăn lót bụng của giới quan chức) mà phải bỏ nhà đi biệt xứ.

Có nhiều người cả đời loay hoay với căn nhà vá chằng vá đụp, chẳng biết bao giờ có được bữa cơm, và miếng ăn ngon, bữa no vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Mà đâu riêng gì những người thiếu ăn, thiếu mặc mới bị ám ảnh về miếng ăn. Ngay cả những kẻ giàu nứt đố đổ vách hay những người thuộc hạng trung lưu, tiền bạc rủng rẻng vẫn cứ bị ám ảnh về miếng ăn. Văn hóa về miếng ăn như một tập khí dân tộc, mọi thứ hoạt động văn hóa, mọi thứ sinh hoạt đều qui về miếng ăn cho đến lúc này.

Thử nghĩ có quốc gia nào giống quốc gia của chúng ta, một quốc gia có quá nhiều kỉ lục về miếng ăn, từ chiếc bánh chưng nặng hàng tấn cho đến bát hủ tiếu nặng cả tấn, rồi dĩa bê thui cho cả ngàn người ăn, tô mì Quảng cũng cho cả ngàn người ăn, một cái bánh xèo cho cả ngàn người ăn, và gần đây nhất là cây chả mực nặng hơn hai trăm ký, dùng hơn bốn ngàn lít dầu để chiên... Tất cả đều có chung một nghi thức: Dâng lên tổ tiên! Lẽ nào tổ tiên của chúng ta phàm ăn tục uống đến vậy?!

Tôi nghĩ là không, chính nỗi ray rứt, cơn ám thị về cái đói, miềng ăn của một dân tộc đã tạo ra những thứ kỉ lục quái thai và bế tắc trên. Khi nhìn những thứ kỉ lục của Việt Nam, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm, nhẹ thì cho rằng cụt ý tưởng, nặng hơn thì cho rằng đó là biểu hiện của sự dốt nát, chưa thoát khỏi miếng ăn. Nhưng, sâu xa hơn nữa, nó cho thấy căn tính của dân tộc, một căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại.

Thứ căn tính rỗng nhưng ưa vĩ đại này hiện rõ trong hành xử thô lỗ và kệch cỡm của giới quan chức, cho đến lúc này, có quá nhiều nhân vật để ví dụ chứ chẳng còn tính chất đại diện hay điển hình nữa rồi!

Sau bốn mươi chín năm, đất nước có phát triển về kinh tế, đất nước được thống nhất hai miền Nam - Bắc, người miền Nam có thể thăm Hà Nội, thăm các tỉnh thành phía Bắc và người miền Bắc có thể thăm Sài Gòn, thăm Huế, thăm Đà Nẵng và thăm mọi nơi trên đất nước này. Đó là một sự thành công về địa lý.

Nhưng, có một thứ địa lý khác đã ăn chết trong tâm hồn người Việt, hễ cứ người miền Nam, cụ thể là Nam vĩ tuyến 17 đều không ưa người miền Bắc, ngược lại, người miền Bắc cũng coi thường người miền Nam vì họ cho rằng “người miền Nam hời hợt, không sâu sắc”. Tất cả những biểu hiện trên chiếm con số đại trà chứ không riêng lẻ.

Ranh giới, khoảng cách và hố ngăn chia rẽ tâm hồn Nam - Bắc ngày càng nặng nề, sự tổn thương và có cả thù hận của bên thua cuộc sau một quá trình dài bị phân biệt đối xử, bị tịch biên tài sản, gia đình tứ tán, bỏ mạng trên biển Đông, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc trại cải tạo và mất cơ hội tương lai do chính sách phân biệt lý lịch... Mọi vết thương, mọi nỗi đau dường như vẫn còn đó, vẫn còn mưng mủ và rưng đau khi trái gió trở trời.

Trong khi đó, một mặt kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, một mặt phân biệt đối xử và ưu tiên cho con ông cháu cha, thái tử đảng xử sự như một ông kễnh địa phương, thậm chí chẳng coi ai ra gì, ăn chơi bạt mạng, trác tán, cán bộ chỉ biết hưởng lạc và sẵn sàng bóp chết tương lai, số phận của bất kì người dân nào thấp cổ bé miệng...

Với tất cả những gì có được sau bốn mươi chín năm kẻ buồn thối ruột, người vui ngoác miệng như vậy thì e rằng, không có câu nào để mô tả đúng bản chất hơn câu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước có bao giờ được như hôm nay!”.

Đúng, sau bốn mươi chín năm, kinh tế có phần phát triển, phát triển nhanh và một số kẻ quyền thế, cơ hội giàu phất lên. Nhưng, cũng sau bốn mươi chín năm, cả dân tộc bị thụt lùi vào hố lạc hậu, chúng ta đứng qua xa sự văn minh, tiến bộ.

Có phát triển mà không có tiến bộ, ấy là sự phát triển của chuồng trại. Thế giới loài người cần văn minh và tiến bộ trước, rồi sau đó phát triển trên nền tảng văn minh, tiến bộ đã đạt được. Còn chúng ta, hoàn toàn ngược lại sau gần nửa thế kỉ!

🔝

Ai đang chất củi vào lò?

Thứ Hai, 04/22/2024 - 17:32 — VietTuSaiGon

Lò cụ Trọng liên tục cháy, cháy như chưa từng. Có trận hỏa hoạn nào kinh khủng đến mức như vậy đối với các đảng viên Cộng sản? Có thể nói rằng đây là trận hỏa hoạn vô tiền khoáng hậu, và khi ngọn lửa hỏa diệm sơn đã bùng, càng dập càng cháy, người đốt lò chắc cũng phải giật mình khi thấy lửa sém chân!

Trong chiến trận, đâu chỉ hay bởi tướng giỏi, mà bất ngờ trong đám binh tướng đỏ đen lại xuất hiện một tướng thần sầu quỉ khốc, dương đông kích tây, tả xung hữu đột, đến mức người cầm trịch chiến trận cũng phải trố mắt nhìn và đâm lo ngại, không biết trận chiến sẽ kéo dài đến bao lâu.

Tình trạng cháy bùng cái lò chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến lúc này, hình như đã ngoài ý định và dự tính của ông ta. Củi rừng, củi vườn, kể cả cây đã qui hoạch hẳn hoi và cây cảnh trong sân vườn thượng uyển cũng bị chặt tuốt làm củi đốt lò.

Nhưng không phải ai cũng đủ bạo gan và lớn gan để làm chuyện ấy, những năm 2010, Lê Thanh Hải nhiều lần cố tình bắn tiếng về vụ làm bốc hơi 3000 tỉ đồng ở ngân sách thủ đô, kết quả thì Lê Thanh Hải lên bờ xuống ruộng. Nhưng Hải là ai? Đâu thể nói đơn giản là một Bí thư thành ủy TP HCM, Hải còn là người có thể làm điêu đứng, rúng động cả một hệ thống, thậm chí đàn em của ông ta có thể khử một vài tướng công an dễ như lật bàn tay. Vậy mà Hải phải thúc thủ trước đối thủ, đành chịu thân phận kẻ đứng sau tấm màn sân khấu từ dạo ấy. Thế mới biết kẻ Hải xem là đối thủ mạnh cỡ nào!

Thế rồi cụ Trọng vào cuộc đốt lò, đương nhiên cái lò của cụ Trọng đã sắm có kèm theo danh sách củi dần được triệt hạ trong suốt quá trình giữ nhiệt cho lò.

Thế rồi củi bắt đầu cháy, lò bắt đầu bùng nhưng có nhiều cây đã đóng bảng lưu niệm, tức củi được qui hoạch kĩ lưỡng, đụng vào cũng ngại, cụ Trọng chẳng còn cách nào khác là tuyên bố “chống tham nhũng không có vùng cấm”, vậy là cây được gắn bảng cũng phải bị chặt làm củi nếu như nó có thể biến thành củi.

Công cuộc đốt lò của cụ Tổng trước đây còn lẻ loi, bây giờ tiều phu tình nguyện đã nhiều, mà các tiều phu này luôn nhiệt tình, hăng phái phụ tá cho cụ Trọng chặt càng nhanh càng tốt cánh rừng “nhà nó”. Vậy là cứ nhắm mấy cái cây có gắn bảng mà phạt, kết quả là hai lần hạ bệ Chủ tịch nước vẫn chưa đủ, vì còn quá nhiều, nhiều vô kể, nói tới củi, tham nhũng thì nhiều vô kể, đốt cho hết thế kỉ 21 (nếu còn sống tới đó) vẫn chưa hết củi.

Và không chừng, chính cụ Tổng cũng là cây củi mà ai đó muốn hạ xuống để đốt lò, bởi có cây củi nào đốt lò cháy mạnh hơn cây củi cụ Tổng. Việc đầu tiên để chặt cây củi cụ Tổng, có lẽ phải chặt bỏ tất cả rừng đệm chung quanh cây củi bự, chặt xong rồi, lúc đó cây củi bự trơ ra đó, việc đốn hạ, đưa vào lò là chuyện dễ như lật bàn tay.

Cho đến lúc này, những cái cây được qui hoạch bởi cụ Tổng như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, trước nữa là Trần Quốc Vượng... đều bó tay thúc thủ, trong đó, Thưởng và Huệ có nguy cơ trở thành củi trong nay mai cho dù có một thứ luật bất thành văn đó là “tứ trụ triều đình được giữ kim bài miễn tử”. Nhưng luật bất thành văn nghĩa là luật không có văn bản, văn bản của nó nằm trong tay của quyền lực, khi hệ thống quyền lực đủ mạnh thì người ta qui ước nó trong một thứ ràng buộc tương đương pháp luật, khi quyền lực mất đi, kẻ khác nắm quyền lực, ắt sẽ có luật bất thành văn của kẻ mới.

Và với đà này, chưa biết kẻ mới sẽ đánh nước cờ tới đầu mới chính thức chiếu tướng/bắt vua. Hiện tại, mọi thứ vẫn còn mờ mờ ảo ảo. Nhưng có một thứ rất rõ ràng, những nhân tố có đủ lực để bảo vệ cụ Tổng đều đã đo ván.

Điều đó cũng đồng nghĩa với cánh rừng đệm chung quanh cây cổ thụ cụ Tổng đã bị qui hoạch một cách có trình tự, có bài bản. Và không sớm thì muộn, cây rừng đệm có thể thành củi bất kì giờ nào, vấn đề không còn là thời gian nữa mà tùy vào tình thế biến ảo của người chơi cờ, của gã tiều phu.

Nếu như trước đây, người đốt lò hùng hổ, mạnh mẽ và cương quyết bao nhiêu, thì bây giờ, sự nhiệt tình ấy biến thành mệt mỏi và khiên cưỡng bấy nhiêu.

Không phải tự dưng mà Vương Đình Huệ bay sang Trung Quốc hứa nhăng hứa cuội với Tập Cận Bình, rõ ràng chuyến đi này phải được bật đèn xanh bởi cụ Tổng, và cụ Tổng cũng thừa biết nếu không cho Huệ đi, mọi thứ sẽ vô cùng khó khăn cho Huệ, nhưng chưa đủ, sự khó khăn của Huệ sẽ lan sang phần cụ Tổng, và người khó khăn nhất không phải là Huệ, cụ Tổng thừa biết như vậy.

Thế nhưng chuyến đi những tưởng tròn trịa ấy chưa kịp bước chân vào văn phòng để báo cáo thì ngay tại sân bay, đệ tử ruột của Huệ đã bị thó bởi tội nhận hối lộ, mà nhận con số tiền khủng, con số này nếu luận theo pháp luật thì có thể đối mặt án tử hình. Nhưng câu chuyện đâu chỉ dừng ở đó!

Vấn đề khác nữa mà cụ Tổng đang đau đầu chính là nhân vật giấu mặt đã cố tình bạch hóa số tiền bị bốc hơi lên đến ba ngàn tỉ đồng trong thời cụ Tổng làm Bí thư Hà Thành. Như vậy, nếu làm rõ trắng đen số tiền này thì cụ Tổng chắc cũng hơi mệt.

Nhưng để làm rõ trắng đen số tiền này, không phải dễ, phải lần mò cho ra dây mơ rễ má của nó, trong đó, phải biết nắm thóp của thằng đang nắm số liệu. Mà có thằng nào nắm số liệu tốt hơn thằng vốn có nghiệp vụ làm kinh tế, lại căm ghét và muốn hạ cụ Tổng từ rất lâu, có mối thù dai dẳng và đang nằm gai nếm mật để chờ thời phục thù?! Việc nắm thóp thằng đó, để rồi bắt nó thòi ra những cái mình cần, hình như gã tiều phu đang chạm tới, nước cờ cuối cũng đang đến hồi.

Đầu tiên là bắt Lan, bắt Lan và đẩy Lan vào chốn lao lý, đối mặt với án tử hình, đương nhiên đằng nào cũng chết, Lan biết mình chỉ có hai lựa chọn, hoặc là chết vì đạn tử hình, hoặc là chết vì người phe ta khử. Giờ chỉ cần hé môi là bị khử ngay, Lan mới nói ỡm ờ, làm cho lũ con mọn đu trend chuyện mò kho báu ngoài biển.

Trong khi đó, kẻ giấu mặt thừa biết rằng nếu Lan khai ra, hắn mới là đứa bị chết trước, và hắn cũng thừa biết rằng cái án tử hình Lan có bàn tay của “ai đó” tác động vào nhằm kích hoạt sự uất ức của Lan để Lan khai ra kẻ đầu sỏ. Và khi Lan khai ra kẻ đầu sỏ, thì kẻ giấu mặt bị lộ mặt. Vấn đề bây giờ, chính kẻ giấu mặt kia lại có rất nhiều bí mật về con số ba ngàn tỉ bị bốc hơi, hắn có thể dùng con số đó để đổi lấy sự an toàn, hắn chỉ cần an toàn, bởi hắn đã bị vô hiệu hóa từ trước. Vấn đề còn lại là thanh củi vĩ đại kia phải tự biết mình nên làm gì. Còn mục tiêu của gã tiều phu đã đạt được, cũng chả cần phải ném thanh củi vĩ đại vào lò, bởi đã là củi vĩ đại, không có tay đầu bếp hay đốt lò nào mà không ham?!

Và, cho đến thời điểm hiện nay, rất khó để nhận biết đâu là củi của người nhóm lò, đâu là củi của các tiều phu. Và, lò cháy đến bao giờ, chuyện ấy tùy thuộc vào cây củi vĩ đại kia có bị hạ hay chưa!

🔝