VuotQuaViet_Kp_DarkGreen_Logo_212x80
acrobat  📂  🏠   

Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ

Hà Sĩ Phu

Thử giải bài toán lôgic xã hội "Mọi nguồn rắc rối bắt nguồn từ đâu ?"

Mấy lời phi lộ: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Nhớ lời dạy ấy của cha ông, tôi bỗng quên đi sự quá hạn hẹp về hiểu biết của mình mà cả gan lạm bàn chuyện 'quốc gia đại sự'. Nhưng biết đâu nỗi bức xúc này lại chẳng là chung của nhiều người.

Xin được tiếp cận vấn đề từ góc nhìn qua những quy luật khoa học, trước hết là khoa học tự nhiên. Bài viết chỉ có tính chất gợi mở, cung cấp một số nhận thức cơ bản để suy nghĩ, chưa giải quyết vấn đề gì cụ thể, trọn vẹn. Nếu từ bài viết có thể lọc ra một chút gì đó gọi được là cái 'hạt nhân hợp lý' thì đối với người viết đã là điều may mắn lắm rồi, nên xin miễn phi lộ dài dòng về những sai sót khó tránh khỏi.Tuy vậy người viết không thể giấu niềm hy vọng được người đọc quan tâm hưởng ứng mà chỉ bảo thêm, và cá nhân người viết xin nhận trách nhiệm trước mọi sự phán xét.

Những điều này nói ra hôm nay đã là quá muộn.

Tú Xuân HÀ SĨ PHU
Ngày 2 tháng 9 năm 1988

Hãy thử để cho Trí tuệ được vài phút hòan toàn tự do, xem nó có thể mách bảo ta điều gì. Sau đó, nếu không thấy có gì ích lợi thì xin mọi người cứ coi đây như những lời nhảm nhí mà loại nó ra khỏi 'bộ nhớ', tưởng cũng chẳng tốn kém là bao. Ít ra điều đó cũng chứng tỏ rằng chúng ta đã có sự trao đổi dân chủ thực sự.

Chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào việc giải thử bài toán lôgic lớn của xã hội mà bấy lâu nay cứ ở trong tình trạng vừa như rất đơn giản vừa như quá thần bí không có lời giải : Mọi điều rắc rối bắt nguồn từ đâu ?
Bây giờ ta làm theo cách công khai và dân chủ. Mọi người hãy tạm thời thoát ly khỏi những nếp suy nghĩ mà ta đang có, kể cả những 'tư duy' đang được gọi là 'đổi mới' , tạm thời thoát ly khỏi những điều đang gắn chặt với quyền và lợi của ta hàng ngày, để cùng ngồi lên chiếc xe của tư duy lôgic. Trong thế giới của tư duy thì không có vùng nào là vùng cấm. Mọi hiện tượng, mọi phạm trù, mọi nhân vật, mọi chủ nghĩa... đều là những dữ kiện của bài toán, không hơn mà cũng không được kém.

Đi một vòng để quan sát toàn bộ bức tranh, ta có nhận xét tổng quát rằng hệ thống mà ta đang khảo sát chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý' , nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những 'nghịch lý':
- Hệ thống "dân chủ gấp triệu lần" lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ.
- Hệ thống tiêu biểu cho Sự thật (có các nhà xuất bản Sự thật, và chúng ta thường nói chỉ chúng ta mới có dũng cảm nói sự thật) thì đang phải cố chữa cho được bệnh nói dối.
- Hệ thống tiêu biểu cho triết học duy vật thì lại là điển hình của bệnh duy ý chí.
- Hệ thống ưu việt (tức là tốt vượt hẳn lên) , tiêu biểu cho sự giải phóng Con người thì lại không ưu việt về Quyền Con người, luôn bị chỉ trích về Quyền Con người.
- Hệ thống tiêu biểu cho sự đề cao những giá trị tinh thần thì lại 'xuống cấp những giá trị đạo đức', đang cần làm lành mạnh trở lại những quan hệ xã hội và gia đình.
- Hệ thống tiêu biểu cho tính 'nhân loại', tính 'tập thể' thì lại xuất hiện rất nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân, tập trung quyền lực vào tay một người, lấy một người trùm lên tất cả.
- Hệ thống tiêu biểu cho sức sáng tạo của trí thức (xem định nghĩa của Lênin về chủ nghĩa Cộng sản và người Cộng sản) thì vấn đề trí thức lại cứ cộm lên như một hạt nhân của toàn bộ cái hiện thực cần phải cải tổ.
- Chúng ta vẫn nói sự thắng thua giữa các chế độ rốt cuộc là ở năng suất lao động. Ta luôn nói về những "thắng lợi to lớn" nhưng chính về năng suất lao động thì ta lại thua quá xa.
- Hệ thống Xã hội chủ nghĩa được mô tả là đầy sức sống, còn chủ nghĩa Tư bản thì đang 'giãy chết'. Vậy mà , trong tất cả những trường hợp quốc gia bị chia cắt làm hai thì dù chia theo kiểu nào, nửa thuộc phía 'giãy chết' cũng có năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt hơn nửa kia ! ...vv...

Trước thực tế ấy, nhiều luận điểm đã và đang được chúng ta đưa ra để giải thích. Ví dụ :
- Ta có đường lối 'đúng đắn' nhưng khi thực hiện thì có sai lầm. 'Trên' thì đúng đắn nhưng cán bộ trung gian quá yếu. Chủ nghĩa thì đúng đắn nhưng con đường quá mới mẻ nên ta chưa có kinh nghiệm.
- Đây là khó khăn tạm thời do chiến tranh để lại. Bè lũ Đế quốc và bọn Thực dân, Phong kiến phải chịu trách nhiệm về tình hình khó khăn này.
- Do có những cá nhân không chịu tu dưỡng rèn luyện nên thoái hóa biến chất. Chung qui chỉ tại cái chủ nghĩa Cá nhân !
- Do chế độ quan liêu bao cấp. Do thiếu sót về những 'tư duy cụ thể' như 'tư duy kinh tế', 'tư duy đối ngoại' ...vv...

Trước một thực tế xã hội đầy những 'nghịch lý' lớn lao đã kể ở trên thì những luận điểm giải thích này dẫu có phản ánh được phần nào hiện thực cũng không đủ tầm để bao quát cả một thời kỳ của lịch sử nhân loại. Nó khác nào như đem dầu xoa, thuốc cảm để chữa ung thư vậy.

Từ khi có cuộc Cải tổ, Đổi mới trong toàn hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới đến nay, chúng ta đã làm được một việc là đem bày ra công khai trước mắt mọi người một số tư liệu để chúng ta nhìn cho đúng chân dung của mình, một chân dung mà tự mình cũng thấy không chấp nhận được. Những hiện tượng 'tiêu cực' rất cần được phơi bày, nhưng phơi bày mãi cũng không bao giờ hết, và nếu cứ sửa chữa theo kiểu 'thợ vườn' sai đâu sưả đấy thì sẽ chẳng khác nào chơi trò trốn tìm vòng quanh. Điều quan trọng là những hiện tượng tiêu cực đã nêu cần phải được hệ thống hóa lại, tìm mối liên hệ nhân quả giữa chúng, rồi theo mạch lôgic mà tìm tới nguyên nhân gốc rễ. Cái mạch lôgic tự nhiên ấy chẳng chóng thì chầy sẽ tự động diễn ra trong đầu mỗi người nên dẫu ta có sợ cũng không cản lại được. Vận mệnh lâu dài của hàng nghìn triệu người cũng đòi hỏi phải làm như vậy, nếu không mọi sự sửa chữa đều chỉ là sự đối phó nhất thời.

Những thông tin, nhất là thông tin từ công cuộc Cải tổ ở Liên xô, đã bộc lộ dần một vài hướng suy nghĩ. Chẳng hạn :
- Cần xem lại một số luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, hay ít ra là xem lại cách hiểu về những luận điểm cơ bản ấy (ý nghĩ này chẳng có gì mới lạ vì chính Mác và Lênin cũng khuyên như thế và cũng từng làm như thế).
- Chủ nghĩa Đế quốc có thật là 'giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa Tư bản' hay chỉ là một trong những bước đi ban đầu của chủ nghĩa Tư bản ? Và một khi chủ nghĩa Tư bản chưa ở giai đoạn tất yếu phải cáo chung thì điều đó có nghĩa là lịch sử chưa đòi hỏi và do đó chưa hề tạo tiền đề có một cuộc 'cách mạng Xã hội chủ nghĩa' đích thực ...

Chưa nói nguyên nhân nào là đúng, nguyên nhân nào là sai, nhưng ít ra nguyên nhân cũng phải ở tầm cỡ như vậy mới có thể có sức chi phối ghê gớm đối với xã hội như chúng ta đã và đang thấy.

Song ta cũng không cần nói theo ai cả. Hãy dùng hiểu biết của chính mình mà rà soát lại toàn bộ vấn đề xem có tự phát hiện được điều gì không ?

Điều đầu tiên để hiểu một chủ nghĩa là xem xét MỤC ĐÍCH và PHƯƠNG TIỆN mà chủ nghĩa ấy đề cập tới. Lý tưởng Cộng sản là một lý tưởng hết sức tốt đẹp, vì đã gọi là 'lý tưởng' thì lý tưởng nào chẳng hướng tới hạnh phúc của con người, giải phóng con người khỏi những bất hạnh về vật chất, tinh thần và những bất công xã hội? Lý tưởng Cộng sản nhấn mạnh tính 'xã hội' của con người cũng như của tư liệu sản xuất, điều đó là khoa học, là xu hướng tiến hóa tất yếu của xã hội loài người, nhưng sự 'xã hội hóa' sẽ diễn ra cụ thể thế nào là thuận quy luật thì sẽ bàn sau.

"Một xã hội không còn người bóc lột người" , chính điều này còn gây tranh luận, vì nếu hiểu một cách chung chung là không còn áp bức bất công thì chẳng có gì để tranh luận, nhưng nếu hiểu chữ 'bóc lột ' ở đây như một thuật ngữ chính trị-kinh tế học , là 'bóc lột giá trị thặng dư ' , thì vấn đề lại không đơn giản chút nào. Tuy vậy vấn đề này cũng xin tạm xếp sang một bên, vì tự nó cũng chưa thể gây ra mọi chuyện.

Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với một lý tưởng không phải là lý tưởng ấy ước vọng điều gì mà lại là đi tới ước vọng đó bằng cách nào, bằng phương tiện hay công cụ gì. Luận điểm về con đường đấu tranh giai cấp và công cụ chuyên chính vô sản chính là "hòn đá tảng của chủ nghĩa Xã hội khoa học" !Do tầm quan trọng như vậy mà ta hãy dừng lại lâu hơn một chút trên 'hòn đá tảng' này để xem xét cho kỹ, không thể vội vã cho qua được.

GIAI CẤP LÀ GÌ , VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ TRONG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO ?

Để phân định điều phải trái và quyết định thái độ cũng như hành động của mình, con người có ba thứ căn cứ : tri thức, lòng tin, và quyền lợi.

Luôn lấy tri thức, lấy khoa học làm căn cứ, đó là chủ nghĩa DUY LÝ (1), cái gì trái với những quy luật khách quan mà mình nhận thức được thì không chấp nhận. Luôn lấy lòng tin làm căn cứ là chủ nghĩa DUY TÍN (2), cái gì trái với những điều mình tin, mình cho là thiêng liêng thì không chấp nhận. Luôn lấy lợi ích làm căn cứ là chủ nghĩa DUY LỢI (3), cái gì trái với những lợi ích của mình hay của những người chung lợi ích với mình thì không chấp nhận.

Theo mức độ duy lý, con người chia thành trí thức và không trí thức. Theo mức độ duy tín thì chia thành có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng. Người thực sự duy lý hay thực sự duy tín thì tự thân không có tính giai cấp rõ rệt, vì sự phân chia thành giai cấp chỉ là sự phân chia theo quyền lợi, chỉ thích hợp với những người duy lợi. ( Giai cấp là những tập đoàn người được phân chia theo sự chiếm hữu đối với tư liệu sản xuất, theo vai trò trong tổ chức sản xuất và theo sự phân phối của cải xã hội ; cả ba tiêu chuẩn này đều là quyền và lợi). Hiểu theo nghĩa đó thì người mang tính giai cấp rõ rệt là người duy lợi (tức là lấy lợi ích làm chuẩn, kể cả lợi ích chân chính, lợi ích của một giai cấp).

Vì vậy, sự phân chia con người theo giai cấp tuy có những ý nghĩa nhất định nhưng không thể là sự phân chia có ý nghĩa tổng quát, không bao hàm được hết mọi người trong xã hội. Tuyệt đối hóa lý thuyết giai cấp là rơi vào thuyết giai cấp cực đoan. Đem cái nhìn giai cấp trùm lên mọi hiện tượng của con người và xã hội sẽ không tránh khỏi làm méo mó xã hội, sẽ gặp lúng túng khi giải quyết vấn đề tri thức, vấn đề tôn giáo cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) (2) (3) : Khái niệm 'Duy lý' ở đây không hoàn toàn trùng với khái niệm Duy lý của Descartes. Những chữ 'Duy lý', 'Duy tín', 'Duy lợi' là những thuật ngữ riêng của tác giả.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vì quan niệm rằng người nào cũng phải có một ' thành phần giai cấp ' nên ta gặp lúng túng khi không biết xếp những người trí thức vào giai cấp nào, và gán luôn cho họ cái "bản chất lừng khừng, không kiên quyết cách mạng" (!). Nói về tính 'kiên quyết' thì thực tế cho thấy người duy tín cũng có thể "tử vì đạo" , người duy lợi có thể chết cho quyền lợi nào đó, và nhà bác học cũng có thể kiên quyết lên giàn lửa để bảo vệ chân lý khoa học, nhà khoa học cũng có thể 'kiên quyết cách mạng' đến mức trở thành lãnh tụ cách mạng khi nhận thức rằng sự vận động đó phù hợp với quy luật, phù hợp với căn cứ duy lý của mình.

Duy lý, duy tín và duy lợi tuy khác nhau ở xuất phát điểm nhưng muốn cho hành động đạt kết quả tốt thì lại cần sự hỗ trợ của nhau ; vì thế nếu phát triển đến độ hoàn hảo thì lại gặp nhau, thống nhất với nhau. Tuy vậy thực tế khó có sự hoàn hảo ; ở một phạm vi xác định, ở một con người cụ thể thì ba căn cứ ấy khó đạt được sự thống nhất hoàn thiện mà thường có tình trạng một trong ba căn cứ ấy nổi lên chiếm vai trò chủ đạo để dẫn dắt hành vi của con người. Ba yếu tố ấy đan vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau trong mối quan hệ tay ba vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn, nên tách bạch ba yếu tố ấy trong một con người, trong một việc làm không phải là điều dễ dàng, và đó là nguồn gốc của biết bao hiện tượng rối rắm, nan giải của xã hội và của mỗi con người. Nhiều người đã tuyên bố chủ trương "kết hợp chân lý khoa học với lợi ích của giai cấp công nhân" , nói cách khác là chủ trương chung sống hài hòa giữa duy lý và duy lợi. Nhưng rồi trong thực tế trào lưu Cộng sản thì sự cân bằng lý thuyết này cứ bị chuyển dịch để cái duy lợi thôn tính dần cái duy lý.

Các-Mác rất coi trọng vấn đề 'lợi ích' và ở một nhà khoa học thì đây là một điều đáng quý. Nhưng là nhà khoa học, Mác đứng ở gốc duy lý mà tiếp cận sang duy lợi. Nhiều người khác đi theo chủ nghĩa Mác nhưng lại từ gốc duy lợi mà tiếp cận sang duy lý. Người càng ít hiểu biết thì tính duy lý càng ít ( nhân bất học, bất tri lý) , dễ thành duy lợi cực đoan, hoặc lại biến chủ nghĩa Mác thành một thứ duy tín, một thứ tôn giáo.

Trong ba căn cứ ấy thì Duy lý tiêu biểu cho khoa học, cho quy luật khách quan nên là căn cứ đúng đắn nhất, nó bao dung được cái Duy lợi và Duy tín hợp lý. Ngược lại, khi chủ nghĩa Duy lợi hay Duy tín mà nắm vai trò dẫn dắt xã hội thì nó rất dễ tiến đến cực đoan mà không chấp nhận nổi cái Duy lý. Giáo hội La mã ngày trước đã thiêu sống nhiều nhà bác học chỉ vì họ phát hiện những định luật khoa học. Những tên vua Trung quốc nào võ biền ít học thì "phần thư khanh nho" (đốt sách, giết nhà nho). Những hồng vệ binh nông dân mù chữ Trung quốc và những tên lính mù chữ Cămpuchia đã hành hạ những trí thức ưu tú của dân tộc mình. Phong trào Xô viết Nghệ tĩnh năm 1930 đã đặt trí thức lên hàng đầu trong khẩu hiệu " Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ!" . Nhiều danh nhân văn hóa của Liên xô đã là nạn nhân điển hình của những sự đối xử tương tự...

Nhìn rộng ra nữa thì lịch sử tiến hóa của nhân loại thực chất là gì ?

Do biết sử dụng công cụ nên , khác với mọi sinh vật , con người không tiến hóa bằng cách biến đổi những cấu tạo của cơ thể mà bằng cách hoàn thiện không ngừng công cụ lao động . Cùng với sự cải tiến công cụ là cải tiến qui trình sản xuất, hoàn thiện kỹ năng ... dẫn đến tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tất cả những biến đổi cơ bản ấy đều là biểu hiện của sự gia tăng tri thức của con người về các quy luật tự nhiên và các quy luật quản lý, tổ chức xã hội.

Vậy thì, cái lõi bên trong của dòng tiến hóa là dòng phát triển của tri thức nhân loại, còn sự đấu tranh giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác, tức sự đấu tranh giai cấp, chỉ là cái vỏ, là những hiện tượng xã hội kèm theo mà thôi. Dòng gia tăng tri thức của xã hội là cái lõi, nó phản ánh bản chất của sự tiến hóa nên không thể thiếu và tồn tại xuyên suốt từ đầu đến cuối lịch sử loài người. Còn sự đấu tranh giai cấp chỉ là cái vỏ bên ngoài, là một trong những hiện tượng xã hội kèm theo nên có tính chất tạm thời, luôn thay đổi màu sắc, và con người có khả năng sử dụng nó, hoặc giảm nhẹ hay loại trừ nó đi trong nhiều giai đoạn của dòng tiến hóa bất tận.

Khi nói : Trong phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất là yếu tố năng động nhất (so với quan hệ sản xuất) thì sẽ là thiếu sót nếu không tiếp tục nói :Trong lực lượng sản xuất thì sự "năng động" ấy nằm ở yếu tố con người, trong con người thì sự "năng động" ấy nằm ở bộ óc tức phần lao động trí tuệ.

Bản chất của sự tiến hóa là như vậy. Tinh thần khoa học quan trọng nhất trong một học thuyết tiến hóa xã hội đáng lẽ phải là như vậy. Nhưng dưới 'lăng kính giai cấp' nhiều cuốn sách lại có lối mô tả dòng tiến hóa của xã hội như sau : " ...Giai cấp bị trị và giai cấp thống trị luôn đối kháng nhau về quyền lợi nên sinh ra đấu tranh giai cấp. Nô lệ chống chủ nô làm chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã. Nông dân chống địa chủ phong kiến làm chế độ phong kiến tan rã. Giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ ...". Lối mô tả ấy xuất phát từ nhận thức sai lầm coi dòng tiến hóa là dòng đấu tranh của những giai cấp bị trị lật đổ các giai cấp thống trị, nên mỗi khi giai cấp bị trị không nắm được quyền lãnh đạo trong xã hội mới thì chúng ta coi là công lao của họ bị lợi dụng. Thế thì lịch sử là một chuỗi toàn những bất công vô lý, trong đó những kẻ 'xấu bụng' đi lợi dụng công lao người khác lại cứ được lịch sử cho kế tiếp nhau điều khiển xã hội. Đến khi có cách mạng vô sản thì mới phát sinh một ngoại lệ, giai cấp công nhân là giai cấp bị trị lên lãnh đạo xã hội, và ngoại lệ này mới chính là niềm mơ ước của nhân loại (?!).

Không, lịch sử có quy luật chứ không tùy tiện. Mỗi cuộc biến đổi được gọi là 'cách mạng xã hội' bao giờ cũng là sự cạnh tranh của hai thế lực lãnh đạo xã hội, tiêu biểu cho hai bậc thang về trình độ tổ chức xã hội, ứng với hai trình độ khác nhau của khoa học-kỹ thuật, của tri thức con người thời ấy. Thế lực lãnh đạo mới sẽ thắng vì có trình độ cao hơn (thế lực có trình độ cao hơn này không bao giờ nằm ở giai cấp bị trị, dù giai cấp bị trị có tạm thời đoạt được quyền bính thì trước sau họ cũng rơi vào quỹ đạo của những thế lực kia). Sự đấu tranh của giai cấp bị trị cũng như của quần chúng nói chung chỉ có tác dụng tạo ra áp lực to lớn của xã hội giúp cho chính quyền mau chuyển từ tay thế lực lãnh đạo cũ sang tay thế lực lãnh đạo mới, điều này đáp ứng yêu cầu phát triển chung của toàn xã hội.( điều này phù hợp với quy luật cạnh tranh sinh tồn chứ không phù hợp với thuyết đấu tranh giai cấp Mácxít ). Lôgic của lịch sử vốn là như vậy, bất chấp chúng ta vừa lòng hay không vừa lòng. Việc đưa giai cấp công nhân vào vị trí giai cấp lãnh đạo trong xã hội mới là một việc làm chỉ mang tính đạo đức, làm nức lòng số đông đang công phẫn nên có sức mạnh tập hợp to lớn trong thời kỳ đầu, nhưng không theo quy luật nên sẽ tự phát sinh mâu thuẫn trong những giai đoạn sau.

Nhiều người nhận xét rằng càng về sau việc thực thi chủ nghĩa Mác càng có xu hướng không đúng với những tinh thần nguyên lý ban đầu của Mác và chiều hướng của những sai lệch dường như có tính lôgic, tính quy luật.

Thực tế cũng bộc lộ một nhận thức sai lệch của nhiều người hiểu tinh thần chính của chữ ' cách mạng' là ở ý nghĩa lật đổ , lật đổ người giàu lấy của chia cho người nghèo như các anh hùng hảo hán ngày xưa vẫn làm. Đây là biểu hiện chủ nghĩa bình quân của nông dân. Chủ nghĩa bình quân gắn chặt với tư tưởng lật đổ. Khi mình chưa có thì muốn lật đổ để cào bằng, cào bằng được rồi lại muốn mình giàu hơn người khác, lật đổ vua nhưng rồi mình lại thành vua. Chủ nghĩa Cộng sản giương ngọn cờ Công Nông không thể nào tránh được vết xe đó.

Muốn làm giảm tận gốc bất công xã hội và tăng hạnh phúc của nhân dân thì sự công bằng phải đặt trên cơ sở nâng cao cả nền sản xuất của xã hội. Động tác chính của 'Cách mạng' là động tác nâng cao chứ không phải động tác cào bằng. Cào bằng là động tác của bạo lực, nâng cao là động tác của tri thức khoa học, của năng lực tổ chức sản xuất và tổ chức xã hội. Chúng ta đấu tranh cho công bằng chứ không chấp nhận sự cào bằng vì cào bằng làm cho xã hội thấp đi và tạo ra sự bất công mới khốc liệt hơn. Kiểm điểm lại, nếu ta mới chỉ đạt 'những thắng lợi to lớn' trong những việc mang tính lật đổ và cào bằng mà chưa có những thắng lợi to lớn trong việc nâng cao một cách vững chắc thì thực chất là chưa có 'cách mạng' ! Cách mạng xã hội không đồng nghĩa với cướp chính quyền, cũng không đồng nghĩa với giải phóng dân tộc ... mặc dù tất cả những hình thức đấu tranh chống áp bức, đòi công bằng xã hội (trong đó có những cuộc đấu tranh giai cấp) đều rất cần thiết, và còn luôn luôn cần thiết trong xã hội loài người, đều là những biểu hiện của đấu tranh sinh tồn, đều có giá trị riêng của nó và có liên quan mật thiết với nhau.

Giai cấp bị trị trong xã hội cũ không thể trở thành giai cấp thống trị trong xã hội mới vì bản thân giai cấp bị trị không thể tiêu biểu cho trình độ tiên tiến nhất của tri thức con người thời ấy. Chính vì thế mà khi muốn đưa giai cấp công nhân thành giai cấp lãnh đạo Mác đã phải đặt ra một điều kiện rằng đó phải là giai cấp công nhân đại công nghiệp để có thể tiêu biểu cho nền sản xuất hiện đại để công nhân đồng thời là trí thức. Nhưng thử nhìn vào các nước tư bản đã có nền đại công nghiệp hiện nay thì ta thấy tầng lớp tiêu biểu cho khoa học, cho tri thức tiên tiến của các nước ấy không thể nào lại là công nhân của các nước ấy được, mặc dù trình độ công nhân của họ cao hơn của các nước khác rất nhiều. Xã hội càng phát triển thì sự chuyên hóa giữa công nhân và trí thức lại càng cần thiết, và hình như khi trình độ của những công nhân ấy được nâng cao lên (như ở Hoa kỳ, Nhật bản ...) thì họ lại giảm đấu tranh đi, tức là giảm sự "giác ngộ giai cấp" , tức là giảm khả năng trở thành lãnh đạo cách mạng , tức là càng đi ngược lại điều kiện ước mong của Mác! Như vậy chính yêu cầu của Mác đề ra cũng còn bất cập , huống chi những người Cộng sản Nga và Đông Âu thì lại bất chấp cả yêu cầu tối thiểu ấy , chủ trương làm 'cách mạng' ngay trong khi giai cấp công nhân nước mình còn cách rất xa yêu cầu của Mác. Chưa kể trường hợp mà sự lãnh đạo thực chất còn nằm trong quỹ đạo nông dân thì đương nhiên còn tai hại hơn.

Phải chăng do ý thức được cái lỗ hổng này mà Lênin đã yêu cầu người cộng sản phải cấp tốc trau giồi tri thức, và tự Lênin đã nêu một tấm gương về sử dụng trí thức , kể cả trí thức của chế độ cũ. Lênin nói : "Chỉ có đem toàn bộ kho tri thức của nhân loại để làm giàu cho bộ óc của mình, chúng ta mới có thể trở thành người cộng sản". Cái định nghĩa tuyệt vời về người cộng sản ấy có thể coi chính là định nghĩa về người trí thức, tức là chất Cộng sản và chất Trí thức phải trùng làm một ! Nếu mọi đảng viên cộng sản đều được kết nạp trên tinh thần ấy của Lênin thì đảng Cộng sản chính là đảng của trí thức -trí thức cách mạng !
Nhưng trong thực tế thì lời giáo huấn ấy có thể thực hiện được không ?

Xin kể ra đây một tình trạng có thật và khá phổ biến : "Chúng tôi là những con em công nhân và nông dân. Nếu chúng tôi chỉ học khoảng hết cấp 1 và ở lại địa phương sản xuất thì với lòng hăng say mà chúng tôi vốn có, dám chắc rằng chúng tôi đã thành đảng viên từ lâu rồi. Nhưng chúng tôi lại ham học. Sau mấy chục năm được nhà trường xã hội chủ nghĩa trau dồi bao nhiêu tri thức về khoa học tự nhiên, về triết học Mác-Lê, vềchính trị ... thì bây giờ các chi bộ lại không còn coi chúng tôi là thành phần công nông gần đảng nữa mà chuyển thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản bấp bênh ! Trở thành kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư ... thì lại xa đảng hơn lúc chưa đi học ! ..." .Nghĩa là trên thực tế thì chất Đảng ngược chiều với chất trí thức !

Đó là điều 'nghịch lý'.

Nhưng ' nghịch lý' này lại là nguyên nhân của một loạt các 'nghịch lý' tiếp theo.

Kết quả trực tiếp nhất và cũng cơ bản nhất là sản xuất không phát triển, sản phẩm hàng hóa ít, đời sống khó khăn. Đời sống tinh thần cũng bị hạ thấp do phải lùi bước trước những nhu cầu sinh tồn tối thiểu. Tính kém hiệu quả của tổ chức xã hội đã gây nên cái điều rất 'vô lý' (thực ra chẳng có gì là vô lý cả) là muốn xây dựng một hệ thống phát triển nhất trong lịch sử loài người thì lại thu được một hệ thống không phát triển, thậm chí chống lại sự phát triển.

Con người một khi không đủ tri thức để có điều kiện huy động sự thông minh và tính kiên quyết để tính cái lợi xa thì nó huy động sự thông minh và tính kiên quyết để tính cái lợi gần. Không tăng được sản xuất để gia tăng của cải chung của xã hội thì 'cải tiến' cách phân phối để chiếm được phần hơn trong cái tổng số còn ít ỏi. Sự ưu tiên đặc biệt này gắn chặt với chức quyền. Vì lợi mà phải chiếm quyền (vẫn từ cái gốc duy lợi mà ra) ! Có chức có quyền thì có lợi ! Người ta xô nhau chiếm chức quyền làm cho bộ máy chính quyền vốn đã ít hiệu quả lại cứ phình to ra mãi. Sự bao cấp đến mức thành đặc quyền đặc lợi cứ chất mãi gánh nặng lên vai nhà nước, lên vai nhân dân. Đến mức không chịu nổi nữa thì nhà nước buộc phải 'chống bao cấp' nhưng lại buông khỏi tay mình những bộ phận vốn cần được bao cấp chu đáo để phục vụ những nhu cấu công ích và chiến lược lâu dài. Điều ấu trĩ này làm cho nhà nước yếu đi, nhà nước yếu đi thì không còn chủ động điều khiển được sự chống bao cấp. Nạn bao cấp không thực sự mất đi mà tồn tại một cách không chính thức thì lại càng nguy hiểm hơn, nó mang tính bao cấp trá hình, bao cấp nhưng lại pha màu tự do cạnh tranh và chộp giựt.

" Giảm biên chế" là một nhu cầu sống còn nhưng nếu tiến hành giảm biên chế trong điều kiện cán bộ khung chưa được trong sạch từ trên xuống (mà điều này thì không thể thực hiện được) và ở bên dưới thì quần chúng không được thực sự làm chủ thì mỗi đợt giảm biên chế càng tạo điều kiện để những con ký sinh trùng bám chặt thêm vào ruột nhà nước mà sinh đẻ thêm và đẩy những người trung thực ra rìa, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng 'tư hữu hóa' cả cơ quan nhà nước.

Khi người chỉ huy không đủ tri thức để điều hành công việc và thuyết phục quần chúng thì họ bị giằng co giữa hai động cơ : một mặt rất muốn dùng những người trí thức, một mặt lại sợ trí thức. Để có thể che giấu sự kém cỏi của mình, để được yên thân tọa hưởng giữa nơi mập mờ bùng nhùng họ không dám thực sự nâng cao dân trí, không dám cho dân phát triển dân chủ, tự do. Ánh sáng trí tuệ đối với họ lúc này lại là điều bất lợi (và cái châm ngôn "kết hợp chân lý khoa học với lợi ích của giai cấp" lúc này chỉ còn là khẩu hiệu trên giấy thôi, chân lý khoa học không được tôn trọng đã đành, mà lợi ích cũng không còn là lợi ích của giai cấp).

Có ham muốn, có quyết tâm mà thiếu tri thức thì ắt sa vào vòng duy ý chí. Người chỉ huy sẽ trở thành kẻ độc tài dù tự giác hay không tự giác. Càng bất lực trước quy luật càng phải ngụy biện và áp đặt. Vì thế mà xuất hiện cái điều tưởng như rất vô lý là muốn xây dựng một hệ thống giàu Nhân tính nhất thì lại thu được một hệ thống mâu thuẫn với quyền Con người. Chúng ta không quên rằng Mác và Lênin đã từng phê phán kịch liệt thứ 'xã hội chủ nghĩa kiểu trại lính' , kiểu này là sản phẩm chung của mọi thứ 'xã hội chủ nghĩa không tưởng' (!).

Việc xây dựng Chuyên chính vô sản như các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta đã làm ắt phải dẫn đến sự SÙNG BÁI CÁ NHÂN. Tại sao vậy ?

Từ trước tới nay con người bao giờ cũng coi giá trị Nhân đạo là giá trị cao nhất, là thước đo cao nhất, thước đo cuối cùng. Nhưng đùng một cái xuất hiện và lưu hành luận điểm rằng : "Không có sự nhân đạo chung chung ! Trong xã hội có giai cấp thì sự nhân đạo cũng mang tính giai cấp (!). Vì thế, trước hết phải trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân là giai cấp tiêu biểu cho thời đại nên lợi ích của giai cấp này cũng phù hợp với lợi ích chân chính của các giai cấp khác." Thế là tính Nhân đạo được thay thế bằng tính Giai cấp. Cái giá trị tinh thần cao quý nhất mà con người bao đời đã dùng để dạy bảo nhau sống cho nên người bỗng bị đảo chính rất gọn để thay bằng một giá trị được gọi là mới, là cao hơn, nhưng chưa qua thử thách của lịch sử (và ngay về phương pháp luận nó đã tỏ ra không ổn, lấy cái riêng thôn tính cái chung). Nhưng ngay cả sự đề cao giai cấp công nhân ở đây cũng chỉ là sự nhân danh một cách hình thức, vì vấn đề không dừng ở chỗ này. Giai cấp phải được đại diện bởi ' đội tiên phong ' của mình là Đảng , tính Giai cấp được nâng thành tính Đảng. Đảng theo nguyên tắc 'tập trung dân chủ ' ( mà điều quái lạ là trong thực tiễn thì tính dân chủ cứ thường xuyên bị vi phạm , còn tính tập trung thì bất khả vi phạm ). Đảng 'tập trung ' vào Trung ương Đảng, Trung ương Đảng ' tập trung ' vào Bộ Chính trị ... và cuối cùng ' tập trung ' vào một người nắm quyền cao nhất . Ai chống lại người này thực tế sẽ dễ dàng bị qui là chống Trung ương, chống Trung ương sẽ bị qui là chống Đảng, chống Đảng qui thành chống giai cấp , mà chống đúng vào cái giai cấp ' tiêu biểu ' của thời đại và của dân tộc thì hiển nhiên là chống dân tộc , hoặc chống cả nhân loại rồi còn gì ! Rốt cuộc, tình cảm thiêng liêng đối với dân tộc hay đối với toàn nhân loại lại được đo một cách đơn giản bằng sự trung thành đối với một con người cụ thể. Chuyện Stalin, Mao trạch Đông ... dễ dàng qui nhiều đồng chí của mình trong Bộ Chính trị thành ' phản động ' đã chẳng là những ví dụ điển hình đó sao ?

Vì thế mà tồn tại cái điều rất ' vô lý ' (?) là muốn xây dựng một hệ thống đặc trưng bởi tính tập thể, tính thế giới đại đồng, tính toàn nhân loại, lại thu được một hệ thống rất dễ nảy sinh chủ nghĩa cá nhân cực đoan , ngược với tính Nhân loại.

Tiến hóa cũng là quá trình trong đó tính NHÂN từng bước lấn dần tính THÚ. Khi yếu tố NHÂN không được phát huy thì yếu tố THÚ sẽ vùng dậy. Biết bao vụ án đau lòng là biểu hiện lộng phát của thú tính. Con người dùng bạo lực để thống trị nhau, lấy việc hành hạ người khác làm điều thích thú, sinh sống bằng cách chiếm đoạt những giá trị có sẵn chứ không sáng tạo ...

Con người là một 'sinh vật xã hội' nên sự phát triển tính NHÂN cũng đồng thời là sự phát triển tính XÃ HỘI, tính có tổ chức của nó. Tính XÃ HỘI là một biểu hiện cao của NHÂN TÍNH, còn chủ nghĩa QUÂN PHIỆT , CHUYÊN CHÍNH vô sản hay mọi thứ chuyên chính và mọi biểu hiện mất dân chủ về bản chất là di chứng của thú tính , nên hai thứ đó phải được xem là đối lập nhau như nước với lửa , chứ tại sao lại dùng CHUYÊN CHÍNH để thực hiện một chủ nghĩa mang tính ' XÃ HỘI ' ?

Chúng ta có trong tay mình một xã hội không theo ý muốn, thậm chí lộn ngược ; lộn ngược so với ý đồ thiết kế, lộn ngược so với cái tự nhiên, trong đó không có cái gì được ở đúng vị trí của nó cả ( tức là một hệ thống có khuyết tật cấu trúc) nên cứ người nọ thì phải làm việc của người kia.

Vì thế mà không một quy luật chính thống nào của tự nhiên cũng như của xã hội có thể phát huy được tác dụng. Ví như trong một vùng 'phản vật chất ' thì những quy luật của thế giới vật chất thông thường không còn tác dụng vậy. Trong một ' không gian phản quy luật ' thì những nghịch lý sẽ hoạt động : cái tinh thua cái thô, cái trật tự thua cái lộn xộn, cái tích cực thua cái tiêu cực, cái đạo đức thua cái vô liêm sỉ ... và con người đi giật lùi !

Có phải rằng bấy lâu nay chúng ta lúng túng muốn cắt nghĩa cho mình mà không sao cắt nghĩa được ? Vì, hiện thực xã hội tuy có thế thật nhưng lý tưởng của chúng ta thì không thể nóo là không cao đẹp. Vì, thực tế khách quan tuy có thế thật nhưng chủ quan thì ai muốn như thế ? Vì, hiện nay tuy có thế thật, nhưng trước đây đâu có như thế ? Vì, tuy có những kẻ đồi bại thật nhưng còn bao tấm gương tuyệt vời trong sáng thì sao ? Vì, tạm thời tuy có thế thật nhưng rồi xã hội vẫn phải tiến lên chứ ? ... Vâng , đúng như vậy, không có gì là bế tắc cả. Khi chúng ta đã gỡ được cái điểm nút cuối cùng trong mớ bòng bong ấy thì mọi điều rắc rối trái ngược đều được giải đáp thích đáng, trọn lý vẹn tình. Có tách bạch được tận gốc cái sai mới bảo vệ được các giá trị chân chính. Còn các lời giải nửa chừng thì tạm thời có thể dễ dung hòa nhưng rồi sẽ lại tiếp tục bế tắc.

Chỉ cần chúng ta thực sự phục thiện. Nhưng chúng ta sẽ thực sự là những người bế tắc nếu chúng ta cố thủ. Một bên là lý thuyết tốt đẹp, một bên là thực tế không chấp nhận được. Chúng ta bị nhốt ở giữa, lúng túng đối phó, mà bức tường hai bên cứ khép dần lại dưới sức ép của nhu cầu đổi mới.

Xuất phát từ lương tâm trong sáng, nhiều người bảo thủ trước đây nay đã dũng cảm tự phản bác mình để thành một ' chiến sĩ ' trong mặt trận ' Đổi mới ' . Nhưng nhiều người cố thủ thì đối phó với thực tiễn bằng cách CHIẾM HỮU CHỨC QUYỀN cho chắc, miệng thì NÓI DỐI, tìm mọi cách để NGỤY BIỆN, NGỤY TRANG.
Chiếm hữu quyền lực là biến tướng của chế độ chiếm hữu, nó khôn ngoan và triệt để hơn nhiều so với chiếm hữu trực tiếp tư liệu sản xuất.

Còn muốn dung hòa giữa hai thứ không thể dung hòa là là lý tưởng cứ tốt đẹp và thực tế cứ xấu thì có cách gì khác mà không phải nói dối, ngụy trang ? Ngụy trang và chống ngụy trang là cục diện đặc biệt của những cuộc đấu tranh chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa ... ngày nay. Những tính cách vốn là ưu điểm như nhân hậu, chín chắn, có quan điểm lịch sử, biết chờ đợi nhau, có thái độ thực tế, biết thích nghi ... nhiều khi lại được sử dụng một cách rất bệnh hoạn để che đậy những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa cơ hội như : thái độ bạc nhược, quay mặt đi một cách vô trách nhiệm, ngậm miệng ăn tiền, trì hoãn, thậm chí độc ác, lì lợm, cố thủ ... Một bộ phận của giới trí thức bị phân hóa đã rời khỏi sự duy lý chân thực mà đứng hẳn sang phía duy lợi cực đoan (như vậy thì về thực chất họ không còn là trí thức) đã góp phần rất đắc lực vào sự nói dối, ngụy biện này. Trong bức tranh chung về sự tha hóa, cái bệnh nói dối cứ như con bạch tuộc ôm ghì lấy toàn xã hội, chẳng để cho ai thoáy ra.

Nhưng không, nhất định chúng ta phải thoát ra !

Tất cả những điều đã trình bày ở trên có thể ' sơ đồ hóa ' bằng một sơ đồ dưới đây. Xin theo rõi sơ đồ theo thứ tự đánh số, theo chiều những mũi tên; gốc mũi tên chỉ nguyên nhân, đầu mũi tên chỉ kết quả. (xem sơ đồ).

Sau cùng, nhìn bao quát toàn sơ đồ để thấy một điều mấu chốt là dùng phương tiện (ô sồ 2) không thích đáng thì không tới được mục đích (ô số 1).
Ta tưởng tượng như có anh lái xe nọ phải đến một miền rất xa để kiếm lương thực về cho mọi người trong đó có anh ta. Nhưng chúng ta lại trao cho anh ta một phương tiện quá đặc biệt, một chiếc xe mà trên đó có đủ lương thực đến mức anh ta ăn cả đời không hết, thì chỉ cần đi một quãng là anh ta bắt đầu thay đổi ý định (sự thay đổi tất yếu mà chúng ta gọi là thoái hóa biến chất) : cứ ngồi lì trên xe mà tọa hưởng, chứ dại gì xông pha mưa gió đến nơi xa xôi nọ ! Dẫu có đến nơi thì cái phần mà anh sẽ được chia chắc gì đã bằng cái phần mà anh đang có sờ sờ trên chiếc xe này ? Thế là anh lái xe biến luôn cái PHƯƠNG TIỆN chung kia thành MỤC ĐÍCH. Anh ta 'đến đích' một mình, đến 'thiên đường' rất sớm, còn mọi người thì chẳng ai được 'xơ múi' gì cả. Khi chiếc xe chỉ nổ máy, chữa máy giữa đường mà không đi nữa thì người lái xe đâu cần phải biết lái xe ! Cái anh ta cần biết bây giờ là kỹ thuật gây ảo giác và làm tê liệt khả năng phản ứng của mọi người.

Ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì cứu nước mưu hạnh phúc cho dân là mục đích. Chủ nghĩa Mác-Lênin được bác coi là "con đường", tức là phương tiện giúp dân ta đi đến đích đó. Nhưng rồi dần dần lại phát sinh cái tín ngưỡng "dâng tất cả để tôn thờ Chủ nghĩa" (!). Lạ như vậy đấy, 'chủ nghĩa ' với tư cách là con đường, là phương tiện thì nó là cái để ta dùng chứ sao lại là cái để ta "thờ" ? Động cơ ấy lúc đầu hẳn là do ta thành tâm và ấu trĩ quá đó thôi ... Nhưng dù do gì đi nữa thì hậu quả nguy hiểm vẫn là ở chỗ : Khi cái phương tiện đã thành cái mục đích thì tự nhiên cái mục đích (ở đây là dân tộc) phải đổi chỗ để thành cái phương tiện (!). Như trong câu chuyện khôi hài ngày trước : khi đôi giày đã được đánh bóng và kẹp bên nách thì đôi bàn chân phải thay đôi giày mà đương đầu với gai góc. Lúc vấp ngã, chân tóe máu ra, ai cũng tưởng phen này anh ta phải tỉnh ngộ, bỏ giày xuống mà đi vào chân. Nào ngờ đây chính là dịp để anh ta 'tự hào' về sự thông minh của mình, rằng nếu anh không 'kiên định' thì cú vấp vừa rồi hẳn đã làm sứt mất đôi giày quý. Nghe chuyện khôi hài mà ứa nước mắt ! Nhưng anh ta có cái ' lý ' của anh ta đấy vì đối với anh ta thì cái để anh hy vọng trở nên sang trọng chính là đôi giày bóng, chứ đâu phải đôi chân ! Cố giữ lấy đôi giày cũng phải !

Đã có một thời, và thời đó còn tiếp đến ngày nay, chúng ta muốn giương ngọn cờ giai cấp làm tấm hộ chiếu quá cảnh , vượt qua mọi biên giới dân tộc để thống nhất toàn thế giới. Nhưng thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ rằng ý muốn ấy chỉ là chủ quan (nên chăng giương ngọn cờ dân tộc để khắc phục dần mâu thuẫn giai cấp !) . Có một quy luật đã được chiêm nghiệm là nếu thống nhất với nhau chủ yếu bằng tiếng gọi của ' lợi quyền ' thì trước sau gì cũng lại chia ly chính do lợi quyền. Chỉ có một thứ thực sự là của chung của nhân loại, không thể chiếm hữu, không thể độc quyền, một thứ mà ngày nay cứ xuất hiện ở đâu là được quốc tế hóa ngay, đó là trí tuệ, là khoa học, là sự phát hiện những quy luật khách quan. Cái tài sản chung quý báu này luôn được đổi mới, bổ sung. Còn nói về ' chủ nghĩa ' thì đủ sức ôm cả cái loài người bất diệt có lẽ chỉ có và chỉ cần một chủ nghĩa, cái chủ nghĩa chẳng có gì mới nhưng bất diệt mà ta rất nên ' tôn thờ ' , là CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO ! Mọi ' chủ nghĩa ' khác chẳng qua chỉ là những hệ phương pháp ứng xử để ta sử dụng linh hoạt trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà thôi !

Có hành động đúng theo quy luật thì mọi việc mới ' xuôi ' được. Hiện tượng ' xã hội lộn ngược ' với những nghịch lý đã nói trên chỉ có thể giải thích rằng ngay từ những điểm xuất phát chúng ta đã nghĩ và làm không đúng với những quy luật khách quan nên càng về sau càng chịu sự chóng trả quyết liệt của quy luật. Muốn " làm chủ" như chúng ta thường nói , trước hết phải ' làm chủ ' được các quy luật. Muốn vậy, con người trước hết phải có sự học hành đầy đủ để tiếp thu những tri thức đã có của nhân loại, phải được suy nghĩ hoàn toàn tự do, và đặc biệt phải biết lấy thực tiễn để kiểm chứng mọi điều đã nghĩ, kể cả những điều mà một thời những tưởng đã ' đóng đanh ' vào lịch sử. Chính Mác đã khuyên mọi người " Hãy hoài nghi tất cả !". Thật là nhân cách một nhà khoa học lớn ! Chính Mác đã nêu tấm gương về sự tự hoài nghi, tự ' xét lại ' mình thì đương nhiên Mác không thể chấp nhận danh hiệu Mácxít cho những ai muốn biến Mác thành một thần tượng bất khả xâm phạm, để quy tội "xét lại" cho tất cả những ai không chịu răm rắp nghe theo mình ! Một khi chính Mác đã không chấp nhận để mọi người coi mình là thần tượng thì còn "học trò" nào của Mác được phép chấp nhận điều đó ? Từ khi Mác mất đến nay hơn một thế kỷ, con người lớn lên như vũ bão, khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi hẳn bộ mặt loài người, kỹ thuật tin học ngày càng gắn cả loài người thành một chỉnh thể. Nếu chúng ta không nhìn nhận xã hội và lịch sử tinh tường hơn thời kỳ của Mác thì sao xứng đáng là những lớp con cháu của Mác ? Việc nhìn nhận lại một số điểm trong học thuyết của Mác không làm giảm đi sự tôn kính của ta đối với Mác, trái lại ta có thể tự hào đã có Mác là một người khổng lồ nhân từ cho ta được đứng lên vai.

Nhưng "hoài nghi" mới là điều kiện "cần", chưa phải điều kiện "đủ" ! Hoài nghi có thể dẫn đúng hơn , cũng có thể dẫn đến sai hơn. Nếu lấy cớ ' hoài nghi ' Mác để "bổ sung", để "nâng cao", thậm chí để ... "cứu học thuyết Mác khỏi rơi vào sự tầm thường" (Lênin) , mà đưa thêm vào những quan điểm thiếu khoa học, thiếu thực tế, đầy ý chí chủ quan của mình thì lại càng tai hại hơn.

Vấn đề đặt ra quá lớn, tầm suy nghĩ của một người lại quá nhỏ, khuôn khổ một bài viết lại càng nhỏ hơn, thiếu sót là điều không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ sẽ không phải là vô ích nếu chúng ta chân thành, nếu chúng ta nói thật. Nhiều người nói thật sẽ dần đến sự thật. Điều quan trọng là tìm được cái gốc của những sai lầm. Tuy từ đó đến chỗ xác định được cách đi đúng đắn cũng không dễ dàng ( và việc này không phải là nội dung đề cập của bài viết này), nhưng khi cái gốc của sai lầm đã được phơi bày thì cái hướng đúng cũng tự nhiên đã ló ra rồi.

Alexandr Bovin, nhà phân tích chính trị của tờ Izvestia (Liên xô), sau khi nói rõ quan điểm "kiên quyết chối bỏ loại xã hội chủ nghĩa quan liêu, thiếu thốn triền miên, xuống cấp những giá trị đạo đức, thay tự do bằng sự trấn áp dốt nát ..." đã nêu ý kiến về cách sửa chữa là : " Tất cả các đoạn trên con dấu toán học cần phải đổi ngược lại !". (Tuần tin THANH NIÊN 8-8-1988).

Và nếu như trên trang giấy đã đổi ngược các dấu toán học thì trtên đường đi lẽ nào không phải quay ngược các tấm biển chỉ đường ?

Nhân loại, như lịch sử đã từng chứng minh, rốt cuộc vẫn dắt tay nhau, đi chung trên một con đường, con đường tiến hóa, thênh thang,dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ !

Ngày 2 tháng 9 năm1988
Tú Xuân HÀ SĨ PHU
Địa chỉ : PTS Nguyễn Xuân Tụ
4E Bùi thị Xuân, Đà lạt.

Nơi gửi :
- Bạn bè, những người hiểu biết, quan tâm và có trách nhiệm để xin ý kiến trao đổi
- Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ

Lời chú thích:

" DẮT TAY NHAU " TRONG MỘT CUỘC TRANH LUẬN KỲ LẠ
Sau khi báo Nhân dân (ngày 25&26/7/1990), báo Quân đội nhân dân (ngày 9 & 10/7/1990) và báo Tuổi trẻ (ngày 30/6 & 5/7/1990) đăng bài của các tác giả Thuận Thành và Lưu văn Kiền phê phán bài " Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ " (một bài chưa được đăng ở đâu cả), nhiều dồng chí cán bộ và sĩ quan quân đội biết, đã yêu cầu tôi cho mượn bài viết ấy để tham khảo, đối chiếu. Vì chưa có báo nào đăng nên tôi đành sao bài này ra một số bản để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và đối thoại (như tác giả Thuận Thành đã đề xuất) của một số bạn bè đồng thời là độc giả của các báo nói trên. Nếu tính đến giữa năm 1991 thì tổng số các bài và các tài liệu phê phán bài " Dắt tay nhau..." đã vượt quá con số ba mươi !.

Có lẽ chưa có cuộc tranh luận nào kỳ lạ như cuộc ' tranh luận ' quanh bài " Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí tuệ " của tôi (mặc dù trong đó nghĩ mười mới viết được một ). Suốt nột năm rưỡi trời các giáo sư triết học, các nhà chính trị, tuyên huấn ... của Viện Triết, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ban Văn hóa tư tưởng trung ương, báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân ... đã viết liền mấy chục bài và sách, tập trung phê phán một bài tiểu luận mà bài này chỉ được chuyền tay chứ không được phép in ở đâu cả. Mấy chục võ sĩ ra sân khấu, đấu rất sôi nổi với một ' địch thủ ' chỉ được phép ở bên trong hậu trường. Trong cuốn "Nêu cao tính chiến đấu, chống mọi hoạt động phá hoại về tư tưởng " , ban Văn hóa tư tưởng trung ương đã dành hầu hết các trang để chỉ trích những nội dung được trích một cách rời rạc từ bài "Dắt tay nhau ...". Thậm chí trong cuốn "Giới thiệu Dự thảo Cương lĩnh của Đại hội VII ", ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng cũng đề cập tới bài đó như một ví dụ cụ thể duy nhất làm đối trọng ! Có tác giả đã gọi tôi là " kẻ phát ngôn trong bóng tối" , " cao ngạo hơn cả Duhring", có tác giả dọa sẽ có biện pháp đối xử với tôi một cách "đúng mực" , "theo như yêu cầu đòi hỏi của quy luật đấu tranh giai cấp" (!). Và thực tế thì bài "Dắt tay nhau ..." đã không phải không gây phiền phức cho tôi và nhà văn Dương Thu Hương trong những ngày được ' tiếp kiến ' Bộ Nội vụ !

Đấy là mặt không vui.Nhưng câu chuyện lại có mặt vui của nó. Bài ấy tôi viết hai năm trước khi có những sự cố ở Đông Âu và Liên xô, thực tiễn thế giới sau đó đã chứng thực cho dự đoán của tôi, các "tấm biển chỉ đường" lớn nhỏ đã được quay ngược lại hết. Việc Đại hội VII lấy "Trí tuệ" làm khẩu hiệu hàng đầu (mặc dù ngay trước đó nhiều nhà lý luận vẫn còn khẳng định rằng chủ nghĩa Mác Lêchính là Trí tuệ tối cao của nhân loại rồi, nói Trí tuệ nữa là thừa !) và không nói đến "Chuyên chính Vô sản" nữa thì điều ấy thực sự đã phù hợp với nội dung chính trong bài viết của tôi. Tôi lấy làm vui lắm, và tin rằng những nội dung khác của bài viết cũng sẽ chuyển rất nhanh từ trạng thái gây dị ứng, phải chống đến cùng, sang trạng thái mặc nhiên tự tại - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" !

Là người làm công tác khoa học, dốt về chính trị, tôi chỉ nói những điều về nhận thức khoa học, những vấn đề có tính nguyên lý. Trong khoa học tự nhiên, Mác ' duy vật ' và ' biện chứng ' bao nhiêu thì khi vận dụng vào xã hội Mác lại ' duy tâm ' và ' siêu hình ' bấy nhiêu. Ai có thể phủ định chủ nghĩa Mác nếu không phải là phần này của tư tưởng Mác đã tự xung đột với phần kia của tư tưởng Mác ! Nhà duy vật biện chứng trứ danh trong khoa học ấy lại đồng thời là đại biểu cuối cùng và đặc sắc nhất của trào lưu " xã hội chủ nghĩa không tưởng" mà ông đã kịch liệt phê phán và kế thừa.

Nhân loại đã phải trả giá cho sự ' không tưởng ' của mình và hôm nay đã vượt được qua nó , đó là một điều vĩ đại. Nhưng, vượt lên trên những máu và nước mắt, cuối cùng thì -nói theo cách hóm hỉnh của Mác- nhân loại vẫn muốn "từ giã quá khứ của mình một cách vui vẻ". Chỉ có điều là trong màn hài kịch lớn này, lịch sử sẽ chọn ai làm tên lính hề cuối cùng rút lui khỏi sân khấu ? ..

Tháng 2 năm 1993
Hà Sĩ Phu

Nguồn: Thư viện Hà Sĩ Phu

🔝