Vượt qua Việt
Vận động dân chủ
Thuận theo thời mà phát triển
  ||   A   A   A   A  

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam

Mục lục  Trang chính

03/04/2021 - baotiengdan

Anh Hoài Nam

Mai Quốc Ấn
3-4-2021

Phóng viên Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Ở cái xứ “văn mình, vợ người” này, phàm là người cầm bút ít ai nể trọng ai thực sự. Kể cả là nể miệng chứ nói chi nể trọng trong lòng.

Tôi nể trọng anh Hoài Nam – cựu phóng viên Thanh Niên và Pháp luật Tp.HCM!

Nếu có nhà báo “khoe” đề tài nào đó sẽ đạt giải quốc gia dù… chưa đăng, Hoài Nam là một trong vài cái tên nói điều đó kiểu… đương nhiên nó thế. Và tôi tin! Đúng là sau mấy lần khoe, anh đều có giải cả.

Mà ảnh giỏi thiệt! Điều tra nhập vai đều, nhiều, ra được sản phẩm gây chấn động như Hoài Nam ở nước mình hình như chưa ai bằng. Ngay cả phóng sự hồ sơ Hoài Nam cũng giỏi. Nói về phóng sự hồ sơ mà “nhặt kim cương” trong một văn bản lướt qua tưởng vô thưởng vô phạt thì ở Việt Nam có một người nữa giỏi như anh. Người đó tôi cũng rất nể phục!

Có nhiều người không ưa Hoài Nam. Thậm chí rất rất không ưa. Vì Hoài Nam giỏi và vì cả Hoài Nam thẳng. Thẳng đến mức đúng như câu anh từng nói với tôi: “Anh đúng nên anh đ*o sợ bố con thằng nào!”

Một tờ báo Đảng đã viết bài “Phóng viên Hoài Nam – Mang “lửa nghề” sưởi ấm cuộc sống!”. Tôi nhớ trong bài đó có nói Hoài Nam như là khắc tinh của tham nhũng, tiêu cực.

Tự nhiên nhớ cái lần Hoài Nam qua phòng trọ nhỏ của tôi uống rượu. Rồi cũng nhớ cái lần tôi chạy xe qua nhà ảnh uống rượu. Hoài Nam tửu lượng dở ẹc nhưng ngồi uống rượu lấy chuyện điều tra Hoài Nam kể làm “mồi” thì thật thú vị vô cùng.

Có nhiều người khuyên đừng chơi với Hoài Nam. Tôi vẫn chơi. Dù anh em gặp nhau cực ít, nhưng sự nể trọng tôi dành cho Hoài Nam giờ còn nguyên đó.

“Răng cứng nên gãy, lưỡi mềm mà còn”. Đó có thể là cách ngôn của nhiều người thức thời. Nhưng mai này da thịt tiêu tan, trước khi xương cốt rồi cũng thành bụi đất. Chỉ thấy hàm răng hãy còn chứ lưỡi có còn đâu?

Ở cái xứ “văn mình, vợ người” này, phàm là người cầm bút; nếu không nói được một câu chua xót cho nghề, cảm thương cho người; thì cũng đừng nên thêm máu vào trong câu chữ khi thấy người gặp nạn.

Đọc cách đưa tin của các tờ báo, cách viết caption của một số nhà báo; có thể thấy rất nhiều điều phía sau đó…

Có một phóng sự tên Lửa nghề từng có tên Hoài Nam bên cạnh những nhà báo điều tra lẫy lừng khác. Và như tờ báo Đảng từng đưa bài “Phóng viên Hoài Nam – Mang “lửa nghề” sưởi ấm cuộc sống!”; vậy thì cuộc sống sẽ lạnh lẽo hơn, nghề báo cũng sẽ nguội đi nhiều vì vắng những người giỏi và thẳng như Hoài Nam.

P/s: Hồi Hoài Nam khoe với tôi cái phóng sự về rau tưới nhớt với giấy chứng nhận rau VietGap được bán như… rau. Thấy cái ảnh này còn trêu ảnh: “Douma! Vừa già, vừa xấu nên nhập vai chở rau hợp nè!”

Đầu trang

04/04/2021 - voatiengviet

Việt Nam bắt giữ nhà báo chuyên điều tra tham nhũng Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam, gần đây nhất là phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, gây chú ý với loạt phóng sự điều tra vào năm 2018 với loạt phóng sự điều tra nghi vấn “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. (Facebook Nguyễn Hoài Nam)

Một nhà báo chuyên điều tra tham nhũng bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ ngày thứ Bảy sau khi ông đăng những cáo buộc hành vi sai trái nhắm vào các quan chức điều tra hàng đầu của Bộ Công an trên mạng xã hội, truyền thông trong nước đưa tin.

Đây là vụ bắt giữ mới nhất nhắm vào các nhà báo chính thống lẫn độc lập ở Việt Nam trong khi nước này tăng cường trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ và các nhà lãnh đạo.

Các bản tin dẫn các nguồn không xác định danh tính cho biết ông Nguyễn Hoài Nam, gần đây nhất là phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt tạm giam và khởi tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” một cáo buộc thường được đưa ra trong các vụ việc tương tự.

Ông Nam sẽ bị tạm giam ba tháng trong một quyết định đã được Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê chuẩn, theo báo Công an nhân dân. Báo này nói thông tin sơ khởi cho biết ông đã sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng tải những thông tin được cho là không đúng sự thật, vu khống một số cá nhân.

Ông Nam từng gây chú ý vào năm 2018 với loạt phóng sự điều tra nghi vấn “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phản ánh sự dàn xếp chia chác giữa cơ quan này với những công ty trúng thầu thi công những công trình mà cơ quan này làm chủ đầu tư. Ba quan chức lãnh đạo tại cơ quan này sau đó bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn.”

Không dừng lại ở đó, ông quyết liệt theo sát vụ án và trở thành một nhà hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, tích cực cung cấp những thứ mà ông nói là bằng chứng cho nhà chức trách. Ông còn gửi đơn đề nghị khởi tố những người mà ông nói là đối tượng đưa hối lộ bị “bỏ lọt” và cáo buộc các lãnh đạo điều tra của Bộ Công an “có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.”

Trên các trang Facebook cá nhân, ông công bố những hình ảnh chụp các đơn từ và biên bản làm việc với nhà chức trách về các cáo buộc của mình. Một hình ảnh chụp giấy mời của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đề ngày 22 tháng 2 năm 2021 cho thấy ông được yêu cầu đến văn phòng của cơ quan để trả lời về “hành vi vu khống,” điều mà ông bác bỏ.

Một bài đăng trên Facebook vào đầu năm khẳng định quyết tâm của ông không thỏa hiệp với những hành vi mà ông xem là sai trái, lập luận rằng không tố giác tội phạm là một tội theo luật hình sự.

“Nếu đã lên tiếng mà cơ quan hay cá nhân nào không cầu thị lắng nghe, vẫn bảo kê cho sai phạm, lúc đó tôi mới phải cương quyết đấu tranh,” ông viết. “Và tôi đã cương quyết thì không có gì cản trở được, bởi điều 390 Bộ luật hình sự đang chờ.”

Ông Nam là nhà báo mới nhất với xuất thân từ một cơ quan truyền thông chính thống bị bắt giam về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.” Trước đó trong tháng Hai, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại, bị công an tỉnh Quảng Trị bắt giam về những bài viết trên Facebook bị nói là bôi nhọ lãnh đạo.

Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước có tự do báo chí kém nhất thế giới, xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).

Đầu trang