Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Vận động Dân chủ
Thuận theo thời mà phát triển

Vụ án Đồng Tâm (1)

Đọc báo mạng

Mục lục  Trang chính

Apr 16, 2021 - nguoi-viet

Tô Ân Xô, người quy chụp ông Lê Đình Kình, được thăng hàm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An CSVN, được thăng hàm từ thiếu tướng lên trung tướng công an. Ông Xô từng gây “tiếng vang” khi quy chụp ông Lê Đình Kình là “cường hào địa chủ mới.”

Theo tờ Công An Nhân Dân hôm 16 Tháng Tư, việc thăng hàm cho ông Xô “là sự ghi nhận, đánh giá cao của đảng, nhà nước và nhân dân” đối với ông này.

Ông Tô Ân Xô (phải) nhận quyết định thăng hàm trung tướng. (Hình: Công An Nhân Dân)

Ở vai trò người đại diện Bộ Công An, ông Xô được ghi nhận có những phát ngôn gây tranh cãi và cả những câu trả lời “đề huề” như khi được phóng viên hỏi về các vụ nóng như tin đồn bắt bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương.

Trong số đó, lần gây tranh cãi gay gắt nhất là ông Xô được báo Chính Phủ dẫn phát ngôn về vụ án “chống đối ở Đồng Tâm” hồi Tháng Chín, 2020: “…Sự nổi lên của đối tượng [người] cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại cường hào địa chủ mới, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước.”

Trước ông Xô, một loạt thuộc cấp của ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, cũng được lên lon trong những tháng qua.

Hồi trung tuần Tháng Giêng, theo báo VNExpress, Thứ Trưởng Công An Nguyễn Văn Sơn được thăng cấp bậc hàm thượng tướng, trong lúc sáu sĩ quan cao cấp khác được thăng trung tướng, thiếu tướng.

Trước đó, hồi Tháng Chín, 2020, Bộ Công An CSVN cũng hào phóng thăng cấp thiếu tướng, trung tướng cho một loạt viên chức của mình, trong đó có ông Trần Quốc Tỏ, trước đó là bí thư Thái Nguyên.

Khi được hỏi về những vụ như tin đồn bắt bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương CSVN, câu trả lời quen thuộc của ông Tô Ân Xô trong vai trò phát ngôn viên là “Bộ Công An chưa có thông tin về vụ…” (Hình: Chính Phủ)

Đáng lưu ý, em trai cố Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang được thăng hàm từ thiếu tướng lên trung tướng chỉ bốn tháng sau khi từ Thái Nguyên về nhận ghế làm phó cho ông Tô Lâm. Ở cương vị mới, ông Tỏ cũng chưa kịp để lại dấu ấn gì ngoài phát ngôn “Các thế lực có nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, đa dạng, thâm độc và xảo quyệt” được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn.

Ngoài chuyện thăng hàm cho giới chức Bộ Công An, một loạt giám đốc, phó giám đốc công an các tỉnh thành cũng được lên lon. Hầu hết trong số họ chưa có thành tích gì nổi bật và chỉ mới được cất nhắc hoặc thuyên chuyển vào vị trí lãnh đạo công an các địa phương. (N.H.K) [qd]

Đầu trang

27/03/2021 - baotiengdan

Cuối cùng thì bà Kình cũng gặp được các con trai bà!

Nguyễn Thị Duyên
27-3-2021

Bà Dư Thị Thành, quả phụ ông Lê Đình Kình. Ảnh: FB tác giả

Ngày 26/03/2021, gia đình họ Lê chúng cháu lại tiếp tục hành trình tìm người.

Giữa nhiều thông tin xác định vị trí khác nhau thì Bà Thành vẫn quyết định vào trại số 2 Thường Tín để tìm các con trai mình sau hàng năm trời xa cách…

Trên đường đi con gái đầu lòng nhà cháu (Kiến Con) lại thốt lên một câu khiến mấy người lớn phải suy ngẫm, nó lại bảo: “Lát nữa gặp ông nội cấm ai được khóc nhè trước mặt ông nhé!”

Cả nhà chỉ lặng và đợi chờ chiếc xe di chuyển thật nhanh tới trại giam số 2 tìm bố Lê Đình Công.

Cuối cùng thì cũng được bật tín hiệu là bố Công đang ở đây và nhà cháu được xếp thăm gặp vào lúc 14h chiều.

Nhà cháu đi gần cả chục người bao gồm bà và các cô, các con dâu, các cháu của bố Công. Nhưng nhà cháu chỉ được vào 3 người lớn và 4 đứa trẻ con (Bao gồm Vợ – 2 con dâu và 4 đứa cháu), bà Thành không được vào.

Chờ đợi một lúc thì bố Công cũng bước ra từ cánh cửa sau tấm kính… Hình ảnh đầu tiên chúng cháu nhìn thấy là 2 tay – 2 chân bị cùm, một cán bộ trẻ dìu bố ra với thái độ lễ phép.

Nhìn thấy đám trẻ con là ông nội chúng khóc liền.

Nhấc điện thoại lên câu đầu tiên Ông nói: “Ông thương nhớ con cháu vô cùng, các con phải nuôi nấng chúng nên người nhé. Lúc nào bố cũng nhớ các cháu của bố.”

Trấn an tinh thần bố một lát thì bắt đầu những câu chuyện.

– Bố oan hoàn toàn, bố Không hề giết người. Nhưng nếu phải chết, bố cũng không bao giờ hối tiếc về những gì bố tranh đấu bao năm qua.

– Mẹ động viên bố hãy kiên cường: Em ở nhà buôn bán, được cả làng thương ủng hộ, nên anh cứ yên tâm về cuộc sống của 3 mẹ con em, anh hãy luôn nhớ rằng 3 bố con anh không giết người, kẻ giết người là kẻ tội đồ khác…

Bố chỉ gật đầu, khóc và kêu oan! Lúc này Kiến Con (cháu gái nội) nghe phone và nói:

– Ông nội ơi, đừng khóc nữa, Kiến thương nhớ ông, ông không khóc thì tuần sau Kiến lại vào chơi với ông.

Các cháu cứ hồn nhiên thay nhau giằng co cái phone để nói “Nhớ Ông Nội”.

Đến cái thằng cu con nhà cháu Kiến Hưng cũng đứng lên bàn gọi “Ông ê… Ông ê…”

Nói chung để bố Lê Đình Công rơi nước mắt thì cảm xúc chỉ vì dồn nén thương mấy đứa cháu nội nheo nhóc ở nhà mà thôi, chứ dù bản án thế nào thì bố cũng kiên định từ đầu đến cuối mà, “Cái án tử không dập tắt được ý chí của anh em họ Lê Đình”.

Đến lượt con được nói chuyện với bố thì con lúc nào cũng mong bố có ý chí tích cực, cho dù ở môi trường nào. Bố chỉ cần sống khoẻ, có niềm tin vào cuộc sống, cứ tin rằng bố sẽ được trở về… “giống vụ án của anh Hồ Duy Hải, Toà tuyên y án tử hình nhưng anh ấy vẫn sống lạc quan suốt hơn chục năm nay trong phòng biệt giam, anh ấy có niềm tin rằng sẽ có một ngày anh được minh oan!”

Cái chết của cụ Kình đã làm thức tỉnh hàng triệu con tim những người có lương tri, bởi vậy, bố nên mừng vì thật nhiều người trên đất nước này đã ngộ ra đâu là lẽ phải, khi quan sát toàn bộ vụ án Đồng Tâm. Những kẻ trực tiếp, gián tiếp truy sát gia đình nhà ta dần dần đã phải chịu quả báo nặng nề.

Bố chỉ gật đầu và nói: Riêng vấn đề tâm linh thì bố hoàn toàn tin tưởng, bố không làm gì có lỗi nên bố không cảm thấy áy náy lương tâm chút nào trong suốt quá trình biệt giam.

Con hỏi bố: Tại sao tiền lưu ký mẹ con con gửi cho bố lại không được chi tiêu trong việc gì? Con lo quá, đó là câu hỏi con nhắn luật sư vào hỏi bố rất nhiều lần.

Bố trả lời trong nước mắt: Bố sợ mẹ con con ở nhà bị đè nén và bị tước hết mọi quyền tự do khiến công việc làm ăn gặp khó khăn, nên bố không dám chi tiêu tiền con ạ.

Thời gian gặp bố chỉ vỏn vẹn 15 phút, thật chóng vánh quá khi gia đình mình còn nhiều điều muốn nói với nhau.

Vội chào nhau qua lớp kính, ông nội hôn tụi nhỏ, chạm tay vào kính nơi mẹ đặt bàn tay…

Chú Lê Đình Chức được xếp thăm gặp vào cuối buổi chiều, khi chú bước ra từ cánh cửa, điều mà mọi người không ngờ được là chú lại cực kỳ tỉnh táo khi nhìn thấy vợ, các con và các chị gái. (Tất nhiên bà Thành không được vào vì lý do không có chứng minh nhân dân, mặc dù bà đã nói do vụ tấn công của chính quyền đã cướp hết giấy tờ đất đai cùng giấy tờ tuỳ thân của bà – Bà là mẹ ruột của chú Chức).

Mọi người oà lên khóc khi nhìn thấy chú bước ra, nhưng chú lại là người động viên và xoa dịu nỗi đau của gia đình mình. Chú xua tay báo hiệu không cần khóc lóc – không cần đau khổ.

Trong trại chú tự đòi quyền con người khi bị thiệt thòi, chú còn nói đồ ăn, đồ uống không hợp vệ sinh hay chú đăng ký mua gì mà không được mua chú đều yêu cầu gặp ban giám thị.

Chú nói với các chị gái chú:

– Em hát hò suốt ngày, chị không phải lo đâu. Lúc vui em hát, lúc buồn em chửi. Ở nhà cố gắng động viên bà khoẻ mạnh giúp em.

Lúc này nhà cháu ôm ngực bà Thành bên ngoài nhìn con trai qua lớp cửa và hàng rào người che chắn. Nhìn con trai loáng thoáng nhưng tim bà đập loạn nhịp, thở dài thương xót.

Thỉnh thoảng chú lại liếc mắt lên nhìn về hướng cửa để nhìn bà một cái rồi lại tiếp tục chuyện trò với vợ, các con và các chị.

Một cán bộ ra ngoài nhắc nhở, yêu cầu bà Thành và cháu ngồi xuống ghế chờ chứ không được đứng sát vào cửa để nhìn vào trong như vậy.

Gần về những phút cuối, do quá phẫn nộ, gia đình yêu cầu cho bà Thành vào nói chuyện với chú Chức mấy câu vì dù gì bà cũng là mẹ đẻ của chú, được chấp nhận yêu cầu thì bà mới được vào bên trong nhấc phone và nói chuyện với chú qua lớp kính.

Bà Thành cũng thật can đảm khi ngay từ nhà bà đã dặn dò các con cháu không được khóc để bố Công và chú Chức yên lòng!

Kết thúc giờ thăm gặp, chú đứng lên, bước đi tập tễnh nhưng lại đi hàng đầu cùng các phạm nhân khoẻ mạnh khác đi sâu vào buồng giam.

Nhìn từ xa, người đàn ông cao gầy, bị lõm một bên sọ não nhưng vẫn hiên ngang bước đi tập tễnh rất nhanh khiến người ta liên tưởng đến những anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, bất khuất oai vệ từ ý chí đến hành động mạnh mẽ khi gặp người thân sau bao ngày cách xa.

Buổi thăm gặp 2 án tử nhà họ Lê Đình kết thúc vừa chóng vánh vừa yên ả: Chóng vánh vì thời gian chờ đợi rất lâu nhưng khi gặp thì chỉ được vài phút. Yên ả vì tưởng người kết án tử sẽ sợ hãi trước cái chết, nhưng họ lại chẳng hề hối tiếc vì những gì đã tranh đấu, khiến cả thế giới rung động con tim.

Soán ngôi thủ lĩnh làng Kình… bà Thành bây giờ là tân thủ lĩnh mới. Từ ngày ông mất, bà tự nhiên minh mẫn và bình tĩnh lạ kỳ. Không những không khóc lóc đau khổ, mà bà còn động viên cả nhà phải kiên cường, tự hào vì gia đình đã hy sinh không hối tiếc cho dân làng.

Bố Công và chú Chức nhà cháu nhắn lời cảm ơn tới những tấm lòng của người dân cả nước,các luật sư dũng cảm, những nhân sĩ trí thức, các báo đài trong và ngoài nước đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tư duy khách quan, quan tâm, lên tiếng bảo vệ đến vụ án Đồng Tâm, đặc biệt là 2 án tử hình vô nhân tính, dành cho 2 anh em Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Hy vọng rằng, xã hội này dù không thay đổi được bản chất thì sẽ thức tỉnh được lương tri của hàng triệu người dân cả nước, không cần phải bị cưỡng chế hay bị thiệt hại gì mà tự đánh thức được mới là điều cả thế hệ mai sau cần…

Đầu trang

19/03/2021 - voatiengviet

Nhân vụ Đồng Tâm: Tùy tiện giết, tha và nhân tâm, dân ý?

Tang lễ ông Lê Đình Kình ngày 13 tháng Giêng, 2020.

Trân Văn

Tuy hệ thống tư pháp Việt Nam đã hoàn tất thủ tục phúc thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (trước nay vẫn được gọi tắt là “vụ án Đồng Tâm”) từ đầu tuần trước nhưng đến tuần này, công chúng vẫn còn thảo luận về bản án phúc thẩm (giữ nguyên hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên: Tử hình ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Phạt tù chung thân ông Lê Đình Doanh. Phạt ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, bà Bùi Thị Nổi 6 năm tù) và pháp chế XHCN…

Đã có rất nhiều người đề cập đến “vụ án Đồng Tâm”, trong đó có một số người đã dụng rất nhiều công để phân tích cả về vụ án lẫn chứng minh Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án sơ thẩm không những phi lý mà còn vô đạo – hệ thống tư pháp không ngần ngại ngụy tạo, ngụy biện để giết cho bằng được, giam cho bằng được các lương dân. Trong số các nhà phân tích này có ông Hoàng Xuân Phú (Giáo sư – Tiến sĩ Toán, Viện sĩ một số Viện Hàn lâm Khoa học của Đức và thế giới, từng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Các nước đang phát triển của Liên đoàn Toán học Thế giới,…).

Ông Phú không chỉ đọc – phân tích các dữ kiện, tài liệu mà còn đến tận hiện trường, thử thực nghiệm và công bố hàng loạt bản ảnh nhằm chứng minh: Bản án sơ thẩm bất chấp cả sự thật lẫn pháp luật. Tòa án đã nhân danh công lý để chà đạp công lý. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã sử dụng hệ thống tư pháp để biến vụ án Đồng Tâm thành một thông điệp: Nếu dám làm trái ý đấng cầm quyền, cho dù hành động hợp pháp và chính đáng đến đâu đi nữa thì cũng bị trừng trị thẳng tay. Và khi ra tay, thế lực cầm quyền bất chấp tất cả. Bất chấp đạo lý. Bất chấp lẽ phải. Bất chấp sự thật. Bất chấp cả Hiến pháp và pháp luật của chính nhà nước này (1)

***

Phiên xử phúc thẩm của một vụ án liên quan tới tính mạng của hai con người và cuộc đời của bốn người khác, thậm chí sẽ tác động vào tương lai của nhiều gia đình, gia tộc đã diễn ra hết sức chóng vánh – chưa đầy hai ngày! Thành ra có rất nhiều facebooker, blogger như Lập Quyền Dân gọi cách xử lý hình sự vụ tranh chấp đất giữa nông dân với chính quyền ở Đồng Tâm là “vụ lừa thế kỷ”. Ở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mớm, dụ các bị cáo nhận tội. Ở đó, hệ thống tư pháp XHCN chứng tỏ giới cầm quyền bạo ngược, tàn ác hơn cả thực dân, phong kiến. Những kẻ thiết kế “vụ án Đồng Tâm” còn thâm hiểm hơn cả Tào Tháo (2)

Về tính chất, phán quyết phúc thẩm là chung thẩm nhưng bản án phúc thẩm “vụ án Đồng Tâm” vẫn không thể đóng lại vụ án. Ông Ngô Anh Tuấn – một trong những luật sư bào chữa cho sáu người kháng cáo bản án sơ thẩm vừa kể thêm về những… động thái lạ sau khi Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên án: Tòa tuyên án ngày 9/3/2021 và sáng 17/3/2021, các luật sư tại TP.HCM – tốc độ nhanh khác thường. Có tin hai bị cáo bị phạt tử hình đã được chuyển từ Trại giam số 2 lên Trại giam số 1 (Hoả Lò) - động thái đáng lưu tâm vì có thể hai bị cáo đã không viết đơn xin tha tội chết. Theo thông tin từ gia đình cụ Kình, sau phiên xử phúc thẩm, hai công an xã đã đến nhà ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức thuyết phục gia đình viết đơn xin tha tội chết nhưng cụ bà Dư Thị Thành giận dữ quát “Chết trẻ khỏe ma, gia đình tao không viết”.

Ông Tuấn kể thêm: Các luật sư từng bào chữa cho các bị án đã bàn với nhau cử người vào trại giam, tư vấn cho họ viết đơn xin ân giảm vì mong muốn thân chủ của họ có cơ hội được sống và tiếp tục hành trình kêu oan nhưng đó là điều không thể thực hiện được vì vai trò của luật sư gần như bằng “0”. Nếu không có sự chấp thuận của cơ quan thi hành án thì không thể thăm – gặp thân chủTrong vụ này, chúng tôi rất lo lắng cho cả hai phía, cả người dân lẫn chính quyền. Chết đi là hết, nếu sau này bản án được lật lại và xem là oan, cơ hội sửa sai không còn… Đó sẽ là nỗi day dứt khôn nguôi của những người tuyên án dù lỗi không chỉ thuộc về riêng họ. Cùng với đó là ba sinh mạng, ba cha con trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Dù nguyên nhân phát xuất từ tranh chấp nguồn gốc đất đai hay bất kỳ nguyên nhân nào khác, nó vẫn là nỗi đau tột cùng với người ở lại.

Theo cảm nhận của Ngô Anh Tuấn thì sự phẫn uất đang ngấm vào máu thịt của nhiều người, hận thù không chấm dứt mà ngấm ngầm sinh sôi. Điều khó tránh khỏi đó cũng chính là “tử huyệt” mà không một chính quyền nào mong muốn nó tồn tại cả. Cũng vì vậy, Tuấn hy vọng: Những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ nhìn thẳng vào sự thật và có cách ứng xử phù hợp. Đừng dồn dân tới bước đường cùng để rồi sau đó có lúc rơi nước mắt, thốt ra những lời “giá như” muộn màng, giống như đã từng diễn ra trong quá khứ (3)...

***

Nếu đọc những bài ông Hoàng Xuân Phú viết về “vụ án Đồng Tâm” trên website của ông, ai cũng có thể thấy ông Phú đã dành nhiều tháng để xem xét dữ liệu, tài liệu, khảo sát hiện trường, đối chiếu – phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định trong từng bài viết (4). Đáng lưu ý là càng dụng tâm và dụng công, niềm tin, hy vọng của ông vào hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam càng hao mòn. Ở bài gần nhất (Giải mã vụ Đồng Tâm), cả niềm tin lẫn hy vọng của ông Phú – một trong những trí thức hàng đầu tại Việt Nam – đã cạn sạch. Ông tâm sự: Tôi vẫn viết thêm bài này. Không phải để tranh luận với thế lực bất chấp tất cả. Mà viết cho đồng bào tôi đọc, cho đồng bào tôi hiểu. Bởi cái mà đồng bào tôi đang rất cần và rất đói là sự thật. Đặc biệt, những người có lương tri trong đảng cầm quyền càng cần hiểu đúng cái sự thật phũ phàng của tội ác Đồng Tâm, và giúp các đồng chí của họ cùng hiểu ra sự thật. Chỉ khi đã hiểu đúng sự thật, thì mỗi người mới có thể tự mình trả lời câu hỏi: Ta phải làm gì?

Những facebooker, blogger khác cũng vậy. Cũng vì vậy, nhiều người chia sẻ, tán thành nhận định của blogger Lập Quyền Dân: Thắng dân chỉ là ảo tưởng… Ác mấy cũng không thể thắng được dân… Lịch sử sẽ bàn tiếp câu chuyện đau thương mang tên Đồng Tâm theo cách của nó, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những lời cáo trạng “bỏ túi” dùng để khép tội 29 nông dân dám chống lại một nhà nước độc tài và toàn trị như chính quyền Nguyễn Phú Trọng.

Chú thích

(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=GiaiMaVuDongTam-20210307

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-cruelty-cant-kill-people-03102021104658.html

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10218564754221304&id=1569759542

(4) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings

Đầu trang

Lập Quyền Dân 2021-03-10 - rfa

Đồng Tâm: Ác mấy cũng không thắng được dân!

Bà Bùi Thị Nối tại phiên toà phúc thẩm ở Hà Nội hôm 8/3/2021. TTXVN

Vậy là thêm “một vụ lừa thế kỷ”. Viện Kiểm sát mớm cung cho các bị cáo nhận tội, đừng kháng cáo! Nếu bị cáo kêu oan thì các luật sư sẽ khai thác được nhiều tình tiết hơn để khẳng định thân chủ bị oan. Nếu chỉ xin giảm nhẹ, tức là nhận tội thì luật sư không giúp được nhiều. Các luật sư ngây thơ, tin toà còn chút nhân tính, nhưng hoá ra tất cả đều bị lừa. Một bản án phi nhân và bất công! Một vụ án thách thức lương tri và làm đau lòng nhiều người!! Vụ án đánh vào nông dân giữ đất – Vụ án oan của các dân oan!!! Đến giờ này nhiều người vẫn chưa hiểu: Chính quyền truy sát cả ba thế hệ của một đảng viên 84 năm tuổi đời, 56 năm tuổi đảng nhằm mục đích gì? Đe nẹt ai?

Ác hơn cả thực dân phong kiến

Thật ra, câu trả lời được bà Bùi Thị Nối (con gái nuôi của Cụ Kình) “ném thẳng” vào mặt Chủ toạ phiên toà bằng những câu hỏi: “Đảng có giết đảng không?” “Tại sao có luật pháp mà không thi hành?”. Bà lặp đi lặp lại câu hỏi ấy đến những 5 lần tại phiên toà. Luật sư Đặng Đình Mạnh tối 8/3 đã kể về cái tư thế hiên ngang của người phụ nữ có dáng vẻ lam lũ đứng lên chất vấn Hội đồng xét xử. Thật là những câu hỏi đanh thép, cho dù chữ nghĩa của bà không đủ giúp bà tự viết một lá đơn kháng cáo mà phải nhờ vào bạn tù tạm giam. Nhưng chất vấn của bà Bùi Thị Nội hoàn toàn rơi vào thinh không. Chính bà mới là người xử án…

“Mối hận sẽ đi vào thiên sử” – Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án, viết trên Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái ấy. “Những vi phạm về thủ tục tố tụng một cách rõ ràng và nghiêm trọng cùng những điểm mờ của vụ án vẫn bỏ ngỏ, đáng nói nhất là nghi vấn về nguyên nhân tử vong của ba viên sỹ quan cảnh sát, cùng hiện trường vụ án vẫn không được làm rõ, ‘Kế hoạch 419A’ của Công an thành phố Hà Nội vẫn nằm trong vòng bí mật…” – Nhận xét của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc với RFA ngày 9/3 ngay khi phiên phúc thẩm kết thúc, sớm một ngày so với dự kiến.

Hai ông Lê Đình Chức (trái) và Lê Đình Công bị y án tử hình tại phiên toà phúc thẩm xử 6 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 9/3/2021

Đi vào thiên sử và nhắc lại lịch sử để thấy cộng sản ngày nay còn vượt xa cả thời thực dân phong kiến về sự tàn ác và bất lương. Hà Nội xử vụ Đồng Tâm làm nhiều người nhớ lại vụ “Đồng Nọc Nạng” thời Đông dương thuộc Pháp, một vụ án nổi tiếng khắp “Nam Kỳ lục tỉnh” vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước. Công tố viên người Pháp đã buộc tội những kẻ đến cướp đất của một gia đình nông dân và kết quả là Toà hầu như tha bổng gia đình bị can. Chủ nghĩa thực dân đã đưa ra một bản án không thể nào công bằng và nhân ái hơn và để lại cho Việt Nam một di tích lịch sử cấp quốc gia ở tỉnh Bạc Liêu!

Những người “thiết kế” ra vụ Đồng Tâm ngày nay thậm chí còn vượt xa cả Tào Thào bên Tàu, một miền đất khét tiếng là nơi có nhiều kẻ mưu sâu kế hiểm. Ngày xưa, đầu của quan coi lương Vương Hậu bị Tào Tháo “mượn” để tránh lòng quân sinh biến. Còn ngày nay, thời của CHXHCN Việt Nam, đầu của đảng viên cộng sản Lê Đình Kình cũng bị “mượn” để ngăn lòng dân nổi cơn oán giận. Cả hai giống nhau ở chỗ, Vương Hậu và Cụ Kình đều vô tội.

Nhưng lại khác xa nhau ở cấp độ cái ác. Trước khi bị chặt đầu, Vương Hậu còn được Tào Tháo giải thích: “Ta mượn đầu ngươi để dẹp yên lòng quân sỹ” và “ta cũng biết nhà ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì quân sỹ sinh biến. Sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta sẽ nuôi, ngươi đừng lo”. Với Cụ Kình thì hoàn toàn ngược lại, trước khi bị giết, Cụ còn bị chính các đồng chí của Cụ xỉ vả, tra tấn và chết rồi mà vẫn bị phanh thây, moi gan ruột. Gia đình Cụ còn bị bồi thêm hai án tử hình, một chung thân, y án 112 năm tù dành cho các con cháu và người thân.

Theo GS-TSKH Hoàng Xuân Phú, Viện sỹ thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học & Nhân văn Heidelberg và Viện hàn lâm Khoa học (Đức), Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ Ba (TWAS), chính quyền Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp ở Đồng Tâm một cách êm thấm. Nhưng ở đây, sự cố đã được tận dụng như một cơ hội hiếm hoi. Cơ hội để khuếch trương sức mạnh của bạo lực chuyên chính, nhằm dằn mặt toàn dân! Cơ hội để thực tập tấn công trấn áp người dân trên quy mô lớn! “Vâng, không còn phải đóng giả như diễn tập, tất cả đều hết sức thực. Tấn công thực, đàn áp thực, bắt bớ thực và giết người cũng rất thực”.

Nhưng thắng dân chỉ là ảo tưởng

Vụ Đồng Tâm thật ra chẳng có gì phải điều tra, bởi các phạm nhân ở đây đã tự thú một cách trâng tráo, nhằm đe dọa và trấn áp nhân dân, bằng cách sau khi hành hạ và bắn chết cụ Kình, họ còn mang thi hài của Cụ đi phanh thây rồi khâu lại để đặt vào chỗ đã gây án. Thật là vượt khả năng tưởng tượng. Dã man hơn cả loài cầm thú!. Nhà văn Tạ Duy Anh đã gửi một lời nhắn trực tiếp đến Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc rằng, một chính quyền lấy dân làm gốc sẽ không hành xử như những gì đã xảy ra tại Đồng Tâm, và các ông phải chịu trách nhiệm chính. Lời bài hát “Lửa đã cháy và máu đã đổ” nhằm khích lệ người dân chiến đấu chống giặc Tầu xâm lược năm xưa, ai ngờ lại hiển hiện không thể sinh động hơn ở chính nơi có thể coi là biểu tượng của tinh thần ái quốc.

Nhà văn Tạ Duy Anh cảnh báo: Chính quyền của Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm muốn thông qua vụ Đồng Tâm, với việc huy động hàng ngàn quân để sau đó triệt hạ gần như toàn bộ gia đình ông Lê Đình Kình, gửi đi một thông điệp “máu và sắt” tới toàn thể người dân Việt Nam. Nhưng các vị đang gửi đi một thông điệp sai lầm và nguy hiểm! Cho chính quý vị và tất nhiên, cho cả tương lai của đất nước này. Các vị chớ quên rằng, dù vĩ đại ngang với trời đất thật đi nữa, thì đảng của các vị cũng chui ra từ những cái háng của Nhân dân. Các vị không thể chiến thắng được Nhân dân!

Những kẻ thực thi tội ác trong vụ Đồng Tâm khiến chúng ta nhớ đến tên sỹ quan cận vệ SS của Hitler trong Thế chiến thứ 2, được mô tả trong tác phẩm “Eichmann ở Jerusalem – Ký sự pháp đình: Một phóng sự về sự tầm thường của Cái Ác” (Hanah Arendt, NXB Tri thức, 2020). Eichmann đã tham gia vào việc đầu độc hàng triệu dân Do thái ở Auschwitz và bị kết tội diệt chủng ở tòa án Nurenberg năm 1945. Sau đó hắn chạy trốn sang Argentina và bị Biệt động Israel bắt cóc mang về Jerusalem xử tội diệt chủng người Do thái vào năm 1960.

Tại tòa hắn vênh váo, dương dương tự đắc, coi cái ác giết người hàng loạt là việc quá tầm thường, hắn chỉ mẫn cán thi hành mệnh lệnh cấp trên. Hắn không phải là hiện thân của lòng căm hờn hoặc rồ dại, cũng không phải là cơn khát máu khôn nguôi, mà là cái gì đó còn tồi tệ hơn nhiều: bản chất phi nhân tính của chính cái ác bên trong một hệ thống đóng kín điều khiển, nhằm triệt phá không phải chỉ thân xác, mà chủ yếu là tinh thần của các nạn nhân do chúng chọn ra.

Khi nhận Huân chương và Bằng khen của chính phủ, các chiến binh CAND “có công” trong “Sự thật Đồng Tâm” đã trở thành hiện thân của Eichmann ở thời đại Hồ Chí Minh. Suy cho cùng điều này cũng không đáng ngạc nhiên lắm, nếu nhớ rằng tất cả chúng ta đã từng hát vang trong những giờ phút nghiêm trang nhất lời ca sát khí đằng đằng “thề phanh thây uống máu quân thù”. Trong “Sự thật Đồng Tâm”, CAND Hà Nội đã đổ cái sát khí đằng đằng ấy lên đầu lên cổ đồng bào mình. Đau xót thay!

Thưa bà Bùi Thị Nối kính mến, đảng không giết đảng một cách tràn lan. Đảng chỉ giết Đảng khi đảng viên nào đấy thách thức quyền lực của Đảng, trong những thời điểm được chọn lọc theo lệnh của quan thầy hay khi xung đột lợi ích lên đến đỉnh điểm (Như vụ Yên Bái chẳng hạn). Từ Cách mạng Vườn chuối cho tới tiêu diệt Quốc dân đảng, từ Cải cách Ruộng đất cho tới vụ “Chống đảng” của những đảng viên xuất sắc nhưng bị gán cho tội là đi theo đường lối xét lại hiện đại của Liên Xô… Lịch sử sẽ bàn tiếp câu chuyện đau thương mang tên Đồng Tâm theo cách của nó, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những lời cáo trạng “bỏ túi” dùng để khép tội 29 nông dân dám chống lại một nhà nước độc tài và toàn trị như chính quyền Nguyễn Phú Trọng.

Tin, bài liên quan

Đầu trang

26/02/2020 - baotiengdan

Nhân 49 ngày mất cụ Lê Đình Kình: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”!

Mạc Văn Trang
26-2-2020

Nhân 49 ngày mất của cụ LÊ ĐÌNH KÌNH, mấy người bạn bè chúng tôi hẹn nhau về thắp hương, viếng Cụ, nhưng rồi không đi được! Ba người trong nhóm bị công an chặn cửa không cho ra ngoài; cậu lái xe chả biết nghe tin từ đâu, bảo, hôm nay đi không an toàn!…

Cái chế độ gì mà kỳ lạ thế này? Ai phạm tội thì cứ truy tố, xét xử đúng trình tự, thủ tục pháp lý; Tòa chưa tuyên án, thì vẫn chưa có tội… Sao cứ mập mờ, dọa nạt, ngăn cản vô lối kỳ quặc vậy?

Nhớ lại, đêm mồng 8 rạng ngày 9/1/2020, giáp Tết Canh Tý, lực lượng công an vũ trang đem 3000 quân tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; cụ Kình đang ngủ trên giường, ở nhà mình thì bị lực lượng công an xông vào giết hại, cướp của, cướp xác mang đi, mổ bụng phanh thây! Cụ đang là công dân 84 tuổi đời, chưa hề có tiền án, tiền sự; lại đang là đảng viên 58 tuổi đảng, chưa hề bị kỷ luật; Cụ là cựu chiến binh, cán bộ lão thành, đủ loại huân, huy chương được chế độ này trao tặng…

Công luận đang đòi hỏi phải truy tố những kẻ đã sát hại cụ Kình dã man một cách vô pháp, vô đạo. Tòa án chưa hề phán xét, mà trên đài, báo, mạng xã hội, những kẻ không có tư cách nhân danh Tòa án, lại được chế độ khuyến khích, tha hồ vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ Cụ với đủ loại ngôn từ hạ đẳng, rác rưởi, y như thời “Cải cách ruộng đất”, “Cách mạng văn hóa” man rợ của Trung cộng từ thế kỷ trước. Quan chức cấp cao, mở mồm ra là nói “xây dựng xã hội Dân chủ, Văn minh”…, nhưng thực tế vụ Đồng Tâm lại khuyến khích phát triển lối hành xử VÔ PHÁP, VÔ ĐẠO!

Như vậy thì bất kỳ công dân nào, đảng viên nào cũng có thể bị công an xông vào nhà, bắn chết ngay trên giường, cướp xác mang đi phanh thây và vu cho đủ thứ tội?

Việc sát hại cụ Lê Đình Kình và chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ Cụ cũng như ngăn cản người dân đưa tang, phúng viếng, thăm hỏi tang quyến Cụ là việc làm phá hoại truyền thống đạo lý của dân tộc ta.

Người mình không quen triết lý như phương Tây: “Không nỗi đau nào của người khác”, hay “Chỉ có súc vật mới ngoảnh mặt trước nỗi đau của đồng loại để liếm láp bộ lông của mình”… Ông bà ta quen ru con bằng những câu ca đi vào tâm hồn người Việt từ thơ bé: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”…, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…; hay răn dạy con cháu: “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, “nghĩa tử là nghĩa tận”…

Cái tình yêu nước, thương nòi đó đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt như bản năng sinh tồn, giúp dân tộc ta phúc cùng hưởng, họa cùng đau, gắn kết với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào, vượt qua muôn trùng khổ ải, tồn tại cho đến ngày nay.

“Vụ Đồng Tâm” đã chia rẽ dân tộc thêm sâu sắc làm hai phía:

– Một bên gồm những người “chỉ biết còn Đảng còn mình”, vơ vét “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” câu kết với các thế lực, thành các nhóm lợi ích, đặt quyền lợi của họ trên Tổ quốc và Nhân dân; họ không từ một mưu hèn, kế bẩn nào để giữ lấy lợi quyền của họ, dù bị nhân dân nguyền rủa: “Hèn với giặc, ác với Dân”…;

– Một bên gồm những người yêu Nước, thương Dân đấu tranh chống lại sự độc tài toàn trị và thứ học thuyết tàn ác phản dân tộc; đòi cho Dân được quyền Tự do, Dân chủ để mưu cầu Hạnh phúc… Họ là những người thuộc mọi giai tầng xã hội, ở mọi hoàn cảnh, có quan điểm chính trị xã hội khác nhau, nhưng vẫn giữ được căn tính dân tộc là yêu nước, thương nòi: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”!

Chính quyền âm mưu nhấn chìm vụ Đồng Tâm bởi pháo hoa tưng bừng “mừng Đảng, mừng Xuân Canh tý” và các lễ hội rùm beng, nhưng Đất – Trời rúng động, nhiều người đã sống ở Hà Nội 70 – 80 năm, chưa bao giờ thấy đêm 30 Tết mà sấm gầm, chớp giật, gió mưa gào thét… như Tết Canh tý sau vụ Đồng Tâm. Họ dùng mọi thủ đoạn để che giấu, xuyên tạc, cản phá… người dân đến với Đồng Tâm, để chia sẻ và tìm ra sự thật, nhưng chỉ càng bộc lộ tâm địa phản lại đạo lý dân tộc, chà đạp lên luật pháp…

Họ tuyên truyền, sau khi dẹp “nhóm khủng bố Lê Đình Kình”, xóm làng bình yên, dân làng tưng bừng phấn khởi đón Tết “mừng Đảng, mừng Xuân”(!). Thế thì làm sao, đến giờ họ vẫn quấy phá những người đến thăm viếng những nạn nhân của thôn Hoành? Sao vẫn phải theo dõi, hăm dọa gia đình cụ Kình?

Tôi đã hỏi chuyện bà con thôn Hoành, có phải Tết vừa rồi làng Hoành hân hoan đón Tết mừng xuân như trên VTV1 tuyên truyền không? Mấy người cho biết, có mấy nhà cán bộ chính quyền họ bắt dân treo cờ, họ đi treo khẩu hiệu và họ đốt pháo hoa, mở đài ca hát ầm ĩ … Còn cả làng buồn đau lắm. Cụ Kình bị giết chết, 27 người bị bắt, bị tra tấn biệt tăm… 28 gia đình đau thương, quan hệ mật thiết với 46 gia đình nội – ngoại, đến anh em ruột thịt, họ hàng cô, dì, chú, bác, cháu chắt…, liên quan đến hàng trăm gia đình hàng nghìn người. Rồi bà con làng trên, xóm dưới, tình nghĩa xóm giềng ngàn đời có nhau… Tất cả cái TÌNH ấy gắn kết lại mới làm nên sức mạnh trường tồn của LÀNG, của NƯỚC Việt ta.

Chính quyền cố tình tuyên tuyền “dân làng Đồng Tâm tưng bừng phấn khởi” là muốn diệt trừ cái tình làng nghĩ xóm vui buồn hoạn nạn có nhau của truyền thống dân tộc ta; muốn người dân cũng “chỉ biết còn đảng còn mình”, nhảy múa, ca hát, đốt pháo ăn mừng “thắng lợi” trên máu và nước mắt của bà con, anh em mình! Họ ngăn chặn không cho đồng bào ở trong và ngoài nước được thương xót, chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân ở Đồng Tâm là muốn diệt trừ truyền thống đồng bào “Máu chảy, ruột mềm”, hoạn nạn có nhau…

Nhưng làm sao cái chủ thuyết “đấu tranh giai cấp”, bất nhân bất nghĩa ngoại lại, lúc nào cũng chia xã hội ra một phe là kẻ thù, cũng đấu tranh “một mất, một còn” có thể hủy diệt được cái căn tính của người việt sống nặng nghĩa tình đồng bào: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”!

Cái đám “chỉ biết còn đảng còn mình” có phải người trong một nước với dân ta không? Vậy sao họ lại lạc loài, xa lạ với những lời Tổ tiên căn dặn: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”!

Đầu trang