Vượt qua Việt
Vận động dân chủ
Thuận theo thời mà phát triển
  ||   A   A   A   A  

Vụ án Hội Nhà Báo độc lập

Mục lục  Trang chính

27 tháng 1 2021 - bbc.com

Nghị sĩ Đức 'bàng hoàng' vì TS Phạm Chí Dũng không kháng án


Nghị sĩ Đức nói ông Phạm Chí Dũng "không tuyên truyền chống nhà nước"

"Hôm nay, tôi bàng hoàng khi nhận tin ông Phạm Chí Dũng không muốn đòi phúc thẩm bản án vô nhân đạo," một nghị sĩ Quốc hội Đức ra thông cáo hôm 26/1, "vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại quốc gia Việt Nam này."

Ông Phạm Chí Dũng, từ Trạm giam Chí Hoà ra tuyên bố hôm ngày 18/1, nói ông "quyết định không kháng cáo".

Ông nói điều này "không có nghĩa là chấp nhận bản án bất công và rất nặng nề" của mình, mà là bởi ông "hiểu rằng đây là một bản án đã định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam".

Đức bảo trợ Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Bà Renate Künast, người đang nhận bảo trợ cho các nhà báo độc lập Việt Nam, nói việc bảo trợ hoàn toàn không phải là chuyện "can thiệp vào tình hình nội bộ".

Trước đó, chính trị gia của "Liên Minh 90 - Đảng Xanh", nghị sĩ Quốc hội Đức (Bundestag) và là Chủ tịch Nhóm Dân biểu Đức về Quan hệ với Khối ASEAN, đã ra thông cáo báo chí ngay sau khi nhận được tin về phiên xử sơ thẩm ở TP Hồ Chí Minh đối với ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, hôm 5/1.

Trường hợp của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người đã bị giới chức bắt tạm giam từ hồi 11/2019, tiêu biểu cho những người có cùng chí hướng với ông - các nhà báo, Facebooker, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam, theo bà Renate Künast.

VIỆT NAM THỜI BÁO - Các ông Phạm Chí Dũng (trái), Nguyễn Tường Thụy (trên, phải) và Lê Hữu Minh Tuấn (dưới, phải) đều bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước CNXHCN Việt Nam

Từ tháng 8/2020, bà Renate Künast đã đứng ra vận động bảo trợ cho ông.

"Theo thỉnh cầu của Tổ chức Nhân quyền Veto và đề nghị của tôi, TS. Phạm Chí Dũng đã được nhận vào chương trình "Dân biểu bảo vệ Dân biểu" (PsP) của Quốc hội CHLB Đức."

"Đức 'không can thiệp tình hình nội bộ' nhưng không làm ngơ vấn đề nhân quyền"

Trả lời câu hỏi của đài BBC vì sao Đức bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng và đây có phải đó là sự "can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam" hay không, bà Kunast nói không thể coi đó là "sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam" như chính quyền Việt Nam thường hay quy kết.

Bà nói tuy nhân dân Việt Nam mới là "những người quyết định thúc đẩy hướng đi của chính trị nước họ, của nền dân chủ nước họ", nhưng bảo vệ nhân quyền là trách nhiệm chung, không phải là chuyện riêng của một quốc gia.

"Trước khi bị bắt, TS. Phạm Chí Dũng đã nhiều lần kêu gọi Nghị viện Châu Âu dứt khoát không chấp thuận Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nếu không có việc trả tự do cho các tù nhân chính trị và cải thiện cụ thể tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Việc ông bị bắt trước khi EVFTA phê chuẩn đã cho thấy rõ mối liên hệ này," bà nói.

"Nhân quyền là quyền phổ quát. Bất kỳ nước nào muốn gia nhập khối, trở thành nước có quan hệ thương mại, giao thương với nước khác, thì về mặt chính trị, đều cần phải đặt ra vấn đề nhân quyền."

"Tự do biểu đạt là một quyền của con người, và do đó, việc các nghị sĩ như chúng tôi quan tâm đến nhân quyền là lẽ đương nhiên."

"Tôi tin rằng chúng ta không thể ký các thỏa thuận thương mại nhưng lại bỏ qua vấn đề nhân quyền. Không có nhân quyền thì không thể có quan hệ thương mại."

"Không thể có chuyện Việt Nam được phép ưu đãi thâm nhập thị trường nội địa về hàng may mặc châu Âu và chúng tôi phải mang trên mình những bộ quần áo "Made in Vietnam" được sản xuất ở nơi các quyền căn căn bản của con người bị xâm phạm."

HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VN - Ông Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt từ ngày 21/11/2019

Quyền tự do biểu đạt trong một xã hội dân chủ

Nữ dân biểu Renate Künast (sinh năm 1955) cho rằng "Tội tuyên truyền chống nhà nước" là một sự quy kết dễ dãi, nhằm ngăn chặn những người phê phán chính phủ.

Quy việc phê phán chính phủ thành một tội là không phù hợp với khuôn khổ của một nhà nước pháp quyền, bà nói.

"Đã xảy ra cả việc bắt cóc người Việt Nam trên đất Đức mang về Việt Nam tù giam rồi đó. Đây là những hành động chúng tôi không thể nhân nhượng."

"Để quyền tự do biểu đạt được thực hiện thì các phóng viên cần phải có quyền đánh giá, đưa tin về các vấn đề chính trị."

"Cho dù mỗi phóng viên là một phần trong hệ thống truyền thông của chính phủ hay đứng ở phía đối lập, thì họ cũng cần có quyền phân tích, phê bình một cách độc lập, không bị nhà nước kiểm soát. Đó là điều bình thường. Đó chính là công tác kiểm tra và duy trì cân bằng trong một nền dân chủ."

FB PHAM CHI DUNG

"Nếu như có ai đó có hành vi phá hủy thứ gì hay làm tổn thương người khác, thì đó là hành vi đi ngược lại nền dân chủ."

"Nhưng việc phân tích, chỉ trích chính là góp phần xây dựng nền dân chủ tốt đẹp hơn, và đó không phải là tuyên truyền chống nhà nước."

Bà Künast, cựu Chủ tịch đảng Xanh - đảng đối lập hàng đầu ở Đức cũng giải thích để phía Việt Nam thay đổi nhận thức, rằng đối lập không phải là "kẻ thù". Bản thân bà cũng là một chính trị gia đối lập luôn có tiếng nói phê phán mạnh mẽ chính phủ Đức trong Quốc hội.

Bảo vệ cho một tù nhân ở Việt Nam nghĩa là gì?

Trước đây ít ngày dân biểu Künast đã thông báo cho Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức về việc bà đang thay mặt nước Đức bảo trợ tiến sĩ Phạm Chí Dũng, và bày tỏ sự lo ngại trước cách đối xử của chính quyền Việt Nam với ông Dũng và các nhà báo khác.

Bà Künast đề nghị có một buổi tiếp xúc trực tiếp với ông Đại sứ Việt Nam.

Qua trung gian là tổ chức Veto, bà Künast và tổ chức của bà giữ liên lạc thường xuyên với gia đình của ông Dũng.

"Chính quyền Việt Nam cần phải biết rằng chúng tôi đang chăm chú quan sát tình hình nhân quyền ở đó, xem xét những gì họ đang làm."

"Phải gây áp lực từ mọi phía." Cùng với các dân biểu khác của Nghị viện châu Âu, bà Künast sẽ kêu gọi Ủy ban EU giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, xúc tiến liên hệ với phía Việt Nam ở cấp cao nhất.

BUNDESTAG.DE

Nhiều nghị sĩ đã cùng ký một bản yêu cầu gửi tới Ủy ban EU, trong đó là sự bày tỏ các quan ngại về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Bà Künast nói: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi không thực hiện một thỏa thuận thương mại với Việt Nam trong khi có nhiều vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng ở đó."

Nữ nghị sĩ Đức cũng sẽ viết thư cho các doanh nghiệp sản xuất tư nhân tại Việt Nam và hỏi xem họ đã và đang làm gì để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

"Bạn phải gây áp lực từ mọi phía và tiếp tục làm những người có trách nhiệm phải căng thẳng. Việt Nam quan tâm đến các cơ sở sản xuất ở đó. Có rất nhiều người cần việc làm. Nhưng điều này phải được thực hiện trong các điều kiện có thể chấp nhận được."

"Phía Đức sẽ thường xuyên lưu ý chính quyền Việt Nam, đề nghị phía việt Nam phải chấm dứt quá trình xét xử và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho các nhà báo này. Chính phủ Việt Nam phải có cảm giác bị giám sát, khi họ nhận được những thông điệp từ chúng tôi. Họ sẽ phải thay đổi."

"Tôi đã viết thư cho Đại sứ Việt Nam tại Đức, và tôi cũng đã viết thư cho Đại sứ Đức tại Việt Nam để yêu cầu ông ấy có hành động tại Việt Nam. Tôi muốn tìm lời giải đáp."

"Mặt khác, tôi có các hoạt động khác nữa. Chẳng hạn như tôi đặt câu hỏi với các quan chức chính phủ tại Đức này, hỏi họ đã và đang làm những gì trong việc buộc những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Sẽ là không ổn khi tổ chức ký kết hiệp định tự do thương mại nhưng lại phớt lờ quyền tự do biểu đạt."

"Việc bảo trợ là một công việc dài hơi. Một mặt là giúp con người cụ thể, cải thiện điều kiện giam giữ và cuối cùng là việc trao trả tự do. Mặt khác, là để cải thiện tình hình pháp quyền trong cả nước."

Theo nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Renate Künast, nội dung chính của sự bảo trợ là thúc đẩy ý tưởng về một nền báo chí tự do, độc lập, các nhà báo tự do, độc lập, những người chỉ cam kết với đạo đức nghề nghiệp của mình, chuyên cần làm báo và không bị áp bức về mặt chính trị.

RENATE-KUENAST.DE

Theo tìm hiểu của BBC, sau vụ kết án ba nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, bà Bärbel Kofler, tuyên bố hôm 05/01/2021, như sau:

"Một lần nữa các nhà hoạt động tại Việt Nam lại bị kết án tù dài hạn vì tranh đấu ôn hòa cho tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng như việc thành lập công đoàn tự do và độc lập..."

"Với việc kết án này, Việt Nam đã vi phạm các công ước quốc tế mà nước này cam kết tuân thủ. Ngay bản Hiến pháp của Việt Nam cũng bảo đảm các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc kết án các công dân vì các hoạt động ôn hòa của họ là không chính đáng."

Sau Brexit, Đức là quốc gia đông dân có ảnh hưởng chính trị hàng đầu tại Liên hiệp châu Âu và chính phủ nước này đang có chiến lược vươn tới vùng châu Á-Thái Bình Dương đồng thời tác động đến quan hệ của các cường quốc như Nga, Trung Quốc.

Tòa án TP Hồ Chí Minh trong tháng 1/2021 đã ra án tù dài hạn cho ba nhà báo tự do với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Phạm Chí Dũng bị mức án 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy 11 năm, và ông Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm.

'Việt Nam Thời báo' do ông Dũng phụ trách đã viết và đăng các "nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam", đồng thời "lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam", theo cáo trạng của tòa án.

Các bài viết của họ là nhằm "bóp méo và phỉ báng chính quyền nhân dân, gây tổn hại đến lợi ích của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam", truyền thông nhà nước viết.

"Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm mà nếu không bị ngăn chặn sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia," Bộ Công an VN nêu quan điểm.

Các nhà quan sát ở châu Âu cho rằng những án tù vừa qua ở VN nặng chưa từng có trong lịch sử nhân loại thời nay, và so sánh với chuyện người liên tục chỉ trích đích danh TT Vladimir Putin là ông Alexiy Navalny chỉ bị tòa án Nga giam 30 ngày sau khi từ Đức điều trị nhiễm độc trở về.

Đầu trang

14/01/2021 - Trọng Thành - rfi.fr

HRW tố cáo chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm quyền công dân

Ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong phiên xử tại tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 05/01/2021. Via REUTERS - VNA

Chính quyền Hà Nội đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội. Đó là nhận định của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trong Báo cáo Thế giới năm 2021 (World Report 2021), công bố hôm qua, 13/01/2021.

Theo báo cáo của Human Rights Watch (HRW), nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ hoặc truy tố ít nhất 24 người, vì vi phạm các tội về an ninh quốc gia được định nghĩa quá rộng và mơ hồ, chẳng hạn như « tuyên truyền » chống Nhà nước, hoặc « lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước ». Ông John Sifton, giám đốc pháp lý của HRW nhận định năm 2020 là « thêm một năm tồi tệ khủng khiếp nữa đối với nhân quyền ở Việt Nam ». Trong suốt năm 2020, công an đã câu lưu nhiều nhà bất đồng chính kiến, và bắt giam nhiều người đã « chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận cơ bản, là nói lên các suy nghĩ của mình ».

Theo giám đốc pháp lý của HRW, « chính quyền Việt Nam đang lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và (việc người dân thực thi) các quyền tự do ». Ông John Sifton kêu gọi « các nhà tài trợ và đối tác thương mại cần công khai bày tỏ quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính quyền và gây áp lực để Việt Nam đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền ».

Việc gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho tự do ngôn luận diễn ra trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13. HRW đặc biệt chú ý đến việc công an bắt giữ hai nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, vào tháng 5 và tháng 6 năm nay. Hồi tháng 4, chính quyền bắt cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch, một thành viên của tổ chức dân sự Hội Anh Em Dân Chủ. Ông Thạch bị cáo buộc tội lật đổ chính quyền. Tháng 6, chính quyền bắt giữ ba cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự Do, gồm bà Cấn Thị Thêu, một cựu tù nhân lương tâm và hai con trai, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Nhà xuất bản Tự Do là một nhà xuất bản không được chính quyền công nhận. Tháng 10, chính quyền bắt giữ người đồng sáng lập Nhà xuất bản Tự Do, blogger độc lập nổi tiếng, nhà báo Phạm Đoan Trang. Tất cả đều bị bắt theo điều 117 Bộ Luật Hình sự, « tuyên tryền chống Nhà nước ».

Báo cáo của HRW cũng đặc biệt lên án việc các mạng xã hội đồng lõa với chính quyền siết chặt kiểm soát và gia tăng trấn áp trên không gian mạng. Đầu tháng 9, bộ Thông Tin và Truyền Thông đã khen ngợi các công ty Facebook và YouTube vì « những thay đổi thay đổi tích cực trong việc phối hợp với bộ Thông Tin Truyền Thông để ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam ». Hồi đầu năm, theo HRW, việc Facebook nhượng bộ trước áp lực của chính quyền, xóa bỏ nhiều tài khoản của người bất đồng chính kiến, hạn chế truy cập, đã « tạo một tiền lệ đáng lo ngại ».

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Từ trái qua, hàng trên : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trọng Thủy, Lê Hữu Minh Tuấn. Hàng dưới : Phạm Chí Thành, Trấn Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy. © hrw.org

Đầu trang

05/01/2021 - baotiengdan.com

Phạm Chí Dũng, từ “thái tử đảng” trở thành người “tuyên truyền chống nhà nước”

Jackhammer Nguyễn
5-1-2021

Ngày 5/1/2021, tòa án thành Hồ kết án anh Phạm Chí Dũng, một cây bút chỉ trích chế độ Hà Nội, 15 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn án, tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Anh Dũng là con trai của ông Phạm Văn Hùng, một người thuộc nhóm “buông rèm chấp chính” ở thành ủy thành Hồ, Trưởng an Tổ chức đảng, trước đây.

Màu đỏ của lý lịch anh Dũng không hề nhạt hơn các trang lý lịch của Nguyễn Thanh Nghị (con Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Xuân Anh (con Nguyễn Văn Chi),… và còn đậm hơn nhiều so với các tay chơi mới phất như Lê Trương Hải Hiếu (con Lê Thanh Hải), hay Đào Ngọc Dung (cháu vợ cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).

Nhóm “gia đình cách mạng gộc” này, còn gọi là các “thái tử đỏ” sau khi nhà nước cộng sản bắt đầu làm ăn với phương Tây, họ đang là những người nắm nền kinh tế, chính trị ở Việt Nam hiện nay.

“Thái tử đảng” Phạm Chí Dũng cũng được chế độ “chuẩn bị” rất kỹ càng, anh được học kinh tế và kỹ thuật quân sự, hai ngành quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước cộng sản hiện nay. Anh được đưa vào làm ở Ban Nội chính, cũng có phần liên quan đến việc “buông rèm chấp chính” như cha anh trước kia. Anh Dũng còn là sĩ quan an ninh, thanh gươm và lá chắn của chế độ, và dĩ nhiên, đảng viên đảng cộng sản.

Thời điểm anh Dũng chính thức không còn “đỏ” nữa là vào năm 2012, khi anh bị bắt trong vài tháng vì một số bài báo chống tham nhũng. Điều trớ trêu đáng nói ở đây là, khi viết những bài báo chống tham nhũng ấy, anh đã làm một công việc mà Đảng giao cho mình, là chức năng của Ban Nội chính Thành ủy. Anh tuyên bố bỏ đảng năm 2013, kể từ đó tôi có dịp chuyện vãn nhiều với anh.

Phạm Chí Dũng là một trong những người tôi có trao đổi nhiều nhất, trong số những người chỉ trích chế độ cộng sản ở Việt Nam. Thế hệ anh Dũng cũng là thế hệ của tôi, một thế hệ chia làm đôi, rõ rệt sau biến cố lịch sử năm 1975. Anh Dũng thuộc nhóm “gia đình cách mạng gộc”, tôi thuộc nhóm “thành thị tiểu tư sản”, có liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền”.

Mặc dù tôi cũng lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, nhưng để hiểu rõ chi tiết về cấu trúc guồng máy của Đảng Cộng sản, có thể nói anh Dũng là một cái kho vô tận. Nếu không có những người như anh Dũng giải thích, người bên ngoài đảng rất rối trí trước hàng loạt những thuật ngữ rất bí ẩn: Ban nội chính, ban tổ chức, ban bí thư, ban chấp hành trung ương, thường trực ban bí thư, bộ chính trị, ủy viên dự khuyết, quân ủy trung ương,… vô cùng rối rắm.

Con đường đi từ vị trí một “thái tử đỏ”, đến vị trí mà anh Dũng chọn cho mình, một cây bút độc lập, trong sự tiếp xúc với phương Tây là không hề dễ dàng. Từ những kiến thức kinh tế trong mái trường xã hội chủ nghĩa, đến sự vận hành của một xã hội tự do dựa trên nền tảng tư bản chủ nghĩa, là một trời một vực. Từ viết bài theo lối tuyên truyền của đảng đến phân tích, bảo vệ quan điểm độc lập của người viết, là một đoạn đường đi rất chông chênh.

Đối với tôi, anh Phạm Chí Dũng là một bỉnh bút hơn là một nhà báo đưa tin bình thường, vả lại khi đã bị “rút phép thông công” (từ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường), thì hệ thống của Đảng sẽ rất kín kẽ đối với những con cừu đen (black sheep, theo văn hóa phương Tây) trước kia là “đỏ”.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với những “black sheep” như anh Dũng là sự mơ hồ, nhiều vùng xám của xã hội chính trị Việt Nam thời cộng sản này. Những băng nhóm trục lợi, ngoài mặt vẫn bám lấy giáo điều Mác Lê, những băng nhóm dân túy mỵ dân ít Mác Lê, thậm chí không có, nhưng vẫn trục lợi. Những người như anh Dũng phải bơi trong cái biển xám xịt lộn xộn, đó là điều không hề dễ dàng.

Và như tôi nói ở trên, khi đã trở thành “black sheep”, không còn là “princelings” (thái tử đảng) nữa, thì hệ thống sẽ khép lại, black sheep rất khó sinh tồn dưới những cái bóng của bọn hoạt đầu chính trị bên trên.

Dù sao đi nữa, khi anh Dũng từ bỏ vị trí thái tử đỏ, với con đường hoạn lộ mênh mông trong hệ thống “giai cấp mới” (New Class, từ của Milovan Djilas), thì đó là một sự can đảm và chính trực ít thấy, không phải như những kẻ “bất đồng tham nhũng” mà tôi từng đề cập đến trong những bài viết trên diễn đàn này.

Là người có khả năng trình bày phản biện khúc chiết và rõ ràng, sớm hay muộn thì anh Dũng cũng sẽ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt, để triệt tiêu những chỉ trích trên không gian mạng, điều duy nhất họ còn lo ngại hiện nay.

Việc tuyên án 15 năm tù nặng nề, là lời cảnh cáo các black sheep khác, khi hào quang cách mạng của gia đình họ đã tàn phai, khi cách mạng muốn ăn thịt những đứa con của mình, khi một thế hệ mới những thái tử đỏ đang cầm quyền, nhiều thủ đoạn và tiền bạc.

Có lẽ anh Dũng cũng đã lường được tình trạng của mình. Ngay trước ngày anh bị bắt không lâu, trong một buổi tối Sài Gòn nóng bức, tôi cảm thấy trong ánh mắt của anh một sự buồn bã tuyệt vọng.

Trong suốt bài viết này tôi dùng đại từ nhân xưng Anh, không phải là Ông, để tránh sự xa cách buồn bã mà vốn dĩ thế hệ của chúng tôi đã không tránh khỏi, cũng như dân tộc này đã không tránh khỏi.

Đầu trang

January 6, 2021 - baocalitoday.com

Tuyên bố chung của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, và Tổ Chức Yểm Trợ Nhân Quyền về việc CSVN kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Thông cáo Báo Chí

Ngày 6/01/2021

Ngày 05/01/2021, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết án 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với tổng cộng 37 năm tù giam và 9 năm quản chế về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự: Chủ tịch Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam và 3 năm quản chế, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn cùng bị 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Đây là một phiên toà bất công không tuân theo chuẩn mực quốc tế về xét xử công bằng: Việc kết án được tiến hành sau nhiều tháng biệt giam 3 ông kể từ khi bắt giữ họ đến tháng 12 năm 2020 khi họ được tiếp xúc lần đầu với luật sư bào chữa; và trong phiên toà kéo dài chưa tới 6 giờ, mọi lời bào chữa của luật sư và lời khai của 3 nhà báo không được toà tôn trọng.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp của những cây bút độc lập đấu tranh đòi tự do báo chí ở Việt Nam. Kể từ khi thành lập năm 2014 đến nay, các thành viên của hội và cộng tác viên đã có hàng nghìn bài báo về tình hình đất nước, thẳng thắn chỉ trích chế độ và quan chức cộng sản về những vi phạm trắng trợn quyền con người và sai lầm nghiêm trọng trong việc quản lý đất nước. Đây chính là lý do mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn triệt tiêu Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và đàn áp các thành viên trong nhiều năm qua, mà việc bắt giữ và kết tội 3 ông là minh chứng tiêu biểu.

Ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, và Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án với những bản án vô cùng nặng nề chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hiệp hội- những quyền con người căn bản nhất ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã ký kết.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, và Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền cho rằng ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, và Lê Hữu Minh Tuấn không vi phạm luật pháp Việt Nam và việc bắt giữ, giam giữ và kết tội 3 ông là hoàn toàn bất công.

Vì thế, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam

Chúng tôi kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự độc lập và cá nhân cũng như cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng về sự tự do của 3 nhà báo độc lập vừa mới bị kết án.

-Thay mặt Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam: TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành
-Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam: Ô. Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc
-Thay mặt Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền: Ô. Đặng Trung Chính, Chủ tịch

Đầu trang

9 tháng 1 2021 - bbc.com

Cao ủy Nhân quyền LHQ lên tiếng vụ Phạm Chí Dũng và đồng sự

GETTY IMAGES - Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa hôm 5/1/2021

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc VN sử dụng "luật được định nghĩa mơ hồ" để bắt giữ tùy tiện ngày càng nhiều nhà báo, blogger, và những người bảo vệ nhân quyền.

Thông cáo báo chí của OHCHR phát đi hôm 8/1, ba ngày sau khi ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn, thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị tòa án TP.HCM kết án từ 11 đến 15 năm tù vì tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

OHCHR nhìn nhận rằng đây dường như là một phần của một "sự kìm hãm ngày càng tăng" "đối với quyền tự do ngôn luận" ở Việt Nam.

"Cả ba người này đều bị giam giữ kéo dài trước khi xét xử, và mặc dù được Chính phủ đảm bảo đúng pháp luật và đúng quy trình, vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng có được tôn trọng đầy đủ hay không", bà Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR nói.

Bà Shamdasani lưu ý rằng việc Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), về quyền có chính kiến và tự do ngôn luận.

VIỆT NAM THỜI BÁO - Các ông Phạm Chí Dũng (trái), Nguyễn Tường Thụy (trên, phải) và Lê Hữu Minh Tuấn (dưới, phải) đều bị truy tố về tội tuyên truyền chống nhà nước CNXHCN Việt Nam.

Bà kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước.

OHCHR và một số cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Ủy ban Nhân quyền giám sát việc thực thi ICCPR, đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam hạn chế sử dụng luật hà khắc để tước bỏ các quyền tự do cơ bản, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.

FB NGUYEN TUONG THUY - Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam bị chính quyền bắt giữ ngày 23/05/2020

Bà Shamdasani cũng bày tỏ lo ngại rằng "những cá nhân cố gắng hợp tác với các cơ quan nhân quyền của LHQ bị đe dọa và trả thù. Điều này có khả năng ngăn cản những người khác chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền với LHQ."

"Chúng tôi tiếp tục nêu ra những trường hợp này với Chính phủ Việt Nam, nhiều lần kêu gọi họ ngừng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận - và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ trong những trường hợp như vậy," bà Shamdasani nói.

Trước đó, tổ chức Human Rights Watch đã lên tiếng về vụ việc, nói ĐCSVN tham gia vào "một cuộc đàn áp không có giới hạn đối với những người bất đồng chính kiến" và rằng ba nhà báo chỉ "bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính phủ không muốn nghe" nhưng "đủ để tống họ vào tù nhiều năm vì tội danh không có thật."

Phản ứng của truyền thông quốc tế

Phiên tòa xử nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Trang The Diplomat viết rằng phiên xử diễn ra trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 vào cuối tháng này để "ngăn chặn bất kỳ sự xáo trộn nào" trước các sự kiện chính trị lớn, như họ vẫn làm từ trước tới nay.

HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VN - Ông Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt giữ từ ngày 21/11/2019

Tác giả bài báo đề cập đến một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2018 với ông Nguyễn Tường Thụy. Ông Thụy nói: "Sự ủng hộ của Trung Quốc là điều duy nhất giúp cho một ĐCSVN không được lòng dân duy trì quyền lực. Hai bên "giúp nhau trị nước. Nếu không có sự hỗ trợ của Tàu cộng, thì CSVN không thể cai trị Việt Nam được nữa."

Hãng tin Reuters trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ "thất vọng bởi những bản án mới nhất", bình luận rằng chúng là "khắc nghiệt" và "là diễn biến mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các quy định về nhân quyền trong hiến pháp và các nghĩa vụ, cam kết quốc tế," theo Reuters.

Trang AlJazeera dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ông Dũng và ông Tuấn, rằng: "Tòa không chấp nhận bất cứ lời lập luận nào của tôi" và rằng "các bản án quá nặng".

Đầu trang

05/01/2021 - VOA Tiếng Việt

Vụ 3 nhà báo độc lập: Vợ ông Tường Thụy phản đối án tù và hình phạt tiền

Ba nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thụy, và Phạm Chí Dũng. Photo Vietnam Human Rights Defenders.

Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy, một trong ba nhà báo độc lập vừa bị tòa án của Việt Nam kết án, cho VOA biết bà kịch liệt phản đối bản án tù và hết sức bất bình về hình phạt tiền bổ sung.

Như VOA đã đưa tin, hôm 5/1, tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án “tuyên truyền chống nhà nước”. Hai ông là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Riêng ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch của hội, bị phạt 15 năm tù và 3 năm quản chế.

Anh nào cũng nói là chúng tôi không có ý định thay đổi thể chế, chúng tôi chỉ nêu lên ý kiến để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ chúng tôi chẳng vi phạm gì.
Bà Phạm Thị Lân

Sau khi dự phiên tòa, bà Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bản án quá nặng khi chồng bà và hai người còn lại chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.

“Tại phiên tòa họ nhằm vào rằng là các anh ấy có tổ chức và tuyên truyền làm tổn hại danh dự, nói xấu thể chế của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Anh nào cũng nói là chúng tôi không có ý định thay đổi thể chế, chúng tôi chỉ nêu lên ý kiến để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ chúng tôi chẳng vi phạm gì”, bà Phạm Thị Lân tường thuật lại với VOA.

Bà cho biết thêm ngoài án tù, tòa còn tuyên hình phạt tiền bổ sung đối với ba nhà báo độc lập, trong đó, ông Thụy phải nộp hơn 180 triệu đồng, ông Tuấn 445 triệu và ông Dũng khoảng 1 tỷ. Theo lời bà Lân, tòa nói rằng đó là số tiền nhuận bút và tiền ủng hộ từ các tổ chức phi chính phủ dành cho việc 3 bị cáo viết bài chống chính quyền nên phải sung công quỹ.

Những người tham ô tham nhũng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ của nhà nước, các ông đã thu được chưa? Cứ cho là tiền nhuận bút thì đó là tiền công sức của các anh ấy chứ.
Bà Lân, vợ ông Tường Thụy

Về vấn đề này, bà Lân đưa ra ý kiến: “Tôi thấy nó rất vô lý. Tiền đó không phải là của chính phủ Việt Nam mà họ lại đòi thu. Những người tham ô tham nhũng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ của nhà nước, các ông đã thu được chưa? Cứ cho là tiền nhuận bút thì đó là tiền công sức của các anh ấy chứ. Cách nào thu tôi không biết. Tôi chẳng có tiền để nộp. Tôi cũng chẳng được tiêu những đồng tiền đấy mà bảo nộp”.

Mô tả về chồng mình và hai nhà báo độc lập tại phiên tòa vừa diễn ra, bà Lân cho biết cả ba người “đều gày, da dẻ nhợt nhạt, trông rất thương”. Riêng ông Thụy, hơn 68 tuổi, không đủ sức khỏe để đứng lâu tại tòa nên được ngồi khi diễn ra buổi xét xử, bà cho biết.

“Tôi lo là với mức án hơn 10 năm và tình hình sức khỏe, tuổi tác của ông Thụy như vậy, có thể ông sẽ không về nhà được trước khi mãn hạn tù. Tôi mong rằng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước can thiệp để họ được trả tự do, hoặc không bị tù đày theo một hình thức nào đó”, bà Lân nói thêm với VOA.

Ngay sau khi tòa tuyên án, bà Lân cho hay bà đề nghị luật sư bào chữa làm đơn kháng cáo và được luật sư trả lời rằng chính các bị cáo cần làm đơn trong vòng 15 ngày sau phiên xét xử, còn luật sư và người bên ngoài không được làm đơn.

Đầu trang

05/01/2021 - VOA Tiếng Việt

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế

Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong

Hôm 5/1, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế, một luật sư bào chữa cho VOA biết. Riêng ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị phạt 15 năm tù và 3 năm quản chế.

Hai thành viên còn lại Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 do Tòa án Nhân nhân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày 5/1.

Ông Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, nói với VOA:

“Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.

“Ba người này đã thể hiện quyền tự do báo chí và cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã bị tòa án kết án “tuyên truyền chống nhà nước,” “cổ xúy cho việc thay đổi thể chế chính trị thành tam quyền phân lập”. Điều này đã bị các bị cáo bác bỏ.”

Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế, ngày 5/1/2021.

Luật sư Miếng lặp lại phát biểu sau cùng của ông Dũng tại tòa:

“Cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.”

Bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, người được dự phiên tòa hôm 5/1, cho VOA biết rằng nếu chiếu theo khung hình phạt 10-20 năm tù của khoản 2 Điều 117 thì bà không ngạc nhiên về bản án đối với chồng bà, nhưng đối chiếu với bản cáo trạng thì bà cảm thấy buộc tội như vậy là “mơ hồ.”

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 5/1 cho VOA biết rằng RSF “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề này.”

“Càng kinh ngạc hơn khi biết rằng phiên xử chỉ kéo dài chưa đầy nửa ngày. Phiên tòa cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay coi thường hoàn toàn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều 25 của Hiếp pháp này, trong đó tuyên bố quyền tự do báo chí,” ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF viết.

“Phiên tòa này một lần nữa thể hiện sự kém cỏi của nền công lý Việt Nam,” ông Bastard nhận định.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết các bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng XIII.

Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc khu vực của AI cho Reuters biết: “Mức độ nghiêm trọng của các bản án cho thấy sự khắc nghiệt của việc kiểm duyệt ở Việt Nam.”

Trước phiên tòa, Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), gọi các cáo buộc này là “không có thật”.

“Nếu đảng cầm quyền tự đắc trong vai trò lãnh đạo của mình, thì đảng này nên thể hiện sự tự tin của mình bằng cách tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt kiểm soát chặt chẽ báo chí và cho phép các nhà báo độc lập tự do phát biểu ý kiến của mình thay vì bịt miệng bằng việc bắt giữ và bỏ tù dài hạn,” ông Robertson nói.

Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Báo Công an Tp. HCM hôm 5/1 viết: “Phạm Chí Dũng còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các cơ quan truyền thông nước ngoài với mục đích “đấu tranh” làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam.”

Đầu trang