Vượt qua Việt
Vận động dân chủ
Thuận theo thời mà phát triển
  ||   A   A   A   A  

Các Nghiệp Đoàn Độc Lập (1)

Mục lục  Trang chính

20/10/2020 - T. K. TRAN - Diễn Đàn Việt Nam 21

CÁC NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ

20/10/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhà nước Việt Nam chủ trương chính sách mở cửa để cứu vãn nền kinh tế, họ đưa ra những chính sách kêu gọi đầu tư từ nước ngoài với những điều kiện hấp dẫn, đem lại lợi nhuận tối đa cho các nhà đầu tư. Trong số điều kiện đó, phải kể tới tiền lương rẻ mạt của công nhân Việt Nam.

Từ khoảng 1995 đã có những cuộc biểu tình, đình công của giới công nhân để đòi hỏi quyền lợi. Những cuộc đình công này đều mang tính tự phát, không hề có sự tổ chức hay hướng dẫn của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN), vốn được giao nhiệm vụ đại diện cho người lao động, song là một tổ chức của nhà nước, TLĐLĐVN lại đứng về phía chủ nhân để bảo vệ cho phần đầu tư của họ.

Đứng trước tình cảnh đó, một số tổ chức độc lập đã được thành lập để giúp đỡ công nhân.

Bài này nhằm mục đích tổng hợp và hệ thống hóa những tin tức có thể tìm thấy trên internet liên quan tới các nghiệp đoàn độc lập phi chính phủ, hiển nhiên là có thể có thiếu sót và nhầm lẫn, song hy vọng có thể giúp cho người đọc một cái nhìn bao quát về các tổ chức bảo vệ và giúp đỡ tầng lớp người lao động, nhất là trong bối cảnh thực thi hiệp ước EVFTA với những điều khoản bảo vệ người lao động (1). Thêm nữa, luật Lao Động VN sửa đổi (2) cho phép chính thức có đại diện „Tổ chức người lao động tại cơ sở“ kể từ ngày 01 tháng Giêng 2021.

Bài không đề cập tới TLĐLĐVN là tổ chức ngoại vi của đảng CS, không độc lập, có nhiệm vụ thực thi chính sách nhà nước.

CÁC NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP

(Bài dùng chữ „nghiệp đoàn độc lập“ là danh từ chung, để phân biệt với „Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam“ là tên gọi riêng của một tổ chức sẽ được đề cập tới ở phần sau.)

Năm 2006 là một mốc thời gian quan trọng của sự thành lập các tổ chức được gọi là nghiệp đoàn độc lập: Ở thủ đô Varsovie/Ba Lan, người Việt Nam ở hải ngoại đã tổ chức từ ngày 27 tới ngày 30 tháng 10-2006 một hội nghị tên gọi „Cơm Áo và Quyền Lao Động“ với sự tham dự của khoảng 70 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị được tổ chức ngay tại Quốc Hội Ba Lan, được tài trợ của „Công Đoàn Đoàn Kết“, „Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan“. Các thân hào nhân sĩ Việt Nam và một số đại diện các tổ chức, đoàn thể được nhiền viên chức cao cấp trong chính phủ Ba Lan và Công đoàn đón tiếp (3). Nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin về sự kiện này. Hội nghị nhằm mục đích bàn thảo về việc giúp đỡ, bảo vệ người lao động ở Việt Nam và yểm trợ các tổ chức nghiệp đoàn

Sau đây là liệt kê các tổ chức được xem là nghiệp đoàn độc lập, được giới thiệu theo thứ tự thời gian thành lập

Công Đoàn Độc Lập Việt Nam -(CĐĐLVN) (2006)

Một tuần trước hội nghị Varsovie „Công Đoàn Độc Lập Việt Nam“ được thành lập tại Hà Nội. Trong Ban Điều Hành có nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, ông Lê Trí Tuệ.… Bà LS Công Nhân được mời tham dự hội nghị ở Ba Lan, song bị Công An chặn lại ở phi trường Nội Bài, không thể xuất cảnh. Ngoài vai trò ở CĐĐLVN, bà Công Nhân còn là phát ngôn viên của đảng „Thăng Tiến“, là thành viên „Khối 8406.“ Sáu tháng sau khi thành lập CĐĐLVN bà bị bắt giam tới tháng 3 năm 2010, sau đó bị quản chế tới 2013. Sau này, người ta thấy LS Công Nhân chọn cách hoạt động giúp đỡ nhân đạo cho những người bị cầm tù hay những người yếu thế trong xã hội (4). LS Nguyễn Văn Đài cũng bị bắt giam cùng lúc với LS Công Nhân, bị bản án 4 năm tù và 4 năm quản chế. Ngày nay LS Đài không còn tích cực trong lãnh vực lao động, chuyển hướng hoạt động sang lãnh vực chính trị, thành lập hội „Anh Em Dân Chủ“, bị tù lần 2 trước khi được đưa sang Đức. Phó chủ tịch Lê Trí Tuệ bị bắt cóc, biệt tin từ 13 năm nay (3).

Mặc dù được ủng hộ mạnh mẽ từ hội nghị Varsovie 2006 và yểm trợ của nước ngoài trong những ngày đầu thành lập, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam không để lại dấu ấn gì đặc biệt cho giới lao động. Trên internet hiện nay không tìm được tin tức về hoạt động của tổ chức này, ngoại trừ một mẩu tin:“hiện nay ít hoạt động“ trên web site của „Lao Động Việt“(5)

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động -(UBBV)(2006)

UBBV không phải là một nghiệp đoàn song được lập ra để hổ trợ người lao động, UBBV có quan hệ mật thiết với những nghiệp đoàn lao động, nên được liệt kê ở đây.

Ba ngày sau đại hội Varsovie một tổ chức được thành lập mang tên „Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động“(UBBV). Đại đa số người điều hành tổ chức này là trí thức Việt Nam sống tại nước ngoài. Có thể kể tới chủ tịch Trần Ngọc Thành, từ miền Bắc du học ở Ba Lan,kỹ sư, từng là đảng viên, đã từ bỏ đảng CS từ 1990 (6). Phó chủ tịch GS Nguyễn Ngọc Bích, nay đã mất, từng là Tổng Giám Đốc VN Thông Tấn Xã thời VNCH, giáo sư tại nhiều đại học Mỹ, người vận động và là Giám đốc đầu tiên của đài Á Châu Tự Do (RFA) và nhiều vị tên tuổi trong giới hoạt động dân chủ ở khắp nơi trên thế giới như GS Nguyễn Thanh Trang ở Mỹ, ông Nguyễn Minh Cần ở Nga, nhà báo Tường An (Ca Dao) ở Pháp, BS Bùi Trọng Cường ở Úc….

Từ nước ngoài, UBBV kết nối với giới lao động ở Việt Nam thông qua CĐĐLVN, các nhóm lao động và các cá nhân qua các mối liên hệ riêng tư. UBBV soạn thảo, phân phát các ấn phẩm giúp người lao động được thông tin về các quyền lợi của mình. Các đại hội của UBBV hay các khóa huấn luyện về kỹ năng hoạt động nghiệp đoàn thường được tổ chức ở nước ngoài như Thái Lan, Mã Lai để cho các tham dự viên từ Việt Nam có thể bí mật đến tham dự. Ở nước ngoài UBBV vận động với các chính phủ nước ngoài, các nghiệp đoàn các nước. Một hoạt động gây ấn tượng là kể từ 2010 UBBV thành lập Tiểu Ban Mã Lai. Hàng năm Tiểu Ban Mã Lai đã sang những nơi có công nhân xuất khẩu lao động để giúp đỡ công nhân Việt Nam làm việc tại đó. Ở Mã Lai UBBV đã đạt được một số thành quả như đòi hỏi thành công của công nhân hãng Nike Malaysia, giúp công nhân hãng Nike VN lấy lại hộ chiếu, cứu được nhiều người bị tù vì không có hộ chiếu, giúp công nhân Việt Nam lập những nhóm tương trợ trong các cơ xưởng ở Mã Lai

Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam -(HHĐK) (2006)

Cũng trong tháng 10.2006 một tổ chức có tên là Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam được thành lập ở Việt Nam. Sáng lập viên là ông Nguyễn Tấn Hoành (tức Đoàn Huy Chương) và bà Trần thị Lệ Hồng. Cả 2 người sáng lập viên và nhiều hội viên khác bị bắt vào giữa tháng 11.2006, vài tuần sau khi công bố thành lập Hiệp Hội. Hai tháng sau khi ra đời, người phát ngôn viên của tổ chức, LS Trần Quốc Hiền, cũng là thành viên „khối 8406“, đã bị bắt, bị kết án 5 năm tù, 2 năm quản chế. Một đại diện của Hiệp Hội, ông Cao văn Nhân phải trốn sang Kampuchia. Hiệp Hội có đại diện ở nước ngoài, ông Đỗ Thành Công, thuộc đảng Dân Chủ Nhân Dân ở hải ngoại. Hiệp Hội hầu như chưa hoạt động gì cho giới lao động ở Việt Nam vì các nhân sự chủ chốt ở Việt Nam bị bắt rất sớm.

Phong Trào Lao Động Việt-(PTLĐV) (2008)

Năm 2008 “Phong Trào Lao Động Việt” được thành lập tại Việt Nam, gồm những thành viên ở trong nước do UBBV kết nối được. Theo bản tin của “Lao Động Việt” (5) PTLĐV có hơn 10 người tích cực hoạt động. Trong số những nhân sự cốt cán có thể kể tới cô Đỗ thị Minh Hạnh, các anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình. Giữa năm 2009 các anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương tham dự một khóa huấn luyện tại Thái Lan, gặp gỡ những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Miến Điện. Cuối năm 2009 cô Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Quốc Hùng tham dự đại hội lần 2 của UBBV tại Kuala Lumpur/Mã Lai.

Tháng Giêng 2010 nổ ra cuộc đình công của hàng ngàn công nhân hãng giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh. Cả ba người Minh Hạnh, Huy Chương và Quốc Hùng tham gia hổ trợ công nhân. Cuộc đình công đem đến thắng lợi cho công nhân, song cả ba người đều bị bắt và bị án tù nặng nề. Cô Minh Hạnh được trả tự do năm 2014, trước thời hạn. Anh Đoàn Huy Chương bị tù tới năm 2017, anh Quốc Hùng ra tù tháng 2. 2019.

Năm 2014 PTLĐV trở thành thành viên của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (LĐV). Ngày 5.10.2016 với cương vị là chủ tịch Phong Trào LĐV, cô Minh Hạnh tuyên bố rút ra khỏi Liên Đoàn LĐV. Đầu năm 2019 cô Minh Hạnh thông báo trên face book là sẽ đi tu và sẽ hoạt động phước thiện, giúp đỡ trẻ mồ côi, bất hạnh…Nay có tin là cô Minh Hạnh, các anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng sau khi ra tù cũng đã đi tị nạn tại Thái Lan, đang chờ đi định cư ở một nước khác. Phó chủ tịch Hoàng Đức Bình bị bắt năm 2017 bị kết án 14 năm tù. Đồng phó chủ tịch Trương Minh Đức cũng đã bị bắt năm 2018, bị kết án 13 năm tù. Cố vấn của Phong trào, ông Trần Ngọc Thành hiện sinh sống tại Áo. Ai là người hiện nay đang điều hành Phong Trào LĐV? Hoạt động của Phong Trào này ngày nay ra sao? cũng là những câu hỏi mà người viết chưa có trả lời.
Đia chỉ liên lạc qua cố vấn Trần Ngọc Thành: Everest.tnhy@gmail.com
Face book: https://www.facebook.com/phongtraolaodongviet/

Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do-(LĐV) (2014)

Ngày 17 tháng 1 năm 2014 tổ chức “Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do”, gọi tắt là Lao Động Việt (LĐV) được thành lập tại Bangkok/Thái Lan, cốt tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân sự ở Việt Nam có thể tham dự. Lúc đầu Liên Đoàn này là kết hợp của 4 tổ chức nói trên: Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam và Phong Trào Lao Động Việt. Sau một thời gian ngắn, tên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam biến mất trong danh sách thành viên Liên Đoàn. Hơn 2 năm sau đó, ngày 5.10.2016, Phong Trào Lao Động Việt cũng chính thức tách ra khỏi Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do với lý do “Phong Trào phải chủ động và độc lập trong việc tổ chức và điều hành cũng như đường lối chiến lược hoạt động”.

Về hoạt động của Liên Đoàn LĐV từ 2008 tới 2015, người quan tâm có thể thấy thông tin trên website của Liên Đoàn LĐV(5) là Liên Đoàn mỗi năm giúp 1 hay 2 xí nghiệp.Ví dụ năm 2008 là xí nghiệp xưởng may Ching Luh, năm 2015 xưởng Clean Seafood Corporation. Ngoài ra các hoạt động khác cũng tương tự như hoạt động của UBBV như đã tường thuật ở trên. Mặt khác, trong một bài báo ông Trần Ngọc Thành (cựu chủ tịch UBBV, cố vấn PTLĐV) viết: ”Tính từ năm 1995 đến nay tại Việt nam đã có trên 7000 cuộc đình công do công nhân tự tổ chức và LĐV, PTLĐV hướng dẫn” (3)(sic), mặc dù (như đã dẫn ở trên) PTLĐV chỉ có hơn 10 người tích cực hoạt động.

Trong những năm đầu thành lập, hoạt động của Liên Đoàn LĐV ở Việt Nam, Mã Lai và trên quốc tế được xem là có thực chất. Ban chấp hành nhiệm kỳ 2016-2019, được bầu tại Mỹ ngày 16.9.2016 có chủ tịch là ông Nguyễn Đình Hùng là người có nhiều năm tích cực hoạt động nghiệp đoàn tại Úc, Phó chủ tịch Ca Dao hoạt động nghiệp đoàn lâu năm tại Pháp. Ban Giám sát có ông Nguyễn văn Tánh, đã làm việc nghiệp đoàn ở Việt Nam trước 1975. Dàn lãnh đạo của Liên Đoàn có đến gần 20 người tên tuổi, nổi tiếng từ lâu trong giới hoạt động dân chủ ở khắp nơi trên thế giới.

Chương trình làm viêc của LĐV dự kiến bao gồm việc huấn luyện các cán bộ về kỹ năng tổ chức Nghiệp đoàn, kỹ năng thương lượng tập thể, giữ vững và phát triển mối tương quan với các nghiệp đoàn quốc tế, huấn luyện về mặt truyền thông để phổ biến tin tức về người lao động.

Ngày nay dường như là Liên Đoàn LĐV đã co cụm, không còn tích cực như những năm đầu. Từ 2016 tới nay không có bất cứ hoạt động nghiệp đoàn nào của Liên Đoàn LĐV được thông báo. Không rõ thành phần ban chấp hành mới của nhiệm kỳ 2020-2022 gồm những ai, ngoại trừ ông Nguyễn Đình Hùng vẫn ký tên là chủ tịch Liên Đoàn LĐV. Trang web site của Liên Đoàn LĐV không được cập nhật, vẫn giữ tin “Phong Trào LĐV là thành viên của Liên Đoàn”, mặc dù Phong Trào này đã tách ra từ năm 2016. Trên trang chủ chỉ có tin tức về lao động ở Việt Nam tới năm 2018, Tiết mục: “Tư vấn pháp lý về luật lao động”, hay tiết mục “Bình luận, hay”xuất khẩu lao động” và nhiều tiết mục khác bị bỏ trống, không có tới 1 bài viết. Nếu vào năm 2016 LĐV nghiên cứu bài bàn về các đề mục liên quan tới lao động/nghiệp đoàn trong hiệp ước TPP (9) thì năm 2019, khi hiệp định EVFTA ký kết, LĐV không hề đề cập tới những chương về lao động trong hiệp định này.

Đọc face book LĐV thì chỉ tìm thấy trang mang tên “Lao Động Việt” nhưng chỉ đăng những thông tin về tai nạn giao thông rùng rợn hay tin mang tính chất giật gân rẻ tiền.
Trang mạng của LĐV, ở thời điểm chấm dứt bài viết này, không thể truy cập được nữa.
Địa chỉ liên lạc: ldvvietlabor@gmail.com
Web site: www.laodongviet.org https://www.facebook.com/laodongviet/

Khối nghiệp đoàn Viêm Việt (2018)

Được thành lập cuối năm 2018 tổ chức này có thêm màu sắc triết lý, văn hóa, lấy “Việt Nho”làm nền tảng cho khối nghiệp đoàn. “ Cơ cấu Việt Nho” là một lý thuyết về văn hóa Việt Nam do GS Lương Kim Định chủ xướng tại Sài Gòn trước 1975.

Khối nghiệp đoàn Viêm Việt có 7 thành viên là NĐ Sinh Viên VN, NĐ Báo Chí VN, NĐ Tin Học VN, NĐ Giáo Chức VN, NĐ Tài Xế VN, NĐ Y Tế VN. NĐ Sân Khấu VN. Không rõ khối nghiệp đoàn này có bao nhiêu đoàn viên, cơ cấu ra sao? Chủ tịch khối nghiệp đoàn, ông Ngọc Lê có địa chỉ liên lạc tại Mỹ. BS Nguyễn Đan Quế là cố vấn của NĐ Sinh ViênVN và NĐ Y tế VN

Danh xưng của tổ chức gọi là”nghiệp đoàn”, song theo lời của ông Tôn Phi, tổng thư ký của KNĐ Viêm Việt và cũng là chủ tịch lâm thời của “Trung tâm Văn Bút Việt Nam” thì tổ chức “không nhất thiết phải hoạt động theo công ước 87 của tổ chức lao động quốc tế”….”có quyền hoạt động theo bản sắc của mình, không nhất thiết phải đi theo phong trào đấu tranh chung của các công đoàn lớn trên thế giới” (15). Nghiệp đoàn Báo Chí VN, thành viên khối NĐ Viêm Việt tuyên bố: nghiệp đoàn không khuyến khích các hoạt động xuống đường biểu tình, không khuyến khích hoặc đình công hoặc bãi công số lượng lớn” (10). Ngoài ra họ cũng không ủng hộ các nhóm có khuynh hướng LBGT (nhóm đồng giới tính)
Đia chỉ liên lạc: tonphi2021@gmail.com

Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam-(VIU) (2020)

Ngày 1.7.2020 “Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam” tuyên bố thành lập tại Việt Nam. Tên viết tắt là VIU từ tên gọi tiếng Anh: Vietnamese Independent Union. Trong thông cáo báo chí có nội dung”…. chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh….” và “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu…” (11). Ban điều hành VIU gồm những tên tuổi xa lạ, có lẽ chỉ là bí danh để bảo đảm an toàn. Đặc biệt VIU nêu tên bà Nguyễn Nguyên Binh làm cố vấn như là một chứng cớ cho tính độc lập của mình.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng VIU đã sớm nhận lãnh những đòn đánh trí mạng từ cả 2 phía: Báo “Quốc phòng thủ đô” (12) ngày 10.7.2020 gọi VIU là một “tổ chức bất hợp pháp”, là ”việc tồn tại cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”vừa không cần thiết vừa là sự vi phạm Hiến pháp và pháp luật”, và “Đó là tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”. Sau đó trang FB của VIU bị dư luận viên liên tục tấn công.

Ngược lại, chủ tịch Liên Đoàn LĐV, ông Nguyễn Đình Hùng từ Úc Châu, ngày 4.7.2020 nêu quan điểm của Liên Đoàn LĐV như sau: ”Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam có thể là do chính bàn tay của ĐCSVN lập ra”, “Chúng tôi xin lên tiếng với quý cơ quan truyền thông nên cảnh giác về những loại nghiệp đoàn trá hình này vì chúng ta có thể mắc mưu cộng sản…”(13)

VIU đã trả lời những cáo buộc trái ngược này trong thông cáo báo chí số 2 như sau:
“Chúng tôi - Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam - không phải và sẽ không bao giờ là một tổ chức ngoại vi của bất cứ đảng phái chính trị nào và càng không phải là một tổ chức nghiệp đoàn quốc doanh trá hình.”, “Tổ chức chúng tôi không có ai là đảng viên ĐCSVN.”

Về cụm từ gây tranh cãi: “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...” VIU giải thích “Nếu TLĐLĐVN thực hiện đúng chức năng của một nghiệp đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì có cùng mục tiêu với chúng tôi. “Chúng tôi không có sự liên quan nào với TLĐLĐVN”.

Trong mục “quan điểm” trong web site của VIU một bài báo viết:”… vì mục tiêu chính trị mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… xem nhẹ mục tiêu truyền thống và phổ quát của các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn trên toàn thế giới là bảo vệ quyền lợi của người lao động….Bị trói buộc trong Luật Công đoàn, trong Điều lệ Công đoàn, Công đoàn Việt Nam ngày càng xa rời mục tiêu cốt lõi và phổ quát của Liên hiệp Công đoàn Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế.” (12): Việc phê phán Công Đoàn nhà nước này có thể xem như là một cố gắng nhấn mạnh tính độc lập của VIU.

Về mục tiêu của VIU, trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA, ông Bùi Thiện Tri, chủ tịch VIU nói:”chúng tôi muốn ra mắt nhằm mục đích để phổ biến các quy định của pháp luật về quyền của người lao động, cũng như hỗ trợ người lao động trong việc thành lập các tổ chức đại diện của người lao động tại các doanh nghiệp. Đấy là mục đích chính của việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam”. (14)

Đọc trang mạng của VIU người ta tìm thấy nhiều tin tức về công nhân, người lao động, nhiều tư vấn về các vấn đề hay quyền lợi của người lao động. Phần tiếng Anh (Viet Nam labour up date ) viết nhiều thông tin về tình hình lao động ở Việt Nam, kể cả về những cuộc đình công đây đó…

Đáng nhắc tới là trang mạng không ghi cương lĩnh của nghiệp đoàn, không nêu nội quy, không nêu rõ sách lược hoạt động, không đề cập tới các cá nhân trong ban điều hành, không nêu quan điểm của nghiệp đoàn về phương thức đấu tranh như đình công, biểu tình…
Địa chỉ liên lạc: lienlac@nghiepdoandoclapvn.org
Web site: https://nghiepdoandoclapvn.org/

CÁC XÃ HỘI DÂN SỰ VỚI MỤC TIÊU HỔ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Phần này giới thiệu tóm tắt vài tổ chức dân sự có hoạt động hổ trợ giới lao động.

Mạng lưới nghiệp đoàn (MLNĐ)/Unionsnetwork (2018)

Mạng lưới Nghiệp đoàn (Unions Network) là một trang thông tin phục vụ người lao động Việt Nam với tiết mục tư vấn pháp luật và các phần về văn hóa và giải trí cho người lao động.
Trong phần giới thiệu, MLNĐ “hoan nghênh việc hình thành các công đoàn độc lập và trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại, thương lượng trên nền tảng sự thật và tri thức, để góp phần điều chỉnh quan hệ lao động, quan hệ xã hội ở Việt Nam.”MLNĐ” chuyển ngữ các kiến thức về bản chất, lịch sử và cách vận hành của các phong trào nghiệp đoàn trên thế giới; đồng thời sưu tầm các sổ tay tư vấn pháp luật cho người lao động Việt”.
Trang mạng có từ tháng 12.2018, lần cập nhật cuối cùng là tháng 6.2020. Trang mạng có ít bài, song các bài viết có trình độ cao về đề tài lao động và các đề tài khác.
Địa chỉ liên lạc: unionsnetwork@gmail.com
Web site: http://www.unionsnetwork.org

Nhóm bạn công nhân

Một trang mạng với nhiều tư vấn liên quan tới nghề nghiệp, việc làm của người lao động. Có nhiều tin tức mới, liên quan tới lao động được cập nhật tới tháng 9.2020. Phần tư liệu có giá trị về các văn kiện EVFTA, CPTPP, luật Lao Động sửa đổi, về Tổng Liên Đoàn Lao Động VN và một số bình luận về các văn kiện này
Đia chỉ liên lạc: nghiepdoan@nhombancongnhan.com/
Web site: https://www.nhombancongnhan.com

Nhóm làm việc vi sự tham gia của người dân (People´s Participation Working Group)/ PPWG (1999)

“Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” (PPWG) thành lập năm 1999, là một mạng lưới bao gồm các tổ chức và giới chuyên môn cùng trao đổi thông tin và ý tưởng về các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân, thể chế dân chủ và xã hội dân sự “
PPWG đóng vai trò là nhóm đối tác, cung cấp những thông tin đầu vào cho Diễn đàn tư vấn Việt Nam (CDG) và hiện nay là Diễn đàn đối tác phát triển (Vietnam Development Partnership Forum – VDPF)
Nhóm thực hiện videoclip “Khi doanh nghiệp đưa ra những qui định vô lý” để nêu lên một cách dễ hiểu sự cần thiết phải có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Video này được sự bảo trợ của EU.
Vào ngày 18.9.2020, tại Hà Nội, nhóm PPWG đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với đề tài "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở: để quy định pháp luật phát huy hiệu quả trong thực tế", có sự tham gia của đại diện ILO tại Hà Nội, tổ chức OXFAM tại Việt Nam và một số tổ chức xã hội, các luật sư và chuyên gia pháp lý, các nhà báo cùng một số cá nhân quan tâm.
Đia chỉ liên lạc: ppwgvietnam@gmail.com
Web site : https://www.facebook.com/ppwgvietnam

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CÁC NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP

Trong một cuộc phỏng vấn của RFA vào tháng 6-2014 LS Lê Thị Công Nhân đã bộc lộ những khó khăn của các nghiệp đoàn độc lập như sau: “thứ nhất là chúng tôi cần phải thu hút thêm nhiều đoàn viên. Vấn đề liên lạc để cùng làm việc cũng là một trở ngại rất lớn….thứ hai, về phía chính quyền chúng tôi bị họ đàn áp và gây nên những tổn thất có thể nói là rất lớn…”.
Đó là tình hình năm 2014. Năm nay 2020 những khó khăn nội tại hay khách quan không hề giảm đi mà còn trầm trọng thêm.

Vấn đề nhân sự

Hầu hết các nghiệp đoàn đều không công bố con số đoàn viên, ngoại trừ Phong Trào LĐV nói là họ có trên 10 người năng nổ tại Việt Nam. Việc thiếu thốn nhân lực cũng thể hiện ở những trang mạng không được cập nhật hóa. Việc thu nhận đoàn viên trong giới người lao động/công nhân vào một “hội kín”,”bất hợp pháp”, hẳn nhiên là rất khó khăn. Ở những nghiệp đoàn độc lập truyền thống ở các nước khác, các đoàn viên bầu ra ban chấp hành. Ngược lại, các nghiệp đoàn độc lập VN trước tiên có một ban chấp hành do một nhóm người chủ trương lập ra. Đoàn viên sẽ được chiêu mộ, tìm kiếm sau. Trong trường hợp ban chấp hành ở nước ngoài, đoàn viên ở trong nước thì việc phối hợp hành động giữa đoàn viên và ban chấp hành rất phức tạp, đã dẫn tới những đổ vỡ. Đó là trường hợp của Phong Trào Lao Động Việt tách ra khỏi Liên Đoàn Lao Động Việt vào năm 2016.

Vấn đề năng lực tài chính

Không được như Công Đoàn nhà nước Việt Nam, là tổ chức mà các xí nghiệp bắt buộc phải chi trả cho Công Đoàn tương đương 2% tiền lương công nhân, bất kể xí nghiệp có Công Đoàn hay không. Các nghiệp đoàn độc lập hiện nay không có được nguồn tài chính này. Mọi chi phí đều do số đoàn viên ít ỏi tự đóng góp. Tài trợ từ bên ngoài, nếu có, không được công bố . Ngoại lệ là KNĐ Viêm Việt công khai ngân quĩ khiêm tốn của họ, quãng hơn 1000 USD. Hiện tại đã có ý kiến là một khi các nghiệp đoàn độc lập được chính thức hoạt động thì Công Đoàn nhà nước phải chia phí Công Đoàn đã thu được cho các nghiệp đoàn độc lập.

Vấn đề nhà nước đàn áp

Đối với nhà nước Việt Nam, bất cứ đoàn thể nào mà không do chính họ lập ra đều đáng nghi ngờ và cần phải triệt hạ từ trong trứng nước. Các nghiệp đoàn độc lập cũng không là ngoại lệ. Lại nữa, chính phần đông các thành viên của nghiệp đoàn cũng lại là đảng viên của nhiều đảng phái đối lập ở trong và ngoài nước khiến nhà nước lại thêm lý do để truy diệt. Có thể kể ra ở đây một số đảng phái hay khối hay nhóm chính trị đối lập có người hoạt động nghiệp đoàn: đảng Thăng Tiến, đảng Vì Dân, đảng Dân Chủ Nhân Dân, khối 8406, nhóm Đàn Chim Việt, nhóm Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Hội Anh Em Dân Chủ, Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết… Việc đàn áp dã man của nhà nước đã làm một số nghiệp đoàn tan rã hay co cụm hay rút vào bóng tối. Nghiệp đoàn Viêm Việt, do chỉ hoạt động tương trợ, văn hóa, triết học, không cổ vũ đấu tranh, không ủng hộ biểu tình đình công nên được nhà nước để yên.

Nhìn lại đường lối của “Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam” mới thành lập, thì dường như là họ, để tránh vết xe đổ của người đi trước, cố gắng tự bảo vệ, tránh đối đầu với nhà nước bằng cách tuyên bố là “không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào”, họ xem tổ chức Công Đoàn nhà nước như là một thực thể không thể bỏ qua, có thể “đồng hành” với điều kiện TLĐLĐVN “thực hiện đúng chức năng của một nghiệp đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động”

Hoặc như cách dẫn giải của một quan sát viên ngoại quốc, Joe Buckley trong báo China labour bulletin: chiến thuật của VIU có vẻ là một “pragmatic, sensible politics” (17), tạm dịch là một chính sách thực dụng, thận trọng.

Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu chính sách thực dụng này của họ có thể là “lá chắn” ngăn được đàn áp của nhà nước hay không. Trong quá khứ nhà nước cũng đã không gớm tay khi bắn giết người dân Đồng Tâm, mặc dù dân Đồng Tâm đã nhấn mạnh là họ không chống nhà nước mà chỉ muốn chống tham nhũng, hay như những dân oan có được trả lại đất đai hay đền bù thỏa đáng, tuy họ cầm cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ Chí Minh đi kêu oan? Việc face book chặn trang web của VIU trong thời gian qua có thể là một tín hiệu cho thấy “lá chắn” không mấy hiệu quả.

Nghiệp đoàn độc lập và khả năng tham gia vào các định chế EVFTA

Nghiệp đoàn độc lập được định nghĩa như những tổ chức phi chính trị, độc lập với chính phủ, do người lao động lập ra, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người lao động và xem quyền biểu tình, đình công là phương tiện không thể thiếu để bảo vệ quyền lao động. Nếu đánh giá tất cả” nghiệp đoàn” có tên ở Việt Nam một cách khách quan và công bằng, thì tuy đều là những tổ chức độc lập, nhưng không có hoặc chưa có tổ chức nào có thể được gọi là nghiệp đoàn đích thực như tên gọi. Nhiều tổ chức có yếu tố chính trị, có tổ chức từ chối đấu tranh cho công nhân, ban lãnh đạo tất cả mọi tổ chức đều không phải do người lao động trong một quá trình bầu cử đưa lên. Con số đoàn viên thực thụ là một bí mật.

Tuy thế, những tổ chức này, dù mang tên “nghiệp đoàn” hay không, đều đã góp công trong việc xây dựng nền tảng cho một thể chế có khả năng thực sự bảo vệ cho người lao động Việt Nam. Nhiều người trong những tổ chức này đã và đang phải đối mặt với những đàn áp khốc liệt của nhà nước, đã hoặc đang bị tù tội, một số phải trốn chạy ra nước ngoài. Họ đều cần phải được bảo vệ và vinh danh.

Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam được xem là một hiệp ước thế hệ mới. Trong đó không những có những điều khoản về thương mãi mà còn có những qui định “phi thương mãi” bao gồm vấn đề lao động, môi trường, phát triển bền vững .... Điều 13.4 của hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của đôi bên là sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, cụ thể là:tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể…

Điều 13.4 của hiệp định EVFTA cần phải được áp dụng một cách nghiêm túc để các nghiệp đoàn thực sự độc lập có thể hoạt động hợp pháp và hữu hiệu cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động./.

TKT

Nguồn:
Ở thời điểm mà bài viết này kết thúc thì trang web của “Liên đoàn Lao Động Việt tự do” (laodongviet.org) đã đóng, không còn truy cập được nữa.

(1) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-evfta/12985/ban-tieng-viet-hiep-dinh-evfta-loi-noi-dau
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx
(3) https://vietnamthoibao.org/y-kien-ve-tuyen-bo-ra-mat-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam/
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44527899.
(5) https://laodongviet.org/tai-lieu-ve-ldv-%e2%80%a2%e2%80%a2-briefing-paper-on-viet-labor/
(6) https://baotiengdan.com/2018/10/27/the-nao-la-phan-boi-ai-phan-boi/
(7) http://s132878132.onlinehome.us/1-tintuc/Dec06/DanApHiepHoiDoanKetCongNongVN.htm
(8) whttps://laodongviet.org/tai-lieu-ve-ldv-%E2%80%A2%E2%80%A2-briefing-paper-on-viet-labor/
(9) https://laodongviet.org/2016/09/02/thong-bao-ve-dai-hoi-ky-ii-cua-lien-doan-lao-dong-tu-do-viet-nam-lao-dong-viet-ldv/
(10) https://nghiepdoansankhau.home.blog/2018/12/07/gia-tri-tam-nhin-su-menh-cua-nghiep-doan-bao-chi-viet-nam/
(11) https://nghiepdoandoclapvn.org
(12) http://quocphongthudo.vn/quoc-phong-an-ninh/dau-tranh-chong-dien-bien-hoa-binh/can-loai-bo-cai-goi-la-nghiep-
doan-doc-lap-viet-nam-.html
(13) https://laodongviet.org/2020/07/07/thu-gui-truyen-thong-bao-chi/
(14) https://nghiepdoandoclapvn.org/binh-luan---quan-diem/-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam-hy-vong-co-co-hoi-dang-ky-va-
hoat-dong-hop-phap-tai-viet-nam-/144-773-1678.nddl
(15) https://vietnamthoibao.org/vntb-giup-do-nguoi-lao-dong-khoi-nghiep-doan-viem-viet-hoi-am-tac-gia-nguyen-nam/
(16) https://nghiepdoandoclapvn.org/binh-luan---quan-diem/nghiep-doan-doc-lap-tai-sao-khong---/144-773-1921.nddl
(17) https://clb.org.hk/content/vietnam-prepares-begin-new-chapter-labour-organizing

Đầu trang

2018-07-06 - RFA

Thành viên Phong trào Lao động Việt bị tấn công

Thành viên Phong trào Lao động Việt bị tấn công

Vụ việc côn đồ tấn công tư gia của gia đình cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh suốt gần 3 tuần qua, mà chính quyền và công an địa phương không can thiệp làm dấy lên luồng dư luận cho rằng Chính quyền Việt Nam tiếp tục trấn áp tổ chức cổ xúy cho công đoàn độc lập- Phong trào Lao Động Việt.

Tấn công có chỉ đạo?

“Bây giờ hiện tại chỉ có hai bố con Minh Hạnh, mà từng ngày từng giờ lúc nào cũng bị khủng bố, đêm nào cũng bị đe dọa. Cái nhà của tôi bị phá tang hoang hết rồi.”

Ông Đỗ Ty, thân phụ của cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, vào tối ngày 6 tháng 7, nói với RFA như vừa nêu. Ông Đỗ Ty cho biết trước thời điểm các cuộc biểu tình nổ ra hồi trung tuần tháng 6 vừa qua gia đình ông không gặp phải tình trạng mà theo lời ông là “đe dọa, khủng bố”.

Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết cô về cư ngụ tại nhà của thân phụ, ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Vài ngày trước khi công nhân biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, cô Minh Hạnh bị chặn giữ và cản trở trong việc đi lại. Sau khi các cuộc biểu tình của đông đảo công nhân diễn ra trong những ngày trung tuần tháng 6, thì côn đồ bắt đầu tấn công tư gia của gia đình cô kể từ ngày 26 tháng 6 và liên tục suốt gần 3 tuần qua. Côn đồ ném thiết bị nổ, gạch đá và xịt hơi cay vào nhà gây ra những tổn hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho cả hai bố con cô Minh Hạnh.

Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy
Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh

Vụ việc côn đồ tấn công được nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh gọi điện thoại trình báo với công an thị trấn Di Linh, công an huyện Di Linh và các cuộc trình báo này được livestream trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, đồng thời thư trình báo cũng được gửi phát nhanh (EMS) đến hai cơ quan công an này và cô Minh Hạnh đã nhận được biên lai hồi báo công an huyện Di Linh đã ký nhận. Cô Minh Hạnh còn thông báo vụ việc tấn công của côn đồ với đại diện của khu phố:

“Thậm chí mình còn mời cả ông Trưởng Ban an ninh trật tự khu phố tới và ông cũng có nói rằng ông đã trình báo với công an rồi, nhưng công an không xuống thì không thuộc thẩm quyền của ông.”

Vào chiều ngày 4 tháng 7, Đài RFA liên lạc với công an huyện Di Linh qua điện thoại để hỏi về trường hợp trình báo vụ việc tấn công mới nhất xảy ra trong tối mùng 3 tháng 7 tại nhà của gia đình ông Đỗ Ty, và chúng tôi được trả lời:

“Không thấy hộ ông Đỗ Ty báo gì lên công an huyện tình hình tối hôm qua. Đề nghị một là gia đình lên trực tiếp, hoặc hai là báo qua điện thoại mà chưa nhận được thông tin gì.”

Những người theo dõi sát diễn tiến xảy ra đối với gia đình của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho rằng đợt tấn công là biện pháp trả đũa của chính quyền đối với Phong trào Lao Động Việt, do cô Minh Hạnh giữ chức vụ chủ tịch. Bản thân cô Minh Hạnh nhận định:

“Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy.”

Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt-Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh - Courtesy: Facebook Minh Hanh Do Maria

Việc đàn áp bị phản đối

Một thành viên của Nhóm Nhân sĩ Trí thức Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu nói với RFA Chính quyền Việt Nam không loại trừ bất kỳ một hình thức nào để đán áp giới đấu tranh ôn hòa ở trong nước:

“Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố. Hãy nhớ một điều: ai cũng thế, đầu tiên là phải sống, rồi mới sống của con người sống mà họ tấn công vào sinh tồn trước là cực kỳ ác.”

Ông Huỳnh Kim Báu trưng dẫn các biện pháp đàn áp đối với các nhà hoạt động không chỉ qua việc dùng côn đồ tấn công, hành hung mà còn sử dụng rất nhiều cách thức khác đối với họ và cả thân nhân trong gia đình họ như triệt tiêu kế sinh nhai, đóng tất cả các cánh cửa công ăn việc làm hay làm áp lực không cho thuê mướn nơi ăn chốn ở…

Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc đảng, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố
Ông Huỳnh Kim Báu

Với tư cách là Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh khẳng định tổ chức công đoàn độc lập này sẽ tiếp tục đồng hành cùng với công nhân tại Việt Nam. Riêng về vụ việc gia đình bị côn đồ tấn công trong gần 3 tuần lễ qua, cô Minh Hạnh cho biết nếu tình hình vẫn tiếp diễn thì “Chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng ở cấp tỉnh và sẽ đưa vụ việc này ra trước công luận và quốc tế”.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân Xá Quốc Tế-Amnesty International, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền-Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính quyền Việt Nam ngay lập tức can thiệp để chấm dứt vụ việc tấn công hành hung, nhắm vào nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh.

Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Phil Robertson, vào ngày 4 tháng 7 lên tiếng cho rằng chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đồng lõa với côn đồ và không có biện pháp trừng phạt đối với các hành động này nhằm bịt miệng giới đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam.

Vào ngày 5 tháng 7, Dân biểu Úc Chris Hayes viết thư gửi đến Đại sứ Australia tại Việt Nam, trình bày vụ việc của nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh và bày tỏ mong muốn Đại sứ Úc tại Việt Nam hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống của gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh nói riêng và các nhà hoạt động cho công bằng xã hội và nhân quyền tại Việt Nam nói chung.

Tin, bài liên quan

Tin, Bài Đáng Chú Ý

Đầu trang

21/08/2020 - nghiepdoandoclapvn.org

Thông cáo thành lập của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam

Ngày đăng: 21/08/2020

Kính thưa quý vị,

Trong thời đại toàn cầu hoá, việc hội nhập vào nền kinh tế chung của thế giới đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường và liên kết với các quốc gia phát triển khác. Trong chiều hướng đó, cho tới nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó, đặc biệt có 2 FTA thế hệ mới:

– Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
– Ngày 8/6/2020, Quốc Hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên Âu (EVFTA).

Một trong những yêu cầu quan trọng trong cả hai FTA này là Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động, đặc biệt quyền được thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Nghiệp đoàn). Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Thực tế cho thấy, chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Chang-Hee Lee đã nhận định: “Quyền nghiệp đoàn là quyền của người lao động, và nghiệp đoàn là tổ chức của người lao động, không chịu sự can thiệp của người sử dụng lao động. Cần có những thay đổi để tuân thủ các yêu cầu của Hiệp định CPTPP và EVFTA, và hơn hết là hoàn thành nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên ILO”.

Vì những nhu cầu cấp thiết kể trên, chúng tôi, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (NĐ ĐL VN) tuyên bố ra mắt cùng anh chị em công nhân, những người lao động cũng như những tổ chức nghiệp đoàn quốc tế.

Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.

Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, NĐ ĐL VN sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn.

Làm tại Việt Nam, ngày 01/7/2020

Ban Điều hành Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam
Chủ tịch: Bùi Thiện Tri
Phó Chủ tịch: Trần Nghĩa Quân
Tổng Thư ký: Benn Đặng
Phụ trách tài chánh: Phùng Tuệ Tâm
Cố vấn: Nguyễn Nguyên Bình *

* Bà Nguyễn Nguyên Bình từng là trung tá quân đội. Bà đã làm việc tại cơ quan tuyên truyền vận động binh sĩ địch, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt nam trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược. Vì bất đồng chính kiến với đường lối và chính sách hiện hành của Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc nên bà đã giải ngũ năm 1994. Bà Nguyễn Nguyên Bình là con của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. 

Hãy liên lạc với chúng tôi
Website: https://nghiepdoandoclapvn.org/
Facebook: https://www.facebook.com/nghiepdoandoclapvn
Email: lienlac@nghiepdoandoclapvn.org và vnnddl@gmail.com

----------------------

Bản tiếng Anh

Official announcement of Vietnamese Independent Union

Saigon, July 1st 2020

To whom it may concern,

In this age of globalization and economic integration, countries are forced to boost their cooperation with others, particularly the developed nations. Vietnam is not an exception since the country has signed 12 FTAs in total, including the very two new ones: CPTPP and EVFTA, which have already been ratified at the national assembly.

Both CPTPP and EVFTA require the Vietnamese government to respect the legitimate rights and interests of its labors, especially the right of employees at grassroots level, on their voluntary basis to establish unions (or syndicates) representing themselves in the labor relations.

As a matter of fact, just the truly independent organizations which are not subjected to any corporations and political parties, can accomplish that lofty mission. Moreover, the competition of various unions definitely will bring no harms, but the fair interests to both employees and employers.

Union right is an inalienable right of the employees. Thus, unions are the organizations representing them to defend their legitimate rights and interests, under no interference by the employers. Changes are needed for Vietnam to comply with the requirements of CPTPP and EVFTA, and most importantly to fulfill the country’s duty as a ILO member,” said Mr. Chang-Hee Lee, ILO Vietnam Director.

Because of that imperative practice, we solemnly declare the establishment of Vietnamese Independent Union (VIU) to all employees and international syndicates.

Though members of VIU are from various backgrounds, but all share the same purpose of forming free unions in different industries. We want to travel with the Vietnamese General Confederation of Labor (VGCL) as a supplementing force to protect the employees, guarantee their full interests as the fellows in other member states of CPTPP and EVFTA.

For those reasons, we call for the support and involvement of employees, free labors and intellectuals of all careers. Step by step, we will guide you to form the unions for your real interests.

Our executive board
President: Mr. Bui Thien Tri
Vice President: Mr. Tran Nghia Quan
General Secretary: Mr. Benn Dang
Treasurer: Ms. Phung Tue Tam
Operational Adviser: Madame Nguyen Nguyen Binh *

* Madame Nguyen Nguyen Binh is a former lieutenant colonel of the Vietnamese People Army (VPA). She used to serve as a propagandist calling for the surrender of Chinese invaders during the Sino-Vietnamese War (Feb 1979). In peacetime, due to her differences over the contemporary policies of Vietnamese authorities governing their behaviors in the bilateral relationship with People Republic of China (PRC), she has voluntarily become an ex-servicewomen before due date since 1994. Besides, Madame Binh is the daughter of the late Vietnamese ambassador to China and major general Nguyen Trong Vinh.

Contact us via
Website: http://nghiepdoandoclapvn.org/
Facebook: https://fb.me/nghiepdoandoclapvn
Email: lienlac@nghiepdoandoclapvn.org or vnnddl@gmail.com

---------------------

Bản tiếng Pháp

Déclaration de l'Indépendant Syndicat Vietnamien

Mesdames et Messieurs,

À l'ère de la mondialisation, l'intégration dans l'économie mondiale oblige les pays à élargir leurs marchés et à établir des liens avec d'autres pays développés. Dans cette tendance, le Vietnam a jusqu'à présent signé 12 accords de libre-échange (FTA) dont notamment deux de nouvelle génération:

- Le 8 mars 2018, le Vietnam a signé l'Accord Global et Progressif de Partenariat

Transpacifique (CPTPP)

- Le 8 juin 2020, l'Assemblée Nationale a approuvé l'Accord de libre-échange avec l'Union européenne (EVFTA).

L'une des exigences importantes des deux FTA est que le Vietnam doit respecter les droits des travailleurs, particulièrement le droit de créer une organisation les représentant au niveau local (syndicat). Cette organisation est établie par la volonté des travailleurs dans le but de protéger leurs droits et intérêts légitimes dans les relations avec leur employeur.

En fait, seuls les syndicats vraiment indépendants de tout parti politique, et non dominés par d'autres entreprises, osent se lever et se concentrer dans la lutte pour protéger les droits et intérêts légitimes des ouvriers. La concurrence entre les organisations représentatives des travailleurs aidera les ouvriers et les entreprises à bénéficier des mêmes avantages économiques d'une façon équitable.

Le Directeur de l'Organisation Internationale du Travail (OIT) au Vietnam, M. Chang-Hee Lee, a déclaré: «Le droit aux syndicats est un droit des travailleurs, et les syndicats sont des organisations de travailleurs, sans ingérence de l'employeur. Des changements sont nécessaires pour se conformer aux exigences du CPTPP et de l’EVFTA, et surtout pour remplir les obligations du Vietnam en tant qu'État membre de l'OIT ».

En raison des besoins urgents mentionnés ci-dessus, nous, Syndicat Indépendant  Vietamien (VIU), annonçons notre présence parmi nos frères et sœurs, les travailleurs ainsi que les syndicats internationaux.

Le Syndicat Indépendant Vietnamien est une organisation des travailleurs de professions différentes, dont le seul but est de créer des syndicats libres. Nous esperons accompagner la Confédération Générale du Travail du Vietnam dans la mission de protéger efficacement les droits et les intérêts légitimes des travailleurs, d'améliorer leur vie afin d'assurer une concurrence loyale entre les entreprises, d'aider également les travailleurs vietnamiens à bénéficier des mêmes avantages que ceux des autres pays dans le cadre du CPTPP et de l'EVFTA.

Nous exhortons également les travailleurs des entreprises, les travailleurs indépendantsdes autres professions ainsi que les intellectuels à rejoindre l'Union vietnamienne des syndicats indépendants. Étape par étape, le Syndicat Indépendant  Vietnamien vous guidera en formant des syndicats pour votre profession au niveau local pour protéger vos intérêts.

Prenez contact avec nous:
Site Web: http://nghiepdoandoclapvn.org/
FB: https://fb.me/nghiepdoandoclapvn
Courriel:vnnddl@gmail.com
         et : lienlac@nghiepdoandoclapvn.org

Comité exécutif du Syndicat Indépendant Vietnamien:
Présidente: Bui Thien Tri
Vice-président: Tran Nghia Quan
Secrétaire général: Benn Dang
Chargé des finances: Phung Tue Tam
Conseiller: Nguyen Nguyen Binh*

=============================================================

* Mme Nguyen Nguyen Binh était lieutenant-colonel dans l'armée populaire. Elle a travaillé pour la propagande et la mobilisation des soldats ennemis du Département de Politique Générale de l'armée populaire du Vietnam pendant la guerre de février 1979 contre la Chine. En raison des divergences sur la politique actuelle de l'État vietnamien envers la Chine, elle a été démobilisée en 1994. Mme Nguyen Nguyen Binh est la fille du général Nguyen Trong Vinh.

Thông cáo số 2 của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam

Ngày đăng: 21/08/2020

Kính thưa Quý vị,

Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (NĐ ĐL VN) đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Trong một tuần qua, chúng tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng, khích lệ, động viên của những người lao động, các nhà hoạt động xã hội ở trong và ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử đã phỏng vấn, bình luận, đưa tin về sự kiện ra mắt NĐ ĐL VN. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và có thêm động lực để tiếp tục con đường phục vụ người lao động của mình.

Nhân đây, NĐ ĐL VN trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đã dành cho chúng tôi trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đã phổ biến Thông cáo của NĐ ĐL VN cũng như phỏng vấn thành viên Ban Điều hành để công luận được biết đến và có cơ hội tìm hiểu thêm về NĐ ĐL VN.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được hoặc biết đến một số ý kiến trái chiều, nghi ngờ, không đồng tình thậm chí phản đối sự ra mắt và hoạt động của NĐ ĐL VN. Những ý kiến này chủ yếu liên quan đến một nội dung trong Thông cáo của NĐ ĐL VN: Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...” và qua đó, suy diễn rằng NĐ ĐL VN là tổ chức quốc doanh, là nghiệp đoàn trá hình, v.v… Rất tiếc, những các nhân, tổ chức này đã cắt bỏ một đoạn sau. Nguyên văn đoạn văn trong Thông cáo của chúng tôi là : Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA”.

Câu này có thể diễn giải một cách chính xác là : « Mục tiêu của bất cứ nghiệp đoàn nào được lập ra là để phục vụ người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. NĐ ĐL VN được lập ra không ngoài mục đích trên. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) là tổ chức công đoàn duy nhất được nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận. Nếu TLĐLĐVN thực hiện đúng chức năng của một nghiệp đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì có cùng mục tiêu với chúng tôi. «Đồng hành» theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là cùng đi đường với nhau, đó là con đường vì người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Bất cứ tổ chức nghiệp đoàn nào tại Việt Nam thực hiện đúng mục tiêu đó tức là họ cùng đi trên một con đường. Chỉ có một ý nghĩa duy nhất như vậy, không thể khác.

Như đã khẳng định trong Thông cáo ngày 01/7/2020 của chúng tôi: « Chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động ». Chúng tôi đặt tên của tổ chức là Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cũng là để nhấn mạnh sự độc lập của chính mình. Rất tiếc, một vài cá nhân, tổ chức chưa tìm hiểu cặn kẽ nên đã hiểu lầm và thậm chí còn quy chụp rằng « đây cũng là một tổ chức lao động trá hình nằm trong thủ đoạn nói một đằng làm một nẻo của ĐCSVN ».

Trước những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ và không có thiện chí đó, chúng tôi - Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam - ra mắt ngày 01 tháng 7 năm 2020 vừa qua, long trọng khẳng định :

Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là vì người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Chúng tôi không có sự liên quan nào với TLĐLĐVN. Chữ « đồng hành » được dùng trong Thông cáo của chúng tôi không ngoài ý đã nêu trên. Chúng tôi phản đối mọi cáo buộc cho rằng chúng tôi là một nghiệp đoàn quốc doanh hay cánh tay nối dài của TLĐLĐVN.

Chúng tôi là tổ chức hoàn toàn độc lập, được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện của mọi thành viên, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình.

Chúng tôi là những người lao động thuộc nhiều ngành nghề khác nhau chung tay thành lập NĐ ĐL VN. Tổ chức chúng tôi không có ai là đảng viên ĐCSVN.

Khác với Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam và Điều 1 của Luật Công đoàn: « Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân », chúng tôi - Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam - là một tổ chức « Độc lập » theo đúng nghĩa của nó, chúng tôi không phải là một tổ chức chính trị - xã hội, cũng không thuộc về bất cứ tổ chức chính trị hay đảng phái nào.

Xin nhắc lại một lần nữa: Chúng tôi - Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam - không phải và sẽ không bao giờ là một tổ chức ngoại vi của bất cứ đảng phái chính trị nào và càng không phải là một tổ chức nghiệp đoàn quốc doanh trá hình.

Với Thông cáo này, chúng tôi hy vọng làm sáng tỏ những hiểu lầm về Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, một tổ chức tuy còn non trẻ nhưng đầy nhiệt huyết trên con đường giúp đỡ công nhân thoát khỏi mọi áp bức, bất công, giành lại quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chúng tôi cũng luôn mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiệp đoàn trong và ngoài nước trên cơ sở thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau phối hợp và hỗ trợ để triển khai các hoạt động bảo vệ người lao động  một cách hiệu quả.

Việt Nam, ngày 09 tháng 7 năm 2020

Ban Điều hành Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam

Đầu trang

Quốc Phương - 2 tháng 7 2020 - BBC News Tiếng Việt

Nghiệp đoàn độc lập ra đời “chỉ vì quyền lợi người lao động VN”

Nguồn hình ảnh, NOEL CELIS/Getty Images

Bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, bình luận về ý nghĩa nghiệp đoàn độc lập được thành lập ở Việt Nam hiện nay và cho rằng truyền thống công đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ ở nước này.

Truyền thống nghiệp đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ và thậm chí trước nữa, trong thời Pháp thuộc ở Việt Nam và ngày nay, các tổ chức nghiệp đoàn độc lập nếu được thành lập bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người lao động thì nên được phép nhà nước Việt Nam cho phép, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/7/2020 từ Hà Nội.

Trước hết, nhà hoạt động này, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, bình luận với BBC về bối cảnh và ý nghĩa của việc nên cho phép tổ chức nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động ở Việt Nam, sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai hiệp định thế hệ mới đã được ký kết gần đây với Liên minh châu Âu là EVFTA và EVIPA:

"Tôi đã có lần nói với BBC là không giống một số người khác, tôi ủng hộ việc EU và Việt Nam đạt thỏa thuận và thông qua các hiệp định tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam.''

"Tôi cho rằng và ủng hộ việc không nên trì hoãn ký các hiệp định trên giữa Việt Nam với châu Âu, bởi vì nó rất cần thiết, mà nếu không có các hiệp định ấy thì Việt Nam càng sa lầy lệ thuộc vào Trung Quốc.

"Việc về nhân quyền không phải là châu Âu cứ ép là được, nếu nói về hiệp định thì kinh tế là chính, còn có các vấn đề nhân quyền này nọ, trong đó có quyền của người lao động, việc cho phép công đoàn, nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động v.v…, thì trong quá trình làm việc với nhau, thì phải bàn bạc để có những sự ràng buộc ngay trong những hiệp ước và những hợp đồng, điều khoản cụ thể, chi tiết.

"Chứ không phải tổng thể là vì anh không tôn trọng nhân quyền cho nên tôi không ký hiệp định với anh, tôi không chơi với anh, đã có những vị ở Hội đồng châu Âu, hay Liên mình châu Âu đã có ý kiến như thế, nhưng có thể trên thực tế thì cứ ký kết với nhau một là để Việt Nam có thêm cửa làm ăn, nếu không thì nguy hiểm, hai nữa là trong quá trình hợp tác, sẽ có những sự ràng buộc cụ thể, mà nếu anh không muốn ràng buộc thì cũng không được."

'Song hành, bổ sung'

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images

Hôm 01/7/2020, một tổ chức tự gọi tên là Nghiệp đoàn Lao động Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập ở trong nước, và cho hay trong diễn ngôn thành lập của mình rằng:

"Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.

"Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, NĐ ĐL VN sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn."

Tổ chức này giới thiệu trong Ban Điều hành có bà Nguyễn Nguyên Bình trong vai trò "cố vấn", khi được hỏi cụ thể vai trò này có ý nghĩa như thế nào, bà Nguyên Bình đáp:

"Trước tiên tôi muốn chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của xã hội dân sự, đặc biệt của nghiệp đoàn độc lập, công đoàn độc lập như thế này.

"Trước đây tôi học tiếng Nga, tôi nhớ có một câu ngạn ngữ nội dung đại thể như thế này "Một trí tuệ đã tốt rồi, nhưng hai trí tuệ còn tốt hơn.''

"Mà đây theo ý kiến của tôi, công đoàn độc lập không phải là đối lập với ai cả, mà công đoàn độc lập để mà đồng hành với công đoàn đã có (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), và cùng nhau giải quyết những vấn đề, có thể là bổ sung cho nhau, đấy tức là với tinh thần một trí tuệ đã tốt, hai trí tuệ còn tốt hơn.''

"Còn về việc tôi được mời làm cố vấn, cái này thực ra tôi không muốn nhấn mạnh, nhưng nếu ai hay những người của nhà nước có đến hỏi, thì tôi chỉ nói là tôi là nhà văn cho nên là tôi có thể tư vấn về mặt nhân văn, nhân bản.''

"Còn trước đây tôi có kinh nghiệm vận động binh vận, thì tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đàm phán với nhau, giải quyết xung đột sao cho được hiệu quả, thuận tình đạt lý, giúp giải quyết được những vấn đề khó khăn, đảm được bảo quyền của người lao động"

'Có truyền thống từ trước'

Theo bà Nguyễn Nguyên Bình, thực ra không phải đợi đến nay mà từ rất lâu trước đây, công đoàn, nghiệp đoàn độc lập đã có truyền thống bắt rễ trong xã hội Việt Nam, từ thời Công hội đỏ, thậm chí từ trước đó nữa, bà chia sẻ nhận thức này qua trải nghiệm của chính gia đình mình:

"Ông cụ tôi từng tham gia tổ chức gọi là 'Công ấn ái hữu', tức là tổ chức ái hữu của công nhân nhà máy in, công nhân ngành in, còn bà mẹ tôi bà tham gia hội của công nhân tư gia, vì bà là người đi làm công việc khâu đầm (may quần áo, váy áo), cho nên làm việc ở tư gia chứ không phải ở trong nhà máy.

"Ông bố tôi làm ở nhà máy in Minh Sang, cho nên là ông tham gia hội ái hữu của công nhân in ở đó.

"Tất nhiên là thời ấy, hội ái hữu công nhân in là đấu tranh với Thực dân Pháp, đấu tranh với giới chủ và lúc ấy mục tiêu theo sự lãnh đạo của Đảng là đấu tranh để giành những quyền có tính chất là đấu tranh giai cấp.

"Thì có thể là bước đầu có tính công đoàn thôi, tức là đấu tranh về dân sinh, nhưng mà sau đó thì tiến lên đấu tranh giành những quyền lợi khác và tiến tới đấu tranh giành độc lập cho nước Việt Nam.

"Lúc ấy có thể nói là rất tốt và công lao của các cụ bây giờ đem lại một đất nước Việt Nam độc lập và không có thể ai mà phủ nhận được.

"Thế còn bây giờ, có những người người ta tự nhiên cứ thấy có tổ chức nào ngoài quốc doanh thì người ta e ngại, nhưng mà đấy là một sự quá nhạy cảm thôi, chứ còn nghiệp đoàn này theo ý nghĩa là nó đồng hành với công đoàn có sẵn, Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì chỉ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho những người lao động thôi, chứ có phản đối ai, có chống gì ai đâu."

Nhân dịp này, cùng hôm thứ Tư, BBC News Tiếng Việt đã phỏng vấn với một thành viên của tổ chức Liên đoàn Lao động Độc lập Việt Nam nói trên và được một thành viên, ông Trần Giang, một người lao động trong doanh nghiệp ở miền Đông Nam Bộ cho biết một số chi tiết về tổ chức này:

"Chúng tôi là những người thật việc thật, không phải là tổ chức không tồn tại trên thực tế, thực ra chúng tôi đã hoạt động trên thực tế hỗ trợ, giúp đỡ người lao động từ lâu nay, chúng tôi hoạt động hoàn toàn dựa vào những hoạt động hợp pháp, phù hợp với hiến pháp và các công ước mà Việt Nam ký kết với quốc tế.

"Chúng tôi đã hoạt động từ lâu dưới hình thức các tổ nhóm lao động độc lập tự phát và đã phát huy hiệu quả."

Vì sao không đợi thêm ?

Khi được hỏi vì sao không đợi tới một thời hạn như đầu năm 2021, khi chính quyền và nhà nước cho phép chính thức các tổ chức đại diện cho người lao động có tư cách độc lập có thể đăng ký, hoạt động để chính thức hơn, ông Trần Giang đáp:

"Có thể nói là các hoạt động của chúng tôi phù hợp với hiến pháp, với luật pháp, công ước quốc tế, việc đến bây giờ vẫn chưa cho phép thành lập các nghiệp đoàn, công đoàn độc lập là quá muộn, trong khi nhiều người lao động ở khắp nơi đang chịu nhiều thiệt thòi, không thể chờ đợi.

"Đây cũng là thời điểm phù hợp và chín muồi sau khi Việt Nam đã có những ký kết với quốc tế, nhất là sau các Hiệp định thế hệ mới như là CPTPP, EVFTA hay là EVIPA, chúng tôi không cạnh tranh với ai để ra sớm hơn, hay muộn hơn, mà chính là đây là thời điểm đã chín muồi và dựa trên nhu cầu thực sự cần được hỗ trợ, giúp đỡ cấp bách không thể muộn hơn của nhiều người lao động, giới lao động ở nhiều nơi, nhiều ngành nghề, tổ chức lao động, doanh nghiệp mà qua quá trình hoạt động thực tế chúng tôi nắm rất rõ."

Đánh giá về viễn kiến tương lai của tổ chức của mình, ông Trần Giang nói:

"Tương lai thì chưa nói được gì, có nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, miễn sao giúp đỡ được hiệu quả nhất cho người lao động, giới lao động.

"Chúng tôi không hoạt động chính trị, không nhận tiền để hoạt động chống phá, khủng bố của bất cứ ai, tới nay, chúng tôi đều hoạt động dựa trên chính túi tiền của mình để cống hiến, chi phí cho các hoạt động hỗ trợ người lao động.

"Chúng tôi không cạnh tranh với ai, kể cả với các tổ chức nghiệp đoàn thành lập trước, trong, hay sau mình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tổ chức nghiệp đoàn, công đoàn của nhà nước, chính quyền, sẵn sàng tìm tiếng nói chung với giới chủ để đạt mục tiêu cao nhất là hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động mà thôi," thành viên này nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/7 từ Việt Nam.

Tin liên quan

Nhà thơ Hoàng Hưng: Xã hội dân sự VN trong mắt tôi
22 tháng 7 năm 2018

Bất đồng chính kiến Việt Nam: Góc nhìn qua các thế hệ
30 tháng 6 năm 2020

Bất đồng chính kiến Việt Nam: Mưu sinh và viễn kiến
1 tháng 7 năm 2020

Đầu trang

22 tháng 7 2018 - Quốc Phương - BBC Tiếng Việt

Nhà thơ Hoàng Hưng: Xã hội dân sự VN trong mắt tôi

Chính quyền Việt Nam vẫn còn nhiều biểu hiện 'lo sợ, quan ngại và dị ứng' với thiết chế và không gian xã hội dân sự? (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Phong trào xã hội dân sự Việt Nam với 'mầm mống' từ trước đã 'hình thành' mạnh mẽ trong thời gian vài năm gần đây và một trong những nhân tố giúp thiết chế này cất cánh chính là nhờ 'truyền thông mạng', nhà thơ Hoàng Hưng nói với BBC trong một phỏng vấn từ Warsaw, Ba Lan vào trung tuần tháng Bảy 2018.

Các tổ chức xã hội dân sự đa dạng về hình thức tổ chức và hoạt động, trong lúc một số thiên về phản biện chính sách, quan sát, giám sát quyền lực, hành vi nhà nước, chính quyền, thì số khác đáp ứng những nhu cầu của xã hội và cộng đồng từ khoa học, nghệ thuật, giải trí, cho tới kinh doanh v.v..., vẫn theo ý kiến này.

Tuy nhiên, dường như chính quyền Việt Nam vẫn còn nhiều biểu hiện 'lo sợ, quan ngại và dị ứng' với thiết chế và không gian xã hội này, như nhà văn Hoàng Hưng chia sẻ với BBC Tiếng Việt dưới đây, khi ông bình luận về thực trạng và tiền đồ của xã hội dân sự ở quốc gia Đông Nam Á với trên dưới 95 triệu dân.

Nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng xã hội dân sự Việt Nam có ích cho đất nước và có lợi cho một nhà nước đứng đắn, đàng hoàng.

"Tôi thấy phong trào xã hội dân sự Việt Nam mà mầm mống từ mười mấy năm nay rồi, nhưng đến vài năm gần đây thì nó mới thật sự có thể coi đã bắt đầu một xã hội dân sự hình thành với rất nhiều những nhóm, các tổ chức nhỏ và điều quan trọng tôi cho đó là chính nhờ truyền thông mạng.

"Truyền thông mạng đã giúp lan truyền tất cả những tin tức, cũng như những ý kiến, kể cả những bài viết đầu tiên của những cá nhân, của những người có tinh thần tự do, cấp tiến và muốn phản biện lại những vấn đề của chính quyền.

"Từ cái đó, bắt đầu tập hợp nhau lại và tập hợp nhau chủ yếu là trên mạng bằng những hình thức thí dụ như những nhóm email như là Diễn đàn Xã hội Dân sự chẳng hạn, do anh Nguyễn Quang A khởi xướng, rồi từ đó thành những tổ chức nhỏ như Ban Vận động Văn đoàn độc lập, hay sau đó là Việt Nam Thời Báo, tức là của tổ chức Hội nhà báo Độc lập".

Theo nhà thơ Hoàng Hưng đây rõ ràng là các tổ chức được hình thành rõ ràng và có tính chất phản biện. Còn về các tổ chức, dạng thức khác, ông cho biết thêm:

"Các tổ chức, các nhóm khác, đặc biệt của các bạn trẻ, thì họ không chuyên sâu vào những chuyện phản biện chính sách, mà họ đi vào những vấn đề của đời sống rất phong phú, về khoa học, về nghệ thuật, về giải trí, về kinh doanh, nhiều thứ lắm. Và hiện giờ những tổ chức gọi là xã hội dân sự như thế rất đông đảo và nhờ truyền thông Internet."

Tương tác hai bên ?

Việt Nam chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, xuống đường và các phong trào của dân chúng thời gian gần đây.

Trước câu hỏi về tương tác giữa xã hội dân sự Việt Nam với chính quyền hiện nay ở trong nước ra sao, nhà thơ Hoàng Hưng đáp:

"Về mặt chính thức, nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận xã hội dân sự và trong phát biểu của những người lãnh đạo, họ vẫn coi xã hội dân sự là cái gì như là rất xấu, là công cụ phá hoại của thế lực thù địch, ngôn ngữ mà ta quen thấy trong những chỉ thị mới đây của Trung ương Đảng, của Ban Bí thư... cũng cấm Đảng viên không được bàn đến xã hội dân sự, không được nhắc đến xã hội dân sự,

"Tôi cho đó là một điều rất kỳ quặc, bởi vì họ quá dị ứng với vấn đề xã hội dân sự, chứ trong quan sát của tôi, thực sự trong những nhóm mà gọi là xã hội dân sự bây giờ, những cái cực đoan để mà chống, âm mưu lật đổ, tôi thấy không có. Tôi có thể nói thẳng là không có. Không có xã hội dân sự nào chủ trương lật đổ nhà nước Việt Nam cả. Mà nhiều nhất cũng chỉ là phê phán đường lối, chính sách.

"Tất nhiên cũng có những nhóm phê phán rất triệt để, rất căn bản, nhưng trên cơ sở nhận thức rất đúng đắn và tôi nghĩ rằng nói chung những phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam bây giờ chỉ muốn gây áp lực để cho chính quyền cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải có một sự thay đổi, mà thay đổi rất căn bản. Thí dụ như Luật về Đất đai chẳng hạn là phải thay đổi. Rồi Tam quyền phân lập chẳng hạn là buộc phải đi đến chỗ đó.

"Tất nhiên người ta không yêu cầu anh phải làm ngay, mà phải cũng có một lộ trình an toàn, đương nhiên chẳng ai muốn xã hội rối loạn cả, cho nên tôi không thể hiểu được suy nghĩ của những người đang cầm trịch của chính quyền họ lại lo sợ và họ lại dị ứng với xã hội dân sự như thế."

Mạnh, yếu thế nào ?

Nạn tin giả hay tin thất thiệt có thể làm suy yếu mạng xã hội, một nhân tố giúp xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển mạnh thời gian gần đây, theo nhà quan sát.

Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu nổi bật nhất của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Hưng nói:

"Điểm mạnh của nó là nhờ môi trường Internet và nhất là Facebook, nó đã dần trở thành như tôi dùng danh từ là một hệ thống 'báo công dân', tức là mỗi một Facebooker mà Việt Nam hiện giờ có thống kê cho là có đến 50 triệu hoặc 55 - 58 triệu Facebooker, thì họ đều có thể trở thành một nhà báo, họ ghi lại tất cả những gì họ thấy trong thực tế, tất cả cái đó, thông tin lan truyền rất nhanh chóng và có cái đã phát huy tác dụng rất tốt như họ tố cáo cái xấu, cái ác, mà có thể nhà nước vì lý do nào đó muốn che dấu hoặc bịt đi, hoặc biện minh cho những người được coi là tội phạm.

"Nhưng trên thực tế, với những clip mà họ đưa lên ngay lập tức và truyền rất rộng, thấy rằng không phải như thế [không phải vô can] và cũng đã có những thông tin mà hệ thống báo chí chính thống phải dựa vào để đưa lên, thì cái đó rất là hay.

"Thế nhưng mặt dở của nó là có hai cái, thứ nhất là sự lan truyền những cái Fake News (tin thất thiệt) cũng rất là tệ, kể cả của những lực lượng chống đối [xã hội dân sự] cực đoan mà tôi nghi có thể là lực lượng AK47, những dư luận viên, họ cũng tung ra để làm nhiễu thông tin, những người nhẹ dạ là rất đông, kể cả những trí thức, nhân sỹ tin vào những tin tức giả như thế, rồi lan truyền đi một cách vô tội vạ, thì cái đó là cái dở thứ nhất.

"Và cái thứ hai, cái yếu của xã hội dân sự Việt Nam là không có tổ chức, tức là chính quyền chỉ cho phép những tổ chức rất nhỏ mà họ thấy là không phải là nguy hiểm trực tiếp, thì họ còn để cho gọi là 'mắt nhắm, mắt mở' để hoạt động, thế nhưng nếu hình thành một tổ chức mà có vẻ phiền phức thì họ sẽ đập vỡ ngay từ trong chứng, cái họ sợ nhất là có tổ chức. Gần đây họ khủng bố cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người lập ra công đoàn [Phong trào Lao động Việt] thì cái đấy thể hiện là họ rất sợ vấn đề tổ chức."

Tiền đồ, triển vọng ?

Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt
BBC đặt câu hỏi với nhà thơ Hoàng Hưng (phải) về thực trạng và tiền đồ, triển vọng của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Về tiền đồ và triển vọng của xã hội dân sự Việt Nam tới đây, nhà thơ Hoàng Hưng nêu quan điểm:

"Khó mà nói rõ ràng điều gì bởi vì mọi việc có quá nhiều yếu tố tác động, lấy ví dụ như tôi vừa nói là truyền thông mạng là yếu tố giúp hình thành xã hội nhân sự, thì gần đây nhà nước đã thông qua Luật An ninh mạng mà chính là để đối phó cái đó.

"Với sự đối phó gắt gao như thế, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng, thậm chí những công ty như là Facebook, có thể là vì quyền lợi làm ăn của họ, họ sẽ thỏa hiệp với nhà nước để ngăn chặn, gỡ bỏ những bài viết bị nhà nước, an ninh coi là có hại.

"Thế thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng bao giờ tôi cũng tin vào quy luật, quy luật phát triển người ta nói là cách gì thì cách, 'vỏ quýt dày có móng tay nhọn', và quy luật tất yếu là phải có một xã hội dân sự mạnh, và cái đó đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và chính cũng là sự ổn định của đất nước.

"Tôi nghĩ rằng người sáng suốt ở trong cầm quyền cũng phải nhận thức được điều đó để càng ngày càng có một cách để đối xử với xã hội dân sự đúng đắn hơn.

"Và nếu họ đối xử đứng đắn, tất nhiên vẫn có kiểm soát, không có cái gì là không có kiểm soát, cái gì cũng phải kiểm soát đương nhiên, nhưng kiểm soát bằng những biện pháp nhân văn và có văn hóa và đúng với thực tế khách quan, đúng với quy luật phát triển, thì tôi tin rằng xã hội dân sự lại chính là chỗ tốt, có lợi cho một nhà nước đàng hoàng, đứng đắn," nhà thơ Hoàng Hưng nói với BBC.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người trả lời phỏng vấn với quan điểm riêng, là thành viên sáng lập và hội đồng biên tập Tạp chí Văn Việt, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, cuộc trao đổi được BBC Tiếng Việt thực hiện hôm 14/7/2018, bên lề một cuộc Hội thảo tư về Việt Nam học được tổ chức tại Đại học Warsaw Banacha 2, Ba Lan.

Tin liên quan

Đầu trang