Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Lê Đức Anh

Mục lục  Trang chính

BTV Tiếng Dân 24-4-2019 - baotiengdan.com

Lê Đức Anh: Hồi kết của một lãnh đạo thân Tàu

VOA đặt câu hỏi về tướng Lê Đức Anh: làm tướng giỏi, làm chính trị tồi? Chưa từng có vị tướng giỏi nào lại ra lệnh không nổ súng vào quân giặc khi chúng tấn công quân lính của mình. Lịch sử Việt Nam ghi tên tướng Anh vào sổ đen, bởi ông ta là một trong những vị tướng tồi, vì đã kéo cờ trắng trước khi giặc tấn công, để 64 chiến sĩ phải chết oan ức trong trận Gạc Ma.

Một số “thành tích” trong cuộc đời của Lê Đức Anh mà người dân truyền trên mạng như sau: Khai man lý lịch để vào Đảng; theo phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ để trù dập tướng Võ Nguyên Giáp; ra lệnh cho binh sĩ không được nổ súng khi Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma năm 1988; là người có công thiết kế các cuộc tiếp xúc bí mật Hội nghị Thành Đô năm 1990; nằm trong phe bảo thủ cùng với Đỗ Mười hiềm khích phe cấp tiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được cho là người bảo trợ chính cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để ông này lộng hành sau này.

Còn các báo “lề đảng” thì vẫn tiếp tục viết bài đề cao ông Lê Đức Anh, gọi ông ta là “đại tướng nhân dân”, phớt lờ vai trò của ông ta trong cuộc tắm máu ở Gạc Ma và các biến động chính trị đã làm suy yếu chính trường VN, đẩy Việt Nam lại gần Trung Quốc.

Riêng VietNamNet có bài là đoạn trích trong hồi ký của ông Lê Đức Anh, bàn về phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân. Trong bài có đoạn ông Lê Đức Anh nói khi gặp Giang Trạch Dân hồi tháng 7/1991:

“Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế”.

Toàn bộ lập trường thân TQ của ông Lê Đức Anh có thể được tóm tắt trong câu nói trên. Cho nên, Việt Nam dưới thời ông Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, hầu như không dám làm mất lòng TQ. Hội nghị Thành Đô với sự thiết kế của Lê Đức Anh, đã mở ra giai đoạn TQ thao túng chính trường VN từ năm 1990 cho tới nay.

____

Mời đọc thêm các bài trên báo “lề đảng”: Hoạt động đối ngoại nổi bật của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (TTXVN). – Ký ức về “Đại tướng Nhân dân” Lê Đức AnhĐại tướng Lê Đức Anh và lời thề ở Trường Sa (VOV). – Ông Phạm Văn Trà nhớ những ngày “nếm mật nằm gai” cùng Đại tướng Lê Đức Anh (DT). – Đại tướng Lê Đức Anh dự cảm chính xác trước sự kiện Liên Xô sụp đổ (DV). – Đại sứ Mỹ chia buồn nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời (VNE).

Đầu trang

Gió Bấc 2019-04-25 - rfa.org

Hùm chết để da, Lê Đức Anh để lại cái gì ?

Hình chụp hôm 2/4/1997: Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu khai mạc Quốc hội 11 ở Hà Nội. AFP
Theo truyền thống của chế độ cộng sản, báo chí lề phải Việt Nam đang tấu khúc hùng tráng bi ai ca ngợi công đức, phẩm chất của ông Lê Đức Anh, người từng giữ những chức vụ cao ngất ngưởng: Đại tướng, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng như là lãnh tụ tướng lĩnh tài ba, liêm khiết…. Nhưng với người dân, với mạng xã hội, nghi vấn về những gian trá trong cuộc đời và những tội lỗi của Lê Đức Anh với đất nước, nhân dân và quân đội lại có dịp được khơi dậy sôi nổi hơn, trong đó có không ít sự thật hiển nhiên, bóc trần sự tán tụng của nền báo chí bưng bô.

Sống trong căn hộ hay có nhiều vương phủ?

Báo Tuổi trẻ online đăng loạt bài hoành tráng về Lê Đức Anh trong đó ngày 24-4, có bài “Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao” ghi theo lời kể của tướng Hoàng Kiền về sự kiện Lê Đức Anh được bầu đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân tại Hà Nội và lên đọc báo cáo thành tích trước đại hội. Bài viết này dẫn ý kiến của đại tá Khuất Biên Hòa - thư ký của Đại tướng Lê Đức Anh suốt 7 năm là "Đại tướng là con người cách mạng không bao giờ dựa vào quyền chức của mình để đưa con cái vào chỗ này chỗ kia. Tất cả hoàn toàn phải noi gương bố phấn đấu".{1}

Nhà báo Huy Đức, tác giả Bên thắng cuộc đã có bài viết CHUYỆN "BIỆT THỰ" CỦA CTN LÊ ĐỨC ANH & TƯỚNG HOÀNG KIỀN phản biện với báo Tuổi trẻ nguyên văn như sau: “Nghĩa tử nghĩa tận, giờ này mà ca ngợi cựu CTN Lê Đức Anh cũng là "truyền thống tốt đẹp của báo chí nhà nước ta". Nhưng, một tờ báo chính trị như Tuổi Trẻ, ghi lời của thiếu tướng Hoàng Kiền (Kien Hoang) nói, Tướng Lê Đức Anh nói với ông ấy - "Tôi sống trong một căn hộ ở đây. Tôi không có biệt thự nào" - là rất bất cẩn.

Cho dù, mục tiêu của đại tướng Lê Đức Anh không phải là tiền bạc - ông có một vẻ ngoài giản dị gần giống như những nhà lãnh đạo cộng sản cùng thời - nhưng, về nhà cửa ông cũng không thua kém ai cả. Các con của ông, từ con của bà lớn ông để lại miền Nam, hay con của bà sau ông cưới khi ra Bắc, ai đủ tiêu chuẩn đều được cấp nhà, cấp đất. Bản thân ông, từ những ngày đầu về Sài Gòn, đã ở dinh thự mênh mông ở Pasteur.

Khác với nhiều nhà lãnh đạo có quê từ Vĩ tuyến 17 trở vô. Khi về hưu, Lê Đức Anh không trả nhà công vụ. Ông vẫn ở một dinh thự "trong Thành", số 5a Hoàng Diệu. Chỉ thỉnh thoảng ông mới vào SG, ở căn nhà đã thuộc về mình, ở Pasteur. Tôi không nghĩ Lê Đức Anh nói dối với ông Kiền. Tôi cũng không nghĩ ông Hoàng Kiền nhớ nhầm. Cách nói của tướng Kiền cũng theo truyền thống "nghĩa tử là nghĩa tận". Vấn đề là, báo Tuổi Trẻ hoàn toàn có thể xác minh để không hăm hở đưa chi tiết đó. Khen nhau như thế cũng bằng hại nhau” {2}

Ảnh chụp đoạn viết của nhà báo Huy Đức về Đại tướng Lê Đức Anh hôm 24/4/2019 trên Facebook

Đúng như Huy Đức viết, một trong những hậu duệ của Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà, từng là Phó chủ tịch UBND THCM, Phó Văn phòng chính phủ vừa bị kỷ luật khiển trách vì liên quan đến sai phạm vụ mua bán AVG. Vai trò của Hà không phải nhỏ, khả năng bị chuyển hóa thành củi theo chân Phạm Nhật Vũ và hai bộ trưởng đang mở ra trước mắt.

Lệnh không nổ súng ở Gạc Ma!

Tuy nhiên, Huy Đức chỉ mới phản biện chi tiết cụ thể mà chưa chạm đến nội dung cốt yếu của bài viết là Tướng Hoàng Kiền ca ngợi Lê Đức Anh hỏi han dặn dò các sĩ quan Hải quân giữ đất giữ biển rất tâm huyết.

Hình chụp vệ tinh. Đá Gạc Ma do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa - Courtesy of AMTI

Tướng Hoàng Kiền cũng là người tố cáo, yêu cầu thu hồi quyển sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” - quyển sách duy nhất viết về sự kiện 64 chiến sĩ Hải quân bị Trung Quốc thảm sát và cưởng chiếm Gạc Ma. Nguyên nhân chính là trong sách có dẫn lời nhân chứng còn sống sót cho rằng có lệnh cấp trên không được nổ súng.

Trước đó, năm 2012, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức: “Nó có một câu chuyện như thế này: Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?” Ông Nguyễn Khắc Mai Giám đốc trung tâm Minh Triết giải thích lãnh đạo cao cấp ra lệnh không nổ súng chính là Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng thời điểm đó. {3}

Cho đến nay, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa hề có thông tin phản biện hay thừa nhận cáo buộc này, có lẽ nghi án này sẽ mãi mãi gắn với bia mộ của Lê Đức Anh.

Bán đứng Campuchia cho Trung Quốc

Không chỉ một nghi án Gạc Ma, Lê Đức Anh còn là tác nhân tham gia mật ước Thành Đô, đầu phục Trung Quốc và còn kéo cả Campuchia vào quỹ đạo của Trung Quốc. David W. P. Elliott, giáo sư ngành quản trị và quan hệ quốc tế tại Pomona College đã viết “Mặc dù phái đoàn Việt Nam ở Thành Đô đã đưa ra sự nhượng bộ lớn là chấp thuận đề xuất của Trung Quốc vốn có thể làm nghiêng cán cân sang hướng có lợi cho các đối thủ của Hun Sen, nhưng Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã bay tới Phnom Penh và cố gắng thuyết phục Hun Sen đồng ý hợp tác với các lực lượng Pol Pot, do bức tranh toàn cảnh là các nước đế quốc đang cố gắng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, và Campuchia có thể tự cứu mình bằng cách đạt được hòa giải giữa phe cộng sản của Hun Sen và phe Khmer Đỏ. Nguyễn Văn Linh nói với lãnh đạo Campuchia, “Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc.” Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.” Hậu quả của việc làm này là “Đại sứ Việt Nam thông báo rằng sau cuộc họp này thái độ của Hun Sen đối với Việt Nam đã thay đổi – điều này cuối cùng dẫn đến cảnh Đại sứ Ngô Điền “đơn độc” buộc phải chứng kiến sự tan rã của Đảng Cộng sản Campuchia. Kết cục là Việt Nam không còn nước cộng sản nào bảo trợ cho mình, và cũng không còn nước cộng sản nào để mình bảo trợ nữa. Trần Quang Cơ có lẽ đã không đơn độc khi kết luận rằng hội nghị Thành Đô là “vết nhơ về ngoại giao của Việt Nam.”

Với thành tích bán nước, bán bạn bè cho Trung Quốc, Lê Đức Anh đã được bầu làm Chủ tịch nước sau đó không lâu.

Hình minh họa. Quốc vương Campuchia Noromdom Sihanouk (trái) và Chủ tịch Lê Đức Anh ở Hà Nội - AFP

Tướng bất minh gây nợ máu

VOA có bài viết “Lê Đức Anh: làm tướng giỏi, làm chính trị tồi?” dẫn ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đồng tình với lĩnh vực này. Về tài năng quân sự, ông đề cao Lê Đức Anh trong lập trường tiếp tục tiến công ở quân khu 9 sau hiệp định Paris, làm tư lệnh cánh quân phía Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh và thắng lợi trong cuộc chiến ờ Campuchia. Ông Cù Huy Hà Vũ vốn không phải nhà quân sự, lại ở quá xa chiến trường miền Nam và Campuchia nên không đủ thông tin và lập luận để đánh giá điều này. Thứ nhất, về tư tưởng tiến công quân sự sau hiệp định Paris chỉ thể hiện sự lật lọng, vi phạm hiệp ước quốc tế đã ký kết chứ không phải là tài năng. Thực tế, thời điểm ấy quân khu 9 cũng không có trận đánh nào có tiếng vang như trận Thường Đức ở Đà Nẵng hay trận Phước Long ở miền Đông Nam Bộ làm thay đổi tình thế, cục diện chiến trường. Ngược lại về phía VNCH, địa bàn này dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Khoa Nam, quân đội đã giữ nguyên vẹn lãnh thổ, binh lực và hệ thống chỉ huy đến tận ngày 1-5 năm 1975 mới tan rã.

Về cánh quân hướng Tây Nam do Lê Đức Anh chỉ huy có hai nhiệm vụ là tấn công vào Sài Gòn và cắt đứt lộ 4 (Quốc lộ 1 hiện nay) ở đoạn Long An, Tiền Giang để chia cắt sự chi viện giữa Quân đoàn 4 của tướng Nam với Sài Gòn. Hồi ký của Lê Đức Anh và các tướng tá thuộc cấp đã tô vẽ với những lời có cánh về những thành tích ảo của cánh quân này, nhưng theo nghiên cứu tổng hợp của Nguyễn Đức Phương cho thấy cánh quân này đã không hoàn thành nhiệm vụ: Không đột phá sâu vào Sài Gòn trước khi TT Dương Văn Minh đầu hàng, chỉ gây gián đoạn thời gian ngắn mà không chia cắt làm chủ đươc lộ 4. Mãi sau khi dinh độc lập thất thủ, đại tá Trần Vĩnh Huyến, Tiểu khu trưởng Long An vẫn mở cuộc hành quân bộ đưa hơn 1 trung đoàn về Miền Tây để hợp quân với tướng Nguyễn Khoa Nam. Mãi đến 20 giờ ngày 30-4 do không liên lạc được với các đơn vị bạn cánh quân này tự tan rã.{4}

Về chiến trường Campuchia, cho tới nay vẫn chưa công bố chính thức số lượng binh sĩ thương vong là hai vạn, bốn vạn hay 10 vạn. Tư lệnh chiến dịch giải phóng Campuchia là tướng Lê Trọng Tấn. Mũi tiến công chiến lược giải phóng Pnompenh là quân đoàn 4 của tướng Hoàng Cầm. Tướng Lê Đức Anh chỉ huy lực lượng quân khu 7 đánh một số tỉnh phía đông Campuchia chỉ là hướng thứ yếu. Trong thời gian làm tư lệnh quân tình nguyện ở Campuchia, Lê Đức Anh đã trúng kế phản gián của Ponpot bức tử hàng chục cán bộ cấp tỉnh, Bí thư tỉnh Xiêm Riệp phải tự sát, gây ra vết rạn rất lớn trong mối quan hệ hai bên Việt Nam và Campuchia, tạo thuận lợi cho PonPot kéo dài chiến tranh và tổn hao xương máu quân đội Việt Nam.{5}

Gian trá hại người tiếm quyền, cố vị

Những dữ liệu ấy đủ đánh giá Lê Đức Anh có phải là tướng giỏi hay không. Việc năm 1974, Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ đại tá lên Trung tướng được nhiều người giải thích chỉ là việc lợi ích phe cánh khi Lê Đức Anh ăn cánh với Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Nếu xem chính trị theo nghĩa vương đạo làm ích nước lợi nhà, đất nước thanh bình nhân dân yên ấm thì Lê Đức Anh quả là nhà chính trị tồi. Nếu xem chính trị là kỹ thuật tranh giành quyền lực thì từ anh cai đồn điền thành chủ tịch nước và tiếp tục làm thái thượng hoàng đến khi trút hơi thở cuối cùng thì Lê Đức Anh thật sự không tồi. Trong số những lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì người bị chính đồng đội, đồng chí tố cáo, bêu diếu ngay từ lúc đang còn sống nhiều nhất chính là Lê Đức Anh. Năm 2005, các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của miền Nam như Phạm Văn Xô, Nguyễn Văn Thi, Đồng Văn Cống, … liên tục có đơn tố cáo Lê Đức Anh khai man lý lịch, là cai đồn điền nhân viên phòng nhì của Pháp, không được kết nạp đảng viên. {6}

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tá Nguyễn Minh Ngọc và nhiều sĩ quan cao cấp khác kể cả đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tố cáo vụ án gián điệp siêu nghiệm trọng ở Tổng Cục 2. Lê Đức Anh đã nâng Cục Quân Báo từ một đơn vị tình báo quân sự trực thuộc Bộ Tổng tham mưu thành Tổng Cục II, là đơn vi tình báo chiến lược trực thuộc Bộ Quốc Phòng và nguyên thủ quốc gia. Tổng cục II đã dựng ra điệp viên Sáu Sứ báo cáo hàng loạt cán bộ cao cấp liên quan đến CIA. Lê Đức Anh và đồng mưu đã sử dụng nguồn tin giả này để không chế, thanh trừng cán bộ. Mục tiêu chính của âm mưu này là triệt tiêu vai trò của tướng Giáp và giành quyền lực trong tay mình.

Ông Võ Viết Thanh, thứ trưởng Bộ Công An đã trực tiếp điều tra bắt được Sáu Sứ và phá vỡ âm mưu này và bị trả giá là mất chức và quay về TP.HCM làm Phó Chủ tịch.

Tiếp đó, Lê Đức Anh dựng Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư và giữ vai Cố Vấn để thao túng nhưng khi thấy Lê Khả Phiêu không thần phục còn lập ra tổ chức A 10 để theo dõi chính mình Lê Đức Anh đã lật đổ Phiêu.{7}

Con đường hoạn lộ của Lê Đức Anh tắm đầy máu của đồng đội và cấp trên. Hậu quả việc rước voi giày mả tổ, mở đường cho Trung Quốc xâm chiếm, khống chế Việt Nam của Lê Đức Anh đối với dân tộc, đất nước sẽ còn kéo dài.

Đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tổ chức quốc tang, báo chí lề phải đang sẽ rầm rộ tán tụng, điếu văn sẽ là lời xưng tụng có cánh công đức của Lê Đức Anh, nhưng sự thật lịch sử sẽ không bị che phủ. Ngôi đền rộng 4000 m2 mà chính quyền đang gấp rút trùng tu sẽ trở thành địa phủ của tội ác mà bia miệng người đời nguyền rủa.

Điều quan trọng là càng bưng bít những tội ác của lãnh đạo đời trước, lãnh đạo thế hệ sau của đảng cộng sản Việt Nam càng đào sâu hơn cái hố chôn vùi danh dự của mình.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Đầu trang

28 tháng 4 2019 - bbc.com

Bình luận về quốc tang cựu chủ tịch Lê Đức Anh

Một nhà quan sát ở Hà Nội nói với BBC rằng "chuyện quốc tang đối với dân sau ông Võ Nguyên Giáp là hết" trong lúc một nhà báo tán thành đề xuất quốc tang "chỉ dành cho lãnh đạo đương chức, và gọn lại thành một ngày".

Cựu Chủ tịch nước Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội hôm 22/4, hưởng thọ 99 tuổi, theo truyền thông chính thống Việt Nam.

Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh sẽ diễn ra trong hai ngày 3 và 4/5/2019, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin.

Hôm 25/4, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội: "Thú thực, tôi không quan tâm đến ông Lê Đức Anh sống chết ra sao, tang lễ thế nào."

"Theo như tôi thấy, người dân chẳng quan tâm đến quốc tang gì đâu."

"Tôi thấy chuyện quốc tang đối với người dân sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hết. Chẳng ai quan tâm nữa. Họ muốn tổ chức kiểu gì thì làm, còn người dân vẫn vui chơi bình thường."

Tờ Thanh Niên đưa tin ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh cho biết nguyện vọng của gia đình tổ chức quốc tang cho đại tướng Lê Đức Anh giản dị, thời gian tổ chức tang lễ giảm một ngày so với quy định về quốc tang.

Trong khi đó, trả lời BBC từ Nha Trang, ông Võ Văn Tạo, nhà báo tự do, nói:

"Tôi tán thành đề xuất chỉ làm quốc tang cho lãnh đạo đương chức và giới hạn còn một ngày để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội đã lên lịch trước, gây phiền phức cho xã hội và người dân."

"Theo tôi, quốc tang chỉ có ý nghĩa khi đa số người dân cảm thấy xúc động như có tang."

"Theo tập tục lâu nay, quốc tang chỉ dành cho tứ trụ, trong lúc người dân từng nhiều lần đề nghị Nhà nước nên tổ chức quốc tang cho các vụ như sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ hồi năm 2007 khiến hơn 200 người chết và bị thương, hoặc các vụ thiên tai, bão lũ khác có thiệt hại nhân mạng từ hàng chục người trở lên."

"Nhưng các đề nghị này không thành sự thật."

"Các nước văn minh thì người ta cũng làm quốc tang sau các vụ khủng bố, trong lúc Việt Nam đến nay chỉ dành nghi thức này cho tứ trụ và cựu tứ trụ."

"Và khi diễn ra quốc tang thì các hoạt động giải trí, sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Do vậy, theo tôi, việc tổ chức quốc tang nên càng ngắn càng tốt, đỡ phiền cho người dân."

Quốc tang các nước thế nào ?

Nhiều nước châu Âu có quy định lễ quốc tang được dành cho các lãnh đạo quốc gia và cả các công dân có công trạng, danh nhân, nạn nhân khủng bố, thiên tai.

Ở một số nước châu Á như Philippines, nạn nhân của tai nạn phi cơ lớn cũng được cử hành quốc tang hoặc tang lễ có mặt đại diện cao nhất của chính quyền.

Tại Trung Quốc, người sáng lập nhà nước cộng sản Mao Trạch Đông khuyến khích việc hỏa thiêu các lãnh đạo từ năm 1956.

Tuy vậy, trước khi qua đời, ông Mao không đề nghị hỏa thiêu, và thi hài của ông được ướp và đưa vào lăng ở quảng trường Thiên An Môn sau khi ông qua đời tháng Chín năm 1976.

Trung Quốc khi đó tuyên bố 10 ngày quốc tang cho Mao Trạch Đông.

Trước đó, nhân vật số hai, Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời ngày 8/1/1976 - cờ rủ sáu ngày.

Trên giường bệnh, Chu Ân Lai yêu cầu hỏa táng, và rải tro ông trên "sông núi Trung Hoa".

Năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình qua đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sáu ngày quốc tang.

Thi hài ông Đặng được hỏa táng, và tro rải xuống biển.

Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Trung Quốc từ 1987-1989, đã bày tỏ cảm tình với sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, và bị Đảng xem là phạm sai lầm nghiêm trọng.

Khi qua đời, lễ tang ông Triệu chỉ được ở mức ngang cấp bộ trưởng cho dù ông từng là Thủ tướng và Tổng Bí thư.

Chỉ có một ủy viên thường vụ bộ chính trị và một ủy viên bộ chính trị dự lễ tang ông Triệu.

Đầu trang

Nguyễn Anh Tuấn 23-4-2019 -

Câu trả lời cho mệnh lệnh “Không được nổ súng”

Ai cũng phải chết
Lê Đức Anh đã chết hôm qua

Từ khi được sinh ra, cho đến khi phải chết đi, ý nghĩa của cuộc đời Lê Đức Anh là gì? Điều gì khiến ông ta còn được nhớ đến, sau khi chết?

Tại sao, năm 1988, Lê Đức Anh khi ấy đang là bộ trưởng bộ Quốc Phòng, đã ra lệnh “không được nổ súng”, cho bộ đội đang canh giữ cụm đảo Gạc Ma ở Trường Sa?

Có thể chỉ ông ta mới có câu trả lời rõ ràng nhất cho quyết định này của mình.

Biết rằng, với mệnh lệnh ấy, đã có những điều xảy ra bao gồm:

1. 64 chiến sĩ công binh, tay không có súng, bị giặc Trung Quốc thảm sát bằng súng máy. 9 chiến sĩ khác bị địch bắt, mất 3 tàu vận tải (không trang bị pháo)

2. Việt Nam mất cụm đảo đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào tay Trung Quốc. Khiến Trung Quốc từ chỗ không có đảo ở Trường Sa, trở thành một bên tranh chấp chủ quyền với cả quần đảo này.

3. Sau 2 năm, từ sự kiện Việt Nam “không được nổ súng”, không bảo vệ đảo Gạc Ma bằng tàu chiến đấu và không quân, lãnh đạo đảng nhà nước Việt Nam, dẫn đầu là tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh, đã được phép sang Thành Đô, để cầu hoà, xin trở lại làm chư hầu của Trung Quốc.

4. Trước sự kiện bi thảm ở Gạc Ma, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước thù địch. Hiến pháp Việt Nam còn ghi rõ: Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Sau cuộc gặp Thành Đô 1990, Việt Nam đã trở lại làm “đồng chí tốt” của Trung Quốc. Với các phương châm “Tư tưởng tương thông, vận mệnh tương quan”.

5. Trước cuộc gặp Thành Đô 1990, với sự sụp đổ của Liên Xô, mất viện trợ, đảng nhà nước Việt Nam, với sự thất bại của nền kinh tế tập trung – bao cấp, cùng các sai lầm ở Campuchia và đối ngoại quốc tế, đang đứng trước bờ vực sụp đổ bởi sự bất mãn dâng cao của đại đa số nhân dân nghèo đói, phải đối diện với nguy cơ đảo chính của một bộ phận quân đội, đứng trước nguy cơ mất khả năng tổ chức chính quyền trên đất nước Việt Nam.

Sau cuộc gặp Thành Đô 1990, Trung Quốc mở cửa biên giới, nền kinh tế Việt Nam dần hồi phục theo hướng lệ thuộc vào Trung Quốc. Đảng và nhà nước cộng sản VN, được Trung Quốc bảo trợ, trở nên dần vững mạnh và duy trì sự độc quyền chính trị trên đất nước Việt Nam, đến mức như ngày nay.

Lê Đức Anh có công tội thế nào với Dân?
Lê Đức Anh có công tội thế nào với Đất Nước?
Lê Đức Anh có công tội thế nào với đảng nhà nước cộng sản ở Việt Nam?

Hãy suy ngẫm và tự trả lời.

Ảnh: FB Võ Văn Tạo

Đầu trang