Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Lê Mạnh Hà, con Lê Đức Anh

Mục lục  Trang chính

9:50 04/09/2019 - chinhtrivietnam.org

Chân dung ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa bị kỷ luật

Ông Lê Mạnh Hà (sinh năm 1957), từng giữ chức Phó chủ tịch UBND TP. HCM, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM rồi Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Lê Mạnh Hà, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Như VietnamFinance đã đề cập, Thủ tướng đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Trước đó, từ ngày 12 đến 14/11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31, xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân về trách nhiệm liên quan vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Sau khi xem xét khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà.

Ông Lê Mạnh Hà sinh năm 1957, quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông có trình độ Tiến sĩ Viễn thông.

Ông Hà từng có thời gian dài phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó làm việc tại trường Hàng không Việt Nam rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ tháng 10/2001 đến năm 2004, ông Lê Mạnh Hà chuyển công tác vào TP. HCM, lần lượt giữ các chức vụ Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM; Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.

Từ tháng 11/2004 đến tháng 4/2008, ông Hà giữ chức vụ Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông TP. HCM. Từ tháng 5/2008, ông tiếp tục làm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM rồi Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.

Vào cuối tháng 10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về việc ông Lê Mạnh Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2017.

Ông Lê Mạnh Hà được nhiều người biết đến vì sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông là con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

(Nguồn: VNF)

Đầu trang

2018-12-04 - RFA

Hai cựu quan chức Lê Mạnh Hà và Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật do có trách nhiệm liên quan trong Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu An Viên (AVG).

Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 12 loan tin vừa nêu, dẫn thông báo theo Quyết định 1673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà và thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 11 cũng đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Lê Mạnh Hà và ông Nguyễn Trọng Dũng.

Thanh tra Chính phủ, vào ngày 14/3/2018, công bố kết luận điều tra vụ việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Theo đó, đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng với nguy cơ thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng của Nhà nước do mua phải nợ phải trả hơn 1100 tỷ đồng của AVG.

Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ sai phạm của 4 bộ ngành, bao gồm Bộ Thông Tin - Truyền Thông, Bộ Tài Chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công An trong quá trình từ khâu thẩm định dự án, tham mưu phê duyệt và phê duyệt dự án.

Cho đến nay, trong vụ Mobifone mua AVG có ba cựu bộ trưởng bị kỷ luật gồm hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông và ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư.

Tin, bài liên quan

Đầu trang

THÁNG TƯ 23, 2019 - nghiepdoanbaochi.net

Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh là kẻ ngáng đường phát triển ngành tin học của Việt Nam.

Lê Mạnh Hà, người được cho là đã trù dập One Connection

Báo nhà nước xác nhận Lê Đức Anh đã qua đời, báo lề dân nhắc chuyện quý tử Lê Mạnh Hà ngáng đường ngành tin học Việt Nam.

Lê Đức Anh quả thực đã chết đúng ngày 22/04/2019. Nhà báo Lê Thúy Bảo Liên ở Trà Vinh bình luận về vị tướng võ biền như sau: “Ai ? Ai đã ra lệnh cho chiến sĩ ta không được nổ súng, để xảy ra thảm sát Gạc Ma? Kẻ phản quốc bán nước chết không thể nhắm mắt.
Làm người đàn ông phải có cái dũng. Nếu cái dũng của người lính Gạc Ma là nắm chặt tay nhau thành vòng tròn, mặt đối mặt với quân thù để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên biển đảo quê hương, thì cái dũng của người làm tướng là đối mặt chịu trách nhiệm với quyết định sai trái của mình, chứ không phải là bịt miệng dư luận, bưng bít sự thật lịch sử
Làm vương làm tướng gì rồi cũng phải đến lúc gặp lại lính của mình trên bờ sinh tử, chết trong nỗi nhục nhã của kẻ tội đồ phản bội.”

One Connection là tập đoàn công nghệ tiên phong của Việt Nam. Tập đoàn này đã được kỳ vọng sẽ trở thành một người khổng lồ về công nghệ thông tin toàn cầu. Tuy nhiên, các đầu nậu chính trị Việt Nam mà cụ thể là Lê Mạnh Hà- con trai Lê Đức Anh vừa mới qua đời lo ngại không kiểm soát được nên đã trù dập One Connection đến mức sập tiệm, làm cho ngành tin học Việt Nam tụt hậu so với quốc tế.

Luật sư Lê Công Định, một người trong cuộc viết về sự việc như sau:

“Người làm con trai như ông Lê Mạnh Hà hẳn phải đau lòng lắm khi nghe dân tình bình phẩm về tin cha mình, ông Lê Đức Anh, qua đời.

Kỹ sư tin học Trần Huỳnh Duy Thức- nhà sáng lập tập đoàn công ngệ thông tin One Connection được thế giới biết đến trước khi bị Lê Mạnh Hà lập mưu bỏ tù

Tuy “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng nói như dân tình, thì phải coi lại mình đã sống ra làm sao nên lúc chết mới bị như vậy.

Tôi vẫn không quên việc ông Lê Mạnh Hà đã khởi đầu vụ tấn công đê tiện vào hai công ty EIS và One Connection của các anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long năm 2009, dẫn đến vụ bắt bớ hàng loạt mà anh Thức đến bây giờ vẫn còn ngồi tù.

Các thành viên của One Connection bị các chính khách bỏ tù với cáo buộc trốn thuế và âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân?!

Nếu không bị ngăn cản, One Connection có lẽ đã trở thành một tập đoàn công nghệ toàn cầu, bỏ xa Skype, Viber, Tango…Thậm chí những hãng Whisper System cũng không có được xuất phát điểm tốt như One Connection , nhưng ngày nay, tất cả những hãng đó đều đã vươn rộng, làm cho người dân Việt Nam tiếc nuối vô cùng .

Đất nước có một tập đoàn công nghệ tiên phong dưới sự lãnh đạo của một kỹ sư điện toán xuất sắc nhưng cuối cùng đã sụp đổ, đó là nhờ một phần lớn ở công trù dập của các giới chính trị gia ăn tàn theo đóm của một ý hệ ngoại lai nhập khẩu từ Liên Xô.

Nhiều báo quốc doanh xác nhận cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh đã qua đời ngày 22/04/2019. Nhân dịp này, người ta nhắc đến “chiến tích” của Lê Mạnh Hà, bổ sung vào bảng thành tích của người cha. Cha nào con nấy là luật ở đời, khó mà sai đi được, trừ khi đứa con là nhà cách mạng dám bỏ ý hệ của cha mà chiến đấu cho tư tưởng của riêng mình.

Anh Nguyễn Bang, một độc giả trung thành của Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam nhận xét về cha con lãnh tụ Lê Đức Anh- Lê Mạnh Hà như sau: “Thật đáng thương thay cho dân tộc Việt này có những con người tâm địa hẹp hòi. Họ chỉ muốn dân ngu để dễ bề cai trị…..Tại sao những người tài họ đều đi ra nước ngoài để làm việc…”

Về cái chết của Lê Đức Anh, giáo sư Mạc Văn Trang bình luận một cách hững hờ: “Thú thực, tôi dửng dưng, chẳng quan tâm ông Lê Đức Anh sống hay chết, lễ tang thế nào, chôn ở đâu..? Không muốn nhắc đến họ nữa!”

Triệu Hoài An

Đầu trang

May 3, 2020 - nguoi-viet.com

Con trai Lê Đức Anh bị gọi là ‘bệnh hoạn’ vì bình luận về ‘tù cải tạo’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một số Facebooker bày tỏ sự giận dữ trước một bình luận được cho là của ông Lê Mạnh Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ CSVN, và là con trai Tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước, người qua đời hồi Tháng Tư, 2019.

Ông Hà viết lời bình luận trên một “status” của Facebooker Trần Quốc Quân, với nội dung: “… Bạn muốn phe chiến thắng vị tha nhưng bạn lại không ‘vị tha’ cho sai lầm của phe chiến thắng (buộc cải tạo quan chức dân sự, bác sĩ quân y…). Bạn ủng hộ nhiệt thành việc chính phủ cách ly (nhốt) những người nghi bị nhiễm cúm (F1) nhưng lại phản đối việc cách ly (nhốt) những người bị nghi là nguy hiểm (quan chức dân sự, bác sĩ quân y). Quan điểm của bên chiến thắng với hai việc này là như nhau thôi. Nhốt nhầm còn hơn bỏ sót.”

Bình luận của ông Hà khiến Luật Sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân: “Lê Mạnh Hà, con thằng chột [ám chỉ Lê Đức Anh], lúc đương chức giám đốc Sở Thông Tin Truyền Thông ở Sài Gòn năm 2009 đã ký lệnh điều tra công ty của anh Trần Huỳnh Duy Thức, dẫn đến việc bắt giam anh cho đến tận bây giờ.”

Bên dưới post của Luật Sư Định, các Facebooker khác bình luận rằng ông Hà “rừng rú, ác tâm cầm thú.”

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, gọi quan điểm của ông Hà là “bệnh hoạn” và viết: “So sánh việc đưa đi cải tạo lâu dài các sĩ quan và quan chức dân sự chế độ VNCH (một chính sách vô nhân đạo của chế độ Bắc Việt sau chiến tranh cần bị lịch sử lên án) với những người nhiễm virus Vũ Hán là việc cực ngu xuẩn không nên có ở một quan chức cấp cao ngày hôm nay của chế độ CHXHCNVN! Vậy mà comment này (của ông Hà) còn bảo rằng, thà nhốt lầm còn hơn bỏ sót những con người đó.”

Ông Hà là quan chức được ghi nhận “hạ cánh an toàn” dù bị Bộ Công An CSVN chính thức cáo buộc ông này dính líu đến thương vụ MobiFone mua AVG khiến hai cựu bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN phải vào tù.

Bình luận của ông Lê Mạnh Hà. (Hình chụp qua màn hình)

Hồi Tháng Chín, 2019, báo Thanh Niên đăng bài “Vì sao các ông Bùi Quang Vinh [cựu bộ trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư CSVN], Lê Mạnh Hà không bị xử lý hình sự trong vụ AVG?” Bài báo cho hay: “Ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, ông Lê Mạnh Hà ký văn bản đề nghị Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư, Bộ Tài Chính đưa ý kiến về dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone của Bộ Thông Tin Truyền Thông.”

Tờ báo cũng viết thêm rằng, ông Hà “có văn bản thông báo ý kiến của thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của AVG, và giao Bộ Thông Tin Truyền Thông thực hiện dự án trên theo đúng quy định của pháp luật.”

Tiếp đó, báo Thanh Niên dẫn nguồn Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra giải thích rằng công văn mà ông Hà ký “là văn bản hành chính, không phải là căn cứ để ông Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN) đưa vào quyết định phê duyệt đầu tư dự án.” Do vậy, “không đủ căn cứ để xem xét về mặt hình sự đối với ông Lê Mạnh Hà và các cá nhân liên quan ở Văn Phòng Chính Phủ.”

Trong vụ bê bối này, ông Hà được “giơ cao đánh khẽ,” chỉ bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương “khiển trách” và nghỉ hưu.

Thời điểm ông Lê Đức Anh qua đời, ông Hà có hành động muốn “xoa dịu công luận, đề nghị làm quốc tang “giản dị” trong lúc cộng đồng mạng nguyền rủa vị cựu chủ tịch nước CSVN, người đã ra lệnh cho binh lính Việt Nam “không nổ súng” trong cuộc hải chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, hồi năm 1988, khiến 64 thủy binh Việt Nam thiệt mạng dưới tay quân Trung Quốc.

Ông Hà nêu đề nghị trên trang web “lemanhha.vn,” trang tin chính thức của cá nhân ông cho hay, tang lễ ông Lê Đức Anh tổ chức tại Hà Nội nhằm giảm chi phí đi lại của lãnh đạo các cấp, đại diện các cơ quan, đơn vị và tiết kiệm cho ngân sách” rồi linh cữu được chuyển vào an táng tại Sài Gòn “bằng máy bay hành khách, các thành viên gia đình mua vé máy bay như các hành khách khác đi cùng chuyến bay.”

Tuy vậy, đám ma ông Anh vẫn diễn ra “trọng thể” trong hai ngày với đầy đủ nghi thức quốc tang dành cho người thuộc hàng “tứ trụ.” (N.H.K)

Đầu trang

December 7, 2018 - datviet.com

Nhân kỷ luật ông Lê Mạnh Hà: nhớ lại ‘vương triều’ Lê Thanh Hải

Liên quan đến vi phạm trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ngày 4-12, Thủ tướng đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng trước đó.

Ông Lê Mạnh Hà là con trai út của ông Lê Đức Anh, cựu chủ tịch Nước. Ông Lê Mạnh Hà được xem là quan chức đầu tiên đã ‘dám’ từ chối sử dụng các sản phẩm của Đề án Tin học hóa quản lý hành chính giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112) trong nhiệm sở của mình, trên cương vị Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn Thông TP.HCM.

Báo chí ở Sài Gòn đã nhanh chóng vào cuộc khi ông Lê Mạnh Hà giải thích cặn kẽ lý do ông từ chối sử dụng các sản phẩm của Đề án 112 ngay từ năm 2005, lúc Đề án vừa đưa ra yêu cầu về 3 sản phẩm phần mềm dùng chung trong hệ thống hành chính quốc gia.

Tuy nhiên thời điểm đó, năm 2005, ông Lê Thanh Hải, chủ tịch UBND TP.HCM đã ‘lệnh miệng’ buộc các tòa soạn báo chí có chủ quản thuộc TP.HCM không được khai thác sự kiện Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn Thông TP.HCM công khai từ chối Đề án 112. Tiếp sau, ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, nên các báo đành chọn sự im lặng, hoặc ‘đăng’ kiểu nhỏ giọt, lâu lâu nhắc lại một bài…

Phải đến ngày 15-6-2007 tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2001-2005, về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước), do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp cùng Bộ Bưu chính – Viễn thông tổ chức tại Hà Nội, đã cho biết không chỉ có Đề án 112 mà còn hàng chục đề án, dự án trọng điểm, ngốn tiền tỷ của ngân sách nhưng hiệu quả chưa cao, thì làng báo ở Sài Gòn mới thực sự ‘bùng nổ’ với loạt bài liên quan.

Nhật ký phóng viên của người viết còn lưu giữ, cho biết ông Lê Mạnh Hà nhiều lần chia sẻ với báo chí rằng ông phản đối Đề án 112 ngay từ ban đầu.

Có 4 lý do mà ông Hà tin rằng Đề án 112 không thể thành công. Một là, tính không chuyên nghiệp. Một đề án về CNTT mà giao cho đơn vị không có chuyên môn đảm nhận thực hiện. Với khối lượng công việc đồ sộ nhưng ban điều hành [*] chỉ có vài người chuyên trách và vài tổ chuyên môn gồm những người kiêm nhiệm thì quả thật quá sức. Trưởng ban điều hành Đề án 112 chỉ là vị phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, không đủ tầm để làm việc với các bộ trưởng, cũng không đủ lực để tác động đến lãnh đạo các địa phương.

Hai là, sự quan liêu bao cấp. Trong khi nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM, có những phần mềm ứng dụng tốt đã chạy ổn định theo thời gian, thì lại bị ban điều hành Đề án 112 buộc phải sử dụng 3 phần mềm dùng chung kém cỏi, chưa hoàn thiện và thiếu tính hệ thống. Với kiểu quản lý tập trung của thế kỷ trước, bất kỳ một điều chỉnh nhỏ nào của phần mềm Đề án 112 cũng phải do các chuyên gia ngoài Hà Nội bay vào TP.HCM, trung tâm lớn nhất nước về CNTT, để xử lý.

Ba là, việc không đồng bộ dẫn đến lãng phí. TP.HCM là đô thị lớn nhất nước về CNTT mà chưa xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, thì có cần thiết các tỉnh, thành phố khác phải có? Bốn là, bài học về vi phạm và thất thoát. Có thể nói sai phạm lớn nhất của những người thực hiện đề án này là sai phạm về tài chính và quản lý đầu tư.

Ông Hà nói rằng ông đã nhiều lần báo cáo, phát biểu vấn đề này với thường trực UBND TP.HCM và cả Bộ Bưu chính – Viễn thông từ năm 2005, khi trong năm này đã có trên 3 ngàn cán bộ, công chức, cử nhân ở TP.HCM được ‘đi học’ từ nguồn kinh phí của Ban 112 Chính phủ.

Theo ông Lê Mạnh Hà, chương trình đào tạo của Đề án 112 chỉ tương đương chương trình A tin học. Song chi phí đào tạo theo chương trình này lại lên tới từ 2-2,5 triệu đồng cho mỗi cán bộ. Trong khi đó để học chương trình A tin học, người dân chỉ tốn chừng vài trăm ngàn đồng.

Ông Lê Thanh Hải, chủ tịch UBND TP.HCM vẫn để ngoài tai, và ngân sách tiếp tục chi cho những chuyện học hành và sử dụng phần mềm do Đề án 112 yêu cầu. Ông Lê Mạnh Hà cho biết chi phí triển khai cho mỗi phần mềm trên địa bàn TP.HCM bước đầu là 2,1 tỷ đồng. Đây là sự lãng phí khủng khiếp, vì các phần mềm chưa hoàn chỉnh mà đã triển khai trên diện rộng, để rồi sau đó lại chỉnh sửa…

Người có văn bản trình Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định 112/2001/QĐ-TTg (được gọi tắt là Đề án 112, từ số thứ tự của văn bản phát hành, http://bit.ly/2AYA5l1) là ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghỉ hưu, ông Đoàn Mạnh Giao là Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Golf Việt Nam. Ông cũng từng được cho là quan chức có liên đới đến vụ án PMU 18 đình đám một thời.

Nhắc lại lát cắt chuyện cũ để thấy rằng nhân danh quyền lực người đứng đầu thành phố, những quan chức do Bộ Chính trị đặt để, không phải lúc nào cũng là lựa chọn phù hợp cho quản trị đô thị. Ông Lê Thanh Hải với hàng loạt vụ việc ‘bị dân chửi’, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm là một đơn cử.

Hãy trả lại cho người dân quyền dân chủ, để chính họ tự do lựa chọn và truất phế bất kỳ những ai đã không phụng sự tử tế cho đất nước, cho đồng bào của mình.

Chú thích:

[*] Ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2005, gồm các thành viên sau đây: Trưởng ban: ông Vũ Đình Thuần, phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Các ủy viên: ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài chính (hiện nay bà Ngân là chủ tịch Quốc hội); ông Nguyễn Trọng Điều, phó Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ; ông Bùi Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy viên Thư ký: ông Lương Cao Sơn, phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ.
Theo Việt Nam Thời Báo

Đầu trang