Vượt qua Việt
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !
  ||   A   A   A   A  

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Biển Đông Á (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

Trọng Nghĩa - 09/12/2020 - 12:19 - rfi.fr

Biển Đông: Các căn cứ Trung Quốc ở Trường Sa không có giá trị về quân sự ?

Ảnh chụp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,) từ máy bay dọ thám Mỹ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015. Reuters

Trong bối cảnh các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh tiếp tục gây quan ngại nơi các nước bên trong và bên ngoài khu vực, một tạp chí chuyên đề Trung Quốc mới đây đã có một phân tích bi quan khác thường về giá trị của các tiền đồn mà Bắc Kinh đã dày công xây dựng ở Trường Sa, không ngần ngại cho rằng về mặt quân sự, các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông hầu như không có giá trị.

Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/12/2020, và nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trước đó một hôm, đó là một bài viết đăng trên nguyệt san Naval and Merchant Ships của Tập Đoàn Đóng Tàu Nhà Nước Trung Quốc CSSC, trụ sở ở Bắc Kinh. Tập đoàn này là một nhà cung cấp quan trọng cho Hải Quân Trung Quốc.

Nội dung bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc đã đã được CNN nêu bật trong hàng tựa: “Bắc Kinh có thể đã xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể bảo vệ các cơ sở này”. SCMP thì đi sâu hơn vào chi tiết, ghi nhận các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông "rất dễ bị tấn công" và "không đóng góp gì nhiều" trong trường hợp nổ ra xung đột.

“Những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”

Theo CNN, Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều năm để biến các đảo đá ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự và sân bay, trên môt vùng biển rất xa Hoa Lục và các đảo lớn khác, trải rộng trên 3,3 triệu km vuông. Tuy nhiên, theo các tác giả trong bài phân tích trên tờ báo Trung Quốc, các căn cứ này “có lợi thế độc nhất vô nhị trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng biển xa”, nhưng lại có “những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”.

Theo nguyệt san Naval and Merchant Ships, về vị trí địa dư chẳng hạn, các tiền đồn trên đây cho phép Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát ra tận khu vực Trường Sa, nhưng các căn cứ này lại ở rất xa những nơi có thể tiếp ứng trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Một ví dụ được nêu bật là trường hợp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa, cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 km, và cách quần đảo Hoàng Sa, cũng do Bắc Kinh kiểm soát, đến 800 km. Với khoảng cách này, các chiến hạm tiếp ứng nhanh nhất của Trung Quốc sẽ phải mất hơn 20 tiếng mới tới được bãi đá.

Chính vì khoảng cách quá xa đó mà Trung Quốc khó có thể triển khai chiến đấu cơ của họ đến nơi một cách hiệu quả, vừa do vấn đề tiếp tế nhiên liệu trên không, vừa có thể dễ bị chiến hạm đối phương đánh chặn hoặc tấn công. Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động, về lý thuyết có thể được triển khai tới Biển Đông, nhưng các con tàu này cũng cần phải ở gần khu vực vào thời điểm xảy ra bất kỳ sự cố nào.

"Mồi ngon cho đối phương"

Bài báo trên nguyệt san Trung Quốc còn nêu bật nguy cơ các tiền đồn này là mồi ngon cho tên lửa, máy bay và chiến hạm của đối phương khi nổ ra xung đột, do vị trí xa xôi của các căn cứ, khó nhận được sự yểm trợ từ đất liền.

Các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa, theo bài báo, có thể là mục tiêu của cả hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ và Nhật Bản, hoặc lực lượng Hải Quân của hai nước này trong khu vực. Và ngay cả khi không bị trực tiếp tấn công, các căn cứ này sẽ dễ dàng bị phong tỏa, khiến cho các nguồn tiếp tế bị ngăn chặn.

Bài báo ghi nhận: “Các nơi trú ẩn trên đảo thiếu thảm thực vật, đất đá tự nhiên và các lớp phủ khác che chắn, lại không có độ cao cần thiết so mực nước biển, khiến cho nhân sự và tài nguyên không thể trụ lại lâu dài trong các công sự ngầm dưới đất”. Chính vì lý do đó mà khả năng chống trả những cuộc tấn công “rất hạn chế”.

Theo chuyên gia quốc phòng Malcolm Davis, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI, còn có nhiều vấn đề khác khiến việc bảo vệ các hòn đảo trở nên đặc biệt khó khăn: “Điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Biển Đông - nước mặn ăn mòn, thời tiết xấu - khiến cho gần như không thể triển khai bất cứ thứ gì trên các đảo để bảo vệ các căn cứ này”.

Theo chuyên gia Davis, các loại chiến đấu cơ rất đắt tiền và tối tân sẽ gần như không hoạt động được “trong vòng một tuần, hoặc lâu hơn một chút, trên những hòn đảo này”. Ngoài ra, cho dù một số căn cứ có thể hữu hiệu trong việc bắn trả, các nơi này sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.

Đối với chuyên gia Davis, “những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là thôn tính một vùng hàng hải quốc tế, kiểm soát và chiếm đoạt các vùng biển quốc tế, và để làm được điều đó, họ cần phải hiện diện thường xuyên trong khu vực”. Các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo chuyên gia Úc, đủ để cho phép Trung Quốc áp đặt các yêu sách lãnh thổ trước mắt, nhưng rõ ràng là “Bắc Kinh không có một bước đi thực tế nào trong dài hạn, vì họ không thể thực sự bảo vệ những căn cứ đó.”

Mối e ngại Bắc Kinh trả đũa

Vấn đề mà CNN ghi nhận là Bắc Kinh có thể dựa trên thực tế rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một căn cứ của họ ở Biển Đông – kể cả vào một tiền đồn bị coi là phi pháp theo luật quốc tế - sẽ bị xem là một hành động chiến tranh chống lại một cường quốc hạt nhân với nguồn lực quân sự to lớn.

Mối đe dọa bị Trung Quốc trả đũa có thể đủ để khiến cho không nước nào dám tấn công vào các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

CNN cũng đặc biệt ghi nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có các căn cứ hiểm yếu ở xa đất liền có thể bị tiêu diệt bằng các cuộc tấn công phủ đầu. Đảo Guam của Mỹ hay đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi có các căn cứ không quân lớn của Mỹ, đều nằm trong tầm tấn công tên lửa của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đã nhắc nhở Washington trong quá khứ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, và kể từ năm 2014 đã xây dựng các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo kiên cố có tên lửa, phi đạo và hệ thống vũ khí.

Hoa Kỳ - xem các tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp - đã phản công bằng cách điều tàu chiến đến gần các đảo đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng, trong những chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải". Washington và các đồng minh nói rằng các cuộc tuần tra như vậy chính là thực thi quyền đi lại tự do trong vùng biển quốc tế, trong khi Trung Quốc cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền của họ.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang

Mai Vân - 23/10/2020 - 12:27 - rfi.fr

Biển Đông: Mỹ vẫn cứng rắn với Trung Quốc dù tân tổng thống là Biden hay Trump

Tổng thống Donald Trump (T) và ứng viên tổng thống Joe Biden (P). Ảnh ghép 29/09/2020. AP - Patrick Semansky

Ngày 03/11/2020, cường quốc lớn nhất hành tinh sẽ bầu ra một lãnh đạo mới. Kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với địa chính trị thế giới. Một trong những vấn đề quan trọng mà chính quyền Joe Biden hay Donald Trump nhiệm kỳ II phải xem xét, là chính sách của Mỹ đối với châu Á và Trung Quốc, với một trong những vấn đề nổi côm là Biển Đông.

Điều mà không một ai có thể phủ nhận là với tổng thống Donald Trump và chủ trương gây sức ép toàn diện của ông đối với Trung Quốc, châu Á đã chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Đây là một chuyển biến đã có từ thời chính quyền Obama, với chiến lược xoay trục sang châu Á, nhưng với việc tổng thống Trump nhấn mạnh vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, chính sách đối ngoại của Mỹ như đã chuyển trọng tâm từ Trung Đông để quay sang tập trung vào châu Á.

Vấn đề mà nhiều nhà quan sát ghi nhận là trong suốt thời kỳ tiền bầu cử tại Mỹ, do việc thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc là một chủ đề ăn khách, chính quyền của ửng cử viên Trump đã có những động thái quyết liệt, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, trong lúc đối thủ của ông là Biden cũng không thể để lộ vẻ thua kém.

Câu hỏi đặt ra là một khi bầu cử xong, cơn sốt chống Trung Quốc lắng xuống, thì chính sách châu Á của Mỹ, và nhất là chính sách Biển Đông sẽ ra sao ?

Chính sách Biển Đông không thay đổi lớn

Theo giới quan sát, về đại thể chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và chính sách Biển Đông mà chính quyền tổng thống Donald Trump đã phác họa sẽ được duy trì, và tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải đưa ra vô số quyết định quan trọng về cách dấn thân sâu hơn vào châu Á và quản lý căng thẳng với Trung Quốc.

Trong bài phân tích mang tựa đề “Biển Đông và tổng thống sắp tới của nước Mỹ - The South China Sea and the next president of the United States”, đăng ngày 20/10/2020 trên trang mạng Policy Forum của Hội Chính Sách Châu Á-Thái Bình Dương tại Úc, chuyên gia Indonesia Aristyo Rizka Darmawan cho rằng bất kể là ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở Hoa Kỳ, chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ không có thay đổi lớn, mà vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như hiện nay.

Lý do rất đơn giản: Kinh tế châu Á đang ngày càng quan trọng hơn đối với thế giới, và nhiều học giả đã tuyên bố thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á. Đối với Mỹ, việc tập trung chính sách đối ngoại nhiều hơn vào vùng châu Á chắc chắn sẽ có lợi cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.

Tuy nhiên, đây lại là điều nói thì dễ, nhưng làm thì khó hơn. Trong vài năm gần đây, thế giới đã chứng kiến quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với cuộc chiến thương mại và căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích cho rằng một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tất yếu nổ ra.

Theo chuyên gia Indonesia, một trong những xung đột chính ở khu vực châu Á vẫn là tranh chấp Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp, nhưng Mỹ đã dấn thân rất nhiều, với mục tiêu đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Trong mấy năm gần đây, dưới thời chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông và bộ Ngoại Giao Mỹ gần đây đã đưa ra một tuyên bố chính thức, mạnh mẽ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp.

Câu hỏi thường được nêu lên là sau bầu cử, Washington vẫn sẽ giữ chính sách cứng rắn đó ở Biển Đông hay là sẽ giảm bớt sự hiện diện trong khu vực tranh chấp? Khi xem xét phát biểu của cả hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, cũng như phân tích lợi ích của nước Mỹ trong khu vực, câu trả lời trước mắt là: Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông khó có thể thu hẹp lại.

Cả Joe Biden lẫn Donald Trump có khả năng tiếp tục coi châu Á và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, cả Trump lẫn Biden đều tố cáo lẫn nhau là đã có lập trường mềm yếu trước Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong tương lai của vấn đề Trung Quốc, bất kể ai lên nắm quyền ở Washington.

Joe Biden: Tập Cận Bình là một kẻ "côn đồ"

Về phần Joe Biden, ông đã không ngần ngại gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tên “côn đồ” và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Dù không đề cập cụ thể đến tranh chấp Biển Đông, tham luận gần đây của ông trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs vẫn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Về phía tổng thống Trump, trong suốt nhiệm kỳ của ông, Mỹ đã có một chính sách nhất quán ở Biển Đông, với việc nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp vẫn đang tiếp diễn.

Cùng với các chính sách của hai ứng cử viên tổng thống, chỉ cần nhìn vào toàn cảnh địa chính trị thì hiểu được vì sao chính sách Mỹ sẽ không thay đổi.

Mặc dù không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ có lợi ích rất đáng kể trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, một trong những tuyến giao thương quan trọng nhất của thế giới.

Hơn nữa, một sự dấn thân bền vững vào cuộc tranh chấp có thể giúp Hoa Kỳ có thêm ảnh hưởng và tính chính đáng ở Đông Nam Á để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

Tóm lại, cho dù Joe Biden hay Donald Trump thắng cử, sự dấn thân của Mỹ vào Biển Đông sẽ không có khả năng giảm sút, với hệ quả là quan hệ giữa siêu cường thế giới và một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

Chiến lược an ninh quốc gia của Biden giống Trump hơn là Obama

Cùng một quan điểm với nhà nghiên cứu Indonesia Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia Úc Walter Lohman cũng cho rằng dù ông Trump ở lại Nhà Trắng, hay nhường chỗ lại cho ông Biden, chiến lược mang tính tiến công của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn sẽ được thúc đẩy, điểm khác biệt chỉ liên quan đến cách thức và quy mô mà thôi.

Trong bài phân tích đăng ngày 20/10/2020 trên trang mạng The Strategist của Viện Nghiên Cứu ASPI của Úc, ông Lohman đã nêu bật một số thành công ban đầu của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà chính quyền Donald Trump đã đề ra.

Đó là việc Quân Đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được triển khai trong vùng, trong khi Washington đã duy trì các liên minh của Mỹ trong toàn khu vực cũng như các cam kết ngoại giao đối với Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ còn thúc đẩy nhiều sáng kiến ​​ngoại giao mới, ở những nơi như Biển Đông và sông Mêkông.

Tính chất nhất quán của chính quyền Trump trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã có tác dụng lôi cuốn các nước khác, cũng đề ra những chiến lược tương tự, chẳng hạn như trường hợp của chính quyền Đức.

Về phía đối thủ của ông Trump là cựu phó tổng thống Joe Biden, chính sách châu Á mà ông gợi lên trong thời gian vận động tranh cử không khác gì mấy so với chính sách châu Á truyền thống của Mỹ, ngoài việc sửa chữa những thiệt hại mà ông cho là tổng thống Trump đã gây nên.

Điều lý thú mà Walter Lohman ghi nhận là chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Biden (nếu ông đắc cử) sẽ giống với tài liệu năm 2017 của chính quyền Trump hơn là bất kỳ thứ gì từng được đưa ra dưới thời chính quyền Barack Obama.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang

Thụy My - 17/09/2020 - 13:24 - rfi.fr

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc

Người biểu tình ở Manila ngày 21/06/2019 dẫm lên cờ Trung Quốc để phản đối sự kiện một tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines. © AP Photo/Aaron Favila, File

Theo chuyên gia Derek Grossman (*) trên Nikkei Asia Review ngày 12/09/2020, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump đã tăng tiến mạnh trong những tháng gần đây, nhằm đạt mục tiêu duy trì một khu vực tự do và rộng mở trước sự hung hăng của Trung Quốc. Thật là trớ trêu khi chính Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng như các bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, rồi nay thậm chí còn gây hấn với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã dẫn đến một sự đồng thuận tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, rằng việc giương oai diễu võ của Trung Quốc là một hành động không được hoan nghênh trong khu vực.

Nhiều quốc gia liên quan đã tăng cường sâu sắc quan hệ an ninh với nhau và với Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu mối đe dọa. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến, sẽ có thêm những nước khác có thể đi theo, khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Tạm lấy ví dụ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bốn quốc gia này đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và các chuẩn mực hành vi quốc tế trên cơ sở luật lệ. Sự hợp tác an ninh của Bộ Tứ ngày càng sâu hơn.

Hôm 01/07/2020, bộ Quốc Phòng Úc đưa ra chiến lược cập nhật và kế hoạch bố trí lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý kết thúc việc đối đầu quân sự dọc theo vùng biên giới tranh chấp, nhưng hậu quả thì đã rõ. Giờ đây ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc nhiệt thành nhất tại Ấn Độ cũng trở nên cứng rắn hơn.

Rồi đến ngày 14/07, Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng thường niên, tố cáo các mưu toan đơn phương không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ».

Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng có nghĩa là Washington đang có quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á – vùng cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu.

Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ, và là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 09/09, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định : « Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Hoa Kỳ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông ».

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Việt Nam cập nhật chính sách quốc phòng « Ba Không » tháng 11 năm ngoái, nêu rõ Hà Nội sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh, nhưng nếu bị gây chiến, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với các đối tác của mình – có thể hiểu là Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt các quốc gia khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại những nước khác trong khu vực, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc công hàm ngày 29/07, bác bỏ « toàn bộ » những yêu sách lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Trước đó ngày 02/06, tổng thống thân Trung Quốc và chống Mỹ của Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn lại quyết định về việc có chấm dứt thỏa ước VFA (Visiting Forces Agreement) hay không, chủ yếu do Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trên Biển Đông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đưa quân đến và tập trận tại Philippines để đối phó với những tình huống bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Indonesia hôm 22/07 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn trong khu vực, rõ ràng nhằm ngăn chận việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngay cả Brunei, vốn lặng lẽ nhất trong các bên yêu sách, ngày 20/07, đã gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) để giải quyết tranh chấp.

Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hòn đảo này phải đối mặt với áp lực không ngừng tăng lên của Trung Quốc trên mọi mặt, và như vậy Bắc Kinh đã góp phần vào những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.Cách hành xử tồi tệ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các quốc gia bên ngoài khu vực ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý nhất là Anh và Pháp trong năm 2018 đã tham gia các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải, hiện diện trên Biển Đông để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Hôm 17/06, Anh, Pháp cùng với các nước khác trong nhóm G7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Tất nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều cảm thấy thoải mái khi ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Washington không nên chờ đợi nhiều từ Cam Bốt, Lào, Miến Điện ; hoặc đáng ngại hơn là Thái Lan, nước vẫn là đồng minh của Mỹ. Cảnh báo của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 29/07 rằng Hoa Kỳ nên ngưng « coi Trung Quốc là kẻ thù », cũng khiến Washington tạm lơi tay. Singapore trên thực tế là đồng minh về an ninh, vốn là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, là trái tim của khu vực.

Và việc nhiều nước ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, không nhất thiết có nghĩa là họ đã chọn lựa Washington thay vì Bắc Kinh. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều muốn giữ thế trung lập, để tránh đối kháng với bên này hoặc bên kia.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lo lắng trước những hành vi của Trung Quốc, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì, Bắc Kinh có thể xa rời họ hoặc các nước khác nữa. Rất có thể những quốc gia này sẽ ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu của Mỹ.

Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tuần trước đã bắt đầu đi thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines để vận động.

Nếu quan hệ không được thúc đẩy trở lại, Bắc Kinh có thể sẽ phải dựa vào những người bạn ít ỏi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như Bắc Triều Tiên, Pakistan, Cam Bốt, Nga. Đó sẽ là một thảm họa.

(*) Chuyên gia Derek Grossman từng là cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation.

Đầu trang

11/12/2020 - Minh Anh - rfi.fr

Biển Đông: Trung Quốc nhắc lại không thừa nhận phán quyết của Tòa La Haye

Ảnh tư liệu : Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, ngày 18/06/2019 tại Manila. AP - Aaron Favila

Trung Quốc khẳng định sẽ không chấp nhận và không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông của Bắc Kinh.

Hãng tin ABS-CBN, ngày 11/12/2020, trong thư trả lời báo chí, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) nhấn mạnh tranh chấp giữa đôi bên phải được giải quyết thông qua đối thoại và cho đó là « hướng đi tốt nhất », phù hợp với lợi ích của các bên tranh chấp trong khu vực.

Đại sứ Trung Quốc nhắc lại rằng lãnh đạo hai nước đã đạt được một « đồng thuận quan trọng về cách xử lý đúng đắn vụ tranh chấp này, được cho là nền tảng cơ bản vực dậy quan hệ song phương. Lập trường của Trung Quốc trong vụ việc này là nhất quán và rõ ràng. Bắc Kinh không chấp nhận và sẽ không tham gia vào quá trình phân xử, cũng như là không chấp nhận hoặc công nhận điều gọi là phán quyết của La Haye ».

Theo đại diện ngoại giao Trung Quốc, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila vẫn « duy trì được đà phát triển lành mạnh và ổn định » đó là nhờ vào những hoạt động trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy « hòa bình và ổn định » ở Biển Đông.

Cuối cùng, đại sứ Trung Quốc nhắc nhở rằng để quan hệ Trung Quốc và Philippines được bền vững, đôi bên nhất thiết phải « thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã được về hồ sơ Biển Đông ».

Đầu trang

10/12/2020 - Thụy My - rfi.fr

Âu - Mỹ cần nói không với « ngoại giao chiến lang » Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc Vuơng Nghị (Wang Yi) trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Đức, tại Berlin, ngày 01/09/2020. AFP - MICHAEL SOHN

Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Trung Quốc hôm nay 10/12/2020 tuyên bố châu Âu và Hoa Kỳ cần sát cánh với nhau để đối phó với chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc, và phối hợp với các nước khác trong khu vực trong hồ sơ Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn về năng lượng ở Bắc Kinh, đại sứ Nicolas Chapuis nói rằng châu Âu hy vọng đạt được một sự đồng thuận với chính phủ mới của Hoa Kỳ về chính sách đối với Trung Quốc. Theo Reuters, đại diện Liên Hiệp Châu Âu nói cần phải nói không với « ngoại giao chiến lang », chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc thông qua đe dọa, cưỡng bức.

Đại sứ Chapuis cũng kêu gọi các nước Liên Hiệp Châu Âu phối hợp với Úc, New Zealand và ASEAN để « tìm được điểm chung » trong tranh chấp Biển Đông. Ông nhấn mạnh : « Tự do hàng hải là cốt yếu, Biển Đông không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà là vấn đề quốc tế ».

Các luật sư đấu tranh ngoại giao Trung Quốc bị ngăn chận trong Ngày Quốc tế Nhân quyền

Nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, phái đoàn đại diện Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh đã mời khoảng 40 luật sư đấu tranh dân chủ đến họp mặt nhưng đa số đều bị ngăn chận tại nhà.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Luật sư Lý Hòa Bình (Li Heping) trèo lên cổng, chất vấn những người đang chận lối vào nhà ông : « Tại sao chận chúng tôi từ bên ngoài, các người là ai và muốn gì ? ». Tương tự với luật sư nhân quyền nổi tiếng Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) : phía sau cánh cửa nhà ông vẫn là những người mặc áo khoác màu sẫm, cùng một câu hỏi : « Các ông là ai, tại sao lại bấm chuông nhà tôi lúc 6 giờ sáng ? ». Vợ ông, bà Li Wenzu thì hỏi, tại sao các ông sách nhiễu chúng tôi. Đó là những gì trông thấy trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Gia đình của các luật sư được mệnh danh là « 709 » - tượng trưng cho ngày 07/07/2015, thời điểm khởi đầu cuộc đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền trên toàn quốc – thực ra đã biết rõ câu trả lời. Từ 5 năm qua, tiếng nói của họ bị rơi vào im lặng. Không thể nào đáp lại lời mời của các sứ quán châu Âu.

Bên ngoài tòa đại sứ Liên Hiệp Châu Âu, một luật sư làm việc cho một văn phòng độc lập nói : « Đã từ lâu những người đấu tranh cho tự do tại nhiều nước đều quan tâm đến diễn tiến của tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như các nhà hoạt động tại chỗ. Việc này cần phải tiếp tục, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của châu Âu. Bản thân tôi cũng biện hộ cho một luật sư khác, và hy vọng lần này tạo được sự chú ý đối với trường hợp của đồng nghiệp này ».

Để lôi kéo sự quan tâm đến các nhà đấu tranh bị bịt miệng tại Trung Quốc, các video được đăng trên Twitter, nhưng ngay lập tức bị kiểm duyệt trên các mạng xã hội ở Hoa lục."

Đầu trang

Hòa Bình - 12/12/2020 10:12 - baogiaothong.vn

Hải quân Anh sẽ điều nhóm tấn công tàu sân bay tới vùng biển gần Nhật Bản

Báo Nikkei đưa tin, các cuộc tập trận với lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ có sự góp mặt khá hiếm hoi của quân đội Anh ở phía Tây Thái Bình Dương.

Nhóm tấn công do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu.

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Hải quân Anh sẽ cử một nhóm tấn công tàu sân bay đến vùng biển gần Nhật Bản vào đầu năm tới, trong một diễn biến hiếm hoi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán tại các vùng biển trong khu vực.

Nhóm này có cả hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth, dự kiến ​​sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong thời gian ở lại các khu vực, gồm ngoài khơi quần đảo Nansei ở tây nam Nhật Bản.

Theo báo Nikkei, đây là một điều bất thường khi có đã có một quốc gia khác trong khu vực, ở đây là Hải quân Hoa Kỳ, đã duy trì một tàu sân bay hoạt động thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển phía Đông (Biển Hoa Đông) và Nam Trung Quốc (Biển Đông) cũng như việc nước này mạnh tay xử lý những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Trang báo của Nhật Bản cho rằng, việc Vương Quốc Anh điều nhóm tàu sân bay đến gần Nhật Bản có thể gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh.

Theo nguồn tin, Hải quân Anh cũng có kế hoạch tiến hành bảo dưỡng máy bay chiến đấu tàng hình F-35B trên tàu sân bay tại hệ thống hàng không vũ trụ của tâp đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi ở tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản.

Năm ngoái, Anh đã thông báo sẽ cử nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương và từ đó đã đàm phán với Nhật Bản và các nước liên quan khác.

Tàu sân bay Queen Elizabeth được đưa vào hoạt động năm 2017, là tàu chiến lớn nhất và mạnh nhất từng được đóng cho hải quân Anh, nặng 65.000 tấn và dài 280 mét.

Đầu trang

NGƯỜI LÍNH - 12/12/2020 12:38 -

Trung Quốc và giấc mơ 10 tàu sân bay

TPO - Theo National Interest, Trung Quốc đang phát triển lớp tàu sân bay thứ ba. Với lớp tàu này, họ có kế hoạch chế tạo nhiều chiếc.

Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc

Hải quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang thực hiện các bước tiếp theo để mở rộng kế hoạch sản xuất hàng không mẫu hạm trong nước, đánh dấu sự phát triển nhanh chóng tham vọng hải quân nước xanh của Bắc Kinh.

PLAN hiện đang vận hành hai tàu sân bay. Type 001 Liêu Ninh được đóng từ tàu tuần dương hạm Riga lớp Kuznetsov của Liên Xô, được Trung Quốc mua từ Ukraine thời hậu Xô Viết vào năm 1998. Liêu Ninh hiện đang phục vụ trong Hạm đội Biển Bắc của PLAN. Sơn Đông là tàu sân bay được chế tạo trong nước, có hệ thống cung cấp năng lượng thông thường (phi hạt nhân), được chuyển giao cho Hạm đội Nam Hải vào năm 2019. Sơn Đông, được giới thiệu là Type 001A nhưng được đổi tên thành Type 002 sau khi được đưa vào hoạt động, được nói là có một loạt cải tiến thiết kế so với Liêu Ninh .

Tờ báo của Trung Quốc là Hoàn cầu thời báo đưa tin, tàu sân bay Sơn Đông gần đây đã tổ chức chuyến đi thứ ba trong năm 2020. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình, Sơn Đông đã tham gia các cuộc tập trận liên quan đến việc triển khai máy bay chiến đấu trên tàu sân bay và diễn tập chung với các tàu mặt nước khác. Hoàn cầu lưu ý rằng Sơn Đông sẽ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan khi nó đi từ cảng nhà Tam Á ở đảo Hải Nam thuộc Biển Đông tới nhà máy đóng tàu Đại Liên ở phía đông bắc Trung Quốc để được bảo trì thường xuyên.

Tiến hành với tốc độ xây dựng chóng mặt, ngành đóng tàu của Trung Quốc gần tiến tới giai đoạn chuẩn bị cho ra đời hàng không mẫu hạm tiếp theo. Type 003 được cho là sẽ được hạ thủy trong tương lai gần và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Trái ngược với kỳ vọng rộng rãi, Type 003 dường như sẽ không chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thay vào đó, nó có thể sẽ có hệ thống động lực điện tích hợp (IEP) với máy phóng điện từ (EM). Trong trường hợp các thông tin rò rỉ từ người trong ngành là không nhất quán và đáng tin cậy, những gì chúng ta biết về Type 003 là rất ít, với một số hạn chế hình ảnh vệ tinh. Theo hai hình ảnh mới, có vẻ như chiều dài thân tàu chỉ dài hơn 300 mét một chút, trong khi tàu Liêu Ninh dài 305 mét và Sơn Đông 315 mét.

Trung Quốc có kế hoạch triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu tàu sân bay (CSG), bao gồm tàu khu trục tàng hình Type 055 mới, tàu khu trục phòng không Type 052D và một số tàu ngầm tấn công ngoài các tàu sân bay. Các tàu sân bay này dự kiến sẽ trang bị tiêm kích trên hạm Shenyang FC-31 mới, một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm trên tàu sân bay có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất.

Các lực lượng CSG chuyên dụng làm tăng thêm mối đe dọa quân sự vốn đã đáng kể mà Trung Quốc gây ra đối với Đài Loan, nhưng cũng sẽ phục vụ mục đích thi triển sức mạnh rộng lớn hơn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị bao vây trong cuộc cạnh tranh quân sự với Ấn Độ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Trái ngược với lớp tàu 001 và 002, có khả năng rõ ràng là có nhiều hơn một chiếc 003 được đặt đóng. Có vẻ như PLAN đang quan tâm đến một danh sách hàng không mẫu hạm trong tương lai có sự kết hợp giữa các mẫu chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường cho các nhiệm vụ khác nhau. Cần nhấn mạnh rằng, do lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc được giữ tương đối bí mật, bất kỳ thông tin sơ bộ nào về tàu sân bay sắp tới của Trung Quốc cũng là muối bỏ bể.

PLAN được cho là đang tìm cách trang bị sáu tàu sân bay vào năm 2035. Một nguồn tin quân sự nói thêm rằng Bắc Kinh có kế hoạch trang bị tổng cộng 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường vào năm 2049.

Đầu trang

01/12/2020 Thu Hằng - rfi.fr

Mỹ trừng phạt một công ty dầu khí Trung Quốc khai thác ở Biển Đông

Trụ sở của CNOOC, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, tại Bắc Kinh. STR/AFP

Chính quyền tổng thống Donald Trump dự định đưa thêm bốn công ty Trung Quốc vào « danh sách đen » những công ty do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát. Theo một tài liệu mà Reuters truy cập được và đưa ra ngày 30/11/2020, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc nằm trong số bốn công ty trên, do đã khai thác dầu khí trong vòng nhiều năm ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp.- CNOOC) là công ty dầu khí lớn thứ ba ở Trung Quốc (sau CNPC và Sinopec) bị trừng phạt do hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, « bị Hoa Kỳ coi là hành động quân sự », theo nhận định của một chuyên gia Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, thuộc đại học Hạ Môn (Xiamen). CNOOC cũng sở hữu nhiều khu khai thác dầu khí ở Mỹ và hợp tác với nhiều công ty Mỹ như Exxon Mobil Corp. trong nhiều dự án quốc tế.

Theo Henik Fung, nhà phân tích thuộc Bloomberg Intelligence, các nhà đầu tư Mỹ sở hữu 16,5% cổ phiếu CNOOC niêm yết tại Hồng Kông. Quyết định của chính quyền Mỹ khiến các nhà đầu tư Mỹ tìm cách thoái vốn, theo sắc lệnh cấm công dân Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc do quân đội nắm giữ hoặc kiểm soát. Giá cổ phiếu của CNOOC đã giảm 14% vào thứ Hai 30/11.

Ba doanh nghiệp khác bị liệt vào danh sách đen là công ty sản xuất chíp điện tử SMIC và hai công ty xây dựng (China Construction Technology Co Ltd và China International Engineering Consulting Corp.). Với 4 doanh nghiệp này, danh sách đen những công ty Trung Quốc do quân đội kiểm soát hoặc sở hữu tăng lên thành 35.

Ngày 30/11/2020, trả lời báo giới về khả năng Washington ban hành lệnh trừng phạt mới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu : « Bắc Kinh hy vọng Hoa Kỳ sẽ không gây thêm trở ngại cho quan hệ song phương và không phân biệt đối xử các doanh nghiệp Trung Quốc ».

Cùng ngày, bộ Tài Chính Mỹ thông báo trừng phạt một công ty điện lực Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ việc kiểm duyệt ở Venezuela. Đây là loạt biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc mà tổng thống Trump duy trì trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

Trung Quốc trừng phạt bốn nhân viên tổ chức phi chính phủ Mỹ

« Ăn miếng trả miếng », ngày 30/11, Trung Quốc đã ban hành trừng phạt đối với bốn quan chức của các tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ, để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông. Theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 30/11, bốn nhân vật này gồm John Knaus, giám đốc cấp cao khu vực châu Á của Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment Democracy), Manpreet Singh Anand của Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute), Crystal Rosario, giám đốc Văn phòng Hồng Kông của Viện Dân chủ Quốc gia và Kelvin Sit Tak-O, quản lý dự án của Văn phòng Hồng Kông.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bốn người này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, bao gồm cả đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao.

Đầu trang

20-03-2020 - biendong.net

Tổng công ty Dầu khí Hải dương TQ: “Cánh tay phải” của Chính quyền TQ ở Biển Đông

Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation - CNOOC) là một công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc. CNOOC chuyên tìm kiếm và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài khơi Trung Quốc. Hiện Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện đại diện Quốc vụ viện nắm quyền và nghĩa vụ cổ đông của CNOOC.

Khái quát về CNOOC

CNOOC được thành lập vào năm 1982 và có trụ sở tại Bắc Kinh. Sau hơn 30 năm cải cách và phát triển, CNOOC đã phát triển thành một công ty năng lượng quốc tế nổi bật, có cac hoạt động khai thác dầu khí tại hơn 40 quốc gia và khu vực. CNOOC hoạt động kinh doanh trong 6 lĩnh vực gồm thăm dò và phát triển dầu và khí đốt; các dịch vụ kĩ thuật, logistic, sản xuất chất hóa học và phân bón, sản xuất điện và khí thiên nhiên, các dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Hiện CNOOC đứng thứ 63 trong 500 công ty hàng đầu thế giới do của tạp chí Fortune bình chọn năm 2019, đứng thứ 32 trong 50 công ty dầu khí hàng đầu thế giới do tạp chí Tuần báo tình báo dầu khí bình chọn năm 2018. Bên cạnh đó, CNOOC là công ty lớn thứ 3 trong “bộ ba” các công ty dầu khí Trung Quốc, chuyên sâu về hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí thượng nguồn ngoài khơi, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC chuyên về các hoạt động dầu khí trên bờ, còn Tập đoàn Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec chịu trách nhiệm về mảng lọc dầu và tiếp thị.

CNOOC hiện khai thác dầu ngoài khơi không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Indonesia, Australia, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil. Hoạt động thăm dò và khai thác của CNOOC chủ yếu do công ty con CNOOC Limited thực hiện. CNOOC Limited được niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và sàn New York với các khu vực hoạt động nội địa chủ yếu của CNOOC Limited là vịnh Bột Hải, Biển Đông và biển Hoa Đông, độc lập hoặc hợp tác với các công ty nước ngoài theo hợp đồng phân chia sản lượng (PSCs). Công ty này còn có khá nhiều các tài sản dầu khí và nắm giữ cổ phần tại nhiều dự án ở châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Đại Dương. Đơn vị này hiện là nhà sản xuất dầu khí thống trị ngoài khơi Trung Quốc và cũng là một trong số những công ty lớn nhất độc lập về thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới, với tổng sản lượng dầu khí đạt 1,127,967 thùng/ngày.

Trong năm 2020, CNOOC đặt mục tiêu sản lượng khai thác ròng đạt từ 520 đến 530 triệu thùng dầu; sản lượng trong nước và nước ngoài lần lượt chiếm tỷ lệ 64% và 36%.  Ngoài ra, CNOOC cũng dự kiến sản lượng ròng của năm 2021 và 2022 lần lượt là khoảng 555 và 590 triệu boe. Tổng chi phí vốn của CNOOC cho năm 2020 được duyệt với ngân sách từ 85 đến 95 tỷ nhân dân tệ (12,34 đến 13,79 tỷ USD), trong đó các chi phí thăm dò, phát triển, khai thác và các khoản khác lần lượt chiếm khoảng 20%, 58%, 20% và 2%. Năm 2020, CNOOC cũng có kế hoạch khoan 227 giếng thăm dò và thu nổ khoảng 27 nghìn km2 dữ liệu địa chấn 3D.

Trang bị hiện đại của CNOOC

Chính phủ Trung Quốc đã trang bị cho CNOOC các phương tiện, kỹ thuật rất hiện đại, có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.

Giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng cho điều này. Được bàn giao cho CNOOC vào năm 2011 sau hơn 3 năm thi công, với tổng kinh phí gần một tỷ USD, Giàn khoan Hải Dương 981  là giàn khoan bán chìm thuộc thế hệ thứ sáu, dài 114 m, rộng 89 m, cao 117 m và nặng 31.000 tấn, với kích cỡ tương đương với một sân bóng đá và có cả bãi đỗ cho trực thăng. Giàn khoan này gây ấn tượng với khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Giàn khoan Hải Dương 981 được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương.

Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương-982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5 mét, chiều rộng 70,5 mét, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm.

Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại nửa nổi nửa chìm lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng. Giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240 m. Theo hãng sản xuất CIMC Raffles, Lam Kình 1 có thể hoạt động ở mọi vùng biển sâu trên thế giới. Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. CCTV cho biết giàn khoan Lam Kình 1 có giá thành 700 triệu USD, hiệu suất tăng ít nhất 30% và tiết kiệm 10% nhiên liệu tiêu hao so với thế hệ giàn khoan trước. Theo South China Morning Post, giàn khoan Lam Kình 1 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển”.

Giàn khoan Nam Hải số 9 được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc năm 1988. Hiện tại, chủ sở hữu “Nam Hải số 9” là Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Nam Hải 09 là giàn khoan bán chìm dài 100 m, rộng 78 m. Giàn khoan này nặng 21.741 tấn, có khả năng hoạt động ở những vùng biển sâu 1.500 m. Khả năng khoan tối đa của nó là 7.600 m. Giàn khoan ngập 9 m khi di chuyển nhưng ngập sâu 25 m khi khai thác dầu. Nam Hải số 9 không thể tự di chuyển. Các đội tàu kéo sẽ đưa nó tới vị trí đã định. Theo thiết kế, giàn khoan Nam Hải 09 vận hành tốt trong điều kiện sức gió 110 km/h và hải lưu 4 km/h. Khả năng chống chọi tối đa của giàn khoan này là sức gió 190 km/h với hải lưu 4,8 km/h.

CNOOC triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông

Trong những năm qua, CNOOC cũng đã nhiều lần tìm cách mời thầu, đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép ở Biển Đông, cụ thể:

Ngày 23/6/2012, CNOOC công bố mời thầu quốc tế với 09 lô dầu khí tại Biển Đông. Điều đáng nói là tất cả các lô này đều nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí. Đến tháng 8/2012, trên trang web của Tập đoàn này lại đăng tải thông tin về việc mời thầu 26 lô tại các khu vực gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông và chủ yếu là ở Biển Đông (22 lô). Lô số 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km, rất gần lô 65/24 trước đây từng được Trung Quốc mời thầu và bị Việt Nam cực lực phản đối.

Tháng 10/2013, CNOOC loan báo đấu thầu mời các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò khai thác tại 25 lô dầu khí trong đó có 17 lô ở Biển Đông, các lô còn lại bao gồm 3 lô ở Biển Hoa Đông, cùng 5 lô ở Hoàng Hải và biển Bột Hải. Tổng cộng 25 lô dầu khí này trải dài trên khu vực rộng hơn 102.000 km2. Thông cáo nói các công ty ngoại quốc có thể tiếp cận dữ liệu liên quan đến các lô vừa kể từ sau khi đăng ký các dự án cho tới cuối năm 2013.

Tháng 11/2014, CNOOC ngang nhiên mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc tổ chức đấu thầu quyền thăm dò - khai thác dầu khí cả ở biển Hoa Đông lẫn biển Đông. Diện tích của 33 lô dầu khí (trong đó có 25 lô nằm trong Biển Đông) được đưa ra đấu thầu lên tới 126,000 km2. Đáng chú ý, ngày 2/5/2014, Giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm lực lượng tàu bảo vệ đã cho thấy tham vọng độc chiếm của CNOOC nói riêng và Trung Quốc nói chung tại Biển Đông. Sau Giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc tiếp tục huy động một lượng nhân công lớn để đóng thêm một giàn khoan mới mang tên Hải Dương 982. Giàn khoan này về cơ bản khá giống giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nó sẽ được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại hơn và có khả năng chống đỡ những cơn bão “siêu mạnh” trên Biển Đông.

Tháng 2/2016, CNOOC lại ra thông báo mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.

Ngày 26/6/2019, CNOOC tiếp tục mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam.

Ý đồ của Trung Quốc

Đầu tiên, Trung Quốc thông qua CNOOC để triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực.

Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực.

Thứ ba, Trung Quốc liên tục thông qua CNOOC đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm.

Thứ tư, thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực.

Thứ năm, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân sự; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông.

Phản ứng của Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối CNOOC mời thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo đó, phía Việt Nam khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội dầu khí Việt Nam ra tuyên bố cho biết Thông báo mời thầu của CNOOC đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế; Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng  như  các  công ty dầu  khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.

Hội Luật gia Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành động của CNOOC; khẳng định Hội Luật gia Việt Nam hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/6/2012; đồng thời cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các Điều 58, Điều 76, Điều 77...) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN ký năm 2002, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011. Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Đầu trang

09-12-2020 - biendong.net

ADIZ trên Biển Đông – bài toán của TQ

Giữa năm 2020, cộng đồng quốc tế nóng lên trước những dấu hiệu về khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) để kiểm soát vùng trời trên Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm này, dư luận lại cho rằng: Bắc Kinh có thể phải từ bỏ mục tiêu này.

Máy bay tuần tra Nhật Bản trên khu vực quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư

Thông tin về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông manh nha từ năm 2010. Dư luận có cơ sở để nghĩ tới điều đó, vì hai lẽ. Thứ nhất, với Trung Quốc, không gì họ không thể làm vì tham vọng nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh đang hừng hực hơn bao giờ hết. Thứ hai, cùng thời điểm này, Trung Nam Hải đã thông báo chính thức việc họ có thể thiết lập ADIZ  trên biển Hoa Đông – nơi họ đang có tranh chấp quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với Tokyo. Hoa Đông – đó cũng là nơi có đảo Iedo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Thế nghĩa là, ADIZ trên Biển Hoa Đông cũng liên quan tới xứ xở Kim Chi.

Nói là làm. Tới năm 2013, Trung Quốc đã lập ADIZ ở Biển Hoa Đông. Trong thời điểm căng thẳng gia tăng quanh quần đảo Senkaku, động thái này của Trung Quốc có thể coi là nhằm thách thức Nhật Bản.

Vùng nhận dạng phòng không, về mặt lý thuyết, không ảnh hưởng đến ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia lập ra ADIZ. Nhưng, nó hàm ý rằng, mọi máy bay dân sự của nước ngoài bay vào vùng này phải được nhận dạng, xác định vị trí, thậm chí, có thể bị ngăn chặn. Ví von, nó gần như một Barie trên không mà Trung Quốc là bên thiết lập, điều phối và tất nhiên kiểm soát và hưởng lợi.

Rõ ràng, đây là một sự thách thức quá đáng. Phản ứng của Nhật, Hàn, và cả Mỹ là: phớt lờ, mặc kệ. Tuyên bố là chuyện đơn phương của Trung Quốc. Cả ba quốc gia này cứ cho máy bay lượn vè vè trong cái gọi là ADIZ mà Trung Quốc thiết lập. Tới nay, câu chuyện ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông gần như vẫn trong tình trạng gầm ghè nhau giữa các bên.

Dư luận không thể không nghĩ: trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển, Nhật, Hàn đều là các đối thủ đáng gờm, Trung Quốc còn hung hăng thế. Vậy thì mấy nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia – yếu thế hơn nhiều, nhưng lâu nay luôn phản ứng yêu sách ‘đường 9 đoạn” quyết liệt nhất - có là gì khiến Trung Quốc e ngại? Sự việc càng nóng hơn khi tháng 6 năm 2020, Bắc Kinh liên tiếp  điều máy bay xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan 5 lần trong 10 ngày - một động thái chưa từng có tiền lệ. Nó khiến người ta nghĩ, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian, tính bằng ngày.

Tuy nhiên, liền ngay sau đó, tình hình bỗng biến chuyển. Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, chủ yếu dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) và Unclos 1982.
Thực ra, việc Mỹ hục hặc với Trung Quốc tại Biển Đông là chuyện đã cũ. Washington từng nhiều lần bày tỏ quan điểm về các hành vi của Trung Quốc tại  khu vực này. Không chỉ nói miệng, với danh nghĩa “bảo đảm tự do hàng hải”, cường quốc phương Tây này ngày càng có những động thái nghênh ngang, thách thức Trung Quốc: điều tàu sân bay tới, thử tên lửa, tổ chức tập trận...; lại còn lôi kéo các nước trong khu vực thành vây cánh, khiến âm mưu “đàm phán song phương”, thực chất là dùng sức mạnh cơ bắp “bẻ cổ” các nước yếu, của Trung Quốc gặp khó. Sau các hoạt động đó, tuyên bố mới nhất nêu trên mới là “một bước đi ngoại giao mạnh mẽ” của Mỹ, theo bình luận của giới chuyên gia quốc tế. Nó cho thấy, Mỹ sẽ có những động thái quyết liệt hơn trước các hành động quá quắt, ngang ngược của Trung Quốc.

Trung Nam Hải càng giận dữ hơn khi gần như đồng thời, tuyên bố trên được nhiều quốc gia, cả trong và ngoài khu vực ASEAN, rào rào vỗ tay ủng hộ. Thêm vào đó, năm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, kết quả không thật như mong đợi vì Covid-19 khiến các cuộc họp quan trọng, thay vì trực tiếp, chỉ tổ chức qua hình thức trực tuyến, nhưng Việt Nam cũng đã chủ động hướng lái, có những tác động rõ rệt và hiệu quả, khiến các quốc gia liên quan nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ bị bắt nạt bởi chủ nghĩa cường quyền, từ đó, quan tâm, đồng thuận hơn với việc đề cao đối thoại, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình...

Tóm lại, Biển Đông, thời điểm này đã khác 10 năm trước – lúc Trung Quốc lăm le tuyên bố thiết lập ADIZ  rất nhiều, trong đó, nổi bật nhất là ngày càng có nhiều quốc gia, nhất là Mỹ, nhòm ngó, ngắm đến các lợi ích kinh tế và chính trị. Thiết lập một ADIZ trong khu vực này, Trung Quốc rất có thể sẽ mất nhiều hơn được. Mất rõ nhất là “đẩy” các nước ASEAN ngả vào vòng tay đang rộng mở, ve vãn của Mỹ - điều mà Bắc Kinh chắc chắn không hề muốn chút nào.
Vậy nên, ADIZ trên Biển Đông lúc này như một bài toán khó, buộc Trung Quốc phải tính toán lại.

Xem thêm

Đầu trang

Ngày đăng 07-12-2020 H.Đ - biendong.net

Sự trả giá cho những hành động ngông cuồng

Cách đây 6 năm, vào năm 2014, trong khi đưa tàu Hải Dương- 981 vào quấy phá vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã bí mật phát động “Chiến dịch lấp biển”, do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình phát lệnh.

Thật ra con ngoá ộp 981 chả có nhiệm vụ gì rõ rệt. Cái gọi là “nghiên cứu, khảo sát thăm dò dầu khí” chỉ là cái cớ. Mục đích chủ yếu của Bắc Kinh là đánh lừa Hà Nội. Trong khi Việt Nam căng sức phản đối, ngăn cản các hoạt động của tầu Hải Dương- 981, thì quân đội Trung Quốc đã bí mật tôn tạo các đảo đá ở Chữ Thập và Gạc Ma. Đến khi tàu rút, Hà Nội vui mừng tưởng đã “chiến thắng”, thì cũng là lúc đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc lù lù mọc lên.

Thật là một cú lừa theo kiểu đốt nhà nhỏ để nghi binh trong khi cất nhà to ở một nơi khác.

Kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma là một bước đệm để Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên bao trùm hết Biển Đông, sau khi tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông. Và mục tiêu bao trùm là khống chế Biển Đông.  

Theo Thời báo Hoàn Cầu lúc đó, Trung Quốc tập trung xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và một cảng hải quân, một khu nhà nghỉ, tòa nhà văn phòng, nhà thi đấu thể thao và một nông trại trên đảo nhân tạo. Hòn đảo này sẽ giúp các tàu chiến Trung Quốc phản ứng nhanh nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Sáu năm đã trôi qua, do tác động của thời tiết khắc nghiệt, nước biển mặn, các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự mọc lên ở đó không phát huy được tác dụng và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi được ví như một bãi rác xây dựng.

Điều đáng lo ngại hơn lại là ở chỗ, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép rất dễ bị tấn công và dường như không đóng góp nhiều cho bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào. Đây là nhận định của chính các chuyên gia Trung Quốc. Trong các bài viết mới nhất trên tạp chí Naval and Merchant Ships, thuộc Tổng Công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), đã chỉ rõ những điểm yếu của các đảo nhân tạo.

Theo đó, đảo nhân tạo có những “tử huyệt”:  khoảng cách với đất liền quá xa; diện tích quá nhỏ; khả năng hạn chế của các đường băng; nhiều tuyến đường mà hòn đảo có thể bị tấn công. Cho dù những đảo nhân tạo có lợi thế trong việc duy trì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở đại dương nước sâu. Song chúng cũng có những bất lợi về mặt tự vệ.

Do chỗ các đảo nhân tạo nằm sâu trong Biển Đông và cách rất xa đất liền Trung Quốc cho nên không có một chuỗi chặt chẽ kết nối chúng với nhau, sẽ rất khó để hỗ trợ trong trường hợp bị đối phương tấn công.

Chẳng hạn trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã cướp được từ năm 1988. Đá này có một đường băng, nhưng nó cách TP Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam tới 1.000 km. Trong trường hợp chiến đấu khẩn cấp thì khoảng cách này quá xa, các tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh nhất của Trung Quốc phải mất hơn 20 giờ mới đến được đảo.

Thêm nữa, các hòn đảo quá xa đất liền, do vậy việc triển khai J-16 (loại máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến nhất của Trung Quốc) rất khó có hiệu quả. Bởi các máy bay chiến đấu không thể tuần tra khu vực vì khoảng cách xa, lại dễ bị tàu mặt nước đánh chặn hoặc tấn công.

Một vấn đề khiến các nhà thiết kế hải quân Trung Quốc đau đầu nữa là, đường băng gần với đại dương, khiến chúng bị hư hỏng rất nhanh bởi thủy triều và thời tiết nhiệt đới. Các đảo nhân tạo quá nhỏ để có thể sống sót sau các cuộc tấn công lớn; quá bằng phẳng và có rất ít thảm thực vật hoặc đá, do vậy không tạo được vỏ bọc để chống lại một cuộc tấn công.

Theo thông tin bí mật, hầu hết các hòn đảo chỉ có một đường băng, không có không gian để cùng lúc nhiều máy bay hỗ trợ. Nếu một máy bay đang bốc dỡ hàng hoặc tiếp nhiên liệu trên đường băng thì các máy bay khác không thể tiếp cận đường băng. Và khi ấy nếu xảy ra xung đột thì cầm chắc… thua.

Vậy là sau sáu năm, những tính toán ban đầu của Bắc Kinh về xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, làm cơ sở xây dựng cơ sở quân sự, đã gần như thất bại. Khi báo chí của nước này đã phải lên tiếng nghĩa là sự thật đã ở mức thảm bại. Giống như cái vòi bạch tuộc vươn ra Biển Đông đã bị thương tích.

Đây là sự trả giá cho những tính toán sai lầm do ngông cuồng và vội vã của những kẻ bất lương.

Đầu trang

17/12/2020 - Trọng Nghĩa - rfi.fr

Biển Đông: Trung Quốc sẽ thôn tính quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát ?

Ảnh tư liệu: Thủy Quân Lục Chiến Đài Loan tập trận bắn đạn thật trên đảo Đông Sa (Pratas) ở Biển Đông ngày 19/09/1996. AFP - TAO-CHUAN YEH

Ngày 16/12/2020, Trung Quốc một lần nữa lại cho phi cơ quân sự thâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan, ở một khu vực nằm giữa hòn đảo và quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, hiện do Đài Loan kiểm soát.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đây là một hành động leo thang rõ nét vì lần đầu tiên có đến 4 phi cơ do thám Trung Quốc cùng lúc tiến vào khu vực từ đầu tháng 12 đến nay, và đó là lần thứ 11 trong không đầy nửa tháng.

Theo giới chuyên gia phân tích, những động thái hù dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể là dấu hiệu cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng tung ra một cuộc tấn công, khiến vùng eo biển Đài Loan mất ổn định.

Trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 10/12/2020, giáo sư Yoshiyuki Ogasawara thuộc Khoa Nghiên Cứu Toàn Cầu, Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo cho rằng loại từ ngữ hung hăng mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc sử dụng hiện nay khi nói đến các biện pháp “trừng phạt Đài Loan” đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc tiến hành ít ra là một loại hành động quân sự nào đó chống Đài Loan.

Vị trí chiến lược của Đông Sa

Theo nhà nghiên cứu Nhật, vào lúc này, quân đội Trung Quốc không thể tung quân đổ bộ đánh chiếm Đài Loan vì không thể bảo đảm được một chiến dịch quân sự thành công với thương vong tối thiểu. Tuy nhiên, Trung Quốc có các lựa chọn khác, một trong số đó là gây áp lực hoặc chiếm đóng quần đảo Đông Sa.

Đối với giới quan sát, dù ít được nói tới, quần đảo Đông Sa nhỏ bé ở phía bắc-đông-bắc Biển Đông, cách Hồng Kông 310 km và cách cảng Cao Hùng ở cực nam Đài Loan 430 km về phía nam, có một tầm quan trọng chiến lược đối với Đài Loan, có vị trí lý tưởng để đưa ra cảnh báo sớm cho Đài Loan về bất kỳ cuộc tấn công nào mà Trung Quốc có thể thực hiện từ phía nam.

Theo Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại FPRI của Mỹ, Đài Loan duy trì trên quần đảo này một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến khoảng 500 người, sống trong một hệ thống boongke ngầm dưới đất. Ngoài ra còn có một số nhân sự của lực lượng Cảnh Sát Biển Đài Loan và các nhà nghiên cứu hoạt động trên đảo.

Một phi đạo dài 1.500 m tại Đông Sa cung cấp cho Đài Loan một cơ sở tốt để tiến hành các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm trong trường hợp Trung Quốc cố gắng phong tỏa Cao Hùng. Và dĩ nhiên, Đông Sa là gạch nối duy nhất giữa Đài Loan và một tiền đồn khác trên Biển Đông là đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, tên tiếng Hoa là Thái Bình), cách đấy khoảng 1.175 km về phía nam.

Với những gì đang diễn ra tại Biển Đông và tại vùng eo biển Đài Loan, với tầm quan trọng của Biển Đông ngày càng tăng, giá trị chiến lược của quần đảo Đông Sa cũng tăng lên. Theo chuyên gia Ogasawara, nếu bị Trung Quốc kiểm soát, quần đảo này có thể đóng vai trò một lính canh giám sát tàu và máy bay của Mỹ và các quốc gia khác đi vào Biển Đông từ Thái Bình Dương.

Kể từ tháng 8, quân đội Trung Quốc đã liên tục tập trận trong khu vực, phi cơ Trung Quốc tuần tra gần như hàng ngày trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt đường tiếp tế giữa quần đảo Pratas và đảo Đài Loan.

Vào tháng 10, một phi cơ Đài Loan bay từ Cao Hùng chở hàng tiếp tế đến quần đảo Pratas đã bị kiểm soát không lưu Hồng Kông cảnh báo là không được vào không phận do Hồng Kông quản lý và phải quay trở lại Đài Loan.

Lợi ích đối với Trung Quốc khi kiểm soát Đông Sa

Theo giáo sư Ogasawara, những vụ việc này cho thấy Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát quần đảo Đông Sa bất cứ lúc nào họ muốn, và điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc.

(1) Chứng tỏ quyết tâm và năng lực của Trung Quốc đối với Đài Loan và các nước láng giềng khác.

(2) Trung Quốc có thể quân sự hóa hòn đảo này như là một phần trong kế hoạch biến toàn bộ Biển Đông thành vùng « nội thủy » của họ.

(3) Phá hoại những ngày đầu của chính quyền Biden bằng cách giành lại quyền chủ động ​​từ Hoa Kỳ sau bốn năm phải chịu đựng dưới thời tổng thống Donald Trump.

(4) Tập Cận Bình đã tại vị được tám năm, nhưng việc thống nhất Đài Loan vẫn xa vời. Việc đánh chiếm quần đảo Pratas có thể nhằm che đậy “sự thật phiền phức” đó, và có thể được sử dụng để kích động cuộc chiến tuyên truyền rằng triển vọng “thống nhất đất nước đang đến gần” ở cả trong và ngoài nước.

Đối với việc giành quyền kiểm soát quần đảo Pratas, Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn.

Họ có thể tiến hành một cuộc đổ bộ bất ngờ, buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải đầu hàng. Họ có thể phong tỏa các đảo bằng đường hàng không và đường biển, khiến binh lính Đài Loan bị kiệt quệ. Ngoài ra, họ có thể chỉ cần tuyên bố giáo đầu về một cuộc tấn công hoặc phong tỏa, để buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải rút lui.

Trong một cách tiếp cận lâu dài hơn, Trung Quốc có thể sử dụng các hành vi can thiệp ngầm nhằm vào tàu và máy bay Đài Loan để làm tê liệt đường tiếp tế. Hoặc có thể bình thường hóa các cuộc tập trận quanh các đảo để tạo áp lực tâm lý lên người dân Đài Loan.

Đối với ông Tập, người sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2021, Đại Hội Đảng lần thứ XX vào năm 2022, và dự kiến ​​kéo dài nhiệm kỳ của mình, điều mong muốn và thậm chí cần thiết là thể hiện một số “tiến bộ” về sự thống nhất Đài Loan.

Các cuộc thăm dò dư luận ​​gần đây cho thấy tâm lý chống Trung Quốc gia tăng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ khác. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan vào lúc này chắc chắn sẽ bị phản đối kịch liệt. Ông Tập chắc chắn nhận thức được thiệt hại về uy tín của Trung Quốc mà hành động quân sự sẽ gây ra.

Nhưng về quần đảo Đông Sa, tình hình có thể khác vì rất ít người bên ngoài khu vực biết đến các đảo này. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tính toán rằng phản ứng quốc tế đối với việc chiếm Đông Sa sẽ không dữ dội như phản ứng chắc chắn xảy ra sau một cuộc tấn công vào chính Đài Loan.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể thử nghiệm các phương án khác nhau đã nêu ở trên. Ví dụ, trong khi theo dõi phản ứng ở Washington, Trung Quốc có thể bắt đầu tăng cường các cuộc tập trận, trước khi chuyển sang việc gián đoạn đường tiếp tế.

Nếu chỉ gặp phản ứng im lặng từ chính quyền Biden, Trung Quốc có thể leo thang. Nếu phản ứng của Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, Trung Quốc có thể tránh leo thang và tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan bằng việc can thiệp vào đường tiếp tế.

Việc chiếm được quần đảo Pratas, đối với Trung Quốc quả là "nhất cử tam tứ tiện". Nếu thành công, điều đó có thể giúp ông Tập Cận Bình siết chặt quyền khống chế đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chính vì vậy mà quần đảo này là một điểm nóng tiềm tàng mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ khác phải chú ý theo dõi.

Đầu trang

23/11/2020 - Tú Anh - rfi.fr

Chỉ huy tình báo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đến Đài Loan

Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. Ảnh US Navy. © USS Barry (DDG 52) - Seaman Molly Crawford

Theo Reuters, tướng hải quân Mỹ Michael Studerman đã âm thầm đến Đài Bắc vào chiều Chủ Nhật 22/11/2020. Đến sáng hôm nay, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương mới xác nhận chuyến viếng thăm bất ngờ của một lãnh đạo tình báo Mỹ thuộc Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa trả đũa.

Đề đốc Michael Studerman, chỉ huy trưởng đơn vị tình báo J2 Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, đã đến phi trường Tùng Sơn, Đài Bắc. Chuyến viếng thăm của viên tướng Mỹ hai sao chỉ được Đài Loan, qua trả lời báo chí của thủ tướng Tô Trinh Xương, xác nhận vào sáng thứ Hai, kèm theo lời giải thích: «Phải đặt nhà hàng, món ăn đãi khách, chuẩn bị xong rồi mới báo cáo với dân chúng».

Lịch trình thăm viếng của tướng tình báo Michael Studerman tại Đài Loan không được thông báo, nhưng theo Reuters, sự kiện chính quyền Donald Trump tăng cường trợ giúp Đài Loan trên nhiều mặt đã gây phản ứng tức giận tại Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố «kiên quyết chống lại mọi hình thức trao đổi giữa Mỹ và Đài Loan hay quan hệ quân sự». Phát ngôn viên này đe dọa thêm : «Trung Quốc sẽ theo dõi diễn biến tình hình và sẽ có hành động chính đáng để trả đũa».

USS Barry trở lại Biển Đông

Trong khi đó, Hải Quân Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hiện diện thường xuyên tại Biển Đông. Theo thông tin của Hạm Đội 7, khu trục hạm USS Barry, thuộc hải đội khu trục hạm số 15, đã trở lại Biển Đông với nhiệm vụ được giao phó là bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực.

Trong năm nay, khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình này từ Nhật Bản đã bốn lần băng qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.

Đầu trang

30 tháng 5 2014 - bbc.com

'Với Việt Nam, Biển Đông là sống còn'

Hạnh Ly
BBC Tiếng Việt

Ông Laurent Gédéon hiện đang nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị của Trung Quốc

Một chuyên viên nghiên cứu địa chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO) cho rằng, Trung Quốc còn có nhiều mối quan tâm khác không chỉ trên Biển Đông mà còn trên Biển Hoa Đông, trong khi với Việt Nam, Biển Đông là ‘sống còn’.

Ông Laurent Gédéon, chuyên gia về Trung Quốc và Việt Nam, nhấn mạnh trong toàn bộ cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã ‘thắng’ vì họ đã làm được những gì họ muốn trên Biển Đông.

“Trong cuộc khủng hoảng bất cân xứng này, các nước trong khu vực cần tìm tới một đồng minh xa xôi hơn, như Hoa Kỳ chẳng hạn, quốc gia có thể sẽ chấp nhận tham gia vào mối quan hệ địa chính trị, và họ cũng là quốc gia duy nhất có thể cân bằng lại với sức mạnh của Trung Quốc, còn nếu riêng từng nước đơn lẻ trong khu vực thì không thể đấu lại được,” nhà nghiên cứu nói.

Ông Gédéon cũng cho rằng, sự kiện giữa Crimea và Nga có mối liên hệ với sự kiện biển Đông, do ‘lãnh đạo’ Trung Quốc đã theo dõi ‘rất sát’ nhằm đánh giá khả năng phản ứng và hồi đáp của các quốc gia lớn ở phương Tây, “nhất là Hoa Kỳ, nổi bật là trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”.

BBC Tiếng Việt giới thiệu cuộc phỏng vấn với chuyên gia người Pháp hôm 25/05 tại Lyon, Pháp bên lề cuộc thảo luận về các vấn đề trong cuộc khủng hoảng căng thẳng Trung – Việt.

Trung Quốc đã 'thắng'

BBC: Phải chăng do vị trí địa lý của Việt Nam với Trung Quốc mà vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước sẽ không bao giờ giải quyết được?

Tôi cho rằng mâu thuẫn không phải là không thể tránh được nếu Trung Quốc và Việt Nam đạt được thỏa thuận chung về vùng nước trong vịnh Bắc Bộ.

Một thỏa thuận chính trị chung giữa Hà Nội và Bắc Kinh là hoàn toàn có thể và chúng ta có chứng cứ để tin rằng điều này có thể đạt được.

Về vấn đề lãnh hải trên biển Đông, chúng ta thấy có sự chồng lấn trong việc tuyên bố lãnh thổ từ phía Trung Quốc và bên kia là Việt Nam, các tuyên bố này áp dụng lên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và rộng lớn hơn, là không gian hàng hải.

Như vậy có thể nói đây là một dạng căng thẳng nằm trong căng thẳng chính trị mà không chỉ đơn giản là vấn đề địa lý.

BBC: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với những gì đang diễn ra trên Biển Đông? Việt Nam có lý do để lo lắng không?

HOANG DINH NAM AFP - Nhiều tấm quảng cáo tuyên truyền về biển đảo đã được dựng lên ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 27/05.

Trung Quốc đã chứng tỏ họ có phương tiện để duy trì sự có mặt của giàn khoan này trong khu vực, bằng cách đưa hơn 80 tàu thuyền xung quanh để bảo vệ giàn khoan.

Chúng ta cũng có giả thuyết rằng giàn khoan có thể sẽ được rút đi. Với cách nhìn của tôi thì đây là chiến thắng về mặt chính trị và chiến thắng về mặt ngoại giao.

Bởi vì nhìn vấn đề một cách khách quan thì từ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa đã chịu chủ quản trực tiếp của Trung Quốc. Nên một khi Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào vùng này rồi kể cả có rút ra, chủ quyền của họ đối với vùng này là không thay đổi.

Theo ý kiến của tôi, việc này vén màn chiến lược của Bắc Kinh nhằm trước tiên và đương nhiên là thử phản ứng của các nước láng giềng với Việt Nam, và xa hơn là của Hoa Kỳ. Thế nên giàn khoan này có thể chỉ là một bước thử nghiệm.

Với người dân, người Việt vốn vẫn cực kỳ lo lắng trước Trung Quốc, vì Trung Quốc nhắc họ nhớ tới lịch sử đô hộ, mà nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam chỉ độc lập trước Trung Quốc vào năm 939 bằng vũ lực, và sau này vẫn luôn phải đối mặt với ý đồ muốn chiếm lại Việt Nam từ đế chế Trung Hoa.

Vậy đó là lịch sử cận đại, và ít nhất thì Trung Quốc cũng đã chiếm cứ một số không gian trên biển của Việt Nam.

Nhưng về đe dọa chiến tranh thực sự và mối lo ngại liên quan trực tiếp đối với Việt Nam và Trung Quốc, tôi nghĩ là rất ít khả năng xảy ra. Bởi vì theo tôi thì từ cả phía Bắc Kinh và Hà Nội đều không có ý định đối đầu nhau.

'Tách rời phương Đông'

HOANG DINH NAM AFP - Đảng vừa phải đối mặt với áp lực nội bộ, vừa phải giải quyết áp lực từ Trung Quốc

BBC: Dưới áp lực nào thì giới lãnh đạo Việt Nam thấy họ buộc phải đổi mới?

Chúng ta chỉ có thể đưa ra các giả thuyết, tuy nhiên Hà Nội vẫn thường xuyên đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc và khả năng Việt Nam có thể đối phó với các đe dọa của Trung Quốc.

Cũng có áp lực từ nội bộ, khi mà đảng Cộng sản phải bảo vệ vị trí và vai trò dẫn dắt của mình trong toàn cảnh chính trị Việt Nam. Tôi cho rằng cần có sự cân bằng trong việc đưa ra các quan điểm chính trị từ phía chính phủ và Đảng.

Từ phía đảng Cộng sản cần phải giữ vững quan điểm chính trị quốc gia và các biện pháp chống lại áp lực từ Trung Quốc. Và câu trả lời cũng nằm ở việc họ cân bằng áp lực này như thế nào.

Nếu áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn, đây chỉ là một giả thuyết, và Việt Nam vẫn thấy mình đơn độc trong việc đối đầu với Trung Quốc, và thấy cần thiết phải tìm tới các đối tác mạnh mẽ khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Nhưng lúc đó Việt Nam sẽ ở vào vị trí phải thương lượng với người Mỹ, mà một khía cạnh có lẽ chắc chắn được đề cập tới là nhân quyền và sự minh bạch trong chính trị Việt Nam.

Với cách làm này thì điều sống còn là Đảng Cộng sản Việt Nam phải tách rời phương Đông thêm một chút, và chấp nhận cởi mở nền chính trị vốn đang giữ kẽ với Hoa Kỳ.

Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến rằng, chúng tôi chỉ trao vũ khí cho các anh để phòng ngự khi các anh chấp nhận tiến trình dân chủ.

...Theo cách nhìn khách quan, ta có thể thấy có nhu cầu cần phải tìm được sự cân bằng này. Nếu không, Việt Nam có thể sẽ gặp rắc rối trong chính trị nội bộ.

AFP - Sự kiện Crimea và Nga là 'chỉ dấu' cho lãnh đạo Trung Quốc liên quan tới vấn đề biển Đông, theo nhà nghiên cứu người Pháp

BBC: Ông từng nói sự kiện Crimea và Nga cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông?

...Cụ thể trong trường hợp Crimea, tôi nghĩ là Bắc Kinh đã cực kỳ chú ý tới sự kiện này. Đặc biệt là những người đứng đầu Trung Quốc đã đánh giá khả năng phản ứng và đáp trả của các nước lớn ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.

Tôi nghĩ là sự thiếu câu trả lời trực tiếp và hiệu quả đối với Crimea từ Hoa Kỳ - vì Nga đã dùng tới biện pháp chính trị sự đã rồi – và tới thời điểm này, vẫn chưa có các biện pháp giữ toàn vẹn lãnh thổ, khiến lãnh đạo Bắc Kinh suy nghĩ.

...Cùng lúc đó, chúng ta có thể thấy với sự kiện biển Đông, việc thiếu câu trả lời của Hoa Kỳ trong vụ Crimea có thể chỉ dấu cho Trung Quốc rằng họ có thể dùng tới chút vũ lực, họ có thể dùng kiểu chính trị sự đã rồi vì Mỹ sẽ phản ứng lại một cách hạn chế.

Và chúng tôi tự hỏi, liệu giàn khoan đưa ra nhằm mục đích chắc chắn là thử Việt Nam nhưng có phải cũng là để xem khả năng phản ứng và đáp trả của Hoa Kỳ đối với các sự việc về không gian lãnh thổ theo kiểu này.

Đầu trang