Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Hồng Kông (1)

Đọc báo mạng

Mục lục Trang chính

4 tháng 4 2021 - bbc

Trung Quốc đang 'chà đạp lên nền dân chủ của Hong Kong'

Andreas Illmer
BBC News

Nguồn hình ảnh, Reuters. Nhà chức trách tìm cách đe dọa những người bất đồng chính kiến, các nhà phê bình cảnh báo

Việc Trung Quốc đại tu hệ thống bầu cử ở Hong Kong được giới lo ngại ảnh hưởng lấn chiếm của Bắc Kinh vào thành phố này coi là một bước ngoặt.

Những thay đổi gần đây được đưa ra để đảm bảo rằng chỉ "người yêu nước", trung thành với Trung Quốc đại lục, mới được đảm nhận những vị trí quyền lực. Với những ai hy vọng Hong Kong có thể có nền dân chủ vững mạnh hơn, việc đại tu hệ thống bầu cử là ngón đòn tối hậu.

Mỹ, Úc và các nước châu Âu lên án hành động của Trung Quốc, nhưng đánh giá được phản ứng ngay chính ở Hong Kong là điều khó hơn. Nhiều người đơn giản là không muốn phát biểu gì nữa.

Thực thế, trong vài năm qua, ngày càng khó để khiến người dân bình thường nói lên suy nghĩ của họ về mối quan hệ giữa Hong Kong với Trung Quốc đại lục.

'Các chế độ độc tài hoạt động như thế'

Chia sẻ nhận xét trên với một người bạn ở Hong Kong, câu trả lời là một "Lol" đầy giễu cợt, theo sau là một bình luận tỉnh táo: "Thì các chế độ độc tài hoạt động như thế."

Lee Jonghyuk, một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói với BBC rằng các chủ đề nhạy cảm trong lúc chuyện trò sẽ "tự bị diệt vong" trước tình cảnh này.

"Mọi người sẽ tự kiểm duyệt, và họ làm thế là có chủ đích,'' ông nói.

"Có lẽ rồi Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phá hủy lòng tin giữa người với người bằng cách khuyến khích dân tố cáo những ai chỉ trích chính phủ."

Vậy thế nào là yêu nước ở Hong Kong, và mọi người mong đợi điều gì trong tương lai?

Nguồn hình ảnh, EPA. Biểu tình như thời năm 2019 có thể đã trở thành dĩ vãng

'Đẩy Hong Kong lùi lại 20 năm trước'

Các chính trị gia đối lập - giới bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi sự thay đổi - vẫn đang lên tiếng, ít nhất là vào lúc này.

Lo Kin-hei, Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập, cảnh báo rằng những thay đổi này sẽ khiến Hong Kong bị đẩy lùi lại 20 năm.

Ông nói với BBC rằng bất kỳ tiến bộ nào Hong Kong gặt hái được trong hai thập niên qua đã bị Bắc Kinh xóa bỏ.

"Chúng tôi biết không gian [chính trị] để chúng tôi tham gia ít đi nhiều so với trước và chúng tôi biết rất khó để vượt qua hệ thống kiểm duyệt", ông nói, đề cập đến hệ thống sẽ quyết định ai có thể ra ứng cử trong tương lai.

Thủ quỹ của đảng, ông Ramon Yuen Hoi-man, nói giới lãnh đạo Trung Quốc đang "chà đạp lên nền dân chủ" và phá tan kỳ vọng về quyền phổ thông đầu phiếu được nêu trong Luật Cơ bản, hiến pháp của Hong Kong.

Lo Kin-hei và các lực lượng ủng hộ dân chủ khác hiện đang phải đối mặt với một đối thoại khó khăn về việc liệu họ có sẽ tiếp tục tham gia bầu cử "hay liệu chúng ta sẽ đi theo một con đường khác".

Giáo sư Lee, từ Đại học Công nghệ Nanyang, nói có thể là không còn con đường nào để tạo ảnh hưởng chính trị hay với công chúng.

"Tôi nghĩ rằng đã quá muộn," ông nói. "Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ quần chúng. Bắc Kinh sẽ không bao giờ hủy bỏ quyết định của họ ngay cả trước áp lực quốc tế."

Nói chuyện với dân thường giờ đây khó hơn, nhưng không phải là không thể.

Ken Liu, người làm việc trong lĩnh vực CNTT của thành phố, nói: "Chúng tôi thấy rất nhiều người đang bàn về việc rời khỏi Hong Kong ngay bây giờ.''

Ken Liu nói rằng ông dự định ở lại Hong Kong - "Và miễn là tôi có thể tìm thấy bất kỳ cách hợp pháp nào để truyền bá quan điểm của mình, tôi sẽ làm điều đó" - nhưng nói ông sợ nhiều người sẽ vĩnh viễn rời khỏi Hong Kong.

Vương quốc Anh đã mở ra một lối thoát cho dân Hong Kong bằng cách cho phép người sinh trước thời điểm bàn giao được tham gia chương trình thị thực đặc biệt có thể khiến họ có quốc tịch Anh.

Tuy nhiên, đó là một lựa chọn phải trả một giá rất đắt cho nhiều người, giáo sư Lee cảnh báo.

Đa số thường dân Kong Kong sẽ không dễ tự bứng gốc, bỏ đi. Và trong khi nhiều người có thể không hài lòng với những thay đổi do Bắc Kinh áp đặt, "quyền chính trị không phải là điều then chốt cho cuộc sống".

"Có một lập luận về 'mặc cả chính trị vì lợi ích kinh tế,'' ông giải thích và vạch ra rằng tại Trung Quốc đại lục, nhiều người dân đã chấp nhận để cho quyền chính trị của họ bị hạn chế, miễn là giới lãnh đạo mang lại sự thịnh vượng về kinh tế.

'Hong Kong sẽ thịnh vượng'

Tìm nghe tiếng nói ủng hộ những thay đổi của Trung Quốc dễ dàng hơn tìm được tiếng nói của người bất đồng chính kiến rất nhiều.

Penny Sun là một người tạo ảnh hưởng trực tuyến có hàng nghìn người theo dõi trên mạng xã hội.

Penny Sun nói với BBC rằng bà hoàn toàn ủng hộ những thay đổi và các nhân vật chính trị của Hong Kong nên là "những người yêu nước" và cũng nên có thái độ giống mình.

Bà nói giờ đây bà được hưởng nhiều tự do hơn so với những tháng dài của biểu tình năm 2019 mà bà mô tả là "bạo loạn".

"Trong thời bạo loạn, tôi sợ mình có thể bị tấn công vì nói ra suy nghĩ, tôi sợ điều gì đó có thể xảy ra với cho mình", bà nói.

Nguồn hình ảnh, Penny Sun. Penny Sun cho rằng chính trị gia phải là những 'người yêu nước'

Bà nói trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình, người ủng hộ Trung Quốc đã tránh nói về chính trị để không gặp rắc rối. "Đó không phải là một Hong Kong mà chúng ta biết,'' bà bình luận.

Penny Sun nói các chính trị gia "yêu nước" vẫn sẽ được tự do thảo luận về các chủ đề quan trọng và gần gũi hơn với đời sống của người dân, chẳng hạn như vấn đề nhà ở cấp bách của thành phố. "Hong Kong sẽ thịnh vượng và cuộc sống của chúng tôi sẽ ổn định hơn."

Những người khác lo sợ điều này sẽ chỉ đúng với những người có quan điểm phù hợp với Trung Quốc, chứ không phải với những người bất đồng quan điểm.

Bắc Kinh lo có phản ứng dây chuyền

Nhiều người Hong Kong, cũng như các nhà quan sát từ nước ngoài, bị sốc trước tốc độ mà những thay đổi mạnh mẽ gần đây diễn ra. Từ sự ra đời của "luật an ninh quốc gia" gây tranh cãi năm ngoái - vốn đã hình sự hóa sự ly khai, lật đổ và "cấu kết với các thế lực nước ngoài", với án tù chung thân - đến những thay đổi về bầu cử gần đây.

Thế nhưng, Giáo sư Lee nói ông còn dự đoán những thay đổi đó đến nhanh hơn nữa. "Ban lãnh đạo Trung Quốc" khá lo sợ về một phản ứng dây chuyền trong nước nếu họ nhượng bộ Hong Kong," ông nói.

"Đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh tin tưởng vào khả năng đối phó với người biểu tình của chính quyền Hong Kong," ông nói thêm.

"Tuy nhiên, khi cuộc biểu tình lớn lần thứ hai xảy ra năm 2019, giới lãnh đạo Cộng sản đã quyết định can dự trực tiếp vào các vấn đề Hong Kong để loại bỏ nguồn gốc của các hành động tập thể, chẳng hạn như những dân biểu dân chủ, mạng lưới dân sự và hệ thống giáo dục."

Hai năm sau, việc lên tiếng chống lại Bắc Kinh đã bị coi là bất hợp pháp và chính trị gia đối lập có thể dễ dàng bị loại khỏi quốc hội.

"Sẽ không có sự đảo ngược", Giáo sư Lee nói. "Điều này khá chắc chắn. Quyền phổ thông đầu phiếu chỉ là một trở ngại với sự ổn định của chế độ Đảng Cộng sản."

Jeff Li và Cho Wai Lam đóng góp cho bài viết này..

Đầu trang

06/05/2021 - bbc

Hong Kong: Nhà hoạt động Joshua Wong bị bỏ tù vì lễ tưởng niệm Thiên An Môn

Carl Court. Nhà hoạt động Hong Kong Joshua Wong

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hong Kong Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã bị kết án 10 tháng tù giam vì tham gia vào một buổi thắp nến tưởng niệm, đánh dấu cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Lễ tưởng niệm hàng năm, được tổ chức ở Hong Kong kể từ năm 1990, lần đầu tiên bị cấm vào năm ngoái do cảnh sát viện lý do thực hiện biện pháp phòng virus.

Tuy nhiên, hàng chục nghìn người, bao gồm cả các nhà hoạt động, đã có mặt.

Các nhà hoạt động đã tham dự, gồm cả Wong, sau đó đã bị cảnh sát buộc tội.

Wong - 24 tuổi và là nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng nhất Hong Kong - đã phải ngồi tù vì tội tụ tập trái phép riêng lẻ theo hạn chế của luật an ninh quốc gia hạn nước này.

Trước đó, Wong đã bị kết án 13,5 tháng và 4 tháng tù giam với hai tội danh riêng biệt và hiện Wong vẫn đang thụ án.

Bây giờ Wong sẽ phải ngồi tù thêm 10 tháng.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Wong cùng với các nhà hoạt động trẻ nổi tiếng khác là Lester Shum, Tiffany Yuen và Jannelle Leung, đã nhận tội vì đã tham gia vào buổi tưởng niệm Thiên An Môn.

Buổi tuyên án hôm thứ Năm đã phán ​​Shum sáu tháng tù, trong khi hai người còn lại bị mỗi người bốn tháng tù.

Hong Kong và Ma Cao là những khu vực duy nhất của Trung Quốc được phép ghi dấu cuộc đàn áp Thiên An Môn.

Lễ tưởng niệm Thiên An Môn một lần nữa bị cấm trong năm nay, với việc các quan chức một lần nữa viện dẫn những lo ngại về sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, đã có những câu hỏi đặt ra về việc liệu lễ tưởng niệm có được cho phép ở Hong Kong nữa hay không, sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia vào năm ngoái vốn nhằm vào những người bất đồng chính kiến ​​trong thành phố.

Điều gì đã xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn?

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4 năm 1989 và bắt đầu cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử Cộng sản Trung Quốc. Biểu tình kéo dài sáu tuần, với hàng triệu người tham gia.

Vào đêm ngày 3 tháng 6, xe tăng đến và quân đội nổ súng, sát hại và làm bị thương nhiều người không có vũ khí ở trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.

Sau đó, các nhà chức trách tuyên bố không có ai bị bắn chết ngay chính quảng trường. Ước tính những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp từ vài trăm đến vài nghìn.

Nhưng ở Hong Kong, theo truyền thống, hàng chục nghìn người vẫn tập trung tại Công viên Victoria của thành phố để ghi dấu cuộc đàn áp.

Năm ngoái, một người biểu tình nói rằng cô sợ đây sẽ là "lần cuối cùng chúng ta có thể tổ chức một buổi lễ tưởng niệm [ở Hong Kong]".

Luật an ninh quốc gia là gì?

Được Trung Quốc ban hành vào năm 2020, luật này xử các tội danh ly khai, lật đổ và cấu kết với các thế lực, lực lượng nước ngoài, với mức án tối đa là tù chung thân.

Bắc Kinh nói luật này sẽ nhắm vào mục tiêu "xúi giục nổi loạn" và mang lại sự ổn định nhưng giới chỉ trích cho rằng nó ngăn chặn hiệu quả sự phản đối và tự do ngôn luận.

Khoảng 100 người đã bị bắt kể từ khi luật được ban hành vào tháng Sáu.

Luật được đưa ra để đáp trả các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn vào năm 2019 vì lo ngại rằng Luật Cơ bản của đất nước đang bị xói mòn.

Anh Quốc đã trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, và Luật Cơ bản được lập ra theo thỏa thuận bàn giao với nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế".

Điều này được cho là để bảo vệ một số quyền tự do nhất định cho Hong Kong như tự do hội họp và tự do ngôn luận, có cơ quan tư pháp độc lập và một số quyền dân chủ - những quyền tự do mà không nơi nào khác của Trung Quốc đại lục có được.


Hong Kong: bị cảnh sát bắn, rồi bị khởi tố

Đầu trang

16/04/2021 - RFI

Hồng Kông : 9 khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ bị kết án từ 8 đến 18 tháng tù

Nhà tranh đấu dân chủ, tỉ phú báo chí Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đến trụ sở Tòa án Hồng Kông, ngày 05/05/2020. AP - Kin Cheung

Tại Hồng Kông hôm nay 16/04/2021 mở ra phiên xử cuối đối với chín nhân vật đối lập, vì đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi dân chủ đại quy mô gây rúng động đặc khu năm 2019, trong đó có những khu

ôn mặt rất nổi tiếng. Tòa tuyên án 1 năm tù đối với tỉ phú Lê Trí Anh, những người còn lại lãnh từ 8 đến 18 tháng tù.

Đa số là những tên tuổi rất được tôn trọng, đã nhiều năm đấu tranh bất bạo động cho tự do. Có thể kể luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), 82 tuổi, người từng được chọn để soạn thảo Hiến Pháp Hồng Kông ; cựu dân biểu kiêm luật sư Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), 73 tuổi ; tỉ phú truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), 73 tuổi. Các bị cáo khác thuộc đảng Lao Động hoặc Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF). Những người ủng hộ, nhiều nhà báo và nhà ngoại giao phương Tây có mặt tại phiên tòa.

Bảy trong số chín nhà đấu tranh trong phiên xử sáng nay đều phủ nhận các cáo buộc liên quan đến cuộc biểu tình 1,7 triệu người ngày 18/08/2019. Bà Ngô Ái Nghi khi tự biện hộ đã nhấn mạnh, đối với người Hồng Kông không có gì quý giá bằng tự do ngôn luận và tự do biểu tình ôn hòa, phát biểu của bà được cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh. Trước phiên xử, cựu dân biểu Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan) khẳng định rất hãnh diện đã xuống đường với người dân « cùng đi qua giông bão và bóng tối ».

Hai nhà hoạt động Lý Trụ Minh và Lê Trí Anh nhận trách nhiệm trong cuộc biểu tình ngày 31/08/2019, bản án cũng được tuyên hôm nay.

Theo tin mới nhất của CNN, tỉ phú Lê Trí Anh, chủ báo đối lập Apple Daily bị tuyên 12 tháng tù giam. Các cựu dân biểu Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) 18 tháng tù, Lý Trác Nhân 12 tháng, Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin) 10 tháng, Hà Tú Lan (Cyd Ho) 8 tháng. Số khác lãnh án treo vì tuổi cao và chiếu cố thời gian phục vụ, trong đó có luật sư Lý Trụ Minh, Ngô Ái Nghi, nhà hoạt động Hồ Tuấn Nhân (Albert Ho), Lương Diệu Trung (Leung Yiu Chung).

Người dân Hồng Kông thờ ơ trước « Ngày giáo dục an ninh quốc gia »

Cũng trong hôm nay 16/04/2021, tại Hồng Kông, ngày giáo dục về an ninh quốc gia được tổ chức, mười tháng sau khi Bắc Kinh áp đặt đạo luật nhằm bóp nghẹt mọi ý định chống đối ở đặc khu.

Theo luật an ninh quốc gia mới, nhiều tội danh chính trị có thể lãnh án đến chung thân. Bắc Kinh hy vọng gây ấn tượng về đạo luật này qua buổi lễ long trọng, các quan chức cao cấp thay nhau nhấn mạnh tầm quan trọng, nhưng người Hồng Kông chẳng mấy quan tâm.

Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy tường trình :

« Các quan chức Trung Quốc lần lượt lên khán đài trong buổi lễ chính thức hôm nay nhằm đánh dấu « ngày giáo dục an ninh quốc gia » lần đầu tiên, chừng như đầy tự tin và hài lòng. Theo họ, đạo luật đã lập lại trật tự, họ khẳng định người dân đã hoàn toàn chấp nhận.

Những lời gay gắt nhất được dành cho nước ngoài. Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), giám đốc văn phòng liên lạc, đại diện cao cấp nhất của Bắc Kinh tại Hồng Kông tuyên bố : « Nếu các thế lực ngoại quốc tìm cách xen vào chuyện của Hồng Kông, hay dùng Hồng Kông để làm áp lực, chúng ta sẽ cho họ một bài học ».

Về phía giám đốc cảnh sát Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) tố cáo hẳn các nhân viên tình báo Mỹ là nguyên nhân của các vụ nổi dậy năm 2019.

Một cuộc biểu tình nho nhỏ do bốn nhà đấu tranh dân chủ dẫn đầu đã diễn ra bên ngoài nơi tổ chức buổi lễ, để đòi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.

Nhưng nhìn chung, người Hồng Kông hoàn toàn dửng dưng trước « ngày giáo dục an ninh quốc gia ». Đa số thậm chí còn không biết đó là ngày gì, cho dù đã có vô số áp-phích tuyên truyền trong các hành lang tàu điện ngầm và trạm xe buýt từ nhiều ngày qua ».

Cảnh sát Hồng Kông đi điều lệnh rập khuôn Trung Quốc

AFP ghi nhận trong « Ngày an ninh quốc gia », cảnh sát Hồng Kông lần đầu tiên diễu hành với các động tác đánh gập tay, chân bước thẳng đơ giống y Trung Quốc ; trong khi xưa nay vẫn đi bình thường theo kiểu Anh – một biểu tượng dứt khoát với dấu ấn Anh quốc. Sau đó một số đơn vị diễn tập « chống khủng bố ». Các khách mời mặc áo thun có dòng chữ « I love police », gấu bông, đồ chơi hình cảnh sát cầm cờ cảnh báo sẽ bắn hơi cay cũng được bày bán bên ngoài cuộc diễu hành.

Đầu trang

09/02/2021 - voatiengviet.com

Trung Quốc hướng dẫn Hong Kong dạy trẻ 6 tuổi thế nào là ‘phản động’

Hong Kong: Trẻ em từ lớp Một được dạy về luật an ninh quốc gia

6 tháng 2 2021 - bbc.com

Hong Kong Education Department - Các hướng dẫn giáo dục mới đã được công bố vào cuối ngày thứ Năm

Trẻ em từ sáu tuổi phải học về các tội theo luật an ninh quốc gia của Hong Kong.

Các trường học sẽ được yêu cầu giám sát hành vi của trẻ em và báo cáo bất kỳ sự ủng hộ nào đối với phong trào ủng hộ dân chủ, như một phần của các quy tắc giáo dục mới.

Luật an ninh quốc gia được áp dụng vào tháng Sáu năm ngoái với lập luận của Bắc Kinh rằng cần phải giải quyết tình trạng bất ổn liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong thành phố.

Hàng ngàn trẻ em đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

Văn phòng giáo dục Hong Kong công bố hướng dẫn vào cuối ngày thứ Năm cùng với một video hoạt hình giải thích cho học sinh luật an ninh quốc gia là gì.

Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh hình sự hóa sự ly khai, lật đổ và cấu kết với các thế lực nước ngoài, với mức án tối đa là tù chung thân.

Video có nhân vật là một con cú và hai học sinh, giải thích rằng luật an ninh quốc gia đã được ban hành "vì lợi ích của sự phát triển liên tục và thịnh vượng lâu dài của Hong Kong".

"Tất cả chúng ta đều biết Hong Kong là một phần không thể tách rời của đất nước chúng ta," video nói với các học sinh.

Học sinh tiểu học cũng sẽ được dạy cách hát và tôn trọng quốc ca và tìm hiểu về cách Quân đội Giải phóng Nhân dân bảo vệ Hong Kong. Học sinh lớn hơn sẽ học về các giới hạn của các quyền và tự do của Hong Kong.

Luật an ninh quốc gia cũng sẽ được đưa vào các môn học khác như địa lý và sinh học.

Các trường học được yêu cầu ngăn chặn việc học sinh và giáo viên hát một số bài hát cụ thể - một sự lưu ý tới xu hướng trong các trường học năm ngoái, nơi trẻ em hát các bài biểu tình để át bài quốc ca Trung Quốc .

Bất kỳ sách nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sẽ bị xóa khỏi thư viện của các trường.

Các hướng dẫn mới đã bị chỉ trích bởi Tin Fong-Chak, phó chủ tịch Liên minh giáo viên chuyên nghiệp Hong Kong.

Ông Tin nói với tờ Financial Times rằng các hướng dẫn "cực kỳ tỉ mỉ".

"Chính phủ về cơ bản không tin tưởng các trường học. Những biện pháp này sẽ phá hủy mối quan hệ thầy trò", ông nói.

Sơ lược về luật an ninh quốc gia của Hong Kong

Hong Kong đã có mức độ tự trị cao kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, và dân Hong Kong có mức độ tự do ngôn luận và báo chí cao hơn nhiều so với người dân đại lục.

Nhưng các điều khoản quan trọng của luật mới bao gồm các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tù chung thân.

Nó làm cho việc trừng phạt những người biểu tình trở nên dễ dàng hơn, và làm giảm quyền tự trị của Hong Kong.

Luật này cũng mang lại cho Bắc Kinh quyền hạn để định hình cuộc sống ở cựu thuộc địa của Anh theo cách mà nó chưa từng có trước đây.

Giới chỉ trích nói rằng luật này ngăn chặn hiệu quả các cuộc biểu tình và tự do ngôn luận. Trung Quốc thì nói luật mới sẽ trả lại sự ổn định cho vùng lãnh thổ này sau một năm bất ổn.

Tranh cãi khi Hong Kong sẽ dạy về lật đổ, can thiệp nước ngoài cho học sinh từ 6 tuổi

06/02/2021 07:26 GMT+7 - tuoitre.vn

TTO - Chính quyền Hong Kong vừa công bố các chỉ đạo gây tranh cãi khi yêu cầu đưa vào giảng dạy các nội dung như lật đổ, can thiệp nước ngoài cho học sinh từ 6 tuổi.

Các học sinh cầm biểu ngữ tham gia một sự kiện biểu tình ngày 12-6-2020 tại Hong Kong - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, chính quyền đặc khu Hong Kong vừa công bố những chỉ đạo yêu cầu các trường học tại thành phố đưa vào chương trình giảng dạy về an ninh quốc gia mới những nội dung như cấu kết với các lực lượng nước ngoài và lật đổ chính quyền.

Tháng 6-2020 chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới tại Hong Kong sau nhiều tháng trong năm 2019 diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền và chống Trung Quốc tại đây.

Chỉ thị ban hành ngày 5-2 của cơ quan giáo dục đặc khu Hong Kong nêu: "An ninh quốc gia là vấn đề hết sức quan trọng. Các giáo viên không nên hành xử với nó như thể đó là một vấn đề tranh cãi thay thảo luận thông thường".

Giáo viên nên "làm rõ là việc bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của mọi công dân và nếu an ninh quốc gia bị đe dọa, không có chỗ cho tranh luận hay thỏa hiệp", chỉ thị nêu.

Cụ thể theo chỉ đạo này, học sinh tiểu học sẽ phải học hát và tôn trọng quốc ca Trung Quốc, hiểu về bốn loại tội chính được nêu trong luật an ninh mới, trong đó có tội khủng bố và chủ nghĩa ly khai.

Học sinh bậc trung học cơ sở sẽ học về những điểm cấu thành nên bốn tội chính đó, những tội mà nếu bị kết án sẽ bị phạt tù chung thân.

Trong các cuộc biểu tình năm 2019 có rất nhiều đối tượng vị thành niên tham gia. Với chỉ đạo mới về việc thay đổi chương trình giáo dục về an ninh quốc gia, Bắc Kinh hẳn muốn tạo ra tác động nhắm tới nhóm người trẻ này.

Ông Ip Kin-yuen, người đứng đầu liên đoàn giáo viên tại Hong Kong, cho rằng những chỉ đạo mới sẽ gây ra "sự thiếu chắc chắn, mơ hồ và lo lắng" cho giáo viên, cũng như không khuyến khích sự phát triển và tư duy độc lập của học trò.

Một cựu giáo viên khác là Raymond Yeung cho rằng những chỉ đạo này là "một chiều, nếu không muốn nói là tẩy não".

Còn chị Wong, người mẹ có hai con đang học tiểu học, cho rằng quy định này sẽ "dập tắt những tư tưởng cá nhân của mỗi người", và việc đưa nội dung an ninh quốc gia vào chương trình giảng dạy có thể gây tâm lý sợ hãi.

"Tôi thấy sợ. Họ không nên đưa những điều này vào lớp học", chị Wong nói, từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì tính chất nhạy cảm của sự việc.

Tuy nhiên không phải mọi phụ huynh đều phản đối những thay đổi đó.

"Đó là một sự khởi đầu tốt, bất kể anh là ai và đến từ đâu, anh phải yêu đất nước của mình", chị Feng, bà mẹ có con 6 tuổi, nói.

D. KIM THOA

Đầu trang

31/01/2021 - rfi.fr

Anh cấp thị thực đặc biệt cho người Hồng Kông, Trung Quốc giận dữ

Ảnh minh họa : Hộ chiếu của đặc khu hành chính Hồng Kông (T) và hộ chiếu BNO do Anh cấp cho một số công dân Hồng Kông (P). AP - Kin Cheung

Kể từ chiều 31/01/2021, những biện pháp mới do chính phủ thủ tướng Boris Johnson ban hành dành cho các công dân Hồng Kông có hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại (British National Overseas, BNO) chính thức có hiệu lực. Theo đó, những đối tượng trên có thể sinh sống, làm việc tại Anh Quốc trong vòng 5 năm, và khi hết hạn có thể xin nhập quốc tịch Anh.

Luân Đôn ban hành những biện pháp trên nhằm đáp trả việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, hạn chế các quyền tự do ở Hồng Kông. Chính phủ Anh ước tính có khoảng 5 triệu người Hồng Kông có thể nộp đơn xin BNO.

Tuy nhiên, quyết định này của Anh Quốc đã làm cho Trung Quốc tức giận. Thông tín viên đài RFI, Simon Leplâtre từ Thượng Hải giải thích :

« Hộ chiếu BNO, viết tắt từ British National Overseas, là một loại giấy thông hành cho phép người Hồng Kông được đến thăm Anh Quốc một cách dễ dàng. Hộ chiếu này được tạo ra để duy trì mối liên hệ với người dân, sau khi Anh Quốc trao trả thuộc địa cũ Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.

Cho đến nay, với hộ chiếu này, người Hồng Kông chỉ được phép lưu trú tại Anh 6 tháng. Nhưng Luân Đôn đã quyết định tăng thời hạn này lên thành 5 năm và mở thêm quyền được làm việc. Sau 5 năm hết hạn, người sở hữu được quyền xin quốc tịch Anh Quốc.

Nhưng điều này đã thật sự khiến Trung Quốc khó chịu. Bắc Kinh đã bày tỏ phẫn nộ hôm thứ Sáu, 29/01, cáo buộc Luân Đôn vẫn còn duy trì tâm lý thuộc địa.

Để đáp trả, Bắc Kinh quyết định không công nhận loại hộ chiếu này. Đương nhiên, biện pháp này chỉ mang tính biểu tượng vì hộ chiếu BNO chỉ có giá trị với chính quyền Anh.

Cơn thịnh nộ của Bắc Kinh cũng dễ hiểu bởi vì rất nhiều người Hồng Kông muốn rời đặc khu để chạy trốn chế độ chuyên chế.

Kể từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng hồi tháng 7/2020, số người xin hộ chiếu BNO tăng gấp đôi, đạt đến con số 733 ngàn người. Hơn 5 triệu người Hồng Kông, sinh trước năm 1997, có quyền xin hộ chiếu này ».

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

17/01/2021 - rfi.fr

Ray Wong : Lưu vong để tránh tù đày ở Hồng Kông vì đấu tranh dân chủ

Ray Wong, nhà đấu tranh vì dân chủ cho Hồng Kông, hiện sống tị nạn tại Đức. © Ray Wong

Chính quyền Bắc Kinh viện dẫn luật an ninh quốc gia để dồn dập trấn áp những nhà đấu tranh bảo vệ dân chủ ở Hồng Kông, từ giới trẻ đến cả tỉ phú, buộc nhiều thanh niên phải bỏ trốn quê hương để tránh bị xét xử bất công.

Trong vòng chưa đầy hai tháng (12/2020 - 01/2021) đã diễn ra hàng loạt vụ bắt giam, xét xử nhắm vào giới đấu tranh ủng hộ dân chủ của Hồng Kông : ba gương mặt tiêu biểu Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow) và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) bị kết án tù ngày 02/12/2020 ; 53 nhà đấu tranh (từ 23 đến 64 tuổi) bị bắt ngày 06/01 với cáo buộc “nổi loạn” vì tự tổ chức bầu cử sơ bộ trong phe ủng hộ dân chủ ; 11 người từng giúp đỡ nhóm 22 thanh thiếu niên bỏ trốn sang Đài Loan bị bắt ngày 14/01…

Nếu tiếp tục ở lại Hồng Kông, các nhà đấu tranh sẽ phải đối mặt với luật an ninh quốc gia ngày càng bị lạm dụng. Trong bài phỏng vấn ngày 03/01/2021 với nhà báo Heike Schmidt của đài RFI, Ray Wong, nhà sáng lập đảng Hong Kong Indigenous (Người bản địa Hồng Kông), cho rằng khó tránh được một cuộc di dân quy mô lớn.

Đảng Hong Kong Indigenous từng đứng trên tuyến đầu trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ cho đặc khu hành chính. Ray Wong bị giằng xé khi quyết định sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bị xử tù. Là người Hồng Kông đầu tiên được cấp quy chế tị nạn ở Đức và theo học tại thành phố Göttingen, nhà đấu tranh 27 tuổi tiếp tục giúp đỡ những người khác trốn khỏi quê hương để tránh bị trấn áp.

RFI : Anh là nhà đấu tranh Hồng Kông đầu tiên xin tị nạn tại Đức. Điều gì buộc anh phải ra đi ?

Ray Wong : Năm 2016, sau các cuộc biểu tình do đảng của tôi tổ chức, tôi bị truy tố vì xúi giục và tham gia các cuộc nổi dậy, cũng như tội tổ chức tập hợp bất hợp pháp. Tôi có nguy cơ lĩnh án 10 năm tù vì những tội này. Tôi biết là tôi sẽ không được xét xử một cách công bằng ở Hồng Kông. Vì thế tôi đã xin tị nạn tại Đức.

Tôi hoàn toàn tin rằng nước Đức rất chú tâm đến những giá trị như nhân quyền và tự do. Vì thế, tôi tin chắc là sẽ được cấp quy chế tị nạn. Chính quyền Trung Quốc từng tìm cách ngăn cản chính phủ Đức chấp nhận yêu cầu của tôi. Nhưng Berlin đã không lùi bước trước sức ép từ Bắc Kinh và đã đón tôi như một người tị nạn.

RFI : Hiện tại anh có cảm giác là vẫn bị Trung Quốc theo dõi không, dù anh được Đức bảo vệ khi cấp cho anh quy chế tị nạn chính trị từ năm 2018 ?

Ray Wong : Chắc chắn là có. Từ khi Ủy ban An ninh Quốc gia Hồng Kông đưa tên tôi vào danh sách những người bỏ trốn, tôi nhận thấy có nhiều hoạt động khả nghi trên điện thoại, tài khoản Telegram cũng như tài khoản thư điện tử của tôi. Từ đó, tôi nghi rằng chính phủ Trung Quốc đánh cắp tất cả những tài khoản của tôi.

RFI : Rời Hồng Kông đồng nghĩa với việc từ bỏ đảng Hong Kong Indigenous ủng hộ Hồng Kông dân chủ mà anh sáng lập và bị giải thể sau khi anh rời đảng. Đó có phải là một quyết định khó khăn đối với anh không ?

Ray Wong : Đó là quyết định khó khăn nhất của đời tôi. Trốn khỏi Hồng Kông đồng nghĩa với việc có thể tôi sẽ không bao giờ được trở về quê hương, không bao giờ gặp lại được những người bạn, cũng như nhiều người thân trong gia đình, như bà của tôi chẳng hạn giờ đã nhiều tuổi. Tôi đã bị giằng xé rất lâu. Trong giai đoạn phân vân đó, tôi không tài nào ăn được, ngủ được và tôi sụt cân rất nhiều.

Nhưng khi nói chuyện với rất nhiều người, kể cả những tổ chức phi chính phủ và chính trị gia, cuối cùng tôi đã quyết định ra đi. Để có thể tiếp tục cuộc chiến của mình, một trong số chúng tôi phải ra đi để kể lại câu chuyện của chúng tôi cho cả thế giới.

RFI : Từ Göttingen nơi anh đang học tập, anh có giúp những nhà đấu tranh Hồng Kông khác chuẩn bị để rời đặc khu hành chính không ?

Ray Wong : Có, tôi lập và duy trì trang tương trợ có tên Haven assistance. Mục tiêu của chúng tôi là thông tin cho những nhà đấu tranh Hồng Kông về quyền tị nạn tại nhiều nước trên thế giới. Từ khi lập trang thông tin này vào tháng 07/2020, chúng tôi đã nhận được vài nghìn yêu cầu. Việc nhiều người quan tâm như vậy khiến chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều người Hồng Kông, kể cả thanh niên, sẽ xin tị nạn ở nhiều nước phương Tây, ngay khi họ vượt qua được đại dịch Covid-19. Chính vì thế, tôi phối hợp chặt chẽ với tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, có trụ sở tại Luân Đôn.

Chúng tôi cũng đề nghị Đức đơn giản hóa thủ tục cấp quy chế tị nạn cho công dân Hồng Kông. Chúng tôi cũng hy vọng nhiều nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu sẽ giảm nhẹ thủ tục xin tị nạn cho người Hồng Kông. Hai chính phủ Úc và Canada cũng đã mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi theo hướng này.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

25/10/2020 - Minh Anh - rfi.fr

Luân Đôn ra luật đón nhận người Hồng Kông muốn di cư sang Anh Quốc

Ảnh minh họa: Sân bay quốc tế Hồng Kông ngày 24/10/2020. REUTERS - TYRONE SIU

Giữ đúng lời hứa đưa ra hồi tháng Bảy, chính phủ Anh ngày 22/10/2020 thông báo một đạo luật mới cho phép khoảng một triệu người dân Hồng Kông có thể di cư sang Anh Quốc kể từ tháng Giêng năm 2021.

Nhật báo Công giáo La Croix ngày 24/10/2020 dẫn lời tổng lãnh sự Anh Quốc, Andrew Heyn tại Hồng Kông cho rằng « việc áp đặt đạo luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông đánh dấu một sự xói mòn quan trọng về các quyền và tự do đối với người dân ».

Như vậy, trong vòng năm năm, khoảng một triệu người dân Hồng Kông – những người đã có hộ chiếu hải ngoại (British National Overseas - BNO) – có thể được di cư sang Anh Quốc. Đây là một con số lớn so với số dân 7,5 triệu người tại vùng cựu thuộc địa Anh Quốc này.

Trong số này, Anh Quốc ước tính có khoảng gần 300 ngàn người sở hữu BNO cũ, được cấp cho những người sinh ra trước ngày 01/07/1997, ngày trao trả Hồng Kông về với Trung Quốc. Với loại hộ chiếu này, người sở hữu cho đến hiện tại chỉ được phép đến thăm và lưu trú tại Anh Quốc trong vòng sáu tháng.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thuộc lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông thẩm định rằng trong số 5,5 triệu người Hồng Kông, có khoảng 2,9 triệu người sinh sau năm 1997 có thể xin BNO mới mà không nhất thiết là vì lý do gia đình hay nghề nghiệp.

Như vậy, kể từ tháng Giêng năm 2021, với loại hộ chiếu hải ngoại mới, người Hồng Kông và thân nhân gần gũi (cha mẹ và con cái) có thể đến Anh : Hoặc với thời hạn hai lần 30 tháng, hoặc một thời hạn duy nhất là 5 năm. Sau kỳ hạn năm năm này, họ có thể tiến hành thủ tục xin định cư dài hạn và được nhập quốc tịch 12 tháng sau đó.

Những ai được phép di cư, sẽ có quyền được làm việc và học hành tại Anh. Tuy nhiên, để có được một BNO, người được cấp phải trả một khoản tiền là 300 euro cho visa 5 năm hoặc là 200 euro cho visa 30 tháng. Ngoài ra, luật mới của Anh Quốc bắt buộc người xin cấp phải tiến hành kiểm tra sức khỏe và có một lý lịch tư pháp trong sạch.

Bộ trưởng Nội Vụ Anh Quốc, Priti Patel, khẳng định luật mới này là « nhằm phản ứng với tình hình mang tính địa chính trị cho Hồng Kông trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, vi phạm tuyên bố chung Anh – Trung (ký năm 1984 giữa thủ tướng Margaret Thatcher và đồng nhiệm Triệu Tử Dương) quy định các điều kiện để nhượng lại Hồng Kông cho Trung Quốc. BNO là một phản ứng rất hào phóng nhưng có chừng mực với tình hình ».

Ngay sau thông báo, chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng, yêu cầu Anh Quốc « sửa sai ngay lập tức », đồng thời cho rằng Vương Quốc Anh không nên « can thiệp vào công việc nội bộ » của Bắc Kinh.

Đầu trang

10/01/2021 - voatiengviet.com

Mỹ, Anh, Canada và Úc lên án vụ bắt giữ các nhà hoạt động ở Hong Kong

Ngoại trưởng Mỹ và Úc.

Trong một tuyên bố chung ra ngày 10/1, ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Canada và Úc lên án vụ bắt giữ hơn 50 nhà hoạt động vì dân chủ ở Hong Kong tuần trước, theo Reuters.

Tin cho hay, các nhà ngoại giao hàng đầu của những nước trên còn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự do của người dân Hong Kong.

Cảnh sát Hong Kong tiến hành các vụ bắt giữ vào lúc rạng sáng hôm 6/1 trong cuộc trấn áp được Reuters nhận định là lớn nhất kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh năm 2020 mà phe đối lập nói là nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng tại cựu thuộc địa Anh.

“Rõ ràng là Luật An ninh Quốc gia đang được sử dụng để loại bỏ các quan điểm chính trị bất đồng và đối lập”, quan chức ngoại giao các nước nói trong thông cáo chung mà Ngoại trưởng Úc Marise Payne công bố, theo Reuters.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền trung ương Trung Quốc và Hong Kong tôn trọng các quyền và tự do được bảo đảm theo pháp luật của người dân Hong Kong mà không sợ bị bắt giữ”.

Hôm 7/1, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Washington có thể trừng phạt những người liên quan đến vụ bắt giữ và sẽ cử đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đến thăm Đài Loan.

Đầu trang

05/01/2021 - Anh Vũ - rfi.fr

Mã Vân : Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc ?

Ông Mã Vân (Jack Ma), chủ tập đoàn Alibaba. Ảnh chụp ngày 10/05/2019 khi ông làm chủ lễ cưới tập thể cho 102 cặp vợ chồng là nhân viên của Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. AP

Những ngày qua báo chí tốn không ít giấy mực cho việc tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) bị chế độ Cộng Sản Bắc Kinh xử lý. Từng là niềm tự hào, hy vọng của Trung Quốc để cạnh tranh với các đế chế công nghệ số toàn cầu, nay Mã Vân đang từng bước bị Bắc Kinh "kìm hãm" đưa vào khuôn phép.

Người đồng sáng lập đế chế thương mại điện tử toàn cầu Alibaba liên tiếp nhận tin xấu kể từ hồi tháng 10/2020. Vào tháng 11, Bắc Kinh quyết định cấm Ant Group, công ty liên kết của tập đoàn Alibaba do Mã Vân sáng lập, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Cùng lúc nhiều thông tin cho biết tập đoàn Alibaba bị điều tra vì vi phạm luật chống độc quyền. Sự việc dường như trở nên nghiêm trọng khi từ tháng 10/2020, ông chủ giàu có và đầy quyền lực Mã Vân không còn thấy xuất hiện trước công chúng. Có tin nói, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này bị cấm xuất cảnh.

Ông chủ của đế chế thương mại và một hệ thống ngân hàng điện tử đang lên như diều gặp gió giờ có nguy cơ rơi tự do trở lại mặt đất. Từ khi sáng lập ra Alibaba trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Hàng Châu năm 1999 đến khi cho ra đời ứng dụng thanh toán điện tử Alipay năm 2004 và 10 năm sau đó cho ra đời hệ thống ngân hàng mạng Ant Financial, Mã Vân đã xây dựng được một đế chế kinh doanh khổng lồ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với trị giá tài sản lên tới trên dưới 60 tỷ đô la.

Có thể nói ông chủ của Alibaba và Ant đã làm nên một cuộc cách mạng trong tiêu dùng và thanh toán ở trong nước, đồng thời đưa Trung Quốc thành một đối thủ cạnh tranh lớn với thế giới trong lĩnh vực ứng dụng cộng nghệ số. Thành công của Mã Vân không nằm ngoài tham vọng chiến lược của chính quyền Bắc Kinh. Thậm chí hồi năm 2018, báo chí quốc tế còn loan truyền tin đồn Mã Vân là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thế nhưng vận xấu của Mã Vân có lẽ bắt đầu từ một diễn đàn ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10/2020. Trước nhiều quan chức quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Mã Vân đã lên tiếng chỉ trích các quy định quản lý tài chính của Trung Quốc kìm hãm phát triển công nghệ, đầu tư. Ông cho rằng cần phải cải cách hệ thống ngân hàng mà ông ví như là « những tiệm cầm đồ ».

Những phát biểu thể hiện quan điểm của một tỷ phú giàu có như vậy đã khiến các nhà quản lý tài chính của chế độ Cộng Sản không khỏi lo ngại sẽ có ngày hệ thống ngân hàng Nhà nước với hàng mớ thủ tục hành chính quan liêu, phụ thuộc vào các mệnh lệnh chính trị của đảng sẽ không thể cạnh tranh được với những Alibaba, Alipay và Ant và xa hơn nữa sẽ là đế chế lớn mạnh của Mã Vân có thể chi phối hay làm thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Theo Le Figaro, giờ đây công ty dịch vụ tài chính Ant Group đã là một con bạch tuộc vươn vòi sang nhiều hệ thống như giao hàng qua mạng (Meituan), taxi (Didi) và giám sát (Sense Time). Tập đoàn có trị giá tài sản 173 tỷ đô la và nắm giữ 290 tỷ đô la tiền vay tiêu dùng của hàng trăm triệu dân Trung Quốc, mỗi năm xử lý giao dịch hàng chục nghìn tỷ đô la trên mạng internet.

Mã Vân từ khi trở thành tỷ phú tầm thế giới luôn là người biết lựa chiều, tận dụng quyền lực chính trị của chế độ tại Trung Quốc để phát triển. Nhưng lần này, nhà tài phiệt Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ của chế độ Cộng Sản. Hệ quả là Alibaba hứng chịu một loạt các sự kiện nói trên. Theo nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal, dường như đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh đưa Mã Vân vào khuôn khổ, mà bước đầu là cấm Ant niêm yết chứng khoán và tiếp đó sẽ là những cuộc điều tra mở rộng. Một quyết định khiến tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group có thể mất ít nhất 30 tỷ đô la.

Theo giới quan sát, dù tương lai của Ant là bất trắc nhưng ít có khả năng chế độ Cộng Sản đánh mạnh Mã Vân, như điều tra tham nhũng hay phá hoàn toàn đế chế của nhà tỷ phú. Làm như vậy sẽ gây đảo lộn môi trường kinh doanh với quốc tế và chính quyền sẽ mất lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc. Alibaba và Mã Vân giờ như là chỉ số đo sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và là một phần cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Những động thái vừa rồi của chính quyền Bắc Kinh với đế chế Mã Vân có thể mới chỉ là đòn cảnh cáo khẳng định hơn ai hết đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu thế nào là « vật chất quyết định ý thức ». Mã Vân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp lớn ở Trung Quốc cũng biết đã có không ít các doanh nghiệp, các đại gia chỉ trích quá đà chính quyền đã bị khuynh gia bại sản chỉ vì các cáo buộc gian lận, trốn thuế hay làm trái quy định Nhà nước.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Người hùng Jack Ma mất tích bí ẩn

Phong trào dù vàng HK
5-1-2021

Theo báo Taiwan News, Jack Ma đã không xuất hiện trong chương trình tài năng của chính mình, các tài khoản mạng XH của anh ta cũng không post gì suốt 2 tháng gần đây.

Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Bund ở Thượng Hải vào ngày 24 tháng 10, Ma đã phản đối các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc vì hoạt động với tâm lý “tiệm cầm đồ”. Vào ngày 3 tháng 11, chỉ hai ngày trước khi dự kiến ​​IPO trị giá 34 tỷ đô la Mỹ của Ant Group, các quan chức nhà nước Trung Quốc đã hủy bỏ quy trình này, trong khi Ma được khuyên ở lại trong nước khi các quan chức khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền.

Vào ngày 1 tháng 1, Financial Times đưa tin rằng Ma đã được thay thế trong chương trình của riêng mình, “Những người hùng kinh doanh của châu Phi”, ngay trước khi đêm chung kết diễn ra. Ảnh của ông ta cũng bị gỡ xuống khỏi trang web đánh giá, và không thấy đâu trong video quảng cáo.

Một đại diện của Alibaba nói với hãng tin rằng Ma không thể tham dự đêm chung kết vì “xung đột lịch trình”. Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 8 năm ngoái, Ma trên tài khoản Twitter của mình đã chúc mừng 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết của chương trình và viết “Tôi rất nóng lòng được gặp họ!”

Bài đăng trên mạng xã hội cuối cùng của Ma được đăng tải vào ngày 17 tháng 10, khi ông ấy đăng một bức ảnh trao đổi ý tưởng về giáo dục với 100 nguyên tắc từ các trường tiểu học và trung học nổi tiếng ở Trung Quốc trên trang Weibo của mình. Việc đột ngột kết thúc các bài đăng của trên Weibo được một số người cho là đáng ngờ, vì trước đó ông ta đã đăng tải một số bài đăng mỗi tháng.

Chính phủ Trung Quốc có một lịch sử lâu đời trong việc thực hiện các biện pháp tàn nhẫn đối với những người chỉ trích trong nước. Vào tháng 3 năm ngoái, ông trùm bất động sản Ren Zhiqiang (任志強) đã biến mất sau khi gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (習近平) là “gã hề” vì xử lý kém dịch bệnh coronavirus ở Vũ Hán.

Sáu tháng sau, ông ta “thành khẩn khai báo” tội danh tham nhũng và bị kết án 18 năm tù. Ngoài ra, vào tháng 1 năm 2017, tỷ phú tài chính và chủ sở hữu của Tomorrow Holding, Xiao Jianhua (肖建華) đã bị bắt cóc khỏi phòng khách sạn của ông ở Hồng Kông và đưa đến Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2018, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin rằng ông sẽ hầu tòa ở Thượng Hải vì tội “thao túng thị trường chứng khoán và thị trường tương lai” và “đưa hối lộ thay mặt cho các tổ chức”.

____

Đặng Sơn Duân: Những anh như Jack Ma vốn như cá nằm trên thớt, với Tập Cận Bình mà nói thì cho sống thì sống, muốn mất tích thì mất tích.

Những tưởng “phản biện trung thành” thì vẫn ngon, đâu biết chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời Tập đã chuyển hóa thành bạo chúa, chỉ có thần phục vô điều kiện.

Để hiểu hơn có thể đọc lại bài viết của Thái Hà mà tôi từng giới thiệu trên này. Trong đó, bà đã cảnh tỉnh về sự tự do ngày càng bị bó buộc ngay cả với những người trung thành với chế độ. Giờ chỉ còn trung thành với Tập mà thôi.

Đầu trang

06/01/2021 - thanhnien.vn

Khoảng 50 nhân vật đối lập Hồng Kông bị bắt theo luật an ninh quốc gia

Sáng 6.1, hàng chục nhân vật đối lập Hồng Kông đã bị bắt với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.

Cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Lâm Trác Đình, một trong những người bị bắt ngày 6.1 REUTERS

Theo tờ South China Morning Post, khoảng 50 cựu nghị sĩ đối lập và nhà hoạt động tại Hồng Kông đã bị cơ quan chức năng bắt giữ vào sáng 6.1. Đa số những người này bị buộc tội lật đổ.

Nhiều người bị bắt vì tham gia cuộc bầu cử sơ bộ do phe đối lập tổ chức hồi tháng 7.2020 để chọn ứng viên tham gia cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp vào tháng 9.2020, vốn bị chính quyền hoãn lại với lý do đại dịch Covid-19.

Theo đài RTHK, cuộc bầu cử sơ bộ bị chính quyền Bắc Kinh coi là hành động cách mạng màu trong khi Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng cảnh báo đó có thể bị coi là hành động lật đổ.

Hồi tháng 7.2020, Cục các vấn đề đại lục và hiến pháp Hồng Kông tuyên bố chính quyền nhận nhiều phản ánh cho rằng cuộc bầu cử sơ bộ có thể can thiệp và tác động đến bầu cử tại đặc khu, gây tổn hại tính toàn vẹn của tiến trình bầu cử.

Một trong những người tổ chức là cựu giáo sư luật Đại học Hồng Kông, cựu thủ lĩnh phong trào Chiếm trung hoàn Benny Tai (Đới Diệu Đình). Ông Đới là một trong những người bị bắt sáng 6.1.

Đây được coi là đợt bắt giữ lớn nhất từ khi luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông chính thức có hiệu lực vào ngày 30.6.2020. Trước đó, mới chỉ có 40 người bị bắt giữ vì nghi vi phạm luật này, trong đó có 4 người bị khởi tố gồm ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh).

Hong Kong bắt 53 người vì âm mưu ‘lật đổ’ chính quyền

06/01/2021 - voatiengviet.com

Một nhà hoạt động bị bắt.

Cảnh sát Hong Kong bắt 53 người trong cuộc đột kích lúc rạng sáng hôm 6/1 nhắm vào các nhà hoạt động dân chủ, theo Reuters.

Hãng tin này nhận định rằng đây là cuộc trấn áp lớn nhất kể từ năm ngoái, khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mà phe đối lập nói là nhằm dập tắt bất đồng chính kiến ở Hong Kong.

Các nhà hoạt động vì dân chủ nổi bật nhất của Hong Kong bị bắt trong các cuộc đột kích tại 72 nơi vì chính quyền nói rằng cuộc bỏ phiếu không chính thức năm ngoái nhằm chọn các ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử ở Hong Kong là một phần của kế hoạch “lật đổ” chính quyền.

Theo Reuters, các vụ bắt giữ liên quan tới một cuộc bỏ phiếu độc lập, chưa có tiền lệ, nhưng không có tính cưỡng hành, nhằm chọn ra các ứng viên đối lập cho cuộc bầu cử lập pháp mà giờ đã bị hoãn.

Tin cho hay, khoảng 1 nghìn cảnh sát tham gia vào các cuộc đột kích, bao gồm việc lục soát các văn phòng của một tổ chức thăm dò ý kiến và một công ty luật.

Reuters dẫn lời ông Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong, kêu gọi phương Tây cứng rắn hơn với Trung Quốc, và chỉ trích Ủy ban châu Âu đã mưu tìm một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Đầu trang

ngaodu24.com

Hồng Kông có thuộc Trung Quốc?

Thành phố nổi tiếng nhất Đông Nam Á này có phải là 1 phần của Trung Quốc?

Hong Kong có thuộc Trung Quốc? @ Shutterstock

Mặc dù là thành phố thu hút khách du lịch nhất trên thế giới, câu hỏi được hỏi nhiều nhất trên Google là Hồng Kông thật sự thuộc nước nào, có phải là của Trung Quốc hay không? Thật ngạc nhiên vì câu trả lời không đơn giản như bạn tưởng tượng. Hồng Kông có hệ thống tiền tệ, hộ chiếu, các kênh nhập cư và hệ thống pháp lý riêng, không phải là một phần của Trung Quốc. Nhưng với lá cờ Trung Quốc tung bay từ các tòa nhà chính phủ và quyền bổ nhiệm Thị trưởng từ Bắc Kinh thì nơi đây cũng không hoàn toàn độc lập.

Chính thức thì Hồng Kông là 1 phần của Trung Quốc. Tuy nhiên Hồng Kông có hệ thống đo lường riêng. Mặc dù phần lớn người Hồng Kông tự coi mình là người Trung Quốc nhưng họ không coi đất nước là một phần của Trung Quốc. Họ thậm chí còn có đội Olympic, quốc ca và cờ riêng.

Hồng Kông chưa bao giờ là một quốc gia độc lập. Trước năm 1997 và sự kiện bàn giao Hồng Kông thì Hồng Kông là thuộc địa của Vương quốc Anh. Hồng Kông được cai trị bởi một thống đốc được bổ nhiệm bởi quốc hội ở Luân Đôn và chịu trách nhiệm với Nữ hoàng. Về nhiều khía cạnh, đó là một chế độ cai trị ôn hoà.

Sau khi bàn giao, thuộc địa Hồng Kông đã trở thành Đặc khu hành chính Hồng Kông (SAR) và cho các mục đích chính thức khác là một phần của Trung Quốc. Nhưng về cơ bản Hồng Kông được phép hoạt động như một quốc gia độc lập. Dưới đây chỉ là một số dẫn chứng Hồng Kông có vai trò như một quốc gia độc lập.

Hồng Kông là quốc gia riêng

Hong Kong sử dụng hệ thống tiền tệ riêng @ Shutterstock

Hong Kong’s Basic Law, theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Anh, quy định Hồng Kông sẽ giữ lại hệ thống tiền riêng (đồng đô la Hồng Kông), hệ thống pháp luật và hệ thống nghị viện trong 50 năm.

Hồng Kông thực hiện một hình thức tự quản hạn chế. Quốc hội được bầu một phần bởi bỏ phiếu chung và một phần bởi các cuộc họp kín của Bắc Kinh đề cử các ứng cử viên nổi bật từ các cơ quan chính sách và kinh doanh. Chief Excutive (Trưởng Đặc khu) được chỉ định bởi Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã được tổ chức trong nỗ lực buộc Bắc Kinh cho phép thành phố có quyền biểu quyết dân chủ hơn. Sự bế tắc này đã tạo ra một số căng thẳng giữa Hồng Kông và Bắc Kinh.

Tương tự, hệ thống pháp luật của Hồng Kông hoàn toàn khác với Bắc Kinh. Nó vẫn dựa trên luật chung của Anh và được coi là tự do và bình đẳng. Chính quyền Trung Quốc không có quyền bắt người ở Hồng Kông. Giống như các quốc gia khác, họ phải nộp đơn xin lệnh bắt giữ quốc tế.

Nhập cư và kiểm soát hộ chiếu cũng tách biệt với Trung Quốc. Du khách đến Hồng Kông được miễn thị thực sẽ phải xin visa riêng để đến Trung Quốc. Có một biên giới quốc tế đầy đủ giữa Hồng Kông và Trung Quốc. Công dân Trung Quốc cũng cần giấy phép để đến Hồng Kông. Người Hồng Kông có hộ chiếu riêng là hộ chiếu HKSAR.

Việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa giữa Hồng Kông và Trung Quốc cũng bị hạn chế mặc dù các quy tắc và quy định đã được nới lỏng. Đầu tư giữa hai nước hiện nay tương đối tự do.

Đơn vị tiền tệ hợp pháp duy nhất ở Hồng Kông là đồng đô la Hồng Kông, được định giá bằng đô la Mỹ. Nhân dân tệ Trung Quốc là đồng tiền chính thức của Trung Quốc. Ngôn ngữ chính thức của Hồng Kông là tiếng Quảng Đông và tiếng Anh, không phải tiếng Phổ thông Trung Quốc. Mặc dù việc sử dụng tiếng Phổ thông ngày càng tăng nhưng phần lớn người Hồng Kông không nói được ngôn ngữ này.

Về văn hóa, Hồng Kông cũng khá khác biệt so với Trung Quốc. Hai đất nước tuy chia sẻ một mối quan hệ văn hóa rất bền chặt nhưng 50 năm cai trị cộng sản ở đại lục và ảnh hưởng của Anh và quốc tế ở Hồng Kông đã khiến nó trở nên khác biệt. Các lễ hội, nghi lễ Phật giáo và các nhóm võ thuật từ lâu bị Mao Trạch Đông ngăn cấm tại Hồng Kông.

Đầu trang