Vượt qua Việt
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !
  ||   A   A   A   A  

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Sông Mêkông (1)

Đọc báo mạng

Mục lục  Trang chính

25/02/2021 - voatiengviet.com

Mỹ kêu gọi Trung Quốc minh bạch về dữ liệu nước sông Mekong như đã cam kết

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và các đối tác hạ nguồn sông Mekong phát biểu trực tuyến tại hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên hôm 11-09-2020. Photo Twitter ASEAN Vietnam 2020.

Nêu lên những quan ngại về mực nước sông Mekong giảm một cách đáng lo ngại, Hoa Kỳ hôm thứ Ba 23/2 kêu gọi Trung Quốc hãy giữ cam kết đã đưa ra rằng Bắc Kinh sẽ minh bạch về dữ liệu nước sông Mekong.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí:

“Hoa Kỳ chia sẻ mối quan ngại của các chính phủ khu vực Mekong và Ủy hội sông Mekong về những biến động nhanh chóng gần đây và việc mực nước sông Mekong đã giảm một cách đáng lo ngại. Chúng tôi góp tiếng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu nước thiết yếu và kịp thời, kể cả các thông tin về hoạt động của các đập ở thượng nguồn. Điều cấp thiết là CHND Trung Hoa phải tuân thủ các cam kết của mình và tham khảo ý kiến của các nước ở hạ nguồn”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price tải lên Twitter thông điệp sau đây:

“Hoa Kỳ ủng hộ một dòng sông Mekong lành mạnh, bền vững. Chúng tôi chia sẻ những lời kêu gọi trong khu vực gửi đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kêu gọi nước này hãy thực thi các cam kết về minh bạch dữ liệu nước”.

Hoa Kỳ nói rằng trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ vẫn kêu gọi các nước ở thượng nguồn sông Mekong phải minh bạch và có tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý các tài nguyên xuyên quốc gia. Vì vậy, Hoa Kỳ cổ vũ cho sự lành mạnh của con sông và muốn bảo vệ kế sinh nhai của gần 70 triệu người phụ thuộc vào dòng sông này ở các nước hạ nguồn như Việt Nam và Campuchia, và bày tỏ quan tâm trong khi các nước ở thượng nguồn tiếp tục thu lợi từ các dự án thủy điện.

Bộ Ngoại giao nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ và các cộng đồng trong khu vực sông Mekong, thông qua Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, Sáng kiến Dữ liệu Nước sông Mekong, Cơ quan Giám sát Đập Mekong và các công cụ khác để cung cấp các dữ liệu xác thực cho những người cần tới các dữ liệu này nhất ”.

Hôm 18/2/2021, Ủy hội sông Mekong cho hay mực nước trên sông đã giảm mạnh từ đầu năm 2021 do lượng mưa thấp hơn trung bình, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động của các đập thủy điện trên các nhánh sông Mekong.

Vào đầu năm nay, Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo cho 4 nước ở hạ lưu sông Mekong rằng dòng chảy từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sẽ bị hạn chế từ ngày 5 đến 24/1 do việc bảo trì các đường dây tải điện.

Năm 2020, Trung Quốc đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy ban sông Mekong (MRC) - cơ quan tư vấn cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Mêkông: Ảnh vệ tinh Mỹ buộc Trung Quốc minh bạch hơn số liệu nước thủy điện

06/01/2021 - rfi.fr


Lượng nước chứa trong các hồ trữ nước 11 đập thủy điện ở Lan Thương, Mêkông, Trung Quốc, cuối tháng 7/2020, theo số liệu của dự án Mekong Dam Monitor. © Ảnh chụp màn hình Stimson Center

Viễn cảnh sông Mêkông cạn dòng về mùa khô và rối loạn nhịp nước đã được giới chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ nhiều nước khẩn thiết cảnh báo từ nhiều năm nay. Hệ quả trực tiếp là đời sống của hơn 60 triệu dân cư ven bờ bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân hàng đầu mà nhiều nhà quan sát chỉ ra là các đập thủy điện dòng chính, trong đó có 11 đập thủy điện Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục bác bỏ cáo buộc này.

Hôm 14/12/2020, một dự án do chính phủ Mỹ tài trợ một phần mang tên Mekong Dam Moniter/Giám sát Đập Mêkông (gọi tắt là MDM) ra mắt, với sứ mạng thông tin đến công chúng về ảnh hưởng trực tiếp của các đập lớn đến dòng chảy Mêkông. Dự án MDM, dựa trên các hình ảnh do vệ tinh cung cấp, có tham vọng đưa ra bức tranh toàn diện về tác động của các con đập, đúng theo thời gian gần như thực.

Cho đến nay, gần như có rất ít thông tin chính xác về lượng nước vào ra của các đập thượng nguồn Trung Quốc (trên đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương) được chia sẻ ra bên ngoài, cho dù có nhiều bằng chứng về đập thượng nguồn làm thay đổi chu kỳ dòng chảy tự nhiên của Mêkông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu, cũng như nghề đánh cá nước ngọt, các nguồn sinh kế chủ yếu của cư dân hạ lưu, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (ĐBSCL). Việc dự án Giám sát Đập Mêkông ra mắt mang lại hy vọng tạo áp lực buộc Trung Quốc phải minh bạch hơn về số liệu liên quan đến nước đập thủy điện.

Ảnh vệ tinh với sai số +/- 1 mét

Dự án MDM có mục tiêu cung cấp số liệu mực nước của sông hoặc hồ chứa, nơi không có dữ liệu thu thập tại chỗ, hoặc nơi dữ liệu tuy được đo, nhưng không được chia sẻ với các bên liên quan. Dự án sử dụng các hình ảnh của trạm dịch vụ vệ tinh Sentinel-1 và quy trình hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS), để xác định mực nước trong lòng của 13 con đập (trong đó có 11 đập trên đất Trung Quốc) và hồ chứa đã hoàn tất trên dòng chính Mêkông, cùng với 15 đập và các hồ chứa trên phụ lưu với công suất trên 200 MW, với sai số là + / 1 mét. Thời gian cung cấp thông tin là một tuần một lần.

Trạm dịch vụ vệ tinh Sentinel-1 gồm hai vệ tinh quỹ đạo địa cực (Sentinel-1A và Sentinel-1B được đưa lên quỹ đạo năm 2014 và 2016), hoạt động phối hợp cả ngày lẫn đêm, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh theo công nghệ giao thoa radar độ mở tổng hợp (synthetic aperture radar imaging), cho phép thu nhận được hình ảnh với độ chính xác cao, bất kể thời tiết. Sentinel-1 là một trong năm dịch vụ chính của chương trình ​​Copernicus của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).

Kỳ vọng

Trước hết RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về môi trường (Cần Thơ, Việt Nam) về ý nghĩa của dự án này. Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận xét:

« Dự án MDM rất hữu ích trong việc tạo sự minh bạch về hoạt động tích-xả nước của các đập thủy điện, ảnh hưởng đến lượng nước của sông Mêkông. Dự án MDM góp phần thúc đẩy Trung Quốc tăng tính minh bạch, chia sẻ dữ liệu dòng chảy mùa khô của đoạn sông Mekong ở Trung Quốc. Đây là việc rất tốt (1). Ưu điểm của dự án MDM là cho phép so sánh dòng chảy sông Mêkông bị ảnh hưởng bởi các đập, so với tình huống tự nhiên khi chưa có đập như trước đây ».

Hoài nghi

Về dự án Giám sát Đập Mêkông vừa được Mỹ khởi động, PGS TS Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), tỏ ra ít lạc quan hơn nhiều. Trả lời báo Đất Việt, ông Đào Trọng Tứ ghi nhận trước hết dự án MDM làm « gia tăng thêm sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ở sông Mêkông ». Riêng về việc hợp tác, chia sẻ thông tin của Trung Quốc với các nước ở hạ du sông Mêkông, căn cứ trên kinh nghiệm nhiều năm trở lại đây từ cơ chế hợp tác Lan Thương - Mêkông, cho dù Bắc Kinh có hứa hẹn, ông Đào Trọng Tứ cho rằng « thực tế đã chứng minh chuyện cung cấp, chia sẻ thông tin chỉ có tính chất tượng trưng mà thôi » và « không ai tự dưng đem chuyện nhà mình đi nói với người khác » (2).

Phản đối

Đúng vào hôm Mỹ công bố dự án Giám sát Đập Mêkông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng : « cực lực phản đối những hành động hiểm độc để gây chia rẽ … Cộng đồng khoa học quốc tế và Ủy hội Sông Mêkông tin rằng chuỗi đập thủy điện Lan Thương sẽ giúp duy trì sự ổn định của dòng chảy Mêkông và có lợi cho việc ngăn ngừa lũ lụt và cứu trợ hạn hán của các quốc gia Mêkông » (Tân Hoa Xã, ngày 14/12/2020). Báo chí nhà nước Trung Quốc phản ứng dữ dội. Xã luận báo China Daily bình luận : « dự án này không là gì khác ngoài một phần trong chiến dịch gây ảnh hưởng của Washington nhằm bôi nhọ Trung Quốc và khiến các nước láng giềng chống lại Trung Quốc » (China Daily, ngày 16/12/2020).

Truy xét biến động nước từng con đập

Trả lời RFI về vấn đề này, kỹ sư Phạm Phan Long (California, Hoa Kỳ), chuyên theo dõi các vấn đề môi trường Mêkông từ hàng chục năm nay, cho biết ý nghĩa của dự án MDM :

« Mekong Dam Monitor là chương trình của viện nghiên cứu Stimson Center, đó là một nhóm nghiên cứu độc lập được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Thêm vào đó MDM dựa vào nghiên cứu của Eyes on Earth (EOE) là một cơ quan trực thuộc NASA của chính phủ Hoa Kỳ. Mekong Dam Monitor cung cấp số liệu hoạt động thủy điện Trung Quốc trên Vân Nam. Là nghĩa vụ quốc tế chung cho các nước chung lưu vực, nhưng 25 năm rồi Trung Quốc chia sẻ thông tin manh mún và không thường xuyên. Với nghiên cứu không ảnh vệ tinh này, lẽ ra Hoa Kỳ và các thành viên Mêkông có thể chủ động theo dõi và phân tích từ 1995 khi Trung Quốc vận hành con đập đầu tiên Mãn Loan. Bây giờ khi Trung Quốc đã làm xong 11 đập lớn, với khả năng tích chứa 40 tỉ mét khối, Mekong Dam Monitor từ đây sẽ giúp truy xét những biến động mực nước lên xuống bất ngờ, đưa ra ánh sáng và tạo áp lực buộc Trung Quốc phải dè dặt, vận hành các hồ thủy điện Vân Nam chừng mực hơn ».

Về ý nghĩa của dự án MDM so với các hiểu biết đã có về dòng chảy Mêkông, kỹ sư Phạm Phan Long cho biết thêm :

« Từ năm 2012 đến nay đã có nhiều nghiên cứu quốc tế dùng mô hình thủy học đánh giá tác động tích hợp của thủy điện đối với môi trường và sinh kế dân cư tại lưu vực Mêkông. Tuy nhiên, các nghiên cứu đó của ICEM, HDR, MRC, OXFAM, không cung cấp số liệu sống từng tuần của mực nước như mô hình viễn thám của MDM. Hiện tại, Mekong Dam Monitor mới chỉ mới cung cấp lưu lượng dòng chảy tại hai trạm Chiang Saen (Thái Lan) và Vientiane (Lào) của lưu vực. Trong tương lai, để phơi bày thực chất của việc sử dụng nước cho thủy điện tại Trung Quốc, MDM cần cung cấp toàn bộ lưu lượng vào và ra tại tất cả các hồ chứa và dung tích của chúng từng giờ để làm bài toán lượng nước mất ở đâu và vào lúc nào ».

« Dòng chảy môi sinh »: Hướng đến quy trình liên hồ thuỷ điện toàn lưu vực

Số liệu và thông tin từ Mekong Dam Monitor và EOE có hiệu ứng thực tế gì và giúp bảo vệ Cam Bốt và Việt Nam như thế nào, kỹ sư Phạm Phan Long giải thích :

« MDM và EOE cung cấp mực nước của 13 hồ chứa dòng chính và 13 hồ chứa phụ lưu, nên khi có dao động mực nước xuống hạ du, Cam Bốt và Việt Nam có thể truy cứu nguyên nhân, thảo luận với các quốc gia chủ hồ. EOE chưa tính toán lưu lượng dòng chảy trên các biểu đồ như họ ghi trên biểu đồ của báo cáo. Tác giả chính của EOE Alan Basis, đã đồng ý và cho tôi biết ông đang hợp tác với Mekong River Commission để hoàn chỉnh.Tiềm năng của MDM rất lớn, khi hoàn chỉnh xong sẽ có số liệu để thiết lập chính sách bảo vệ lưu vực dựa vào quan trắc kiểm chứng được. Khi khai thác số liệu thủy học, tác động của 26 hồ thủy điện Trung Quốc và Lào, sẽ được chứng minh rõ trong mùa mưa, Biển Hồ Tonle Sap bị mất nhịp lũ và ĐBSCL cùng mất mùa nước lớn ra sao; tiếp sau đó sang mùa khô, nước từ Biển Hồ không có để bù đắp cho ĐBSCL như thế nào. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học mới thiết lập được quy trình vận hành liên hợp các hồ thủy điện để duy trì “dòng chảy môi sinh” (environmental flow) (3) cho Biển Hồ và ĐBSCL được bền vững, theo quy ước tối thượng cho các sông ngòi quốc tế là “không ai gây hại cho ai” ».

Đập tả ngạn ở Lào: Khoảng trống dữ liệu

Đối với nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Hữu Thiện, dự án MDM là một điểm khởi đầu rất tốt để tiến tới minh bạch hóa các số liệu nước tích – xả ở các đập tả ngạn Mêkông, trên các phụ lưu, mà theo ông, có ý nghĩa trực tiếp quan trọng hơn với Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (ĐBSCL):

« Có thể thấy là đối với ĐBSCL thì lượng mưa ở phần Hạ lưu vực quan trọng hơn rất nhiều so với lượng nước từ phần Trung Quốc. Theo số liệu của Ủy hội Sông Mêkông Quốc tế (MRC), tổng dòng chảy cả năm của sông Mêkông tính trung bình nhiều năm là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng nước trong phần lãnh thổ Trung Quốc đóng góp 16%, Miến Điện 2%, phía tả ngạn tức phần Lào đóng góp 35%, phần Thái Lan 18%, Cam Bốt 18%, phần Việt Nam gồm mưa ở Tây nguyên và mưa tại chỗ ĐBSCL là 11%. Trong đó lượng mưa phía tả ngạn con sông, tức là trên đất Lào quyết định rất lớn đến việc ĐBSCL có mùa lũ hay không vào mùa mưa, và bị hạn mặn như thế nào trong mùa khô. Trên các sông nhánh của sông Mêkông ở phía Lào có đến hơn trăm đập thủy điện. Gặp những năm có El Nino ít nước thì mưa trên đất Lào bị các hồ chứa của hơn trăm đập chi lưu này giữ lại. Nước các sông nhánh không đổ ra được dòng chính để xuôi về hạ lưu, làm cho tình hình hạn ở hạ lưu tồi tệ thêm. Qua một mùa khô hạn thì các hồ chứa bị cạn, đến đầu mùa mưa thì các cơn mưa đầu mùa sẽ bị các đập này giữ lại hết, do đó ở phía hạ lưu sẽ không có mùa lũ, dù có mưa trở lại. Từ trước đến nay chúng ta không hề có bất cứ dữ liệu nào về việc vận hành tích - xả nước của các đập ở đây ».

Về tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở hạ lưu Mêkông, Trung tâm Stimson chủ trì dự án MDM nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò đặc biệt quan trọng của các đập thủy điện Trung Quốc, bởi lượng nước đến từ Trung Quốc vào cao điểm mùa khô (tức tháng 4), trong điều kiện tự nhiên, có thể lên đến 40% (báo cáo kết luận của Peter T. Adamson nộp MRC năm 2006). Sở dĩ nước từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn đó là do tuyết tan là nguồn cung cấp nước chủ yếu trong mùa này.

Nhiều người quan tâm hy vọng, sau khi kho dữ liệu MDM hoàn chỉnh, tỉ lệ đóng góp của từng khu vực, trong từng mùa, từng tháng…, tác động của mỗi đập đến đâu, phần nào do trách nhiệm từ các đập Trung Quốc, phần nào do đập ở Lào… sẽ được minh xác.

Minh bạch về thủy điện « tả ngạn »: Áp lực gián tiếp với Bắc Kinh

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là đích ngắm duy nhất của MDM. Mục tiêu của dự án là « cải thiện việc quản lý xuyên biên giới dòng chảy Mêkông thông qua việc chia sẻ dữ liệu và ra quyết định dựa trên căn cứ khoa học ». Nền tảng dữ liệu của MDM dựa trên đóng góp của nhiều đối tác. Từ chính phủ các nước, các tổ chức liên chính phủ như Ủy hội Sông Mêkông, các tổ chức phi chính phủ, cũng như các đối tác khác trong và ngoài khu vực, của đối tác ASEAN cũng như Trung Quốc. Việc minh bạch thông tin về các đập ở hạ lưu, cụ thể như ở vùng tả ngạn lưu vực sông Mêkông, có thể coi như một áp lực gián tiếp, tạo một xu thế minh bạch hóa chung nhằm gia tăng hợp tác, có thể thúc đẩy Trung Quốc phải dần dần minh bạch thông tin.

Dự án Giám sát Đập Mêkông, với chủ trương « cung cấp dữ liệu dựa trên bằng chứng để chống lại những tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng chảy của nước trên lưu vực sông Mêkông », có thể coi là một áp lực bổ sung với Trung Quốc, trong bối cảnh Washington đã liên tục có nhiều áp lực với Bắc Kinh trong hồ sơ Mêkông trong năm 2020 vừa qua (4). Lần này, với công nghệ không ảnh độ chính xác cao, thì không chỉ là lưu lượng nước bị giữ lại trên thượng nguồn nói chung, mà là việc vận hành nước vào ra của từng con đập cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, khả năng buộc Bắc Kinh công khai dữ liệu còn phụ thuộc vào sự đoàn kết của các quốc gia hạ lưu, quyết tâm bảo vệ lợi ích sống còn của người dân. Để thực hiện nghĩa vụ chung tay đóng góp bảo vệ « dòng chảy môi sinh » của con sông chung, ắt hẳn tâm lý đèn nhà ai, nhà nấy rạng, còn đè nặng lâu nay phải được vượt qua. Minh bạch về thủy điện tả ngạn Mêkông là một trong những hành động cần làm để khẳng định sự đoàn kết và trách nhiệm của các nước hạ lưu.

Ghi chú

1 – Về hậu quả của các đập thủy điện Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện cũng lưu ý là đối với ĐBSCL, vấn đề nước chỉ là chuyện quan trọng thứ hai, việc các đập thủy điện chặn nguồn phù sa và cát dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển khắp nơi ở ĐBSCL mới là chuyện chính, đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL.

2 – « Mỹ giám sát đập Trung Quốc trên sông Mêkông: Kỳ vọng gì? », Đất Việt, ngày 16/12/2020.

3 – « Dòng chảy môi sinh » hay « dòng chảy môi trường », theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), là « chế độ nước (lưu lượng, phẩm chất và mùa tiết) được cung cấp cho một dòng sông, một vùng đất ngập nước hoặc vùng cửa sông đủ để duy trì các hệ sinh thái và những lợi ích của chúng (đối với con người) ở những nơi mà dòng chảy bị điều tiết và có sự cạnh tranh trong việc sử dụng nước » (Cẩm nang dòng chảy môi trường của IUCN, 2007, tr. 19).

4 - Trong một hội nghị với đối tác Mêkông ngày 15/10, ông David Stilwell, quan chức phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ, trực tiếp lên án Bắc Kinh « không minh bạch », « không chia sẻ thông tin đầy đủ về các hoạt động đập… ở thượng nguồn, hạn chế khả năng của các chính phủ Mêkông chuẩn bị đối phó hoặc giảm thiểu thiệt hại ». Ngày 22/10, Trung Quốc hứa « sẽ cung cấp dữ liệu quanh năm » của hai trạm thủy điện tại tỉnh Vân Nam, trong lúc trong suốt 18 năm qua, Trung Quốc « chỉ chia sẻ dữ liệu nước trong mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 10 với MRC ».

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin về sông Mekong

28.04.2020 ~ PHẠM THU HƯƠNG - cvdvn.net

Các nhóm hoạt động bảo vệ dòng Mekong yêu cầu Trung Quốc hợp tác và công khai thông tin liên quan đến các đập thủy điện mà nước này phát triển ở thượng nguồn.

Vị trí được cho là sẽ có thêm một dự án đập thủy điện ở ngoại vi Luang Prabang (Lào). Ảnh: ReutersVị trí được cho là sẽ có thêm một dự án đập thủy điện ở ngoại vi Luang Prabang (Lào). Ảnh: Reuters

Động thái mới nhất vừa được loan đi sau khi nhiều quốc gia phía hạ nguồn sông Mekong đang trải qua một đợt hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề kéo dài suốt từ năm ngoái đến nay.

Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo khoa học mới nhất của nhóm nghiên cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thực hiện và cho biết “họ sẽ làm hết sức để đảm bảo xả nước hợp lý cho các nước lưu vực sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”.

Báo cáo do công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Eyes on Earth tiến hành cho biết, căn cứ vào dữ liệu vệ tinh thì tại các vị trí mà Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện ở phía thượng nguồn ở cùng một thời điểm vẫn cao hơn mức trung bình, trong khi mức nước ở vùng hạ lưu lại xuống thấp nhất trong hơn 50 năm.

Bản đồ mô tả hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong. Ảnh: PinterestBản đồ mô tả hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong. Ảnh: Pinterest

Mặc dù hiện Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ bao gồm bốn quốc gia hạ lưu là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cho biết, nghiên cứu này chưa làm rõ được việc giữ nước phía thượng nguồn gây ra hạn hán. Tuy nhiên Ban thư ký MRC cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin từ Trung Quốc cũng như đề nghị có các cuộc làm việc chính thức để làm rõ vấn đề.

“Hiện Trung Quốc, quốc gia với tư cách là đối tác đối thoại của MRC mới chỉ cung cấp số liệu về mực nước và lượng mưa trong mùa lũ và mới chỉ có những thông tin này từ hai đập ở phía thượng nguồn. Mặc dù thời gian qua, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu thập thêm các dữ liệu trong mùa khô ở phía đầu nguồn Mekong nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi hợp tác từ Trung Quốc”, đại diện MRC nói với hãng tin Reuters.

Tại Thái Lan, trong nhiều ngày qua mật độ xuất hiện hashtag #StopMekongDam trong cộng đồng đang là xu hướng trên các mạng xã hội nhằm bày tỏ thái độ phản đối việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong.

Niwat Roykaew, một nhà hoạt động môi trường ở miền bắc Thái Lan lên tiếng: “Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và chờ Trung Quốc nói khi nào thì họ xả nước từ các đập của họ; các quốc gia trong khu vực cũng cần phải có tiếng nói về vấn đề này”.

Đến nay, Trung Quốc vẫn không ký bất kỳ một hiệp ước chính thức nào với các nước ở hạ lưu sông Mekong liên quan đến vấn đề nguồn nước và nước này chỉ chia sẻ các thông tin liên quan một cách rất hạn chế.

Hiện tổng cộng có 103 con đập đã hoàn thành và 65 cái nữa đang và sắp triển khai dọc theo sông Mekong. Ảnh: APHiện tổng cộng có 103 con đập đã hoàn thành và 65 cái nữa đang và sắp triển khai dọc theo sông Mekong. Ảnh: AP

“Các hành động của Trung Quốc đều đã được tính toán một cách kỹ lưỡng, vượt ra ngoài các đợt xả nước định kỳ. Chính vì vậy cần phải có sự thay đổi dài hạn để ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái quan trọng đối với sinh kế của các cộng đồng ở hạ lưu”, ông Pianyh Deetes, một nhà hoạt động môi trường Thái Lan thuộc liên minh Sông ngòi quốc tế nói.

Kim Long
Nguồn: (BKP, RT)

Đầu trang

12/02/2021 - voatiengviet.com

Mực nước sông Mekong thấp 'đáng lo ngại', TQ cần cấp thêm dữ liệu về đập

Đập Đại Triều Sơn chặn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam, TQ.

Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm thứ Sáu 12/2 cho hay mực nước của sông Mekong đã hạ thấp xuống mức “đáng lo ngại”, một phần do lượng xả bị hạn chế từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. MRC kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả dữ liệu của họ về lưu lượng nước.

Dòng sông cũng là tuyến đường thủy quan trọng đã chuyển sang màu xanh lam dọc theo biên giới Thái-Lào, thay vì có màu nâu đục thường thấy. Điều này báo hiệu về mực nước nông và lượng phù sa giàu dinh dưỡng bị giảm xuống thấp - một phần do hạn chế về lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, ủy hội liên chính phủ MRC nói.

Tuyên bố hôm 12/2 của ủy hội cho biết lượng mưa thấp và các đập trên hạ vùng sông Mekong cũng như trên các phụ lưu cũng góp phần làm giảm mực nước.

Winai Wongpimool, Giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Ban Thư ký MRC, nói: “Mực nước trong đoạn từ hạ lưu đập Cảnh Hồng xuống tới Vientiane đã có những đợt dâng lên và hạ xuống đột ngột”.

Những biến động như vậy ảnh hưởng đến hoạt động di cư của cá, nông nghiệp và giao thông vận tải mà gần 70 triệu người dựa vào đó để kiếm sống và duy trì an ninh lương thực.

Winai nói tiếp: “Để giúp các nước Hạ vùng sông Mekong quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước Hạ vùng sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước của họ với chúng tôi”.

MRC cho biết các điều kiện bình thường có thể được khôi phục lại nếu có lượng nước lớn được xả từ các hồ chứa của các đập bên Trung Quốc.

Cơ quan Giám sát Đập Mekong do Hoa Kỳ tài trợ, sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi mực nước, cũng cho biết họ nhận thấy có sự biến động hàng ngày về lượng nước xả ra từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc vào tháng 2.

Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã thông báo với các nước láng giềng rằng các con đập của họ đang tích nước trong các hồ chứa và lưu lượng sẽ được khôi phục về “trạng thái hoạt động bình thường” vào ngày 25/1.

Lượng nước xả tại đập Cảnh Hồng là 785 mét khối/giây vào đầu tháng 1 trước khi tăng lên 1.400 mét khối/giây vào giữa tháng 1, MRC cho biết.

Tuy nhiên, lượng nước lại giảm vào tháng 2, và đạt mức 800 mét khối/giây hôm thứ Năm 11/2, MRC cho biết.

Đầu trang

14/12/2020 - Mai Vân - rfi.fr

Sông Mêkông: Mỹ loan báo dùng vệ tinh giám sát đập thủy điện của Trung Quốc

Ảnh chụp ngày 19/07/2020 cho thấy bể chứa đập Tiểu Lang Để tại Lạc Dương, Hà Nam Trung Quốc, đang tháo nước để phòng ngừa úng lụt trong vùng hạ lưu Hoàng Hà. AFP - STR

Mỹ đóng góp tài chính cho một dự án dùng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các đập của Trung Quốc trên sông Mêkông.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 14/12/2020, dự án mang tên Chương Trinh Giám Sát Đập Mêkông - The Mekong Dam Monitor - do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ một phần, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh nhìn xuyên qua mây để theo dõi mức nước của các đập ở Trung Quốc và ở các nước khác.

Thông tin cung cấp gần như là tức thời sẽ được mở cho tất cả mọi người tham khảo kể ngày mai, 15/12.

Trong thời gian gần đây, sông Mêkông bắt nguồn từ Trung Quốc rồi chảy về phía nam qua Miến Điện , Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam - đã trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới đây, Bắc Kinh đã bác bỏ một nghiên cứu của Mỹ nói rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ nước gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn, nơi có 60 triệu người sinh sống dựa vào con sông.

Theo chuyên gia Brian Eyler thuộc Trung Tâm Stimson có trụ sở tại Washington thì: “Hệ thống giám sát cung cấp bằng chứng cho thấy 11 con đập trên dòng chính mà Trung Quốc xây dựng đã được tập hợp và vận hành một cách tinh vi nhằm tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh phía đông của Trung Quốc mà không cần xem xét đến các tác động đối với vùng hạ lưu”.

Trung Quốc đã chỉ trích các nghiên cứu trước đây, bao gồm một nghiên cứu của Eyes on Earth - một phần của dự án Mekong Dam Monitor - cho biết nước sông Mêkông đã bị giữ lại vào năm 2019 làm cho các nước khác bị hạn hán nghiêm trọng.

Viện Kỹ Thuật Năng Lượng Tái Tạo Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn cho biết trong một báo cáo ngày 4 tháng 12: “Hoa Kỳ đã không thể cung cấp bằng chứng xác đáng” về những cáo buộc. Cơ quan này khẳng định rằng nước tích trữ trong các hồ chứa trong mùa lũ đã giúp ngăn chặn lũ lụt và hạn hán ở vùng hạ lưu.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy Hội Sông Mekông (MRC) - cơ quan tư vấn cho Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam từ lâu đã hoài công tìm kiếm thông tin từ phía Trung Quốc để lập kế hoạch tốt hơn.

Đầu trang

26/08/2020 - Mai Vân - rfi.fr

Sông Mêkông tiếp tục bị cạn nước: Đập Trung Quốc là một nguyên nhân

Ngư dân đánh cá trên sông Mêkông, tỉnh Kandal, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 05/01/2018. © AFP - TANG CHHIN SOTHY

Hạn hán, biến đổi khí hậu và nhất là số lượng đập thủy điện được xây dựng với mức khó tin, đang đe dọa dòng sông Mêkông chảy qua 5 quốc gia Đông Nam Á, nuôi sống 70 triệu cư dân vốn đang phải tay làm hàm nhai. Trong năm thứ hai liên tiếp, mực nước sông đã xuống mức thấp kỷ lục, biến thành một dải nước lượn lờ thay vì phải chảy cuồn cuộn như thường thấy.

Trong một bài viết ngày 24/08/2020 (Struggling With Drought on the Mekong), chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã ghi nhận tình trạng đáng lo ngại của sông Mêkông và nêu bật những lời tố cáo của giới chuyên gia bảo vệ môi trường nhắm vào Trung Quốc, bị cho là một trong những nguyên nhân quan trọng phá hoại dòng sông.

Mực nước sông Mêkông giảm 2/3

Theo Luke Hunt, tác giả bài viết, có hai số liệu nêu bật tình trạng sông Mêkông hiện nay: Trong lúc mực nước đã bị rút xuống đến 2/3, lượng mưa trong 3 tháng mùa mưa đang diễn ra đã giảm khoảng 70%. Lễ hội té nước thường niên tại Cam Bốt dự trù vào cuối tháng 10 đã bị hủy bỏ.

Còn tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi con sông đổ ra Biển Đông, đã có ít nhất 2 trên 12 cửa ra bị đóng lại, và nước mặn tràn vào sâu vào bên trong đất liền, đe dọa 850 loài cá vốn đang trên đà tiệt chủng. Ngư dân than phiền về số lượng đánh bắt hàng ngày bị giảm chỉ còn một, hai kí lô chỉ đủ “để nuôi mèo trong làng”.

Ủy Hội Sông Mêkông (MRC) đã lên tiếng báo động về nguy cơ “hạn hán cực kỳ nghiêm trọng” đang lan ra ở miền bắc Cam Bốt, miền nam Lào và miền Trung Việt Nam.

Cơ chế này mô tả tình hình “rất nguy cấp” tại vùng Biển Hồ ở Cam Bốt, với mực nước ở vùng hạ lưu xuống dưới mức tối thiểu ghi nhận vào những năm 1960 và 2019.

Theo An Pich Hatda, người điều hành ban thư ký của Ủy Hội Sông Mêkông đặt tại Vientiane (Lào), thì “mực nước thấp hiện nay có thể tác hại nghiêm trọng đến Cam Bốt, làm mất đi nguồn cá và khả năng thủy lợi”. Đối với quan chức này: “Đã đến lúc phải biên lời nói thành hành động vì quyền lợi chung của cả vùng sông Mêkông và những cộng đồng bị thiệt hại.”

Trung Quốc là một thủ phạm chính làm sông Mêkông cạn dòng

Theo The Diplomat, tình trang sông Mêkông cạn nước là một vấn đề chưa từng thấy do chính con người gây ra, mà những chính phủ do quân đội hậu thuẫn và những Nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trong lúc Bắc Kinh và các định chế tài chính đổ hàng tỷ đô la vào khai thác thủy điện, điều chỉ có lợi cho thiểu số có quyền hành mà thôi.

Theo Trung Tâm Stimson Center, một tổ chức nghiên cứu và tư vẫn ở Mỹ, một chuỗi hơn 400 con đập ở Trung Quốc và Lào đã được xây dựng hay đang xây hoặc được lên kế hoạch.

Cho đến giờ, không có chứng cứ nào cho thấy tính chất hữu hiệu của giải pháp “làm bậc thang cho cá” đi ngược về nơi sinh sản ở thượng nguồn, từng được phô trương là đáp án bảo đảm nguồn cá.

Một báo cáo của hiệp hội Eyes on Earth Inc. gần đây đã tố cáo Trung Quốc cố tình giữ nước phía sau các con đập của họ trên thượng nguồn, gây họa cho các nước ở hạ nguồn, điều mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.

Theo The Diplomat, việc thiếu phù sa cần thiết để bồi đắp cho bờ sông đã dẫn đến hệ quả nhiều đoạn sông lớn đã chuyển từ màu nâu sang màu xanh, trong thì rất đẹp mắt, nhưng nguy cơ đất sói mòn đã ló dạng, đe dọa từ các ngôi nhà tranh đến nhà cao tầng, nhà máy hay xa lộ dọc bên sông.

Ảnh hướng của biến đổi khí hậu

Song song với tai họa do con người gây ra, tình trạng biến đổi khí hậu càng làm hiện tượng thời tiết Lưỡng Cực Ấn Độ Dương Indian Ocean Dipole thêm nghiêm trọng. Đây là hiện tượng tương tự như El Nino ở Thái Bình Dương và đôi khi còn được gọi là Indian Nino. Nhiệt độ lạnh bất thường trên biển phần nửa phía đông Ấn Độ Dương và ấm hơn ở phía tây gây ra lụt lội ở ở Đông Phi và hạn hán ở Đông Nam Á.

Hiện tượng này đã lên đỉnh cực cao. Hiện tương Lưỡng Cực Ấn Độ Dương thường chỉ xẩy ra một lần mỗi 17,3 năm, nhưng các nhà khoa học cho là nhịp độ sẽ tăng lên và diễn ra mỗi 6,3 năm trong thế kỷ này vì tình trạng khí thải carbon và năng lượng đọng quá nhiều trong khí quyển.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang

26/12/2019 - Thụy My - rfi.fr

Cá Biển Hồ giảm mạnh, hồi kết được báo trước của làng nổi Cam Bốt

Ngư dân ở Biển Hồ (Tonlé Sap), Cam Bốt, đối mặt với mực nước thấp nhất từ trước đến nay trong năm 2019. RFI/Juliette Buchez

Libération hôm nay 26/12/2019 trên trang Môi trường báo động « Cam Bốt đang có dấu hiệu sút giảm dần lượng cá ». Trên Biển Hồ (Tonlé Sap) mênh mông, biến đổi khí hậu và nạn khai thác quá mức đã làm đảo lộn lãnh vực ngư nghiệp, khiến hai triệu người sống về nghề này lâm vào cảnh khó khăn.

Nước cạn, cá không vào Biển Hồ

Một người buôn cá từ 20 năm qua nói với đặc phái viên của Libération tại Phat Sanday, là trước đây mỗi ngày bà mua được một đến hai tấn cá từ sáu ngư dân quen, nhưng nay chỉ còn 200 ký. Trưởng xóm chài có 400 gia đình, ông Ly Kimsring cho biết thường thì nước dâng vào tháng Năm, tháng Sáu, đó là lúc các loài cá từ sông Mêkông đến sinh sản. Nhưng năm nay đến tháng Bảy, tháng Tám nước mới ngập, và ngư dân biết rằng thu hoạch sẽ thất bát vì nước cạn, cá sẽ không vào Biển Hồ.

Những người đánh cá hy vọng nước sẽ dâng lên từ tháng 12 đến tháng Hai, nhưng mọi người đều bi quan. Biển Hồ cung cấp đến phân nửa lượng tôm cá cho cả nước Cam Bốt, gồm cá nước ngọt, nước mặn và cá nuôi. Hệ sinh thái ở đây dựa vào một sự thăng bằng mong manh, và là hiện tượng độc nhất trên thế giới. Vừa là hồ vừa là sông, nước Biển Hồ đổ vào sông Mêkông trong mùa khô và vào mùa mưa, nước từ Mêkông lại tràn vào Biển Hồ. Đây là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 7% diện tích Cam Bốt.

Nhưng năm nay, mực nước sông Mêkông thấp đến mức lịch sử, thấp hơn trung bình 2,5 mét. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo năm nay là năm khô hạn nhất thế kỷ đối với khu vực hạ lưu sông Mêkông. Bình thường thì những khu rừng ngập nước của Biển Hồ là nơi sinh sản ưa thích của các loài cá từ Mêkông sang, nhưng khi nước cạn, sẽ ảnh hưởng đến một số loài.

Theo tổ chức phi chính phủ Fact, số lượng ngư dân đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Có đến 2/15 triệu dân Cam Bốt sống nhờ vào nghề cá ở Biển Hồ. Hiện tượng trái đất nóng lên, lạm sát thủy sản, các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nạn nghèo đói đang đe dọa người dân sống quanh Biển Hồ. Ông Ly Kimsring cho biết, đa số gia đình ở Phat Sanday phải vay mượn, và đôi khi chủ nợ đến tịch thu ghe chài và nhà cửa của họ.

Đập thủy điện thượng nguồn đe dọa an ninh lương thực

Một hiện tượng gây chú ý cho Ủy ban Sông Mêkông (MRC) và tạp chí Nature : kích thước của cá ngày càng nhỏ đi. Rất nhiều ao hồ bị cạn nước khiến cá không thể di cư, và đến khi chúng đi được thì đầu to hơn thân, do không tìm được đầy đủ thức ăn khi mực nước quá thấp. Đối với nhiều chuyên gia và tổ chức phi chính phủ, việc số lượng và kích thước cá giảm còn do vô số các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông.

Trên dòng chính của con sông quan trọng này, có đến 11 đập thủy điện lớn do Trung Quốc xây. Từ cuối tháng 10, thêm hai đập quy mô đi vào hoạt động tại Lào, bất chấp cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế ; và 9 đập khác đang được xây dựng tại Lào, Thái Lan, Cam Bốt. Một nghiên cứu của MRC cho thấy những đập thủy điện này đang đe dọa nặng nề an ninh lương thực của khu vực, làm giảm 40% đến 80% nguồn lợi thủy sản từ nay cho đến năm 2040.

Một số người dân xóm chài, nhất là những người trẻ, đã chuyển đi sống trên đất liền để tìm tương lai. Người vào làm việc ở các nhà máy dệt may, người khác đến Phnom Penh hoặc sang Thái Lan làm thuê, người lại chuyển sang trồng trọt. Hồi kết của những ngôi làng nổi, những căn nhà sàn trên sông đã được báo trước.

Đầu trang

20/04/2020 - Trọng Thành - rfi.fr

Điều tra Mỹ về thủy điện Trung Quốc làm Mêkông khô hạn: Cơ hội các nước hạ lưu đòi công lý?

Ảnh minh họa : Đập Xayaburi, dài 820 mét, do Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Mêkông tại Lào. Handout / CK POWER / AFP

Đồng bằng Cửu Long thiếu nước ngọt chưa từng thấy đầu năm 2020 này, tiếp theo đợt hạn hán 2019. Khó ai ngờ ở xứ sở kênh rạch chằng chịt lại có ngày người dân phải mang can mua nước ngọt. Bên cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu, và việc sử dụng nước tại chỗ bất hợp lý, các đập thủy điện, đặc biệt đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn, được coi là một nguyên nhân chính gây hạn hán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như đã chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.

Đầu tháng 4/2020, điều tra của một cơ sở nghiên cứu, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy việc các đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkông giữ nước là nhân tố gây ra hạn hán tại hạ lưu. Ngay sau khi nghiên cứu của Mỹ được công bố, một số quốc gia hạ lưu Mêkông đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về các đập thủy điện.

Liệu kết quả điều tra mới về vai trò của gây hạn hán của đập thủy điện Trung Quốc có góp phần cứu vãn dòng Mêkông ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về vấn đề này.

***

Điều tra mới về vai trò của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn Mêkông cho thấy điều gì ?

Cuối tháng 2/2020, trong một cuộc tiếp xúc với các nông dân và ngư dân Lào khi đó lo lắng về tình trạng hạn hán chưa từng thấy trên dòng Mêkông, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã lên tiếng trấn an người dân Lào, đồng thời khẳng định Trung Quốc lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, theo báo mạng Hoa Kỳ New York Times, các nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, vừa được công bố, cho thấy điều ngược lại.

Điều tra của công ty Eyes on Earth, được chính quyền Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020, cho thấy đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về thượng nguồn sông Mêkông tại Trung Quốc (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), đúng vào giai đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố phía Trung Quốc cũng bị hạn hán. Đồng giám đốc điều tra, ông Alain Basist, nhấn mạnh : ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Cam Bốt và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước… Đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Quốc giữ lại’’.

Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng công nghệ Special Sensor Microwave Imager/Sounder (SSMI/S) (tạm dịch là công nghệ đo lường cảm biến hình ảnh vi sóng) để xác định lưu lượng nước tại lưu vực sông Mêkông phần Trung Quốc, từ năm 1992 đến cuối năm 2019. Tiếp theo đó, các số liệu này được so sánh với các dữ liệu về dòng chảy sông Mêkông, tại trạm thủy điện Chiang Saen, Thái Lan, do Ủy Hội Sông Mêkông cung cấp. Trạm thủy điện nói trên là điểm sát nhất với biên giới Thái Lan - Trung Quốc.

Các dữ liệu cho thấy, trước năm 2012, dòng chảy được coi là diễn biến tương đối tự nhiên. Dòng chảy từ biên giới Trung Quốc - Thái Lan trở xuống có thể dự báo trước, căn cứ trên lượng nước từ các con suối trên thượng nguồn và nước băng tan. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi xuất hiện độ chênh lệch lớn, giữa lượng nước có khả năng xuống hạ lưu và lượng nước thực tế.

Theo điều tra của Eyes on Earth, tổng lượng nước mà các hồ chứa nước để làm thủy điện của Trung Quốc có thể dự trữ là 47 tỉ mét khối. Nói một cách hình ảnh, theo kết quả điều tra về lượng nước Mêkông suốt 28 năm này, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng một lượng nước của dòng sông, tương đương với chiều cao khoảng 130 mét (410 feet).

Theo báo cáo của Eyes on Earth, điểm căn bản khiến các đập thủy điện của Trung Quốc làm hạ lưu thêm khô hạn là việc các con đập sử dụng khối lượng nước khổng lồ này một cách tùy ý. Chính nhu cầu có nước dùng đều đặn chạy tua-bin thủy điện, với ngày một nhiều con đập hơn, đã có xu hướng biến Mêkông thành dòng sông không còn mùa lũ thực sự. Sông Mêkông ‘‘mùa mưa’’ 2019 vốn ít nước đã trở nên khô cạn hơn, bởi nước được điều tiết rất ít cho hạ lưu, vì còn để dành cho thủy điện hoạt động vào ‘‘mùa khô’’.

Trung Quốc phản ứng ra sao sau nghiên cứu của Mỹ?

Ngay hôm sau kết quả điều tra của Mỹ được công bố, ngày 13/04, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ, với khẳng định tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, vừa hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cam kết ‘‘sẽ hết sức cố gắng để đảm bảo lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mêkông, bao gồm Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.

Tác động của 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, từ lâu nay luôn là vấn đề tranh luận, tuy nhiên các cuộc thảo luận không đi được xa, vì thiếu dữ liệu có đủ cơ sở và cho đến nay, Bắc Kinh không công bố thông tin chi tiết về lượng nước trong các hồ chứa.

Trong khi đó, Hoa Kỳ dường như ngày càng chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng nước tại lưu vực Mêkông. Trong một phát biểu tại Thái Lan năm ngoái, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2019 là do ‘‘Trung Quốc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mêkông”. Mỹ nhiều lần lên án Trung Quốc rắp tâm kiểm soát hoàn toàn dòng Mêkông.

Về phản ứng nói trên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm tư vấn Stimson Center, Washington, đối chiếu với các dữ liệu vệ tinh của cuộc điều tra, thì hoặc Bắc Kinh, hoặc những người trực tiếp quản lý các đập thủy điện đã che giấu sự thật. Ông Brian Eyler là tác giả cuốn ‘‘Những ngày cuối cùng của sông Mêkông’’.

Thái Lan và Cam Bốt kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra

Thái Lan là quốc gia có phản ứng sớm. Theo trang mạng Chiang Rai Times, hôm 16/04/2020, cơ quan phụ trách tài nguyên nước của Thái Lan đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia láng giềng phối hợp nghiên cứu để xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán ghê gớm hồi năm ngoái tại hạ lưu Mêkông.

Khi được hỏi về điều tra nói trên, ông Somkiat Prajamwong, lãnh đạo cơ quan nói trên, tỏ ra thận trọng, nhưng hứa sẽ trao đổi thông tin, cùng tiến hành nghiên cứu với Trung Quốc và các láng giềng khác. Lãnh đạo cơ quan tài nguyên nước Thái Lan khẳng định điều tra là cần thiết để xác định nguyên nhân hạn hán. Theo ông, cho đến nay ‘‘nguyên nhân chính’’ vẫn còn chưa được xác định. Trong số các nguyên nhân, được phía Trung Quốc xác nhận, có biến đổi khí hậu và việc vận hành 2 đập thủy điện ở Lào.

Giám đốc chương trình bảo vệ sông ngòi tại Thái Lan và Miến Điện, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers, bà Pianporn Deetes, vui mừng là kết quả điều tra vừa được Mỹ công bố cho phép xác nhận các quan sát của dân cư dọc sông Mêkông từ nhiều năm nay.

Cũng hôm 16/04, tổng thư ký Ủy Hội Sông Mêkông của Cam Bốt cho biết vấn đề hạn hán là rất nghiêm trọng, các kết quả điều tra nói trên cần được Ủy Hội Sông Mêkông ‘‘xem xét nghiêm túc’’.

Về phía Ủy Hội Sông Mêkông (MRC), trả lời Reuters, tổ chức này cho biết đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin, và có sự phối hợp làm việc mang tính chính thức hơn về vấn đề này. Theo văn phòng Ủy Hội Mêkông, cơ quan này đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp số liệu nước đập thủy điện về mùa khô, nhưng hiện nay hai bên chưa có thỏa thuận chính thức nào.

Hồi tháng 2/2020, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm Đông Nam Á tại Lào, ngoại trưởng Trung Quốc từng hứa sẽ chia sẻ thông tin về các đập thủy điện. Tuyên bố được đưa ra, sau khi có báo cáo tố cáo Trung Quốc sử dụng các đập thủy điện trên dòng Mêkông để thao túng các quốc gia ở hạ lưu.

Phản ứng của Hà Nội ra sao ?

Chính quyền Việt Nam dường như rất dè dặt sau khi kết quả điều tra của Eyes Earth được công bố (1). Tác động của đập thủy điện Trung Quốc đến tình trạng hạn hán ở hạ lưu là điều lâu nay được giới chuyên gia tại Việt Nam thảo luận nhiều. Có hai quan điểm đối lập khá rõ ràng. Một bên cho rằng ảnh hưởng là có, cần tìm hiểu, nhưng lý do chính là biến đổi khí hậu toàn cầu, và chính sách sử dụng nước sai lầm của chính Việt Nam tại đồng bằng Cửu Long.

Chính quyền Việt Nam dường như tập trung chú ý nhiều hơn đến mục tiêu cứu nguy tại chỗ ngay tại đồng bằng, với các biện pháp trong tầm tay, hơn là đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch thông tin về các đập thủy điện thượng nguồn.

Trong bối cảnh này, có một quan điểm được nhiều người chú ý của giáo sư Chung Hoàng Chương, công dân Hoa Kỳ, thành viên mạng International Rivers, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội. Theo giáo sư Chung Hoàng Chương, không nên đối lập các biện pháp cứu nguy tại chỗ với tầm nhìn dài hạn. Giáo sư Chương khẩn thiết lưu ý ‘‘trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ, (cần) nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước giống như Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở châu Âu’’ (Bài '‘Chung một dòng sông’’, VnExpress, ngày 01/03/2020).

Điều tra về các đập thủy điện thượng nguồn, xác định phần tác động của Trung Quốc, là một yếu tố không thể thiếu cho tầm nhìn dài hạn này. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN. Liệu trên cương vị này, Hà Nội có thúc đẩy cho sự hình thành một tầm nhìn như vậy hay không (2)?

Ghi chú

1 - Cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền Việt Nam há miệng mắc quai, vì chính Hà Nội cũng đầu tư vào thủy điện trên dòng chính Mêkông? Tháng 10/2019, tổ chức Cứu Sông Mêkông (Save Mekong) đề nghị Việt Nam xem lại quyết định tham gia dự án đập Luang Prabang. Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) góp vốn nhiều nhất vào dự án này, với 38% (bài ''ĐBSCL sẽ 'suy thoái và tan rã' nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang’’, Thanh Niên, ngày 10/10/2019). Ngày 05/03/2020, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết ‘‘Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện Luang Prabang và tất cả các thủy điện khác trên sông Mêkông... việc xây dựng thủy điện trên sông phải không gây tác động tiêu cực đến các nước trong lưu vực’’. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại Giao không hề nói về vai trò của chính quyền Việt Nam với tư cách một chủ đầu tư. Báo chí trong nước đầu tháng 4/2020 nhận xét đầu tư của tổng công ty Việt Nam như ‘'một canh bạc’’, mà ‘‘phần thua chắc chắn thuộc về 20 triệu dân cư đồng bằng Cửu Long’’.

2 - Kỹ sư Phạm Phan Long (Vietnam Ecology Foundation / Hội Sinh thái Việt) đề xuất Việt Nam nên ''liên minh với Cam Bốt để cứu Mêkông, cứu đồng bằng Cửu Long'', sau khi Phnom Penh quyết định ngừng xây thủy điện trên dòng Mêkông trong 10 năm. Hà Nội cũng nên phối hợp với Lào và Cam Bốt, đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững tại Lào và Cam Bốt. Đây là điều có thể giúp cho các bên tìm được tiếng nói chung trong việc bảo vệ dòng sông, tài sản vô giá của các quốc gia ven bờ (bài ‘‘Thủy điện Lan Cang-Mêkông gây khát nước và đói phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long cách nào?’’, vietecology.org, ngày 20/03/2020).

Các Nội Dung Liên Quan

Xem thêm

Đầu trang

14/01/2021 - voatiengviet.com

Mỹ và Việt Nam chủ trì đối thoại chính sách ‘Những người bạn của Mekong’

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Đại sứ Atul Keshap.

Ngày 12/1, Hoa Kỳ và Việt Nam lần đầu tiên đồng tổ chức Đối thoại Chính sách “Những người bạn của Mekong” trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ mới. Đây được xem là một bằng chứng cho thấy cam kết mở rộng của Hoa Kỳ đối với khu vực sông Mekong.

Trong một thông báo hôm 13/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trích phát biểu của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Đại sứ Atul Keshap tại đối thoại trực tuyến, nhấn mạnh rằng: “Hoa Kỳ cam kết hướng tới một khu vực Mekong an ninh, cởi mở và thịnh vượng”, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của khu vực này đối với vị trí trung tâm của ASEAN và đối với các Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

17 quốc gia và tổ chức tham gia thuộc Đối tác Mekong-Hoa Kỳ và Những người bạn của sông Mekong đưa ra các khuyến nghị về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và kết nối; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng cho nền kinh tế số Mekong; quản lý nước bền vững, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; và ứng phó COVID và hợp tác khu vực về an ninh y tế, theo tuyên bố của Đối tác Mekong-Hoa Kỳ hôm 13/1.

Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, thuộc Uỷ hội sông Mekong, phát biểu tại Đối thoại Chính sách Những người bạn Mekong, ngày 12/1/2021. Photo Facebook Mekong-US Partnership

Vào tháng 9/2020, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc khu vực sông Mekong cùng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, và Tổng thư ký ASEAN đã khởi động chương trình Đối tác Mekong - Hoa Kỳ, trong đó nêu cam kết của Hoa Kỳ ở khu vực.

Hoa Kỳ cam kết sẽ dành khoảng 153 triệu đôla cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, trong đó bao gồm các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới và chia sẻ dữ liệu nguồn nước sông Mekong.

Vào tháng 12/2020, một chương giám sát các đập sông Mekong do Hoa Kỳ tài trợ đã được khởi động với mục đích theo dõi mực nước các con đập ở Trung Quốc và các nước khác, đồng thời công khai các thông tin thu thập được cho các nước.

Đối tác Mekong - Hoa Kỳ bao gồm các nước Hoa Kỳ, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. Những người bạn sông Mekong bao gồm các nước Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Brunei, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ban Thư ký ASEAN, Uỷ hội sông Mekong (MRC).

Đầu trang