Vượt qua Việt
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !
  ||   A   A   A   A  

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Tân Cương (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

8 tháng 2 2021 - bbc.com

'Trường hợp rõ ràng' cho thấy Trung Quốc diệt chủng người Uighur

James Landale
Phóng viên ngoại giao BBC
8 tháng 2 2021, 14:35 +07

EPA - Biểu tình chống lại việc Trung Quốc ngược đãi cộng đồng người Uighurs theo đạo Hồi

Có một "trường hợp rõ ràng" cho thấy chính phủ Trung Quốc đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Uighurs, theo một thư ý kiến pháp lý chính thức mới được công bố ở Anh.

Tài liệu này kết luận rằng có những bằng chứng về các hành vi được nhà nước ủy quyền cho thấy ý định diệt trừ người Hồi giáo thiểu số ở tây bắc Trung Quốc.

Hành động đó bao gồm việc cố ý dùng cực hình đối với người Uighurs đang bị giam giữ, các biện pháp ngăn ngừa sinh đẻ - bao gồm cả triệt sản lẫn phá thai - và cưỡng bức tách trẻ em Uighurs ra khỏi cộng đồng.

Và, đáng nói nhất là có một trường hợp đáng tin cậy cho thấy rằng chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người này. Tài liệu nêu rõ "sự dính líu chặt chẽ của Tập Cận Bình" trong việc truy bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ hỗ trợ một cáo trạng 'chính đáng' về tội ác diệt chủng của ông ta.

Tài liệu nêu rõ: "Trên cơ sở bằng chứng mà chúng tôi đã nhìn thấy, ý kiến thư này kết luận rằng có một trường hợp rất đáng tin cậy về các hành vi do chính quyền Trung Quốc thực hiện nhằm vào người Uighurs ở Khu tự trị Tân Cương và đây có thể là tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng. "

Thư ý kiến pháp lý là đánh giá chuyên môn của một đại luật sư ngự dụng (Queen's Counsel, QC) - một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực - người đánh giá các bằng chứng và pháp luật rồi đưa ra kết luận. Ý kiến này không có cơ sở pháp lý như phán quyết của tòa án, nhưng có thể được sử dụng làm cơ sở để khởi kiện.

Ý kiến này được đặt hàng - nhưng không được trả tiền - bởi Mạng lưới Hành động Pháp lý Toàn cầu, một nhóm vận động nhân quyền tập trung vào các vấn đề pháp lý xuyên biên giới, Đại hội người Uighurs Thế giới và Dự án Nhân quyền Uighurs.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighurs ở Tân Cương.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London cáo buộc các thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây bịa đặt "những lời dối trá thế kỷ" về Tân Cương.

Tài liệu 100 trang - được viết bởi luật sư cấp cao tại Phòng Đại luật sư Essex ở London, gồm cả Đại luật sư ngự dụng Alison Macdonald - được hiểu là bản đánh giá pháp lý chính thức đầu tiên ở Anh về các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương.

Thư ý kiến này đáng chú ý vì nó tạo ra một tiền lệ pháp lý để các thẩm phán Anh có thể đi theo nếu Nghị viện đồng thuận một dự luật mới cho phép Tòa thượng thẩm xử lý các vấn đề về diệt chủng. Các nghị sĩ thuộc tất cả các đảng đang hy vọng sẽ thông qua được sự điều chỉnh này tại Hạ viện vào thứ Ba, nhưng chính phủ đang làm việc cật lực để tránh bị đổ bể.

Các bộ trưởng đang hy vọng có thể ngăn cuộc nổi dậy bằng cách đề nghị tăng cường vai trò của các ủy ban quốc hội trong việc đánh giá nạn diệt chủng, nhưng các ủy ban liên quan được cho là đã bác bỏ ý kiến ​​này.

Thư ý kiến pháp lý dựa trên đánh giá pháp lý toàn diện trong sáu tháng với các bằng chứng công khai từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, học giả, tổ chức từ thiện và báo đài.

Các tài liệu bao gồm bằng chứng, nhân chứng trực tiếp từ những người sống sót, hình ảnh vệ tinh và các tài liệu rò rỉ của chính phủ Trung Quốc.

Chứng minh tội ác diệt chủng có các đòi hỏi cao. Tòa án phải thiết lập các hành vi được thực hiện với mục đích diệt trừ toàn bộ hoặc một phần, một nhóm công dân, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.

Đi vào chi tiết, thư ý kiến pháp lý này đưa ra bằng chứng về những gì được mô tả là "nô lệ, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức triệt sản và bức hại" đối với người Uighurs.

"Có bằng chứng thuyết phục cho thấy những người bị giam giữ phải chịu một loạt hình thức tổn hại thể chất nghiêm trọng", thư ý kiến nêu.

"Những người bị giam giữ kể rằng họ đã bị chính quyền trừng phạt bằng chích điện, buộc giữ tư thế căng thẳng trong thời gian dài, bị đánh đập, thiếu thức ăn, bị cùm và bịt mắt."

AFP - Người ta cho rằng phụ nữ Uighurs đã phải đối mặt với chương trình kiểm soát sinh sản "tàn nhẫn"

Luật quốc tế liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh đẻ đối với một nhóm người vào nhóm hoạt động bị coi là tội diệt chủng. Thư ý kiến đưa ra bằng chứng về việc cưỡng bức triệt sản hàng loạt như một phần của kế hoạch kiểm soát dân số đã được chính quyền Trung Quốc thừa nhận.

Thư ý kiến trên kết luận: "Có rất nhiều bằng chứng đáng tin cậy về việc phụ nữ Uighurs là đối tượng của biện pháp ngăn cản sinh sản, tạm thời hoặc vĩnh viễn (chẳng hạn bằng cách đặt vòng tránh thai mà không có sự đồng thuận hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung), cũng như buộc phá thai. Những hành vi như vậy, theo quan điểm của chúng tôi, rõ ràng sẽ cấu thành một hình thức của việc diệt chủng theo [luật quốc tế]. "

Diệt chủng cũng có thể bao gồm việc cưỡng ép trẻ em từ nhóm dân tộc này sang nhóm khác.

Thư ý kiến cho biết: "Có bằng chứng về việc trẻ em Uighurs bị buộc rời khỏi cha mẹ. Điều này bao gồm việc đưa chúng vào trại trẻ mồ côi mà không có sự đồng thuận trong khi một hoặc cả hai cha mẹ chúng đang bị giam giữ, và việc bắt buộc chúng phải vào trường nội trú."

Thư ý kiến tiếp tục: "Việc trẻ em bị tước cơ hội thực hành văn hóa Uighurs ..., và đôi khi chúng được đặt tên theo tiếng Hán, và đôi khi chúng bị các gia đình Hán tộc nhận làm con nuôi, tất cả đều củng cố bằng chứng cho thấy việc chúng bị ép khỏi cộng đồng được thực hiện với mục đích diệt trừ cộng đồng người Uighurs trong tư cách là một nhóm dân tộc."

Getty Images - Ý kiến cho rằng có một trường hợp "thích đáng" là chính sách chống lại người Uighurs xuất phát trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình

Đáng chú ý, thư ý kiến này cho rằng có một vụ "có vẻ xác đáng" cho thấy trách nhiệm cá nhân về tội ác diệt chủng thuộc về Chủ tịch Tập và hai quan chức cấp cao của Trung Quốc - Chu Hải Luân (Zhu Hailun), Phó bí thư Tân Cương, và Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư đảng ủy Tân Cương.

Tài liệu trên dẫn các tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản bị rò rỉ và các bằng chứng khác, trong đó cho thấy "Ông Tập kiểm soát đường hướng tổng thể của chính sách nhà nước và đã thực hiện một loạt các bài phát biểu cổ xúy việc trừng phạt đối với người Uighurs. Ông Trần và ông Chu đã thi hành dựa trên chính sách tổng thể đó bằng cách đề ra và tiến hành các biện pháp đã được thực hiện trong Khu tự trị Tân Cương, bao gồm cả việc giam giữ và giám sát hàng loạt."

Thư ý kiến pháp lý cho biết: "Chúng tôi cho rằng có bằng chứng đáng tin cậy về tội ác chống lại loài người đối với mỗi người trong số ba người này."

Tài liệu bổ sung: "Bằng chứng được xem xét ở trên cho thấy sự nhúng tay chặt chẽ của Tập Cận Bình, Trần Toàn Quốc và Chu Hải Luân trong việc khởi xướng và thực hiện một loạt các biện pháp, được triển khai đồng bộ, nhằm vào người Uighurs với một mức độ mà người ta có thể suy ra có một ý định diệt trừ một nhóm người như vậy."

"Trong những trường hợp đó, chúng tôi cho rằng có một suy luận hợp lý rằng mỗi người trong số ba cá nhân đó đều có mục đích rõ ràng để diệt trừ, qua đó bổ sung cho lập luận cáo buộc họ diệt chủng."

Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định rằng dân số người Uighurs ở Tân Cương đang tăng lên. Họ nói rằng tất cả các dân tộc đều có địa vị pháp lý và quyền tự do về tôn giáo và văn hóa như nhau.

Đại sứ quán tuyên bố: "Một số thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây đã âm mưu và gieo rắc nhiều thông tin sai lệch về Tân Cương và bịa đặt 'những lời dối trá thế kỷ' dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ đã bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc và vu khống các chính sách đối với Tân Cương."

Cơ quan này còn nói thêm: "Bất cứ ai với tâm thế công bình đều có thể thấy rằng mục đích thực sự của những thế lực đó là đàn áp và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc... Các động thái của họ được thúc đẩy bởi tâm lý Chiến tranh Lạnh, thế giới quan bá quyền và tư duy trò chơi có tổng bằng không. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép trò quỷ quyệt và dối trá đó có thể thành công. Dối trá có thể đánh lừa mọi người trong một thời gian, nhưng không thể chiếm được lòng tin của thế giới. Hiện thực và sự thật cuối cùng sẽ đánh bay mọi dối trá."

Đầu trang

5-2-2021 - bbc.com

BBC điều tra về 'nạn nhân Uighur bị hãm hiếp tập thể': Mục tiêu là hủy diệt tất cả?

Matthew Hill, David Campanale và Joel Gunter
BBC News

Phụ nữ trong trại "cải tạo" dành cho người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) của Trung Quốc đã bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn một cách có hệ thống, theo các lời tường thuật một cách chi tiết mới mà BBC thu thập được.

Cảnh báo: một số chi tiết trong câu chuyện dưới đây có thể gây xúc động mạnh.

Tursunay Ziawudun đã trải qua chín tháng trời trong mạng lưới các trại tập trung của Trung Quốc

Những gã đàn ông luôn đeo mặt nạ, Tursunay Ziawudun nói, dù lúc đây không có đại dịch.

Họ mặc âu phục, chứ không phải đồng phục cảnh sát, bà nói.

Thi thoảng sau nửa đêm, họ đến phòng giam để chọn phụ nữ mà họ muốn và đưa xuống hành lang dẫn đến một "căn phòng đen tối", nơi không có camera giám sát.

Nhiều đêm, Ziawudun nói, họ đã bắt bà đi.

"Đây có lẽ là vết sẹo khó quên nhất trong đời tôi mãi mãi", bà nói.

"Tôi thậm chí không muốn tuôn ra những lời này từ chính miệng mình."


Tursunay Ziawudun đã trải qua 9 tháng trời bên trong hệ thống trại giam rộng lớn và bí mật của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương. Theo những ước tính độc lập, có hơn một triệu đàn ông và phụ nữ đã bị giam giữ trong các trại với mạng lưới trải dài khắp này, mà Trung Quốc nói rằng nhằm để "cải tạo" người Uighurs và các nhóm dân tộc thiểu số khác.

Các nhóm nhân quyền nói rằng chính phủ Trung Quốc đã dần dần tước bỏ các quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của người Uighur, đỉnh điểm là hệ thống áp bức bao gồm giám sát, giam giữ, huấn luyện và thậm chí cưỡng bức sử dụng biện pháp triệt sản.

Chính sách này được khởi xướng từ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người đã đến thăm Tân Cương vào năm 2014 sau cuộc tấn công khủng bố của lực lượng ly khai người Uighur. Ngay sau đó, theo các tài liệu bị rò rỉ ra cho tờ New York Times, ông đã chỉ đạo các quan chức địa phương đáp trả "tuyệt nhiên không khoan nhượng".

Tháng trước, Chính phủ Mỹ nói các hành động của Trung Quốc tương đương với tội ác diệt chủng. Trung Quốc nói rằng các báo cáo về việc giam giữ hàng loạt và cưỡng bức triệt sản là "những cáo buộc dối trá và phi lý".

Rất hiếm các tường thuật trực tiếp từ bên trong các trại tập trung. nhưng một số người từng bị giam giữ và một lính canh đã nói với BBC rằng họ đã trải qua hoặc nhìn thấy bằng chứng về một hệ thống được tổ chức của việc hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn.

Tursunay Ziawudun, người đã trốn chạy khỏi Tân Cương sau khi được thả và hiện đang ở Mỹ, nói rằng phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam "hàng đêm" và bị cưỡng hiếp bởi một hoặc nhiều đàn ông đeo mặt nạ người Trung Quốc. Bà nói mình đã bị tra tấn và bị hãm hiếp tập thể đến ba lần, mỗi lần bởi hai hoặc ba gã đàn ông.

Ziawudun đã nói chuyện với giới truyền thông trước đây, nhưng chỉ từ Kazakhstan, nơi cô "sống trong nỗi sợ hãi thường trực có nguy cơ bị đưa trở về lại Trung Quốc", bà nói. Bà bộc bạch rằng bà tin tưởng nếu mình tiết lộ mức độ của việc lạm dụng tình dục mà chính bà đã trải qua và chứng kiến, nếu bị đưa trở về Tân Cương, bà sẽ hứng chịu sự trừng phạt khắc nghiệt hơn trước. Và bà cảm thấy hổ thẹn.

Tursunay Ziawudun đã chạy trốn được đến Kazakhstan, và sau đó tương đối an toàn trên đất Mỹ

Xác minh mọi lời nói của Ziawudun là điều bất khả bởi lẽ Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế khốc liệt đối với giới phóng viên trong nước, nhưng những giấy tờ thông hành và hồ sơ nhập cảnh mà Ziawudun cung cấp cho BBC đã chứng thực dòng thời gian cho câu chuyện của bà. Những mô tả của Ziawudun về trại ở Tân Cương - được gọi trong tiếng Uighur là Kunes - trùng khớp với hình ảnh vệ tinh do BBC phân tích, và lời tường thuật của bà về đời sống hàng ngày bên trong trại, cũng như bản chất và hình thức ngược đãi, tương thích với các lời kể khác từ những người từng bị giam giữ.

Các tài liệu nội bộ từ hệ thống tư pháp huyện Kunes từ giai đoạn 2017 và 2018 mà Adrian Zenz, chuyên gia hàng đầu về các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, cung cấp cho BBC, cho thấy chi tiết kế hoạch và ngân sách của chương trình "chuyển đổi thông qua giáo dục" - một uyển ngữ phổ biến tại Trung Quốc cho việc nhồi sọ người Uighur. TTrong một tài liệu của huyện Kunes, quy trình "giáo dục" được miêu tả là "tẩy não, thanh tẩy tâm hồn và củng cố sự tử tế và bài trừ tệ nạn".

BBC cũng phỏng vấn một phụ nữ Kazakh ở Tân Cương, người bị giam 18 tháng trong hệ thống trại, cho biết cô bị buộc phải lột trần truồng phụ nữ Uighur và còng tay họ, trước khi để họ một mình với đàn ông Trung Quốc. Sau đó, cô ấy dọn dẹp các phòng ốc.

"Việc của tôi là cởi bỏ quần áo của họ phía trên thắt lưng và còng tay để họ không thể cục cựa", Gulzira Auelkhan nói, bắt chéo cổ tay sau đầu để minh họa. "Sau đó, tôi để những người phụ nữ đó ở lại phòng và một người đàn ông bước vào - một số là đàn ông Trung Quốc từ bên ngoài hoặc là cảnh sát. Tôi ngồi lặng im bên cửa, và khi người đàn ông rời khỏi phòng, tôi đưa người phụ nữ đi tắm gội."

Cô nói: "Những người đàn ông Trung Quốc sẽ trả tiền để được chọn những phụ nữ trẻ đẹp nhất ".

Một số người từng bị giam giữ trong các trại đã tả lại rằng họ bị buộc phải hỗ trợ lính canh nếu không sẽ chịu hình phạt. Auelkhan cho biết cô bất lực trong việc kháng cự hay can thiệp vào.

Khi được hỏi liệu có chuyện hãm hiếp được tổ chức có hệ thống không, cô nói: "Có, hãm hiếp."

"Họ buộc tôi phải vào trong căn phòng đó," cô nói. "Họ bắt tôi cởi hết quần áo của những người phụ nữ đó và trói tay tất cả lại rồi rời khỏi phòng."

Ziawudun nói có một số phụ nữ đã bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm không bao giờ quay về nữa. Những người được đưa trở lại bị đe dọa không được hé môi với người khác trong phòng giam về những gì đã xảy ra với họ.

"Bạn không thể nói với bất kỳ ai những gì đã xảy ra, bạn chỉ có thể nằm xuống trong yên lặng", bà nói. "Việc này được thiết kế để hủy hoại tinh thần của mọi người."

Ông Zenz nói với BBC rằng lời kể được thu thập cho câu chuyện này là "một số bằng chứng kinh khiếp nhất mà tôi từng thấy kể từ khi những hành động bạo tàn bắt đầu".

Ông nói: "Điều này xác nhận lại những thứ tồi tệ nhất mà chúng tôi đã từng nghe trước đây. "Nó cung cấp bằng chứng có tính thẩm quyền và sự chi tiết về việc lạm dụng và tra tấn tình dục ở cấp độ rõ ràng, lớn hơn những gì chúng ta đã hằng nghĩ."

Getty Images - Gulzira Auelkhan pha trà tại nhà trong ngôi làng của mình. Bà bị giam 18 tháng

Người Uighur là một nhóm thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo Hồi giáo với số lượng khoảng 11 triệu dân ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Khu vực này giáp với Kazakhstan và cũng là nơi sinh sống của dân tộc Kazakhstan. Ziawudun, 42 tuổi, là người Uighur. Chồng bà là người Kazakhstan.

Hai vợ chồng trở về Tân Cương vào cuối năm 2016 sau 5 năm trú ngụ tại Kazakhstan, họ bị thẩm vấn khi đặt chân đến đó và bị tịch thu hộ chiếu, Ziawudun nói. Vài tháng sau, bà được cảnh sát thông báo đến tham dự một cuộc họp cùng với những người Uighur và Kazakhstan khác và cả nhóm bị vây bắt và giam giữ.

Bà nói, khoảng thời gian đầu bị giam tương đối dễ dàng với thức ăn ngon và được phép dùng điện thoại. Sau một tháng, bà bị loét dạ dày và được thả tự do. Hộ chiếu của chồng bà đã được trả lại và ổng trở lại Kazakhstan để làm việc, nhưng chính quyền đã giữ Ziawudun, nhốt bà ở Tân Cương. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã cố tình giam giữ những người thân lại để ngăn việc những người rời đi lên tiếng. Vào ngày 9 tháng 3 năm 2018, khi chồng vẫn ở Kazakhstan, Ziawudun được chỉ dẫn đến đồn cảnh sát địa phương, bà nói. Bà được thông báo rằng bà cần được "giáo dục thêm nữa".

Theo lời Ziawudun, bà bị đưa trở lại cơ sở giống như nơi giam giữ trước đây ở quận Kunes, nhưng địa điểm đã được sửa sang đáng kể, bà nói. Những chiếc xe buýt xếp hàng dài bên ngoài đưa xuống những người 'tù nhân mới' "không ngừng nghỉ".

Những phụ nữ bị tịch thu đồ trang sức. Ziawudun nói bông tai của bà bị giật phăng, khiến tai bà chảy máu, và bà bị nhốt vào phòng với một nhóm phụ nữ khác. Trong số họ có một phụ nữ lớn tuổi mà sau này trở thành bạn của Ziawudun.

Ziawudun cho biết, lính canh đã kéo chiếc khăn trùm đầu của những người phụ nữ ra và quát mắng bà vì mặc đầm dài - một trong những hình thức biểu đạt tôn giáo đã bị coi là hành vi chống đối mà người Uighurs có thể bị bắt giữ hồi năm đó.

Ziawudun nói: "Họ lột hết quần áo của người phụ nữ lớn tuổi, chỉ còn độc mảnh nội y. Bà ấy ngượng ngùng đến độ phải cố lấy tay che".

"Tôi khóc quá trời khi chứng kiến cách bà ấy bị đối xử. Nước mắt bà tuôn như mưa".

Maxar - Ziawudun đã xác định địa điểm nơi đây - được liệt vô là trường học - là chỗ bà bị giam giữ. Hình ảnh vệ tinh từ năm 2017 (trái) và 2019 (phải) cho thấy sự phát triển đáng kể của các trại, trông giống như các tòa nhà ký túc xá và nhà máy

Ziawudun cho biết, những người phụ nữ được yêu cầu nộp hết giày dép và bất kỳ quần áo nào có dây thun hoặc cúc áo, sau đó được đưa đến các ô giam lỏng - "trông giống như một khu phố nhỏ của người Hoa nơi có những dãy nhà cao ốc".

Không có gì xảy ra đáng nói trong một hoặc hai tháng đầu tiên. Họ bị ép phải xem các chương trình tuyên truyền trong phòng giam và buộc phải cắt tóc ngắn.

Sau đó, cảnh sát bắt đầu thẩm tra Ziawudun về người chồng vắng bóng của bà, đánh bà gục xuống sàn khi bà phản kháng và đá vào bụng.

"Giày ống mà cảnh sát mang rất cứng và nặng, vì vậy thoạt đầu tôi nghĩ rằng hắn đã đánh tôi bằng thứ gì đó", bà nói. "Sau đó, tôi nhận ra rằng hắn ta đang đạp lên bụng tôi. Tôi gần như ngất xỉu - tôi cảm thấy một cơn nóng bừng chạy qua người."

Một bác sĩ của trại nói với bà rằng bà có thể bị tụ máu bầm. Khi các bạn cùng phòng quan tâm đến việc bà bị chảy máu, các cai ngục "trả lời rằng phụ nữ bị chảy máu là chuyện bình thường", bà kể lại.

Theo Ziawudun, mỗi phòng giam là nơi ở của 14 phụ nữ, với giường tầng, song sắt ở cửa sổ, bồn rửa mặt và nhà vệ sinh kiểu ngồi chồm hổm trên nền nhà. Bà nói, lần đầu tiên nhìn thấy phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm, bà đã không hiểu tại sao. Bà đã nghĩ họ đã được chuyển đi nơi khác.

Bitter Winter - Đoạn phim bí mật do nhóm hoạt động Bitter Winter thu được cho thấy các phòng giam có song sắt và camera

Sau đó vào khoảng tháng 5 năm 2018 - "Tôi không nhớ đích xác ngày tháng, vì bạn không thể nhớ được ngày giờ bên trong trại" - Ziawudun và một người bạn cùng buồng giam, một phụ nữ khoảng 20 tuổi, bị đưa ra ngoài vào ban đêm và đứng trước một người đàn ông Trung Quốc đeo mặt nạ, bà nói. Bạn cùng phòng kia được đưa vào một phòng riêng.

"Ngay khi vào trong đó, cô gái bắt đầu la hét," Ziawudun nói. "Tôi không biết phải giải thích làm sao với bạn, tôi nghĩ họ đang tra tấn cô ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc họ cưỡng dâm."

Người phụ nữ đã đưa họ rời phòng giam nói với những gã đàn ông về việc Ziawudun gần đây bị chảy máu.

"Sau khi người phụ nữ nói về tình hình của tôi, người đàn ông Trung Quốc đã chửi vào mặt cô ta. Người đàn ông đeo mặt nạ nói 'Đưa ả vào phòng tối'.

"Người phụ nữ đưa tôi sang phòng bên cạnh nơi cô gái kia bị bắt vào. Họ có một cây gậy điện, tôi không biết nó là gì, và nó đã được thốc vào bên trong cơ thể tôi, tra tấn tôi bằng giật điện. "

Cuộc tra tấn của Ziawudun vào đêm đầu tiên trong căn phòng tối cuối cùng cũng kết thúc, bà nói, khi người phụ nữ một lần nữa can dự vào với lý do tình trạng sức khỏe của Ziawudun, và bà được đưa trở về phòng giam.

Khoảng một tiếng sau, người bạn cùng phòng của bà được đưa trở lại.

Ziawudun cho biết: "Cô ấy trở nên khác hẳn sau hôm đó, cô không nói chuyện với bất cứ ai, cô ấy ngồi lặng lẽ nhìn chằm chằm như thất thần". "Có nhiều người trong những phòng giam bị điên loạn."

Getty - Gulzira Auelkhan, ở giữa, tại ngôi nhà trong làng mình. bà bị buộc còng tay những phụ nữ trong trại

Cùng với các buồng giam, một nơi nổi bật khác của trại là các lớp học. Các giáo viên được soạn thảo để "cải tạo" những người bị giam giữ - một nhà hoạt động nói nó được thiết kế để xóa bỏ văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của người Uighurs và các dân tộc thiểu số khác, đồng thời truyền bá cho họ theo văn hóa Trung Quốc chính thống.

Qelbinur Sedik, một phụ nữ người Uzbek ở Tân Cương, là một trong số các giáo viên dạy tiếng Trung Quốc được đưa vào trại và bị cưỡng ép giảng bài cho những người bị giam giữ. Sedik đã trốn khỏi Trung Quốc và công khai nói về trải nghiệm của mình.

Trại dành cho phụ nữ bị "kiểm soát chặt chẽ", Sedik nói với BBC. Nhưng cô đã nghe thấy những câu chuyện, cô nói - những dấu hiệu và tin đồn về việc hãm hiếp. Một ngày nọ, Sedik thận trọng tiếp cận một nữ cảnh sát trại người Trung Quốc mà cô biết.

"Tôi hỏi cô ấy, 'Tôi đã nghe một số chuyện khủng khiếp về việc hiếp dâm, cô có biết không?' Cô ấy nói chúng ta nên nói chuyện ở trong sân vào bữa trưa.

"Rồi tôi ra chỗ sân, nơi không có nhiều camera giám sát. Cô ấy nói: "Đúng vậy, hãm hiếp đã trở thành dạng văn hóa. Đó là hiếp dâm tập thể và cảnh sát Trung Quốc không chỉ cưỡng hiếp họ mà còn dùng điện giật họ. Họ phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp."

Đêm đó Sedik nói cô không tài nào chợp mắt được ngủ chút nào. "Tôi đã nghĩ về đứa con gái đang đi du học của mình và khóc cả đêm."

Getty Images - Sayragul Sauytbay, một giáo viên, cho biết bà đã chứng kiến ​​một vụ cưỡng hiếp kinh tởm. Sau đó bà bị buộc tội vượt biên trái phép vào Kazakhstan

Trong lời khai riêng với Dự án Nhân quyền Uyghur, Sedik nói cô đã nghe về một chiếc gậy có điện được đưa vào phụ nữ nhằm tra tấn họ - đồng nhất với trải nghiệm mà Ziawudun đã mô tả.

Sedik nói đã có "bốn loại giật điện" - "ghế, găng tay, mũ, và hãm hiếp lỗ hậu bằng gậy".

"Những tiếng gào thét vang vọng khắp tòa nhà", cô nói. "Tôi có thể nghe thấy chúng trong bữa trưa và thi thoảng lúc tôi đứng lớp."

Sayragul Sauytbay, một giáo viên khác bị buộc phải giảng dạu trong trại, nói với BBC rằng "hãm hiếp là phổ biến" và các lính canh "chọn các cô gái và phụ nữ trẻ mà họ muốn và đưa họ đi".

Bà mô tả đã chứng kiến ​​một vụ cưỡng hiếp tập thể đáng ghê tởm của một cô gái chừng 20 hoặc 21 tuổi, cô bị đem ra trước khoảng 100 người bị giam giữ khác để thú tội.

"Sau đó, trước mặt mọi người, cảnh sát đã thay nhau cưỡng hiếp cô ấy", Sauytbay nói.

"Trong khi thực hiện bài kiểm tra này, họ quan sát mọi người rất kỹ lượng và chỉ ra bất kỳ ai chống cự, siết chặt nắm tay, nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác và rồi bắt những người đó chịu phạt."

Cô gái trẻ gào cứu, Sauytbay nói.

"Nó hoàn toàn kinh khiếp," bà nói. "Tôi cảm thấy như mình đã chết. Tôi đã chết."

Ziawudun đã bật khóc khi xác nhận các đoạn phim quay và hình ảnh của các trại

Trong trại ở Kunes, ngày tháng của Ziawudun trôi qua hàng tuần rồi hàng tháng. Những người bị giam giữ bị cắt tóc, họ đến lớp học, họ bị kiểm tra sức khỏe không rõ nguyên nhân, buộc uống thuốc và bị cưỡng ép tiêm một loại "vaccine" gây buồn nôn và gây mất cảm giác sau mỗi 15 ngày.

Ziawudun cho biết, phụ nữ buộc đeo vòng tránh thai hoặc cưỡng bức triệt sản, kể cả một người chỉ độ 20 tuổi.

"Chúng tôi thay cô ấy cầu xin họ," bà nói.

Việc cưỡng bức triệt sản người Uighurs đã phổ biến rộng rãi ở Tân Cương, theo một cuộc điều tra gần đây của Associated Press. Chính phủ Trung Quốc nói với BBC rằng các cáo buộc là "hoàn toàn vô căn cứ".

Cũng như các biện pháp can thiệp y tế, những người bị giam giữ trong trại Ziawudun phải dành hàng giờ để hát các bài ca yêu nước của Trung Quốc và xem các chương trình truyền hình về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cô nói.

"Bạn quên mọi suy nghĩ về cuộc sống ngoài kia. Tôi không biết họ đã tẩy não chúng tôi hay đó là tác dụng phụ của việc tiêm và uống thuốc, nhưng bạn không thể nghĩ gì hơn ngoài việc ước mình được ăn no. Việc đói ăn rất trầm trọng".

Những người bị giam giữ bị bỏ đói vì những vi phạm như không nhớ chính xác các đoạn trong sách về Tập Cận Bình, theo lời một cựu lính canh nói với BBC qua video từ một quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

"Có lần chúng tôi đưa những người bị bắt vào trại tập trung, và tôi thấy mọi người bị buộc phải thuộc lòng những cuốn sách đó. Họ ngồi hàng giờ để cố gắng ghi nhớ các con chữ, ai cũng cầm trong tay một cuốn sách", ông nói.

Ông nói, những người không đạt yêu cầu bị buộc phải mặc ba loại quần áo có màu sắc khác nhau tùy theo việc họ đã trượt một, hai hay ba lần, và phải chịu các mức hình phạt khác nhau, bao gồm bị bỏ đói và đánh đập.

"Tôi đã vào những trại đó. Tôi đưa những người bị bắt vào những trại đó," ông nói. "Tôi đã nhìn thấy những người bệnh, khốn cùng đó. Họ chắc chắn đã trải qua nhiều kiểu tra tấn khác nhau. Tôi chắc chắn về điều đó."

Getty Images - Các nhà phân tích cho rằng chính sách chống lại người Uighur xuất phát trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình

Không thể xác minh một cách độc lập lời khai của người lính canh nhưng người này đã cung cấp các tài liệu có vẻ như thực việc đã làm ở trại tập trung một thời gian. Ông đồng ý kể lại với điều kiện ẩn danh.

Người canh gác này nói ông ta không biết gì về việc hãm dâm trong các khu vực phòng giam. Khi được hỏi liệu lính canh trại có dùng các dụng cụ giật điện không, ông nói: "Có. Họ có đó. Họ sử dụng những dụng cụ giật điện đó."

Sau khi bị tra tấn, những người bị giam giữ bị buộc phải thú tội về một loạt các hành vi phạm tội.

"Tôi nhớ những lời thú nhận đó từ trong tâm can," ông nói.

Chủ tịch Tập hiện diện mọi nơi của các khu trại.

Hình ảnh và khẩu hiệu của ông tô điểm cho các bức tường; ông là trọng tâm của chương trình "cải tạo".

Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc và hiện là cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết ông Tập là kiến ​​trúc sư của chính sách nhắm vào người Uighurs.

Parton nói: "Nó mang tính trung ương và đi đến đầu não. "Không có nghi ngờ gì về việc đây là chính sách của Tập Cận Bình."

Parton nói rằng không có khả năng ông Tập hoặc các quan chức cấp cao khác của đảng đã chỉ đạo hoặc cho phép việc hãm hiếp hoặc tra tấn, nhưng họ "chắc chắn có biết được điều đó".

"Tôi nghĩ giới chóp bu họ nhắm mắt làm ngơ. Họ đã triển khai cái chính sách này cực kỳ nghiêm khắc, đó là điều đang xảy ra."

Ông nói "không có sự ràng buộc thực sự nào". "Tôi chỉ không thấy điều mà các thủ phạm của hành vi này có để kiếm chế mình lại."


Theo lời kể của Ziawudun, những kẻ thủ ác đã không nương tay.

"Họ không chỉ hãm hiếp mà còn cắn khắp nơi trên cơ thể bạn, bạn không biết họ là người hay súc vật", bà nói, lấy khăn giấy chậm để ngăn dòng nước mắt và dừng lại một lúc lâu để thu xếp ý nghĩ.

"Chúng không chừa bất cứ nơi nào trên cơ thể, chúng cắn xé khắp nơi để lại những vết hằn kinh khủng. Nhìn thật ghê tởm.

"Tôi đã trải qua điều đó ba lần. Và không chỉ một người hành hạ, không chỉ một kẻ thủ ác. Mỗi lần là hai hoặc ba gã đàn ông."

Sau đó, một phụ nữ ngủ cạnh Ziawudun trong phòng giam, bà cô nói rằng mình bị giam giữ vì sinh quá nhiều con, và đã biến mất trong ba ngày, khi trở về thì cơ thể bà cũng có những vết tương tự, Ziawudun nói.

"Bà không thể nói lên điều đó. Bà vòng tay qua cổ tôi và khóc nức nở liên hồi, nhưng bà ấy không nói gì cả."

Chính phủ Trung Quốc đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi của BBC về các cáo buộc hãm hiếp và tra tấn. Trong một tuyên bố, một nữ phát ngôn viên nói các trại ở Tân Cương không phải là trại tạm giam mà là "trung tâm giáo dục và đào tạo nghề".

"Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc thiểu số một cách bình đẳng", nữ phát ngôn viên nói và cho biết chính phủ "rất coi trọng việc bảo vệ quyền của phụ nữ".

Tursunay Ziawudun ở nhà ở Mỹ với bà chủ, người đã giúp đỡ bà

Ziawudun được thả tự do vào tháng 12 năm 2018 cùng với những người khác có bạn đời hoặc người thân ở Kazakhstan - một sự thay đổi chính sách rõ ràng mà bà vẫn chưa hiểu rõ hết.

Nhà nước đã trả lại hộ chiếu cho bà, bà đã bỏ trốn đến Kazakhstan và sau đó, với sự hỗ trợ của Dự án Nhân quyền Uyghur, bà đến Mỹ.

Bà đang nộp đơn để được ở lại. Bà sống ở một vùng ngoại ô yên tĩnh không xa Washington DC với một chủ nhà thuộc cộng đồng Uighurs địa phương.

Hai người phụ nữ cùng nhau nấu ăn và đi dạo quanh các con phố gần nhà.

Đó là một nhịp sống chầm chậm, không biến động.

Ziawudun để đèn không quá sáng khi bà ở trong nhà, bởi vì ở trại, đèn được chiếu rất sáng và liên tục.

Một tuần sau khi đến Mỹ, bà đã phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung - hậu quả của việc bị giẫm lên người.

"Tôi đã không còn cơ hội làm mẹ", bà nói. Bà muốn chồng cùng sang Mỹ. Hiện tại, anh ấy đang ở Kazakhstan.

Trong một thời gian sau khi được thả, trước khi bà có thể tẩu thoát, Ziawudun đã đợi ở Tân Cương.

Bà nhìn thấy những người khác bị khuấy đảo qua hệ thống và được trả tự do. Bà thấy tác động của chính sách đối với người dân của mình. Tỷ lệ sinh ở Tân Cương đã giảm mạnh trong vài năm qua, theo một nghiên cứu độc lập - một hệ quả mà các nhà phân tích đã mô tả là "nạn diệt chủng nhân khẩu học".

Nhiều người trong cộng đồng đã chuyển sang uống rượu, Ziawudun nói.

Nhiều lần, bà nhìn thấy người từng bị giam cùng với mình gục trên đường - người phụ nữ trẻ bị đưa ra khỏi phòng giam cùng với bà vào đêm đầu tiên, người mà bà nghe thấy tiếng la hét trong một căn phòng sát vách. Ziawudun nói người đó đã thành bợm rượu.

Cô ấy "giống như một người đơn giản chỉ tồn tại, hoặc là cô ấy đã chết, hoàn toàn bị kết liễu qua những cuộc cưỡng hiếp".

"Họ nói rằng mọi người đã được trả tự do, nhưng theo tôi, tất cả mọi người rời khỏi trại cũng đồng nghĩa cuộc đời họ chấm dứt."

Và đó, bà nói, là kế hoạch. Giám sát, giam giữ, huấn luyện, ác qủy hóa, dạy dỗ, làm mất nhân tính, triệt sản, tra tấn, hãm hiếp.

"Mục tiêu của họ là hủy hoại tất cả mọi người. Và ai cũng biết điều đó," bà nói.

Ảnh được chụp bởi Hannah Long-Higgins

Đầu trang

15/12/2020 - Thụy My - rfi.fr

Tòa án Hình sự Quốc tế từ chối điều tra việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Ảnh minh họa : Chưởng lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) tại La Haye, Hà Lan. ©ICC-CPI

Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) chuyên xét xử tội ác diệt chủng, hôm 14/12/2020 đã từ chối mở điều tra về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, vì Trung Quốc không phải là thành viên.

Văn phòng chưởng lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, trong thông cáo nói rằng đó là những sự kiện xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc, và Bắc Kinh không ký kết Quy chế Roma thành lập CPI, nên việc điều tra là bất khả.

Theo CPI, do điều kiện tiên quyết này không được đáp ứng nên không thể thụ lý đơn kiện của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong. Ngoài ra, về việc trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tadjikistan và Cam Bốt sang Trung Quốc, « hiện chưa có đủ yếu tố để mở điều tra ».

Trong khi đó cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài cho rằng Tadjikistan và Cam Bốt đều là thành viên quy chế Roma, và hành động cưỡng bức diễn ra trên lãnh thổ các nước này, nên CPI hoàn toàn có thể tiến hành điều tra.

Các tổ chức nhân quyền và chuyên gia tố cáo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi đã bị tống vào các trại cải tạo ở Tân Cương, nơi mà Bắc Kinh gọi là « trung tâm dạy nghề ».

Trước đó khi trả lời TV5, bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch (HRW) khẳng định, qua hai năm điều tra, tổ chức này đã ghi nhận tình trạng bắt giam tùy tiện hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, tra tấn, cưỡng bức triệt sản...

Dù Trung Quốc không phải là thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế, vẫn có thể truy tố ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, tuy nhiên đây là tiến trình giữa các Nhà nước. Cần có một chính phủ quyết tâm đưa Trung Quốc ra trước tòa án này, như Gambia đã kiện Miến Điện về tội diệt chủng người Rohingya, nhưng điều này không dễ dàng với một nước lớn như Trung Quốc.

Dân biểu châu Âu Raphael Glucsmann hôm nay khi trả lời Libération cho biết một nghị quyết khẩn cấp về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ được Nghị Viện Châu Âu xem xét vào thứ Năm 17/12. Theo ông, do thiếu vắng phản ứng quốc tế, chế độ Bắc Kinh tự cho mình có thể đi xa hơn trong việc đàn áp.

Đầu trang

15/12/2020 - Tú Anh - rfi.fr

Duy Ngô Nhĩ: Nô lệ của Bắc Kinh trên cánh đồng bông vải

Cờ Trung Quốc trong một khu nhà có hàng rào dây thép gai bao quanh, ở Anh Cát Sa (Yangisar), phía nam Khách Thập (Kashgar), Tân Cương. AFP/File

Đại dịch Covid mịt mù chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, Brexit vẫn bế tắc, Joe Biden đã được cử tri đoàn xác nhận chiến thắng nhưng Donald Trump vẫn không chịu thua, nhiều cơ quan Mỹ bị tin tặc Nga tấn công nhưng Matxcơva vẫn phủ nhận. Đó là những chủ đề chung của báo Pháp hôm nay. Libération dành sáu trang cho bản báo cáo về tình trạng nô lệ mới tại Trung Quốc mà nạn nhân là hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ lao động ở các đồn điền trồng bông vải.

Độc giả của Libération được nhật báo thiên tả mời sang Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bách lao động trong những cánh đồng bông vải của Trung Quốc, để Bắc Kinh đạt chỉ tiêu bành trướng công nghiệp.

Sau khi đã tố giác các nhà tù khổng lồ, chiến lược chia cắt gia đình, chiến dịch triệt sản ở Tân Cương, Libération và hai đồng nghiệp BBC và báo Đức Suddeutsche Zeitung tiếp tục công việc làm sáng tỏ thân phận của các sắc dân theo đạo Hổi nằm trong vòng kềm tỏa của chế độ độc tài Trung Quốc. Dựa trên tài liệu chính thức, nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz thu thập chứng cớ Bắc Kinh cung cấp cho các công ty trồng bông vải hàng trăm ngàn nhân công ngoan ngoãn, bị nhồi sọ chính trị, « giải phóng tư tưởng » và tình trạng cưỡng bách bắt đầu ngay trong công đoạn hái bông vải.

Lấy cớ « chống nghèo khó và cải tạo chính trị bằng lao động », công việc được tổ chức theo mô hình ba bậc từ trên xuống dưới : công ty trồng bông vải nộp cho chính quyền nhu cầu nhân công và trình độ tay nghề cho mùa sắp đến. Sau khi đào tạo « theo yêu cầu », nhân công được giao từng lô cho chủ đồn điền đúng ngày giao hẹn từ khắp lãnh thổ Tân Cương. Cụ thể là hai quận Aksu và Hotan, ngày 08/10/2018, đã giao cho các đồn điền do tỉnh bộ đảng Cộng Sản ở Tân Cương quản lý 210.000 nhân công. Trong lúc vận chuyển và trong suốt thời gian hái bông vải, nhân công luôn bị kiểm soát và học tập « lòng biết ơn đối với Đảng ».

Nhưng làm sao biết họ là nạn nhân của chế độ cưỡng bách lao động ?

Libération đặt câu hỏi với Habibula Mohamet, 34 tuổi, một người Duy Ngô Nhĩ, chủ nhân một công ty dệt ở Tân Cương, tị nạn từ năm 2017 tại Istanbul, sau khi nhiều người Hồi Giáo đi ra nước ngoài trở về thì bị bắt. Người chị, Patigul 42 tuổi ở lại Urumqi đột nhiên mất tích 7 tháng và sau đó báo tin là « được cải tạo, được dạy nghề mới ». Tháng 9/2019, người quen gặp Patigul làm việc trong một nhà máy.

Làm sao biết chắc là chị của ông bị ép buộc ? Habidula giải thích: Chị tôi có bằng Tú tài, thông thạo Hoa Ngữ, thích học hỏi, không thích làm lao động chân tay, không thích may vá. Nếu muốn, chị có thể làm việc trong hãng của tôi. Chồng của chị là chủ nhân một công ty điện chuyên môn có hợp đồng lớn với các cơ sở thương mại, cả hai đều giàu, có nhà cửa riêng, tại sao phải bỏ chồng bỏ con đi làm nhân công dây chuyền một hãng dệt với đồng lương rẻ mạt ?

Bên cạnh điều tra của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, khắc tinh của Trung Quốc mà Libération dành một trang giới thiệu chân dung, nhật báo thiên tả tìm hiểu thêm về ngành kỹ nghệ may mặc sử dụng sản phẩm « cưỡng bách lao động » và do đâu mà Bắc Kinh có thể tự tung tự tác.

Cách làm ăn theo lối độc tài này đi ngược lại nguyên tắc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và vi phạm nhân quyền. Thứ Năm tuần này, Nghị Viện Châu Âu sẽ ra nghị quyết tố cáo.

Thế nhưng chính quyền Trung Quốc, với sức mạnh và trọng lượng kinh tế có thể tiếp tục khai thác thái độ im lặng, mâu thuẫn của các nước phương Tây, có thể lợi dụng thái độ « đà điểu » của các công ty may mặc ham hàng giá rẻ và thái độ mặc kệ của người tiêu dùng.

Trong bài « Vải làm do cưỡng bách », Libération tỏ hy vọng vào giải pháp « không mua vải của Trung Quốc nữa, thay thế bằng các nguồn của Ấn Độ và Brazil ». Tổ chức công nghiệp Better Cotton Initiative cam kết không nhập hàng Tân Cương. Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, theo thủ tục khẩn cấp lật ngược thế trận: Chính các xí nghiệp phải chứng minh là hàng của họ không do lao động cưỡng bách làm ra.

Bông vải Tân Cương 'nhuốm màu' lao động cưỡng bức

John Sudworth
BBC News, Bắc Kinh
16-12-2020 - bbc.com

Trung Quốc ép buộc hàng trăm ngàn người Uighur và các sắc dân thiểu số khác phải lao động nặng nhọc trên các cánh đồng bông rộng lớn ở tỉnh Tân Cương ở miền tây, theo nội dung nghiên cứu mới mà BBC được xem.

Những tài liệu trực tuyến mới được phát hiện gần đây cho thấy bức tranh rõ ràng đầu tiên về quy mô lao động cưỡng bức trong lĩnh vực thu hoạch bông ở nơi vốn cung ứng đến một phần năm nguồn nguyên liệu bông cho thế giới và là nguồn nguyên liệu được sử dụng rộng khắp trong ngành thời trang toàn cầu.

Ngoài việc có mạng lưới trại giam rộng khắp, nơi được cho là có hơn 1 triệu người đang bị giam giữ, các cáo buộc về việc những nhóm sắc dân thiểu số đang bị buộc phải làm việc trong các nhà máy cũng được ghi chép đầy đủ.

Chính phủ Trung Quốc bác bỏ, nói rằng các trại đều là "trường đào tạo dạy nghề", và các nhà máy là một phần trong chương trình "giảm nghèo" tự nguyện được triển khai rộng khắp.

Nhưng chứng cứ mới cho thấy mỗi năm có đến nửa triệu lao động người thiểu số bị buộc phải đi hái bông khi vào mùa thu hoạch, dưới những điều kiện làm dấy lên quan ngại về nguy cơ lao động cưỡng bức.

"Quan điểm của tôi là những tác động thực sự ở quy mô mang tính lịch sử," Tiến sĩ Adrian Zenz, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Tưởng nhớ Các Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation) tại Washington, người phát hiện ra các tài liệu này, nói với BBC.

"Lần đầu tiên chúng ta không chỉ có được bằng chứng về việc người Uighur bị buộc phải làm việc trong các nhà máy sản xuất, trong ngành dệt vải, mà nó còn trực tiếp cho thấy hoạt động thu hoạch bông, và tôi nghĩ rằng đây chính là điều làm thay đổi câu chuyện."

"Bất kỳ ai chú ý tới vấn đề cần đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức từ nguồn cung ứng sản phẩm đều cần phải nhìn vào Tân Cương, nơi cung ứng 85% bông của Trung Quốc và 20% bông toàn cầu, và nói rằng 'chúng ta không thể tiếp tục làm như thế này được nữa'."

Các tài liệu, bao gồm cả hồ sơ trực tuyến về chính sách của chính phủ và tường thuật trên báo chí nhà nước, cho thấy trong năm 2018 các thành phố Aksu (A Khắc Tô) và Hotan (Họa Điền) đã gửi đi 210.000 nhân công "thông qua việc chuyển đổi lao động" để tới thu hoạch bông cho một đơn vị bán quân sự Trung Quốc, Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương (Xinjiang Construction and Production Corps).

Các tài liệu khác nói những người hái bông "được huy động và có tổ chức", được đưa tới các cánh đồng bông cách xa hàng trăm km.

Năm nay, Aksu xác định cần có 142.700 lao động tới làm việc trên các cánh đồng của thành phố; nguồn này chủ yếu được đáp ứng dựa trên nguyên tắc "chuyển đến toàn bộ những người cần phải được chuyển đổi".

Các nội dung "hướng dẫn" người thu hoạch bông hãy "có ý thức chống lại các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp" cho thấy chính sách này nhắm vào người Uighur và các nhóm sắc dân vốn có truyền thống theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Các viên chức trong chính quyền đầu tiên là ký "thỏa thuận ký hợp đồng" với các nông trại trồng bông, theo đó xác định "số nhân công cần thuê, địa điểm thu hoạch, nơi ở và tiền lương". Sau đó, những người hái bông sẽ được vận động "hăng hái đăng ký tham gia".

Có đủ manh mối để cho thấy sự hăng hái này hoàn toàn không xuất phát thật tâm. Một báo cáo nói rằng tại một ngôi làng, mọi người không ai muốn đi làm việc trong ngành nông.

Các viên chức đã phải tới một lần nữa để làm "công tác giáo dục tư tưởng". Rốt cuộc, có 20 người được gửi đi, và có kế hoạch sẽ "xuất khẩu" thêm 60 người nữa.

Các khu trại và nhà máy

Trung Quốc từ lâu nay đã sử dụng việc đưa dân tái định cư ồ ạt tới các vùng nông thôn nghèo, với mục đích được nêu ra là nhằm cải thiện cơ hội việc làm cho người dân - một phần trong chiến dịch chống đói nghèo của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các nỗ lực này đã được triển khai quá đà.

Có thể nói lý do là bởi đây là ưu tiên chính trị nội địa quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, vào năm tới.

Nhưng tại Tân Cương, có những bằng chứng về việc có một mục tiêu chính trị quan trọng hơn nhiều và được kiểm soát ở mức cao hơn nhiều, cũng như có những mục tiêu và và hạn ngạch to lớn mà các viên chức bị áp lực phải đáp ứng bằng được.

Có thể nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vùng này từ hai vụ tấn công tàn bạo vào người đi bộ và người dùng giao thông công cộng ở Bắc Kinh hồi năm 2013 và ở thành phố Côn Minh hồi 2014, là các vụ mà Trung Quốc quy trách nhiệm cho người Hồi giáo cực đoan và những người đòi ly khai Tân Cương.

Để đáp trả, từ 2016 trở đi, đã có những trại "cải tạo" được xây dựng để bắt giữ bất kỳ ai có hành vi bị coi là không đáng tin cậy, ví dụ như cài đặt ứng dụng nhắn tin mã hóa trên điện thoại, xem tài liệu tôn giáo, hoặc có thân nhân sinh sống ở nước ngoài.

Tuy Trung Quốc gọi đây là các "trường học nhằm xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan", nhưng hồ sơ của chính họ cho thấy thực tế đây là một hệ thống giam giữ hà khắc, nhằm xóa bỏ và thay thế đức tin, văn hóa cũ bằng việc buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản.

Việc xây dựng không dừng lại ở mức xây nhà tù.

Kể từ 2018, đã có sự mở rộng ghê gớm hoạt động công nghiệp - hàng trăm nhà máy được xây tại đây.

Mục tiêu song song của việc tuyển dụng ồ ạt và giam giữ ồ ạt được thể hiện rõ, với việc xuất hiện nhiều nhà máy bên trong tường rào trại giam, hoặc gần kề các trại giam.

Chính phủ tỏ ra tin rằng có công ăn việc làm sẽ giúp làm thay đổi những "ý thức lỗi thời" của các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, qua đó biến họ thành các công dân Trung Quốc hiện đại, thế tục, có thu nhập tốt.

BBC đã tìm cách tới một cơ sở tại thành phố Kuqa, nơi các nhà nghiên cứu độc lập xác định là một trại cải tạo.

Được xây dựng vào năm 2017 những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có các bức tường an ninh bên trong và có một nơi trông giống như một tháp canh.

Vào năm 2018, một nhà máy mới toanh xuất hiện ngay kế bên. Ngay sau khi việc xây dựng hoàn tất, vệ tinh chụp được hình ảnh quan trọng.

Nhà máy tại Kuqa, Tân Cương

Các phân tích độc lập xác nhận rằng có rất nhiều người, toàn bộ đều mặc một kiểu đồng phục cùng màu, được nhìn thấy đi bộ một quãng ngắn giữa hai địa điểm.

Bị khá nhiều xe hơi không mang dấu hiệu gì đặc biệt bám theo, chúng tôi quay phim bên ngoài, chung quanh khu vực.

Nhiều xe hơi bám đuôi theo nhóm phóng viên BBC

Nhà máy và khu trại này có vẻ như đã được được nhập lại thành một khu tổ hợp nhà máy rộng lớn, dán đầy các tấm poster với những khẩu hiệu ca tụng lợi ích của chiến dịch chống đói nghèo.

Chúng tôi nhanh chóng bị chặn lại, không cho quay phim và buộc phải rời đi.

Theo truyền thông nhà nước ở cấp địa phương, nhà máy dệt may này tuyển dụng tới 3.000 người "theo chương trình huy động và tổ chức của chính phủ".

Tuy nhiên, việc xác minh những người xuất hiện trong ảnh chụp từ vệ tinh là ai, hay điều kiện làm việc hiện tại của công nhân trong cơ sở này là thế nào, là điều bất khả thi.

Phóng viên BBC John Sudworth (trái) liên tục bị bám đuôi và cản trở việc quay phim

Những câu hỏi đã được gửi thẳng đến nhà máy, nhưng chúng tôi không nhận được hồi âm.

Trong suốt thời gian ở Tân Cương, chúng tôi liên tục bị cảnh sát, các viên chức tuyên huấn địa phương và những người khác cản trở, không cho quay phim, và liên tục bị đeo bám bởi đám đông những người không rõ danh tính đi trên những chiếc xe hơi không có dấu hiệu đặc biệt gì trong suốt hàng trăm km.

'Lối suy nghĩ lười nhác thâm căn cố đế'

Bất chấp mối liên hệ giữa các trại giam và các nhà máy, mục tiêu chính của chương trình giảm nghèo ở Tân Cương chủ yếu là nhằm vào những người chưa bị bắt giữ - nhóm người được coi là ít tạo thành đe dọa an ninh hơn nhưng vẫn cần phải được cải tạo.

Thường xuất thân từ các gia đình nghèo làm nghề nông hoặc chăn thả du mục, hơn hai triệu người đã bị huy động đi làm, mà trong nhiều trường hợp họ bị đưa đi làm sau khi phải trải qua những giai đoạn đào tạo làm việc ngắn hạn "kiểu quân sự" và giáo dục ý thức hệ.

Cho đến nay, những bằng chứng có được cho thấy, giống như những người tù bị nhốt trong trại, họ cũng bị sử dụng làm nguồn lao động trong các nhà máy, mà đặc biệt là trong các công xưởng dệt may đang bùng nổ tại Tân Cương.

Hồi tháng Bảy năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ (CSIS) nói rằng "có thể" là các nhóm sắc tộc thiểu số đã bị đưa hái bông, nhưng "cần phải có thêm thông tin" trước khi họ có thể ra kết luận chính xác.

Những tài liệu mới mà Tiến sĩ Zenz tìm được không chỉ cung cấp thông tin đó mà còn cho thấy một mục tiêu chính trị rõ ràng đằng sau việc luân chuyển người thuộc các sắc tộc thiểu số tới các cánh đồng bông.

Một thông báo hồi tháng 8/2016 do chính quyền địa phương Tân Cương gửi tới ban quản lý những người hái bông ra chỉ thị rằng các viên chức hãy "tăng cường giáo dục ý thức hệ và giáo dục sự đoàn kết dân tộc" đối với những người này.

Một báo cáo về công tác tuyên huấn do Tiến sĩ Renz tìm được cho thấy các cánh đồng bông được coi là cơ hội để làm thay đổi "thói suy nghĩ lười nhác thâm căn cố đế" của những người dân làng nông thôn nghèo, bằng cách cho họ thấy "lao động là vinh quang" - một khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tài liệu.

Những cụm từ này cũng được nhắc lại trong quan điểm của nhà nước Trung Quốc, theo đó nói rằng lối sống và tập quán của người Uighur đang tạo rào cản cho công cuộc hiện đại hóa.

Nguyện vọng được ở nhà để "nuôi dạy con cái" thì được miêu tả là một "nguyên nhân quan trọng gây nghèo", theo một báo cáo tuyên truyền khác về lợi ích của việc đi thu hoạch bông.

Nhà nước mở những hệ thống "tập trung hóa" việc chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và trông nom gia súc để mọi người "không phải lo lắng khi đi ra ngoài làm việc".

Và cũng có nhiều nội dung nói về việc những người hái bông được huy động ra sao, họ phải chịu sự kiểm soát và giám sát như thế nào - có vẻ như rất khác thường so với thông lệ tuyển dụng lao động.

Một tài liệu về chính sách từ vùng Aksu, đề ngày là tháng 10 năm nay, quy định rằng những người hái bông phải được đưa đi thành từng nhóm, có các viên chức đi kèm, là những người "cùng ăn, cùng sống, cùng học tập và lao động với họ, chủ động triển khai việc giáo dục tư tưởng trong thời gian hái bông".

Mahmut - không phải là tên thật - một thanh niên Uighur nay sống tại châu Âu, đã không thể trở về Tân Cương, bởi việc từng đi ra nước ngoài là một trong những lý do chính khiến một người bị bắt vào trại.

Ngay cả việc giữ liên lạc với gia đình ở quê nhà cũng trở thành việc gây quá nhiều nguy hiểm cho người thân.

Trong lần cuối cùng liên hệ với người nhà, hồi 2018, anh biết tin cả mẹ và chị gái mình đều đã bị đưa đi làm việc ở nơi khác.

"Họ đưa chị gái tôi tới thành phố Aksu để làm việc trong nhà máy máy dệt vải," anh nói với tôi. "Chị ấy ở nhà máy đó ba tháng và không được trả đồng nào."

"Vào mùa đông, mẹ tôi đi hái bông theo yêu cầu của viên chức chính phủ - họ nói họ cần 5 đến 10% dân làng, họ đến gõ cửa từng nhà."

"Mọi người đi bởi sợ sẽ bị tống vào tù hoặc đưa tới nơi nào khác nếu không chịu đi."

Trong năm năm qua, những chuyến đi đến từng nhà như thế đã trở thành cơ chế chế then chốt được áp dụng để kiểm soát Tân Cương. Có 350.000 viên chức được triển khai để thu thập thông tin chi tiết kết, xâm phạm tới quyền riêng tư của từng hộ gia đình người thiểu số.

Những người bị các "nhóm làm việc cấp làng xã" này gọi đi làm cũng chỉ nhận ra rằng họ là công cụ trong việc quyết định ai sẽ bị bắt đưa đi trại giam.

'Hoàn toàn bịa đặt'

Ngành trồng bông Tân Cương từng dựa vào di dân là lao động thời vụ đến từ các tỉnh khác của Trung Quốc.

Nhưng thu hoạch bông khét tiếng là công việc nặng nhọc. Mức lương tốt hơn cùng công việc nhẹ nhàng hơn ở những nơi khác khiến di dân không còn tới nữa.

Nay, các báo cáo tuyên truyền nói rằng nguồn cung ứng lao động địa phương mới được phát hiện vừa giải quyết được khủng hoảng nhân công vừa giúp tăng thu nhập cho người trồng bông.

Nhưng trong các báo cáo này không hề có lời giải thích thực sự nào về việc tại sao hàng trăm ngàn người - những người rõ ràng chưa từng tỏ ra thích thú với công việc này - lại đột nhiên bị đưa tới các cánh đồng bông.

Tuy các tài liệu nói rằng mức thu nhập có thể lên tới 5000 nhân dân tệ một tháng, tương đương 764 đô la Mỹ, nhưng theo một tài liệu thì có vẻ như trong một nhóm 132 người hái bông được đưa đi từ cùng một làng, tiền lương tháng trung bình chỉ là 1670 nhân dân tệ, tức là 255 đô la Mỹ, mỗi người.

Bất kể mức lương là bao nhiêu thì việc đi làm được trả tiền vẫn bị coi là lao động cưỡng bức, theo công ước quốc tế có liên quan.

Sau khi gửi câu hỏi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, BBC nhận được trả lời bằng fax: "Người lao động từ mọi nhóm sắc tộc thiểu số ở Tân Cương đều chọn lựa công việc theo ý nguyện cá nhân và tự nguyện ký hợp đồng lao động phù hợp với pháp luật."

Tỷ lệ nghèo ở Tân Cương đã giảm từ gần 20% hồi năm 2014 xuống chỉ còn trên 1% ngày nay, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Bản tuyên bố nói các cáo buộc về lao động cưỡng bức là do phương Tây "hoàn toàn thêu dệt", và cáo buộc những người chỉ trích Trung Quốc muốn gây ra nạn "bắt buộc phải thất nghiệp và bắt buộc phải đói nghèo" ở Tân Cương.

"Những gương mặt tươi cười của toàn bộ người dân thiểu số ở Tân Cương là sự đáp trả mạnh mẽ nhất trước những lời nói dối và đồn thổi của Hoa Kỳ," tuyên bố nói.

Nhưng Sáng Kiến Vì Ngành Bông Tốt Đẹp Hơn (Better Cotton Initiative), một tổ chức động lập chuyên theo dõi ngành bông vải vốn cổ súy việc áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức và phát triển bền vững trong ngành, nói với BBC rằng mối quan ngại về chương trình giảm nghèo của Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến họ gần đây quyết định chấm dứt việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các trang trại.

Giám đốc Tiêu chuẩn và Kiểm tra Chất lượng, Damien Sanfilippo, nói: "Chúng tôi đã xác định được nguy cơ khiến các cộng đồng nông thôn nghèo có thể bị buộc phải đi làm việc theo hình thức cưỡng bức này là có liên quan tới chương trình giảm nghèo."

"Ngay cả khi những nhân công đó được trả mức lương tử tế - mà đó rất có thể là điều đã đang xảy ra - thì đó vẫn không phải là thứ công việc mà họ có quyền tự do lựa chọn."

Ông Sanfilippo, người cũng nhắc tới việc nhóm các giám sát viên quốc tế của ông ngày càng bị hạn chế quyền tiếp cận Tân Cương như một nhân tố khác nữa, nói rằng quyết định trên của tổ chức ông chỉ càng làm dấy lên mối rủi ro cho ngành thời trang toàn cầu.

"Trong phạm vi hiểu biết của tôi, không có bất kỳ tổ chức nào hoạt động tại khu vực có thể làm công tác kiểm định cho các sản phẩm bông đó."

BBC đã hỏi 30 nhãn hiệu quốc tế lớn rằng liệu họ có dự định tiếp tục dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không, sau khi biết kết quả điều tra của BBC.

Trong số những hãng trả lời, chỉ có bốn công ty là Marks and Spencer, Next, Burberry và Tesco nói rằng họ có chính sách nghiêm ngặt theo đó đòi mọi sản phẩm có nguồn gốc cung ứng nguyên liệu từ bất kỳ nơi nào tại Trung Quốc đều không được dùng bông Tân Cương.

Một trong nhiều khu nhà tù ở Tân Cương

Vào lúc chuẩn bị rời Tân Cương, ngay bên ngoài thành phố Korla, chúng tôi đi ngang qua một địa điểm mà hồi năm 2015 còn là một sa mạc trống trơn.

Nay, tại đây có một khu tổ hợp trại giam, nhà tù khổng lồ mà các nhà phân tích độc lập nói rằng người ta có thể nhìn thấy có nhiều nhà máy ở bên trong.

Chúng tôi tin rằng đây là hình ảnh độc lập đầu tiên về địa điểm rộng lớn này.

Nó chỉ là một trong rất nhiều khu tổ hợp kiểu đó nằm rải rác khắp nơi tại Tân Cương, và nó là lời nhắc nhở lạnh lẽo cuối cùng về những ranh giới bị xóa nhòa giữa việc bắt nhốt ồ ạt và tuyển dụng lao động ồ ạt tại Tân Cương.

Đầu trang

23/09/2020 - Tú Anh - rfi.fr

Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập hàng Tân Cương

Ảnh tư liệu chụp ngày 05/06/2019 : Theo điều tra của AP, nhà máy OFILM, tại Nam Xương (Nanchang), tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, sử dụng nhân công cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, là nhà cung cấp thiết bị cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. AP - Ng Han Guan

Nhằm chống « cưỡng bách lao động » người Duy Ngô Nhĩ, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương trong cuộc biểu quyết hôm thứ Ba 22/09/2020.

Theo AFP, trong tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ, dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu: 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Văn kiện còn chờ Thượng Viện biểu quyết và tổng thống Donald Trump ban hành, ngăn chận mọi hàng hóa làm tại Tân Cương xâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Washington và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Trung Quốc giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các « trại cải tạo » ở Tân Cương. Đối với Bắc Kinh, đây là các « trung tâm học tập và dạy nghề ».

Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc miễn là phải « chứng minh » không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.

Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng Ba, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà ….cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…

83 nhãn mác quốc tế

Viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc cho biết, trong ba năm từ 2017 đến 2019, gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.

Theo tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vì được cả hai phe Cộng Hoà Dân Chủ ủng hộ, dự luật này là một thông điệp « mạnh » gửi chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Trump hôm 14/09 cho biết sẽ chận một loạt hàng hóa có xuất xứ Tân Cương.

Tại Pháp, một chiến dịch dán biểu ngữ tố cáo cưỡng bách lao động được hiệp hội bảo vệ phụ nữ phát động trong đêm Chủ Nhật vừa qua trước cửa vào của 24 cửa hàng nhãn mác quốc tế như Zara, Apple, Lacoste: « Tại đây, người ta giết người Duy Ngô Nhĩ », « Mua hàng là đồng lõa với tội ác ».

Đầu trang

13/01/2021 - Thu Hằng - rfi.fr

Anh lên án « hành động tàn bạo » của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ

Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về tình hình Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, ngày 12/01/2021, Luân Đôn. © AFP

Anh chính thức cấm nhập hàng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài thông báo các biện pháp, ngày 12/01/2021, ngoại trưởng Dominic Raab còn lên án chính sách « tàn bạo » của Bắc Kinh đối với cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải được vào kiểm chứng tình hình tại khu vực này.

Theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, các biện pháp trên được công bố trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã rất căng thẳng và chỉ vài ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư.

« Trước các dân biểu, ngoại trưởng Anh lên án « sự tàn bạo mà người ta vẫn hy vọng thuộc về quá khứ, vậy mà vẫn tồn tại ngày nay». Chính sách tàn bạo này gồm « bắt giam tùy tiện, cải huấn chính trị, cưỡng bức lao động, tra tấn và chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở quy mô rộng lớn».

Khi nhắc đến « nghĩa vụ đạo đức phải hành động » của Luân Đôn, ông Dominic Raab đã thông báo loạt trừng phạt đối với những doanh nghiệp không thể chứng minh được rằng nguồn hàng của họ không liên quan đến các trại lao động cưỡng bức ở Tân Cương, khu vực rộng lớn nằm ở phía tây bắc Trung Quốc và là vùng cung cấp sợi bông lớn cho thế giới.

Nghĩa vụ phải minh bạch sẽ được mở rộng sang lĩnh vực công và các doanh nghiệp thu lợi từ lao động cưỡng bức sẽ bị loại khỏi các gói mời thầu. Hàng xuất khẩu cũng sẽ được đưa vào khuôn khổ để tránh các doanh nghiệp « gián tiếp hay trực tiếp » góp phần vào việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Tuy nhiên, phía Công Đảng đối lập, cũng như một số nghị sĩ bảo thủ, đã chỉ trích rằng những biện pháp này đã không đủ nghiêm khắc. Ngoài việc lên án Bắc Kinh một cách tượng trưng, họ yêu cầu phải có những biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các quan chức lãnh đạo Trung Quốc ở Tân Cương ».

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

29/12/2020 - Thu Hằng - rfi.fr

Người Duy Ngô Nhĩ: Quân tốt bị thí cho Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế các nước Hồi Giáo

Ảnh minh họa : Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Istanbul ngày 01/10/2020, phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. AP - Emrah Gurel

Số phận của khoảng 50.000 Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đe dọa với hiệp định dẫn độ song phương được Trung Quốc phê chuẩn ngày 26/12/2020. Hiệp định được ký vào năm 2017 đang chờ được đưa ra bỏ phiếu ở Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ để được tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký phê chuẩn.

“Chống khủng bố là một trong phần quan trọng của hiệp định” nhưng “không nhắm đích danh một tổ chức hay một nhóm người cụ thể”, theo trấn an của một chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại ở Bắc Kinh, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 26/12. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị quy chụp là “khủng bố” và bị dẫn độ về Trung Quốc, trừ khi họ đáp ứng một trong ba điều kiện : có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, có giấy phép cư trú hoặc trong trường hợp chính quyền Ankara nghi ngờ Trung Quốc cho dẫn độ để xét xử về những tội chính trị.

Tuy nhiên, thông tín viên đài truyền hình France 24 tại Istanbul cho biết những người thuộc diện hai trường hợp đầu là rất hiếm. Riêng trường hợp thứ ba, có nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua vì Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đang ở mức căng thẳng.

Erdogan: Từ “người hùng” thành “đao phủ” đối với người Duy Ngô Nhĩ ?

Trả lời đài RFI ngày 28/12, chuyên gia Bayram Balci, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế (CERI), trường Khoa học Chính trị Pháp, cho rằng để cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng với tỉ lệ thất nghiệp dao động 13% từ một năm nay, nếu “phải hy sinh người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền của tổng thống Erdogan có thể sẽ làm vậy. Chính phủ muốn đặt lợi ích kinh tế, quyền lợi của quốc gia lên trước, rồi mới đến những chuyện khác”.

Năm 2009, ông Erdogan từng được người Duy Ngô Nhĩ coi là người hùng khi lên án các chiến dịch trấn áp tộc người theo Hồi Giáo ở Tân Cương là một kiểu “diệt chủng”. Chính quyền Ankara một mặt lên án chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ là “nỗi hổ thẹn cho nhân loại”, nhưng vẫn nhận những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc, duy trì quan hệ thương mại tốt đẹp với Bắc Kinh, vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc dẫn đến châu Âu.

Tuy nhiên, “vụ đảo chính hụt năm 2016 và cuộc khủng hoảng tại Syria đã khiến tổng thống Erdogan rời xa các đồng minh phương Tây và hướng đến các nước độc tài như Trung Quốc”, vẫn theo phân tích của nhà nghiên cứu Bayram Balci với báo Libération. Và gần đây nhất, không chen được vào thị trường vac-xin ngừa Covid-19, được các nước phương Tây chia nhau những lô đầu tiên, Ankara phải trông cậy vào vac-xin của Trung Quốc.

Bảo vệ lợi ích kinh tế

Người Duy Ngô Nhĩ trở thành những con tốt bị thí trong ván cờ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Hồi Giáo, mà Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một ví dụ. Ả Rập Xê Út, quốc gia canh giữ nhiều thánh địa Hồi Giáo, cũng chọn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hơn là bảo vệ người đồng đạo bị truy bức. Theo trang Slate (08/09), nền kinh tế bị suy yếu vì khủng hoảng dầu khí tiếp theo là dịch Covid-19, chính quyền Riyadtrông cậy vào Bắc Kinh để xuất khẩu dầu khí, cũng như đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong dự án Vành Đai và Con Đường đi qua lãnh thổ Ả Rập Xê Út.

Iran, quốc gia ngày càng bị cô lập vì chương trình hạt nhân và đối đầu với các nước Hồi Giáo khác trong vùng, cũng chỉ có Trung Quốc làm bạn hữu. Trái với đầu tư của các nước phương Tây luôn kèm với điều kiện nhân quyền, Bắc Kinh hứa không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước đối tác thương mại. Đây là điều thuận lợi cho các nước Hồi Giáo lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran vẫn bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, cũng như cho tất cả các nước nhỏ khác.

Liệu phe đối lập, cũng như một số người trong liên minh cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ngăn được chính phủ của tổng thống Erdogan tiếp tay cho Trung Quốc ? Nhà nghiên cứu Bayram Balci trông đợi vào lương tri của Ankara, vì “phê chuẩn hiệp định dẫn độ với Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ mất uy tín lớn trên trường quốc tế, trong khi các nước phương Tây, không theo Hồi Giáo, lại đứng ra bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ”.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

21/01/2021 - rfi.fr

Hệ quả của việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ

Một khu nhà được cho là trại cải huấn giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, tại thị trấn A Đồ Thập (Artux), phía bắc Khách Thập (Kashgar), Tân Cương (Xinjiang), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 02/06/2019. AFP - GREG BAKER

Chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ, phạm « tội ác chống nhân loại ». Bắc Kinh lập tức bác bỏ « những lời dối trá phi lý », trả đũa Hoa Kỳ bằng cách trừng phạt 28 quan chức của chính quyền Trump, trong đó có cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn kịch liệt chống Trung Quốc.

Hoa Kỳ trở thành nước đầu tiên lên án một quốc gia khác phạm tội « diệt chủng ». Người Duy Ngô Nhĩ trở thành nạn nhân của « hàng loạt tội ác chống nhân loại » do chế độ Bắc Kinh gây nên ít nhất là từ tháng 03/2017. Trong thông cáo cuối cùng ngày 19/01/2021 với tư cách là ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh tìm cách « hủy diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách hệ thống ».

Theo giới chuyên gia nước ngoài, có gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi Giáo, tại Tân Cương đã phải đi cải tạo chính trị trong những « trung tâm dạy nghề » được rào chắn bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 500.000 người được cho là bị cưỡng bức làm việc trên những cánh đồng trồng bông, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ép triệt sản, các đền thờ Hồi Giáo bị phá hủy…

Biện pháp biểu tượng

Quyết định thể hiện rõ lập trường cứng rắn của Mỹ, và sẽ được tiếp tục dưới thời chính quyền mới, trong cuộc đối đầu chưa hồi kết với Trung Quốc, từ thương mại, đến cạnh tranh công nghệ, ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như các hồ sơ Hồng Kông và Đài Loan.

Tuy nhiên, cáo buộc Bắc Kinh « diệt chủng » chỉ mang tính biểu tượng, một đòn « tấn công ngoại giao », làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh. Còn về mặt pháp lý, thì rất khó để trừng phạt chính quyền Trung Quốc, theo phân tích của giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, thuộc trường đại học Rennes (Pháp) với báo 20 minutes ngày 21/01.

Theo chuyên gia này, để xét xử một Nhà nước, trong hồ sơ Duy Ngô Nhĩ là Trung Quốc, chỉ Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền với điều kiện Trung Quốc chấp nhận để bị xét xử. Điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra ! Ngoài ra, phải tính đến việc Trung Quốc không gia nhập Tòa án Công lý Quốc tế.

Tương tự, nếu vấn đề được đưa ra Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sẽ phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An.

Trong trường hợp xét xử các quan chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong các chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI). Tuy nhiên, phía Trung Quốc phải mở tiến trình tố tụng. Trường hợp này cũng sẽ không bao giờ xảy ra. Tương tự, Trung Quốc không phê chuẩn Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế. Và nếu vấn đề được đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, như trường hợp Sudan (Darfour) và Libya, Trung Quốc sẽ có toàn quyền phủ quyết, cũng như có thể tin vào sự ủng hộ của Nga.

Tác động từ cáo buộc diệt chủng

Dù tránh được trừng phạt pháp lý, nhưng hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tác động xấu trên trường quốc tế. Ngoài việc hứng chịu chỉ trích từ Hoa Kỳ, Trung Quốc còn bị nhiều nước khác đồng loạt lên án, như Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí Anh và Canada cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng được cho là do cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.

Theo giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, lời cáo buộc chính thức của chính quyền Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh chịu hậu quả sâu xa. Các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ tránh thị trường Trung Quốc vì không muốn hợp tác với một Nhà nước bị cáo buộc « diệt chủng ». Hình ảnh một quốc gia không ngừng tìm cách trở thành siêu cường số 1 phần nào đó sẽ bị hoen ố và cản trở tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang