Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Người Uyghur ở Tân Cương. |
Một viện nghiên cứu của Australia hôm 12/5 công bố báo cáo nói rằng các chính sách mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở vùng Tân Cương nằm ở miền tây hẻo lánh của nước này đã làm giảm mạnh tỷ lệ sinh của người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và các sắc dân thiểu số khác.
Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho rằng đây là một bằng chứng nữa về tội diệt chủng.
Dẫn dữ liệu chính thức của Trung Quốc, ASPI nói rằng “tỷ lệ sinh chính thức đã giảm nhanh chóng và chưa từng có ở Tân Cương kể từ năm 2017”, khi Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch kiểm soát tỷ lệ sinh ở khu vực này.
Viện nghiên cứu được chính phủ tài trợ cho biết trong báo cáo rằng tỷ lệ sinh ở Tân Cương đã giảm gần một nửa từ năm 2017 đến năm 2019, và các khu dân cư gồm chủ yếu là người Uyghur hoặc sắc dân thiểu số khác có mức giảm mạnh hơn nhiều so với các nơi khác.
Trung Quốc cho rằng những thay đổi về tỷ lệ sinh có liên quan đến việc cải thiện chính sách kinh tế và y tế, và nước này mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng.
ASPI "ngụy tạo dữ liệu và bóp méo sự thật", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 13/5.
Phân tích của ASPI dựa trên dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, bao gồm số liệu dân số khu vực được công bố hồi tháng 3.
Báo cáo của ASPI cho biết rằng tỷ lệ sinh ở các nơi có 90% dân số bản địa trở lên giảm trung bình 56,5% trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2018, nhiều hơn hẳn so với các khu vực khác ở Tân Cương và Trung Quốc trong cùng thời kỳ.
ASPI nói rằng việc phạt tiền, giam giữ hoặc đe dọa giam giữ là các phương pháp được chính quyền sử dụng để hạn chế sinh đẻ.
Chính phủ Hoa Kỳ và quốc hội các nước trong đó có Anh và Canada cho rằng các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương phạm tội diệt chủng.
Biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Canada ở Washington kêu gọi Canada và các nước coi việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là phạm tội diệt chủng. Ảnh chụp ngày 19/02/2021. REUTERS - LEAH MILLIS |
Mỹ, Anh và Đức hôm qua 12/05/2021 kêu gọi Trung Quốc ngưng đàn áp người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuyên bố trên được đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến tại Liên Hiệp Quốc.
Theo AFP, trong phiên họp do ba nước phương Tây và tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đồng tổ chức, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, khẳng định "ở Tân Cương, người dân bị tra tấn, phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản", nhiều người phải làm việc đến kiệt sức. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục phản đối và lên tiếng cho đến khi chính phủ Trung Quốc chấm dứt tội ác chống nhân loại và ngưng nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, Barbara Woodward, cũng nói "đã có bằng chứng về các vụ bắt giữ tùy tiện hàng loạt, các vụ mất tích do bị cưỡng chế và các vụ tra tấn (...) cưỡng bức lao động và triệt sản hàng loạt". Còn đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Tuyên ngôn nhân quyền và phá bỏ các trại giam, không ngăn cản Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới Tân Cương. Trong khi đó, HRW kêu gọi tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc gây sức ép để Trung Quốc "chấm dứt tội ác chống lại loài người", chống lại các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ đề nghị của Washington, Luân Đôn và Berlin, coi đó là những lời nói dối và những định kiến mang tính chính trị.
Mỹ : Trung Quốc hăm dọa các nhà lãnh đạo tôn giáo
Cũng trong ngày thứ Tư 12/05, bộ Ngoại Giao Mỹ ra báo cáo thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tố cáo Trung Quốc quấy rối và đe dọa các nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước, ngăn cản họ nói chuyện với các quan chức Mỹ. Washington còn chỉ trích Bắc Kinh về việc thường xuyên không chấp thuận hoặc hoãn yêu cầu của các quan chức Hoa Kỳ về việc đến thăm các địa điểm tôn giáo. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng thường xuyên ghi nhận báo cáo về tình trạng nhiều tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc mất mạng trong khi bị giam giữ, tra tấn và ngược đãi trong tù.
Quan chức Trung Quốc bị trừng phạt vì đàn áp tôn giáo
Báo cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua cho biết Washington đã trừng phạt một quan chức đảng Cộng Sản Trung Quốc vì có liên quan đến việc “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, cụ thể là việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ”. Theo ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Yu Hui, cựu giám đốc Cơ quan trung ương về ngăn ngừa và đối phó với dị giáo, ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã áp đặt chế tài lên một số quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighur ở tỉnh Tân Cương. |
Mỹ sẽ thúc giục Nhóm Bảy nước đồng minh gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc nước này, nơi sinh sống của người Uighur thiểu số theo Hồi giáo, Reuters đưa tin, dẫn lời một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đích thân tham dự một cuộc họp của các nền kinh tế tiên tiến G7 tại Anh vào tháng Sáu, nơi ông dự kiến sẽ tập trung vào điều mà ông coi là sự ganh đua chiến lược giữa các nền dân chủ và các quốc gia chuyên quyền, đặc biệt là Trung Quốc.
Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden và phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói cuộc họp G7 ở Cornwall sẽ tập trung vào an ninh y tế, sự ứng phó kinh tế đồng bộ đối với đại dịch COVID-19, các hành động cụ thể về biến đổi khí hậu và “nâng cao các giá trị dân chủ mà các nước G7 cùng chia sẻ.”
“Đây là những đồng minh cùng chí hướng và chúng tôi muốn có những hành động hữu hình và cụ thể cho thấy chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện đối với các nền kinh tế phi thị trường, chẳng hạn như Trung Quốc,” ông Singh, người đang giúp điều phối cuộc họp, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
“Thách thức lớn đối với G7 là chứng tỏ rằng các xã hội cởi mở, các xã hội dân chủ vẫn có cơ hội tốt nhất để giải quyết các vấn đề lớn nhất trong thế giới của chúng ta, và các chế độ chuyên quyền từ trên xuống không phải là con đường tốt nhất.”
Ông Singh nói Washington đã có những hành động mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nhưng sẽ tìm cách mở rộng nỗ lực với các đồng minh G7. Các chế tài chung nhắm vào các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm tại tỉnh này đã được Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada công bố vào tháng trước.
Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền và đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình nhắm vào EU.
Ông Singh cho biết các chi tiết vẫn đang được thảo luận trước cuộc họp, nhưng hội nghị thượng đỉnh cho các đồng minh của Mỹ một cơ hội thể hiện sự đoàn kết về vấn đề này.
“Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm của mình rằng người tiêu dùng của chúng tôi xứng đáng được biết khi nào hàng hóa nhập khẩu được sản xuất bằng lao động cưỡng bức,” ông nói. “Các giá trị của chúng ta cần được đưa vào trong các mối quan hệ giao thương của chúng ta.”
Ông nói Washington sẽ thúc giục G7 thực hiện các bước rõ ràng “để nâng cao các giá trị chung của chúng ta, trong tư cách các nền dân chủ, và những điều đó chắc chắn áp dụng cho những gì đang diễn ra ở Tân Cương.”
Các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị cầm giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản. Trung Quốc nói các trại này có mục đích đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Nhà Trắng ngày thứ Sáu nói ông Biden sẽ tới Vương quốc Anh và Bỉ vào tháng Sáu cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, bao gồm chặng dừng chân tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Vương quốc Anh, từ ngày 11 đến 13 tháng 6.
Cảnh sát đi tuần tra tại thành phố Kashgar, vùng tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, ngày 04/11/2017. AP - Ng Han Guan |
Hai quan chức cao cấp người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị Tân Cương đã bị kết án tử hình vì có "những hoạt động ly khai", theo thông báo của chính quyền địa phương tối qua, 06/04/2021. Bản án được đưa ra vào lúc Bắc Kinh bị quốc tế lên án ngày càng nặng nề về việc đàn áp thiểu số theo Hồi Giáo tại vùng này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình:
" Đó là những quan chức có liên hệ đến hai ngành nhạy cảm là Tư Pháp và Giáo Dục bị đưa ra xử trước tòa án nhân dân cấp cao Tân Cương. Shirzat Bawudun, cựu lãnh đạo Sở Tư pháp Tân Cương, bị tuyên án tử hình với 2 năm được hưởng án treo, vì bị cáo buộc đã có âm mưu với Phong trào Hồi Giáo Đông Turkestan (tên mà những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đòi độc lập gọi vùng Tân Cương), cũng như đã nhận hối lộ và đã có những hoạt động ly khai, theo lời phó chánh án của tòa.
Theo Tân Hoa Xã, vị phó chánh án này còn cáo buộc Shirzat Bawudun đã cung cấp "các thông tin cho các thế lực ngoại bang" và đã tiến hành "những hoạt động tôn giáo trái phép" khi làm đám cưới cho con gái.
Tham nhũng, ly khai cũng là những cáo buộc nhắm vào Sattar Sawut. Cựu giám đốc sở Giáo Dục Tân Cương cũng đã lãnh án tử hình với hai năm hưởng án treo, vì đã cho phép đưa vào các sách giáo khoa bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ những nội dung bị xem là cổ vũ cho xu hướng ly khai sắc tộc, khủng bố và cực đoan Hồi Giáo. Theo tòa, chính những sách giáo khoa này đã kích động các vụ bạo loạn ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, năm 2009.
Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đề cập đến việc phát hành một phim tài liệu thứ tư do đài truyền hình nhà nước thực hiện nói về việc chống khủng bố ở vùng tự trị Tân Cương.
Tại Trung Quốc, các án tử hình treo thường được giảm xuống thành án tù chung thân."
Trong khi đó tại Ý, đang có tranh cãi về việc có nên xem là Trung Quốc đang phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay không, làm gia tăng áp lực lên chính phủ liên minh của thủ tướng Mario Draghi, vốn vẫn chống lại việc này. Hôm nay, ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc Hội Ý sẽ biểu quyết về nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và gọi đó là hành động "diệt chủng".
Còn Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Ankara lên sau khi trên mạng Twitter sứ quán Trung Quốc đả kích hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Mỹ sẽ bàn với các đồng minh về tẩy chay TVH Bắc Kinh
Hôm qua, 07/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo là Washington sẽ thảo luận với các nước đồng minh về khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022. Tuy nhiên, ông Ned Price không nói rõ lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề này. Chính quyền tổng thống Biden vẫn không loại trừ khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, nhưng chưa đưa ra định hướng dứt khoát.
Nhiều tổ chức nhân quyền và chính khách Cộng Hòa gần đây đã liên tục kêu gọi Mỹ tẩy chay sự kiện thể thao này, để phản đối việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Về phần mình, Bắc Kinh vẫn lên án những lời kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội, cũng như bác bỏ cáo buộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, xuống đường phản đối chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, 08/03/2021. Reuters - Murad Sezer |
Những trẻ em có khi chỉ mới 5 tuổi đã bị tách khỏi cha mẹ và bị giam giữ trong các trại của chính phủ Trung Quốc. Đó là tố cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế trong một báo cáo được công bố ngày 18/03/2021.
Trong báo cáo mới này, Ân Xá Quốc Tế nêu lên tình cảnh của nhiều gia đình Duy Ngô Nhĩ lưu vong và bị chia cắt với những đứa con còn ở lại Tân Cương. Do các nhà hoạt động nhân đạo không thể vào được vùng Tân Cương, tổ chức bảo vệ nhân quyền này chỉ có thể tiếp xúc và thu thập lời kể của 6 gia đình người Duy Ngô Nhĩ đã đào thoát sang Úc, Canada, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi buộc phải giao con cái cho người thân chăm sóc. Tất cả đều bày tỏ nỗi đau vì phải sống chia cách với con cái, mà một số chỉ mới 5 tuổi và bị giam trong "trại mồ côi".
Trong báo cáo, Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho toàn bộ những trẻ em bị giam trong các trại mồ côi của chính phủ mà không có sự đồng ý của gia đình. Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Cécile Coudriou, chủ tịch Ân Xá Quốc Tế Pháp, xem hành động đó của Trung Quốc là một sự vi phạm quyền của trẻ em "không thể chấp nhận" : " Bố mẹ lâm vào tình cảnh khó xử kinh khủng, buộc phải sống lưu vong bởi vì họ bị bách hại ở Tân Cương. Họ đã phải giao con cái cho gia đình chăm sóc, nhưng những người thân này lại cũng bị giam trong các trại tập trung. Lẽ ra các em đó phải được giam chung với họ. Thế mà thực tế không phải như vậy".
Theo bà Cécile Coudriou, những trại mồ côi đó cũng chính là những trại cải tạo để khiến các em đó mất đi văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Chủ tịch Ân Xá Quốc Tế Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Bắc Kinh để buộc họ cho tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này.
Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài một đền thờ Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ, tại Tân Cương. AFP - Johannes Eisele |
Từ năm 2018, Bắc Kinh âm thầm lập kế hoạch để làm « tan biến » sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ. Cùng lúc này, Tập Cận Bình giương bàn tay thép, mở chiến dịch thanh trừng trong các lực lượng an ninh quốc gia nhằm củng cố quyền lực. Những chủ đề này được L’OBS và The Economist lần lượt phản ảnh qua các bài viết « Người Duy Ngô Nhĩ : Một tấn bi kịch » và « Thanh trừng trong ngành an ninh Trung Quốc có ý nghĩa gì ».
Người Duy Ngô Nhĩ : Một tấn bi kịch
Trang bìa tuần báo L’OBS chạy tít lớn : « Duy Ngô Nhĩ : Một cuộc diệt chủng bị che giấu ». Tờ báo cho rằng dù có che giấu kỹ đến mấy, nhưng cùng với năm tháng, những hành động tàn nhẫn của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng bị phơi bày.
Các nhân chứng, những tài liệu rò rỉ cho thấy chế độ cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã có hẳn một kế hoạch để nô lệ hóa một cách có hệ thống 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, chiếm đa số ở Tân Cương.
Bài xã luận đề tựa « Duy Ngô Nhĩ : Nỗi thống khổ của một dân tộc » của L’OBS lên án Bắc Kinh không từ bỏ một thủ đoạn « dã man » nào để « tận diệt hoàn toàn hay một phần sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ ». Từ việc cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện hơn một triệu người trong các trại tập trung, hãm hiếp có hệ thống, cưỡng bức triệt sản, cho đến tăng cường chính sách Hán hóa bằng cách phá hủy các dấu tích văn hóa, ép buộc các gia đình Duy Ngô Nhĩ phải chứa những « anh em người Hán » ngay trong nhà…
Đối với L’Obs, đây là « Một tấn bi kịch cho người Duy Ngô Nhĩ ». Lời thuật của Gulbahar Haitiwaji, 54 tuổi, « Người trở về từ trại lao cải », may mắn thoát được cảnh địa ngục trần gian sau khi được chính phủ Pháp can thiệp, về một câu chuyện do một người bạn tù lén lút kể lại, như là một lời chứng bi ai:
« Một ngày nọ tôi thấy một quản giáo người Duy Ngô Nhĩ. Anh thanh niên này đối mặt với một ông già mà họ vừa dẫn vào trại. Đó là cha của anh. Người thanh niên đứng sững sờ. Người Trung Quốc ra lệnh : ʺĐánh hắn điʺ. Anh ta giơ cao chiếc gậy dùi cui và hạ giọng nói : ʺCha tha lỗi cho conʺ. Người cha trả lời : ʺNày con, hãy làm công việc của con đi. »
Nam Khai : Kế hoạch làm « tan biến » sắc tộc Duy Ngô Nhĩ
Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, thuộc The Jamestown Foundation, cảnh báo sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả những biện pháp trên đã làm cho Bắc Kinh hài lòng và cảm thấy yên tâm. Làm « tan biến » sắc tộc Duy Ngô Nhĩ mới là bước đi quan trọng kế tiếp.
Chiến thuật dài hạn này được ba học giả Trung Quốc trường đại học Thiên Tân vạch ra trong một báo cáo mật năm 2018, mang tên là « Nam Khai » (Nankai), mà L’Obs cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác như BBC (Anh), Suddeutsche Zeitung (Đức) và The Globe and Mail (Canada), đã may mắn tham khảo được.
Theo bản báo cáo, những biện pháp đang áp dụng là cần thiết nhưng chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Các tác giả đánh giá rằng người Duy Ngô Nhĩ là « cổ hủ, ít học, tư tưởng hẹp hòi, tôn sùng tôn giáo thái quá, thậm chí là quá bám chặt vào những giá trị tâm linh, ít quan tâm đến các giá trị vật chất, không tích cực lao vào những công việc nặng nhọc, hay không hăng hái kiếm tiền… »
Sự « thiếu năng động này » đã ngăn cản họ tiếp cận với xã hội hiện đại, khuyến khích « niềm tin sai lệch cho rằng nhóm sắc tộc nào thì sở hữu vùng lãnh thổ đó ». Với ba vị chuyên gia này, hệ quả của « việc thiếu đồng nhất hóa với Quốc gia - Giống nòi Trung Hoa » là một « mối đe dọa nghiêm trọng cho sự bình ổn của đất nước. »
Thế nên, lấy danh nghĩa « giảm tình trạng nghèo khổ », ba học giả Trung Quốc khuyến nghị cần phải cải huấn họ bằng cách chuyển dịch nguồn nhân công, cưỡng ép đưa từng nhóm hàng chục ngàn thanh niên Duy Ngô Nhĩ bằng tầu lửa, đến lao động tại những khu công nghiệp cho các hãng lớn của Trung Quốc.
Kế hoạch làm « tan biến » nhóm sắc tộc thiểu số được cho là « cứng đầu » này đã được tiến hành ngay từ năm 2018. Song song đó, chính quyền trung ương đưa hàng trăm ngàn người Hán đến làm việc tại những khu công nghiệp mới được thành lập ở Tân Cương.
Ba vị chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra kết luận rằng những công nhân được đào tạo theo phong cách « quân sự » cho thấy cực kỳ có kỷ luật, biết vâng lời, sẵn sàng làm thêm giờ không đòi hỏi lương. Và họ có thể làm việc với một mức lương rẻ hơn so với nhân công người Hoa, điều có thể hấp dẫn các chủ nhà xưởng Trung Quốc.
« Cải huấn », « văn minh hóa » trá hình ? Một chính sách nô lệ hóa một dân tộc của mình ngay trong lòng đất nước ? Sử gia James Millward, chuyên nghiên cứu về Tân Cương, trả lời L’OBS nhắc lại triều đại Mãn Thanh thế kỷ XVIII, khi đến chinh phục Tân Cương, đã để cho thành phần ưu tú địa phương tự quản lãnh thổ. Trên bình diện toàn quốc, triều đình Mãn Thanh bảo vệ chiếc nôi Duy Ngô Nhĩ, nam Tân Cương chống lại dòng di dân người Hán nhằm tránh xung đột, trái ngược hẳn với những gì chế độ cộng sản đang làm.
James Millward cảnh báo, khi chọn giải pháp mạnh, không bao dung với đa dạng văn hóa, và nhất là khi tin rằng cách « nhồi sọ » có thể làm thay đổi suy nghĩ người dân, Tập Cận Bình có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc « diệt chủng », hay chí ít cũng là « tội ác chống nhân loại » từ thế giới.
Tập Cận Bình chống tham nhũng hay triệt đối thủ tiềm tàng ?
Tàn nhẫn với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng Tập Cận Bình cũng không nương tay với hàng ngũ của mình. Mượn cớ chống tham nhũng, lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay thanh trừng những ai không trung thành với đảng và với ông. The Economist cho biết « Các cơ quan an ninh Trung Quốc đang hứng chịu một đợt thanh trừng ồ ạt ».
Ngày 27/02/2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch thanh trừng được báo trước từ lâu nhắm vào hàng ngũ các lực lượng an ninh nội địa như cảnh sát, mật vụ, hệ thống tư pháp và nhà tù - một lực lượng đông đến gần 3 triệu nhân viên công lực. Chiến dịch này được truyền thông trong nước mô tả là lớn nhất từ cuối những năm 1990. Mục tiêu là nhằm bảo đảm rằng các cơ quan an ninh « tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch và tuyệt đối đáng tin cậy ».
Với nhiều quan chức Trung Quốc, chiến dịch này sẽ giống như đợt « vận động chỉnh phong Diên An » đầu những năm 1940. Vào thời điểm đó, nhằm củng cố quyền lực, Mao Trạch Đông đã cho tiến hành thanh lọc triệt để và bạo lực trong hàng ngũ phe nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản.
Nếu như một trong những mục tiêu chính của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt « tầm ảnh hưởng nguy hại » của Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh nội địa, hiện đang thọ án tù chung thân từ năm 2015 với các tội danh tham nhũng, phát tán bí mật quốc gia, thì theo The Economist, cuộc thanh trừng mới này còn hàm chứa nhiều thông điệp rõ ràng.
Thứ nhất là ông Tập ham muốn quyền lực. Chiến dịch này sẽ kết thúc đúng trước kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc 5 năm một lần. Gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ nhân sự kiện chính trị lớn này để kéo dài thời gian cầm quyền thêm 5 năm nữa, bất chấp quy ước theo đó các tổng bí thư không nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ 5 năm. Việc siết chặt kiểm soát các lực lượng an ninh nội địa sẽ giúp ông đè bẹp mọi sự phản đối sự thay đổi đó.
Tiếp đến, sự kiện làm nổi rõ một lý do khác, quan trọng hơn và đáng được chú ý. Đành rằng Trung Quốc, dưới một nền chuyên chế mỗi ngày một cứng rắn, trỗi dậy mạnh mẽ không ngừng, nhưng vòng xoáy chính trị luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, có thể làm thay đổi quỹ đạo của đất nước.
Người ta còn nhớ vụ bắt giữ bà Giang Thanh, vợ góa của Mao Trạch Đông, cùng bè lũ « bốn tên » năm 1976 ; cuộc đấu tranh đưa Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền hai năm sau đó ; những chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc làm trỗi dậy các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đổ máu chính trị nhằm gạt trừ mọi đối thủ của Tập Cận Bình trước khi đăng quang. Ngần ấy cú sốc gây nhiễu loạn đất nước, thiết nghĩ không thể bỏ qua.
Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội năm tới, những mảng tối dày đặc của nền chính trị Trung Quốc đáng được soi xét kỹ. Một phần chỉ vì ông Tập Cận Bình thách thức các quy định. Bởi vì khi bác bỏ nguyên tắc hiện đại, theo đó lãnh đạo Trung Quốc chỉ nắm vị trí cao nhất không quá 2 nhiệm kỳ, ông Tập đã thâu tóm nhiều đòn bẩy quyền lực hơn bất kỳ ai kể từ thời Mao Trạch Đông.
Đó cũng chính bởi vì, dưới thời Tập Cận Bình, chế độ này còn trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Chỉ có điều, một sự bí mật như thế còn làm cho một chính phủ ít có trách nhiệm với công dân của mình và ngày càng trở nên khó lường hơn cho thế giới.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Lời giải nào của Joe Biden ?
Cũng trong khu vực Đông Bắc Á, l’Express có bài viết nhận định « Bắc Triều Tiên, một bài toán hạt nhân hóc búa khác cho Joe Biden ». Sau thất bại của chiến lược « mặc cả » của Donald Trump - phi hạt nhân hóa để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận - tân chính quyền Washington giờ lúng túng tìm một hướng đi.
Sau thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, mọi cuộc đàm phán đều rơi vào bế tắc. Giữa Washington và Bình Nhưỡng hiện nay là một sự nghi kỵ tuyệt đối. Làm thế nào để đưa Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán ?
Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc, cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ rất cam go. Lãnh đạo Kim Jong Un tuy vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo, đòi phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, dỡ bỏ lệnh cấm vận và ngưng chỉ trích về những vi phạm nhân quyền.
Nếu như « thỏa thuận hạt nhân Iran » trước đây từng được xem như là một hình mẫu cho hồ sơ Bắc Triều Tiên, thì nay tân chính quyền Biden dường như đang nhắm đến một cách tiếp cận từng bước và đa phương. Chủ đề này đã được ông Biden đề cập đến với các đồng minh trong khu vực. Chỉ còn lại một câu hỏi muôn thuở cần phải trả lời : Tại sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải từ bỏ một kho vũ khí được xây dựng từ nhiều thập niên và thiết yếu cho sự sống còn về mặt chính trị của ông ấy ?
Miến Điện : Đất nước đã đổi thay, nhưng quân đội thì không
Một số tuần báo Pháp tiếp tục quan tâm đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. The Economist lấy làm lo lắng về việc « quân đội Miến Điện đáp trả các cuộc biểu tình mỗi lúc một thô bạo ». Ngày 03/03/2021 là một ngày « đen tối », vì ít nhất có 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống quân đội đảo chính.
Bài phân tích có tựa đề « Tại Miến Điện, đất nước đã đổi thay, nhưng quân đội thì không » trên trang mạng Asia Times Online được Courrier International trích dịch lại, đặt câu hỏi : Khi sử dụng những chiêu thức cũ để nắm lại quyền lực, liệu điều đó có đủ cho quân đội đối mặt với một xã hội đã bị chuyển đổi sau 10 năm dân chủ hóa ?
Bài viết dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Htwe Htwe Thein, người Miến Điện, hiện đang giảng dạy tại đại học Curtin của Úc, cho rằng giới quân nhân « ham muốn bám víu quyền lực là chỉ để bảo vệ lợi ích kinh tế hơn là vì lòng yêu nước. Trong vòng nhiều thập kỷ, quân đội vơ vét một khối tài sản bởi vì họ kiểm soát bộ máy hành chính và đã thiết lập một thế gần như độc quyền trong nhiều lĩnh vực chủ chốt. »
Việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) thắng lớn trong kỳ bầu cử tháng 11/2020, có nguy cơ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phi quân sự hóa bắt đầu từ năm 2015. Vẫn theo nhà nghiên cứu, dự án phi quân sự hóa xã hội Miến Điện đã vượt qua một bước mới với việc « Vụ Quản lý hành chính tổng hợp vốn dĩ thuộc quyền quản lý của bộ Nội Vụ (do quân đội kiểm soát) đã được chuyển qua khối dân sự năm 2019 ».
Nếu như tất cả những cuộc phản kháng trong quá khứ bị quân đội « nghiền nát » không chút thương tiếc, thì lần này, người dân Miến Điện, sau 10 năm mở cửa chính trị và xã hội, không còn sợ hãi để nói lên những gì họ nghĩ, cũng như là xuống đường bày tỏ thái độ thù nghịch với quân đội.
Bổn cũ soạn lại, quân đội Miến Điện tìm cách gieo rắc bất ổn khi thả tù nhân tội phạm, kích động hận thù tôn giáo gây rối loạn chung nhằm biện minh cho việc quân đội nắm giữ quyền lực. Tờ báo Hồng Kông dự đoán, bước kế tiếp rất có thể sẽ là đúc kết một thỏa thuận với một số nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang như đã từng làm trong những năm 1990, để chứng tỏ rằng giới tướng lĩnh tìm cách bảo đảm « hòa bình trong nước ».
Liệu rằng tướng Min Aung Hlaing và quân đội của ông có khuất phục được người biểu tình bằng sức mạnh và bạo lực hay không ? Một điều chắc chắn là chừng nào quân đội vẫn cầm quyền thì họ vẫn và sẽ bị quốc tế cô lập !
Chuyển đổi sinh thái và cái giá phải trả
Trong lĩnh vực môi trường, Courrier International trên trang bìa đề tít lớn cảnh báo : « Mặt tối của chuyển đổi sinh thái ». Tuần báo Pháp trích dịch một số bài viết từ các báo nước ngoài cho biết năng lượng tái tạo và tái chế rác thải đòi hỏi một cái giá phải trả về kinh tế và môi trường không phải là nhỏ.
Vào lúc các lãnh đạo chính phủ và nguyên thủ các nước như Anh, Pháp, Mỹ thông báo tiến hành cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có nhiều câu hỏi đặt ra : Cuộc cách mạng xanh có thể tồn tại ? Với những điều kiện nào ?
Những câu hỏi này đáng được nêu lên khi mà để có được những chiếc cánh quạt gió nhẹ và bền cho năng lượng gió, thì có bao nhiêu cây gỗ bấc tại Ecuador bị đốn hạ vô tội vạ như phản ảnh của The Economist. Cuộc đua năng lượng tái tạo cũng gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác, chiết tách các loại đất hiếm - được biết đến là có lực từ trường cao - rất cần thiết cho việc sản xuất ra các động cơ quạt gió.
The Daily Telegraph đưa ra những con số khá ấn tượng : Động cơ cho chiếc quạt gió Haliade-X, cánh quạt dài 107m, có chiều cao tổng cộng là 260 mét, và năng suất đạt được là 12MW, được triển khai ngoài khơi nước Anh hiện nay, cần đến 7 tấn nam châm thường trực. Một phần ba nguyên liệu cần thiết một thỏi nam châm cân nặng gần 650 kg cho một megawatt được tạo ra là từ nhiều loại đất hiếm.
Khía cạnh tái xử lý chất thải cũng có nhiều vấn đề cần xem xét lại. Ở mức độ nào tái chế chất thải là hữu ích, chính là câu hỏi của The Atlantic. Bởi vì, với những vật liệu không thích hợp như nhựa và các cơ sở sàng lọc, chế biến chất thải vẫn chưa đạt chuẩn, việc tái xử lý chất thải có lẽ cũng chẳng có mấy hiệu quả cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Beth Porter, tác giả một tập sách về môi trường, cảnh báo việc quá chú trọng vào tái xử lý chất thải có nguy cơ đánh lạc hướng sự chú ý của chúng ta về việc phải ưu tiên cái nào nên « giảm và tái sử dụng ».
Ảnh minh họa : Thương hiệu H&M của Thụy Điển bị tẩy chay ở Trung Quốc do quyết định ngưng sử dụng bông vải Tân Cương. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, ngày 29/03/ 2021. AP - Ng Han Guan |
Bị phương Tây, cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Mỹ và Canada, trừng phạt về tội đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc đã lập tức trả đũa. Tuy nhiên, các biện pháp mà Bắc Kinh áp dụng đi xa hơn là những quyết định “ăn miếng trả miếng” đơn thuần về mặt ngoại giao, mà còn nhắm mục tiêu “bịt miệng” những người phê phán Trung Quốc dữ dội nhất. Bên cạnh đó vũ khí tẩy chay thương mại cũng được tung ra đồng thời để tăng cường áp lực.
Trừng phạt cá nhân
Cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ bùng lên ngày 22/03/2021 khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) công bố quyết định trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc vì các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, liên quan đến các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.
Trong số các cá nhân bị trừng phạt, nổi bật nhất là ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Công An Tân Cương. Thực thể Trung Quốc bị trừng phạt là Binh Đoàn Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (XPCC) - một tổ chức kinh tế và bán quân sự trong vùng. Ngoài Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada cũng gần như cùng lúc loan báo các quyết định trừng phạt của mình
Bắc Kinh đã lập tức quyết định đáp trả các động thái của phương Tây. Ngay hôm 22/03, Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc" liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Sau đó đến ngày 26/03, Bắc Kinh thông báo tiếp lệnh trừng phạt nhằm vào 4 thực thể và 9 công dân Anh, trong đó có cả các nhà lập pháp, luật sư và doanh nhân mà họ cho là “nói dối và gieo rắc thông tin sai lệch” về những hành động của Trung Quốc ở Tân Cương. Trong số này, có cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith và Ủy Ban Nhân Quyền đảng Bảo Thủ Anh Quốc.
Và đến hôm 27/03 vừa qua, 3 cá nhân và một tổ chức của Mỹ và Canada đã trở thành đối tượng mới nhất bị Bắc Kinh trừng phạt. Bị Trung Quốc nhắm tới là chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo QuốccTế Mỹ (USCIRF) Gayle Manchin cùng với ông Tony Perkins, phó chủ tịch. Đối với Canada, người bị Bắc Kinh tấn công là dân biểu Michael Chong và Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Tế thuộc Hạ Viện Canada.
Bịt miệng những tiếng nói vạch trần hành vi trấn áp
Đối với giới phân tích, có một khác biệt rõ nét trong cách trừng phạt của phương Tây và trả đũa của Trung Quốc. Theo báo Le Monde ngày 26/03, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Vương Quốc Anh và Canada đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nhà lãnh đạo trong quá khứ hoặc hiện tại của vùng Tân Cương, trong khi Trung Quốc lại nhắm vào các học giả hay chính khách đã vạch trần chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Đối với Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, Trung Quốc xử phạt trước tiên mười nhân vật châu Âu, bao gồm năm nghị sĩ của Nghị viện châu Âu. Tất cả đều bị cáo buộc "truyền bá lời nói dối" dựa trên các nghiên cứu mà Trung Quốc cho là thiên vị. Tất cả đều là những người tích cực đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ.
Hai nhân vật tiêu biểu mà Bắc Kinh muốn bịt miệng là học giả người Đức Andrien Zenz, tác giả nhiều công trình tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương, và nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphaël Glucksmann, đã không ngừng lên án chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.
Ý đồ bịt miệng những tiếng nói đanh thép nhất vạch trần các hành vi của Trung Quốc cũng được thấy trong việc Bắc Kinh đã mở rộng các biện pháp trừng phạt sang 9 người Anh, bao gồm cả các nghị sĩ cấp cao, cũng như 4 thực thể, trong đó có Ủy Ban Nhân Quyền của đảng Bảo Thủ của thủ tướng Boris Johnson, cũng như cựu lãnh đạo của đảng này, Iain Duncan Smith.
Thủ tướng Anh đã vạch trần ý đồ này của Trung Quốc khi nói rằng những người Anh bị nhắm trong các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đóng một "vai trò quan trọng" trong việc tố cáo "những vi phạm thô bỉ" đối với nhân quyền.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc phương Tây là nguồn gốc của các hành động thù địch. Bà nói, Trung Quốc chỉ có thể "đối phó với họ theo cách mà họ hiểu và ghi nhớ".
Chiến dịch tẩy chay
Ngoài các biện pháp trả đũa nhắm vào các học giả và chính khách Âu Mỹ có lập trường phê phán Trung Quốc, Bắc Kinh lần này không ngần ngại bật đèn xanh cho chiến dịch tẩy chay các thương hiệu đã đáp ứng lời kêu gọi tẩy chay bông vải sản xuất bằng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.
Mỹ là nước nhạy bén nhất trong việc tố cáo chiến dịch tẩy chay mà Trung Quốc khởi động. Ngay khi nắm được thông tin, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Jalina Porter tuyên bố: "Hoa Kỳ lên án chiến dịch do Nhà nước Trung Quốc tiến hành trên các mạng xã hội, và việc tẩy chay các công ty và người tiêu dùng nhắm vào các doanh nghiệp, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, vì đã quyết định không sử dụng bông từ Tân Cương, sản phẩm của lao động cưỡng bức", Washington như thế "ủng hộ" các doanh nghiệp trên.
Theo các nghiên cứu do các trung tâm tham vấn của Mỹ và Úc công bố, nhưng bị Bắc Kinh bác bỏ, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các "trại" ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, và một số bị "lao động cưỡng bức", đặc biệt là trên các cánh đồng bông. Washington cho rằng việc đàn áp thiểu số Hồi Giáo này cấu thành "tội ác diệt chủng". Một số công ty hàng may mặc sẵn như H&M của Thụy Điển, hay Uniqlo của Nhật Bản, hiệu giầy Nike của Mỹ, Adidas của Đức đã cam kết vào năm ngoái sẽ tẩy chay vải bông từ Tân Cương - khu vực chiếm gần 1/5 sản lượng toàn cầu và cung cấp cho nhiều đại gia quần áo.
Phong trào tẩy chay sản phẩm các công ty này đã bùng lên trong những ngày qua, mà bị nặng nhất là hãng H&M của Thụy Điển, đã chứng kiến sản phẩm của họ bị rút khỏi các trang bán hàng trực tuyến chính của Trung Quốc vào hôm thứ Tư, 24/03. Qua thứ Sáu, thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã ủng hộ doanh hiệu số hai thế giới về quần áo, thực hiện hơn 5% doanh thu tại Trung Quốc. Ông nói: " Rất tốt khi các công ty chịu trách nhiệm về điều kiện làm việc của nhân viên trên toàn thế giới ".
Tình hinh căng thẳng thêm với sự kiện một số diễn viên và ca sĩ Trung Quốc loan báo rằng họ sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Nike, Adidas, Uniqlo, Converse hoặc thậm chí là Calvin Klein, mà họ là đại sứ. Nạn nhân mới nhất là Hugo Boss và Burberry.
Dù chính quyền Trung Quốc không đích thân lên tiếng, nhưng một dấu hiệu cho thấy rõ sự can thiệp của chính quyền khi chính Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc đã phát động các hành động tẩy chay.
Logo thương hiệu H&M |
Giới chức Trung Quốc hôm 29/3 cho biết công ty H&M của Thụy Điển và các công ty nước ngoài khác không nên thực hiện các động thái nóng vội hoặc tham gia vào chính trị sau khi các công ty này nêu quan ngại về việc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội trên mạng và nạn tẩy chay, theo Reuters.
Kể từ tuần trước các công ty H&M, Burberry, Nike, Adidas và các thương hiệu phương Tây khác đã bị ảnh hưởng bởi sự tẩy chay của người tiêu dùng ở Trung Quốc vì những tuyên bố về nguồn cung cấp bông của họ ở Tân Cương. Căng thẳng ngày càng gia tăng sau khi Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác gia tăng áp lực lên Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền trong khu vực này.
Ông Xu Guixiang, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương. |
Ông Xu Guixiang, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương, cho biết tại một cuộc họp báo vào sáng ngày 29/3: “Tôi không nghĩ rằng một công ty nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình. Liệu H&M có thể tiếp tục kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc hay không? Chắc là không.”
“Việc vội vàng đưa ra quyết định này và vướng vào các chế tài là không hợp lý. Nó giống như tự ném đá vào chân mình,” ông nói.
Tuần trước, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bắt đầu lan truyền một tuyên bố năm 2020 của công ty H&M thông báo rằng họ sẽ không sử dụng bông từ Tân Cương nữa.
Công ty H&M cho biết quyết định vào thời điểm đó là do những khó khăn trong việc tiến hành thẩm định độ tin cậy trong khu vực và sau khi truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương - một cáo buộc mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận.
Ông Elijan Anayat, một phát ngôn viên khác của chính quyền Tân Cương, cho biết trong cuộc họp báo rằng người Trung Quốc không muốn sản phẩm của các công ty như H&M và Nike, các công ty đã tẩy chay bông của Tân Cương. Ông nói rằng ông sẽ hoan nghênh các công ty tham gia các chuyến đi đến các cánh đồng bông của khu vực để tận mắt chứng kiến.
Hoa Kỳ lên án các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc
Hôm 26/3, Washington lên án điều mà họ gọi là một chiến dịch truyền thông xã hội do nhà nước lãnh đạo ở Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các công ty quốc tế khác vì các công ty này cam kết không sử dụng bông từ Tân Cương.
Từ trước đến nay Hoa Kỳ công khai cáo buộc Bắc Kinh diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo Uighur trong khu vực.
Ông Xu liên tục bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và nạn vi phạm nhân quyền trong khu vực và cáo buộc các cường quốc phương Tây đang tham gia thao túng chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Ảnh minh họa : Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet trong một cuộc họp báo tại trụ sở LHQ, Genève. Ảnh chụp 09/12/2020. REUTERS - DENIS BALIBOUSE |
Phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 26/02/2021, bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã tố cáo Trung Quốc về các hành động hạn chế các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản nhân danh an ninh quốc gia và các biện pháp chống Covid-19. Bà đặc biệt nêu bật vấn đề Tân Cương, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc.
Theo hãng tin Anh Reuters, bà Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận là tại Trung Quốc: “Các nhà đấu tranh, giới luật sư và những người bảo vệ nhân quyền, cũng như một số công dân nước ngoài, đã bị cáo buộc hình sự, giam giữ một cách tùy tiện hoặc xét xử không công bằng”.
Đề cập đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc, bà Bachelet cho rằng trước các báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, đối xử hà khắc, bạo lực tình dục và lao động cưỡng bức, cần phải có một đánh giá toàn diện và độc lập về tình hình.
Cao Ủy Nhân Quyền bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về một chuyến đi Trung Quốc. Phải lần ngược về năm 2005 mới thấy một Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - lúc đó là bà Louise Arbour - đến thăm Trung Quốc.
Theo giới hoạt động nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, đã có ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi bị giam giữ trong các trại lao cải ở Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc, khẳng định rằng đó là các trại huấn nghệ cần thiết để chống lại chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan.
Nhân khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Trung Quốc đã liên tiếp bị tố cáo về chính sách đàn áp tại Tân Cương và Tây Tạng cũng như cách đối xử với người Hồng Kông.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nói rằng tra tấn, lao động cưỡng bức và triệt sản đang diễn ra ở “quy mô công nghiệp” ở Tân Cương, còn ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thì tố cáo "một hệ thống giám sát và đàn áp được thể chế hóa trên quy mô lớn".
Về phía Mỹ, tân chính quyền của tổng thống Biden đã tán thành việc chính quyền Trump cho rằng Trung Quốc đã có những hành vi “diệt chủng” ở Tân Cương và cần phải buộc Bắc Kinh trả giá.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ 22/02 đã phủ nhận rằng “chưa hề có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương”.
Vào hôm qua, bà Bachelet cũng nêu bật tình hình Hồng Kông, nơi có hơn 600 người đang bị điều tra vì tham gia các cuộc biểu tình, một số dựa theo luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt trên đặc khu.
Lãnh đạo ngành Tư Pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) đã phản ứng ngay trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc rằng, kể từ khi luật đó được thực thi, tình trạng bất ổn dân sự đã lắng xuống và người dân có thể tận hưởng các quyền tự do hợp pháp của họ.
Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, ngày 12/01/2021, Luân Đôn, Anh Quốc. © AFP |
Trung Quốc phạm tội « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây là cụm từ mạnh nhất lần lượt được Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan sử dụng để tố cáo những hành động của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Còn Anh và Pháp lên án hệ thống đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương theo « quy mô công nghiệp » và « được thể chế hóa ».
Kể từ khi có những tiết lộ đầu tiên vào năm 2016 về chính sách đàn áp, đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chưa bao giờ các nước phương Tây lại cùng lúc dồn dập phản ứng mạnh mẽ như vậy, theo nhận định của trang The Diplomat ngày 25/02/2021.
« Liên minh dân chủ » chống Trung Quốc
Lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ không thay đổi dưới thời tổng thống Biden. Sau một cuộc họp trực tuyến, tổng thống Mỹ và thủ tướng Canada Justin Trudeau nhất trí « phối hợp cách tiếp cận để ngăn chặn những mối đe dọa đối với các giá trị và lợi ích chung ». Với đa số tuyệt đối ngày 22/02, Quốc Hội Canada lên án chính sách của Trung Quốc đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ là « diệt chủng ». Ba ngày sau, vào ngày 25/02, Quốc Hội Hà Lan trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu cũng cáo buộc Trung Quốc « diệt chủng ».
Theo các viện nghiên cứu của Mỹ và Úc, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung, màTrung Quốc gọi là « trung tâm dạy nghề » ở Tân Cương và một số bị « cưỡng bức lao động » hoặc « cưỡng bức triệt sản ». Những thông tin và nhân chứng về tình trạng này ngày càng nhiều, rõ ràng hơn và thuyết phục hơn, mà gần đây là bộ phim tài liệu của đài truyền hình Anh BBC và cuốn hồi ký, xuất bản tại Pháp, của Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, được giải thoát khỏi trại tập trung nhờ Paris gây áp lực và nhờ cô con gái, công dân Pháp, đấu tranh từ nhiều năm nay.
Để trừng phạt, Hoa Kỳ và Anh cấm toàn bộ sản phẩm sợi bông có nguồn gốc Tân Cương. Vấn đề lao động cưỡng bức mới chỉ dừng ở bước đề xuất dự thảo luật tại Quốc Hội Mỹ, Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Các nghị sĩ Anh muốn mạnh tay hơn khi đề xuất « một tu chính án về diệt chủng » trong dự thảo luật thương mại. Khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh cũng được nêu lên. Tokyo bị chỉ trích vì không lên tiếng về những vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng 12 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã tạm ngừng hoặc dự định ngừng thỏa thuận thương mại với các đối tác Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Trung Quốc tính kết hợp với Nga làm đối trọng
« Một liên minh dân chủ » được hình thành tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), mà theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 26/02, « chủ mưu » là Hoa Kỳ, trở lại với tư cách quan sát viên sau hai năm gián đoạn. Vẫn theo cơ quan truyền thông của Bắc Kinh, Washington quyết định trở lại Hội Đồng Nhân Quyền vì sợ sức ảnh hưởng được Trung Quốc mở rộng trong thời gian Mỹ vắng mặt. Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là Washington, phối hợp với các đồng minh, sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn đối với những nước thường bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela.
Hoàn Cầu Thời Báo biện minh rằng Trung Quốc có khái niệm và cách làm riêng để bảo vệ quyền của con người và những quyền này phải thích hợp với tình hình phát triển của đất nước. Quyền tự do cá nhân, được các nền dân chủ tôn trọng, bị trang thông tin chính thức của Bắc Kinh chỉ trích là điểm yếu trong việc giải quyết một số thách thức lớn, như cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19.
Để tạo được đối trọng với Mỹ và các đồng minh trên mặt trận nhân quyền, nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần tăng cường hợp tác với một số nước khác, đặc biệt là với Nga, và phải có thêm nhiều « chiến lang » để phanh phui những vụ vi phạm nhân quyền tại các nước phương Tây.
Với thái độ không khoan nhượng này của Bắc Kinh, có thể dự đoán là cuộc chiến nhân quyền giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ còn gay gắt hơn và chưa có hồi kết. Các sắc tộc thiểu số ở những vùng tự trị Tân Cương, Tây Tạng, hay những nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông sẽ tiếp tục là nạn nhân của chính sách « bảo vệ nhân quyền » theo « mô hình Trung Quốc ».
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN