Buôn hàng giả, bán hận thù là một lối diễn đạt quen thuộc của người Việt hải ngoại khi đề cập đến sự hình thành và phát triển của Mặt trận Kháng chiến do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo.
Lúc đầu, giới lãnh đạo Mặt trận tung tin là đã lập được chiến khu trên đất Việt và có kèm theo hình ảnh chứng minh. Trong những năm đầu, tin tạo ra được một luồng hào khí đấu tranh của người Việt mong giải phóng quê hương và một phong trào quyên góp rầm rộ khắp nơi trên thế giới.
Về sau, sư thật phơi bày là căn cứ nằm trên lãnh thổ Thái. Giới lãnh đạo Mặt trận phủ nhận tin này. Một số người thật thà vẫn còn tin và đóng góp tài chính trong khi một số người khác biết mình mua lầm hàng giả và lên tiếng. Thế là hận thù trong các phe nhóm cực đoan và hiếu hòa sinh ra. Loạn kiêu binh lên cao, tạo ra bao sóng gió, kinh hoàng nhất là những vụ khủng bố chết người. Cho đến nay nghi án không còn tranh luận sôi động.
Nhưng chuyện chưa kết thúc tại đây vì Mặt trận bán hàng giả lần thứ hai. Lần này cũng thành công không kém. Khi lãnh tụ Hoàng Cơ Minh bị sát hai trên đường xâm nhập đất Lào, giới lãnh đạo Mặt trận lại cho là ông Minh vẫn an lành và tiếp tục lãnh đạo. Sự dối trá duy trì cho đến 14 năm sau. Cuối cùng, Mặt trận mới chính thức khai tử cho ông Minh. Hận thù và chia rẽ vẫn tiếp tục giữa các phe theo và chống. Sự thật thương đau là cao trào đấu tranh kết thúc và niềm tin quang phục đất nước tan vỡ. Ai thắng và ai thua trong chuyện này?
Mua lầm chớ bán không lầm. Người mua đã hiểu sự thật và tự cho là vàng rơi không tiếc mà tiếc người qua sông. Tiền mất tật mang. Tiền mất có thể tìm lại, nhưng ông Minh, một biểu tượng anh hùng cho một thởi đại, đã vĩnh viễn ra đi và không thể tìm lại. Cũng không ai trách chi người đem thân cứu nước mà chỉ ngậm ngùi tiếc cho số phận ông Minh đã an bài và không tìm lại một luồng hào khí đấu tranh tương tự cho tương lai. Chắc chắn là tiếc cả hai.
Người bán hàng giả thành công khi tiền đã bỏ vào ngân hàng an toàn và vui nhất là không có lý do gì để phải trình bày về trách nhiệm chi thu cho bất cứ ai quan tâm.
Nhưng sau cùng Cộng sản Việt Nam toàn thắng. Ngư ông đắc lợi là binh pháp cổ điển của Tàu mà còn hữu hiệu tại Mỹ. Họ không làm gì hết, im lặng mĩm cười và theo dõi những thế lực người Việt lo chống nhau hơn là lo chống Cộng và tự suy sụp. Ai bảo Cộng sản là ngu xuẩn? Đó là một lầm lẫn đáng tiếc.
Thông thường trong chuyện mua bán, người mua phán đoán sai sẽ học thêm kinh nghiệm, trở nên khó tính và cân nhắc nghiêm túc trước khi chọn mua hàng trong tương lai. Sau khi nhiệt tình ủng hộ kháng chiến giả, người Việt đã hội nhập trên đất Mỹ có trưởng thành hơn không?
Lập luận chung xác nhận là có. Bao người trong nước và ở các nước khác say mê sự thành công của người Việt. Họ đã gởi hằng năm 17 tỷ đô la để giúp thân nhân quê nhà và tham gia trong các sinh hoạt công quyền, gây tiếng vang tốt đẹp là một bằng chứng.
Sự thật khác hẳn. Chuyện khó tin nhưng có thật là họ lại mua nhầm hàng giả và bán hận thù. Lần này người bán hàng là tổng thống Donald Trump với mặt hàng mới thu hút hơn. Họ tin rằng, Trump làm cho nền kinh tế của Trung Quốc suy sụp với thương chiến Mỹ – Trung. Kết quả là, có tổn thất cho Trung Quốc nhưng Mỹ cũng bại trận qua thương chiến này khi chính quyền Trump đã phải bỏ ra hàng chục tỉ đô la giải cứu nông dân Mỹ, cũng như người tiêu dùng Mỹ lãnh đủ khi thuế đánh trên hàng hóa gia tăng. Còn chuyện Trump đánh bại chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, có lẽ chỉ xảy ra tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc và trên trang Twitter của ông ta.
Có thể nhìn thấy rõ, trước mắt Biển Đông đang nổi sóng hằng ngày. Trung Quốc tập trận và cấm tàu bè khác vào, đó là chuyện không thể chấp nhận được cho người Việt khắp nơi trong khi Cộng sản Việt Nam lịch sự có thừa, tiếp tục kiên trì trong im lặng. Ai còn tấc lòng với đất nước cũng mơ là Việt Nam thoát khỏi hiểm hoạ ngoại xâm và có độc lập chính trị để tự do phát triển kinh tế. Do đó, ủng hộ Trump, nghĩ rằng ông ta đánh Trung Quốc là một nguyện vọng chính đáng của người Việt. Tuy nhiên, khi nghe những gì Trump nói, có mấy ai nhìn kỹ những gì Trump làm? Chắc chỉ là thiểu số trong người Việt.
Theo thăm dò của Pew Research Center, 83% người trong nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, Trump không có khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế. Thí dụ như phương thức điều đình trong thương trường của Trump không thể áp dụng cho ngoại giao. Với Bắc Hàn là một thất bại cho Trump khi dọa nạt và tâng bốc một cách vụng về Kim Chính Ân. Trong cố gắng giải trừ vũ khí nguyên tử của Iran, Trump thất bại tương tự. Cả hai việc này cho thấy Trump không có kinh nghiệm làm việc với các lãnh tụ độc tài. Công luận chỉ trích Trump trong vụ đối phó với đại dịch virus corona, biến đổi khí hậu và nhập cư có phần thuyết phục hơn. Sau nhiều bạo động do kỳ thị chủng tộc nổi lên khắp nơi trên cả nước, hình ảnh nước Mỹ siêu cường không còn.
Khách của Trump là khối cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, thiếu chuyên môn, bị thiệt thòi do lương thấp và mất việc vì toàn cầu hóa. Người Việt tại Mỹ không phải là khách hàng mà Trump quan tâm. Trong ánh mắt của người Việt, Trump là tất cả, nhưng còn trong ánh mắt của Trump, người Việt là ai?
Trong 154 triệu người Mỹ đi bầu năm nay, hơn 73 triệu bầu cho Trump. Theo thăm dò của Asian American Legal Defense and Education Fund ngày 13/11, có khoảng 57% người Mỹ gốc Việt chọn Trump và 41% chọn Biden. Cứ cho là có trên một triệu lá phiếu của người Việt dành cho Trump, thì cũng không thay đổi tình thế. Chuyện đáng nói là đa số khách Việt dành cho Trump tình yêu say đắm, dù chỉ trong đơn phương và vô vọng.
Đơn phương vì chính sách của Trump đối với người nhập cư đã trở thành một bi kịch thương tâm. Nhiều người bị bắt ngay tại bức tường ở biên giới Mỹ – Mexico làm sống lại hình ảnh tang thương như bức tường phân chia Đông và Tây Đức. Chỉ riêng trong năm 2021, Mỹ sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn, con số khiêm nhường kể từ khi có chương trình này. Trump chưa bao giờ lên tiếng ca ngợi người thiểu số. Trong chính sách đối với người Việt, Trump cũng không ưu ái đặc biệt hơn hay vinh danh trong nỗ lực hội nhập.
Vô vọng vì khi tham gia vào sinh hoạt chính trị hay đi bầu, nhiều người Mỹ gốc Việt đồng hoá mình là bình đẳng với thành phần da trắng, có quyền định đoạt cho tương lai của nước Mỹ. Đúng là hạnh phúc tuyệt vời, một cảm xúc được thăng hoa.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, khả năng hội nhập của các sắc dân Ấn Độ, Trung Hoa hay Latino có phần cao hơn người Việt. Tình trạng kỳ thị dân da den là một bài học lịch sử mà bao nhiêu thế hệ Mỹ vẫn chưa vượt qua, dân da vàng khó lòng chiếm được vị thế như dân da trắng. Người Việt đáng lý ra phải ý thức hai sự thật này mà dè dặt hơn khi hãnh diện và tự hiểu ngầm là trong đôi mắt Trump người da trắng là thượng đẳng.
Cảm xúc cuồng nhiệt của người Mỹ gốc Việt có cơ sở duy nhất là tin Trump chống Trung Quốc thành công thay cho người Việt. Vấn đề cần nhìn lại một cách chín chắn hơn.
Từ năm 2008, Obama tung ra chiến lựợc chuyển trục về châu Á mà Hiệp định Thương mại Tự do (TPP) là khuôn khổ. Mục đích là Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với các nền kinh tế của vùng Châu Á–Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nếu mục tiêu đạt được, Trung Quốc sẽ không còn trỗi dậy và uy hiếp. Khi tham gia Hiệp định TPP, 12 nước đàm phán các quy định mậu dịch mà trong đó có việc bảo vệ quyền lợi người lao động và thành lập nghiệp đoàn độc lập, một bất lợi chính trị cho Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau khi nhậm chức, Trump đã đơn phương rút khỏi Hiệp định TPP. Hậu quả là Mỹ không còn gây một tác động chính trị và kinh tế nào cho toàn khu vực. Thay vảo đó, Trump khởi động cuộc thương chiến trực tiếp với Trung Quốc. Trump đề ra nhiều cách áp thuế quan lên nhiều mặt hàng mà Trump cho là bất bình đẳng. Thương chiến kéo dài gây thiệt hại cho Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà Mỹ toàn thắng trong khi nền kinh tế toàn cầu cũng phần nào tê liệt.
Để tìm một lối thoát trước quyết định của Trump, các nước còn lại trong thỏa thuận TPP tiếp tục đàm phán. Cuối cùng, vào cuối tháng 10 năm 2018, họ cũng đi đến ký kết một Hiệp định mới và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước. Đến nay chỉ có bảy nước phê chuẩn.
Tỉnh thế thay đổi khiến cho Trung Quốc khởi động một cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP). Thoả thuận này có quy mô lớn nhất thế giới và Mỹ không thể tạo ra được ảnh hưởng nào trước vai trò lãnh đạo của Trung Quốc.
Cuối cùng, Hiệp định RCEP đã được ký kết giữa 15 nước, trong đó 10 quốc gia thành viên Hiệp hội ASEAN (Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 5 đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Còn quá sớm để kết luận là ai thắng ai thua trong tiến trình này, vì còn cần nhiều thời gian và số liệu để kiểm chứng. Nhưng một số nhận định sơ khởi cho thấy, trong các điều kiện hiện nay, Mỹ không có mặt trong cả hai hiệp định quan trọng nhất thế giới là một thất bại nặng nề. Người gây ra hậu quả này không ai khác hơn là Trump, nếu có TPP biến chuyển sẽ khác hẳn ở châu Á. Thanh thế của Trung Quốc đang lên cho dù COVID-19 làm cho ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm, nhưng không đáng kể.
Hai hiệp định CPTPP Và RCEP không mang lợi điểm tuyệt đối cho Việt Nam khi tham gia. Lý do chính là vì cấu trúc thị trường Việt Nam bị Trung Quốc đè nặng và cải cách cũng không thể thành tựu trong một sớm một chiều. Việt Nam có phần may mắn hơn vì không bị áp lực trước các đòi hỏi về tự do thành lập công đoàn, bảo vệ môi sinh và tôn trọng nhân quyền.
Mỹ làm gì trước biến động dồn dập này tại châu Á? Đây là một thách thức cho chính quyền Biden. Đã có nhiều tiên đoán về chính sách của Biden để hàn gắn các vết thương xã hội và hồi phục kinh tế. Trước mắt, Biden cần thời gian khi Trump chưa chuyển quyền trong êm thắm.
Nói chung, không còn cách nào khác hơn, Biden sẽ phải phục hồi việc hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh, theo đuổi một chính sách ngoại giao nhất quán, không thể tiếp tục hành động đơn phương theo cảm tính như Trump, mà hợp tác đa phương. Cụ thể, Mỹ gia nhập lại Hiệp định Khí hậu Paris; trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hạn chế khả năng chế tao vũ khí nguyên tử của Iran… giúp phục hồi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Nếu Trump đồng ý chuyển quyền trong ôn hoà, Biden phải mất tối thiểu khoảng bốn tháng để điều hành toà Bạch Ốc và ổn định nhân sự.
Còn lại gì cho người Việt yêu Trump? Người Việt không thể phủ nhận những hậu quả tai hại trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, khiến cho Mỹ bị cô lập. Thực tế là người Việt không thể nêu ra vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam với Trump. Trump không ngăn chặn được sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Trump bất lực trước vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương. Cho dù có quan tâm đến vấn đề tự do lưu thông hàng hải, Mỹ không thể tác động mạnh ở Biển Đông. Những thay đổi gần đây trong cac việc tập trận hỗn hợp với đồng minh, Trump tỏ ra quyết liệt hơn. Trong khi chuẩn bị ra đi, Trump không làm gì khác hơn là muốn để lại tinh thần bài Hoa như là một di sản chính trị, còn thực chất khó ai kiểm chứng.
Dù Trump thất bại rõ ràng, tại sao người Việt vẫn một lòng yêu Trump tha thiết? Có hai lý do đáng ngạc nhiên: Không phải là đối sách tài ba hay con người khả kính của Trump, mà văn hoá Việt mang theo và truyền thông trong mạng xã hội của người Việt tại hải ngoại là hai đặc thù chính.
Một là suy tôn lãnh tụ, đó là một đặc điểm trong văn hoá chính trị của người Việt. Cảm xúc sùng bái cá nhân quan trọng hơn là phân tích chính sách bằng lý trí. Ca tụng “bác Hồ” và “bác Trump” không khác nhau về bản chất, mà khác nhau ở chỗ, một bên ở trong nước Việt Nam độc tài và một bên ở nước Mỹ tự do.
Khi xưa, chuyện tình của ông Hồ với Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân, nhiều người Việt cho rằng, đó không phải là vấn đề đạo đức đáng chê trách vì ông Hồ đã cả đời cống hiến cho dân tộc, thì ngày nay người Việt quá dễ dàng chấp nhận các vụ cáo buộc trả tiền để ém miệng người mẫu Playboy Karen McDougal, nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels và những cáo buộc về âm mưu bắt họ im lặng. Cuộc điều tra gian lận thuế và ngân hàng, gian lận bất động sản, các vụ kiện về trục lợi, về sách nhiễu tình dục và vụ kiện của người cháu Mary L. Trump… tất cả là chuyện bình thường mới đối với một số người Việt. Chuyện họ đang nôn nóng chờ là chiến thắng Trung Quốc trong huy hoàng, nhưng thực tế là đã không xảy ra cho đến ngày Trump rời khỏi tòa Bạch Ốc.
Hai là, người Mỹ gốc Việt đã hội nhập thành công trong xã hội Mỹ, nhưng thảo luận các chuyên đề chính trị, kinh tế hay xã hội cần có một trình độ nhất định. Thái độ khách quan phán xét các sinh hoạt trong hệ thống công quyền, luật lệ và báo chí cần có trình độ Anh ngữ. Thực tế cho thấy, đa số người Việt còn lệ thuộc vào mạng lưới truyền thông mạng tiếng Việt, trong khi nhiều kênh thông tin không đóng vai trò khai sáng cho người Việt, nổi bật nhất là các kênh tin tức trôi nổi trên YouTube, Facebook… cung cấp nhiều tin vịt, thiếu kiểm chứng, trong khi nhiều người Việt không có khả năng kiểm chứng.
Nhiều kênh thông tin nhảm nhí, không nhằm thuyết phục người đọc và cũng không quan tâm đến sự thật, xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh giao tiếp hiện nay. Kẻ nhảm nhí không quan tâm những gì họ nói là đúng hay sai, mà chỉ xem có đông người nghe, người đọc hay không. Với họ, lượng truy cập mới là điều quan trọng, còn thuyết phục người ta tin hay không là chuyện phụ. Các kênh YouTube nhảm nhí, chuyên tung tin vịt của người Việt mọc lên như nấm sau cơn mưa, đã góp phần hủy hoại môi trường thông tin lành mạnh.
Phát biểu quan điểm chính trị là chuyện bình thường nhưng phải tôn trọng sự thật, nhất là phải giữ những chuẩn mực về văn hóa. Dù theo đuổi mục tiêu khai dân trí, nhưng một số YouTuber tự cho mình có quyền sử dụng ngôn ngữ tục tĩu nhất để chống Cộng. Tha thiết bảo vệ Trump, nhưng các YouTuber lại sử dụng các từ ngữ vô văn hóa nhất để thoá mạ đối phương không tiếc lời. Tác dụng chống Cộng hay bảo vệ Trump không vì thế mà tăng lên khi tư cách của người phát biểu quá tệ, cũng như nội dung không đủ sức thuyết phục người khác nghe theo. Trump hay Biden, 154 triệu người Mỹ da trắng đi bầu, cũng như hơn một triệu người Mỹ gốc Việt biết tư duy chính trị không cần họ trong những phương cách như vậy khi họ gây phản tác dụng.
Hận thù nhau giữa các YouTuber người Việt, phân hoá trong gia đình và cộng đồng lên cao chưa từng có trong lịch sử hội nhập thành công của người Việt. Buôn hàng giả, bán hận thù, ai thắng ai thua trong tiến trình phân hoá này?
Khác với chuyện kháng chiến giả, lần này cả hai phe đều đại bại. Cả hai kiệt sức vì tiếp tục phân hoá trong những năm sắp tới. Cuồng Trump hay chống Trump, cả hai bây giờ và mãi mãi sẽ không là tác nhân chính làm biến chuyển triệt để cho xã hội Mỹ, cũng không còn nội lực để tạo một sức mạnh mà cộng đồng cần có. Giới chống Cộng lần lượt ra đi theo thời gian và không trao truyền ngọn lửa đấu tranh cho thế hệ tiếp nối. Còn nững người Việt nhập cư sau này được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, họ chỉ quan tâm việc gởi kiều hối, du lịch và làm từ thiện nhiều hơn.
Chuyện xưa và nay có vẻ giống nhau, một kết luận chung là bi quan không thể tránh. Người Việt hải ngoại không còn hào khí đấu tranh và là ngọn lửa soi đường cho người dân trong nước. Cộng sản Việt Nam lại mĩm cười toàn thắng. Binh pháp cổ điển “bất chiến tự nhiên thành” và “ngư ông đắc lợi” luôn luôn đúng.
Thống kê cho biết, có khoảng 60% các lời tuyên bố của Trump là dối trá và chỉ chạy theo tư lợi. Thống kê khác lại cho là Trump đã nói dối trên 20.000 lần trong bốn năm qua. Nhưng tại Mỹ, nhờ có hệ thống báo chí độc lập và phản ứng của công luận, nên trong các cuộc vận động tái tranh cử năm 2020, dân chúng có thể chống lại tinh thần đạo đức giả của Trump và nâng cao giá trị của nền dân chủ. Do đó, có thể tạm cho là Trump có khi bán hàng giả, khi bán hàng thật, còn gây phân hoá trong xã hội và mất thiện cảm hợp tác với đồng minh là chuyện không còn tranh cãi. Đó là sự kiện đáng để người Việt quan tâm hơn. Nhưng nghĩ gì và làm gì trước tình trạng buôn hàng giả và bán hận thù tại của Việt Nam, ít người đặt ra.
Riêng sự dối trá của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, có thể nói đạt trình độ đẳng cấp thế giới. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Lối tuyên truyền về nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một ý thức hệ giả tạo vì không có trong sách vở; chính quyền không có khả năng giải thích trong hiện tại và cũng không bảo đảm là sẽ hoàn thiện trong tương lai. Thái độ đạo đức giả của chính giới còn hủy diệt các giá trị xã hội.
Vì ích kỷ mà chính quyền biến lãnh thổ, tài nguyên và nhân lực trở thành một món hàng mua bán cho thân tộc.
Vì u tối mà chính quyền thờ ơ trước các ý kiến của công luận, xem những người nêu ý kiến trái chiều là “thế lực thù địch” và không muốn khai sáng để cải cách.
Vì bất lực nội tại và xung đột quyền lợi phe nhóm trong chính quyền nên xã hội có động loạn triền miên.
Vì tập trung sức để giải quyết trị an và lo sinh tồn cho chế độ, nên chính quyền không còn khả năng để xây dựng một nhà nước trưởng thành và ổn định.
Phản biện của công luận chưa kiểm tra được hết các gian dối của nhà nước vì chưa có tự do báo chí. Dù các phương tiện truyền thông xã hội đang có sự chuyển biến, nhưng đa số dân chúng chưa quan tâm đúng mức đến chính sự, nên đảng CSVN ngang nhiên vi phạm quyền dân tộc tự quyết. Hiện trạng này sẽ tạo nhiều bất hạnh hơn cho tương lai của đất nước.
Dù chế độ độc tài không thể hủy diệt cả dân tộc, nhưng ý thức về một thể chế mới cho toàn dân là một hy vọng khởi đầu. Một thể chế cho phép người dân thương yêu nhau trong tình dân tộc, đoàn kết Diên Hồng sẽ thay thế cho hận thù, một trào lưu chính sẽ hình thành để đóng góp cho sự thay đổi chính trị, đem lại độc lập dân tộc, bình an xã hội và thịnh vượng đất nước.
Người Việt coi Trump là người bảo vệ Đông Nam Á, chống lại một Trung Quốc hiếu chiến. Nguồn: Nikkei/ AP và Reuters |
Người Việt ủng hộ một tổng thống Mỹ là điều không lạ. Cách đây hơn 10 năm, một thăm dò ý kiến của người dân Việt Nam đã làm cho nhà cầm quyền bối rối là số người thích tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc đó cao hơn ông Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sự cuồng nhiệt ủng hộ ông Trump thì có vẻ lạ và được nhiều người bàn đến trong mấy năm qua.
Từ tầng lớp bình dân, cho đến trí thức, không thiếu người hoan nghênh ông Trump, từ hoan nghênh nhẹ nhàng cho tới tôn ông làm thánh sống, như một tôn giáo.
Mới đây có hai tác giả người Việt là Phạm Thị Thùy Dung và Trương Thúy Quỳnh có bài viết về vấn đề này mang tựa đề: Ở Việt Nam, nhiều người đau buồn vì sự sụp đổ của một thần tượng Mỹ. Trong bài viết này, hai tác giả đưa ra một số nguyên nhân dẫn tới sự cuồng nhiệt của dân chúng Việt Nam đối với ông Trump, như sau:
1/ Ông Trump lớn tiếng đối với Trung Quốc, người Việt ghét Trung Quốc, nên người Việt thích ông Trump.
2/ Truyền thống Nho giáo.
3/ Sự hoài nghi chính trị, không tin tưởng hệ thống chính trị hiện tại của Đảng Cộng sản với nhiều góc tối lẫn tham nhũng.
Tôi đồng ý với hai tác giả về những luận điểm này, tuy nhiên tôi cho rằng, điểm thứ hai nói về Nho giáo là quan trọng, cần mổ xẻ thêm, nó sẽ đưa ra những góc khuất sâu thẳm trong tâm lý của người Việt, dẫn đễn việc sùng bái một nhân vật như Donald Trump.
Sự yêu mến Donald Trump của người Việt, còn ảnh hưởng từ Nho giáo rất nặng nề, xuất phát từ những ẩn ức mà họ kềm chế trong lòng, tới khi Donald Trump lên làm tổng thống, những ẩn ức đó của họ được ông ta công khai trước bàn dân thiên hạ, nên họ rất thích ông ta. Nói ngắn gọn là, họ thấy họ giống Donald Trump.
Donald Trump là kẻ có cái tôi rất lớn, kẻ yêu mình hơn người khác, rất sĩ diện, thích chứng tỏ ta đây là trượng phu,… tất cả những điểm đó đều thấy ở con người Nho giáo Việt Nam, nhất là trong nhóm đàn ông.
Xã hội Nho giáo dần tàn, nhưng nó vẫn còn để lại trong hàng thế hệ người Việt những điều được nó giáo huấn. Và chính cái không khí nửa Nho giáo, nửa tự do như hiện nay là bi kịch cho người Việt. Họ phải đè nén những ước vọng thầm kín như ăn trên ngồi trước, thống trị phụ nữ, chửi mắng thuộc cấp, …
Và đây rồi, chính Donald Trump đã dám huỵch tẹt tất cả những ước vọng đó của họ, thế là ông ta trở thành thần tượng của họ, cũng là điều dễ hiểu.
Trong cái thế giới Nho giáo, người Tàu cho mình là trung tâm thiên hạ, xem thường những dân tộc khác, người Việt cũng thế. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, những từ ngữ nhục mạ dân tộc khác vẫn còn đó: Miên, Mán, Mọi,… Và Donald Trump, với ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc của ông ta, rất hạp khẩu vị của nhiều người Việt.
Trên giấy tờ, chế độ phong kiến và tư tưởng Nho giáo đã bị những người cộng sản loại bỏ khỏi Việt Nam, nhưng trên thực tế chủ nghĩa cộng sản phiên bản Việt Nam chính là một phiên bản Nho giáo mới, tiếp tục giữ những quan điểm về thế giới, về con người của Nho giáo. Vai vế, sĩ diện, phân chia đẳng cấp,… không những được duy trì, mà thậm chí còn dữ dội hơn trong chế độ đảng trị.
Tiếp theo sự chấp nhận kinh tế thị trường của Đảng Cộng sản Việt Nam, con người Nho giáo cộng sản Việt Nam lại có thêm hoàn cảnh mới. Trong cái cảnh tranh tối tranh sáng không luật không lệ, người Việt kết hợp cái phương châm “mục đích biện minh cho phương tiện” của người cộng sản (mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình) cùng với mùi kim tiền của chủ nghĩa tư bản (tiền bạc thì không có mùi).
Trong trạng thái tư bản hoang dã này, sự tranh đoạt “cá lớn nuốt cá bé” tàn nhẫn được hoan nghênh, và đó cũng là hình ảnh con người Donald Trump, làm mọi thứ để đạt mục đích, dù đó là trốn thuế hay trốn quân dịch, với hình ảnh một tay anh chị chợ trời. Nhiều người Việt từng thần tượng Năm Cam, Khá Bảnh, thì nay cuồng nhiệt với Donald Trump cũng không có gì lạ.
Chế độ phong kiến Nho giáo hay chủ nghĩa cộng sản toàn trị đều là những áp bức tinh thần rất kinh hoàng. Điều đó làm cho dân tộc Việt Nam bị một chấn thương tâm lý rất nặng, sẵn sàng tin ở những điều vô lý nhất. Điều vô lý đó là Donald Trump.
Những người Mỹ đặt cược vào Donald Trump bốn năm trước dù sao cũng hy vọng ở miếng thịt bò trong bữa ăn của họ lớn hơn, nay họ không thỏa mãn được điều đó, họ sa thải ông ta. Những người Việt cuồng nhiệt Donald Trump chỉ có một tình yêu phi lý tính, một niềm tin sang chấn hàng thế hệ, có lẽ còn khá lâu mới chấm dứt.
Chống Trung Quốc, ở khía cạnh nào đó, có thể giúp phong trào dân chủ Việt Nam gia tăng sức mạnh nhất thời về lực lượng, nhưng rõ ràng, điều này không là chìa khóa để mở lối thoát cho đất nước, cũng như tính bền vững của phong trào.
Giới hoạt động Việt Nam cần tránh đi vào vết xe đổ của Đảng Cứu Quốc Campuchia – một đảng duy trì hệ tư tưởng chủ đạo dân tộc chủ nghĩa – thúc đẩy sự thù ghét và tinh thần chống Việt Nam – hiện tại đang trong tình trạng chết lâm sàng.
Và nhìn qua những diễn biến gần đây ở Myanmar, đã phản ảnh cho những điều nghịch lý mà bất kỳ ai có nhận thức về quá trình chuyển đổi dân chủ đều không khỏi lo lắng. Biểu tượng tranh đấu dân chủ Aung San Suu Kyi, sau khi lên nắm quyền phải lếch thân hầu tòa ở Liên Hợp Quốc đối mặt với các cáo buộc cho tội ác diệt chủng, vì sự đồng lõa của bà ta và đồng đảng của bà.
Một biểu tượng dân chủ mà giờ đây lại nhận được sự ủng hộ của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong cuộc bầu cử tại quốc gia này vào đầu tháng 11 vừa qua – một cuộc bầu cử đã tước đoạt đi quyền bỏ phiếu của người Rohingya. Trong khi đó, giới chức quân phiệt một thời ở đất nước này lại đang dần loại bỏ sự ảnh hưởng của Bắc Kinh để đưa quốc gia này từng bước cải cách dân chủ – mà chính việc chấp nhận trả tự do và trao quyền chấp chính cho Aung San Suu Kyi là một phần trong lộ trình tiến tới dân chủ ở quốc gia này.
Vì vậy, hiện tượng các nhà hoạt động Việt Nam lại đi “cuồng Trump” – “phò Trump, chống Tàu” bất chấp việc tuân thủ các nguyên tắc định hình của một nền dân chủ, nó chỉ thể hiện một điều là họ thiếu tầm nhìn, hoặc họ sẵn sàng phản bội lại các giá trị dân chủ để đạt được mục đích chính trị của mình.
Nhìn vào cuộc xung đột giữa hai trường phái “chống Trump” v.s “phò Trump” trong cộng đồng người Việt như hiện nay, tôi không cho rằng đó là sự chia rẽ hay thiếu đoàn kết của phong trào dân chủ Việt Nam. Mà nó là sự đấu tranh nội tại của một phong trào dân chủ đang tìm cách đào thải đi những thành phần không đáng tin cậy và thiếu cam kết rõ ràng, để định hình nên một phong trào dân chủ chân chính, bền vững, và đáng tin cậy trong tương lai – thông qua việc tuân thủ các cam kết không thể đảo ngược khi nói về các nguyên tắc nền tảng dân chủ.
Trump quá nguy hiểm đối với các nền dân chủ trên thế giới. Đến thời điểm này mà còn tranh luận về mối đe dọa của Trump lên nền dân chủ, e rằng đây là điều thừa thãi.
Như vầy nhé, tôi sẽ đưa ra một cam kết rằng, nếu bất kỳ ai có thể gửi cho tôi một đường links từ các Tổ chức Phi chính phủ quốc tế chuyên thúc đẩy dân chủ và bảo vệ nhân quyền, mà họ đã từng có tuyên bố ca ngợi hoặc vinh danh Trump vì sự cống hiến của ông ta cho dân chủ và nhân quyền trong 4 năm qua, tôi hứa sẽ quay đầu “phò Trump”.
Tôi chỉ cần 1 tuyên bố là đủ! Chỉ 1 tuyên bố như vậy thôi, là tôi sẽ ngay lập tức thực hiện cam kết của mình.
Tôi thường xuyên phải chứng kiến tin vịt lan tràn trên mạng, nhưng khá bận tâm khi có một số người rao tin vịt và người nuốt trọn những tin vịt đó lại là những người bạn tôi quý mến và một số người tôi còn nể trọng về khía cạnh nghề nghiệp.
Các bạn say sưa rao những tin vịt đó lên mạng và ảnh hưởng tới một bộ phận lớn/nhỏ trong công chúng.
Khi tôi vào comment chỉ ra lỗi sai, hầu hết các bạn không chịu sửa. Trong lịch sử đi comment kéo dài nhiều năm qua của tôi, đến nay mới duy nhất một người chịu sửa thông tin (là điều tôi rất trân trọng), còn lại thì im lặng.
Tôi không biết làm sao để ngăn chặn chuyện này, vì tôi cảm thấy chúng ta dường như sống trong những thế giới rất khác nhau.
Các bạn mất niềm tin vào báo chí chủ lưu phương Tây, gọi họ là “thổ tả” cũng được, nhưng hãy tìm đến với những nguồn tin tốt hơn, thay vì nguồn tin hợp nhĩ hơn.
Còn nếu các bạn không mảy may có trách nhiệm với những thông tin mà các bạn viết ra và lan truyền thì thực ra các bạn không khác gì những cán bộ tuyên giáo của Việt Nam và Trung Quốc – những người các bạn đang ra sức chống.
Các bạn ủng hộ ai, chống ai cũng được, miễn đừng làm hại cộng đồng bằng tin vịt. Đó là tiêu chuẩn tối thiểu.
***
Dương Quốc Chính: Tin giả
Bây giờ là thời điểm nở rộ tin đồn nhất trong lịch sử. Với mạng XH, thông tin luôn tràn ngập, với những mẩu ngắn, hình ảnh, video, rất dễ thâm nhập vào não mỗi người. Mạng XH khiến người ta nghĩ nhanh, quyết định nhanh, có khi chỉ sau một tích tắc là có thể bấm nút like, share, sau 3s có thể có một comment cảm thán để bộc lộ quan điểm.
Thông tin từ mạng XH quá nhiều và liên tục như những đợt sóng, các stt cũng trôi nhanh, sau một tuần có thể coi như biến mất, cho nên người ta cũng không thấy xấu hổ khi đưa tin sai, vì cùng lắm cũng nhục mất một ngày!
Chính vì thế nên người ta dễ dãi với tin giả. Đặc biệt là thời gian có các sự kiện chính trị, xã hội nổi bật. Tin giả tung ra ào ào, còn nhiều hơn tin thật. Có cả đội ngũ chuyên tung tin giả cùng đội ngũ seeder (bơm thổi) bằng comment, tương tác ảo.
Đợt bầu cử TT Mỹ, tin giả khắp mọi nơi, người Việt thì dịch tin giả của Tây. Nhiều anh em dân chủ cũng dính liên tục. Thường tin giả dễ dàng được share do thiên kiến. Nếu chúng ta thấy tin hợp ý mình thì thường dễ tin nó là đúng hơn là tin ngược với ý mình. Phe yếu thế thường tung tin giả nhiều hơn phe chiếm lợi thế.
Bộ 4T, cơ quan an ninh thì thường xuyên khoe khoang là đã ngăn chặn được bao nhiêu tin xấu độc. Nhưng đó không phải là cách giải quyết rốt ráo. Vì họ cũng không thể chặn được hết tin giả và cũng chỉ chặn những tin giả gây thiệt hại cho nhà nước là chính.
Tránh tin giả chỉ có thể bằng nhận thức của mỗi người và mỗi người phải tự thấy xấu hổ, thấy nhục, vì bị lừa bởi tin giả. Nhất là những người đang có uy tín trong xã hội hay trên mạng XH.
Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết những status, những comment sì sụp thần tượng, sôi sục bênh vực, khấp khởi hi vọng vào kẻ mị dân, dối trá, trông mong Donald Trump đảo ngược được tình thế để ở lại White House thêm bốn năm nữa, thêm bốn năm ngày đi chơi golf, đêm miệt mài viết tweets cách chức bộ trưởng này, sỉ vả nhà báo nọ.
Đọc những status, những comment đó trong đầu tôi cứ rì rầm vọng lên câu thơ của nhà thơ non Tản sông Đà cảm thán ngậm ngùi thương xót cho đồng bào mình, những con người mang nặng căn tính nông dân sống trong cảm tính, bị cái tình, cái mủi lòng dẫn dắt như đứa trẻ, chứ không sống bằng lí trí tỉnh táo của người trưởng thành. Thời Tản Đà, dân số nước ta, già trẻ, lớn bé mới có hai mươi nhăm triệu người, theo Tản Đà chỉ là hai mươi nhăm triệu người chưa lớn:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!
(Thơ Tản Đà)
Hai nhăm triệu dân đầu thế kỉ hai mươi. Đầu thế kỉ hai mươi mốt đã là trăm triệu dân. Trăm triệu dân dù có vài chục triệu người đã sống ở đô thị một, hai thế hệ nhưng căn tính nông dân, nặng tình, nhẹ lí vẫn còn nguyên. Bị tình cảm dẫn dắt nên nhìn sự vật bằng yêu ghét:
Yêu nhau củ ấu cũng tròn
Tro than thì trắng, bồ hòn ngọt thơm
(Ca dao)
Bị cảm tính dẫn dắt, hai nhăm triệu dân mà không có người lớn, cả trăm triệu dân hồn nhiên khi đã mủi lòng thì “củ ấu cũng tròn”.
Hồn nhiên mới tin câu chuyện hồn ma bóng quỉ kinh dị rùng rợn rằng, ở nước Mỹ có tới hàng chục ngàn hồn ma của người đã chết cũng được những người Dân Chủ gọi hồn lên rồi dẫn vào phòng bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ để viết phiếu bầu cho Joseph Biden.
Hồn nhiên mới tin có màn ảo thuật hàng chục ngàn phiếu bầu cho Donald Trump đã bị những hội đồng kiểm phiếu ở các bang Georgia, Penncylvania, Nevada, Michigan, Arizona lén lút tiêu hủy làm cho số phiếu của Joseph Biden bứt phá chóng mặt đưa Biden về đích ngoạn mục.
Hồn nhiên mới tin câu chuyện tình báo li kì, căng thẳng thót tim rằng lực lượng vệ binh quốc gia được Tổng thống Donald Trump sử dụng gài bẫy những người gian lận bầu cử bằng công nghệ tình báo hiện đại tinh vi. Phiếu bầu được tráng lớp hóa chất điện tử, ghi lại đường đi của phiếu. Hàng trăm ngàn phiếu ở các bang chiến trường, cùng được chuyển đến một vị trí bí ẩn thay đổi nội dung ghi trên phiếu rồi mới đến điểm kiểm phiếu. Biden và đảng Dân Chủ mải mê gian lận đã dính bẫy. Tổng thống Trump sắp tạo ra sự kiện long trời lở đất, đưa Biden vào tù, Trump tinh quái và kiêu hãnh sẽ oai hùng ở lại White House như một nhân vật vĩ đại của lịch sử nước Mỹ.
Chuyện “gian lận” bầu cử của Joseph Biden đã ồn ào, sôi sục cả mạng xã hội ở Việt Nam thì ở Mỹ, nơi không có “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, pháp luật không vì đảng phái mà chỉ vì công lí, đã phải ráo riết vào cuộc rồi. Trump chỉ việc cung cấp phiếu bầu cử điện tử ghi bằng chứng gian lận, cung cấp tên tuổi những hồn ma đi bầu cử bỏ phiếu cho Biden, cung cấp bằng chứng hội đồng kiểm phiếu tiêu hủy những phiếu bầu cho Trump rồi Trump rung đùi ngồi chờ chiến thắng hiển hách vinh quang.
La làng về gian lận bầu cử, nhưng Trump chẳng có bằng chứng gì chỉ biết thúc William Barr, người do Trump đặt vào ghế Bộ trưởng Tư phá,p gấp gáp điều tra như thúc ông thợ săn dẫn chó săn xục vào cánh rừng rậm rịt gai góc tìm con chồn tưởng tượng. Rồi Trump ngồi trong phòng bầu dục bồn chồn liên tục viết tweets hốt hoảng hô hoán: Gian lận bầu cử! Gian lận bầu cử!
Sự hốt hoảng hô hoán của Trump làm xã gội Mỹ sôi sục một, thì làm sôi sục gấp mười lần tập hợp đông đảo những người nặng lòng yêu Trump ở Việt Nam. Trùm tuyên giáo Võ Văn Thưởng và cả cỗ máy tuyên giáo khổng lồ chuyên điều chế thuốc an thần, thuốc lú, thuốc quên cho dân uống thì mỉm cười xoa tay sung sướng.
Những cái tweets của Trump đã thay những liều thuốc lú, thuốc quên của tuyên giáo làm dân quên đi sự điều hành yếu kém của nhà nước cộng sản làm đất nước tan hoang, làm kinh tế lụn bại. Quên đi những tên quan dốt nát và tham lam làm hại nước và tàn bạo ức hiếp dân như ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường hành xử như lục lâm thảo khấu, ngạo ngược bắt giam nhà khoa học tố cáo hợp pháp ông ta đạo luận văn khoa học. Quên đi thân phận nô lệ của người dân. Quên đi cái tội của nhà nước bất tài và tham nhũng tạo ra núi nợ khổng lồ đè xuống đầu dân. Từ đứa trẻ sơ sinh đến người già hấp hối đều có khối nợ công bốn mươi triệu đồng đè xuống đầu và khối nợ đó càng ngày càng lớn thì muôn đời muôn kiếp dân không thể giàu, nước không thể mạnh.
Bịa đặt và dễ dãi tin vào sự bịa đặt về màn áo thuật tiêu hủy phiếu bầu, tin vào câu chuyện kinh dị hồn ma bỏ phiếu bầu cử, tin vào câu chuyện tình báo gài bẫy ban kiểm phiếu, tưởng rằng bảo vệ thần tượng Trump, đề cao sự tinh quái cao cường của thần tượng Trump. Nhưng những câu chuyện đó đã xúc phạm thần tượng của họ, xúc phạm người dân Mỹ, xúc phạm nền dân chủ Mỹ, xúc phạm đảng Dân Chủ Mỹ, một trong hai đảng làm nên đời sống chính trị vàng son của lịch sử Mỹ được cả thế giới kính trọng và kì vọng.
Những trò gian lận bầu cử đó chỉ có thể diễn ra ở thể chế độc tài và trong xã hội không có dân chủ. Nền dân chủ lâu đời và mẫu mực của nước Mỹ đã trao cho người dân quyền lực vô cùng lớn lao. Chỉ một nhà báo bình thường cũng đủ sức phanh phui và làm mất chức Tổng thống của Richard Nixon khi nhà báo khui ra vụ Watergate năm 1972, Nixon đặt máy nghe lén đối thủ trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống.
Dân chủ đã thấm vào máu dân, thấm vào sinh hoạt xã hội như vậy thì những chuyện động trời hàng chục ngàn hồn ma đi bỏ phiếu, hội đồng kiểm phiếu tiêu hủy hàng chục ngàn phiếu hợp lệ và tạo ra hàng trăm ngàn phiếu bầu giả làm sao có thể diễn ra. Dựng lên những chuyện quái gở như vậy là sự xúc phạm người dân Mỹ, xúc phạm nền dân chủ Mỹ
Xã hội dân chủ không thể có chuyện sùng bái cá nhân. Không thể có chuyện làm mọi chuyện, kể cả chuyện phạm pháp vì một cá nhân. Là một trong hai đảng làm nên nét đẹp dân chủ của xã hội Mỹ, đảng Dân Chủ là đảng của những Tổng thống lừng lẫy trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt (sinh năm 1882-1945); Tổng thống Harry S. Truman (1884-1972); Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963); Tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973); Tổng thống Jimmy Carter (1924); Tổng thống Bill Clinton (1946)… Một đảng như vậy không thể vất bỏ những giá trị của mình, không thể liều mạng tự sát làm những chuyện phạm phát bẩn thỉu để đưa một người của đảng lên làm Tổng thống bằng gian lận trắng trợn phiếu bầu cử.
Trong khi ở bờ Tây Thái Bình Dương nhiều người Việt Nam cùng hòa giọng với Trump gào thét Gian lận bẩu cử! Gian lận bầu cử! thì ở bờ Đông Thái Bình Dương ngày 10.11.2020, nhóm 28 quan sát viên quốc tế thuộc tổ chức các nước châu Mỹ, OAS, đến Mỹ quan sát bầu cử đã ra Tuyên bố bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử ở Mỹ. Các quan sát viên quốc tế của OAS có mặt tại điểm bỏ phiếu và trung tâm kiểm phiếu ở nhiều bang bị cáo buộc gian lận phiếu bầu như Georgia, Penncylvania, Nevada, Michigan, Arizona từ ngày 23.10 đến 7.11, đã xác nhận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được tổ chức tốt và diễn ra trong yên bình, minh bạch.
Trong khi nhiều người Việt Nam đang sống trong nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu tràn trề niềm tin cảm tính rằng Nhà Trắng đã ở xa lắc phía sau Joseph Biden. Sừng sững trước mặt Biden chỉ có nhà tù giữa mênh mông hoang vắng sa mạc thì ở bên Mỹ ngày 8.11.2020, cựu Tổng thống George W.Bush thuộc đảng Cộng Hòa đã tuyên bố gọi ông Biden là tổng thống đắc cử. Tuyên bố của cựu Tổng thống Bush viết rằng, ông Trump có quyền yêu cầu kiểm phiếu lại và theo đuổi các thách thức pháp lý nhưng người dân Mỹ có thể tin tưởng rằng cuộc bầu cử này về cơ bản là công bằng, tính liêm chính sẽ được duy trì và kết quả của nó là rõ ràng.
Cùng ngày 8.11.2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice thuộc đảng Cộng Hòa cũng gọi điện cho Tổng thống đắc cử Joseph Biden: Chúc mừng tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, và những người dân Mỹ đã đi bầu kỷ lục để thể hiện sức mạnh và sức sống của nền dân chủ của chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau vì lợi ích chung bằng sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau.
Nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng nối nhau gửi tweets chúc mừng Tổng Thống đắc cử Joe Biden. Thượng nghị sĩ Susan Collins, tiểu bang Maine; Thượng nghị sĩ Mitt Romney, tiểu bang Utah; Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, tiểu bang Alaska; Thượng nghị sĩ Ben Sasse, tiểu bang Nebraska … Tweets của Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Susan Collins viết: Trước hết, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến Tổng thống đắc cử Biden đối với chiến thắng hiển nhiên của ông.
Những người Mỹ Cộng Hòa, đối thủ chính trị của Joseph Biden của đảng Dân Chủ còn phải nhìn nhận chiến thắng hiển nhiên của Joseph Biden. Còn những người Việt Nam quá nặng lòng yêu Trump thì vẫn cho rằng củ ấu là tròn! Vẫn chờ đợi chiến thắng tưởng tượng của Trump.
Một thế kỉ dồn dập bão táp cách mạng xã hội, bão táp cách mạng khoa học kĩ thuật và cách mạng công nghiệp nhưng con người Việt Nam đầu thế kỉ 21 vẫn là con người Việt Nam thời Tản Đà, đầu thế kỉ 20, “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?” Những người không chịu lớn!
Năm xưa Phan Châu Trinh bị dè bỉu là cải lương vì theo đuổi lý tưởng làm cách mạng về mặt giáo dục, nhận thức trước, sau đó mới tính đến chuyện độc lập dân tộc.
Những người cười chê ông (trong đó có Hồ Chí Minh) tất nhiên là có cách tiếp cận khác, họ muốn giành lại độc lập một cách nhanh chóng hơn, trực diện hơn, kể cả thông qua con đường chiến tranh.
Người Việt Nam hiện giờ tìm thấy mình ở vào cảnh khá giống với thời cụ Phan, thay vì độc lập dân tộc, thì chúng ta phải giải bài toán dân chủ hóa đất nước.
Và cũng không khác gì thuở đầu của thế kỉ 20, người Việt Nam, chí ít là những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc, nay lại một lần nữa ở vào tình huống đối ngược nhau về cách tiếp cận vấn đề. Những người nhận mình là thiên hữu thì gán cho những người khác quan điểm với mình là thiên tả. Hai chủ thuyết vốn đối nghịch nhau.
Có một điểm chung khác giữa thời cụ Phan và thời nay đó là dù một người có ở phía nào thì vẫn đi tù như thường. Nhà cầm quyền, dù là thực dân hay Cộng Sản, không hứng thú với việc tranh cãi độc lập thế nào hay tả-hữu ra sao, trong con mắt họ thì các đối tượng là như nhau, đều muốn thách thức quyền lực của họ do vậy cần phải trừng trị.
Tranh cãi với nhau trên tinh thần hơn thua thì sẽ tạo ra chướng ngại cho sự phát triển, cộng với sự đàn áp của nhà cầm quyền nữa thì triển vọng phát triển là bằng không. Cả hai bên đều ghìm chân nhau trong bầu khí hằn học, bất lực. Đây là lúc những cái đầu nóng trở nên radicalised (cực đoan hóa) và nhặt lấy các cách tiếp cận nguy hiểm. Chủ nghĩa Cộng Sản được du nhập vào nước ta cũng ở trong bối cảnh xã hội như thế.
Hiện nay chúng ta đã thấy manh nha xuất hiện các nhóm cực đoan, sử dụng các biện pháp nguy hiểm như cổ xúy phân biệt chủng tộc, bạo lực, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy hay thậm chí là độc tài. Mà nếu không ngăn chặn thì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Để tránh đi vào vết xe đổ của lịch sử thì người đương thời phải làm khác đi. Trước hết là cần phải đối thoại, các tranh luận nên được thực hiện thường xuyên và cởi mở trên tinh thần xây dựng, với tôn chỉ tìm ra cách tiếp cập phù hợp nhất chứ không phải phân định người thắng kẻ thua. Cái nữa là phải đả phá không khoan nhượng những mầm mống cực đoan (phân biệt chủng tộc, bạo lực, dân tộc cực đoan, dân túy, độc tài), cho dù người cổ xúy cho nó có ở “phe mình” thì cũng phải lên án.
Lịch sử nước ta kể từ sau cái chết của Phan Châu Trinh đã chứng kiến sự nghiêng dần và sau cùng là nghiêng hẳn về lựa chọn chiến tranh. Nước ta không thể đi lại con đường đó một lần nữa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ, tại Washington hồi tháng 7/2015. Ông Trọng, giờ đây kiêm nhiệm chủ tịch nước, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã gửi lời chúc mừng tới ông Biden, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ. |
Sau gần một tháng im lặng trước tin ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, lãnh đạo Việt Nam đã chính thức đưa ra lời chúc mừng và lời mời vị tổng thống tân cử Hoa Kỳ tới thăm “trong thời gian sớm nhất.”
Lời chúc mừng của các lãnh đạo Việt Nam được đưa ra gần một tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng ông Biden giành chiến thắng dù trước đó quốc gia Cộng sản láng giềng của Việt Nam nêu lý do muốn “theo thông lệ quốc tế” cho việc không nhanh chóng chúc mừng ông Biden như nhiều nước khác.
Truyền thông Mỹ hôm 30/11 đưa tin Winsconsin và Arizona, là hai bang cuối cùng trong số 6 tiểu bang chiến địa mà Tổng thống Trump yêu cầu đếm phiếu lại trước tranh cãi về thất bại của ông trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, chứng nhận ông Biden giành chiến thắng, khiến các nỗ lực muốn lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump càng khó trở thành hiện thực.
Trong cùng ngày, truyền thông Việt Nam cho biết các lãnh đạo Hà Nội chính thức gửi lời chúc mừng ông Biden.
“Nhân dịp ông Joseph Robinette Biden Jr. được bầu làm Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngày 30/11/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chúc mừng,” Thông tin Chính phủ, trang Facebook chính thức của Chính phủ Việt Nam, cho biết.
XEM THÊM: Tại sao Việt Nam im lặng trước tin Biden là 'tổng thống đắc cử'?
Trong thông điệp chúc mừng được các trang mạng trong nước đăng tải lại, người đứng đầu Đảng Cộng sản và người đứng đầu chính phủ Việt Nam “bày tỏ tin tưởng với nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong 25 năm qua.” Ông Trọng và ông Phúc cũng mong muốn “quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hoà bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã gây tranh cãi trong nhiều tuần qua khi tổng thống đương nhiệm từ chối chấp thất cử và đưa ra những cáo buộc mà không có bằng chứng về “sự gian lận” trong hệ thống bầu cử.
Thủ tướng Phúc, người nhanh chóng chúc mừng Tổng thống Trump khi ông đắc cử năm 2016, trước đó nói rằng “Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ” trong lúc các lãnh đạo Việt Nam vẫn không có một tuyên bố chính thức nào trước việc ông Biden được dự báo là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.
Theo thủ tục và luật pháp Mỹ, kết quả kiểm phiếu ở 50 tiểu bang sẽ được chứng nhận sau khi hoàn tất và Đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu chọn theo kết quả của các tiểu bang vào ngày 14/12. Theo đó, ông Biden dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.
Cùng ngày 30/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.
“Nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao Việt Nam trân trọng mời Tổng thống và Phó Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất,” thông điệp chúc mừng của ông Trọng và ông Phúc viết.
Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales với VOA hồi đầu tháng này, “một khi chính quyền Biden nhậm chức, Việt Nam sẽ nhanh chóng mở các cuộc tiếp xúc và chuẩn bị cho sự trao đổi các chuyến thăm của các quan chức.”
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear trước đó nói với VOA rằng Việt Nam “chắc chắn là một đối tác mạnh” của Mỹ và ông hình dung “chính quyền mới (của ông Biden) sẽ muốn tăng cường quan hệ song phương, cũng như mở rộng và củng cố hợp tác đa phương.”
Trong những tuần vừa qua, các quan chức cấp cao của chính quyền Trump, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien, đã có những chuyến thăm tới Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù. Các chuyến thăm này được cho là bất ngờ trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Băng rôn tranh cử của các ứng cử viên gốc Việt ở quận Cam trong kỳ bầu cử giữa kỷ hồi năm 2018 |
Cộng đồng người gốc Việt ở Quận Cam, California, dù đông đảo nhưng khó lòng có đại diện được bầu vào Quốc hội liên bang là do ‘bị chia ra thành nhiều địa hạt khác nhau’, ‘bị phe Dân chủ áp đảo’ và có thể là ‘do chia rẽ, đấu đá lẫn nhau’, theo tìm hiểu của VOA.
Trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua, có một số người gốc Việt đắc cử ở cấp tiểu bang, quận hạt và thành phố đại diện cho các địa hạt bầu cử thuộc Quận Cam, bang California, nơi tập trung đông đảo người Việt nhất tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không có người gốc Việt nào ở nơi được mệnh danh là thủ đô tinh thần của người Việt tại hải ngoại vào được Thượng viện và Hạ viện liên bang trong cuộc bầu cử năm nay, cũng như từ trước đến giờ.
Trong cuộc bầu cử này, chỉ có một người gốc Việt duy nhất trên toàn nước Mỹ trúng cử vào Hạ viện liên bang là bà Stephanie Murphy của Đảng Dân chủ. Bà Murphy, tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại địa hạt số 7, tiểu bang Florida. Bà là vị dân biểu liên bang gốc Việt thứ hai trong lịch sử sau ông Joseph Cao Quang Ánh của Đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Louisiana.
Còn ở cấp tiểu bang, năm nay có bà Trâm Nguyễn, Đảng Dân chủ, đắc cử vào Hạ viện bang Massachusetts, bà Janet Nguyễn, Đảng Cộng hòa, đắc cử dân biểu tiểu bang California và ông Hubert Võ tái đắc cử tại Hạ viện bang Texas. Bà Janet Nguyễn trước đó là Thượng nghị sỹ tiểu bang.
'Hai phe phá lẫn nhau'
Trao đổi với VOA, nhà báo Đỗ Dzũng, Chủ Bút nhật báo Người Việt ở California, tờ nhật báo lâu đời nhất của người Việt Nam ở Mỹ, lưu ý rằng chiến thắng của bà Stephanie Murphy ‘là nhờ vào cử tri Mỹ vì địa hạt của bà không có nhiều cử tri gốc Việt và tên của bà cũng là tên Mỹ chứ không phải tên Việt Nam’.
Riêng trường hợp ông Joseph Cao, ông thắng cuộc trong cuộc bầu cử đặc biệt khi có ghế dân biểu trống đột ngột mà phía Đảng Dân chủ không kịp đưa ra ứng viên tranh cử. Nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ, ông Cao đã thất cử ở địa hạt có truyền thống theo Dân chủ.
Bản thân cộng đồng người Việt ở Quận Cam vốn chia rẽ nên không bao giờ có thể dồn phiếu cho một ứng viên gốc Việt đại diện cho họ, theo nhận xét của nhà báo Đỗ Dzũng.
Mặc dù đa số người gốc Việt ở Quận Cam theo Đảng Cộng hòa, nhưng trong phe Cộng hòa gốc Việt này lại chia thành hai phe.
Ông Dzũng cho biết sự chia rẽ này bất đầu từ năm 2007 khi có cuộc bầu cử đặc biệt bầu giám sát viên địa hạt số 1. Trước đó, người gốc Việt theo Đảng Cộng hòa ở Quận Cam quy tụ xung quanh ông Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang. Đến kỳ bầu cử đó, phe Cộng hòa gốc Việt ở California lại chia rẽ ra thành hai ứng cử viên ra ứng cử cho chức vụ này.
“Kể từ đó phe Cộng hòa gốc Việt bị chia ra làm hai và đến giờ vẫn còn chia rẽ,” ông Đỗ Dzũng nói. “Họ chỉ trích nhau công khai, trong cộng đồng ở đây ai cũng biết hết.”
Vì sự chia ra đó mà nhiều khi ứng cử viên gốc Việt chỉ cần thêm một, hai ngàn phiếu nữa để đánh bại ứng viên sắc dân khác ‘mà cũng không có nổi’, ông Đỗ Dũng nói.
“Người gốc Việt chỉ lên được cấp tiểu bang là hết rồi, lên đến cấp liên bang là rất khó bởi vì nếu phe kia ra ứng cử thì phe này sẽ phá và ngược lại,” ông nhận xét.
Theo lời nhà báo này thì trước giờ có bốn người gốc Việt ở Quận Cam ra ứng cử vào Hạ viện liên bang nhưng đều thất bại. “Người có thể đạt nhiều phiếu nhất là ông Trần Thái Văn vào năm 2010 nhưng vẫn thua bà Loretta Sanchez, còn những người khác đều thua từ vòng đầu,” ông cho biết.
‘Dân chủ áp đảo’
Ông Tyler Diệp, đảng Cộng Hòa, dân biểu tiểu bang California sắp mãn nhiệm và vừa tái đắc cử ủy viên Đặc khu Vệ sinh Midway City, phân tích nguyên nhân nhìn từ góc độ đảng phái. Theo ông, các ứng viên gốc Việt đa số theo Đảng Cộng hòa nhưng các địa hạt mà họ ra tranh cử là những nơi mà sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ áp đảo.
“Sự chênh lệch đảng phái giữa các cử tri trong những địa hạt đó rất nặng về Dân chủ nên các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt của Đảng Cộng hòa như cá nhân tôi hay giám sát viên Andrew Đỗ cũng khó có cơ hội mà tranh vô những chức vụ ở các địa hạt đó,” ông Tyler Diệp nói với VOA.
Trong khi đó, các ứng cử viên gốc Việt Đảng Dân chủ, theo ông Diệp, lại ‘chưa có đủ kinh nghiệm cần thiết để ra tranh một chức vụ dân cử cao mà chỉ mới thành công ở vị trí nghị viên thành phố’.
Ông Tyler Diệp chỉ ra việc mặc dù các cử tri gốc Việt đa số theo Cộng hòa nhưng họ đã bị ‘chia năm xẻ bảy’ vào ba địa hạt khác nhau nên không tập trung phiếu được.
“Trong 10 năm qua không có một ứng cử viên gốc Việt nào thấy tình hình thuận lợi để ra tranh cử chức vụ liên bang,” ông Diệp cho biết.
Tương tự, nhà báo Đỗ Dzũng nói nếu như tất cả người gốc Việt dồn vào một địa hạt bầu cử thì ‘gần như chắc chắn người Việt sẽ có một dân biểu liên bang’. Trong từng địa hạt, tổng lá phiếu của người Việt không đủ để dồn cho một ứng viên nào đó đắc cử.
Tuy nhiên, khác với ông Dzũng, ông Diệp cho rằng nếu như cộng đồng Việt Nam có riêng được một địa hạt bầu cử dân biểu liên bang thì họ sẽ không chia rẽ mà chung tay ‘chọn một ứng viên có chung lý lịch, văn hóa và căn cước tị nạn với họ’.
“Có thể trong những cuộc tranh cử, đụng độ ở cấp địa phương, cấp tiểu bang có sự mâu thuẫn giữa người này người kia, giữa phe này phe kia nhưng những cử tri người Mỹ gốc Việt bình thường tôi không nghĩ họ bị chia rẽ như vậy,” ông nói.
Theo ông Diệp, vốn có nhiều năm ra tranh cử các chức vụ ở tiểu bang và cấp địa phương, thì ‘trừ phi các địa hạt được vẽ lại’, cộng đồng gốc Việt sẽ không có đại diện ở Quốc hội liên bang.
Vẽ lại địa hạt
Ông Diệp cho biết trong năm 2021 khi tiểu bang California thống kê lại dân số 10 năm một lần để phân chia lại địa hạt, cộng đồng Việt Nam sẽ có cơ hội đấu tranh để có một địa hạt dân biểu liên bang cho mình.
Theo lời ông thì nhờ nỗ lực vận động vào năm 2011 tại Ủy ban vẽ địa hạt bầu cử mà cộng đồng gốc Việt ‘đã có được địa hạt dân biểu tiểu bang và địa hạt thượng nghị sỹ tiểu bang vốn bao gồm tất cả các khu vực của Little Saigon’. Nhưng địa hạt ở cấp liên bang thì vẫn người Việt ‘vẫn bị chia năm xẻ bảy’.
“Các vị dân cử gốc Việt ở Quận Cam đều đang lưu ý đến điều này. Chúng tôi đang chờ cơ hội để chứng minh cho các viên chức vẽ lại địa hạt là họ nên tôn trọng các cộng đồng thiểu số và vận động các cử tri gốc Việt tới tham dự các cuộc điều trần,” ông Diệp cho biết.
Ông Dzũng thì cho rằng người Việt không có tiếng nói trong công việc vẽ lại các địa hạt bầu cử nên bị lép vế. Các địa hạt bầu cử được vẽ theo hướng không có lợi cho người gốc Việt.
Ông dẫn chứng chính nhờ việc vẽ lại địa hạt mà lần đầu tiên có một người gốc Việt trúng cử vào ghế nghị viên thành phố Santa Ana. Nghị viên tức là ủy viên hội đồng cấp thành phố, mỗi thành phố tùy quy mô lớn nhỏ mà sẽ có từ 5 đến 7 nghị viên.
Trước đây, Santa Ana, thành phố có 700 ngàn cử tri, bầu nghị viên theo kiểu bầu đại trà toàn thành phố và để đắc cử một nghị viên cần giành được hơn 350 ngàn phiếu. Đây là thành phố với dân gốc Mỹ Latin áp đảo nên các sắc dân khác như Mỹ trắng hay người gốc Việt ‘không có cửa giành được 350 ngàn phiếu để thắng’, ông Dzũng nói.
Nhưng trong năm 2020, Santa Ana đã được chia ra thành 7 địa hạt bầu cử, mỗi địa hạt có 100 ngàn cử tri nên mỗi nghị viên chỉ cần giành trên 50 ngàn phiếu của địa hạt đó là có thể thắng.
Thêm nghị viên gốc Việt
Nhờ vậy mà bà Phan Việt Thái ra ứng cử ở địa hạt số 1 đã giành được ghế nghị viên Santa Ana. Ông Dzũng cho biết đây là lần đầu tiên có một người gốc Việt đắc cử nghị viên Santa Ana.
Ngoài bà Phan Việt Thái, kỳ bầu cử này có thêm một người gốc Việt đắc cử nghị viên nữa là ông Ted Bùi. Ông Ted Bùi trở thành nghị viên gốc Việt thứ hai trong số 5 nghị viên của thành phố Fountain Valley bên cạnh ông Michael Võ.
Hiện tại, ở Quận Cam còn có thành phố Garden Grove có 3 nghị viên gốc Việt, thành phố Westminster có 4 trong tổng số 5 nghị viên là gốc Việt. Đây là các thành phố có đông đảo người Việt.
Cao hơn cấp thành phố là ở cấp quận hạt, kỳ bầu cử này ông Andrew Đỗ tái đắc cử chức giám sát viên Quận Cam. Ở cấp tiểu bang, bà Janet Nguyễn, từng là Thượng nghị sỹ tiểu bang California, nay trở thành người Việt đầu tiên vào được cả Thượng viện lẫn Hạ viện tiểu bang này.
Chiếc ghế bà Janet thắng trước đây do ông Tyler Diệp, cũng thuộc Đảng Cộng hòa, nắm. Nhưng ông Tyler Diệp đã thua trong vòng bầu cử sơ bộ năm nay.
Bà Janet Nguyễn là vị dân biểu tiểu bang California gốc Việt thứ ba sau các ông Trần Thái Văn và Tyler Diệp – tất cả đều thuộc Đảng Cộng hòa.
Vượt ra ngoài cộng đồng Việt Nam?
Nhìn về thắng lợi của bà Stephanie Murphy ở Florida, ông Diệp nói ông hy vọng trong tương lai sẽ có ứng cử viên gốc Việt ở Quận Cam vượt ra ngoài khuôn khổ của cử tri gốc Việt để giành được lá phiếu của các cộng đồng khác cũng như của người Mỹ bản xứ.
Ông cho rằng để tiếp cận được các nhóm cử tri khác, các ứng viên gốc Việt phải ‘biết nói những gì mà họ quan tâm’ thay vì những vấn đề quan trọng đối với các cử tri gốc Việt. Ông chỉ ra trong khi cộng đồng gốc Việt quan tâm đến vấn đề chống Trung Quốc thì cộng đồng gốc Latin lại ‘quan tâm đến kinh tế và các chính sách di dân’.
Lưu ý rằng bà Stephanie Murphy không lấy tên Việt Nam, ông Diệp nhận định rằng cái tên để trên lá phiếu phần nào cũng sẽ là một chỉ dấu để các cử tri quyết định bỏ phiếu cho ai.
Đó là khi các cử tri khi đi bầu mà không biết các ứng viên là ai thì họ sẽ chọn người cùng đảng phái với họ, và kế đến là cái tên đó có gần gũi với họ hay không. “Bất kể cộng đồng Latin, gốc Ý, gốc Thái hay gốc Việt đều như vậy,” ông Diệp nói.
Sau cú sốc năm 2016, tôi tìm đọc đủ thứ mong cắt nghĩa hiện tượng Trump. Việc tôi ghét thậm tệ một người như bà Hillary Clinton và bắt bà phải chịu trách nhiệm cho sự thắng cử của Trump chỉ đủ cho Schadenfreude của cá nhân tôi. Câu chuyện rõ ràng nghiêm trọng hơn.
Ở thập niên thứ sáu của cuộc đời, tôi không còn là khối liberal trọn vẹn của tuổi trẻ. Với một chút tự an ủi và khá nhiều rút gọn, tôi thấy mình bây giờ là pha trộn của 65% liberal và 35%conservative, nên hiển nhiên dễ ăn ý với những người phân tích Trump từ góc trái hơn từ góc phải. Song một học giả bảo thủ lại khiến tôi thích thú: ông Harvey Mansfield, triết gia chính trị, giáo sư khoa Chính phủ và Quản lý nhà nước, chuyên gia hạng nặng về Tocqueville và Machiavelli, thuộc thiểu số conservative tại Đại học Harvard vốn có thiên hướng liberal, một học giả lão thành với 60 năm sự nghiệp, thày dạy của nhiều thế hệ học giả, nhà báo, chính khách và doanh nhân danh tiếng, được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia và được chọn là diễn giả Jefferson Lecture, phần thưởng danh giá nhất của chính phủ Hoa Kỳ cho những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Giáo sư Harvey Mansfield đã đinh ninh một kết cục khác cho Trump bốn năm trước. Ngay sau bầu cử, ông phát biểu thẳng tuột rằng “the whole thing is a victory of the lower half of the American IQ”, toàn bộ vụ này là chiến thắng của nửa dưới của chỉ số IQ Mỹ. Mấy tháng sau, tiểu luận “Nam tính dung tục của Donald Trump” (The Vulgar Manliness of Donald Trump) của ông đăng trên Commentary, nguyệt san giàu ảnh hưởng với khuynh hướng tinh hoa và tân bảo thủ[i], xáo động dư luận – dĩ nhiên dư luận ở nửa trên của American IQ. Ông cũng chính là tác giả của cuốn khảo luận Nam tính (Manliness, Yale University Press, 2006) gây không ít sóng gió.
Khác những phê phán Trump từ phía liberal, giáo sư Mansfield không nhìn nhận hiện tượng Trump như một biệt lệ hay thậm chí như cáo phó của nền dân chủ, mà ngược lại, từ nội hàm của khái niệm dân chủ, như sau:
Khía cạnh nổi bật nhất ở Trump là sự dung tục ngang nhiên, không thèm che đậy. Đường đến Nhà Trắng của ông ta rắc đầy những lời lăng mạ trơ tráo, quá đủ để gọi là dung tục, vậy mà ông ta chẳng sao hết, thậm chí lại nhờ thế mà thành công. Đó mới là điều đáng ngại: nam tính dung tục của ông ta chẳng những không cản trở mà còn là một lợi thế chính trị. Toàn bộ hiện tượng Trump, cả cá nhân ông ta lẫn những người mà ông ta hướng đến, nhắc chúng ta phải nhớ đến sự dung tục trong thể chế dân chủ. Hay thậm chí sự dung tục của con người – vì khinh khi hạ bệ thiểu số ở địa vị cao hơn và quyền lực hơn luôn là điều hấp dẫn đám đông bên dưới.
Dân chủ không phải lúc nào cũng là thể chế nhà nước tốt nhất, thậm chí duy nhất, như hiện nay chúng ta thường quan niệm. Các nhà lập thuyết Hy Lạp cổ đại như Plato, Aristotle, Thucydides và Plutarch đã rất dè dặt với nó. Họ thấy ở đó hình bóng một kẻ mị dân tính khí nôn nóng, bốc đồng, hung hăng, trơ trẽn, thích trừng phạt, tìm sự ngưỡng mộ từ những ai giống mình, tức từ đám đông (hoi polloi), từ dân chúng (demos). Y thù ghét giới quý tộc, cao sang, quyền quý, hoặc đơn giản là giới gentlemen mà y không bao giờ có thể gia nhập[ii], và buộc tội họ là kẻ thù của nhân dân mà y tự cho mình là đại diện. Dân chúng, đám đông ấy chiếm phần lớn nhưng không phải là toàn xã hội; kẻ thù của đa số dung tục là thiểu số tinh hoa, kẻ thù của số lượng là chất lượng và sự độc tài của đám đông do một kẻ mị dân lãnh đạo đã cài sẵn trong gen của mô hình dân chủ.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ cũng ý thức rõ nguy cơ ấy. James Madison có nhận định nổi tiếng, phân biệt giữa một bên là dân chủ (democracy, chớ nhầm với Đảng Dân chủ), tức dân chủ trực tiếp thông qua quyền lực của đa số, của dân chúng (demos) và một bên là cộng hòa (republic, chớ nhầm với Đảng Cộng hòa), tức dân chủ gián tiếp thông qua quyền lực của các định chế đại diện dựa trên cấu trúc phân quyền và tản quyền. Họ muốn tránh cho quốc gia khỏi rơi vào cạm bẫy của một kẻ mị dân dung tục, thu hút đám đông dung tục bằng nam tính dung tục. Người dung tục có thể trung thực và tốt bụng, nhưng dễ làm mồi cho cảm xúc và thường thiếu kiên nhẫn, mà guồng máy dân chủ lại cần nhiều thời gian để vận hành đúng đắn. Madison muốn chính phủ không đơn thuần phản ánh mà hơn thế: phải tinh lọc, nâng cao, mở rộng và đa dạng hóa quan điểm của dân chúng dung tục. Nó truất quyền lực từ tay đám đông dung tục với sự chấp thuận của chính đám đông dung tục ấy. Kết quả là một thể chế dân chủ lập hiến sử dụng tài năng, đức hạnh và tham vọng của một thiểu số đặc tuyển. Thể chế ấy mở ra nhiều con đường cho tất cả những ai có tham vọng vươn lên thành những cá nhân xuất sắc, vượt khỏi đám đông dung tục để gặt hái quyền lực và tác động vào xã hội, vì vậy thiểu số tinh hoa sinh ra từ thể chế này mang xuất xứ dân chủ, khác hẳn nguồn gốc quý tộc tiền định ở những xã hội trước. Donald Trump thuộc thiểu số đó, đầy tham vọng, song hầu như không có gì đáng kể ngoài tham vọng.
Xuất thân từ một gia đình giàu có, song Trump mang trong huyết quản sự thô lỗ trơ trẽn của tuýp đàn ông dung tục. Ông ta hấp dẫn những người – cả nam lẫn nữ – thích kiểu đàn ông đậm chất đàn ông. Việc ông ta thiếu gu, thiếu văn hóa cư xử, thiếu lịch thiệp, thiếu chuẩn mực, thiếu tế nhị, chỉ khiến họ càng thêm ngưỡng mộ. Họ diễn giải sự ngang ngược bất cần, đạp lên mọi phép tắc của ông ta là trung thực, là “có sao nói vậy”, như thể trung thực phải là bạn đường của vô liêm sỉ. Tuy giàu – thực chất giàu đến đâu thì nào ai biết -, Trump không hề là một nhà từ thiện, không hề có khao khát đem tài sản của mình ra xây đắp xã hội và thịnh vượng chung. Ông ta chưa bao giờ tài trợ cho bất kì hoạt động nghệ thuật hay giáo dục nào, ngoài việc thành lập Đại học Trump, một tượng đài thất bại về động cơ lợi nhuận[iii]. Ông ta trưng sự giàu có của mình bằng tất cả sự dung tục kệch cỡm, vì đó cũng chính là cách mà những người hâm mộ ông ta ưa thích. Ông ta thành danh bằng truyền hình thực tế, kiếm tiền bằng kinh doanh sòng bạc và cũng nợ đầm đìa ở đó. Ông ta đem cái tên của mình gắn lên mọi doanh nghiệp, như thể đó là vinh dự to lớn nhất mà ông ta có thể ban tặng, và bằng mọi giá quyết làm cho toàn thiên hạ phải biết đến cái tên ấy. Lòng tự ái với một cái Tôi khổng lồ của ông ta thường trực đòi vuốt ve, đòi quan tâm, đòi phần thưởng, không chấp nhận bất kỳ phản ứng nào trái ý và không thể tiêu hóa một lời phê bình nào dù nhẹ nhất: một cấu trúc tâm lý vừa ồn ào hung hãn vừa quá dễ trầy xước. Ở điểm này, Trump khác những người đàn ông thực sự giàu nam tính: họ không để ý thiên hạ nghĩ sao về mình.
Người dung tục thường ngả theo bên thắng cuộc, nên Trump luôn nhắc nhở đám đông dung tục rằng ông ta là một winner, thắng và chỉ thắng, win, win, win, thắng vô điều kiện, không bao giờ nhận thua. Người dung tục, dù sống chừng mực trong phạm vi những hàng rào quy ước, lại rất ngưỡng mộ những hành vi phá bĩnh, phá cách, phá rào, đạp đổ, vượt qua mọi giới hạn. Như thể theo lời dạy của cố vấn chính trị giảo hoạt Machiavelli, Trump đã chủ ý chọn chiến lược phá rào để gây ấn tượng với dân thường và làm nhụt chí giới tinh hoa từng ngày mong ông ta phải trả giá cho những hành vi ngang ngược ấy, một chiến lược hoàn toàn phù hợp với một kẻ mị dân. Trump kích động một đám đông những con người thấy mình thấp cổ bé họng, hướng sự phẫn nộ của họ vào giới quyền quý cao sang của cả hai đảng mà ông ta khoác cho danh hiệu thời thượng establishment, một khái niệm vốn là phát minh của phe Tân Tả (New Left) cuối những năm sáu mươi.
Mà quả thật, Trump không quan tâm đến những tranh luận tả-hữu, cấp tiến-bảo thủ, Cộng hòa-Dân chủ hay bất kì một tranh luận nào thực sự có nội dung hay cần một xác tín nhất định. Nhưng với trực giác phi thường, ông ta đã tìm ra một điểm nhạy cảm để tấn công đối thủ: political correctness (khái niệm gần gũi nhất trong tiếng Việt là chủ nghĩa phải đạo hay đúng lập trường), đường lối bao trùm trong identity politics, chính sách bản sắc, của Đảng Dân chủ và những người cấp tiến thiên tả. Chính sách này xuất phát từ việc bênh vực quyền lợi của các nhóm bản sắc dễ bị tổn thương: phụ nữ, da mầu, nhập cư, đồng/chuyển/liên và đa giới tính, song Trump đã dùng nó để phang lại chính nó. Bản sắc phản bản sắc. Trong diễn giải của ông ta, cộng đồng người Mỹ truyền thống da trắng, sống chủ yếu ở nông thôn và những “vùng sâu vùng xa”, học vấn thấp, sùng đạo, chuộng bình an, làm việc trong những ngành nghề tụt hậu và bị bỏ rơi ở thời đại kỹ thuật số và toàn cầu hóa, lạc lõng trước thế giới tân tiến đầy bất an và cám dỗ hào nhoáng ở các đô thị hiện đại, mới chính là cộng đồng chịu thiệt thòi, bị lãng quên, dễ tổn thương nhất. Chính sách hội nhập đa dạng của Đảng Dân chủ loại trừ họ. Chính sách ưu tiên để chống kỳ thị (affirmative action) của giới liberal kỳ thị ngược đối với họ. Thậm chí sinh mệnh của người da đen thì đáng để xuống đường bạo loạn, còn sinh mệnh họ chẳng ai buồn ngó. Trừ Trump. Họ theo Trump để vùng lên giành lại vị trí của mình, giành lại một nước Mỹ vĩ đại mà họ từng đại diện trong quá khứ. Và giành lại một nam tính dung tục mà chủ nghĩa phải đạo duy nữ quyền của cánh tả quyết gột sạch, trước hết bằng một ngôn ngữ phải đạo, trung lập hóa giới tính.
Trump tấn công chủ nghĩa phải đạo ấy và bảo vệ nam tính dung tục đúng theo cách của một nhà dân túy. Ông ta gặt phăng những định chế của hiến pháp, hệ thống đảng chính trị và các cơ quan truyền thông vì chúng chỉ khống chế, cản đường hoặc gây nhiễu, trong khi ông ta muốn đến thẳng với quần chúng và trực tiếp nói với họ bằng một ngôn ngữ không kiểm duyệt, đơn giản, dễ hiểu, dễ ghi lòng tạc dạ. Ông ta bắn tweets vô tội vạ, nổ ào ạt những phát ngôn rất không phải đạo, vì cách tốt nhất để gây sốt là gây sốc. Cách ông ta huênh hoang chém gió có thể ngớ ngẩn và quả thật ngớ ngẩn, nhưng lại khiến dân chúng nghĩ rằng thế mới là táo bạo, thế mới là thẳng thắn và hẳn trung thực hơn những kẻ uốn lưỡi bảy lần đạo đức giả. Những lời dối trá ráo hoảnh của ông ta cũng vậy, sai đúng không quan trọng, cốt là tạo ấn tượng rằng ông ta bộc trực, không rào đón và vì thế đáng tin hơn sự quy củ cứng nhắc của giới kiểm tin (fact-checker). Cách lăng nhục thô tục của ông ta tiết lộ một tâm hồn nông cạn, không một tia hóm hỉnh và chẳng biết thế nào là hài hước. Ông ta luôn nghiêm túc mà cuối cùng vẫn luôn cường điệu.
Tóm lại, Donald Trump phản ánhnam tính dung tục ở người Mỹ hay ở bất kỳ một dân tộc nào khác. Gọi ông ta là dân dã thì đúng hơn là dân chủ. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã kiến tạo một nền dân chủ lập hiến, trong đó có Đại Cử tri Đoàn (electoral college), một cơ chế ngăn chặn để những người như Trump không bao giờ có thể thắng cử. Song thật trớ trêu, chính cơ chế ấy đã giúp ông ta bước vào Nhà Trắng[iv]. Có lẽ mọi thiết chế mà con người dựng nên cho điều Thiện đều có thể bị lợi dụng cho điều Ác. Và không phải chỉ những người ủng hộ Trump mà tất cả chúng ta buộc phải hy vọng rằng biết đâu dân dã có thể giúp nhuận sắc thay vì hạ giá dân chủ, biết đâu một kẻ mị dân cũng có thể có một tác động tốt. Chí ít, biết phân biệt giữa dung tục và tinh tế cũng là một điều tốt.
*
Trong lúc đọc Harvey Mansfield, tôi thường xuyên phải nhớ đến thứ nhất là sự ngưỡng mộ Trump của số đông người Việt. Họ thấy ở đó một đấng nam nhi như trong mơ, vợ đẹp con khôn, giàu sang phú quý, sự nghiệp lẫy lừng. Một cá tính thẳng băng, mạnh mẽ, quyết liệt, quyết đoán. Một hảo hán giang hồ, anh hùng Lương Sơn Bạc. Một Từ Hải chọc trời khuấy nước, chết cũng không quỳ gối. Chỉ chừng ấy, chưa cần đại tự sự chống Tàu, đã đủ làm say đắm tâm hồn Việt – cả nam lẫn nữ – chưa bao giờ hết khao khát một tồn tại hay được dựa vào một tồn tại không hổ kiếp nam nhi. Và thứ hai, cuộc cách mạng của dân chúng lầm than Việt Nam gửi lời chào. Sau khi tiêu diệt thành công establishment cũ – tư sản, địa chủ và trí thức tinh hoa -, nền dân chủ nhân dân đã thọ ba phần tư thế kỷ ở đất nước này dựng nên một tầng lớp lãnh đạo mới, một thiểu số đặc tuyển mới, không tài năng, không đức hạnh, không có gì ngoài sự dung tục và tham vọng quyền lực.
[i] “The Vulgar Manliness of Donald Trump”, Commentary tháng 9.2019
[ii] Xem thêm bài “Why Donald Trump Is No Gentlemen“ của Harvey Mansfield đăng trên Wall Street Journal, 29.7.2016
[iii] Đại học Trump bị hơn 6000 sinh viên kiện về tội lừa đảo. Mười ngày sau khi thắng cử tổng thống năm 2016, Trump đồng ý trả 25 triệu dollar bồi thường để đình chỉ tất cả các vụ kiện liên quan.
[iv] Trong cuộc bầu cử năm 2016, Trump thắng cử nhờ phiếu Đại Cử tri Đoàn, trong khi thua Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông.
VOA Tiếng Việt |
Các cuộc tuần hành ủng hộ ông Trump diễn ra rầm rộ ở vùng Little Saigon |
Little Saigon ở Quận Cam, California, ‘thủ đô’ của người Việt tị nạn ở Mỹ, lâu nay vẫn quen thuộc với các hoạt động lên án chính quyền Hà Nội nhưng những ngày này đang dồn hết năng lượng chính trị vào cuộc bầu cử 2020. Ẩn dưới không khí chính trị cuồng nhiệt là sự phân hóa, chia rẽ và thù địch dựa trên niềm tin sâu sắc của mỗi bên vào ứng viên của mình.
Một sáng cuối tuần cuối tháng 10, cũng như nhiều dịp cuối tuần khác, trước cửa Thương xá Phước Lộc Thọ, đám đông chừng trên trăm người Việt với cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ phấp phới tập hợp để ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump. Họ hô to ‘Four more years’ (Bốn năm nữa) và những khẩu hiệu lên án ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ là ‘bán nước’, ‘hèn hạ’, ‘làm nô lệ cho Tàu Cộng’.
Một bà cụ 79 tuổi tên là Trúc Minh bức xúc nói với chúng tôi rằng bà rất ‘đau lòng’ khi con cháu bà không nghe lời bà mà bầu cho ‘Đảng quỳ’, cách bà gọi Đảng Dân chủ, và rằng ‘khi nào chúng nó nếm mùi cộng sản rồi mới thấm thía’.
Đó chỉ là một trong số hàng chục cuộc tập hợp lớn nhỏ trong thời gian qua ở Little Saigon để biểu dương lực lượng cho ông Trump. Trong khi đó, chỉ mới có một cuộc tập hợp để ủng hộ cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Cách đó không xa, tại công viên Mile Square, một nhóm khoảng 10 người đang có một cuộc họp như thường lệ để trao đổi những cách thức vận động cộng đồng người Việt ủng hộ ông Joe Biden. Cuộc họp diễn ra lặng lẽ, yên ắng trái hẳn với bầu không khí cuồng nhiệt, ồn ào trước Thương xá Phước Lộc Thọ.
‘Hết sức phấn khởi’
Ông Ngô Đình Lượng, 51 tuổi, một chủ cửa hàng hoa và đã ghi danh theo Đảng Cộng hòa kể từ khi nhập tịch Mỹ, là một trong những người có lời hiệu triệu đám đông trong cuộc tuần hành đó. Ông Lượng cho biết đây là lần đầu tiên ông tích cực tham gia vận động chính trị như vậy.
Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc có xưởng in băng rôn, biểu ngữ ủng hộ Trump mà ông Lượng tự bỏ tiền túi ra làm để phát cho mọi người, ông cho biết sau 5 cuộc tuần hành mà ông là một trong những người tổ chức, số người tham dự ‘ngày càng đông’ và hiện thu hút khoảng 300-500 người.
“Mình có cảm giác rất phấn khởi, mình vui giống như trước kia Đức Giáo hoàng đến Denver và chúng tôi cũng có cảm giác y chang như vậy,” ông Lượng giãi bày với VOA.
Ông Lượng vượt biên đến Mỹ dưới thời cố Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan và trở thành cảm tình viên Cộng hòa do chính sách của ông Reagan cứng rắn với Liên Xô. Ông nói điều làm ông yêu thích ông Trump là ‘ông ấy đã hứa là làm và làm mỗi ngày’.
Karen Ducey |
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình trạng Tân Cương, Biển Đông và Hong Kong là các lý do khiến nhiều người Mỹ gốc Việt dành nhiều năm vận động chống lại chính phủ do ĐCSVN kiểm soát.
David Tran đã dành phần lớn cuộc đời mình để vận động cho sự sụp đổ của chính phủ do đảng cộng sản kiểm soát ở Việt Nam, theo SCMP.
Giống như nhiều thành viên của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ, Tran, nhập cư từ khi còn là một thiếu niên cách đây hơn ba thập kỷ, từ lâu đã mơ về một ngày quê hương của mình chấp nhận nền dân chủ tự do.
Tuy nhiên, hiện nay, David Tran, người điều hành Trung tâm Dân chủ Việt Nam có trụ sở tại Texas, lại đang nhắm vào một nhà nước độc đảng khác: Trung Quốc.
"Chúng tôi nhìn vào tầm nhìn của tương lai, một tương lai do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thông qua hình ảnh của Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông và thậm chí cả Hong Kong… và chúng tôi không chấp nhận tương lai đó cho con cháu chúng tôi," Trần, một bác sỹ y khoa, nói.
Getty Images - Một số người cho rằng Trung Quốc muốn Joe Biden đắc cử, người khác tin rằng họ muốn Donald Trump thêm một nhiệm kỳ nữa |
Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt đã dành nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ tham gia vận động chống lại chính quyền Việt Nam, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến họ chuyển sự tập trung sang nâng cao nhận thức về dân chủ, nhân quyền và sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.
Trong khi chia sẻ nhiều mối quan tâm chung với giới hoạt động ở những nơi khác, chẳng hạn như cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, sự phản đối của họ đối với Bắc Kinh thường tập trung vào những xung đột ảnh hưởng đến quê hương, bao gồm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.
Đầu năm nay, vẫn theo SCMP, hơn 80 nhóm người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người trong số họ sống tại Hoa Kỳ, đã thực hiện một cuộc "trưng cầu dân ý" không chính thức qua mạng xã hội để công chúng Việt Nam có cơ hội thể hiện quan điểm về các tuyên bố bành trướng và việc xây dựng quân đội của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Chín lăm phần trăm số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc khởi kiện Bắc Kinh tại các tòa án quốc tế, theo cuộc thăm dò ý kiến 1,2 triệu người Việt Nam trong nước, theo ban tổ chức.
Hà Nội đã ám chỉ sẽ kiện nhưng cho tới nay vẫn chưa thực sự theo đuổi việc này.
Tran, người giúp tổ chức cuộc thăm dò, nói rằng Hà Nội sẽ không bao giờ bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự hiện diện ngày càng lấn lướt của Trung Quốc.
Ông nói: "Việt Nam và Trung Quốc có cùng hệ tư tưởng cộng sản. Giữ lập trường vững chắc hơn có nghĩa là tách khỏi hệ tư tưởng đó... Việt Nam và Trung Quốc là quốc gia công an trị, có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bộ máy an ninh nội bộ."
Trọng tâm vận động của các nhóm như Trung tâm Dân chủ Việt Nam là xác quyết rằng Bắc Kinh gây ra mối đe dọa không chỉ đối với Việt Nam, mà cả thế giới nói chung.
Getty Images |
Một số nhà hoạt động hải ngoại từng tham gia các chiến dịch về Biển Đông đã bắt đầu vận động hành lang để Đảng Cộng sản Trung Quốc được xác định là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, một vấn đề được đưa ra bởi Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Scott Perry, người vào ngày 1/10 đã giới thiệu một dự luật liên quan tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc vốn đã căng thẳng trong lịch sử, với việc các bên phải đối mặt với một loạt xung đột biên giới trước khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Trong một cuộc khảo sát của Pew năm 2017, chỉ 10% người Việt Nam cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước láng giềng Trung Quốc.
Những mâu thuẫn lịch sử đó trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây do các cuộc đối đầu liên tiếp ở Biển Đông, bao gồm cả cuộc biểu tình kéo dài một tuần vào năm 2014 sau khi một công ty Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu ở vùng biển này, làm dấy lên phản đối ở khắp Việt Nam.
Will Nguyen, một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, cho biết chủ nghĩa bành trướng chống Trung Quốc đã "ăn sâu vào tâm trí của hầu hết mọi người Việt Nam".
Ông Nguyễn nói: "Nhiều nhà hoạt động ở nước ngoài tỏ ra hiếu chiến với Trung Quốc vì họ không thích Đảng Cộng sản Việt Nam. Về mặt lịch sử, điều này có ý nghĩa vì cả hai đảng đều có chung nguồn gốc và rõ ràng các đảng này đang điều hành các quốc gia độc tài độc giống nhau."
Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 3/11, nhiều người Mỹ gốc Việt hy vọng Donald Trump tái đắc cử, ủng hộ lập trường diều hâu của ông và Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng trước bởi APIAVote, AAPI Data và Người Mỹ gốc Á ủng hộ Công lý, 48% người Mỹ gốc Việt cho biết họ ủng hộ Trump, so với 36% thích Joe Biden.
Nguyen-vo Thu-huong, phó giáo sư về Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles, cho biết sự phản đối truyền thống đối với Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản trong cộng đồng hải ngoại hiện đang được một số nhà hoạt động ủng hộ Trump đồng tình.
Bà nói: "Các cuộc biểu tình có thể vẫn chống Trung Quốc, nhưng đã trở thành một phần của thông điệp về lý do tại sao người Việt Nam ở hải ngoại nên ủng hộ Trump và chống lại bất kỳ kẻ thù nào của Trump và chống lại tầm nhìn của ông về Mỹ. Kể từ sau đại dịch và George Floyd, tình cảm chống Trung Quốc đã được huy động cho Trump, chống lại các lệnh phong tỏa do đại dịch, chống lại các chính trị gia Dân chủ khác."
Trần, người đứng đầu Trung tâm Dân chủ Việt Nam, cho biết ông không tập trung vào kết quả của cuộc bầu cử, mà tiếp tục truyền bá thông điệp của mình ra thế giới.
Ông nói: "Công việc của chúng tôi không liên quan đến dự đoán ai thắng ai thua. Dù ai thắng hay thua thì công việc của chúng tôi vẫn vậy: Thông báo cho công chúng và các đại diện dân cử của chúng tôi từ tất cả các cấp chính quyền và từ tất cả các chính phủ, rằng chủ nghĩa cộng sản là xấu xa."
Đằng-Giao/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 19 Tháng Chín, cuộc xuống đường ủng hộ Tổng Thống Donald Trump diễn ra vào trên đường Bolsa, Westminster, phía đối diện thương xá Phước Lộc Thọ, trong không khí sôi động.
Một ông cầm biểu ngữ ủng hộ Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Nhóm người tuy không đông nhưng tràn đầy khí thế tung hô.
Có lúc họ đồng thanh hô to: “Four more years. Four more years (Bốn năm nữa).”
Một nhóm bè bạn hẹn hò nhau cùng đi bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một.
Cụ bà Nguyễn Thị Hanh, ở Westminster, nói: “Bốn năm chưa đủ. Tôi mà có quyền, tôi cho ông thêm tám năm nữa thì mới vừa.”
Có người cho con còn nhỏ, chừng bốn, năm tuổi, ra cầm tên ông Trump để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Thỉnh thoảng nhiều xe chạy qua bóp còi inh ỏi, xe thì đồng tình ủng hộ lên tiếng động viên, xe thì ồn ào phản đối, buông lời khiếm nhã.
Nhóm người thay phiên nhau cầm micro xưng tụng công đức ông Trump.
Một ông chỉ cho biết tên Kiệt nói: “Tôi chưa bao giờ thấy tổng thống Mỹ nào có lòng gan dạ như ông Trump. Mình ông dám lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc phê phán chế độ độc tài Cộng Sản.”
Người khác thì tin tưởng việc muốn xây tường ngăn biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ không thành trong nhiệm kỳ này sẽ là mục tiêu đầu tiên trong nhiệm kỳ tới của ông Trump.
Ai ai cũng đồng lòng là làm tổng thống phải lo đại sự mà bốn năm thì quá ngắn ngủi cho chuyện lâu dài.
“Four more years. Four more years.” Đi xa rồi mà tiếng reo hò vẫn rền vang chắc nịch. [qd]