Sau cuộc chia cắt Nam – Bắc triều Trịnh Nguyễn, 80 năm Bắc – Trung – Nam Pháp thuôc, Hồ Chí Minh đem về cho dân tộc sự chia cắt mới giữa giai cấp lãnh đạo chuyên chế và người dân bị trị.
Cơn bão Fake News (tin vịt) và những fan cuồng nổi lên. Cộng đồng người Việt có thêm sự chia cắt mới giữa những fan cuồng và những người còn lại. Thảm họa này là vũ khí lợi hại trong tay chính quyền cộng sản, phá nát niềm tin, lý tưởng, lương tri của phần lớn lớp trẻ, di hại còn kinh hoàng hơn chủ nghĩa Mác – Lê.
Thành tựu lớn của Tổng thống Trump và dàn đồng ca cuồng nộ trong bốn năm qua đã gieo rắc một ấn tượng sai lệch về hệ thống truyền thông Mỹ là truyền thông “thổ tả” và tất cả những thông tin nào không có lợi cho Trump là Fake News.
Nền dân chủ Mỹ, hệ thống truyền thông mạnh mẽ của Mỹ sẽ phải mất nhiều thời gian khắc phục cơn dịch này, như dập tắt dịch Covid-19. Nhưng căn bệnh này vô cùng tai hại với người Việt trong nước, qua hệ thống truyền thông “lề phải” một chiều, áp đặt thông tin theo đường lối của đảng mà hầu hết nội dung, mục tiêu của nó nhằm ngu dân, tiêu diệt các giá trị dân chủ và duy trì chế độ độc tài toàn trị.
Hệ thống truyền thông này được vỗ béo bằng nguồn ngân sách, bằng sự độc quyền xuất bản, từ đó, độc quyền khai thác nguồn thu quảng cáo cũng như các dịch vụ thông tin đa dạng của người dân, từ bố cáo, tìm trẻ lạc, đến mất chứng minh nhân dân, báo tang, báo hỉ…
Guồng máy ấy được quản lý chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và trơ trẽn nhất là: Biết người dân chán ngán.
Làn sóng Fake News từ cuộc bầu cử ở Mỹ như cơn bão dữ tràn vào công đồng người Việt, từ nước ngoài đến trong nước. Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, số fan cuồng Tổng thống Trump chủ yếu là người già, ít thông tin, không hội nhập sâu vào văn hóa và nền dân chủ Mỹ.
Ở trong nước, số tiếp cận mạng internet đa số là giới trẻ, phần đông không biết tiếng Anh, chỉ tiếp nhận thông tin qua các kênh tiếng Việt trên YouTube, Facebook, nên tín đồ cuồng đa số từ trẻ đến trung niên.
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ từng cảnh báo: “Những người hoạt động ở Việt Nam nên thận trọng trong việc đưa tin: Nếu quý vị đưa nhiều tin giả, tin kích động bạo lực (đặc biệt liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ) thì quý vị tự làm công chúng và cộng đồng quốc tế mất niềm tin vào chính quý vị. Sau này, không ai dám tin vào các thông tin về người đấu tranh bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bức hại mà quý vị cung cấp, cho dù việc đó có xảy ra thật.
Nếu đọc tin từ người khác mà quý vị không có khả năng kiểm chứng thì tốt nhất là không nên chia sẻ. Hãy thận trọng vì cái giá phải trả cho những tin thất thiệt mà quý vị tạo ra hoặc chia sẻ sẽ rất lớn. Không chỉ quý vị bị mất, mà phong trào dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam, vốn đã lẹt đẹt, sẽ bị kéo lùi thêm nữa!”
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của nhà hoạt động nhân quyền Ngô Văn Hiếu, chia sẻ: “Người ta không thể thành công khi lấy bất chính để phụng sự chính nghĩa. Phong trào dân chủ Việt Nam, nói chung, không tàn tạ vì bị chế độ độc tài đàn áp mà vì dùng những thủ đoạn ma giáo trong suy nghĩ và sinh hoạt.
Cuồng Trump là hiện tượng ma giáo hắc đạo. Lưu ý rằng một khi người ta dùng một điều bất chính này để chống một điều bất chính khác là chính họ đã thối nát rồi. Khi đã thối nát thì chính mình là một phần của vấn đề thì làm sao mình có thể thành một phần tích cực của giải pháp được?”
Những gì không có lợi cho Tổng Thống Donald Trump đều là “fake news,” xem ra chẳng khác mấy việc bất kỳ ai không ủng hộ hoặc không nghe theo Cộng Sản đều là “phản động.”
Tổng Thống Donald Trump trong cuộc nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm 7 Tháng Mười 2017, đã chỉ tay và gọi NBC News là “fake news.” (Hình: Alex Edelman/AFP via Getty Images) |
Điều này đang đúng với khá nhiều người Việt và dễ dàng nhận thấy nó qua cách họ ủng hộ Tổng Thống Donald Trump trước và sau bầu cử Mỹ, đặc biệt là những người ở trong nước.
Đánh mất khả năng tư duy
Gần ba tháng trước, một sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ đã nhận xét với tôi về bản án dành cho những người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, “Bản án như vậy là đáng đời cho những kẻ thích khủng bố.”
Sinh viên này đang học năm thứ ba tại Đại Học Quốc Tế ở Sài Gòn thì sang Mỹ du học.
Lời nhận xét của bạn trẻ này hoàn toàn khớp với việc bóp méo bản chất vụ việc qua các phương tiện báo chí của nhà nước, cùng đội ngũ dư luận viên trên mạng và qua cách bạn này vẫn đọc báo, nghe đài trong nước.
Câu chuyện trên cho thấy ngay trong một thế giới mở, được kết nối toàn cầu thì việc lặp lại thông tin không phản ánh đúng bản chất sự việc một cách liên tục, trên nhiều phương tiện của chế độ Cộng Sản vẫn luôn tỏ ra hiệu quả.
“Nếu bạn nói một lời nói dối đủ lớn và tiếp tục lặp lại nó nhiều lần, mọi người cuối cùng sẽ tin vào điều đó” (If you tell a lie big enough and keep repeating it, people will eventually come to believe it).
Câu nói được trích dẫn nhiều nơi này được cho là từ Joseph Goebbels, bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã.
Tuy nhiên, tôi không tìm thấy một tài liệu tiếng Anh nào đủ đáng tin cậy để chứng minh Joseph Goebbels nói nguyên văn như thế. Dù vậy, có thể ông ta đã trình bày những ý tưởng tương tự.
Nhưng, dùng sức mạnh của bộ máy cai trị để đánh tráo sự thật bằng những lời giả dối với mục đích đè bẹp đối thủ, lừa dối người dân; tô hồng chế độ, biện minh cho giới cầm quyền… thì chủ nghĩa Cộng Sản và thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa mới thật sự là “bậc thầy.”
Tuy nhiên, tại một đất nước dân chủ hàng đầu thế giới, bốn năm qua Tổng Thống Donald Trump cũng đang thể hiện điều này “một cách xuất sắc.” Bất kỳ bài báo, thông tin nào không có lợi đều được ông Trump dán nhãn “fake news.” Chữ “fake news” được ông Trump dùng liên tục, ở tất cả mọi thông tin bất lợi cho bản thân ông.
Điều này tạo kết quả với những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump, tin tức không có lợi cho ông đều trở thành “fake news.”
Việc tiếp nhận thông tin một cách lười biếng, không đặt ra câu hỏi nghi vấn, chọn thông tin làm hài lòng tình cảm dễ khiến người nhận mất khả năng tư duy, phản biện, truy tìm sự thật để có được nhận xét đúng sự việc trước sự nhiễu loạn thông tin.
Tin giả biện minh cho mục đích
Tuần trước một người quen ở tiểu bang Georgia gởi cho tôi một tấm ảnh trong đó Tập Cận Bình đang cầm cái dây, đầu kia được tròng vào cổ Joe Binden đang quỳ kiểu bái gối. Anh này khẳng định với tôi đây là hình ảnh thật 100%, bất chấp nó được “photoshop” một cách non tay. Và anh tỏ ra đầy lo lắng, Mỹ đã bị Trung Quốc chi phối với việc Joe Biden thắng cử.
Đến tin tức về phiếu bầu của người chết, bưu điện chuyển phiếu từ New York sang Pennsylvania, phiếu bầu bị bỏ bên vệ đường, máy chủ Dominion bị can thiệp để thay đổi kết quả bầu cử, Tống Thống đắc cử Joe Biden của Mỹ là sản phẩm của truyền thông,… đang được người Việt phát tán tràn lan để ủng hộ ông Donald Trump.
Các tin tức kiểu này khi dùng khả năng tư duy sẽ có nhiều câu hỏi nghi vấn dành cho nó. Bỏ một chút thời gian tìm hiểu sẽ có được sự thật không như thông tin ban đầu.
Tuy nhiên, người Việt chỉ tin theo những điều Tổng Thống Donald Trump nói, tweet và đội ngũ của ông đưa ra, hoặc những người cùng chung ủng hộ. Do đó, sự thật không có lợi cho ông Trump đều là “fake news.”
“Fake news” của Tổng Thống Donald Trump và “phản động” của Cộng Sản Việt Nam được dùng chẳng khác nhau. Theo đó, hàm ý chung những kẻ không theo ý ta, không ủng hộ ta đều là bọn sai trái, đáng lên án, trừng trị.
Tôi đang chứng kiến sự ủng hộ đông đảo của những người cùng dòng máu Việt cho ông Donald Trump, như đã từng thấy sự ủng hộ những lãnh đạo độc tài, mị dân qua các trang sử và trong kinh nghiệm thực tế hơn 30 năm tại Việt Nam.
Cùng với đó có quá nhiều người Việt đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Sự việc có lợi cho ông Donald Trump thì sẽ đúng. Tuy nhiên cũng sự việc như thế mà bất lợi cho ông Trump sẽ là do gian dối, hấp tấp.
Và có cái gì đó tương đồng giữa việc ủng hộ “cha già dân tộc” và lãnh tụ siêu cường Mỹ.
Cái loa tuyên truyền của đảng
Cách ủng hộ Tổng Thống Donald Trump của người Việt qua bầu cử vừa rồi chỉ cho thấy bộ máy tuyên truyền của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam đang thắng.
“Hệ thống bầu cử ở Mỹ rối bời, đầy gian lận. Hai đảng đấu đá nhau.” Điều này như một cách gián tiếp thừa nhận cách bầu cử của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam ưu việt hơn, với tỷ lệ đồng thuận khá cao.
Hay là, “thể chế dân chủ hàng đầu thế giới như Mỹ rất lộn xộn, gây chia rẽ quốc gia, thiếu sự đoàn kết như ở Việt Nam.”
Việc các thể chế độc tài trên thế giới muốn từ cả thế kỷ qua chưa làm được, thì chính Tổng Thống Donald Trump tự tay làm lu mờ ngọn hải đăng, thành trì của dân chủ thế giới. Giảm uy tín của nền dân chủ Mỹ qua những cáo buộc thiếu căn cứ, hành động thiếu chuẩn mực, ông Donald Trump vì ích lợi bản thân đang biến nước Mỹ thành trò cười cho thế giới dân chủ.
Điều đáng buồn có quá nhiều nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến sừng sỏ, bị chế độ độc tài cầm tù, sách nhiễu lại là những người hăng hái nhất trong việc loan báo sai sự thật để ủng hộ một kẻ mị dân, chỉ biết bản thân, đời sống cá nhân đầy chuyện gian đối như Tổng Thống Donald Trump.
Chính quyền Hà Nội cũng trở nên dễ dãi, thả cho người dân, báo chí được tự do nói về bầu cử Mỹ.
Tôi chưa thấy, hoặc nghe nói có sự hạn chế bằng văn bản, chỉ đạo miệng, gọi điện, tin nhắn nào của Ban Tuyên Giáo, bộ, các sở thông tin và truyền thông qua các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần về thông tin về bầu cử Mỹ.
Việc này là khác với sự can thiệp của các cơ quan trên lên báo chí, dư luận xã hội khi đưa tin về tình hình ở Nga, Trung Quốc, Venezuela…
“Thả cổng” của nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tay cho những thông tin được thêu dệt một cách dễ dãi và phát tán rộng rãi theo cấp số nhân để phục vụ thị hiếu, sự ủng hộ của người Việt.
Không ít người đã dùng chính những cáo buộc của họ về chính quyền Cộng Sản để biện minh cho thái độ ủng hộ ông Trump vô điều kiện.
Người Việt đang dùng lại chiếc bẫy của Cộng Sản giăng ra
Nhiều người Việt đang áp dụng cái ‘bẫy’ mà Cộng Sản đã giăng ra để bóp méo sự thật mà họ đã từng là nạn nhân, từng bị lừa.
Trong bầu cử Mỹ người Việt đang biến những tin sai sự thật thành đúng qua cách họ tự đầu độc lẫn nhau qua việc đưa nhiều thông tin không đúng sự thật.
Đa số người Việt luôn nghĩ họ không thay đổi được chính trị trong nước vì mọi việc đã có “đảng và nhà nước lo,” hoặc đấu tranh với hệ thống cầm quyền cũng như “châu chấu đá xe.”
Và người Việt trong nước đang hành động theo kiểu họ có thể thay đổi được kết quả bầu cử Mỹ bằng niềm tin vào tin giả và kết quả bầu cử Mỹ sẽ thay đổi qua thông tin họ nhận được. [kn]
Getty Images |
Hiện tượng "ủng hộ Donald Trump tới cùng" không chỉ xảy ra với một số nhà hoạt động và cư dân mạng Việt Nam mà còn là điều đang diễn ra ở giới người Hoa hải ngoại.
Theo tìm hiểu của BBC, nhà đấu tranh khiếm thị Trần Quang Thành, và nhà hoạt động Bob Fu đều liên tục chia sẻ các đoạn tin nhắn cho là Tổng thống Donald Trump "tái đắc cử" sau bầu cử đầu tháng 11 ở Hoa Kỳ.
Họ cũng tin vào các cáo buộc của bà Sidney Powell rằng "tiền cộng sản" từ Trung Quốc và Cuba đã góp phần "biến cuộc bầu cử tại Mỹ thành trò lừa đảo".
Nhưng đây không phải là các ý kiến riêng lẻ mà có vẻ như là một phần của dòng thông tin đã có từ lâu, được các báo chống Cộng sản của người Hoa hải ngoại nuôi dưỡng.
Một trong số các cơ quan truyền thông đó là The Epoch Times, có bản tiếng Việt là Đại Kỷ Nguyên.
Điểm chung của những người đọc các trang báo này là thái độ ngay lập tức lên án, đả phá bất cứ cơ quan truyền thông nào đưa tin khác họ về hai ông Trump và Biden.
EPA - Sidney Powell |
Một nhà báo của BBC News Tiếng Trung tại London cho hay:
"Chiến dịch tin sai lệch (misinformation campaign của cơ quan truyền thông do Pháp Luân Công tài trợ này, cũng như một số cơ quan truyền thông của phe bất đồng chính kiến Trung Quốc khác ở hải ngoại là hiện tượng tràn ngập. Các kênh của BBC News Tiếng Trung bị tấn công bằng hàng nghìn lời bình luận phỉ báng, xúc phạm mỗi khi chúng tôi nói đến ông Biden như tổng thống đắc cử.
Vẫn thuyết âm mưu này được cộng đồng bất đồng chính kiến (người Hoa) ở hải ngoại, cùng một số ở Hong Kong, và Đài Loan tin theo. Điểm chung là họ cùng chia sẻ sự căm ghét với chế độ của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, và sự tuyệt vọng khi thấy Trump, người họ cho là 'đấng cứu thế' chống lại sự áp bức của cộng sản, hiện đang phải rời nhiệm sở."
Nhà báo của BBC News Tiếng Trung cũng cho hay có sự hợp tác giữa ông Quách Văn Quý (Miles Kwok) và cựu cố vấn của TT Trump, ông Steve Bannon, khi họ cùng nhau "tung ra tin theo kiểu thuyết âm mưu rằng Covid-19 là vũ khí sinh học của Trung Quốc", hoặc "Joe Biden là gián điệp của Tập Cận Bình".
Báo Đại Kỷ Nguyên, bản tiếng Anh (The Epoch Times) được phát không cho người đọc tại Anh, Úc.
Theo trang ABC News (09/10/2020) bài của Epoch Times có hai điểm nổi bật: chống Đảng Cộng sản TQ và ủng hộ Donald Trump.
ABC cho hay các phân bộ của Epoch Times tổ chức meeting ở cả New Zealand, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Ý.
Hồi tháng 6/2020, một tờ báo địa phương mở miền Bắc nước Anh, tờ Prolific North có bài nói báo Epoch Times được gửi tới nhà người dân trong vùng.
Nhìn chung, trang Epoch Times được cho là cùng dòng tin tức báo chí "cực hữu", theo một bài trên New York Times hôm 24/10/2020.
Tờ báo Mỹ nói từ 2016, Epoch Times do Pháp Luân Công ủng hộ, "đã dùng các chiến thuật của Facebook một cách hung hãn và thông tin sai lệch dạng thiên hữu để tạo ra một đế chế truyền thông chống Trung Quốc, ủng hộ Trump".
Trong thời gian Hoa Kỳ tổ chức bầu cử tháng 11/2020, nhiều trang Facebook tiếng Việt chia sẻ lại các bài, đôi khi còn nguyên phần tiếng Trung, từ các trang của Đại Kỷ Nguyên hoặc từ phần bình luận của người đọc.
Điểm dễ thấy của mọi bình luận hoặc "tin tức", bài video thuộc loại này là ủng hộ tối đa Tổng thống Trump và coi ông Joe Biden là "ăn tiền Trung Quốc cộng sản".
Đa số các bài này, gồm cả một số bài trên báo chính thống ở Việt Nam không nói gì về truyền thống công bố kết quả bầu cử sau đếm phiếu (calling the race) đã có trong chính trị Mỹ từ năm 1858, mà gợi ý rằng đặc biệt năm nay 'truyền thông cánh tả' lập ra một âm mưu công bố trước khi các phiếu cử tri đoàn tụ về vào tháng 12.
Cuộc chiến pháp lý đang dần hụt hơi của TT Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử xem ra không làm nản lòng các tác giả viết trên Đại Kỷ Nguyên.
Đặc biệt, giống như một số trang web theo thuyết âm mưu ở châu Âu thường mang màu sắc 'tận thế' (apocalyptic vision) hoặc 'cuộc chiến sinh tử cuối cùng' của nhân loại giữa Thiện và Ác, Đại Kỷ Nguyên nói về chính trị hiện thời nhưng kèm theo lập luận của lý số, tử vi, và tính tâm linh.
Hôm 30/11/2020, trang Đại Kỷ Nguyên (dkn.tv) bản tiếng Việt có bài với tựa đề "Bậc thầy tử vi khẳng định: TT Trump có lá số vô địch thiên hạ, Biden khó sống qua năm 2021".
Tác giả bài báo ký tên là Thanh Ngọc trích dẫn một thầy tử vi ở California, Hoa Kỳ nói "TT Trump nhất định tái đắc cử, hơn nữa còn là nhà lãnh đạo "không có đối thủ" trên toàn thế giới".
Bài được gần 8000 lượt xem sau 9 giờ đăng tải.
Vẫn trang web này có "phóng sự" TV nói về cuộc chiến pháp lý của TT Trum như một phần của cuộc "đại chiến toàn cầu".
Tựa đề của phần video là "Cuộc chiến toàn cầu giữa 'Đại tái thiết' và 'Đại thức tỉnh', không ai ngoại lệ".
Một bài khác lên án "truyền thông khuynh tả bất chính" đang tìm cách hạ bệ TT Trump.
Một bài khác cho rằng ngay từ 1984, một điệp viên Nga đã "tiết lộ âm mưu" dùng Joe Biden để phe XHCN "chiếm lĩnh Hoa Kỳ" năm 2020.
Bài báo đi ngược về quá khứ, cho rằng năm 1964 đã có kế hoạch của TBT Đảng CS LX Nikita Khrushchev muốn "lật đổ Hoa Kỳ".
Dù là viết và đọc bằng tiếng Việt, cách hành văn mang rõ một sắc thái Hán văn với từ ngữ quen thuộc của văn học võ lâm đặc trưng của Trung Hoa thời xưa.
Chẳng hạn TT Trump được mô tả là có "chân mệnh đế vương".
Một bài về ông Joe Biden dùng luôn cả tựa đề trích từ Phong thần Diễn nghĩa, tác phẩm thuộc thể loại fantasy được cho là của Hứa Trọng Lâm và Lục Tây Tinh vào thế kỷ 16.
Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì người đọc ở Việt Nam có thể tiếp cận trang web và kênh TV trên mạng xã hội của Đại Kỷ Nguyên bình thường.
Trang này đăng tin tức cập nhật về Việt Nam, từ vụ xử tướng Nguyễn Đức Chung đến vụ 'bán bằng' ở Đại học Đông Đô những ngày qua.
Thậm chí phát biểu gần đây của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ở Đắc Lắc về bộ sách Cánh Diều cũng được nói đến.
Getty Images - The Epoch Times |
Nhiều bài của Đại Kỷ Nguyên, trang web có tiêu chí ghi là Trung thực và Truyền thống, hoặc là bản sao hoặc trích đoạn bài gốc bằng chữ Hán của trang Tân Đường Nhân (NTD - New Tang Dynasty), cùng một chủ sở hữu và phát hành.
Ví dụ bài ký tên Vũ Dương viết rằng "Tổng thống Trump nhắn tin hình sư tử" đã đặt đường dẫn tới bài gốc tiếng Trung 'Sư tử chiến liệp cẩu' của Lý Vân Tống, trên trang NTDTV.
Đặc trưng của các trang này, ngoài thời sự là mục Y tế, nói nhiều về các phương thuốc họ mô tả là "có tác dụng kỳ diệu", như "người bại liệt sau bảy năm đứng dậy đi được".
Các bài phân tích, bình luận trên hai trang này, bản tiếng Việt chỉ trích trực diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, như bài 'ĐCS TQ kích động thù hận ra sao?' hoặc nói đảng này chỉ đến 2024 là "diệt vong".
Tuy nhiên, cả hai trang báo hoàn toàn không bình luận gì về Đảng Cộng sản Việt Nam và các lãnh đạo đảng này.
Ngôn từ 'chống Cộng sản' nếu có, chỉ xuất hiện ở đôi chỗ, ví dụ như bài 'Thôi bối đồ' nói về Đài Loan và kế hoạch "khôi phục Đại lục, trục xuất bóng ma chủ nghĩa Mác-Lênin đến từ phương Tây, giải cứu đồng bào Đại Lục bị ĐCSTQ bắt cóc..."
Trang Tân Đường Nhân cho hay, họ là cơ quan truyền thông thuộc tập đoàn EMG, ra đời năm 2001:
"Tân Đường Nhân tin tưởng một thế giới toàn vẹn phải dựa trên truyền thông chính xác và trung thực. Đó là lý do chúng tôi cống hiến hết mình để cung cấp sự thật và làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan trọng. Không đại diện cho các nhóm lợi ích, chúng tôi đưa ra thông tin khách quan, cung cấp một bức tranh toàn cảnh, thể hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với xã hội.
Chúng tôi cũng mang đến những câu chuyện vượt thời gian tôn vinh các giá trị phổ quát của nhân loại. Tinh thần tích cực, sự kiên cường và hy vọng là tài sản quý báu của con người. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm hết sức mình để xuất bản những nội dung cảm động, giàu thông tin ý nghĩa, giúp độc giả trau dồi tri thức và bồi dưỡng tâm hồn bằng tình yêu thương, sự lương thiện, lòng trắc ẩn và sự chính trực. Chúng tôi tin rằng đó là cách chân thành nhất để cùng độc giả kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn..." trang web cho biết ở địa chỉ ntdvn.com dành cho độc giả tiếng Việt.
Getty Images |
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Đức An, phó giáo sư chuyên ngành báo chí tại ĐH Bournemouth (Anh), chung quanh cuộc công kích báo chí phương Tây trong các cộng đồng Việt trên mạng xã hội.
Về việc trên mạng xã hội tiếng Việt, từ bầu cử Mỹ tới nay đã có nhiều luồng dư luận cáo buộc và chỉ trích báo chí quốc tế là 'thiên tả', thậm chí dùng từ ngữ miệt thị là 'thổ tả', vì cho là họ hợp lực nhau chống lại Tổng thống Donald Trump, "người thắng cuộc", Tiến sĩ Nguyễn Đức An đánh giá:
TS Nguyễn Đức An: Tôi đề nghị trong cuộc trò chuyện này, chúng ta nhìn vấn đề từ góc độ cả đối tượng bị công kích và đối tượng công kích.
Đúng như BBC nói, cả hệ thống báo chí phương Tây đồ sộ được gầy dựng mấy trăm năm gần đây bỗng dưng trở thành "thổ tả", ác tâm, bất lương, đạo đức giả trong mắt nhiều cư dân mạng Việt.
Không chỉ có báo chí chủ lưu mà các mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng bị tấn công, vì các nền tảng này - sau nhiều năm thả cho Tổng thống Donald Trump tung hoành với các ngữ điệu chia rẽ, thông tin tưởng tượng, ngược sự thật - gần đây phải ra tay ngăn chặn bớt do áp lực từ cả công chúng và giới lập pháp.
Dòng lũ công kích báo chí - truyền thông đó được tiếp năng lượng bởi không chỉ các thông tin loạn xạ do bạn bè chuyền nhau trên mạng mà cả vài tờ báo tiếng Anh gây nhiều tranh cãi ở Mỹ (Newsmax, Breitbart, Fox News…) và một số trang tiếng Việt chuyên trà trộn thông tin hoặc nêu chuyện huyễn hoặc, hoặc "nửa hư, nửa thật", như Đại Kỷ Nguyên mà trang BBC News Tiếng Việt đề cập tuần trước.
Nó cũng đã tràn từ mạng xã hội vào ngay lòng vài tờ báo đáng kính trong nước, qua các bài phân tích ngây ngô, nguỵ biện hay lập lờ, đôi lúc đậm màu "thuyết âm mưu" - đại loại như "Báo chí Mỹ đang 'chơi tất tay' để loại ông Trump?"
BBC News Tiếng Việt: Theo quan sát của Tiến sỹ thì vì sao lại có sự "sụp đổ" chóng mặt trong niềm tin vào truyền thông như thế?
TS Nguyễn Đức An: Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn chuyện này từ sự lung lay, nếu không nói là đảo lộn, hệ thống giá trị phổ quát mà đường lối chính trị chia rẻ của ông Trump đang gây ra.
Ông Trump xây thành luỹ chính trị bằng các thông điệp "chúng ta/chúng nó" (us/them) không khoan nhượng: bạn chỉ có thể hoặc là "phe ta" hoặc "phe địch". Theo Trump là "chúng ta", không theo là "chúng nó", không có không gian để hai bên gặp nhau tìm sự hoà hợp.
Không chỉ báo chí chủ lưu mà các thành phần tinh hoa khác trong xã hội phương Tây - từ giới khoa học, học giả đến các nghệ sĩ lớn và các chính trị gia đáng kính lịch sử - cũng được gắn nhãn thiên tả hay "thổ tả", chỉ vì họ đụng chạm ông Trump.
Getty Images |
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ đứng đầu nỗ lực chống Covid-19 của Mỹ, trở thành tâm điểm cho sự nhục mạ, quấy rối và đe doạ vì ông chỉ chịu nói theo khoa học, chứ không theo ý tổng thống.
Bill Gates - nhà tỉ phú chi rất nhiều tiền của, thời gian và năng lượng cho các mục tiêu y tế nhân đạo, nhất là tiêm chủng - trở thành "tội đồ" trung tâm trong những thuyết âm mưu quái gở vì ông lớn tiếng phê phán Trump.
Sự lung lay giá trị cũng thể hiện trong các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử xã hội.
Từ ngày có ông Trump, nhiều thứ mà ta dị ứng lâu nay - như bổ nhiệm con cái, họ hàng, bạn bè không kinh nghiệm vào chính quyền, phỉ báng và khinh miệt phụ nữ, mắng chửi và hạ nhục cấp dưới trước bàn dân thiên hạ, hay nói láo và vu khống - đều trở nên chấp nhận được.
Một lần trà dư tửu hậu, người bạn doanh nhân ở VN "mắng yêu" là tôi dại, không biết tận dụng quan hệ "vàng" với nhiều người. Tôi nhớ mãi lời anh: "Cậu ngó qua Mỹ kìa, Trump vô Nhà Trắng là lập tức cho đám con cái, dâu rể và đệ tử vào bộ sậu mà có sao đâu?"
Ngay cả "thiên tả" thì có gì là xấu như những người phò Trump hàm ý?
Có gì là xấu khi đi theo các giá trị cấp tiến và tư tưởng hoà đồng, hướng đến lợi ích và an sinh cho các thành phần thấp cổ bé họng, dễ bị xã hội và thị trường bỏ rơi?
Có gì xấu khi tập trung giải quyết các vấn đề nhân văn toàn cầu, tương lai môi trường - sinh thái, nhất là biến đổi khí hậu?
Phần lớn giới hàn lâm - nơi khởi nguồn nhiều phát minh, sáng kiến và tư tưởng làm nền tảng cho thế giới - không ít thì nhiều đều "thiên tả" như thế.
Tất cả sự lung lay giá trị trên lại đang diễn ra vào thời điểm lịch sử mà người Việt cần được khai phóng để tiếp nhận, sàng lọc các giá trị tiến bộ để nhập vào quỹ đạo toàn cầu hơn bao giờ hết.
BBC News Tiếng Việt: Nhưng liệu có thể nói truyền thông bị phê phán oan? Nhiều người sẽ có lý khi nhận định các cơ quan truyền thông gạo cội rõ ràng là 'nghiêng về phía tả', thẳng tay chống và bài trừ ông Trump, đi ngược phong trào bình dân?
TS Nguyễn Đức An:Trước hết, tôi nói ngay rằng không phải cái gì về truyền thông phương Tây, nhất là báo chí Anh-Mỹ, đều tốt đẹp cả. Nó cũng mang trong mình rất nhiều căn bệnh kinh niên, vết thương trầm kha, độc tố cặn bã mà giới quan sát và nghiên cứu chúng tôi luôn theo dõi, nghiên. Các môn học tôi dạy đều mang một hàm lượng phê phán báo chí rất lớn, vì đó là cách rèn luyện tư duy phản biện nghề cho nhà báo tương lai.
Nhưng chúng tôi phê phán báo chí có hệ thống, trên tinh thần cầu thị vì một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội, chứ không phải để vu báo chí thành "tin giả" hay "kẻ thù của nhân dân" vì mục tiêu chính trị mị dân.
Không phải như một số nhà báo, vì niềm tin, ý thức hệ chính trị hay sùng bái cá nhân, tìm moi vài lỗi nghiệp vụ nhỏ nhoi kiểu "ghét nhau cau bảy xé ra làm mười" - rồi "vơ đũa cả nắm" báo Tây Mỹ nó "thổ tả", "thương hàn" này kia.
Tôi muốn nói kiểu làm báo mà những người theo ông Trump gọi là "thổ tả" đó thực ra là một thứ báo chí không khoan nhượng với sự đặt điều và dối trá, lấy sự thật làm mục tiêu tối thượng - và nó đang cần kíp hơn bao giờ hết trong thời đại "hậu sự thật" (post-truth) mà làn sóng chính trị dân tuý và mạng xã hội đang tạo ra.
The Epoch Times - Getty Images |
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tín điều (beliefs) đang trở thành thành luỹ cho cảm xúc, trí tưởng tượng và đủ kiểu tin giả tung hoành, khiến nhiều người mất dần năng lực tiếp nhận, xâu chuỗi thông tin, dữ kiện. Trong môi trường thông tin nhiễu loạn giữa sự thật và tín điều, giữa dữ kiện khách quan và sự hư cấu, giữa lý trí và cảm xúc, xã hội cần báo chí đàng hoàng hơn bao giờ hết.
Đó chính là lý do vì sao mà từ ngày ông Trump tham gia chính trường, những "tội đồ tin giả" đứng đầu trong đám "kẻ thù của nhân dân" đó - như New York Times, Washington Post và CNN - lại thành công vượt trội.
Sau gần hai thập kỷ loay hoay tìm phương thức kinh doanh trong thế giới số, NYT tăng lượng thuê bao số (trả tiền) từ dưới một triệu vào đầu 2015 lên kỷ lục này đến kỷ lục khác, để vượt ngưỡng bảy triệu vào tháng rồi.
Trong thời vào mạng đọc tin tức miễn phí được coi là hiển nhiên, NYT làm nên kỳ tích hiếm hoi đó nhờ họ theo đuổi triết lý làm báo "thổ tả" kia.
Tôi không phủ nhận rằng đại đa số báo đài Mỹ thiên về "nắn gân" ông Trump. Nhưng họ làm thế với mọi tổng thống tả, hữu nắm quyền - Obama, Bush con, Clinton, Bush cha, Reagan, … đều bị chĩa mũi dùi khi đang tại vị - bởi vì họ tồn tại để theo dõi, giám sát quyền lực.
Với Trump, tần suất tấn công có lẽ cao hơn, mặc dù tôi biết ông cũng có những nỗ lực và chính sách hiệu quả. Nhưng trước khi gọi đó là thiên tả hay "thổ tả", hãy hỏi vì sao, để nhớ rằng khói chỉ bốc lên từ lửa.
Ở mức nào đó, Trump thành công trong chiến thuật đổ lỗi hết cho truyền thông ngay từ khi lên cầm quyền đó vì ông đánh trúng tâm lý chán ngán và uất hận "hệ thống cũ", kể cả báo chí, trong một bộ phận công chúng không nhỏ.
Hàng chục triệu người Mỹ hiện bỏ ngoài tai, thậm chí phỉ nhổ báo chí, để chỉ lắng nghe ông mà thôi, bất kể trắng đen, phải trái. Họ nhanh chóng và kính cẩn tin Tổng thống Trump hào hiệp không nhận lương, và cảm thấy bị khiêu khích, xúc phạm khi báo chí phanh phui rằng tỉ phú Trump lách đủ đường để chỉ đóng đúng 750 đô la thuế vào ngân sách liên bang trong một năm.
Covid-19 giết hơn hai trăm ngàn người Mỹ và khiến cả thế giới tê liệt, nhưng về mặt dư luận, những người kiên trì theo tổng thống và những người đồng hội để tin rằng Covid chỉ là tưởng tượng hay chẳng có gì đáng sợ. Có những người Mỹ tin yêu ông Trump gần lìa đời vì Covid mà vẫn phủ nhận nó không tồn tại... Dư luận là vậy, còn đây cũng là thách thức với giới làm báo.
Getty Images. Ông Trump trong cuộc họp báo về vaccine Covid-19, diễn ra hôm 8/12 tại Washington DC |
Nếu là một nhà báo Mỹ, bạn sẽ làm gì khi không ngày nào mà tổng thống không đưa ra phát ngôn hay dòng tweet xuyên tạc sự thật, bịa đặt hoặc vu khống?
Bạn sẽ làm gì khi tổng thống, giữa bao nhiêu tang thương và mất mác vì Covid, vẫn lớn tiếng kêu gọi bàn dân "đừng sợ" và cứ sống như bình thường?
Bạn sẽ làm gì khi tổng thống - vì "nước Mỹ trên hết" - phủ nhận cả sự tồn tại của biến đổi khí hậu, dù khoa học đã chứng minh rành rành?
Bạn sẽ làm gì khi tổng thống, sau thất bại bầu cử rõ ràng, cứ khăng khăng gieo rắc niềm tin trong đám đông ủng hộ rằng cuộc bầu cử gian lận và bị đánh cắp, dù không đưa ra được chứng cứ nào và liên tục bị toà án các cấp bác bỏ?
BBC News Tiếng Việt: Làn sóng dân tuý và xã hội "hậu sự thật" xảy ra trong lòng nền dân chủ Phương Tây, vậy tại sao nó lại lan sang Việt Nam, nơi không có thể chế tương tự?
TS Nguyễn Đức An:Thực ra chính trị dân tuý không chỉ có ở Phương Tây. Chúng ta có thể tìm thấy dáng dấp Trump trong Jair Bolsonaro ở Brazil hay Narendra Modi ở Ấn Độ.
Nền chính trị nào cũng đều cõ nhu cầu lôi kéo quần chúng, ổn định dư luận hay củng cố quyền lực. Chính trị dân tuý vẫn có thể nảy sinh ngay trong lòng các thể chế không có cạnh tranh dân chủ.
Tập Cận Bình được nhiều người xem là một lãnh đạo dân tuý, vẽ nên "Giấc mộng Trung Hoa" với vòm trời trong xanh và bầu không khí sạch để kiểm soát dư luận.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ cũng có hiện tượng này ở quy mô nhỏ hơn và dạng thức "thô sơ" hơn, qua tung hô hay "sùng bái" vài chính trị gia muốn nổi lên bằng những phát ngôn, cử chỉ, hành vi "khác thường", giải quyết mọi việc "nhanh gọn", "hốt hết", như các ông Nguyễn Bá Thanh hay Đinh La Thăng.
Nhớ hồi năm 2015, khi ở Đà Nẵng đúng vào dịp ông Thanh qua đời, tôi bị vài người thân, bạn bè phẫn nộ ra mặt khi tỏ ý kiến hơi khác về ông và về những đoàn người đổ về đám tang ông.
Getty Images. Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 cuốn hút sự theo dõi, cũng làm phân rẽ sâu sắc giữa nhiều người Việt cà ở Việt Nam và nước ngoài |
Còn về chuyện người Việt sùng Trump, tôi nghĩ phải nghiên cứu thật nhiều để tìm ra các nguyên nhân sâu xa từ lịch sử, văn hóa và tâm thức Việt.
Nhưng có lẽ một lý do dễ thấy là sự đối đầu không khoan nhượng ông Trump với Trung Quốc khiến nhiều người "sướng ngây".
Nó đánh đúng vào nỗi sợ muôn đời và tâm lý bài Trung trong người Việt năm châu. Có niềm tin (tôi cho là ngây thơ) rằng Trung Quốc sẽ suy yếu và thậm chí sụp đổ dưới tay Trump một ngày gần đây thôi, và nhờ đó thì mọi thứ sẽ xảy ra tốt đẹp cho Việt Nam. Xảy ra thế nào, khi nào thì không ai nói.
Như nhiều cử tri Mỹ, họ đã "mê" rồi thì ông Trump nói gì cũng sáng đẹp, ngay cả khi họ biết ông ta nói sai sự thật.
Nhiều trí thức, lẽ ra làm người giữ cửa, cảnh báo dư luận thì lại hùa theo đám đông. Nhìn một hai vị giáo sư hải ngoại vào Facebook lên án báo chí và hàn lâm Mỹ "thiên tả, thiếu lương thiện", bằng các khái niệm lập lờ, dữ liệu chọn lọc và quan điểm hàm hồ, tôi thấy "hậu sự thật" đã đi xa đến mức nào. Rất buồn.
Ông Trump rồi sẽ ra khỏi Nhà Trắng và báo chí Mỹ-Anh sẽ tiếp tục làm công việc "thổ tả" họ làm từ mấy thế kỷ rồi.
Nhưng vết thương chia rẽ trong cộng đồng Việt chung quanh họ sẽ không dễ nguôi nhanh.
Môi trường dễ kích động như Facebook sẽ không giúp người Việt hiểu nhau hơn trong các vấn đề liên quan đến Trump.
Tôi chỉ mong các bên - thiên tả hay thiêu hữu, yêu Trump hay ghét Trump - ngưng lại một tí, để mâu thuẫn không bị khoét sâu thêm nữa, để chúng ta tăng sức đề kháng với trận dịch thông tin trên mạng xã hội. Đất nước còn rất nhiều việc quan trọng khác cần sự chung tay từ hai bên.
André Menras
13-12-2020
Độ này, trang Facebook của tôi đã bị ô nhiễm nặng nề vì cuộc bầu cử Mỹ và cái mà tôi gọi là trận đấu Trump-Biden. Thế giới gọi là tự do đã phải chứng kiến cuộc ẩu đả toàn quốc có thể sánh với cái sân trường học trong giờ chơi ầm ĩ nhất.
Sau một thời gian tránh né bình luận, cuối cùng không kiên nhẫn nổi nữa, tôi quyết định phát biểu ý kiến, một cách minh bạch và an nhiên. Coi như đó như là sự minh định dứt điểm của một công dân Pháp và Việt Nam bị quá tải bởi cuộc đối thoại giữa những người điếc, của những người nhầm chiến tranh và chiến địa.
Trước hết, xin đừng nói tôi là người thuộc phe Biden. Tôi chưa bao giờ đứng về phe này vì Obama đã làm tôi thất vọng. Đợi hoài chẳng thấy những cải thiện lớn về dân chủ, kinh tế, xã hội và môi trường. Washington lại lùi bước trước sự bành trướng của Trung Quốc trong sự lệ thuộc về kinh tế, tài chính và phản ứng yếu ớt trước những khiêu khích nghiêm trọng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á nói chung và ở vùng biển Đông Nam Á nói riêng.
Nhưng tôi cũng xin nói rõ rằng tôi thấy Biden đỡ “xấu” hơn Trump (Bernie Sanders thì đã bị loại); tôi tuyệt đối không có một chút cảm tình nào với tay tỉ phú dân tuý chủ nghĩa, với đủ loại bức tường ô nhục và lố bịch mà ông ta dựng lên, với thái độ kỳ thị chủng tộc, khinh miệt phụ nữ, căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền), làm ăn bất minh với Putin, màn kịch “hữu hảo” thậm chí thân mật với Tập Cận Bình, trò đùa với tên sát nhân Kim Jong Un, những tweet nộ khí sặc mùi dân tuý, biệt phái và hung hăng.
Cuối cùng, nhắc lại tội phạm của Bắc Kinh trong việc để đại dịch lan tràn cũng như sự cảnh báo quá rụt rè của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tôi đồng thời đã tố cáo tội vô trách nhiệm và lang băm của Trump trong thảm kịch đại dịch đã và sẽ gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người dân Mỹ, lên án tổng thống Mỹ đã khinh thường các quyền con người, trong đó có quyền về sức khoẻ và bảo vệ y tế của người dân, đặc biệt những người nghèo khó.
Thế là trang Facebook của tôi tràn ngập những lời hạch hỏi, công kích thậm chí thóa mạ, đe doạ, từ một số người Việt sống ở Mỹ – xem ra Mỹ hơn cả Mỹ – và ở Việt Nam.
Tôi xin bình tĩnh nói với tất cả những người bạn (thiện chí hay không) ấy rằng, đối với các nhân vật như Trump hay Biden, Macron hay Trọng, tôi không có phản ứng tình cảm cá nhân nào cả. Họ là những chính khách, nên tôi cảnh giác, thế thôi. Tôi xét đoán họ trên hành động của họ và đối chiếu với những điều mà tôi coi là giá trị nhân văn và chính trị.
Đó là những giá trị mà tôi coi trọng nhưng không bắt buộc người khác phải chấp nhận, song đó là những gì tôi không thế câm nín hay đem ra bán. Đó là sự tôn trọng và mở rộng các quyền con người để chống lại những thảm hoạ nhân đạo, xã hội, môi trường, những xung đột chủ quyền mà những đại tập đoàn ngân hàng, tài chính và công nghiệp áp đặt lên nhân loại để kiếm lợi riêng cho mình.
Tôi tin tưởng rằng chỉ có thể lật ngược cái lô-gic tàn phá của đường lối phát triển phi tự do và sát nhân ấy bằng cách nắm vững các quyền cá nhân và quyền công dân, thông qua một cuộc tranh đấu gian khổ, nguy hiểm mà tất yếu.
Quyền con người không biên giới, dân chủ củng cố và mở rộng: Đó là vũ khí của tiến bộ, nền tảng và động lực của ngôi nhà chung của loài người. Nếu căn cứ vào những giá trị ấy để xét đoán Trump thì phải nói rằng, nhà tỉ phú cuồng tay cuồng mồm ấy không nắm trong tay tương lai sáng sủa cho Hoa Kỳ, cũng không cho cộng đồng quốc tế mà Việt Nam là một thành tố.
Ngày nay nguy cơ đáng lo ngại đối với tôi là nạn bành trướng của Trung Quốc và của Nga, không phải chỉ vì họ mở rộng sự khai thác và huỷ hoại trên quy mô hành tinh – họ cũng không phải là những thủ phạm duy nhất – mà còn vì, nghiêm trọng hơn nữa, họ đang củng cố một hệ thống chính trị độc tài, mà trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, lại có vẻ đạt được kết quả kinh tế ổn định, vẽ ra một con đường khả dĩ, thậm chí hấp dẫn.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà công chúng có tâm lý đi tìm những “người hùng”, ăn to nói lớn, một mình quyết đoán, ra tay cứu vớt những nhân dân đang hoang mang, bị bỏ rơi, bị phản bội.
Không ít công dân sẵn sàng hy sinh quyền tự do của mình với hy vọng bảo vệ được cái ăn, cái ở của mình. Thời đại mà những dòng tweet của lãnh tụ thay thế cho thảo luận nghị trường, cho thông tin báo chí khách quan, mà những sắc lệnh tình huống được soạn thảo vội vã trong hậu trường trở thành thánh kinh phải được áp dụng ngay tức thì. Trump nằm trong trào lưu ấy, làn sóng của những “người hùng dân tộc”, những “anh Hai” của xã hội đen.
Không, không thể vì những biện pháp tình thế, tạm thời – tuy là rất tích cực – của Trump chống lại Bắc Kinh mà tôi có có thể đặt tín nhiệm vào sự minh triết của một tay cao bồi trọc phú mê golf, ngày đêm bắn tweet lên mạng, bổ nhiệm và cách chức cận thần như chong chóng, ném đá vào những người phản biện như một tên độc tài.
Bắc Kinh không chết và sẽ không chết vì tăng thuế nhập khẩu, vì các viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ bị đóng cửa, vì mấy điệp viên bị trục xuất. Bắc Kinh sẽ chỉ đổ vỡ trước lực đẩy dân chủ trước hết ở trong nội bộ Trung Hoa, và trong một bối cảnh quốc tế thuận lợi cho các quyền tự do.
Còn Trump, với căn tính một mình quyết định mọi chuyện, với xu hướng vị kỷ và ấu trĩ rút khỏi sân khấu quốc tế, đối với tôi, không phải là con người của tình huống. Xin đừng đòi tôi phải ủng hộ một nhà độc tài tập tễnh vì lợi ích của cuộc đấu tranh chống nạn độc tài của Bắc Kinh. Tôi không cận thị đến độ ấy.
Các bạn hãy tha thứ cho tôi nếu các bạn bị sốc bởi những lời nói trên. Tình hình chính trị vừa qua của nước Mỹ đã cho tôi đo được sự yếu kém đáng buồn của các lực lượng dân chủ Việt Nam, đã hiển hiện trong sự phân cực tối đa, trong sự ám ảnh vì tình hình Mỹ đến mức quên hẳn tình hình Việt Nam. Làm như đáp án của các vấn đề nhân quyền, tự do Việt Nam trông chờ ở cứu tinh là Trump. Đây là tôi nói chung. Cá biệt thậm chí có người thề hy sinh tính mạng vì con người đội mũ cát-két đỏ. Siêu thực hơn, có vị còn hiến kế cho Trump “thành lập ban tuyên giáo (như cộng sản) để định hướng và đập tan bọn phản quốc thoái hoá, tự chuyển biến như tên Obama”.
Tôi cũng được chứng kiến tận mắt các cuộc trao đổi ý kiến, trình bày quan điểm có lý lẽ và hoà nhã đã nhanh chóng biến thành đấu tố, chửi rủa. Người ta chụp mũ thù địch lên mọi phát biểu, mọi thông tin, thật hay giả. Y hệt trò trêu tức “êu êu” tiếng Pháp gọi là “bisque, bisque, rage” của trẻ em lớp mẫu giáo…
Bốn ngàn năm lịch sử, hy sinh đoàn kết để dân tộc trường tồn, để kiến tạo quốc gia, mà rốt cuộc, chỉ sau 45 năm “xây dựng chủ nghĩa xã hội” , đã xâu xé nhau vì Trump Biden, quên hẳn những vấn đề dân tộc trọng đại để chú tâm đếm phiếu ở Pennsylvania hay bang nào khác: Đau đớn thay!
Cả một trò nghi binh, một món quà quý mà Donald Trump đã mang tặng Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông là Tập Cận Bình! Có đa nghi quá không, nếu tôi ngờ rằng không ít dư luận viên đã được chính quyền trả tiền để đổ thêm dầu vô lửa của các mạng xã hội.
Tin tưởng rằng sự hợp tác nhà nước – nhà nước giữa Mỹ và Việt Nam sẽ mang lại dân chủ ở Việt Nam và độc lập đối với Trung Quốc, theo tôi là một điều hoàn toàn sai lầm. Năm 2017, nhân dịp phó hội thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Trump đã nhắc tới Hai Bà Trưng và nói đại ý “Hãy tự cứu, rồi Trời sẽ giúp người”. Bài học cay đắng của nhân dân Tây Ban Nha còn đó. Chế độ độc tài và ngục tù đẫm máu của Franco đã trường tồn suốt 30 năm sau khi chế độ phát xít của Hitler sụp đổ cũng nhờ sự hợp tác hữu hảo và sự tiếp máu kinh tế của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Tự do và quyền con người ít khi nào nằm trong cuộc thương lượng cả gói dẫn tới hiệp định thương mại hay mậu dịch giữa các quốc gia. Chẳng bao giờ nằm trong cái gùi lưng của ông già Nô-en, dù là Trump hay Biden, đó là kết quả những cuộc đấu tranh cam go nhất của nhân dân. Ngoài ra, chỉ là ảo tưởng!
Hàng trên: Bài Thái Anh Văn (trái) và Triệu Tiểu Lan. Ảnh dưới: Bài Đới Kỳ |
Ba bà đó là Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), tổng thống Đài Loan, Triệu Tiểu Lan (Elaine Lan Chao), Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ và Đới Kỳ (Katherine Tai), đại diện thương mại Mỹ trong nội các mới của ông Biden.
Trong ba vị nữ lưu này, bà Đới Kỳ sinh ở Mỹ, còn hai bà kia đều chào đời ở Đài Bắc.
Triệu Tiểu Lan
Bà Triệu Tiểu Lan đến Mỹ khi mới học lớp hai. Cha bà là một đại gia Đài Loan, khuyếch trương công ty gia đình sang tận New York, làm nên một đế chế vận tải xuyên lục địa rất phát đạt. Lớn lên bà lại kết duyên cùng ông Mitch McConnell, hiện là thủ lĩnh khối đa số Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, nhân vật cộng hòa quyền lực nhất nước Mỹ, về khía cạnh nào đó còn có quyền lực mạnh mẽ hơn cả tổng thống Trump.
Bà Triệu Tiểu Lan được ông Trump bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn vào cái ghế Bộ trưởng Giao thông năm 2017. Không biết có phải nhờ thế lực tài phiệt của gia đình, cộng với quyền lực của phu quân mà bà vẫn ở đó suốt bốn năm cầm quyền của ông Trump, không phải chợt đến, chợt đi như các vị khác trong nội các vì tính khí sớm nắng chiều mưa của tổng thống.
Ít khi nghe báo chí nói tới bà trong suốt bốn năm qua, mọi người không biết bà làm gì, chỉ nghe nói tới chồng bà, một đồng minh đắc lực của tổng thống. Có lần, báo chí nhắc tới những thương vụ làm ăn của gia đình bà ở… Hoa lục cộng sản (chả là họ cùng là người Tàu với nhau mà), rồi nào là chuyện bà môi giới cho cả gia đình tổng thống Trump làm ăn ở đó nữa. Nhưng nghe là nghe vậy thôi, chứ chẳng có chuyện gì rõ ràng hay phạm pháp cả.
Những người Việt ủng hộ ông Trump, rất dễ hiểu là họ ủng hộ cả ông Mitch McConnell, vì ông ấy là một đồng minh thân cận của ông Trump. Từ mến mộ ông chồng, họ mến mộ luôn cả bà vợ. Khi có tin nói về những thương vụ làm ăn ở Hoa Lục của bà Triệu Tiểu Lan, họ thẳng thừng phản bác ngay, nói rằng bà Triệu Tiểu Lan dù có máu Tàu thật, nhưng là Tàu Đài Loan, không đội trời chung với cộng sản.
Đùng một cái, ông McConnell tuyên bố ông Biden thắng cử và sẽ là tổng thống mới của Mỹ. Những người Việt yêu ông Trump bèn rủa xả ông McConnell tan nát, rủa luôn cả bà Triệu Tiểu Lan là… tay sai Tàu cộng. Mà của đáng tội, bà Triệu là người Tàu rành rành ra đó còn gì nữa!
Bà Đới Kỳ
Cha mẹ bà Đới Kỳ (Katherine Tai) không thuộc dòng danh gia vọng tộc, không thành công về thương mại như bà cha mẹ bà Triệu Tiểu Lan. Bà Tai học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học Yale, có bằng luật sư ở đại học Harvard, rồi làm việc cho chính phủ Mỹ thời ông Obama. Sau đó bà làm nghiên cứu chính sách, rồi khi ông Biden thắng cử, bà được bổ nhiệm chức Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để đương đầu với Hoa Lục.
Một trong những lý do mà ông Biden chọn bà Tai vì bà nói tiếng Tàu lưu loát. Bà Tai đã từng dạy tiếng Anh cho phân bộ Đại học Yale của Mỹ tại Hoa lục.
Khi bà được chọn làm đại diện thương mại Hoa Kỳ, các tờ báo Hoa lục hay thân Hoa lục đều đưa ra sự lo lắng về cách tiếp cận vấn đề thương mại của bà Tai, là rủ rê các đồng minh bao vậy Hoa Lục. Một trong những vấn đề làm họ ngại là bà Tai rành nước Tàu quá.
Thế nhưng người Việt yêu ông Trump không đồng ý như thế, họ nói rằng bà Đới Kỳ là người Tàu, bà có âm mưu gì khi về Tàu dạy tiếng Anh? Họ đoán chắc bà Tai sẽ làm cho nước Tàu cộng sản hùng mạnh cho mà coi.
Bà Thái Anh Văn
Rõ ràng là thái độ của những người Việt yêu Trump đối với hai bà Triệu Tiểu Lan và Đới Kỳ, rất đồng nhất với nhau, hễ làm phương hại tới tổng thống Trump là họ chống, dù trước đó họ có thể rất trọng vọng quý bà.
Nhưng ngoại lệ lại khẳng định quy luật. Và ngoại lệ đây là bà Thái Anh Văn. Bà Thái được người Việt yêu Trump mến mộ, vì bà khẳng khái không chịu lùi bước trước Hoa Lục. Họ hoan hô hình ảnh bà Thái mặc đồ lính thị sát quân đội Đài Loan tập trận.
Thế rồi ông Biden thắng cử, bà Thái Anh Văn là một trong những người nước ngoài đầu tiên hăng hái chúc mừng ông Biden. Ngay sau khi đã có kết quả chắc chắn ở các bang chiến địa, ngày 7/11/2020, bà Thái lên tiếng chúc mừng, còn sớm hơn cả “kẻ thù không đội trời chung”, ông Tập Cận Bình của Hoa Lục, tới mấy tuần lễ.
Bà Thái Anh Văn còn đi xa hơn là cho người gặp gỡ người của ông Biden ngay gần tòa Bạch Ốc, nơi ông Trump đang tiến hành cái gọi là cuộc chiến pháp lý của ông.
Cũng có thể là trong những ngày sốt vó lên vì lo cho tổng thống Trump, người Việt yêu Trump quên mất bà Thái Anh Văn, vốn cũng kín kẽ không xuất hiện mấy trên báo chí “cánh tả”, còn hai bà Đới Kỳ và ông chồng của bà Triệu Tiểu Lan, McConnell, cứ xuất hiện liên tục, gây … “bức xúc” cho những người Việt yêu Trump.
Mà thật ra tôi đoán mò thế thôi, chứ tôi làm gì có khả năng hiểu nỗi tình yêu của họ dành cho ông Trump. Tình yêu mà, đâu có lý lẽ gì, chả cần đếm xỉa gì tới quy luật hay ngoại lệ vớ vẫn mà tôi phán bừa trên kia.
Nguyễn Chánh
13-12-2020
Bạn hỏi sao lâu nay không nói về bầu cử tổng thống. Xin trả lời không có gì đáng nói thêm. Bầu cử thứ Ba, vì Cô Vy nên đếm phiếu chậm, thứ Bảy truyền thông mới có thể dự đoán chính xác ai đã thắng cử.
Như mọi lần trước, quyết định đân chủ đã rõ. Kết quả bầu cử không hề bị ảnh hưởng bởi các trò hề của Trump và Trumpists, chẳng có gì để do dự hay bàn thêm. Nhưng hài kịch bên lề về sự ngu đần, tham vọng và gian manh chính trị trong xã hội cũng rất thú vị. Hôm nay tôi xin làm nhà phê bình phân tích tuồng kịch Mỹ có nhiều diễn viên Việt này.
Thấm nhuần “giáo dục cách mạng” ngày nhỏ, tôi luôn cố tìm thông điệp chính trị trong mọi bản kịch. Bài học của hài kịch Mỹ là thế này: Dù Đảng CSVN có giải thể, thoái quyền thì Việt Nam hiện nay cũng không có khả năng trở thành một xã hội dân chủ vững vàng. Trở ngại lớn nhất chẳng phải là chính quyền mà là tư duy và văn hoá chính trị phi dân chủ của giới cao nhân trí thức “đấu tranh dân chủ”, chống cộng sản, theo Trump.
Diễn viên đóng vai bác sĩ trong tuồng xi-nê có thuyết phục thế nào cũng không nên được tin và trao quyền cầm dao cắt ruột mổ tim bệnh nhân. Các cao nhân Trumpist chỉ có khả năng đóng tuồng dân chủ. Sinh ra trong một không thời gian khác, thuộc một phe đảng khác, họ cũng sẽ tha thiết ủng hộ chế độ “dân chủ” của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Hòa cùng bắn giết nhau chí tử.
Có thể thông cảm cho cao nhân nếu bỏ qua trục thời gian. Dân chủ không phải là khái niệm dễ chấp nhận, lại càng khó thực hành. Khi có người hỏi ông về chính phủ Mỹ, Benjamin Franklin trả lời rằng, Mỹ sẽ có một chính phủ cộng hòa (thể hiện chính trị cụ thể của xã hội dân chủ) và cảnh báo “nếu quý vị có thể giữ được nó”. Franklin biết rằng, muốn có dân chủ thì phải am hiểu và nỗ lực bảo vệ những nguyên tắc và định chế dân chủ, không phải chuyện dễ dàng.
Nhưng đấy là tình cảnh hơn hai thế kỷ trước. Cao nhân trí thức, luật sư tiến sĩ ngày nay mà vẫn ngu ngơ nghĩ rằng, Trump đã thắng cử và có thể lật kèo thì thật là một hiện tượng khó hiểu.
(Một giả thuyết táo bạo có thể giải thích hiện tượng này. Người Việt ngày nay trọng dịch thuật, chuộng ngoại ngữ, thói quen của nền văn hóa thuộc địa. Cao nhân trí thức vẫn a dua theo trào lưu, nhai lại tư tưởng Tây phương một cách hời hợt, thay vì có cảm nhận sâu và thật hay đối chứng cá nhân. Không ít trí thức lừng danh, hô hào dân chủ, khen chê Mỹ búa xua nhưng chẳng hiểu gì về các định chế và nền chính trị dân chủ của xứ này).
Mỗi lần bầu cử là một cơ hội để thấy tinh thần dân chủ sống động một cách quyết liệt của dân Mỹ. Lần này cũng thế. Bất chấp lời kêu gọi của những nhà khoa học danh tiếng, không thèm nghe theo lời khuyến cáo của rất nhiều chính trị gia, quan chức, trí thức lỗi lạc và báo chí, hơn 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump. Một số phiếu chưa từng có trước đây, một biểu hiện hào hùng của lý tưởng dân chủ đối chọi với thái độ trọng vọng giới tinh hoa đẳng cấp của văn hóa nô lệ. Không may cho Trump, số người bỏ phiếu cho Biden còn nhiều hơn. Trump thất cử.
Dân chọn lựa kẻ thắng người thua, chuyện tất yếu và bình thường trong mọi cuộc bầu cử. Điều bất bình thường khiến tôi thất vọng cũng không phải là phản ứng của Trump, vốn đã dễ đoán, mà là niềm tin và hy vọng “lật kèo” của các cao nhân Việt theo Trump. Họ biểu lộ sở học từ chương, kiến thức cóp nhặt hào nhoáng nhưng vô dụng, miệng hô dân chủ nhưng tư duy phong kiến và… mê tín.
Cao nhân Việt xem chừng không hiểu tinh thần kết hợp dân chủ và độc lập cao độ trong văn hóa Mỹ. Mọi quận hạt, bang, miền của Mỹ đều có những quy luật bầu cử riêng. Mọi kiện tụng hay giám sát của chính quyền liên bang đều chỉ liên quan đến sự vi phạm nguyên tắc dân chủ của địa phương chứ không hề vì gian lận.
Những tranh chấp trong quy trình bầu cử như khoảng cách đôi bên giám sát bàn đếm phiếu mười phân nửa thước gì đấy, đều được tòa nhanh chóng giải quyết. Vì sự kiểm soát chồng chéo của những thế lực đối chọi với quyền lợi và ước muốn khác biệt, chứ không phải vì đạo đức hay lương tâm cách mạng, mà bầu cử gian lận có quy mô là điều không tưởng. Khả năng thắng cử nhờ gian lận ở Mỹ, cũng thấp như nhảy lầu 10 tầng không chết.
Đánh tráo khái niệm, hoán đổi tư tưởng là trò bẩn thường trực, và cũng là ngôn luận được bảo vệ, trong chính trường Mỹ. Nhưng đánh tráo lá phiếu một cách quy mô là chuyện nhảm nhí vì bỏ phiếu gian là hành động phạm pháp, dễ dàng bị khám phá và chắc chắn bị truy tố hình sự như thi thoảng vẫn thấy, rất ít và rất lẻ tẻ.
Điều quan trọng nhất mà cao nhân Việt với tư duy phong kiến không hiểu là, kết quả bầu cử hoàn toàn và duy nhất được quyết định bởi số phiếu, rõ ràng và dứt khoát như bài toán cộng lớp một. Chẳng có ủy ban bầu cử, quan tòa, bộ trưởng, thống đốc, thần linh, Thượng đế hay thư lại nào có quyền trên lá phiếu của dân. Tất cả những ấn ký son triện chỉ là thủ tục hành chánh, vốn không mấy ai quan tâm trước đây. Tuồng hề của Trump và bộ hạ làm dân Mỹ như tôi biết thêm vài thủ tục thú vị nhưng chẳng có gì quan trọng.
Nhiều cao nhân Việt lại ngu ngơ, lầm tưởng đây là những nước cờ cao siêu, bố trí bí ẩn gì đấy của Trump như chuyện thâm cung bí sử của hoạn quan ngày xưa. Có lẽ vì họ đọc, dịch quá nhiều sách báo ngoại quốc trong khi đầu óc không có đủ độ phân giải; họ thích thông tin phù hợp cảm tính, nhưng không có khả năng suy luận nghiêm túc.
Kết quả đếm phiếu chính là quyết định thắng bại thượng tôn. Quy trình đếm phiếu hoàn toàn công khai minh bạch. Vì thế mà các cơ quan truyền thông lớn đều biết rõ phiếu đang đếm đến đâu, còn bao nhiêu chưa đếm, ai có bao nhiêu. Họ có thể dự đoán chính xác ai sẽ thắng ở mỗi địa phương khi phiếu chưa đếm xong. Truyền thông hoàn toàn không có khả năng chọn lựa ai thắng ai thua, mà chỉ đơn giản là tuyên bố quyết định tối thượng của dân qua số phiếu.
Chính vì biết thế mà từ đêm thứ Bảy [7/11/2020] các nhà lãnh đạo có tầm cỡ trên thế giới đều gọi điện chúc mừng Joe Biden, tổng thống thứ 46 của Mỹ. Tôi có dạm hỏi sao các vị này lại làm thế trong một tút trước đây. Có cao nhân trên diễn đàn Việt Trí thức gì đấy bảo, Macron, Merkel… không liên quan đến chuyện của Mỹ. Tôi cười thầm, tự hỏi không biết cao nhân này có liên quan gì hơn họ. Nhưng vấn đề không phải là liên quan mà là tri thức. Họ thông hiểu chính trị Mỹ; cao nhân ngu ngơ tin theo Trump.
Ngụy biện cho thất bại chính trị của mình, Trump tuyên bố thua vì bầu cử gian lận. Bỏ qua tất cả những phi lý thực tế đã bàn. Nếu quả thật kết quả bầu cử không đúng ý dân thì đây chính là một thảm bại của chính quyền Mỹ, của chính phủ Trump trước trách nhiệm thiêng liêng nhất là bảo vệ thể chế dân chủ. Nền dân chủ bị khai tử khi bầu cử bị lũng đoạn. Trước một thất bại nhục nhã, phá tan công lao và xương máu của tiền nhân như thế ở Nhật bản hay Hàn quốc thì cả tổng thống lẫn nội các và lãnh đạo các cơ quan an ninh không chỉ từ chức mà có lẽ còn tự vẫn để tạ tội chứ đâu có trân tráo đòi thêm nhiệm kỳ nữa như Trump.
Vô liêm sỉ và bỉ ổi không nằm trong phạm trù của luật pháp. Trump dĩ nhiên có quyền hô bầu cử gian lận, không nhận thua và đòi kiện. Những chính khách Cộng hòa cáo già đều biết rõ Trump đã bị dân đuổi việc nhưng đều lên tiếng như thế để tránh phản ứng cuồng loạn của Trump và Trumpists. Bọn lưu manh chính trị bu theo để kiếm chác với danh nghĩa điều tra và kiện tụng vì bầu cử gian lận, một hành động gian manh hợp pháp không lừa được người biết suy nghĩ.
Bỏ phiếu gian là tội hình sự. Cục điều tra liên bang FBI, Bộ Tư pháp, công an cảnh sát các cấp đều không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm điều tra, truy tố với mọi phương tiện và quyền lực pháp lý của chính phủ với trát tòa để bắt giữ và hỏi cung nghi phạm. Có nhân vật với cái tên quý phái Carlos Antonio De Bourbon Montenegro muốn làm thị trưởng thành phố Hawthorne, quận Los Angeles và giở trò đăng ký cử tri gian lận. Tay này bị khám phá và truy tố ngay.
Thế nhưng gian lận trong bầu cử tổng thống đến mức tổng thống đương nhiệm phải thua thì lại chẳng có cơ quan công lực nào, chẳng có trát tòa nào, chẳng có nghi phạm nào xuất hiện. Toàn những lá phiếu gian kỳ diệu tự động hiện hình cho Biden hay máy chủ nào đấy tự động hành sự theo quyết định từ âm ty của Hugo Chavez. Khôi hài hơn bất cứ hài kịch nào.
Trước tòa thì băng đoàn luật sư của Trump chỉ có thể ấm ớ. Các quan tòa cũng ngao ngán trước trò hề của Trump và bọn thuộc hạ đầu cua tai nheo. Càng lúc, quyết định của tòa càng cộc lốc như những cú bạt tai, đá đít, tống cổ bọn vô lại đang giở trò bỉ ổi, phản dân chủ vì xôi thịt.
Ngoài vòng ảnh hưởng của xôi thịt và chính trị, hành xử theo lương tâm và trí tuệ, các quan tòa được Trump bổ nhiệm đều đồng loạt bác bỏ mọi luận điệu “bầu cử gian lận” của phe Trumpist.
Điều khó hiểu và buồn cười nhất là cao nhân Việt đa số chẳng có thể chấm mút theo Trump nhưng lại ngây ngô tin theo những lập luận ngu xuẩn của Trump như người lên đồng. Họ xem chừng không quan tâm, không cảm nhận được lời của thẩm phán Stephanos Bibas, được Trump bổ nhiệm năm 2017, rằng “cử tri, không phải luật sư, chọn tổng thống”.
Hài kịch chính trị này khiến tôi vừa buồn cười, vừa đỏ mặt, vì đã từng lãng mạn tin tưởng vào những người dấn thân đấu tranh chống độc tài và tiền đồ dân chủ của Việt Nam. Người Cộng sản cũng từng dấn thân đấu tranh vì “độc lập tự do” và nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đấy thôi.
Người Việt rất lãng mạn, họ hay làm thơ, có lẽ do sự lãng mạn ấy mà ra, nhưng họ còn lãng mạn cả trong chính trị nữa. Người Việt hay yêu các thứ chủ nghĩa nữa, dù đôi khi không hiểu nó lắm, mà các thứ ấy đều là đồ nhập cảng, chẳng phải của mình cũng yêu lấy yêu để.
Nói không ngoa, chính sự lãng mạn của một số người Việt đã đem lại cho đất nước một thứ rất lãng mạn mà kết quả chẳng lãng mạn tí nào: Chủ nghĩa Cộng sản. Các nho sĩ, trí thức mới thuộc thế hệ đầu thế kỷ 20, bị thu hút bởi sự lãng mạn của chủ nghĩa này, mà kéo ra nước ngoài, khuân về lắm thứ xa lạ từ Mạc Tư Khoa, để đầy nhà và bây giờ không biết vất đi đâu.
Sang đến giữa thế kỷ 20, các trí thức thành thị miền Nam cũng mơ màng nhảy bưng, nhảy núi, trong khi các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, đang co ro trong các căn buồng chật hẹp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Người Việt lãng mạn cuối cùng của nhóm này có vẻ là ông Lê Duẩn với những câu mơ màng đầu môi của ông, nào là 400 huyện thị thành trì xã hội chủ nghĩa, làm chủ tập thể…
Nhân vật đang cầm quyền hiện nay là Nguyễn Phú Trọng cũng hay làm thơ, cũng hay mơ màng những câu giáo điều cộng sản, nhưng tôi cho là ông ta không thành thật tin như thế, mà đó chỉ là trò chơi chính trị quyền lực trong bối cảnh hậu cộng sản mà thôi.
Thật ra chẳng còn nhà cộng sản mơ màng nào nữa cả, sự lãng mạn cộng sản Việt Nam chấm dứt lâu rồi, sự mị dân của Nguyễn Tấn Dũng, dân túy của Nguyễn Bá Thanh, hay những giọt nước mắt tại tòa của Đinh La Thăng,… chẳng lãng mạn chút nào hết.
Đó là một nhóm người Việt rất thực dụng đang cai trị quốc gia, mà ông Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát từ Mỹ có nhận xét với BBC Việt ngữ, rằng họ tạo nên một bộ máy trục lợi đang vận hành ở Việt Nam.
Nhưng một bộ phận dân chúng vẫn lãng mạn.
Khảo sát của một tờ báo Việt Nam trong nước gần ngày bầu cử tổng thống Mỹ, cho thấy có đến hơn 70% số người trả lời nói rằng, họ mong muốn Donald Trump thắng cử tổng thống để đánh tan Trung Quốc ở biển Đông. Những người Việt chống cộng sản thì ước mong chuyện ông Trump sẽ đánh tan cả… cộng sản như những lời lẽ hùng hồn của ông ta trên diễn đàn Liên Hiệp quốc.
Sự lãng mạn làm cho họ như không thấy cảnh ông Trump cười tươi như hoa với ông Nguyễn Xuân Phúc, tay vẫy cờ đỏ sao vàng rất vui nhộn.
Sự lãng mạn của một số người Việt chuyển nội lực vào một mục tiêu rất đáng ngạc nhiên, là tình yêu dành cho Donald Trump, mà yêu đơn phương thôi, vì ông Trump có biết họ là ai đâu.
Thế rồi ông Trump thất cử, tình yêu lãng mạn của họ dành cho ông chuyển thành sự tưởng tượng vô bờ bến. Sự tưởng tượng của họ vượt cả kinh đô điện ảnh Hồ Ly Vọng, họ tưởng tượng cảnh biệt kích Mỹ tấn công máy chủ Dominion ở Đức, điều mà họ tin rằng đã thao túng cuộc bầu cử, làm hại cho người họ yêu.
Họ còn tưởng tượng ra cảnh ông Trump tuyên bố lệnh thiết quân luật ở nước Mỹ dân chủ giống như ở … Venezuela vậy, để bắt nhốt các chính khách đối lập đã đành, mà họ còn tưởng tượng ra cảnh ông Trump bắt nhốt cả các thẩm phán ở Tối cao Pháp của Mỹ nữa, vì đã không giúp ông Trump của họ thắng kiện…
Họ không cần biết luật pháp quốc tế ra sao, định chế dân chủ Mỹ như thế nào, họ cứ để tình yêu lãng mạn dẫn dắt họ. Sự tưởng tượng lãng mạn làm cho khá đông người Việt sống trong một cái vỏ bọc đầy siêu thực.
Điều trớ trêu là những người cộng sản đã hết lãng mạn chủ nghĩa từ lâu, họ trở thành những kẻ cực kỳ thực dụng, hiểu rõ dân chúng mà họ đang cai trị, mềm nắn rắn buông, khi cần làm dịu sự bực bội của dân chúng thì trừng trị vài nhân vật tham nhũng. Trong khi những người chống lại “những người gọi là cộng sản” lại trở nên vô cùng lãng mạn. Họ lãng mạn nghĩ rằng nhà cầm quyền trong nước yếu lắm rồi, chỉ cần xô một cái là ngã, có điều là ai sẽ đứng ra xô thì họ không biết. Họ có cả những chính phủ nữa, cùng rất nhiều hội đoàn, rất lãng mạn!
Dĩ nhiên là trong không khí lãng mạn, lãng mạn cộng sản trước kia, hay lãng mạn chống cộng sản, lãng mạn yêu Trump hiện nay, luôn có những kẻ trục lợi, mà những kẻ trục lợi không bao giờ thuộc về số đông dân chúng cả.
Trong chừng mực nào đó lãng mạn cũng tốt thôi, sự tưởng tượng cũng tốt, mơ cũng tốt, ít nhất cũng không tốn tiền, nhưng để đạt được ước mơ lớn nhất của người Việt là một nền dân chủ pháp quyền cho đất nước thì sự tưởng tượng lãng mạn là không đủ, cần phải có hiểu biết và hành động nữa, mà hành động tự thân, với ý thức và trách nhiệm, chứ không phải là mơ màng Donald Trump đại náo Bắc Kinh!
Một tác giả người Việt Nam, cô Mai Trương, nghiên cứu sinh khoa học chính trị từ đại học Arizona, có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat, nói rằng nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ của ông Donald Trump và diễn biến cuộc bầu cử 2020 đã giúp các quốc gia độc tài châu Á giải quyết được sự chống đối chế độ độc tài từ người dân trong nước.
Tác giả Mai Trương mở đầu bài phân tích của mình bằng nhận xét rằng, với sự cầm quyền của Joseph Biden tới đây, các chính quyền độc tài sẽ bị tăng sức ép về dân chủ và nhân quyền từ Mỹ, nhưng họ không cần quá lo lắng vì bốn năm cầm quyền của ông Trump cho thấy rằng, dân chúng ở các nước này thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn là một nền dân chủ mạnh mẽ, và dân chúng rất dễ bị thao túng bởi tin vịt.
Phân tích của cô Mai Trương chủ yếu dựa trên quan sát tại ba quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Việt Nam và Hồng Kông. Tác giả nêu ba ý chính:
Thứ nhất, việc ông Trump không chấp nhận kết quả thua cuộc, cứ nằng nặc nói rằng cuộc bầu cử gian lận, là một món quà tuyệt vời cho các chế độ độc tài Đông Á. Các chế độ này xưa nay vốn lo lắng về mô hình dân chủ phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ, hấp dẫn công dân của họ, kích thích họ phản đối, thách thức các biện pháp độc tài. Nay những lời buộc tội, dù vô căn cứ của ông Trump, giúp cho các chính quyền độc tài Đông Á, chứng minh cho dân chúng của họ thấy rằng, nền chính trị dân chủ Mỹ và phương Tây là yếu kém.
Tác giả nêu ví dụ về việc lần lữa không chúc mừng ông Biden thắng cử của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngoài việc tính toán ngoại giao (ông O’Brien cố vấn an ninh của ông Trump lúc ấy đang thăm Việt Nam), có thể nhà cầm quyền Việt Nam cũng nghĩ rằng, kết quả có thể đảo ngược, và nếu nó xảy ra, có nghĩa là mô hình dân chủ là một mô hình yếu kém.
Song song với việc lần lữa đó, báo chí do nhà nước Việt Nam quản lý, liên tục đưa tin về các cáo buộc do phe ông Trump đưa ra, mà lại không đưa ra kết quả của những phiên tòa bác bỏ các cáo buộc này. Hình ảnh đó, trước mắt công chúng Việt Nam chứng tỏ dân chủ ở Mỹ chỉ là dân chủ giả hiệu.
Điều thứ hai, theo tác giả Mai Trương, hình ảnh của ông Trump hấp dẫn một số đông công chúng ở Hồng Kông, Hoa Lục và Việt Nam. Đây là hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng tất công cả các định chế hợp pháp. Đây chính là điều mà các chính quyền độc tài Đông Á xiển dương bấy lâu nay. Các nhà nước độc đoán này thường đưa hình ảnh các lãnh tụ mạnh mẽ lên trên hết (Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Jong Un, Tập Cận Bình, Hunsen…)
Một lý do nữa mà dân chúng Đông Á ủng hộ ông Trump, nhất là đối với Hồng Kông và Việt Nam, chính là lời lẽ cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, kẻ thù hiện nay của dân chúng Hồng Kông và Việt Nam. Lý do này cũng là lý do mà những nhà đối kháng ở những nơi này yêu thích ông Trump. Từ đó các chính quyền độc tài Đông Á mới phát hiện ra rằng, những lý do phản kháng của giới bất đồng chính kiến là chủ nghĩa dân tộc, quan trọng hơn là những giá trị dân chủ nhân quyền. Các chính quyền này thấy rằng, hóa ra họ và những người chống lại họ có cùng mục đích, thế thì tốt quá, miễn sao là đừng để cho giới bất đồng chính kiến ấy lên cầm quyền.
Điều thứ ba là hiện tượng tin vịt trong bốn năm cầm quyền của Trump và nhất là tin tức xoay quanh kết quả cuộc bầu cử. Tác giả Mai Trương cho rằng, hiện tượng này giúp cho các nhà cầm quyền độc tài hai cách để định hướng dư luận có lợi cho họ. Đầu tiên là họ thấy rằng, các nguồn tin vịt giúp họ thao túng được dư luận, sau đó là các nguồn tin vịt này làm cho người đọc bị lẫn lộn không biết đâu là thực, hư.
Những nguồn tin vịt xoay quanh cuộc bầu cử được người Việt và người Trung Quốc khai thác triệt để từ Epoch Times và các trang phụ của nó. Hệ thống này vốn của nhóm Pháp Luân Công chủ trương, nhằm chỉ trích chính quyền Trung Quốc, nhưng hiện nay là nơi phát tán tin vịt bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Việt rất nhiều.
Người đọc tiếng Việt trong nước tiếp cận với Epoch Times rất dễ, qua phiên bản tiếng Việt là Đại Kỷ Nguyên, cũng như những phụ bản của nó như Trí Thức Việt, Tân Đường Nhân, mà lẽ ra, với các nhãn hiệu chống cộng, nó phải bị nhà cầm quyền cộng sản cấm và ngăn chận.
Tôi có dịp nói chuyện với một viên chức ngoại giao Việt Nam về các kênh này của người Việt ở hải ngoại. Mặc dù không nói ra, nhưng viên chức này cười với vẻ rất thích thú.
Một điều khác cũng rất tế nhị trong việc chính quyền cộng sản không ngăn chận các kênh tin vịt mà tác giả Mai Trương chưa đề cập đến, là đối với nhóm độc giả có thể phân biệt tin thật và tin giả, sự tồn tại của các kênh tin vịt ở hải ngoại là một phản ví dụ cho nhóm độc giả này thấy rằng, báo chí trong nước có khi lại đáng tin hơn.
Kết thúc bài phân tích, Mai Trương cho rằng sức ép của chính quyền Biden của Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng chuyện nội tại của các quốc gia độc tài là quan trọng hơn, và lịch sử đã chứng minh rằng, những yếu tố nội bộ (dân chúng) cho phép các chính thể này sống còn ngay cả trong điều kiện bị áp lực rất mạnh từ bên ngoài.