Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

COVID-19 (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

April 15, 2020 - baocalitoday.com

Bộ Ngân khố yêu cầu in tên Tổng thống Donald J. Trump trên tấm ngân phiếu $1200

Hình minh họa

(Washington Post) – Bộ Ngân khố yêu cầu tên Tổng thống Donald Trump được in trên những tờ ngân phiếu cứu trợ COVID 19 hiện đang được Sở Thuế gởi ra cho hàng chục ngàn người Mỹ, và thủ tục này có thể làm chậm ngân phiếu lại vài ngày.

Quyết định chưa từng có tiền lệ cuối cùng được đưa ra vào tối thứ Hai. Như vậy, khoảng 70 triệu người Mỹ trong những ngày tới sẽ nhận được $1.200 ngân phiếu và khi mở ra, họ sẽ thấy dòng chữ “Tổng thống Donald J. Trump” ở bên trái.

Đây là lần đầu tiên tên một vị tổng thống Mỹ được xuất hiện trên chi trả của IRS, cho dù khoản hoàn tiền thông thường, hay một trong những tờ ngân phiếu chính phủ gởi ra cho người đóng thuế trong những thập niên gần đây với mục đích kích thích nền kinh tế đang trì trệ hoặc chia tiền cổ tức của một nền kinh tế mạnh.

Các viên chức Ngân khố cho rằng, thủ tục in tên tổng thống không làm chậm ngân phiếu.

Trong khi nhiều người nhận ngân phiếu có thể không quan tâm, không để ý tên ai được in trên đó, nhưng quyết định cho thấy nỗ lực của ông Trump trong việc ghi điểm chính trị trong việc ứng phó với đại dịch.

Theo 3 viên chức chính phủ, ông Trump đề nghị riêng cho Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin để Tổng thống ký tên chính thức trên những ngân phiếu cứu trợ này.

Nhưng tổng thống không được phép ký tên trên những chi trả hợp pháp từ Bộ Ngân khố, theo thực hành tiêu chuẩn thì một viên chức dân sự ký tên trên ngân phiếu của Bộ Ngân khố để bảo đảm những chi trả của chính phủ không mang tính đảng phái.

Trên tấm ngân phiếu cứu trợ, tên ông Trump sẽ được in ở phần ghi chú, dưới hàng ghi “Chi trả Ảnh hưởng Kinh tế.”

Có khoảng 80 triệu người Mỹ bắt đầu được nhận tiền cứu trợ COVID 19 qua trương mục ngân hàng. Những người còn lại, chủ yếu là người có thu nhập thấp, sẽ được IRS gởi ngân phiếu. Sẽ có nhiều người nhận ngân phiếu trễ do năng lực in check ở mức 5 triệu một tuần.

Gói kích thích kinh tế hơn $2 nghìn tỉ Mỹ kim được xem là gói cứu trợ lớn nhất của chính phủ từ trước đến nay, được Quốc hội thông qua và Tổng thống ký. Tiền cứu trợ cho mỗi người dân đóng thuế không phải là ý tưởng của Tổng thống Trump, nhưng được ông ủng hộ sau khi Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng hoà – Missouri) và Mitt Romney (Cộng hoà – Utah) khởi xướng.

Toà Bạch Ốc ban đầu đưa ra ý tưởng giảm thuế là trung tâm của nỗ lực kích thích kinh tế, nhưng sau đó rút khỏi dự tính này giữa những quan ngại sẽ không hỗ trợ đủ nhanh đối với các hộ gia đình Mỹ. Nhưng Tổng thống nhiều lần gọi luật cứu trợ này “là sáng kiến của chính phủ Trump,” và tìm cách dành điểm trong ứng phó đại dịch.

Khoảng hơn 6 tháng trước kỳ tái tranh cử, với chiến dịch vận động tranh cử tạm ngưng do đại dịch, không cho phép tổ chức những buổi vận động lớn rất quen thuộc đối với cử tri cốt lõi. Thì tấm check là biểu tượng cảm động, là thu nhập đối với người đóng thuế xuất hiện ngay trong thùng thư của họ.

Nhưng giới chỉ trích xem việc in tên tổng thống trên tờ check cứu trợ mang tính tính chị. Vào năm 2001, chính phủ Tổng thống George Bush đã chia sẻ lợi ích của nền kinh tế phồn vinh bằng những tấm check $300 đến $600 cho người dân đóng thuế, Toà Bạch Ốc lúc đó cũng yêu cầu IRS thêm vào dòng chữ lấy điểm “tặng lại tiền cho quý vị.” Nhưng Giám đốc IRS đã từ chối, vì bước đi này sẽ được cho quá chính trị.

Hương Giang (Theo Washington Post)

Trump thoả mãn khi tên được in trên ngân phiếu cứu trợ $1200

April 15, 2020 - baocalitoday.com

(CNN) – Tổng thống Donald Trump vào hôm thứ Tư cho rằng, in tên ông trên những tấm ngân phiếu cứu trợ COVID 19 “là chuyện quan trọng,” và thủ tục này không “trì hoãn bất cứ điều gì.”

“Tôi không biết nhiều về chuyện này, nhưng tôi hiểu tên tôi có ở đó. Tôi không biết từ đâu, bằng cách nào, nhưng tôi hiểu việc này không trì hoãn bất cứ chuyện gì. Và tôi thoả mãn. Tôi không tưởng tượng chuyện này quan trọng. Tôi đoan chắc người dân sẽ vui khi nhận được tờ ngân phiếu xin đẹp, giá trị lớn với tên tôi trên đó,” ông Trump tuyên bố tại buổi họp báo tình hình ứng phó virus corona tại Toà Bạch Ốc vào chiều thứ Tư.

Trước đó, hai viên chức ngân khố chia sẻ với tờ Washington Post rằng, quyết định in tên ông Trump trên các ngân phiếu $1.200 sẽ làm chậm lại thủ tục gởi check vốn dĩ đã có thể lên đến 20 tuần mới đến tay toàn bộ khoảng 70 triệu người Mỹ. Tuy nhiên, IRS lại nhấn mạnh, bước đi này không ảnh hưởng gì đến thủ tục gởi ngân phiếu ra.

Trên tấm ngân phiếu cứu trợ, tên ông Trump sẽ được in ở phần ghi chú, dưới hàng ghi “Chi trả Ảnh hưởng Kinh tế.”

Có khoảng 80 triệu người Mỹ bắt đầu được nhận tiền cứu trợ COVID 19 qua trương mục ngân hàng. Những người còn lại, chủ yếu là người có thu nhập thấp, sẽ được IRS gởi ngân phiếu. Sẽ có nhiều người nhận ngân phiếu trễ do năng lực in check ở mức 5 triệu một tuần.

Hương Giang (Theo CNN)

Đầu trang

Aug 30, 2020 - nguoi-viet.com

TT Trump vi hiến khi ký sắc lệnh trợ cấp $400 tiền thất nghiệp?

Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh trợ cấp thất nghiệp hôm 8 Tháng Tám. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)

Mai Phi Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày Thứ Bảy, 8 Tháng Tám, Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa) ký sắc lệnh trả $400 tiền trợ cấp thất nghiệp, trong đó $300 tiền liên bang, $100 của tiểu bang.

Hành động này của ông bị chỉ trích là qua mặt Quốc Hội.

Bà Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), chủ tịch Hạ Viện, gọi việc ký sắc lệnh của tổng thống là vi hiến.

Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) tuyên bố đây là trò vi hiến vụng về, và gởi ra tin nhắn: “Thưa tổng thống, tôi biết ông đang tức giận, nhưng không có một vị tổng thống nào có quyền tự mình viết luật di trú hay giảm thuế hoặc tăng thuế.”

Trong việc ký sắc lệnh tài trợ $400 nêu trên, tổng thống có vi hiến như tố cáo của bà Pelosi và ông Sasse hay không?

Hiến Pháp nói gì?

Hiến Pháp Hoa Kỳ, Chương 1, Điều 7, Khoản 1, quy định, dự luật liên quan thu chi ngân sách phải xuất phát từ Hạ Viện, nhưng Thượng Viện được đề nghị hoặc đồng ý qua những tu chính bằng những dự luật khác.

Quy định trên được tóm gọn lại một cách đơn giản là chỉ có Quốc Hội, tức nhánh Lập Pháp, có quyền huy động ngân sách.

Hiến Pháp Hoa Kỳ, Chương 1, Điều 9, Khoản 7, quy định, chỉ Quốc Hội có quyền làm luật để chuẩn chi tiền.

Như vậy, Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định rõ việc “cho phép xài tiền” (chuẩn chi) là quyền của lập pháp. Sau khi, Quốc Hội định một khoản ngân sách (Appropriation Clause) để chi tiêu, Bộ Tài Chính mới xuất khoản ngân sách đó cho hành pháp sử dụng.

Chính phủ chỉ “phát tiền” của dân do Quốc Hội chuẩn chi

Thí dụ, hồi Tháng Ba, Quốc Hội thông qua Đạo Luật Cares Act trị giá $2,000 tỷ. Đây là con số được Thượng Viện và Hạ Viện thảo luận và chuẩn thuận, kèm với những điều khoản tiêu xài hoặc sử dụng ra sao, thí dụ như cung cấp thêm khoản tài trợ của liên bang $600/tuần cho mỗi người thất nghiệp, từ Tháng Ba đến hết Tháng Bảy, vị chi là bốn tháng.

Chính phủ liên bang, tức là hành pháp, qua Bộ Tài Chính, rót tiền xuống từng tiểu bang tùy theo hoàn cảnh riêng biệt, như tiểu bang A có một người thất nghiệp, người này được liên bang tài trợ bốn tháng, tức là 16 tuần. Liên bang sẽ rót về tiểu bang A số tiền $600 x 16 tuần. Còn tiểu bang B, có 10 người thất nghiệp, thì số tiền sẽ nhân lên theo con số thích hợp.

Như vậy, chính phủ có nhiệm vụ là “phát tiền do Quốc Hội đã chuẩn chi” (tiền này là thuế của dân Hoa Kỳ) và phải phát theo quy định của Đạo Luật Cares Act, do Quốc Hội soạn thảo và thông qua.

Tổng thống có quyền phủ quyết hay ký chuẩn thuận. Ông có thể điều đình vài điều khoản với Quốc Hội trước khi ký hoặc phủ quyết. Nhưng tổng thống (tức là hành pháp) không phải là bên đưa ra hay soạn thảo dự luật, vì không có quyền làm việc đó.

Rõ ràng, khoản tiền của ngân sách được Quốc Hội chuẩn chi, là tiền thuế của dân đóng góp, nên từ xưa đến nay, không có bất kỳ vị tổng thống nào ký tên vào những tấm chi phiếu từ ngân khố tài trợ cho dân chúng, thí dụ như ngân phiếu tiền trợ cấp an sinh xã hội.

Chữ ký trên những tấm ngân phiếu trả cho các khoản trợ cấp xã hội, được một nhân viên của văn phòng chuyên trách những chi trả của chính phủ ký, để bảo đảm tất cả các ngân phiếu này không mang tính chính trị đảng phái.

Kết luận: Qua phần trình bày trên, Đạo Luật Cares Act do Quốc Hội, chứ không phải tổng thống, quyết định.

$400 từ sắc lệnh lấy từ nguồn nào?

Do đó, khi tổng thống ký sắc lệnh trợ cấp $400/tuần, thì điều đầu tiên cần phải làm rõ đó là số tiền này lấy từ đâu? Vì hành pháp không có quyền huy động ngân quỹ để chi thu.

Tuy nhiên, sắc lệnh của Tổng Thống Trump cũng có thể không phải là một tấm ngân phiếu khống, thiếu tiền bảo chứng.

Nếu trong mức ngân sách của chính phủ mà Quốc Hội chuẩn chi trước đó có một khoản tiền chưa dùng thì sao?

Các nhà phân tích ngân sách cho biết, có một quỹ khoảng $44 tỷ, dành riêng dùng trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh.

Tổng Thống Trump có thể dùng ngân quỹ trên để trả cho hứa hẹn $400 của ông.

Dù tổng thống giữ được lời nói, với con số hơn 30 triệu người Mỹ thất nghiệp, số tiền trên sẽ “bốc hơi” nhanh chóng, trong từ hai đến ba tuần lễ, hoặc là nhanh hơn nữa nếu bệnh dịch không giảm bớt.

Tuy nhiên, cần nhớ là số tiền $44 tỷ đó được quy định dùng trong trường hợp khẩn cấp của luật ngân sách, mà đã được Quốc Hội thông qua trong năm trước đó, như là phải thu gom hàng hóa y tế, thực phẩm thiết yếu hoặc dự trữ nhiên liệu…

Dù hành pháp có thể nại cớ tình trạng suy thoái kinh tế là khẩn cấp, nhưng việc sử dụng khoản ngân quỹ trên vẫn không phù hợp với luật ngân sách mà Quốc Hội chuẩn chi trước đó.

Nhưng, sau đó ra sao?

Nếu bất chợt một trận động đất lớn xảy ra? Một cơn bão như Katrina, Harvey, Maria? Bệnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn nữa? Hay chiến tranh xảy ra?

Số tiền $44 tỷ khẩn cấp không còn nữa, chuyện gì xảy ra cho an ninh quốc gia, cho tính mạng và sự an toàn của người dân Mỹ?

Quốc Hội cần thời gian để đưa ra dự luật chuẩn chi ngân quỹ, mà chuyện khẩn cấp thì gấp rút.

Như vậy, vận mệnh quốc gia và sinh mạng người dân có phải là ván bài để “double down” cho toan tính chính trị? [đ.d.]

——————–

Tham khảo:

https://history.house.gov/institution/origins-development/power-of-the-purse/

https://constitutioncenter.org/interactive-constitution/interpretation/article-i/clauses/756

https://www.law.cornell.edu/constitution-conan/article-1/section-9/clause-7

https://www.washingtonpost.com/politics/coming-to-your-1200-relief-check-donald-j-trumps-name/2020/04/14/071016c2-7e82-11ea-8013-1b6da0e4a2b7_story.html

https://fortune.com/2020/08/10/extra-unemployment-benefits-trump-executive-order-coronavirus-stimulus-covid/

https://www.wsj.com/articles/trumps-executive-orders-11597010036?mod=opinion_lead_pos1

Đầu trang

11/12/2020 -

Việt Nam tuyên bố vaccine COVID-19 tự sản xuất có hiệu quả trên 90%

Các nhà chuyên môn nghiên cứu để chế tạo vaccine Covid-19 tại công ty NANOGEN ở Việt Nam.

Việt Nam vừa chính thức khởi động chương trình thử nghiệm vaccine phòng ngừa COVID-19 trên người và tuyên bố loại vaccine “made in Vietnam” này dự kiến sẽ có hiệu quả trên 90% trong vòng 6 tháng.

Vaccine được đặt tên Nanocovax, do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y, thuộc Bộ Quốc Phòng, nghiên cứu và sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế Việt Nam từ tháng 5.

Nanocovax được bào chế theo công nghệ protein tái tổ hợp, là công nghệ truyền thống đã được Nanogen sử dụng trong nhiều sản phẩm khác trước đây, theo lời ông Hồ Nhân – Tổng giám đốc Nanogen – nói với báo chí.

“Cách đây 2 ngày, Hội đồng đạo đức quốc gia cũng hỏi chúng tôi tại sao các anh lại làm nhanh như vậy. Chúng tôi thành thật trả lời là có sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học giúp tạo ra các gai giả (giống như gai của chủng virus corona mới) nhanh hơn”, Vietnamnet dẫn lời ông Nhân cho biết.

Vaccine COVID-19 của Việt Nam “dự kiến hiệu quả 90%”, theo tuyên bố của các giới chức Y tế Việt Nam trong buổi lễ khởi động chương trình thử nghiệm và tuyển tình nguyện viên hôm 10/12.

Điểm mạnh của vaccine Việt Nam là có thể được bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường, trong khi vaccine của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản ở nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển, Tổng giám đốc Nanogen nói thêm với báo chí.

Hiện loại vaccine COVID-19 đầy tiềm năng của hãng dược Pfizer, Mỹ, được cho là có giá thành cao vì công nghệ bào chế mRNA và yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ đến -75 độ C, là nhiệt độ của mùa đông Nam cực.

Tại buổi lễ khởi động chương trình thử nghiệm, các giới chức y tế Việt Nam cam kết “không đánh đổi an toàn của người Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ lý do nào”, người tình nguyện có quyền dừng tham gia nghiên cứu bất cứ thời điểm nào mà không chịu ràng buộc nào, và sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe 24/24 trong 72 giờ đầu.

Trong ngày đầu tiên, chương trình thử nghiệm vaccine Nanocovax của Việt Nam tuyển mộ được 70 tình nguyện viên đăng ký. Con số khá thấp so với một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Anh, YouGov, công bố vào tháng trước về mức độ sẵn sàng tiêm thử nghiệm vaccine Spunik V chống virus corora của Nga tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 94% số người Việt tham gia khảo sát bày tỏ thái độ sẵn sàng tiêm loại vaccine này, đứng đầu trong số các nước được khảo sát và vượt xa tỉ lệ chung là 73%.

Theo lời các giới chức y tế, giá thành cho mỗi liều vaccine Nanocovax khoảng 120.000 đồng (5,2 USD), và có tổng cộng 2 liều tiêm.

Tương tự như vaccine ngừa cúm mùa, vaccine Nanocovax chỉ có hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải nên tiêm lại hàng năm.

Dự kiến, chương trình thử nghiệm lâm sàng sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn, với giai đoạn 3 cần từ 1.500 – 3.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm, sau đó sẽ mở rộng ra trên 10.000 người. Nếu thử nghiệm thành công, vaccine sẽ được Việt Nam đưa vào sử dụng vào năm 2022.

Đầu trang

Dec 11, 2020 - nguoi-viet.com

Tòa Bạch Ốc cảnh cáo giám đốc FDA chuẩn thuận vaccine hoặc từ chức

WASHINGTON, DC (NV) – Ông Mark Meadows, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, nói với ông Stephen Hahn, giám đốc Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), nộp đơn từ chức nếu không chuẩn thuận vaccine của công ty Pfizer-BioNTech trong ngày Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Hai, theo nhật báo The Washington Post.

Cảnh cáo trên của Tòa Bạch Ốc diễn ra cùng ngày với tin nhắn “FDA là một con rùa già chậm chạp” của tổng thống.

Bác Sĩ Stephen Hahn, giám đốc Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA). (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Theo dự tính, ngày Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, FDA sẽ chuẩn thuận loại thuốc chủng ngừa COVID-19 đầu tiên cho nước Mỹ.

Một giới chức Tòa Bạch Ốc từ chối nhận định nhưng trả lời phóng viên rằng: “Chúng tôi không nhận xét về một cuộc nói chuyện riêng tư, nhưng ông chánh văn phòng thường xuyên yêu cầu cập nhật tình hình.”

Giám đốc FDA gởi ra thông báo cho biết: “Sự tường thuật trên không phản ánh đúng cuộc đối thoại. FDA được khuyến khích cấp tốc chuẩn thuận việc sử dụng khẩn cấp thuốc chủng ngừa của Pfizer-BioNTech.”

Cảnh cáo của ông Meadows và tin nhắn của tổng thống phản ánh thái độ chỉ trích cơ quan này của ông Trump trong thời gian vừa qua, khi ông đòi hỏi FDA chuẩn thuận sử dụng cấp vaccine trước ngày bầu cử, 3 Tháng Mười Một.

Tổng thống cũng tức giận khi Anh chuẩn thuận chích ngừa trước Mỹ, mặc dù hiện nay thuốc của Pfizer được phát triển và xét nghiệm trong thời gian kỷ lục.

Hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười Hai, một ban cố vấn của FDA bỏ phiếu ủng hộ cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine COVID-19 của Pfizer, theo Reuters.

Nếu chính thức được chuẩn thuận, đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được EUA ở Mỹ.

Với 17 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 1 phiếu trắng, ban cố vấn cho rằng công dụng đã biết của vaccine này có giá trị hơn những rủi ro khi tiêm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc bỏ phiếu này chưa phải là cuối cùng.

Trong lúc này, giới chức Trung Tâm Đánh Giá Sinh Học và Nghiên Cứu sẽ xem xét cuộc bỏ phiếu để đưa ra quyết định.

Trong khi đó, ban cố vấn của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) cũng dự trù bỏ phiếu về vaccine của Pfizer vào Chủ Nhật tới, theo thông báo trên trang web CDC.

Nếu họ bỏ phiếu ủng hộ, đó là bước cuối cùng cần thiết để vaccine có thể được sử dụng. (MPL) [qd]

Đầu trang

Dec 10, 2020 - nguoi-viet.com

Luật sư Cộng Hòa từ chức phản đối thống đốc Florida che giấu thông tin dịch bệnh

SARASOTA, Florida (NV) – Một luật sư Cộng Hòa, cư dân Florida, tố cáo chính quyền tiểu bang che giấu thông tin về bệnh dịch và từ chức trong một Ủy Ban Tư Pháp tiểu bang, trước chuyện cảnh sát bố ráp gia cư một nhà khoa học về dữ liệu, theo tạp chí Newsweek.

Luật Sư Ron Filipkowski, người được Thống Đốc Ron DeSantis bổ nhiệm vào Ủy Ban 12th Circuit Judicial Nominating Commission, gửi đơn từ chức hôm Thứ Ba, 8 Tháng Mười Hai, sau khi nhân viên công lực lục soát nhà bà Rebekah Jones, một cựu viên chức chuyên về thống kê dữ liệu, đã tố cáo thống đốc tiểu bang thao túng các dữ liệu liên quan đến dịch COVID-19.

Luật Sư Ron Filipkowski, cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến, cáo buộc Thống Đốc DeSantis che giấu thông tin thật về tình hình dịch. (Hình chụp qua màn ảnh RVAT.org)

Nói với phóng viên tờ Newsweek, Luật Sư Filipkowski chỉ trích việc chính quyền tiểu bang tịch thu các vật sở hữu của bà Jones là một hành động “điên rồ” và cáo buộc Thống Đốc DeSantis che giấu thông tin thật về tình hình dịch rồi lại “trấn áp” những nhà khoa học nói lên sự thật.

“Tôi vô cùng quan tâm về việc người dân Florida không được cung cấp sự thật và những thông tin về dịch bệnh COVID-19, và rõ ràng chính Thống Đốc DeSantis không muốn áp dụng bất kỳ các biện pháp chống dịch nào cả,” vị luật sư lên tiếng.

Bà Rebekah Jones là trưởng phòng khoa học dữ liệu địa chính cho Bộ Y Tế Florida, thiết kế thông tin địa lý thống kê theo dõi cơn bão Michael năm 2018 và thành viên thiết kế chương trình truy tầm theo dõi dịch bệnh COVID-19.

Hồi mùa Hè, bà tuyên bố có bằng chứng chính quyền Florida đã thay đổi các dữ liệu về dịch bệnh tại tiểu bang nhằm tạo hình ảnh khả quan sai sự thật, một điều mà thống đốc cực lực bác bỏ.

Bà Rebekah Jones, cựu nhân viên Bộ Y Tế Florida, trả lời phỏng vấn đài CBS. (Hình chụp qua màn ảnh CBS)

Bà Jones cho biết cấp trên đòi hạ thấp các con số người bị nhiễm và tăng lên số người nhiễm bệnh để tiểu bang mở cửa.

Sau đó, bà bị sa thải.

Bà Jones mở trang cập nhật những thông tin về dịch COVID-19 tại tiểu bang Florida, những thông tin do bà cung cấp đưa ra nhiều số thống kê phân tích hơn hẳn cả trang thông tin của tiểu bang.

Hôm Thứ Hai, 7 Tháng Mười Hai, bà Jones gởi lên truyền thông mạng xã hội đoạn video clip quay cảnh sát có vũ trang lục soát tư gia lấy đi điện thoại di động và laptop của bà.

Cảnh sát giải thích có trát tòa cho phép lục soát và tịch thu tài sản vì bà Jones đã “tin tặc” vào hệ thống y tế của tiểu bang để gởi email báo động “giả mạo” đến các viên chức y tế kêu gọi đứng lên nói sự thật về tình hình dịch tại Florida.

Luật Sư Filipkowski nhận định rằng hành động bố ráp nhà riêng của bà Jones nhằm các mục đích như truy tìm những nhân viên chính phủ nào đã cung cấp dữ liệu cho bà.

Thống Đốc Ron DeSantis (thứ hai, trái), tiểu bang Florida. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Ông lập luận: “Nếu cho rằng bà Jones đã ‘tin tặc’ vào hệ thống chỉ để gửi một email ra, thì cớ gì phải lấy hết tất cả các dụng cụ điện tử.”

Ông Filipkowski nhận định: “Qua việc trấn áp bà Jones, mục đích chính của họ là gửi ra một thông điệp cảnh cáo các nhân viên khác nói lên sự thật.”

Nhân viên cứu hỏa thành phố Miami di chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện Emergency at Coral Gables Hospital. (Hình: Chandan Khanna/AFP via Getty Images)

“Điều đáng lo ngại nhất là trát tòa. Tấm trát đó cho thấy mức độ kinh hoàng của sự lạm dụng quyền lực,” vị luật sư nhấn mạnh.

Theo trang Wordometor.info, đến tối Thứ Tư, 9 Tháng Mười Hai, tiểu bang Florida đứng hàng thứ ba toàn nước Mỹ theo tổng số ca nhiễm, Texas đứng nhì, và California đứng nhất.

Tuy nhiên, về tỷ lệ tính trên dân số thì Florida hơn hẳn California.

Tại Florida, cứ một triệu người có 50,441 người nhiễm bệnh và 906 tử vong, trong khi đó, tại California, theo thứ tự, chỉ có 36,814 ca nhiễm và 518 tử vong, thấp hơn hẳn.

Điều đáng ghi nhận là bất kể tình hình dịch bệnh tăng vọt tai tiểu bang này, Thống Đốc DeSantis tuyên bố không áp đặt các biện pháp đeo khẩu trang, cách ly khoảng cách, hay lệnh ở nhà. (MPL) [qd]

Đầu trang

12-12-2020 - bbc.com

Covid-19: Thư ngỏ của giới khoa học Nga phê phán vaccine Sputnik V

Getty Images - Một nhân viên y tế Nga được tiêm vaccine Sputnik V hôm 11/12

Một thư ngỏ của nhiều nhà khoa học hàng đầu tại Nga vừa được công bố, phê phán việc thiếu dữ kiện khiến vaccine Sputnik V 'trở thành con tin của chính trị'.

Lá thư được nhóm nhà khoa học do GS Vasiliy Vlassov, cựu cố vấn cho Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga cùng những người khác ký tên, đặt câu hỏi về quá trình thử nghiệm loại vaccine nội địa mà chính quyền Nga nói là có hiệu quả trên 90%.

Ngoài ông Vlassov, chuyên gia dịch tễ học, cựu chủ tịch một ủy ban của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, còn có bà Olga Rebrova, GS Y khoa, ông Valery Aksyonov, chủ biên tạp chí Bionica Media ... cùng ký thư ngỏ.

Theo BBC Tiếng Nga, thư đã được gửi đến tạp chí chuyên ngành The Lancet tại Anh.

Những người ký thư nêu ra rằng quá trình chạy đua để có vaccine khiến Viện Gamaleya, cơ quan nghiên cứu, chế tạo vaccine Sputnik V, đã bỏ qua một số công đoạn quan trọng.

Ví dụ họ nêu ra quan ngại về giai đoạn thử nghiệm 2 chỉ được áp dụng với 76 tình nguyện viên.

Cùng thời gian chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 3, Nga đã tung ra một chiến dịch tiêm chủng rộng khắp, theo trang Moscow Times 10/12/2020.

Chiến dịch này chỉ được áp dụng cho nhân viên y tế và giáo dục ở độ tuổi dưới 60 và không có bệnh nền.

Theo các nhà khoa học ký thử ngỏ thì cách làm đó không đảm bảo đem lại con số như viện nghiên cứu của chính quyền nói về tính hiệu quả của vaccine.

Theo phó thị trưởng Moscow, bà Anastasia Rakova nói với báo chí cuối tuần trước thì trong nhiều nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 3, chỉ có 273 người mắc virus corona.

GS Vlassov cho rằng con số chỉ có 1,5% tình nguyện viên nhiễm Covid-19 “là sai lệch”.

EPA - một số bác sĩ Nga nói rằng họ rất nghi ngờ về vaccine Sputnik V và không muốn bị tiêm, theo tờ Moscow Times

Quan chức tiêm trước làm gương?

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng chương trình vaccine “bị chính trị chen vào” và phê phán việc chính quyền không công bố đủ số liệu.

Theo tờ Moscow Times thì chương trình tiêm chủng của Nga bắt đầu cuối tuần qua, nhắm vào hàng chục nghìn quan chức chính phủ, trước khi để cho tiêm diện rộng trong dân.

Tờ báo cho hay một số bác sĩ Nga nói rằng họ rất nghi ngờ về vaccine Sputnik V và không muốn bị tiêm.

Tính đến cuối tháng 11/2020, chính quyền Nga nói vaccine Sputnik, mang tên vệ tinh vũ trụ đầu tiên của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, có tác dụng tới 95%.

Các báo Phương Tây tin rằng quyết định của Nga tung ra vaccine phòng ngừa Covid-19 còn có mục tiêu chứng tỏ sự ưu việt của hệ thống Nga.

Cuộc 'chạy đua về vaccine' giữa các nước, gồm cả Trung Quốc, đã bị chính trị hóa phần nào.

Ngay từ giữa tháng 8/2020, Bộ Y tế Việt Nam cho hay họ “nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vaccine, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác”.

Đầu trang

11/12/2020 - Minh Anh - rfi.fr

Vac-xin chống Covid-19 : Một cuộc đua đường dài « chiến lược » của Bắc Kinh

Sinovac Biotech, một trong các công ty chế tạo vac-xin Covid-19 chủ yếu của Trung Quốc. © JUSTIN TALLIS AFP

Giữa Pfizer, Moderna và AstraZeneca, một cuộc chiến gay gắt đang diễn ra để giành quyền sản xuất và phân phối vac-xin chống Covid-19 trước tiên cho thế giới, nhất là tại châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc, cùng với các loại vac-xin do nước này tự bào chế, đang âm thầm triển khai các con tốt với hai mục tiêu chính : Đánh bóng lại hình ảnh đất nước, đồng thời mở rộng các đối tác kinh tế và chiến lược.

Cho dù chưa có một loại vac-xin ứng viên nào được chính thức công nhận, kể cả ở trong nước, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu ký kết nhiều hợp đồng phân phối « thuốc giải độc » chống Covid-19 của mình cho nhiều nước trên khắp địa cầu. Trung Quốc hiện tại có 4 vac-xin ứng viên do các hãng dược CanSino Biologics, Sinovac Biotech và China National Biotec Group, một chi nhánh của hãng Sinopharm – nghiên cứu và phát triển.

Chiến dịch phân phối vac-xin của Bắc Kinh được khởi động trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu tiến hành điều tra nguồn gốc virus corona. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây thật sự là một chiến dịch ngoại giao nhằm sửa chữa hình ảnh đã bị sứt mẻ. Nhưng ông Huang Yanzhong, chuyên gia về các vấn đề Y tế công thuộc trung tâm tư vấn Council on Foreign Relations của Mỹ, khi trả lời AFP, cho rằng « đây còn là một cách để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và san bằng những căng thẳng địa chính trị ».

Trên tờ Journal du Dimanche, chuyên gia Antoine Bondaz, giảng viên đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po), Pháp, nhận định rằng có hai khía cạnh trong cuộc đua vac-xin : Đó là đua nước rút, nhưng đồng thời cũng là đua việt dã. « Đua nước rút cho biết nước nào sẽ cho ra lò vac-xin trước tiên […] Cuộc đua việt dã để thể hiện nước đó có khả năng sản xuất đủ vac-xin và cung cấp cho các đối tác, đây mới chính là điều căn bản ».

Vẫn theo chuyên gia Bondaz, Trung Quốc đã đặt cược nhiều vào cuộc đua dài do có nhiều lợi thế. Thứ nhất, Bắc Kinh đã dập được dịch bệnh từ nhiều tháng qua. Và vì không phải đối phó với dịch bệnh trong nước, các hãng dược Trung Quốc có đủ thời gian thử nghiệm ở nhiều nước đang phát triển khác trên khắp các châu lục từ đông sang tây, từ bắc chí nam…

Thứ hai, do nhu cầu trong nước rất thấp và không « khẩn cấp » trong khi các hãng dược Âu – Mỹ phải ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, Trung Quốc có thể dành một phần để cho xuất khẩu, và có thể hoàn toàn trông cậy vào « khả năng sản xuất công nghiệp ồ ạt » để đủ cung cấp cho các nước đối tác. Trung Quốc còn cho xây dựng nhiều cơ sở cất trữ tại châu Phi, Trung Cận Đông để đáp ứng nhu cầu cho các nước tại những khu vực này, hay mở cơ sở sản xuất tại những nước có ký kết thỏa thuận như Brazil, Maroc và Indonesia.

Cuối cùng, vac-xin do Trung Quốc bào chế theo phương pháp nuôi cấy vi khuẩn nên có thể dễ dàng vận chuyển và phân phối, không đòi hỏi những kỹ thuật bảo quản nghiêm ngặt như của Pfizer, phải ở mức -70°C.

Cuộc đua đường dài này còn đặt ra thách thức địa chính trị khác cho Bắc Kinh. Ngoài vấn đề kinh tế, để khẳng định đó là những hãng dược « công nghệ cao và có tính cạnh tranh », thì nhìn rộng hơn, trong các vấn đề dịch tễ, Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đồng minh đáng tin cậy mà các nước « có thể hợp tác chứ không chỉ có các nước châu Âu ».

Đương nhiên, việc đánh bóng lại hình ảnh là điều không thể thiếu. Nếu như tại châu Phi và Đông Nam Á, Trung Quốc có thể dễ dàng làm cho làm quên đi trách nhiệm gây đại dịch của mình, thì ở các nước phát triển, hình ảnh này hiện khó mà cải thiện được.

Chính vì vậy, trong khi chờ đợi sự chấp thuận của các cơ quan y tế các nước, Trung Quốc thận trọng tiến tới với hai tiêu chí : « Nhanh chóng và An toàn ». Một vac-xin kém hiệu quả sẽ có những tác động tàn phá đối với chiến lược « ngoại giao vac-xin » của Trung Quốc, vốn dĩ cũng là một phần trong chính sách « con đường tơ lụa y tế » của nước này, có từ những năm 1960, theo như kết luận của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang

Apr 24, 2020 - nguoi-viet.com

TT Trump đưa ý tưởng chích thuốc tẩy trùng diệt COVID-19, Lysol vội khuyến cáo ‘chớ nên’

(Hình minh họa: Getty Images)

WASHINGTON, DC (AP) — Công ty sản xuất thuốc tẩy trùng Lysol hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Tư, lên tiếng cảnh cáo rằng sản phẩm của họ không thể được dùng bên trong cơ thể con người, để trị COVID-19, sau khi Tổng Thống Donald Trump đặt câu hỏi về việc này trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm.

Tổng Thống Trump hôm Thứ Năm nêu lên sự kiện là các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu hiệu quả của việc dùng thuốc tẩy trùng để diệt virus, rồi đưa ra câu hỏi là các thuốc tẩy trùng này có thể chích vào người được hay chăng. Ông Trump nói rằng con virus gây thương tổn trầm trọng cho phổi của bệnh nhân, do vậy nên có sự xem xét về cách sử dụng này.

Phát biểu của Tổng Thống Trump đã khiến cho công ty sản xuất hai nhãn hiệu thuốc tẩy trùng Lysol và Dettol phải đưa ra lời khuyến cáo mạnh mẽ để đối phó với “các điều phỏng đoán gần đây.”

Reckitt Benckiser, một công ty đa quốc gia, có trụ sở đặt ở Anh, nói rằng: “Là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các sản phẩm y tế và vệ sinh, chúng tôi phải nói rõ rằng, trong mọi trường hợp, sản phẩm diệt trùng của chúng tôi không thể được đưa vào trong cơ thể con người (bằng cách chích, uống, hoặc bất cứ cách nào khác),” theo bản thông cáo.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cáo buộc truyền thông là diễn dịch sai lời phát biểu của Tổng Thống Trump.

“Tổng Thống Trump nhiều lần nói rằng người dân Mỹ nên hỏi ý kiến các bác sĩ về việc chữa trị COVID-19, cũng là điều mà ông nêu ra lần nữa trong cuộc họp báo hôm qua,” theo lời tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Kayleigh McEnnany, khi đưa ra bản thông cáo hôm Thứ Sáu.

Bà McEnnany nói rằng giới truyền thông đã diễn dịch sai lời tổng thống và đưa ra các hàng tít có nội dung ‘tiêu cực.’ (V.Giang) (Đ.D.)

Điều phối viên Covid-19 cúi mặt khi Trump họp báo

Thứ bảy, 25/4/2020, 20:53 (GMT+7) - vnexpress.net

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, cúi mặt khi Trump đề cập việc "tiêm thuốc khử trùng" để diệt nCoV.

Tiến sĩ Birx, chuyên gia y tế hàng đầu trong nhóm chuyên trách chống nCoV của Nhà Trắng, hôm 23/4 tham dự cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19 do Tổng thống Donald Trump chủ trì. Tuy nhiên, video do truyền thông quay lại cho thấy bà dường như "hoang mang" khi nghe Trump bày tỏ mong muốn tìm cách nghiên cứu việc chiếu tia cực tím hay tiêm thuốc khử trùng cho người nhiễm virus.

"Hãy tưởng tượng việc chúng ta chiếu vào cơ thể một chùm tia cực tím hoặc một chùm sáng rất mạnh", Trump nói. Ông sau đó quay sang Birx và nói: "Tôi nghĩ bà đã nói rằng chúng chưa được kiểm chứng, nhưng bà sẽ thử nghiệm phương pháp đó".

"Và rồi tôi nói, giả sử ta đưa ánh sáng vào trong cơ thể, bằng cách chiếu qua da hoặc cách nào khác. Và tôi nghĩ bà cũng đã nói rằng sẽ thử biện pháp đó. Nghe thú vị đấy", Tổng thống Mỹ nói tiếp.

Tiến sĩ Birx ngồi ở hàng ghế bên cạnh, liên tục chớp mắt tỏ vẻ hoài nghi. Bà có lúc cúi mặt xuống, không nhìn về phía Trump, dường như cố nén một tiếng thở dài.

Tiến sĩ Deborah Birx cúi mặt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23/4. Video: Twitter/NC5PhilWilliams.

"Tôi thấy chất khử trùng hạ gục virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm vào bên trong cơ thể hay tẩy sạch chúng không?", Trump tiếp tục phát biểu trước các phóng viên.

Trump quay sang hỏi rằng liệu tiến sĩ Birx đã nghe về liệu pháp dùng "nhiệt độ và ánh sáng" để điều trị người nhiễm virus chưa.

"Đó không phải phương pháp điều trị. Sốt là tốt, nó giúp cơ thể bạn phản ứng với virus, nhưng tôi chưa từng thấy liệu pháp nhiệt độ và ánh sáng nào", tiến sĩ Birx trả lời.

Ý tưởng "tiêm thuốc khử trùng" và "chiếu ánh sáng" vào cơ thể bệnh nhân nCoV của Trump đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận, khi các chuyên gia y tế kịch liệt phản đối, cho rằng đây là phương pháp "tự sát". Thậm chí một số nhà sản xuất chất khử trùng của Mỹ đã phải ra khuyến cáo rằng sản phẩm của họ không được dùng để tiêm vào cơ thể.

Trước phản ứng của dư luận, trong cuộc họp báo ngày 24/4, Trump nói đây chỉ là "lời châm biếm" để xem phản ứng của truyền thông và ông không khuyến khích mọi người làm theo. Tuy nhiên, Trump tiếp tục nêu quan điểm ánh sáng và chất khử trùng có thể giúp diệt nCoV.

Trump nhiều lần ca ngợi những phương pháp điều trị nCoV chưa qua kiểm chứng trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trong đó có thuốc trị sốt rét chứa hoạt chất hydroxychloroquine. Nhiều quan chức y tế cảnh báo việc dùng thuốc chứa hydroxychloroquine để trị nCoV có thể gây ra nguy hiểm.

Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2,8 triệu ca nhiễm, hơn 198.000 người chết và hơn 812.000 người đã hồi phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 890.000 ca nhiễm, trong đó hơn 51.000 người chết.

Nguyễn Tiến (Theo BI)

Đầu trang

Dec 16, 2020 - nguoi-viet.com

Người được Trump đề cử từng đề nghị tạo ‘miễn dịch cộng đồng’ chống COVID-19

WASHINGTON, DC (NV) – Một người được Tổng Thống Donald Trump đề cử từng liên tục hối thúc các giới chức y tế hàng đầu chọn “miễn dịch cộng đồng” làm phương pháp chống COVID-19, tức là để hàng triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh, theo Politico hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười Hai.

Thông tin này được trích từ email nội bộ mà ủy ban giám sát của Hạ Viện có được và chia sẻ với Politico.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, “miễn dịch cộng đồng” đạt được qua tiêm vaccine, không phải cố ý để người dân nhiễm bệnh. (Hình minh họa: Ethan Miller/Getty Images)

“Không còn cách nào khác, chúng ta cần tạo miễn dịch cộng đồng, và chỉ còn cách để những nhóm người rủi ro không cao nhiễm virus. Chấm hết,” ông Paul Alexander, lúc đó là cố vấn khoa học, viết trong email hôm 4 Tháng Bảy gửi cho sếp của ông là Michael Caputo, trợ lý bộ trưởng Y Tế, cùng sáu giới chức cao cấp khác.

“Trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên, thanh niên, trung niên không có bệnh gì khác v.v… không có hoặc rất ít rủi ro… Chúng ta dùng họ tạo miễn dịch cộng đồng… Chúng ta cần họ nhiễm bệnh…” ông Alexander viết thêm.

“Có lẽ tốt nhất là mở cửa rồi để trẻ em, thanh niên nhiễm bệnh” nhằm đạt “miễn dịch tự nhiên,” ông Alexander viết trong email hôm 24 Tháng Bảy gửi ông Stephen Hahn, giám đốc Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA), ông Caputo và tám giới chức cao cấp khác. Sau đó, ông Caputo yêu cầu ông Alexander nghiên cứu ý tưởng này, theo những email mà tiểu ban đặc trách COVID-19 của Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện có được.

Ông Alexander còn tranh luận rằng nên cho phép trường đại học tiếp tục mở cửa để COVID-19 lây lan. Trong email gửi giám đốc Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) ngày 27 Tháng Bảy, ông than phiền rằng “chúng ta đã thực sự lấy ra khỏi chiến trường vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có… thanh niên khỏe mạnh, trẻ em, thiếu niên, những người mà chúng ta cần nhiễm bệnh thật nhanh, lây lan cho người khác, tạo miễn dịch cộng đồng để giúp ngăn virus lây lan.”

Ông Alexander từng là trợ lý hàng đầu của ông Caputo. Ông Caputo được chính Tổng Thống Trump bổ nhiệm hồi Tháng Tư để phụ trách quan hệ truyền thông cho Bộ Y Tế. Các giới chức cho Politico hay họ tin rằng khi đưa ra những đề nghị nêu trên, ông Alexander được Tòa Bạch Ốc ủng hộ.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, “miễn dịch cộng đồng” là khái niệm dùng trong chủng ngừa, theo đó, cộng đồng có thể được bảo vệ khỏi bị nhiễm một loại virus nào đó nếu tiêm vaccine đủ cho số lượng người nhất định. “Miễn dịch cộng đồng” đạt được bằng cách bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh, chứ không phải cố ý để họ nhiễm bệnh.

Ở Mỹ, vài người bảo thủ ủng hộ “miễn dịch cộng đồng,” coi đây là chiến thuật chống COVID-19 với hy vọng được mở cửa lại nền kinh tế.

Thời gian qua, các giới chức cao cấp của chính quyền Tổng Thống Trump liên tục phủ nhận đang cân nhắc “miễn dịch cộng đồng.”

“Miễn dịch cộng đồng không phải là chiến lược chống COVID-19 của chính phủ Mỹ,” Bộ Trưởng Y Tế Alex Azar cho hay trong buổi điều trần trước tiểu ban đặc trách COVID-19 của Hạ Viện hôm 2 Tháng Mười. (Th.Long)

Đầu trang

Nhã Duy - 19-12-2020 - baotiengdan.com

Những ai đã góp phần sáng chế thuốc ngừa Covid-19?

Một tuần lễ sau khi thuốc ngừa Covid-19 của hãng Pfizer và BioNTech được cơ quan FDA cho phép sử dụng khẩn cấp và đã được phân phối đến các tiểu bang, hôm nay FDA lại tiếp tục chấp thuận thuốc ngừa Covid thứ hai được hãng Moderna phối hợp cùng Viện Y Tế Quốc Gia (NIH) bào chế. Khoảng bảy triệu liều thuốc ngừa của Moderna sẽ được phân phối ngay trong cuối tuần này.

Nếu thuốc ngừa của Pfizer được xem là nghiên cứu và sáng chế chính yếu của đôi vợ chồng khoa học gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ugur Sahin và Ozlem Tureci, là những nhà sáng lập hãng BioNTech của Đức thì thuốc ngừa của Moderna lại đến từ sự đóng góp rất lớn của nhóm khoa học gia tại Viện Nghiên Cứu Vaccine (Vaccine Research Center – VRC) thuộc NIH. Trong đó, hai khoa học gia đồng trưởng nhóm chánh yếu để phối hợp với Moderna là Bác sĩ Barney Graham – Phó Giám Đốc VRC và Tiến sĩ Kizzmekia Corbett – Khoa Học Gia trưởng nhóm nghiên cứu coronavirus của VRC.

Tiến sĩ Kizzmekia Corbett là người mà bác sĩ Anthony Fauci đã trân trọng nhận xét rằng, “là một khoa học gia người Mỹ gốc Phi, người ở ngay hàng đầu trong việc phát triển vaccine Covid-19. Cô là người sẽ đi vào lịch sử trong tư cách là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học có thể chấm dứt đại dịch“.

Bác sĩ Barney Graham và TS Kizzmekia Corbett. Nguồn: Golden Goose Award

Thêm vào cụm từ “khoa học gia người Mỹ gốc Phi”, lời phát biểu của bác sĩ Fauci cho thấy, tính chất đa dạng của xã hội Hoa Kỳ, trong đó có thể ghi nhận sự góp phần to lớn ở nhiều lãnh vực của riêng cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Sinh năm 1986, tại một vùng nông thôn North Carolina, Tiến Sĩ Corbett đã đam mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học từ khá sớm, ngay thời trung học. Tập sự và làm việc trong các phòng thí nghiệm của Viện Y Tế Quốc Gia khi còn đang theo học đại học, Corbett tốt nghiệp tiến sĩ về Vi Sinh và Miễn Dịch Học năm 2014 tại Đại Học North Carolina, rồi tiếp tục chương trình hậu tiến sĩ trong khi tiếp tục nghiên cứu sáng chế các loại vaccine về các virus SARS và MERS đã theo đuổi từ khi đang còn là sinh viên ban tiến sĩ.

Đó là lý do khi đại dịch Covid bùng phát, tiến sĩ Corbett đã được chọn để lãnh đạo nhóm khoa học gia nghiên cứu vaccine Covid-19 của NIH để hợp tác cùng hãng Moderna.

Cũng vậy, về phía hãng Moderna thì hai khoa học gia đứng đầu trong việc sáng chế vaccine Covid-19 là Tiến Sĩ Tal Zaks – là một khoa học gia Do Thái và Chánh Khoa Học Gia là Giáo sư Tiến Sĩ Melissa J. Moore người Mỹ, cũng như CEO Tổng Quản Trị Stéphane Bancel là một người Pháp. Và nếu nhân tiện nhắc lại điều nhiều người đã biết là, bác sĩ Fauci – khoa học gia đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chống trả Covid tại Mỹ hiện nay, là một người gốc Ý.

Điểm qua nhóm khoa học gia đằng sau việc phát minh ra vaccine Covid-19 không ngoài việc cho thấy tính chất đa sắc tộc, đa quốc gia của phát kiến quan trọng và được xem như cứu tinh của nhân loại trong việc chống trả đại dịch hiện nay. Không chỉ thuốc ngừa Covid-19, mà vô số thành tựu, phát kiến của nước Mỹ và cho nhân loại cũng đến từ sự hợp tác đa dạng như vậy.

Điều này chỉ một lần nữa cho thấy rằng, chính sách “America First” là một khẩu hiệu dân túy, thiếu vắng tầm nhìn, có thể thỏa mãn cho những cá nhân và vài nhóm ủng hộ mang cùng cái nhìn giới hạn và ích kỷ trong chiến lược hợp tác toàn cầu, trong một xã hội đa sắc tộc. Bởi thiếu vắng sự hợp tác và đóng góp này thì nước Mỹ khó lòng có thể tạo ra những sự phát triển thần kỳ và mang lại những thành tựu lớn lao cho nước Mỹ cùng nhân loại.

Còn bạn, nếu một mai có được chích ngừa Covid-19, hãy nhớ rằng, nó đã có phần đóng góp quan trọng của một khoa học gia da đen là Tiến Sĩ Kizzmekia Corbett.

Đầu trang

Tất Đạt | 06/08/2020 - soha.vn

Ông Trump tiếp tục phát ngôn sốc: Giới khoa học và ngành y tế Mỹ "choáng váng"

Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images

Phát ngôn của ông Trump khiến nhiều người bất ngờ khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp với hơn 4,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 150.000 người tử vong.

Ngày 5/8, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng trẻ em nên trở lại trường học bởi vì đối tượng này "gần như hoàn toàn miễn dịch" trước virus corona. Tuy nhiên, đây là thông tin sai lầm bởi trẻ em vẫn có thể lây lan virus cho những người ở cùng hộ gia đình hoặc những người tiếp xúc gần.

"Hãy nhìn những đứa trẻ mà xem, trẻ em gần như - tôi có thể nói là gần như hoàn toàn - miễn dịch khỏi căn bệnh này. Trẻ em đang trở nên mạnh khỏe hơn. Rất khó tin. Tôi không biết mọi người cảm thấy thế nào, nhưng trẻ em có hệ miễn dịch với COVID-19 khỏe hơn chúng ta nhiều. Trẻ em không gặp vấn đề sức khỏe nào cả, không hề có," ông Trump nói.

Ông Trump cho rằng ông sẽ bị truyền thông chỉ trích nếu nói rằng trẻ em "hoàn toàn miễn dịch" trước COVID-19, tuy nhiên ông khẳng định trẻ em gần như an toàn trước virus corona.

Ông Trump dẫn chứng rằng chỉ có 1 ca trẻ nhỏ tử vong tại bang New Jersey và có khả năng nguyên nhân tử vong là do tiểu đường. Ông Trump gợi ý rằng trẻ em nhỏ tuổi hơn trường hợp tử vong nói trên thậm chí còn có miễn dịch với COVID-19 mạnh hơn.

Tuy nhiên, theo CNN, ít nhất 2 trẻ nhỏ khác đã tử vong tại New Jersey và cả hai đều nhỏ hơn 5 tuổi.

Tổng thống Trump nói các giáo viên lớn tuổi cần đợi cho tới khi hết đại dịch trước khi trở lại làm việc.

Tháng trước, ông Trump tuyên bố trẻ nhỏ không dễ mắc COVID-19 và ông hoàn toàn ủng hộ việc đưa con cháu mình quay trở lại trường học.

CNN dẫn nguồn các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc cho biết trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 tới 19 tuổi có thể lây lan virus corona ở mức độ ngang người lớn. Ngoài ra, trẻ em từ 9 tuổi trở xuống dường như lây COVID-19 ở mức độ thấp hơn nhiều.

Tháng trước, Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cho biết mặc dù trẻ em có ít nguy cơ nhiễm COVID-19, nhưng đối tượng này vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

"Chúng ta cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho những người có nguy cơ bị tổn thương cao từ dịch bệnh, đó là những người lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh mãn tính," ông Adams nói.

Trong ngày 5/8, mạng xã hội Twitter đã hạn chế đội ngũ tranh cử của tổng thống Trump đăng tải nội dung mới sau khi tài khoản này đăng video chứa thông tin sai lệch về virus corona.

Trong video, ông Trump trả lời phỏng vấn Fox News và nói rằng trẻ em "gần như miễn dịch" với virus corona. Phát ngôn viên của Twitter cho hay, đây là nội dung "vi phạm điều khoản của Twitter về thông tin giả liên quan tới COVID-19".

"Chủ tài khoản sẽ cần phải xóa nội dung này trước khi có thể tiếp tục đăng bài".

Được biết, tài khoản của ông Trump đã đăng bài được như bình thường, cho thấy đội ngũ của ông Trump đã tuân thủ luật của Twitter và xóa đoạn video.

Trong khi đó, Facebook cũng xóa nội dung nói trên với lí do tương tự khỏi trang Facebook chính của ông Trump.

Bầu cử 2020: Ông Trump phủ nhận đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus corona

16 tháng 9 2020 - bbc.com

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phủ nhận việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19, mặc dù thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm là có làm vậy.

Tại một sự kiện có quay phim truyền hình với các cử tri, ông Trump nói rằng ông đã "đề cao" để ứng phó.

Tuyên bố này mâu thuẫn với bình luận mà ông Trump đưa ra với nhà báo Bob Woodward hồi đầu năm, khi ông nói rằng ông đã giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của virus để tránh hoảng loạn.

Ông Trump cũng nhắc lại hôm thứ Ba rằng một loại vaccine có thể sẽ có "trong vòng vài tuần" bất chấp sự hoài nghi từ các chuyên gia y tế.

Chưa có vaccine nào được tiến hành xong thử nghiệm lâm sàng, khiến một số nhà khoa học lo sợ người ta đang đặt chính trị trên sức khỏe và sự an toàn và điều đó thúc đẩy việc sản xuất vaccine trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11.

Hơn 195.000 người tử vong với Covid-19 ở Mỹ kể từ đầu đại dịch, theo dữ liệu từ trường đại học Johns Hopkins.

Trong khi đó, tạp chí Scientific American hôm thứ Ba lần đầu tiên trong lịch sử 175 năm của mình đã ủng hộ một ứng cử viên tổng thống khi hậu thuẫn cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vào Nhà Trắng.

Tạp chí này nói ông Trump "bác bỏ bằng chứng và khoa học" và mô tả phản ứng của ông đối với đại dịch Covid-19 là "thiếu trung thực và vụng về".

Ông Trump đã nói gì?

Tại cuộc họp ở tòa thị chính hôm thứ Ba do ABC News tổ chức ở Philadelphia, Pennsylvania, ông Trump được hỏi tại sao ông lại "hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch vốn được cho là gây hại nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số".

Ông Trump trả lời: "Tôi đã không hạ thấp nó. Thực sự, bằng nhiều cách, tôi đã đề cao dịch bệnh về mặt hành động."

"Hành động của tôi rất mạnh mẽ," ông nói và dẫn chiếu tới lệnh cấm người từ Trung Quốc và châu Âu nhập cảnh vào Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.

Ông Trump nói: "Chúng ta đáng ra sẽ mất thêm hàng ngàn người nữa nếu tôi không đưa ra lệnh cấm. Chúng ta đã cứu rất nhiều mạng sống khi làm điều đó".

Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với du khách nước ngoài từ Trung Quốc có hiệu lực vào đầu tháng Hai, trong khi lệnh cấm đối với du khách đến từ các nước châu Âu được đưa ra vào tháng Ba.

Tuy nhiên, ông Trump bị cáo buộc đã chậm triển khai các biện pháp ngăn chặn virus.

Một nhà dịch tễ học đã nói với New York Times vào tháng Hai rằng việc hạn chế du lịch đến và đi từ Trung Quốc là một phản ứng có màu sắc cảm xúc hoặc chính trị.

Michael Osterholm, nhà dịch tễ học và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói với báo này về cái gọi là "Mất bò mới lo làm chuồng".

Trong tuyên bố hôm thứ Ba, Scientific American cho biết bất chấp những cảnh báo vào tháng Một và tháng Hai, ông Trump "không phát triển chiến lược quốc gia để cung cấp thiết bị phòng vệ, xét nghiệm virus corona hoặc hướng dẫn y tế rõ ràng."

GETTY IMAGES. Tạp chí Scientific American hậu thuẫn cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vào Nhà Trắng.

Ông Trump đã nói gì với Woodward?

Ông Woodward, đầu mối chính khai phá vụ bê bối Watergate năm 1972 và là một trong những nhà báo có uy tín nhất của Hoa Kỳ, đã phỏng vấn ông Trump 18 lần từ tháng 12 đến tháng 7.

Vào tháng Hai, ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ông Woodward rằng ông biết nhiều hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hơn những gì ông đã nói công khai.

Theo bản ghi âm cuộc gọi, tổng thống cho biết virus corona còn nguy hiểm hơn cả bệnh cúm.

"Nó phát tán trong không khí," ông Trump nói trong băng. "Điều đó luôn khó khăn hơn khi đụng chạm vào. Người ta không cần phải chạm vào mọi thứ. Đúng không? Nhưng không khí, bạn chỉ hít thở không khí và đó là cách virus lây lan.

"Và vì vậy đó là một căn bệnh rất khó đối phó. Đó là một bệnh rất tinh vi."

Cuối tháng Hai, ông Trump nói rằng virus "đang gần như được kiểm soát" và ca mắc bệnh sẽ sớm gần bằng không. Ông cũng công khai ám chỉ rằng bệnh cúm nguy hiểm hơn Covid-19.

Phát biểu ngày 10/3, ông Trump nói: "Cứ bình tĩnh. Mọi chuyện sẽ qua đi."

Chín ngày sau, sau khi Nhà Trắng tuyên bố đại dịch là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tổng thống nói với ông Woodward: "Tôi luôn muốn giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Tôi vẫn muốn vậy, vì tôi không muốn tạo ra một sự hoảng loạn."

Ông Trump nói điều gì khác ở Philadelphia?

Ông Trump, người đang tái tranh cử, đã lặp lại tuyên bố trước đó của mình rằng virus sẽ tự biến mất vì mọi người sẽ "phát triển ... tâm lý cộng đồng", kể như đề cập đến "khả năng miễn dịch cộng đồng" khi có đủ người hình thành được khả năng kháng bệnh để ngưng truyền nhiễm bệnh.

Ông cũng nghi ngờ về lời khuyên khoa học của chính quyền của ông về việc đeo khẩu trang.

"Khái niệm về chiếc khẩu trang là tốt, nhưng ... bạn liên tục chạm vào nó. Bạn chạm vào mặt của mình. Bạn chạm vào những bát đĩa. Có những người không nghĩ rằng khẩu trang là tốt," ông nói.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) khuyến khích nhiều việc sử dụng khẩu trang.

Ông Trump đã đưa ra những bình luận trái chiều về khẩu trang, một mặt chê bai là mất vệ sinh, mặt khác kêu gọi người Mỹ "thể hiện lòng yêu nước" bằng cách đeo khẩu trang.

Phiên Hỏi & Đáp với các cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai vào thứ Ba diễn ra khi cuộc chiến tranh cử tổng thống bước vào giai đoạn cuối cùng.

Đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump, Joe Biden, dự kiến sẽ tham gia một chương trình tương tự ở Pennsylvania sẽ phát sóng vào thứ Năm.

Pennsylvania được coi là bang rất quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đầu trang

January 1, 2021 - baocalitoday.com

Trump giận dữ Kushner về gia tăng xét nghiệm COVID 19 làm tăng ca nhiễm

(Business Insider) – Trong suốt thời gian đại dịch COVID 19, Tổng thống Donald Trump giận dữ chỉ trích con rể Jared Kushner về vấn đề xét nghiệm và mang khẩu trang, New York Times vào thứ Năm loan tin.

Theo New York Times, trong một buổi họp với các cố vấn hàng đầu tại Phòng Bầu dục vào ngày 19 tháng 8, Tổng thống lên cơn giận về việc gia tăng xét nghiệm COVID 19 ở Mỹ, theo ông, vì như vậy mới có số ca tăng cao. “Anh đang giết tôi! Tất cả những chuyện này! Chúng ta có tất cả những ca chết tiệt này,” Trump la lối Kushner.

“Tôi muốn làm giống như Mexico. Họ không cho xét nghiệm cho đến khi vào phòng cấp cứu và anh đang nôn ói,” Trump nói với con rể.

Bài báo cáo buộc, ông Trump xem xét nghiệm “là cỗ máy làm cho ông ta trông tồi tệ bằng cách tăng số lượng các ca đã biết.”

Tổng thống cũng trút giận vào Kushner về xét nghiệm trong suốt thời gian chuẩn bị tranh luận. “Tôi sẽ thua,” ông Trump nói. “Và đó sẽ là lỗi của anh, vì xét nghiệm.”

Trong tuyên bố gởi cho New York Times, một phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc cho rằng, trao đổi với Kushner như bài báo mô tả “chưa từng xảy ra.”

“Tổng thống Trump đã dẫn đầu việc huy động khu vực công và khu vực tư lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến II để đánh bại COVID 19 và cứu mạng sống,” phát ngôn nhân Brian Morgenstern ghi trong tuyên bố.

Hương Giang (Theo Business Insider)

Đầu trang

03/01/2021 - voatiengviet.com

Bác sĩ Fauci bác bỏ tuyên bố của Trump về số ca tử vong vì COVID-19

Ông Fauci trong một cuộc họp với Tổng thống Trump.

Hai quan chức y tế hàng đầu của Mỹ hôm 3/1 bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Trump rằng dữ liệu của chính quyền liên bang về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã bị thổi phồng, theo Reuters, và cả hai cũng bày tỏ lạc quan rằng việc tiêm vaccine ngừa virus này đang tăng tốc.

“Số ca tử vong là con số người chết thật”, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện các Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia, nói trên chương trình “This Week” của kênh ABC.

Bác sĩ này nói thêm rằng các bệnh viện chật cứng bệnh nhân và nhân viên y tế đang căng sức làm việc “không phải giả mạo” mà “đó là sự thật”.

Ông Fauci và Tổng y sĩ Hoa Kỳ Jerome Adams, vốn xuất hiện trên chương trình “State of the Union” của CNN, bảo vệ tính chính xác của dữ liệu về COVID-19 mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) công bố, sau khi ông Trump công kích cách thức thu thập dữ liệu của cơ quan này, theo Reuters.

“Con số ca nhiễm và tử vong vì virus Trung Quốc bị thổi phồng quá mức ở Mỹ vì phương thức xác định nực cười của @CDC so với các nước khác mà nhiều quốc gia báo cáo có chủ ý một cách thiếu chính xác và thấp”, ông Trump viết trên Twitter.

Hãng tin Reuters nhận định rằng ông Trump thường xuyên hạ giảm sự nghiêm trọng của đại dịch, và ông cũng thường phớt lờ các khuyến nghị của liên bang nhằm khống chế dịch bệnh.

Tới nay, hơn 20 triệu người Mỹ đã nhiễm COVID-19 và gần 347 nghìn người đã tử vong.

Cả ông Fauci và Adams cùng bày tỏ lạc quan rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang tăng tốc sau sự khởi đầu chậm chạp.

Hơn 4,2 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên trong hai liều vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 14/12, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20 triệu tới cuối năm 2020 mà chính quyền Trump đã đặt ra.

Đầu trang

06/01/2021 - voatiengviet.com

Trung Quốc bác tuyên bố của giới chức Mỹ rằng virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Một nhà hoạt động vì dân chủ cầm áp phích với hình của nhà báo Trung Quốc Zhang Zhan bên ngoài văn phòng liên lạc chính phủ trung ương tại Hong Kong, phàn đối án tù 4 năm dành cho cô vì tội tường trình virus corona bùng phát lúc đầu tại Vũ Hán.

Trung Quốc ngày 4/1 phản pháo phát biểu của ông Matthew Pottinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, rằng virus corona chủng mới rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh nói đây là một điều bịa đặt.

“Ông Pottinger, giới chức cao cấp của chính phủ Mỹ, cứ lặp lại sự bịa đặt và bôi nhọ từng đưa ra trước đây. Tôi rất hy vọng phía Mỹ sẽ xác minh rõ ràng liệu đây là quan điểm cá nhân của ông Pottinger hay quan điểm chính thức của Mỹ,” truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo đầu tuần này.

Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra sau khi báo chí ở Mỹ, Úc và Anh mà thoạt đầu là tờ Daily Mail dẫn lời ông Pottinger, tại một cuộc họp trực tuyến hồi tuần trước với các nghị sĩ Quốc hội Anh bàn về Trung Quốc, tuyên bố giả thuyết ‘đáng tin cậy nhất’ về nguồn gốc của virus corona là virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng để nói rằng một vụ rò rỉ hay một tai nạn từ phòng thí nghiệm là một điều khả dĩ rất đáng tin,” ông Pottinger nói và nhấn mạnh rằng ngay cả các giới chức tại Trung Quốc cũng đã công khai bác bỏ giả thuyết rằng virus corona khởi phát từ một ngôi chợ bán thịt sống ở Vũ Hán.

Ông Pottinger nói tin tình báo mới nhất cho thấy virus rò rỉ từ một Viện Virus học Vũ Hán tối mật, cách ngôi chợ này 11 dặm.

Theo tờ New York Post hồi tháng 4, ông Pottinger là người đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ tìm thêm những bằng chứng đã có.

Ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh tham dự cuộc họp trực tuyến vừa kể, nói bình luận của ông Pottinger đại diện cho lập trường cứng rắn của Mỹ về giả thuyết cho rằng virus xuất phát từ một vụ rò rỉ tại phòng thí nghiệm.

“Tôi được cho biết là hiện một cựu khoa học gia từ phòng thí nghiệm của Vũ Hán đang có mặt tại Mỹ,” ông nói.

“Tôi tin rằng việc này đưa đến chuyện họ có lập trường cứng rắn về việc bùng phát dịch khởi đầu như thế nào.”

Ông nói thêm là việc Bắc Kinh từ chối cho phép các nhà báo đi thăm phòng thí nghiệm chỉ làm tăng thêm những nghi ngờ là phòng thí nghiệm ấy là ‘điểm xuất phát’ của đại dịch.

Ông Sam Armstrong, giám đốc thông tin liên lạc tại cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại mang tên Sáng Hội Henry Jackson, nói “Với phát biểu của một giới chức tình báo cao cấp đáng kính hỗ trợ tuyên bố này, thì đã đến lúc chính phủ Anh nên tìm câu trả lời cả về nguồn gốc COVID-19 và sự bồi thường.”

Ông Pottinger là người thông thạo tiếng Quan Thoại. Trước đây ông từng làm ký giả cho Reuters và Wall Street Journal, trong đó có 7 năm làm phóng viên chuyên phụ trách về Trung Quốc.

Vào năm 2005, ông phục vụ trong binh chủng thủy quân lục chiến Mỹ và là một sĩ quan tình báo quân đội trước khi được mời gia nhập Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vào năm 2017, trở thành giám đốc phụ trách về Châu Á trong Hội đồng trước khi đảm nhận chức vụ hiện nay.

Anh trai của ông, ông Paul Pottinger, là một nhà virus học tại Đại học Washington.

(Nguồn Global Times, Daily Mail, Fox News, New York Post, The Times)

Đầu trang

23/11/2020 - Thanh Hà - rfi.fr

Donald Trump và chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến"

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc mít tinh vận động tranh cử ngày 24/09/2020 ở Jacksonville (Florida - Hoa Kỳ). REUTERS - TOM BRENNER

Dập tắt ngọn hải đăng dân chủ của Hoa Kỳ, cản đường người kế nhiệm trên mọi hồ sơ lớn, từ chính sách đối ngoại đến môi trường, để mặc cho đại dịch và khủng hoảng kinh tế tàn phá Hoa Kỳ. Giới quan sát quốc tế cho rằng Donald Trump đang tiến hành chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến" để đến ngày ông ra đi, nước Mỹ sẽ chỉ còn là một "bãi chiến trường".

Tổng thống Trump không còn điều hành đất nước từ ba tuần qua mà chỉ tập trung vào việc cáo buộc rằng bầu cử ngày 03/11/2020 bị gian lận, cho dù ông và dàn luật sư vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Việc ứng viên đảng Dân Chủ Biden hơn Trump đến hơn 6 triệu lá phiếu phổ thông, theo dự phóng của Cơ quan Census Bureau và USA Election Project, vẫn chưa đủ sức thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng nhìn nhận thất bại.

Tệ hơn cả là thái độ của tổng thống Mỹ thứ 45 càng lúc càng biến Hoa Kỳ thành "trò cười cho thiên hạ", như ghi nhận của Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington.

Từ đầu tháng 11 tới nay, chính quyền trong thế như "rắn không đầu". Lịch làm việc của nguyên thủ Mỹ gần như là một tờ giấy trắng, ngoại trừ cuộc họp trực tuyến ngắn ngủi với các lãnh đạo nhóm G20 trước khi Donald Trump và đoàn tùy tùng hối hả đi đánh golf giải trí.

Về đối nội, trước ngày ra đi, chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng cho phép khai thác dầu khí tại một khu vực cần được bảo tồn ở bang Alaska. Đối với nhiều nhà phân tích, đây là biện pháp nhằm cản trở chính quyền Joe Biden quay trở lại với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Qua cử chỉ này, chính quyền Trump muốn chứng tỏ họ bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất dầu khí Mỹ.

Nhưng cùng lúc, ngày 20/11/2020, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin đơn phương yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương ngừng hỗ trợ kế hoạch khắc phục hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 gây nên. Hành động này, theo thông tín viên báo Le Monde từ Washington, không hơn không kém là cách để ông Trump "khóa tay" Biden, để cho người kế nhiệm lên cầm quyền trong những "điều kiện tệ hại nhất".

Về đối ngoại, lâu nay ai cũng xem Hoa Kỳ là một thành trì dân chủ trên thế giới. Washington đã biết bao lần can thiệp để các nhà lãnh đạo tôn trọng lá phiếu cử tri, để các cuộc chuyển giao quyền lực được diễn ra êm thắm. Trong vài tuần lễ, việc tổng thống Mỹ cương quyết không thừa nhận thất bại, đồng thời liên tục cáo buộc gian lận bầu cử nhằm bôi nhọ đối thủ Biden, dù không có bằng chứng, như đã "vỗ vào mặt" những giá trị tự do và dân chủ.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một chính trị gia đối lập Tchad mỉa mai cho rằng, nhờ có Donald Trump, từ nay trở đi có lẽ không ít các nhà độc tài châu Phi sẽ càng tin chắc rằng các "cuộc bầu cử phải được tổ chức sao cho trong mọi điều kiện họ đều không bị thua". Vô địch cờ vua của Nga và cũng là một tiếng nói đối lập có uy tín tại Matxcơva Gary Kasparov, qua Twitter, khẳng định nhờ có Trump, nền dân chủ của Mỹ bị mất uy tín và đó là "mong ước của Vladimir Putin".

Thomas Carothers, thuộc Quỹ Carnegie đấu tranh vì hòa bình quốc tế, trụ sở tại Washington, thận trọng hơn khi cho rằng thực ra các nhà lãnh đạo cai trị đất nước với một bàn tay sắt như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Vladimir Putin tại Nga, hay tướng Al Sissi ở Ai Cập và kể cả những phù thủy non tay như Victor Orban tại Hungary đã không đợi ông Trump chỉ đường dẫn lối để bám trụ quyền lực.

Nhưng trò hề trên sân khấu chính trị Mỹ cho thấy là ngay cả một nền dân chủ lâu đời và chặt chẽ, một xã hội với dân trí cao, cũng có thể trở thành "nạn nhân của những trò lừa đảo".

Vẫn theo chuyên gia này, cụm từ "Fake News" là công cụ để Trump khóa miệng báo chí và đã được các chính quyền trên thế giới khai thác cũng với mục đích này. Trump đã là "tấm gương" để nội các của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sách nhiễu xã hội dân sự, để chính quyền của tổng thống Mêhicô Andrez Manuel Lopez Obrado tố cáo gian lận mỗi khi bị lá phiếu cử tri trừng phạt.

Cũng ông Trump từ năm 2016 đã cáo buộc đối thủ là thượng nghị sĩ Ted Cruz bang Texas "gian lận", khi ông bị thua Cruz trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này. Cùng năm đó, một khi đã chính thức đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống, Donald Trump từng tuyên bố Hillary Clinton "chỉ có thể thắng nếu gian lận lá phiếu cử tri". Bốn năm sau, khi thất bại, cũng Trump dùng lại lá bài này, nhưng là để nhắm vào Joe Biden.

Có điều, việc làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế, hay đe dọa nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ và kể cả việc chia rẽ người dân Mỹ, dường như không mảy may khiến ông trùm địa ốc New York nao núng, như kết luận của thông tín viên báo Le Monde, Gilles Paris.

Bởi lẽ những thành phần trung thành với Trump vẫn tin rằng đó mới là sự thực. Vẫn tác giả bài viết tiếc rằng những nhà lập quốc của nước Mỹ cách nay đã hơn 200 năm không thể ngờ rằng di sản của họ đã bị một nhà chính trị tay mơ làm chao đảo.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

January 10, 2021 - baocalitoday.com

Giám đốc CDC: Vụ tấn công Điện Capitol sẽ gây ra ‘hậu quả sức khỏe cộng đồng’

Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) sắp mãn nhiệm dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết hôm thứ Sáu rằng cuộc bạo loạn tại Điện Capitol Hoa Kỳ có thể sẽ là một “sự kiện tăng đột biến” COVID-19 có thể gây ra hậu quả trên toàn quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với McClatchy , Redfield cho biết vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng là một “ngày rất, rất buồn” đối với đất nước, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các thành viên Quốc hội và các viên chức thực thi pháp luật có thể đã bị nhiễm virus coronavirus. Sau khi đám đông ủng hộ Trump đột nhập tòa nhà, họ đi lang thang trên các hành lang và không gian bên trong khu phức hợp, lục soát các văn phòng và để lại rác khắp tòa nhà.

“Tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện đột biến khác,” ông nói.

Redfield lưu ý rằng sau cuộc bạo động, “tất cả những người này đều đi ô tô, tàu hỏa và máy bay về nhà trên khắp đất nước.”

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện có thể sẽ dẫn đến một sự kiện siêu lây lan ” Redfield nói. “Đây là một sự kiện sẽ gây ra hậu quả sức khỏe cộng đồng.”

Khi hậu quả của các cuộc bạo động vẫn còn trong tâm trí của hầu hết người Mỹ, đại dịch COVID-19, đã tàn phá đất nước vào năm 2020, đang đạt đến một số mức cao nhất có sức tàn phá lớn nhất.

Vào ngày 07 tháng 1, Mỹ ghi lại nhiều hơn 4.000 COVID-19 trường hợp tử vong, con số hàng ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu của đại dịch, và Redfield bày tỏ rằng những con số có thể sẽ chỉ tăng, mặc dù việc triển khai vắc xin trên toàn quốc.

Ông nói: “Chúng tôi chưa đạt đến đỉnh của sự gia tăng hiện tại. “Rõ ràng, số lượng tử vong mà chúng ta đang thấy, như nhiều người trong chúng ta đang cố gắng căng thẳng, nhiều hơn những gì chúng ta đã thấy ở Trân Châu Cảng hoặc 11/9, lặp đi lặp lại. Đó là tình trạng của đại dịch”

Redfield nói rằng nguyên nhân lớn nhất của sự lây lan COVID vào lúc này là do những người dân tụ tập với nhau trong nhà, đặc biệt là trong dịp lễ Giáng sinh và đêm Giao thừa.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​tỷ lệ tử vong trong khoảng 2.500-5.000 mỗi ngày. “Điều này sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn cho đến hết tháng Giêng, và có thể là một phần của tháng Hai trước khi chúng ta thực sự bắt đầu bước vào ngõ ngách.”

Theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins, kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Mỹ vào năm ngoái, gần 22 triệu người đã bị nhiễm bệnh và hơn 369.000 người đã chết .

TH

Đầu trang

15/01/2021 - Minh Anh - rfi.fr

Kinh tế Trung Quốc « đại thắng » nhờ Covid-19

Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015 minh họa cho hiện tượng xuất khẩu TQ vững mạnh nhờ Covid-19. © REUTERS/Stringer

Dịch bệnh Covid-19 có xu hướng quay trở lại tại Trung Quốc. Số ca nhiễm mới thường nhật tiếp tục tăng, 144 người theo số liệu mới nhất. Lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại vào dịp Tết, chính quyền Bắc Kinh ngày 15/01/2021 khuyến nghị các lao động di dân không nên về nhà ăn Tết.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 không là cản lực, kềm hãm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như nhiều nước lớn khác. Thống kê số liệu hải quan công bố ngày 14/01/2021 cho thấy, bất chấp các biện pháp áp thuế của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Donald Trump, xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt nhờ đại dịch Covid-19.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Kinh tế Trung Quốc là bên thắng lớn trong cuộc khủng hoảng dịch tễ. Đầu tiên, các dây chuyển lắp ráp đã hoạt động lại vào mùa xuân 2020. Đầu tháng Tư, Trung Quốc lại trở thành "công xưởng của thế giới". Các nhà máy của Trung Quốc đưa xe ca đến đón công nhân bị kẹt lại ở các tỉnh do dịch virus, vào lúc mà dịch bệnh viêm phổi ngăn cản việc di dời nhà xưởng sang các nước Đông Nam và Nam Á, có giá nhân công rẻ hơn.

Vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu cũng được mở rộng hơn, thể hiện qua những con số thống kê do hải quan Trung Quốc cung cấp ngày thứ Năm 14/01/2021. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các nước, như "Hãy ở trong nhà", giãn cách xã hội, "hãy tự bảo vệ mình" đã giúp cho xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt. Xuất khẩu khẩu trang, thiết bị phòng hộ y tế đã tăng 31% trong vòng một năm, các sản phẩm điện tử phục vụ người tiêu dùng bị phong tỏa trên toàn thế giới cũng tăng. Kết quả là thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 62 tỷ euro trong tháng 11/2020.

Kinh tế Trung Quốc đại thắng trên mọi lĩnh vực, bất chấp hàng rào thuế quan của Donald Trump. Hơn bao giờ hết, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện giờ vẫn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. »

Đầu trang