Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

Đông Âu và di sản (1)

Đọc báo mạng

26/05/2021 - 15:03 - rfi

Belarus : Chế độ Alexandre Loukachenko truy cùng diệt tận đối lập lưu vong

Biểu tình trước sứ quán Belarus tại Vacxava, Ba Lan ngày 25/05/2021 phản đối chính quyền Loukachenko vụ chặn máy bay bắt nhà báo đối lập Roman Protassevitch. AP - Czarek Sokolowski

Từ khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8/2020, chế độ của Alexandre Loukachenko, vấp phải làn sóng phảng kháng chưa từng có, đã thẳng tay trấn áp, làm hàng trăm nhân vật đối lập hoặc bị ngồi tù hoặc phải chạy ra nước ngoài lưu vong. Vụ bắt giữ nhà báo đối lập lưu vong Roman Protassevitch bằng cách chặn máy bay trên không phận Belarus hôm Chủ nhật, cho thấy chính quyền Minsk quyết truy cùng diệt tận phong trào phản kháng chống chế độ.

Ngày 09/ 08/2020, Alexandre Loukachenko tái đắc cử tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 với hơn 80% phiếu bầu. Chiến thắng lần này của nhà lãnh đạo chuyên quyền ngay lập tức đã làm bùng lên một làn sóng phản kháng chưa từng có ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ. Như vẫn thường thấy, chính quyền ra tay trấn áp. Sau nhiều tháng, phong trào phản kháng trong nước dường như đã bị dẹp yên.

Báo chí quốc tế cũng không còn nhắc đến Belarus nhiều cho đến ngày 23/05 vừa rồi, khi Alexandre Loukachenko ra lệnh chặn ép hạ cánh chiếc máy bay của hàng hàng không Ryanair đang trên đường bay từ Athens đến Vilnius khi qua không phận Belarus. Mục đích chỉ để bắt nhà đối lập Roman Protassevitch, hai năm nay sống lưu vong ở Ba Lan và Litva. Hành động bất chấp luật pháp quốc tế chưa từng có này cho thấy chính quyền Loukachenko đã tuyên chiến với cả đối lập ở bên ngoài đất nước.

Trở lại cuộc bầu cử tổng thống năm trước, từ tháng 08/2020, trong vòng nhiều tháng, hàng trăm nghìn người dân trên khắp đất nước Belarus xuống đường biểu tình tố cáo gian lận trong kỳ bầu cử tổng thống.

Nhìn vào làn sóng người trên đường phố phản đối kết quả bầu cử, không ai có thể tin ứng cử viên đối lập bà Svetlana Tikhanovskaia chỉ thu được 9,9% phiếu bầu. Để nhanh chóng dập tắt các cuộc biểu tình, chế độ Loukachenko chọn cách mạnh tay trấn áp ồ ạt.

Theo Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH), từ tháng 05/2020, đã có hơn 30 nghìn người biểu tình ôn hòa bị chế độ bắt giam. Hơn 400 người đã bị kết án vì tội « gây rối » hay dùng « bạo lực » chống cảnh sát. Ngoài ra hàng trăm người khác vẫn còn chờ đưa ra xét xử.

Ngày 17 tháng 9, giữa lúc phong trào chống chính quyền lên cao, lãnh đạo Belarus ra lệnh đóng cửa biên giới với Ba Lan và Litva cho đến thời điểm đó vẫn để lỏng kiểm soát do có thỏa thuận với các nước láng giềng. Minsk tố cáo các nước này ủng hộ đối lập chống chính quyền Belarus.

Ông Oleg Kozlovski, chuyên gia về Đông Âu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nhận định : « Alexandre Loukachenko đã thống trị đất nước Belarus 26 năm bằng bàn tay sắt và các nhà hoạt động phải bỏ nước ra đi. Xu hướng trấn áp mạnh càng tăng mạnh cùng với phong trào phản kháng chưa từng có và đến một lúc, chính quyền nhận ra rằng họ đã đánh giá quá thấp ảnh hưởng và quy mô tổ chức của đối lập lưu vong.»

Trong số các gương mặt biểu tượng được chế độ đánh giá là nguy hiểm có Svetlana Tikhanoskaia, cựu ứng viên tổng thống. Ngoài ra còn có các chính trị gia có ảnh hưởng, như giải Nobel Văn học Svetlana Alexeivitch, cựu bộ trưởng Văn Hóa Pavel Latushko hay luật sư, nữ chính trị gia Olga Kovalkova. Những nhân vật này đều đã lần lượt bằng cách này hay cách khác rời khỏi Belarus, sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 09/08/2020, đi tị nạn chính trị, chủ yếu ở các nước láng giềng Litva, Ba Lan hay Ukraina.

Theo ông Oleg Kozlovski, vụ bắt giữ Roman Protassevitch là một một động thái rõ rệt đe dọa tất cả những nhà đấu tranh : « Roman Protassevitch là cựu tổng biên tập cơ quan truyền thông Nexta, từng điều phối các cuộc biểu tình, chỉ dẫn các điểm tập hợp hay hướng dẫn người biểu tình cách hành xử để tránh xô xát với cảnh sát. Cơ quan truyền thông này còn chia sẻ thông tin về những nhân vật vi phạm nhân quyền và thế là Roman Protassevitch trở thành cái gai trong mắt tổng thống và việc chọn bắt anh không hề ngẫu nhiên. Anh là hiện thân của phe đối lập đã thoát khỏi tầm kiểm soát của chính phủ nhưng vẫn còn rất nguy hiểm. Thông điệp đưa ra là rõ ràng là dù ở đâu anh cũng không được an toàn. »

Thay đổi sách lược cưỡng chế lưu vong

Cho dù chế độ Belarus chưa bao giờ nương nhẹ với đối lập, việc bắt giữ giới đấu tranh lưu vong đánh dấu sự thay đổi sách lược của Alexandre Loukachenko.

Cho đến giờ ngoài các vụ bắt giữ hàng loạt, chế độ Belarus vẫn theo thói quen loại bỏ các nhân vật gây phiền phức cho chế độ bằng cách tìm cách đẩy họ ra khỏi đất nước.

Đối thủ cạnh tranh của Alexandre Loukachenko trong cuộc bầu cử tổng thống đã phải trả giá cho chính sách này. Ngay sau cuộc bầu cử bà Svetlana Tikhanovskaia đã phải chạy sang sống tại Vilnius, Litva, vì tính mạng bị đe dọa, trong khi mà chồng bà, blogger hoạt động chính trị Serguei Tikhanovski vẫn đang phải ngồi tù tại Belarus.

Một vụ việc khác liên quan đến đàn áp đối lập gây náo động dư luận. Nhà hoạt động đối lập Maria Kolesnikova bị nhiều người bịt mặt bắt cóc tại Minsk rồi đưa thẳng đến biên giới với Ukraina. Nhưng bà đã xé hộ chiếu để những kẻ bắt cóc không trục xuất bà ra khỏi nước. Kết quả, bà đã phải ngồi tù. Hai cộng sự đi cùng bà chấp nhận sang Ukraina.

Ông Oleg Kozlovski cho biết, dù là trái pháp luật, nhưng việc cưỡng chế trục xuất là cách làm không có gì mới ở Belarus. Trong những năm 2000 đã xảy ra nhiều vụ kiểu như vậy ở đất nước này. Nhiều nhân vật chỉ trích chính phủ đã bị giải đến biên giới, họ phải lựa chọn hoặc ra khỏi nước lưu vong, hoặc ở lại thì ngồi tù.

« Trong một thời gian dài, chế độ Minsk vẫn tin chỉ cần đuổi những nhà đối lập gây phiền toái ra khỏi nước là có thể dập tắt được các tiếng nói chỉ trích chế độ, nhưng qua làn sóng biểu tình phản kháng chưa từng có vừa rồi, chính quyền đã thay đổi quan điểm. Vụ bắt giữa Roman Protassevitch là một lời tuyên chiến đối với các đối lập được cho là hoạt động quá tích cực» dù họ ở bên ngoài nước.

Đầu trang

25/05/2021 - rfi

Châu Âu trừng phạt Belarus vì tiến hành không tặc cấp Nhà nước

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 25/05/2021. AP - John Thys

Phẫn nộ trước việc Minsk buộc một phi cơ Ryanair hạ cánh để bắt một nhà báo đối lập, tối qua 24/05/2021, cả 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt mạnh mẽ và cô lập Belarus về hàng không.

Thông tín viên Joana Hostein ở Bruxelles cho biết, sau hai tiếng đồng hồ thảo luận, châu Âu đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt mới:

« Châu Âu lên án việc buộc đổi hướng chiếc máy bay của Ryanair và bắt giam nhà báo Roman Protassevitch cùng với bạn gái ông, đòi hỏi phải lập tức trả tự do cho họ. Hai mươi bảy quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu còn yêu cầu tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế làm sáng tỏ sự kiện được coi là « chưa từng có và không thể chấp nhận được ».

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới, nhắm vào những người có trách nhiệm trong việc làm đổi hướng chuyến bay, và những định chế tài trợ cho chế độ Belarus. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khi đến Bruxelles đã nói rõ như trên.

Bên cạnh đó, 27 nước còn thông qua nguyên tắc trừng phạt kinh tế - một hành động mạnh mẽ vốn không dự kiến lúc ban đầu. Liên Hiệp Châu Âu cũng đòi hỏi tất cả các hãng hàng không châu Âu tránh không phận Belarus. Theo Eurocontrol, mỗi tuần có gần 2.000 chuyến bay thương mại bay qua lãnh thổ Belarus. Và biện pháp cuối cùng được loan báo, là châu Âu sẽ đóng cửa không phận của mình đối với các phi cơ Belarus. »

Không đợi đến khi được khuyến cáo, một số hãng hàng không các nước như Air France-KLM, AirBaltic đã ngưng các chuyến bay qua không phận Belarus. Do Minsk là nút giao thông hàng không quan trọng trong nội địa châu Âu cũng như giữa Âu và Á, nên việc cô lập Belarus làm mất thêm thời gian cho chuyến bay và tốn kém cho các hãng hàng không.

Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden hôm qua lên án Belarus, kêu gọi mở điều tra quốc tế và hoan nghênh quyết định trừng phạt của châu Âu. Ông cũng cho biết đã yêu cầu các cố vấn đề xuất các phương án trừng phạt.

Nexta, cơ quan truyền thông nơi Protassevitch làm việc trước khi lập blog riêng rất thành công, đăng bài phỏng vấn người mẹ của nhà báo. Bà nói rằng khi nghe tin « cảnh báo có bom », bà hiểu ngay đây là một vụ dàn dựng, khẳng định con trai bà là một « người hùng » và đặt hy vọng vào sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Belarus nói rằng đã hành động vì lời cảnh báo từ phong trào Hamas là trên máy bay có đặt bom, nhưng phát ngôn viên của Hamas, Fawzi Barhoum, bác bỏ mọi sự dính líu. Theo báo chí nhà nước, đích thân tổng thống Alexandra Loukachenko đã ra lệnh buộc hạ cánh, còn tổng giám đốc Ryanair, Michael O’Leary cho rằng có các nhân viên an ninh Belarus trên chiếc phi cơ.

Từ sau cuộc bầu cử tổng thống bị tố cáo gian lận, chính quyền Belarus đã bắt giam hàng ngàn nhà ly khai. Những khuôn mặt đối lập chính hoặc đang lưu vong, hoặc đã vào tù.

Đầu trang

12/05/2021 - rfi

Chính quyền Hungary dốc toàn lực để dân tin vac-xin Nga - Trung tốt nhất thế giới

(Ảnh minh họa) – Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiêm ngừa Covid-19 với vac-xin Trung Quốc Sinopharm, ngày 28/02/2021. AP

Dịch Covid-19 tại Hungary đang ở giai đoạn thuyên giảm nhưng nước Hung vẫn ghi nhận hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, khiến quốc gia có chưa đầy 10 triệu dân này vẫn thuộc hàng những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới tính theo dân số. Có những bệnh viện mà tới 80% bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt không qua khỏi, có lúc 95% số ca trợ thở tử vong ở một số cơ sở y tế.

Trong bối cảnh đó, việc từ lâu nay, chính phủ Hungary quảng bá rất nhiệt tình cho các loại vac-xin của Nga và Trung Quốc - mà họ gọi là “vac-xin Phương Đông” - trong khi các loại thuốc chích ngừa này chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt, là điều rất đáng để tâm. Nhất là khi họ công bố thẳng thừng rằng “vac-xin Phương Đông” tốt hơn các sản phẩm của phương Tây.

Chiến dịch vận động người dân sử dụng vac-xin Nga và Trung Quốc nằm trong tổng thể chính sách ngoại giao “Hướng Đông” từ hơn 10 năm nay của Budapest, chủ trương kết thân với Matxcơva, Bắc Kinh và các quốc gia cộng sản cũ thuộc Liên Xô, đi kèm sự đối đầu với Bruxelles và Liên Âu trong một số hồ sơ quan trọng. Đường lối này của Hungary, mới đây, đã làm dấy nên mối quan ngại cả từ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Chính quyền Hungary quảng bá sử dụng vac-xin “ngoài luồng” thế nào?

Theo dõi những diễn biến từ đầu mùa dịch, tháng 3/2020, thì có thể thấy, sự hợp tác với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của Hungary, theo lời bộ trưởng Ngoại Giao Và Kinh Tế Đối Ngoại, Szijjártó Péter, người được giao nhiệm vụ phụ trách giao thương y tế với Nga và Trung Quốc theo đường lối ngoại giao “Hướng Đông” từ đầu mùa xuân năm 2020 tới nay.

Ông Szijjártó Péter là người, từ năm 2020, đích thân điều hành cái gọi là “cầu hàng không Hung -Trung” với gần 200 chuyến bay từ Trung Quốc, chở hơn 100 triệu khẩu trang, chừng 17 ngàn máy trợ thở và nhiều triệu bộ quần áo bảo hộ, đa phần được mua với giá “trên trời”, gấp nhiều lần giá thị trường và chủ yếu vẫn “nằm đắp chiếu” trong kho vì nhu cầu trong thực tế của Hungary chỉ bằng một phần nhỏ ngần ấy hàng.

Trên tinh thần ấy, Hungary có quan hệ mật thiết với cả 3 hãng sản xuất vac-xin Trung Quốc ngay từ khi nước này tham gia dự án chích ngừa chung của Liên Âu, mà về sau chính phủ nước này liên tục chỉ trích Ủy Ban Châu Âu - cơ quan điều phối hoạt động mua vac-xin chung của Liên Hiệp - là cung cấp vac-xin đến các nước thành viên chậm trễ và số lượng hạn chế, không quan tâm đến tính mạng người dân ...

Trung tuần tháng 1/2021, lần đầu tiên Budapest khẳng định một thỏa thuận đã được ký kết với công ty Sinopharm của Trung Quốc, và số liều được đặt lên tới 5 triệu. Đồng thời, Hungary cũng quan hệ với Nga để nhập Sputnik V, và luôn tự hào nước này là thành viên đầu tiên của Liên Âu có vac-xin Nga. Chính quyền Nga cũng tận dụng điều này để quảng cáo rằng vac-xin Nga đã lọt vào Liên Âu qua đường Hungary.

Điểm đáng lưu ý là vào thời điểm đó, cả 2 loại vac-xin này phải nhận rất nhiều chỉ trích vì các dữ liệu không minh bạch, thiếu sót và giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên diện rộng hoặc bị bỏ qua, hoặc bị “hoãn” để đưa vac-xin vào sử dụng trước đã (cho tới giờ Sinopharm vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm này). Sự đảm bảo về mặt an toàn và hiệu quả tương tự như của “vac-xin Phương Tây” như vậy đã không có.

Giữa chừng, chính quyền Hung đã bỏ qua mọi thử nghiệm về mặt y tế và dược phẩm để đưa vac-xin Nga và Trung Quốc vào sử dụng khẩn cấp, dựa trên các sắc lệnh hành pháp và sức ép chính trị đơn thuần. Các hiệp hội bác sĩ, giới khoa học và công luận Hungary lên tiếng phản đối, vì vai trò của các cơ quan quản lý và kiểm tra dược phẩm nước này đã hoàn toàn chỉ còn mang tính hình thức trong quá trình cấp phép.

“Châu Âu xếp hàng để đặt mua vac-xin Trung Quốc!”, “có vài triệu vac-xin Tầu có thể cung cấp cho mọi người, chỉ cần giấy tờ cho phép nữa mà thôi”, “tiêm chủng ít có rủi ro hơn là cứ chờ đợi “quy chuẩn” để rồi hàng ngày có hàng trăm người thiệt mạng”... là những phát biểu đầy tính ép buộc của giới lãnh đạo thượng đỉnh Hungary, khiến Sinopharm rốt cục được nhập rất nhiều với giá cao gấp nhiều lần vac-xin Phương Tây.

Người dân Hungary tiếp nhận thế nào các loại “vac-xin Phương Đông” này?

Cần nói thêm là bộ máy tuyên truyền của chính quyền Hungary cũng làm việc hết tốc lực để khiến người dân tin tưởng vào vac-xin Nga và Trung Quốc. Thoạt tiên, họ tạo dựng ra một hình ảnh Châu Âu bất lực trong dự án vac-xin, nên khi thấy Hungary có vac-xin Trung Quốc thì “điện thoại không ngớt đến cháy máy” tại bộ Ngoại Giao Hung, các chính khách Châu Âu gọi tới hỏi “vac-xin Tầu à?”, “sao chúng tôi không được biết”...

Sau đó, họ lặp đi lặp lại câu nói “vac-xin gì ở Hung cũng tốt, và tốt hơn là để bị nhiễm bệnh”, giới lãnh đạo tuyên bố cứ đến lượt là tiêm chứ không lựa chọn, v.v... Trong “bộ tứ” cao cấp nhất của Hungary, thì 3 người tiêm vac-xin Trung Quốc, 1 người chích vac-xin của Nga, và đều đưa lên báo chí, mạng xã hội để quảng bá với dân. Dần dần, từ rất ít tin vào 2 loại vac-xin này, tới đầu tháng 3/2021 tỷ lệ tin cậy của người dân đã xấp xỉ 50%!

Động thái bất ngờ và “thô thiển” nhất của chính quyền Hungary là sau khi lặp đi lặp lại điệp khúc “Sinopharm tốt hơn Pfizer, nhưng Spunik V mới là nhất”, họ phát tán khắp nơi một “thống kê” bị giới khoa học cho là vô cơ sở, vô nghĩa và chỉ phục vụ mưu đồ chính trị. Thống kê đó được chính phủ bình luận là “sau khi tiêm Pfizer có nhiều người bị nhiễm Covid-19 hơn và số ca tử vong cao gấp đôi so với sau khi tiêm Sinopharm”.

Dầu vậy, trong số 6 loại vac-xin mà Hungary đang sử dụng, người dân vẫn đặt niềm tin cao nhất vào loại “đầu bảng” là Pfizer, và ngoại trừ Sinopharm của Trung Quốc còn đọng rất nhiều dù chính quyền đã tìm mọi cách khuyến dụ dân đi chích ngừa, các loại khác nhìn chung nhập được bao nhiêu thì cũng dùng ngay gần như hết bấy nhiêu. Nhiều cư dân khi đến lượt tiêm, vẫn cho hay họ đợi “vac-xin Phương Tây” cho yên tâm.

Sự ngần ngại của dân Hung với 2 loại vac-xin của Nga và Trung Quốc - bên cạnh mối quan ngại về tính an toàn và hiệu quả - còn có lý do khác : Họ sợ khi đã chích ngừa nhưng vẫn không được đi lại tự do ở Liên Âu trong dịp hè 2021. Bởi lẽ Nghị Viện Châu Âu đã thông qua đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, theo đó, việc chấp nhận hay không những ai chích ngừa các loại thuốc “ngoài luồng” hoàn toàn là thẩm quyến của từng nước thành viên.

Vì vậy, mặc dù thủ tướng Orbán Viktor cho rằng việc người tiêm vac-xin Trung Quốc không thể đi du lịch là “điên khùng” và khẳng định “tôi cũng tiêm vac-xin Tầu và tôi cũng sẽ đi”, nhưng ngành ngoại giao Hungary hiện đang phải đàm phán để ký kết thỏa thuận song phương với các nước để chấp nhập “thẻ tiêm chủng” của nhau, như họ đã làm với Serbia, Slovenia, Montenegro... Trong khi đó, người dân, nếu có thể, vẫn chọn “vac-xin phương Tây”.

Hơn thế nữa, người dân Hung đã quen với việc cần đặt nghi ngờ về sự tham nhũng tầm nhà nước trong các thương vụ mờ ám giữa Hungary và Nga hay Trung Quốc. Báo chí độc lập vạch ra ngay rằng 1 công ty, có khả năng là “sân sau” của chính phủ, đã nhận được 55 tỷ Forint để môi giới trong vụ nhập vac-xin Trung Quốc, với giá 63 euro/liều, vượt xa các loại thuốc chích ngừa khác, trong đó có “vac-xin thế hệ mới” trên cơ sở mRNA.

Sự liên kết giữa Hungary và “Phương Đông” trong hồ sơ vac-xin tác động ra sao tới nỗ lực quốc tế chống sự bành trướng của Trung Quốc ?

Trong hội nghị thượng đỉnh vào trung tuần tháng 3/2021 với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, Mỹ và các đồng minh châu Á đặt kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vac-xin kháng virus corona để làm đối trọng với sự “bành trướng” và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, trong cái gọi là “ngoại giao vac-xin”. Mỹ và Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay để giúp Ấn Độ có đủ năng lực sản xuất và xuất khẩu sang toàn bộ khu vực châu Á.

Thế giới không phải không biết đến nỗ lực phô diễn “sức mạnh mềm” của Trung Quốc và Nga trong hồ sơ vac-xin. Hungary, chủ trương không mang vấn đề chính trị vào vac-xin, vô tình hay cố ý đã “kiên quyết tuân thủ chính sách thân thiện với Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với Đông Âu, cũng như bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các mối quan hệ với Châu Âu”, theo khẳng định của Tập Cận Bình.

Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Orbán Viktor mà nội dung được Tân Hoa Xã loan tải, Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực vac-xin phòng dịch, và sẵn sàng đưa quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, “để người dân hai nước có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa” từ mối quan hệ này. Đây cũng là mong muốn của người đứng đầu nội các Hung.

Hợp tác trong vấn đề vac-xin giữa Hungary với 2 siêu cường Nga và Trung Quốc, đương nhiên nằm trong tổng thể gia tăng ảnh hưởng và can thiệp trong khu vực, mà Hungary hiện đang là “điểm nóng”, gây quan ngại cho Bruxelles và Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ gốc Hungary, ông Antony Blinken, khi nhắc đến sự sa sút của tự do báo chí và nhà nước pháp quyền tại Hungary, đã đặc biệt lưu tâm điều này với mạng tin Telex của Hung.

“Châu Âu chắc chắn là trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, nơi Matxcơva và Bắc Kinh đang tích cực chống lại sự hội nhập, trái ngược với mong muốn của những người muốn liên minh với bất kỳ ai họ muốn. Họ cố gắng làm suy yếu ý chí dân chủ và chủ quyền của nhiều nước Trung và Nam Âu bằng nhiều cách khác nhau”, ông Blinken nói, và nhắc đến việc Hungary từng bị hạn chế các quyền tự do và biểu đạt thời Liên Xô.

Trở lại “vac-xin Phương Đông”, chính quyền Hungary lập luận phải nhập thật nhanh và nhiều, bằng mọi giá, không tính đến đắt rẻ, để có thể tiêm chủng cho người dân và sớm tái khởi động đất nước. Hiện tại, nước này đã tiêm chủng được cho 43% cư dân, so với tỷ lệ trung bình 24% của Liên Âu, và một phần của thành công này là nhờ vac-xin của Nga và Trung Quốc, cho dù, còn nhiều nghi vấn được đặt ra với 2 loại này.

Budapest cho rằng mặc dù Hung bị nhiều chỉ trích từ Bruxelles, nhưng rồi các nước Liên Âu sẽ phải “theo gương” họ trong việc hợp tác vac-xin với Trung Quốc và Nga. Con đường riêng của nội các cánh hữu nước này từ nhiều năm nay luôn nằm trong tầm ngắm của các định chế Liên Âu và có thể sắp tới cũng vậy, khi thủ tướng Orbán Viktor đột ngột tuyên bố trên mạng xã hội Facebook rằng ông chuẩn bị công du Trung Quốc !

Đầu trang

08/05/2021 - rfi

Tự do báo chí ở Hungary: 500 tờ báo chung một biên tập

(Ảnh minh họa) - Thủ tướng Hungary Victor Orban trước Quốc Hội, ngày 30/03/2020, Budapest. AFP/Zoltan Mathe/Pool

Theo báo cáo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 20/04/2021, tình hình tự do báo chí ở Hungary tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020 : Hungary đứng thứ 92 trong số các quốc gia trên thế giới, tụt thêm 3 hạng so với 1 năm trước đó.

Đây là kết quả của một quá trình suy thoái liên tục kể từ khi liên minh cầm quyền cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor lên nắm quyền từ năm 2010, và trải qua 3 nhiệm kỳ với số ghế tuyệt đối hơn 2/3 trong Quốc Hội, tạo điều kiện để phe cầm quyền có thể làm bất cứ điều gì để “bê-tông hóa” quyền lực, kể cả việc liên tục tu chính Hiến pháp mới.

Báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có nội dung ra sao đối với Hungary ?

Trong tờ trình 2021, với thứ hạng 92 trên tổng số 180 quốc gia, Hungary đứng áp chót trong Liên Âu trên bình diện tự do báo chí: trong số các thành viên của Liên Âu, chỉ có Bulgari là có tình hình báo chí tồi tệ hơn, trong khi các quốc gia khác như Albania, Moldova hay Bắc Macedonia còn được coi là tự do hơn Hungary trong bản danh sách này.

Theo báo cáo nói trên, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, chính phủ cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor đã gia tăng thêm ảnh hưởng và áp lực đối với các phương tiện truyền thông tại Hungary. Khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, chính quyền Hung đã thông qua một số quy định nhằm đe dọa và có thể truy tố các nhà báo với lý do “tung tin giả”.

Trong hơn 1 năm qua, chính quyền Hungary luôn gây khó khăn trong việc truy cập và tìm hiểu những dữ liệu dịch bệnh mà công chúng quan tâm. (Cần nói thêm là các cơ quan truyền thông Hungary không hề có điều kiện tác nghiệp độc lập tại những cơ sở y tế trong nước, mà hoàn toàn chỉ có thể dựa vào thông tin hạn hẹp do chính phủ cung cấp).

Việc chính quyền Hungary cho sửa đổi đạo luật về quay các đoạn ghi hình bằng drone, theo đánh giá của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, sẽ thu hẹp phạm vi báo chí. Tính đa dạng của các phương tiện truyền thông cũng bị ảnh hưởng, với việc vô hiệu hóa hoạt động, hoặc có những can thiệp như trường hợp của đài phát thanh Klubrádió và báo mạng Index.

Từ nhiều năm nay, xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới về tình hình tự do báo chí ở Hungary không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Việc nước này trở thành một quốc gia thuộc hàng “có vấn đề” trên thế giới xét về khía cạnh truyền thông, được Hội Nhà Báo Hungary (MÚOSZ) cho rằng hoàn toàn là lỗi và trách nhiệm của chính phủ.

MÚOSZ gọi sự “xuống cấp” của tự do thông tin ở Hungary là “bi thảm”, và cho rằng việc phục hồi tự do báo chí là nhiệm vụ khẩn thiết và cấp bách của các định chế, cơ quan độc lập với chính quyền, có bổn phận bảo vệ Hiến pháp - như Cơ quan Quản lý Truyền thông, Thanh tra giám sát các quyền cơ bản trực thuộc Quốc Hội, hay Tòa Bảo Hiến.

Đặc biệt, bên cạnh việc những tiếng nói phản biện và độc lập bị dập tắt, MÚOSZ nhấn mạnh: chính phủ dùng chi phí quảng cáo từ ngân sách nhà nước để ủng hộ và “nuôi” những cơ quan ngôn luận ủng hộ “đường lối chính sách trung ương”, nhằm phục vụ các mục tiêu tuyên truyền thô bạo của phe cầm quyền, thâu tóm báo chí trong tay để điều khiển.

Ngược lại, đã từ lâu, chính phủ Hungary coi Phóng Viên Không Biên Giới là một tổ chức “dân sự giả mạo”, do tỷ phú gốc Hungary George Soros (Soros György) “giật dây và cung cấp tiền”, sở dĩ “chỉ trích Hungary và chính quyền nước này chống nhập cư bất hợp pháp”. Các vấn đề mà tổ chức có trụ sở ở Paris đặt ra đã không được Budapest hồi âm.

Chính quyền Hungary đã hạn chế quyền tự do báo chí trong nước như thế nào ?

Một cách ngắn gọn, Hungary đã tụt 68 hạng trong danh sách của Phóng Viên Không Biên Giới trong 11 năm qua, kể từ khi nội các Orbán Viktor lên nắm quyền. Những biện pháp bóp nghẹt tự do báo chí của Budapest thường xuyên được Liên Âu đặt vào tầm ngắm, và Ủy Ban Châu Âu đã phải liên tục lên tiếng cảnh cáo và phản đối trong hơn 1 thập niên qua.

Trước hết, giới ký giả bị hạn chế hoạt động bằng các biện pháp hành chính, các nhà báo giàu kinh nghiệm và chuyên môn dần dần bị sa thải, nhường chỗ cho các “cán bộ thông tin” trong bộ máy truyền thông thân chính quyền và bị mua chuộc. Một số tờ báo lớn - như “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) hay “Hồi âm Tuần” (Heti Válasz) - đã bị đóng cửa.

Một số đài phát thanh độc lập (như Civil Rádió hay Klubrádió) vì tước quyền thuê làn sóng và như thế, bị vô hiệu hóa hoạt động. Chính quyền “bất hợp tác” với báo chí độc lập: thủ tướng Orbán Viktor từ 11 năm nay không trả lời phỏng vấn truyền thông có góc nhìn chỉ trích chính phủ và hàng năm chỉ họp báo 1 lần, nhưng chủ yếu chỉ trả lời báo chí “thân hữu”.

Đây cũng là điều thường xuyên diễn ra tại các cuộc họp báo định kỳ hàng tuần của chính phủ, khi báo chí độc lập có rất ít cơ hội được đặt câu hỏi. Trong thời kỳ dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 chỉ họp trực tuyến viện cớ virus nguy hiểm, và khả năng chất vấn của truyền thông bị loại bỏ. Các bộ, ngành thường khước từ câu hỏi của báo chí.

Đặc biệt, thông tin thời Covid-19 bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi các biện pháp hạn chế được đưa ra trong tình trạng khẩn cấp - khi trường học, bệnh viện... bị đặt dưới sự quản lý ngặt nghèo của nhà nước như thời chiến, giới giáo viên, nhân viên y tế... chỉ được trả lời phỏng vấn nếu được phép của “cấp trên”, điều hầu như không bao giờ có trong thực tế.

Trong Quốc Hội và Văn phòng Nghị sĩ, giới báo chí chỉ có thể đặt câu hỏi cho các dân biểu trong 1 hành lang hẹp, cũng như 1 tiền sảnh và nếu đặt diện một cơ quan truyền thông nào đó dám “phạm luật” khi tác nghiệp, cả tờ báo sẽ bị cấm đoán. Sự hạn chế này đã được đưa lên Tòa án Hiến pháp, nhưng cơ quan bảo hiến này cũng không có sự hỗ trợ gì.

Còn lại cách duy nhất là đệ đơn yêu cầu cung cấp các dữ liệu quan trọng cho công chúng, nhưng chính phủ cũng tìm cách “làm khó” cho báo chí bằng cách vin vào dịch bệnh để gia hạn thời hạn tiếp cận thông tin từ 15 ngày lên 45 ngày, và thậm chí 90 ngày. Nhiều khi, các cơ quan truyền thông còn phải kiện lên tòa án để buộc chính quyền phải “nhả” thông tin.

Tuy nhiên, trong những trường hợp ấy, nếu có được tòa xử thắng thì cũng mất cả năm trời, và thông tin mất đi tính thời sự phục vụ kịp thời cộng đồng. Hội Nhà báo Hungary khẳng định, chính quyền Hung tìm cách ngăn chặn những nội dung phản biện tới độc giả, nhưng lại vận dụng mọi cách để gia tăng và phát tán các thông điệp chính trị riêng của mình.

Chính quyền Hungary đã thâu tóm truyền thông trong tay như thế nào ?

Vào đại lễ 15/03/2021 - vốn là dịp kỷ niệm cuộc cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-1849 của dân tộc Hungary, đồng thời cũng là Ngày Báo chí Tự do Hungary - mạng tin phản biện độc lập Telex đã có bài phân tích sâu và tỉ mỉ, kết luận rằng thủ tướng Orbán Viktor đã đạt được ảnh hưởng lớn tới báo chí Hung hơn bất cứ ai khác trong lịch sử nước này.

Khi bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2010, ông Orbán Viktor đề ra 4 lĩnh vực mà ông muốn thị phần nằm trong tay Hungary phải vượt mức 50%, trong đó có truyền thông. Tháng 2/2021, thủ tướng Hungary tuyên bố từ 34% năm 2010, hiện tại 55% báo chí Hung đã thuộc “sở hữu Hung”, nhưng ông còn muốn hơn nữa, có thể là 80-90% theo nhận định của báo giới.

Bởi lẽ, ông cho rằng truyền thông “là một phần của chủ quyền quốc gia”, nên “đa phần hệ thống truyền thông hoạt động ở Hung phải nằm trong tay quốc gia này”. Và, cái gọi là “sở hữu Hung” được vị thủ tương hiểu và thực hiện theo hướng báo chí phải vào tay các “nhóm lợi ích” thân và trung thành với chính phủ, bất kể họ có xuất xứ Hungary hay ngoại quốc.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Orbán Viktor kêu gọi các doanh nghiệp thân cận bỏ tiền đầu tư vào báo chí. Truyền thông trở thành một món hàng, và đa số quảng cáo từ ngân sách nhà nước được phân cho các sản phẩm truyền thông thân chính quyền. Mùa thu 2018, gần 500 ấn phẩm được quy tụ dưới Quỹ Báo chí và Truyền thông Trung Âu (KESMA) thân chính phủ.

Kể từ khi Hungary đoạn tuyệt với thể chế Cộng Sản năm 1989, chưa bao giờ xảy ra việc ngần ấy cơ quan ngôn luận được tập trung dưới sự quản lý của một cơ quan, và đây cũng là điều không thể có ở Liên Âu! Dần dần, rất nhiều sản phẩm báo chí được mua lại bởi các thương gia “tay trong” của phe cầm quyền, đa phần giàu lên nhờ trúng thầu các “mối” lớn từ nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi đã thuộc sở hữu “tư bản thân hữu”, các sản phẩm báo chí này lại được... tặng lại cho Quỹ KESMA - vốn được coi là quỹ tư nhân nhưng hoạt động chủ yếu bằng ngân sách và phục vụ mục tiêu chính trị của chính phủ. Trước kỳ bầu cử Quốc Hội 2018, gần 500 tờ báo này đã nhất loạt đăng tải bài phỏng vấn ông Orbán Viktor có cùng một nội dung!

Điều thú vị là khi được chất vấn, thủ tướng Hungary trước sau vẫn khẳng định: truyền thông nước này rất đa dạng và hoạt động trên cơ sở thị trường, chứ chính phủ không có sự can thiệp vào báo chí trong tay tư nhân. Cho dù, có thể thấy, truyền thông Hung đa phần đã rơi vào tay các thủ hạ thân cận của chính phủ, và tuyên truyền lợi ích đảng phái bằng tiền thuế dân!

Hungary có báo chí đối lập hay không ?

Có tồn tại hay không những nỗ lực cân bằng với “vương quốc truyền thông” nằm trong tay chính phủ Hung và được vận hành chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước ?

“Có, nhưng cần dùng kính lúp để tìm kiếm những sản phẩm báo chí đối lập” là phân tích của mạng Telex. Cần chú ý là phe cầm quyền Hung luôn nhấn mạnh là ở Hungary, báo chí cánh tả và cánh hữu, thân chính phủ và đối lập hiện “rất cân bằng”, bằng cách quy vào một mối, xếp tất cả các cơ quan ngôn luận không theo “lề phải”, là đối lập hoặc ủng hộ phe đối lập.

Điểm qua báo chí độc lập với chính phủ, có thể thấy con số những cơ quan ngôn luận thực sự đối lập - hoặc có liên quan về kinh tế và chính trị với các đảng đối lập - là rất ít ỏi và rời rạc, không có nhiều ảnh hưởng. Một số cơ sở báo chí uy tín, thì độc lập với cả chính phủ và phe đối lập, và thường có các nội dung phản biện, nhưng vẫn bị “chụp mũ” là của phe đối lập.

Sự chụp mũ này là có chủ ý, vì bằng cách đó, chính quyền muốn làm giảm độ tin cậy của truyền thông độc lập (khi gắn chúng với những lợi ích chính trị trực tiếp), đánh lạc hướng các cử tri thân chính quyền vốn đọc cả báo chí độc lập (vì khiến họ nghĩ rằng đó là sản phẩm của “địch”), đồng thời “hợp thức hóa” sự hiện diện và hoạt động của Quỹ KESMA với 500 ấn phẩm.

Tuy nhiên, mạng Telex lưu ý, không cần bàn nhiều về vài cơ quan ngôn luận có liên quan tới các đảng đối lập với độ “phủ sóng” rất thấp, được hoạt động với kinh phí chỉ vài chục triệu Forint, trong khi “vương quốc truyền thông” của Orbán Viktor hưởng vài chục tỷ Forint tiền công quỹ, với gần 500 sản phẩm được điều hành tập trung từ trung ương tới mọi địa phương.

Đó là còn chưa kể hệ thống truyền thông công cộng vận hành với kinh phí 120 tỷ Forint mỗi năm, nhưng chỉ nhằm tuyên truyền cho chính phủ và được xem là “cái loa” của đảng cầm quyền FIDESZ. Trong cuộc chiến báo chí, tương quan lực lượng như vậy là hoàn toàn không cân sức, nhất là khi cơ quan quản lý truyền thông “thét ra lửa” với toàn các thành viên thân FIDESZ!

Nắm trong tay vũ trí rất lợi hại là 2/3 ghế trong Quốc Hội, một trong những biện pháp hữu hiệu để bê-tông hóa quyền lực của nội các cánh hữu là ra các đạo luật, quy định theo hướng kiểm duyệt và hạn chế tự do báo chí, khiến một bộ phận đáng kể của nền truyền thông Hung buộc phải dần dần tuân phục và chuyển theo hướng phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền.

“Nền dân chủ phi tự do” của Orbán Viktor đã khiến báo chí tự do Hungary cáo chung là ý kiến của nhiều quan sát viên, và các báo cáo thường niên của Phóng Viên Không Biên Giới cũng phản ánh điều đó. “Một quốc gia tự do phải có báo chí tự do”, khẩu hiệu luôn xuất hiện trong các cuộc biểu tình đòi tự do báo chí, cũng là ước nguyện của nhiều người dân nước này...

Chúng ta hãy chờ đợi xem những nỗ lực ấy sẽ ra sao, gần 1 năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội vào mùa xuân 2021, mà theo nhiều phân tích, đây sẽ là dịp đầu tiên sau 11 năm liên minh đối lập có chút khả năng hiện thực để đối đầu với “đế chế Orbán Viktor”!

Đầu trang

Nguyễn Giang - 9 tháng 3 2019 - bbcvietnamese.com

Chủ nghĩa CS goulash ở Hungary từng hiệu quả vì 'ngon bổ rẻ'

Getty Images - Janos Kadar (phải) với Leonid Brezhnev ở Budapest năm 1975

Mùa hè năm 1990 tôi sang Hungary lần đầu và thấy choáng ngợp trước đường phố đầy hàng hóa, tuyến xe điện ngầm hiện đại ở Budapest.

Đã qua các thành phố xám ngắt của Liên Xô, tới một Ba Lan chỉ có 'dấm, sữa chua và Coca Cola trên quầy' trong cửa hàng, tôi và mấy người bạn sinh viên từ Việt Nam cảm nhận được Hungary 'đúng là tư bản rồi'.

Sau này đọc sách thêm mới biết Hungary từng có 'chủ nghĩa cộng sản goulash', món ăn tinh thần 'nhiều, bổ và rẻ' phù hợp với thực tiễn chính trị Chiến tranh Lạnh.

Mà câu chuyện này phải đưa chúng ta trở về những năm 1960.

Chủ nghĩa cộng sản 'súp thịt'

Gulyáskommunizmus, hay đường lối Kadarism, mang tên TBT Đảng Cộng sản Hungary János Kádár khi đó, là một biến thể của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, hình thành tại CHND Hungary sau biến cố 1956.

Để nắm quyền mà không phải trở lại với các biện pháp cực đoan thời Stalin, một số nước Đông Âu được Moscow cho phép thí điểm cơi nới hệ thống.

Mặt khác, thấy sự phản kháng của dân năm 1956 trước quân đội Liên Xô, Đảng Công nhân XHCN Hungary (cộng sản) thấy cần 'tháo van' kiểm soát để kinh tế dễ thở hơn.

Hàng chục năm trước Khai phóng ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam, Hungary cho áp dụng vài nét của kinh tế thị trường trong nông nghiệp và buôn bán lẻ.

Được gọi là 'chủ nghĩa cộng sản goulash', theo tên món súp thịt nổi tiếng của người Hungary, đây cũng là sự tạm gác bỏ ý thức hệ.

Janos Kadar hiểu rằng người dân không mặn mà gì với chủ nghĩa cộng sản, nhưng miễn là họ đừng đụng vào chính trị thì nhà nước cũng để yên cho họ làm ăn.

Món súp thịt bò 'goulash' của Hungary

Trong giáo dục, truyền thông, đảng cầm quyền cũng không bắt toàn xã hội phải ca tụng họ như trước.

Các lãnh đạo, như bản thân ông Kadar, đều né tránh bị mô tả như 'lãnh tụ vĩ đại' - vì dư âm tiêu cực của thời Stalin.

Người dân cũng không phải tích cực ủng hộ cuồng nhiệt chế độ XHCN, mà chỉ cần họ không chống là tốt rồi.

Janos Kadar nói câu nổi tiếng: "Ai không chống chúng ta là bạn của chúng ta."

Đây là cách nhìn thực tiễn và 'chọn mẫu số chung thấp nhất', để xây dựng quan hệ phải chăng giữa đảng cầm quyền và dân.

Nhưng điểm cốt yếu của 'chủ nghĩa cộng sản súp thịt' vẫn là kinh tế.

Ở đây, Kadar đã làm được những điều mà người tương nhiệm Ba Lan, Edward Gierek không làm nổi.

Đầu tiên là về chế độ nửa cộng sản, nửa tư nhân trong quản lý nông nghiệp.

Kadar hiểu nông dân Hungary không thích vào các nông trang tập thể, nên hệ thống tập thể hóa ở nông thôn bị xóa bỏ.

Nhưng ông không thể bỏ nó hẳn, ít ra là về cái tên.

Sau năm 1956, các nông trường nhà nước Hungary mất 2/3 thành viên. Nhiều nông dân tự bỏ và về làm vườn riêng.

Kadar chấp nhận tình trạng đó nhưng mời họ vào hợp tác xã mà cơ chế quản lý thoáng hơn nông trường.

Rút cục là nông dân Hungary, cho đến những năm 1957-59, làm ăn trong tình trạng 'tự nguyện vào hợp tác' để thực sự là làm ăn riêng.

Họ thuê dài hạn đất đai từ nhà nước, tự chăm lo các đàn gia súc, và bán sản phẩm ra chợ hoặc bán lại cho chính quyền.

Nhà nước cũng trợ cấp nhiều về vốn và công nghệ cho các hợp tác xã.

Điều thần kỳ đã xảy ra: đến năm 1962, gần 95% đất nông nghiệp thuộc về nông trường hoặc hợp tác xã - đạt tiêu chuẩn ý thức hệ cộng sản mà Liên Xô yêu cầu.

Trong cả khối Đông Âu theo kinh tế kế hoạch hóa có mỗi Hungary đạt mục tiêu sản xuất lương thực vượt mức kế hoạch.

Sang thập niên 1960, Kadar xin phép Khrushchev cho 'giải thể nốt di sản Stalin'.

Liên Xô đồng ý rút cố vấn ngồi đầy trong các bộ ngành của Hungary từ 1956 về nước.

Sang giai đoạn 1961-62, Hungary còn không coi thẻ đảng viên cộng sản là 'bùa chú': chuyên gia ngoài đảng viên vẫn có thể giữ chức trong bộ máy.

Cùng lúc, để chứng tỏ ông rất 'vì dân', Kadar loại khỏi Đảng những kẻ cơ hội, cầm thẻ đảng để có chức quyền, lợi ích.

Kadar đã đi trước Đặng Tiểu Bình nhiều năm về chính sách thực tiễn.

Còn Việt Nam phải gần đây mới dám mời chuyên viên có mác ngoại, không đảng viên cộng sản vào Ban tư vấn hay Tổ tư vấn cho thủ tướng.

Những thứ đó, Kadar đã làm từ năm 1962.

So với quốc gia cũng trải qua quá trình tương tự là Ba Lan thì cải cách của Janos Kadar thành công hơn.

Tại Ba Lan, TBT Edward Gierek lên cầm quyền cũng với tinh thần cởi mở, xóa bỏ di sản của thời Stalin và mở cửa trong phạm vi có thể với Phương Tây.

Lễ thượng cờ trước nhà Quốc hội Hungary ở Budapest: Sau năm 1989, Hungary trở lại với các giá trị dân tộc

Ba Lan cho các công ty Tây Âu vào đầu tư, cho nhập thuốc lá Mỹ, máy cày Anh và dụng cụ công nghiệp từ Pháp, Đức, bằng chính tiền đi vay.

Khi Gierek lên nắm quyền năm 1970, Ba Lan có khoản nợ nước ngoài vỏn vẹn 1 tỷ USD.

Khi ông rời vị trí năm 1980, Ba Lan đã nợ 20 tỷ USD, và đến 1989, nợ và lãi suất lên 40 tỷ USD, bằng 77 tỷ theo thời giá năm 2011.

Mất dần ánh hào quang

Nhưng Hungary cũng mắc nợ Phương Tây dù không nhiều bằng Ba Lan, và đây là vấn đề chung của một nghịch lý trong khối XHCN Đông Âu.

Chính vì không đến từ bầu cử dân chủ, chính quyền Hungary và cả Ba Lan, Tiệp Khắc đều phải làm một lúc hai việc trái ngược nhau:

Như New York Time viết năm 1983 về Hungary:

"Chính quyền tin rằng để nắm quyền lực, họ phải đem lại cuộc sống tốt hơn, và điều đó cũng có nghĩa là dân chúng chấp nhận im lặng để đổi lấy điều kiện sống ngày càng tiến bộ và cùng lúc Liên Xô chấp nhận con đường ít nhiều độc lập của Hungary cũng để không phải lặp lại sự kiện năm 1956."

20 năm sau, mô thức này lỗi mốt mà Đảng CS vẫn cố kiểm soát tư tưởng để phòng ngừa thách thức có thật hoặc tưởng tượng từ nhiều phía.

Điều này liên tục làm giới trẻ và trí thức không hài lòng.

Sang nửa sau thập niên 1970, chủ nghĩa Kadar từng đem lại mức sống cao cho dân Hungary mất đi ánh hào quang.

Hungary bước vào giai đoạn trì trệ trong thập niên 1980 dù vẫn để lại các hình ảnh rất hào nhoáng mà tôi tận mắt chứng kiến năm 1990.

Ngày nay nhìn lại, như Dan Payne viết trên BBC News, không ít người Hungary tin rằng 'tội ác' to nhất của Janos Kakar là tạo ra một hệ thống không dám nói thật cho người dân về thực chất cuộc chơi nghịch lý của ông.

"Người ta được thuyết phục là vừa giữ nguyên miếng bánh vừa có thể ăn nó thoải mái. Không ai cần phải lo âu về các khoản nợ, vốn chỉ tăng thêm nhờ lương hưu hào phóng thời cộng sản."

Nhưng kinh tế thì không thể tăng trưởng mãi khi mà kỳ vọng không có cơ sở vẫn được bộ máy tuyên truyền nuôi dưỡng.

Getty Images - Chủ nghĩa cộng sản há cảo tại TQ: vai trò của ý thức hệ giảm đi nhiều và người ta cần có cuộc sống hiện đại, sung túc

Nhiều tên gọi khác nhau

Mô hình xã hội chủ nghĩa đã có nhiều tên gọi khác nhau.

Tại khu vực do Liên Xô kiểm soát, đó là chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Còn ở Tây Âu, sau Mùa Xuân Praha 1968, xu hướng không theo Moscow nữa phát triển, có tên chung là 'Eurocommunism'.

Còn gọi là 'chủ nghĩa cộng sản cải tổ', ý tưởng chính là hợp tác với cả trí thức, doanh nhân chứ không chỉ nhắm vào công nông.

Sau này, nhiều cơ sở của cộng sản châu Âu chấp nhận đấu tranh nghị trường để thành phái dân chủ xã hội (socialdemocrats).

Nhưng chủ nghĩa cộng sản goulash, hay chủ nghĩa cộng sản Trabant (tên chiếc xe của Đông Đức) là những biến thể đặc thù của Đông Âu.

Sau này, thuyết 'Mèo đen mèo trắng' của Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân, và cả 'CHXH hài hòa' của Hồ Cẩm Đào cũng không có gì mới.

Các chủ nghĩa thường đến từ một góc nhìn định trước về thế giới nên cũng không lạ nếu các xã hội có ý thức hệ cụ thể luôn phải thỏa hiệp giữa tư tưởng và thực tế.

Câu chuyện của Hungary cho thấy xét cho cùng dù gọi tên gì thì một chủ nghĩa chỉ có sức sống nếu khiến người dân no bụng.

Và no rồi thì người ta lại kỳ vọng những điều cao sang hơn mà đôi khi sự cứng nhắc của hệ thống không thỏa mãn được.

Đó chính là điều vĩ đại và đơn giản của cuộc sống vốn luôn thách thức khuôn mẫu của các mô hình, bất kể tên gọi của chúng là gì.

Đọc thêm về chủ nghĩa xã hội:

Đầu trang