Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

Hậu Trump (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

19 tháng 1 2019 - bbc.com

Di sản của Tổng thống Donald Trump

Thắng Đỗ
Gửi tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ

Sự kiện một cá nhân như ông Donald Trump trở thành Tổng Thống Mỹ sau khi thắng số phiếu đại cử tri (tuy thua tới hơn 3 triệu số phiếu đại chúng) chưa có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ.

Một thương gia không mảy may kinh nghiệm lãnh đạo với chủ trương bài di dân và thói quen sử dụng ngôn ngữ thô tục và xúc phạm, trở thành người lèo lái siêu cường số một của thế giới.

Không những thế, đây là một nhân vật đầy rẫy các xì-căng-đan, từ đời sống cá nhân bê bối cho đến các sinh hoạt thương mại thiếu minh bạch.

Ông Trump đã từng lập ra "Trump University" sau bị đóng cửa và còn phải đền 25 triệu đôla cho những học sinh viên bị lừa, đã từng khai phá sản bốn lần và quỵt nhiều chủ nợ, cũng như tạo ra quỹ từ thiện dưới tên mình để thu hút tiền của những người nhẹ dạ (Trump Foundation, vừa bị tiểu bang New York đóng cửa do sử dụng tiền quỹ vào việc riêng của ông Trump).

Không chỉ người Mỹ, mà người dân ở nhiều quốc gia khác cũng lo ngại: Nước Mỹ đang đi về đâu? Nước Mỹ có còn là một cường quốc đáng tin cậy nữa không? Nước Mỹ đang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí Phát-xít? Có gì mờ ám trong quan hệ của Tổng Thống Trump và Putin không?

Những biến chuyển gần đây

Trong vài tuần nay, các diễn biến thời sự cho le lói hy vọng là các lo ngại trên sẽ được giải quyết trong một thời gian không xa. Vở tuồng chính trị mà ông Donald Trump đóng vai chính dường như đang đến hồi kết, ít ra chúng ta có thể mong thế. Hệ thống lập pháp, tư pháp, truyền thông và xã hội dân sự của một quốc gia dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ đã bắt đầu chứng tỏ có khả năng kiểm soát sự thao túng và lạm quyền của người lãnh đạo hành pháp.

Khởi đầu là cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, khi Đảng Dân chủ thắng Hạ viện một cách quyết liệt với hơn 10 triệu lá phiếu. Cử tri toàn quốc đã biểu lộ ý muốn thay đổi đường hướng mà chính quyền Trump theo đuổi trong hai năm trước đó.

Do chiếm được đa số, đảng đối lập đã nắm tất cả các ủy ban của viện này, với khả năng điều tra đến nơi đến chốn các tội phạm của ông Trump và bè phái mà Quốc hội dưới quyền của Đảng Cộng hòa trước đó đã bao che. Cuộc điều tra của Hạ viện có thể còn gay gắt và hữu hiệu hơn cả của Công Tố Viên Đặc Biệt Mueller, do họ có khả năng kiểm soát ngân sách và bổ định nhân sự cần thiết.

Về phía Bộ Tư Pháp, ông Mueller đã cho sa lưới nhiều nhân vật quan trọng có thời rất thân cận với Tổng thống Trump và hiểu biết tường tận các sinh hoạt hậu trường: Michael Cohen, cựu luật sư riêng, phải đi tù do vi phạm luật tranh cử khi che dấu việc trả tiền cho các phụ nữ để che đậy quan hệ của họ với ứng cử viên tổng thống; Paul Manafort, người từng quản lý cuộc tranh cử của ông Trump cũng đi tù do che dấu quan hệ bất hợp pháp với các chính phủ nước ngoài như Ukraine và Nga. Những người này, cùng với gần 20 nhân vật đã cộng tác mật thiết với ông Trump và bị kết án như Michael Flynn, Rick Gates và George Papadopoulos, đã khai gì với ông Mueller? Còn ai nữa sẽ bị bắt? Ông Mueller đang từ từ thắt chặt vòng dây thừng và tới lúc nào đó, có khả năng xiết luôn cả Tổng Thống?

Mặt khác, hầu hết các nhân vật tương đối độc lập trong nội các Trump dần dần đều tự ý rút lui do không chấp nhận được chính sách liều lĩnh khó hiểu của Tổng thống. Gần đây nhất là Tướng Jim Mattis đã từ chức vì không đồng ý với quyết định rút vội vã khỏi mặt trận Syria.

Theo Tướng Mattis, lệnh này gây thiệt hai cho vị trí địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông, vì nó giúp Nga và Iran củng cố thế lực của họ trong vùng. Nó cũng làm Mỹ mất uy tín vì bỏ rơi quân đội người Kurds, một đồng minh đã cùng Mỹ chiến đấu trong nhiều năm chống nhóm khủng bố ISIS và chính phủ độc tài của Tổng Thống Assad. Người Việt tị nạn không thể không liên tưởng đến việc Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, dẫn đến biến cố 1975 và thảm kịch thuyền nhân sau đó.

Trừ một thiểu số trung thành, ngoài ra đa số người Mỹ dường như không ủng hộ kết quả cuộc bầu cử năm 2016.

Trong cuộc thăm dò ngay sau cuộc bầu cử năm 2018, Đài CBS cho biết khoảng 60% cử tri nghĩ rằng nước Mỹ đang đi sai hướng và cần thay đổi; 54% đánh giá thấp khả năng của ông Trump. Các con số này còn bất lợi cho ông Trump hơn nữa với giới cử tri phụ nữ, trẻ tuổi, học thức (có bằng đại học trở lên), hay da màu.

Gần đây nhất, Tổng thống Trump cho đóng cửa chính phủ để áp lực đòi Hạ Viện Dân Chủ chấp thuận ngân quỹ 5,7 tỉ đôla để xây bức tường biên giới. Chính Fox News, cơ quan truyền thông luôn luôn ủng hộ ông Trump triệt để, đã cho biết kết quả thăm dò của họ: 63% cử tri đồng ý với Đảng Dân chủ rằng cần mở cửa chính phủ trở lại, và chỉ có 30% không đồng ý. Cũng con số 63% này phản đối phương cách của ông Trump dùng chính phủ làm con tin để có được ngân quỹ xây tường. Các con số này đi sát với tỉ lệ chống và bênh ông Trump qua các cuộc thăm dò khác.

Tóm lại, giới quan sát cho rằng xác suất ông Trump mất ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tới vào năm 2020 không nhỏ, nếu như ông không bị Quốc hội truất phế trước đó. Xác suất ông bị truất phế không thể bị loại ra, nếu các cuộc điều tra chứng minh một cách cụ thể rằng ông Trump đã phạm tội.

Ông Trump sẽ để lại di sản gì sau bốn năm tại chức?

Xét một cách khách quan nhất có thể, nước Mỹ và thế giới đã và sẽ còn bị tổn hại nhiều do chính sách ông Trump theo đuổi. Chúng ta có thể liệt kê những tổn hại chính như sau:

Nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng

Có lẽ từ sau cuộc nội chiến đến giờ, nước Mỹ chưa khi nào chia rẽ như trong hai năm nay.

Chiêu bài kỳ thị chủng tộc mà ông Trump xướng lên: người đạo Hồi toàn là khủng bố, người Mexican là lũ hiếp dâm, các xứ sở da đen Phi Châu là các hố phân, trong khi bào chữa cho, thậm chí khen ngợi các nhóm người da trắng độc tôn, đã gây 'sốc' cho người dân khắp nơi.

Ông Trump tạo nên một nước Mỹ của "ta và nó", nếu không là bạn thì là kẻ thù không thể thỏa hiệp, với một cái rãnh sâu ngăn cách hai bên. Ông miệt thị hầu hết tất cả mọi giới, từ phụ nữ đến người da màu, và bất cứ ai không hoàn toàn ủng hộ ông một cách tuyệt đối. Hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới chưa bao giờ đã xuống cấp như hiện nay.

Đâu là sự thật ở thời đại Trump?

Chưa bao giờ sự dối trá, giả dối lại tràn lan như dưới thời đại Trump.

Nhiều cơ quan truyền thông đã làm thống kê thành tích nói dối kỷ lục của Tổng thống. Vào tháng 5, năm 2018, tờ Washington Post đã đếm được là ông Trump đã nói dối 3.00ă lần sau 466 ngày giữ chức vụ nguyên thủ, trung bình là 6,5 lần mỗi ngày. Ít người làm chính trị nào nói thật 100 phần trăm, nhưng ông Trump dễ dàng đạt quán quân và bỏ xa các chính khách khác trong khoản này.

Cụm từ 'fake news' (tin giả) trở nên phổ biến từ khi ông ra tranh cử. Trên mạng xã hội tràn lan các tin giả được rất nhiều người tin. Theo điều tra của FBI và các cơ quan truyền thông, chủ mưu chính loan tin thất thiệt trên mạng xã hội là tình báo Nga, với mục đích lũng đoạn cuộc bầu cử Mỹ và giúp cho ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.

Các cơ quan truyền thông uy tín từ lâu đời, như các tờ New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, và các đài CNN, NPR, BBC, đều bị ông Trump và giới ủng hộ ông quy là 'truyền thông tả phái' hay thậm chí 'kẻ thù của nhân dân', vì họ đăng những tin bất lợi cho ông.

Sự thật có quan trọng không?

Trong một thể chế dân chủ, người dân cần biết sự thật để thi hành nghĩa vụ công dân, như đi bầu. Sự dối trá có lợi cho các chế độ độc tài cộng sản hoặc phát-xít, nhưng nó đi ngược lại với quy ước của một xã hội dân chủ. Ít phương pháp nào gây tổn hại cho nước Mỹ hữu hiệu hơn là làm mất niềm tin vào truyền thông và chính phủ. Khi hoang mang, người ta dễ bám víu vào các tin giả và vô hình chung trở thành nạn nhân của âm mưu tuyên truyền.

Uy tín của nước Mỹ xuống cấp

Sức mạnh của nước Mỹ trong một thế kỷ nay là đã tạo được uy tín để lãnh đạo một mạng lưới đồng minh chặt chẽ, chống lại phe độc tài đại diện bởi Nga và Trung Quốc. Chính phủ Trump đã đơn phương hủy và không tôn trọng các hiệp ước các vị tiền nhiệm đã ký như TPP, Nafta và Hiệp Ước Khí Hậu Paris.

Rút khỏi TPP - Hiệp Định Châu Á Thái Bình Dương - là món quà vô giá cho Trung Quốc, vì một mục đính chính của hiệp định này là xây dựng một hệ thống đồng minh bao vây kinh tế Trung Quốc. Quyết định rút lui của Tổng Thống Trump hầu như không được sự hậu thuẫn của bất cứ chính khách nào, Dân chủ hay Cộng hòa, và chưa ai có thể thật sự giải thích được.

Sự khôi phục của nước Nga

Trước nhiệm kỳ của ông Trump, Nga đã bị suy yếu nhiều do giá dầu hỏa tuột dốc, và sau khi Nga xâm lăng Ukraine, thế giới đã phong tỏa kinh tế Nga và một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.

Thái độ cực kỳ thân thiện của ông Trump với nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga là điều rất khó hiểu.

Putin là chính khách duy nhất, trong và ngoài nước Mỹ, mà ông Trump không tiếc lời ca ngợi: "Putin xuất sắc qua mặt nước Mỹ" (trả lời phỏng vấn vào ngày 10 tháng 3, 2013 và 10 tháng 2, 2014). Ông khen Putin là nhà lãnh đạo tài giỏi, bào chữa cho việc Putin xâm lăng Ukraine và thủ tiêu nhà báo (trả lời phỏng vấn vào ngày 18 tháng 12, 2015). Ông công khai kêu gọi tình báo Nga xâm nhập vào hệ thống email của đối thủ Hillary Clinton. Vừa nhậm chức, ông lập tức tìm cách hủy cấm vận đối với Nga, nhưng không thành do bị các quan chức chính phủ và Quốc Hội phản đối.

Khi tranh cử, ông Trump đã chối mình không có bất cứ quan hệ nào với Putin, tuy trước đó ông đã nhiều lần công khai khoe gặp gỡ và quen biết Tổng Thống Nga. Mới đây nhất, theo tờ Washington Post, ông Trump đã tịch thu tất cả giấy tờ ghi chép của nhân viên thông dịch sau các buổi họp tay đôi giữa ông và Putin để không ai khác biết hai người đã trao đổi những gì.

Chính sách dễ dãi và thân thiện của ông Trump đã cho phép nước Nga trỗi dậy và trở thành một thế lực đáng kể ở Trung Đông cũng như đe dọa trở lại Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO (ông Trump cũng dọa rút ra khỏi tổ chức này).

Nợ công khổng lồ gây suy thoái kinh tế

Cuộc giảm thuế lớn nhất lịch sử Mỹ do ông Trump và đảng Cộng hòa thông qua năm 2018 đã tạo ra thâm thủng ngân quỹ và một món nợ công vĩ đại.

Cùng lúc, ông Trump khởi xướng chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc và vài quốc gia khác, hành động mà các nhà kinh tế đều cho rằng sẽ đưa đến tổn hại cho cả hai bên.

Vài tuần trước, ông cho đóng cửa chính phủ để áp lực Quốc Hội cung cấp ngân quỹ xây bức tường biên giới, tạo tình trạng bế tắc đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Tất cả các việc này đã và đang gây ra hậu qủa xấu nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị khựng lại; thị trường chứng khoán tuộc dốc; tiền lời tiếp tục tăng trong khi thâm thủng với Trung Quốc trở lại mức kỷ lục. Các công ty Mỹ như Apple đã dự báo một tương lai đen tối sắp tới cho kinh doanh của họ.

Bảo vệ môi trường cho các thế hệ con em

Biến đổi khí hậu là một nguy cơ rất thật, đe dọa đến sự sống khắp nơi trên thế giới, không phân biệt biên giới quốc gia.

Nhiệt độ trái đất đang tăng dần lên. Các tảng băng của hai cực địa cầu đã và sẽ tan, nâng cao mặt biển và làm cho nhiều vùng đất gần biển bị ngập nước. Các trận bão ngày một lớn và thất thường như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây.

Nước Mỹ, cũng như tất cả các quốc gia khác, đều có nhiệm vụ phải ngưng sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu hỏa và than đá để giảm bớt khí thải. Quyết định vô trách nhiệm của ông Trump khi rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để lại một di sản rất xấu cho các thế hệ con em.

Chúng ta cần hy vọng rằng câu nói được gán cho vua Louis XV của Pháp "sau tôi, sẽ là trận đại hồng thủy" (Après moi, le deluge - có thể hiểu là sau tôi, đại họa sẽ xảy ra) sẽ không áp dụng cho ông Trump.

Đa số người Mỹ, kể cả nhiều người gốc Việt, hiểu rõ cái hố sâu chúng ta đã tự đào cho mình trong hai năm nay, và đã tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và chính trị để tạo thay đổi. Sau ông Trump, chúng ta cần chung sức nỗ lực để đảo ngược các nguy hại thời đại Trump đã tạo ra và xây dựng trở lại một nước Mỹ và thế giới an bình cho mọi người.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thắng Đỗ một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ. BBC đón nhận và sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Cộng hoà, mời các bạn đón đọc.

Đầu trang

13 tháng 12 2020 - bbc.com

Con tàu nước Mỹ chênh vênh trong bốn năm tới

Lương Tạ
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ California

Getty Images

Hành động của Tối Cao Pháp Viện không nhận đơn của Bang Texas kiện các bang dao động cho ông Donald Trump, và các quan chức chính phủ trọng yếu tôn trọng kết quả bầu cử, chứng tỏ nước Mỹ có một nền pháp lý đủ mạnh để vượt qua cơn bão Trumpism.

Nhưng sự kiện chính phủ bang Texas, với ủng hộ của 18 bang khác, cộng 126 dân biểu Cộng Hoà cấp liên bang đồng ký, và sự hầu hết các lãnh đạo dân cử Cộng Hòa im lặng không xác nhận Tổng Thống Tân Cử Joe Biden, cho thấy dư âm của Trumpism vẫn còn tiếp tục, cho ít nhất đến hết bầu cử năm 2024.

Sự thật là tất cả các bang đã sẵn sàng lá phiếu cử tri đoàn của họ cho sau cuối tuần này, ngày 14/12.

Không còn cách nào để Tổng Thống Trump thắng cử, sau hơn 50 vụ kiện không trưng được bằng cớ. Hình phạt mất bằng hành nghề, khiển phạt cho luật sư, và tù tội cho nhân chứng khi dùng bằng cớ giả trong tòa, đã là một lá chắn hiệu quả để tòa dùng sự thật để phán quyết.

Nhưng ngoài tòa án, phe Trump kêu gian lận bầu cử khắp nơi, tạo ra tin tưởng thiếu sự thật cho 36% là Tổng Thống Trump bị gian lận bầu cử, trong một thăm dò mới đây, nhằm tạo ra một hiệu ứng chính trị lâu dài và có lợi.

Tố cáo gian lận và không thừa nhận Biden thắng cử giữ những người trung thành dưới trướng ông, một chiến lược rất rõ rệt của Tổng Thống Trump trước khi ông rời nhiệm sở.

Ông có thể được làm vua của nhóm cử tri trung thành, và đảng viên Cộng Hòa, cùng lúc kiếm tiền cho mình. Bằng chứng là dù các vụ kiện tụng của ông không tới đâu, chỉ chi tiêu chưa tới 10 triệu đôla, nhưng số tiền gom được với lý do tranh tụng bầu cử từ các người ủng hộ đã lên đến gần 210 triệu đô la.

Các chính trị gia khôn ngoan đều biết, cơ hội tranh cử 2024 của ông Trump sẽ mất hẳn đà sau khi mất quyền hành, nhưng ảnh hưởng của ông còn dài.

Bản thân các dân cử Cộng Hoà biết rằng Trump không còn cơ hội, nhưng họ cần sự ủng hộ và tiền bạc của những người trung thành với Trumpism. Được sự ủng hộ của người tin tưởng Trumpism sẽ là một yếu tố lớn cho sự nghiệp chính trị của các lãnh đạo dân cử này. Đây sẽ là lực đối nghịch khó khăn nhất cho chính phủ Biden trong kế hoạch thực thi cải tổ đất nước của ông.

Getty Images

Chính phủ Joe Biden sẽ phải giải quyết những vấn đề cốt lõi đã tạo lên sức ảnh hưởng lớn của Chủ nghĩa Trumpism.Theo ông David Axelrod, chiến lược gia Dân Chủ của của cựu Tổng Thống Obama, Tân Tổng Thống Biden thừa hưởng một đất nước cực kỳ chia rẽ khi Tổng Thống Trump thắng thêm 10 triệu lá phiếu so với năm 2016, và thắng hơn 80% các quận hạt, dù thưa thớt, của nước Mỹ. Nếu đảng Dân Chủ không ̣điều chỉnh kịp thời, họ sẽ rất chật vật trong những kỳ bầu cử tới.

Đảng Dân Chủ trong nhiều thập kỷ qua đã coi thường sự liên hệ của mình với tầng lớp lao động da trắng, và dần nghiêng về giá trị cấp tiến đại diện bởi tầng lớp trí thức và các ngôi sao giải trí.

Người lao động đã từng ủng hộ đảng Dân Chủ bao gồm các công đoàn lao động trong nền công nghiệp những thập kỷ nửa sau của thế kỷ 20. Nhưng khi các công việc lao động được chuyển ra khỏi nước Mỹ theo đà toàn cầu hóa, tự do mậu dịch, tự động hóa, cơ hội mưu sinh tại các vùng ngoài kỹ nghệ cao dần xuống thấp, đảng Dân Chủ đã không có những hành động hữu hiệu để hỗ trợ họ. Người dân nơi đó không nhìn xa hơn là đời sống hàng ngày trước mắt, và đời sống đó đang sụp đổ quanh họ.

Getty Images

Năm 2016, bà Hillary Clinton, như một bà giáo sư đại học, khuyên họ phải nâng cấp để thay đổi công việc cho phù hợp.

Ông Trump, ngược lại, hứa hẹn là sẽ mang công việc cũ trở về cho họ. Đối với hầu hết dân lao động, họ không có gì để mất, khi đặt niềm tin vào Trump, và bỏ qua tư cách không gương mẫu của Tổng Thống Trump. Sự lựa chọn giữ lại cuộc sống cũ dễ dàng hơn là phải học lại, khi tuổi đã lớn, và đầu tư kinh nghiệm sẵn có.

Đối với người dân bình thường, họ không cần lý luận xa hơn những câu đơn giản và dễ hiểu của Trump. Trump bỏ lo ngại môi trường của phe cấp tiến, để dành lấy cử tri phụ thuộc vào khai thác dầu khí, cũng như là đánh Trung Quốc, mặc dù đã không hữu hiệu, để ra dấu chỉ là ông bênh người lao động Mỹ.

Trumpism, dân túy kiểu Trump sinh ra từ đó.

Người Mỹ có câu: "It's the economy, stupid!". Người Việt Nam thì "có thực với vực được gạo".

Kinh tế hàng ngày là quan trọng nhất cho hầu hết. Chính phủ Biden phải có kế hoạch tích cực cho một số lớn dân Mỹ đã bị bỏ lại, khi kinh tế nước Mỹ đang đi lên nhờ kỹ nghệ cao. Nhiều người Mỹ ngày càng giầu, nhưng hầu hết, vẫn còn phải lo công việc ngày mai nếu có. Chính sách kinh tế thiết thực cho người dân bị bỏ rơi trở thành thiết yếu, ̣để sau khi có thực, họ có thể lấy lại được tư cách của người Mỹ chính đáng, có đủ khả năng bênh vực cho lẽ phải. ̣

Nếu khéo léo, Joe Biden sẽ đạt được việc đưa công ăn việc làm trở lại cho những người bị bỏ rơi, cùng một lúc bảo vệ môi trường và tự do mậu dịch. Nếu không, đây sẽ là lý do chính đảng Dân Chủ mất ghế lãnh đạo trong kỳ bầu cử tới.

Xâm nhập văn hóa qua nhập cư là một khía cạnh sâu sắc khác, cho lý do ủng hộ Tổng Thống Trump.

Trong suốt chiều dài lịch sử của Mỹ, người dân Mỹ thường chống lại những làn sóng nhập cư mới, nhất là khi khác biệt văn hóa và lo sợ bị cạnh tranh công ăn việc làm. Người Mỹ nhập cư sớm, thường chống lại người tới sau. Từ giữa thế kỷ 19, các di dân từ Ireland và Đức đã bị chống đối.

Cuối thế kỷ 19, Chính phủ ban hành luật không cho người Trung Quốc nhập cư. Nhiều dân Mỹ đã từng chống lại làn sóng tị nạn của Việt Nam trong những năm 1970s. Cho dù chính phủ Mỹ biết là nhập cư là điều tốt cho kinh tế và đất nước, vì nó đóng góp vào sức năng nổ, mang đến của người di cư, nhưng người dân Mỹ vẫn chống, vì họ không có thời gian phân tích cái tốt và cái bất lợi. Họ nghe theo lời nói của người họ tin.

Một người Mỹ bình thường không bằng đại học hay sống trong làng xã, rất ít để ý về chính trị hay tin tức, hay giao du đa văn hóa. Hầu hết không đủ thời gian sống cho chính họ và gia đình, nên họ không còn dành được thời gian nghiên cứu đến các chi tiết. Họ thường chỉ lắng nghe những người họ tin tưởng, cùng phe nhóm, như người hướng dẫn tinh thần nơi thờ phượng, người quen biết hàng xóm quen biết. Trong các làng nhỏ, nhà thờ là nơi họ lắng nghe và ủng hộ. Thế nên họ hiểu lầm rất nhiều và không sẵn sàng tiếp nhận thêm, từ người ngoài nhóm.

Sau sự kiện 9/11, khủng bố mang danh Hồi giáo thay đổi cách sống của toàn xã hội Mỹ. Nó đã nâng cao làn sóng chống người nước ngoài, làm cho nỗi sợ tràn ly của nhiều người Mỹ ôn hòa, sợ mất đi xã hội trật tự và lối sống hàng ngày. Và từ đó, họ coi Tổng Thống Trump là cứu cánh duy nhất dám đứng bên họ, không nghĩ đến tác hại lâu dài. Đây cũng là một trong những lý do nhiều người Mỹ bình thường và ngay cả người Việt lớn tuổi cuồng nhiệt ủng hộ Tổng Thống Trump.

Đảng Dân Chủ phải hiểu là cơ hội nắm chính quyền chỉ có 4 năm. Họ phải kiếm cách để giúp cho người dân Mỹ cảm thấy an tâm. Thứ nhất là công ăn việc làm, thứ hai là an ninh cá nhân. Cách thức giáo dục cần phải hiệu quả và đúng tầng số của những người không có cơ hội tiếp cân thông tin và phân tích chi tiết. Vấn đề nhập cư và khác biệt văn hóa cần phải ̣được giải quyết theo nhiều hướng giáo dục và giao lưu văn hóa. Cần phải có sự thông cảm hơn của dân các miền, các tiểu bang ven biển và các tiểu bang bên trong.

Tin giả đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cực đoan hóa số người theo Trump, và làm lũng đoạn chính sách.

Trong cộng đồng Việt, các thế lực cực đoan đã khôn khéo lôi kéo nhiều người vô tình vào trong vòng ảnh hưởng của họ bằng nhiều cách tiếp cận. Từ tin dễ đọc dần sang tin giả, tin tuyên truyền. Từ mạng lưới quen thuộc sang chiêu dụ ru ngủ. Nhiều người Việt không biết và không thích đọc tiếng Anh trong truyền thông dòng chính, dù họ chịu trách nhiệm cho các bài đăng của họ.

Nhưng người ta sẵn sàng đón nhận những tin không kiểm chứng ̣để thỏa mãn thiên hướng phe nhóm của họ, cho dù một số nhân vật chính phát tán tin tức đó xác nhận những tin đó là tin giả. Chính phủ Biden cần phải có những giải quyết qua các luật lệ cập nhật để những nguồn tin giả không phải là mối ung thư của xã hội Mỹ, nhất là qua các mạng xã hội.

Tóm lại, bốn năm tới, con tàu nước Mỹ sẽ chênh vênh và có thể nghiêng, nếu chính phủ Biden không giải quyết kịp thời gốc lõi của vấn đề sinh ra quái thú Trumpism, ngày đang lớn, cho dù ông Trump không còn tại vị.

Áp lực của phe cấp tiến bên Dân Chủ sẽ thêm một gánh nặng cho Tổng Thống Biden để cân bằng, khi ông phải cố gắng kéo những người dân bất mãn theo Trump trở lại con đường xây dựng nước Mỹ hùng mạnh và đoàn kết với giá trị nhân bản từ trước khi có Trumpism.

Nguồn nghiên cứu:

Đầu trang

15/12/2020 - Mai Vân - rfi.fr

Mỹ sau bầu cử: Donald Trump, đảng Cộng Hòa và những tiền lệ đáng ngại

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc chuẩn bị rời Nhà Trắng để đi đến West Point, New York. Ảnh ngày 12/12/2020. REUTERS - CHERISS MAY

Ngày 14/12/2020, 538 đại cử tri trên toàn liên bang đã bỏ phiếu và khẳng định chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11. Đúng theo với kết quả được dự báo, ông Biden được 306 phiếu, trong lúc ông Trump chỉ được 232 phiếu.

Kết quả này cho thấy là các định chế của nền dân chủ Mỹ vẫn đứng vững bất chấp những đòn tấn công của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, được giới thân cận tiếp tay và một phần không nhỏ trong đảng Cộng Hòa phụ họa.

Trong bài phân tích ngày 10/12/2020 trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, nhà nghiên cứu Pháp Robert Chouard đã nhấn mạnh đến hành động từ chối chuyển giao quyền hành trong nhiều tuần lễ của tổng thống Trump, một điều mà không ai dám ngờ tới trước đó, xem đấy là một tiền lệ nguy hiểm đối với nền dân chủ Mỹ.

Những hành vi giống như tại một “Cộng Hòa Chuối”

Nhà nghiên cứu Pháp trước hết không ngần ngại phê phán nặng nề các động thái phản đối kết quả bầu cử của phe ủng hộ tổng thống Trump kể từ ngày 07/11, tức là ngày mà ông Joe Biden rốt cuộc đã được các phương tiện truyền thông công nhận là người chiến thắng, đúng theo truyền thống ở Hoa Kỳ.

Theo Robert Chouard, đó là “những hành động và cáo buộc phi lý nhất, trong đó các thuyết âm mưu được trộn lẫn với những hành vi hù dọa xứng đáng với một nước Cộng Hòa Chuối”, tức là một nước nhỏ độc tài và chậm tiến mà thuật ngữ khoa học chính trị gọi là république bananière theo tiếng Pháp hay banana republic theo tiếng Anh.

Ngoài những luận điệu vô căn cứ về một vụ gian lận lớn, người ta có thể ghi nhận nào là vai trò của một phần mềm đang được CIA sử dụng hoặc đã từng dùng ở Venezuela để giúp Joe Biden chiến thắng, nào là yêu cầu của một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa muốn các quan chức phụ trách bầu cử ở bang Georgia bác bỏ giá trị một số phiếu bầu, nào là đích thân ông Trump gọi điện cho các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đòi không chứng nhận các phiếu bầu ở Michigan, nào là mời các nghị sĩ Cộng Hòa từ Michigan và Pennsylvania đến Nhà Trắng để gây sức ép, yêu cầu họ tự chọn ra các đại cử tri thay vào chỗ những người trên nguyên tắc đã được cử tri bầu lên trong cuộc bỏ phiếu phổ thông…

Đối với ông Chouard, các cáo buộc do tổng thống Trump, những người thân cận và nhóm vận động tranh cử của ông đưa ra và được các luật sư của ông nêu lên trước tòa đều đã bị các cấp tòa án bác bỏ vì bên nguyên đơn không đưa ra được bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, các vụ kiện thực ra chỉ nhằm trì hoãn việc chuyển giao quyền hành cho chính quyền mới và làm cho chiến thắng của ông Biden mất đi tính chính đáng.

Chiến lược đó dường như đã phát huy tác dụng: Gần 75% cử tri của ông Trump tin rằng chiến thắng của Joe Biden là sản phẩm của một vụ lừa đảo lớn, và họ tin chắc vào điều này bất chấp những lời phủ nhận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các phán quyết của tòa án bác bỏ đơn kiện của phe Trump và đảng Cộng Hòa vì không có cơ sở.

Thách thức một cột trụ của nền dân chủ Mỹ

Bài phân tích của nhà nghiên cứu thuộc viện IRIS ghi nhận hai hướng tấn công song song của tổng thống Trump và giới ủng hộ ông: Một mặt phản đối kết quả bầu cử tổng thống, bất chấp mọi bằng chứng ngược lại, mặt khác, trì hoãn tiến trình chuyển giao quyền hành cho tổng thống đắc cử và nhóm cộng sự của ông. Điều nguy hiểm ở đây là ông Trump đã tạo ra một tiền lệ xấu theo đó tiến trình chuyển giao êm thắm quyền lực, một trụ cột của nền dân chủ Mỹ, vốn dựa trên cả các quy tắc bất thành văn lẫn đạo luật năm 1963, có thể bị thách thức.

Khi biến những cáo buộc bất cần bằng chứng về kết quả bầu cử tổng thống và tiến trình chuyển giao quyền lực cho một chính quyền khác thành đối tượng tranh luận, Donald Trump và đảng Cộng Hòa đã lôi kéo nước Mỹ vào một vùng đất xa lạ, đặt nước này trước nguy cơ phải định nghĩa lại cách vận hành và các chuẩn mực về những gì được chấp nhận trong đời sống chính trị.

Bằng cách lập ra những tiền lệ, tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa Mỹ đã định nghĩa lại những đường nét chính của những gì được chấp nhận trong chính trị, họ đã bắt đầu tạo ra những cách hành xử chính trị mới, thúc đẩy những cử tri ủng hộ họ chấp nhận một phần cách hành xử này, bất chấp những lời chỉ trích, phê phán đến từ mọi phía.

Đối với ông Chouard, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, hệ thống dân chủ Mỹ đã phải chịu rất nhiều căng thẳng. Cho dù vậy, các thể chế, thông lệ và các biện pháp bảo vệ dân chủ được quy định trong Hiến Pháp Hoa Kỳ nói chung vẫn đứng vững: Vai trò kiểm tra và cân bằng thể chế như của các thẩm phán liên bang, những người đã vô hiệu hóa nhiều quyết định của hành pháp, sự tồn tại của các ủy ban điều tra chẳng hạn như ông Robert Mueller liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, thủ tục luận tội tổng thống, v.v..

Đáng nói là nếu các đòn tấn công vào trật tự dân chủ thoạt đầu đến từ ông Trump và những người thân cận của ông, sau đó đã lôi kéo được nhiều người trong đảng Cộng Hòa. Bằng hành động và cách cư xử của mình, nhiều nghị sĩ và lãnh đạo của đảng Cộng Hòa đã nối gót lãnh đạo chính trị của họ, đã góp phần làm mất đi tính chính đáng của các thể chế, chuẩn mực và quy ước dân chủ.

Đảng Cộng Hòa trở thành tổ chức phục vụ Donald Trump?

Thái độ của nhiều đại diện của đảng Cộng Hòa, ở cấp liên bang cũng như cấp bang, trong thời kỳ hậu bầu cử tổng thống, cho thấy là đảng này đang chuyển đổi thành một tổ chức phục vụ Donald Trump.

Bằng cách từ chối thừa nhận thất bại của tổng thống Trump, bằng cách thúc đẩy các cáo buộc gian lận bị các tòa án liên bang bác bỏ, bằng cách tiến hành các thủ tục pháp lý để làm mất hiệu lực kết quả bầu cử, và cuối cùng bằng cách không dám công khai phản đối ông Trump, người vẫn thu được 73 triệu phiếu bầu, đảng Cộng Hòa, dù đã có kết quả bầu cử Quốc Hội tốt hơn mong đợi, đang ở trong tình trạng sợ hãi ông Trump.

Rất ít quan chức dân cử của đảng Cộng Hòa vào giai đoạn này có ý định chấp nhận rủi ro bằng cách giữ khoảng cách với tổng thống Trump, gia đình ông, và nhất là cơ sở bầu cử của ông.

Vẫn còn phải xem liệu việc tổng thống Trump rời Nhà Trắng vào ngày 20 tháng Giêng năm 2021 có sẽ dẫn đến thay đổi hành vi trong phe Cộng Hòa và trong số những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm hay không, mang lại vẻ "bình thường" cho đời sống chính trị Mỹ. Hay là các xu hướng quan sát được trong những tuần gần đây lại trở thành tiêu chuẩn ?

Đầu trang

18/12/2020 - voatiengviet.com

Một cách mới để lãnh đạo Thế giới tự do – Hoa Kỳ và thế giới hậu Covid

Tư liệu- Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Concordia Europe ở Athens, Hy Lạp, ngày 7/6/2017.

Đúng 12 giờ trưa ngày 20/1/2021, Hoa Kỳ sẽ tổ chức Lễ Tuyên thệ nhậm chức cho vị Tổng thống thứ 46 - Joe Biden. Ngay lập tức, ông sẽ phải đối đầu với nhiều vấn đề nan giải: trong nội bộ và trên trường quốc tế trong bối cảnh một đại dịch đang đẩy thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, vào “mùa đông ảm đạm nhất”, như khuyến cáo của các nhà khoa học.

Trong nội bộ, ông Biden sẽ phải hàn gắn những sự chia rẽ sâu xa trong dân chúng, vực dậy một nền kinh tế bị tàn phá, “gầy dựng lại tốt hơn” một xã hội đã bị đại dịch và chia rẽ chính trị biến đổi cả bộ mặt đến mức không còn nhận ra được, một đất nước nơi đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người, với số ca tử vong mỗi ngày tương đương với số người chết trong vụ khủng bố 11/9/2001, một đất nước nơi mà nạn thất nghiệp tràn lan vì dịch đã khiến lần đầu tiên, nhiều người phải rồng rắn xếp hàng nhận lương thực miễn phí.

Về mặt đối ngoại, trong một thế giới đầy bất định giữa “trận dịch thế kỷ”, một điều hầu như chắc chắn sẽ xảy ra là những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các nước cạnh tranh, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ diễn ra gay gắt hơn cả trước khi đại dịch bộc phát.

Thừa cơ hội Hoa Kỳ đang khó khăn khống chế đại dịch, và việc Mỹ phần nào đã tự cô lập với chính sách “Nước Mỹ Trên Hết”, tấn công cả bạn lẫn thù, Bắc Kinh đã thách thức vai trò lãnh đạo thế giới tự do mà Hoa Kỳ đảm trách từ sau Thế Chiến thứ Hai nhằm duy trì “Pax Americana”, một nền trật tự đã cho phép thế giới phát triển trong hòa bình.

Trong bối cảnh một thế giới có nhiều thay đổi với sự trỗi dậy của nhiều chế độ độc tài, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói Hoa Kỳ có một cơ hội mới để lãnh đạo thế giới tự do, và huy động các đồng minh để cùng nhau lật ngược xu hướng độc tài trên thế giới.

Trong một bài viết trên báo Wall Street Journal, ông Rasmussen nói rằng trong năm 2021, Hoa Kỳ và các nước đồng minh có một cơ hội "chỉ đến một lần trong một thế hệ" để lật ngược xu hướng thoái hóa của chủ nghĩa dân chủ, và chặn lại các nền chuyên chế như Nga và Trung Quốc. Điều đó, theo ông, sẽ xảy ra nếu các nền dân chủ lớn đoàn kết lại để theo đuổi chủ nghĩa tự do.

Nhưng ông khuyến cáo Tổng thống tân cử Joe Biden rằng ông không thể vặn ngược chiều kim đồng hồ để trở lại cái thế giới đa cực của cách đây 4 năm, khi mà các nước độc tài thu phục từng chế độ dân chủ một, bằng cách đánh đổi đầu tư chiến lược hay cung cấp năng lượng giá rẻ để đổi lấy sự hậu thuẫn của các nước đó.

Ông Rasmussen nói cho phép các đồng minh bán đi an ninh kinh tế của mình trong khi cùng lúc trông đợi “Chú Sam” tiếp tục duy trì ô dù an ninh quân sự chỉ lót đường cho thêm một chính quyền tự cô lập theo kiểu Tổng thống Trump chiếm được Tòa Bạch Ốc trong 4 năm nữa.

Cựu Tổng thư ký Nato Rasmussen nói thay vào đó, Washington nên tập trung tạo ra niềm tin mới cho thế giới tự do, điều mà các xã hội tự do, vốn cho phép các ý kiến đối lập và bất đồng, thường không có. Ông nói trong cương vị Tổng thư ký NATO, ông đã từng tìm cách xây dựng các liên kết đó trên khắp thế giới, tạo ra các quan hệ đối tác mới, củng cố các đối tác hiện có với các nền dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc và Hàn quốc.

Ông nhận xét rằng gần đây, thế giới đã chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa độc tài, trong bối cảnh công nghệ đã tiến tới mức có thể trở thành một công cụ cho tự do, cũng như để đàn áp. Cách đây 5 năm, một liên minh các nền dân chủ là một mục tiêu cao đẹp đang thành hình, ngày nay liên minh đó là thiết yếu để giải quyết các vấn đề khẩn cấp của thế giới.

Theo ông Rasmussen, Hoa Kỳ phải đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đó, bởi vì Hoa Kỳ là nước duy nhất có đủ sức mạnh và ảnh hưởng để làm việc đó. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Hoa Kỳ vẫn duy trì được nền dân chủ của mình, và các cuộc bầu cử năm 2020 là một cuộc trắc nghiệm về sức mạnh và tính bền bỉ của nền dân chủ Mỹ.

Ông Rasmussen nói Hoa Kỳ đã vượt qua được cuộc trắc nghiệm để bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền hành có trật tự, ngay cả khi chính nhà lãnh đạo quốc gia đặt nghi vấn về tính chính đáng của tiến trình dân chủ.

Ông Rasmussen nói giờ đây các đồng minh của Mỹ - mệt mỏi vì những sự chia rẽ trong thế giới tự do - đang sẵn sàng hợp tác với Tổng thống tân cử Joe Biden. Ông Rasmussen nói họ nóng lòng trông đợi một nhà lãnh đạo cương quyết, và theo kinh nghiệm, ông tin rằng ông Biden sẽ nắm lấy cơ hội này.

Ông Rasmussen nói Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo nỗ lực này, nhưng Hoa Kỳ sẽ “không đơn độc”. Ông nói các nền dân chủ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Đài Loan tới Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo đồng chí hướng, ủng hộ dân chủ, để chống lại lối hành xử lấn át của Trung Quốc.

Tại châu Âu, sau Brexit, nước Anh sẽ chủ trì Thượng đỉnh G7 trong năm 2021, quy tụ các nền dân chủ và kinh tế hàng đầu của thế giới. London dự định dùng cơ hội này để gọi là “mở cửa cho thế giới tự do”, và thả nổi khả năng thành lập một hội nghị “Democratic 10”, hay D-10, để mời các nền dân chủ lớn khác như Ấn Độ, Úc và Hàn quốc ngồi xuống bàn hội nghị.

Nhưng không phải tất cả các đồng minh của Mỹ đều được thuyết phục về sự cần thiết của một liên minh dân chủ toàn cầu. Pháp và Đức có thể lo ngại là một liên minh các nền dân chủ thế giới có thể giảm bớt vai trò trung tâm của một hệ thống đa phương toàn cầu do Liên Hiệp Quốc đại diện. Và sự hồi sinh của liên minh xuyên Đại Tây Dương có thể cản trở kế hoạch tăng cường tính độc lập chiến lược của Châu Âu, tách khỏi Hoa Kỳ.

Ông Rasmussen nói củng cố liên minh dân chủ toàn cầu sẽ cho phép các nước thành viên xây dựng lại chủ nghĩa đa phương, chứ không bỏ qua nó. Và Châu Âu cần tiếp tục tự lập, và đầu tư nhiều hơn vào an ninh của chính họ, bởi vì một Châu Âu hùng mạnh hơn có nghĩa là một thế giới tự do hơn.

Cựu Tổng thư ký Nato Rasmussen nói Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò trung tâm trong trật tự thế giới mới, bởi vì 4 năm vừa qua cho thấy là chủ nghĩa Tự do đã thoái lui khi mà Hoa Kỳ từ khước vai trò lãnh đạo thế giới, và bây giờ đã tới lúc nên xây dựng một liên minh các nền dân chủ toàn cầu.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm phân tích Chính sách Châu âu (CEPA) Edward Lucas, từng là Biên tập của tờ The Economist, nói rằng chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” không hữu hiệu khi Hoa Kỳ phải đối phó với một nước đối nghịch toàn cầu như Trung Quốc.

Ông nói các nước trong liên minh xuyên Đại Tây Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, và các nước dân chủ ở Đông Á, như Nhật Bản, Hàn quốc, không có một chiến lược rõ rệt để đối phó với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của họ. Ông nói ngược lại Đảng Cộng sản Trung Quốc có một chiến lược để đối phó với các đối thủ.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn có một trật tự thế giới trong đó họ đóng vai trò soạn thảo luật chơi, chứ không phải là nước phải tuân thủ luật chơi của các nước khác”.
Edward Lucas,nhà nghiên cứu kỳ cựu của Trung tâm phân tích Chính sách Châu âu (CEPA)/ Cựu Biên tập của The Economist

Ông cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành chiến lược đó một cách quyết đoán, và khai thác những điểm yếu của các đối thủ về mọi phương tiện: ngoại giao, kinh tế, chính trị, và xã hội. Những chiến thuật của Trung Quốc gồm kiểm duyệt và thao túng hệ thông thông tin, hoạt động trên mạng, tuyên truyền, dùng thương mại và đầu tư như một công cụ, và cả phô trương và đe dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự.

Ngược lại, Hoa Kỳ và các đồng minh không có mục tiêu rõ rệt. Hướng tiếp cận của họ được đặt trên ý niệm sai lầm rằng toàn cầu hóa, sự thịnh vượng và công nghệ sẽ tự do hóa Trung Quốc. Họ đánh giá thấp những nhược điểm của chính họ, họ tự chế, không khai thác những điểm yếu của Trung Quốc. Họ ưu tiên các lợi ích kinh tế trước mắt và không chú ý tới các mục tiêu chiến lược lâu dài.

Ông nói các nền dân chủ thế giới không thiếu tài lực, nhưng họ cần xác định các mục tiêu, ưu tiên, và tận dụng óc sáng tạo để sử dụng các nguồn tài lực một cách hữu hiệu nhất.

Nhà phân tích cho rằng mặc dù nắm được tham vọng bá chủ của Trung Quốc, nhưng chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” đã khiến chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ đồng minh và rút ra khỏi các chiến trường. Ông đơn cử quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), như vậy càng cho phép Trung Quốc tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong chính sách y tế toàn cầu.

Chuyên gia này nói mục tiêu của các nền dân chủ, không phải là lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay kiềm hãm Trung Quốc theo kiểu Chiến tranh Lạnh bởi vì Trung Quốc quá lớn, quá quan trọng và liên kết quá chặt chẽ với các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như với các thị trường tài chính, cho nên mục đích của liên minh các nền dân chủ là kiềm hãm cách hành xử có hại của Trung Quốc.

Ông nói những sáng kiến bị chính quyền Tổng thống Trump bác bỏ như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương nên được xét lại.

Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, vai trò của các nhóm như D-10, quy tụ 10 nền dân chủ hàng đầu thế giới, cũng như Sáng kiến Tam Hải (The Three Seas Initiative), bao gồm 12 quốc gia dân chủ, các quốc gia thành viên EU, nằm giữa ba vùng biển - biển Baltic, biển Đen và biển Adriatic, và Liên minh Tình báo Five Eyes Plus, cần được phát huy.

Đầu trang

01-01-2021 - baotiengdan.com

Tương lai hậu-Trump của Văn học Mỹ

New York Times
Tác giả: Nguyễn Thanh Việt
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
22-12-2020

Tác giả Nguyễn Thanh Việt là Chủ nhiệm khoa Anh văn, ngạch Aerol Arnold, và là Giáo sư Anh văn, Nghiên cứu Hoa Kỳ và Dân tộc học tại Đại học Nam California. Ông từng đoạt giải Pulitzer và là thành viên của Hội đồng giải thưởng Pulitzer.

***

Các nhà văn sẽ làm gì khi hết phẫn nộ? Liệu họ có quay lại viết về bông hoa và trăng sao hay không?

Donald Trump là một tổng thống phản văn học. Rõ ràng là người này không đọc sách, ngoài các tờ báo cáo và các dòng tweet được pha rất loãng. Ổng thiếu một yếu tố cốt lõi cần thiết cho văn học: Đó là sự đồng cảm với người khác.

Sự đắc cử của Joe Biden và Kamala Harris báo hiệu việc phục hồi khả năng đồng cảm của giới lãnh đạo vào năm 2021. Nhưng sự đồng cảm chỉ là một cảm xúc và chúng ta đừng bao giờ nhầm nó với hành động. Tình cảm nồng nàn của Barack Obama không tái định hướng thế giới nhắm vào công lý nhiều như một số người trong chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, thế giới văn học đã đón nhận ông Obama. Phải cần đến ông Trump để đánh thức giới văn học về các vấn đề chính trị.

Nhiều nhà văn, giống như tôi, đã nhắn tin cho cử tri, quyên góp cho chính nghĩa của các nhà hoạt động, đã tham gia những cuộc đấu đá gay gắt trên mạng xã hội và viết các bài phản biện tấn công chính quyền Trump. Nhiệt tình chính trị của họ gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Nhưng nếu những nhà văn này rút lui về con người tiền-Trump của họ, thì những bài học của thời đại này sẽ không được rút tỉa chút nào.

Văn học Mỹ có một mối quan hệ rắc rối với chính trị. Văn chương dòng chính – thơ và tiểu thuyết được viết bởi những người da trắng, được giáo dục đàng hoàng và được quản lý bởi một bộ máy rà soát, xuất bản và giữ cửa, phần lớn là người da trắng và hưởng đặc quyền – có xu hướng phi chính trị. Hầu hết giới văn học Mỹ đồng hóa chính trị trong văn học với chủ nghĩa hiện thực xã hội, tuyên truyền và tất cả những tệ nạn khác được cho là của văn học Cộng sản và xã hội chủ nghĩa, vô tình bỏ qua tính thẩm mỹ kích thích của các nhà văn chính trị như Aimé Césaire, Richard Wright và Gloria Anzaldúa.

Ở mức độ mà ngành xuất bản chính mạch muốn bày tỏ một thái độ chính trị, nó tập trung vào những cuốn sách phi hư cấu về những thứ như bầu cử, những bạch thư của người trong cuộc và những hồi ký tổng thống. Các mục tiêu chính trị khác có thể chấp nhận được trước quan tâm phóng khoáng của người da trắng: môi trường, chế độ ăn chay trường, giáo dục.

Nhưng ông Trump đã phá hủy khả năng sống phi chính trị của các nhà văn da trắng. Mọi người đều thể hiện một sự lựa chọn, đặc biệt là khi đối mặt với đại dịch coronavirus và việc sát hại George Floyd, cả hai sự kiện này đã khiến cái giá sinh tử của nạn kỳ thị chủng tộc mang tính hệ thống [systemic racism] và tình trạng bất bình đẳng kinh tế trở thành một tiêu điểm nhức nhối.

Nhưng vào năm 2021, liệu các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn da trắng, sẽ thở phào nhẹ nhõm và trở về lại với thứ chính trị của những người phi chính trị, tức là trở lại với đặc quyền của người da trắng hay không?

Sinh hoạt chính trị biểu hiện rõ nét trong thi ca và tiểu thuyết Mỹ hiện nay hầu như đang được giao cho những kẻ bên lề: nhà văn da màu, nhà văn đồng tính và chuyển giới, nhà văn nữ quyền, nhà văn chống thực dân.

Việc một số giải thưởng văn học lớn trong những năm gần đây được trao cho các nhà văn như thế cho thấy hai điều: Thứ nhất, họ đang viết một số tác phẩm hấp dẫn nhất trong văn học Mỹ; và thứ hai, giải thưởng văn học có chức năng là những đền bù thiệt hại mang tính biểu tượng ở một quốc gia chưa có khả năng đền bù thiệt hại thực sự.

Việc trao cho nhà văn Charles Yu Giải thưởng Sách quốc gia về cuốn “Trong Khu phố Tàu” [Interior Chinatown], một tác phẩm phê bình vừa vui nhộn vừa gay gắt về cách Hollywood mô tả người Mỹ gốc Á dưới góc nhìn phân biệt chủng tộc, là một việc dễ làm hơn so với việc thực sự biến đổi Hollywood. Ngành xuất bản cũng dễ dàng trao giải thưởng cho các nhà văn bị thiệt thòi hơn là thay đổi các phương thức tuyển dụng họ. James Baldwin đã viết vào năm 1953 rằng “thế giới này không còn trắng nữa, và nó sẽ không bao giờ trắng trở lại,” nhưng một ngành xuất bản có đội ngũ biên tập viên là 85% da trắng và danh sách tiểu thuyết là 95% da trắng, vẫn còn quá trắng.

Trong thời đại Biden, liệu ngành xuất bản có làm gì nhiều hơn chỉ là cảm thấy khó chịu về điều đó và cam kết tuyển dụng một nhóm biên tập viên và thực tập sinh đa dạng văn hóa và xây dựng một lộ trình cho sự lãnh đạo đa dạng văn hóa trong tương lai hay không?

Bản thân “tính đa dạng văn hoá” sẽ là một dạng chính trị hoàn toàn rỗng tuếch trừ phi nó xảy ra ở mọi cấp độ của một ngành, và trừ phi nó thay đổi một cách có ý nghĩa một lề lối thực hành thẩm mỹ [aesthetic practice]. Đây là một trong những lời chỉ trích nặng nề dành cho nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Mặc dù ta có thể đổ lỗi cho sự ngoan cố của Đảng Cộng hòa, nhưng ông Obama vẫn còn khá ôn hoà trong việc theo đuổi chính sách đa dạng văn hoá, ví như một người đã mày mò với tổ hợp công nghiệp-quân sự [the industrial-military complex] mà không chịu biến đổi nó.

Việc nhiều người trong giới văn học sẵn sàng bỏ qua các chính sách trục xuất người nhập cư và đánh bom bằng máy bay không người lái của ông Obama, một phần bởi vì ông ta là một tổng thống có cách ăn nói văn hoa và thấu cảm, cho thấy phần nào sự trống rỗng của chủ nghĩa tự do-bình đẳng [liberalism] và chủ nghĩa đa văn hóa [multiculturalism]. Sự đồng cảm, chữ ký cảm xúc của họ, hoàn toàn tương hợp với việc giết người ở nước ngoài – nhiều người trong số đó là vô tội – và hỗ trợ cho một hệ thống cảnh sát và nhà tù gây hại một cách không cân xứng cho người da đen, người bản địa và người da màu khác, cùng với người nghèo. Hoá ra là, một tổng thống có thể vừa ưa thích các cuộc đánh bom bằng máy bay không người lái, vừa biết chọn một danh mục sách đọc hàng năm nặng về văn học đa văn hóa.

Và ở đây, những nhà văn bị gạt ra ngoài lề, kể những câu chuyện về những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ không được chấp nhận. Lấy văn học nhập cư làm ví dụ. Trong những năm bài ngoại của Trump, khi người nhập cư và người tị nạn bị coi như ma quỉ, chỉ đơn thuần đứng lên ủng hộ người nhập cư cũng trở thành một chính nghĩa đáng giá về mặt chính trị.

Nhưng rất nhiều tư liệu văn học về người nhập cư, mặc dù chú ý đến những khó khăn về chủng tộc, văn hóa và kinh tế mà người nhập cư phải đối mặt, cuối cùng cũng khẳng định một giấc mơ Mỹ đôi khi cao cả và đầy khát vọng, và đôi khi chỉ là chiếc mặt nạ che đậy những bất bình đẳng về cấu trúc của một quốc gia thuộc địa bằng người định cư [a settler colonial state]. Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về chủ nghĩa thực dân định cư [settler colonialism], huống hồ sử dụng nó để mô tả đất nước mình. Đó là bởi vì người Mỹ thích gọi chủ nghĩa thực dân định cư là giấc mơ Mỹ.

Quá nhiều tư liệu văn học về người nhập cư và đa văn hóa đã không thể lột bỏ chiếc mặt nạ đó. Tuy nhiên, việc chính trị hóa những nhóm dân cư này thực sự là mối đe dọa đối với quốc gia da trắng mà ông Trump đại diện. Nền chính trị bản sắc da trắng luôn là nền chính trị thống trị của đất nước này, nhưng bao lâu mà nó còn phát triển và không bị đe dọa, nó chưa bao giờ là nền chính trị da trắng lộ liễu. Nó chỉ đơn thuần là chuẩn mực [normative], và hầu hết các nhà văn da trắng (và người da trắng) không bao giờ tra hỏi về tính chuẩn mực của bản chất da trắng. Nhưng cuộc hành trình dài, không trọn vẹn hướng tới bình đẳng chủng tộc từ năm 1865 đến nay đã dần dần xói mòn sự thống trị của người da trắng, với sự rạn vỡ đáng kể nhất xảy ra trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Các nhà văn không chỉ tuần hành chống chiến tranh, họ còn viết lách chống lại nó. Trong số các nhà văn Mỹ da trắng, các nhà thơ như Robert Lowell là những người đầu tiên phản đối chiến tranh, cùng với các nhà văn xuôi như Susan Sontag và Norman Mailer.

Tuy nhiên, tiếp theo sau chiến tranh, việc chính trị hóa các nhà văn da trắng đã phai mờ, ngay cả khi việc chính trị hóa các nhà văn da màu không hề mai một. Vào những năm 1980, năng lượng chính trị của các nhà văn da màu tập trung nhiều hơn vào cái gọi là chính trị bản sắc và chủ nghĩa đa văn hóa, vào nhu cầu về danh mục sách đọc, giáo trình giảng dạy văn học và giải thưởng dành cho các nhóm thiểu số. Cuộc phản công chống lại những nỗ lực này đã dẫn đến “cuộc chiến văn hóa”, với những người bảo vệ giáo luật văn học phương Tây (da trắng) cho rằng chủ nghĩa đa văn hóa đang làm xói mòn nền tảng văn hóa Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa đa văn hóa hầu như đã thắng cuộc chiến đó, nhưng ông Trump là người tiếp tục cuộc phản công của phe bảo thủ. Ông Trump rõ ràng muốn đẩy lùi dòng thời gian của Mỹ về những năm 1950, hoặc thậm chí có thể đến năm 1882, năm của Đạo luật Loại trừ người Trung Hoa.

Những gì ông ta cố gắng làm về mặt chính trị và kinh tế, ông ta cũng cố gắng làm về mặt văn hóa với Sắc lệnh Hành pháp về việc Chống Định kiến Chủng tộc và Giới tính [Executive Order on Combating Race and Sex Stereotyping]. Sắc lệnh này cấm các cơ quan liên bang và bất kỳ tổ chức nào nhận tài trợ liên bang nói chuyện với nhân viên về đặc quyền của người da trắng hoặc đưa ra các chương trình đào tạo thúc đẩy tính đa dạng văn hoá, công bằng xã hội và sự hòa nhập các nhóm thiểu số.

“Thuyết chủng tộc cốt lõi” [critical race theory] đã trở thành mục tiêu cho sự bực bội của ông Trump. Ông đã trực giác chính xác rằng việc rọi ánh sáng vào bản chất da trắng [whiteness] đang đe dọa những người từ lâu an nghỉ thoải mái trong bản chất da trắng của mình mà không hề bị ai thắc mắc, gồm cả những người da trắng bảo thủ lẫn những người da trắng cổ vũ tự do-bình đẳng, một luận điểm mà nhà thơ Claudia Rankine đã đề cập đến trong cuốn sách năm 2020 của cô “Just Us”[Chỉ chúng ta với nhau thôi].

Jess Row cũng đưa ra quan điểm tương tự trong cuốn sách tiểu luận gần đây của mình, “White Flights” [Những chuyến bay màu trắng], trong đó ông cho thấy bản chất da trắng đã ăn sâu như thế nào trong văn học Mỹ và nó có thể được truy nguyên trực tiếp đến các tội lỗi lập quốc của đất nước này, đấy là tội chinh phục, diệt chủng và nô lệ. Bài diễn văn của người đoạt giải Nobel văn học năm nay, nhà thơ Louise Glück, minh họa một cách vắn gọn quan điểm của ông Row. Bà ấy nói về những bài thơ có ý nghĩa đối với bà khi còn nhỏ nhưng đó cũng là những miêu tả có vấn đề về nô lệ da đen và cuộc sống trên đồn điền, một vấn đề mà bà Glück chỉ nói ấm ớ mà thôi.

Cái gọi là văn học thể loại [genre literature] có số phận tốt hơn cái gọi là văn học tiểu thuyết và thi ca trong phạm trù các tác phẩm phê bình và mang màu sắc chính trị, loại tác phẩm làm lung lay bản chất da trắng và phơi bày các di sản của chủ nghĩa thực dân. Các nhà văn khôn ngoan viết về tội phạm, chẳng hạn, thường có thái độ chính trị vì họ biết rằng một tội ác cá nhân là một biểu hiện của cả một xã hội phạm tội ác hàng loạt.

Một số ví dụ gần đây: nhà văn Don Winslow, trong bộ ba tiểu thuyết của mình về cuộc chiến chống ma túy mà đỉnh điểm là cuốn “The Border” [Biên giới] liên kết trực tiếp những cuộc chiến ma túy đó với các cuộc xung đột quân sự mà đất nước này đã tham chiến hoặc kích hoạt, từ Việt Nam đến Guatemala. Nhà văn Steph Cha trong cuốn “Your House Will Pay” [Nhà mày sẽ trả giá] tiếp cận cuộc bạo loạn ở Los Angeles thông qua một vụ giết người bí ẩn tập trung vào mối quan hệ giữa người da đen và người Hàn Quốc, thay vì tập trung vào mối quan hệ của họ với cơ cấu quyền lực da trắng đã dàn cảnh khiến hai bên xung đột. Nhà văn Attica Locke trong cuốn “Heaven, My Home” [Thiên đàng, Nhà tôi] tiếp tục cuộc phiêu lưu của Darren Mathews, một nhân viên kiểm lâm da đen Texas, khi anh điều tra những tội ác bùng phát từ tình trạng dầu sôi lửa bỏng do phân biệt chủng tộc và tham vọng của nước Mỹ.

Bốn năm qua được đánh dấu bằng những tác phẩm thơ chính trị mạnh mẽ, như cuốn “Whereas” của Layli Long Soldier, đối đầu với cách đối xử của Hoa Kỳ đối với người bản địa trong quá khứ và hiện tại, và “Look” của Solmaz Sharif, lấy từ vựng từ một tự điển quân sự Mỹ nhằm ném cát vào mắt cỗ máy chiến tranh công nghệ cao của đất nước này.

Việc các nhà văn Mỹ và những người cổ vũ tự do-bình đẳng không có khả năng đối đầu một cách triệt để với cỗ máy chiến tranh này, đặc biệt là khi nó được lèo lái bởi các tổng thống Dân chủ, là minh chứng cho những dấu ấn quá ít ỏi mà phong trào nổi dậy chống chiến tranh ở Việt Nam đã để lại. Ngoài các nhà văn thể loại [genre writers] ra, gần như chính các nhà văn cựu chiến binh như Elliot Ackerman, Matt Gallagher và Phil Klay đã viết về Cuộc chiến Vô tận này. Sự thể cũng chỉ vì tuyệt đại đa số người Mỹ bị cách ly với việc triển khai cỗ máy chiến tranh và không muốn nghĩ về sự dính dấp của mình trong đó.

Tuy nhiên, đối với các dân tộc bản địa, lịch sử của quân đội Mỹ có mặt khắp mọi nơi. Natalie Diaz, trong “Postcolonial Love Poem” [Bài thơ tình thời hậu thuộc địa], nêu câu hỏi liệu Hoa Kỳ có thật sự nằm trong thời hậu thuộc địa hay chưa, và nếu có, thì đối với ai. Có lẽ đối với người da trắng, những người chỉ muốn quên đi chủ nghĩa thực dân, nhưng không phải đối với người bản địa vẫn đang chiến đấu chống lại nó.

Vậy năm 2021 sẽ mang lại điều gì cho thế giới văn học?

Hy vọng sẽ có thêm nhiều bài thơ như tiếng kèn thúc quân mạnh mẽ năm 2020 của nhà thơ nữ Noor Hindi, “F^ck Your Lecture on Craft, My People Are Dying” [Địt mẹ bài giảng của mày về nghề viết văn. Dân tao đang chết], một bài thơ vừa tấn công vào học vị cao nhất của ngành Nghệ thuật [M.F.A] vừa vượt qua lằn ranh đỏ choét trong chính trị Mỹ: đề tài Palestine. Mặc dù có cú sốc nhẹ của những người cổ vũ tự do-bình đẳng đối với “văn hoá tẩy chay” [cancel culture], được ví như một thể dục có thể gây thương tích trong xã hội công dân và tự do ngôn luận, nhưng sự tẩy chay thật sự đối với vấn đề Palestine đã phát xuất từ nhà nước.

Không có gì ngạc nhiên khi không có cuộc nổi dậy tập thể nào của những nhà văn cổ vũ tự do-bình đẳng (da trắng) chống lại lệnh hành pháp của ông Trump vào năm ngoái để trấn áp những lời chỉ trích Israel trong khuôn viên trường đại học, một hình thức kiểm duyệt của nhà nước, hoặc chống lại nỗ lực của nhiều nhà lập pháp có hành động tương tự.

Hoa Kỳ, với tư cách là một xã hội thuộc địa định cư [settler colonial society] từ chối nguồn gốc và hiện tại thuộc địa định cư của mình, nhìn thấy ở Israel một đồng minh có cùng chí hướng. Những người Mỹ duy nhất – nhiều người gốc Palestine – bị tẩy chay bằng cách bị sa thải, bị từ chối biên chế hoặc bị đe dọa kiện tụng là những người tố cáo chủ nghĩa thực dân định cư Israel và lên tiếng bảo vệ người dân Palestine.

Các bài giảng về nghề viết, bao gồm cả nghề viết về chủ nghĩa đa văn hóa, có thể trở nên vô vị khi đối chiếu với chính trị kiểu này. Vấn đề của tôi đối với “nghề viết” không chỉ là nó thậm chí không phải là nghệ thuật, mà còn là nó được cổ vũ bởi các nhà văn nói về lao động của nghề viết và về các cuộc hội thảo viết văn, nhưng nói chung họ không có lý thuyết về lao động, về sự bóc lột lao động hoặc về nhà văn như một người lao động. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà văn không có lý thuyết như vậy ít nói về chính trị, và tại sao tiêu chuẩn cho các hội thảo viết văn lại không liên quan đến chính trị.

Bà Hindi viết: “Những người thực dân viết về bông hoa. “Tôi muốn làm nhà thơ quan tâm đến trăng sao. Người Palestine không nhìn thấy trăng sao từ các phòng giam và nhà tù“.

Đây là loại thơ của tôi.

“Tôi biết mình là người Mỹ bởi vì khi tôi bước vào phòng, một thứ gì đó sẽ chết đi,” bà Hindi viết. “Khi tôi chết, tôi hứa sẽ ám ảnh bạn mãi mãi.”

Những nhà văn như bà Hindi là một ngoại lệ trong nhiều hội thảo, nơi họ thường bị buộc phải giải thích mình trước trung tâm chuẩn mực của một nền văn học phi chính trị. Nhưng bài thơ này không giải thích bất cứ điều gì, và đó là một trong những lý do khiến nó rất hấp dẫn.

“Một ngày nào đó, tôi sẽ viết về những bông hoa giống như chúng tôi sở hữu chúng”.

Ai đó hãy đưa cho Noor Hindi một hợp đồng sách đi nào.

Đầu trang

12-1-2021 - baotiengdan.com

Di sản của Trump và đảng Cộng hòa

Một kẻ tham gia bạo loạn ngày 6/1, ngồi vào bàn làm việc của một nhà lập pháp ở Capitol. Nguồn: Getty Images/ Economist

Hoàng Thủy Ngữ

Ngày 20/1/2021 Trump sẽ phải rời tòa Bạch Ốc. Kỷ nguyên của Trump sẽ qua đi nhưng di sản của ông ta vẫn còn sống. Đó là một phong trào có thể trở thành cực đoan hơn nữa trong thời gian sắp tới. Và cái di sản này sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ trong thời gian dài.

Việc những người ủng hộ Trump xâm chiếm tòa nhà Quốc hội là cuộc tấn công nghiêm trọng vào các thể chế dân chủ. Tuy nhiên, tình hình đã được kiểm soát tương đối nhanh chóng. Và ngay sau đó, Quốc hội chính thức tuyên bố, ông Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Các thể chế và truyền thống dân chủ mà Hoa Kỳ đã phát triển trong 200 năm qua vẫn tồn tại dưới thời Trump. Tuy nhiên, ông ta đã phá hỏng nền dân chủ bằng những cách khác. Có 2 cách đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, bằng cách làm cho Đảng Cộng hòa trở thành độc tài hơn. Thứ hai, bằng cách làm suy giảm niềm tin của người Mỹ vào các thể chế dân chủ và đẩy mạnh sự phân cực vốn đã âm ỉ từ lâu trong xã hội Mỹ.

Ngày nay, chúng ta biết rằng sự phân cực gần như bao trùm lên mọi cuộc tranh luận xã hội trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có cái mới trong cách thức phân cực hiện nay.

Trong quyển sách The Gingrich Senators (2013), Sean Theriault, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Texas, viết rằng thách thức đối với Hoa Kỳ không ở chỗ các chính trị gia Mỹ bất đồng sâu sắc – vì họ vẫn luôn làm như vậy. Vấn đề là phương cách họ không đồng ý với nhau.

Theo Theriault, chính trị không chỉ để thắng đối thủ mà còn làm nhục họ. Mục đích không phải để thảo luận, mà để tấn công người không đồng quan điểm. Cũng không phải để đưa ra luật, mà để tranh cử.

Một nghiên cứu mới về các đảng phái trên thế giới của viện V-Dem tại đại học Gothenburg ở Thụy Điển, cho thấy, khuynh hướng độc tài trong đảng Cộng hòa đã diễn ra suốt 20 năm qua, với đỉnh điểm là việc Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử và những người ủng hộ ông đã xông vào Điện Capitol. Giờ đây, đảng này giống các đảng cánh hữu độc tài ở Đông Âu hơn là các đảng anh em truyền thống của nó ở Tây Âu.

Nghiên cứu được công bố vào thứ Hai cho thấy, đảng đã theo một quỹ đạo tương tự như Fidesz, dưới thời Viktor Orbán, từ một phong trào thanh niên tự do phát triển thành một đảng độc tài, biến Hungary thành quốc gia phi dân chủ đầu tiên trong Liên minh châu Âu”.

Một trong những điểm nổi bật mà viện nghiên cứu V-Dem nêu ra là nỗ lực chụp mũ, bôi nhọ các đối thủ chính trị và khuyến khích bạo lực qua việc không giữ khoảng cách rõ ràng với các nhóm cực đoan, áp dụng thái độ và chiến thuật tương tự như các đảng dân tộc chủ nghĩa cầm quyền ở Hungary, Ấn Độ, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các dữ liệu cho thấy, trong năm 2018, so với hầu hết các đảng cầm quyền khác trong nền dân chủ, đảng Cộng Hòa bất hợp pháp hơn nhiều“.

Rất ít đảng cầm quyền trong các nền dân chủ trong thiên niên kỷ này (15%) bị coi là bất hợp pháp hơn đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ“.

Chúng tôi có một số trích dẫn từ Trump, cho thấy ông đã khuyến khích những người ủng hộ sử dụng bạo lực chống lại các nhà báo hoặc đối thủ chính trị như thế nào“.

Viện V-Dem đã tìm thấy, lần đầu tiên trong thế kỷ này, nền dân chủ đã suy thoái trên toàn thế giới, chế độ độc tài chiếm đa số – nắm giữ quyền lực tại 92 quốc gia, nơi cư trú của 54% dân số toàn cầu.

Theo tiêu chuẩn của V-Dem, gần 35% dân số thế giới, 2,6 tỷ người, sống ở các quốc gia đang trở nên độc đoán hơn.

Câu hỏi giờ đây là, liệu vở tuồng mới nhất mà Trump dựng ra sẽ kết thúc thời đại của một kẻ mị dân hay khởi đầu cho một nước Mỹ leo thang xung đột và bất ổn hơn. Chúng ta mong ước cái trước, nhưng cũng có nhiều lý do để sợ cái sau.

Sự mất niềm tin vào thể chế dân chủ, bất bình đẳng xã hội, thái độ độc đoán, kỳ thị, dối trá, hệ thống bị tham nhũng, sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp bị suy giảm và bầu không khí chính trị không thể hòa giải, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xung đột, cực đoan và thù hằn. Và Trump là người liên tục đổ dầu vào lò lửa chính trị độc hại này bằng những lời dối trá và thuyết âm mưu.

Nhiều người ủng hộ Trump vì họ căm tức giới chóp bu ở Washington. Họ cảm thấy không được đại diện cũng như không được các cấu trúc quyền lực quan tâm. Ngoài ra, nỗi lo sợ bị mất một lãnh đạo dân túy ở Tòa Bạch Ốc cùng chuyện đảng Cộng Hòa chỉ còn là thiểu số trong cả hai viện của Quốc Hội, đã khiến họ bực tức và có cảm giác bất lực.

Đảng Cộng hòa cũng chia thành hai nhóm, gồm những người ủng hộ Trump và các lực lượng ôn hòa. Trong một hệ thống đa đảng, chuyện này sẽ nhanh chóng dẫn đến sự chia rẽ. Những người cực đoan hơn sẽ thành lập một đảng mới. Nhưng việc này khó có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Một hệ thống lưỡng đảng với quá trình lâu dài trong lịch sử không tạo cơ hội cho việc ly khai và thành lập một đảng mới. Do đó, các trận chiến phải diễn ra trong nội bộ đảng.

Những người muốn có nền dân chủ và sự ổn định thường hy vọng phe ôn hòa chiến thắng. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn đó. Các lực lượng cực đoan sẽ không biến mất. Khi phong trào của Trump không đồng quan điểm, họ có thể tiếp tục sống bên ngoài các cơ cấu đảng phái chính thức.

Chuyện này tạo cơ hội cho các nhóm cực hữu có thể dễ dàng chiêu mộ những người ủng hộ Trump vốn đang tức giận và vỡ mộng. Đó là những người cảm thấy “tất cả mọi thứ đã mất” và không còn gì có thể cứu vãn thông qua các cơ chế dân chủ. Cách giải quyết duy nhất còn lại là bạo lực.

Joe Biden là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhưng ông tiếp quản một đất nước hỗn loạn với những vết thương còn nặng hơn trước. Ông nói về nhu cầu “hàn gắn” và hòa giải trong bài phát biểu chiến thắng của mình. Ông hoàn toàn đúng. Nhưng làm được điều đó không dễ dàng gì khi Trump liên tục phủ nhận kết quả cuộc bầu cử, đả phá tính chính danh của vị tổng thống đắc cử trước khi buộc phải bàn giao quyền lực. Nhiều người Cộng hòa tin rằng, cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và Biden không phải là một tổng thống hợp pháp.

Khi chính quyền Biden bị coi là “cực tả”, cai trị nước Mỹ theo đường lối xã hội chủ nghĩa, thì tất cả những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại mà Biden khởi xướng đều có thể bị diễn giải sai lệch theo chiều hướng đó.

Nói cách khác, chính quyền Biden có một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trước mắt. Đó là đoàn kết quốc gia và chữa lành các vết thương chính trị, kinh tế và xã hội do Trump gây ra. Và nếu muốn loại bỏ di sản của Trump, ông không những cần phải có sự hùng biện hợp lý và toàn diện hơn, mà còn cần một chính sách tạo ra sự công bằng rộng lớn. Điều này sẽ mang lại cho những người từ lâu cảm thấy bị lãng quên và bị bỏ rơi niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đồng thời, phải có phản ứng dứt khoát với tất cả những kẻ có ý tưởng và hành vi phản dân chủ.

Nếu người Mỹ không thành công trong việc bình thường hóa các cuộc tranh luận chính trị, thì triển vọng của nền dân chủ sẽ càng lúc càng xấu đi. Hoa Kỳ từ lâu đã coi mình là thành trì bảo vệ tự do và dân chủ trên thế giới. Ngày nay, đất nước này là một bằng chứng điển hình đáng kinh hãi khi nó được dùng để chứng minh là nền dân chủ dễ bị tổn thương như thế nào.

Tham khảo:

https://www.theguardian.com/us-news/2020/oct/26/republican-party-autocratic-hungary-turkey-study-trump

https://www.reuters.com/article/us-usa-election-voter-fraud-special-repo/special-report-how-a-small-group-of-u-s-lawyers-pushed-voter-fraud-fears-into-the-mainstream-idUSKBN2601GZ

https://www.economist.com/graphic-detail/2021/01/07/nearly-half-of-republicans-support-the-invasion-of-the-us-capitol

Đầu trang

17-01-2021 - bbc.com

Di sản Trump: Biden sẽ xử lý việc 'VN thao túng tiền tệ'

GETTY IMAGES - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu nói việc Việt Nam can thiệp vào đồng nội tệ là "không hợp lý" và gây sức ép lên hoạt động thương mại của Hoa Kỳ, nhưng không ngay lập tức áp thuế quan trừng phạt lên Hà Nội. Quyết định của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được đưa ra dựa trên kết quả cuộc điều tra từ hồi tháng 10, theo Điều 301 Đạo luật Thương mại 1974.

Điều 301 cũng là căn cứ pháp lý mà chính quyền ông Trump đã dùng để đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá 370 tỷ đô la mỗi năm, khiến nhiều công ty đã phải chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc.

Công bố kết quả điều tra về chính sách kiểm soát tiền tệ của Việt Nam, USTR nói họ sẽ tiếp tục xem xét toàn bộ các khả năng sẵn có để xử lý tình hình, và tiến trình này sẽ được chuyển giao sang cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào thứ Tư tới đây.

"Các hành động, chính sách và việc thực thi không công bằng, khiến đồng tiền tệ bị yếu đi, đã làm tổn hại tới người lao động và các doanh nghiệp Hoa Kỳ, và việc này cần phải được xử lý," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói trong một tuyên bố. "Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm được phương hướng xử lý những quan ngại của chúng tôi."

GETTY IMAGES - USTR nói họ đã tham vấn với Bộ Tài chính Hoa Kỳ về chính sách ngoại hối của Việt Nam.

Việt Nam 'tạm thở phào'

Hôm 16/12, Bộ Tài chính lần đầu tiên xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là các nước thao túng tiền tệ, trong lúc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước cần theo dõi chính sách tiền tệ bên cạnh chín quốc gia khác.

Các nhóm doanh nghiệp và các chuyên gia thương mại đã lo sợ rằng điều này có thể dẫn tới việc áp biểu thuế quan lên Việt Nam. Việc tung ra những biểu thuế quan cứng rắn lên đối phương là điều mà ông Trump đã không ngần ngại thực hiện trong thời gian bốn năm cầm quyền của mình, thể hiện rõ nhất trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Việt Nam hôm thứ Bảy hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ và gọi đó là một "kết quả tích cực" đạt được nhờ nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.

"Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cởi mở thị trường và tăng đối thoại chính sách, và tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận giữa hai bên... nhằm duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, với mục tiêu đạt thương mại cân bằng, bền vững và cùng có lợi," chính phủ nói trong một tuyên bố.

Trước đó, Việt Nam đã ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ trong việc tìm cách tháo gỡ nhãn "thao túng tiền tệ".

Các cuộc liên lạc trực tiếp ở cấp cao nhất, giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Trump, và ở cấp bộ, đã được thực hiện kể từ lúc Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra cáo buộc đối với Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng trước nói họ không dùng tỷ giá ngoại hối làm công cụ tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng trong hoạt động thương mại, và rằng "việc quản lý ngoại hối trong những năm gần đây được thực hiện trong phạm vi chung của chính sách tiền tệ, và nhằm đạt mục tiêu nhất quán trong việc kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô".

Đầu trang

17/01/2021 - Joaquin Nguyễn Hòa - baotiengdan.com

Thế tiến thoái lưỡng nan của đảng Cộng hòa hậu Trump

Ngày 15/1/2021, Wall Street Journal, tờ báo của giới bảo thủ Mỹ, có tường trình những gì xảy ra bên trong tòa Bạch Ốc trong những ngày cuối cùng làm tổng thống của ông Donald Trump.

Theo tường trình này thì ông Trump có thể sẽ rời Nhà Trắng trong buổi sáng thứ Tư, ngày 20/1/2021, để đi Florida. Đúng 12 giờ trưa cùng ngày, ông Joseph Biden tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Như vậy ông Trump, tổng thống đảng Cộng hòa, phá vỡ thông lệ hàng trăm năm nay là tổng thống mãn nhiệm dự lễ tuyên thệ của tổng thống mới. Đến nay ông Trump vẫn không nhận mình thua cuộc, mặc dù có cam kết chuyển giao quyền lực êm thắm.

Những cố gắng vô vọng và kỳ quặc của ông Trump sau ngày bầu cử 3/11/2020, nhằm phủ nhận kết quả thắng cuộc hoàn toàn hợp pháp của ông Biden, và nhất là vụ ông kích động các ủng hộ viên gây bạo loạn, tấn tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, gây ra rất nhiều bối rối cho các thành viên đảng Cộng hòa.

Ngay sau khi vụ bạo loạn kết thúc, nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã rút lại lời phản đối kết quả bầu cử, mà họ đã nghe theo lời ông Trump trước đó.

Một tuần lễ sau vụ bạo loạn, Hạ viện do đảng Dân chủ đối lập nắm đa số, đã bỏ phiếu đồng ý truất phế ông Trump. Quyết định truất phế này sẽ dẫn đến việc mở một phiên tòa ở Thượng viện để luận tội ông Trump. Trong cuộc bầu cử ở Hạ viện, có 10 dân biểu Cộng hòa đồng ý truất phế ông Trump.

Theo báo Wall Street Journal, trong những ngày cuối cùng ở tòa Bạch Ốc, ông Trump rất tức giận với 10 dân biểu này, tìm hiểu xem họ là ai để trừng phạt họ.

Theo ghi nhận của tạp chí Time, sau khi ông Trump lên cầm quyền vào đầu năm 2017, có hơn 50 dân biểu Cộng hòa chấm dứt làm việc ở Quốc hội, và họ được thay thế bởi những dân biểu Cộng hòa trẻ hơn (khi họ thắng ở các địa phương chống lại những ứng viên Dân chủ). Những dân biểu Cộng hòa trẻ tuổi này ủng hộ ông Trump nhiệt tình hơn.

Bên cạnh đó, có những nhóm Cộng hòa chống ông Trump rất quyết liệt, gọi là những nhóm Never Trump, trong đó nổi bật nhất là nhóm Lincoln Project, góp một phần không nhỏ trong việc vận động cử tri Cộng hòa chống lại ông Trump, làm nên chiến thắng của ông Biden vào ngày 3/11/2020.

Sau cuộc bạo loạn, không những các thượng nghị sĩ Cộng hòa có tiếng từ trước đến nay như Mitt Romney (Utah), Ben Sass (Nebraska), Susan Colin (Maine),… lên tiếng chỉ trích ông Trump mà những đồng minh chính trị từ trước đến nay của ông ta như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell cũng lên tiếng chỉ trích, thậm chí ông McConnell còn tỏ ý rằng ông ủng hộ bản án ở thượng viện tới đây kết tội ông Trump.

Tuy nhiên lực lượng cứng rắn, ủng hộ ông Trump tới cùng vẫn còn, ít nhất là hơn 100 dân biểu ở Hạ viện, ủng hộ việc phản đối kết quả bầu cử. Ở Thượng viện, đáng kể nhất là hai Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas và Josh Hawley của Missouri.

Tại Hạ viện, sau khi một trong những đảng viên cao cấp của đảng Cộng hòa là bà Liz Cheney (Wyoming) bỏ phiếu ủng hộ truất phế ông Trump, một nhóm dân biểu Cộng hòa đã đòi bà Cheney từ chức. Dân biểu Cheney nói rằng, bà làm đúng theo lương tâm, bà không từ chức gì cả.

Cuộc chiến bên trong đảng Cộng hòa lý thú ở chỗ, họ không biết chắc chắn là nếu họ ủng hộ ông Trump thì có lợi gì trong các cuộc bầu cử sắp tới. Nếu họ chống ông ấy, thì nhóm cử tri “trung kiên” của ông Trump sẽ quay lưng với họ. Nhưng nếu họ ủng hộ ông ấy, mặc kệ những hành động kỳ quái của ông ta, nhất là suốt hai tháng sau bầu cử, tấn công vào các định chế lẫn biểu tượng của nền dân chủ (điện Capitol), thì cử tri độc lập sẽ quay lưng với họ, thậm chí các cử tri của đảng Cộng hòa trung dung, và số cử tri Dân chủ lại rủ nhau đi bầu đông hơn, có lợi cho các ứng viên Dân chủ đối thủ.

Ví dụ rõ ràng cho việc này là lần bầu cử chung cuộc cho hai ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia vào ngày 5/1/2021. Georgia là bang Cộng hòa truyền thống, nhưng cả hai ghế đều mất vào tay đảng Dân chủ. Người ta nói trong thất bại này có “công” lớn của ông Trump, vì ông liên tục đả kích các viên chức Cộng hòa, từ Thống đốc đến Bộ trưởng Hành chánh, vì họ không ủng hộ ông phủ nhận chiến thắng của ông Biden.

Nhưng có một thực tế là, hơn 74 triệu cử tri Mỹ đi bầu cho ông Trump, mặc dù ông thua (số cử tri bầu cho ông Biden hơn 81 triệu), và số cử tri Cộng hòa ghi tên tham gia đi bầu đông nhất từ trước đến nay. Sau ngày bầu cử hơn 1 tháng, theo một số thăm dò, có đến 70% cử tri Cộng hòa tin vào những lời buộc tội không bằng chứng về cái gọi là “gian lận bầu cử” của ông Trump.

Vì thế số phận của phiên tòa tại Thượng viện tới đây vẫn chưa chắc chắn là phe Dân chủ có được thêm ít nhất 17 phiếu của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa để kết tội ông Trump hay không (để có thể ra được bản án kết tội cần ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý, Thượng viện sắp tới tỷ lệ Cộng hòa/ Dân chủ là 50/50).

Nếu ông Trump bị kết tội, ông sẽ vĩnh viễn không thể tranh cử được nữa, đảng Cộng hòa cắt đứt hoàn toàn với ông. Ngược lại, nếu ông vẫn ra tranh cử vào năm 2024 như một số đồn đoán, hoặc ít nhất vẫn còn đại diện cho thương hiệu Trump trong đảng Cộng hòa thì điều đó có lợi cho đảng này hay không?

Ông Zach Wamp, cựu dân biểu liên bang từ Tennessee nói với tạp chí Time rằng, hàng triệu cử tri Cộng hòa đã bị ông Trump tẩy não, đảng Cộng hòa vẫn có tiềm năng rất lớn (với hàng chục triệu cử tri), nhưng không thể hoạt động trên nền móng của sự dối trá được.

Bà Amanda Carpenter, một cố vấn chiến lược của đảng Cộng hòa cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Bà nói rằng, đảng Cộng hòa không thể thắng nếu thiếu những điều xằng bậy kể trên, nhưng họ chắc chắn sẽ thất bại nếu cứ giữ nó.

Bà Carpenter vốn là trợ lý cho ông Ted Cruz trong kỳ bầu cử 2016, trở thành một nhà bình luận chống Trump rất quyết liệt. Bà Carpenter nói với Time rằng: Trump để lại một Đảng Cộng hòa chia rẽ hơn lúc nào hết.

Theo Wall Street Journal, New York Times, Time.

Đầu trang