Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

Nước Việt và thế giới (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

Dec 1, 2020 Hiếu Chân - Người Việt

Xã hội và đạo đức thời đại dịch

Nhiều nước lớn nhỏ đã căn bản khống chế được đại dịch COVID-19 nhưng Mỹ thì chưa. Vấn đề không chỉ do sự kém cỏi của chính phủ Trump trong việc tổ chức phòng chống dịch mà có nguồn gốc sâu xa trong quan niệm của người Mỹ về vai trò của chính phủ và đức hạnh của cá nhân.

Hơn 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống Trump – người cho rằng COVID-19 không đáng sợ – là dấu hiệu cho thấy ở Mỹ, đại dịch sẽ khó kết thúc sớm. (Hình minh họa: AP Photo/Seth Wenig)

Trong những ngày cuối Tháng Mười Một, 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở Mỹ với hơn 1 triệu người bị nhiễm bệnh trong một tuần, người ta ngạc nhiên nhìn thấy chính phủ liên bang Mỹ hầu như không có động tác nào để kiểm soát dịch. Tổng Thống Donald Trump thậm chí còn khuyến khích dân Mỹ tụ tập trong thời gian lễ Tạ Ơn, còn Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết không cho phép tiểu bang New York giới hạn tụ tập ở các nơi thờ phượng trong các khu vực đại dịch lây lan trầm trọng. Phán quyết được thông qua với tỷ số phiếu 5-4; trong đó ba thẩm phán có quan điểm cấp tiến cùng với Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts không đồng ý với phán quyết; năm thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ bỏ phiếu tán thành, trong đó có tân Thẩm Phán Amy Coney Barrett.

Những người lo âu về đại dịch cảm thấy bất bình với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện và cách hành xử của chính phủ Trump mà họ cho là vô cảm với sinh mệnh người dân, coi trọng chăm sóc về tinh thần hơn là đối phó với nguy cơ dịch bệnh về thể xác. Nỗi bất bình đó hoàn toàn có thể hiểu được; nhưng xét kỹ thì đó chỉ là biểu hiện nổi bật của cách đối phó với đại dịch “không giống ai” của chính phủ Hoa Kỳ, có nguồn gốc từ sâu trong quan niệm và cách điều hành xã hội Mỹ.

Trên báo Foreign Affairs, Giáo Sư David Rosner, đại học Columbia University, đã dẫn lịch sử đại dịch thổ tả trong thập niên 1830, so sánh cách xử lý đại dịch rất khác nhau giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc và đi đến đưa ra một nhận xét đáng chú ý: “Người Anh và người Mỹ hiện nay vẫn sống với sự lựa chọn mà quốc gia họ đã lựa chọn trong thời dịch thổ tả.” Sự khác nhau đó như thế nào?

Anh: Dịch bệnh là vấn đề xã hội

Năm 1831, dịch tả lan nhanh từ vùng Trung Á, qua Châu Âu rồi đến Hoa Kỳ. Báo chí ở cả hai bờ Đại Tây Dương theo dõi chi tiết con đường truyền nhiễm chết chóc của nó. Đại dịch thật kinh hoàng: những người khỏe mạnh lúc ban ngày có thể chết đột ngột khi đêm xuống. Ở Anh, dịch tả quét sạch hàng ngàn sinh mạng chỉ trong vài giờ. Những thi thể gầy nhom và khô đét – bệnh tả làm mất nước trầm trọng – nằm đầy các đường phố.

Người Anh cho rằng đại dịch thổ tả có liên quan tới tình trạng xã hội khi ấy và việc chống dịch đòi hỏi một phản ứng xã hội rộng lớn. Bắt đầu từ thập niên 1780, việc phát minh ra động cơ chạy bằng hơi nước đã khởi động cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh; hàng trăm ngàn người rời bỏ vùng nông thôn tìm tới các thành phố như Leeds và Manchester, nơi các xưởng dệt vải mọc lên nhanh và cũng là nơi họ phải sống trong những ổ chuột, làm việc đến kiệt sức để nhận đồng lương chết đói. Các xưởng máy mà nhà thơ William Blake năm 1810 gọi là “Những công xưởng đen của quỷ Satan” đã chiếm chỗ và xé nát các cộng đồng nông thôn, đẩy dân chúng vào môi trường đô thị đông đúc và mất vệ sinh; họ sống và chết trong những tình cảnh hết sức kinh khủng. Trong lúc người dân khổ sở thì lao động của họ làm ra nhiều của cải cho một số người trong nền kinh tế đang mở rộng của Anh Quốc – những thương nhân, chủ nhà máy, nhà nhập cảng và nhà ngân hàng. Một cuộc khủng hoảng xã hội do nền kinh tế công nghiệp và sự phân phối của cải một cách độc ác đã làm cho đại dịch lan rộng.

Nên để ý rằng, khủng hoảng xã hội và đại dịch thổ tả ở Anh trong buổi đầu của chủ nghĩa tư bản công nghiệp cũng đã kích thích sự ra đời của chủ nghĩa Cộng Sản. Lý thuyết gia Friedrich Engels, bản thân là chủ một nhà máy dệt ở Manchester, trong tác phẩm kinh điển của ông,“Tình Cảnh Giai Cấp Công Nhân Anh” xuất bản năm 1845, đã lên án điều kiện sức khỏe tồi tệ của người lao động dưới sự bóc lột tàn nhẫn của các ông chủ tư bản. Cùng với “Tư Bản Luận” của Karl Marx, cuốn sách này đã đặt nền móng cho “Tuyên Ngôn Cộng Sản” và sự hình thành phong trào cộng sản quốc tế ba năm sau đó.

Đại dịch thổ tả và bất công xã hội đã không dẫn tới việc lật đổ chế độ tư bản Anh bằng “bạo lực cách mạng” như tuyên ngôn của Karl Marx và Friedrich Engels nhưng nó dẫn tới cuộc tranh luận về trách nhiệm của nhà nước đối với môi trường sống của người dân và những dịch vụ mà người dân được hưởng. Sau đại dịch của thập niên 1830, các nhà cải cách xã hội như Edwin Chadwick bắt đầu gây áp lực buộc chính phủ phải có những luật lệ mới về nhà ở, cung cấp nước sạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường. Năm 1842, Chadwick xuất bản báo cáo dài 536 trang “Tình trạng vệ sinh của dân chúng lao động ở Anh,” trong đó ông cho rằng, các yếu tố làm bệnh dịch nảy sinh và lan tràn giết chết người nghèo đô thị ngoài cấp nước, thoát nước và thu gom rác còn bao gồm những thứ như xây cất nhà cửa, điều kiện làm việc ở các công xưởng và phẩm chất không khí. Báo cáo của Chadwick đã thôi thúc chính phủ Anh gia tăng đầu tư vào việc cải thiện môi trường đô thị và cuộc sống người lao động trong nhiều thập niên sau đó.

Kết nối các vấn đề dịch bệnh, môi trường với chính sách xã hội, Chadwick đã đặt nền tảng cho việc suy nghĩ lại về vai trò của chính phủ và y tế cộng đồng. Nỗ lực của ông giúp thuyết phục nhiều người Anh rằng vấn đề sức khỏe nằm trong các điều kiện xã hội, rằng chính phủ phải có trách nhiệm chính, đã dẫn tới không chỉ sự ra đời của Sở Y Tế Quốc Gia (National Health Services, NHS) mà còn tới nhiều dịch vụ y tế cộng đồng được tích hợp vào nhau trong một hệ thống phúc lợi xã hội rộng lớn.

Mỹ: Dịch bệnh là vấn đề đạo đức cá nhân

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, dịch tả đã không kích thích một suy nghĩ tương tự về trách nhiệm của nhà nước. Báo chí Mỹ tường thuật diễn tiến từng ngày của dịch tả ở Châu Âu, mô tả chi tiết con số người chết tăng vọt ở London, Paris, và các thành phố Châu Âu khác, nhưng người Mỹ vẫn không mấy lo lắng. Ban Y Tế thành phố New York, một cơ quan được lập ra tạm thời trong vài tháng vào mùa Hè năm 1832, trấn an dân chúng: “Dù cho dịch bệnh tấn công chúng ta trong hình thức đáng sợ của nó, hoặc nhờ ân sủng của Đấng Toàn Năng mà chúng ta thoát được, hoặc dẫu Thượng Đế mang thảm họa đến cửa nhà chúng ta, chúng ta và các đồng bào vẫn sẽ đối mặt với nó với lòng thanh thản.”

Đại dịch đã sớm lan tràn. Các lãnh đạo tôn giáo, các chính trị gia và cả Tổng Thống Andrew Jackson đều kêu gọi cả nước thực hành “một ngày chay tịnh, sám hối và cầu nguyện,” đi lễ nhà thờ để cầu xin sự tha thứ của Chúa như là phương cách để ngăn chặn đại dịch. Khi thời tiết trở lạnh, và dịch bệnh giảm đi, người ta tin rằng lời cầu nguyện của họ đã được “đáp lại.”

Nhưng tới những thập niên giữa thế kỷ 19, thiệt hại do dịch tả và các bệnh truyền nhiễm khác ở Mỹ là không thể phủ nhận được. Dịch tả, thương hàn, sốt vàng da lan tràn khắp các thành phố Bờ Đông, dọc theo những tuyến đường vận tải xuôi ngược sông Mississippi từ New Orleans, Louisiana, tới Minneapolis, Minnesota. Ở thành phố New York thời kỳ này, cứ 1,000 người dân thì có 48 người chết vì dịch tả; hàng ngàn người khác đã chết ở các vùng nông thôn miền Nam và miền Trung Tây, cả trẻ em và người lớn, cả người da đen và da trắng. Các học giả như John Griscom ở New York và Lemuel Shattuck ở Boston khảo sát các thành phố của họ và phát hiện những điều kiện xã hội giống như Chadwick đã mô tả ở Anh.

Năm 1844, học giả Griscom viết báo cáo “Tình trạng vệ sinh của dân chúng lao động ở New York,” mô phỏng báo cáo của Chadwick ở Anh hai năm trước đó nhưng đưa ra một cái nhìn khác. Ông Griscom cho rằng người nghèo và những thói quen mất vệ sinh của họ là nguồn gốc của dịch bệnh dù ông vẫn thừa nhận môi trường xã hội có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Thay vì đòi hỏi nhà nước phải có những luật lệ mới và có chiến lược đầu tư cải thiện môi trường sống, ông Griscom nhấn mạnh vào giáo dục. Ông cho rằng tôn giáo, giúp nâng cao đức hạnh của người nghèo và mục đích của việc chống dịch là nhắm tới một xã hội đạo đức hơn. “Dạy cho họ [người nghèo] biết cách sống, cách tránh bệnh tật và thanh thản hơn,” ông viết.

Khác với Anh Quốc, người Mỹ thời đó coi dịch bệnh là thất bại về đạo đức, là nỗi bất hạnh của những “người nghèo không xứng đáng;” những người đạo cao đức trọng và giàu có nói chung không phải lo rủi ro dịch bệnh. Từ đó giải pháp phòng và chống dịch dịch thuộc về trách nhiệm của từng người, vào sự ngoan đạo và trui rèn phẩm chất cá nhân, chứ không phải của chính phủ.

Cùng bị dịch, hai nhà lãnh đạo có hai quan điểm

Phản ứng khác nhau với đại dịch thổ tả trong thập niên 1830 không hoàn toàn quyết định hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia hoặc chính sách về sức khỏe cộng đồng nhưng nó cho thấy con đường mà hai nước Anh và Mỹ sẽ đi trong việc vạch ra trách nhiệm của chính phủ và của cá nhân liên quan tới chăm sóc sức khỏe và phòng chống các đại dịch tương tự.

Hồi Tháng Tư năm nay, Thủ Tướng Anh Boris Johnson trở thành một trong vài nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị nhiễm virus Corona; ông phải nằm bệnh viện gần tuần lễ, trong đó có vài ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Lúc bình phục, ông Johnson đã dùng trường hợp của chính mình để ca ngợi Sở Y Tế Quốc Gia (NHS) – tức là hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng do chính phủ điều hành và được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ. “NHS đã cứu mạng tôi, đó là điều chắc chắn,” ông Johnson nói trong ngày ra viện và khẳng định Anh Quốc sẽ ngăn chặn được đại dịch COVID-19 “bởi vì NHS của chúng ta là trái tim đang đập của đất nước. Đó là điều tốt nhất của đất nước. NHS sẽ không bị khuất phục. NHS được vận hành bởi tình yêu thương.”

Vài tháng sau đó Tổng Thống Mỹ Donald Trump cũng bị nhiễm virus Corona và cũng nằm điều trị trong bệnh viện của quân đội, được điều trị bằng những liệu pháp tối tân nhất. Nhưng việc nằm bệnh viện và được cứu chữa không làm ông Trump cảm thấy kính nể các định chế xã hội hoặc hạ tầng y tế công cộng mà chỉ làm tăng niềm thán phục chính bản thân ông. “Tôi nghĩ tôi đã vượt qua [bệnh tật] mà không cần thuốc men. Bạn không thật sự cần thuốc men,” ông nói trên đài Fox News sau khi ra viện, và khuyên người dân Mỹ không nên lo lắng, “COVID không có gì đáng sợ,” ông nói.

Phản ứng trái ngược nhau của ông Johnson và ông Trump sau khi bình phục từ COVID-19 là do hai tính cách khác nhau, nhưng cũng phản ảnh một sự khác biệt về quan niệm đã in sâu giữa Anh Quốc và Mỹ. Ông Johnson khẳng định chống dịch bệnh là nhiệm vụ của toàn xã hội, của chính phủ, trong khi ông Trump coi đó là cuộc đấu tranh của cá nhân. Sự khác biệt đó biểu thị hiện mạnh trong các phương thức chăm sóc y tế khác hẳn nhau giữa hai nước. Công dân Anh Quốc được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe phổ quát và phần lớn là miễn phí trong một hệ thống y tế quốc gia do nhà nước điều hành trong khi Hoa Kỳ có một hệ thống rối rắm các dịch vụ bảo hiểm y tế tư nhân ràng buộc với công việc làm.

Anh Quốc, sau những cuộc tranh luận kéo dài hàng trăm năm giữa những người bảo thủ, cấp tiến, cải cách, tự do… đã hình thành một nhà nước phúc lợi xã hội, coi lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và bất bình đẳng kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với nhau và chính phủ có vai trò điều tiết vì lợi ích chung mà không phân biệt tình trạng của từng cá nhân. Ở Hoa Kỳ thì khác, việc chăm sóc sức khỏe được phân tầng theo giá trị xã hội và của từng cá nhân: các công ty bảo hiểm y tế tư nhân phục vụ những người khỏe mạnh và có công ăn việc làm (mất việc thì mất luôn bảo hiểm y tế), người già được hưởng Medicare từ tiền thuế họ đã đóng khi còn lao động, còn người nghèo thì được chăm sóc theo chương trình Medicaid – được coi như chương trình “từ thiện” cho những người không có nhiều giá trị xã hội. Hậu quả là, nhiều định chế của Mỹ, kể cả các bệnh viện và dịch vụ xã hội có khuynh hướng coi nỗi đau đớn bệnh tật là chuyện cá nhân của từng người mà chính phủ không phải chịu trách nhiệm gì cả như ông Trump từng phát biểu.

Đại dịch khó kết thúc sớm

Cuộc khủng hoảng xã hội và y tế thế kỷ 19 đã tạo ra những đặc điểm khác nhau giữa Anh và Mỹ – cũng là sự khác biệt giữa Mỹ và các nước công nghiệp nói chung – kéo dài tới ngày nay. Khi Tổng Thống Trump và những người ủng hộ ông coi các khuyến nghị của các chuyên gia y tế cộng đồng như phải đeo khẩu trang, phải giữ khoảng cách, không được tụ tập đông người… là vi phạm quyền tự do cá nhân của họ, hoặc xem nhẹ tác hại của dịch bệnh và đề cao việc cầu nguyện, đi lễ nhà thờ, vô hình trung họ đã lặp lại những cách nhìn của thế kỷ trước, khi Mỹ và Anh Quốc phải vật lộn với đại dịch thổ tả và rút ra những kết luận khác nhau.

Thành công của Anh Quốc trong cuộc chống dịch COVID-19 tùy thuộc vào việc sử dụng các nguồn lực và thẩm quyền của nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng – điều mà ông Johnson ca ngợi khi ra khỏi bệnh viện, còn ở Mỹ thất bại trong cuộc chống dịch COVID-19 lại có phần do quan niệm của xã hội đề cao đạo đức và tự do cá nhân, coi nhẹ vai trò điều phối của chính phủ

Nước Mỹ đã có hơn 13 triệu người bị nhiễm virus Corona, hơn một phần tư triệu người đã tử vong, dẫn đầu thế giới, nhưng nhiều người Mỹ vẫn khước từ các biện pháp phòng dịch đơn giản họ vẫn tin rằng, phòng dịch như thế nào là vấn đề cá nhân của họ, là quyền tự do thiêng liêng mà chính phủ không được can thiệp – một quan niệm bị lầm tưởng là “giá trị bảo thủ” mà các Cha Già Lập Quốc (Founding Fathers) đã đề ra trong Hiến Pháp. Những ai có quan niệm khác, như đòi chính phủ phải đứng ra điều hành công cuộc chống dịch thay vì phó mặc cho ngành y tế, đòi mọi người phải tuân thủ những khuyến cáo của chuyên gia y tế và tôn trọng cộng đồng thì bị gán cho cái nhãn “cấp tiến,” “xã hội chủ nghĩa.”

Hơn 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống Trump – người cho rằng COVID-19 không đáng sợ và chính ông đã vượt qua bằng sức mạnh tinh thần của mình – là dấu hiệu cho thấy ở Mỹ, đại dịch sẽ khó kết thúc sớm. [qd]

Đầu trang

26/10/2020 By Huỳnh Minh Triết - luatkhoa.org

Bầu cử Mỹ và mị dân chính trị

Người Việt Nam có câu tục ngữ: “Miệng quan, trôn trẻ”. Câu này có vẻ đúng với cả quan Ta lẫn quan Tây.

Người dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận tổng thống năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Tôi thấy buồn cười khi Donald Trump chọn khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử của mình là “Chiến đấu vì bạn”. Quả là ở đâu có chính trị thì ở đó có mị dân.

Khi Trump chuẩn bị nhận đề cử của Đảng Cộng hòa, ban vận động tranh cử của ông thông báo:

“Dựa trên những thành tích phi thường của nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, hôm nay chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống công bố một loạt các ưu tiên cốt lõi cho nhiệm kỳ hai dưới khẩu hiệu: ‘Chiến đấu vì bạn!’”

“Sự lạc quan vững vàng không giới hạn vào sự vĩ đại của nước Mỹ được thể hiện trong các mục tiêu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, và trái ngược hoàn toàn với phiên bản Hoa Kỳ u ám của Joe Biden và Đảng Dân chủ”.

Một lẽ đương nhiên, tổng thống tại nhiệm phải nói về thành tựu, những mặt tốt của đất nước trong thời gian cầm quyền. Còn người thách thức thì phải nói về mặt trái, những thất bại mà chỉ ông ta, chứ không phải cái ông đang cầm quyền tệ hại kia, mới giải quyết được.

Về phương diện mị dân, Joe Biden, đối thủ của Trump cũng chẳng khác gì. Trong bài phát biểu nhận đề cử Đảng Dân chủ, ông hứa hẹn:

“Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ hứa với các bạn rằng: Tôi sẽ bảo vệ Hoa Kỳ. Tôi sẽ bảo vệ chúng ta khỏi các cuộc tấn công, vô hình hay hữu hình. Luôn luôn. Không có ngoại lệ. Mọi lúc”…

“Ở đây, bây giờ, tôi xin hứa với các bạn rằng: Nếu các bạn tin giao vị trí tổng thống cho tôi, tôi sẽ thu gom những gì tốt nhất, chứ không phải xấu nhất của chúng ta. Tôi sẽ là đồng minh của ánh sáng chứ không phải bóng tối”…

Những lời nói này của Biden thì khác gì với Trump? Hay nói thẳng ra nó khác gì với câu “Đảng ta luôn luôn chăm lo cho đời sống của nhân dân”?

Tất nhiên khi các ông Tây nói thì nhiều khi không cầm giấy đọc và nghe du dương hơn ông Ta, nhưng về bản chất thì cũng như nhau: sáo rỗng.

Ảnh: Joe Raedle/Getty Images.

Trong một video có tựa đề “Không nên bỏ phiếu cho ai?” (Who not to vote for) của kênh Youtube PragerU, tác giả nói rằng ông nào đứng lên tuyên bố “tôi sẽ chiến đấu vì bạn” thì đó là người mà bạn nên dè chừng nhất. Lý do là ông ta đang ‘nói phét’. Chỉ năm phút sau khi nói câu này, ông ta sẽ quên béng mất bạn và các vấn đề của bạn; đi sang một bang khác; lặp lại lời hứa y hệt trước những lá phiếu khác đầy háo hức.

Một chi tiết thú vị trong chuyện này là kênh PragerU vốn có xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa. Ba tháng sau khi họ đăng video ấy, Donald Trump được chọn làm ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, và nói đúng câu “Tôi sẽ chiến đấu vì bạn” trong phát biểu chấp nhận đề cử. Video “Không nên bỏ phiếu cho ai”, sau đó được âm thầm sửa lại tên thành “Chính quyền không có nhiệm vụ giải quyết vấn đề cá nhân của bạn”.

Nguồn gốc của “kẻ mị dân”

Từ tương đương trong tiếng Anh của kẻ mị dân là “demagogue”. Theo định nghĩa của từ điển Cambridge, từ này chỉ một người, thường là lãnh đạo chính trị, chiếm được sự ủng hộ bằng cách kích động cảm tình của người dân hơn là bằng lập luận lý trí hoặc các ý tưởng đúng đắn.

Chính trị gia mị dân là một người giỏi hùng biện, giỏi thao túng cảm xúc đám đông, cả tích cực lẫn tiêu cực. Người mị dân dễ dàng hứa hẹn hào nhoáng, đao to búa lớn, nhưng mơ hồ, thiếu giải pháp thực tế và dễ trốn tránh trách nhiệm khi thực hiện.

Mị dân không phải là một từ mới. Nó đã có từ khi nền dân chủ mới xuất hiện, từ những năm 400 trước Công nguyên ở Hy Lạp.

Kẻ mị dân (demagogue) có gốc rễ từ chữ Hy Lạp “demagogos”, có nghĩa là “lãnh đạo của thường dân”, hoặc là “thủ lãnh băng du côn”, kết hợp giữa hai chữ demos (dân) với agōgos (lãnh đạo). Theo nghĩa lịch sử từ những năm 1650, mị dân là “một người lãnh đạo đám đông, một thành phố cổ hoặc một nhà nước, một người gây ảnh hưởng tới quần chúng bằng tài hùng biện hoặc thuyết phục”.

Mặc dù ngày nay hầu hết chúng ta dùng từ “mị dân” với một nghĩa xấu, không phải học giả nào cũng đồng ý như vậy. Oxford Reference coi tất cả các lãnh đạo phương Tây đều là kẻ mị dân ở một mức độ nào đó, với nghĩa chỉ lãnh đạo nhà nước dân chủ.

Còn tác giả Loren J. Samons của cuốn sách “Vấn đề của Nền Dân chủ”, thì cho rằng, bởi vì từ “demagogos ” rõ ràng chỉ một người lãnh đạo hay dẫn dắt đám đông, việc sử dụng từ này chủ yếu với sắc thái ý nghĩa “kẻ ma cô chính trị” gần như đảo ngược nghĩa gốc của nó. Từ “demagogos” trên thực tế ám chỉ rằng người dân cần có người dẫn dắt, và quyền lực chính trị của người đó, ít nhất một phần, được thực hành đúng đắn thông qua lãnh đạo.

Bức họa “Cái chết của Socrates” của họa sĩ người Pháp Jacques-Louis David 1787. Trong câu chuyện được kể bởi Plato, Socrates bị kết tội làm hư hỏng các thanh niên Athens và bị kết án tử hình bằng uống thuốc độc từ cây độc cần. Ảnh: Wikipedia.

Có người coi mị dân là hệ quả tất yếu của nền dân chủ, bởi nó đảm bảo cho mọi người quyền được nói và quyền được bỏ phiếu ngang bằng. Chính vì lý do này, Socrates ghét dân chủ. Đặt vấn đề theo Socrates, nếu bạn chuẩn bị du hành ra biển khơi, bạn sẽ chọn ai làm thuyền trưởng? Bất kỳ ai hay chỉ những ai đã được qua đào tạo về tàu bè?

Theo triết gia này, việc bỏ phiếu là một kỹ năng chứ không phải trực giác sinh ra đã có. Và như mọi kỹ năng khác, nó phải được dạy một cách có hệ thống cho người dân. Để cho công dân bỏ phiếu mà không được giáo dục thì cũng vô trách nhiệm như việc ném họ vào một con tàu trong cơn bão.

Trớ trêu thay, Socrates lại trở thành nạn nhân của chính kiểu bỏ phiếu dân chủ này. Năm 399 trước Công nguyên, ông bị đem ra xử án vì tội “làm hư hỏng giới trẻ ở Athens”. Trong bồi thẩm đoàn 500 người, 280 người bỏ phiếu ông có tội, và vì thế ông bị xử tử bằng thuốc độc.

Ta xét thêm một số ví dụ sau:

Barack Obama từng tuyên bố sẽ “thay đổi một cách cơ bản nước Mỹ” với khẩu hiệu “Change”. Nhưng sau tám năm, ai có thể trả lời rằng ông đã làm nước Mỹ thay đổi cơ bản ở điều gì ngoài việc bầu lên một tổng thống da màu đầu tiên? Các khảo sát còn chỉ ra mâu thuẫn sắc tộc Mỹ tồi tệ hơn trong thời gian ông cầm quyền, bất chấp các chính sách ưu đãi cho người da màu.

Donald Trump cũng tuyên bố “Phục hưng sự vĩ đại của Mỹ”, nhưng hết bốn năm rồi, nước Mỹ đã “vĩ đại trở lại” hay chưa? Trước đại dịch, Trump tuyên bố ông đã thành công và nay khẩu hiệu của ông sẽ là “Giữ sự vĩ đại của nước Mỹ”. Tuy nhiên, việc Mỹ lâm vào dịch bệnh, xung đột, biểu tình, kinh tế suy giảm đã khiến Trump phải tìm đến một khẩu hiệu khác. Phe Biden, Obama và những người phản đối thì phê phán Trump đã phá nát nước Mỹ và hủy hoại vị thế quốc gia.

Bây giờ chúng ta hãy thử so sánh với một số khẩu hiệu của quan ta:

Nhưng khẩu hiệu cũng là một thứ đầy sức mạnh. Quy tắc tuyên truyền của Đức Quốc xã là một lời nói dối, lặp lại đủ lâu sẽ trở thành sự thật. Việc nhồi nhét các khẩu hiệu mị dân vào đầu óc của người dân một nước để rồi biến nó thành “điều tự nhiên” có thể thấy rõ ở các nước độc tài, nơi người dân không có quyền phản biện và phê phán chính quyền. Một bộ phận không nhỏ sẽ bị các khẩu hiệu này làm cho tê liệt tư duy, coi sự bấu víu vào đảng cầm quyền là chân lý.

Đến đây, ta thấy giá trị của giáo dục, tư duy độc lập và một đầu óc phản biện. Ta phì cười vào các phát ngôn lố bịch của quan ta, nhưng lại say mê lắng nghe một ông chính trị gia mị dân phương Tây? Ta phải cảnh giác với tiêu chuẩn kép của chính mình.

Theo tôi, chúng ta không nên thần thánh hóa một quan Ta, Tây hay Tàu nào cả, bởi dẫu nói giỏi đến đâu, nhiều khả năng ông, bà ấy cũng chỉ đang cố gắng kiếm phiếu mà thôi. Điều đáng tiếc nhất là người Việt Nam, vì yêu ghét, thần tượng hóa cá nhân đối một ông tổng thống bên Tây cách đây nửa vòng trái đất mà mạt sát, đấu tố, dèm pha, thậm chí nghỉ chơi nhau.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa có câu nói nổi tiếng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm”. Có thể thay chữ “cộng sản” bằng tên bất kỳ ai đang mong đắc cử thì nó cũng đúng.

Vậy ta hãy thực hành quan sát bầu cử của nước bạn bằng một cái đầu lạnh. Chúng ta hãy cứ nhiệt huyết theo dõi diễn biến sôi nổi của nền dân chủ được xem là “vĩ đại” nhất thế giới để phán xét, nhìn nhận cả cái đúng, cái sai. Bởi vì Việt Nam ta đang thiếu cả những người mị dân có tầm và cái quyền được tự do vạch mặt những kẻ mị dân đó.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Đầu trang

11/12/2020 - voatiengviet.com

Facebook chỉ đích danh công ty đằng sau nhóm tin tặc bị nghi liên hệ nhà nước Việt Nam

Nhóm tin tặc APT32 (OceanLotus) từng bị cáo buộc theo dõi các nhà bất đồng chính kiến, doanh nghiệp và quan chức nước ngoài trong nhiều năm qua.

Các nhà điều tra an ninh mạng tại Facebook vừa lần ra một nhóm hacker từ lâu bị nghi làm gián điệp cho chính phủ Việt Nam, nêu đích danh một công ty công nghệ tại TPHCM. Reuters dẫn thông báo hôm 12/12 của trang mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ cho hay, đồng thời nói rằng nếu thông tin được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Facebook công khai hoạt động tấn công của nhóm hacker, và cũng là trường hợp hiếm hoi một nhóm hacker bị cáo buộc do nhà nước hậu thuẫn bị một tổ chức cụ thể theo dõi.

Nhóm tin tặc được biết tiếng APT32, hay còn có tên OceanLotus, từng bị cáo buộc trong nhiều năm qua về các hoạt động theo dõi các nhà bất đồng chính kiến, các doanh nghiệp và quan chức nước ngoài.

Hồi đầu năm nay, Reuters đưa tin rằng nhóm tin tặc đã nỗ lực đột nhập vào Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc và chính quyền tại Vũ Hán khi đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên lan rộng. Sự kiện này được cho là có thể liên hệ với việc tại sao Việt Nam phản ứng nhanh và hiệu quả trong việc phòng ngừa bùng phát dịch ngay từ đầu.

Facebook cho biết họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa các cuộc tấn công mạng trước đây được cho là của OceanLotus và một công ty Việt Nam có tên CyberOne Group, hay còn gọi là Công ty Hành Tinh.

“Chúng tôi KHÔNG PHẢI là OceanLotus”, một người điều hành trang Facebook (hiện đã bị đình chỉ) của công ty tại Việt Nam nói với Reuters. “Đó là nhầm lẫn thôi”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh. Bộ này trước đó từng phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công của OceanLotus.

Facebook cho biết các tin tặc đã sử dụng các nền tảng của họ để thực hiện một loạt các cuộc tấn công mạng. Một số trong đó sử dụng các tài khoản giả để đánh lừa mục tiêu bằng cách đóng giả là các nhà hoạt động, doanh nghiệp và có thể là những người đang tìm kiếm tình yêu.

Nathaniel Gleicher, người đứng đầu chính sách an ninh mạng của Facebook, cho biết nhóm của ông đã tìm thấy bằng chứng kỹ thuật liên kết trang Facebook của CyberOne với các tài khoản được sử dụng trong chiến dịch tấn công cũng như với các cuộc tấn công khác của OceanLotus.

Ông Gleicher từ chối nêu chi tiết các bằng chứng vì lý do sẽ gây khó khăn hơn cho nhóm trong việc theo dõi tin tặc trong tương lai, nhưng cho biết các kỹ thuật liên quan đến cơ sở hạ tầng trực tuyến, mã độc, các công cụ và kỹ thuật tấn công khác.

OceanLotus được cho là không “nổi tiếng” ở phương Tây bằng các nhóm hacker do Trung Quốc và Nga hậu thuẫn, nhưng lại được biết đến nhiều vì các hoạt động mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á.

Một số chuyên gia tin rằng nhóm này bắt đầu hoạt động ít nhất từ năm 2013 và có “tất cả các dấu hiệu của một tổ chức được nhà nước hậu thuẫn hoạt động hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam”.

Facebook nói 'truy ra đại tin tặc OceanLotus là công ty Hành Tinh ở Việt Nam'

11-12-2020 - bbc.com

Tập đoàn Facebook ngày 10/12 tuyên bố đã truy ra dấu vết nhóm tin tặc OceanLotus, hay còn gọi là APT32, thực ra là xuất phát từ một công ty đặt ở Việt Nam.

Bài viết của Nathaniel Gleicher, Trưởng Chính sách An ninh, và Mike Dvilyanski, bộ phận Tình báo Đe dọa Mạng, của Facebook, nói họ đã thành công loại bỏ được hoạt động của APT32 từ Việt Nam và một nhóm tin tặc từ Bangladesh, bị cáo buộc là phá hoại người dùng trên nền tảng Facebook.

Nhóm tin tặc OceanLotus hay còn gọi là APT32, đã khá "nổi danh" thế giới nhiều năm qua vì cáo buộc theo dõi giới bất đồng chính kiến, doanh nghiệp, ngoại giao có liên quan tới Việt Nam.

Trước đó, năm 2020, hãng tin Reuters còn cáo buộc APT32 đã tìm cách xâm nhập cả vào máy tính của chính quyền thành phố Vũ Hán và một bộ của Trung Quốc trong lúc xảy ra Covid-19.

Nay Facebook tuyên bố điều tra của họ phát hiện nhóm này liên quan công ty có tên CyberOne Group, đặt tại Việt Nam. Công ty này còn mang các tên như CyberOne Security, CyberOne Technologies, Hành Tinh Company Limited, Planet và Diacauso.

Facebook cáo buộc tin tặc APT32 đã có các thủ thuật trên mạng, ví dụ tạo ra các tài khoản giả vờ làm nhà hoạt động hay doanh nghiệp, hoặc tán tỉnh gợi tình khi liên lạc với các đối tượng.

Bản tin của Reuters, nhân việc Facebook công bố, đã cho biết thêm CyberOne Group là một công ty đặt trụ sở tại TPHCM, Việt Nam.

Một người phụ trách trang Facebook của công ty này, mà hiện đã bị xóa, nói với Reuters rằng Facebook đã nhầm lẫn.

"Chúng tôi không phải là OceanLotus. Nhầm rồi."

Vào tháng Năm 2020, trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Ben Read, quản lý cấp cao bộ phận phân tích nguy cơ gián điệp Mandiant của FireEye, cho biết nhóm của ông đã theo dõi hoạt động của APT32 từ khoảng 5 năm qua.

"Chúng tôi có một loạt bằng chứng, bao gồm cả bằng chứng về mục tiêu tấn công lẫn một số dấu hiệu mã ngôn ngữ cho thấy nhóm này làm việc có mục đích là ủng hộ chính phủ Việt Nam," ông Ben Read nói trong cuộc phỏng vấn bằng video.

"Tôi không có dữ liệu cụ thể về việc cơ quan bộ nào phụ trách việc lấy cắp thông tin. Nhưng theo sự đánh giá của chúng tôi, các thông tin mà nhóm này thu thập có thể được chính phủ Việt Nam sử dụng."

Về năng lực và quy mô của APT32, chuyên gia Ben Read cho biết:

"Qua vài năm theo dõi, chúng tôi thấy họ luôn luôn hoạt động tích cực. Họ cũng phát triển các mã độc mới, tức là họ có một vài dạng nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, họ không có quy mô lớn như các nhóm của Nga và Trung Quốc."

Tin liên quan

Đầu trang

16/12/2020 - voatiengviet.com

Mỹ đưa Thụy Sĩ, Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 16/12 đã đưa Thụy Sĩ và Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, theo Reuters.

Ngoài ra, tin cho hay, Bộ này cũng thêm ba nước vào danh sách các quốc gia bị nghi phá giá đồng nội tệ.

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong khoảng thời gian tính tới tháng Sáu năm 2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.

Đáp lại cáo buộc của Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tuyên bố không thao túng đồng nội tệ và rằng cách tiếp cận chính sách tiền tệ của ngân hàng này sẽ không thay đổi.

Reuters dẫn lời thể chế tài chính của Thụy Sĩ cho biết “vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn nữa vào thị trường ngoại hối”.

Theo hãng tin Anh, Bộ Công thương Việt Nam từ chối bình luận và đề nghị hãng chuyển câu hỏi sang Bộ Ngoại giao.

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách các nước bị nghi phá giá đồng nội tệ, vốn còn gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đức, Italy, Singapore và Malaysia, theo Reuters.

Hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Bộ này không thảo luận với chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden về báo cáo trên.

Tin cho hay, bà Janet Yellen, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, có thể đưa ra các thay đổi trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, dự kiến sẽ được công bố vào tháng Tư.

Đầu trang

17 tháng 12 2020 - bbc.com

Mỹ chế tài Công ty Vận tải Khí và Hoá chất Việt Nam vì Iran

GETTY IMAGES. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Việt Nam nói "lấy làm tiếc" sau khi Mỹ trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam do có liên quan đến vận chuyển sản phẩm khí từ Iran.

Người phát ngôn ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 trả lời tại họp báo ở Hà Nội:

“Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị phía Mỹ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ biện pháp đối với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hoá chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam."

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam vì cho rằng công ty này tham gia giao dịch để vận chuyển sản phẩm dầu từ Iran.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, là thành viên của Liên Hợp quốc (LHQ), Việt Nam "luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm".

Bà giải thích quan hệ giữa Việt Nam và Iran "luôn công khai, minh bạch và hợp pháp".

Phía Việt Nam cho rằng giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của LHQ.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết áp đặt trừng phạt giám đốc công ty là Võ Ngọc Phụng với tư cách giám đốc công ty.

Khi thăm trang web Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, người ta thấy có một tin liên quan Iran đăng ở đây.

Đó là năm 2016, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Hồi giáo Iran từ 13-15/3/2016, có đoàn của Tập đoàn Dầu khí Việt đi tháp tùng Chủ tịch nước do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh và đoàn Tập đoàn đã có buổi thảo luận với lãnh đạo của Tập đoàn Đầu tư Ghadir của Iran

Công ty Cổ phần Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam ban đầu có tên Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT) thành lập 2007.

Đây là nhà cung cấp dịch vụ cho ngành hàng hải quốc tế, vận tải biển và vận tải đường bộ.

Ngày 12/11/2018 Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long đã tổ chức Đại hội Cổ đông Bất thường thông qua việc thay đổi Logo và tên Công ty chính thức là Công ty Cổ phần Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam.

Đầu trang

18/12/2020 - voatiengviet.com

Khi các đại tập đoàn công nghệ Mỹ ‘thoả hiệp’ với chính quyền Việt Nam

Các tập đoàn công nghệ của Mỹ đang ngày càng có được lợi nhuận cao ở thị trường Việt Nam nơi có hàng chục triệu người dùng nhưng cũng đang ngày càng làm người dùng "thất vọng" vì sự chấp hành tăng cao với yêu cầu của chính quyền trong kiểm duyệt thông tin.

Sau hơn 10 năm vào Việt Nam, Facebook đã giúp “khai dân trí” người Việt và trở thành diễn đàn lớn nhất cho các tiếng nói phản biện ở quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền có nền truyền thông “một chiều” do nhà nước quản lý. Cùng với YouTube, các nền tảng mạng xã hội này ngày càng được phổ biến như ngày càng tăng cao lợi nhuận tại Việt Nam, nơi có hơn 96 triệu dân. Nhưng để giữ được thị trường “béo bở” này, họ đang làm nhiều người dùng ở Việt Nam “thất vọng” khi bị cáo buộc “đặt lợi nhuận lên hàng đầu” và “thỏa hiệp” với chính quyền trong việc kiểm duyệt thông tin.

Sáng sớm hôm diễn ra cuộc bố ráp của công an Hà Nội tại làng Đồng Tâm, 9/1, blogger Bùi Thị Minh Hằng thực hiện một livestream cuộc điện thoại của chị với một người cháu của cụ Kình đang có đứa con 3 tháng tuổi bị ngạt hơi cay, khi lực lượng anh ninh tấn công vào đây. Các đăng tải trực tiếp của chị trên cả Facebook và YouTube bị xoá ngay sau đó.

Vài tiếng sau khi thực hiện livestream, chị bị công an tới tận nhà bắt giữ và bị câu lưu trong 8 giờ đồng hồ. Tại đồn công an, chị Hằng, người từng thụ án tù 3 năm về “tội gây rối trật tự công cộng” và một trong 20 nữ tù nhân được đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ vinh danh, bị tra hỏi về những đăng tải của chị trên mạng xã hội.

“Trong năm 2019, một năm có 12 tháng thì tôi bị khoá tài khoản (trên Facebook) tổng cộng trong 9 tháng và bất cứ một tài khoản phụ nào tôi lập ra đều bị đánh sập”, chị Hằng nói với VOA và cho biết những đăng tải của chị bị xoá có nội dung “liên quan đến chính quyền”.

Tôi thường xuyên bị Facebook gỡ các bài viết mà không thông báo lý do.
Trương Châu Hữu Danh, nhà báo và Facebooker

Những thông báo của Facebook gửi cho chị Hằng được chị cung cấp cho VOA cho thấy các bài viết của chị – bao gồm việc công an đến nhà bắt chị hay thông tin về việc chính quyền khám xét nhà khi bắt giữ nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thuỵ – đều được cho là “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” mà chị Hằng khiếu nại nhưng không nhận được phản hồi.

Chị Hằng là một trong số những người dùng mạng xã hội ở Việt Nam mà VOA phỏng vấn cho bài viết này – trong đó có các nhà báo, Facebooker, nhà hoạt động xã hội và blogger chuyên viết bài phản biện – và họ đều cho biết từng bị gỡ bài, xoá đăng tải hoặc khoá tài khoản cũng như chứng kiến hiện tượng này diễn ra phổ biến đối với nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua.

“Tôi thường xuyên bị Facebook gỡ các bài viết mà không thông báo lý do”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người thường có các đăng tải phản biện xã hội trên Facebook tập trung nhiều vào sai phạm của các quan chức địa phương, cho biết. “Họ chỉ nói là do luật địa phương”.

Nhà báo có gần 168.000 người theo dõi trên Facebook nói rằng các bài viết của anh “bị gỡ” nhiều, liên tục trong 2 năm qua, kể từ khi câu chuyện đấu tranh chống BOT (trạm thu phí giao thông) “bẩn” ở Việt Nam.

Các bài viết của nhà báo này về vụ tham nhũng ở Bình Dương, với lượng theo dõi và tương tác lên đến hàng nghìn lần, cũng bị xoá vì “bị giới hạn do luật địa phương”.

“Tôi khiếu nại họ không trả lời hoặc họ im luôn”, anh Danh cho biết. Facebooker này bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 17/12 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, một ngày sau khi anh trả lời phỏng vấn của VOA.

“Hiện tượng này phổ biến ở Việt Nam”, Đoàn Bảo Châu, một blogger chuyên viết bài phản biện xã hội từng bị gỡ bài một vài lần sau đó được khôi phục, cho biết. “Bạn bè tôi nhiều người nói bị gỡ bài trên Facbeook, thậm chí bị khoá tài khoản do viết về những vấn đề nhạy cảm, có sự chỉ trích đối với chính quyền”.

Quyền tự do biểu đạt đã nở rộ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam, nơi nhà nước nắm quyền kiểm soát truyền thông chính thống và dùng nó làm công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, trong một thập kỷ qua.

Anh Châu cho biết, với lượng người theo dõi lớn – hơn 120.000, anh được các tổ chức nhân quyền quốc tế đưa vào danh sách các tài khoản được bảo vệ ở Việt Nam nên không còn bị xoá bài nữa.

Giống như anh Châu, một blogger thường xuyên viết bài phản biện xã hội, Nguyễn Lân Thắng, cũng được đưa vào danh sách kể trên nhưng trước đó vài năm, anh thường xuyên “bị gỡ bài, khoá tài khoản mà không được thông báo”.

Vào năm ngoái nhạc sỹ Tuấn Khanh, người cũng thường xuyên có các đăng tải phản biện xã hội, lên tiếng phản ứng chuyện Facebook chèn ép người dùng và “thoả hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam và một số nước có nền cai trị độc tài để giữ được thị phần”.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một người cũng từng có các đăng tải trên mạng xã hội bị xoá vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, đó là “lỗ hở kỹ thuật” của Facebook để công an và mạng lưới dư luận viên do quân đội quản lý lợi dụng bằng cách lập báo cáo để gỡ bỏ nội dung mà họ không muốn lan truyền trên mạng.

‘Đồng loã’

Quyền tự do biểu đạt đã nở rộ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam, nơi nhà nước nắm quyền kiểm soát truyền thông chính thống và dùng nó làm công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản, trong một thập kỷ qua. Nhưng theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) “gần đây nhà chức trách đã bắt đầu tập trung vào việc coi sự biểu đạt ôn hoà trên mạng là một mối hiểm hoạ hiện hữu đối với chế độ”.

Theo một báo cáo mới nhất do Ân xá Quốc tế công bố trong tháng này, Facebook và YouTube đã trở thành “những nơi săn lùng của các nhà kiểm duyệt, quân đội trên không gian mạng và những ‘dư luận viên’ do nhà nước bảo trợ”.

Chúng tôi phụ thuộc vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi biết về các nội dung mà họ cho là vi phạm pháp luật thông qua các quy trình chính thức, và sẽ hạn chế nếu thấy thích hợp sau khi đã xem xét kỹ lưỡng.
Đại diện Google, chủ sở hữu YouTube

Các nền tảng này không những “để điều đó xảy ra” mà còn “đồng loã” với chính quyền Việt Nam trong việc “kiểm duyệt và trấn áp trên quy mô công nghiệp” đối với sự biểu đạt ôn hoà trên mạng ở Việt Nam, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London, Anh.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đã phản bác báo cáo này của Ân xá Quốc tế, và cho biết các doanh nghiệp nước ngoài được “tạo điều kiện thuận lợi” để hoạt động và kinh doanh ở đây “trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”.

Việt Nam hồi năm ngoái chính thức áp dụng Luật An ninh Mạng, trong đó yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ các quy định pháp luật sở tại, bao gồm cả việc mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Các nguồn tin của Reuters trong năm nay tiết lộ rằng Facebook bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc siết chặt kiểm duyệt để hạn chế các đăng tải “có tính phê bình” sau khi mạng xã hội của Mỹ bị làm chậm lượng truy cập và thậm chí bị đe doạ đóng cửa ở Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây thường xuyên công bố việc các mạng xã hội Facebook và YouTube gỡ bỏ bài viết, đăng tải bằng ảnh cũng như video clip mà chính quyền cho là có nội dung “xấu, độc” theo yêu cầu của Hà Nội.

Mới đây nhất, bộ này hôm 13/12 cho biết từ đầu năm đến nay Facebook và YouTube đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết bị cho là “vi phạm pháp luật” cũng như xoá hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin “tuyên truyền chống Nhà nước”, “chống Đảng” theo yêu cầu của bộ.

Bản thân người đại diện của Facebook đã công khai công nhận họ hoạt động ở đâu là họ tuân thủ pháp luật ở nơi đấy. Có nghĩa rằng yêu cầu của chính phủ Việt Nam được họ thực hiện.
Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và nhà hoạt động dân chủ

Cụ thể, bộ TT-TT nói rằng Facebook gỡ, chặn gần 4.000 bài viết với mức tăng 400% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ gỡ, chặn theo yêu cầu là 95%, trong khi YouTube, do Google sở hữu, đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 30.000 video clip bị cho là “vi phạm” và “phản động” với tỷ lệ chấp hành là 87%.

Các báo cáo minh bạch của Facebook và Google cho thấy họ đã thực hiện xoá đăng tải bài viết và video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Trong khi Facebook cho biết họ “hạn chế tiếp cận” với các đăng tải của người dùng theo báo cáo của Bộ TT-TT đối với các nội dung “chống Đảng Cộng sản Việt Nam”, Google nói rằng các nội dung mà YouTube “xoá bỏ” theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam thuộc diện “có thể bị coi là vi phạm luật địa phương.”

Facebook không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về những tiêu chí hoạt động của họ ở Việt Nam và liệu họ có “thoả hiệp” với chính phủ Việt Nam trong việc kiểm duyệt thông tin hay không, trong khi một đại diện của Google cho VOA biết họ “có các chính sách rõ ràng đối với các yêu cầu xoá gỡ (đăng tải) từ các chính phủ trên thế giới.

“Chúng tôi phụ thuộc vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi biết về các nội dung mà họ cho là vi phạm pháp luật thông qua các quy trình chính thức, và sẽ hạn chế nếu thấy thích hợp sau khi đã xem xét kỹ lưỡng”, đại diện của Google đưa ra ý kiến.

Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Ming Yu Hah, Phó Giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Ân xá Quốc tế

Người sáng lập và là CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước nói mạng xã hội này “không kiểm duyệt” mà chỉ “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia” mà họ hoạt động.

Lợi nhuận

“Bản thân người đại diện của Facebook đã công khai công nhận họ hoạt động ở đâu là họ tuân thủ pháp luật ở nơi đấy”, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân chủ từng có lần bị đóng tài khoản trên Facebook, nói. “Có nghĩa rằng yêu cầu của chính phủ Việt Nam được họ thực hiện”.

Việt Nam, với dân số 96 triệu người, là một thị trường “béo bở” cho cả Facebook và Google, công ty đang sở hữu YouTube.

Năm 2018, với khoảng 65 triệu tài khoản ở Việt Nam, Facebook ghi nhận doanh thu gần 1 tỷ USD ở đất nước này – chiếm khoảng 1/3 doanh thu của mạng xã hội khổng lồ Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó Google thu được 475 triệu USD trong cùng thời gian này nhờ vào quảng cáo trên Youtube ở Việt Nam.

“Đó là một công ty kinh doanh dùng công nghệ và đối với họ, những người kinh doanh, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu”, anh Đoàn Bảo Châu nói. “Do đó họ có đặt ở một nước sở tại nào thì họ cũng phải thoả hiệp với chính quyền của đất nước đó để làm sao vận hành chứ họ thực sự không quan tâm nhiều đến những tiêu chí chung như tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến hay dân chủ”.

Tại buổi điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 17/11, Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn đã cáo buộc Facebook “ưu tiên lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Facebook rất là quan trọng đối với sự phát triển về nhận thức của người dân Việt Nam.Sự hiện diện của mạng xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là Facebook, đóng vai trò trong việc 'khai dân trí.'
Đoàn Bảo Châu, blogger phản biện xã hội

Blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết “sức ép lên công việc kinh doanh của các thực thể mạng xã hội là rất lớn” ở Việt Nam và thông cảm với việc “họ phải tuân thủ theo yêu cầu của chính quyền” trong khi nhà báo Võ Văn Tạo thất vọng khi cho rằng Facebook “vì tìm kiếm lợi nhuận mà phải đầu hàng trước những nhà cầm quyền độc tài trong đó có Việt Nam”.

“Tôi nghĩ cuối cùng thì (Facebook) cũng chỉ là một công ty với mục đích tối thượng là kiếm tiền”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói hôm 16/12. “Có thể ở Việt Nam việc kiếm tiền của họ lớn quá nên thành ra họ sẽ chấp nhận gạt bỏ một số tiêu chuẩn chung để theo tiêu chuẩn riêng nhằm mục đích kiếm tiền”.

Theo các tiêu chuẩn và luật quốc tế về quyền con người, các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân quyền. Nguyên tắc 11 của Bộ Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGPs) nói rằng tất cả các công ty có trách nhiệm tôn trọng tất cả các quyền con người ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động.

“Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ”, theo Phó Giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Ân xá Quốc tế, Ming Yu Hah.

Hy vọng vào chính phủ Mỹ?

Facebook, kể từ khi có phiên bản tiếng Việt vào năm 2008, đã trở thành nền tảng phổ biến nhất ở Việt Nam với 66 triệu người dùng và là thị trường lớn thứ 7 trên thế giới.

“Facebook rất là quan trọng đối với sự phát triển về nhận thức của người dân Việt Nam”, blogger Châu nói, và nhận định rằng sự hiện diện của mạng xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là Facebook, đóng vai trò trong việc “khai dân trí” cho người dân của quốc gia không có nền báo chí tự do vì truyền thông chính thống nằm dưới sự quản lý của nhà nước và được coi là công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản.

Việt Nam được co là một trong những quốc gia ít có tự do báo chí nhất trên thế giới khi bị RSF xếp hạng 175/180 nước về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2020.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi chính phủ Mỹ dùng đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ công ty mạng lớn nhất của Hoa Kỳ trước sức ép của chính quyền Việt Nam.

“Từ ngày có Facebook, nhận thức của người dân tăng cao rõ rệt”, nhà báo Danh nhận định và cho biết hiện nay không một mạng xã hội nào ở Việt Nam có thể thay thế được Facebook ở đây.

Nhà báo Tạo cho biết đã có những lời kêu gọi của nhiều người dùng Facebook trong nước chuyển sang dùng mạng xã hội khác như Mind để phản đối cũng như “tẩy chay” việc Facebook “thoả hiệp” với chính quyền trong việc kiểm duyệt thông tin, nhưng theo ông “cuối cùng vẫn phải quay lại Facebook” vì sự phổ biến của mạng này.

“Facebook là một công cụ tuyệt vời để mỗi cá nhân có thể đóng vai trò như là một nhà báo, như là một phát thanh viên truyền hình để phản ánh sự việc, sự thật và những câu chuyện xã hội xung quanh họ”, blogger Châu nói. “Đó là một sự cân bằng lại về thông tin”.

“Nhưng tiếc thay chính quyền đã kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn và cũng đã bỏ tù rất nhiều những người dùng mạng xã hội để phát biểu nên chính kiến của mình”, anh Châu nói. “Đó là một điều đáng buồn và đáng lo ngại”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) hồi tháng 4 năm nay cho rằng Facebook đã đầu hàng trước sức ép của chính quyền Việt Nam khi đồng ý chặn bài của những người bất đồng chính kiến, và họ kêu gọi chính phủ Mỹ dùng đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ công ty mạng lớn nhất của Hoa Kỳ trước sức ép này.

HRW cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần sử dụng tốt hơn đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ Facebook trong tình huống bị chính quyền Việt Nam gây sức ép. Tổ chức này cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần ủng hộ Facebook một cách công khai hơn để ngăn ngừa các chiến thuật mạnh tay của chính quyền.

“Tôi nghĩ chính phủ Mỹ, cụ thể là quốc hội Mỹ, chính quyền Mỹ mới đặt ra được những điều luật hay quy định gì đó để các công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ để không làm hại đến nhân quyền và nhiều thứ khác,” TS Quang A nói.

Facebook là một doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hoa Kỳ thì họ phải tuân thủ tất cả quy định và pháp luật của Hoa Kỳ nên tôi nghĩ nếu nhà nước Mỹ làm gay gắt chuyện này, nghiêm cấm các doanh nghiệp xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của công dân ở các nước trên toàn thế giới không chỉ riêng ở Mỹ thì bắt buộc (Facebook) phải chấp hành.
Võ Văn Tạo, nhà báo

Ân xá Quốc tế, trong báo cáo về việc “đồng loã” của các tập đoàn công nghệ khổng lồ Mỹ – gồm Facebook và Google – đưa ra hồi đầu tháng này, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ phải “ngay lập tức có các biện pháp nhằm điều chỉnh các công ty công nghệ đặt ở các nước sở tại phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền trong các hoạt của họ trên toàn cầu phù hợp với Bộ Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Nhân quyền.”

Theo tổ chức này, các công ty công nghệ Mỹ phải “đảm bảo rằng các cá nhân là nạn nhân của các vi phạm nhân quyền do hành động của các công ty nào được tiếp cận với các biện pháp khắc phục hiệu quả”.

“Facebook là một doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hoa Kỳ thì họ phải tuân thủ tất cả quy định và pháp luật của Hoa Kỳ nên tôi nghĩ nếu nhà nước Mỹ làm gay gắt chuyện này, nghiêm cấm các doanh nghiệp xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận của công dân ở các nước trên toàn thế giới không chỉ riêng ở Mỹ thì bắt buộc (Facebook) phải chấp hành”, nhà báo Tạo nói, và cho rằng “nếu chính phủ Mỹ chỉ cảnh báo và cho qua thì tệ nạn đó sẽ còn mãi và như thế thì xu hướng độc tài sẽ lấn lướt”.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, các chính phủ đàn áp khác có thể áp dụng các chiến lược tương tự – tức yêu cầu các công ty công nghệ siết chặt kiểm duyệt thông tin – và sẽ “gây ra hậu quả sâu rộng trên toàn cầu”.

“Nếu chính phủ Mỹ mà can thiệp thì có thể sẽ có tác động”, nhà báo Danh nói ở thời điểm trước khi bị bắt. “Nhưng cá nhân tôi nghĩ Tổng thống Mỹ và người Mỹ trước tiên chỉ quan tâm đến quyền lợi của người Mỹ còn Việt Nam thì ở xa lắm”.

Liên quan

Đầu trang

19-12-2020 - bbc.com

LHQ kêu gọi Thái Lan sửa luật về tội khi quân

EPA. Cảnh sát đứng canh tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, Thái Lan

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 18/12 đã kêu gọi Thái Lan sửa đổi luật về tội khi quân (lese majeste law), theo Reuters.

Văn phòng nhận định rằng luật này đã được sử dụng để chống lại ít nhất 35 nhà hoạt động, một người mới 16 tuổi, trong những tuần gần đây.

Văn phòng nói rằng Thái Lan nên ngừng sử dụng luật cấm xúc phạm chế độ quân chủ, và ngưng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng khác đối với những người biểu tình, lưu ý rằng việc hình sự hóa các hành vi này vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Các cuộc truy tố, đã dừng vào năm 2018, được khởi động lại sau khi những người biểu tình phá bỏ những điều cấm kỵ lâu nay bằng cách kêu gọi cải cách để kiềm chế quyền lực của Vua Maha Vajiralongkorn trong nhiều tháng biểu tình trên đường phố. Những người bị kết tội theo luật về xúc phạm hoàng gia đối mặt với ba đến 15 năm tù.

Người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc lưu ý rằng các cáo buộc khác về tội sử dụng thuốc an thần và tội phạm máy tính cũng đã được dùng để chống lại người biểu tình.

"Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Thái Lan ngừng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa," phát ngôn viên Ravina Shamdasani nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.

Đại diện Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã kêu gọi Thái Lan thay đổi luật về tội khi quân để phù hợp với quyền tự do biểu đạt.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết luật này không nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận và nó tương tự như luật về tội phỉ báng.

"Trong vài tháng qua, những người biểu tình không bị bắt chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa," Tanee Sangrat nói trong một tuyên bố.

"Những người bị bắt đã vi phạm các luật khác của Thái Lan và phải thừa nhận rằng phần lớn đã được thả."

Các cuộc biểu tình do thanh niên lãnh đạo bắt đầu vào tháng Bảy để kêu gọi phế truất Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng quân đội, và yêu cầu soạn thảo hiến pháp mới.

Sau đó, họ kêu gọi cải cách chế độ quân chủ: yêu cầu nhà vua phải chịu trách nhiệm rõ ràng hơn theo hiến pháp và đảo ngược các thay đổi giúp ông kiểm soát tài chính hoàng gia và một số đơn vị quân đội, trong số các yêu cầu khác.

Đầu trang

17/12/2020 - Thanh Hà - rfi.fr

Tunisia: Vị đắng 10 năm sau cách mạng Hoa Nhài

Ảnh tư liệu: Dân chúng biểu tình chống nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali tại Tunis (Tunisia) ngày 14/01/2011. REUTERS - ZOHRA BENSEMRA

Cuộc cách mạng Hoa Nhài Tunisia 10 năm trước đây chỉ còn lại vị đắng. An ninh, tư pháp và nhất là kinh tế vẫn trong tay một vài phe nhóm thế lực tại Tunis. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại cao hơn gấp 3 lần so với thời “chế độ cũ” và đại đa số dân chúng vẫn mòn mỏi đợi chờ “những ngày mai tươi sáng hơn”.

Cách nay đúng 10 năm, ngày 17/12/2010 sự kiện một thanh niên bán hàng rong Tunisia tự thiêu cho thấy niềm tuyệt vọng của hàng chục triệu con người phải đối mặt với đời sống đắt đỏ, của giới trẻ không có việc làm, của những người dân thấp cổ bé miệng phải chống chỏi với guồng máy tham ô ở đủ mọi cấp…

Chỉ ba tuần sau vụ tự thiêu, không cần vũ khí, sức mạnh của đường phố cũng đủ để lật đổ chế độ độc tài trong tay tổng thống Ben Ali sau hơn hai thập niên cai trị đất nước với một bàn tay sắt. Cuộc cách mạng Hoa Nhài là mắt xích đầu tiên trong chuỗi dài của phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập, từ Ai Cập đến Libya hay Yemen.

Trong những tháng kế tiếp và cho đến tận 2013, nhiều quan chức của ngành an ninh và cảnh sát đã bị cách chức. IVD, một ủy ban điều tra về những kẻ phạm tội ác dưới thời chế độ Ben Ali đã được hình thành.

Thế nhưng rồi, theo lời cựu phó chủ tịch ủy ban này, bà Silem Bensedrine, được tuần báo Le Point trích dẫn, “những người bị cách chức nói trên không bị xét xử hay trừng phạt” và tệ hơn nữa đại đa số trong guồng máy an ninh của chế độ cũ vẫn được trọng dụng và thậm chí còn được thăng tiến trong bối cảnh Tunisia bị khủng bố đe dọa. Nạn tra tấn vẫn tồn tại và như ghi nhận của Tổ Chức Thế Giới Chống Tra Tấn, “tác giả của những vụ tra tấn đó gần như vẫn được bình yên”.

Nhìn đến hệ thống tư pháp, 10 năm sau phong trào dân chủ Tunisia, ngoại trừ một vài nhân vật quá nổi tiếng dưới thời tổng thống Ben Ali đã phải lùi vào bóng tối khi chế độ cũ sụp đổ, những vị thẩm phán tham ô nhất tuyệt nhiên không bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tính độc lập của tư pháp Tunisia đến nay vẫn chỉ “hiện hữu trên giấy tờ”.

Dù vậy ủy ban này nhìn nhận rằng trong số các cuộc cách mạng của phong trào Mùa Xuân Ả Rập thì trường hợp Tunisia được xem là thành công nhất: Quốc gia này đã cho ra đời một bản Hiến Pháp mới. So với ở Ai Cập hay Syria thì Tunisia cũng là một nước hiếm hoi tổ chức bầu cử tự do và cũng là nơi mà quyền tự do ngôn luận được tôn trọng.

Nhưng chỉ cần nhìn vào bức tranh kinh tế Tunisa hiện tại cũng đủ để nhận thấy rằng “những bông hoa nhài của 10 năm trước đã tàn úa”: Năm 2017 theo bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, Tunisia sụt giảm mất 15 hạng so với hồi 2010 trong số những quốc gia tham nhũng.

Nhà chính trị học Tunisia, Selim Kharrat trả lời tuần báo Le Point của Pháp lưu ý rằng chỉ từ hai năm trở lại đây, công luận mới bắt đầu chú ý và thảo luận những vấn đề như tại sao nhiều hoạt động kinh tế vẫn chỉ tập trung trong tay một vài “đại gia” hay liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước với các đại tập đoàn Tunisia … Chế độ Ben Ali đã bị lật đổ cách nay gần một chục năm nhưng những “cung cách” làm ăn, những đặc quyền của các phe nhóm vẫn tồn tại. Năm 2015, một cựu lãnh đạo nghiệp đoàn các chủ doanh nghiệp Tunisia đã cảnh báo rằng, “giai đoạn chuyển tiếp hướng tới mô hình dân chủ chỉ có thể thành công nếu Tunisia thành công về mặt kinh tế

Thực tế phũ phàng là, 10 năm sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở một thành phố nhỏ miền trung Tunisia, 12 triệu dân xứ này vẫn phải đối mặt với lạm phát, thất nghiệp và những bất công xã hội. Tình hình thêm đen tối dưới tác động tai hại virus corona. Tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba lần so với thời của nhà độc tài Ben Ali.

Điều tai hại hơn cả như triết gia Youssef Seddik ghi nhận : 10 năm trước đây người dân Tunisia đã xuống đường vì miếng cơm manh áo, họ đã lật đổ một chế độ độc tài để đòi tự do. Nhưng thảm họa của Tunisia là “cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do đó đã không được bù đắp lại” bằng những điều kiện kinh tế khả quan hơn. Những người tham gia cuộc cách mạng Hoa Nhài ấy vẫn không trông thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Chính quyền Tunis vừa phải đi vay thêm 5 tỷ euro, tức tương đương với 30 % để hoàn tất dự luật về ngân sách cho năm 2021. Cũng Tunisia đang cầu viện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế một gói hỗ trợ vào mùa xuân này. Trong khi chờ đợi, chính phủ theo dõi chặt chẽ các cuộc bãi công rải rác trên toàn quốc hay những xung đột dù rất nhỏ giữa các bộ tộc ở miền nam, với một mục tiêu duy nhất đó là phát hiện kịp thời những mầm mống của một cuộc cách mạng khác.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang

20/12/2020 - Tú Anh - rfi.fr

Tin tặc tấn công Mỹ: Donald Trump "nặng tình" với Putin

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không tố cáo Nga trong vụ tấn công tin tặc. REUTERS - ERIN SCOTT

Ngoại trưởng Pompeo cũng như an ninh mạng của Hoa Kỳ tố cáo Nga đứng sau vụ tấn công quy mô lớn của tin tặc nhắm vào các cơ quan nhà nước và tư nhân Mỹ nhưng tổng thống Donald Trump ngày 19/12/2020 một lần nữa tỏ ra bao dung với Matxcơva.

Tiếp theo vụ phát hiện tin tặc tấn công hệ thống điện toán của bộ Tài Chính và Thương Mại Hoa Kỳ mà các chuyên gia điều tra an ninh mạng tập trung về hướng Matxcơva, mãi đến hôm 19/12, tức năm ngày sau chủ nhân Nhà Trắng mới phản ứng.

Qua Twitter, tổng thống Donald Trump cho là « đã kiểm soát được tình hình ». Ông hỏi thêm tại sao cứ nói là « nước Nga, nước Nga, nước Nga mà không nghi ngờ Trung Quốc ? ».

Và một lần nữa, tổng thống mãn nhiệm khẳng định, nhưng không đưa chứng cớ, là tin tặc đã đánh cướp chiến thắng bầu cử của ông : « Rất có thể là có một cuộc tấn công vào hệ thống điện toán quản lý cuộc bầu cử mà lẽ ra tôi đắc thắng ».

Vụ tấn công vào bộ Tài Chính và Thương Mại Hoa Kỳ có thể đã bắt đầu từ tháng Ba do một nhóm tin tặc có quan hệ trực tiếp với an ninh quân đội Nga. Không riêng nước Mỹ, nhiều quốc gia khác có thể là mục tiêu và cuộc điều tra ngày càng phát hiện thêm nạn nhân.

Theo AFP, giới chuyên gia an ninh mạng phăng ra đường dây của nhóm tin tặc APT29 và hôm Thứ Sáu 18/12, ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc đích danh chính quyền Nga. Sứ quán Nga tại Washington bác bỏ các cáo cuộc này.

TT Trump hạ giảm mức độ nghiêm trọng vụ Nga tấn công tin tặc

20/12/2020 - voatiengviet.com

Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy hạ giảm mức độ nghiêm trọng của vụ xâm nhập tin tặc quy mô lớn nhắm vào Mỹ được nói là do Nga thực hiện mà cơ quan an ninh mạng quốc gia đã cảnh báo là đề ra nguy cơ “nghiêm trọng” đối với các mạng lưới của chính phủ và tư nhân.

“Vụ Xâm nhập Mạng trên Truyền thông Tin tức Giả nghiêm trọng hơn nhiều so với trên thực tế. Tôi đã được báo cáo đầy đủ và mọi thứ đang được kiểm soát tốt,” ông Trump viết trên Twitter trong những phát biểu đầu tiên của ông về vụ việc. Ông cũng nói giới truyền thông "kinh sợ" khi "nói về khả năng đó có thể là Trung Quốc (có thể!)."

Không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực hiện vụ tấn công này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối ngày thứ Sáu nói rằng Nga “khá rõ ràng” là đứng đằng sau vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ.

“Đây là một nỗ lực rất đáng kể và tôi nghĩ trường hợp này bây giờ chúng ta có thể nói khá rõ ràng rằng chính người Nga đã tham gia vào hoạt động này,” ông nói trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình radio Mark Levin.

Trong suốt nhiệm quyền tổng thống của mình, ông Trump đã từ chối quy trách Nga về các hành vi thù địch, bao gồm việc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp ông đắc cử. Ông đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama về việc Nga sáp nhập Crimea, tán thành cho phép Nga tái gia nhập nhóm các quốc gia G-7 và chưa bao giờ tỏ ra cứng rắn với Nga về cáo buộc nước này treo tiền thưởng cho việc hạ sát binh lính Mỹ ở Afghanistan.

Ông Pompeo trong cuộc phỏng vấn cho biết chính phủ vẫn đang “tìm hiểu” về cuộc tấn công mạng và một số thông tin có thể sẽ vẫn được bảo mật.

“Nhưng đủ để nói rằng đã có một nỗ lực đáng kể sử dụng một phần mềm của bên thứ ba để chèn mã độc vào bên trong các hệ thống của chính phủ Mỹ và giờ có vẻ là các hệ thống của các công ty tư nhân cũng như các công ty và chính phủ trên khắp thế giới,” ông nói.

Mặc dù ông Pompeo là quan chức chính quyền Trump đầu tiên công khai quy trách Nga về các cuộc tấn công, các chuyên gia an ninh mạng và các quan chức khác của Mỹ trong tuần qua đã nêu rõ hoạt động này dường như là do Nga thực hiện, theo AP. Hãng tin này cho biết chưa có gợi ý đáng tin cậy nào cho thấy bất cứ quốc gia nào khác - kể cả Trung Quốc - chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Dù ông Trump hạ giảm tác động của các vụ xâm nhập tin tặc, Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng cho biết nó đã ảnh hưởng tới các cơ quan liên bang cũng như các “cơ sở hạ tầng hệ trọng.” Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chủ quản của cơ quan này, xác định các cơ sở hạ tầng này là bất cứ tài sản “thiết yếu” nào đối với Mỹ hoặc nền kinh tế của Mỹ, một hạng mục rộng lớn có thể bao gồm các nhà máy điện và các tổ chức tài chính.

Mỹ bị tấn công mạng, Biden và Trump có phản ứng trái ngược

19/12/2020 - RFI. Thùy Dương

Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại Fort Meade, bang Maryland, Hoa Kỳ. AP - Patrick Semansky

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe ngày 18/12/2020 tuyên bố rất có thể Nga đứng đằng sau chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Mỹ nhằm xâm nhập vào hệ thống tin học của chính phủ Mỹ. Đại sứ Nga tại Washington bác bỏ cáo buộc.

Theo AFP, quy mô chiến dịch tấn công mạng ngày càng được mở rộng và có thêm nhiều nạn nhân bên ngoài nước Mỹ, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gián điệp. Phát biểu trên kênh Fox News, nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng Viện Mỹ hôm qua gọi đó là « một vụ tấn công lớn » có thể vẫn đang tiếp diễn và là mối đe dọa nghiêm trọng cho Nhà nước liên bang, chính quyền các địa phương, cơ sở hạ tầng thiết yếu và cả khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ.

Về phía tổng thống mới đắc cử Joe Biden và tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, hai ông đang có những phản ứng hoàn toàn trái ngược về nghi vấn Nga đứng đằng sau các cụ tấn công mạng nhắm vào nước Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Corpet, cho biết thêm chi tiết :

Tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi các cuộc tấn công mạng nhắm vào đất nước chúng ta”. Joe Biden tuyên bố như trên và nói tiếp : “Vẫn còn rất nhiều điều chúng tôi chưa biết, nhưng những gì chúng tôi đã biết thì rất đáng lo ngại ».

Phản ứng của Joe Biden trái ngược hẳn với sự im lặng của Nhà Trắng : Không tham dự bất kỳ cuộc họp thông báo tình hình an ninh nào kể từ cuối tháng 10, tổng thống Donald Trump không nói một lời nào về chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn lần này, vốn được cho là do Nga tiến hành.

Kể từ khi thất cử, tổng thống Mỹ dường như chỉ tập trung vào việc phản đối kết quả kiểm phiếu và tố cáo các vụ gian lận quy mô lớn cho dù chưa bao giờ các vụ gian lận này được xác nhận.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mitt Romney đã tố cáo "sự im lặng và thụ động không thể biện minh của Nhà Trắng" về cuộc tấn công mạng quy mô lớn mà Hoa Kỳ là nạn nhân. Sáng ngày thứ Sáu, Donald Trump đã đăng tải tin nhắn Twitter về "trò lừa bịp lớn chưa từng có của Nga". Nhưng Tweet này không liên quan gì đến vụ tấn công mạng đang diễn ra mà ám chỉ việc Matxcơva can dự vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ cách nay 4 năm.

Ngoại trưởng Pompeo nói Nga đứng sau vụ tấn công tin tặc nhắm vào Mỹ

20/12/2020 - voatiengviet.com

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga “khá rõ ràng” đứng đằng sau cuộc tấn công mạng nghiêm trọng nhắm vào Mỹ. Ông là quan chức chính quyền đầu tiên công khai liên kết Điện Kremlin với vụ xâm nhập mạng máy tính sâu rộng, theo AP.

Không rõ chính xác các tin tặc tìm kiếm thứ gì, nhưng các chuyên gia nói có thể bao gồm những bí mật hạt nhân, bản thiết kế cho những vũ khí tiên tiến, nghiên cứu liên quan đến vắc-xin COVID-19 và thông tin cho hồ sơ về các nhà lãnh đạo của chính phủ và của các ngành.

“Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu chính xác họ tìm kiếm cái gì và tôi chắc chắn một số thông tin vẫn sẽ được bảo mật,” ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối ngày thứ Sáu với người dẫn chương trình radio Mark Levin. “Nhưng đủ để nói rằng đã có một nỗ lực đáng kể sử dụng một phần mềm của bên thứ ba để chèn mã độc vào bên trong các hệ thống của chính phủ Mỹ và giờ có vẻ là các hệ thống của các công ty tư nhân cũng như các công ty và chính phủ trên khắp thế giới. Đây là một nỗ lực rất đáng kể và tôi nghĩ trường hợp này bây giờ chúng ta có thể nói khá rõ ràng rằng chính người Nga đã tham gia vào hoạt động này.”

Nga nói họ "không liên quan gì" đến vụ xâm nhập tin tặc.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Pompeo nói Nga nằm trong danh sách “những người muốn phá hoại lối sống của chúng ta, nền cộng hòa của chúng ta, các nguyên tắc dân chủ cơ bản của chúng ta. ... Bạn xem tin tức trong ngày liên quan đến nỗ lực của họ trong không gian mạng. Chúng ta đã thấy điều này trong một thời gian dài, sử dụng các khả năng bất đối xứng để thử đặt họ vào vị thế mà họ có thể gây tổn hại cho Mỹ."

AP cho biết điều làm cho chiến dịch xâm nhập tin tặc này đặc biệt khác thường là quy mô của nó: 18.000 tổ chức từ tháng 3 đến tháng 6 đã bị nhiễm mã độc chèn vào phần mềm quản lý mạng lưới được sử dụng nhiều của một công ty có tên là SolarWinds ở Austin, bang Texas.

Sẽ mất nhiều tháng để trục xuất những tin tặc tinh nhuệ ra khỏi mạng lưới của chính phủ Mỹ đã âm thầm sục sạo kể từ tháng 3, theo AP.

Khách hàng của SolarWinds bao gồm hầu hết các công ty trong danh sách Fortune 500 và các cơ quan chính phủ Mỹ.

Lầu Năm Góc cho biết cho đến nay họ chưa phát hiện thấy bất kỳ vụ xâm nhập nào từ chiến dịch SolarWinds trong bất cứ mạng nào của mình - được bảo mật hoặc không bảo mật.

Tin tặc Nga bị nghi tấn công vào các cơ quan của chính phủ Mỹ

14/12/2020 - RFI. Thanh Phương

Trụ sở bộ Ngân Khố (Tài Chính) Hoa Kỳ ở Washington, . Ảnh chụp ngày 18/09/2019. AP - Patrick Semansky

Các tin tặc bị nghi có liên hệ với nước Nga đã tiếp cận được những thư điện tử nội bộ của hai bộ Tài Chính và bộ Thương Mại của Mỹ. Các vụ được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Một trong trong những nguồn tin nắm rõ hồ sơ được hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay 14/12/2020 cho biết, vụ việc trầm trọng đến mức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia đã được triệu tập tại Nhà Trắng hôm thứ Bảy tuần trước.

Hiện giờ có rất ít thông tin được chính phủ Mỹ công bố. Bộ Thương Mại chỉ xác nhận đã có một vụ xâm nhập vào một trong các cơ quan của bộ này và cho biết đã yêu cầu Cơ quan an ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng CISA và Cục điều tra liên bang FBI điều tra.

Về phần phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, John Ullyot, ông tuyên bố : « Chính phủ Mỹ đã biết các thông tin đó và đang thi hành các biện pháp cần thiết để xác định và giải quyết mọi vấn đề có thể nẩy sinh từ vụ này ».

Chính phủ Mỹ không nói rõ những tin tặc đó là từ đâu, nhưng theo các nguồn tin của Reuters, nước Nga đứng đằng sau vụ tấn công tin học nói trên. Các vụ xâm nhập nằm trong khuôn khổ một chiến dịch tấn công tin học rộng lớn hơn, nhắm vào cả công ty FireEye, một công tin an ninh mạng lớn của Mỹ, làm việc cho các cơ quan công quyền của Hoa Kỳ.

Tờ Washington Post, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, cũng nghi ngờ nước Nga đứng đằng sau các vụ tấn công tin học đó, mà thủ phạm là nhóm ATP29, nhóm đã từng mở các cuộc tấn công nhắm vào ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016.

Tuy nhiên, trên trang Facebook, bộ Ngoại Giao Nga đã ra thông cáo cho rằng cáo buộc đó chỉ là « một mưu toan của báo chí Mỹ nhằm đổ trách nhiệm cho Matxcơva về các vụ tấn công tin học vào các cơ quan của Mỹ ».

Donald Trump suggests China, not Russia, is behind SolarWinds cyber espionage attack on the US

20-12-2020 abc.net.au

Đầu trang

20/12/2020 - Thanh Hà - rfi.fr

NATO rà soát lại hệ thống tin học đề phòng nguy cơ bị tấn công

Ảnh minh họa : Sau vụ tấn công vào hệ thống của Mỹ, NATO và Ủy Ban Châu Âu thông báo kiểm tra lại toàn bộ hệ thống mạng. © REUTERS/Kacper Pempel/Illustration

Sau đợt tấn công ồ ạt nhắm vào hệ thống tin học của Hoa Kỳ, ngày 19/12/2020 Liên Minh Bắc Đại Tây Dương/NATO và Ủy Ban Châu Âu, hai định chế có trụ sở tại Bruxelles, thông báo kiểm tra lại toàn bộ hệ thống tin học đề phòng khả năng bị tấn công.

Thông tín viên đài RFI, Joana Hostein từ Bruxelles trình bày :

« Trong giai đoạn này, mức độ an toàn của hệ thống mạng NATO cũng như Ủy Ban Châu Âu sử dụng đều không đặt ra vấn đề. Phát ngôn viên của hai định chế đa quốc gia nói trên tại thủ đô vương quốc Bỉ đã cho biết như trên.

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Ủy Ban Châu Âu cùng sử dụng phần mềm Orion của tập đoàn Mỹ SolarWinds. Chính phần mềm này là cổng vào các nhóm tin tặc lợi dụng ồ ạt tấn công. Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ là nạn nhân trong đợt tấn công vừa qua. Từ tháng 3/2020 hàng chục ngàn doanh nghiệp và cơ quan hành chính trên thế giới sử dụng một số phiên bản phần mềm Orion trong hệ thống tin học, vô hình chung đã mở cửa cho các toán tin tặc đột nhập.

Chủ tịch tập đoàn Microsoft Thứ Năm vừa qua đã thông báo với khoảng 40 khách hàng sử dụng software này. Phần lớn là các thân chủ của Microsoft hoạt động tại Mỹ và Canada, Mêhicô hay Tây Ban Nha và Bỉ. Chính vì vậy mà Ủy Ban Châu Âu và NATO đã cho rà soát lại toàn bộ hệ thống mạng ».

Đầu trang

20/12/2020 - RFI

Mỹ quyết định đóng cửa hai lãnh sự quán cuối cùng còn lại tại Nga

Ảnh minh họa : Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva. AP - Ivan Sekretarev

Hai lãnh sự quán Mỹ cuối cùng còn mở cửa tại Nga sẽ ngừng hoạt động. Bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua, 19/12/2020 đã xác nhận việc đóng cửa lãnh sự quán tại Vladivostok, miền Viễn Đông Nga, và đình chỉ hoạt động của lãnh sự quán ở Yekaterinburg, miền Oural. Quyết định này được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề về nhân sự được đặt ra từ năm 2017, khi Matxcơva áp đặt việc giới hạn số lượng nhân viên tại các cơ quan đại diện Mỹ ở Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích:

Tại Nga, Hoa Kỳ sẽ chỉ còn một cơ quan đại diện ngoại giao duy nhất ở Matxcơva, sau khi đóng cửa lãnh sự quán ở Vladivostok và đình chỉ hoạt động cửa cơ quan đại diện tại Yekaterinburg.

Các quyết định nói trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho những người Nga muốn xin visa vào Hoa Kỳ vì họ sẽ chỉ có thể xin thị thực tại Matxcơva, ở một đất nước trải rộng trên 9 múi giờ. Tuy nhiên, Nga đang đặt câu hỏi về thời điểm và bản chất của hành động không thể được gọi là thân thiện này từ phía Mỹ.

Thật vậy, trong một tháng nữa bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ do tân chính quyền Biden quản lý, và không một chuyên gia Nga nào về chính sách đối ngoại tin rằng quyết định này của Washington được đưa ra với sự tham vấn của nhóm phụ trách chuyển giao quyền hành tại Mỹ.

Một lời giải thích khác quyết định đóng cửa bất ngờ này: Đó là một tính toán đơn giản về mặt lợi ích. Kể từ năm 2017, số lượng đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga đã bị giới hạn và việc duy trì hai lãnh sự quán kể trên không có lợi, và Washington thấy tập trung vào Matxcơva tốt hơn.

Vì sao chính quyền ông Trump đóng cửa 2 lãnh sự quán ở Nga?

Soha - Minh Hạnh - 20/12/2020

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang tạm dừng các hoạt động tại 2 lãnh sự quán ở Nga, viện dẫn lý do về vấn đề an ninh.

Đóng cửa 2 lãnh sự quán

Reuters hôm nay, 19/12, đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau khi tham vấn Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan đã ra quyết định đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vladivostok, miền viễn đông và tạm đình chỉ hoạt động tại lãnh sự quán ở Yekaterinburg, ngay phía đông dãy núi Ural.

Cùng lúc đó, AP cũng cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo với Quốc hội rằng họ dự định đóng cửa hai lãnh sự quán cuối cùng còn lại của Mỹ ở Nga. Thông báo đã được gửi đến Quốc hội vào ngày 10/12 nhưng ít được chú ý vào thời điểm đó.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao, quyết định là một phần trong “những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và bảo mật của cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Nga”.

Tuy nhiên, theo thông báo gửi Quốc hội của chính quyền ông Trump, việc đóng cửa có liên quan đến quyết định giới hạn số lượng nhà ngoại giao Mỹ được làm việc tại Nga mà Moscow đưa ra năm 2017.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh quyết định này không ảnh hưởng đến các lãnh sự quán Nga tại Mỹ.

Trước đó, trong tuần này, khi được hỏi về các báo cáo của truyền thông Nga rằng hai lãnh sự quán có thể bị đóng cửa, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cho biết họ đã đình chỉ các hoạt động tại lãnh sự quán Vladivostok và lùi các hoạt động ở Yekaterinburg đến tháng 3 vì đại dịch.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã trở nên căng thẳng bởi các vấn đề từ xung đột ở Syria đến Ukraine, cũng như những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào chính trị của Mỹ, mà Moscow phủ nhận.

Các tin tặc được cho là đang làm việc cho Nga bị cáo buộc đã tấn công trên diện rộng các cơ quan chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân. Ông Pompeo cho biết hôm thứ Sáu, rõ ràng là rằng Nga đã tham gia vào các cuộc tấn công khiến các đội an ninh mạng máy tính trên toàn thế giới phải cố gắng để hạn chế thiệt hại.

Điện Kremlin sau đó phủ nhận sự liên quan của Moscow.

Tại cuộc họp báo thường niên hôm thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ giúp giải quyết một số vấn đề khó khăn trong quan hệ giữa Moscow và Washington.

Cơ sở ngoại giao duy nhất còn lại

Sau khi đóng cửa 2 lãnh sự quán nói trên, cơ sở ngoại giao duy nhất mà Mỹ sẽ có ở Nga là Đại sứ quán ở Moscow.

Nga đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St.Petersburg vào năm 2018 sau khi Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle.

Lãnh sự quán ở Vladivostok đã tạm thời đóng cửa vào tháng 3 vì đại dịch COVID-19. Các nhân viên ở đây đã bắt đầu loại bỏ các thiết bị nhạy cảm, tài liệu và các vật dụng khác. Lãnh sự quán ở Vladivostok và Yekaterinburg có tổng cộng 10 nhà ngoại giao Mỹ và 33 nhân viên địa phương.

Thời điểm đóng cửa chính xác vẫn chưa được xác định. Các nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ được chuyển đến đại sứ quán ở Moscow, trong khi nhân viên địa phương sẽ bị sa thải, theo thông báo. Bộ Ngoại giao ước tính việc đóng cửa vĩnh viễn lãnh sự quán Vladivostok sẽ tiết kiệm được 3,2 triệu USD mỗi năm.

Trong tương lai, Mỹ sẽ không có cơ quan đại diện ngoại giao nào trong một khu vực rộng lớn của Nga. Điều này có thể gây bất tiện cho du khách Mỹ ở vùng viễn đông của Nga, cũng như người Nga trong khu vực đang tìm kiếm thị thực đến Mỹ, vì tất cả các dịch vụ ngoại giao sẽ được xử lý ở Đại sứ quán tại Moscow.

Theo AP, Reuters

Đầu trang

21/12/2020 - Trọng Nghĩa - rfi.fr

Ấn Độ và Việt Nam họp thượng đỉnh với hợp tác quốc phòng là một trọng tâm

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 24/01/2018. AP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào hôm nay 21/12/2020. Hai nước dự kiến ký các thỏa thuận về quốc phòng, năng lượng và phát triển, đẩy mạnh thỏa thuận cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam.

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm cả hai nước đều phải đối mặt với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ đang đọ sức quân sự với Trung Quốc ở khu vực Ladakh thuộc biên giới hai bên trên dãy Himalaya, trong khi Việt Nam đã bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, trích dẫn những nguồn thạo tin xin giấu tên, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu và dự kiến sẽ đưa ra một “tầm nhìn chung” để định hướng cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương.

Hai bên sẽ đẩy nhanh việc triển khai khoản tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đô la của Ấn Độ cho Việt Nam để cung cấp với 12 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ven biển và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Năm tàu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro ở Chennai, và phần còn lại sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở thành phố cảng Hải Phòng dưới sự giám sát của công ty Ấn Độ.

Ấn Độ cũng đã cung cấp một tín dụng quốc phòng khác trị giá 500 triệu đô la cho Việt Nam.

Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cách đây 4 năm. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác như vậy.

Các Nội Dung Liên Quan

Đầu trang