Một phụ nữ đi qua poster quảng bá Đại hội Đảng 13 sắp tới tại Hà Nội. Việt Nam sắp chọn ra những lãnh đạo mới trong lúc Mỹ vừa có chính quyền mới sau khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng. |
Với việc Hoa Kỳ có một chính quyền mới khi tân Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng hôm 20/1 trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam sắp quyết định đường hướng lãnh đạo cho 5 năm tới tại Đại hội Đảng 13, một câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù sẽ đi theo chiều hướng nào và Việt Nam cần làm gì để tránh khả năng bị trừng phạt trả đũa mở ngỏ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump
Trong vòng chưa đầy một tuần nữa, Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc để chọn ra những nhà lãnh đạo mới và đưa ra những chính sách cho 5 năm tiếp theo. Trọng tâm của đường lối chính sách của Hà Nội, theo các nhà quan sát, là đối phó với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà trong đó Việt Nam đã trở thành một đối tác chiến lược quan trọng.
Theo một số kịch bản được nhiều người nói tới và đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 15 vừa rồi mà Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết thì “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hội để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa” trong khi “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được sự ủng hộ trong Trung ương Đảng để ở lại tiếp để tiếp quản cương vị Chủ tịch nước.”
Theo dự đoán của TS Hiệp, dàn lãnh đạo của Việt Nam theo kịch bản này sẽ “vừa cũ vừa mới” khi có hai gương mặt mới trong tứ trụ – gồm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính được đề cử giữ chức thủ tướng trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đề cử vào chức chủ tịch Quốc hội.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, một nhà phân tích chính trường Việt Nam cũng có nhận định tương tự về 4 vị trí cao nhất của dàn lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ được bầu chọn tại Đại hội Đảng 13, dự kiến diễn ra từ 25/1 đến 2/2.
Dù có thể có sự chuyển giao quyền lực sau Đại hội 13, theo TS Hiệp và GS Thayer, thì sự điều này cùng với sự thay đổi chính quyền của Mỹ sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới xu hướng phát triển của quan hệ song phương giữa hai nước, hiện đang gắn kết nhiều hơn về kinh tế và quốc phòng.
“Lý do cơ bản đấy là quan hệ song phương hiện tại đã được định hình chủ yếu bởi lợi ích quốc gia chứ không phải bởi các lợi ích đảng phái ở Mỹ hay bởi quan điểm của cá nhân lãnh đạo ở Việt Nam,” TS Hiệp nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có sự song trùng về lợi ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về chiến lược trong sự đối phó với Trung Quốc và xử lý tranh chấp trên Biển Đông.”
Việt Nam là một trong những quốc gia mà Washington muốn thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng, theo như Khung chiến lược kiềm toả của Mỹ vừa được giải mật, vì là một trong những nước Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm của khối ASEAN trong cấu trúc khu vực. Từ thời Tổng thống Barack Obama, Việt Nam đã trở thành một trọng tâm trong chiến lược Xoay trục về châu Á, mà sau này là Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Trump, trước sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc.
Nhận định về khả năng gắn kết của chính quyền mới của Mỹ với Việt Nam, GS Thayer cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ tuyên bố chung năm 2013 về quan hệ đối tác toàn diện được thông qua dưới thời Tổng thống Obama mà lúc đó ông Biden là phó tổng thống. “Chính quyền Trump đã đồng ý mở rộng quan hệ đối tác toàn diện và Chính quyền Biden sẽ làm theo,” GS Thayer nói.
Mở ngỏ trừng phạt
Cùng với sự song trùng về lợi ích ngày càng tăng cao giữa Hà Nội và Washington, quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng nồng ấm, nhất là từ khi Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi tới thăm Hà Nội năm 2016. Nhưng hai quốc gia cựu thù gần đây đã vướng vào những tranh chấp thương mại, được cho là xuất phát từ việc chính quyền Trump muốn giảm thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong khi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc gây ra đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, thì ban lãnh đạo của Đảng sắp tới phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của Mỹ và chính quyền mới trong Nhà Trắng, theo nhận định của giới quan sát.
Thâm hụt thương mại với Việt Nam với Mỹ gia tăng đáng kể và nhanh chóng dưới thời chính quyền Trump và Bộ Tài chính Mỹ đã coi Việt Nam là nước “thao túng tiền tệ”, làm tăng triển vọng áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên 63 tỷ USD vào năm ngoái, so với 47 tỷ USD vào năm trước đó.
GS Thayer nhận định rằng một trong những trở ngại mà các lãnh đạo Việt Nam phải vượt qua là di sản của Tổng thống Trump để lại về nguy cơ bị áp thuế và các trừng phạt do thao túng tiền tệ.
Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới chính quyền ông đã đưa ra kết luận về điều tra thao túng tiền tệ đối với Việt Nam nhưng không đề xuất bất kỳ hành động trả đũa nào như những lo ngại trước đó. Tuy nhiên cơ quan này nói họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn hiện có trước những động thái và chính sách mà họ cho là “không công bằng” của Việt nam “gây thiệt hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ.”
“Việc Chính quyền Trump, cụ thể ở đây là Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận Việt Nam có thao túng tiền tệ nhưng chưa có hành động trừng phạt cụ thể thì tôi nghĩ đây là một hành động khôn ngoan,” TS Hiệp nói. “Nếu Mỹ có các biện pháp trừng phạt Việt Nam ngay lập tức thì nó sẽ gây tổn hại quan hệ song phương và điều này không có lợi trong bối cảnh Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam vì các mục tiêu chiến lược đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc và kiểm soát sự gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, trong đó có Biển Đông.”
Việt Nam hôm 16/1 đã lên tiếng “hoan nghênh kết luận” của USTR đồng thời cho rằng quyết định này “có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương.”
Tuy nhiên TS Hiệp cho rằng việc USTR đưa ra kết luận và để ngỏ khả năng sẽ có một số hành động nào đó trong tương lai sẽ “trao cho Hoa Kỳ một đòn bẩy để đàm phán với Việt Nam không những chỉ trong vấn đề kinh tế thương mại mà cả những lĩnh vực khác nữa.” Theo nhà nghiên cứu của ISEAS, điều này có thể tạo ra áp lực “khuyến khích Việt Nam đáp ứng một số yêu cầu hoặc mong muốn của phía Hoa Kỳ.”
Chính quyền Biden giờ đây sẽ có toàn quyền quyết định giải quyết các tranh chấp thương mại này. Mặc dù chậm trễ trong việc công nhận ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ sau chiến thắng trước ông Trump nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhanh chóng chúc mừng ông ngay sau khi vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ nhậm chức hôm 20/1.
“Trong thời gian tới Việt Nam cần phải có những đối sách phù hợp đối với vấn đề này, làm sao vừa để duy trì được quan hệ tốt với Hoa Kỳ để phục vụ các lợi ích về mặt kinh tế cũng như chiến lược, vừa có thể tránh được một số sức ép từ phía Hoa Kỳ mà có thể họ muốn đặt ra những đòi hỏi mà Việt Nam khó có thể đáp ứng được,” TS Hiệp nói. “Điều đó đòi hỏi một sự khéo léo trong việc ứng xử của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Joe Biden, đã có một bài diễn văn nhậm chức đầy cảm xúc và gợi cảm hứng, với nhiều lời lẽ hứa hẹn sẽ đoàn kết nước Mỹ và đưa nước Mỹ vượt qua những khó khăn nội trị và trở lại vị trí cường quốc dẫn đầu và tái hội nhập trên thế giới.
Tuy nhiên, có vẻ vẫn còn những thách đố, thách thức không nhỏ đang chờ đợi tân chính phủ từ ngày đầu tiên, 20/01/2021, như một số ý kiến chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Từ Hội An, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, một người từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ và từng tư vấn chính sách về kinh tế, hội nhập và bang giao Việt - Mỹ cho lãnh đạo Việt Nam trước đây trong nhiều năm, bình luận với BBC hôm 20/01 từ Hội An:
"Thách thức lớn nhất đang chờ đợi ông Biden và chính quyền mới của ông về mặt đối nội theo tôi là tình hình phân tán nhân tâm, một phần lớn trong số 74 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump sẽ tiếp tục bị ông Trump tác động có khả năng dẫn đến bạo động khó lường, chính sách "Hòa hợp Dân tộc" sẽ bị cản trở, nhiều Dân biểu và Nghị sỹ Quốc Hội Mỹ vì sợ bị ông Trump kêu gọi tẩy chay sẽ không dám có những quyết định, động thái sáng suốt "vì dân vì nước", ủng hộ cho chính sách hòa hợp, gây cản trở lớn cho khả năng thực hiện những chiến lược phát triển của ông Biden.
"Ngoại trừ ông Trump bị Thượng viện Mỹ "phế truất" và tiếp theo là Thượng viện thông qua nghị quyết cấm ông Trump không được ứng cứ vào các chức vụ của Liên Bang, ông Trump sẽ còn có khả năng khuấy động chính trường Mỹ để ngăn cản ông Biden thực hiện những chinh sách cải cách, và xóa bỏ những "sai lầm" của chính quyền Trump.
"Thứ đến là đại dịch COVID-19 và hậu quả trên nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên, nhờ có vaccine sẽ được phổ biến trên toàn quốc, đại dịch sẽ được kiểm soát, và nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi.
"Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian, nền kinh tế Mỹ có đủ phương tiện, kiến thức, bản lĩnh, nội lực để vượt qua khủng hoảng kinh tế."
Cùng ngày, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh (ĐHQG Hà Nội) bình luận với BBC cho rằng việc khôi phục "vai trò lãnh đạo thế giới" của Hoa Kỳ sẽ không hoàn toàn dễ dàng:
"Về đối ngoại, tôi cho rằng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã bị Donald Trump 'vứt bỏ' sau bốn năm cầm quyền của ông là một thách thức lớn.
"Rõ ràng đây là một trong những thách đố không dễ giải quyết một sớm, một chiều.
"Nhưng tôi tin, với kinh nghiệm nhiều thập niên làm chính trị, Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và nội các của ông sẽ làm cho nước Mỹ dần lấy lại vị thế lãnh đạo thế giới, kết nối lại và tăng cường khối liên minh các quốc gia dân chủ chống các chế độ độc tài, bạo quyền và dần khôi phục nền kinh tế nước Mỹ.
"Ông Trump đã dùng mọi cách thức và các thủ đoạn chính trị nhằm đảo ngược kết quả bầu cử của người dân Hoa Kỳ, nhưng ông đã thất bại.
"Sự kiện này cho thấy, nền dân chủ Hoa Kỳ đủ sức đề kháng và chiến thắng khuynh hướng mà Tổng thống Donald Trump là người đại diện."
Từ Leeds, Anh quốc, cũng hôm thứ Tư, nhà báo tự do, Song Chi nêu quan điểm của mình với BBC, đề cập những vấn đề chính sách nào mà chính quyền Biden có thể sẽ phải cân nhắc thi triển để khôi phục những điều mà bà cho là 'những giá trị Mỹ':
"Ngoài việc hàn gắn, đoàn kết một nước Mỹ đang bị chia rẽ nghiêm trọng, tôi cho rằng một thách đố lớn với Biden và tân nội các của ông là khôi phục lại những giá trị của nước Mỹ. Về đối ngoại, cụ thể có thể sẽ phải khôi phục ảnh hưởng, vị thế, vai trò của Mỹ trên thế giới thể hiện qua 3 chính sách lớn.
Đó là, thứ nhất củng cố lại mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh lâu đời đã bị lung lay nhiều 4 năm qua; thứ nhì, đưa nước Mỹ trở lại với các tổ chức, định chế thế giới như WHO, Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại Liên Hiệp quốc, khối NATO và có thể sẽ xem xét quay lại với Hiệp định TPP, hiện tại được gọi là hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản khác của TPP mà không có Mỹ.
"Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã thành công trong việc hình thành RCEP, với sự tham gia của 15 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. RCEP đang là thỏa thuận thương mại lớn nhất hành tinh, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
"Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ xem xét gia nhập CPTPP. Nếu thành công, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thay thế Mỹ trong việc viết nên luật chơi mới không chỉ tại châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.
"Do đó, việc khởi động lại TPP được đánh giá là cách hữu hiệu và nhanh chóng nhất trong việc tạo ra một đối trọng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng chính là con đường để Mỹ tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của mình.
Cuối cùng, thứ ba, trong việc xác định lại các "kẻ thù chiến lược" trong đó thách thức lớn nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Nga, có khả năng Hoa Kỳ sẽ tìm con đường "ngoại giao mềm" với những quốc gia như Iran, thậm chí kể cả Bắc Hàn để tập trung sức lực đối phó với Trung Quốc, tiếp theo là Nga, và chắc chắn Hoa Kỳ dưới thời Biden sẽ trở lại với các đồng minh để có những chiến lược hữu hiệu nhằm ngăn chặn, kìm hãm, bao vây Trung Quốc.
"Nhưng với quá nhiều thử thách từ trong ra ngoài, và thế giới thì đã thay đổi nhiều so với 4 năm trước khi ông Biden rời Nhà Trắng với tư cách cựu Phó Tổng thống nên chúng ta cũng không rõ liệu ông Biden có đủ thời gian để giải quyết được bao nhiêu phần trăm, song mặt khác, với một dàn nhân sự nội các đầy kinh nghiệm, năng lực, và với Hạ viện lẫn Thượng viện đều do đảng Dân chủ nắm kiểm soát, thì đó là những lợi thế cho ông Biden và chính quyền của ông," bà Song Chi nói với BBC.
Từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, nhà quan sát thời sự và chính trị nói với BBC ông tin rằng có thể có những thách đố mà ông Biden và nội các phải xử lý tới nửa hay cả nhiệm kỳ:
"Trong năm cuối cùng mà Tổng thống Donald Trump tại vị ở Nhà Trắng, chính trường cũng như xã hội Mỹ đã trải qua nhiều biến cố lớn: dịch cúm gây ra khiến nhiều người chết, kinh tế bị đình trệ, xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn và xung đột…
"Vì thế, về đối nội, thách thức lớn nhất của chính quyền Joe Biden trong thời gian tới, theo tôi, là tiếp tục ngăn ngừa một cách có hiệu quả dịch bệnh do Covid-19 gây ra, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, thông qua đó hàn gắn lại những rạn nứt của xã hội Mỹ.
"Còn về đối ngoại, tôi nghĩ rằng, đảng Dân chủ của ông Joe Biden và đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump có những điểm tương đồng nhất định trong cách nhìn nhận hay đánh giá về tham vọng của Trung Quốc cũng như tình trạng xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở đất nước này.
"Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Trump trong 4 năm cầm quyền hình như đã tạo ra những khoảng cách nhất định giữa Mỹ và EU cũng như giữa Mỹ và Liên hiệp Anh. Việc củng cố hay thắt chặt mối quan hệ truyền thống với EU và Anh có lẽ sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Biden.
"Tôi cũng không hoài nghi việc ông Biden cũng vẫn sẽ tiếp tục củng cố trục Mỹ-Ấn-Nhật-Úc để duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Thái Bình Dương. Điều mà tôi chưa thể hình dung được là những chính sách cụ thể nào sẽ được chính quyền của ông Biden áp dụng đối với Nga, Trung Quốc và Đài Loan. Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan luôn là một thách thức lớn đối với mọi chính thể Mỹ, bất cứ đại diện của đảng nào nắm giữ chức vị Tổng thống.
"Cuối cùng, tôi cho rằng chính quyền của ông Biden có thể sẽ chỉ mất 2 năm để khắc phục dịch cúm và vực dậy nền kinh tế. Nhưng với việc hàn gắn những rạn nứt xã hội, có thể ông ấy sẽ mất cả nhiệm kỳ. Riêng đối với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia đồng minh dân chủ sẽ mất nhiều thời gian hơn một thập niên để đối phó," Tiến sỹ Mai Thanh Sơn bình luận với BBC.
“Thưa Chánh thẩm Roberts, Phó Tổng thống Harris, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Lãnh đạo Schumer, Lãnh đạo McConnell, Phó Tổng thống, những vị khách quý, và đồng bào Mỹ.
Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của nền dân chủ. Một ngày của lịch sử và hy vọng. Ngày của hồi phục và ý chí.
Qua cuộc thử thách thời đại, nước Mỹ lại một lần nữa được kiểm tra, và đã vượt qua thách thức.
Hôm nay, chúng ta không phải chào mừng chiến thắng của một ứng cử viên, mà chào mừng chiến thắng chính nghĩa, chính nghĩa của nền dân chủ. Ý nguyện của nhân dân đã được lắng nghe, nguyện vọng của đồng bào đã được chú ý.
Chúng ta học thêm một lần nữa, nền dân chủ đáng quý. Nền dân chủ mong manh.
Và vào lúc này, bạn bè của tôi ơi, nền dân chủ thắng thế.
Vì vậy, bây giờ, tại nơi thiêng liêng này, nơi chỉ vài ngày trước, bạo lực bùng nổ làm rung chuyển nền móng Điện Capitol, chúng ta là một quốc gia cùng đến đây, dưới hiển ân Chúa, không chia rẽ, để thực hiện chuyển giao quyền lực ôn hoà như đã có hơn hai thế kỷ qua.
Chúng ta hướng về phía trước theo cách đặc biệt của Mỹ – không ngơi nghỉ, mạnh dạn, lạc quan, và đặt hy vọng cao vào quốc gia mà chúng ta biết chúng ta có thể như vậy và phải như vậy.
Tôi cám ơn các vị tiền nhiệm lưỡng đảng đã hiện diện ở đây. Tôi cám ơn họ từ đáy lòng. Quý vị biết sự kiên cường của Hiến pháp chúng ta, và sức mạnh của quốc gia chúng ta. Như Tổng thống Carter, người tôi trò chuyện vào tối qua, nhưng ông không thể có mặt với chúng ta hôm nay, nhưng là người chúng ta cung kính vì sự phục vụ trọn đời của ông ấy.
Tôi vừa mới tuyên thệ lời thề thiêng liêng như mỗi một nhà ái quốc này đã thực hiện – một lời tuyên thệ được Tổng thống George Washington thực hiện đầu tiên.
Nhưng câu chuyện Mỹ không chỉ phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng tôi, hay vào một số trong chúng tôi, mà phụ thuộc vào tất cả chúng ta.
“Chúng tôi, nhân dân” là lý do tôi giữ niềm lạc quan vào những người tìm Liên minh hoàn hảo hơn. Đây là một quốc gia vĩ đại, và chúng ta là dân tộc tốt.
Trải qua nhiều thế kỷ, vượt qua bão tố và xung đột, trong hoà bình và trong chiến tranh, chúng ta đã đi được rất xa, nhưng chúng ta vẫn còn phải đi xa hơn.
Chúng ta sẽ tiếp tục khẩn trương và nhanh chóng vì có nhiều việc phải làm trong mùa đông nguy hiểm này và nhiều điều có thể xảy ra. Nhiều điều phải sửa chữa. Nhiều điều phải khôi phục. Nhiều điều phải hàn gắn. Nhiều điều phải xây dựng. Và nhiều điều phải đạt được.
Một vài giai đoạn trong lịch sử quốc gia có nhiều thách thức hơn, hay nhiều khó khăn hơn chúng ta bây giờ.
Một loại virus xuất hiện lần đầu trong cả thế kỷ âm thầm rình rập quốc gia. Trong một năm, nó đã tước đi nhiều sinh mạng như nước Mỹ đã mất trong Đệ nhị Thế chiến. Hàng triệu công ăn việc làm bị mất. Hàng trăm ngàn cơ sở thương mại phải đóng cửa.
Tiếng kêu công lý chủng tộc khoảng 400 năm qua lay động chúng ta. Giấc mơ công lý cho tất cả mọi người sẽ không còn bị chần chờ thêm nữa.
Tiếng kêu cho sự sống còn từ hành tinh, một tiếng kêu không thể nào tuyệt vọng hơn nữa, hay rõ ràng hơn nữa.
Và bây giờ, sự trỗi dậy của cực đoan chính trị, da trắng thượng đẳng, khủng bộ nội địa mà chúng ta phải đối mặt, và chúng ta chắc chắn sẽ đánh bại.
Để vượt qua những thách thức này, để hồi sinh tâm hồn, và để bảo đảm tương lai của nước Mỹ, những việc này đòi hỏi nhiều hơn những lời nói.
Nó đòi hỏi điều không thể tránh được trong một nền dân chủ: Đoàn kết. Đoàn kết.
Vào một tháng Giêng khác ở Washington, vào Ngày Năm mới 1863, Tổng thống Abraham Lincoln ký Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Khi ông đặt bút ký, Tổng thống nói, “Nếu tên tôi đi vào lịch sử, thì sẽ là vì hành động này và toàn bộ tâm hồn tôi trong đó.” Toàn bộ tâm hồn tôi trong đó.
Hôm nay, vào ngày tháng Giêng này, toàn bộ tâm hồn tôi trong vấn đề này: Đưa nước Mỹ lại gần nhau. Đoàn kết nhân dân. Và đoàn kết quốc gia.
Tôi kêu gọi đồng bào cùng tôi tham gia vào mục tiêu này.
Đoàn kết để chống lại những kẻ thù chung mà chúng ta đang đối mặt, đó là: Giận dữ, phẫn nộ, thù ghét. Cực đoan, vô pháp luật, bạo lực. Bệnh tật, thất nghiệp, tuyệt vọng.
Với đoàn kết, chúng ta có thể làm những điều to lớn, những điều quan trọng. Chúng ta có thể chỉnh đốn những điều sai trái. Chúng ta có thể đưa người dân trở lại có công ăn việc làm tốt. Chúng ta có thể dạy dỗ con trẻ ở những ngôi trường an toàn. Chúng ta có thể vượt qua con virus chết người này. Chúng ta có thể đền đáp công việc, tái xây dựng tầng lớp trung lưu, và bảo đảm y tế cho tất cả mọi người.
Chúng ta có thể thực thi công lý chủng tộc. Chúng ta có thể đưa nước Mỹ, một lần nữa, làm lực lượng lãnh đạo hàng đầu vì những điều tốt đẹp trên thế giới.
Tôi biết, nói về đoàn kết có thể nghe như ảo tưởng ngu ngốc. Tôi biết, những lực lượng chia rẽ chúng ta rất sâu và chúng có thực. Nhưng tôi cũng biết chúng không mới.
Lịch sử chúng ta là sự đấu tranh liên tục giữa lý tưởng Mỹ rằng, tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng, và thực tế xấu xí, khắc nghiệt rằng chủ nghĩa kỳ thị, chủ nghĩa bản địa bài ngoại, nỗi sợ hãi và điều xấu xa từ lâu đã chia rẽ chúng ta.
Trận chiến lâu dài. Chiến thắng chưa bao giờ được bảo đảm.
Trải qua Nội chiến, thời kỳ Đại suy thoái, Đệ nhị Thế chiến, Khủng bố 9/11, trải qua khó khăn, hy sinh và thất bại, “những thiên thần tốt hơn” của chúng ta luôn luôn thắng thế.
Trong mỗi khoảnh khắc này, đủ để chúng ta xích lại gần nhau, để đem tất cả hướng về phía trước. Và bây giờ chúng ta có thể làm như vậy.
Lịch sử, niềm tin và lẽ phải chỉ đường, con đường đoàn kết.
Chúng ta có thể xem nhau không phải thù nghịch mà là hàng xóm của nhau. Chúng ta có thể đối xử với nhau bằng phẩm giá và tôn trọng. Chúng ta có thể kết hợp lực lượng, ngừng to tiếng, và hạ nhiệt.
Vì nếu không có đoàn kết, sẽ không có hoà bình, chỉ có cay đắng và giận dữ. Không có tiến bộ, chỉ có tổn thương kiệt sức. Không có quốc gia, chỉ có những tình trạng hỗn loạn.
Đây là khoảnh khắc khủng hoảng và thách thức lịch sử, và đoàn kết là con đường phía trước.
Và, chúng ta phải đáp ứng khoảnh khắc này cùng nhau là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nếu chúng ta làm như vậy, tôi cam đoan, chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta ở Mỹ chưa bao giờ, chưa bao giờ thất bại khi cùng nhau hành động. Và vì vậy hôm nay, vào lúc này, tại nơi đây, hãy để chúng ta cùng nhau làm lại từ đầu. Tất cả chúng ta.
Hãy để chúng ta lắng nghe nhau. Nghe nhau, gặp nhau, bày tỏ tôn trọng lẫn nhau.
Chính trị không cần phải là ngọn lửa thiêu đốt tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Mọi bất đồng không phải là lý do dẫn đến chiến tranh. Và, chúng ta phải phản đối một văn hoá mà trong đó sự thật bị thao túng hay bịa đặt.
Hỡi đồng bào Mỹ, chúng ta khác hơn thế này. Nước Mỹ phải tốt hơn thế này. Và tôi tin Mỹ tốt hơn thế này.
Hãy nhìn chung quanh.
Chúng ta đang đứng ở đây, dưới mái vòm toà nhà Quốc hội được xây xong trong cuộc Nội chiến, khi bản thân Liên minh ở thế bấp bênh. Tuy nhiên, chúng ta đã chịu đựng và chúng ta thắng thế.
Chúng ta đang đứng ở đây nhìn thẳng về Trung tâm Quốc gia vĩ đại, nơi Dr. Martin Luther King nói về giấc mơ của ông.
Chúng ta đang đứng ở đây, nơi 108 năm trước, tại một lễ nhậm chức khác, hàng ngàn người biểu tình đã tìm cách ngăn chặn những người phụ nữ can đảm tuần hành, đấu tranh về quyền bỏ phiếu.
Ngày hôm nay, chúng ta đánh dấu lễ tuyên thệ của một người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ đắc cử vào vị trí quốc gia – Phó Tổng thống Kamala Harris.
Đừng bảo tôi, mọi thứ không thể thay đổi được.
Chúng ta đang đứng ở đây, bên kia bờ sông Potomac từ Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi các vị anh hùng đang an nghỉ ngàn thu.
Và chúng ta đứng ở đây, chỉ vài ngày sau khi một đám đông bạo loạn nghĩ họ có thể dùng bạo lực để bị miệng ý nguyện của nhân dân, để ngăn chặn công việc của nền dân chủ, và để đẩy chúng ta ra khỏi nơi thiêng liêng này.
Điều đó sẽ không xảy ra, sẽ không bao giờ xảy ra. Không phải hôm nay, không phải ngày mai, không bao giờ.
Đối với tất cả những người đã ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi cảm thấy nhỏ bé trước niềm tin quý vị đã dành cho chúng tôi.
Đối với tất cả những ai không ủng hộ chúng tôi, hãy để tôi nói điều này: Hãy lắng nghe tôi khi chúng tôi hướng về phía trước. Hãy đánh giá tôi và tâm hồn tôi.
Và nếu quý vị vẫn bất đồng, thì hãy cứ như vậy, vì đó là nền dân chủ. Đó là nước Mỹ. Quyền bất đồng một cách ôn hoà trong sự bảo vệ của nền Cộng hoà, có lẽ là sức mạnh lớn nhất của quốc gia.
Hãy lắng nghe tôi rõ ràng: bất đồng không phải dẫn đến bất hoà.
Và tôi cam kết điều này với quý vị: Tôi sẽ là Tổng thống cho tất cả đồng bào Mỹ.
Tôi sẽ đấu tranh hết mình cho những người đã không ủng hộ tôi, cũng như cho những người đã ủng hộ.
Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustine, vị thánh của nhà thờ tôi, đã viết rằng, một dân tộc chủ yếu được xác định bởi những điều họ cùng yêu quý.
Những điều gì chung mà chúng ta cùng yêu quý để xác định được chúng ta là người Mỹ?
Tôi nghĩ tôi biết. Cơ hội. An ninh. Tự do. Phẩm giá. Tôn trọng. Danh dự. Và, vâng, cả sự thật nữa.
Những tuần và những tháng vừa qua đã dạy chúng ta một bài học đau đớn. Có sự thật và có cả những lời dối trá. Dối trá để đạt được quyền lực và quyền lợi.
Và mỗi một chúng ta, với tư cách là công dân, là nhân dân Mỹ, có nghĩa vụ và trách nhiệm, và đặc biệt là các vị lãnh đạo – những lãnh đạo đã cam kết vinh danh Hiến pháp và bảo vệ quốc gia chúng ta – để bảo vệ sự thật và đánh bại dối trá.
Và tôi hiểu rằng, nhiều người Mỹ nhìn về tương lai với một số nỗi sợ hãi và run sợ. Tôi hiểu họ lo lắng về công ăn việc làm, về chăm sóc gia đình, và những gì sẽ xảy ra.
Tôi hiểu.
Nhưng câu trả lời không lùi vào bên trong, không rút lui vào phe phái, bác bỏ những người không trông giống như quý vị, hay không thực hành tôn giáo như quý vị, hoặc không có tin tức từ chung nguồn với quý vị.
Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến không văn minh giữa đỏ và xanh, giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo thủ và cấp tiến.
Chúng ta có thể làm việc này nếu chúng ta mở rộng tâm hồn thay vì làm khô cứng trái tim. Nếu chúng ta thể hiện chút ít khoan dung và khiêm tốn, nếu chúng ta sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người khác chỉ trong chốc lát, vì đây là điều về cuộc đời: Số phận không nói trước được chuyện gì xảy ra.
Sẽ có một ngày khi chúng ta cần sự giúp đỡ. Sẽ có một ngày khi chúng ta được yêu cầu giúp đỡ. Đó là lý do chúng ta phải ở bên nhau như thế nào.
Và nếu chúng ta theo cách này, quốc gia chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn, sẵn sàng cho tương lai hơn.
Hỡi đồng bào Mỹ, trong công việc trước mắt, chúng ta cần lẫn nhau. Chúng ta sẽ cần tất cả sức mạnh để vượt qua mùa đông đen tối này. Chúng ta đang bước vào giai đoạn virus khó khăn nhất và chết chóc nhất. Chúng ta phải dẹp chính trị sang một bên, và cùng nhau là một quốc gia đối phó với đại dịch này.
Tôi hứa với quý vị điều này: Như Kinh Thánh nói, khóc lóc có thể kéo dài trong đêm, nhưng niềm vui kéo đến vào buổi sáng. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua. Thế giới hôm nay đang nhìn vào chúng ta.
Vì vậy, đây là thông điệp của tôi gởi đến những người bên kia biên giới: Nước Mỹ đang được thử thách, và như vậy, chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn.
Chúng ta sẽ hàn gắn liên minh của mình, và tham gia vào cùng thế giới một lần nữa, không chỉ đương đầu với những thách thức ngày hôm qua, mà thách thức của hôm nay và ngày mai.
Chúng ta không chỉ lãnh đạo bằng tấm gương sức mạnh, mà bằng sức mạnh của tấm gương chúng ta. Chúng ta sẽ mạnh mẽ, và là đối tác đáng tin cậy vì hoà bình, tiến bộ và an ninh.
Chúng ta đã trải qua nhiều điều trong vấn đề này.
Và trong hành động đầu tiên với tư cách Tổng thống, tôi muốn kêu gọi quý vị cùng tôi mặc niệm tất cả những người mà chúng ta đã mất trong đại dịch từ năm ngoái đến nay.
Với 400.000 đồng bào Mỹ, những người mẹ, người cha, những người chồng, người vợ, con trai và con trái, bạn bè thân hữu, hàng xóm và đồng nghiệp. Chúng ta sẽ vinh danh họ bằng cách trở thành dân tộc và quốc gia mà chúng ta biết là chúng ta có thể trở thành như vậy và sẽ như vậy.
Hãy để chúng ta mặc niệm cho những người đã khuất, những người bị bỏ lại đằng sau và cho quốc gia chúng ta.
Amen!
Đây là thời gian kiểm tra. Chúng ta đang đối mặt với cuộc tấn công vào nền dân chủ và sự thật. Con virus cứng đầu. Bất bình đẳng gia tăng. Kỳ thị có hệ thống. Khủng hoảng thời tiết. Vai trò của Mỹ trên thế giới.
Bất cứ điều gì trong số này sẽ đủ để thách thức chúng ta một cách sâu sắc. Nhưng sự thật là chúng ta đối mặt với tất cả chúng trong cùng một lúc, cho quốc gia này thấy những trách nhiệm nặng nề nhất.
Bây giờ chúng ta phải hành động. Tất cả chúng ta. Đây là lúc phải can đảm, mạnh bạo, vì có nhiều việc phải làm. Và điều này chắc chắn.
Chúng ta sẽ bị phán xét, quý vị và tôi, vì cách chúng ta giải quyết những khủng hoảng trong thời đại chúng ta như thế nào.
Chúng ta sẽ phản ứng với dịp này hay không? Chúng ta sẽ kiểm soát những thời khắc khó khăn và hiếm hoi này hay không? Chúng ta sẽ làm tròn nghĩa vụ và trao thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ con cháu hay không?
Tôi tin chúng ta phải và sẽ như vậy.
Và khi chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ viết chương mới cho câu chuyện Mỹ. Đó là một câu chuyện có thể nghe giống như một bài ca rất có ý nghĩa với tôi. Đó là bài American Anthem, trong đó có một câu được tôi khắc ghi: “Công việc và lời cầu nguyện của hàng thế kỷ đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay. Những gì sẽ là di sản của chúng ta? Con cháu chúng ta sẽ nói gì? Hãy để tôi biết trong trái tim mình. Khi ngày trôi qua. Nước Mỹ. Nước Mỹ. Tôi dâng hiến cho người.”
Hãy để chúng ta bổ sung thêm vào công việc và lời cầu nguyện để gìn giữ câu chuyện quốc gia. Nếu chúng ta làm điều này khi tháng ngày chúng ta trôi qua, con cháu chúng ta và con cháu của chúng sẽ nói với chúng ta, chúng cố gắng hết mình.
Chúng đã làm tròn bổn phận. Chúng hàn gắn mảnh đất tan vỡ.
Hỡi đồng bào của tôi, tôi khép lại ngày hôm nay nơi tôi bắt đầu, với một lời thề thiêng liêng, trước Đấng Tối cao và trước tất cả quý vị, tôi hứa. Tôi sẽ luôn luôn cùng vị trí với quý vị. Tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp. Tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ. Tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ. Tôi sẽ cống hiến hết mình, phục vụ cho quý vị không phải vì quyền lực mà vì trách nhiệm. Không phải vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung. Và cùng nhau, chúng ta sẽ viết câu chuyện Mỹ về hy vọng, chứ không phải về nỗi sợ hãi, về đoàn kết chứ không phải chia rẽ, về ánh sáng chứ không phải bóng tối.
Một câu chuyện Mỹ về sự tử tế và phẩm giá, của tình thương yêu và hàn gắn, của bao dung và lòng tốt. Đây có thể là câu chuyện dẫn đường cho chúng ta. Câu chuyện đã truyền cảm hứng cho chúng ta.
Câu chuyện kể về những năm tháng chưa đến mà chúng ta trả lời tiếng gọi của lịch sử.
Chúng ta gặp nhau ở thời khắc này, rằng nền dân chủ và hy vọng, sự thật và công lý, không chết trong tay chúng ta mà phát triển mạnh mẽ. Rằng nền tự do Mỹ được bảo đảm tại quê nhà và một lần nữa đứng vững như ngọn hải đăng cho thế giới.
Đó là những gì chúng ta nợ những người đi trước, nợ lẫn nhau và nợ thế hệ mai sau.
Vì vậy, với mục đích và quyết tâm, chúng ta sẽ hướng đến nhiệm vụ thời đại của mình.
Giữ vững niềm tin. Đi theo niềm tin vững chắc. Và, cống hiến cho người khác, cho quốc gia chúng ta yêu quý với tất cả tấm lòng.
Cầu Chúa phù hộ cho Mỹ và Chúa bảo vệ binh sĩ chúng ta.
Cám ơn, nước Mỹ!”
Hương Giang
Lê Mạnh Hùng
Nước Mỹ có thể nói là quốc gia “may mắn” nhất trong lịch sử thế giới. Bắt đầu như là một tập hợp nhỏ các căn cứ biên duyên của các nước Châu Âu, ngăn cách với chính quốc do một đại dương nhiều sóng gió, thành ra khi các thuộc địa này giành được độc lập, họ nghèo đói và chia rẽ.
Người Mỹ tự tạo cho xã hội mình việc thần tượng hóa “tự do” đến mức từ chối đeo khẩu trang trong thời gian đại dịch không những không bị coi như là một hành động ngu dốt mà còn được tôn xưng là anh hùng. (Hình minh họa: Karen Ducey/Getty Images) |
Nhưng chỉ chưa đầy một thế kỷ rưỡi, 13 thuộc địa nguyên thủy này đã mở rộng xuyên qua lục địa Bắc Mỹ nối liền hai đại dương, vượt qua một cuộc nội chiến, đuổi các cường quốc khác ra khỏi Tây Bán Cầu và xây dựng nền kinh tế năng động nhất và lớn nhất thế giới. Sự nổi lên này còn tiếp tục cho đến cuối thế kỷ thứ 20 khi chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh đặt nước Mỹ đứng một mình trên đỉnh danh vọng.
Nhưng chỉ trong một thời gian là bao lâu?
Người Mỹ thường tự hào rằng sở dĩ họ đạt được như vậy là nhờ vào trí năng (wisdom) của tổ tiên, những bậc cha già sáng lập ra nước Mỹ, và cái ưu việt căn bản của sự phối hợp đặc biệt của Mỹ giữa chế độ dân chủ khai phóng và chủ nghĩa tư bản tự do. Thế nhưng ngoài việc bóc lột và khai thác tàn bạo những người dân bản xứ cũng như những nô lệ nhập cảng từ Phi Châu, sự may mắn cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Người Mỹ may mắn là lục địa Bắc Mỹ này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai phì nhiêu, có nhiều sông lớn thuận tiện cho việc giao thông, cũng như một khí hậu ôn hòa.
Ngay từ lúc ban đầu, nước Mỹ có lợi thế nhờ vào sự cạnh tranh và chiến tranh giữa các cường quốc cũ. Pháp ủng hộ cho cuộc cách mạng Mỹ để làm yếu đối thủ Anh. Và quốc gia mới lập này, tăng gấp đôi diện tích của mình khi Napoleon cần tiền để chi cho chiến tranh tại Châu Âu và sẵn sàng bán vùng đất Louisiana với giá rẻ mạt.
Chiến tranh tại Châu Âu cũng giúp Mỹ vượt qua được quyết định điên rồ tấn công vào Canada trong cuộc chiến 1812. Anh còn đang bận rộn chống lại Napoleon để có thể mang toàn lực chống lại các thuộc địa cũ của mình. Mỹ dần dà mạnh hơn và lôi kéo sự chú ý của thế giới khi bành trướng sang suốt chiều ngang của lục địa và cướp lấy Texas, New Mexico, Arizona và California từ Mexico. Nhưng các cường quốc Châu Âu lúc đó phải lo dòm ngó lẫn nhau thành ra hầu hết để yên cho Mỹ bành trướng.
Đến khoảng năm 1900, Anh trước sự đe dọa nổi lên của Đức cuối cùng giải hòa với Mỹ trong cuộc tranh chấp chia đôi vùng duyên hải Tây Bắc. Và chỉ đến lúc đó chủ thuyết Monroe mà Mỹ đưa ra từ những năm đầu thế kỷ thứ 19 mới trở thành hiện thực.
Quả thật, không một cường quốc nào được hưởng sự an toàn chống lại xâm lược như là Mỹ được hưởng kể từ khi lập quốc. Ngoại trừ nước Anh, tất cả các cường quốc khác trên thế giới đều đã bị xâm lược và có khi bị chiếm đóng ít nhất là một lần trong vòng hai trăm năm qua. Ngay cả Anh cũng bị ném bom tàn phá trong Chiến Tranh Thứ Hai.
Quân đội nước ngoài lần chót chiếm đóng một phần lãnh thổ Mỹ là trong cuộc chiến 1812. Và lãnh thổ Mỹ hoàn toàn không bị hề hấn gì trong cả hai cuộc đại chiến thứ nhất và thứ hai vốn tàn phá hai Châu Âu-Á trong thế kỷ thứ 20. Cái may mắn này cho phép Mỹ là cường quốc cuối cùng tham chiến, bị thiệt hại ít nhất và sau khi chiến tranh chấm dứt trở thành cường quốc chi phối.
Cố nhiên những nhà lãnh đạo Mỹ cũng làm nhiều quyết định khôn ngoan củng cố cho những may mắn trên. Họ lựa chọn một Hiến Pháp tôn trọng tự do cá nhân và khuyến khích một nền kinh tế năng động. Họ mở cửa đất nước cho di dân từ khắp các nơi tới và thành công tương đối trong việc giải quyết những đụng độ mà những làn sóng di dân tạo ra giữa những người mới và cũ. Và tuy rằng di sản đáng hổ thẹn của chế độ nô lệ vẫn còn là vết thương chảy máu của xã hội Mỹ, chiến thắng của miền Bắc trong cuộc nội chiến đã ngăn chặn một cuộc chia cắt vĩnh viễn và cho phép đất nước tái thống nhất thực hiện đầy đủ tiềm năng của nó.
Kể từ khi trở thành cường quốc, Mỹ cũng có may mắn trong những kẻ thù mà Mỹ gặp. Đức đế quốc là một đối thủ mạnh, nhưng quân đội Đức đã bị tiêu hao gần tận khi Mỹ tham chiến vào năm 1917. Nước Đức của Hitler còn mạnh hơn, nhưng Liên Xô là nước chịu đựng chính sức mạnh của Đức và đóng góp nhiều nhất trong việc đánh bại Hitler.
Tuy rằng tại Thái Bình Dương Mỹ hầu như đánh tay đôi với Nhật, nhưng kinh tế đế quốc Nhật chỉ bằng một phần năm Mỹ, và Nhật hầu như bị sa lầy tại Trung Quốc với trên một nửa quân số mắc kẹt tại đây. Tuy rằng chiến thắng tại Thái Bình Dương không phải là dễ, nhưng không ai nghi ngờ là Mỹ có thể thất bại.
Liên Xô có thể nói là đối thủ mạnh nhất mà Mỹ gặp phải, nhưng Mỹ có quá nhiều ưu thế so với Liên Xô. Kinh tế Xô Viết nhỏ hơn Mỹ nhiều và nền kinh tế chỉ huy kiểu Xô Viết là điển hình của sự phung phí và thiếu hiệu quả. Thành ra chính quyền Xô Viết phải bỏ một phần đáng kể của GDP cho quốc phòng để có thể chạy theo Mỹ. Các đồng minh của Liên Xô cũng yếu hơn và không đáng tin cậy so với đồng minh của Mỹ. Thành ra khi những cố gắng của Mikhail Gorbachev nhằm cải tổ hệ thống thất bại, Liên Xô tự động sụp đổ.
Hậu quả là một giai đoạn đơn nguyên trong đó Mỹ không gặp một đối thủ nào, và cả dân chúng lẫn các nhà chính trị đều tự thuyết phục rằng nước Mỹ đã kiếm ra công thức thần diệu để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa. Cái tự mãn (hubris) của những năm 1990 thì có thể hiểu được sau một giai đoạn dài chỉ có thành công mà thôi.
Nhưng liệu cái may mắn đó có còn đúng trong tương lai hay không?
Có thể có, nhưng cũng có thể không.
Có bốn lý do vì sao cái may mắn của nước Mỹ sẽ không còn nữa.
Thứ nhất sự an toàn mà nước Mỹ được hưởng từ thời lập quốc có thể không còn hoàn toàn như trước nữa. Không nói đến những hỏa tiễn liên lục địa có thể đến tận trung tâm nước Mỹ từ bất cứ một nơi nào khác trên thế giới. Có những nhân tố khác có thể đe dọa nước Mỹ từ xa, mà các cuộc xâm nhập qua không gian ảo, mà cuộc tấn công mới nhất vào hệ thống an ninh ảo của chính phủ Mỹ từ một nước ngoài (nghi ngờ là Nga) cho thấy rằng không gian xa cách không còn là một trở ngại lớn nữa.
Năm 2020 cũng nhắc nhở cho ta thấy rằng sự bảo vệ mà không gian dành cho nước Mỹ cũng không cản trở được sự xâm nhập những dịch bệnh từ nơi khác. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, dịch bệnh COVID-19 đã giết một số người Mỹ nhiều hơn là số lính Mỹ tử trận trong Thế Chiến Thứ Hai hay là bằng số lính Mỹ tử trận trong Thế Chiến Thứ Nhất, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam cộng lại. Số người chết hằng ngày tại Mỹ vì dịch bệnh nay lớn hơn là tất cả số chết trong vụ khủng bố 9/11.
Lý do thứ hai là đối thủ mới của Mỹ là Trung Quốc, vốn nguy hiểm hơn là Liên Xô nhiều. Kinh tế Trung Quốc nay đứng thứ nhì sau Mỹ và có triển vọng sẽ vượt Mỹ trong vài năm tới. Trung Quốc để cho dịch bệnh lan tràn ra khắp thế giới, nhưng những biện pháp kiềm chế của Trung Quốc (với sự hợp tác của dân chúng) đã giúp cho Trung Quốc kiềm chế được nó, trong lúc Mỹ – với nhiều thời gian chuẩn bị hơn – đã để cho dịch bệnh tràn lan không kiểm soát nổi.
Tuy nhiên cũng không nên quá cường điệu thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ. Thu nhập đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng một phần tư của Mỹ, thành ra thặng dư thấp hơn Mỹ một cách đáng kể. Và Trung Quốc cũng bị nhiều nhược điểm mà một chế độ chuyên chế đảng trị gặp phải.
Lý do và có lẽ là lý do quan trọng nhất là những vết thương mà người Mỹ tự tạo cho xã hội mình. Danh sách những vết thương này rất dài, từ những cố gắng cố ý gây phân rẽ đảng phái và hậu quả là một sự tắc nghẽn khiến mọi hành động cần thiết để đối phó với những vấn đề sinh tử hầu như không thể nào được đưa ra kip thời; việc thần tượng hóa “tự do” đến mức việc từ chối đeo khẩu trang trong thời gian đại dịch không những không bị coi như là một hành động ngu dốt mà còn được tôn xưng là anh hùng; sự thành công của một loạt những tên lừa đảo bịp bợm tuyên truyền cho những giả dối và hận thù; ảnh hưởng quá mức của tiền bạc trong chính trị và một hệ thống bầu cử lỗi thời càng ngày càng cho phép một thiểu số thao túng.
Lý do cuối cùng là thay đổi khí hậu. Trái đất tự nó không cần biết những kẻ sống trên nó nghĩ gì mà chỉ tuân theo những định luật của vật lý. Ta có thể phủ nhận thay đổi khí hậu nhưng quả đất không hề biết đến những phủ nhận đó. Và vị trí địa lý ưu đãi của Mỹ không giúp gì cho nước Mỹ tránh thoát khi thay đổi khí hậu xảy ra.
Tuy nhiên những lý do này không hoàn toàn quyết định nước Mỹ có còn may mắn nữa hay không. Mỹ còn giữ được nhiều ưu điểm, đặc biệt là trong khoa học và kỹ thuật so với các đối thủ tiềm tàng của mình. Tuy rằng việc trở lại giai đoạn độc tôn của những năm 1990 khó có thể xảy ra, nhưng những cải tổ thông minh có thể đi một bước dài trong việc mang lại an ninh và phồn thịnh cho nước Mỹ, cũng như cho việc lấy trở lại những giá trị căn bản của nước Mỹ.
Nếu người Mỹ muốn có một tương lai cũng may mắn như quá khứ thì cần phải có một niềm tin vào nhau và một sự sẵn sàng hợp tác với nhau vốn đã biến mất từ hai chục năm nay. Nếu người Mỹ không làm được chuyện này, cái may mắn của nước Mỹ có nhiều triển vọng cũng sẽ kết thúc. [qd]
Thông cáo của Báo viên Đặc biệt của LHQ về Việt Nam, ngày 14/1/2021. Photo OHCHR.org |
Hôm 14/1, các chuyên gia nhân quyền LHQ ra thông cáo cho biết các bản án nặng nề đối với ba nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam, chỉ vài tuần trước Đại hội XIII, gửi đi một thông điệp lạnh lùng đến những người bảo vệ nhân quyền và những ai làm việc trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, các chuyên gia LHQ còn khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Điều 117 Bộ Luật Hình sự về “Tuyên truyền chống Nhà nước.”
Các Báo cáo viên Đặc biệt viết trên trang web của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR): “Các bản án dành cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là một phần của xu hướng gia tăng truy tố, giam giữ tùy tiện, trả thù, đối xử tệ và xét xử không công bằng nhắm vào các nhà báo độc lập, blogger, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.”
“Chỉ vài tuần trước Đại hội Đảng Toàn quốc, những án tù và hình phạt nặng nề này không chỉ là một sự đàn áp trắng trợn đối với báo chí độc lập mà còn là một nỗ lực rõ ràng để tạo ra một hiệu ứng sợ hãi cho những người muốn chỉ trích chính phủ,” các chuyên gia LHQ cho biết.
Ngoài ra, các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ còn bày tỏ quan ngại về việc ba nhà báo này đã bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự: “Chúng tôi vô cùng băn khoăn về việc tiếp tục sử dụng Điều 117 Bộ Luật Hình Sự quá rộng và dường như nhằm mục đích bịt miệng những người tìm cách thực hiện quyền con người để tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với những người khác.”
Các chuyên gia LHQ nói thêm: “Mặc dù Chính phủ Việt Nam cho rằng họ chỉ truy tố và xét xử những người vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng Điều 117 này không phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam và cần được sửa đổi.”
Các chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
Các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả những người khác hiện đang bị giam giữ vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, chẳng hạn như ông Lê Anh Hùng, một thành viên khác của IJAVN, và là một cộng tác viên của VOA Tiếng Việt trước khi bị bắt vào tháng 7/2018.
Ông Hùng bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ông Vũ Quốc Ngữ thuộc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nói với VOA hôm 15/1 rằng Việt Nam cần sửa đổi các điều luật rộng và mơ hồ của Bộ Luật Hình sự 2015, điển như như Điều 117 đã từng được Uỷ ban Nhân quyền LHQ khuyến nghị bỏ, để phù hợp với các cam kết của chính quyền Việt Nam với quốc tế.
Tuy nhiên, ông nhận định rằng còn mất khá nhiều thời gian để Việt Nam thay đổi Bộ Luật hình sự bởi sức ép quốc tế chưa đủ lớn.
Ông nói:
“Chính quyền Việt Nam sẽ phải thay đổi Bộ Luật Hình sự để đảm bảo các lời hứa, các cam kết quốc tế, nhưng việc này tôi nghĩ chưa thể xảy ra trong tương lai gần, có lẽ là sẽ cần thời gian rất dài vì hiện nay Việt Nam hay tảng lờ hay phản đối các yêu cầu của cộng đồng quốc tế.
“Những tác động hay sức ép của cộng đồng quốc tế để Việt Nam thay đổi còn yếu và chưa gắn chặt với các vấn đề kinh tế, quân sự mà Việt Nam đang có với các quốc gia EU và Hoa Kỳ. Sức ép vẫn chưa đủ lớn để buộc chính quyền Việt Nam thay đổi.”
Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 25/1-2/2/2021, một sự kiện quan trọng nhất của chính quyền Việt Nam khi các vị trí lãnh đạo “tứ trụ” được bầu chọn.
Bộ trưởng William Barr, tại bộ Tư Pháp Mỹ, Washington,D.C, Hoa Kỳ, ngày 21/12/2020. REUTERS - POOL |
Thêm một bộ trưởng Mỹ phủ nhận tuyên bố của tổng thống mãn nhiệm về vụ tin tặc tấn công các cơ quan chinh phủ. Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr tuyên bố « chắc chắn Nga đứng sau vụ tấn công mạng » được phát hiện hôm 14/12/2020.
Trong cuộc họp báo ngày 21/12/2020 tại Washington, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Bill Barr tuyên bố là với « những thông tin có được » ông chia sẻ quan điểm của ngoại trưởng Pompeo : gần như chắc chắn Nga là thủ phạm.
Thứ Bảy tuần trước, tổng thống Donald Trump, sau nhiều ngày im lặng, bác bỏ tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ và thông tin của báo chí mà ông gọi là « tin vịt ». Đối với chủ nhân Nhà Trắng « rất có thể là Trung Quốc đứng sau ».
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ cũng phủ nhận các cáo buộc của tổng thống Donald Trump cho là phe Dân chủ gian lận bầu cử.
Bất đồng này cũng xuất hiện rõ trong cuộc họp báo. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, sắp rời chức vụ trong nay mai, một lần nữa tuyên bố : "Tôi thấy không có lý do gì (cho phép) chính quyền liên bang tịch biên máy điện toán quản lý bầu cử".
Ông cũng khẳng định không có lý do chính đáng để bổ nhiệm một chưởng lý đặc biệt để điều tra về trường hợp con trai của Joe Biden.
WASHINGTON, DC (NV) – Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (Cộng Hoà-Utah) nhận định Tổng Thống Donald Trump có một “điểm mù” mỗi lần có vấn đề với Nga, trong cuộc phỏng vấn với ông Jake Tapper trên đài CNN sáng Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Hai.
Giữa lúc tất cả các cơ quan an ninh và tình báo xác nhận Nga đứng sau vụ tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ và tư nhân Hoa Kỳ, Tổng Thống Trump lại né tránh Nga, gợi ý Trung Quốc là thủ phạm dù không đưa ra bằng chứng.
Bóng của Tổng Thống Nga Putin (trái) và Tổng Thống Trump (phải) tại hội nghị khối G20 tổ chức ở Nhật năm 2019. (Hình: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP via Getty Images) |
“Né Nga trong các hồ sơ nhạy cảm là hành động có thể dự đoán trước của Tổng Thống Trump,” vị thượng nghị sĩ tiểu bang Utah nhận xét.
“Đây là một đòn làm thức tỉnh tất cả chúng ta. Bây giờ là lúc phải nghĩ đến tình trạng sẵn sàng của quân đội và an ninh quốc gia trước cuộc chiến ‘không gian mạng.’ Chúng ta phải là quốc gia mạnh nhất thế giới trong mọi lãnh vực.”
Có ít nhất là năm cơ quan cấp liên bang bị tấn công mạng trong vụ này bao gồm Bộ Nội An, Ngoại Giao, Nông Nghiệp, Thương Mại, và Năng Lượng.
Các cơ quan an ninh Hoa Kỳ hiện đang thẩm định sự thiệt hại qua vụ tấn công này.
Trong khi ngay chính Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo xác nhận chính nước Nga là thủ phạm vào hôm Thứ Sáu vừa qua, Tổng Thống Trump, sau một thời gian yên lặng, lại hoàn toàn đưa ra câu trả lời hoàn toàn trái chiều với tất cả giới chức chính quyền Hoa Kỳ.
Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney: “Né Nga trong các hồ sơ nhạy cảm là hành động có thể dự đoán trước của Tổng Thống Trump.” (Hình: George Frey/Getty Images) |
Vụ tấn công mạng này diễn ra vào những tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ của chính phủ Trump, lặp lại những nghi vấn về thái độ thân Nga và ca ngợi ông Vladimir Putin của tổng thống nước Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump phản ứng yếu ớt trước những báo cáo về Nga làm thiệt hại nước Mỹ.
Hồi Tháng Sáu, tình báo Mỹ kết luận việc Nga treo giải thưởng lấy mạng lính Mỹ tại Afghanistan.
Một tháng sau đó, Tháng Bảy, ông Trump nói chuyện qua điện thoại với ông Putin, tuy nhiên, lại không hề nhắc đến chuyện Nga treo đầu lính Mỹ lấy thưởng.
Khi bị chất vấn, tổng thống nói không biết vì cấp dưới không báo cáo, “nếu việc này được đưa đến bàn làm việc, thì tôi sẽ làm cái gì đó rồi.”
Tuy nhiên, lịch làm việc của cơ quan tình báo cho thấy ông Trump đã được các giới chức báo cáo về vấn đề này từ hồi Tháng Hai.
Tổng Thống Nga Putin (trái) và Tổng Thống Trump (phải) trò chuyện tại Đà Nẵng năm 2017. (Hình: MIKHAIL KLIMENTYEV/AFP via Getty Images) |
Một chuyện khác liên quan đến lính Mỹ bị thương vì những hành động khiêu khích của lính Nga tại chiến trường Syria, ông Trump cũng im lặng.
Trong hồi ký của ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, cho biết ông Trump luôn kêu ca về việc cấm vận và trừng phạt Nga.
Giống như cách ông phần lớn không nhắc nhở gì đến sự bùng phát dịch COVID-19 hiện nay, Tổng Thống Trump dường như thoái thác tất cả trách nhiệm trong những tuần cuối cùng tại vị.
Tòa Bạch Ốc không liệt kê bất kỳ một cuộc họp để nhận thông tin tình báo trong lịch trình hằng ngày của tổng thống kể từ đầu Tháng Mười.
Trên Twitter của Tổng Thống Trump hầu như chỉ tiếp tục đưa ra những tố cáo vô căn cứ về gian lận bầu cử dù thất bại khoảng 60 phiên toà từ dưới lên cao cho đến nay.(MPL) [kn]
Chính phủ Mỹ bị tin tặc xâm nhập từ nhiều tháng nay nhưng chỉ mới vừa được phát hiện. Chính quyền Nga bị cáo buộc đích danh nhưng tổng thống Donald Trump kiên trì phủ nhận. Tổng thống mới Joe Biden sẽ phải giải quyết hồ sơ gai góc này trong quan hệ Mỹ- Nga.
Vì sao tổng thống Donald Trump luôn luôn bảo vệ Nga mỗi khi chính phủ Mỹ bị tin tặc tấn công ? Tại sao ông quy cho Trung Quốc trong khi giới chuyên gia tin học, phản gián và cả những cộng sự viên trung thành nhất như ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Tư Pháp Bill Barr đều cáo buộc đích danh chính quyền Nga ?
Câu trả lời có lẽ phải chờ một thời gian sau khi tổng thống Mỹ thứ 45 rời Nhà Trắng. Nhưng điều chắn chắn là vị tổng thống thứ 46 sẽ phải xử lý các hệ quả.
Trước hết, theo tổ chức chống gián điệp tin học Mỹ FireEye, mà bản thân cũng là nạn nhân tin tặc, nhiều công ty trong lĩnh vực tư vấn về công nghệ cao và năng lượng đã bị nhóm APT 29 tấn công từ mùa xuân 2020 từ Bắc Mỹ cho đến châu Á, châu Âu, Trung Cận Đông.
Tại Mỹ, bộ Tài Chính, Thương Mại và nhiều cơ quan liên bang bị tác hại.
Theo Loic Guéo, một chuyên gia Pháp về tấn công mạng, tin tặc sử dụng chiến thuật « con ngựa thành Troie » tinh vi cài mắt thần vào hệ thống tin học của một đối tác của chính phủ thay vì tấn công thẳng vào các cơ quan này thường được bảo vệ chặt chẽ.
Chiến thuật của tin tặc không trực tiếp tấn công vào các mục tiêu mà xâm nhập qua trung gian phần mềm « phòng thủ » Orion do công ty Mỹ SolarWinds phát minh và chế tạo cho một mạng lưới 300.000 khách hàng quản lý hệ thống điện toán. Tin tặc chờ đúng thời điểm nhạy cảm nhất là lúc hệ thống này « cập nhật » để tung « virus độc hại Sunburst ».
Nhờ thế mà tin tặc đánh lừa được cả cơ quan an ninh quốc gia NSA trong nhiều tháng dài.
Ít nhất là sáu cơ quan liên bang Mỹ, trong đó có bộ Năng Lượng, Thương Mại, Tài Chính, Ngoại Giao và An Ninh NSA bị tin tặc. Một số nước khác bị tác hại là Canada, Mêhicô, Bỉ, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Israel, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Bị cáo buộc, chính quyền Nga, như những lần trước hay mỗi khi xảy ra ám sát, đầu độc đối lập, đều phủ nhận.
Trong vụ tin tặc mới này, Kremlin còn có thêm một đồng minh ngay Nhà Trắng. Thái độ im lặng của Donald Trump trong nhiều ngày rồi sau đó quy cho Bắc Kinh, mà không dựa trên một dấu hiệu nào đã gây kinh ngạc tại nước Mỹ. « Chưa bao giờ có một vị tổng thống Mỹ nào nhọc công như thế để bảo vệ nước Nga », Clint Watts, một cựu nhân viên của FBI, chuyên gia chiến tranh tuyên truyền, than thở với New York Times.
Mọi người trông chờ vào chính quyền mới ở Washington. Joe Biden cam kết là sẽ « đặt chiến tranh mạng » làm ưu tiên số một ngay khi nhậm chức vào ngày 20/01/2021 và sẽ « ăn miếng trả miếng » với Nga.
Một trong vũ khí lợi hại nhất của Mỹ, thay vì tăng cường cấm vận kinh tế Nga, là tiết lộ những khoản chuyển ngân bí mật của chủ nhân điện Kremlin, theo La Croix.
Một lớp ESL (Anh Ngữ - Ngôn Ngữ Thứ Hai), tại Morgan Community College, Colorado. Hình minh họa. |
Ngôn ngữ là chìa khóa để bảo tồn văn hóa của một cộng đồng sắc tộc, và cũng là chìa khóa để tìm hiểu văn hóa của một cộng đồng sắc tộc khác.
Người Việt là một cộng đồng sắc tộc có xu hướng bảo tồn văn hóa rất cao, và có thể nói là một trong những tâm tư lớn nhất của thế hệ đi trước sau biến cố 30/4 bỏ nước ra đi. Tại hải ngoại, cộng đồng người Việt đã được hình thành khắp nơi trên thế giới, và rất nhiều nơi đã hình thành các trường Việt ngữ để duy trì và phát huy tiếng Việt.
Tại Úc, người Việt may mắn có được sự lãnh đạo có viễn kiến của cố thủ tướng Malcolm Fraser. Năm 1971, chỉ có dưới 700 người Việt hiện diện tại Úc. Trong hơn 7 năm cầm quyền từ cuối năm 1975 đến tháng Ba năm 1983, chính phủ Fraser nhận khoảng 60 ngàn người tị nạn, trong đó có người đi trực tiếp đến Úc bằng thuyền. Chính quyền Bob Hawke tiếp tục chính sách di dân và đa văn hóa, nên tổng số người Việt đến Úc tính đến năm 1986 là hơn 80 ngàn người. Trước đó, luật di dân của Úc, từ năm 1901 đến 1958, chủ yếu thể hiện chính sách người Úc da trắng (White Australian Policy). Nhưng nó đã bị hủy bỏ hoàn toàn và, thậm chí, trở thành bất hợp pháp qua Bộ luật Phân biệt Chủng tộc 1975 (The Racial Discrimination Act 1975).
Chính sách tiếp nhận người tị nạn, chính sách đa văn hóa, và các cải tổ về luật pháp và cơ chế tại Úc của ông Fraser đã thay đổi bộ mặt của nước Úc từ đó về sau. Điển hình qua sự hình thành Hội đồng Sắc tộc Sự vụ Úc (the Australian Ethnic Affairs Council) năm 1977 trong vai trò làm cố vấn cho chính phủ. Nhưng đáng nói nhất là sự hình thành cơ quan truyền thông đa sắc tộc có tên, Dịch vụ Phát sóng Đặc biệt SBS (Special Broadcasting Service) vào 24 tháng 10 năm 1980. SBS một thời là món ăn tinh thần của người Việt, là phương tiện đáng kể giúp người Việt hội nhập tốt hơn vào đời sống mới. (Ngày nay, SBS không thể nào cạnh tranh với các chương trình truyền thanh, truyền hình và thông tin dạng viết 24/24 từ các đài đặc biệt hay từ mạng Internet, từ Việt Nam ra đến hải ngoại. Thông tin tràn ngập và đủ loại, nhất là trên Youtube và Facebook, nhất là những kênh đáp ứng thị hiếu và mong đợi của người Việt, đặc biệt đối với thế hệ đi trước, đã dần dần thay thế các kênh truyền thông chính mạch/truyền thống.)
Duy trì ngôn ngữ và văn hóa là vô cùng cần thiết cho một cộng đồng sắc tộc, đặc biệt là các cộng đồng mới hình thành tại các quốc gia như Úc. Giới lãnh đạo chính trị Úc hiểu điều này. Tất cả các chính quyền từ thời Fraser về sau đều cổ võ, ở mức độ khác nhau, chính sách đa văn hóa và truyền thông đa ngôn ngữ tại Úc. Nhưng quan niệm này phần nào dịch chuyển kể từ biến cố 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, do một số sự kiện xảy ra trong 20 năm qua. Một, hiện tượng những người trẻ lớn lên tại các các nền văn hóa Tây phương, kể cả Úc, lại bị chủ trương cực đoan hóa (radicalisation) tác động dẫn đến tình trạng chính họ xung phong đi đến các nước Trung Đông để chiến đấu cho các nhóm khủng bố cực đoan, như Nhà nước Hồi giáo (ISIS), chẳng hạn. Hai, mạng xã hội ngày càng ảnh hưởng lên cách suy nghĩ và hành xử của nhiều thành phần xã hội khắp nơi trên thế giới. Nga đã lợi dụng phương tiện này để tung bao tin giả trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, chẳng hạn. Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập và khống chế cộng đồng người Hoa, và qua đó ảnh hưởng, lên các đại học hay tiến trình chính trị tại Úc, Mỹ v.v… Điều này làm cho các nhà lãnh đạo và chính sách gia trên thế giới, trong đó có Úc, phải tìm ra các chiến lược khả thi để ngăn chặn tác hại của mạng xã hội, như Facebook, YouTube, Twitter lên trên những người dễ bị tổn thương.
Ai là thành phần dễ bị tổn thương? Là những người thiếu khả năng ngôn ngữ hay tư duy phản biện để phân biệt đâu là tin thật hay tin giả?
Khả năng ngôn ngữ rõ ràng giúp cho người di dân có thể hội nhập tốt hơn vào đời sống mới. Nhưng hội nhập thôi cũng chưa đủ. Muốn đóng góp cho xã hội, cho đất nước mới này, người di dân cần biết nhiều vấn đề khác nhau: từ văn hóa, kinh tế, cho đến xã hội, và nhất là chính trị. Cơ cấu, guồng máy vận hành, hệ thống bầu cử, ba ngành tư pháp, hành pháp, và lập pháp hoạt động độc lập ra sao, nền đệ tứ quyền truyền thông tương tác với xã hội và đóng vai trò như thế nào trong một nền dân chủ pháp quyền. Muốn hiểu được các vấn đề này thì một, phải có khả năng đọc thông tin từ các nguồn chính, như từ các cơ quan chính phủ, và từ các cơ quan nghiên cứu và truyền thông khả tín. Hai, các thông tin này cần được thông dịch một cách nghiêm túc. Lý tưởng là được thông dịch và chứng nhận từ các cơ quan công quyền. Nhưng nguồn lực của họ giới hạn. Tại Úc, chỉ có 73% người dân nói tiếng Anh ở nhà. Tiếng Quan Thoại chiếm 2.5%. Tiếng Việt chiếm 1.2%. Khoảng 240 ngôn ngữ khác nhau được dùng tại Úc. Vì thế, các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương không có khả năng để thông dịch mọi thông tin đến các cộng đồng sắc tộc này, mà vẫn chủ yếu vận dụng truyền thông của SBS, chẳng hạn.
Cũng vì giới hạn về ngôn ngữ, mà biết bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin giả. Các phần tử xấu đã lợi dụng cơ hội này để lừa đảo người dân, nhất là các cộng đồng sắc tộc tại Úc, đến độ Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng thuộc chính quyền Úc đã phải thiết lập một cơ quan gọi là ScamWatch, để theo dõi, tường thuật và báo cáo thường xuyên các vụ lừa đảo. Các trò lừa đảo phổ biến bao gồm lừa đảo lấy thông tin cá nhân, mua sắm trực tuyến và lừa đảo tiền hưu trí. Chỉ trong tháng 11 vừa qua thôi, đã có 22,122 vụ lừa đảo, với $18,703,848 bị đánh cắp. ScamWatch nhận được 5,170 vụ báo cáo lừa đảo liên quan đến Covid-19, với $6,280,000 bị đánh cắp. Đó là chưa kể bao nhiêu trường hợp khác có thể chưa được báo cáo.
Tóm lại, khi không có thông tin xác thực và thiếu tư duy phản biện, mà lại dễ tin vào những tin đồn nhảm chưa được kiểm chứng, thì người dân (Úc, Việt hay bất cứ sắc dân nào) sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các phần tử xấu, nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Về mặt chính trị, khi người dân không tiếp cận được những thông tin trung thực, đa chiều, khả tín, mà lại có khuynh hướng dựa vào các tin tức trên mạng xã hội thực hiện theo tiếng mẹ đẻ của mình, thì sự tham gia và đóng góp của những người này không những bị giới hạn, mà còn có rủi ro đưa đến những tác hại rất lớn cho quốc gia mới của mình.
Lãnh đạo chính trị Úc hiểu rất rõ những thử thách trên khi nhận người di dân mới đến Úc. Cộng đồng người Hoa, người Việt, v.v… rất dễ bị tổn thương bởi các tin giả. Vì vậy, chính sách cần thiết là làm sao chọn lọc người đến, và mở rộng các chương trình ngôn ngữ, để vừa đề cao song ngữ, vừa đề cao nhu cầu cần biết tiếng Anh. Qua đó, công dân và thường trú nhân Úc có thể hội nhập vào đời sống tốt hơn. Thực tế cho thấy, những ai không biết tiếng Anh thì khó kiếm việc làm hơn. Chỉ có 13% người không biết tiếng Anh có việc làm, trong khi 62% biết tiếng Anh thì có việc làm.
Theo thông cáo mới nhất của Bộ trưởng Di trú, Alan Tudge, thì “Những người di cư không có kỹ năng tiếng Anh cũng dễ trở thành nạn nhân của sự can thiệp và thông tin sai lệch của nước ngoài, và họ sẽ khó tìm kiếm sự giúp đỡ hơn nếu họ là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc nếu bị bóc lột.” Chính phủ Úc đã tu chính điều luật liên hệ này vào ngày 10 tháng 12 vừa qua để bảo đảm những ai đến Úc định cư sẽ được giúp đỡ để hội nhập tốt hơn. Ông Tudge nói: “Không có tiếng Anh, sẽ khó kiếm việc làm hơn, khó trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng, và khó tham gia vào các quá trình dân chủ của chúng ta.”
Tuy vậy, chính phủ Úc không chỉ đề cao tiếng Anh, mà còn tài trợ 10 triệu đô la để giúp cho 356 trường ngôn ngữ trên toàn nước Úc nâng cao kỹ năng song ngữ. Ông Tudge biện luận: “Kỹ năng song ngữ mang lại cho những người Úc trẻ một lợi thế cạnh tranh trong một lực lượng lao động toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, và xây dựng năng lực của chúng ta như một quốc gia để tương tác cởi mở và tự tin với phần còn lại của thế giới”.
Quả thật, ngoài văn hóa, khả năng song ngữ là ưu điểm đưa đến nhiều lợi ích thực tiễn, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu này. Theo tiến sĩ khoa học thần kinh Mariano Sigman, thì một người có khả năng song ngữ, sẽ chiếm ưu thế so với đơn ngữ vì họ có thể kiểm soát nhận thức tốt hơn. TS Sigman giải thích: “Kiểm soát nhận thức có nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như khả năng chú ý, khả năng lập kế hoạch và khả năng chuyển đổi dễ dàng giữa các nhiệm vụ.” Ngoài ra, khả năng song ngữ cũng giúp người trẻ trở nên đồng cảm hơn, khi họ có thể nhìn mọi thứ từ những góc độ khác quan điểm với mình.
Biết thêm một ngôn ngữ mang lại rất nhiều ích lợi. Như đã trình bày trên, từ văn hóa, kinh tế, đến vấn đề hội nhập vào đời sống mới trong tư cách của một thành viên mới. Tiếng Anh chỉ là một ví dụ, bởi các ngôn ngữ như tiếng Pháp, Đức, Hòa Lan, Ý, ngôn ngữ Bắc Âu, v.v… đều quan trọng như nhau. Các bậc phụ huynh Việt Nam trong nước cũng nên dồn nỗ lực ưu tiên này cho con em của mình. Từ khả năng tiếng Anh đến song ngữ hay đa ngữ, để có thể vận dụng tối đa các cơ hội và thử thách trong thời đại ngày nay.
[Cùng viết với luật sư Trần Kiều Ngọc]
Úc châu, 14/12/2020