SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bất ngờ kiểm tra một cơ sở sơ chế thịt ốc ở quận 8, giới hữu trách phát giác hơn hai tấn thịt ốc bị ngâm hóa chất nhằm tăng trọng lượng và bóng mượt trước khi mang bán ra thị trường cho người tiêu thụ.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 18 Tháng Năm, Đội Cảnh Sát Kinh Tế Công An quận 8 phối hợp với một số cơ quan hữu trách bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế thịt ốc trên đường Rạch Cát Bến Lức (phường 7, quận 8) do ông Huỳnh Văn Trường (42 tuổi) làm chủ.
Thịt ốc đang ngâm hóa chất tại cơ sở trên đường Rạch Cát Bến Lức, phường 7, quận 8. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Thời điểm kiểm tra, tại đây có nhiều can nhựa chứa hóa chất lỏng không nhãn mác, không thời hạn sử dụng, cùng các thùng nhựa lớn đang ngâm thịt ốc bươu với hóa chất. Bước đầu, ông Trường cho biết việc ngâm thịt ốc với hóa chất là “nhằm làm cho thịt ốc nở ra, bóng đẹp để bán cho một số tiểu thương.”
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 1.8 tấn thịt ốc đã ngâm qua hóa chất cùng 700 kg hóa chất trong những can nhựa, lấy mẫu thịt ốc đã ngâm hóa chất, cũng như lấy mẫu hóa chất để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đồng thời, lập biên bản về việc “Vi phạm về an toàn thực phẩm” như sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; sử dụng hóa chất không có thời hạn sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Cùng ngày, tổ công tác này tiếp tục kiểm tra cơ sở chế thịt ốc của ông Nguyễn Minh Khánh (40 tuổi) nằm trên đường số 2, khu dân cư Bình Điền, phường 7, quận 8.
Nơi đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện 400 kg ốc không rõ nguồn gốc đã được sơ chế và chuẩn bị mang bán ra thị trường. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với việc “Vi phạm về an toàn thực phẩm.” Cụ thể, sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang, nền nhà khu vực sản xuất bị thấm nước; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi sơ chế ốc bằng hóa chất, những cơ sở trên sẽ đem giao cho các tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh, với giá từ 25,000 đồng đến 35,000 đồng ($1.08 tới $1.51) mỗi kg.
Trước đó hôm 20 Tháng Giêng, Đội 5 Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An ở Sài Gòn bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở sơ chế thịt ốc tại khu dân cư Bến Lức (phường 7, quận 8) do ông Trương Văn Huân làm chủ. Tại đây, giới hữu trách phát hiện nhân viên đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc.
Làm việc với cơ quan công an, bước đầu ông Huân cho biết sau khi lấy ốc bươu thịt từ các tỉnh miền Tây mang về, ông Huân cho ngâm vào nước pha với hóa chất công nghiệp khoảng 7 tiếng để thịt ốc “sạch, tươi bóng và tăng ký.” Sau đó mới cho mang số ốc đã ngâm hóa chất này đi bỏ mối tại các chợ, quán ăn ở nhiều quận, huyện tại Sài Gòn.
Số can nhựa chứa hóa chất để ngâm thịt ốc phát giác tại cơ sở. (Hình: Tuổi Trẻ) |
“Ông Huân thừa nhận việc cơ sở sản xuất hàng tấn thịt ốc và hầu như các quán ăn, xí nghiệp, siêu thị, chợ… đều lấy sản phẩm ốc của ông. Mỗi khi sơ chế, sang chiết hóa chất ông này đều phải mang bao tay cao su,” một cán bộ Đội 5 nói với báo Pháp Luật TP.HCM.
Tại hiện trường, công an đã thu giữ gần 500 kg hóa chất nghi là chất tẩy rửa, chất bào mòn “có người giao đến đựng trong các can nhựa,” và hơn 1.3 tấn thịt ốc bươu đã bị ngâm hóa chất để tiến hành xác định số hóa chất thu được xem là chất gì. (Tr.N) [qd]
Ảnh minh họa: Một xà lan khai thác cát trên sông. RFA PHOTO |
Những ngày qua, nhiều tàu ‘không số’ ngang nhiên hút cát ở dọc tuyến sông Lô, tỉnh Phú Thọ khi không có lực lượng chức năng.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 7/5 và cho biết tình trạng hút cát vẫn tiếp diễn dù trước đó Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ - Phan Trọng Tấn đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng... triển khai bảo vệ đến khu vực khai thác cát.
Người dân khu vực này cho báo chí biết, dù có chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng thời gian gần đây tình trạng khai thác cát vẫn hoành hành khiến hàng nghìn m2 đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân. Có nơi phần sạt lở cao tới 3 – 4 mét, kéo dài hàng trăm mét và có dấu hiệu ngày càng lan rộng.
Theo người dân, có đến hàng chục tàu thuyền không rõ của ai khai thác cát lậu tại Khu 5 Tử Đà, đều không có biển số, nhãn hiệu... Và không hề có bóng dáng lực lượng chức năng.
Tại Việt Nam, tình trạng khai thác cát không chỉ bùng nổ tại đồng bằng sông Cửu Long mà còn trên tất cả các dòng sông của quốc gia. Ngoài nhu cầu xây dựng trong nước, cát khai thác tại Việt Nam còn được bán sang Singapore.
Theo Điều 20 Nghị định 104, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khi khai thác cát gây tổn hại tới công tác phòng chống thiên tai có thể bị xử phạt tới mức cao nhất là 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa: Một đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, miền nam Việt Nam. Reuters |
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục bị sụt lún, mà nguyên nhân chủ yếu là nạn khai thác nước ngầm quá mức, tiêu biểu là trường hợp của thành phố Cần Thơ, nơi mà tình trạng đường phố ngập nước ngày càng nặng nề.
Sau nhiều thập niên xây dựng và phát triển, thành phố (TP) Cần Thơ đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần- nếu không nói là đóng vai trò nòng cốt - trong sản xuất nông nghiệp để Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì trên thế giới. Cũng trong khoảng thời gian này, Cần Thơ đã thực hiện được vai trò trung tâm vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về thương mại, sản xuất - chế biến, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ.
TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo, nghiên cứu kế hoạch xây dựng để trở thành một đô thị hạt nhân của ĐBSCL, với một trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, Cần Thơ là một đô thị của ĐBSCL, một trong 3 châu thổ trên thế giới bị tác động trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Như vậy, thử hỏi có thể nào xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân của ĐBSCL với những hình ảnh của hơn phân nửa diện tích thành phố bị ngập nước? Đó chính là mối ưu tư rất lớn của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, nhóm nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sydney ngày 27/04/2021.
RFI: Thưa tiến sĩ Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là tình trạng sụt lún của thành phố Cần Thơ nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là do những nguyên nhân gì?
TS Huỳnh Long Vân: Thành phố ( TP ) Cần Thơ bị ngập nước do hai nguyên nhân:
Sụt lún gây ra bởi khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát. Nền đất bị sụt lún, tương tác với thủy triều, nước lũ sông Mêkông, và hệ thống đê bao khép kín ở các vùng nông thôn phụ cận khiến TP Cần Thơ bị ngập úng.
Công trình thoát nước vốn đã kém chất lượng, lại xuống cấp, thiếu hoành chỉnh, được dùng để tháo rút nước thải lẫn nước mưa. Bên cạnh đó phát triển đô thị thiếu kiểm soát, cho phép xây nhà ở những vùng đất ngập nước, đô thị bị bê tông hoá làm giảm đi mức độ thấm rút nước mưa, do đó khi mực nước sông dâng lên bởi triều cường kết hợp với mưa lớn, thì đường phố bị ngập.
RFI: Như vậy, thưa ông, tình trạng sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu từ khi nào?
TS Huỳnh Long Vân: Hơn 10 năm trước đây, người dân ĐBSCL sử dụng nguồn nước mặt (nước sông) và nước mưa là chính cho mọi sinh hoạt, nước ngầm chỉ dùng trong mùa khô. Nhưng hiện nay nước mặt ở ĐBSCL đang bị ô nhiễm trầm trọng, nên mỗi ngày khoảng 2 triệu mét khối (m3) nước ngầm, hay nhiều hơn, được bơm hút để dùng trong sinh hoạt, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, gây ra những hậu quả trầm trọng: sạt lở bờ biển, bờ sông và nhiều nơi ngập sâu với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Những kết quả nghiên cứu và khảo sát của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) cho thấy, trong khi mực nước biển dâng cao do BĐKH chỉ khoảng 3mm/năm, thì mức độ sụt lún của toàn vùng ĐBSCL gây ra bởi khai thác nước ngầm là 10-13mm/năm và tốc độ sụt lún riêng của TP Cần Thơ trong khoảng thời gian 2005-2017 là 43,5mm/năm. Huyện Cờ Đỏ, hai khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt là những địa điểm bơm hút nước ngầm nhiều nhất ở TP Cần Thơ.
RFI: Tình trạng sụt lún này gây ra những tác động gì đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đến đời sống của người dân Cần Thơ?
TS Huỳnh Long Vân: Ngoài việc gây ra ngập nước, sụt lún còn ảnh hưởng đến các công trình xây cất, nhà ở của người dân và rất dễ được nhận ra, như nứt tường, cơ sở nghiêng ngả, đường phố phải tráng thêm nhiều lớp nhựa để nâng cao, khiến cho nhà cửa dọc theo hai bên đường thấp hơn mặt lộ và bị ngập nước lúc triều cường đạt đỉnh.
Theo những tính toán của Ngân Hàng Thế Giới, tình trạng ngập nước theo mùa của phân nửa TP Cần Thơ trong nhiều ngày, gây thiệt hại khoảng 11% (650 đôla/gia đình/năm) mức thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình. Nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như hiện nay, thì đến năm 2100, phần lớn TP Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mặt biển.
RFI: Các chính quyền địa phương cho đến nay đã thi hành những biện pháp nào để kiểm soát khai thác nước ngầm và hạn chế sụt lún như vậy?
TS Huỳnh Long Vân: Trước những hậu quả nghiêm trọng của khai thác nước ngậm thiếu kiểm soát, chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018/ND-CP quy định việc khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước CHXHCNVN.
Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 167, Sở Tài Nguyên & Môi Trường (TN&MT) TP Cần Thơ đang thực hiện các kế hoạch kiểm soát và khoanh vùng để hạn chế khai thác nước ngầm.
Cụ thể, họ quy định khai thác nước ngầm từ 10m3-3.000m3/ngày phải được Ủy Ban Nhân Dân (UBND) thành phố cấp phép, trên 3.000m3/ngày, như ở khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt, cần được Bộ TN&MT cấp phép (Phải chăng đây là một động thái nhằm chối bỏ một phần trách nhiệm của TP Cần Thơ trong việc kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm?). Đồng thời, họ đề nghị UBND thành phố thu tiền cấp phép khai thác nước ngầm.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ chọn 4 nơi làm thí điểm chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt và bố trí các trạm quan trắc theo dõi diễn biến nguồn nước ngầm.
Ngoài ra, TP Cần Thơ còn tăng cường hợp tác quốc tế, như tham gia dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ÐBSCL”, do nhóm nghiên cứu của Ðại Sứ Quán Hà Lan tài trợ và hợp tác với Ðại Học Cần Thơ thực hiện. Dự án bắt đầu từ tháng 1/2020 kéo dài 15 tháng và chọn Cần Thơ và Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng là 4 địa điểm nghiên cứu điển hình của dự án. Dựa trên các kinh nghiệm và bài học rút ra từ 4 địa phương này, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng các giải pháp quản lý và lộ trình cho quản lý khai thác nước ngầm và sụt lún đất ở ÐBSCL và riêng cho TP Cần Thơ.
RFI: Nhưng theo ông, những giải pháp mà thành phố này đang thi hành liệu có thể mang lại hiệu quả mong muốn? Liệu chúng ta có thể cấm tuyệt đối việc khai thác nước ngầm ở Cần Thơ để ngăn chận tình trạng sụt lún?
TS Huỳnh Long Vân: Trong khi ĐBSCL chưa có được hệ thống cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sạch, thì việc ngăn cấm tuyệt đối khai thác nước ngầm là điều không khả thi. Qua những kinh nghiệm và nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về những tác động tiêu cực của khai thác nước ngầm như P. Minderhoud, G. Erkens, L. Erban, thì giảm khai thác nước ngầm ở ĐBSCL 50% so với hiện nay cũng không chận đứng được, mà chỉ làm giảm mức độ sụt lún. Vì thế, chúng ta không nên quá lạc quan về những giải pháp mà TP Cần Thơ đang áp dụng và vội tin rằng sẽ quản trị được sụt lún và Cần Thơ sẽ không còn bị ngập nước.
Ngoài ra, cũng không nên quá trông đợi vào dự án nghiên cứu của nhóm Hà Lan như một chiếc đũa thần, mà phải đề ra một giải pháp căn cơ để ứng phó với những thách thức gây ra bởi khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát.
RFI : Theo ông thì trong khi chờ đợi có một hệ thống cung cấp đủ nước sạch toàn vùng ĐBSCL, chính quyền của thành phố Cần Thơ nói riêng và toàn vùng ĐBSCL phải thi hành ngay những giải pháp nào để tình trạng sụt lún không tiếp diễn?
TS Huỳnh Long Vân: Ngoài việc kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm, giới hữu trách ở Cần Thơ và ĐBSCL trước hết cần giải thích để thay đổi nhận thức của người sử dụng nước ngầm, theo hướng nước ngầm là “tài nguyên chiến lược”, nên không thể sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất hằng ngày, mà cần phải tồn trữ để sử dụng trong những trường hợp hạn hán như năm 2016, hay hạn hán trong tương lai ở ĐBSCL gây ra bởi BĐKH
Ngoài ra, cần cung cấp cho người sử dụng nước ngầm những thông tin về những tác hại khác gây ra bởi khai thác nước ngầm quá mức, ngoài sụt lún nền đất:
Bơm hút quá mức nước ngầm khiến cho nguốn nước ngầm bị nhiễm mặn, nền đất bị mặn lây, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và năng suất của cây trồng và gián tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân
Thói quen bơm hút nước, hết ở tầng nông (tầng trấm tích Holocene) rồi xuống đến tầng sâu (tầng trầm tích Pleistocene) về lâu về dài sẽ làm nguồn nước ngầm bị nhiễm Arsenic rò rỉ từ tầng nông. Nước ngầm nhiễm Arsenic có hại cho sức khỏe con người và vật nuôi.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi xây dựng được môt hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng ĐBSCL, các chính quyền địa phương cần phải tiết kiệm nguồn nước, ví dụ như bằng cách xây dựng phương án dự trữ nước mưa (triển khai từ những kinh nghiệm của Bến Tre đào các ao mương trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô).
Cần tiết kiệm nước trong tưới trồng (trồng rau cải, hoa màu trong nhà kính nơi độ ẩm được kiểm soát và duy trì; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt v.v…)
Cần nghiên cứu kỹ thuật bổ cập nhân tạo nước ngầm, như trước đây ở Hoa Kỳ từng có 6 dự án: (Water Factory 21, Orange County, California; Montebello Forebay, California; Phoenix, Arizona; El Paso, Texas; Long Island, New York; Orlando, Florida). Đặc biệt là dự án Dan của Do Thái, đã được sử dụng trong suốt 20 năm qua và không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm
Cũng cần nghiên cứu những kỹ thuật tái tạo nguồn nước đã được dùng qua để sau đó dùng tưới trồng cây kiểng, sân cỏ, trong công nghệ giặt ủi, vệ sinh hay trong những dịch vụ công nghệ không liên quan đến sức khỏe của con người (như CRC Technologies của Hoa Kỳ, những kỹ thuật hiện được dùng ở Australia và Nambia v.v…)
Chấm dứt hẳn tình trạng sụt lún ở Cần Thơ và ĐBSCL chỉ có thể đạt được khi ĐBSCL có được hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Vì thế giới hữu trách trung ương và địa phương cần phối hợp tiến hành càng sớm càng tốt kế hoạch cấp nước sạch cho toàn vùng ĐBSCL. Kế hoạch này cần được xây dựng dựa vào nguồn nước mặt lấy từ sông Tiền và sông Hậu và chỉ cho phép sử dụng nước ngầm tại những vùng xa không có nguồn nước mặt. Đặc biệt, ở vùng ven biển nên ứng dụng công nghệ Nano và RO để xây dựng những nhà máy biến chế nước mặn thành nước ngọt.
Nếu vì lý do nào đó mà kế hoạch cung cấp nước sạch không thể thực hiện được, và để TP Cần Thơ và các đô thị khác ở ĐBSCL khỏi bị ngập nước theo mùa, thì có lẽ cần phải nghĩ đến giải pháp từ bỏ hẳn trồng lúa vụ 3, tháo gỡ các đê bao ở vùng nông thôn và ngược lại xây dựng các bờ kè, con đê, để bao bọc khép kín các khu dân cư đông đúc.
Kiểm soát-hạn chế khai thác nước ngầm, tiết kiệm lượng nước sử dụng và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng là những việc làm và kế hoạch cần được triển khai khẩn trương và đồng bộ trong tiến trình thoạt tiên làm giảm dần sụt lún trước khi hoàn toàn chận đứng.
Là người dân sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, cá nhân tôi thành tâm mong mõi TP Cần Thơ được phát triển bền vững, sớm trở thành một đô thị văn minh, nơi đây một số sinh hoạt và dịch vụ thiết yếu cho đời sống con người không còn bị gián đoạn, giao thông không tắc nghẽn và người dân không phải bì bõm trong biển nước để lo cho miếng cơm manh áo trong những ngày mà phân nữa diện tích của thành phố bị ngập nước.
Bão Nhiệt đới Eta gây thiệt hại nhà ở thành phố Davie, Florida, 09/11/2020. |
Mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt có thể gây ra thiệt hại 20 tỷ đôla cho các ngôi nhà có nguy cơ bị ngập lụt ở Mỹ trong năm nay, tăng lên 32 tỷ đôla vào năm 2051, theo nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation công bố hôm 22/2.
Ông Matthew Eby, người sáng lập và giám đốc điều hành của Qũy First Street cho biết: “Nhận thức về rủi ro lũ lụt và chi phí bảo hiểm tăng trong tương lai tác động đến việc định hình giá địa ốc, điều này sẽ tác động đến thị trường bất động sản”.
Theo điều trần của ông Michael Grimm, đại diện Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), chi phí thiệt hại do lũ lụt gây ra từ năm 2010 đến năm 2018 là khoảng 17 tỷ đôla hàng năm.
Lũ lụt ở bang Arkansas. |
Khoảng 4,3 triệu ngôi nhà - tập trung ở bang Florida, California, South Carolina và Texas - có nguy cơ thiệt hại kinh tế đáng kể do lũ lụt trong năm nay, báo cáo cho biết.
Lấy hạt Miami-Dade ở bang Florida làm nghiên cứu điển hình, nghiên cứu trước đó của First Street cho thấy những ngôi nhà bị ngập lụt bị mất giá 3%. Những ngôi nhà gần các khu đất và đường bị ngập lụt khác bị mất giá 11%.
Mức rủi ro lũ lụt này được định giá thấp hơn trong thị trường cho vay thế chấp để mua nhà do bản đồ lũ lụt của chính phủ liên bang đã lỗi thời.
Cũng theo First Street, số lượng bất động sản có nguy cơ ngập lụt đáng kể trong năm nay cao hơn khoảng 70% so với ước tính trong bản đồ của FEMA.
Nhã Duy
Cali Today News – Câu chuyện Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz đưa gia đình sang Cancun hưởng cái nắng ấm trong khi người dân của tiểu bang ông đại diện đang chết cóng trong cái lạnh dưới âm độ đã làm người dân Mỹ mở to mắt. Một phần vì Ted Cruz là người thường xuyên chỉ trích những chính khách Dân Chủ lơ là phận sự mỗi khi có dịp, phần vì lời giải thích hộ tống con gái sang Cancun rồi về bị xem là lời giải thích vụng về mà nhiều người thẳng thừng bảo là lời nói dối trơ trẽn.
Dường như sau bốn năm dưới triều đại Donald Trump, khi những lời nói dối được tung hô và tặng thưởng, những đồng minh chính trị cho đến người ủng hộ Trump đã mất đi khả năng nói thật, nói những điều thông thường khác. Như giới quan chức Cộng Hòa tại Texas, như Ted Cruz cùng vô số thần dân vẫn đang cuồng mê Donald Trump.
Như cơn lạnh tại Texas là điều dù đã từng xảy ra hay được cảnh báo trước đây nhưng có lẽ nó đã vượt quá mức tưởng tượng của những người có thẩm quyền cho đến người dân tiểu bang này. Tuy nhiên thay vì xem đây là bài học để nhắm đến các cải đổi sau đợt lạnh này, các quan chức Cộng Hòa của Texas đã lập tức đăng đàn đổ thừa cho chính sách và mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ đời cựu tổng thống Obama hay theo nghị trình đảng Dân Chủ. Những quan chức đứng đầu Texas cho rằng việc các quạt gió bị đông đá, không hoạt động là nguyên nhân gây ra thiếu và mất điện, rồi dẫn đến việc mất nước, mất gas cho hàng triệu người dân Texas trong các ngày qua.
Nhưng các số liệu không biết nói dối và trong thời đại thông tin hiện nay, người ta luôn có đầy đủ thông tin, số liệu để chứng minh ngược lại. Nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nguồn điện Texas. Và nguyên nhân chính cho tình trạng mất điện nước tại Texas là vì mất nguồn cung cấp nguyên liệu chính như khí đốt, gas, cũng như các quạt gió, hệ thống phát điện chưa được trang bị kỹ thuật chống lạnh đúng theo tiêu chuẩn cần có trong trường hợp quá lạnh như hiện nay.
Texas là tiểu bang hàng đầu nước Mỹ về dầu thô và khí đốt, chiếm khoảng 40 % lượng dầu thô và khoảng một phần tư khí đốt khai thác của cả nước Mỹ, theo như báo cáo của US Energy Information Administration. Từ vài chục năm qua, Texas đã tự hào về mạng điện độc lập của mình và không muốn tham gia vào mạng điện quốc gia vì tin vào khả năng tự cung cầu nhờ nguồn tài nguyên dồi dào của mình, cũng như không muốn bị các điều luật liên bang ràng buộc. Bởi vậy, dù Texas cũng đứng đầu nước Mỹ về nguồn năng lượng thiên nhiên bất tận là gió nhưng nó lại bị xem thường, hay thậm chí bị các chính khách Cộng Hòa tại đây bỏ qua hay đổ lỗi như nói trên.
Bill Gates đã cho rằng Thống Đốc Texas Greg Abbott sai lầm khi đổ lỗi cho việc mất điện tại Texas là đến từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, mà theo các số liệu đưa ra thì phong điện cùng năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 23% nguồn cung cấp điện tại Texas và chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong nguồn điện bị mất lần này tại Texas.
Tuy nhiên điều Bill Gates muốn nói đến lớn hơn các số liệu này. Trong cuốn sách “Làm sao để tránh một thiên tai khí hậu” (How to Avoid a Climate Disaster) mới vừa phát hành, Bill Gates chỉ ra vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là đại nạn của nhân loại trong tương lai. Những thiên tai như tại Texas sẽ tái diễn nhiều và thường xuyên hơn trong tương lai. Muốn ngăn chận nó cần phải có chiến lược lâu dài, bằng những chính sách và kỹ thuật thực tế và khả dĩ.
Tài nguyên không phải là bất tận và trên thực tế, cho dù có đầy đủ thì các thiên tai đã từng làm gián đoạn nguồn cung cấp này. Cũng như biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai là điều có thực, đã và đang xảy ra thay vì cáo buộc, xem nó như điều tưởng tượng hay bịa đặt. Dù không dễ dàng, con người có thể góp phần mình để ngăn ngừa hay chặn đứng bằng các chính sách bảo vệ môi trường và biện pháp khoa học, sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng cùng mức thiệt hại một khi xảy ra.
Thiên tai là vấn đề khoa học chứ không phải câu chuyện chính trị nên cần giải quyết bằng khoa học cùng các chính sách mang tính khoa học và chiến lược. Nó không thể biến mất nhờ những lời nói dối hay đổ lỗi cho nhau. Nếu Texas không học bài học này thì đợt lạnh dài ngày hơn trong lần tới sẽ là một đại họa cho chính những người dân tiểu bang này.
Nhã Duy
Ảnh vệ tinh về địa điểm dự án lấn biển Cần Giờ, do người kiến nghị đăng lên avaaz.org |
Đến ngày 7/7, hơn 4.000 người, bao gồm các chuyên gia môi trường, địa chất, kiến trúc sư, kinh tế gia, v.v… ký văn bản kiến nghị nhà nước Việt Nam xem xét lại dự án của Vingroup xây “khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” ở vùng ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Bản kiến nghị, hiện đang tiếp tục thu thập thêm chữ ký trên mạng trước khi gửi đến thủ tướng và quốc hội của Việt Nam, cảnh báo rằng dự án của tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam chứa đựng nguy cơ gây tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời cũng kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị Tp.HCM lẫn Đồng bằng Sông Cửu Long.
Những người viết kiến nghị chỉ ra rằng dự án lấn biển của Vingroup ở Cần Giờ - có diện tích 2.870 hectare, dân số dự kiến lên tới 230.000, ngoài ra còn đặt mục tiêu sẽ đón gần 9 triệu lượt khách du lịch/năm - là một đô thị lấn biển “quy mô khổng lồ”. Nhưng dự án lại đối mặt với rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội.
Đây là một dự án hầu như được vẽ ra một cách duy ý chí, hoàn toàn không dựa trên các khảo sát khoa học nghiêm túc và bài bản. |
---|
Kiến trúc sư Sơn Đặng |
Một mối lo lớn khác về dự án mà những người ký kiến nghị nêu ra là việc san lấp biển sẽ cần tới lượng cát vô cùng lớn, lên đến 137,6 triệu m3.
Theo bản kiến nghị, đa số cát san lấp dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng, cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa không về bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.
Bản kiến nghị của hơn 4.000 người, bao gồm một số nhân vật tên tuổi như tiến sĩ địa chất biển Lê Xuân Thuyên, tiến sĩ-kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư toán Ngô Bảo Châu…, đặt ra các câu hỏi rằng “Khai thác một lượng cát khổng lồ như dự tính sẽ tác động đến khu vực khai thác như thế nào? Có làm trầm trọng thêm nguy cơ tan rã của ĐBSCL hay không?”
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tập đoàn Vingroup để tìm hiểu phản ứng của họ về bản kiến nghị song không nhận được hồi đáp.
Bản đồ về địa điểm dự án lấn biển Cần Giờ, do Jang Kều đăng lên Facebook cá nhân |
Dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thuộc Tp.HCM được thủ tướng Việt Nam phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng từ 821 ha trước đây thành 2.870 ha vào hồi đầu tháng 6/2020.
Nằm trải dài và án ngữ trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, dự án có chiều dài 13 km trên tổng số 20km bờ biển Cần Giờ.
Riêng về mặt địa chất đã mang tính rủi ro cực cao ... Với 1 nền địa chất mềm, yếu và có tính biến động cao, sẽ rất khó xử lý về mặt địa kỹ thuật và kỹ thuật hạ tầng đô thị. Và kể cả xử lý được thì sẽ cực kì tốn kém. |
---|
Kiến trúc sư Sơn Đặng |
Một công ty con thuộc tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư và thực hiện dự án trong 11 năm, kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Kiến trúc sư Sơn Đặng, một trong những người đầu tiên ký kiến nghị, khẳng định với VOA rằng dự án này hầu như được vẽ ra một cách duy ý chí, hoàn toàn không dựa trên các khảo sát khoa học nghiêm túc và bài bản. Ông nói thêm:
“Riêng về mặt địa chất đã mang tính rủi ro cực cao. Các mũi khoan đến độ sâu 100 mét chỉ toàn bùn cát, bùn chảy và đất sét. Ở độ sâu 200 mét thì được cho là có 1 lớp đá trẻ. Với 1 nền địa chất mềm, yếu và có tính biến động cao, sẽ rất khó xử lý về mặt địa kỹ thuật và kỹ thuật hạ tầng đô thị. Và kể cả xử lý được thì sẽ cực kì tốn kém”.
Ông Sơn, có bằng thạc sĩ kiến trúc của trường Cornell danh tiếng ở Mỹ, giải thích rằng khi dồn tải trọng của 30-40 nhà cao tầng, hàng trăm chung cư, hàng nghìn biệt thự lên một nền đất sình lầy ven biển sẽ thúc đẩy cho tốc độ lún của toàn khu tăng nhanh.
“Với tốc độ lún tối thiểu 5-10 cm/năm, sau 10-20 năm, khu đô thị này dù có được tôn nền vẫn sẽ lún xuống ngang mặt nước biển. Chưa nói đến khả năng trượt ngang của lớp đất bùn sẽ mang lại nguy cơ cao cho toàn dự án”, kiến trúc sư từng làm việc cho các hãng lớn trên thế giới đặt tại New York, Philadelphia và Tokyo nói với VOA.
Điều cũng đáng lo ngại đặc biệt là dự án này hoàn toàn không tính đến yếu tố mực nước biển dâng cao, ông Sơn Đặng, hiện làm việc ở Việt Nam, nói.
Dẫn lại nghiên cứu của Climate Central, ông Sơn nói rằng đến 2030 toàn khu Cần Giờ được dự báo nằm dưới đỉnh lũ, đồng nghĩa là khi đó, nước mặn sẽ tràn vào xâm nhập và phá hủy hạ tầng đô thị.
Đến 2050, hầu như Cần Giờ chìm hẳn dưới mực nước biển, kiến trúc sư được nhiều người biết tiếng nói với VOA, trích dẫn kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu của các chuyên gia Hà Lan.
Biểu đồ độ lún và vận tốc đất lún trong 25 năm tại Đồng bằng Sông Cửu Long |
Theo kiến trúc sư Sơn Đặng, việc cố xây đô thị cao tầng trên một lớp bùn, tại một khu vực sẽ chìm dưới mực nước biển trong tương lai gần là một “sai lầm nghiêm trọng”, sẽ dẫn đến “những thiệt hại khủng khiếp về mặt tài chính đối với chủ đầu tư của dự án này”.
Bản kiến nghị - có sự tham gia của ông Sơn và hơn 4.000 người khác - đề nghị thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chính quyền Tp.HCM “tính toán lại toàn diện bài toán hiệu quả kinh tế bao gồm các yếu tố chi phí xã hội, môi trường do các nguy cơ, rủi ro mang lại” đối với Cần Giờ.
Lý tưởng nhất là chỉ cho phép phát triển một dự án khoảng 600ha ven bờ theo quy hoạch cách đây 20 năm, bao gồm nhà trên cọc, nhà phao, resort nổi, với mật độ xây dựng cực thấp, tầm 5%... |
---|
Kiến trúc sư Sơn Đặng |
Đồng thời, những người ký kiến nghị cũng đưa ra yêu cầu là Ủy ban Nhân dân Tp.HCM “tạm dừng việc đưa dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha vào điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung thành phố đang thực hiện, cũng như tạm dừng đưa dự án vào Quy hoạch phân khu địa bàn huyện Cần Giờ”, cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án lấn biển này.
Một kiến nghị nữa được nêu lên là thủ tướng Việt Nam “chưa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung của Tp.HCM cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Dưới góc nhìn của kiến trúc sư Sơn Đặng, phương án lý tưởng nhất cho khu vực Cần Giờ là chỉ nên phát triển một dự án khoảng 600 ha ven bờ theo quy hoạch cách đây 20 năm, bao gồm nhà trên cọc, nhà phao, resort nổi, với mật độ xây dựng cực thấp, tầm 5%. Phần còn lại, 95%, tiếp tục trồng thêm rừng ngập mặn.
“Các trung tâm thể thao mặt nước, các trung tâm giáo dục về sinh thái và môi trường, các chương trình liên quan đến hoạt động dã ngoại và thư giãn sẽ rất phù hợp với Cần Giờ, một điểm đến yên tĩnh cho người dân của Tp.HCM, đô thị năng động nhất Việt Nam”, ông Sơn nói với VOA.