Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

Kinh tế (1)

Đọc báo mạng

📂  🏠

14/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Thật – hư và vài số liệu để ngẫm về thành tích

Hình minh họa.

Các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra những nhận định, tuyên bố hết sức lạc quan về hiện trạng, tương lai kinh tế - xã hội Việt Nam. Dựa trên các số liệu do Việt Nam công bố hoặc cung cấp, một số chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng chia sẻ sự lạc quan ấy bằng những dự báo tích cực…

Chỉ có điều thực trạng xã hội không như thế. Nếu dùng Google với những từ khóa kiểu như “lao đao”, “điêu đứng”,… có thể tìm ra rất nhiều tin, bài, hình ảnh cả trên hệ thống truyền thông chính thức, lẫn các các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, mô tả số người, số giới khốn khó do bế tắc về sinh kế càng ngày càng nhiều! Đó là chưa kể nếu đặt vài loại số liệu chính thức bên cạnh nhau ắt sẽ thấy thật – hư thật khó lường…

***

Tháng trước, dựa trên các số liệu đã thu thập, Tổng cục Thống kê (GSO) liệt kê hàng loạt điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý một năm nay. Theo đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định. GDP tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái. GSO bảo rằng, điều đó cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Cũng thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) như GSO nhưng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý ĐKKD) lại đưa ra những số liệu hết sức u ám về sự ổn định và phát triển của kinh tế - xã hội: Trong bốn tháng đầu năm 2021, mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 430 doanh nghiệp phải rời thị trường. Số doanh nghiệp rời thị trường cao hơn khoảng 15% so với số doanh nghiệp mới thành lập (khoảng 368/ngày).

Cục Quản lý ĐKKD còn lưu ý thêm, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ lũ lượt rời bỏ thị trường, số doanh nghiệp lớn (qui mô vốn ở mức trên 100 tỉ) rời thị trường cũng đã tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể trong bốn tháng vừa qua số lượng doanh nghiệp đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể đã vượt quá con số 16.000, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 17,5% (2).

Ngoài Cục Quản lý ĐKKD, tháng rồi, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. khi tiến hành khảo sát để thực hiện Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020, khoảng 87% doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của ngoại quốc - FDI) xác nhận, dịch COVID-19 tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động nên họ gặp rất nhiều khó khăn.

***

Tháng trước, Bộ Tài chính loan báo, tổng thu ngân sách nhà nước của quý một năm nay đạt 403,7 ngàn tỷ đồng, bằng 30,1% mức thu dự trù cho năm nay, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, 8 trong số 12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực. Từ kết quả này Bộ Tài chính cho rằng đó là bằng chứng về hiệu quả của các chính sách phòng - chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 (3).

Tháng này, Ngân hàng Nhà nước loan báo, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được gần 43 tỉ từ Gói Tín dụng ưu đãi trị giá 16.000 tỉ cho doanh nghiệp vay để trả lương cho khoảng 11.000 người phải ngưng làm việc vì tác động của dịch COVID-19. Tính ra số tiền đã giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chỉ khoảng… 0,27%!

Đến nay, tổng số doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường do tác động của COVID-19 đã vượt qua mức 100.000 nhưng chỉ có… một doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi và theo VCCI thì nguyên nhân là vì chính phủ đặt định các điều kiện quá khắt khe. Sự khắt khe ấy không chỉ khiến các doanh nhân bế tắc mà còn nhấn những người lao động sống nhờ lương chìm sâu hơn trong khốn cùng.

***

Khi doanh giới từ nhỏ đến lớn lao đao, điêu đứng như vậy, GDP dựa vào đâu để tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái và chính phủ dựa vào đâu để tăng thu? Chẳng lẽ tỉ lệ tăng GDP, tăng thu ngân sách phải như thế để hỗ trợ cho nhận định sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng và để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền có thể chứng tỏ sự tài tình, sáng suốt của mình?

Chú thích

(1) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/04/nhung-diem-sang-trong-tang-truong-kinh-te-viet-nam-quy-i-nam-2021/

(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html

(3) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-29/thu-ngan-sach-quy-i-2021-dat-hon-403-nghin-ty-dong-101697.aspx

(4) https://tuoitre.vn/chi-giai-ngan-duoc-gan-43-ti-trong-goi-tin-dung-uu-dai-16-000-ti-20210509160158913.htm

🔝

11/05/2021 - baotiengdan

Bầu trời đen đang bao phủ Vingroup và các tập đoàn BĐS hàng đầu ở Việt Nam

Thành Nam
11-5-2021

Đầu năm 2020, Vingroup rút khỏi thị trường bán lẻ Vinmart và sang năm 2021 cho chấm dứt sản xuất điện thoại và TV. Vậy còn Vinfast, liệu sống được bao lâu nữa? Vậy vấn đề chính ở đây là gì? (Từ trước tới nay, Vingroup chỉ có mỗi nguồn thu duy nhất là từ bất động sản).

Chúng ta cần đi ngược lại thời gian một chút: Bắt đầu từ năm 2005 đến 2015, đây là thời kỳ huy hoàng nhất đối với các doanh nghiệp làm bất động sản tại Việt Nam. Thời kỳ này các doanh nghiệp chỉ cần vẽ sơ đồ trên giấy thôi thì dân cũng đổ xô tới và đặt 100% tiền.

Vậy tại sao thời kỳ này dân lắm tiền thế? Đúng là thời kỳ này có một khối lượng tín dụng lớn từ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam, thông qua Chính phủ, sau đó được rót xuống các Tổng công ty và các tập đoàn lớn của Nhà nước. Nhưng sau đó bốc hơi hết.

Người viết bài này đã từng chứng kiến không dưới 5 người, họ còn rất trẻ, sau khi vào doanh nghiệp nhà nước làm được mấy năm, khi đã ổn định ở ghế trưởng phòng và chánh, phó giám đốc, thấy họ có đủ tiền mua hai, ba căn nhà ở phố một lúc.

Nhưng tình hình khác đi bắt đầu từ 2016. Nếu bạn tinh ý về vấn đề chính trị thì bạn sẽ thấy, bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 12 của đảng CSVN, họ tập trung vào hai vấn đề chính:

1- Đưa tất cả những quan chức tham nhũng, những người có dây dưa đến đất cát và tài sản công, lên thớt để chặt.

2- Bật đèn xanh cho các tỉnh, làm thật nhiều cầu cống và đường xá nối với các huyện ngoại thành, nâng cấp huyện lên quận, nâng cấp quận lên thành phố trực thuộc tỉnh, cho chuyển đổi hàng loạt quỹ đất, (đất doanh nghiệp, đất nông nghiệp, sang đất nhà ở). Mục tiêu cuối cùng là thu thật nhiều tiền về cho ngân sách Nhà nước.

Hải Phòng là ngọn cờ đầu. Vừa qua, nhiệm kỳ 12 của thành ủy Hải phòng do ông Lê Văn Thành làm Bí thư, số tiền Hải phòng đã nộp ngân sách cho Trung ương là 240.000 tỷ VND. Số tiền này lớn gấp 4 lần nhiệm kỳ các bí thư trước đã làm, chả trách khi ông Thành chưa hết nhiệm kỳ, dân Hải Phòng đã biết ông chuẩn bị về Trung ương, làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế.

Chưa hết, hôm vừa rồi xem TV, tôi thấy ông Thành mới ký một văn bản thông báo: Yêu cầu tất cả các bộ ngành và chính quyền các tỉnh, lập danh sách: Tất cả các tài sản công, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, trung tâm thương mại… tất cả được gửi về văn phòng chính phủ, để Chính phủ lên phương án cổ phần hóa hoặc bán đấu giá.

Sau đó tôi lại thấy báo dân chí đăng tin: Thành phố HCM có văn bản đề nghị Chính phủ cho giữ lại 4 khách sạn tại quận Nhất, để Công ty Du lịch 100% nhà nước lắm giữ. Điều này cũng đang gợi lên, xung đột lợi ích giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Những thảm họa đen mà các tập đoàn BĐS Việt Nam đang phải đối mặt

1- Thị trường đầu vào: Chỉ từ 2016 đến nay, chủ trương của nhà nước sẽ bung ra một lượng quỹ đất (làm nhà ở) lớn gấp 4 lần lượng quỹ đất đô thị tại các tỉnh thành, tính từ năm 2015 đổ về trước, liệu doanh nghiệp của bạn có đủ tiền ôm nó không? Cứ cho là bạn đủ tiền đi, thì liệu bạn có bán hết nó trong giai đoạn hiện nay không? Nếu bạn sử dụng vốn vay trong giai đoạn hiện nay thì lại là một thảm họa.

2- Thị trường bán: Nếu nhìn ở góc độ kinh tế đối với người dân sống tại các đô thị của VN trong giai đoạn hiện nay đối với thị trường nhà ở, chúng ta có thể chia ra thành 3 nhóm:

10% giới giàu có và trung lưu: Những người này có thừa nhà trải dài từ nam ra bắc, nên những người này không có nhu cầu mua thêm (Trừ khi thị trường nhà đất có biến động và trượt giá nhanh).

50% người có thu nhập trung bình: Những người này đã có nhà ở nội đô từ trước, nhưng với thu nhập hiện nay, chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tích lũy để mua thêm nhà, mặc dù hiện tại gia đình sinh hoạt hơi chật chội.

40% dân nghèo còn lại: Những người này lo chạy ăn từng bữa một, nên không bao giờ dám mơ tưởng đến vấn đề mua nhà.

Nói tóm lại: Tất cả các công ty bất động sản ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có thị trường.

Vậy tất cả các công ty bất động sản nào hiện đang lắm giữ lượng hàng tồn kho nhiều, vay ngân hàng nhiều và phát hành trái phiếu nhiều, vấn đề phá sản chỉ là vấn đề thời gian.

🔝

10/05/2021 - voatiengviet

Dừng làm TV, điện thoại, Vingroup ‘chết từng phần’ hay ‘sẽ lớn mạnh hơn’?

Một mẫu điện thoại Vsmart được Vingroup đăng lên trang web của tập đoàn hôm 9/5/2021.

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 9/5 ra thông cáo nói công ty con của họ là VinSmart sẽ dừng việc sản xuất TV và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” (thiết bị thông tin-giải trí) cho ô tô VinFast.

Theo thông cáo của Vingroup, VinSmart sẽ chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở.

Thông cáo báo chí đăng trên trang web của tập đoàn nhấn mạnh rằng đây là “bước đi chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới”.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, nói trong thông cáo rằng việc sản xuất điện thoại hoặc TV thông minh “đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”.

Vẫn vị lãnh đạo tập đoàn nói thêm rằng: “Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này.”

... nếu đánh giá khắt khe, cũng có thể nói rằng họ đã có những bước tiến liều lĩnh, nguy hiểm, nay phải dừng lại để tránh rủi ro.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Vingroup, tập đoàn có xuất phát điểm là kinh doanh bất động sản, nhắc lại trong thông cáo rằng trước đây họ cũng đã lần lượt rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ô tô.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng điểm lại trong thông cáo rằng tính đến nay, sau gần 3 năm phát triển, VinSmart đã tung ra thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.

Trong đó, điện thoại Vsmart đã chiếm lĩnh Top 3 thị phần smartphone Việt Nam, và được trao giải Thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020, và là một trong những thương hiệu được yêu thích nhất Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, xác nhận với VOA rằng điện thoại Vsmart được đón nhận tích cực ở trong nước. Bà cho biết thêm:

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup.

“Cá nhân tôi cũng mua một chiếc, sử dụng thấy tốt. Tôi tương đối bất ngờ về việc VinSmart dừng làm điện thoại”.

Quyết định mới nhất của Vingroup về dừng sản xuất TV và điện thoại di động lập tức trở thành chủ đề thảo luận nóng hổi trên mạng xã hội.

Không ít ý kiến cho rằng những gì diễn ra gần đây là cái giá phải trả cho việc tập đoàn tham gia nhiều lĩnh vực, dàn trải. Một vài người thậm chí đưa ra những bình luận nặng nề như “tập đoàn xây lâu đài trên cát” hay việc rút dần khỏi một số lĩnh vực là “cái chết từng phần” của tập đoàn.

Ngược lại, những người khác đánh giá tích cực về điều mà họ xem là Vingroup tỉnh táo rút khỏi những mảng không có thế mạnh hoặc không cần thiết để tới đây sẽ lớn mạnh hơn trong những lĩnh vực chính.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, doanh nhân kỳ cựu từng tiên phong sáng lập một số công ty điện tử, ngân hàng trước đây, phân tích với VOA rằng khi Vingroup chen chân vào mảng TV và điện thoại, đó là những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt trong khi Vingroup không có kinh nghiệm. Do vậy, việc tập đoàn này dừng lại trong hai mảng đó là điều dễ hiểu.

Với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Quang A cho rằng không nên có cái nhìn quá tiêu cực về việc Vingroup rút dần khỏi một số lĩnh vực. Ông nói:

“Vingroup là tập đoàn mạnh. Họ thăm dò thị trường bằng cách mở rộng ra nhiều lĩnh vực, thử nghiệm để tìm kiếm xem sản phẩm nào là cốt lõi. Ví dụ, họ thử 10 sản phẩm, có thể 8, 9 sản phẩm không phù hợp, may ra có 1 sản phẩm cốt lõi và họ sẽ tập trung phát triển nó. Còn nếu đánh giá khắt khe, cũng có thể nói rằng họ đã có những bước tiến liều lĩnh, nguy hiểm, nay phải dừng lại để tránh rủi ro”.

Vingroup từng có tham vọng làm các sản phẩm, dịch vụ cho mọi người từ lúc ra đời đến lúc chết. Bây giờ, họ đã biết rút gọn hơn. Đây là chiến lược đúng đắn, có thể làm cho họ mạnh hơn, giảm mức độ dễ bị tổn thương.
Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh

Từ góc nhìn của người từng giảng dạy về kinh doanh, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoành Ánh so sánh rằng sự phát triển của Vingroup có nhiều nét tương đồng với các Chaebol (đại tập đoàn thuộc sở hữu gia đình) ở Hàn Quốc trong những thập niên trước đây.

Bà nhắc lại rằng các Chaebol đã lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ Hàn Quốc và các mối quan hệ với giới quan chức để huy động vốn, mở rộng kinh doanh vô tội vạ ra nhiều lĩnh vực. Nhưng đến cuộc khủng hoảng năm 1998, họ đã phải cắt bỏ các mảng không có nhiều khả năng thành công, trở thành những tập đoàn có tính chuyên ngành hơn. Bà nói tiếp với VOA:

“Tôi nghĩ chiến lược của Vingroup chứng tỏ họ đã học hỏi được từ các Chaebol đi trước và họ cũng biết là không nên nhúng vào những chuyện quá xa lĩnh vực chính của mình. Vingroup từng có tham vọng làm các sản phẩm, dịch vụ cho mọi người từ lúc ra đời đến lúc chết. Bây giờ, họ đã biết rút gọn hơn. Đây là chiến lược đúng đắn, có thể làm cho họ mạnh hơn, giảm mức độ dễ bị tổn thương”.

VinFast CEO Nguyễn Thị Vân Anh trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 22/4 ở Hải Phòng.

Bình luận về việc Vingroup tuyên bố đã rút khỏi một loạt các lĩnh vực nhằm tập trung cho sản xuất ô tô VinFast, tiến sĩ Nguyễn Quang A không lấy làm lạc quan:

Tôi nghĩ rằng với ô tô còn khó hơn nữa ... tôi nghĩ là khó cho Vin để chen chân vào. Với ngành ô tô, tôi rất e ngại rằng khó có khả năng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

“Tôi nghĩ rằng với ô tô còn khó hơn nữa. Ở thị trường Việt Nam, tôi nghĩ giả sử VinFast chiếm được 10-15% thì vẫn còn quá nhỏ để có thể phát triển được. Muốn phát triển được, họ phải vươn tới Mỹ, nhất là Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng tôi nghĩ là khó cho Vin để chen chân vào. Với ngành ô tô, tôi rất e ngại rằng khó có khả năng”.

Hồi cuối tháng 4, hãng tin Reuters cho hay VinFast đang đặt cược lớn vào việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2022, và nữ Tổng Giám đốc của hãng, bà Nguyễn Thị Vân Anh, sẽ tới Mỹ trong tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch này. Hiện đang có 100 người làm việc cho VinFast ở Mỹ.

Nhưng trong những ngày đầu tháng 5, một người sở hữu xe VinFast tung lên YouTube một số đoạn video chỉ ra các lỗi của xe và các vấn đề trong dịch vụ hậu mãi, dẫn đến tranh luận giữa đại diện của hãng và người chủ xe trên báo chí trong nước, gây xôn xao dư luận và được xem là một bất lợi cho VinFast.

Trước đó chưa lâu, hồi tháng 2, VinFast đã phải đối phó với vụ mạng xã hội và báo chí đưa tin về một loạt xe của hãng bị rụng bánh, gãy càng tại các địa phương khác nhau ở Việt Nam.

🔝

03/05/2021 - voatiengviet

Lại có thông tin bất lợi cho VinFast khi hãng sắp kinh doanh ở Mỹ

Trần Văn Hoàng nói về lỗi trên một xe VinFast Lux A2.0, video được Facebooker Nguyễn Thái Báo chia sẻ lại, 28/4/2021.

Một chủ kênh YouTube ở Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4 đăng nhiều video liệt kê các lỗi trên một xe VinFast, song hãng xe hơi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng bác bỏ và cáo buộc người chủ xe đưa ra thông tin sai sự thật.

Vụ việc đang gây xôn xao dư luận Việt giữa lúc Reuters đưa tin VinFast đang xây dựng đội ngũ kinh doanh ở Mỹ để bắt đầu hoạt động từ năm sau, 2022.

Theo tìm hiểu của VOA, từ 20/4 đến 28/4, ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh YouTube mang tên GoGo TV có hơn 450.000 người theo dõi, đăng liên tiếp các clip trong đó ông nêu ra 10 vấn đề trên một chiếc VinFast Lux A2.0 mà ông sở hữu.

Trong một clip dài hơn 29 phút, ông Hoàng nói những ngày vui sau khi ông mua xe chỉ kéo dài 2 tuần, tiếp đến là “những chuỗi ngày mệt mỏi”:

“Tính đến nay mình chạy được 8.000 kilomet, mình đi sửa, đi bảo hành 10 lần … Lỗi đầu tiên là lỗi cảm biến áp suất lốp của 4 bánh xe ... Lỗi thứ hai là cần gạt mưa tự động gạt khi mình đề máy lên và tất cả phím chức năng trên vô lăng bị vô hiệu hóa … Lỗi thứ ba là về sạc không dây trên xe … Chức năng sạc không dây coi như bỏ. Lỗi thứ tư là chức năng kiểm soát hành trình, cruise control, là có lúc xài được có lúc không xài được…”

Một loạt lỗi khác ông Hòang nêu ra trong cùng video bao gồm những tiếng kêu lạ là trong 4 cánh cửa và khi đạp phanh; thỉnh thoảng xuất hiện đèn cảnh báo kiểm tra hộp số, động cơ; tấm che nắp bình xăng không đóng khít; tiếng gió lọt vào trong xe gây ồn do các cửa có vấn đề.

Đáp lại, hôm 2/5, trang Facebook chính thức của VinFast đăng bài nói rằng ông Hoàng đã loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng xe VinFast Lux A2.0, gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng.

Trang VinFast Vietnam nói thêm rằng mặc dù ông Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip liên quan, nhưng hãng đã lưu đầy đủ bằng chứng và tố cáo ra cơ quan công an. “Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc”, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết.

Trong khi khẳng định rằng VinFast luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng, hãng xe Việt cũng nhấn mạnh trên trang Facebook của mình rằng họ kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi mà họ gọi là sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu.

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ ảnh chụp màn hình một bài đăng trên kênh GoGo TV của ông Trần Văn Hoàng, trong đó ông viết rằng “Mình sẽ có thể bị kiện và sự việc đang rất nghiêm trọng … Hiện tại bây giờ mình phải ký một biên bản mà không như ý mình mong muốn”. Ông Hoàng cũng đề nghị mọi người giúp đỡ bằng cách cho ông gấp số điện thoại của luật sư.

VOA liên lạc với ông Hoàng để tìm hiểu xem ông đang phải chịu sức ép gì không từ phía VinFast và hai bên đang giải quyết vụ việc ra sao, song ông Hoàng chỉ nói ngắn gọn:

“Hiện tại tôi chưa muốn làm việc với báo chí. Để tôi làm việc về vấn đề cho rõ ràng, tôi có hướng rồi tôi làm việc với báo chí sau nhé. Hiện tại tôi muốn xử lý riêng đối với bên Vin, xong xuôi hết tôi mới làm việc này về mặt cộng đồng”.

Theo dõi dư luận trên mạng xã hội, VOA nhận thấy những Facebooker có nhiều ảnh hưởng như các ông bà Nguyễn Đình Bổn, Phương Ngô, và các diễn đàn có đông thành viên như Góc nhìn Báo chí - Công dân đều chỉ trích cách xử lý truyền thông của VinFast sau khi ông Trần Văn Hoàng đăng các video.

Những người chỉ trích cho rằng nếu xe hỏng thật và người tiêu dùng nêu ra các lỗi, hãng phải bảo hành và xin lỗi người tiêu dùng; ngược lại, người tiêu dùng vu khống, bịa đặt, hãng hoàn toàn có thể kiện ra tòa.

Trong quan điểm của những người chỉ trích, việc hãng “mách” công an về ông Hoàng để lực lượng của nhà nước làm việc với ông bị xem là một cách xử lý “hèn” hoặc “quá tầm thường”.

Một Facebooker có tên Thiện Nguyễn cho rằng cách nói trịnh thượng, hăm dọa người tiêu dùng với thái độ bề trên theo kiểu có nhiều tiền, nhiều quan hệ của VinFast là một điều đốn mạt.

Trong khi đó, Facebooker Quách Mạnh Hào, một giảng viên về ngân hàng-tài chính tại đại học Lincoln, Anh, nhận định với tư cách một người phân tích rằng dường như VinFast đi nước cờ sai khi tố cáo với công an về người chủ xe đăng các video đánh giá chất lượng xe.

“Việt Nam chuyện này là chuyện nhỏ vì người tiêu dùng bé nhỏ ít khi được bảo vệ. Nhưng phương Tây thì không nhỏ - toàn bộ hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên … Vấn đề là Vinfast đang muốn IPO [phát hành cổ phiếu lần đầu] tại phương Tây nên vụ IPO chắc sẽ ảnh hưởng. Định giá 50 tỷ đô vốn đã quá cao cho ngành sản xuất xe hơi, thêm vấn đề ethical [đạo đức] này nữa thì chỉ cần một bài báo tiếng Anh tường thuật lại vụ việc đăng lên mấy diễn đàn kiểu như Reddit thôi thì chắc coi như xong”, ông Hào viết trên trang cá nhân.

Reuters đưa tin hôm 30/4 rằng VinFast đang đặt cược lớn vào việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2022, và nữ Tổng Giám đốc của hãng, bà Nguyễn Thị Vân Anh, sẽ tới Mỹ trong tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch này. Hiện đang có 100 người làm việc cho VinFast ở Mỹ, theo tin Reuters.

Vụ việc của chủ xe Trần Văn Hoàng đang gây xôn xao dư luận hiện nay là một thông tin bất lợi nữa cho VinFast khi mà cách đây chưa lâu sau VinFast phải đối phó với vụ mạng xã hội và báo chí đưa tin về một loạt xe của hãng bị rụng bánh, gãy càng tại các địa phương khác nhau ở Việt Nam hồi tháng 2.

Khi đó, một số chuyên gia ô tô đã lên tiếng trấn an dư luận rằng sự cố rụng bánh, gãy càng là do có va chạm giữa xe với các vật cản, không phải do vấn đề về vật liệu hay quy trình lắp ráp. Nhưng trên mạng xã hội, vẫn có nhiều người bày tỏ bán tín bán nghi. Trước đó, còn có một vài vụ cháy xe VinFast hoặc xe chết máy giữa đường phải dùng xe cứu hộ đưa đi, cũng gây ồn ào trên mạng xã hội.

Năm ngoái, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán được 30.000 xe, nhờ đó giành vị trí là hãng xe lớn thứ 5 ở Việt Nam.

🔝

2021-02-28 - RFA

Ông lớn Vietnam Airlines thua ngay trên sân nhà?

Máy bay của hãng Vietnam Airlines và VietJet ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 23/12/2020. Reuters


Trong khi ông lớn Vietnam Airlines, một doanh nghiệp kinh doanh bằng nhà nước với rất nhiều ưu đãi, báo lỗ nặng tới 11.000 tỷ đồng và phải xin cứu trợ để duy trì hoạt động thì trong tuần qua, hãng hàng không tư nhân non trẻ Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết công bố lãi 400 tỷ đồng trước thuế trong năm 2020. Hãng này đồng thời cho hay cũng vừa đạt kỷ lục vượt Vietnam Airlines về sản lượng khai thác chặng nội địa chủ chốt Hà Nội – TPHCM trong tuần thứ 2 của tháng 2.

Ngay trước đó, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air cũng công bố lãi 70 tỷ đồng, vượt Vietnam Airlines về lượng hành khách phục vụ trong năm 2020 cũng như số lượng chuyến bay phục vụ Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Cùng sống trong bối cảnh đại dịch nhưng dường như người khổng lồ Vietnam Airlines đang thua ngay trên sân nhà

Thua ở nhiều mặt trận

Còn rất nhiều tranh luận về cách tính lỗ lãi, khấu hao của doanh nghiệp nhưng cuối tuần qua, các báo nhà nước đồng loạt đưa tin hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, trong năm 2020, vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019, đạt lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Trang tin kinh tế Cafebiz.Net ngày 21/2 còn cho biết: Bamboo Airways đã vượt mặt ông lớn Vietnam Airlines trong việc khai thác chặng bay Hà Nội – TPHCM, một đường bay trong nhiều tháng gần đây được đánh giá là đường bay nội địa nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới chỉ sau chặng Seoul - Jeju của Hàn Quốc (Busiest Routes Right Now (oag.com). Cụ thể, trong tuần từ ngày 8/2 tới 14/2, tổng số chuyến bay của Vietnam Airlines khai thác trên chặng khứ hồi Hà Nội - TP.HCM là 113, trong khi con số này của Bamboo Airways là 130.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam chứng kiến một sự kiện thú vị: lượng khai thác chặng khứ hồi Hà Nội - TP.HCM của Bamboo Airways lần đầu tiên có một tuần vượt qua Vietnam Airlines, nằm trong top 2 hãng hàng không khai thác nhiều nhất trên đường bay này” – Trang này bình luận đồng thời cho biết thêm Bamboo liên tục duy trì ổn định vị thế hãng bay có tỷ lệ đúng giờ cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ đúng giờ trung bình lên tới 95,8%.

Trước đó, cuối tháng 1/2021, hãng hàng không tư nhân VietJet Air đã làm ông lớn Vietnam Airlines mất mặt khi công bố hãng này lãi 70 tỷ đồng sau thuế trong năm 2020, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và đặc biệt đạt sản lượng phục vụ đạt hơn 15 triệu hành khách, vượt hơn anh cả Vietnam Airlines khoảng 770.000 lượt khách. Còn trong tuần này, sự tụt hậu của Vietnam Airlines một lần nữa được khẳng định khi thống kê của Cục hàng không cho hay VietJet Air đã dẫn đầu các hãng hàng không trong nước về số lượng chuyến bay phục vụ Tết nguyên đán từ 19/1 đến 18/2 với với 7.881 chuyến bay. Vietnam Airlines chỉ xếp thứ hai với 6.725 chuyến, kế đến là Bamboo Airways với 4.008 chuyến, Pacific Airlines với 1.640 chuyến, Vasco với 518 chuyến và Vietravel Airlines với 172 chuyến bay.

Nhân viên y tế phun khử trùng trong khoang máy bay của Vietnam Airlines hôm 21/2/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến các chuyến bay trong nước và quốc tế. Reuters

Mặc dù báo chí nhà nước luôn tỏ ra cảm thông với Vietnam Airlines và cho rằng hãng này đã “lỗ thấp hơn so với dự kiến” nhưng cũng không thể làm hồng lên bức tranh kinh doanh màu xám của doanh nghiệp dùng vốn của Nhà nước và tiền thuế của dân này.

Theo TTXVN, doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines chỉ đạt gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019, lỗ sau thuế lên tới 11.097 tỷ đồng. Đáng chú ý, do lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm chỉ còn 1/3, từ 18.507,55 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.141 tỷ đồng. Chưa có con số cập nhât, nhưng tính đến tháng 8/2020, hãng này đã phải cắt giảm hơn 1.650 người lao động.

Kết quả kinh doanh nay đã tính đến doanh thu từ hơn 200 chuyến bay gần như độc quyền “giải cứu” hơn 52.000 công dân từ 33 quốc gia mà hãng này đã thực hiện trong năm 2020 – những chuyến bay được xem là góp phần “giải cứu” cho chính doanh nghiệp nhà nước này vì luôn kín chỗ và tuy công dân chỉ đi 1 chiều nhưng phải mua vé với giá chính thức cao gấp từ 1,5-2 lần tiền vé khứ hồi mà các hãng bay thương mại quốc tế đang bán trên thị trường.

Không chú trọng thị trường nội địa?

Trả lời phỏng vấn RFA, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) và TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đều cho rằng nguyên nhân chính khiến Vietnam Airlines lỗ lớn là do trong những năm gần đây, một mảng lớn trong cơ cấu thị trường của Vietnam Airlines là vận chuyển hành khách quốc tế. Vì vậy, khi đại dịch xảy ra, bay quốc tế đình đốn, doanh thu sụt giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên để thua kém ở thị trường trong nước là dấu hiệu Vietnam Airlines cần phải tính lại” – ông Nguyễn Quang A nhận định.

Vẫn theo hai chuyên gia này, tình hình kinh doanh của Vietjet và Bamboo Airways sáng sủa hơn vì cả hai hãng này này đều chú trọng vào thị trường nội địa. Do khống chế được các đợt bùng phát của dịch COVID-19, quy mô dân số đông, đi lại nội địa của Việt Nam mặc dù có giảm nhưng phục hồi nhanh, thậm chí có giai đoạn tăng mạnh.

Khai thác trong nước khá mạnh, thậm chí trong giai đoạn tháng 5-7 năm 2020 còn tăng tới 20% so với cùng kỳ” – ông Thành nói và cho biết đây là giai đoạn hết dịch, sau thời giãn cách xã hội, tầng lớp trung lưu trong nước và người nước ngoài ở Việt Nam đi nghỉ rất nhiều.

Giải thích về thành công của mình, hai đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines đều nhấn mạnh rằng họ đã quyết liệt và mau chóng đa dạng hóa phương thức kinh doanh và sản phẩm dịch vụ. Cụ thể, Vietjet Air đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, sử dụng khoang hành khách để tăng cường năng lực vận tải hàng hóa đi quốc tế và là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách. Báo cáo tài chính của Vietjet ghi nhận doanh thu phụ trợ trong đó có vận chuyển hàng hóa đạt gần 50%, góp phần bù đắp doanh thu vé máy bay.

Bamboo tái hoạch định mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của tập đoàn mẹ FLC như những đường bay kết nối Côn Đảo, Rạch Giá – Kiên Giang, Phú Yên, Cần Thơ.... Theo Cục Thống kê hàng không Việt Nam, Bamboo là hãng hàng không duy nhất ở Việt Nam có số lượng chuyến bay tăng trưởng dương trong năm 2020 (đạt hơn 28.000 chuyến bay, tăng 41%). Bên cạnh đó, việc tung ra các gói sản phẩm combo kết hợp bay, nghỉ dưỡng đã giúp mang lại một nguồn thu đáng kể cho hãng này trong năm 2020.

Máy bay của hãng Bamboo Airways chuẩn bị hạ cánh ở sân bay Nội Bài hôm 18/4/2019. Reuters

Doanh thu nội địa của Vietnam Airlines đã bắt đầu tăng trưởng dương trong quý IV của năm 2020 và gần đây hàng này đã tham gia một số hoạt động kích cầu nội địa nhưng dường như người khổng lồ với 65 năm kinh nghiệm và đội tàu bay hùng hậu nhất Việt Nam vẫn chậm chân hơn so với các đối thủ non trẻ của mình.

Tuy đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ tới gần 90% cổ phần nên cách quản lý của nó [Vietnam Airlines] có thể vẫn quan liêu hơn, bộ máy của nó cồng kềnh hơn, phong cách làm việc của nó chưa được nhanh nhạy, đấy cũng có thể là một nguyên nhân” – TS Nguyễn Quang A nhận định.

Nhìn lại những năm qua, Vietnam Airlines đã một mình một chợ, giờ phải cạnh tranh, họ cần vắt chân lên cổ mà chạy” – ông nói tiếp.

Trong tuần này RFA đã liên lạc với Vietnam Airlines đề nghị bình luận về vấn đề lỗ lãi và sự tụt hậu của hãng này tại thị trường nội địa nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Trước đó, trong một trao đổi với báo giới trong nước đăng trên VnExpress đầu năm nay, tân Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thừa nhận thị trường nội địa đã phục hồi nhưng cạnh tranh giữa các hãng rất lớn vì tất cả đều đẩy mạnh bay nội địa. Ông khẳng định Vietnam Airlines đã “không chủ quan”. Ngay từ khi đại dịch có dấu hiệu bùng phát trên toàn cầu, hãng đã “khẩn trương” xây dựng nhiều kịch bản hướng tới khôi phục sản xuất kinh doanh, “tận dụng mọi cơ hội” nhỏ nhất để tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí…. Chủ trương và quyết tâm của Vietnam Airlines là vậy nhưng kết quả những gì hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm được rõ ràng lại chưa tích cực!

Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã chấp thuận thông qua một gói cứu trợ khủng trị giá 12.000 tỷ đồng để “tháo gỡ khó khăn” và duy trì hoạt động cho doanh nghiệp nhà nước này. Không biết khoản tiền phần lớn đến từ thuế của dân này sẽ được sử dụng thế nào và có làm ông lớn Vietnam Airlines nhanh nhậy và hiệu quả hơn?

Tin, bài liên quan

🔝

23/02/2021 - voatiengviet.com

Điện thoại Made-in-Vietnam có mặt tại thị trường Mỹ

Công nhân lắp ráp điện thoại VinSmart tại một nhà máy ở Hải Phòng. Điện thoại của VinSmart đã có mặt tại Mỹ trong các cửa hàng của nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu Hoa Kỳ AT&T.

Điện thoại thông minh của Việt Nam đã có mặt ở thị trường Mỹ khi ba mẫu sản phẩm do VinSmart sản xuất mang thương hiệu AT&T đang được bán tại hệ thống cửa hàng của nhà mạng hàng đầu Hoa Kỳ từ đầu năm nay.

Truyền thông trong nước cho biết 3 mẩu sản phẩm mới của AT&T do nhà sản xuất thuộc tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, Vingroup, cung cấp đã chính thức được nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất của Mỹ bán ra từ tháng 1.

Trước đó Bloomberg và Nikkei Asia hồi cuối năm ngoái cho biết rằng VinSmart đã nhận được hợp đồng sản xuất điện thoại thông minh cho AT&T với số lượng 2 triệu chiếc.

Các mẫu điện thoại mới được AT&T tung ra thị trường có tên Maestro Plus, Motivate và Fusion Z với tên mã lần lượt là V340U, V341U và V350U, theo Viet Nam News và VnExpress.

Giá bán của các sản phẩm này từ 39 USD đến 89 USD, trong đó bao gồm gói cước ưu đã trả trước từ nhà mạng AT&T và chế độ bảo hành hai năm.

Điện thoại do VinSmart sản xuất mang nhãn hiệu AT&T.

Khi so sánh các mã này với dữ liệu sản phẩm được cấp phép hoạt động tại Mỹ trên các trang web của Uỷ ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) và Hiệp hội khai thác mạng di động Bắc Mỹ (PTCRB), cả ba mẫu này đều do VinSmart sản xuất.

Cuối năm ngoái, Tổng Giám đốc khối điện thoại của VinSmart Nguyễn Thị Hồng từng xác nhận rằng điện thoại của hãng sẽ bán ra tại thị trường Mỹ trong năm 2021, theo VnExpress.

Bên cạnh 3 mẫu điện thoại này, việc gia nhập thị trường Mỹ của các thương hiệu Việt Nam có thể không dừng lại ở đó, theo Viet Nam News, khi FCC liệt kê 10 mẫu điện thoại của nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam đã được công nhận chất lượng để bán chính thức ở Mỹ. Theo tờ báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam, VinSmart đang chuẩn bị cho một kế hoạch đầy tham vọng cho việc tung ra nhiều mẫu điện thoại khác nhau để phủ sóng mọi phân khúc khách hàng trên thị trường Mỹ.

Vingroup, tập đoàn của tỷ phủ giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh vào năm 2018 và VinSmart có thêm một nhà máy tại Hà Nội với năng suất đạt 125 triệu chiếc trong một năm bên cạnh nhà máy ở Hải Phòng với công suất nhỏ hơn rất nhiều. Theo Nikkei Asia, điện thoại thông minh của VinSmart được bán bại Việt Nam, Nga, Myanmar và Tây Ban Nha trước khi có mặt trên thị trường Mỹ.

Ngoài điện thoại, Vingroup cũng đang muốn đưa xe ô tô vào thị trường Hoa Kỳ, được cho là khó tính nhất thế giới. VinFast, hãng sản xuất ô tộ nội địa hàng đầu của Việt Nam, hôm 8/2 cho biết họ đã được cấp phép để chạy thử nghiệm ô tô tự hành trên đường phố California trong nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu. Theo Bloomberg, VinFast cũng đã thành lập một viện nghiên cứu và phát triển tại Mỹ. Năm 2019, ông Vượng cho biết đã đặt mục tiêu làm cho VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu với việc bắt đầu bán ô tô ‘Made-in-Vietnam’ vào thị trường Mỹ vào năm 2021.

🔝

22/02/2021 - voatiengviet.com

Cư dân mạng xôn xao về xe VinFast ‘gãy càng’, đòi hãng minh bạch

Một xe VinFast bị "gãy càng" ở quận Gò Vấp, Tp.HCM, 16/2/2021, theo Facebooker Phuong Ngo

Trong mấy ngày gần đây, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội các hình ảnh cho thấy một số xe của hãng VinFast bị “sập gầm”, bánh xe “gãy rời”. Sự việc này lại làm dấy lên nghi ngại về chất lượng xe của VinFast, trong khi hãng xe của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào.

Cách đây 5 hôm, Facebooker Phương Ngô, người lâu nay vẫn thường lên tiếng trên mạng xã hội để chống tiêu cực và bất công, đăng bài và ảnh cho thấy một chiếc Lux A2.0 bị sụm xuống mặt đường, bánh trước bên trái gãy và quay ngoặt sang ngang.

Từ hôm đưa lên chiếc xe đầu tiên đến nay là 4 chiếc xe liên tiếp bị sự cố. Tai nạn xảy ra rất là nhẹ ở những cung đường đô thị, bằng phẳng, mà tạo nên sự cố gãy trục như vậy ... Nhưng mà nhận lại là sự im lặng của tập đoàn, của hãng xe.
Facebooker Phương Ngô

Bài đăng này sau đó nhận được hơn 4.500 phản ứng “thích”, “cười” và “ngạc nhiên”, hơn 1.800 lời bình luận và 770 lượt chia sẻ.

Theo thông tin bà Phương đưa ra, chiếc xe gặp sự cố ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Bên dưới bài đăng của bà Phương, một số người xác nhận rằng họ sống gần đó và có nhìn thấy chiếc xe bị như vậy.

Nhiều người bày tỏ ý kiến rằng chất lượng của xe VinFast như vậy là “quá tệ”, song bên cạnh đó, có những người cho rằng việc xe hơi bị hư hỏng như vậy không phải điều lạ, các hãng xe lớn trên thế giới đều có xác suất nhất định về xe gặp phải hư hỏng.

Trong những ngày tiếp theo, nhất là trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, 20 và 21/2, một số Facebooker khác cũng đăng bài và ảnh cho hay chỉ trong vài ngày có 3 chiếc xe khác của VinFast liên tiếp gặp sự cố tương tự.

Facebooker Đặng Phước đăng ảnh 4 xe VinFast gặp sự cố; 22/2/2021

Theo thống kê của người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, 4 chiếc xe của VinFast gồm 1 xe ở quận Gò Vấp, Tp.HCM hôm 16/2; 1 xe ở quận 10, Tp.HCM hôm 21/2; 1 xe ở Quảng Ninh cũng hôm 21/2; và 1 xe mang biển số Đà Nẵng song không rõ thời điểm và địa điểm xe bị hư hỏng.

VOA cố gắng liên lạc với đại diện truyền thông của VinFast để tìm hiểu thực hư về các vụ việc song vị đại diện này không trả lời điện thoại.

Facebooker Phương Ngô cho VOA biết thêm:

“Họ không hề ra thông báo để giải thích sự cố. Từ hôm đưa lên chiếc xe đầu tiên đến nay là 4 chiếc xe liên tiếp bị sự cố. Tai nạn xảy ra rất là nhẹ ở những cung đường đô thị, bằng phẳng, mà tạo nên sự cố gãy trục như vậy? Gọi là sự cố hàng loạt của thương hiệu? Nhưng mà nhận lại là sự im lặng của tập đoàn, của hãng xe”.

Bà Phương đồng ý với quan điểm được nhiều người khác đưa ra là hãng xe nào trên thế giới, dù là lớn và lâu đời hơn VinFast, cũng không thể tránh việc có lượng xe nhất định bị hỏng hóc, song cách hành xử đúng đắn là hãng cần lên tiếng để giải tỏa những nghi ngại từ người tiêu dùng. Bà nói:

“Thương hiệu của VinFast còn mới, ai cũng có sự thông cảm. Nhưng tính cầu thị của Vin là không có, tính trung thực cũng không có, tức là nhìn nhận và sửa sai là không có? Họ không nhận lỗi sản phẩm để thay đổi, phát triển, họ không có? Sự minh bạch của Vin về sản phẩm làm người tiêu dùng và giới lái xe bức xúc, không thích về cách xử lý truyền thông, sự bưng bít truyền thông. Họ dùng các nhóm Otofun hay OFFB, khi anh em vào trong đó giao lưu mà nói về Vin là sẽ bị đánh phủ đầu, bị tấn công rất là nhiều bởi những thành viên mà họ đã mua chuộc?”

Do không thể kết nối được với đại diện của VinFast nên VOA không thể làm rõ về tính xác thực của lời cáo buộc do bà Phương Ngô đưa ra.

VOA liên lạc để hỏi thông tin của VinFast nhưng chưa nhận được hồi đáp; 22/2/2021

Ông Sơn, một chủ gara sửa ô tô ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho VOA biết ông có theo dõi bài và ảnh về các vụ xe VinFast bị gãy càng gần đây. Ông đưa ra lý giải về mặt kỹ thuật:

...về khâu kỹ thuật và lắp rắp thì tôi nghĩ không phải đâu. Xe VinFast hay bị soi thôi. Chắc chắn do va chạm.
Ông Sơn, một chủ gara sửa xe ở Hà Nội

“Không xe nào đang đi mà tự gãy được, chắc chắn 100%, kể cả xe cỏ nhất như là Daewoo Matiz ngày xưa. Phải đâm, và có những cái thế mà đâm rất dễ bị [gãy bánh]. Chắc chắn là do va chạm. Còn nếu nói do lắp sai thì không lắp được luôn, thứ hai là không đi được luôn. 4 bánh phải cân, phải chỉnh chuẩn mới đi được. Nên về khâu kỹ thuật và lắp rắp thì tôi nghĩ không phải đâu. Xe VinFast hay bị soi thôi. Chắc chắn do va chạm”.

Bình luận về khía cạnh quan hệ công chúng, xử lý khủng hoảng, ông Sơn chia sẻ quan điểm với nhiều người rằng VinFast không nên im lặng mà nên giải thích về các vụ việc. Ông nói:

“Thực ra họ nên nói cho người ta hiểu thì đỡ. Bị cái thứ nhất, cái thứ hai, đến cái thứ ba thì [hãng] nên nhảy vào giải thích, xử lý thông tin”.

Hãng VinFast khánh thành nhà máy sản xuất ô tô ở Hải Phòng hồi giữa tháng 6/2019. Kể từ đó đến nay, hãng cung cấp cho thị trường Việt Nam dàn sản phẩm ô tô gồm xe Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 và President.

Ngoài các dòng xe dùng động cơ đốt trong kể trên, VinFast có kế hoạch chế tạo xe hơi chạy bằng điện.

Như VOA đã đưa tin, cách đây gần 2 tuần, VinFast loan báo họ đã được cấp phép để thử nghiệm ô tô điện thông minh và tự hành trên đường phố ở California, Mỹ, trong nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu.

Bên cạnh sản phẩm ô tô, từ đầu tháng 11/2018, VinFast đã bắt đầu sản xuất và bán xe máy điện Klara ở thị trường trong nước.

🔝

05/08/2020 - voatiengviet.com

Lợi nhuận của Vingroup giảm 60% trong 6 tháng đầu năm

Thủ tướng Phúc ngồi trên xe ô tô của Vinfast do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô của tập đoàn này. (Ảnh chụp màn hình Soha)

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng báo cáo lợi nhuận của tập đoàn giảm 60% trong nửa đầu năm 2020, sau khi Vingroup từ bỏ chuỗi bán lẻ siêu thị VinMart để tập trung vào các hoạt động sản xuất xe hơi và điện thoại thông minh, tạp chí Forbes của Mỹ đưa tin.

Forbes dẫn lời người phát ngôn Vingroup hôm 4/8 cho biết lợi nhuận sau thuế của Vingroup trong nửa đầu năm 2020 đạt 58,3 triệu USD, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, cùng lúc doanh thu cũng giảm 37%, xuống còn 1,67 tỉ USD.

Ralph Jennings, tác giả bài viết đăng trên Forbes, nói rằng Vingroup đã chứng kiến lợi nhuận giảm 60% trong nửa đầu năm 2020, sau khi tập đoàn này từ bỏ mảng bán lẻ vào cuối năm 2019 để dồn mọi nguồn lực vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh xe hơi (VinFast) và điện thoại thông minh (VinSmart).

Tháng 12/2019, Vinmart và VinMart+ thuộc tập đoàn Vingroup sáp nhập với tập đoàn bán lẻ khổng lồ Việt Nam, Masan Consumer Holding, qua đó giao cho Masan quyền kiểm soát 2.600 cửa hàng bán lẻ của hai nhánh này.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của Tập đoàn Vingroup cho biết tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đã giảm gần 37% so với cùng kỳ, đạt 38.576 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, theo Forbes, là do không còn doanh thu từ hoạt động bán lẻ và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, mặc dù doanh thu từ hoạt động sản xuất tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm nói trên.

Theo người phát ngôn của Vingroup, các đơn vị sản xuất của Vingroup đã đóng góp 266 triệu USD doanh thu trong sáu tháng đầu năm, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái, nhờ VinFast bắt đầu giao xe cho khách hàng, và điện thoại thông minh VinSmart bắt đầu đến tay giới tiêu thụ.

Năm 2019, VinFast đã nhận hơn 67.000 đơn đặt hàng, trong số đó 50.000 là xe máy điện, theo Vietnam Net Global. Vẫn theo tin này thì doanh số bán đã lên tới 5000 xe trong quý I/2020, chiếm vị trí thứ năm trên thị trường sản xuất xe hơi Việt Nam.

Tập đoàn Vingroup có tổng doanh thu 5,5 tỷ USD vào năm 2019 là do người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, điều hành.

Bất chấp tình hình làm ăn khó khăn, tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực kiềm chế dịch Covid-19.

Theo nhadautu.vn, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) của Vingroup đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin cảnh báo sớm, chăm sóc điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong danh sách các tỷ phú thế giới ngày 4/8/2020, Bloomberg xếp hạng ông Phạm Nhật Vượng thứ 288, với khối tài sản 6,74 tỷ USD. Đứng đầu danh sách này vẫn là Jeff Bezos của Amazon, kế đó là Bill Gates, sáng lập viên Microsoft, và Mark Zuckenberg, người sáng lập Facebook.

Vingroup từ bỏ tham vọng hàng không, tập trung vào công nghệ

4/01/2020 - VOA Tiếng Việt

Một quảng cáo của tập đoàn Vingroup về trường đào tạo bay của họ

Vingroup hôm 14/1 chính thức thông báo dừng dự án hãng hàng không Vinpearl Air, báo chí Việt Nam đưa tin, dẫn lại văn bản của Vingroup gửi Bộ Giao thông Vận tải.

Chỉ chưa đầy nửa tháng trước, báo chí còn đưa tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định xong dự án Vinpearl Air và nhận thấy quy mô dự án này “phù hợp” với quy hoạch phát triển ngành hàng không nói chung. Tiếp đến, dự án sẽ được thủ tướng “xem xét, quyết định” chủ trương đầu tư.

Theo tìm hiểu của VOA, tập đoàn Vingroup có mảng kinh doanh lớn nhất là bất động sản từng dự định đầu tư tổng cộng 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, cho Vinpearl Air, và thời điểm cất cánh dự kiến là tháng 7/2020 nếu được phê duyệt.

Tập đoàn cũng thể hiện “quyết tâm cạnh tranh của với các hãng bay lớn” tại Việt Nam, các bản tin hồi cuối tháng 12/2019 nói.

Giờ đây, tập đoàn Vingroup nói họ dừng dự án để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp, các báo tường thuật.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, được báo chí trích lời nói rằng "Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".

Hồi năm 2018, Vingroup công bố chiến lược phát triển với mục tiêu đặt ra là sẽ trở thành tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hàng đầu Việt Nam trong 10 năm tiếp theo.

Trong số các động thái để thực hiện chiến lược này, vào tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp, và nay là mảng hàng không.

🔝