Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

Miến Điện (1)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Mục lục Trang chính

16/04/2021 - RFI

Miến Điện: Đối lập chống chế độ độc tài quân sự lập ‘‘chính phủ đoàn kết quốc gia’’

Người dân biểu tình phản đối quân đội đảo chính tại Mogok, Mandalay, Miến Điện, ngày 15/04/2021. Ảnh do một nguồn ẩn danh cung cấp. AFP - HANDOUT

Theo AFP, phong trào đối lập chống chế độ độc tài quân sự Miến Điện hôm nay, 16/04/20201, thông báo thành lập chính phủ lâm thời « đoàn kết quốc gia ».

Thông tin vừa được loan tải trên trang mạng Facebook của Public Voice Television, cơ quan ngôn luận của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện (Cabinet of Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH), với thành viên chủ yếu là các nghị sĩ Miến Điện bị chính quyền quân sự phế truất.

Người thông báo thông tin về chính phủ « đoàn kết quốc gia » là ông Min Ko Naing, sinh năm 1962, được coi là một nhà tranh đấu vì nhân quyền kỳ cựu tại Miến Điện, một lãnh đạo của phong trào dân chủ hiện nay. Chính phủ « đoàn kết quốc gia » chống tập đoàn quân sự bao gồm các thành viên là các dân biểu bị phế truất, thành viên các sắc tộc thiểu số, và nhiều nhà tranh đấu hàng đầu trong phong trào biểu tình chống chế độ quân sự vừa qua.

Trang mạng đối lập Myanmar Now cho biết cụ thể là, nguyên chủ tịch Thượng Viện Miến Điện (lãnh đạo Thượng Viện cho đến khi bị quân đội đảo chính), ông Mahn Win Khaing Than, người sắc tộc thiểu số Karen, theo đạo Thiên Chúa, được CRPH bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng. Luật gia Duwa Lashi La, chính trị gia sắc tộc Kachin, được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Chính phủ lâm thời « đoàn kết quốc gia » bao gồm 26 thành viên, với 12 bộ. Trong số 26 thành viên nội các, có 13 người thuộc nhiều sắc tộc thiểu số, như Shan, Chin, Môn, Karen, Kachin, Ta’ang. Tám người là phụ nữ.

Bác sĩ Sasa, đặc phái viên của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Hợp Tác Quốc Tế. Chức vụ tổng thống và cố vấn Nhà nước của hai lãnh đạo hiện đang bị quân đội giam giữ (ông Win Myint và bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình) vẫn được duy trì trong nội các mới.

Liên Hiệp Châu Âu ban hành loạt trừng phạt mới

Vẫn AFP hôm nay cho hay, theo một số nguồn tin ngoại giao, Liên Hiệp Châu Âu vào ngày thứ Hai 19/04 sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự. Đối tượng trừng phạt là 10 thành viên tập đoàn quân sự và hai tổ chức bảo đảm nguồn tài chính cho chế độ quân sự.

Thỏa thuận trừng phạt mới được thông qua về nguyên tắc sẽ phải được Hội nghị các ngoại trưởng 27 nước châu Âu chính thức phê chuẩn trong cuộc họp 19/4 tại Bruxelles. Trong số những người bị trừng phạt có lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing. Các đương sự bị cấm vào châu Âu, tài sản tại lãnh thổ của Liên Âu bị phong tỏa. Liên Âu cũng cấm mọi tài trợ cho hai tổ chức Miến Điện.

Đầu trang

15 tháng 4 2021 - BBC

Điều gì khiến VN, TQ, Nga, Ấn Độ ngăn LHQ 'mạnh tay' với Myanmar?

Reuters. Các nhà lãnh đạo chính trị bị lật đổ vẫn đang bị giam giữ, được canh gác bởi binh lính

Myanmar đang ở trong tình trạng vô cùng căng thẳng, khi tình trạng vô pháp luật đang làm tăng khả năng xảy ra một cuộc nội chiến kéo dài, thậm chí có thể là cách mạng, sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng Hai, theo EastAsiaForum.

Người dân Myanmar, trong các cuộc biểu tình đẫm máu, đã kêu gọi quốc tế vào cuộc bảo vệ họ.

Một số cường quốc như Anh, Mỹ đã đáp lại, bằng các phản ứng quyết liệt như áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức quân đội Myanmar.

Nhưng một số nước khác, trong đó có Việt Nam, lại có phản ứng yếu ớt và thái độ dè dặt.

Trong một văn bản gửi đi ngày 2/3/2021, các nước ASEAN 'kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động thêm bạo lực và để cho các bên kiềm chế cũng như linh hoạt tối đa'.

Ngay sau đó, chính phủ Việt Nam cùng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ được báo chí quốc tế nêu tên và bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích là bốn quốc gia ngăn Liên Hiệp Quốc (LHQ) có tuyên bố cứng rắn về Myanmar sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai.

Sự việc này xảy ra như thế nào? Đâu là lý do then chốt khiến bốn nước nói trên dường như đi ngược lại với những gì mà cộng đồng quốc tế những ngày qua đang lên án mạnh mẽ?

BBC phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khu vực châu Á về vấn đề này.

BBC: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là bốn nước không ủng hộ LHQ trong việc lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề quân đội Myanmar bị cáo buộc là đàn áp người biểu tình. Theo ông tại sao họ làm như vậy?

Phil Robertson: Cả bốn nước này đều hiện đều là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Cuộc thảo luận vừa qua diễn ra tại Hội đồng Bảo an LQH cuối cùng đưa đến một nghị quyết của chủ tịch hội đồng về việc liệu lên án Myanmar có đưa lại kết quả là bà Aung Sang Suu Kyi và các lãnh đạo khác được thả, chấm dứt bạo lực và vũ lực, hay không. Nghị quyết, do Anh soạn thảo, lẽ ra đã có thể mạnh mẽ hơn nếu Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ không ngăn cản hội đồng đưa ra các lên án quyết liệt hơn.

Về mặt căn bản, bốn nước này phản đối việc đưa vào nghị quyết cụm từ 'cuộc đảo chính quân sự', và ngăn cản LHQ đưa ra tuyên bố về bất kỳ khả năng hợp tác nào để tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Myanmar.

Trung Quốc, tất nhiên, từng là một trong những quốc gia bảo vệ Myanmar trong nhiều năm qua. Họ có mối quan hệ mật thiết với Myanmar, cả về quân sự và kinh tế. Đó là một trong những lý do khiến họ không ủng hộ các điều trên.

Nga, là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Myanmar. Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar đã thăm Nga hơn 6 lần trong vòng 2 năm qua và đã gửi nhiều binh lính sang Nga để đào tạo. Do đó họ có quan hệ quân sự chặt chẽ với nhau.

Reuters

Ấn Độ có biên giới với Myamnar và họ không muốn nghị quyết của LQH gây sức ép lên hai nước.

Nhưng quan trọng hơn, tôi cho rằng, vào năm 2011, 52% tiền bán vũ khí của Ấn Độ là đến từ Myanmar. Và cũng vậy, ở đây chúng ta thấy có mối liên hệ về quân sự giữa hai nước là yếu tố để họ đưa ra quan điểm nói trên dưới dạng quan ngại nào về ngoại giao và nhân quyền.

Việt Nam có mối quan hệ rất thân thiết với quân đội Myanmar. Thực tế đã có một liên doanh được thành lập. Đó là mạng điện thoại di động Mytel giữa công ty quân đội Myanmar và Viettel thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Việt Nam cũng là thành viên của ASEAN - một tổ chức rất thận trọng, tin rằng không nước nào nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác. Họ tiếp tụng dùng lập luận này để ngăn chặn mọi hình thức can thiệp vào vấn đề nhân quyền trong nội bộ ASEAN và họ cũng dùng tinh thần đoàn kết của các nước độc tài để ngăn Hội đồng bảo an LHQ ra tuyên bố mạnh mẽ hơn với Myanmar.

BBC: Có giả thuyết cho rằng, TQ thực ra ngầm ủng hộ cuộc đảo chính ở Myanmar và giúp đỡ Myanmar về mặt tài chính, khiến nước này ít bị ảnh hưởng từ các trừng phạt kinh tế. Ông có chia sẻ quan điểm này không?

Phil Robertson: Chưa rõ việc Trung Quốc tham gia vào những việc này như thế nào. Có những phân tích cho thấy Trung Quốc không thực sự hài lòng về những gì đang xảy ra, bởi vì họ có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo phe đối lập - bà Aung San Su Kyi.

Trên thực tế Trung Quốc luôn quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích kinh tế và bảo vệ các dự án đầu tư của mình liên quan đến dự án Vành đai Con đường tại 'hành lang Myanmar-Trung Quốc' kéo dài từ tỉnh Hải Nam tới Ấn Độ Dương. Hành lang này là nơi chuyển trở không chỉ hàng hóa mà còn khí ga tự nhiên cho Hải Nam - đây là bước quan trọng cho vấn đề an ninh của Hải Nam - nơi có vị trí quan trọng chiến lược của Trung Quốc.

Do đó có một số lo ngại ở Trung Quốc rằng tình hình tương đối ổn định trước đây dưới chính quyền được bầu của bà Aung San Su Kyi sẽ bị thay thế bởi một chính quyền mới bất ổn, do tiếng xấu từ lâu nay về quân đội Mynamar.


Người dân ở Yangon đập xoong nồi để phản đối cuộc đảo chính quân sự

Nhưng Mymanar cũng nhận thấy có những tiếng nói bảo về mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Điều quan trọng là Trung Quốc muốn có một sự đảm bảo rằng quân đội Myanmar không chống lại họ và chống lại các dự án kinh tế của mình. Đó là vấn đề chính trị thực sự của Trung Quốc.

Chúng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc 'ủng hộ cuộc đảo chính', nói như vậy là nói quá. Nhưng rõ ràng là có sự nghi ngờ như vậy trong xã hội Mymanar là vì Trung Quốc luôn có tai tiếng về các vấn đề ở Myanmar.

Nhiều người dân Myanmar tin rằng quân đội Myanmar và quân đội Trung Quốc hoạt động chặt chẽ với nhau. Chúng ta không có bằng chứng về điều này. Nhưng chúng tôi tin rằng bất cứ khi nào Trung Quốc có hành động vảo vệ các hành vi của quân đội Myamar trước Liên Hiệp Quốc thì điều này sẽ phá hoại sâu sắc hơn danh tiếng của nước này trên trường quốc tế.

Điều gì đang xảy ra ở Myanmar?

Hơn 700 người đã bị lực lượng an ninh giết chết kể từ khi quân đội Myanmar nắm chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1/2, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (Miến Điện).

Một số người thiệt mạng từng tham gia các cuộc biểu tình chống đảo chính, trong khi những người khác - gồm cả trẻ em - chỉ đơn giản đang ở trong nhà khi các em bị giết.

27/3 được coi là một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu - ít nhất 114 người, trong đó có 11 trẻ em, đã thiệt mạng.

Sơ lược về Myanmar

Myanmar là quốc gia có 54 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc. Thái Lan và Lào.

Nước này được cai trị bởi một chính phủ quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011, dẫn đến sự lên án và trừng phạt của quốc tế một cách thẳng thừng hoặc gián tiếp.

Aung San Suu Kyi đã dành nhiều năm vận động cho việc cải cách dân chủ. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dù rằng quân đội vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể.

Chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tự do vào năm 2015. Nhưng một cuộc đàn áp quân sự thiệt hại về nhân mạng hai năm sau đó đối với người Hồi giáo Rohingya đã khiến hàng trăm nghìn người chạy trốn sang Bangladesh và nổ ra sự rạn nứt giữa bà Suu Kyi và cộng đồng quốc tế.

Bà vẫn được yêu mến ở quê nhà và đảng của bà đã giành chiến thắng áp đảo một lần nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Nhưng quân đội hiện đã can dự để nắm quyền kiểm soát một lần nữa.

Đầu trang

11/04/2021 - RFI

Twitter tạo biểu tượng Liên Minh Trà Sữa để ủng hộ phong trào dân chủ ở châu Á

Twitter tạo biểu tượng emoji mới cho hashtag Milk Tea Alliance (Liên Minh Trà Sữa) để ủng hộ phong trào dân chủ ở châu Á. Ảnh chụp màn hình Twitter. © RFI / Tiếng Việt

Người dùng mạng xã hội Twitter có thể sử dụng một biểu tượng cảm xúc mới (emoji) hình cốc trà sữa trên nền ba mầu khác nhau để kỉ niệm một năm hashtag #MilkTeaAlliance ra đời. Từ ngày 08/04/2021, hình cốc trà sữa sẽ tự động hiện lên khi người sử dụng gõ #MilkTeaAlliance bằng tiếng Anh, Thái, Hàn hoặc một số ngôn ngữ châu Á khác.

Phong trào « Liên Minh Trà Sữa » ra đời vào năm 2020 và được đặt tên theo đồ uống ưa thích của người dân Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, cũng như ở nhiều nước châu Á khác. Vào mùa Thu 2020, phong trào lan rộng sang Thái Lan khi người dân liên tục xuống đường yêu cầu cải cách chính phủ và chế độ quân chủ, dựa theo cách biểu tình của người dân Hồng Kông ủng hộ dân chủ.

To celebrate the first anniversary of the #MilkTeaAlliance, we designed an emoji featuring 3 different types of milk tea colours from regions where the Alliance first formed online. It automatically appears when you Tweet any of the hashtags below👇 pic.twitter.com/QiIBBbKfQc

— Twitter Public Policy (@Policy) April 8, 2021

Trong tin nhắn thông báo về biểu tượng mới, Twitter « tin rằng việc truy cập Internet miễn phí là quyền thiết yếu và chúng tôi luôn là người bảo vệ nhiệt thành quyền tự do ngôn luận và chúng ta hãy cùng lên án #InternetShutdowns ».

Theo Twitter, được AFP trích dẫn, #MilkTeaAlliance đã được sử dụng hơn 11 triệu lần từ khi được tạo vào tháng 04/2020 trên mạng xã hội Twitter. Sau cuộc đảo chính tại Miến Điện ngày 01/02, hashtag này được sử dụng nhiều trở lại dù tập đoàn quân sự cắt internet và cấm các mạng xã hội nhằm làm suy yếu phong trào phản đối đảo chính.

Ngoài #MilkTeaAlliance, hai hashtag khác cũng được sử dụng rộng rãi trên mạng Twitter là #MeToo#BlackLivesMatter.

Đầu trang

11/04/2021 - RFI

Miến Điện: Lực lượng an ninh bị tố bắn lựu đạn tàn sát hơn 80 người biểu tình

Biểu tượng của phong trào phản kháng Miến Điện, tại thị trấn Kamayut gần Rangoon, ngày 11/04/2021. AP

Đã có ít nhất 82 người thiệt mạng trong vỏn vẹn một ngày ở Miến Điện với vụ lực lượng an ninh bị cáo buộc là đã dùng súng phóng lựu bắn vào những người biểu tình ở một thị trấn gần Rangoon hôm 09/04/2021. Đây là thông tin do Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị tại Miến Điện (AAPP) và một trang tin địa phương tiết lộ.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, thoạt đầu, thông tin chi tiết về số người chết ở thị trấn Bago, cách Rangoon 90 km về phía đông bắc, không được công bố vì lực lượng an ninh đã chất đống thi thể trong khuôn viên chùa Zeyar Muni và vây kín khu vực, theo các nhân chứng và các phương tiện truyền thông trong nước.

Tuy nhiên, vào hôm qua 10/04, Hiệp hội AAPP và trang tin Myanmar Now đã loan báo tin này. Theo Myanmar Now, súng đã bắt đầu nổ trước rạng sáng ngày 09/04, và tiếp tục đến buổi chiều. Một người tổ chức biểu tình tên là Ye Htut được trích dẫn đã nhận xét : “Vụ việc giống như một cuộc diệt chủng… Họ như bắn cả vào mọi cái bóng”.

Trên mạng xã hội Miến Điện, có nhiều thông tin cho biết là nhiều cư dân của thị trấn đã phải chạy trốn để thoát thân.

Tổ chức AAPP, lo việc thống kê hàng ngày số người biểu tình bị lực lượng an ninh hạ sát và bắt giữ, trước đó cho biết là đã có 618 người thiệt mạng kể từ ngày phong trào chống đảo chính bùng lên.

Con số này dĩ nhiên đã bị quân đội phủ nhận. Trong một cuộc họp báo hôm 09/04 tại thủ đô Naypyidaw, phát ngôn viên chính quyền quân sự chỉ nói đến 248 trường hợp dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng, đồng thời khẳng định rằng lực lượng an ninh không hề sử dụng vũ khí tự động.

Dân quân thuộc các sắc tộc Miến Điện tấn công vào cảnh sát

Trong tình hình đó, truyền thông Miến Điện còn cho biết, một liên minh quân đội các sắc tộc ở Miến Điện đã phản đối chiến dịch đàn áp của quân đội và đã tấn công một đồn cảnh sát ở bang Shan (miền đông), khiến ít nhất 10 cảnh sát thiệt mạng.

Bên tấn công bao gồm chiến binh thuộc Quân đội Arakan, Quân Giải Phóng Dân Tộc Ta’ang và Quân Đội Liên minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện.

Molotov, tờ báo bí mật của giới trẻ chống đảo chính

Để chống lại việc Internet liên tục bị cúp và cố gắng giành thắng lợi trong cuộc chiến thông tin, thanh niên Miến Điện đang chuyền tay lưu hành tờ báo Molotov, một ấn phẩm ngầm của những người chống lại cuộc đảo chính quân sự.

Một thanh niên 30 tuổi lấy bút hiệu là Lynn Thant, là người đã tạo ra bản tin đặt tên là Molotov nhằm thu hút giới trẻ. Trên khắp nước Miến Điện, hàng nghìn độc giả đang tải xuống phiên bản PDF của ấn phẩm này, trước khi in lại và phân phối các bản sao ở Rangoon, Mandalay và các thành phố khác.

Lynn Thant ý thức rõ những rủi ro liên quan đến việc xuất bản tờ báo. Theo Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị, hơn 3.000 người đã bị bắt kể từ khi đảo chính, trong lúc khoảng 180 người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng, hiện đang bị truy nã về tội chống chính quyền. Họ có nguy cơ bị giam giữ nhiều năm nếu bị bắt và bị kết án.

Đầu trang

25/03/2021 - rfi

Miến Điện : Lực lượng chống đảo chính âm thầm vũ trang để tấn công giới quân sự

Phong trào phản đối đảo chính tổ chức ngày đình công - thành phố chết, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 24/03/2021. © DAWEI WATCH via REUTERS

Tại Miến Điện, sau ngày đình công thầm lặng vào hôm qua 24/03, người biểu tình ở nhiều thành phố tiếp tục xuống đường chống đảo chính.

Theo AFP, hôm nay 25/03/2021, lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình trên phố, làm một sinh viên tại bang Karen bị thương. Tại thủ phủ kinh tế Rangoon, ngay từ trước khi mặt trời mọc, người biểu tình đã xuống đường với những quả bóng đỏ, sắc màu biểu tượng của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Nhiều người giương cao biểu ngữ « Hãy lật đổ nhà độc tài khủng bố ».

Cũng tại Rangoon, nhiều người tham gia phong trào chống đảo chính tiếp tục tìm kiếm những phương thức mới để đối phó với giới quân sự. Mệt mỏi và lo sợ trước những hành vi bạo lực của quân đội, và tin rằng đến một ngày nào đó, đất nước Miến Điện sẽ chứng kiến ​​sự ra đời của quân đội liên bang đầu tiên để chống lại lực lượng đảo chính, từ nhiều tuần nay, những nhóm này đang âm thầm chuẩn bị các cuộc đáp trả có vũ trang.

Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin gửi về bài phóng sự :

« Trong một ngôi nhà ở khu dân cư North Dagon, AJ và những người bạn của anh thảo luận về việc tổ chức các đội phòng vệ và tấn công mà họ đã thành lập từ nhiều tuần nay. Ở giữa những tách cà phê, họ đặt một chai bom xăng và một cây súng ná cao su. Người đàn ông 33 tuổi, trước cuộc đảo chính làm việc trong lĩnh vực marketing, nở nụ cười và giải thích rằng anh biết cách sử dụng chúng từ khi còn là một đứa trẻ. AJ nói : « Điểm khác biệt duy nhất, viên đạn không được vo từ bùn, mà là đầu một mũi tên ».

AJ đứng đầu một đội 25 người, anh chia đội thành nhóm mang lá chắn, nhóm tấn công và nhóm y tế. Họ đang chờ đợt giao vũ khí đạn thật đầu tiên trong những ngày tới. AJ nói tiếp : « Việc này có liên quan đến các đội quân dân tộc ».

Mỗi khẩu súng có giá khoảng 750 euro. Và tiền không phải là vấn đề. AJ giải thích : « Một số người bạn của tôi rất giàu có. Họ có mạng lưới của họ. Vì vậy, tôi luôn thông báo tin tức cho họ. Đa số đều muốn danh tính được giữ kín ».

Cuộc họp cũng là cơ hội để kiểm tra giá thị trường. Sau đây là một đoạn nói chuyện :

XX : Bây giờ, chúng tôi có thể mua cái này với giá 100 euro không ?

AJ : Mua đạn ? Vâng, có thể chứ.

XX : Không, không, loại vũ khí kia cơ ?

AJ : Đối với loại vũ khí này, anh phải đợi một tuần.

Các đội như của AJ dàn trải ở nhiều khu phố ở ngoại ô thành phố Rangoon, nơi mà cuộc đàn áp diễn ra bạo lực nhất. Kế hoạch của họ rất đơn giản. AJ cho biết : « Chúng tôi hy vọng quân đội liên bang sẽ tuyên chiến. Khi đó, quân đội sẽ không còn tập trung vào chúng tôi nữa. Và đó sẽ là lúc đến lượt chúng tôi tấn công ».

Trong khi chờ đợi, AJ và những người bạn của anh tiếp tục huấn luyện đội của họ và bảo vệ một số người biểu tình vẫn còn đang tiếp tục trên các đường phố. »

Phản ứng về vụ đảo chính và trấn áp người biểu tình của tập đoàn quân sự Miến Điện, chính quyền Mỹ dự định áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn do quân đội Miến Điện kiểm soát. Hai nguồn tin am hiểu hồ sơ Miến Điện hôm qua 24/03 cho hãng tin Anh Reuters biết bộ Tài Chính Mỹ quyết định đưa hai công ty Miến Điện Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdings (MEHL) vào danh sách đen và phong tỏa tài sản của các tập đoàn này tại Mỹ. Biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 26/03.

Đầu trang

Mar 5, 2021 - nguoi-viet

Xà rông phụ nữ giúp ngăn chặn hành vi đàn áp người dân Miến Điện

YANGON, Miến Điện (NV) – Các tấm xà rông (sarong) treo trên dây giăng qua đường có vẻ là điều vô hại, nhưng sự kiêng kỵ đã có từ nhiều đời nay liên quan tới y phục phụ nữ đã khiến lực lượng an ninh chính quyền Miến Điện đã phải chùn chân trên đường, khi tấn công đàn áp thành phần tranh đấu đòi tự do và dân chủ.

Theo AFP hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Ba, người dân Miến Điện đang cùng nhau ào ạt xuống đường biểu tình, phản kháng chế độ quân sự độc tài sau cuộc đảo chánh hôm 1 Tháng Hai.

Người dân Miến Điện treo xà rông phụ nữ ngang đường để cản bước tiến của lực lượng an ninh chế độ độc tài. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Chế độ huy động cảnh sát và quân đội để đàn áp, sử dụng hơi cay, lựu đạn khói, đạn cao su, và ngay cả đạn thật, để bắn vào người dân. Đáp lại, người dân Miến Điện đã vận dụng những chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, để đối phó với sức mạnh của bạo quyền.

Một trong những cách đối phó mới nhất là treo đồ lót và xà rông của phụ nữ trên dây giăng qua đường.

Theo truyền thuyết ở Miến Điện thì phần hạ thể của người phụ nữ và phần y phục che phần thân thể này có thể đưa đến nhiều “xui xẻo” cho người đàn ông.

Theo lời nhà tranh đấu Thinzar Shunlei Yi nói với phái viên AFP thì “Họ tin rằng nếu đi dưới quần lót hay xà rông phụ nữ thì sẽ gặp điều không may.”

Có nơi còn gắn thêm hình lãnh đạo hội đồng quân nhân Min Aung Hlaing dưới xà rông phụ nữ. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Có một số quân nhân còn không dám sờ vào xà rông phụ nữ vì sợ sẽ dễ chết nơi chiến trường.

Cô Thinzar Shunlei Yi nói: “Khi người dân khu phố treo xà rông ngang đường, lính và cảnh sát không dám đi ngang qua, họ phải tìm cách hạ dây xuống.”

Phụ nữ ở nhiều nơi tại Miến Điện nay dùng sự mê tín này để cản bước lực lượng an ninh.

Hỗn chiến trên đường phố giữa dân và lực lượng đàn áp của chế độ quân nhân Miến Điện. (Hình: AP Photo)

Trên Facebook, người ta thấy các dây treo xà rông và quần lót đầy khắp đường phố Yangon, từ trong khu vực trung tâm San Chaung cho tới vùng ngoại ô.

Một số xà rông phụ nữ này còn được gắn thêm hình của Tướng Min Aung Hlaing, chủ tịch hội đồng quân nhân lãnh đạo Miến Điện.

Người dân Miến Điện dùng đủ mọi thứ để lập rào cản bước tiến của lực lượng an ninh. (Hình: AP Photo, File)

Ngoài ra, hình của ông Min Aung Hlaing cũng thấy phủ đầy mặt đường Yangon, nhằm buộc lực lượng an ninh phải ngần ngại không đạp lên hình của cấp chỉ huy họ. (V.Giang) [qd]

Đầu trang

5 tháng 3 2021 - bbc

Đảo chính ở Myanmar và dòng chữ 'Everything will be OK' trên áo Kyal Sin


Hàng trăm người tham dự tang lễ của cô gái trẻ thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar

Đám đông tề tựu ở Mandalay hôm thứ Năm để dự tang lễ của cô gái 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar một ngày trước đó.

Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt' khi cô ngã xuống.

Những lời ca tụng ngập tràn trên mạng xã hội, nhiều người gọi cô là người hùng.

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, Myanmar nổ ra các cuộc biểu tình lớn dai dẳng đòi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử bị giam cầm.

Ngày đẫm máu nhất ở Myanmar: Ít nhất 38 người biểu tình thiệt mạng
Myanmar: Ngày đàn áp đẫm máu nhất

Theo Văn phòng Nhân quyền LHQ, cho đến nay, hơn 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Dù những báo cáo khác đưa ra con số cao hơn nhiều. Thứ Tư là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, với 38 người biểu tình bị sát hại ở các thành phố và thị trấn trên khắp cả nước.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng an ninh "dừng đàn áp tàn ác đối với những người biểu tình ôn hòa".

Hàng chục quốc gia hiện đã lên án bạo lực ở Myanmar, dù điều này phần lớn đã bị các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phớt lờ.

Đại sứ Myanmar tại LHQ, người mà quân đội nói họ đã sa thải sau khi ông khẩn cầu sự giúp đỡ để khôi phục nền dân chủ, đã kêu gọi "những hành động quốc tế mạnh mẽ nhất" nhắm vào quân đội.

Kyaw Moe Tun nói với chương trình Newshour của BBC World Service trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi ông bị sa thải trong vòng 3-4 ngày qua: "Các bạn thấy 3-4 ngày qua, có bao nhiêu sinh mạng vô tội và trẻ tuổi của chúng ta đã bị cướp đi. Những gì chúng tôi muốn dành cho người dân Myanmar là sự bảo vệ."

Đại sứ Myanmar tại LHQ bị sa thải sau phát biểu chống đảo chính
Aung San Suu Kyi xuất hiện tại tòa án Myanmar trên video

Trong khi đó, cấp phó của ông là Tin Maung Naing, người được quân đội bổ nhiệm thay ông, nói ông đã từ chức và Kyaw Moe Tun vẫn còn là đại sứ.

Reuters. Angel bị bắn chết hôm thứ Tư khi tham gia một cuộc biểu tình chống đảo chính ở Mandalay

Chuyện gì đã xảy ra với Angel?

Hôm thứ Năm ở Mandalay, người dân xếp hàng dài trên tuyến đường làm lễ tiễn đưa Angel.

Hãng tin Reuters đưa tin, những người đưa tang đã hát những bài hát cách mạng và hô vang các khẩu hiệu chống đảo chính.

Hình ảnh cô gái trẻ mặc chiếc áo phông có dòng chữ "Mọi thứ sẽ ổn" tại cuộc biểu tình đã lan truyền mạnh mẽ.

Nhận thức được sự nguy hiểm khi tham gia các cuộc biểu tình, cô gái đã viết chi tiết nhóm máu của mình trên Facebook và yêu cầu hiến tạng trong trường hợp cô qua đời.

Reuters. Hình ảnh Angel trong chiếc áo phông 'Everything will be OK' thu hút nhiều người xem trên mạng

Myat Thu, người có mặt cùng cô trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư, nói cô đã đá vỡ các ống nước để những người biểu tình có thể rửa hơi cay ở mắt. Cô cũng đã cố gắng giúp đỡ anh khi cảnh sát nổ súng.

"Cô ấy nói với tôi" Ngồi xuống! Đạn sẽ bắn trúng bạn", anh nói với Reuters. "Cô ấy đã chăm lo và bảo vệ người khác."

Anh nói cảnh sát đã xịt hơi cay vào họ và rồi hàng loạt phát súng bay tới.

Myat Thu cho biết Angel, người đã tự hào bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần đầu tiên vào năm ngoái, là một "cô gái vui tươi".

Dân Myanmar biểu tình lớn bất chấp cảnh báo của quân đội
Đảo chính Myanmar: Giới trẻ âm thầm tẩy chay quân đội

"Cô ấy yêu quý gia đình của mình và gia đình cô cũng rất yêu thương cô," anh nói. "Chúng ta không đang trong chiến tranh. Không có lý do gì để sử dụng đạn thật bắn vào người dân".

Mọi người cũng dành sự tôn vinh cho Angel trên mạng xã hội. Một người bạn viết trên Facebook: "Trái tim tôi cảm thấy rất đau đớn."

Một người khác nói: "Hãy yên nghỉ nhé bạn tôi ơi. Chúng ta sẽ chiến đấu với cuộc cách mạng này đến cùng."

Tams Lu
@tamyumkung
RIP Ma Kyal Sin. One of many shot by the Myanmar military today. I'm so sad & wish that I could do more than paint these pictures. Int'l community don't look away. Keep the pressure on. It is the least we can do for the people of Myanmar. #MilkTeaAlliance #WhatsHappeningInMyanmar

Những người biểu tình bất tuân đoàn kết

Moe Myint, BBC Miến Điện

Trong một đoạn video chiếu lại những giây phút cuối cùng của Kyal Sin, người ta thấy cô dẫn đầu một nhóm biểu tình trẻ tuổi. Khi hơi cay được và đạn bắn ra xối xả từ lực lượng an ninh ở đầu đường bên kia, tất cả đều tỏ ra lo lắng nhưng cô đã hét lên: "Chúng ta đoàn kết chứ?", Và họ hô vang "Đoàn kết, Đoàn kết". Một người bạn của gia đình sau đó nói rằng cô là một nhà lãnh đạo thực sự truyền cảm hứng.

Kyal Sin là một trong số những thanh thiếu niên đã giã từ cuộc đời vào thứ Tư. Gen Z, như họ được gọi, tin rằng tương lai của họ không được định hình bởi một chế độ quân sự. Nhưng cũng cùng một đội quân lại gây ra hành vi bạo tàn ngay cả trong các khu vực đô thị, nơi mọi người ghi hình trên điện thoại di động của họ.

Một người biểu tình nói với tôi rằng anh ta chưa bao giờ thấy sự tàn ác vô nhân đạo như thế này vì cảnh sát và binh lính đang bắn những người biểu tình trong tay không tấc sắt bằng đạn thật, nhiều người trong số đó bắn vào đầu. Nhưng anh khẳng định họ sẽ không im lặng và hành động man rợ của quân đội càng khiến anh quyết chí hơn.

Tại tang lễ của Kyal Sin, dì của cô cũng thề rằng: "Tôi cảm thấy buồn nhưng bọn chúng phải sớm lụn bại. Cuộc chiến của chúng ta nhất định phải thắng".

Những điểm mới nhất về các cuộc biểu tình là gì?

Getty Images. Người biểu tình yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo bị giam giữ Aung San Suu Kyi

Không nhục chí trước những người ngã xuống vào hôm thứ Tư, những người biểu tình đã tiến ra các đường phố ở Yangon và Mandalay - hai thành phố lớn nhất của đất nước - cũng như các thành phố và thị trấn khác.

Theo trang tin Myanmar Now, hàng chục nghìn người đã biểu tình ở thị trấn Myingyan, nơi một người biểu tình bị bắn chết một ngày trước đó.

Hãng tin Reuters cho biết cảnh sát đã nổ súng và sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Yangon và thị trấn Monywa.

Người dân nói rằng 5 máy bay chiến đấu đã bay thấp trong đội hình qua Mandalay vào đầu ngày thứ Năm, như có vẻ là để phô trương sức mạnh quân sự.


Myanmar: hàng ngàn người xuống đường để tang cô gái trẻ

Bà Bachelet cho biết hơn 1.700 người, bao gồm các thành viên quốc hội và những người biểu tình, đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Bà nói, các vụ bắt giữ đang gia tăng với việc 29 nhà báo bị giam giữ trong những ngày gần đây.

Bà cảnh báo các con số có thể cao hơn nhiều do quy mô lớn của các cuộc biểu tình và khó để theo dõi diễn biến.

Hôm thứ Tư, cảnh sát và binh lính được cho là đã nổ súng bắn đạn thật ở một số thành phố và thị trấn mà ít có cảnh báo.

Những người biểu tình cho biết họ đã sử dụng đạn cao su nhưng cũng bắn cả đạn thật.


Đoạn video cho thấy những người biểu tình chống đảo chính chạy để tránh hơi cay của cảnh sát

Đặc phái viên LHQ tại Myanmar, Christine Schraner Burgener, nói một video clip cho thấy cảnh sát đánh đập một tình nguyện viên y tế không vũ trang.

Tại sao người dân biểu tình?

Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền sau khi lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chỉ vài ngày sau, phong trào bất tuân dân sự bắt đầu nổi lên, với việc nhiều người từ chối trở lại làm việc.

Phong trào nhanh chóng bắt đầu có đà và không lâu sau hàng trăm nghìn người bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố.

Một cuộc đàn áp bạo lực khởi đầu kể từ các cuộc biểu tình ôn hòa vào cuối tuần trước.

Quân đội chưa đưa ra bình luận về những người tử vong.

Sơ lược về Myanmar

Đầu trang

2021-03-05 - rfa

Những “bóng mây qua trời” vì dân chủ: Họ là ai?

Các bạn trẻ Miến Điện ở Thái Lan tưởng niệm vinh danh những người biểu tình bị bắn thiệt mạng ở Myanmar ngày 3/3/2021. Hình chụp ngày 4/3/2021

Ma Kyal Sin-Một “bóng mây qua trời” vì dân chủ

“Tiếc thương em, bóng mây qua trời!”

Luật sư Lê Luân đã chia sẻ những lời này trên trang Facebook cá nhân của ông.

Luật sư Lê Luân bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với cô gái trẻ người Miến Điện-Ma Kyal Sin, vừa ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa từ phía quân đội Myanmar. Ông viết rằng “Và viên đạn đã giết chết cô gái sau đó. Nhưng đó là cái chết bất tử và làm hồi sinh những điều lớn lao cho con người. Nhìn cô ấy, tôi thấy buồn thương vô hạn”.

Theo với tấm gương cô gái Ma Kyal Sin thì đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với tôi. Bởi vì đó không phải tương lai của một Việt Nam, mà là tương lai của các xã hội thuộc những đất nước đang đòi dân chủ bây giờ. Và dù đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo như nhiều người đánh giá là đang bị chững lại hoặc có ít bạn trẻ quá, nhưng mà với cá nhân tôi thì dù không có ai, còn một mình, tôi vẫn đấu tranh. Tôi không nhục chí gì cả. Tuy nhiên, đấu tranh theo từng cách của mình. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận để mình lên tiếng. Vậy thôi.
Nhà báo Sương Quỳnh

Truyền thông quốc tế loan tin Ma Kyal Sin, một vũ công, 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình của người dân Myanmar vào hôm 3/3. Ma Kyal Shin là một trong số ít nhất 38 người Miến Điện bị thiệt mạng trong ngày hôm đó.

Nữ nhà báo độc lập Sương Quỳnh, vào tối ngày 5/3 lên tiếng với RFA về cái chết của Ma Kyal Sin:

Theo cá nhân tôi thì đấy là một tấm gương hy sinh rất đẹp và bất tử. Bởi vì một cô gái xinh đẹp của Miến Điện mà dám xuống đường vì đất nước để đòi dân chủ và hy sinh vì một viên đạn bắn tỉa vào đầu như thế. Tôi nghĩ rằng toàn thế giới đều xúc động trước cái chết của cô gái trẻ đó. Và đấy là tấm gương hy sinh vì đất nước, vì tự do dân chủ rất đáng ngưỡng mộ. Thật sự, tôi rất xúc động.

Người sáng lập và chủ tịch điều hành Công ty văn hóa Sáng tạo First New-Trí Việt, ông Nguyễn Văn Phước, viết trên trang Facebook của ông rằng “Tôi đã nhận ra nhiều thiên thần Chu Đình (Agnes Chow Ting) nổi tiếng Hong Kong xuất hiện ở đất nước Miến Điện bình dị, ít người biết. Họ là những cô gái trẻ có học, xinh đẹp và không biết sợ tà quyền, không sợ đánh đập và bất chấp hiểm nguy chết người đã xuống đường đấu tranh cho nền dân chủ trên quê hương họ, cho người dân của họ”.

Người dân Miến Điện đưa tiễn cô Ma Kyal Sin trong đám tang được tổ chức ngày 4/3/2021. AFP

Chu Đình (Agnes Chow Ting)-Một tinh thần dân chủ được lan tỏa

Nữ sinh viên Chu Đình, 25 tuổi là một khuôn mặt nổi bật trong các cuộc xuống đường đòi dân chủ cho xứ Cảng Thơm kể từ phong trào Dù Vàng bùng phát hồi năm 2014.

Chu Đình được cộng đồng quốc tế biết đến như là thế hệ các nhà hoạt động dân chủ mới ở Hong Kong. Cô bắt đầu tham gia vào chính trị khi bước vào tuổi vị thành niên. Tiếng nói đấu tranh của cô cùng một số các sinh viên “thủ lĩnh” như Hoàng Chí Phong, La Quán Thông ngày càng vang xa khỏi biên giới Hong Kong.

Nữ sinh viên Chu Đình bị Chính quyền Hong Kong bắt giữ hồi đầu trung tuần tháng 8/2020, dưới cáo buộc kích động ly khai, theo Luật An ninh Quốc gia mới của Hong Kong, được ban hành ngày 30/6/2020.

Mặc dù phong trào biểu tình vì dân chủ của giới trẻ và người dân Hong Kong bị dập tắt, các thủ lĩnh sinh viên Hong Kong bị bỏ tù nhưng tinh thần đấu tranh bất khuất như của Chu Đình vì lý tưởng tự do dân chủ đã lan tỏa đến giới trẻ ở những nước trong khu vực như Thái Lan và Myanmar.

Sự kiện cô gái trẻ Ma Kyal Sin và hơn 30 người dân Miến Điện bị thiệt mạng vào ngày 3/3 được Liên Hiệp Quốc mô tả là “đẫm máu nhất” kể từ khi cuộc đảo chính Chính quyền dân sự ở Myanmar, xảy ra cách nay một tháng.

Nữ sinh viên Chu Đình bị Chính quyền Hong Kong bắt giam ngày 10/8/2020. AP

Tâm tình của những phụ nữ đấu tranh cho dân chủ Việt Nam

Nhà báo tự do Sương Quỳnh bộc bạch với RFA:

Theo với tấm gương cô gái đó thì đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với tôi. Bởi vì đó không phải tương lai của một Việt Nam, mà là tương lai của các xã hội thuộc những đất nước đang đòi dân chủ bây giờ. Và dù đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo như nhiều người đánh giá là đang bị chững lại hoặc có ít bạn trẻ quá, nhưng mà với cá nhân tôi thì dù không có ai, còn một mình, tôi vẫn đấu tranh. Tôi không nhụt chí gì cả. Tuy nhiên, đấu tranh theo từng cách của mình. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận để mình lên tiếng. Vậy thôi! Còn kết quả đạt được mức độ như thế nào thì thực sự mình không có hy vọng gì quá nhiều.

Nhiều năm dấn thân trên con đường đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam cùng với trải nghiệm của một phụ nữ trung niên, nhà báo Sương Quỳnh ghi nhận phong trào dân chủ ở Việt Nam, Hong Kong, Thái Lan, Myanmar còn rất nhiều cam go cũng như còn rất nhiều những cái cái giá phải đánh đổi, kể cả tù đày lẫn mạng sống của nhiều người.

Tại Việt Nam, trong số hơn 270 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, có không ít những phụ nữ phải gánh chịu những bản án tù đày nặng nề.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, là một trường hợp điển hình. Cô gái trẻ này phải thụ án tám năm tù, với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự cũ. Hay nữ nhà báo Phạm Đoan Trang, đang bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ mà tổ chức One Free Press Coalition (OFPC) đưa trường hợp của cô vào trong danh sách 10 trường hợp khẩn cấp về tự do báo chí.

Nữ nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của các cuốn sách như “Chính Trị Bình Dân”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”. Cô Phạm Đoan Trang được nhận hai giải thưởng về nhân quyền bao gồm Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Giải thưởng Homo Homini năm 2017 của tổ chức People In Need.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, sau khi được Hội đồng Giải Văn Việt bình chọn trao giải thưởng lần thứ sáu cho tác phẩm “Những mảnh đời sau song sắt”, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và chúng tôi xin được trích nguyên văn:

Khi cuốn sách được in ra, nó đã là danh thiếp chung của những người Việt chúng ta qua một giai đoạn cam go, và rồi chắc sẽ còn cam go nữa. Sách và giải thưởng hôm nay, với tôi, là niềm vui nhưng đó cũng là lời mời gọi những nhà văn, những cây bút chuyên nghiệp hãy đặt xuống sức mạnh quan sát và niềm hy vọng tự do của mình để người Việt còn một cơ may nhìn lại, đọc lại, nghe lại sự thật trên đất nước mình.

Phạm Thanh Nghiên cũng chia sẻ về sự hy sinh của cô gái trẻ Miến Điện-Ma Kyal Sin, còn có tên gọi khác là Angel. Phạm Thanh Nghiên viết:

Angel đã đấu tranh để bảo vệ các giá trị dân chủ cho quê hương cô nhưng tinh thần và sự hy sinh của cô gái trẻ đã vượt ra khỏi biên giới đất nước Myanmar, chạm đến trái tim của hàng triệu người, trong đó có những người Việt Nam khác tiếng nói, khác dòng máu nhưng giống nhau về kiếp đọa đày.

Cô Đỗ Thị Thu, một phụ nữ trẻ vừa tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Hình do Đỗ Thị Thu cung cấp.

Những người phụ nữ dám công khai lên tiếng về những bất công xã hội tại Việt Nam vừa có thêm cái tên Đỗ Thị Thu. Cô là vợ của nhà hoạt động dân chủ Trịnh Bá Phương và là con dâu của nhà hoạt động vì đất đai Cấn Thị Thêu.

Bởi vì họ (chính quyền) bắt cả ba người trong gia đình em, thế nên em không biết tinh thần ở đâu ra, tự nhiên cứ trỗi dậy. Em thấy những việc trong gia đình em làm đều là đấu tranh cho sự thật. Em thấy cả ba người trong gia đình em bị bắt quá oan khuất. Thế nên em tiếp tục theo con đường của người thân trong đình để cất lên tiếng nói sự thật.
Cô Đỗ Thị Thu

Cô Đỗ Thị Thu tâm tình với RFA vì sao chọn lựa con đường này:

Bởi vì họ (chính quyền) bắt cả ba người trong gia đình em, thế nên em không biết tinh thần ở đâu ra, tự nhiên cứ trỗi dậy. Em thấy những việc trong gia đình em làm đều là đấu tranh cho sự thật. Em thấy cả ba người trong gia đình em bị bắt quá oan khuất. Thế nên em tiếp tục theo con đường của người thân trong đình để cất lên tiếng nói sự thật.

Không ai có thể biết chiếc áo thun đen có in dòng chữ trắng “Everything will be OK” (tạm dịch “tất cả đều sẽ ổn thôi”) mà cô gái Ma Kyal Sin mặc trong ngày cô xuống đường biểu tình và bị tử nạn có phải là chủ đích của cô với thông điệp rằng mọi điều sẽ “ổn” cho dân tộc Miến Điện hay không. Thế nhưng, có thể nói một điều chắc rằng những con người “tay yếu chân mềm” như Chu Đình, Ma Kyal Sin cùng nhiều phụ nữ Việt Nam như cô Đỗ Thị Thu nhận biết rõ mục đích và con đường họ chọn vì giá trị dân chủ trên địa cầu.

Em thấy những việc gia đình em làm là một phần nhỏ bé giúp cho tương lai của đất nước được tươi sáng hơn.

Đầu trang

01/03/2021 - rfi.fr

Giới trẻ Miến Điện thách thức tập đoàn quân sự

Biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangun, Miến Điện, ngày 01/03/2021. REUTERS - STRINGER

Bốn tuần sau cuộc đảo chính ngày 01/02, và bất chấp các vụ đàn áp đẫm máu làm gần 20 người chết, tính đến ngày 28/02/2021, làn sóng bất phục tùng dân sự, biểu tình phản đối quân đội Miến Điện đảo chính vẫn tiếp diễn. Cũng như tại Hồng Kông và Thái Lan, giới trẻ Miến Điện - một thế hệ « siêu kết nối » - là những người trên tuyến đầu phong trào phản kháng.

Lo sợ mất các đặc quyền, giới quân nhân Miến Điện bám lấy quyền lực khi bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử, và tìm cách kết tội bà Aung San Suu Kyi là « tàng trữ trái phép các bộ thiết bị điện đàm », cũng như « vi phạm luật về phòng chống thiên tai ».

Chỉ có điều, khi tiến hành đảo chính, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đánh giá thấp tầm mức làn sóng phản đối. Trên mạng xã hội, ngoài đường phố, phong trào phản kháng không ngừng lan rộng. « Một dân tộc 54 triệu người chống lại 500 ngàn quân nhân », là hình ảnh ví von mà ông Aung Kyaw Moe, giám đốc Trung tâm Hội nhập Xã hội, đưa ra với nguyệt san Le Monde Diplomatique.

Cả nước sôi sục với khẩu hiệu « Đoàn kết chống độc tài ». Phong trào phản kháng quy tụ đủ mọi thành phần xã hội, từ công chức, nhân viên ngân hàng, y bác sĩ, luật sư, cho đến cả những thành viên các sắc tộc thiểu số. Nhưng chính giới trẻ, sinh viên học sinh Miến Điện là những người xông lên tuyến đầu.

Một tương lai tốt đẹp hơn, chính là một trong những động cơ chính thôi thúc giới trẻ Miến Điện xuống đường. Họ là những người trong độ tuổi 20-30, giống như ở Hồng Kông hay Thái Lan, được nuôi dưỡng trong một môi trường mở rộng dân chủ, yêu thích văn hóa pop đến từ phương Tây, lớn lên cùng với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter…

Theo quan sát của bà Alexandra de Mersan, Viện INALCO, với RFI, cũng giống như nước Thái Lan láng giềng, giới trẻ tại xứ Đông Nam Á này từ lâu được mô tả là phi chính trị, thích tiêu thụ, nhưng nay lại tỏ ra « tinh quái, táo bạo và xấc xược », « ít vâng lời hơn và có phần khiêu khích hơn », không còn sợ hãi khi phải đòi hỏi các quyền của mình.

Đối với họ, cuộc đảo chính ngày 01/02 đã đánh cắp hương vị « dân chủ » ngắn ngủi mà họ được hưởng thụ trong mười năm qua, kể từ khi tập đoàn quân sự, dưới thời thống chế Thein Sein, quyết định hé mở cánh cửa Miến Điện ra bên ngoài.

Khao khát tự do, nhưng cũng lo sợ bị trấn áp thô bạo. Chính vì lý do này mà giới trẻ Miến Điện dần dần thay đổi chiến thuật theo tiến triển của phong trào. Facebook và Twitter là những công cụ chính của phong trào bất tuân dân sự cả trên mạng lẫn ngoài đường phố. Khi mạng xã hội bị cúp, và để tránh kiểm duyệt, họ tìm đến VPN (mạng Internet riêng ảo) giống như ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Khác với những phong trào đấu tranh của cha anh, giới trẻ Miến Điện ngày nay hiểu rằng mô hình đấu tranh truyền thống khó thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Những người trẻ tuổi này đã cho thấy rõ sự sáng tạo của họ trong suốt 4 tuần biểu tình, từ tọa kháng ôn hòa, trang phục sặc sỡ như đi trẩy hội, hay dùng xe ô tô cũ mở nắp ca-pô ghi dòng chữ « Xe hỏng máy » chắn ngay giữa đường…

Nhà xã hội học Chloé Baills, trường EPHE tại Pháp, nhận định, việc giới trẻ Miến Điện lấy cảm hứng từ phim ảnh Mỹ (Hunger Games, Spiderman) cho thấy « có một thiện chí thật sự muốn chứng tỏ rằng họ là một phần của một nền văn hóa toàn cầu hóa. Giới trẻ Miến Điện từ chối quay trở về với thời kỳ đen tối của chế độ độc tài khép kín với phần còn lại trên thế giới, như những gì đã xảy ra trong quá khứ ».

Sự tức giận ở giới trẻ là hiển nhiên. Bất chấp nỗi sợ quân đội, nỗi khát khao tự do và nhất là khát khao dân chủ đang mang lại cho giới trẻ Miến Điện một xung lực cần thiết để tiếp tục phong trào phản kháng !

Đầu trang

Lâm Bảo 2021-02-26 - rfa.org

Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội ở Yangon hôm 22/2/2021. Reuters

Chính trường Myanmar đảo chiều và mối liên hệ với Trung Quốc

Sau chính biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát đất nước. Đây là một sự kiện khá bất ngờ đối với tất cả thế giới.

Thực chất, những cáo buộc "gian lận bầu cử" dường như chỉ là cái cớ để quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến. Tuy nhiên, điều quan trọng được dư luận thế giới quan tâm nhất hiện nay là động thái của Trung Quốc, đặc biệt là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Myanmar trong tháng 1 vừa qua, có thể đã trở thành động lực quan trọng cho cuộc chính biến lần này.

Mặc cho phương Tây phản đối, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ với lý do “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác. Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là “một sự cải tổ nội các” quan trọng của Myanmar.

Về mặt công khai, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử ở Myanmar tháng 11/2020 là "có gian lận”. Nhưng quân đội Myanmar sẽ không thể tự tin thực hiện chính biến nếu không được đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ cho họ trước các lệnh trừng phạt và các nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vốn đang được phương Tây đề xuất. Họ hiểu rằng Trung Quốc - nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới - có thể bù đắp cho họ những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt nói trên gây ra. Chắc hẳn đã có một cuộc thảo luận nào đó khiến giới quan chức quân sự Myanmar tin rằng Trung Quốc sẵn sàng đứng về phía Myanmar.

Mặc dù, Chính phủ Trung Quốc dường như đã có mối quan hệ khá gần gũi với lực lượng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước Myanmar - chứ không phải là với quân đội Myanmar. Thực tế, quân đội Myanmar không ủng hộ chủ trương phụ thuộc vào bên ngoài và lựa chọn con đường cô lập với quốc tế. Quân đội Myanmar phải mất 10 năm mới thích nghi được với nền dân chủ và việc dừng các dự án lớn, được cho là do lo ngại Myanmar sẽ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Thế nhưng, có thể hiện giờ Trung Quốc đã nhận được cam kết của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Myanmar về việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa 2 nước nên Bắc Kinh mới "chấp thuận" để quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến lần này. Sau này, nếu dự án xây đập do Trung Quốc "thầu" vẫn được tiến hành bất chấp sự phản đối của người dân, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Myanmar đã chuyển trọng tâm sang Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw, Myanmar, hôm 17/1/2020. Reuters

Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã "khuyên" người đứng đầu các lực lượng vũ trang Myanmar tiến hành chính biến. Tuy nhiên, có thể quân đội Myanmar tin rằng họ đã "kéo" được Trung Quốc về phía mình và nhận được sự giúp đỡ. Trung Quốc hiếm khi bỏ lỡ cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á, nhất là những nơi có nền tảng ảnh hưởng nhất định của Mỹ. Vì thế, nếu Mỹ và đồng minh cố gắng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Myanmar, Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt tại khu vực và can thiệp vào tình hình nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Bắc Kinh hiện đang lăng xê “hành lang kinh tế” đại quy mô trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa”, gồm một đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu nối Vân Nam với một cảng nước sâu ở Vịnh Bengal. Những công trình quan trọng này giúp đưa dầu khí đến Trung Quốc mà không cần đi que eo biển Malacca - vốn là một trọng điểm trong con đường vận chuyển dầu mỏ từ nhiều nơi trên thế giới đến Trung Quốc. Tuy nhiên, eo biển Malacca có thể bị Mỹ và phương Tây “khoá chốt”, vì thế, Trung Quốc luôn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào tuyến đường qua Malacca này.

Làn sóng chống Trung Quốc bùng lên

Cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ có nhiều tác động đến khu vực Đông Nam Á. Trước hết, cuộc đảo chính càng đẩy khu vực này đi theo xu hướng “suy thoái” dân chủ, vào lúc mà những quốc gia như Philippines, Campuchia, Indonesia và Thái Lan cũng đang đi bước lùi trên con đường dân chủ hóa. Tình hình tại Myanmar sẽ khiến Đông Nam Á thêm bất ổn. Thứ nhất, nó sẽ tạo ra một làn sóng di dân mới sang các nước láng giềng. Thứ hai, phiến quân của các sắc tộc thiểu số sẽ lợi dụng tình hình để đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù quân đội nắm giữ chính quyền thông qua “họng súng”, nhưng đất nước vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất này, không muốn trở lại thời kỳ quân phiệt trước đây. Các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính diễn ra ngày càng nhiều tại Myanmar.

Gần đây, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Myanmar lại đang chuyển sang mang sắc thái chống Trung Quốc. Nhiều đám đông đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon và kêu gọi tẩy chay hàng hóa dịch vụ của nước này. Nhiều thông tin được lan truyền, trong đó có tin đồn rằng binh lính Trung Quốc đã xâm nhập Myanmar và phần mềm Trung Quốc sẽ được sử dụng để thiết lập “Bức tường lửa Vĩ đại”. Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đang cố gắng bác bỏ những tin đồn này nhưng không thu được nhiều kết quả.

Hình minh hoạ. Người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ phản đối đảo chính của quân đội ở Yagon hôm 24/2/2021. Reuters

Làn sóng chống Trung Quốc đã tồn tại lâu đời tại Myanmar, cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương, do các cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số Trung Quốc với các cộng đồng khác. Các dự án đầu tư Trung Quốc đã từng là những điểm sáng quan trọng, đặc biệt là dự án Đập Myitsone (dự án bị đình chỉ năm 2011 sau khi tiến trình dân chủ diễn ra). Tuy nhiên, người dân địa phương liên tục lên án việc cưỡng chế di dời và các tác động môi trường liên quan đến những dự án này. Ngược lại, Bắc Kinh luôn mong muốn được tái khởi động các dự án đầu tư đang bị đình trệ.

Trên thực tế, làn sóng chống Trung Quốc cũng đang tăng cao trên khắp Đông Nam Á. Rất nhiều người trẻ nhìn thấy sự tương đồng giữa cuộc biểu tình Hong Kong năm 2019 và sự phản kháng của họ đối với chính quyền độc tài của Trung Quốc. Điều này đã tạo ra cái gọi là Liên minh Trà Sữa của những nhà hoạt động trực tuyến. Chính chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc và sự bất mãn của người dân các nước đối với với kẻ hiếu chiến bên ngoài đã góp phần củng cố sự đoàn kết của các phong trào chống độc tài. Tuy vậy, sự nguy hiểm thể hiện đằng sau những phong trào chống độc tài này chính là việc giới cầm quyền trong nước và giới siêu giàu sẵn sàng quy thuận Trung Quốc để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Câu chuyện của Việt Nam

Tất cả những vấn đề này đều tác động đến Việt Nam không ít. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc tập trung bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, thậm chí cả những người nông dân. Với sự thụt lùi của phong trào dân chủ của Đông Nam Á, chính quyền Việt Nam dường như đang được cổ vũ cho sự cai trị mang màu sắc độc tài của mình. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi nếu chính quyền Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc thì Việt Nam cần phải đi theo con đường dân chủ hoá. Dân chủ hoá để có thể hạn chế và chống lại nạn tham nhũng, đồng thời phát huy được sức mạnh từ nhân dân. Nhưng dường như chính quyền Việt Nam đã bỏ ngoài tai tất cả các lời kêu gọi như vậy.

Nhiều người dân tỏ ra bất mãn trước việc các lãnh đạo Việt Nam chỉ lo chia ghế, giành giật nhau các vị trí quan trọng để thủ lợi cá nhân, mà không lo tới vận mệnh hay an nguy của đất nước, của dân tộc. Đại hội Đảng 13 đã xong, nhưng dường như những người nắm giữ vị trí “Tứ trụ” ngoài chức Tổng bí thư ra vẫn còn là ẩn số. Điều này được giải thích là các phe phái vẫn chưa thoả hiệp được với nhau về các vị trí này.

Ngoài ra, các “đại gia” nắm giữ rất nhiều nguồn lực của đất nước, với sự chống lưng của các quan chức cao cấp. Dư luận Hà Nội râm ran cho biết tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết có sự “chống lưng” từ Trung Quốc. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có cả ngành hàng không dân dụng. Phía Nam, nhiều người không lạ khi hầu hết các “đất vàng” nằm trong khu vực trung tâm Sài Gòn đều bị công ty bất động sản Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan thâu tóm. Vấn đề là bà Trương Mỹ Lan lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để có thể mua hàng loạt bất động sản “khủng” như vậy? Chưa kể sự thâu tóm “đất vàng” của bà Trương Mỹ Lan có sự tiếp tay rất lớn của “Bố già” Lê Thanh Hải - Cựu Bí thư thành uỷ, Uỷ viên Bộ chính trị.

Những mối quan hệ ngầm đầy phức tạp giữa các “đại gia” với các “bố già” chính trị như vậy khiến cho chính trường Việt Nam dễ bị chi phối rất lớn bởi các “thế lực ngoại bang”. Và nếu giả sử có sự đối đầu với Trung Quốc thì chính các “đại gia” này lẫn các “bố già” sẽ là lực lượng muốn “quy hàng” Trung Quốc đầu tiên để giữ các lợi ích cá nhân của họ.

Và vì thế, sự bất ổn từ Myanmar cũng sẽ có thể là tương lai của Việt Nam nếu chính quyền Việt Nam không đưa nền chính trị đất nước theo xu hướng dân chủ hoá.

Đầu trang