Ảnh tư liệu : Một cảnh sát vái chào nhà sư Sitagu Sayadaw, trước một cơ sở tôn giáo, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 28/11/2017. AP - Gemunu Amarasinghe |
Hơn 100 ngày sau đảo chính Miến Điện, bất chấp nỗ lực quốc tế, bạo lực vẫn tiếp diễn. Tập đoàn quân sự kiên quyết không đối thoại với đối lập, bị coi là « khủng bố ». Giới tướng lĩnh một mặt không khoan nhượng phong trào đòi dân chủ, mặt khác có nhiều hoạt động thể hiện thái độ sùng kính đạo Phật, tranh thủ sự ủng hộ của sư tăng, đặc biệt là sư tăng dân tộc chủ nghĩa, nhằm giành lại uy tín, vốn đã xuống thấp trong xã hội, trước khi đảo chính nổ ra.
Sử dụng thế lực sư tăng dân tộc chủ nghĩa
Cuộc đối đầu giữa tập đoàn quân sự và phong trào chống đảo chính, đòi khôi phục chính quyền dân sự, tiếp tục tiến trình xây dựng dân chủ tại Miến Điện không chỉ diễn ra trên đường phố. Tôn giáo là một mặt trận khác. Đối với xã hội Miến Điện, Phật giáo có ý nghĩa hệ trọng, bởi khoảng 90% người Miến Điện theo tôn giáo này. Đạo Phật cũng được coi là tôn giáo chính thức của người Bamar, sắc tộc đa số ở Miến Điện. Từ hàng thế kỉ nay, Đạo Phật, Dân tộc và Nhà nước Miến Điện được coi là một khối thống nhất.
Theo AFP, kể từ cuộc đảo chính quân sự 01/02/2021, hàng trăm sư tăng tham gia biểu tình gần như hàng ngày để ủng hộ tập đoàn quân sự, từ Mandalay, được coi là thủ phủ của đạo Phật Miến Điện, cho đến các thôn làng hẻo lánh nhất. Các khẩu hiệu thường được đưa ra là : « Hãy giúp chúng tôi cứu lấy Miến Điện ! », « Hãy chấm dứt các tội ác chống nhân loại ! ».
Một số sư tăng dân tộc chủ nghĩa trực tiếp lên án chính sách « ác độc » của cựu lãnh đạo chính phủ dân sự, Aung San Suu Kyi, và coi quân đội như là « thế lực bảo trợ của Dân tộc và Đạo pháp ». Một số sư tăng cáo buộc bà Aung San Suu Kyi đã đẩy đất nước vào tiến trình « chia ly với đạo Phật », đặc biệt với việc cắt giảm các tài trợ của Nhà nước dành cho các đại học – tu viện Phật giáo.
Theo giới quan sát, đứng hàng đầu trong phong trào Phật giáo ủng hộ đảo chính là một tổ chức của các nhà sư mang tên « Bảo vệ Chủng tộc và Đạo pháp » (mà tiền thân là tổ chức Ma Ba Tha), với người chỉ huy là sư Ashin Wirathu, nổi tiếng với các quan điểm hận thù chống Hồi giáo, chống người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Phong trào Ma Ba Tha, được thành lập năm 2014, từng bị Tăng đoàn Phật giáo Ma Ha Tha ra quyết định giải tán (Ma Ha Tha là tổ chức gồm các chức sắc Phật giáo cao cấp do Nhà nước bổ nhiệm, có sứ mạng giám sát và điều chỉnh các hoạt động của cộng đồng Tăng già Miến Điện). Sư Wirathu bị truy nã, từ năm 2019, đã quyết định ra đầu thú đầu tháng 11/2020, ngay trước cuộc bầu cử Quốc Hội, nhằm thu hút công luận, dấy lên phong trào chống chính phủ Aung San Suu Kyi, bị cáo buộc chống lại Đạo pháp, chống lại Dân tộc, theo phân tích của chuyên gia Richard Horsey, trung tâm International Crisis Group (ICG).
Dựng tượng Phật khổng lồ
Ngay sau đảo chính, chính quyền quân sự cho mở cửa trở lại các chùa chiền, bị đóng cửa từ nhiều tháng nay, do đại dịch Covid-19. Lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing, cùng nhiều tướng lĩnh, liên tục thăm viếng, cúng dường tại nhiều ngôi chùa và tu viện nổi tiếng. Một hoạt động được giới quan sát đặc biệt chú ý là kế hoạch của tập đoàn quân sự, xây dựng tượng Phật khổng lồ tại thủ đô Naypyidaw.
Bức tượng « Đức Phật thành đạo » cao 19 mét, bằng đá hoa cương, được chính thức khởi công ngày 25/03/2021. Tập đoàn quân sự quảng bá bức tượng Phật được coi là cao nhất thế giới này sẽ hoàn thành vào năm tới. Theo báo chí Nhà nước Miến Điện, tượng Phật Maravizara « cho thế giới thấy sự lớn mạnh của đạo Phật Theravada, cho phép bảo đảm hòa bình và ổn định của Miến Điện, phát triển khu vực thông qua du lịch hành hương chiêm bái tượng Phật, đóng góp cho sự phát triển quốc gia ». Trực tiếp tham gia vào nghi thức khởi công, có tư lệnh quân đội Miến Điện, nhiều tướng lĩnh, và cùng nhiều sư tăng.
Cuộc đấu giữa hai mô hình xã hội
Dự án xây dựng tượng Phật khổng lồ bắt đầu được chính quyền quân sự rầm rộ thông báo ngay trước ngày Quân Lực Miến Điện 26/03/2021 (theo trang mạng Insight Myanmar), tức chỉ ít ngày sau khi Tăng đoàn Ma Ha Tha cho biết ý định sẽ ra thông cáo kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực nhắm vào người biểu tình (ngày 17/03). Kể từ đó đến trước khi chính thức khai trương dự án xây dựng tượng Phật khổng lồ tại thủ đô, chính quyền quân sự tuyên truyền rầm rộ về các hoạt động vận chuyển vật liệu từ vùng Mandalay (được coi là trung tâm Phật giáo ở Miến Điện) đến công viên Phật ở thủ đô.
Một hiện tượng được một số nhà quan sát đặc biệt chú ý là sự xuất hiện của một số vị cao tăng có quan điểm chống đảo chính hoặc chống đàn áp, trong một số nghi thức liên quan đến dự án tượng Phật khổng lồ, như các nhà sư Sitagu Sayadaw và Bamaw Sayadaw. Sư Bamaw Sayadaw được biết đã bị bắt giam, ngay sau khi thể hiện quan điểm lên án đảo chính. Một phân tích mang tựa đề « Đạo Phật của Tatmadaw (Tatmadaw tức Quân Đội trong tiếng Miến Điện) », trên trang Insight Myanmar, đặt câu hỏi về việc các cao tăng có quan điểm chống đàn áp hiện diện cùng với lãnh đạo chính quyền quân sự, có ý nghĩa gì.
Theo một số chuyên gia về Miến Điện, cuộc chiến giữa tập đoàn quân sự và phong trào đòi dân chủ hiện diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Uy tín của tập đoàn quân sự tụt dốc rõ rệt trước đảo chính, nếu căn cứ theo kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội, tháng 11/2020. Đảo chính quân sự khiến sự chán ghét, phẫn nộ chống giới tướng lĩnh gia tăng trong xã hội Miến Điện. Với các hoạt động thể hiện sự sùng kính với đạo Phật, tranh thủ ủng hộ của giới sư tăng dân tộc chủ nghĩa nói trên, tập đoàn quân sự Miến Điện muốn lấy lại phần nào niềm tin trong dân Miến Điện, vốn sùng mộ đạo Phật.
Hiện chưa có gì cho thấy trận tuyến lòng dân này đã ngã ngũ, bởi trong Phật giáo Miến Điện còn có một bộ phận đông đảo chư tăng đi theo truyền thống bất bạo động, khoan dung của đạo Phật. Nhiều người trong số họ ủng hộ lý tưởng hướng đến một xã hội dân chủ của đông đảo dân chúng, ủng hộ chính sách xây dựng một thể chế xã hội dân chủ, bình đẳng tôn giáo tại Miến Điện, đã được khởi sự dưới chính quyền dân sự của Aung San Suu Kyi.
Một bức hình do Dawei Watch chụp và công bố ngày 5 tháng 5, 2021 cho thấy người biểu tình tụ tập phản đối cuộc đảo chính ở Dawei, Myanmar. |
Nhà cầm quyền quân sự của Myanmar định danh Chính phủ Thống nhất Quốc gia, đối thủ của họ, là tổ chức khủng bố và quy trách nhóm này về các vụ đánh bom, đốt phá và giết người, truyền thông do nhà nước kiểm soát nói ngày thứ Bảy.
Quân đội Myanmar vẫn đang nỗ lực vãn hồi trật tự kể từ khi nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 và câu lưu nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi.
Các vụ đánh bom được báo cáo hàng ngày và lực lượng dân quân địa phương đã được thành lập để đối đầu với quân đội trong khi các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự vẫn chưa dừng lại trên khắp đất nước Đông Nam Á này và các cuộc đình công của những người phản đối cuộc đảo chính đã làm tê liệt nền kinh tế.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), hoạt động trong bí mật và cũng mô tả quân đội là lực lượng khủng bố, thông báo trong tuần này rằng họ sẽ thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân.
“Hành động của họ đã gây nên rất nhiều sự khủng bố ở nhiều nơi,” đài truyền hình nhà nước MRTV nói, thông báo rằng NUG, một ủy ban gồm các nhà lập pháp bị lật đổ, và lực lượng mới giờ đều là đối tượng nhắm tới của luật chống khủng bố.
“Đã có những vụ đánh bom, phóng hỏa, giết người và các mối đe dọa phá hủy cơ chế hành chính của chính phủ,” thông báo nói.
Luật chống khủng bố không chỉ cấm việc gia nhập các nhóm này mà còn cấm mọi liên lạc với họ. Chính quyền quân sự trước đó đã cáo buộc các đối thủ phạm tội phản quốc.
Người biểu tình tuần hành chống chính quyền ở nhiều nơi vào ngày thứ Bảy. Ít nhất 774 thường dân đã bị sát hại bởi lực lượng an ninh và 3.778 người đã bị giam giữ, theo tổ chức tranh đấu Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Chính quyền quân sự bác bỏ những con số đó và nói rằng ít nhất hai chục thành viên của lực lượng an ninh đã bị giết trong các cuộc biểu tình.
Giao tranh cũng bùng phát ở các vùng biên cương của Myanmar với các đạo quân sắc tộc đã chiến đấu trong nhiều thập niên và một số đã tập hợp ủng hộ những người biểu tình.
Truyền hình nhà nước cho biết quân đội đã tiến đánh Đạo quân Độc lập Kachin ở miền bắc Myanmar, nhưng không có xác nhận độc lập.
Ở phía tây Myanmar, Lực lượng Phòng vệ Chinland mới được thành lập cho biết họ đã tràn vào một trại quân đội. Quân đội không đưa ra bình luận nào về tin này.
Quân đội Myanmar chiếm quyền dựa trên cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc của quân đội.