Ảnh do cơ quan công an cung cấp/ Pháp Luật |
Công an tỉnh Phú Yên vừa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam một người với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự. Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh loan tin này ngày 5/2.
Người bị bắt giữ có tên Ngô Công Trứ (sinh năm 1988), ngụ tại thôn Phú Nông, xã Hoà Bình 1, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên.
Theo điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Phú Yên, Ngô Công Trứ, vào tháng 8 năm 2020, đã chính thức tham gia tổ chức người Việt tại Mỹ có tên Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời đứng đầu là ông Đào Minh Quân. Đây là tổ chức bị chính quyền Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.
Ngô Công Trứ bị cáo buộc đã sử dụng mạng xã hội để đăng ký tham gia “Trưng cầu dân ý” theo lời kêu gọi của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời. Sau đó, Trứ được cấp mã hiệu TCDY. Ngoài ra, theo Công an Phú Yên, Trứ cũng thường xuyên chia sẻ trên các trang mạng xã hội những bài viết, hình ảnh, video kêu gọi mọi người tham gia tổ chức. Từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021, Trứ đã tuyên truyền, lôi kéo một số người thân tham gia tổ chức này.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 2 người được cho là thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời. Người đầu tiên bị bắt trong năm 2021 là Trần Hữu Đức (sinh năm 1964), bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hôm 21/1 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Công an đọc lệnh bắt ông Trần Hữu Đức ngày 21/1/2021. Photo PLO. |
Ngày 21/1, công an Nghệ An đã bắt giam ông Trần Hữu Đức với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, cho rằng ông tham gia Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, một tổ chức bị Hà Nội quy là “khủng bố.”
Đài truyền hình Nghệ An loan tin rằng ông Trần Hữu Đức, 57 tuổi, đã “tham gia” tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời và cơ quan an ninh điều tra đã “chứng minh” rằng ông Đức là thành viên của tổ chức này.
Còn trang CAND cho biết khi cơ quan chức năng khám xét nhà Đức đã thu giữ “nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội.”
Trang Pháp luật Tp. HCM cho dẫn lời cơ quan chức năng cho rằng ông Đức đã tiến hành thu thập thông tin các công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An để chuyển cho tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, với mục đích trưng cầu dân ý bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống đệ tam cộng hòa, khôi phục chế độ cũ...
Vào tháng 1/2018, Bộ Công an Việt Nam liệt nhóm Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời có trụ sở ở bang California là tổ chức khủng bố vì cho rằng tổ chức này “có hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta hoạt động với phương châm 3 sạch (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), mục đích là thay đổi chể chế chính trị, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.”
Cho đến nay ít nhất 28 người đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam vì liên quan đến tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
Trả lời phỏng vấn VOA về quyết định của Bộ Công an Việt Nam, ông Đào Minh Quân nói rằng những cáo buộc mà Việt Nam đưa ra là “không có bằng chứng”.
Tương tự, hôm 5/1/2021, Bộ Công an Việt Nam liệt tổ chức Triều Đại Việt có trụ sở ở Canada là “tổ chức khủng bố”.
Thành viên Nguyễn Khanh của tổ chức Triều Đại Việt bị tuyên án 24 năm tù về tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” vào tháng 9/2020. |
Bộ Công an Việt Nam hôm 5/1 chính thức đưa ra thông báo về tổ chức “Triều Đại Việt” và gọi nhóm có trụ sở ở Canada này là “tổ chức khủng bố”.
Theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam, Triều đại Việt là một tổ chức do các cựu thành viên của tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” thành lập từ tháng 1/2018.
Từ trụ sở ở Canada, Triều Đại Việt được cho là đã gửi hàng chục ngàn đô la cho những người trong nước để “mua sắm vũ khí, chế tạo bom mìn, in truyền đơn và khẩu hiệu phản động”.
Ngoài ra, tổ chức này còn có các trang web và các kênh truyền thông như “Triều đại Việt”, “Free Bibet”, “Hoàng Kỳ”, “Giải độc chính trị”, “Việt Nam today”, “Việt tự do”, “Radio tiếng nói quốc dân”, “Phung Nguyen”, “Scott Huynh”, “Jeffrey Thai”, “Tin tức hàng ngày TV24”.
Bênh cạnh thông tin chung về tổ chức Triều Đại Việt, Bộ Công an Việt Nam còn đưa thông tin cụ thể về lý lịch cá nhân, lệnh truy nã và nơi cư trú của 4 người đứng đầu tổ chức, bao gồm ông Ngô Văn Hoàng Hùng, quốc tịch Canada, với chức danh tự xưng là “Tổng tư lệnh Triều đại Việt”; ông Trần Thanh Đình, quốc tịch Đức, tự xưng là “Phó Thủ tướng”; Ngô Mạnh Cương, quốc tịch Pháp, tự xưng là “Tổng cục trưởng Tổng cục đặc nhiệm”; ông Huỳnh Thanh Hoàng, quốc tịch Mỹ, giữ chức “phát ngôn viên Triều đại Việt”.
Vào tháng 9 năm ngoái, một toà án TPHCM đã kết án tổng cộng 196 năm tù đối với 20 thành viên của Triều Đại Việt bị cáo buộc tham gia gây ra vụ nổ khiến cho 2 người bị thương tại trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, vào tháng 6/2018. Trong đó, ông Nguyễn Khanh, người bị cho là chỉ đạo những người khác gây án, bị tuyên 24 năm tù về tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Các thành viên khác bị tuyên án từ 2 – 18 năm tù với các tội danh tương tự.
Triều Đại Việt bị cáo buộc đã thành lập ra một loạt các “quân khu” từ Nam ra Bắc để tìm cách móc nối, phát triển lực lượng, khảo sát, lên kế hoạch “tấn công khủng bố” nhằm vào trụ sở các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, mục tiêu bảo vệ và địa điểm công cộng tại Việt Nam. Ngoài ra, nhóm này cũng bị Bộ Công an nói “kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền” trong nước.
Tin cho hay người đứng đầu tổ chức Triều Đại Việt, ông Ngô Văn Hoàng Hùng, từng bị toà án ở Mỹ Tho tuyên án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân về tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”, vào năm 1979.
Hiện VOA vẫn chưa thể liên lạc được với đại diện của Triều Đại Việt để xác minh và đưa ra bình luận về những cáo buộc của công an Việt Nam.
Việt Nam hôm 22/9 tuyên án 24 năm tù đối với người bị cáo buộc đứng đầu tổ chức các vụ “khủng bố chống chính quyền”, trong đó có vụ nổ bom tấn công một trụ sở công an phường cách đây hai năm.
Theo truyền thông trong nước, Toà án Nhân dân TPHCM xét xử 20 bị cáo liên quan đến các vụ mà công an Việt Nam nói là “khủng bố”, trong đó 17 người bị tuyên phạt với tội danh “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ,” được cho là dưới sự tài trợ của nhóm Triều Đại Việt có trụ sở ở Canada, để tấn công một trụ sở công an.
Nguyễn Khanh, người bị cáo buộc chỉ đạo nhóm “khủng bố” trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình, nhận mức án cao nhất, 24 năm tù, cho hành vi mà TAND TPHCM cho là “đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia,” theo VnExpress. Bị cáo 56 tuổi bị kết án 20 năm tù cho tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và 4 năm tù cho tội danh “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ.”
Hai bị cáo được cho là nhận nhiệm vụ “phát triển tổ chức ở miền Tây,” Dương Bá Giang và Nguyễn Minh Tấn, bị phạt mỗi người 18 năm tù, trong khi ba người khác – gồm Vũ Hoàng Nam, Dương Khắc Minh và Phạm Trần Phong Vũ – mỗi người lĩnh 17 năm tù vì trực tiếp gây nổ trụ sở công an, theo cáo trạng được các trang mạng trong nước trích dẫn.
Những người còn lại bị tuyên phạt từ 2 đến 12 năm tù về một trong hai tội danh trên.
Phiên toà kéo dài hai ngày là vụ xét xử mới nhất trong một loạt những vụ án lớn gần đây được đưa ra xét xử trong giai đoạn Việt Nam đang thắt chặt an ninh trước thềm Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản.
Vụ xét xử ngay trước đó diễn ra vào tuần trước tại Hà Nội đối với 29 người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, trong đó hai người bị kết án tử hình về tội “giết” ba công an khi đang làm nhiệm vụ giữa lúc bố ráp khu làng hồi tháng 1 vừa qua. Trước đó vào tháng 4, một người đàn ông bị kết án 11 năm tù với các buộc “đặt bom khủng bố” tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho các bị cáo trong vụ xét xử hôm 22/9 tại TPHCM, nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng các bản án giành cho các bị cáo trong vụ án “Triều đại Việt” là “khủng.”
Nói với Reuters, LS Miếng cho rằng các bản án được tuyên tại toà là “quá nặng nề.”
Bộ Công an trước đây cho biết rằng những bị cáo này đã nhận tiền của nhóm lưu vong Triều Đại Việt, mà công an Việt Nam coi là chống chính quyền, để mua chất nổ và kíp nổ cho “hoạt động khủng bố nhằm lật đổ nhà nước Việt Nam.”
Vẫn theo Bộ Công an, những người này đã cho nổ hai quả bom tại đồn cảnh sát phường 12 ở quận Tân Bình, làm 3 người bị thương.
Thông tin trên trang web chính thức của Bộ Công an nói rằng nhóm Triều Đại Việt do Ngô Văn Hoàng Hùng làm “Tổng tư lệnh,” mà theo công an Việt Nam, là người đã “vượt ngục” bỏ trốn sang Canada vào năm 1982. Bộ này cho rằng nhóm Triều Đại Việt cũng tiến hành các cuộc đánh bom ở các địa điểm khác, và với phương châm “đốt sạch”, “giết sạch”, và “phá sạch”. VOA không thể liên lạc với nhóm Triều Đại Việt để xin bình luận về những nhận định trên của Bộ Công an.
Đặc công, bộ đội, công binh, cảnh sát... của Việt Nam tham gia buổi diễn tập quy mô lớn về chống khủng bố, cứu con tin và ngăn chặn biểu tình, bạo loạn. (Ảnh chụp từ trang Tuổi Trẻ) |
Hai tổ chức chính trị của người gốc Việt có trụ sở ở Mỹ, là Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, nằm trong danh sách mà Việt Nam “chỉ định” là “khủng bố, tài trợ khủng bố” khi bổ sung thêm danh sách của Liên Hợp quốc.
Bộ Công an Việt Nam hôm 9/8 đưa ra “chỉ định” này cùng lúc công bố danh sách liên quan đến khủng bố do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ định.
Danh sách của LHQ, được cập nhật ngày 21/5/2019 và có đường dẫn tới bản tin của Bộ Công an ra hôm 9/8, có tên 260 thành viên và 84 tổ chức, nhưng không có tên của Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
Tổng bí thư Đảng Việt Tân Lý Thái Hùng cho rằng chính phủ Việt Nam đã cố ý gây “hiểu lầm” khi Bộ Công an công bố danh sách do Hội đồng Bảo an LHQ chỉ định cùng với danh sách do Việt Nam chỉ định vào cùng một sự kiện.
“Danh sách mà Liên Hợp quốc đưa ra toàn là những người bị các tổ chức quốc tế cũng như LHQ gán ghép, mà đa số là những người nằm trong lực lượng khủng bố hồi giáo, ông Hùng nói. "Cho nên Cộng sản Việt Nam lập lờ đánh lận con đen – họ công bố danh sách của LHQ rồi nhân đó đề cập đến Việt Tân hay Chính phủ quốc gia lâm thời và tạo một sự hiểu lầm.”
Theo Việt Tân, động thái này của Bộ Công an “làm cho người dân nghĩ rằng Việt Tân đã bị các định chế quốc tế cho vào danh sách khủng bố.”
Cả Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, cùng có trụ sở ở California, đều bị chính phủ Việt Nam coi là các tổ chức “khủng bố.”
Tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam gắn mác “tổ chức khủng bố” cho Việt Tân khi cáo buộc tổ chức này “tuyển mộ và huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí” và “tiến hành các hoạt động khủng bố.”
Theo ông Hùng, Việt Nam đưa Việt Tân vào mục “khủng bố” trên trang web của Bộ Công an sau khi đảng này và một số nhà đấu tranh trong nước hoạt động chống lại dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
“Mục tiêu của họ là muốn cô lập tổ chức Việt Tân cũng như ngăn chặn những ai đến hỗ trợ và tiếp xúc với Việt Tân,” ông Hùng, người cũng có tên trong danh sách “đen” của Bộ Công an, cho biết.
Gần 1 năm sau đó, Bộ Công an liệt Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời vào “tổ chức khủng bố” hồi cuối tháng 1/2018, không lâu sau khi Bộ này kết án 15 người thực hiện vụ đặt bom tại nhà xe và cổng ga đến quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ở TP HCM vào dịp 30/4 mà theo Hà Nội là dưới sự chỉ đạo của nhóm này.
Sau khi bị cáo buộc là tổ chức khủng bố, chủ tịch Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời Đào Minh Quân nói với VOA rằng những cáo buộc mà Việt Nam đưa ra là “nói láo” và “không có bằng chứng.” Người đứng đầu tổ chức này nói rằng nhóm của ông có “bằng chứng (chính phủ Hà Nội) đã hành hạ, khủng bố người dân Việt Nam, và chúng tôi có nộp hồ sơ kiện họ tại Tòa án Hình sự Quốc tế.”
Bộ Công an cho biết họ đưa ra danh sách, gồm 2 tổ chức trên cùng 30 thành viên của 2 nhóm trên, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tuy nhiên, Bộ này không nói rõ những khuyến nghị mà FATF và ADB đưa ra là gì.
Theo danh sách mà Bộ Công an công bố trên trang web của họ và được truyền thông trong nước đăng tải lại, tổ chức Việt Tân có 5 người trong đó có ông Đỗ Hoàng Điềm, hiện là chủ tịch Việt Tân.
Trong danh sách của bộ này về Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời có ông Đào Minh Quân, hiện là chủ tịch của nhóm. Ngoài ra Bộ Công an còn đưa ra tên và lý lịch của 6 người khác của nhóm này đang sống ở Mỹ và Canada cũng như 15 thành viên của tổ chức này hiện đang ở Việt Nam.
VOA không thể liên lạc được với ông Quân để yêu cầu bình luận về sự kiện này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không coi Việt Tân là “khủng bố” và một người phát ngôn của Cao Ủy LHQ về người tị nạn hồi tháng 1/2013 nói rằng “mặc dù Việt Tân là một tổ chức hòa bình truyền bá cho cải cách nhân quyền thì chính phủ (Việt Nam) lại coi họ là một ‘tổ chức phản động.’”
Theo ông Hùng, ngoài việc Việc Nam phải công bố danh sách khủng bố Hồi giáo của LHQ vì Việt Nam là một quốc gia thành viên của Interpol, thì việc Dàn khoan Hải Dương 8 đang ở vùng biển đặc quyền của Việt Nam là một lý do khác cho việc Bộ Công an đưa ra danh sách “khủng bố” Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
"(Sự kiện Bãi Tư Chính) không chỉ gây căm phẫn cho người dân mà cho cả những đảng viên trong nước khi họ lo sợ những cuộc biểu tình rộng lớn bùng nổ và (do đó) họ muốn ngăn ngừa Việt Tân và một số lực lượng khác (bằng cách) đưa ra (danh sách) khủng bố để răn đe.”
Sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang gây ra những phản đối trong nhân dân khi nhiều người kêu gọi chính phủ kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Cùng với việc công bố các danh sách trên, Bộ Công an “yêu cầu” các tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan liên quan “có trách nhiệm không trì hoãn việc phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan tới các tổ chức, cá nhân khủng bố, tài trợ khủng bố do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chỉ định hoặc do Việt Nam chỉ định.
Việt Tân hôm 14/8 cho VOA biết rằng cho đến giờ này họ “không hề bị ảnh hưởng gì trong lĩnh vực tài chính hay ngoại giao với các quốc gia trên thế giới.”
Vụ việc Đài Á Châu Tự Do RFA, có trụ sở tại Mỹ, không còn hợp tác với một trong những blogger của đài đã khiến cho dư luận trong giới cầm bút tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội trong suốt mấy ngày qua. Tại sao một sự việc vốn được xem là rất bình thường ở Mỹ lại trở nên chủ đề gây tranh luận như vậy? Những người ngoài cuộc ‘bàn’ gì về chuyện này? Phóng viên Khánh An của Ban Việt ngữ VOA tìm hiểu thêm.
Blogger Lê Diễn Đức là cây bút đã cộng tác viết blog cho Đài Á Châu Tự Do một thời gian khá dài. Trang blog của ông cũng là một trong những trang thu hút khá nhiều độc giả. Sự kiện RFA thôi không cộng tác với blogger Lê Diễn Đức được cho là vì một status ông viết trên Facebook mà nhiều người cho là mang tính ‘miệt thị’ về sự thất bại của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam, và ông Hoàng Cơ Minh, người sáng lập Mặt trận Thống nhất Giải phóng Việt Nam.
Blogger Lê Diễn Đức viết trên Facebook hôm 30/8:
“Cả hàng trăm ngàn quân lính trong tay, vũ khí xềnh xàng mà còn bị bộ đội Bắc Việt đánh cho tan tành, chạy chít chết, cuối cùng phải đầu hàng, thì vài chục người đi qua rừng núi Thái Lan dựng "chiến khu" với mục đích "Đông Tiến","phục quốc" chỉ là trò cười, ảo tưởng, chứ "anh hùng" cái nỗi gì. Đây đích thực là một cuộc làm "chiến khu" giả lừa gạt bà con hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền, không hơn không kém! Niềm tin vào những "anh hùng vị quốc vong thân" ấy là niềm tin ngô nghê, mù quáng”.
Nhà báo Đỗ Hùng của Thanh Niên Online bị rút thẻ nhà báo và bãi nhiệm chức Phó Tổng thư ký, vì một status hài hước trên Facebook nói về Cách mạng tháng Tám, cũng tương tự như với tôi ngừng hợp đồng viết cho RFA, vì một status trên Facebook nói về những điều trên. |
---|
Blogger Lê Diễn Đức viết trên Facebook ngày 5/9. |
Nói về quyết định cắt hợp đồng làm việc của RFA, ông Lê Diễn Đức nói với đài BBC rằng RFA đưa ra quyết định trên do “bị áp lực dư luận rất nặng nề”. Nhưng cũng có nguồn dư luận nói rằng chính cách viết và từ ngữ sử dụng mang tính ‘chủ quan’ của ông Lê Diễn Đức mới là nguyên nhân sự việc.
Theo Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một blogger tại Việt Nam đã từng cộng tác với RFA, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ trong hợp đồng giữa hai bên có ràng buộc chuyện ‘được nói’ hay ‘không được nói’ hay không.
“Bản hợp đồng thì mình không biết mỗi người có khác nhau hay không, nhưng nếu mà đúng cái bản mà mình cũng có ở đây thì những gì phát biểu trên Facebook hoàn toàn không có nằm trong hợp đồng. Trong hợp đồng không hề nói quan điểm của họ là gì hết, cho nên nếu mình không biết trước quan điểm của RFA là gì mà phát biểu trên Facebook mà để bị cắt hợp đồng như vậy thì Quỳnh nghĩ nó vô lý”.
Blogger Mẹ Nấm kể về lý do cô ngừng cộng tác với RFA:
“Vì Quỳnh thấy một số tiêu chí sau này không phù hợp với Quỳnh, thứ hai là đối với Quỳnh thì truyền thông là phi đảng phái, tức là nó không phục vụ cho mục tiêu hay đảng nào hết, nhưng sau này Quỳnh thấy nó không đi đúng những cái Quỳnh muốn ngay từ đầu nên Quỳnh tự động thôi thôi”.
Vì Quỳnh thấy một số tiêu chí sau này không phù hợp với Quỳnh, thứ hai là đối với Quỳnh thì truyền thông là phi đảng phái, tức là nó không phục vụ cho mục tiêu hay đảng nào hết, nhưng sau này Quỳnh thấy nó không đi đúng những cái Quỳnh muốn ngay từ đầu nên Quỳnh tự động thôi thôi”. |
---|
Blogger Mẹ Nấm nói về lý do ngưng cộng tác với đài RFA. |
Trong khi RFA vẫn giữ im lặng và không lên tiếng chính thức bình luận gì thì cộng đồng mạng và đặc biệt là giới cầm bút không ngớt tranh luận về vụ việc này, nhất là sau khi blogger Lê Diễn Đức ‘trải lòng’ về sự việc này trên Facebook. Ông tự so sánh mình tương tự như trường hợp của nhà báo Đỗ Hùng tại Việt Nam. Ông Đỗ Hùng, Phó Tổng thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên Online, đã bị Bộ Thông tin và Truyền Thông thu hồi thẻ nhà báo vì một status vui về ngày 2/9, trong đó ông sử dụng toàn dấu sắc. Status của ông bị cho là ‘đả kích và xuyên tạc’ về ngày Quốc khánh của Việt Nam.
Blogger Lê Diễn Đức viết trên Facebook hôm 5/9:
“Nhà báo Đỗ Hùng của Thanh Niên Online bị rút thẻ nhà báo và bãi nhiệm chức Phó Tổng thư ký, vì một status hài hước trên Facebook nói về Cách mạng tháng Tám, cũng tương tự như với tôi ngừng hợp đồng viết cho RFA, vì một status trên Facebook nói về những điều trên”.
Cũng từ sự trùng hợp về thời điểm của hai câu chuyện của hai nhà báo, một số người trong cộng đồng mạng đã so sánh chuyện thôi hợp tác giữa RFA và ông Lê Diễn Đức với chuyện tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Tất nhiên, sự đa dạng, phong phú trong thế giới blog là một điều tốt. Thế nhưng sự đa dạng ấy cũng đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn và giới hạn nhất định, chứ không thể là anh có thể lên trên đó anh phát biểu, anh muốn nói gì cũng được. |
---|
Blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết. |
Tuy nhiên, blogger Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội lại cho rằng đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
“Tất nhiên, sự đa dạng, phong phú trong thế giới blog là một điều tốt. Thế nhưng sự đa dạng ấy cũng đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn và giới hạn nhất định, chứ không thể là anh có thể lên trên đó anh phát biểu, anh muốn nói gì cũng được. Ở đây, tôi muốn nói là sự tự do ngôn luận là anh có quyền nói, nhưng người nghe anh người ta có quyền đồng tình, phản đối, cũng như từ chối việc nghe anh phát ngôn. Còn chuyện anh có thể nói vấn đề này, vấn đề kia ở đâu thì đó là quyền của anh”.
Một cư dân mạng khác có tên Dominic Pham diễn giải câu chuyện một cách đơn giản hơn:
“Có nhiều ý kiến nói là Đài RFA không nên hủy hợp đồng với anh LDĐ bởi vì…
Cho dễ hiểu.
Hãy coi RFA là chủ một nhà hàng;
anh LDĐ là bồi bàn cho nhà hàng;
khách hàng không hài lòng với lối phục vụ, ăn nói của người bồi bàn LDĐ;
nhà hàng bị mất khách dần đi.
Nếu bạn là chủ nhà hàng, thì bạn phải làm gì?”
Blogger Nguyễn Lân Thắng, dựa vào những lập luận của blogger Lê Diễn Đức trên Facebook, nhận xét về câu chuyện cắt hợp đồng gây tranh cãi:
“Tôi thấy có 3 điều: Thứ nhất, ông ấy phỉ báng một cộng đồng người Việt – Việt Nam Cộng Hòa – đã phải tị nạn khắp nơi trên thế giới vì kết cục thua trận ở Việt Nam. Tôi cho đó là một điều rất nghiêm trọng về mặt đạo đức cũng như nhận thức về mặt lịch sử. Vì như chúng ta biết về lịch sử Việt Nam thì cũng đã có rất nhiều mổ xẻ, rất nhiều tư liệu lịch sử, mà ông Đức lại mô tả một cách ngây ngô, ấu trĩ như vậy thì chứng tỏ là ông ấy nhận thức lịch sử rất kém. Điều thứ hai tôi muốn nói ở đây là việc ông ấy nói về vấn đề những sự kiện liên quan đến ông Hoàng Cơ Minh, đến chương trình vận động của Đảng Việt Tân, thì tôi cho rằng ông ấy có thể đưa ra nhận định, có thể phát biểu điều này điều kia nhưng ông ấy cần phải có bằng chứng. Có thể ông ấy phát biểu là ông ấy không thích Việt Tân chẳng hạn, ông ghét Hoàng Cơ Minh chẳng hạn, điều đó không sao. Nhưng nếu cáo buộc một người, một tổ chức, một sự việc thì anh cần phải có bằng chứng, anh không thể nào nói khơi khơi như vậy được. Điều thứ ba tôi thấy ở đây là sau khi có những phản ứng của cộng đồng mạng, lại trùng với sự việc nhà báo Đỗ Hùng của báo Thanh Niên ở Việt Nam bị rút thẻ nhà báo, thì ông lại vận động sự thương cảm, sự ủng hộ của quần chúng mạng về vấn đề ông Đỗ Hùng để nương nhờ vào sự thương cảm cho hai thân phận nhà báo đang có những vấn đề với tòa soạn của họ.”
Hiện nay có khá nhiều cây bút trong nước đã hoặc đang cộng tác với nhiều cơ quan báo chí ở nước ngoài. Đây cũng được cho là một phần lý do của câu chuyện ‘cắt hợp đồng’ của RFA được quan tâm nhiều trong những ngày qua.
Theo blogger Mẹ Nấm, mặt tốt của truyền thông nước ngoài là giúp cho những người yếu thế, hoặc những trường hợp không được đăng tin rộng rãi, có được tiếng nói mà chắc chắn không bao giờ xuất hiện trên báo chí truyền thống. Thế nhưng nếu không cẩn thận, truyền thông nước ngoài rất dễ bị ‘nghiêng’ sang ‘lề trái’ và mất đi tính độc lập của mình.
Dư âm của chuyện hai cơ quan báo chí tiếng Việt xử lý nhân viên hay cộng tác viên do những gì họ viết trên Facebook vẫn còn với một loạt câu hỏi chưa có câu trả lời.
Đây là đề tài của Bàn tròn thứ Năm ngày 10/9 từ 19:30-20:00 giờ Việt Nam tại http://bit.ly/1OuZKk7.
Sau khi đóng blog của ông Lê Diễn Đức, Đài Á châu Tự do, RFA, lúc đầu có thông báo trên Facebook mà theo đó ông Đức bị tố cáo viết có tính chất "quy chụp" và "gây ra mâu thuẫn, chia rẽ trong cộng đồng người Việt trong nước và Hải ngoại".
Nhưng sau đó RFA đã rút lại thông báo này.
Mặc dù vậy trang blog của ông Lê Diễn Đức trên RFA vẫn bị khóa.
Hiện không rõ lý do tại sao RFA không chỉ ngưng cho ông Lê Diễn Đức viết các bài mới mà còn dường như đã bỏ tất cả những blog ông từng viết trong nhiều năm qua với sự đồng ý của đài.
Và do RFA chưa ra tuyên bố gì chính thức sau khi bỏ thông báo trên Facebook, lý do đài ngưng hợp đồng với ông Lê Diễn Đức cũng chưa rõ ràng.
Blogger Hiệu Minh cũng có bài viết với tựa đề 'Chuẩn đúp của RFA tiếng Việt?' trong đó ông đặt câu hỏi về chuyện liệu có phải RFA cho phép chỉ trích chế độ cộng sản nhiều hơn so với chế độ Việt Nam Cộng hòa vốn nay đã không còn.
Trong khi đó ông Đức vẫn tiếp tục bảo vệ những gì ông viết trước đó trên Facebook.
Hôm 8/9 ông viết: "Nhưng hình ảnh thất bại cay đắng của VNCH, quân lính bỏ chạy toán loạn, vứt quân phục đầy đường là sự thật mà tôi mô tả trong status của tôi."
Về người sáng lập Việt Tân, tướng Hoàng Cơ Minh, ông Đức cũng viết:
"Ông Hoàng Cơ Minh bị bắn bị thương và tự sát năm 1987, nhưng Mặt trận (MT) vẫn tiếp tục thu tiền bà con hải ngoại để yểm trợ "kháng chiến" và 14 năm sau mới thực sự "cho" ông ta chết.
"Các cán bộ chủ chốt của MT bị đưa ra toà truy tố về tội gian lận tài chính, nhưng “được miễn tố” không phải vì các ông Dean Nakamura (Hoàng Cơ Định), Steven Nakashima (Nguyễn Kim Hườn) và Masuda (em vợ Định) vô tội mà trắng án.
"Vì hồ sơ tồn đọng đã quá hạn nên vụ trốn thuế của các ông này đã được Toà cho giải tỏa theo đạo luật “Speed Trial Act”. Dựa trên các sự kiện trên tôi cho rằng người ta đã lập "chiến khu" giả lừa gạt bà con lấy tiền không phải là không có cơ sở."
Tại báo Thanh Niên, ông Đỗ Hùng đã mất chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên nhưng cũng có tin nói ông vẫn được làm việc tại báo này.
Vài ngày sau khi ông Đỗ Hùng bị cách chức, trang mạng Petrotimes đăng bài liệt kê một loạt "những bài viết có nội dung sai trái, gây bức xúc trong cộng đồng suốt 2 năm qua" trên mạng xã hội của ông.
Các câu hỏi khác đã được đặt ra trong Bàn tròn thứ Năm bao gồm:
- Liệu vụ xử lý phóng viên mới nhất của Thanh Niên sẽ ảnh hưởng thế nào tới các nhà báo đang dùng mạng xã hội ở Việt Nam?
- Các nhà báo cần cân bằng những gì họ viết trên Facebook và trên trang web báo chí chính thức ra sao?
- Trong vụ liên quan tới blogger Lê Diễn Đức, Đài RFA có lý do xác đáng để bỏ blog của ông không?
- Ông Đức kiên quyết bảo vệ những gì ông đã viết và khẳng định ông không viết gì sai, không "mạ lị" ai? Có đúng vậy không?
- Có thể hiểu thế nào về điều được coi là 'sức ép của cộng đồng' đối với RFA và sức ép của lãnh đạo Cộng sản đối với báo chí ở Việt Nam?
Tham gia Bàn tròn thứ Năm từ Hà Nội, Blogger Đoan Trang nói cả hành động của Thanh Niên và RFA đều đã "hạn chế tự do ngôn luận."
Blogger Đoan Trang tham gia Hangout qua điện thoại từ Hà Nội
"Trong trường hợp của ông Đỗ Hùng, sự hạn chế ấy nó trắng trợn ... hơn, không dựa trên pháp luật.
"Còn trường hợp của ông Lê Diễn Đức va RFA, tôi không biết nó có dựa trên căn cứ pháp luật nước sở tại hay hợp đồng giữa RFA hay ông Lê Diễn Đức hay không."
Còn Tổng biên tập trang Đàn Chim Việt, bà Mạc Việt Hồng, người từng cùng làm việc với ông Đức trên trang web hiện bà đang quản lý nói:
"Theo quan điểm của tôi những điều anh Lê Diễn Đức phát biểu là quan điểm cá nhân của ấy thôi, và nó không đi ngược lại những giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại.
Bà Mạc Việt Hồng nói bà không đồng tình với cách hành xử của RFA |
"Theo tôi nó không cổ vũ cho bạo lực, không cổ vũ cho chiến tranh, không xúc phạm hay phân biệt đối xử với người đồng tính hay cổ vũ cho chủ nghĩa diệt chủng hay phân biệt chủng tộc gì cả.
"Theo quan điểm cá nhân của tôi, các tờ báo mà anh Đức cộng tác, và ngay cả BBC cũng vậy, bao giờ các anh chị cũng khẳng định rằng các bài viết là quan điểm riêng của tác giả, huống chi đây là anh Đức không viết trên tờ báo mà ở Facebook cá nhân thì theo tôi như vậy cách xử lý của RFA không được hợp lý lắm," bà Hồng nói.
Trong khi đó nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng có khác biệt giữa chuyện cách chức và tước thẻ nhà báo của ông Đỗ Hùng và chuyện đóng blog của ông Lê Diễn Đức:
"Các anh chị hoạt động báo chắc phải biết rằng ở Việt Nam có thẻ nhà báo thì anh có quyền và anh được pháp luật bảo vệ đến tất cả các nơi có thể tác nghiệp báo chí và nếu anh bị tước cái thẻ nhà báo ấy ... anh đã mất khả năng đi tác nghiệp mà nếu nhà báo mà không ra chiến trường, không vào mặt trận thì anh sẽ bị cản trở rất lớn.
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng ông Lê Diễn Đức đã "nhục mạ" những người theo ông Hoàng Cơ Minh và Việt Tân |
"Thế còn như trường hợp của anh Lê Diễn Đức thì rõ ràng rằng anh ấy cũng chỉ là một cộng tác viên của RFA và việc anh ấy có thể hợp tác, có thể viết bài ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào khác, hoàn toàn không bị hạn chế."
Ông Thắng cũng có ý nói ông Đức đã đưa ra những "sự việc không có bằng chứng với những lời lẽ khẳng định như vậy là sự vu cáo, là sự nhục mạ có chủ ý. Tôi không chấp nhận chuyện ấy."
Nhà hoạt động này cho rằng ông Đức đã "nhục mạ" những người ủng hộ ông Hoàng Cơ Minh và những người ủng hộ Đảng Việt Tân.
Nhìn từ Hoa Kỳ, nhà báo Trần Đông Đức, người phụ trách tờ Người Việt Đông Bắc, nói:
"Cái kiểu viết [của ông Lê Diễn Đức] nó cũng hơi ác ý. Ngay cả tờ Người Việt Đông Bắc cũng thỉnh thoảng đăng bài của anh Lê Diễn Đức nhưng mà lúc đó tôi cũng định gọi báo Người Việt tôi nói 'Này, lần sau đừng có [dùng] bài của ông Lê Diễn Đức, bây giờ nhiều độc giả ghét ông ấy.'
"Tại vì tờ báo của mình cũng mang tính chất là tờ báo thuộc về cộng đồng hải ngoại."
Ông Trần Đông Đức nói RFA có thể chịu sức ép từ cộng đồng và Việt Tân |
Ông Đức nói ông cũng có hợp đồng với RFA như ông Lê Diễn Đức và bình luận thêm:
"Giữa Đảng Việt Tân và Đài RFA, thì bên Việt Tân họ rất giỏi về social media [mạng xã hội], rất nhiều lần tôi tham dự thì tôi thấy bà Libby Liu [Tổng Giám đốc RFA] nói chuyện với Đỗ Hoàng Điềm thì hai bên cũng đều là đối tác.
"Anh Lê Diễn Đức anh ấy cũng có cái ác ý nào đó thì cái chuyện này nó va chạm cũng nhiều lần rồi.
"Sau đó tôi cũng tìm hiểu, cũng biết anh Khanh, cũng tìm hiểu thì anh ấy cũng không dám nói, không phải không dám nói mà anh ấy không xuất hiện, anh ấy không nói gì.
"Mấy người nói là khi chuyện xảy ra thì anh Khanh cố tình anh giàn xếp riêng, thì khi mà anh Lê Diễn Đức anh ấy đưa lên Facebook thì tự nhiên anh ấy thành nổi tiếng chung với anh Đỗ Hùng luôn."
Liên quan tới điều được coi là 'sức ép' đối với RFA, ông Đức nói:
"Nó có hai vấn đề. Vấn đề trước tiên là sức ép của bên Việt Tân.
"Tôi nghĩ chắc chắn là Việt Tân sẽ phản ứng rất là mạnh.
"Và thứ hai nữa, khi mà ông Lê Diễn Đức ông ấy đồng hóa chuyện đó với chuyện thất bại của Việt Nam Cộng hòa, ngay cả tôi, tôi rất là dửng dưng với Việt Tân, nhưng cũng thấy chua xót."