Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

Tổ chức chính trị người Việt hải ngoại (2)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn  Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

3 Tháng 11, 2015 - propublica

Terror in Little Saigon

Chiến tranh cũ đến với miền đất mới

Tác giả: A.C. Thompson, ProPublica
Ngày 3 Tháng 11, 2015
với sự hợp tác của Frontline

Giới Thiệu

Một nhóm nhà báo, từng người một, đã bị ám sát trên đất Mỹ.

Dương Trọng Lâm là người đầu tiên. Lúc ấy ông 27 tuổi và đang phát hành một tờ báo Việt ngữ mang tên Cái Đình Làng. Ông gửi báo này đến tay người Việt nhập cư trên khắp nước. Vào một buổi sáng tại San Francisco, vừa lúc ông rời căn hộ của mình, một tay súng đã tìm thấy và bắn ông chết tại chổ với một viên đạn duy nhất xuyên động mạch, ngay bên trên trái tim.

Còn đối với nhà xuất bản tạp chí Phạm Văn Tập thì sự kết thúc của cuộc đời ông đến với ông chậm hơn. Ông đang ngủ trong văn phòng nhỏ của mình tại Garden Grove, California, khi một kẻ chủ mưu phóng hỏa tòa nhà. Có người nghe tiếng ông gào thét kêu cứu trước khi qua đời do ngạt khói.

Xem phim Khủng Bố ở Little Saigon trên trang Frontline.

Hãy Giúp Chúng tôi Điều tra

Giữa năm 1981 và 1990, năm nhà báo người Mỹ gốc Việt đã bị thiệt mạng trong hoàn cảnh mà FBI nghi ngờ là một chuỗi ám sát mang tính chính trị. Không giống như các cuộc tấn công bạo lực nhắm vào nhà báo khác, những vụ giết người này đã thu hút được khá ít sự chú ý.

Bạn biết gì đó về những vụ giết người này hay chăng? Hãy gửi thông tin hoặc manh mối cho chúng tôi.

Tại Houston, một sát thủ đuổi theo Nguyễn Đạm Phong từ nhà của ông khi ông vẫn còn trong bộ đồ ngủ và bắn ông bảy lần với khẩu súng lục cỡ nòng 0.45 in. Vụ ám sát này đã đánh dấu sự kết thúc của tờ báo khổ rộng phát hành một tháng hai lần, tờ báo mà Đạm Phong đã đặt tên là Tự Do.

Tổng cộng là năm nhà báo người Mỹ gốc Việt đã thiệt mạng từ năm 1981 đến năm 1990. Họ đã làm việc cho các ấn phẩm nhỏ phục vụ dân tị nạn đang sống tại Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975. Ít nhất hai người khác cũng đã bị giết chết tương tự.

Các đặc vụ của Cục Điều tra Liên Bang (FBI) tin rằng việc ám sát các nhà báo, cùng với những vụ đánh bom lửa và đánh đập, là hành vi khủng bố theo lệnh của một tổ chức gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam, được các cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam lãnh đạo. Theo tài liệu FBI cho thấy, các chuyên gia điều tra giả thuyết rằng Mặt Trận đã đe dọa hoặc giết những ai chống đối công việc của họ, và thậm chí đôi khi chỉ đơn giản là những người có thiện cảm với Cộng sản Việt Nam. Nhưng FBI không thực hiện một vụ bắt giữ nào liên quan đến các vụ giết người hoặc tội phạm khủng bố này, và vụ án này chính thức ngừng điều tra cách đây hai thập niên.

Các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các nhà báo thường được coi như một hình thức kiểm duyệt tàn bạo, và kết quả chúng mang đến thường là sự phẫn nộ và thương xót trong cộng đồng. Vài tháng sau khi phóng viên Don Bolles từ Arizona bị ám sát vào năm 1976, một nhóm gần 40 phóng viên từ khắp nước đã đồng lòng tiếp nối công việc đưa tin của ông về tội phạm có tổ chức, và hành động đó được xem như là một tuyên bố hết sức quan trọng về tự do ngôn luận. Nghi phạm trong vụ ám sát này cuối cùng cũng được xác định và bị kết án. Vụ xả súng và giết hàng loạt chuyên viên tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Pháp đã sinh ra nhiều buổi cầu nguyện và biểu tình trên khắp thế giới.

Năm ngoái, khi Nhà nước Hồi Giáo Iraq và Levant (ISIS) giết chết phóng viên chiến trường James Foley, Tổng thống Obama ca ngợi ông “là người đã can đảm tường thuật những câu chuyện về nhân loại,” và hứa sẽ truy tìm và trừng trị kẻ giết ông ta.

“Tầm với của chúng tôi rất rộng lớn,” Tổng thống Obama nói. “Chúng tôi kiên nhẫn. Công lý sẽ được thực hiện.”

Các gia đình của nhóm nhà báo Mỹ gốc Việt bị ám sát đã từ lâu từ bỏ hy vọng nhìn thấy công lý được thực thi. Đến nay họ vẫn vô cùng thất vọng và mơ hồ. Họ mong đợi rất nhiều từ chính phủ mà họ đã lựa chọn cho chính mình, được phấn khích bởi lời hứa về tự do và tin vào sự can đảm trong nhiệm vụ theo đuổi sự thật.

Đầu năm 2014, ProPublica và Frontline đã tái mở cuộc điều tra này. Chúng tôi đã thu được hàng ngàn trang tài liệu của FBI mới được giải mật, cũng như những thông tin từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và các hồ sơ nhập cư. Chúng tôi phát hiện thêm những manh mối cũng như nhân chứng mà trước đây FBI hoặc chính quyền địa phương chưa phỏng vấn - trong đó có cựu thành viên của Mặt Trận, những người mà đã cho chúng tôi biết rằng Mặt Trận có vận hành một đơn vị ám sát bí mật ở Mỹ. FBI đã theo đuổi manh mối này trong nhiều năm nhưng chưa đưa ra chứng minh thuyết phục.

Mặt Trận đã công khai quyên tiền ở Mỹ để khởi động lại chiến tranh Việt Nam. Họ còn thực hiện ba chuyến xâm lược không thành công từ biên giới của Thái Lan và Lào. Báo cáo của chúng tôi cho thấy các quan chức tại Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, CIA và FBI biết về hoạt động quân sự của Mặt Trận trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng chính quyền liên bang vẫn không hành động để thực thi Đạo luật Trung lập (Neutrality Act), tức là ngăn cấm không cho công dân Mỹ thực hiện những nỗ lực nhằm lật đổ một chính phủ nước ngoài.

Ở Pearland, Texas, bên ngoài thành phố Houston, có một nghĩa trang mọc dày những cây thông và cây sồi cao. Gần phía sau của khu nghĩa địa, kế một con suối, là bia mộ của Nguyễn Đạm Phong. Cỏ dại đã bao phủ tấm bia nhỏ hình chữ nhật. Một bông hồng duy nhất, khô héo và đen màu, nằm yên trong chiếc bình kim loại.

Nhưng những chữ được khắc vào tấm bia cẩm thạch khoảng 33 năm về trước vẫn còn đó: Bị ám sát trong lúc theo đuổi sự thật và công lý thông qua báo chí.

Hôm nay, ProPublica và Frontline, ở đây và trong phim tài liệu truyền hình “Khủng bố ở Little Saigon,” kể câu chuyện về một thế lực của sự hăm dọa và giết người mà không một ai chịu trách nhiệm.

Phần I: Mặt Trận

Ông tên là Hoàng Cơ Minh. Ông có một mái tóc rối, màu than đen và một bộ ria mép hình con sâu bướm. Lúc ấy năm 1983, ông Minh đã đến dự một hội nghị rất đông người ở Washington, DC, để thông báo với mọi người rằng: Ông có ý định chiếm lại Việt Nam.

Ông Minh, một cựu sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam, nói với đám đông là ông đã xây dựng một lực lượng nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội và giải phóng quê hương mình từ sự cai trị độc tài toàn trị của Cộng sản.

Đám đông khán giả — là hàng ngàn người tị nạn Việt Nam đã trốn khỏi đất nước sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975 — vở òa trong vui mừng, và một số trường hợp, khóc trong niềm vui. Trong bộ đồ đen và chiếc khăn kẻ sọc dài quấn quanh cổ, ông Minh xúc động mỉm cười trước phản ứng ngây ngất của khán giả. Video của sự kiện này cho thấy ông đưa hai tay lên vẫy chào như một nguyên thủ quốc gia.

Ông Minh đã bắt đầu tập hợp đội quân du kích vài năm trước đó. Đội quân này mang tên Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam. Nhóm này đã thành lập một căn cứ ở những vùng hoang dã của khu vực Đông Nam Á — một địa điểm bí mật trong tầm tấn công nhằm vào Việt Nam — và xây dựng một mạng lưới chi hội khắp nước Mỹ để quyên tiền cho cuộc xâm lược sắp tới.

Mạng lưới chi hội ở Mỹ này dường như đã thành lập một tổ chức, có thể được xem như là một mặt trận thứ hai, và mặt trận này được căn cứ ở Mỹ: các thành viên Mặt Trận sử dụng bạo lực để bịt miệng những người Mỹ gốc Việt nào mà dám nghi ngờ mục tiêu và mục đích chính trị của họ. Việc kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Cộng sản Việt Nam là đủ để bị đánh đập hoặc, trong một số trường hợp, hưởng một bản án tử hình.

Các đặc vụ FBI sau đó mở một cuộc điều tra khủng bố trong nước nhắm vào các hoạt động của Mặt Trận. Hàng ngàn trang hồ sơ FBI mới được giải mật mà ProPublica và Frontline thu được cho thấy các đặc vụ đã nghi ngờ rằng nhóm ông Minh đã dàn dựng những vụ ám sát vào các nhà báo Việt-Mỹ, cũng như một loạt các cuộc phóng hỏa, đánh đập và dọa giết khác.

Trong một bản ghi nhớ mà trước đây chưa hề được công bố, một chuyên gia điều tra FBI mô tả đơn giản là: Mặt Trận đã “thực hiện một chiến dịch nhằm dập tắt tất cả các phe đối lập.”

Phạm vi của những hành vi bị nghi ngờ là khủng bố này rất rộng lớn. Các nhà báo bị giết ở Texas, California và Virginia. Một chuỗi các vụ đốt cháy trải dài từ Montreal đến Quận Cam, California. Những lời đe dọa ám sát đã được gởi đến các cá nhân, gia đình và doanh nghiệp trên cả nước. Và nhóm điều tra tin rằng Mặt Trận cũng gửi ra thông cáo nhận trách nhiệm cho những tội ác này.

Cho đến bây giờ, khoảng 30 năm sau, FBI vẫn chưa bắt giữ một ai liên quan đến các hành vi bạo lực hoặc khủng bố này, chưa nhắc đến buộc tội và kết án họ. Lần này qua lần khác, cảnh sát địa phương đã khởi hành những cuộc điều tra để rồi kết thúc vô kết quả. FBI lặng lẽ đóng cuộc điều tra của mình vào cuối năm 1990, và biến nó thành một trong những vụ khủng bố trong nước chưa được giải quyết đáng chú ý nhất.

Để dựng lại chương lịch sử này, mà phần lớn của nó đa số người Mỹ không biết đến, ProPublica và Frontline đã thu được và xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ vụ án từ FBI, cũng như hồ sơ từ các cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở Houston, San Francisco và các vùng ngoại ô Washington, DC. Chúng tôi đã tìm đến các cựu cảnh sát điều tra, đặc vụ liên bang và công tố viên, cũng như một số người được cho là nghi phạm. Chúng tôi cũng đã phỏng vấn một số cựu quan chức chính phủ và quân sự Mỹ, Việt Nam và Thái Lan.

Đồng thời chúng tôi cũng đã tìm và nói chuyện với hơn hai mươi cựu thành viên Mặt Trận. Chúng tôi đã theo đuổi một số cựu chiến binh Mặt Trận và sang Thái Lan để gặp những cựu du kích quân người Lào, những người mà đã từng chiến đấu bên cạnh họ. Cuối cùng, chúng tôi đã trò chuyện rất lâu với các gia đình của những người đã mất, và với những cá nhân đã bị bắn hoặc đánh đập. Một số nạn nhân chưa bao giờ công khai kể chuyện của mình - vì họ vẫn sợ hoặc vì họ đã tuyệt vọng với cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Cuộc điều tra của chúng tôi bóc trần sự thất bại của chính quyền trong nổ lực hạn chế bạo lực của Mặt Trận, và cho thấy rằng hiện đang có những manh mối đầy hứa hẹn để theo đuổi nếu FBI hoặc ai khác quyết định mở lại vụ án. Thông tin mới bao gồm nhiều lời chia sẻ từ các cựu thành viên Mặt Trận, những người mà chưa bao giờ nói chuyện với cơ quan thi hành pháp luật, và một trong số họ đã thừa nhận rằng Mặt Trận là người đã giết hai trong số các nhà báo. Hồ sơ và tài liệu phỏng vấn cho thấy ông Minh, với mục đích trừng trị và đặt kỷ luật lên quân đội của mình, đã ra lệnh giết chết cả quân binh trong nhóm của ông, có thể là khoảng 10 người. Những nạn nhân bị giết có thể bao gồm công dân Mỹ gốc Việt, và điều này đã cho phép cơ quan FBI điều tra các tội ác liên quan.

ProPublica và Frontline có mời lãnh đạo đương nhiệm của FBI thảo luận về cuộc điều tra nhắm vào Mặt Trận của họ. James Comey, giám đốc FBI, từ chối không phỏng vấn, và các chuyên gia điều tra khủng bố trong nước cũng từ chối. FBI cũng không trả lời một loạt các câu hỏi chi tiết về những gì họ đã làm và chưa làm trong suốt nhiều năm điều tra. Thay vào đó, họ đã ban hành một tuyên bố:

“Vào đầu năm 1980, FBI đã phát động một loạt các cuộc điều tra về các vụ tấn công bị cáo buộc_ có động cơ chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Mặc dù ban đầu các vụ án này được điều tra như là các vụ án riêng biệt thông qua nhiều chi nhánh, cuối cùng chúng đã được hợp lại thành một vụ án lớn, được chỉ định với mã danh ’VOECRN,’ theo lệnh của giám đốc lúc đó là Louis Freeh. Những vụ án này được các chuyên gia FBI giàu kinh nghiệm dẫn dắt. Họ đã thu thập bằng chứng và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn, đồng thời làm việc chặt chẽ với nhóm luật sư của Sở Tư Pháp để xác định những tội phạm đã gây ra các tội ác này và thực thi công lý cho mọi nạn nhân. Bất chấp những nỗ lực đó, sau 15 năm điều tra, các quan chức Sở Tư Pháp và FBI kết luận rằng, cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng để truy tố.”


Báo cáo tóm tắt của FBI về những tội ác khủng bố.

Phát ngôn viên của các cơ quan chính phủ khác với nhân thức về sự tồn tại của Mặt Trận đã không đưa ra lời bình luận.

Ông Minh cuối cùng đã thực hiện và thất bại trong ba cuộc xâm nhập vào Việt Nam và qua đời vào năm 1987 trong lúc phát động một trong những cuộc xâm nhập ấy. Mặt Trận, sau một thập niên kéo dài từ 1980 đến 1991 bị nghi ngờ là có hoạt động khủng bố, cũng bị chia rẽ nội bộ và dần dần mất uy tín. Một số nhà lãnh đạo của Mặt Trận đã qua đời; một số đang sống rải rác kắp nơi trên đất nước, đã về hưu từ nghề bác sĩ, chủ nhà hàng hoặc nhân viên quận hạt.

Trong các cựu thành viên Mặt Trận mà ProPublica và Frontline phỏng vấn, một số khẳng định rằng tổ chức không bao giờ tham gia vào bất cứ hành động bạo lực nào tại Mỹ.

“Không bao giờ. Không bao giờ,” Phạm Tố Thư, một cư dân Houston mà theo ông đã tham gia tổ chức trong thời gian đầu, khẳng định như vậy. Kẻ thù của nhóm, ông nói thêm, “lan truyền tin đồn về chúng tôi.”

Lâu lâu các cựu lãnh đạo Mặt Trận tham gia các sự kiện tưởng niệm, họp mặt, hoặc các cuộc biểu tình mà vẫn kêu gọi lật đổ chế độ ở Hà Nội. Họ hòa mình với những người đàn ông trong bộ quân phục mới. Không khí tại các sự kiện này mang đầy niềm tự hào và uất hận, cay đắng và thách chiến.

Trang Q. Nguyễn, nhà đồng sáng lập của Little Saigon TV và Radio ở Quận Cam, California, cho biết những nỗ lực của Mặt Trận nhằm đe dọa các nhà báo không phải là chuyện mới trong giới truyền thông Việt-Mỹ. Và cô ấy nói rõ ràng về lý do tại sao cô ấy nghĩ rằng nhóm này đã có thể trốn tránh các cơ quan chức năng: “Mọi người đều sợ hãi.”


Giống như nhiều người Việt đã trốn sang Mỹ trong hậu quả chiến tranh, Hoàng Cơ Minh cảm thấy mình mất đi địa vị khi ông đến đất nước này.

Ông là một người đàn ông có học, được đào tạo tại trường luật của Đại Học Sài Gòn và học viện hải quân Nam Việt Nam, và, sau đó, năm 1960, tại Naval Postgraduate School ở Monterey, California. Trong chiến tranh, ông đã chỉ huy một tàu quét mìn ven biển, trọng tải 370 tấn với thủy thủ đoàn gần 40 thủy thủ. Ông giữ cấp bậc thiếu tướng hải quân trong Hải quân Nam Việt.

Richard Armitage, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, là người đã làm việc chặt chẽ với hải quân miền Nam Việt Nam trước khi thăng tiến đến một vị trí cao cấp trong Bộ Quốc Phòng Mỹ vào năm 1980, biết ông Minh rất rõ và gọi ông là “người lính chiến đấu có danh tiếng.”

Nhưng đến năm 1975, ông Minh không còn tổ quốc, hay một Hải quân để giúp chỉ huy. Ông ra đi sang Mỹ vào ngày Sài Gòn rơi vào Bắc Việt. Khi ông đến Mỹ, hồ sơ nhập cư cho thấy, ông có $200 trong một tài khoản ngân hàng Hàn Quốc, một thẻ vàng nhỏ, và một vài chiếc nhẫn rẻ tiền. Ông đã rơi vào hoàn cảnh cơ cực.

Bên cạnh ông Armitage, ông Minh đã có một số bạn bè có thế lực: ông James Kelly, một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, người mà đã phục vụ chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush dưới vai trò giám đốc cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia, đã mời gia đình ông Minh đến sống với ông tại ngoại ô Virginia, bên ngoài Washington. Nhưng cuộc sống mới của ông Minh ở Mỹ vẫn bắt đầu một cách khiêm nhường. Ông làm vườn cho những chủ nhà ở ngoại ô và sau đó làm thợ sơn nhà.

Việc định cư trên đất khách ít khi không khó khăn. Nhưng đoàn người Việt đến Mỹ với con số hàng trăm ngàn người trong những năm 1970 không phải là những người di cư kinh tế để tìm kiếm việc làm và điều kiện sống tốt hơn. Họ là dân tị nạn của một cuộc chiến tranh tàn bạo đã giết chết khoảng 3 triệu người. Họ đã bị buộc phải lựa chọn giữa cuộc sống lưu vong hoặc sống dưới sự cai trị khắc nghiệt của Cộng sản.


Ông Hoàng Cơ Minh cho mình là người "vô tổ quốc" khi ông đến Mỹ.

Cuộc di cư diễn ra trong một quy mô độ Kinh Thánh, trên những con tàu quá tải và trong các trại tị nạn khốn khổ, tất cả đều ghi nặng những khuôn mặt đầy sợ hải.

Nhiều người ở lại Việt Nam phải đối diện với cái chết hoặc bị đưa vào trại cải tạo của Cộng sản, nơi thực phẩm thì khan hiếm mà hành hạ thể chất thì vô kể. “Bên Cộng sản nắm trong tay danh sách những ai đã từng hợp tác với Mỹ. Những người đó được cho là kẻ phản bội,” một lính bộ binh Nam Việt kể lại trong cuốn lịch sử truyền miệng “Tears Before the Rain (Nước Mắt Trước Khi Mưa).” Họ “đã bị bắn ngay lập tức, ngay trên đường phố,” ông nói. “Cộng sản không hề có lòng thương xót.”

Mỗi làn sóng tị nạn mang theo nó nhiều câu chuyện kinh hoàng về hoàn cảnh ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chính phủ Hà Nội tái tạo quốc gia. Đến thập niên 1980, đã có khoảng 400.000 người Việt ở Mỹ, sống tụ tập ở những nơi như San Francisco, San Jose, Houston, New Orleans, Northern Virginia và Quận Cam, California. Mang nặng vết thương, những cộng đồng mới này, thường mang tên chung là Little Saigon, hoặc Sài Gòn Nhỏ, đã chứng minh rằng khả năng phục hồi của họ rất phi thường, và theo thời gian, thậm chí sôi động đến tuyệt vời. Nhưng trong những năm đầu tiên, họ là những người phải đứng ngoài vòng thông tin: bất lợi trước bất đồng ngôn ngữ, đau thương cho quê hương của họ, và khao khát được giành lại tự do.

Ông Minh nhận ra sự khao khác đó, chia sẻ nó và bắt đầu thiết lập và phát triển một kế hoạch để đáp ứng tâm lý đó. Sau khi từ bỏ công việc sơn nhà của mình ở Virginia, đến năm 1981 thì ông đã chuyển đến Fresno, California. Trên giấy tờ nhập cư, ông khai rằng ông đã tìm được công việc mới với một tổ chức cứu trợ người tị nạn. Có hay không việc ông đã từng tham gia vào tổ chức này, ông Minh chắc chắn đã dành nhiều năm sinh hoạt trong giới cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam và với những người mong muốn tái chiến lấy lại Việt Nam. Và trong những sinh hoạt đó, ông dường như đã lấy lại được một phần tầm vóc của vai trò cũ của mình.

“Tôi đã có một sự tôn trọng rất sâu sắc đối với ông ấy”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu quan chức cấp cao của Mặt Trận cho biết. Một cựu thành viên khác khen ông Minh “thông minh” và “dũng cảm.”

Và khi một tập thể lỏng lẻo gồm những người đàn ông nuôi khát vọng được trở về quê hương của họ liên kết với nhau để thành lập Mặt Trận, ông Minh đã trở thành lãnh đạo của họ. Ông đã tận tâm đào luyện một nhóm ủng hộ nhỏ, và trong vòng hai năm, ông đã sẵn sàng đưa thông điệp của mình rộng rãi hơn đến cộng đồng người Việt tại Mỹ.

“Chúng tôi quyết tâm đứng dậy để lật đổ các đầu sỏ Việt Cộng đang cầm quyền” là lời của một mẫu tuyên truyền lúc Mặt Trận sơ khởi. Mục đích của Mặt Trận là tạo ra một quốc gia “nhân văn, tự do và dân chủ.” Để làm được điều đó, tài liệu phỏng vấn và hồ sơ FBI cho thấy, Mặt Trận đã lập ra một mưu tính đạo đức mang bản chất không nương tay. Họ tin là các thành viên trong tổ chức của họ có lý do chính đáng trong việc thực hiện hầu hết bất cứ hành động nào để có thể thúc đẩy mục tiêu đấu tranh của họ.

Ông Minh có một tầm nhìn lớn cho quân đội mà ông muốn xây dựng. Mặt Trận không chỉ tuyển dụng tại Mỹ, mà đồng thời cũng sử dụng mạng lưới liên lạc giữa các quan chức chính phủ và quân đội niềm Nam Việt Nam để thu hút những người lính tình nguyện từ hàng ngũ người tị nạn ở châu Á và Australia.

Sau một thời gian, ông Minh đã đoạt được một mảnh đất trong khu rừng Đông Bắc Thái Lan để thiết lập căn cứ bí mật. Kế hoạch là tân binh của Mặt Trận sẽ sống tại căn cứ, tập huấn và hoạch định chiến lược. Khi thời cơ đến, họ sẽ nhập vào Việt Nam và thực hiện một chiến dịch du kích, kết nối với các đảng phái chống cộng trong nước, và lan rộng cuộc nổi dậy từ làng này qua làng khác. Cuối cùng, chính quyền Hà Nội sẽ sụp đổ y hệt như Sài Gòn.

Giống như bất kỳ quân đội nào, các phiến quân cần một hậu cần vững mạnh có thể cung cấp cho căn cứ tất cả các nhu cầu thiết yếu trong việc chiến đấu. Vũ khí. Đạn dược. Thực phẩm. Thuốc chữa bệnh. Đồng phục. Máy móc truyền thông.


Lính Mặt Trận huấn luyện ở Thái Lan. (Nguồn từ Đỗ Thông Minh)

Để tiếp tục trang bị cho các chiến binh, ông Minh và đồng sự của ông đã tạo ra một bộ máy gây quỹ rất tinh vi ở Mỹ. Bộ máy này bắt đầu với những chi hội của Mặt Trận trên khắp nước. Những thành viên cam kết đóng góp tài chính cho chi hội, thường là hàng tháng. Mặt Trận bắt đầu xuất bản một tạp chí tên là Kháng Chiến để truyền bá tin tức về cuộc nổi dậy của họ và mang về nhiều quỹ đóng góp hơn nữa. Họ thậm chí còn mở một chuỗi các nhà hàng phở để tạo ra doanh thu.

Những cựu chiến binh dày kinh nghiệm bắt đầu kéo về Mặt Trận. Đối với những người lính và thủy thủ miền Nam Việt Nam, chiến tranh đã để lại nhiều đau thương, nhưng nó cũng cho họ một ý thức sâu sắc về mục đích và tình anh em thân thiết. Lúc bấy giờ số nhiều trong nhóm cựu chiến binh này thấy mình trôi dạt ở Mỹ, làm những công việc cực nhọc, tầm thường trên đất khách xa lạ. Đối với họ, ý tưởng về việc khởi dậy cuộc chiến chứa đựng sự thu hút về cảm xúc một cách sâu sắc. Một nhà báo tham dự một số đại hội của Mặt Trận trong đầu những năm 1980 đã mô tả những sự kiện này như “siêu thực” với một cảm giác ngây ngất gần như tôn giáo.

Một trong những thành viên sáng lập của nhóm, Đỗ Thông Minh, đã giúp phác thảo sơ đồ tổ chức Mặt Trận trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ở trên cùng là ông Hoàng Cơ Minh, người điều hành hoạt động từ căn cứ của Mặt Trận ở Thái Lan và liên lạc với những trung úy của mình trên toàn thế giới thông qua người đưa thư và các thông điệp được mã hóa. Phó của ông, một anh hùng chiến tranh Việt Nam tên là Lê Hồng, cũng đã giúp chỉ đạo các tân binh của Mặt Trận ở Thái Lan. Một người đàn ông khác lo việc giám sát các hoạt động phát thanh của Mặt Trận. Những thông điệp khởi nghĩa được phát sóng đến Việt Nam từ một trạm phát sóng tại Thái Lan.

Tại Mỹ, một ủy ban điều hành khoảng 10 người lo việc gây quỹ và quảng bá. Được dẫn dắt bởi một cựu đại tá trong quân đội miền Nam Việt Nam, ủy ban này thành lập những chi hội Mặt Trận ở châu Âu và Canada, cũng như Úc và châu Á.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã đảm trách vai trò của một nhà điều hành và phát ngôn viên hàng đầu của Mặt Trận. (Nguồn từ Frontline)

Để tạo sự phấn khích – và gia tăng tài chính đóng góp – bộ phận tuyên truyền của Mặt Trận đưa ra những hình ảnh của ông Minh và binh lính của mình trong quân phục, đang chuẩn bị cho cuộc chiến tại căn cứ bí mật. Một cuốn tài liệu nhỏ in hình của những quân lính vừa mới hoàn thành lớp luyện quân cơ bản. Họ quỳ, súng của họ dơ cao. Những người lính này đã cam kết “cống hiến toàn bộ cuộc đời của họ để giải phóng Việt Nam.”

Ở Mỹ, những thành viên Mặt Trận trung thành bắt đầu mặc đồng phục màu sô-cô-la, áo cài nút và quần kaki; họ được biết đến dưới tên “áo nâu” trong cộng đồng người Việt, một mạnh danh mang tính dội lại lịch sử mà một số người cho rằng đáng sợ. Họ thường xuyên tổ chức các đại hội và dựng lên các cuộc biểu tình chống chế độ Hà Nội.

Đoàn áo nâu cũng ủng hộ quân đội bằng cách quyên tiền. Họ thúc giục những chủ doanh nghiệp Việt-Mỹ đóng góp tiền cho Mặt Trận và đặt thùng quyên góp tại cửa hàng và nhà hàng của họ. Một số chủ cửa hàng cảm thấy rằng Mặt Trận đã ép họ đóng góp tiền và đã khiếu nại với FBI.

Theo một bản ghi nhớ của FBI, một ví dụ là những đặc vụ ở San Francisco đã nhận được thông tin cho biết Mặt Trận sử dụng phương pháp “tống tiền và những cách bất hợp pháp khác trong việc thu và quyên tiền.” Một báo cáo của FBI khác ước tính rằng những nỗ lực quyên tiền đã mang lại cho Mặt Trận “vài triệu đô la.”

Một số người Mỹ gốc Việt bắt đầu đặt câu hỏi là tất cả số tiền đó đi về đâu. Nó có thực sự được sử dụng để cung cấp cho quân đội hay không?

Điều đó, họ đã học, là một câu hỏi mà họ không nên hỏi.


Lúc đó khoảng 11:20 tối ngày 22 tháng 9 năm 1990, khi Lê Triết đậu xe vào sân nhà mình ở Baileys Crossroads, Virginia, bên ngoài Washington, D.C. Ông Triết, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất trong cộng đồng người Việt, mới trở về nhà từ một bữa tiệc tối với vợ.

Một tràn đạn 0,380 in. làm vở tan cửa sổ xe hơi của họ. Trong khoảnh khắc, ông Triết và phu nhân, Đặng-Trần Thị Tuyết, đã từ trần.

Các nhà điều tra sau đó giả thuyết rằng hai kẻ giết người bằng súng lục tự động đã theo dõi vợ chồng ông ấy đến tận căn nhà một tầng khiêm tốn của họ. Theo các đặc vụ FBI, nó giống như một vụ giết người chuyên nghiệp.

Ông Triết, người phụ trách chuyên mục cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, một tạp chí nổi tiếng được phát hành hàng tháng, pha trộn sự uyên bác với giọng điệu chua chát. Những bài viết của ông bình luận thơ ca và văn học, những tranh cãi trong cộng đồng người Việt, và thường nói lên thái độ khinh thị của ông đối với Mặt Trận. Mặc dù ông Triết kiên quyết chống Cộng sản, ông đã hoài nghi Mặt Trận và lãnh đạo của họ. Ông tin rằng tổ chức này quan tâm đến việc quyên tiền nhiều hơn là thực sự lật đổ chính quyền Hà Nội, và thường xuyên chỉ trích Mặt Trận trên tạp chí.

Trong một bài báo ông thẳng thừng cáo buộc những lãnh đạo Mặt Trận đã gây nguy hiểm cho binh sĩ của họ. “Trò hài này sẽ kết thúc trong một bi kịch,” ông viết.

Tài liệu FBI ghi rõ rằng Mặt Trận đã bị xúc phạm, và đã đe dọa ông Triết. Hồ sơ cho thấy nhà báo này đã bắt đầu mangtheo người một khẩu súng lục cỡ nòng 0,22 in. và thường thay đổi lộ trình lái xe của mình. Một thời gian ngắn trước khi ông Triết bị ám sát, ông đã gặp các nhà lãnh đạo Mặt Trận ở một ngôi nhà ở Frederick, Maryland, theo hồ sơ FBI và các cuộc phỏng vấn cho biết. Các nhà lãnh đạo Mặt Trận đã cố gắng thuyết phục ông ngừng chỉ trích tổ chức trên tạp chí. Ông từ chối.

Báo, tạp chí và bản tin đã trở thành nguồn đọc thiết yếu cho cộng đồng tị nạn Việt Nam mới nổi. Đối với các nhà xuất bản cũng như người đọc, các ấn phẩm ban đầu mang lại hương vị ly kỳ của cuộc sống trong một xã hội dân chủ.

“Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có một nền báo chí tự do,” Jeffrey Brody, một giáo sư truyền thông tại Đại học California State University ở Fullerton, nói. Ông Brody, người chuyên viết về Little Saigon cho tờ báo Orange County Register, ý kiến rằng đối với các phóng viên người Việt đến Mỹ trong những năm 1970 và 1980, “đó là một ‘Wild West’ của tự do, của cơ hội để nói lên những gì mình muốn.”

Một số doanh nhân mang kỳ vọng trở thành thế lực trong giới truyền thông. Một số người khác cho rằng nhiệm vụ của họ nằm trong sự vị tha. Phần lớn của dân nhập cư lúc đó vẫn đang học tiếng Anh, rất cần các nguồn tin tức bằng tiếng Việt. Những ấn phẩm mới nổi ra đời là một nguồn thông tin và hướng dẫn rất quan trọng đối với những ai đang học cách hòa nhập vào nền văn hóa mới.

Đối với Mặt Trận, các phương tiện truyền thông Việt-Mỹ có thể là khá hữu ích. Nếu họ muốn thu hút người dân đến dự các sự kiện và thuyết phục mọi người tài trợ cho các cuộc chiến tranh du kích, họ cần báo chí Việt ngữ để truyền bá thông điệp và công bố những lời kêu gọi.

Nhưng các nhà báo cũng có thể là một mối đe dọa, và một vài người trong số họ, bao gồm ông Triết, đã chỉ trích những chiêu trò gây quỹ của Mặt Trận và đặt câu hỏi rằng liệu số tiền này có thực sự được dùng để cung ứng cho quân đội hay không. Họ đòi được kiểm soát kế toán kỹ lưỡng các khoản đóng góp. Họ không tin tuyên bố của ông Minh là ông đã thành lập một đội quân 10.000 người, và họ nói với độc giả rằng con số thực tế chắc chắn thấp hơn nhiều.

Các hồ sơ FBI, được các chi nhánh trên khắp nước ghi lại, có rất nhiềunhững ghi chép mô tả những gì đã xảy ra khi các nhà báo chỉ trích Mặt Trận: đe dọa, hà hiếp và bạo lực. Một thông cáođã hăm dọa giết một ký giả và bốn nhà xuất bản mà đã đăng những bài viết của ông. Một danh sách khủng bố được gửi đến giới truyền thông Việt ngữ xác định tên tuổi của năm nhà báo đã từng chỉ trích Mặt Trận. Nó gán họ là “những kẻ phản bội” và tuyên bố rằng họ sẽ bị giết. Hai trong số những người trong danh sách này sau đó đã bị giết.

Một trong những phiên bản cuối cùng của tờ báo của Nguyễn Đạm Phong tố giác Mặt Trận đã lừa dối cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Một nhóm các thành viên của Mặt Trận mặc áo nâu theo thông lệ đã tấn công chủ một tờ báo ở quận Cam, California hai lần; theo lời một báo cáo của FBI, kẻ tấn công ông đã nổi giận vì một bài báo ông đăng “liên quan đến kế hoạch lừa gạt cộng đồng người Việt của Mặt Trận.”

Các thành viên Mặt Trận đã thực hiện một chiến dịch sách nhiễu chống lại các nhân viên của Viet Press, một tờ báo khác ở quận Cam. Họ gây áp lực với các doanh nghiệp, ép phải ngừng thuê quảng cáo cho đến khi tờ báo này đóng cửa. “Tôi đã mất, tôi tin là, khoảng $84,000,” nhà xuất bản Nguyễn Tú A kể lại.

Ở Fresno, các tay súng bắn một nhà báo ở mặt sau khi ông dám chỉ trích Mặt Trận trong một bài báo. Ông đã sống sót.

Phạm Văn Tập đã không may mắn như vậy. Tập vận hành tạp chí MAI, một tạp chí chuyên về giải trí đăng quảng cáo cho ba công ty tham gia thương mại với Việt Nam, chuyễn tiền hoặc chuyển hàng vào trong nước. Một kẻ chủ mưu đã phóng hỏa tòa soạn của Tập tại Garden Grove trong khi ông đang ngủ trong tòa nhà. Ông chết vì ngạt khói. Một thông cáo khác được gửi đến báo chí Việt-Mỹ sau vụ sát hại này. Thông cáo này nói Tập đã bị giết vì ông là một kẻ tham lam ủng hộ Cộng sản bằng việc cho đăng các quảng cáo.

Dương Trọng Lâm, lúc đó 27 tuổi, đã bị giết chết ở San Francisco vì có thiện cảm cho là không thể chấp nhận được với chế độ Hà Nội. Mặc dù ông Lâm không công khai chỉ trích Mặt Trận, ông đã từng chống lại chiến tranh Việt Nam và quan điểm thiên vị Cộng sản của ông, một quan điểm nhiều người Mỹ gốc Việt không tán thành, đã được phản ánh trong tờ báo của ông.

Thông cáo ban hành sau cái chết của ông Lâm được ký bởi một tổ chức mang tên Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation, hoặc VOECRN). FBI giả thuyết rằng VOECRN – là tên được liên kết với các hành vi bạo lực khác – chỉ đơn giản là một cái tên ngụy tạo cho Mặt Trận.

Nếu nỗ lực này là nhằm mục đích che giấu vai trò của Mặt Trận trong bản tổng kê những vụ bạo lực gây sát thương ngày càng tăng, nó đã không thành công.

“Cái mà theo quan sát liên kết hai tổ chức này với nhau là những thông cáo,” bà Katherine Tang-Wilcox, một cựu đặc vụ, người đã giúp hướng dẫn FBI điều tra, cho biết. “Những đe dọa giết người, các cuộc tấn công, các vụ ám sát. Các thông cáo này, họ đã nhận là của họ, hoặc họ đe dọa là sẽ thực hiện những điều đó.”

Bà Tang-Wilcox cho biết các nhà điều tra sau đó bắt đầu thu thập thông tin từ các cựu thành viên của Mặt Trận, những người mà đã tiết lộ là tổ chức này thực sự có thành lập một nhóm sát thủ và đặt mã tên cho nó là “K-9.” Một bản tóm tắt điều tra FBI ghi ngày 04 tháng 11 năm 1991 chứa đầy những tham khảo liên quan đến K-9. Một báo cáo có ghi tên người bị cáo buộc là cầm đầu của K-9. Một báo cáo khác kết nối K-9 với một số vụ giết người cụ thể. Và hơn thế nữa, một tài liệu khác gọi K-9 là “đội thi hành” của Mặt Trận.

“K-9 được thành lập để làm cánh tay ám sát của Mặt Trận,” Tang-Wilcox kể lại.

Bây giờ đã nghỉ hưu, Tang-Wilcox vẫn không chắc chắn là ai đã ra lệnh khủng bố. Nhưng bà tin rằng Mặt Trận và đội ám sát của họ là người đã giết hại ông Triết và phu nhân của ông. Và bà cũng chắc chắn rằng nhóm này đã giết nhà xuất bản báo Nguyễn Đạm Phong tại Houston những năm trước đó.

Khi Đạm Phong khởi hành tờ báo của mình vào năm 1981, lúc đó rất khó khăn để tìm một máy đánh chữ có dấu để sử dụng cho bản thảo bằng tiếng Việt. Vì vậy, Đạm Phong đã cẩn thận xem qua từng dòng chữ và dùng bút mực đánh dấu vào bản thảo. Dưới bất cứ mức đánh giá nào, ông là người tiên phong về truyền thông, một trong những người Việt nhập cư đầu tiên thành lập một tờ báo ở Mỹ.

Anh Tú Nguyễn, con trai của ông Nguyễn Đạm Phong, cho biết cha mình đã bị đe dọa nhiều lần trong những tuần trước khi ông mất. (Edmund D. Fountain, nguồn đặc biệt cho ProPublica)

Sau những giờ làm phụ tá trong văn phòng nha sĩ, Đạm Phong trở về nhà và quên mình vào tờ báo, lao vào máy đánh chữ, dán những bản sao của tờ báo lên một bàn in chữ. Tờ báo này đã ngốn hết thời gian và tiền của ông. Nhưng Đạm Phong vô cùng đam mê.

“Mục tiêu của tờ báo là đại diện cho tiếng nói của dân,” Tú Nguyễn, con trai của ông, người giúp phân phối tờ báo tên Tự Do, nói. “Thực sự đó là mục đích của ông. Ông làm điều đó không phải để kiếm tiền. Làm gì có tiền để mà kiếm.”” Anh nói cha anh được thúc đẩy truy tìm sự thật, bất chấp hậu quả.

Sau đó Đạm Phong bắt đầu in những bài viết mà theo ông là sự thật về Mặt Trận. Đạm Phong không có thiện cảm gì đối với chủ nghĩa cộng cản, nhưng ông nghĩ rằng ông Minh là một kẻ gian lận, một lang băm lường gạt cộng đồng người Việt. Vì vậy ông tấn công Mặt Trận trong những bài xã luận – một bài gán ông Minh và những người theo ông là “những thằng hề” – và trong những bài công khai thông tin tai tiếng.

Năm 1982, Mặt Trận thực hiện một chiến dịch truyền thông táo bạo: CBS News mô tả các du kích quân của ông Minh và mục đích của họ trong một phóng sự kịch tính được phát sóng trên toàn quốc. Với cảnh quay lính của Mặt Trận lê bước xuyên rừng, phóng sự kể lại lời tuyên bố của Mặt Trận là quân đội của mình đã vượt qua biên giới của kẻ thù và dựng trại trong lãnh thổ Việt Nam.

Đạm Phong bắt đầu đào sâu vào những lỗ hổng trong câu chuyện này, khám phá ra rằng quân đội chưa hề đến gần biên giới Việt Nam. Một tiêu đề trong báo Tự Do hét lớn: Sự thật về việc Thượng tướng Minh Trở về Việt Nam. Đạm Phong bay sang Bangkok, nơi mà ông đã khám phá thêm nhiều thông tin, bao gồm vị trí đóng quân của Mặt Trận ở Thái Lan, cái mà họ quyết tâm giữ bí mật.

Mặt Trận cố gắng bịt miệng ông Đạm Phong bằng nhiều chiêu trò, theo lời Tú, con trai của ông. Họ cố gắng hối lộ ông bằng nững phong bì tiền, nhưng ông từ chối. Tú nhớ lại, sau đó đã có một loạt các cuộc gọi điện thoại “từ nhiều người đe dọa sẽ giết ông nếu ông không dừng xuất bản các bài viết về Mặt Trận.” Cuối cùng ông Đạm Phong có dự một cuộc họp với các lãnh đạo Mặt Trận tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố Houston. Tú cho biết, họ đã cho cha ông một tối hậu thư: Ngừng in những bài viết về Mặt Trận hoặc mất mạng.


Báo cáo của FBI ghi lại vụ ám sát của ông Nguyễn Đạm Phong và những nạn nhân khác.

Vài ngày sau đó, Đạm Phong bị bắn chết ngay trước nhà trong bộ đồ ngủ của ông. Sát thủ - hoặc các sát thủ - không để lại một vỏ đạn nào.

“Tôi không nghĩ rằng, đặc biệt đối với vụ Nguyễn Đạm Phong ở Houston, và Lê Triết và rất tiếc cả phu nhân của ông tại Fairfax, Virginia – riêng tôi có một suy nghĩ nào khác ngoài Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam là tổ chức đứng đằng sau các vụ ám sát này,” Tang-Wilcox, cựu đặc vụ FBI nói.

Về vụ ám sát Đạm Phong, bà nói, “Không có động cơ nào khác được tìm thấy, chỉ có những mâu thuẫn của ông với Mặt Trận, bởi vì các bài báo ông đăng.” Và phương cách ám sát nữa. Các vỏ đạn đã được thu lượm. Đó là một sát thủ đã được huấn luyện rất kỹ, biết mình đang làm gì, và không để lại phía sau bất kỳ bằng chứng hữu ích nào. Đồng thời một thông cáo được để lại phía sau.

“Đây là một vụ ám sát.”


Một người đàn ông nói rằng ông ta biết ai đã giết Đạm Phong. Ông ta là một cựu sĩ quan miền Nam Việt Nam và từng là thành viên của Mặt Trận. Nước da của ông màu nâu nhạt, lằn những nếp nhăn của tuổi tác, mái tóc đen chớm trắng.

Tháng Tám vừa qua ông đồng ý phỏng vấn với ProPublica và Frontline tại căn nhà một tầng ngăn nắp của ông. Ông nói ông sẽ thảo luận về các hoạt động của Mặt Trận với điều kiện là chúng tôi không được để lộ tên của ông và chỉ đề cập nơi cư trú hiện tại của ông là ở một thành phố miền Nam.

Sau một cuộc trò chuyện dài bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chúng tôi đặt một danh sách mang tên của năm người trước mặt ông, tên của những nhà báo đã chết. Ông nheo mắt, nghiêng người về phía trước và chỉ ngón tay gầy gò vào hai tên đầu tiên: Dương Trọng Lâm và Nguyễn Đạm Phong.

“Chúng tôi đã giết họ” ông khẽ nói.

Còn những người khác thì sao?

“Tôi không chắc,” ông trả lời. “Và tôi không muốn nói gì trừ khi tôi hoàn toàn chắc chắn.”

Người đàn ông không nói ai đã nổ súng hay ai đã ra lệnh giết. Phong thái của ông tỉnh táo, và ông không tỏ ra dấu hiệu rõ ràng của sự hối hận. Ông cho biết ông chưa hề được phỏng vấn bởi các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

ProPublica và Frontline tìm thấy tất cả là năm cựu thành viên Mặt Trận thừa nhận rằng một nhóm sát thủ được biết đến là K-9 đã làm công việc bẩn nhất của nhóm. Một trong nhóm đó là Trần Văn Bé Tư.

Vào đầu năm 1980, ông Bé Tư là một người hăng say chống Cộng: Ông bị kết án bảy năm tù vì âm mưu giết người sau khi bắn một người đàn ông tên là Trần Khánh Vân ở Westminster, California, vào năm 1986. Vân đã được báo Los Angeles Times nhắc đến trong một bài viết ủng hộ đối thoại với chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam.

“Tôi bắn, ông ấy ngã xuống như một cái cây,” ông Bé Tư kể lại. “Cộng sản là bệnh hoạn, những kẻ bệnh hoạn.”

Tuy rằng ông nói ông đã rời Mặt Trận trước vụ xả súng này, Bé Tư vẫn nói chuyện với sự quen thuộc và niềm tự hào về những năm tháng của mình với Mặt Trận, và về nỗi sợ hãi mà họ đã gây trong lòng kẻ thù của họ. Ông cho biết người dân ở Quận Cam coi những người đã giết những người được coi là Cộng Sản là người hùng. Ông Bé Tư cho biết ông đã được tuyển chọn để tham gia đơn vị K-9, nhưng ông từ chối, mặc dù ông rất ngưỡng mộ công việc của họ.

Ông Trần Văn Bé Tư: “Tôi bắn, ông ta ngã gục như một cái cây.” (Nguồn từ Frontline)

“K-9, họ làm việc rất tốt, họ chuyên nghiệp,” ông nói. “Và họ không bao giờ để bị bắt.”

Là bạn lâu năm của hai người chỉ huy hàng đầu của Mặt Trận – những tên tuổi mà FBI tình nghi là đã dàn dựng các vụ tấn công – ông Bé Tư nói ông nghĩ K-9 đã giết Đạm Phong, và rất có thể là nhóm sát hại Phạm Văn Tập cũng như Lê Triết và phu nhân.

Chúng tôi trực tiếp hỏi ông ta liệu ông có biết tên của người giết Đạm Phong hay không.

Ông ta cười.

“Anh nói nghe giống FBI,” ông nói.


Về nhiều mặt, người Việt tại Mỹ sống trong lối sống truyền thống của dân nhập cư – dần dần lột bỏ những đặc tính dân tị nạn và từ từ hoà nhập vào nền văn hóa của Mỹ. Nhưng khi đến thăm bất cứ một khu phố Little Saigon nào ở Mỹ, chúng ta sẽ không khó cảm nhận được sự căng thẳng lâu dài, sự hỗn độn của những câu chuyện lịch sử bí mật và tranh chấp của lòng trung thành. Lời sỉ nhục gọi ai đó là “Cộng sản” vẫn thỉnh thoảng được ném vào những đối thủ cạnh tranh kinh doanh, hoặc các đối thủ chính trị.

Những cựu thành viên của Mặt Trận, và những người cho mình là nạn nhân của thủ đoạn bạo lực của tổ chức này, sống cùng với nhau trong những khu phố di dân ở California, Virginia, Houston và New Orleans. Sự im lặng vẫn là ngôn ngữ thông dụng nhất. Ngay cả những năm sau này, các thành viên Mặt Trận vẫn không muốn nhắc đến những cáo buộc gây phản ứng dư luận, còn nạn nhân thì thường sợ bị xem là gây rắc rối.

Đoàn Văn Toại là một nhà báo và nhà hoạt động, người mà đã chỉ trích Mặt Trận trên báo. Năm 1989, ông bị bắn vào mặt gần nhà mình ở Fresno, California. Ông Toại vẫn không biết chắc chắn ai đã tìm cách giết ông – không một nghi phạm nào đã bị bắt giữ – và ông rất cẩn thận không ám chỉ bất cứ ai.

Nhưng ông Toại biết chắc chắn rằng ông bị tấn công vì những bài viết và những tuyên bố công khai của mình. Và ông đã hiểu. Sau vụ nổ súng, ông Toại ngừng viết báo và rút lui khỏi mắt công chúng.

Trong thập niên 1980, Nguyễn Tâm là ký giả cho một tờ báo Việt ngữ có quan điểm đối lập với Mặt Trận tại San Jose. Nguyễn Tâm không viết những câu chuyện gây tranh cãi – “Tôi không dám” – nhưng khi ông xuất hiện tại một sự kiện của Mặt Trận với máy ảnh trên tay thì những người trung thành với Mặt Trận tấn công ông, đánh ông chảy máu trong run sợ.

Ngày nay Nguyễn Tâm là một thành viên Hội đồng Thành phố San Jose, đại diện cho khu vực 7 của thành phố. Thời kỳ khủng bố đó, ông chia sẻ, là “một ký ức đau buồn mà tôi đã cố gắng chôn sâu trong trí ức.” Tại San Jose – ở các cửa hàng cà phê, trung tâm mua sắm và chùa Phật Giáo – đôi khi ông chạm mặt kẻ thù cũ của mình từ Mặt Trận, giờ già đi rất nhiều, và có lẽ đầm tính hơn. Những cuộc chạm mặt này đôi khi vô cùng khó chịu, ông nói.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa là một cựu thành viên của Mặt Trận, và nay ông ấy tâm sự về những năm tháng của ông với tổ chức dưới sự pha trộn của sự phòng vệ và tiếc nuối.

Ông Nghĩa giữ chức vụ là người hoạch định chiến lược quan trọng và giám đốc truyền thông của Mặt Trận trong những năm 1980, và ông nắm giữ chức vụ cao trong tổ chức suốt gần một thập niên. Được đào tạo là một nhà kinh tế, và một sinh viên lâu năm của lịch sử Châu Á, ông Nghĩa nay sống tại Quận Cam, California. Trong tất cả mọi địa vị, ông hiện là một nhà báo chuyên mục viết nhiều, xuất hiện thường xuyên trong vai trò nhà bình luận trên truyền hình Việt ngữ.

Ông Nguyễn Đạm Phong, vợ ông, và tám trong số mười người con của họ. (Nguồn từ Tú Nguyễn và Nguyên Nguyễn)

Trong nhiều buổi phỏng vấn với ProPublica và Frontline, ông Nghĩa đưa ra những quan điểm không nhất quán về Mặt Trận. Lúc đầu, ông khẳng định rằng tổ chức này không có dính liếu gì đến những vụ tấn công nhằm vào các nhà báo hoặc cá nhân khác ở Mỹ.

Những lần trò chuyện sau này, khi đối chất với những bằng chứng về bạo lực của Mặt Trận, thì ông đưa ra một quan điểm khác. Trong một cuộc phỏng vấn có ghi hình, ông Nghĩa nói “rất có thể” là các thành viên Mặt Trận đã đứng đằng sau vụ ám sát Đạm Phong và họ có thể đã phạm những tội ác khác. Ông thừa nhận là có một nhóm bạo lực trong tổ chức, và khi người quay phim tắt máy, ông Nghĩa thú nhận mình đã tham gia vào một cuộc họp của Mặt Trận khi các thành viên bàn về kế hoạch ám sát một biên tập viên nổi tiếng ở Quận Cam. Ông nói ông đã cố thuyết phục đồng nghiệp của mình đừng giết người ấy.

“Đó là một thời điểm đen tối trong cuộc đời của tôi,” ông nói.

Ở Houston, gia đình của Đạm Phong không muốn gì hơn ngoài việc làm sáng tỏ những hồ nghi xung quanh cái chết của ông. Sau vụ ám sát, gia đình ông không có tiền để dọn đi nơi khác ở. Vì vậy, trong nhiều năm vợ và đa số 10 người con của ông tiếp tục sống tại địa chỉ nơi Đạm Phong bị ám sát. Đối với Tú, cái chết của cha mình là một thảm họa rất đau buồn, nhưng thực sự không ngạc nhiên. Tú biết rõ về các cuộc gọi điện thoại đe dọa. Tú biết cha anh đã mua một khẩu súng để tự vệ và nuôi một con chó shepher Đức để bảo vệ ngôi nhà.

“Họ nói với cha tôi rằng họ sẽ giết ông ấy,” Tú kể.

Tú, người đã từng giúp cha mình đi phân phát những tờ báo bằng xe sedan của gia đình, bây giờ là một kỹ sư máy tính. Anh sống trong một khu phố cao cấp với những con đường rợp bóng cây yên tĩnh. Thỉnh thoảng vào cuối tuần anh đưa hai con của mình đến nghĩa trang gần Pearland để viếng ngôi mộ của ông Đạm Phong.

Đôi khi anh ngồi xổm xuống, suy tư nhìn vào ngôi mộ và tâm sự với cha mình, giọng khẽ như thì thầm. Anh tâm sự về nguyện vọng tìm ra sự thật và mang lại công lý cho ông.

“Với chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn một câu trả lời,” anh nói. “Chỉ vậy thôi.”

Phần II: Một Vụ án Thất bại Càng Khó Giải quyết

Chỉ 24 giờ sau cái chết của Dương Trọng Lâm ngày 21 tháng 7 năm 1981, một thám tử cảnh sát ở San Francisco đưa ra một danh sách ngắn bao gồm những động cơ có thể giải thích nguyên nhân vì sao nhà xuất bản báo 27 tuổi bị bắn chết bên ngoài căn hộ của mình. Một số nguyên nhân thám tử này đưa ra rất bình thường: có thể vì tình yêu, có thể vì tiền.

Nhưng hồ sơ cảnh sát cho thấy thám tử có lý do để xem xét một động cơ khác: chính trị. Ông Lâm và tờ báo ông sáng lập được xem là có thiện cảm với Cộng Sản Việt Nam, và ông đã bị đe dọa bởi một số người trong cộng đồng người Việt vốn coi ông là kẻ phản bội.

Chỉ trong vài ngày sau cái chết của ông Lâm, một thông cáo gửi đến Associated Press công khai nhận trách nhiệm và cho rằng ông Lâm đã bị trừng phạt bởi vì ông ủng hộ Cộng Sản. Vài tuần sau đó, bạn bè của ông Lâm chính thức gửi thư cho cảnh sát địa phương và FBI, trích dẫn thông cáo này và bày tỏ lo ngại rằng vụ ám sát ông Lâm là một phần của mô hình bạo lực với động cơ chính trị càng ngày càng lang rộng.

Tuy nhiên, những hồ sơ và tài liệu phỏng vấn cho thấy các nhà chức trách đã bác bỏ điều này. Dưới áp lực từ bạn bè của ông Lâm, các công tố viên liên bang hỏi FBI rằng, vụ giết hại ông Lâm liệu có phải là “một hành động có thể mang tính khủng bố” hay không. FBI vẫn giữ quan điểm của mình rằng việc giết hại này không mang tính chính trị.

Cuối cùng, các đặc vụ bỏ nhiều năm điều tra một chuỗi các tội ác tương tự xảy ra trong những khu người Việt – một cách riêng biệt, tại những chi nhánh điều tra trên toàn quốc – trước khi nhận ra sai lầm của họ: Họ tin rằng không chỉ là ông Lâm bị giết vì đã bày tỏ quan điểm của mình, nhưng ông là một trong nhóm nhà báo người Việt bị ám sát bởi một tổ chức có ước mơ một ngày nào đó chiếm lại Việt Nam và sẵn sàng thủ tiêu bất cứ ai thách thức nó. Đến lúc đó, FBI nghi ngờ rằng một tổ chức, được gọi là Mặt Trận, là thủ phạm đứng sau lưng các vụ ám sát ở California, Texas và Virginia, cũng như hàng loạt các vụ phóng hỏa, đánh đập và đe dọa trên toàn nước Mỹ.

Năm 1995, FBI hợp nhất khoảng hai chục vụ án thành một “vụ án lớn,” và thành lập một đội đặc vụ nhằm theo đuổi những manh mối. Tuy nhiên, họ vẫn không thành công trong việc truy tố Mặt Trận về mặt hình sự cho những hành động bạo lực nêu trên.

Cuộc kiểm tra các tài liệu điều tra về Mặt Trận từ các cơ quan địa phương và liên bang của ProPublica và Frontline cho thấy chúng được thực hiện với sự thiếu chuyên môn, nguồn lực, tính khẩn cấp và thậm chí đôi khi là sự tò mò cơ bản. Các lời mách bị lờ đi và các manh mối thì bị lãng quên. Mặc dù một số điều tra viên làm việc nghiêm túc và siêng năng, các nguồn tin quan trọng không hề được triển khai. Theo lời của các điều tra viên, việc nghe lén, một biện pháp thông dụng dùng để giúp thâm nhập vào các tổ chức bí mật, không hề được sử dụng. Các đặc vụ thường phải cầu xin được cung cấp những nguồn lực cơ bản như người phiên dịch. Và, điều cản trở nhiều hơn trong quá trình điều tra, là vụ án này thiếu hấp dẫn đối với các đặc vụ FBI giỏi và giàu kinh nghiệm nhất; trong một thời đại của những vụ án nổi tiếng khác, vụ này sẽ không làm nên sự nghiệp cho ai cả.

FBI đóng vụ điều tra này vào cuối thập niên 1990. Trong một tuyên bố gởi đến ProPublica và Frontline, họ nói rằng các điều tra viên tài năng đã làm việc kiên trì, nhưng đơn giản là họ không thể tìm ra đủ bằng chứng để duy trì việc truy tố các tội phạm khủng bố. Các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương, bao gồm sở Cảnh Sát San Francisco, không đưa ra bình luận về các vụ án này.

ProPublica và Frontline phỏng vấn năm người mà đã trực tiếp tham gia vào cuộc điều tra của FBI, cũng như các thám tử cảnh sát địa phương. Chúng tôi thu được những hồ sơ vụ án 30 tuổi và các báo cáo điều tra từ bảy phạm vi quyền lực pháp lý. Chúng tôi nói chuyện với ít nhất 10 người được xác định trong các tập hồ sơ là nghi phạm của những tội ác này.

Tổ chức Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng nhận trách nhiệm cho việc giết hại ông Dương Trọng Lâm. Những nhà điều tra tin rằng tổ chức này là một ngụy danh của Mặt Trận.

Đối với các nhân viên thực thi pháp luật mà đã tham gia cuộc điều tra về Mặt Trận một cách chặt chẽ nhất, sự bất lực trong vụ án này vẫn còn ám ảnh họ.

Bà Katherine Tang-Wilcox, một cựu đặc vụ FBI, người đứng đầu nhóm điều tra trong nhiều năm, vẫn còn nhớ rất rõ bản tóm tắt về bạo lực và thương vong mà cục điều tra tin rằng Mặt Trận đã gây ra: các vụ ám sát chuyên nghiệp, các đe dọa giết và tuyên bố nhận hành vi tội phạm, sự mất mát của các gia đình người chết. Bà cho biết vụ án này đã cho bà một ung nhọt và vì vậy bà phải về hưu. Nhưng bà không nghĩ rằng các vụ án này phải đóng lại.

“Các vụ án này có nên được tái mở nếu khám phá được thông tin mới hay không à? Vâng, nên chứ,” bà Tang-Wilcox cho ý kiến. “Bởi vì nếu có một người đứng ra cung cấp thông tin trước, điều đó sẽ khuyến khích những người khác làm theo. Có người biết những kẻ chịu trách nhiệm cho mỗi và tất cả những hành vi này. Phải có người biết. Và tội giết người thì không có pháp quy về thời hiệu.”


Dương Trọng Lâm bị bắn vào ngực khoảng sau 11 giờ sáng trên đường phố của khu phố Tenderloin, San Francisco. Ông cố gắng lê người khoảng 20 feet trước khi ông ngã quỵ xuống vỉa hè. Những nhân chứng cho cảnh sát biết có những tiếng la hét, và một, có thể là hai, người đàn ông châu Á đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Gia đình và bạn bè của ông Lâm nhanh chóng cho các thám tử biết là ông Lâm không thiếu kẻ thù. Tờ báo ủng hộ Cộng Sản của ông bị nhiều người ghét. Ông đã bị đe dọa suốt nhiều tháng. Chị của ông, bà Nancy Dương, cũng bị đe dọa khi một người đàn ông chĩa súng vào đầu bà.

“Họ nói, ‘Mày là Việt Cộng! Hãy cút khỏi đất nước này,’” bà Nancy Dương nhớ lại.

Napoleon Hendrix và Earl Sanders là những thám tử của Sở Cảnh Sát San Francisco được giao phụ trách vụ án của ông Lâm. Họ không quan tâm mấy đến quan niệm cho rằng vụ ám sát ông Lâm có động cơ chính trị.

“Nếu đó là một vụ ám sát chính trị,” Sanders nói với một tờ báo địa phương trong năm 1981, “thì kẻ giết người nên quay lại trường sát thủ mà học lại.”

Có lý hơn đối với ông Hendrix và Sanders, là một quan điểm cho rằng vụ ám sát là kết quả của một mâu thuẫn về tiền bạc. Họ bắt và buộc tội một người đàn ông làm nhân viên thu ngân và bồi bàn tại một nhà hàng do ông Lâm làm chủ. Nhưng cáo buộc này bị một thẩm phán bác bỏ.

Bà Nancy Dương cho biết, từ lúc đầu, bà đã nói với các nhân viên điều tra rằng quan điểm chính trị của ông Lâm rất có thể là lý do gây ra cái chết của ông. Bà thông báo cho họ về các lời đe dọa và các cuộc gọi điện thoại đến nhà bà tuyên bố nhận trách nhiệm cho cái chết của ông Lâm.

“Tôi cố gắng bằng mọi cách để cung cấp thông tin cho họ,” bà nói.

“Tôi nghĩ họ không quan tâm cho lắm.”

Những thông tin cơ bản trong câu chuyện về cuộc đời của ông Lâm lẽ ra đã cho thấy rõ nên bắt đầu quá trình truy lùng hung thủ ở đâu. Ông Lâm rời Việt Nam vào năm 1971 trong lúc cuộc chiến đang phá loạn đất nước. Khi ông đến Mỹ, ông theo học tại trường cao đẳng ở Oberlin, Ohio và, sau đó, trường Đại học California ở Berkeley. Đây là những trường học tự do, và là một sinh viên, ông Lâm đã phản đối cuộc xung đột đẫm máu tại Việt Nam. Sau đại học, ông chuyển đến San Francisco – với mái tóc hippie xù xì và chiếc xe Volkswagen bug cũ nát – nơi ông đã thuê một căn hộ rẻ tiền và lao mình vào một loạt các dự án, bao gồm những gì đã trở thành tờ nguyệt san của ông, Cái Đình Làng.

Ông xuất bản tờ báo ủng hộ chính quyền Cộng Sản chiến thắng tại Hà Nội vào mùa hè năm 1980. In bằng tiếng Việt, ông mô tả tờ báo này như một tập san của “thông tin” và “hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.” Những bài ông đăng không luôn hấp dẫn; một bài được lên trang nhất tường thuật về một hội nghị giữa các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Campuchia và Lào.

Tuy không thú vị, cách đưa tin như vậy đã kích động nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Những ký ức của chiến tranh còn nguyên đó; những người có cảm tình với Hà Nội điều bị hận ghét.

Dương Trọng Lâm là sinh viên của Trường Cao Đẳng Oberlin. (Nguồn từ Tài liệu Lưu trữ của Trường Cao Đẳng Oberlin)

Nguyễn Đăng Khoa đã từng chiến đấu trong chiến tranh, và ông đã tham gia một chi hội Mặt Trận ở Oakland, California. Trong buổi phỏng vấn, chúng tôi hỏi ông về phản ứng của ông đối với vụ ám sát ông Lâm.

“Tất nhiên tôi rất vui mừng. Tôi đã rất hạnh phúc,” ông nói.

Không ngạc nhiên cho lắm, ông Lâm đã bị đe dọa rất nhiều lần trong năm duy nhất mà tờ báo của ông tồn tại. Một người bạn và chị của ông đã báo cáo điều này với các nhân viên điều tra.

“Trước khi ông ấy chết, khoảng hai tháng, anh biết không, ông đã liên tục nhận nhiều cuộc gọi điện thoại, rất nhiều thư cảnh cáo” người bạn nói với cảnh sát. “Tôi nghĩ có một tổ chức đứng đằng sau nó.”

Hendrix và Sanders, hai thám tử địa phương, cũng cố gắng nghiên cứu để hiểu thêm về câu chuyện đầy tình tiết và nỗi uất ức của cộng đồng Little Saigon. Nhưng bản ghi chép của những cuộc thẩm vấn mà họ đã tiến hành cho thấy sự mệt mỏi của họ - đối với những người không nói được tiếng Anh, hoặc những người mà họ cho là không thành thật.

Jayson Wechter, một nhà điều tra tư nổi tiếng ở San Francisco, người mà đã kiểm tra vụ giết hại ông Lâm trong đầu thập niên 1980, có viết về những khó khăn nêu trên trong một bài báo cho tạp chí Luật sư California (California Lawyer magazine).

Đến từ một quốc gia “với một hệ thống pháp lý nổi tiếng là tham nhũng, người Việt mang theo họ một định kiến lịch sử chống lại chính quyền và cơ quan pháp lý,” ông Wechter viết. Vào thời điểm đó, ông cho thấy, California chỉ có mỗi một cảnh sát biết nói tiếng Việt, một cựu lính Thủy Quân Lục Chiến đã từng tham gia chiến tranh.

Trên khắp nước Mỹ, những câu chuyện cũng giống như vậy. Ví dụ, ở Houston, không có người Mỹ gốc Việt nào tham gia vào quá trình điều tra ban đầu của cảnh sát trong vụ giết hại chủ báo Đạm Phong vào năm 1982. Cuộc điều tra sau đó của FBI cũng lúng túng bởi các vấn đề tương tự. Các đặc vụ tham gia vào những vụ án liên quan đến Mặt Trận không nói được tiếng Việt; các hồ sơ chứa rất nhiều thư từ nhóm đặc vụ yêu cầu trụ sở thuê thêm phiên dịch.

Năm 1984 có một lời kêu gọi “thuê gấp các nhà ngôn ngữ học.” Sáu năm sau đó, một bản ghi nhớ cho thấy một đặc vụ chuyên trách của văn phòng điều tra tại San Francisco vẫn còn yêu cầu trụ sở giúp đỡ. “Hiện tại chưa có ai, kể cả đặc vụ chuyên trách hoặc nhân viên hỗ trợ tại đơn vị San Francisco, có khả năng dịch tiếng Việt sang tiếng Anh,” ông ta trình bày. “Do đó, không có nguồn nhân lực nào để từ đó chúng ta có thể tìm được một nhà ngôn ngữ học.”

“Lúc đó có sự cách biệt văn hóa, và mọi người đều sợ lên tiếng,” cô Trang Q. Nguyễn, một nhà tư vấn cho các đơn vị truyền thông Việt ngữ ở Nam California, cho biết. Một số trong những người đó – dù ở San Francisco hay Houston, San Jose hoặc Virginia – không phải sợ nói chuyện với cảnh sát, mà sợ Mặt Trận phát hiện ra họ đã khai báo với cảnh sát.

Đoàn Văn Toại, một nhà báo và nhà hoạt động, đã bị bắn vào mặt năm 1989 tại Fresno, California. Tay súng chẳng hề bị bắt, và ông Toại hiếm khi nói công khai về trường hợp của ông. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ProPublica và Frontline, ông Toại nói rằng các nhà chức trách đã hoàn toàn thiếu sự chuẩn bị để điều tra trường hợp của ông và những vụ án tương tự. Tuy vậy, ông hiểu rõ tầm phức tạp của công việc của họ.

Còn về người dân trong cộng đồng người Việt, ông Toại nói, “Họ không bao giờ hợp tác.”

Dù vậy, vụ ám sát ông Lâm đã rơi vào giai đoạn đầu của chiến dịch sử dụng bạo lực của Mặt Trận, và cuộc điều tra dường như đã thiếu nỗ lực cơ bản nhất. Bạn bè và người thân của ông Lâm đã khai báo các lời đe dọa qua điện thoại, và sau này các cuộc gọi đến gia đình ông từ những người tự nhận là đã giết ông. Vậy mà không có bằng chứng nào trong hồ sơ vụ án cho thấy các thám tử đã kiểm tra danh sách điện thoại của ông Lâm hoặc của chị ông.

Vài tuần sau vụ giết người, các thám tử ở San Francisco nhận một thông điệp viết tay chỉ điểm một nghi phạm, đầy đủ họ tên, địa chỉ và số điện thoại. Nghi phạm được mô tả là một cựu sĩ quan cảnh sát miền Nam, người đã từng thẩm vấn những người bị tình nghi là Cộng Sản ở Sài Gòn. Thông điệp này còn nói người này hiện là thành viên của một tổ chức quân sự chống Cộng Sản: Mặt Trận .

Các thám tử San Francisco có thuê người dịch thông điệp này sang tiếng Anh. Nhưng họ không hề truy theo manh mối này. Trong hồ sơ vụ án dày hàng trăm trang, không hề có dấu hiệu nào cho thấy các thám tử đã thẩm vấn người đàn ông bị chỉ điểm trong thư tố giác.

ProPublica và Frontline đã tìm ra người đàn ông này ở San Jose và phỏng vấn ông ta. Ông nói đúng là ông từng là một sĩ quan cảnh sát ở Sài Gòn. Nhưng ông ta khẳng định rằng ông không dính liếu đến Mặt Trận và không phải là người giết ông Lâm.

Khi được hỏi ông có bao giờ nói chuyện với cảnh sát San Francisco về vụ ám sát này hay không, ông trả lời ngay: “Không.” Ông nói ông chỉ nói chuyện ngắn gọn với các đặc vụ FBI khoảng 15 năm sau vụ giết người.

Cho dù người đàn ông này có liên quan đến cái chết của ông Lâm hay không, điều mà các nhà chức trách đã hoàn toàn làm ngơ việc tìm hiểu manh mối này quá lâu là một nỗi day dứt của gia đình và bạn bè ông Lâm.

Chị ông Dương Trọng Lâm, bà Nancy Dương, vẫn không biết ai đã giết em mình. (Jason Henry báo cáo cho ProPublica)

Những người ủng hộ ông Lâm cuối cùng đã bắt đầu khẩn cầu FBI và các công tố viên liên bang vào cuộc. Họ khẳng định rằng không chỉ vụ giết hại ông Lâm có dính liếu chính trị, mà còn một loạt hành vi bạo lực khác đã được thực hiện nhắm vào những ai ủng hộ một mối quan hệ bất bạo động với Cộng Sản Việt Nam. Cuối cùng, họ đã viết thư trực tiếp cho ông Joseph Russoniello, Chưởng lý Hoa Kỳ ở San Francisco lúc bấy giờ, và trình bày rằng, các thám tử ở San Francisco, “những người mà đã từ chối không điều tra những động cơ giết người liên quan đến chính trị,” đãđược thực hiện vụ án này một cách “cẩu thả.”

Ông Russoniello đã gửi một bức thư cho FBI và hỏi liệu có lý do gì để tin rằng việc giết hại ông Lâm là một hành động khủng bố hay không. Một đặc vụ cấp cao của FBI đã đến văn phòng của ông để cam đoan với ông là không có.

FBI vẫn giữ kết luận đó ngay cả sau khi có thêm nhiều nhà báo bị giết trong hoàn cảnh mang tính ám sát chính trị. Khi nhà xuất bản tạp chí Phạm Văn Tập bị sát hại tại miền Nam California năm 1987, các đặc vụ liên bang ở Los Angeles nhận thấy sự tương đồng giữa vụ ám sát của ông và vụ của ông Lâm. Họ đã liên hệ với đồng nghiệp của họ tại San Francisco để yêu cầu được gửi các hồ sơ liên quan đến vụ ám sát ông Lâm từ chi nhánh này.

“Các cuộc điều tra của Sở Cảnh sát San Francisco và FBI đã xác định rằng vụ ám sát ông Lâm là vì những lý do cá nhân, và thiếu bằng chứng cho thấy nó có động cơ chính trị,” một điều tra viên ở San Francisco đã hồi đáp như vậy. Được soạn thảo bởi một thành viên của một đội chống khủng bố FBI, bản ghi nhớ này được đánh dấu là “bí mật” và được gửi đi vào tháng mười hai năm 1987. FBI đã bảo mật tên của đặc vụ này trước khi giải mật các tài liệu và giao chúng cho ProPublica và Frontline.

Hiện nay, bà Nancy Dương vẫn giữ một ảnh trắng đen của em bà bên cạnh một bàn thờ Phật nhỏ. Trong ảnh, ông Lâm lúc đó còn trẻ và đang mỉm cười.

“Tôi không biết những gì đã xảy ra với em tôi,” bà nói, “ngay cả bây giờ.”


Nếu FBI đã bị cản trở trong việc làm sáng tỏ từng tội ác được cho là Mặt Trận thực hiện, có một cách khác để họ có thể lên án tổ chức này.

Đạo luật Trung lập của Mỹ (U.S. Neutrality Act) quy định là tội ác liên bang đối với bất cứ công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân nào hỗ trợ tài chính hoặc tham gia “bất cứ cuộc viễn chinh quân sự hay hải quân nào” nhằm chống lại một nhà nước “đang trong trạng thái hòa bình với Hoa Kỳ.”

Mặt Trận lúc ấy ít quan tâm cho lắm đến việc che giấu việc họ đang tham gia vào những hoạt động vi phạm Đạo luật này.

Họ tổ chức các sự kiện công khai ở các thành phố trên khắp nước, khẩn cầu người tham dự tặng tiền cho nỗ lực kháng chiến của mình. Những bức ảnh của “biểu tình kháng chiến” tại Santa Ana, California, Los Angeles và Washington DC, cho thấy những đám đông khổng lồ tụ tập về để ủng hộ mục tiêu của họ. FBI cũng thấy rằng Mặt Trận đã đăng quảng cáo trên báo chí Việt ngữ trực tiếp liên kết tiền đóng góp với vũ khí; việc tặng một tấm séc ngân hàng cho tổ chức, bản quảng cáo hứa hẹn, sẽ cho phép tổ chức mua các loại vũ khí như súng trường tấn công và tên lửa vác vai.

Và thêm vào đó là trại quân sự của tổ chức được thành lập ở Thái Lan, nơi mà họ sẽ làm căn cứ để xâm lược Việt Nam. Những hình ảnh và đoạn phim của quân đội huấn luyện tại căn cứ đã được sử dụng để quyên thêm tiền, và một đoạn phim ngắn đã được kèm vào một mẫu chuyện về những tham vọng quân sự của Mặt Trận và phát sóng toàn quốc trên truyền hình CBS.

Nhưng hàng ngàn trang hồ sơ điều tra của FBI, cũng như các cuộc phỏng vấn với các cựu thám tử và các công tố viên, cho thấy họ đã không hề có lý luận nghiêm túc nào về trường hợp vi phạm Đạo luật Trung lập, ngay cả sau khi FBI nghi ngờ Mặt Trận đang tiến hành các vụ ám sát trên đất Mỹ .

ProPublica và Frontline hỏi FBI và văn phòng Chưởng lý Hoa Kỳ ở San Francisco rằng tại sao Mặt Trận chưa bao giờ bị khởi tố vì hành vi quyên tiền với mục đích lật đổ chính phủ Việt Nam. Cả hai không cung cấp câu trả lời nào.

Bà Tang-Wilcox, một trong những đặc vụ hàng đầu trong cuộc điều tra Mặt Trận, nói rằng bà không nghĩ một trường hợp như vậy sẽ khả thi trong tình hình chính trị của thập niên 1980.

Vào thời điểm đó, Mỹ đã cam kết với cái được gọi là Học Thuyết Reagan, theo đó Mỹ sẽ ủng hộ các phong trào chống Cộng Sản có vũ trang. Mỹ đã ủng hộ phiến quân nổi dậy chống Liên Xô ở Afghanistan, một đội quân đánh thuê trong cuộc nội chiến Angola, và, ít được biết đến, nhóm Contras chiến đấu ở Nicaragua.

Eugene Kontorovich, một giáo sư tại Đại học Luật Northwestern, người đã viết rất nhiều về Đạo luật Trung lập, cho biết ông không ngạc nhiên khi không có cáo buộc nào được thực hiện để truy tố Mặt Trận. Ông nói những truy tố vì Đạo luật Trung lập là cực kỳ hiếm, ngay cả khi các cá nhân và các nhóm rõ ràng đang vi phạm “cốt lõi của những gì mà Đạo luật nghiêm cấm.” Theo ông, sự hiếm hoi của những vụ án ấy có thể làm cho bất cứ nỗ lực truy tố nào dưới Đạo luật này bị cáo buộc là một cuộc truy tố có lựa chọn.

Đối với những vụ án liên quan đến Đạo luật Trung lập, ông Kontorovich nói, “không công tố viên nào muốn trở thành người tiên phong cả.”

Mặc dù các công tố viên liên bang đã không làm gì với bằng chứng cho thấy Mặt Trận đã vi phạm Đạo luật Trung lập, nhiều hồ sơ và những thẩm vấn cho thấy một loạt các cơ quan liên bang – Bộ Ngoại giao, CIA, Bộ Quốc phòng – đã biết rõ về hoạt động và mục đích của tổ chức này.

Theo lời phỏng vấn với một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao và cuốn hồi ký của một cựu lãnh đạo Mặt Trận, thực tế là Hoàng Cơ Minh, lãnh đạo của Mặt Trận đồng thời là người giám sát trại huấn luyện của tổ chức ở Thái Lan, đã có một lần gặp quan chức Bộ Ngoại giao Bangkok để thảo luận về kế hoạch xâm lược Việt Nam của ông.

Nhưng nhân vật được Mặt Trận coi là quan trọng nhất để liên lạc trong chính quyền Mỹ là ông Richard Armitage.

Ông Armitage là một người với lịch sử lâu dài và sâu nặng ở Việt Nam. Ông từng là một sĩ quan trong lực lượng Hải quân Mỹ trong chiến tranh, và đã gặp và kết bạn với ông Minh trong những năm 1970. Ông Armitage sau đó được giao nhiệm vụ hỗ trợ việc di tản của Hải quân miền Nam Việt Nam và các sĩ quan khi Sài Gòn sắp sụp đỗ. Sau đó ông Armitage trở thành một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng của chính quyền Tổng thống Reagan, làm giám sát chính sách cho khu vực Đông Nam Á. Ông cũng từng là một thứ trưởng ngoại giao cho Tổng thống George W. Bush.

FBI đã phỏng vấn ông Armitage trong quá trình điều tra Mặt Trận. Nội dung của cuộc phỏng vấn năm 1991 đã được ghi trong một bản ghi nhớ báo cáo chính thức, được biết đến theo cách nói của FBI là tài liệu 302. Ông Armitage nói với FBI rằng ông đã tiếp tục giữ mối quan hệ bè bạn với ông Minh trong nhiều năm sau khi ông sang Mỹ năm 1975. Ông cũng nói với FBI là ông tin rằng Mặt Trận có khả năng thực hiện những ám sát chính trị, và ông đã nghe những tin đồn rằng Mặt Trận đã thực sự thực hiện các vụ giết người như vậy ở Mỹ.

Một tài liệu của FBI tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn năm 1991 của ông Richard Armitage với các nhà điều tra.

Ông Armitage từ chối lời mời phỏng vấn của ProPublica và Frontline. Tuy nhiên, ông đã trả lời các câu hỏi bằng văn bản. Ông Armitage viết rằng ông coi ông Minh như “một trong những sĩ quan giỏi nhất” mà ông đã gặp ở Việt Nam. Ông xát nhận rằng ông đã nói với FBI về những tin đồn Mặt Trận giết người ở Mỹ, và thừa nhận rằng ông đã không thông báo cho bất cứ ai trong cơ quan thực thi pháp luật về những tin đồn này trước buổi thẩm vấn năm 1991.

Ông Armitage nói với ProPublica và Frontline rằng ông xem ý tưởng của ông Minh về việc xâm lược Việt Nam là một “việc làm của thằng ngốc.” Nhưng, ông Armitage cho biết, ông có hỗ trợ ông Minh trong việc thiết lập căn cứ tại Thái Lan: Armitage nói ông đã xác minh uy tín của ông Minh với các đối tác Thái Lan của ông.

ProPublica và Frontline không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ tài chính cho Mặt Trận. Thật vậy, ông Armitage cho biết ông ta đã nói rõ với các quan chức Thái Lan rằng Hoa Kỳ sẽ không có chương trình chính thức nào để hỗ trợ cho mục đích quân sự của ông Minh.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ của ông Armitage dường như đã được đền đáp: Một tướng Thái tên Sutsai Hatsadin đã trở thành người bảo trợ của Mặt Trận, cho phép ông Minh thiết lập cơ sở du kích của mình trên một mảnh đất xa xôi trong khu rừng rậm ở Đông Bắc Thái Lan, không xa sông Mekong và biên giới Lào.

Nằm trên đỉnh một ngọn đồi, căn cứ của ông Minh cách ngôi làng gần nhất sáu giờ đi bộ mệt mõi. Trong khoảng thời gian đó, ông và người của ông đã dọn sạch cây cối và xây dựng các khu nhà thô sơ bằng gỗ. Ông đã lôi kéo được vài trăm người đến khu trại, huấn luyện họ những chiến thuật du kích và trang bị cho họ vũ khí hạng nhẹ và đồng phục.

Một tài liệu được giải mật năm 1984 của CIA nói rằng ông Minh và đội quân của ông đã được tài trợ bởi tiền đóng góp của đồng bào tị nạn Việt Nam cũng như “sự hỗ trợ khiêm tốn bí mật từ ‘những nhân tố nào đó’ trong Quân đội Hoàng gia Thái Lan.” Tiền Mặt Trận huy động được ở Mỹ được chuyển đến Thái Lan định kỳ bằng bưu điện.

Những cựu thành viên Mặt Trận cho biết ông Hoàng Cơ Minh đã giết các binh sĩ của chính mình tại căn cứ ở Thái Lan.

Việc gây quỹ của tổ chức đã cho phép họ mua nhiều loại vũ khí hạng nhẹ như súng AK-47, súng M16 và tên lửa chống tăng M72, theo các cuộc phỏng vấn với các thành viên Mặt Trận cũng như binh sĩ chống cộng khác trong cùng khu vực thời đó cho biết. Kế hoạch của ông Minh là di chuyển về phía đông, vượt sông Mekong và băng ngang qua Lào trước khi xâm nhập vào Việt Nam.

Sau một chuyến xe tải đường dài trên nhiều con đường bùn đất trơn trượt và xuyên qua các vùng nông thôn Thái Lan, ProPublica và Frontline tìm thấy một trong những đồng minh cũ người Lào của ông Minh đang sinh sống tại một làng nông thôn. Người đàn ông này nói ông Minh rất tàn bạo trong việc trừng phạt những người mất lòng tin vào sứ mạng. Người chiến binh Lào, cùng với năm người khác đã gia nhập Mặt Trận và lặn lội đến căn cứ ở Thái Lan, chia sẻ rằng ông Minh đã xử tử lên đến 10 người lính của ông vì tội bất phục tùng hoặc thiếu lòng cống hiến. Có thể một hoặc nhiều trong số họ là công dân Hoa Kỳ.

FBI đã nhận được ít nhất một báo cáo về các vụ giết người trong khu trại này. Năm 1986, một thành viên của Mặt Trận đã bỏ trốn và liên lạc với cục điều tra tại Honolulu, ông báo với các đặc vụ rằng có hai tân binh đã bị giết trong trại. Không rõ là FBI đã làm gì với thông tin này.


Bản cáo trạng công bố ghi ngày 10 tháng 4 năm 1991 bởi các công tố viên liên bang ở San Jose có khả năng là một cơ hội để kết thúc chiến dịch khủng bố của Mặt Trận. Năm thành viên của Mặt Trận đã bị cáo buộc lấy hàng chục ngàn đô-la được quyên góp cho nỗ lực kháng chiến ở nước ngoài để sử dụng cho cá nhân mình, và rồi không trả thuế cho số tiền đó.

“Số tiền đóng góp, một khi được chuyển thành tiền cá nhân, được xem là thu nhập cho các bị can, mà họ đã không báo cáo hoặc kê khai với Sở Thuế Vụ,” bảng cáo trạng ghi rõ.

Hai trong số các bị can chịu mức án lên đến 20 năm tù. Một bị can khác 15 năm.

Doug Zwemke, một cựu sĩ quan cảnh sát San Jose, người đã giúp các công tố viên liên bang xử lý vụ gian lận thuế này, nói ông tin rằng vụ xét xử này sẽ làm các bị can “quay đầu,” và sẽ cung cấp thông tin về các tội ác của Mặt Trận đối với các nhà báo và những người khác để đổi lấy mức án nhẹ hơn.

Một vụ gian lận thuế liên bang trong thập niên 1990 đã đem đến hy vọng cho các nhà điểu tra mà đang tìm cách giải quyết các tội ác khủng bố và những vụ ám sát.

“Mắc lỗi là bản chất con người,” ông Zwemke nói, “còn mách lẻo là thánh.”

“Vậy mình sẽ quây đầu họ lại, và họ sẽ đầu hàng,” ông Zwemke lý luận. “Và sau đó mình sẽ ngồi xuống bắt đầu điền vào biểu đồ tổ chức.”

Ông ta nói, rất có thể các nhà chức trách đã có khả năng thu thập thông tin về, và tiếp đó truy tố, “các sát thủ, các kẻ giết người.”

“Nó có thể dẫn đến nhiều manh mối,” ông Zwemke nói.

Vụ án trốn thuế được tiến hành trong nhiều năm, và nó đã bắt đầu với một lời mách từ một trong những người cung cấp thông tin của ông Zwemke tại San Jose, một trung tâm của người Mỹ gốc Việt.

Cùng làm việc với FBI và ông Zwemke, các đặc vụ của Sở Thuế Vụ đã chịu khó theo dõi đường dây di chuyển tiền thông qua một mạng lưới khá phức tạp bao gồm các tài khoản ngân hàng và doanh nghiệp do Mặt Trận kiểm soát từ năm 1984 đến 1987. Tiền đổ vào các tài khoản ngân hàng của Mặt Trận ở California từ những người đóng góp trên khắp thế giới. Tổ chức đã chuyển nhiều khoản tiền lớn đến Bangkok, lẽ là để dùng cho quân đội ở Thái Lan. Nhưng một số tiền được cho là đã di chuyển vào tài khoản cá nhân của những cán bộ Mặt Trận hàng đầu, bao gồm cả em trai của ông Minh, Hoàng Cơ Định, người có đến ba bí danh. (Ông Định đã từ chối nói chuyện với ProPublica và Frontline về vụ này.)

Các thành viên Mặt Trận bị truy tố khẳng định họ vô tội.

Để biện hộ cho họ, các luật sư của họ lập luận rằng các thành viên Mặt Trận phải được miễn truy tố vì họ đã ký một thỏa thuận bí mật với CIA và Bộ Quốc phòng. Để đổi lấy sự giúp đỡ của họ trong việc xác định các tù nhân Mỹ ở Việt Nam, các cơ quan chính phủ đã cho phép Mặt Trận làm bất kỳ điều gì họ muốn với số tiền quyên được ở Mỹ.

Các công tố viên đã cười chế giễu luận điệu này. Một luật sư bào chữa, được phỏng vấn gần đây, khẳng định là có bằng chứng để chứng minh quyền lợi này của những bị can, nhưng ông lại không tiết lộ cũng không nói thêm gì về nó.

ProPublica và Frontline đã tìm cách thu thập toàn bộ hồ sơ vụ án này để dựng lại những gì đã xảy ra. Đáng ngạc nhiên, nhân viên tòa án liên bang ở San Jose và San Francisco cho biết các hồ sơ đã bị mất, và Trung tâm Dữ liệu Liên bang, nơi lưu trữ các hồ sơ tòa án cũ, cũng không thể tìm thấy các tài liệu này.

Văn phòng Chưởng lý tại San Francisco hiện nay cũng không bình luận về vụ này. Bộ Quốc phòng và CIA cũng đều từ chối nói về Mặt Trận.

Một vài hồ sơ tòa án sót lại, cũng như các cuộc phỏng vấn với một số người liên quan, cho thấy vụ việc đã được đóng lại một cách bất ngờ, không thỏa mãn. Ngày 04 tháng 1 năm 1995, khoảng bốn năm sau khi bản cáo trạng được công bố, Thẩm phán James Ware đã chủ tọa một buổi điều trần theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho các thành viên Mặt Trận. Các luật sư cho rằng thân chủ của họ đã bị từ chối quyền được xét xử nhanh chóng. Ngài thẩm phán, có vẻ xấu hổ, thừa nhận rằng họ nói đúng, và phát quyết bãi bỏ vụ kiện.

Ông Zwemke nói rằng ông nghe về việc vụ án bị bãi bỏ qua một cú điện thoại từ văn phòng công tố. Luật sư văn phòng Chưởng lý nói đơn giản một câu, “Xin lỗi, tôi quên không theo dõi đồng hồ” – ông Zwemke kể lại.

“Các anh đùa với tôi à.”

Các công tố viên xác định là họ không thể làm lại vụ án – nhiều tội cáo buộc đã xảy ra cả chục năm trước, và các nhân viên thực thi pháp luật cho biết thời hiệu pháp lý cho vụ kiện mới đã hết hạn. Các điều tra viên kết luận rằng việc tìm kiếm bằng chứng mới hơn sẽ khó khăn, vì Mặt Trận đã cải tiến kỹ thuật kế toán của mình.

“Họ đã bắt đầu cẩn thận hơn về những gì họ đang làm, vì thế những sơ hở trên giấy tờ trước đây, bây giờ sẽ không còn nữa” – cựu đặc vụ FBI Tang-Wilcox nói.

Bà nói là cơ hội mà bà đã chờ đợi, một vụ án mà có thể làm rạn nứt vỏ bảo vệ của Mặt Trận, “đã đi qua.”

Cựu Trung sĩ Cảnh Sát, ông Doug Zwemke, người đã giúp điều tra vụ gian lận thuế của Mặt Trận, được công tố viên liên lang gọi điện thoại thông báo rằng vụ án này đã bị bãi bỏ. (Nguồn từ Frontline)

Ông Zwemke rất bức xúc. Bên cạnh những vấn đề khác, người cung cấp thông tin mà đã cho ông manh mối đầu tiên cũng đã bị giết chết trong quá trình điều tra.

“Cho dù anh ta bị giết vì đã giúp tôi hay vì Mặt Trận,” ông Zwemke nói, “kẻ giết người vẫn chưa bị bắt.”

Theo một bản ghi nhớ của FBI, tin tức về việc cáo trạng bị bãi bỏ đã “tạo một làn sóng kích động” xuyên cộng đồng người Việt tại Mỹ vốn đã hoài nghi về mức độ quan tâm của giới chức thi hành pháp luật Mỹ đến việc điều tra hành vi bạo lực của Mặt Trận. Cục điều tra kết luận rằng kết quả của vụ việc – dựa trên “một lý do kỹ thuật trong pháp lý” – chỉ làm sâu sắc hơn sự hoài nghi trong lòng cộng đồng người Việt tại Mỹ.


Cuối năm 1995, ông Louis Freeh, giám đốc của FBI thời bấy giờ, đã tới thăm văn phòng FBI tại San Francisco, nơi mà chuyên gia điều tra Tang-Wilcox đã miệt mài theo đuổi vụ án Mặt Trận.

Trong quá trình nhiều năm mà bà đã thường làm việc một mình, bà đã thu được cả núi tài liệu từ đồng nghiệp khắp nơi, và đã lùng sục tìm cách kết nối Mặt Trận với hơn hai mươi hành vi phạm tội.

Cuối cùng khi được ban cơ hội nói chuyện với ông Freeh, bà Tang-Wilcox cho biết bà đã yêu cầu trực tiếp với ông trước sự hiện diện của các đặc vụ khác rằng: Cho cho tôi nguồn lực cần thiết để theo đuổi vụ án này, nếu không thì đóng nó lại.

Gần 15 năm sau khi cái chết của ông Lâm trở thành biểu tượng của một thông cáo trong giai đoạn đầu về chiến thuật của Mặt Trận, ông Freeh đã quyết định đưa vụ án này lên vị trí ưu tiên. Cuộc điều tra được chính thức công bố là một “vụ án lớn,” căn cứ trên dạng tội phạm có tổ chức và mang tính khủng bố trong nước. Sự thay đổi này đã cung cấp cho vụ án thêm nhân lực đặc vụ.

Kết hợp với khoảng sáu đặc vụ khác, bà Tang-Wilcox đã thực hiện được nhiều việc đáng kể. Bà đã sang Pháp để phỏng vấn một nhà văn mà đã bị đánh bất tỉnh tại khu Little Saigon của Quận Cam vào năm 1988. Các đồng nghiệp của bà ở Washington, DC cũng thực hiện khoảng 200 cuộc phỏng vấn liên quan đến vụ ám sát của Lê Triết và Đỗ Trọng Nhân, hai đồng nghiệp từ tạp chí Tiền Phong. Phòng kiểm tra bằng chứng hình sự của cục điều tra đã kiểm tra lại những bằng chứng mà các cơ quan cảnh sát địa phương đã thu thập được từ nhiều năm trước; ví dụ, trong trường hợp của ông Lâm, các đặc vụ đã cố gắng so sánh các viên đạn được lấy từ cơ thể của ông với một khẩu súng trong cơ sở dữ liệu của FBI.

Tên mã FBI đặt cho vụ án này là VOECRN, tức tổ chức Việt Nam _Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng. Các đặc vụ tin rằng Mặt Trận sử dụng tên này chỉ để lãnh trách nhiệm cho các hành vi khủng bố mà chính họ đã gây ra. Trong các tập tin bằng chứng có những lời đề nghị làm người cung cấp thông tin cho Mặt Trận; có danh sách những người bị nghi ngờ là “sát thủ,” rõ ràng cho thấy các đặc vụ tin rằng Mặt Trận có một đội sát thủ, được gọi là “K-9.” Đồng thời cũng có cơ đồ tổ chức của Mặt Trận.

Bà Katherine Tang-Wilcox là một trong những nhà điều tra chỉ huy trong vụ việc theo đuổi Mặt Trận của FBI. (Nguồn từ Frontline)

Các tập tin tài liệu - từ cả trước và sau khi vụ án được công bố là một vụ án lớn - cũng biểu hiện sự pha trộn giữa sự lạc quan không thường xuyên và sự thất vọng nhất quán của các đặc vụ. Trong một bản ghi nhớ, một đặc vụ cân nhắc về sự “phức tạp quá mức” của cuộc điều tra. Một phần của sự phức tạp này là vì lúc ấy các băng đảng và những kẻ tống tiền đang dùng bạo lực quấy nhiễu cộng đồng người Việt. Bất cứ hành động bạo lực nào, các đặc vụ viết, cũng có thể có nhiều lý do. Và rồi họ có một bản ghi nhớ được gọi là “sự mất lòng tin vốn có đối với các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ” trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Trong nội bộ, các đặc vụ thừa nhận là sẽ có một sự trả giá rất cao nếu họ không giải quyết được những tội ác này. Một bản viết tay của một đặc vụ ở Los Angeles vào năm 1991 cảnh cáo lãnh đạo cấp cao về nguy cơ của việc ngừng điều tra quá sớm.

“FBI sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để trả lời, ngay bây giờ hoặc trong tương lai, chất vấn từ các dân biểu và nhà vận động hành lang người Việt về tại sao cuộc điều tra bị đóng,” đặc vụ này viết. Trong số một nội dung khác, đặc vụ ghi thêm, FBI sẽ phải giải thích tại sao sau nhiều năm, FBI vẫn thất bại trong việc thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của Mặt Trận.

Các cuộc phỏng vấn với những cựu đặc vụ và công tố viên của vụ điều tra này gợi ý rằng bất chấp việc tác hợp nguồn lực vào năm 1995, nhiều đặc vụ xem nó như một đứa trẻ không cha trong FBI. Một đặc vụ đã về hưu, người mà từng theo đuổi các manh mối, mô tả vụ án như là một cuộc “đuổi ngỗng trong hoang dã,” được thúc đẩy bằng chẳng gì khác ngoài “thuyết âm mưu.” Một đặc vụ khác cũ tỏ vẻ miệt thị đối với các nạn nhân, và cho rằng việc họ quyết định lên tiếng về các vấn đề gây tranh cãi làm cho họ không xứng đáng với sự cảm thông. Một số đặc vụ chỉ trích cựu lãnh đạo Tang-Wilcox - họ cho rằng bà không thực tế.

“Nó không phải là vụ án mà ai ai cũng muốn đối chọi,” bà Tang-Wilcox thừa nhận.

Ngược lại, các đặc vụ háo hức muốn tham gia vào cuộc săn lùng Unabomber, kẻ vô chính phủ mà đã viết một bản tuyên ngôn 35.000 chữ chống nền công nghệ và gửi chất nổ tới các giám đốc điều hành hãng hàng không, các nhà giáo dục, và những người khác. Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm kẻ ném bom nối tiếp này – kẻ đã giết 3 và làm tổn thương 24 người – tăng lên đến hơn 150 nhân viên toàn thời gian, nhiều người trong số họ làm việc tại văn phòng San Francisco. Nhờ có một manh mối từ người anh của kẻ sát nhân, FBI đã bắt hắn vào năm 1996.

Những năm dẫn đến thời điểm mà các đặc vụ liên bang hoàn toàn công nhận bản chất chính trị của bạo lực đối với các nhà báo Mỹ gốc Việt đã khá tốn kém. Kiểm tra của ProPublica và Frontline cho thấy trong năm 1995, khi FBI biết về 30 mối đe dọa giết người và thông cáo nhận hành vi tội ác mà các đặc vụ đã nghi ngờ là do Mặt Trận ban hành, cục điều tra mới nhận ra rằng 19 trong số các bản gốc của các tài tiệu đó chưa bao giờ được thu thập hoặc đã bị phá hủy hoặc mất.

Và trong khi tài liệu FBI cho thấy các đặc vụ đã triệu tập tài khoản điện thoại của khoảng 80 người, bà Tang-Wilcox cho biết cục điều tra lúc ấy chưa phát triển được đầy đủ thông tin chi tiết để có được chấp thuận pháp lý cho phép nghe lén điện thoại từ một thẩm phán. Những trở ngại đó, các đặc vụ và công tố viên thừa nhận, giúp giải thích tại sao, mặc dù đại bồi thẩm đoàn liên bang đã triệu tập tại San Francisco vào năm 1980 và một lần nữa vào những năm 1990, không một cáo trạng nào liên quan đến các hành vi bạo lực này đã được ban hành.

Ông Johnny Nguyễn đã trình diện trước một trong hai đại bồi thẩm đoàn này. Trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, theo FBI, ông Johnny Nguyễn đã sở hữu một cửa hàng tiện lợi ở Houston và làm việc dưới một vai trò nào đó tại một văn phòng luật sư địa phương. Ông được cộng đồng người Việt Houston biết đến như một doanh nhân thành đạt. Ông cũng là một cựu trung sĩ trong bộ binh miền Nam Việt Nam và là một thành viên tự hào của Mặt Trận. Cho đến hôm nay, ông nói rằng ông vẫn tôn thờ người sáng lập ra Mặt Trận, Hoàng Cơ Minh.

FBI, với sự giúp đỡ của Sở Cảnh sát Houston, đã tìm cách thu thập tất cả các thông tin có thể về ông Johnny Nguyễn. Một người cung cấp thông tin nói với ban điều tra rằng, trong vai trò “sát thủ trưởng của nhóm K-9 của Mặt Trận,” ông Johnny Nguyễn đã giết ông Đạm Phong, nhà xuất bản báo tại Houston, “bởi vì ông đã xuất bản những bài báo chỉ trích Mặt Trận và các hoạt động của họ.” Hồ sơ cho thấy trong số những người cung cấp thông tin ủng hộ giả thuyết này có một cựu thành viên của Mặt Trận.

Lý do vì sao ông Johnny Nguyễn đã trình diện trước bồi thẩm đoàn, nhiều khía cạnh vẫn còn chưa rõ. Các cựu đặc vụ và công tố viên vì lý do pháp lý không thể thảo luận về chủ đề đó. Nhưng ông Johnny Nguyễn đã tự mình thừa nhận là ông đã làm chứng, và ông lấy việc mình đã không bị buộc tội làm bằng chứng là ông vô tội.

Sau nhiều tháng tìm kiếm, ProPublica và Frontline gặp ông Johnny Nguyễn, giờ trong tuổi 70, trong một bộ vest đen tại lễ tưởng niệm hàng năm của Hoàng Cơ Minh tại Houston. Ông nói rằng ông không hề biết Đạm Phong, làm sao biết đến việc hãm hại ông. Ông thẳng thừng phủ nhận rằng ông đã từng là một thành viên của K-9.

“Cảnh sát tào lao vớ vẩn,” ông nói.

Khi được hỏi Mặt Trận có bao giờ tham gia những hành vi bạo lực nhắm vào các nhà phê bình của nhóm hay không, ông Johnny Nguyễn trả lời, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, “Không bao giờ.”

Ông Johnny Nguyễn nói việc FBI nghi ngờ ông đã từng là sát thủ của Mặt Trận là “tào lao vớ vẩn.” (Nguồn từ Frontline)

Johnny Nguyễn là một người đàn ông đầy tự hào. Ngày nay, ông đang điều hành một trường học lái xe. Và mặc dù ông thừa nhận ông cần phải gia hạn giấy phép cho chính mình, ông nhất định muốn chứng minh ông không phải là một người già yếu. Trong lúc phỏng vấn, ông bật đứng lên cởi áo khoác và áo sơ mi để khoe bắp tay của mình.

Đối với những ai nghĩ rằng ông ta có khả năng giết người, ông nói, “Tôi nói với họ, ’Được rồi, cứ đi và nói với FBI rằng tôi là K-9. Bảo FBI nhốt tôi lại.’ Tôi nói với họ vậy, ‘Không có bằng chứng. Không có chứng minh.’”

“Họ im lặng.”

Nỗ lực mới năm 1995 của FBI trong cuộc điều tra Mặt Trận kéo dài một vài năm. Cục điều tra không cho biết chính xác vụ án khủng bố trong nước này được đóng sổ khi nào. Nhưng nội dung của bản tuyên bố mà FBI cung cấp cho chúng tôi để đáp ứng những câu hỏi chi tiết về cuộc điều tra của họ có thể cũng sẽ phù hợp nếu được ban hành cách đây 20 năm:

“Những vụ án này được các chuyên gia FBI giàu kinh nghiệm dẫn dắt. Họ đã thu thập bằng chứng và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn, đồng thời làm việc chặt chẽ với nhóm luật sư của Sở Tư Pháp để xác định những tội phạm đã gây ra các tội ác này và thực thi công lý cho mọi nạn nhân. Bất chấp những nỗ lực đó, sau 15 năm điều tra, các quan chức Sở Tư Pháp và FBI kết luận rằng, cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng để truy tố.”

Trong cuộc phỏng vấn với ProPublica và Frontline, bà Tang-Wilcox đã đi xa hơn. Bà bày tỏ sự hối tiếc. “Tôi cảm thấy có lỗi,” bà nói. “Tôi đã không thể mang một ai ra trước công lý, để đem lại sự bình an cho các gia đình nạn nhân ’.”

Khi cuộc điều tra liên bang chấm dứt, các vụ án giết người – Lê Triết và Đỗ Trọng Nhân ở Virginia, Phạm Văn Tập ở Garden Grove, California, Nguyễn Đạm Phong ở Houston và Dương Trọng Lâm ở San Francisco – được trả lại cho cảnh sát địa phương, cho phép họ tiếp tục săn lùng sát thủ nếu họ muốn.

Các cơ quan địa phương có vẻ không tha thiết tiếp tục những cuộc điều tra này cho lắm. Sau nhiều tháng cố gắng gặp các thám tử đảm nhiệm vụ án lạnh tại Sở Cảnh Sát San Francisco để hỏi về vụ ám sát Dương Trọng Lâm, ProPublica và Frontline gần đây đã nhận được một cú điện thoại.

Những thám tử này không thể bình luận về vụ án. Họ nói là họ chỉ mới vừa lôi các hồ sơ ra từ kho lưu trữ và bắt đầu đọc chúng mà thôi.

Phần III: Lưu Vong Lần Thứ Hai

Đến năm 1989, Đoàn Văn Toại đã trở thành một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề chính trị của Việt Nam, quê hương ông. Ông Toại đã chứng kiến cảnh tham nhũng của cấp lãnh đạo miền Nam Việt Nam, và tiếp theo đó, sau chiến tranh, chính ông đã nếm trải sự tàn bạo của phe thắng cuộc Cộng sản. Nay ở Mỹ, ông đã trải nghiệm và thấy được nguyên nhân vì sao trong sự lạc quan cần phải có sự thận trọng.

Ông Toại đã viết tiểu luận cho nhiều ấn phẩm, trong đó có tờ Wall Street Journal. Ông đã từng là một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tufts ở ngoại ô Boston, và đã sáng lập một tổ chức vận động gọi là Institute for Democracy in Vietnam (Học viện Vận động Dân chủ cho Việt Nam). Cùng với một đồng tác giả, ông đã xuất bản một cuốn hồi ký mà đã được nhiều người đón nhận mang tựa đề là The Vietnamese Gulag (Quần đảo Ngục tù Việt Nam). Ông đã đi diễn thuyết khắp thế giới, thúc đẩy ý tưởng của mình về chính sánh ngoại giao với Cộng sản Việt Nam.

Rồi sau đó, vào một buổi sáng mùa hè, bên ngoài nhà của Toại ở Fresno, California, một tay súng mang khẩu súng lục cỡ nòng 38 li đã bắn ông. Một viên đạn làm vỡ hàm và phá hủy sáu chiếc răng trước khi xuyên ra ngoài phía bên dưới tai trái của ông. Một viên khác làm ông đổ nát ruột.

Sau vụ bắn súng này, Tổ chức Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation, hoặc VOECRN) – tên mà FBI đã nghi ngờ là tên khác của Mặt Trận – đã nhận trách nhiệm âm mưu giết ông Toại. Ông Toại đã chủ bút những bài viết chỉ trích và hoài nghi Mặt Trận, nhưng việc ông chạm trán với Tử thần như vậy đã buộc ông phải chấm dứt sự nghiệp bình luận chính trị Việt Nam của mình. Ông đã ngừng viết báo. Ông đã từ bỏ các tuyên truyền.

Năm 1989, ký giả và nhà hoạt động chính trị Đoàn Văn Toại bị bắn gần nhà ông ở Fresno, CA. Một viên đạn làm vỡ hàm răng và đã xuyên ra ngoài phía dưới lỗ tai của ông. (Kendrick Brinson cho ProPublica)

“Tôi đành câm miệng”, ông nói.

Những nạn nhân Mỹ gốc Việt của sự bạo lực mà được coi là do Mặt trận gây ra đã phải trải qua hai thiên tai – của chiến tranh và quá trình di cư – trước khi được dừng chân ở Mỹ. Bây giờ, dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau, ông Toại và nhóm người này dường như đã phải một lần nữa chịu đựng nỗi đau của cuộc sống mà họ nghĩ rằng họ đã bỏ lại phía sau, một cuộc sống bị bao phủ bởi sự sợ hãi, vô tự do, một thế hệ mà cái tàn bạo có thể lộng hành vô hậu quả.

Điều đó cảm thấy như là một cảnh lưu vong thứ hai, một nạn nhân cho biết. Thậm chí đến ngày hôm nay, nhiều người trong số nhóm nạn nhân này không muốn gợi lại chuyện của họ. ProPublica và Frontline đã cố gắng trò chuyện với bất cứ nạn nhân nào mà chúng tôi có thể. Trong nhiều năm qua, ông Toại đã không hề công khai thuật lại vụ ám sát nhắm vào ông. Những cá nhân khác mà chúng tôi phỏng vấn – bao gồm thân nhân của một nhà báo bị sát hại tên là Lê Triết – đã chưa hề lên tiếng nói một lời nào cả về nỗi đau, về sự thất vọng và sợ hãi lâu dài của họ.

Một số người đã từng sống dưới sự ảnh hưởng của bạo lực trong thời kỳ đó bây giờ vẫn kiên quyết giữ sự im lặng của họ. ProPublica và Frontline có sắp xếp được một cuộc phỏng vấn với một nhân viên đài phát thanh người Mỹ gốc Việt, vốn đã từng tham gia đưa tin trong những năm tháng đầy biến động đó. Nhưng cuối cùng anh ta cũng đổi ý không muốn được phỏng vấn nữa, và gửi cho chúng tôi một tin nhắn nói rằng anh ta vẫn còn lo lắng khi nói về thời kỳ đó. Một nhà văn có tiếng mà đã từng bị lên danh sách ám sát sau khi viết sách chỉ trích Mặt Trận cũng từ chối lời mời phỏng vấn cùng chúng tôi. Tương tự như vậy, một cá nhân khác, người đã sống sót sau khi bị bắn xém chết, cũng từ chối. Tại San Jose, California, một người nữa bị VOECRN dọa giết năm 1988, nay cũng quá sợ hãi không dám khơi lại sự việc.

Ông Toại, mới 43 tuổi khi bị bắn, được chữa trị thương tích trong một phòng bệnh viện có bảo vệ canh gác cẩn thận. Ông được khâu vá chỉnh hình vùng miệng bị thương và được trồng răng lại.

Nhưng cuộc sống mới ở Mỹ của ông từ đó mãi mãi thay đổi.

“Sau khi bị bắn,” ông Toại nói khi kể về vụ mưu sát vẫn chưa được phá án của mình, “tôi nghĩ là đất nước này không an toàn.”


Hai mươi lăm năm sau khi Lê Triết, một ký giả chuyên mục 61 tuổi của tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia, bị mưu sát, một người thân của ông đã đồng ý nói chuyện với chúng tôi dưới điều kiện phải được ẩn danh.

Cuối cùng, người này cho biết, các nhà chức trách vẫn không bắt được thủ phạm nào cả. Vị thân nhân này cũng chưa bao giờ công khai nói về cái chết của ông Triết cũng như các hậu quả của nó.

Ngay sau khi ông Triết bị ám sát vào năm 1990, vị thân nhân này đã nhận được một cú điện thoại với lời đe dọa. “Người đó nói, ‘Tao biết mày đang ở đâu. Tao biết mày là ai. Tao biết nhà mày ở đâu. Và mày không biết gì về tao cả. Cho nên mày nên cảnh giác nhé.’” Quá hoảng sợ, vị thân nhân đã đi tìm mua một khẩu súng lục và ghi tên học bắn súng.

“Tôi không thể quên được cảm giác của tôi trong thời gian đó. Bởi vì tôi biết cảnh sát không hề biết gì cả,” vị thân nhân cho biết.

Ông Triết sinh ra tại Việt Nam và đã phải chịu đựng rất nhiều trong những năm sống ở quê hương. Sau khi phe Hồ Chí Minh chiếm quyền kiểm soát Bắc Việt năm 1945, họ đã giết bằng cách chôn sống cha và anh trai 26 tuổi của ông. Là một cậu bé mới 16 tuổi, trong ba năm trời Triết đã bị giam giữ trong nhiều nhà tù Cộng sản; phần lớn thời gian đó, ông đã bị Cộng sản tra tấn. Khi tóc của ông mọc dài, ông đã tự cắt tóc bằng một mảnh thủy tinh vỡ.

Những tổn thương xúc cảm đâm sâu vào lòng ông. Trong thời gian đó, thân nhân ông cho biết, Triết “đã rất căm hận. Ông chỉ biết mỗi sự căm hận.”

Ông Triết và gia đình ông chuyển về miền Nam, về Sài Gòn, vào năm 1954. Khi thành phố này bị Cộng sản chiếm đoạt năm 1975, một lần nữa ông đã phải bỏ trốn, và lần này đến Hoa Kỳ. Ông trôi dạt đến ngoại ô Virginia, bên ngoài Washington, DC, khu vực mà sau này đã trở thành trung tâm của dân tị nạn Việt Nam. Đó không phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng – trong gần một thập niên, ông không hề được gặp một trong ba người con của ông, đó là người con gái vẫn còn đang sinh sống tại Việt Nam.

Nhưng dần dần ông Triết cũng đã tìm được tí hương vị của một cuộc sống bình thường. Ông đã kiếm được việc làm, là điều hành viên cho Bộ phận Kiểm soát Ô nhiễm Nước của Quận Arlington (Arlington County’s Water Pollution Control Division), và bắt đầu viết chuyên mục cho báo Tiền Phong. Từ đó tên tuổi ông được nhiều người trong cộng đồng người Việt biết đến. “Đó là những năm tháng hạnh phúc của ông,” vị thân nhân kể lại. “Ông cảm thấy mãn nguyện. Ông đã sống một cuộc sống thoải mái.”

Những bài viết của ông Triết thường mang tính châm trích sâu sắc. “Bút lực của ông sắc sảo và ông rất thông minh,” vị thân nhân nói. “Bất cứ sự bất công nào cũng làm ông bực mình.”

Lúc đầu ông Triết có ủng hộ Mặt trận, nhưng sau đó ông nhận ra rằng tổ chức này đã lường gạt thành viên của họ và chiếm đoạt tiền đóng góp làm của riêng. Ông Triết là ký giả Văn Nghệ Tiền Phong thứ hai đã bị ám sát. Mười tháng trước đó, một nhân viên phụ trách phân trang tên Đỗ Trọng Nhân đã bị giết trong hoàn cảnh tương tự: một tay súng xả ít nhất tám viên đạn vào chiếc Datsun 200-SX đời 1980 của ông khi ông đang chuẩn bị lái xe đi làm. Những phát đạn bắn vào ký giả 56 tuổi này ở vùng mặt, cổ, bụng, ngực, vai trái và tay trái. Hồ sơ cảnh sát cho thấy các viên đạn được bắn ra từ một khẩu súng lục tự động cỡ nòng 38 li.

Sau những vụ giết người này, vị thân nhân cho biết ông không kiềm được nỗi sợ hãi: ông đã từng thức giấc trong đêm vì ác mộng, la hét hoặc khóc nức nở. Ông kể lại là lúc trước ông thường thích đi dự các ngày lễ hội Tết, các buổi tác giả ký sách, hay các buổi trình diễn ca nhạc của người Mỹ gốc Việt. Nhưng cái chết của Lê Triết và vợ ông, cùng với cú điện thoại đe dọa sau đó, đã thay đổi tất cả. Vị thân nhân bắt đầu tự nguyện tránh xa những sự kiện văn hóa, và dần dần tách mình ra khỏi mọi sinh hoạt cộng đồng. Ông đã chuyển đến một nơi ở mới, cách xa các trung tâm người Việt ở vùng Bắc Virginia, và cắt đứt gần hết các mối tương quan với cuộc sống cũ. Một trong những lo lắng của vị thân nhân này là, có thể một lúc nào đó, ông sẽ bị lôi kéo vào những mâu thuẩn mà trước đây đã dẫn đến cái chết của ông Triết và bà Tuyết vợ ông.

“Niềm vui trong cuộc sống của chúng tôi đã bị giới hạn một cách vô lý,” vị thân nhân tâm sự.


Nguyễn Tú A, vì lo cho sự an toàn của mình, đã phải ngừng xuất bản tờ báo California có đến 7.000 số phát hành của mình. (Kendrick Brinson cho ProPublica)

Cựu chủ báo Nguyễn Tú A – một người bộc trực, thẳng tính – là một trong số các nạn nhân đã sẳn sàng chia sẻ chuyện của mình không chút do dự.

Trong thập niên 1980, ông Tú A xuất bản một tờ tuần san Việt ngữ tên là Viet Press, có số phát hành nhiều đến 7.000. Và trên tờ báo này, ông Tú A, cũng như ông Toại và ông Triết, đã thách thức Mặt Trận. Một vài ngày sau khi ông Toại bị bắn, ông Tú A nhận được một thông cáo có chữ ký của VOECRN. Theo mô tả của FBI, thông cáo này có in hình một giọt máu đang nhỏ vào một vũng máu, kèm theo đó là hàng chữ: “Ai sẽ là kẻ tiếp theo?”

“Nguyễn Tú A đã viết một bài báo chỉ trích Mặt Trận,” một đặc vụ FBI ghi lại trong một bản báo cáo, và cho biết thêm rằng quan điểm chính trị của ông Tú A cũng tương tự như của ông Toại – ông tin rằng việc trao đổi thương mại và mở rộng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ có thể sẽ tự do hóa chế độ Cộng sản.

Tú A, hiện đang sống ở Westminster, California, đã phải ngừng xuất bản tờ báo sau năm năm lưu hành; xót xa hơn nữa là các áp lực đe dọa đó đã buộc ông phải sống trong sự cảnh giác thường trực. Nhìn lại ông mới thấy rằng tâm trạng nghi ngờ đó của ông đã được xác nhận bởi một cú điện thoại bất thường mà cho đến nay ông vẫn không thể nào quên được.

Ông kể, lúc đó khoảng 9:00 đêm, một giọng nam lạ hoắc gọi điện thoại báo cho ông một tin khẩn: anh trai của ông đã bị tai nạn xe cộ và được đưa tới một bệnh viện gần đó. Tú A, người gọi nói tiếp, cần phải đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bán tín bán nghi, Tú A gọi cảnh sát, và ông được báo rằng anh trai ông chẳng bị tai nạn, chẳng bị thương và cũng chẳng vào bệnh viện.

Thế là Tú A không rời khỏi nhà.

“Đó là một cái bẫy,” ông nói.

Đó là sự nhanh trí? Hay hoang tưởng? Tú A cũng không biết chắc tại sao mình lại chọn cách xử trí đó. Nó chỉ là một trong những sự hoang mang đáng sợ nhỏ nhoi đã từng diễn ra trong một vụ án khủng bố nội địa chưa được sáng tỏ.


Ông Toại thì luôn luôn nhấn mạnh rằng ông không biết ai đã bắn mình. Đó là câu trả lời của ông với cảnh sát năm 1989 cũng như với ProPublica và Frontline trong một loạt các cuộc phỏng vấn trong năm nay, cả khi có quay phim và không. Ông nói với chúng tôi rằng ông đã từ lâu bỏ hy vọng là một ngày nào đó ông sẽ được chứng kiến kẻ ám sát mình bị bắt và đưa ra tòa án xét xử.

Tuy vậy, hồ sơ FBI cho thấy các điều tra viên tin rằng Mặt Trận có thể đã đứng sau vụ tấn công đó. Cũng theo tài liệu FBI, một cộng sự viên đã cho FBI hay là là anh đã có mặt tại một buổi họp chi hội của Mặt Trận. Tại buổi họp này, một người trong cương vị lãnh đạo báo cáo cho các thành viên có mặt biết là Mặt Trận đã dàn dựng vụ ám sát này. Cộng sự viên còn cho hay là vị lãnh đạo chi hội đã tiết lộ rằng ông Toại “đã bị Mặt Trận trừng phạt” vì những bài báo của ông.

Ông Toại từng lớn lên trong một làng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long mang tên là Rạch Ranh. Mẹ ông làm ruộng; cha ông, như bao người đàn ông cùng thời, đã cầm súng chiến đấu để đẩy lui thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam.

Hồi ký mang tên “Vietnamese Gulag” của Đoàn Văn Toại kể lại cuộc đời và những năm bị giam giữ trên quê hương của mình. (Kendrick Brinson cho ProPublica)

“Làng tôi là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Lúa mọc bạt ngàn trên đất phù sa,” Toại mô tả trong Vietnamese Gulag, cuốn hồi ký ông viết với đồng tác giả David Chanoff. “Cây trái trĩu cành, sẳn sàng mời người hái.” Lúc còn bé ông thường bắt cá bằng tay không.

Thời thanh niên, Toại chuyển vào Sài Gòn ở, và sau đó đảm nhiệm vai trò quản lý của một chi nhánh ngân hàng. Vị thế đó đã cho ông một cái nhìn cận cảnh về chế độ tham nhũng và đút lót đang gây rắc rối cho chính quyền miền Nam.

Và rồi khi Cộng sản chiếm quyền kiểm soát miền Nam năm 1975, Toại đã có chút hy vọng. Lúc đó mới 30 tuổi, với nụ cười dễ mến và mái tóc đáng được so sánh với anh em Tổng thống Kennedy, Toại thầm nghĩ rằng chế độ mới có thể sẽ là khắc tinh của thói tham nhũng. Ông đã làm việc trong Ban Tài chính Cách mạng (Revolutionary Finance Committee), một bộ phận lo cấu trúc lại hệ thống tài chính trên lãnh thổ mà cộng sản mới vừa chiếm được.

Nhưng chỉ trong vòng hai tháng, công an đã ném ông vào một buồng tù giam, một cái hộp nhỏ hẹp 12 ft × 30 ft cùng với khoảng 40 người đàn ông khác. Toại nói ông bị bỏ tù vì đã chống đối chủ trương tịch thu tài sản cá nhân của các nhà doanh nhân nhỏ và nông dân.

Hoàn cảnh trong tù vô cùng ảm đạm. Ông nhớ lại một tên cai ngục đã trộn cát vào phần cơm hàng ngày của ông, làm cho nó gần như không thể ăn được. Cộng sản nói rằng cho ăn cát để ông có thể suy nghĩ về những sai lầm của mình trong khi ông ăn. Ngày qua ngày, Toại và các tù nhân khác đã phải viết những bản tự thuật, để họ có thể nhìn nhận được những lỗi lầm mà họ đã gây ra trong suốt cuộc đời của họ. Trường hợp tử vong vì không được chăm sóc y tế xảy ra rất thường xuyên.

Cuối cùng, sau 28 tháng bị giam cầm, ông Toại cũng đã bước ra khỏi nhà tù. Ông vẫn chưa hề nhận được một lời giải thích cụ thể về lý do tại sao ông đã bị cầm tù hay lý do tại sao ông được thả ra. Ông trốn khỏi Việt Nam và cuối cùng được sang Mỹ cùng vợ và ba con.

Trong thời gian sống ở Mỹ, ông Toại tập trung vào công việc của Học viện Vận động Dân chủ cho Việt Nam của mình, một tổ chức được sáng lập nhằm biến đổi quê hương ông thành một xã hội tự do hơn. Tổ chức này đã được các chính trị gia từ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đồng ủng hộ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona, người mà ông Toại đã kết làm bạn thân. Toại chia sẻ là đối với ông, mục đích của tổ chức này là “dùng những phương pháp trao đổi mang tính hòa bình, những công cụ giáo dục và đào tạo để giúp chế độ Cộng sản Việt Nam thay đổi tư tưởng.” Ông nhận thấy một cơ hội lớn trong cuối thập niên 1980 khi Liên Xô, quốc gia bảo trợ chính của Việt Nam, bắt đầu dân chủ hoá trong thời kỳ mở cửa (glasnost)cải tổ (perestroika).

Rồi đột nhiên ông bị bắn vào mặt.

Trong hoang mang của vụ bắn súng, một sự tỉnh ngộ sâu sắc từ từ thấm vào tâm trí ông. Những quyền tự do được ca tụng của xứ Hoa Kỳ – những nhân quyền mà ông đã lặn lội đi tìm sau những năm ngồi tù – bây giờ dường như chỉ là một ý tưởng nhàm chán chứ không phải là thực tế nữa. Trong một cuộc phỏng vấn tại nhà của ông ở miền Nam California, sự thất vọng của Toại vẫn còn nguyên đó trên khuôn mặt ông.

“Cái mà được gọi là tự do báo chí,” ông nói, “thực sự không tự do tí nào hết.”

Ông Toại đã phải lê bước ra khỏi tầm nhìn công chúng, phải bỏ rơi công việc vận động và báo chí của mình. Ngày nay, ông sống một cuộc sống yên bình. Ông đang điều hành một trường cao đẳng nhỏ nhằm cung cấp các lớp đào tạo cho những ai muốn làm chủ nhà hàng hoặc phụ tá pháp lý. Trong vai trò là một chuyên nghiệp, ông đã Mỹ hoá tên Việt của mình, một quyết định mà có phần nhằm tiếp tục che đậy quá khứ của ông. Trong nhiều năm qua ông đã không cho giới truyền thông biết tên mới của mình.

Khi được hỏi tại sao ông lại đồng ý nói chuyện với ProPublica và Frontline, ông nói đùa: “Bây giờ tôi đã 70 tuổi và tôi không quan tâm nữa.”

Báo cáo bổ sung bởi Richard Rowley của Frontline. Thiết kế và sản xuất bởi David Sleight, Hannah Birch và Emily Martinez. Minh họa bởi Matt Rota.


author photo
Phóng viên A.C. Thompson chuyên báo cáo về các vấn đề công lý hình sự cho ProPublica. Anh vào nghành đã được 12 năm và làm việc chủ yếu ở vùng San Francisco Bay.

Đầu trang

20.11.2015 Đinh Từ Thức - damau

Nhìn vào sự thật qua vụ các nhà báo gốc việt bị giết

Nhớ Phùng Nguyễn, người bạn trẻ chưa bao giờ gặp. Trong email ngày 23 tháng 8, 2015, Phùng Nguyễn viết: “Trước đây tưởng đã có cơ hội được diện kiến bác, nhưng hôm ra mắt sách của Đặng Thơ Thơ, tôi bệnh bất ngờ nên lỡ dịp. Hy vọng lần sau sẽ được gặp bác.” Trong email mới nhất, ngày 13 tháng 11, 2015, Phùng Nguyễn viết: “Da Màu rất hân hạnh được bác gửi gấm. Thỉnh thoảng mong bác đóng góp cho VOA blog.”

Ba hôm sau, được tin anh ra đi, giữa lúc đang viết bài sau đây. Hy vọng trên chuyến tầu về chốn bình an, cũng có Wifi, để anh có thể đọc.

Hẹn gặp, khi nhận được giấy mời từ Trên ấy. —ĐTT

Hình minh hoạ bởi Rob Dobi (OC Weekly)

Điều tra phóng sự truyền hình Terror in Little Saigon đã gây sôi nổi ngay từ trước khi công chiếu vào ngày 3 tháng 11, 2015. Sau mười ngày, cuộc tranh cãi đã phân định thành nhiều phe tương đối rõ nét. Nhưng hầu như lập luận của phe nào cũng bị vẩn đục bởi những định kiến sẵn có, khiến cuộc thảo luận chỉ quanh quẩn, người nọ lập lại ý kiến của người kia cùng phe, khiến tình trạng ngày càng tù mù thêm. Giống như một sân quần ngựa, càng nhiều ngựa quần, bụi đất càng mù mịt.

Muốn nhìn rõ vấn đề, trước hết, cần loại bỏ mọi định kiến, nghi vấn, suy đoán theo tưởng tượng. Cần gạt bỏ mọi tình cảm thiên lệch sẵn có như bênh ai, chống ai… Hãy bắt đầu từ số không, và chỉ nhìn vào những sự việc có thật, rồi từ đấy mới có thể có cái nhìn rõ ràng.

Sự thật không thể chối bỏ

Trước hết, những người chống lại nhóm làm phim đưa ra lập luận: Nội vụ đã xảy ra hai ba chục năm rồi, giới hữu trách đã có gắng nhiều, vẫn không tìm ra thủ phạm, không ai bị truy tố, tại sao làm sống lại chuyện này? Nhằm mục đích gì? Có âm mưu gì? Ai chi tiền? Đằng sau có ai? Và đằng sau ai có ai nữa? Tại sao lúc này?… Trong khi ấy, những người có thành kiến với Mặt Trận [Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh – gọi tắt là Mặt Trận], cũng như với chính đảng kế tục Mặt Trận là Việt Tân, đều nhấn mạnh về nghi vấn Mặt Trận là thủ phạm. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi cũng thiên về khuynh hướng này, và cũng không nêu được sự thật mới nào.

Vậy sự thật ở đâu? Bắt đầu từ chỗ nào?

Dù chưa bắt được thủ phạm, chưa ai bị truy tố, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được, là có những người bị giết. Sự thật này không ai có thể né tránh, không thể thay đổi, không thể xoá bỏ. Dù nhắc tới nó hay không, dù can đảm đối diện hay hèn mạt chối bỏ, nó vẫn còn đó. Chưa có ai bị truy tố, không có nghĩa là không có thủ phạm, không có người chết. Có nhiều người bị giết mà chưa bắt được thủ phạm, rất nhiều nguy hiểm; vì thủ phạm vẫn thong dong sống trà trộn với người lương thiện trong xã hội, “đã quen mất nết đi rồi,” có thể tái phạm tội ác bất cứ lúc nào; là mối đe dọa thường trực cho mọi người. Hơn nữa, có người chết, thì phải làm cho sáng tỏ. Không làm được là bất lực, vô trách nhiệm, vô cảm.

Theo những tài liệu rõ ràng, không ai chối cãi được, là trong mười năm, từ 1981 đến 1990 thế kỷ trước, có nhiều vụ khủng bố mà nạn nhân thuộc thành phần người Việt tại Mỹ. Kẻ bị đe doạ, bị hành hung, người bị đốt nhà, nhiều người bị bắn chết, có người chỉ bị thương, thoát chết. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi chỉ nói tới năm người bị giết, nên ở đây, cũng chỉ đề cập tới những người này.

Năm người bị giết không chỉ là con số đơn độc vô tri vô giác. Mỗi người không chỉ là một phân số 1/5 của một tổng số. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có tên tuổi, diện mạo, có sở thích, chí hướng, có gia đình, bạn hữu và nguồn gốc. Đó là sự thật.

Sự thật khác là cả năm người khi bị giết đều cùng đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, là cường quốc dân chủ số một trên thế giới, là “thành phố ánh sáng trên đồi cao” cho cả thế giới noi theo về tinh thần trọng luật, và tôn trọng nhân quyền. Sự thật kế tiếp là những người này đã bị giết hai ba chục năm, mà chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra thủ phạm để đem ra trước công lý. Nếu đây là một vết nhơ, một điều đáng xấu hổ, đáng nhục thì, ai xấu hổ, ai nhục? Có người nói: khơi lại nội vụ là làm nhục cộng đồng người Việt. Sự thật, có phải vậy không?

Một sự thật khác liên hệ tới nhà báo bị giết không thể bỏ qua: Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai sát thủ xông vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, bắn chết 12 người. Cả thế giới phẫn nộ. Tổng Thống Pháp từng bị tờ báo này mạ lỵ thậm tệ nhiều lần, ra lệnh treo cờ rủ, cả nước Pháp để tang, hàng triệu người xuống đường đeo huy hiệu, tự nhận “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Tổng Thống Mỹ Obama lên án vụ tấn công là “horrific shooting” (vụ bắn khủng khiếp), hứa giúp đỡ mọi sự cần thiết để đưa bọn khủng bố ra trước công lý. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” Thủ Tướng Anh Cameron bầy tỏ trên twitter: “Những vụ giết người tại Paris là bệnh hoạn. Chúng tôi sát cánh với dân tộc Pháp trong trận đánh chống lại kinh hãi và bảo vệ tự do báo chí.”

Khác nhau giữa các nhà báo Pháp bị giết ở Paris, và nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ là ở chỗ, một đằng bị giết cùng một nơi, cùng lúc, một đằng bị giết lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi, trong nhiều năm. Thủ phạm giết nhiều người một lúc, là phạm pháp một lần. Thủ phạm giết người nhiều lần, mỗi lần một vài người, dù tổng số người bị giết ít hơn, nhưng là phạm pháp nhiều lần, có yếu tố tái phạm. Một yếu tố khiến tội phạm nặng thêm.

Vậy, vụ các nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ phải được coi là nghiêm trọng hơn vụ Charlie Hebdo. Tuần báo Charlie Hebdo là một cá thể trong cộng đồng dân Pháp, dù nhiều người không ưa cá thể này, nhưng từ tổng thống trở xuống, cả dân Pháp đã đau buồn, cùng nhau chịu tang, thế giới chia buồn.

Các nhà báo Việt bị sát hại tại Mỹ, dù có người không ưa họ – chẳng ai được mọi người cùng ưa – trước hết, họ là những cá thể trong cộng đồng người Việt, cùng lúc, họ cũng thuộc về cộng đồng tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Trước hết, cái chết của họ là nỗi đau chung, là tang chung cho cả cộng đồng người Việt. Và theo cách đối xử của dân Pháp trước vụ Charlie Hebdo, họ cũng đáng được dân Mỹ chia sẻ niềm đau, chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ, và thế giới quan tâm.

Bây giờ, xin nhìn thẳng vào sự thật, trước những cái chết của họ, cộng đồng người Việt đã làm gì? Chính quyền Hoa Kỳ đã làm gì? Thế giới đã làm gì?

Nói theo Nguyễn Ngọc Lan, trước tội ác xảy ra cho thành viên của mình, cộng đồng người Việt đã “làm thinh”! Nói “làm thinh” là đã nhẹ bớt quá nhiều. Sự thật còn tệ hơn nữa. Trả lời nhóm làm phim ProPublica, người đã bắn Trần Khánh Vân, chỉ vì ông này chủ trương đối thoại và giao thương với Việt Cộng, Trần Văn Bé Tư, sau bảy năm ngồi tù, vẫn còn hãnh diện: “Tôi bắn, hắn đổ xuống như một cái cây.” Và cho biết thêm: “Dân chúng ở Orange County coi những người giết những kẻ bị coi là Cộng Sản như anh hùng.” Ông còn nói đã được tuyển mộ gia nhập K-9 nhưng từ chối, tuy vậy, ông thán phục việc làm của họ.

Còn chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý,” nhưng đối với bọn khủng bố giết người trên nước ông, ông cũng làm thinh luôn. Còn thế giới? Cộng đồng Việt như vậy, chính quyền Mỹ như vậy, hà tất thế giới phải quan tâm.

Sự thật đáng buồn

Một sự thật đáng buồn hơn cả thái độ làm thinh: Sau khi điều tra phóng sự Kinh hoàng tại Little Saigon công chiếu, đã có cuộc vận động trong cộng đồng chống lại nỗ lực của nhóm người làm sống lại vụ án này, với lý do âm mưu làm xấu hình ảnh cộng đồng. Như đã trình bầy, những người bị giết là nạn nhân, cộng đồng người Việt là tang gia. Ở đâu có chuyện lạ đời, nhiều thành viên trong gia đình bị giết mà tang gia bị nhục? Cộng đồng không bao bọc thành viên của mình, và làm thinh, hay còn vui mừng trước hoạn nạn của thành viên, cái đó mới đáng nhục. Và nhục nhã nhất ở đời là không biết nhục.

Phía chống đối ProPublica còn nêu nghi vấn: Có thể những nhà báo bị giết là do bàn tay Việt Cộng, để tạo nghi ngờ và chia rẽ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nếu vậy, nội vụ càng cần làm sáng tỏ, thay vì bỏ qua. Bởi vì, cái nước Mỹ số một thế giới, cùng với cộng đồng Việt chống cộng nổi tiếng hoàn cầu, mà để Việt Cộng gửi sát thủ sang đây hoành hành như chỗ không người, thỉnh thoảng giết một nhà báo để bịt miệng, kéo dài cả chục năm, vẫn không bắt được thủ phạm. Nhục nào bằng?

Chính quyền Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mọi cư dân. Để cho người dưới trách nhiệm bảo vệ của mình bị giết là một cái nhục. Nhục kế tiếp là bó tay, không tìm ra thủ phạm. Nhóm làm phim đánh động dư luận, làm sống lại nội vụ, trước hết là góp phần tìm ra thủ phạm để bộ mặt Hoa Kỳ không bị nhem nhuốc, sau là đem lại một kết thúc bình an cho gia đình các nạn nhân. Thế mà, điều đáng ngạc nhiên, một nghị sĩ gốc Việt tại Viện Lập Pháp Tiểu Bang California đã vội vàng lên tiếng phản đối. Nghị sĩ Janet Nguyễn có một vai trò kép, vừa là đại diện dân Mỹ, vừa là một thành viên cộng đồng Việt. Đáng lẽ bà phải vui mừng gấp đôi trước việc làm của ProPublica, vì cố gắng của họ vừa làm đẹp cho nước Mỹ, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng Việt. Một tuần sau ngày công chiếu phóng sự điều tra, trong lá thư ngày 10 tháng 11 gửi ProPublica, bà tỏ vẻ bất bình và yêu cầu tổ chức này phải xin lỗi cộng đồng Việt. Lý do bất bình, bà viết: “Trái với những gì được trình bầy xuyên tạc trong phóng sự của ông, trên 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt là những công dân tôn trọng pháp luật đã cống hiến cho sự thịnh vượng của xã hội Hoa Kỳ.” (Contrary to what was portrayed in your slanted reporting, the more than 1.7 million Vietnamese Americans are law abiding citizens that contribute to the rich tapestry of America’s society).

“Bản án tử hình” dành cho Dương Trọng Lâm
(tài liệu trên ProPublica)

Nghị sĩ Nguyễn nói mà không cần để ý tới thực tế. Sự thật là sắc dân nào, cộng đồng nào cũng vậy, đều có một số do thiếu hiểu biết, hay cố tình vi phạm pháp luật. Vì thế mới cần có hệ thống tư pháp. Trên nước Mỹ, năm nào cũng có những người Việt phạm pháp, bị truy tố ra toà. Đó là chuyện bình thường. Nếu tất cả trên một triệu bảy trăm ngàn người gốc Việt đều là những công dân tôn trọng pháp luật, vậy những người bị truy tố hay đang thi hành án trong tù, họ ở đâu ra? Nghị sĩ Nguyễn còn trẻ, tương lai còn nhiều hứa hẹn, không nên phát biểu giống như những người phát ngôn từ Bắc Kinh hay Hà Nội, lúc nào cũng gân cổ tuyên bố “chúng tôi không có tù chính trị,” nhưng trong “kho dự trữ” luôn đầy ắp, sẵn sàng đem ra làm quà mở đường cho một chuyến công du, hay đổi lấy chữ ký cho một thoả hiệp béo bở.

Ngoài ra, khi có những người, hay nhóm người gốc Việt phạm pháp, đó là chuyện cá nhân hay băng đảng riêng, họ làm họ chịu. Một người hay một nhóm phạm pháp không phải cả cộng đồng phạm pháp. Uy tín cộng đồng không bị suy giảm khi có một cá nhân, hay một nhóm trong cộng đồng phạm pháp. Chỉ khi nào cộng đồng cố tình bao che cho một cá nhân hay một nhóm trong tập thể của mình, lúc ấy, uy tín cộng đồng bị thương tổn. Ngược lại, khi cộng đồng tham gia việc tìm ra kẻ phạm pháp trong tập thể của mình, là góp phần rửa sạch bộ mặt mình, càng làm cho uy tín của cộng đồng lên cao.

Để Nghị Sĩ Nguyễn dễ phân biệt giữa vinh với nhục, và giữa cá thể với cộng đồng, chẳng cần tìm đâu xa, có thể nhìn ngay vào lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Năm 1972, Tổng Thống Nixon bao che cho một nhóm tay chân bộ hạ ở Bạch Ốc đột nhập trụ sở Đảng Dân Chủ ở chung cư Watergate. Hai nhà báo trẻ của The Washington Post, được sự đồng ý của chủ bút, cố truy tìm nguồn gốc của việc làm phạm pháp này. Lúc đầu. vì chưa đủ bằng chứng, nhà báo gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng bị đe doạ, nhưng nhà báo đã cố làm việc vì công tâm, để bảo vệ những giá trị cao đẹp của Mỹ, không phải để bôi nhọ nước Mỹ. Trong trường hợp này, truy nguyên để chứng minh ông tổng thống phạm pháp, là cố gắng can đảm, đáng trân trọng, không phải là việc làm cần ngăn chặn.

Khi ông Nixon hết đường nói quanh, phải từ chức, tuy ông là đương kim tổng thống, đại diện cho cả nước Mỹ, nhưng hành vi sai trái của ông chỉ riêng ông phải chịu. Mình ông xấu mặt. Nước Mỹ chẳng những không xấu, còn được cả thế giới kính phục. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà báo chỉ với cây bút trong tay, làm cho một ông tổng thống quyền lực hàng đầu thế giới, nắm chìa khoá nguyên tử trong tay, phải từ chức.

Một trùng hợp khá hy hữu, trong cùng ngày Nghị sĩ Nguyễn viết thư cho ProPublica, nói tất cả người Việt ở Mỹ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận cho biết: K-9 có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều động, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ nhì là chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến, nhưng cuối cùng, ông Trần Khánh Vân lãnh đạn! Kẻ bắn ông Vân vẫn còn đó, sau khi mãn án tù vẫn hãnh diện về hành vi bắn người của mình. Nếu cho đây là niềm hãnh diện chung của cộng đồng, terror chính là đấy, phải tìm đâu xa?

Ngoài ngạc nhiên về nội dung thư phản đối của Nghị sĩ Janet Nguyễn, là ngạc nhiên về câu nói của một nhà lãnh đạo Mặt Trận vốn nổi tiếng khôn ngoan, ông Hoàng Cơ Định. Trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang báo Người Việt thực hiện ngày 6 tháng 11, ông Định tuyên bố: “Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.” Nếu chỉ là câu nói vô tình, đó là sự đáng tiếc. Nếu cố ý, đó là câu nói nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Nói chung, ông nêu một nhận định đúng. Nhưng nó không đúng với trường hợp các nhà báo bị giết. Từ trước tới nay, có nhà báo từ trần do nguyên nhân không bình thường, nhưng tên tuổi không nằm trong danh sách những người bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách. Trong khi ấy, qua bằng chứng còn lại, tất cả những người bị giết, trừ một người là chuyên viên kỹ thuật, đều là những nhà báo cương quyết bầy tỏ lập trường của họ, bất chấp áp lực. Họ đích thực là nạn nhân của những vụ giết người để bịt miệng. Trong số này không có ai là nhà báo ra đường bị xe cán, rồi cộng đồng hô hoán lên là họ chết vì sự nghiệp viết lách.

Diện mạo những nạn nhân

Theo thứ tự thời gian, nạn nhân đầu tiên là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút báo Cái Đình Làng, bị giết 1981, tại San Francisco, California. Theo “bản án tử hình” bằng tiếng Anh đề ngày 7 August 1981, được thi hành bởi “Tổ Chức Người Việt Diệt Cộng Phục Quốc” (VOECRN). Tóm tắt tội trạng liệt kê: Lâm được Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học năm 1971, thay vì phục vụ Quốc Gia lại theo Cộng Sản, làm báo Cái Đình Làng để tuyên truyền cho cộng sản. Sau khi Terror in Little Saigon công chiếu, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali là cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc cho biết thêm, cha Lâm là Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Lạng, nay cũng đã qua đời. Vẫn theo ông Lộc, xác Lâm lúc đầu đã được chôn trong nghĩa trang cộng đồng, nhưng có một số quý vị phản đối. Tuy không ép buộc, gia đình tự ý mang Lâm đi chôn nơi khác, để tránh bị phá hoại.

Chỉ cần riêng sự thật trên đây, một sự thật không ai chối cãi được, và chỉ cần một vụ này thôi, có cần thế lực nào, có cần âm mưu nào, có cần ai làm thêm gì nữa để bôi xấu cộng đồng Việt?


Dương Trọng Lâm khi là sinh viên trường Oberlin.
(Courtesy of Oberlin College Archives)
(Ảnh lấy từ ProPublica)

Hỏi lý do tại sao bỏ nước chạy sang Mỹ, có lẽ bất cứ ai trong cộng đồng Việt tị nạn, dù đang ngủ mơ, cũng có thể trả lời trôi chảy: “Sang đây để có tự do dân chủ.” Tự do có phải muốn lên án tử ai cũng được, dân chủ có phải người dân nào cũng có thể tự mình làm quan toà, kiêm đao phủ? Và giết người rồi, còn không muốn cho chôn! Lời tuyên bố của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sau vụ Charlie Hebdo rất phù hợp cho ở đây: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” (It was horrendous, unjustifiable and cold-blooded crime. It was also a direct assault on a cornerstone of democracy, on the media and on freedom of expression.)

Người thứ nhì là Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại nhà ở Houston, Texas. Đạm Phong làm báo từ thời ở Sài Gòn, sang Mỹ, làm chủ nhiệm tờ Tự Do ở Houston. Những bài báo còn lại cho thấy Đạm Phong công kích Mặt Trận khá nặng nề, qua những bài báo chiếm đầy trang nhất. Theo thân nhân công khai kể lại, Đạm Phong đã sang tận Thái Lan tìm hiểu về “chiến khu” của Mặt Trận, từng bị Mặt Trận mua chuộc, áp lực và liên tục đe doạ.

Qua vụ chiếu phim Terror in Little Saigon, và những lên tiếng tiếp theo của con trai ông, dư luận được biết khi bị ám sát, Đạm Phong có tới 10 con. Số con mồ côi đông đảo này của Đạm Phong, dù khi bố chết hãy còn bé, đến nay chắc đã biết rõ bố chết như thế nào, và tại sao. Nhưng với mấy chục đứa con của các con Đạm Phong, những đứa trẻ không có ông như các bạn cùng trang lứa, những đứa trẻ không bao giờ được ông đưa đón ở cửa trường hay dắt ra công viên, những đứa cháu không bao giờ được gặp ông, bố mẹ các cháu sẽ giải thích như thế nào, để các cháu hiểu được: Tại sao ông đưa cả nhà sang Mỹ để có tự do, rồi lại chết vì làm báo Tự Do?


Đạm Phong (dưới cùng bên phải) với vợ và 8 trong số 10 con
(Hình từ ProPublica)

Nạn nhân thứ ba là Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California. Người viết không biết nhiều về nhà báo này. Chỉ được biết, trước khi chết, ông đã từng bị cảnh cáo, vì báo Mai đăng quảng cáo cho những dịch vụ làm ăn với Việt Cộng. Nếu còn sống, bây giờ, chẳng những đăng quảng cáo, ông còn có thể mang tiền về Việt Nam làm ăn, du lịch và du hí, cùng với hàng trăm ngàn khúc ruột ngàn dặm mỗi năm. Làm báo đi trước thời cuộc, thường là ưu điểm, nhưng sống giữa cộng đồng Việt mà đi trước thời cuộc, mất mạng như chơi!

Người thứ tư bị giết là ông Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, chuyên viên kỹ thuật cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989. Ông Nhân là cựu sĩ quan cấp Tá, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Không phải là nhân viên toà soạn, không viết bài, nên ông không bị đe doạ, hay gây tranh cãi gì liên hệ tới bài vở của tạp chí. Ông sống một mình nên chẳng có ai thắc mắc khi không thấy ông trở về vào cuối ngày làm việc. Ông rời sở làm chiều Thứ Hai. Phu đổ rác phát giác ông chết ngồi trước tay lái trong xe sáng Thứ Tư. Không biết ông bị bắn bao giờ. Báo Văn Nghệ Tiền Phong chỉ loan một tin nhỏ, chẳng mấy ai chú ý, nói ông bị giết vì chuyện riêng. Nội vụ rơi vào lãng quên. Không hiểu nhà báo căn cứ vào đâu để loan tin như vậy? Không bắt được thủ phạm, sao biết được chết vì lý do riêng tư.

Ít lâu trước khi bị giết, ông Lê Triết, một cây viết quan trọng của Văn Nghệ Tiền Phong, và cũng là tham vấn cho Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, nói với người thân rằng: “Anh Nhân đã chết thay tôi. Người ta đã giết anh ấy, vì tưởng lầm là tôi.” Lê Triết giải thích thêm: “Anh ấy không viết bài, chẳng thù oán với ai, đi làm rất chăm chỉ.” Vẫn theo Lê Triết, anh và anh Nhân xấp xỉ tuổi nhau, cả hai cùng tầm vóc, hơi gầy, cùng đeo kính và cùng đi xe mầu xanh. Chỉ có một khác biệt: Lê Triết tới toà soạn bất thường, phần vì có thể viết bài ở nhà, phần vì lý do an ninh, để tránh bị theo dõi. Anh Nhân đi làm theo giờ nhất định, dễ bị theo dõi, bị nhận lầm là Lê Triết, và bị bắn khi ra về. Sau này, người nghe chuyện cảm thấy hối hận, vì chỉ “nghe rồi bỏ”; tưởng Lê Triết muốn “quan trọng hoá” cá nhân mình. Bỏ qua vì nghĩ rằng, cùng người Việt chống cộng với nhau, ai nỡ dã man thế.

Nạn nhân cuối cùng là Lê Triết, 61 tuổi, và vợ là Đặng Trần Thị Tuyết, 52 tuổi. Cả hai cùng bị hạ sát tại chỗ đậu xe ở đầu nhà, khoảng gần nửa đêm 21 rạng 22 tháng 9, 1990. Qua bút hiệu Tú Rua trên mục “Ngày Lại Ngày” của Văn Nghệ Tiền Phong, Lê Triết gây sóng gió trên tờ báo này trong một thập niên, danh vang khắp nơi, oán thù cũng lắm. Đe doạ cũng nhiều.

Khi Mặt Trận ra đời, Lê Triết và Văn Nghệ Tiền Phong nói chung rất phấn khởi, và tích cực ủng hộ. Toà báo đã cử ký giả Hoàng Xuyên đi “chiến khu” của Mặt Trận để làm phóng sự. Nhưng từ khi những thầm kín nội bộ của Mặt Trân dần dần lộ diện, nhà báo thành kẻ thù, bị đe doạ, qua thư cũng như điện thoại. Lê Triết không phải là người dễ chịu áp lực. Càng bị đe doạ, anh càng cương quyết, càng chứng tỏ con đường anh theo đuổi là đúng. Thay vì khuất phục, anh đề phòng, mua súng tự vệ, lắp camera bốn góc nhà, cộng với con chó Bobby do Nguyễn Thanh Hoàng mua cho.

Tại party của gia đình một người bạn, mừng con trai hoàn tất chương trình y khoa bác sĩ, vào tối Thứ Bảy 21 tháng 9, Lê Triết tâm sự với bạn hữu: Qua Mỹ từ 1975, anh không muốn vào quốc tịch, vì còn mẹ già ở quê cũ, không muốn cắt đứt chút liên hệ pháp lý còn lại. Chẳng lẽ mẹ người Việt, con công dân Mỹ, như người ngoại quốc. Mãi đến cuối thập niên 80, trước tình hình khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, anh xin về hưu sớm, và xin nhập quốc tịch Mỹ, để dễ dàng xin thông hành đi Nga. Cả gia đình là nạn nhân cộng sản, rất phấn khởi trước tình hình mới, anh khoe: “Tôi làm xong mọi thủ tục đi Mạc Tư Khoa rồi. Chỉ mấy tuần nữa, tôi sẽ chụp một tấm hình đứng giữa Công Trường Đỏ, gửi về cho mẹ tôi, không cần nói gì cả, Cụ sẽ mừng và hiểu là tôi đã thoả chí bình sinh.”

Rời party khoảng 11 giờ đêm, anh chị về đến nhà quãng 11:30, lái xe vào chỗ đậu thường lệ ở đầu nhà. Cũng là nơi sát thủ chờ sẵn, ra tay ngay, gọn lẹ và chuyên nghiệp. Lê Triết chưa kịp mở cửa xe, chết gục trước tay lái. Chị Triết đã mở được cửa xe, người nửa trong nửa ngoài, chân co chân duỗi, chết nằm trên sàn xi măng carport.


(Hình lấy từ Terror in Little Saigon – ProPublica)

Trong vòng vài ngày sau, nhà người thân Lê Triết, điện thoại reo liên hồi. Khi nhấc lên, thay vì tiếng nói, chỉ là những tràng cười, như thích thú, như chế diễu, như đe dọa, lạnh lùng, ghê rợn!

Gia đình Lê Triết ở Việt Nam giữ kín, không dám cho thân mẫu anh biết tin dữ, vì không biết cách giải thích thế nào cho cụ bà 90 tuổi hiểu được, tại sao con mình bỏ mẹ chạy lấy người, để khỏi bị chết vì tay Cộng Sản, bây giờ lại chết giữa tập thể đồng hương chống cộng, ở Mỹ!

Ngày giỗ đầu, các con đem phim cũ ra chiếu. Khi hình ảnh ông bà Lê Triết xuất hiện, con Bobby đang ngồi ở góc nhà, vừa vẫy đuôi, vừa sủa, chạy tới hít hít vào màn hình, như mừng chủ đi xa về. Mừng cho nó, có vẻ an phận, nhờ không ý thức được thế nào là terror. Nhưng người có mặt đã không cầm được nước mắt. Nó cũng đã đi theo chủ, lâu rồi.

Kinh hãi trái khoáy

Cuốn phim Terror in Little Saigon (Kinh hãi tại Little Saigon), như mọi người đã biết, có nội dung nói về cái chết của những nhà báo gốc Việt bị giết tại Mỹ từ 1981 đến 1990. Nhưng thực tế, nó đã tạo một hiệu ứng trái ngược trong cộng đồng Việt: Hầu như chẳng ai cảm thấy “kinh hãi” khi các nhà báo bị giết. Như đã trình bầy, cả cộng đồng và làng báo Việt hồi đó đều “làm thinh.” Trái lại, đã có một không khí “kinh hãi” trong cộng đồng, trước và sau hôm công chiếu ngày 3 tháng 11. Nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng khắp nơi trên đất Mỹ nhảy dựng, thảo luận, kết án, chống đối, hội họp, tìm cách đối phó… ngay từ trước khi xem phim. Và sau khi xem phim, mức độ kinh hãi càng tăng. Hoạt động đối phó cũng tăng: mời họp, thông cáo, kiến nghị, thư phản đối, họp báo, cả kế hoạch biểu tình trước PBS.

Trong khi cộng đồng sôi nổi như vậy, lại bị các nhân vật rất gần gũi với cộng đồng chê bai. Ông Hoàng Cơ Định nghi ngờ về trình độ trưởng thành của cộng đồng, trong khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!” Người viết không tin quý vị trong cộng đồng thiếu trình độ. Cũng không tin quý vị mắc bệnh câm, điếc, hay mù. Thật ra, quý vị là những người rất năng động và nhậy cảm, nhưng không đúng lúc, thành ra đôi khi lẫn cẫn. Lúc đáng lẽ cảm thấy kinh hãi, như khi có người bị giết vì bất đồng chính kiến, hay để bịt miệng, thì quý vị im lặng. Khi đáng phấn khởi hay vui mừng, như khi nhà báo tìm hiểu quá khứ, đánh động lương tâm để giúp tìm ra thủ phạm, thì lại cảm thấy hãi hùng, lo sợ. Tình trạng này, có thể tạm gọi là bệnh “kinh hãi trái khoáy” (improper terror).

Ngoài kinh hãi vì những vụ giết người, có thế nói, qua cuốn phim “terror”, còn có thể thấy cả kinh hãi ngay trong đời sống cộng đồng:

Tại Cali, hàng năm cộng đồng Việt đều có tổ chức lễ giỗ và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một trong những đức tính hàng đầu của Tổng Thống Diệm được nêu ra hàng năm, là sự quý trọng mạng sống con người. Bằng chứng: Hà Minh Trí, sát thủ Việt Cộng toan ám sát Tổng Thống tại Ban Mê Thuột ngày 22 tháng 2 năm 1957, và phi công Phạm Phú Quốc, bỏ bom Dinh Độc Lập sáng 27 tháng 2 năm 1962. Cả hai người này, một là Việt Cộng, một là sĩ quan phản loạn, xử đúng luật, đều đáng án tử hình. Nhưng ông Diệm đã không giết họ. Dù yêu hay ghét ông, đó là sự thật, không thể chối cãi. Trường hợp này, ông Diệm còn nhân từ, rộng lượng hơn Charles de Gaulle. Ngày 22 tháng 8, 1962, có cuộc ám sát hụt Tổng Thống Pháp de Gaulle ở Paris, do Trung Tá Không Quân Pháp Jean Bastien-Thiry chủ mưu. Ông này bị toà án Paris kết án tử hình ngày 4 tháng 3, 1963, không được de Gaulle ân xá, và bị xử bắn chỉ một tuần sau đó, ngày 11 tháng 3, 1963. Một tên Việt Cộng, một sĩ quan phản loạn, chủ tâm giết, đã ra tay và giết hụt Tổng Thống. Mặc dầu có đầy đủ quyền hành hợp pháp để xử tử họ, nhưng ông không làm. Ông trọng mạng sống của họ, dù họ đã cố tình giết ông. Cứ giả tỉ Dương Trọng Lâm là Cộng Sản, anh ta chưa hề giết ai, không có âm mưu giết ai. Vậy mà có người tự tiện giết anh ta, còn nhân danh cái này cái nọ, và công bố “bản án.” Trước sự việc khủng khiếp như vậy, có đáng gọi là “kinh hãi,” terror? Lúc xảy ra chuyện thực sự kinh hãi, quý vị không làm gì. Chẳng những thế, giết người vô cớ còn không muốn cho chôn! Đáng kinh hãi hơn nũa! Trong khi đề cao Cụ Diệm, vẫn thản nhiên làm ngược lại những đức tính tốt của cụ, có phải là tình trạng đáng kinh hãi không?

Ai chưa cảm thấy kinh hãi đủ, người viết xin trình bầy tiếp: Trở lại vụ ông de Gaulle không ân xá cho tử tội Bastien-Thiry. Thật ra, lúc đầu ông đã định ân xá, nhưng sau khi suy nghĩ, ông đã đưa ra 5 lý do để bác. Trong số này, hai lý do đầu và cuối rất đáng lưu ý:

– Lý do đầu, hung thủ đã xả súng vào xe trong đó có chở một người đàn bà vô tội; đó là Bà Yvonne de Gaulle, vợ ông, ngồi chung xe với ông.

– Lý do cuối, các hung thủ sử dựng võ khí tấn công, chính họ đối diện với hiểm nguy khi hành động, họ được giảm án. Nhưng người chủ mưu Bastien-Thiry, không trực tiếp hành sự, mà ngồi chỉ huy ở một nơi an toàn, không đáng được ân xá.

Cả hai lý do trên, đều có thể áp dụng cho vụ ám sát ông bà Lê Triết, với mức độ trầm trọng hơn; vì ông de Gaulle và người đàn bà vô tội vợ ông đều thoát chết, trong khi ông Triết và người đàn bà vô tội của ông không may mắn như vậy. Đồng thời, theo hồ sơ cảnh sát, hung thủ là kẻ giết người chuyên nghiệp; nghĩa là kẻ chủ mưu cũng chỉ huy từ một nơi an toàn, như Bastien-Thiry.

Người vô tội bị giết, kẻ đáng tử hình vẫn ngoài vòng pháp luật, trong một phần tư thế kỷ. Đủ kinh hãi chưa?

Còn nữa: Sau khi chống đối A.C. Thompson, một phần sinh hoạt nhộn nhịp trong cộng đồng rọi đèn chiếu vào Tony Nguyễn: Eureka! Nó đây rồi! Lại một thằng cộng sản nữa! Nó là bạn của Dương Trọng Lâm, lấy tiền của cộng sản để bôi nhọ cộng đồng! Nếu quả thật Tony Nguyễn là cộng sản, hay thân cộng, thì thật đáng kinh hãi. Không phải kinh hãi vì anh ta là cộng sản, mà kinh hãi cho cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng Việt tị nạn, kể cả người viết bài này, xưa nay chống cộng, vì tin rằng tất cả những gì liên hệ tới cộng sản đều xấu. Nếu Tony Nguyễn là cộng sản, và ngày nay anh ta xả thân cố làm sáng tỏ cái chết của người bạn tên Lâm xảy ra từ 34 năm trước, như vậy là tình bạn của những người cộng sản hay thân cộng đối với nhau rất sâu đậm. Trong khi ấy, những người quốc gia có chính nghĩa sáng ngời, không lo làm sáng tỏ cái chết của những thành viên chống cộng như Đạm Phong, Lê Triết, mà trước nỗ lực truy tầm thủ phạm của nhà báo, lại cảm thấy “terror,” như chính mình là thủ phạm sắp bị hành quyết. Còn kinh hãi nào hơn?

Vẫn chưa hết: Trong khi trả lời phỏng vấn trên đài Cali Today ngày 6 tháng 11, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali đã phát biểu ý kiến, giống như một số người khác, về cuốn phim Terror in Little Saigon, rằng đây là chuyện cũ, xảy ra trong lúc lòng người còn giao động, không nên nói tới nữa. Trong khi ấy, từ trước tới nay, cộng đồng chống cộng vẫn nhắc tới, vẫn đòi cộng sản phải làm sáng tỏ những vụ giết người từ thời Cải Cách Ruộng Đất, thời Mậu Thân, thời Tù Cải Tạo, và những vụ bịt miệng thời Nhân Văn, Giai Phẩm, vụ Xét Lại… Tất cả terror này đều cũ hơn những terror trên đất Mỹ. Chỉ nhìn thấy lỗi ở người mà không nhìn thấy lỗi ở mình, căn bệnh này có đáng kinh hãi không?

Lại nữa, Đại Tá Lộc chê cuốn phim “đầu voi đuôi chuột,” chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Ký giả và cơ sở truyền thông tư nhân không phải là cảnh sát hay FBI. Họ đã cố gắng, và họ mới làm được đến thế thôi. Cộng đồng gốc Việt là tập thể có liên hệ, nếu thấy còn thiếu sót, nên tiếp tay họ để làm tốt hơn, thay vì coi họ như kẻ thù. Họ mới đem lại được cái “đuôi chuột,” cộng đồng đã hoảng loạn lên. Nếu họ đem lại cái đuôi voi? Terror!

Ngoài chuyện terror, nhóm làm phim còn bị công kích về việc dùng chữ “Little Saigon,” nói rằng địa danh xuất hiện sau các vụ giết người, và có những vụ ám sát xảy ra ngoài Cali, như ở Virginia, hay Texas. Little Saigon đã trở thành tượng trưng cho tập thể người Việt tị nạn tại Mỹ. Nếu bảo tên này chỉ dành riêng cho một nơi nhất định nào, tại sao đã có Little Saigon ở Nam Cali, Bắc Cali cũng đòi y hệt cho San Jose? Sau vụ khủng bố tại Paris hôm Thứ Sáu 13 tháng 11, nhiều người nước khác đã đeo biểu hiệu “Je suis Paris.” Sao không ai nói với những người này là khủng bố tận bên Pháp, anh đang ở Mỹ, anh là (cái chó) gì mà tự xưng Je suis Paris?

* * *

Từ đầu bài, người viết chỉ nhìn vào những gì dựa trên sự thật. Để đổi khẩu vị, xin thay lời kết bằng một mẩu chuyện giả tưởng, thật ngắn:

Cuối năm Con Dê (2015), Ngọc Hoàng Thượng Đế mở com pú tờ, vào gú gồ tìm chuyện lớn, để hỏi táo quân các nơi trong buổi tiếp kiến tất niên. Thấy nổi bật: tin khủng bố làm nổ máy bay Nga ở Sinai; công an giết người và hành hung luật sư ở Việt Nam. Lại thấy nhiều bài nói người Việt giống người Do Thái. Thiết triều ngày 23 tháng Chạp, Ngọc Hoàng hỏi Táo Do Thái:

– Sa mạc Sinai hẹp, sao dân Do Thái xưa mất 40 năm để vượt qua?

Táo Do Thái thưa:

– Tâu Ngọc Hoàng, vì một người trong đám dân di tản đánh rơi một quarter.

Ngọc Hoàng vuốt râu cười hiền: “I see!” Rồi hỏi Táo Việt Tị Nạn:

– Thái Bình Dương rộng, nay chỉ cần một ngày để vượt qua, sao 40 năm vẫn chưa về giải phóng quê hương?

Táo Việt Tị Nạn thưa:

– Bẩm Ngọc Hoàng, chúng con còn bận cắm cờ, và…

– Và gì? Ngọc Hoàng hỏi tiếp.

– Rước cờ, và…

– Gì nữa? Ngọc Hoàng hỏi thêm.

– Phủ cờ!

Ngọc Hoàng vẫn giữ vẻ uy nghi, lẩm bẩm một mình: “Đéo hiểu!”

Đầu trang

Nov 11, 2015 - nguoi-viet

Phim ‘Terror in Little Saigon’: Con trai ông Ðạm Phong lên tiếng

‘Ðừng để nhà báo chết oan’

Hà Giang/Người Việt

LTS – Phim tài liệu “Terror in Little Saigon” do phóng viên điều tra A.C. Thompson thực hiện, trình chiếu trên chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS, và phổ biến trên trang mạng ProPublica, tối ngày Thứ Ba, 3 Tháng Mười Một, gây xôn xao tranh cãi trong dư luận.

Người cho rằng thông tin trong phim không có gì mới. Người cho rằng các nguồn tin giấu tên thì không đáng tin cậy. Có người đặt câu hỏi tại sao cuốn phim lại ra đời vào lúc này, khi chuyện đã xảy ra hơn 30 năm. Ðặc biệt hơn, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là thành viên cao cấp của Mặt Trận, người được phỏng vấn và xuất hiện trong phim, nói rằng “lời dẫn giải của phim bị bẻ quặt, cố tình tạo hiểu lầm.”

Ðể rộng đường dư luận, hôm 7 Tháng Mười Một, nhật báo Người Việt đăng tải ba bài phỏng vấn người trong cuộc, gồm phóng viên A.C. Thompson, người thực hiện phim, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu vụ trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận, và ông Hoàng Cơ Định, cựu vụ trưởng Tài Chánh của Mặt Trận.

Hai ngày sau khi những bài phỏng vấn nói trên được phổ biến, ông Nguyễn Thanh Tú, con trai nhà báo Nguyễn Ðạm Phong, chủ nhiệm tờ Tự Do, bị ám sát năm 1982, tại Houston, Texas, viết thư cho tòa soạn báo Người Việt.

Ông Nguyễn Thanh Tú, con trai nhà báo Nguyễn Ðạm Phong, trong một lần tiếp xúc với phóng viên A.C. Thompson, ProPublica. (Hình: Edmund D. Fountain/ProPublica)

Thư viết:

“Tên tôi là Nguyễn Thanh Tú. Tôi là một nhân vật trong phim Terror in Little Saigon. Mặt Trận cứ việc tha hồ phủ nhận rằng không hề biết có đơn vị K9. Tôi có thể nói với quý vị rằng gia đình tôi ngày nào cũng liên tiếp phải nhận những lời hăm dọa từ Mặt Trận…

…Cha tôi, Nguyễn Ðạm Phong, đã dành số báo Tự Do cuối cùng của ông để phơi bày sự gian lận của các lãnh đạo Mặt Trận. Ðiều trớ trêu là, nhiều người quay lưng với cảnh sát của thành phố Houston, và cơ quan FBI khi cha tôi bị ám sát vào năm 1982, rất có thể giờ đây đồng ý là quan điểm của bố tôi đúng. Vấn đề là, ông đã đúng, nhưng ông đi trước mọi người những 33 năm. Tôi là nhân chứng cho “sự thực” còn sống, chứ không phải những lời đồn đãi. Tôi từng tham dự những buổi gặp gỡ thành viên Mặt Trận với bố tôi và chứng kiến những chiến thuật họ sử dụng, từ mua chuộc đến hăm dọa.”

(Hết thư)

Ông Nguyễn Thanh Tú, năm nay khoảng 50 tuổi, kể lại diễn tiến dẫn đến sự việc thân phụ mình bị ám sát, những kỷ niệm với bố, và tâm tư của mình, trong cuộc phỏng vấn dưới đây, do ký giả Hà Giang thực hiện.

Nhà báo Nguyễn Ðạm Phong (phải) đứng đeo biểu ngữ phản đối Cộng Sản ở Houston, Texas, năm 1979. (Hình: Nguyễn Thanh Tú cung cấp)


Hà Giang (NV):
Cảm ơn ông đã tin tưởng nhật báo Người Việt để chia sẻ tâm tư của mình. Trước hết, là một ký giả, chúng tôi muốn bày tỏ niềm đau xót trước sự việc các nhà báo thuộc thế hệ trước mình bị ám sát.

Nguyễn Thanh Tú: Tôi thấy có nhiều người bàn luận về vấn đề nhưng không nắm rõ sự kiện, như cụ cựu đại tá gì đó, nói trên đài truyền hình ở bên Cali. Cụ nói là Mặt Trận ra đời năm 1982, thì làm gì mà dính líu đến chuyện giết người từ năm 1981. Ở trong phim, ông Ðỗ Thông Minh, một trong những người sáng lập Mặt Trận, nói là nhóm này [Mặt Trận – NV] thành lập năm 1980, họ không thông báo gì cho đến năm 1982. Họ giết bố tôi Tháng Tám ngày 24 Tây, năm 1982. Cái ngày họ lập giấy tờ không quan trọng. Sự kiện lịch sử nó quan trọng hơn.

NV: Vâng, xin ông cho biết ông là người con thứ mấy trong gia đình, và gia đình ông qua Mỹ định cư năm nào?

Nguyễn Thanh Tú: Tôi là Nguyễn Thanh Tú, tôi là con thứ sáu trong gia đình mười người con của bố tôi, nhà báo Nguyễn Ðạm Phong. Gia đình tôi qua Mỹ năm 1975.

NV: Ông có thể nói sơ về sự nghiệp làm báo của thân phụ ông trước khi gia đình ông qua Mỹ định cư?

Nguyễn Thanh Tú: Bố tôi ngày xưa là một ký giả có tiếng tăm ở Sài Gòn. Ông viết với bút hiệu Ðạm Phong. Lúc đó ông làm cho tờ báo Trắng Ðen của Việt Ðịnh Phương, báo Tiền Phong, Chính Luận, Văn Nghệ Tiền Phong. Ông vào nghề viết báo đã rất lâu rồi, không phải là một “novice” [tay mơ – NV].

NV: Xem cuốn phim Terror in Little Saigon thì thấy ông có vẻ gần gũi với thân phụ. Trong thời gian bố ông bị ám sát, ông bao nhiêu tuổi? Ông còn nhớ những kỷ niệm làm báo với bố không?

Nguyễn Thanh Tú: 19 tuổi. Lúc đó tôi đi học, nhưng ngày nào cũng phụ bố tôi đi bỏ báo thành ra hay nói chuyện với ông. Tôi biết những người như ông Hoàng Cơ Minh, ông Phạm Văn Liễu là những người bố tôi biết từ Việt Nam. Biết qua, không phải thân, mà quen biết. Lần đầu tiên Mặt Trận mời bố tôi tới tham dự buổi gây quỹ. Bố tôi thấy đông lắm, rất là đông. Họ gây quỹ nhiều tiền lắm. Họ nói là họ hy vọng bố tôi sẽ viết một bài để khen họ. Ðể tôi giải thích sơ về cái thời đó. Người ta gọi là thời “cởi truồng chạy khắp phố.” Cuối thập niên 70s, đầu thập 80s có rất nhiều tổ chức chống Cộng ra đời. Muốn nổi bật thì phải có báo chí viết, để người ta tò mò, để tạo ra huyền thoại. Có điều, có thể lãnh đạo của họ thì biết bố tôi là ai, nhưng những người mời bố tôi viết họ không biết bố tôi là một nhà báo nhiều kinh nghiệm, họ tưởng là người mới ra nghề. Khi thấy họ gây quỹ được rất nhiều tiền, thì bố tôi hỏi các anh gây quỹ được nhiều tiền như vậy thì có sổ sách gì không, để cho những người ủng hộ họ biết tiền của họ đi đâu, làm việc gì không. Thì có người, tôi quên tên rồi, nói có chứ anh, có gì chúng tôi làm sổ sách rồi sẽ cho anh biết. Bố tôi lại hỏi vậy người kế toán, người giữ sổ sách tên gì. Lúc đó khi bố tôi hỏi, thì họ mới đưa tên này tên kia. Nhưng theo kinh nghiệm và trực giác của nhà báo thì qua cách trả lời của họ, bố tôi lúc đó trong bụng bắt đầu thấy nghi nghi.

NV: Rồi sau đó việc gì xảy ra?

Nguyễn Thanh Tú: Họ tiếp tục mời bố tôi đến ăn, mời ăn để phỏng vấn đó. Lần nào mời tới, họ cũng đối xử với bố tôi như một VIP vậy. Thức ăn đầy bàn. Nhưng mà bố tôi là nhà báo. Bố tôi thường hay nói, với người nhà báo, người ký giả, cái integrity [chính trực – NV] rất là quan trọng, không để bị compromised [tổn thương – NV]. Ông nói thôi bố con tôi ngồi bàn kia ăn được rồi, có bao nhiêu tiền thì kêu bao nhiêu thức ăn thôi. Họ cho người mang đồ ăn tới bàn, nhưng bố tôi từ chối, bố tôi không muốn bị tainted [hoen ố – NV]. Rồi từ từ bố tôi thắc mắc hỏi cách họ gây quỹ, thì họ mới đưa mấy tấm hình ra cho bố tôi coi. Họ nói mấy hình này là mấy hình chụp từ khu vực kháng chiến ở Việt Nam. Bố tôi nói cho tôi mang mấy tấm hình này về nhà. Về tới nhà bố tôi cầm hình lên ngắm kỹ, rồi chỉ cho tôi coi. Ông nói họ không biết bố là người kinh nghiệm, ở trong nghề lâu. Trong đám hình này, trước hết, mấy người lính trong rừng mà bộ đồ họ mặc quá sạch sẽ. Thứ hai, đằng sau lưng họ, cây cỏ này không đúng cây cỏ ở Việt Nam. Thứ ba, trong rừng cảnh không phải là như vậy. Thứ tư, chén dĩa giấy họ dùng bố tôi thấy dấu hiệu chén dĩa của Mỹ. Thứ năm, đi vào rừng mà có người mang Rolex. Sau đó, bố tôi gặp họ, nói, ờ mấy tấm hình này đẹp quá, chụp ở vùng nào ở Việt Nam. Họ nói mấy hình này chụp bên trong Việt Nam, và Mặt Trận đã chiếm được cứ điểm này, vị trí nọ ở Việt Nam rồi. Từ từ qua nhiều câu hỏi, thì họ nhận ra là bố tôi nghi họ rồi, thì họ bắt đầu tìm cách mua chuộc, rồi chuyển qua hăm dọa.

NV: Họ tìm cách mua chuộc và hăm dọa như thế nào, thưa ông?

Nguyễn Thanh Tú: Gia đình tôi lúc đó nghèo lắm. Mười đứa con. Hai bố mẹ đi làm, mấy đứa con cũng đi làm phụ, nhưng không có tiền. Bố tôi làm báo không có tiền. Làm báo mà, nghèo lắm. Nhưng bố tôi muốn làm báo để thông tin cho mọi người, để có tiếng nói cho người Việt Nam. Họ [Mặt Trận – NV] thấy vậy họ nói thôi để họ mua cho cái xe, hay là giúp tiền để làm báo. Ý họ là muốn bố tôi đừng hỏi những câu hỏi khó. Nhưng bố tôi từ chối. Và bố tôi tiếp tục viết, tiếp tục đặt những câu hỏi mà họ không trả lời được, hay trả lời không rõ. Thế là họ bắt đầu hăm dọa. Lúc đó không có ngày nào đêm nào mà họ không gọi điện thoại hăm dọa.

NV: Làm sao mà ông biết chắc chắn những người gọi điện thoại hăm dọa là người của Mặt Trận? Khi gọi hăm dọa, họ nói gì?

Nguyễn Thanh Tú: Chính tôi cũng nhiều lần nhận phôn. Họ nói rõ ràng, không giấu giếm. Họ nói họ là đại diện của Mặt Trận… giải phóng Việt Nam. Họ bảo nói cho bố tôi nghe nếu mà không ngừng, mà tiếp tục viết những bài có thể ảnh hưởng xấu tới Mặt Trận, thì bố tôi sẽ bị thủ tiêu. Ngày nào họ cũng gọi, gọi hoài. Nếu bố tôi không trả lời thì tôi trả lời. Tôi không trả lời thì mẹ tôi trả lời.

NV: Tôi muốn xác định một lần nữa là những người gọi điện thoại hăm dọa gia đình ông, họ tự xưng họ là Mặt Trận? Họ có xưng tên không?

Nguyễn Thanh Tú: Họ không giấu giếm. Họ nói họ là Mặt Trận, là đại diện cho Mặt Trận. Họ nói rõ ràng, không nói khéo gì cả. Họ không xưng tên, chỉ nói là người làm cho Mặt Trận, hay đại diện cho Mặt Trận. Bố tôi biết mà, biết là mình bị Mặt Trận dọa thủ tiêu. Khi gọi cho bố tôi, họ nói: “Nếu không dừng lại thì sẽ sắp là những giờ cuối cùng của đời mày.”

NV: Bố ông phản ứng ra sao sau khi bị hăm dọa?

Nguyễn Thanh Tú: Tôi nhớ một lần đi bỏ báo, bố tôi nhìn tới nhìn lui, dặn tôi, nếu có chuyện gì con phải chạy trước. Tại vì họ chỉ muốn bố chứ không muốn con đâu. Có những lúc tôi mang báo xuống mấy tiệm, họ mang cả chồng báo họ vứt vào thùng rác. Nhiều chỗ họ phải giấu báo đi, vì tờ báo Tự Do của bố tôi lúc đó rất là nổi tiếng. Nổi tiếng không phải là vì bố tôi viết hay, mà nổi tiếng là vì bố tôi cả gan dám nói những sự thật mà không ai dám nói, những tờ báo khác không dám nói. Vứt báo xong, thấy vẫn còn có người đọc, họ từ từ hăm dọa những người quảng cáo trên báo. Bố tôi tự bỏ tiền túi ra làm mà, cho nên không có quảng cáo vẫn tiếp tục làm. Trước khi làm những số báo cuối cùng, bố tôi bay thẳng qua Thái Lan để điều tra. Bố tôi qua tới Thái Lan mới khám phá ra sự thật. Tại ngày xưa bố tôi là phóng viên quốc tế, đi nhiều lắm, từng đi qua đó phỏng vấn mấy ông tướng, mấy ông làm lớn bên Thái Lan, chứ không phải chỉ ở trong Việt Nam thôi. Bố tôi qua đó thì mới biết cái trại mà họ nói có 10 ngàn quân, là chỗ ở Thái Lan chứ không phải ở Việt Nam. Chẳng những không có 10 ngàn người, mà chỉ có vài trăm người, mà trong đó còn có người Thái và người Lào đứng vào đó để chụp hình, để quay phim, để đem về quảng cáo. Bố tôi tìm được sự việc này, bay về, chuẩn bị cho ra một số báo để vạch trần những việc đó. Biết như vậy, Mặt Trận gặp bố tôi để hăm dọa một lần cuối.

NV: Trong lần người hăm dọa gặp mặt bố ông lần cuối cùng ở một nhà hàng ở Houston, buổi tối hôm đó ông có mặt không? Bị hăm dọa bố ông có sợ không?

Nguyễn Thanh Tú: Không. Nhưng nghe bố tôi kể thì họ đông lắm, khoảng mười mấy người. Hôm đó họ nói cho bố tôi một cơ hội cuối cùng. Chuyện hăm dọa với bố tôi là chuyện thường. Ông quen rồi. Nhưng bố tôi không ngờ họ dám cả gan như vậy. Tại vì ông nghĩ họ hăm dọa công khai như thế thì nếu họ giết ông, ai cũng sẽ biết là họ giết. Bố tôi hay nói cái câu nhà báo mình chỉ có nhau thôi. Nếu có chuyện gì xảy ra cho một nhà báo thì các nhà báo khác sẽ xúm vào bênh vực, lên tiếng. Chắc họ không dám giết.

NV: Sau khi bố ông bị ám sát thì báo chí Việt Nam có lên tiếng, có đưa tin không?

Nguyễn Thanh Tú: Lên tiếng rất nhiều. Báo chí Việt Nam lên tiếng rất nhiều. Nhưng vấn đề là không ai dám đứng ra tố cáo họ. Sau khi bố tôi bị giết, họ còn để lại mảnh giấy cảnh cáo là sau bố tôi là ai nữa sẽ bị giết.

NV: Tôi có thắc mắc này, thứ nhất, khi giết người xong thì người ta phải sợ bị bắt, tại sao họ lại dám để tờ giấy lại, khai chính mình là tổ chức giết. Thứ hai, tổ chức để tên lại có tên là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation – VOECRN (Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Ðảng, vậy làm sao ông có thể cả quyết tổ chức đó chính là Mặt Trận?

Nguyễn Thanh Tú: Bố tôi bị giết xong là ai cũng biết ngay là Mặt Trận giết. Vì Mặt Trận dọa bố tôi ai cũng biết, họ vứt báo của bố tôi đi ai cũng biết. Nhưng mọi người ai cũng sợ, không ai dám lên tiếng tố cáo. Về việc tại sao họ dám nhận tội, những người này là những tay xạ thủ chuyên nghiệp. Họ không để lại dấu vết gì cả. FBI không lấy được dấu vết nào. Họ là chuyên nghiệp mà, cho nên rất khó có chứng cớ để mà buộc tội. Nhưng người mình dù biết, không ai lên tiếng, không ai làm chứng, vì ai cũng rất sợ.

NV: Mấy chục năm qua, trước khi phóng viên A.C. Thompson đến gặp ông để lật lại hồ sơ, ông sống với tâm trạng như thế nào?

Nguyễn Thanh Tú: Tôi có nói ra chăng nữa thì tôi không hiểu là chị hay mọi người có thấu hiểu được không. Cũng không biết dùng chữ gì tả được. Không có ngày nào mà tôi không buồn, không nghĩ đến bố, đến cái chết của bố tôi. Mỗi khi ai hỏi đến thì tôi lại buồn, lại thương bố. Vì tôi thấy bố tôi làm một việc tốt, không có hại gì cả. Tôi chỉ mong có một vài câu trả lời, rồi thôi. Vì tôi biết trong Mặt Trận một số người đã qua đời. Ông Hoàng Cơ Minh, ông Phạm Văn Liễu cũng mất rồi. Nhưng tôi muốn có câu trả lời để cho cái chapter này trong đời mình nó đóng lại, chị hiểu không? Tiếng Mỹ họ gọi đó là closure.

NV: Sau khi cuốn phim Terror in Little Saigon ra đời thì ông có cảm thấy có câu trả lời chưa, có được closure chưa?

Nguyễn Thanh Tú: Thưa chị chưa! Là tại vì mình chỉ biết là một đảng làm, nhưng không biết ai là người ra lệnh làm việc đó. Mặc dù ông kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sau này ông ấy có nói là ổng có ngồi trong buổi họp mà họ bàn giết người này giết người kia đó. Ðối với tôi như vậy là mình biết rồi. Mà thật ra cũng đâu cần phải có ông A.C. làm cái phim này mình mới biết. Mình đã biết rồi, không cần thêm bằng chứng nào khác, vì ai cũng biết Mặt Trận họ là người hăm dọa sẽ thủ tiêu bố tôi. Nhưng làm sao mà có closure được chị. Khi nào biết đích xác ai là người giết, ai là người ra lệnh giết thì mới có closure được.

NV: Trước sự kiện FBI không có đủ bằng chứng để truy tố ai, ông có bao giờ có phút giây nào ngờ rằng người ám sát bố ông có thể không phải là người của Mặt Trận, mà là người của một nhóm quá khích nào đó không?

Nguyễn Thanh Tú: Không! Là vì mỗi khi hăm dọa, họ đều giới thiệu họ là người của Mặt Trận, và họ bảo tôi “nói bố cháu đừng phá nồi cơm của Mặt Trận.”

NV: Nhiều người sau khi xem phim Terror of Little Saigon tỏ ra thất vọng là vì cuốn phim điều tra này không đưa ra thêm được chứng cớ thuyết phục nào ngoài những gì FBI đã có. Ông có chia sẻ nỗi thất vọng đó của họ không?

Nguyễn Thanh Tú: Theo tôi nghĩ thì đây là một “cover up” của chính phủ. Họ có lý do của họ thời đó. Nhưng tôi nghĩ là từ từ rồi bắt đầu họ sẽ mở hồ sơ lại, vì có thêm chứng cớ mới. Vì một hồ sơ giết người thì không có ngày hết hạn.

NV: Ông muốn nói đến chứng cớ mới nào?

Nguyễn Thanh Tú: Khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa lỡ miệng nói là ông ấy có tham dự một buổi họp mà Mặt Trận bàn chuyện ám sát, câu nói mà giờ đây ông chối là không nói, thì đó không chỉ là một chứng cớ, mà là một xác nhận là trong Mặt Trận có chuyện ám sát người.

NV: Nhưng ông Nguyễn Xuân Nghĩa phủ nhận là đã nói câu đó. Ông nói với nhật báo Người Việt trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không hề nói như thế.

Nguyễn Thanh Tú: Giữa hai người, ông Nguyễn Xuân Nghĩa và A.C. Thompson thì tôi tin A.C. Thompson hơn. Vì ngoài ông A.C. còn có mấy người nữa cũng ngồi đó nghe câu ông Nghĩa nói. Mấy người đó họ nghe xong câu đó là họ lật đật báo cho boss biết liền. Vả lại, ông A.C. ông ấy là phóng viên, mấy người nghe cũng là phóng viên, là nhà báo, như nhà báo Hà Giang, như những nhà báo khác. Họ là nhà báo, họ cần gì phải nói dối, phải dựng chuyện? Danh dự và tiếng tăm của nhà báo nó quan trọng hơn chứ? Tại sao những nhà báo này phải hy sinh điều đó?

NV: Bây giờ nếu thủ phạm ra nhận tội, ông có tha thứ cho họ không?

Nguyễn Thanh Tú: Vâng, chỉ cần biết như vậy là đủ thỏa mãn rồi. Họ chắc cũng đã có gia đình, và họ phải sống với lương tâm của họ. Tôi tin là sớm muộn gì cũng có người đến khi họ gần đất xa trời, họ ăn năn hối lỗi, rồi họ sẽ nói ra thôi.

NV: Ông còn điều gì muốn tỏ bày nữa không?

Nguyễn Thanh Tú: Tôi mong ước những người đồng nghiệp của bố tôi sau này, những nhà báo trẻ, dám can đảm nói lên sự thật. Ðừng để cho những nhà báo bị giết bị chết oan ức. Tôi muốn nói ra những điều này không phải chỉ là vì bố tôi, mà nó liên quan đến tiếng nói của năm nhà báo đã bị ám sát, trong đó bố tôi chỉ là một.

NV: Cảm ơn ông.

Đầu trang