Biểu tình tại Bangkok. |
Hiện nay, sự bất mãn của người dân Thái đang dâng tràn. Dịch bệnh Covid-19 đợt 3, diễn ra vào giữa tháng 4 đến nay, với hơn hai ngàn ca mỗi ngày, đã làm cho chính quyền bối rối đối phó. Còn người dân thì hoang mang đến tột cùng, nhất là không có được thông tin hướng dẫn rõ ràng từ phía chính quyền. Sự bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng, vì tham nhũng cửa quyền và suy thoái kinh tế do đại dịch. Nó làm cho hàng triệu người mất việc và bao doanh nghiệp lớn nhỏ phá sản. Hiện đang có phong trào người Thái muốn đi ra nước ngoài sinh sống.
Trong một năm qua, tuy gặp được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ, phong trào đấu tranh tại Thái Lan cũng gặp nhiều chống đối vì đã đụng đến hoàng gia Thái, mà sự tôn kính của dân chúng, nhất là thế hệ lớn tuổi, vẫn còn mạnh mẽ. Ba yêu cầu của phong trào dân chủ - từ chức của thủ tướng Prayuth, sửa đổi hiến pháp và cải cách hoàng gia - đang gây ra chia rẽ trong xã hội, đặc biệt là với các thế hệ lớn tuổi.
Truyền thông DW phỏng vấn các bạn trẻ ủng hộ phong trào. Có bạn cho rằng, bạn vẫn cố gắng theo dõi và lan truyền tin tức trên mạng xã hội, chủ yếu là trên Twitter, và cũng quyên góp tiền để ủng hộ phong trào. Tuy nhiên, họ nghĩ rằng phong trào không còn mục tiêu rõ ràng như xưa, có lẽ vì không còn ai điều phối các nhóm ủng hộ dân chủ khác nhau. Bạn khác cho rằng, các cuộc biểu tình gần đây dường như thiếu mục tiêu, không có kế hoạch, không thể gây áp lực với chính phủ, nên cuối cùng mọi người cảm thấy nhàm chán và không còn ra đường phản đối nữa. Một bạn khác, tuy bi quan, nhưng có vẻ thực tiễn: “Sẽ không có nhiều thay đổi trong 10 năm tới, nhưng đó là một cuộc chiến dài mà chúng tôi đang chiến đấu. Nếu mọi người có nhiều kiến thức hơn, Thái Lan có thể thay đổi trong 30 năm, nhưng nền kinh tế sẽ sụp đổ trong nay mai.” Và một bạn khác thì rất lạc quan: “Các thế hệ trẻ vẫn đang chiến đấu vì tương lai. Chúng tôi đã thấy bất công này đến bất công khác. Mặc dù rất khó để đạt được mục tiêu của chúng tôi, nhưng thời gian vẫn ở phía chúng tôi.”
Năm vừa qua, chính quyền Prayut Chan-o-cha đã loay hoay đối phó với phong trào dân chủ tại Thái Lan, có lúc hừng hực lửa và lan rộng trên toàn nước, đặc biệt từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021. Nhưng chính quyền có lắm thủ đoạn và dụng cụ trong tay để dần dần bóp nghẹt các nhân sự cốt lõi của phong trào, và sử dụng luật phỉ báng hoàng gia, luật nổi loạn v.v… để răn đe tất cả những người còn lại.
Những người trẻ lãnh đạo phong trào đấu tranh, có lúc thu hút gần 50,000 người xuống đường biểu tình, nay đang phải đối diện với sự giam tù hàng loạt.
Theo Prachatai, một cơ quan truyền thông độc lập tại Thái, thì từ ngày 24 tháng 11 đến ngày 16 tháng 12 năm 2020, 32 người (trong đó có một người trẻ 16 tuổi) liên quan đến các cuộc biểu tình này đã bị buộc tội theo Mục 112 của Bộ luật Hình sự, còn được gọi là luật Lese Majeste. Tức phỉ báng, lăng mạ hay xúc phạm hoàng gia Thái.
Bản báo cáo của Freedom House vào tháng 3 năm 2021 về tình trạng nhân quyền tại Thái Lan trong năm 2020 viết: “Việc sử dụng các luật chống tội phạm theo Mục 112 của Bộ luật Hình sự đã giảm trong những năm cuối cùng của chế độ quân sự trực tiếp, nhưng nó trở lại như một công cụ đàn áp vào cuối năm 2020, với 37 nhà hoạt động phải đối mặt với
truy tố vì đã xúc phạm hoặc đe dọa chế độ quân chủ." Đó là con số vào cuối năm 2020.
Theo Ân xá Quốc tế, cho đến tháng 3 năm 2021, hơn 380 người biểu tình bao gồm 13 trẻ em phải đối mặt với cáo buộc hình sự, 61 người phải đối mặt với cáo buộc vì những bình luận phỉ báng hoàng gia, trong khi các nhà lãnh đạo biểu tình vẫn bị giam giữ.
Còn theo tổ chức Luật sư Nhân quyền Thái Lan thì “… tính đến nay ít nhất 82 người đã bị buộc tội theo Điều 112. Họ nằm trong số 581 người bị buộc tội gây rối, tụ tập bất hợp pháp và các tội danh khác bị cáo buộc trong các cuộc biểu tình ôn hòa chủ yếu từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021.”
Ngoài việc đàn áp phong trào dân chủ, chính quyền Prayut đang chủ trương bóp nghẹt các tiếng nói xã hội dân sự khác. Dự luật về Tổ chức Phi Chính phủ (the Draft Act on NGO), nếu được thông qua trong nay mai, sẽ là công cụ khác của chính quyền Prayut. Theo các tổ chức nhân quyền hàng đầu trên thế giới hiện nay, đạo luật này sẽ được sử dụng để bịt miệng các nhóm xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ. Amnesty International, Human Rights Watch, Article 19, International Commission of Jurists, và cả Liên Hiệp Quốc, cho rằng nếu được ban hành, luật này sẽ giáng một đòn mạnh vào nhân quyền bằng cách trao cho chính phủ độc quyền để cấm các nhóm xã hội và hình sự hóa những cá nhân mà họ không thích. Article 19 biện luận: “Luật cho phép Bộ Nội vụ (‘Bộ’) được toàn quyền từ chối đăng ký của các tổ chức, kiểm soát hoạt động của các tổ chức đã đăng ký và hạn chế các hoạt động được tài trợ bởi các nguồn nước ngoài.”
Tuy phong trào bị đàn áp khốc liệt, Thái Lan vẫn tiếp tục có những con người bất khuất. Điển hình như Parit Chawarak, hay Penguin, như có chia sẻ trong bài trước. Bị bắt giam vào ngày 9 tháng Hai năm 2021, Parit đã nộp đơn để tại ngoại hầu tra (bail application) nhưng bị từ chối nhiều lần. Parit tuyên bố bắt đầu tuyệt thực tại tòa án vào ngày 15 tháng 3. Trong phiên tòa này, Parit hỏi thẩm phán: "Tại sao các tòa án công lý, là nơi của sự thật mà phải xác định sự thật, sau đó lại bỏ tù sự thật? Tại sao quý vị không cho tại ngoại để sự thật tự chứng minh? Hay là quý vị ghê tởm và sợ hãi sự thật đến mức phải nhốt nó lại để chịu đựng, với hy vọng rằng điều này sẽ nghiền nát và hủy hoại sự thật cho đến khi nó tự tan rã? "
Các thẩm phán trả lời rằng Parit khinh thường tòa án khi đưa ra tuyên bố tuyệt thực này, và từ chối im lặng khi họ ra lệnh.
Parit không hài lòng, nên tiếp tục biện luận: “Nhưng sự thật là sự thật, cho dù nó ở trong lồng, bị máy móc tra tấn, hay trên đoạn đầu đài, sự thật vẫn là sự thật. Dù quý vị có nhốt tôi bao lâu và dù quý vị có gây ra cho tôi bao nhiêu đau đớn, đau khổ cũng không thể tiêu diệt được sự thật.”
Sau cùng Parit đã tuyệt thực đến 46 ngày để phản đối tòa án. Vì sức khỏe suy nhược nghiêm trọng, sụt 12kg, nên anh đã được nhập viện vào ngày 30 tháng Tư. Mẹ Parit đã cạo đầu trước tòa hình sự để phản đối các quyết định của tòa.
Một lãnh đạo trẻ nổi tiếng khác, cô Panusaya Sithijirawattanakul, còn gọi là Rung, 22 tuổi, cũng tuyệt thực để phản đối tòa án hình sự Thái không xét đơn tại ngoại hầu tra của cô. Thứ Năm 6 tháng 5 tuần trước, đơn tại ngoại của cô được chấp nhận, với điều kiện là cô phải ở lại Thái Lan, tham dự các phiên tòa khi được triệu tập, và tránh xúc phạm hoàng gia.
Chính quyền Thái dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Prayut sử dụng mọi biện pháp để dập tắt nguyện vọng của giới trẻ. Họ đã chuyển hóa các tòa án, quốc hội, quân đội, cảnh sát và các cơ quan công quyền thành công cụ để bảo vệ nền quân chủ, và chính họ. Phong trào dân chủ đang bị dồn vào thế chân tường, nhưng hàng chục ngàn người trẻ dấn thân trong suốt năm qua không dễ bị chinh phục. Phong trào có thể bị nhiều mất mát và khó vực dậy nay mai. Nhưng đây là cuộc chiến lâu dài. Tinh thần bất khuất của những người trẻ Thái, như Parit, sẽ tiếp tục là ngọn đuốc và niềm hy vọng để vực dậy phong trào trong thời điểm thích hợp trong tương lai.
Bà Sureerat Chiwarak, mẹ của lãnh đạo sinh viên biểu tình Parit 'Penguin' Chiwarak tham gia biểu tình đòi phóng thích con bà sau khi Parit nhập viện vì tuyệt thực 46 ngày ở Bangkok, Thái Lan ngày 1/5/2021. (Reuters) |
Đầu cạo trọc như một hành vi phản kháng và để ủng hộ con trai, một lãnh đạo sinh viên biểu tình đòi dân chủ bị tống giam về tội phỉ báng nhà vua Thái Lan đầy quyền thế, bà Sureerat Chiwarak ngồi trước tòa với thái độ bình thản mà cương quyết.
Đây là thời khắc mà nhà tư vấn doanh thương 51 tuổi chưa bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra, nhưng bà thực sự mong muốn làm một điều gì đó khi con trai bà, lãnh đạo sinh viên biểu tình Parit “Penguin” Chirawak, 22 tuổi, phải nhập viện sau khi tuyệt thực gần 8 tuần.
“Con tôi đang chết mòn mà tôi không làm gì được cả. Cảm giác đó thật là kinh hoàng. Những người nắm quyền hành trong tay đang để mặc cho con tôi chết,” bà Surreat nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
“Cạo đầu chỉ là một khởi đầu. Nó không có nghĩa lý gì khi mà tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống cho con tôi.”
Nhà cầm quyền Thái Lan đang bỏ tù các lãnh đạo thanh niên biểu tình và về phần lớn đã chận đứng được chiến dịch đòi cải cách của họ. Bà Sureerat đã thiết lập một liên minh lạ thường với các bà mẹ khác tranh đấu đòi tự do cho con cái họ, những phụ nữ mà trước đây không hề quan tâm tới chính trị.
Một nhóm gốc gồm 5 bà mẹ, từ chủ doanh nghiệp tới nông dân, gắn kết với nhau khi gặp gỡ tại tòa án hay đi thăm con trong tù.
Trọng tâm của chiến dịch của họ là đòi trả tự do cho con cái, chứ không phải cho mục tiêu tranh đấu của con cái họ.
Tuy vậy đối với một số các bà mẹ, các nỗ lực của họ dần dà đan xen với một số vấn đề đã đẩy giới trẻ Thái Lan vào tình cảnh này.
Gần đây các bà mẹ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thầm lặng, cùng đứng bên nhau trong 1 giờ 12 phút – tượng trưng cho Điều 112 của Bộ Luật Hình sự Thái Lan về tội phỉ báng hoàng gia – bên cạnh hình ảnh của con cái họ in trên giấy cạc tông, đồng thời giơ 3 ngón tay lên chào một cách thách thức để đòi con cái họ được tại ngoại hầu tra.
Các nhà hoạt động Somyot Pruksakasemsuk, trái, Parit Chiwarak, và Arnon Nampha giơ 3 ngón tay chào, biểu tượng của phong trào phản kháng, trước tòa hình sự ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/2/2021. (AP) |
6 lãnh đạo biểu tình trẻ, trong đó có Parit, vẫn bị giam trong tù. Tòa án nhiều lần bác đơn xin tại ngoại, viện lý do là tính cách nghiêm trọng của các tội danh gán cho các thanh niên này, kể cả tội phỉ báng nhà vua.
Hồi năm ngoái, những người biểu tình phá vỡ truyền thống lâu đời của Thái Lan khi kêu gọi cải cách nền quân chủ, điều chưa từng xảy ra tại một đất nước nơi mà nhà vua được đưa lên ngai vàng ‘để được tôn thờ’ theo hiến pháp, và chỉ trích ông là một tội hình sự có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Những người biểu tình còn đòi một hiến pháp mới, và đòi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha, từng là lãnh đạo tập đoàn quân nhân thực hiện cuộc đảo chánh, phải từ chức.
Chiến dịch đàn áp lãnh đạo biểu tình của chính quyền Thái Lan đã chận đứng được chiến dịch đó của giới trẻ, nhưng nó đang trở thành mồi lửa hâm nóng cuộc tranh đấu của các bà mẹ.
Bà Sureerat nói bà hối tiếc đã không hỗ trợ Parit trước khi con bà bị bắt giữ, nhưng bây giờ bà nói bà đã bắt đầu tham gia hoạt động, ngay cả gia nhập một đoàn tuần hành trên đoạn đường dài tới 247,5 km, tượng trưng cho năm 2475 trong lịch Phật giáo, tức là năm 1932, năm chấm dứt nền quân chủ chuyên chế tại Thái Lan. Mục tiêu của cuộc tuần hành đường dài này là đòi thả tù nhân chính trị.
Parit bị buộc 20 tội danh về phỉ báng hoàng gia, nhiều tội danh nhất trong nhóm các nhà hoạt động trẻ tuổi. Anh bị bác đơn tại ngoại tới 9 lần. Theo lịch trình, một tòa án sẽ ra phán quyết về đơn xin tại ngoại thứ 10 của Parit vào ngày thứ Ba 11/5.
Hình ảnh một cuộc biểu tình ở Thái Lan. |
Bất chấp lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng ra ngày 5/3, hàng trăm người biểu tình tối 6/3 đã tập hợp tại thủ đô Bangkok để yêu cầu chính quyền thả một số thủ lĩnh biểu tình.
Một phong trào biểu tình do thanh niên lãnh đạo đã bùng lên hồi năm ngoái, kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân nhân, từ chức và cải tổ chế độ quân chủ đầy quyền lực.
Các tòa án Thái Lan mới đây đã từ chối yêu cầu bảo lãnh tại ngoại đối với một số thủ lĩnh biểu tình đã bị bỏ tù.
Một số người biểu tình đốt ảnh của quốc vương tại cuộc tuần hành. Các nhóm khác cũng tổ chức hai cuộc biểu tình tại các địa điểm khác ở Bangkok.
Trước đó, sớm ngày 6/3, cảnh sát đã cảnh báo những người biểu tình rằng họ có nguy cơ bị bắt và cảnh sát có thể sử dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn nếu những người biểu tình trở nên thiếu kiểm soát
Cảnh sát đã lần đầu tiên sử dụng đạn cao su vào Chủ nhật tuần trước cũng như hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình. 10 người biểu tình và 26 cảnh sát bị thương.
Trên podcast sáng 6/3, Thủ tướng Prayuth đã kêu gọi người Thái tuân thủ luật pháp và tránh xung đột.
Cung điện Hoàng gia đã từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc biểu tình, nhưng ông Prayuth và các quan chức chính phủ nói rằng những lời chỉ trích đối với quôc vương là trái pháp luật và không phù hợp.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan đằng sau các hàng rào kẽm gai trong một cuộc biểu tình thân dân chủ, đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và cải cách hoàng gia, ở Bangkok, ngày 29/11/2020. (Reuters) |
Hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Bangkok vào chiều tối thứ Sáu 19/2 để tham gia một cuộc biểu tình được tổ chức trùng hợp với cuộc tranh luận về biện pháp khiển trách nhắm vào chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha do các nhà lập pháp đối lập tiến hành tại quốc hội.
Hàng nghìn nhân viên cảnh sát đã túc trực trước cuộc biểu quyết tại quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày thứ Bảy 20/2, để đón chặn một cuộc biểu tình khác.
Cuộc biểu tình này là một phần trong phong trào chống đối chính phủ do giới trẻ dẫn đầu. Phong trào nổi lên hồi năm ngoái, tranh đấu đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, ông Chan-ocha lên nắm quyền sau cuộc đảo chính do ông cầm đầu, đồng thời phá bỏ những cấm kỵ bấy lâu nay với lời kêu gọi đòi cải cách chế độ quân chủ đầy quyền thế ở Thái Lan.
Các nhà hoạt động lần lượt phát biểu trên một sân khấu tạm dựng lên trên con đường dẫn đến quốc hội. Các diễn giả chỉ trích Thủ tướng Chan-ocha và nội các của ông là lạm quyền, quản lý yếu kém và thất bại về mặt chính sách trong nhiều lĩnh vực.
“Chúng tôi biết rằng sẽ rất khó có thể chặn lại chính phủ này bên trong quốc hội,” nhà hoạt động sinh viên Sukriffee Lateh nói với hãng tin Reuters.
Một người biểu tình cấm biểu ngữ có in ảnh Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha, đòi chính phủ của ông từ chức (Reuters) |
“Vì vậy, hoạt động của chúng tôi ở bên ngoài sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn những vấn đề thực sự mà người dân thường phải đối mặt dưới quyền chính phủ này,” anh nói.
Cuộc tranh luận về biện pháp khiển trách do phe đối lập dẫn đầu đã bắt đầu từ hôm thứ Ba. Ông Prayuth và 9 thành viên nội các bị quy trách về những thất bại khác nhau.
Dự kiến Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha cùng nội các của ông sẽ sống sót qua cuộc biểu quyết bất tín nhiệm ngày thứ Bảy.
Cảnh sát cảnh báo tất cả các cuộc biểu tình ở Bangkok đều không được phép, viện lệnh cấm tụ tập tại nơi công cộng kể từ sau một đợt lây nhiễm coronavirus thứ nhì, bắt đầu từ tháng 12.s
Thiếu tướng cảnh sát Piya Tavichai, phó ủy viên Sở cảnh sát thủ đô Bangkok, cho biết lực lượng cảnh sát đã bố trí 900 cảnh sát chung quanh tòa nhà quốc hội, đồng thời đặt 11.850 nhân viên công lực khác trong tình trạng sẵn sàng để được triển khai vào cuối tuần này.
Tuần trước, cảnh sát Thái Lan đã chạm trán với những người biểu tình đòi thả 4 nhà hoạt động bị tống giam trong khi chờ được xét xử về tội xúc phạm hoàng gia, một tội danh có thể bị phạt tới 15 năm tù ở Thái Lan.