Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vai trò của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam được nói đến nhiều.
Việt Nam nhấn mạnh tinh thần chủ động chiến đấu của người Việt |
Trong những năm qua, các sử gia Việt Nam có thiên hướng lướt qua vai trò Trung Quốc nhằm hoàn thiện ‘lịch sử dân tộc’, trong lúc việc không tiếp cận được với nguồn tư liệu Trung Quốc đã cản trở các học giả phương Tây trong việc tìm ra thái độ và chính sách của Bắc Kinh trong cuộc xung đột ở Đông Dương.
Đọc phần hai bài viết tại đây
Bắt đầu từ thập niên 1990, có thêm một số tác phẩm mới. Gần đây nhất, đáng chú ý là “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” của Qiang Zhai (xuất bản 2000) và “Mao’s China and the Cold War” của Jian Chen (2001). Cả hai tập sách do NXB đại học North Carolina ấn hành trong khuôn khổ sêri về lịch sử chiến tranh Lạnh.
Sử dụng các thông tin do Trung Quốc công bố vài năm qua (gồm tài liệu nội bộ mới giải mật, hồi ký, nhật ký và các quyển sử của các tác giả Trung Quốc), hai học giả quốc tịch Mỹ này tái hiện chính sách của Bắc Kinh trong hai cuộc chiến ở Đông Dương.
Quyển sách “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” (Trung Quốc và các cuộc chiến của Việt Nam, 1950-1975) của Qiang Zhai (Tường Trạch?), giáo sư lịch sử thuộc Auburn University Montgomery, dành hai chương bàn về vai trò của các cố vấn Trung Quốc trong cuộc chiến chống Pháp ở Việt Nam.
“Việt Nam miễn cưỡng nhắc đến vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng đối với người Pháp bởi vì tình cảm dân tộc mạnh mẽ của họ. Họ muốn chứng tỏ với thế giới rằng chiến thắng là kết quả của những nỗ lực anh hùng riêng của họ. Về tính khả tín của các nguồn tư liệu Trung Quốc, tôi nghĩ về phần lớn, chúng có thể tin được. Các tư liệu này thậm chí có thừa nhận những sai lầm mà cố vấn Trung Quốc phạm phải ở Việt Nam.” |
GS. Qiang Zhai, trả lời câu hỏi của ban Việt ngữ BBC |
---|
Không dễ để có câu trả lời có thể cân bằng giữa hai khuynh hướng: một nhấn mạnh các yếu tố ‘bản địa’ do xuất phát từ tinh thần dân tộc chủ nghĩa và một khuynh hướng từ thời Chiến tranh Lạnh xem Bắc Việt đơn thuần là tay súng bóp cò theo hiệu lệnh từ Maxcơva hay Bắc Kinh. Quyển sách của Qiang Zhai được nhiều tờ báo đánh giá là ‘nghiên cứu cân bằng và sâu sắc nhất về quan hệ Trung-Việt thời chiến tranh’, trong lúc cũng có người phê phán là quyển sách mô tả Việt Nam quá thụ động.
Với mong muốn giới thiệu các nghiên cứu lịch sử mới liên quan chủ đề mà nhiều người Việt Nam quan tâm, chúng tôi xin tóm tắt nội dung chính mà tác giả Qiang Zhai trình bày trong quyển sách. Nó có thể giúp người ta nắm bắt phần nào những gì công bố tại Trung Quốc trong mấy năm qua.
Tác giả Qiang Zhai cũng thừa nhận trong một bài viết năm 1993, “Do bài viết chủ yếu dựa trên tư liệu Trung Quốc, nó không tự xem là đã thể hiện đầy đủ về quan hệ Trung-Việt trong cuộc chiến Việt Nam lần thứ nhất.” Và như trong ý kiến khép lại hội thảo Pháp-Việt về Điện Biên Phủ tổ chức năm ngoái ở Paris, Điện Biên Phủ vẫn là đề tài hấp dẫn cần tìm hiểu thêm và việc biết thêm các tư liệu gần đây cũng chỉ là một gạch nối trong quá trình tìm hiểu toàn bộ những gì đã xảy ra trong các năm dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Người bạn lớn đầu tiên
Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
“Việc giúp đỡ bằng mọi cách...là trách nhiệm quốc tế mà Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc không thể thoái thác.” |
Lưu Thiếu Kỳ, 1950 |
---|
Ngày 15-1-1950, VNDCCH đánh điện cho Bắc Kinh yêu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Mao Trạch Đông, lúc này đang ở thăm Liên Xô, gửi điện về cho Lưu Thiếu Kỳ, tổng bí thư Đảng Cộng sản TQ, chỉ thị tiếp nhận đề nghị của VNDCCH đồng thời bảo Bộ Ngoại giao chuyển đề nghị của Bắc Việt Nam cho Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
Trung Quốc trở thành nước đầu tiên công nhận VNDCCH vào ngày 18-1-1950. Stalin theo sau vào ngày 30-1-1950, để tiếp theo đó là các nước Cộng sản khác ở Đông Âu và Bắc Hàn.
Đến tháng Tư, ông Hồ Chí Minh đề nghị Trung Quốc gửi chuyên viên quân sự đến Việt Nam với tư cách cố vấn ở đại bản doanh Việt Minh và ở cấp độ sư đoàn, và với tư cách chỉ huy ở cấp độ trung đoàn và tiểu đoàn. Trung Quốc trả lời rằng họ sẽ gửi cố vấn, nhưng không gửi chỉ huy. Ngày 17-4-1950, quân ủy trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh thành lập nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc. Nhóm này sẽ gồm 79 cố vấn, cùng một số trợ lý.
Từ tháng Tư đến tháng Chín năm 1950, Trung Quốc gửi cho Viêṭ Minh số lượng lớn viện trợ quân sự và phi quân sự, gồm 14.000 súng trường và súng lục, 1700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, và 300 bazooka, cùng đạn dược, thuốc, quần áo và 2800 tấn thực phẩm (số liệu lấy từ quyển ‘Các dữ kiện lịch sử về vai trò nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giúp đỡ Việt Nam và chống Pháp’, xuất bản ở Trung Quốc 1990).
Việc Trung Quốc quyết định giúp Việt Nam xuất phát từ ba lý do chính:
Thứ nhất, Đông Dương là một trong ba mặt trận, cùng với Triều Tiên và Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là dễ bị nước ngoài can thiệp. Lãnh đạo Trung Quốc không chỉ lo ngại về khả năng thù địch nước ngoài xuất phát từ Đông Dương mà lo cả tàn quân Quốc Dân Đảng ở Việt Nam. Sau khi đảng Cộng sản chiếm Quảng Tây tháng 12-1949, một số đơn vị Tưởng Giới Thạch đã trốn sang miền Bắc Việt Nam, trong lúc số khác lẩn trốn vào vùng núi tại Quảng Tây. Sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, tàn quân này bắt đầu tấn công quân chính phủ mới. Nhìn trong hoàn cảnh này, việc đánh bại quân Pháp ở Bắc Việt sẽ củng cố đường biên giới Trung Quốc.
Thứ hai, nghĩa vụ giúp đỡ một nước cộng sản anh em khiến Bắc Kinh không từ chối yêu cầu từ phía Việt Minh. Một chỉ thị nội bộ do Lưu Thiếu Kỳ chuẩn bị ngày 14-3-1950 là ví dụ cho thấy Bắc Kinh liên kết cách mạng Trung Quốc và quốc tế: “Sau khi cách mạng chúng ta chiến thắng, việc giúp đỡ bằng mọi cách để các đảng Cộng sản và nhân dân ở mọi quốc gia bị áp bức tại châu Á giành thắng lợi là trách nhiệm quốc tế mà Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc không thể thoái thác.”
Thứ ba, sự can dự của Bắc Kinh ở Đông Dương cần được nhìn theo quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và láng giềng. Các vua Trung Quốc vẫn thường xem Việt Nam nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của phương bắc. Truyền thống này hẳn được Mao và các đồng chí của ông – những người xem lịch sử là chuyện nghiêm túc- tiếp nối. Còn người Việt vẫn có truyền thống tìm kiếm mô hình và cảm hứng từ Trung Quốc. Nên quyết định của ông Hồ Chí Minh nhờ Mao giúp đỡ không chỉ xuất phát từ lý do ý thức hệ. Quyết định đó cũng tương thích với thói quen tìm kiếm mô hình từ Trung Quốc, đồng thời tìm cách duy trì độc lập cho người Việt.
Tháng Tám 1950, ông La Quý Ba trở thành người đứng đầu một phái đoàn cố vấn chính trị sang Việt Nam. Trong bức điện gửi La Quý Ba, Lưu Thiếu Kỳ dặn La không áp đặt quan điểm lên người Việt và đừng làm mếch lòng nếu phía bên kia không chịu làm theo các đề nghị. Những dặn dò như vậy có vẻ cho thấy Bắc Kinh nhạy cảm trước lòng tự hào dân tộc của Việt Nam và mối thù địch truyền thống giữa hai nước. Tuy vậy, như những đoạn sau sẽ cho thấy, người Trung Quốc sẽ tỏ ra thất vọng và giận dữ khi các đồng chí Việt Nam của họ đi chệch khỏi đường lối Trung Quốc.
Chiến dịch Biên giới
Trận đánh đầu tiên Việt Minh thực hiện với lời khuyên và hỗ trợ của cố vấn Trung Quốc là chiến dịch Biên giới năm 1950, với mục đích liên thông mạng lưới liên lạc với Trung Quốc. Quân Pháp lúc này kiểm soát các tiền đồn dọc biên giới Trung Quốc. Việc loại bỏ các vị trí này sẽ giúp củng cố căn cứ Việt Minh ở khu Việt Bắc, thông thương đường tiếp vận từ Trung Quốc và giúp cho lực lượng Việt Minh có vị thế tốt hơn nhằm tấn công xuống khu vực đồng bằng sông Hồng trong tương lai.
Ban đầu, Việt Minh dự định tấn công Lào Cai và Cao Bằng, hai cứ điểm quan trọng. Sau khi suy tính, Việt Minh thay đổi kế hoạch, chỉ tập trung vào Cao Bằng. Bên cạnh việc yêu cầu Trung Quốc gửi viện trợ và gửi nhóm cố vấn quân sự đến Việt Nam, ông Hồ Chí Minh cũng đề nghị gửi sang một cố vấn quân sự cao cấp để điều phối chiến dịch biên giới.
Lúc này, Trung Quốc cử vị tướng nổi danh Trần Canh (1903-1961) sang Việt Nam ngày 7-7-1950. Như Trần Canh viết trong nhật ký, thì ông này phát hiện Việt Minh bỏ qua việc huy động phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và nói điều này với bộ máy lãnh đạo Việt Nam. Nếu là như vậy, Trần Canh đã áp dụng học thuyết ‘chiến tranh nhân dân’ của Mao vào Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật và chống Quốc Dân Đảng, Mao đã thành công trong việc huy động phụ nữ cho chiến tranh.
Vai trò Trần Canh
Ngày 22-7, Trần Canh gửi báo cáo về cho Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Một số đơn vị Việt Nam có tinh thần cao sau khi nhận huấn luyện và thiết bị tại Vân Nam và Quảng Tây, nhưng các cán bộ Việt Nam trên mức tiểu đoàn lại thiếu kinh nghiệm chỉ huy trong các trận đánh thật sự.” Trần Canh đề nghị nguyên tắc của Chiến dịch Biên giới nên là “hủy diệt lực lượng cơ động của kẻ địch trên các chiến trường và chiếm một số đồn nhỏ, cô lập nhằm giành thắng lợi ban đầu trong lúc tích lũy kinh nghiệm và thúc đẩy tinh thần chiến sĩ. Sau khi giành thế chủ động hoàn toàn, chúng ta có thể dần dần tiến tới các trận đánh quy mô lớn.”
Tiểu sử tướng Trần Canh |
---|
- 1922: Gia nhập Đảng Cộng sản TQ - Phó chỉ huy tình nguyện quân TQ ở Triều Tiên - 1959: Thứ trưởng quốc phòng TQ - 1961: Qua đời ở Thượng Hải - 1984: Quyển nhật ký được xuất bản |
Về kế hoạch tấn công Cao Bằng của Việt Nam, Trần Canh đề nghị có chiến lược “bao vây đồn bốt trong lúc tấn công quân cứu viện.” Đặc biệt, Trần Canh đề xuất Việt Minh nên tấn công một số đồn bốt biệt lập gần Cao Bằng trong lúc thu hút cứu binh của Pháp từ Lạng Sơn. “Nếu chúng ta có thể tiêu diệt ba đến năm tiểu đoàn cơ động từ Lạng Sơn, như thế sẽ dễ hơn trong việc chiếm Cao Bằng và một số đồn gần Lạng Sơn.” Nếu thành công, Trần Canh tin rằng tình hình ở vùng đông bắc và miền Bắc Việt Nam ‘sẽ thay đổi lớn.’ Trong bức điện tín ngày 26-7, quân ủy trung ương Trung Quốc đồng ý kế hoạch này.
Ngày 28-7, Trần Canh đặt chân tới căn cứ Việt Minh ở Thái Nguyên, nơi ông gặp ông Hồ Chí Minh và La Quý Ba. Trần Canh bảo với người lãnh đạo Việt Nam rằng Việt Minh chưa nên đánh chiếm Cao Bằng, là một cứ điểm mạnh lúc ấy, mà nên trước tiên tấn công các đồn nhỏ của Pháp để rèn quân. Về mặt chiến thuật, Việt Minh nên áp dụng kiểu bao vây một đồn bốt trong lúc tiêu diệt viện quân trong các trận đánh cơ động. Cụ thể, Trần Canh đề xuất tấn công Đông Khê, một đồn của Pháp nằm giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, để lùa quân Pháp ra khỏi hai tỉnh trên và sau đó tiêu diệt. Ông Hồ chấp thuận kế hoạch này.
Trần Canh đề xuất tấn công Đông Khê, một đồn của Pháp nằm giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, để lùa quân Pháp ra khỏi hai tỉnh trên và sau đó tiêu diệt. |
Qiang Zhai |
---|
Ngày 16-9, Việt Minh tấn công Đông Khê và chiếm đồn này hai ngày sau đó. Nhưng Trần Canh vẫn chưa hài lòng với hiệu quả của Việt Minh. Quân Pháp tại Đông Khê có khoảng 260 lính, trong lúc người Việt khoảng 10.000 lính. Khi trận đánh chấm dứt, Việt Minh có khoảng 500 thương vong và để hơn 20 lính Pháp trốn thoát. Trong nhật ký (xuất bản ở Trung Quốc sau khi Trần Canh qua đời, năm 1984), Trần Canh nói phía Việt Nam có một số khiếm khuyết. Đầu tiên, họ không tuân theo thời điểm tấn công như trong kế hoạch. Cuộc tấn công dự định bắt đầu vào chập tối 16-9, nhưng các đơn vị Việt Minh chỉ bắt đầu vào sáng hôm sau. Khi mặt trời mọc, họ phải rút lui vì đe dọa không kích của Pháp. Sau đó họ phải tấn công lần hai vào hoàng hôn của ngày 17. Thứ hai, các chỉ huy Việt Minh ngại ra trước tiền tuyến, nên mất liên lạc với các đơn vị tấn công. Thứ ba, một số cán bộ báo cáo sai lạc nhằm che dấu tin xấu. Trần Canh đã nói với tướng Võ Nguyên Giáp các vấn đề này.
Tuy vậy, việc chiếm được Đông Khê vẫn là thắng lợi lớn cho Việt Minh vì từ nay, Cao Bằng bị cô lập. Quân Pháp gửi tiếp viện đi từ Lạng Sơn qua ngả Thất Khê nhằm tái chiếm Đông Khê. Cùng lúc đó, một đơn vị Pháp khác hướng về đại bản doanh Việt Minh tại Thái Nguyên. Trần Canh đánh giá rằng bước tiến của Pháp về Thái Nguyên nhằm thu hút quân Việt Minh từ Đông Khê để quân Pháp ở Cao Bằng có thể thoát ra. Vì vậy, Trần Canh đề xuất quân Việt Minh vẫn ở nguyên tại Đông Khê.
Ngày 30-9, quân Pháp do Lepage chỉ huy đến đánh Đông Khê từ ngả Thất Khê, nhưng bị phục kích. Hôm 3-10, trung tá Charton bỏ Cao Bằng và dẫn quân chạy về Nam. Nhằm ngăn đơn vị của Lepage và Charton hội quân, Việt Minh đưa quân bao vây đơn vị Lepage trước khi tấn công đơn vị của Charton. Ngày 8-10, quân của Lepage bị tiêu diệt. Hai ngày sau, đơn vị của Charton cũng bị chặn đánh. Cả Lepage và Charton bị bắt sống. Trong các trận tiếp sau, Việt Minh chiếm được Cao Bằng và Thất Khê. Quân Pháp tiếp tục rút khỏi Lào Cai, Lạng Sơn và Hòa Bình, để lại 11.000 tấn đạn dược và để trống gần như toàn bộ khu vực phía bắc đồng bằng sông Hồng.
Chiến dịch biên giới quan trọng ở chỗ Việt Minh từ nay thông thương được với biên giới Trung Quốc. |
Qiang Zhai |
---|
Chiến dịch biên giới quan trọng ở chỗ Việt Minh từ nay thông thương được với biên giới Trung Quốc. Việc Pháp rút khỏi Hòa Bình cũng mở đường liên lạc giữa Việt Bắc và vùng Bắc Việt ‘giải phóng’, kết thành một khu vực do Việt Minh kiểm soát.
Sau chiến dịch biên giới, Mao Trạch Đông gửi điện tín cho Trần Canh, bày tỏ lòng vui mừng. Trần Canh sau đó đi nhiều nơi, tổ chức các lớp cho các chỉ huy Việt Minh. Ngày 11-10, Trần Canh nói chuyện với ông Hồ và ông Giáp, đưa ra các đề nghị cải tiến lực lượng, gồm các việc như tặng thưởng cán bộ, đối xử tù binh. Trần Canh yêu cầu các lãnh đạo Việt Minh tổ chức các buổi mừng công để quảng bá thắng lợi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lựa và tặng thưởng các gương anh hùng. Về việc đối xử tù binh, Trần Canh đề nghị Việt Minh trước tiên yêu cầu họ viết thư cho gia đình và bạn bè để làm lung lay tinh thần đối phương, và rồi cố gắng chiêu mộ các tù binh Việt Nam trong lúc thả người Pháp và Marốc sau khi đã ‘giáo dục’ những người này. Theo nhật ký của Trần Canh, ông Hồ và ông Giáp ‘vui vẻ’ chấp nhận các đề xuất này.
Từ 27 đến 30-10, Việt Minh tổ chức các cuộc họp tổng kết cho các chỉ huy trên mức tiểu đoàn. Thay mặt Việt Minh, ông Trường Chinh đọc báo cáo đánh giá chiến dịch biên giới. Theo đề nghị của ông Hồ Chí Minh, Trần Canh trình bày trước cuộc họp trong bốn ngày liền. Ông phân tích các lý do cho thành công của Việt Minh, ca ngợi lòng dũng cảm của chiến sĩ. Sau đó lại nhắc các khiếm khuyết, như việc sĩ quan thiếu quan tâm binh sĩ, việc chậm thi hành mệnh lệnh, và khuynh hướng chỉ báo cáo tin tốt.
Ông Hồ yêu cầu Trần Canh ở lại Việt Nam, nhưng Trần Canh nhận lệnh mới từ Bắc Kinh và rời Việt Nam đầu tháng 11-1950. Giữa năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó chỉ huy tình nguyện quân Trung Quốc chiến đấu tại Triều Tiên. Sau khi Trần Canh ra đi, nhóm cố vấn Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc cố vấn cho Việt Minh.
Tổn thất và tái tổ chức năm 1951
Cuối năm 1950, Việt Minh và nhóm cố vấn cùng quyết định thực hiện tấn công xuống đồng bằng sông Hồng. Một số cán bộ cao cấp xem chiến dịch biên giới là một phần bước tiến mà sẽ từ từ dẫn tới tổng phản công.
Các trận đánh này thực hiện với sự đồng ý của cố vấn Trung Quốc. Và thất bại khiến cố vấn Trung Quốc nhận ra họ phải thực tế và thận trọng hơn. |
Qiang Zhai |
---|
Ông Võ Nguyên Giáp soạn thảo tài liệu năm 1950 nói về việc chuẩn bị cho cuộc tổng phản công. Trong đó, ông nói điều kiện đã chín muồi cho lực lượng cách mạng chuyển sang tổng tiến công để loại bỏ quân số lớn đối phương và chiếm các thành phố. Cũng có nhiều thành viên trong đảng ủng hộ việc chiếm đồng bằng để giảm bớt gánh nặng thiếu gạo tại các khu giải phóng.
Tháng Giêng 1951, tướng Giáp cho tấn công Vĩnh Yên, cách Hà Nội 37 dặm, áp dụng chiến thuật biển người đang được Trung Quốc dùng tại Triều Tiên. Tướng Jean de Lattre de Tassigny, tổng tư lệnh Pháp tại Đông Dương, đưa quân phản kích, dùng cả bom napalm. Việt Minh tổn thất ít nhất 6000 chiến sĩ.
Đến tháng Ba, trận tấn công Mạo Khê, gần Hải Phòng, lại thất bại. Cùng một định mệnh rơi xuống quân Việt Minh trong tháng Năm khi họ đánh Phủ Lý và Ninh Bình. Các trận đánh này thực hiện với sự đồng ý của cố vấn Trung Quốc. Và thất bại khiến cố vấn Trung Quốc nhận ra họ phải thực tế và thận trọng hơn.
Đầu năm 1951, nhóm cố vấn Trung Quốc đề xuất một kế hoạch tăng hiệu năng cho cơ cấu lãnh đạo. Với sự đồng ý của ông Hồ, nhóm cố vấn giúp Bộ tổng tham mưu, tổng cục chính trị và tổng cục hậu cần cùng các sư đoàn ‘giảm biên chế’. Các cố vấn Trung Quốc ở tầm mức sư đoàn mở lớp huấn luyện cho các cán bộ Việt Nam.
Phương pháp giáo dục ý thức hệ mà các cố vấn Trung Quốc đưa vào Việt Nam có tên gọi ‘chỉnh huấn’. Phương pháp Mao-ít dựa trên truyền thống Tống Nho nhấn mạnh tầng lớp ưu tú hãy tự rèn luyện để tu dưỡng chính trị và đạo đức. Với ảnh hưởng Nho giáo ở Việt Nam, không khó để cố vấn Trung Quốc tìm ra một lớp thính giả chấp nhận ‘tư tưởng đúng đắn’ trong hành động chính trị.
Nỗ lực củng cố quân đội là một phần trong chiến dịch xây dựng bộ máy nhà nước của nước VNDCCH trong năm 1951. Trong năm này, một nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, do La Quý Ba làm trưởng đoàn, được thành lập. Họ sẽ bận rộn tạo lập luật lệ và chính sách liên quan tài chính, thuế khóa, quản lý báo chí và phát thanh, đối xử với các nhóm thiểu số...
Một trong những diễn biến quan trọng nhất là thuế nông nghiệp, với cả địa chủ lẫn nông dân đều đóng thuế. Phần trăm thuế sẽ do các viên chức quyết định dựa trên lợi tức và chi phí các nhân khẩu. Do hệ thống thuế mới là mượn từ Trung Quốc, nên Đảng Lao động Việt Nam thành lập một cục thuế nông nghiệp đặc biệt để khảo sát hệ thống, mở lớp huấn luyện và giải thích luật mới cho dân chúng. Chính phủ cũng thành lập Ngân hàng nhà nước Việt Nam và công bố đồng tiền mới, mà tiền giấy in tại Trung Quốc.
..........................................................................................................
Tuần sau, bài viết sẽ đề cập tiếp về chiến dịch Tây Bắc 1952 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Trong các bài tới, chúng tôi cũng sẽ trình bày quan điểm của Việt Nam về sự trợ giúp của Trung Quốc
Trong chiến thắng Điện Biên có mặt cố vấn Trung Quốc |
Trong bài trước, chúng tôi đã tóm tắt những ý chính của tác giả Qiang Zhai về sự hình thành và đóng góp của nhóm cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, 1950-1952.
Sau các tổn thất ở đồng bằng sông Hồng năm 1951, Việt Minh, theo sự cố vấn của nhóm chuyên gia Trung Quốc, mở chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Giáp với biên giới Lào, vùng Tây Bắc là nơi lực lượng Pháp khá yếu. Việc giải phóng vùng này sẽ dỡ bỏ đe dọa từ mặt sau đối với khu Việt Bắc đồng thời mở rộng địa bàn kiểm soát cho Việt Minh.
Một số tác phẩm của Qiang Zhai |
---|
Sách:
|
Chiến dịch Tây Bắc
La Quý Ba chịu trách nhiệm hoạch định chiến dịch. (Lúc này La tạm lãnh đạo nhóm cố vấn, trong lúc Vy Quốc Thanh về Trung Quốc chữa bệnh). Ngày 16-2-1952, ông La gửi báo cáo về quân ủy trung ương Trung Quốc phác họa kế hoạch mà ông định chuẩn bị cho Việt Minh. La đề nghị trong nửa đầu năm này, Việt Minh dưỡng quân đồng thời tiếp tục chiến tranh du kích; đến nửa cuối năm, thì sẽ tấn công Nghĩa Lộ và Sơn La ở Tây Bắc. La nói tiếp khi đã chiếm được Tây Bắc, Việt Nam có thể gửi quân sang Lào vào năm sau. Chuẩn y kế hoạch của La, quân ủy trung ương Trung Quốc chỉ đạo ông trung thành với nguyên tắc “tiến chắc chắn và bảo đảm thắng lợi trong từng trận đánh” trong chiến dịch này. Lưu Thiếu Kỳ bảo La “nhất định phải giúp Lào giải phóng.” La chuyển kế hoạch cho ông Giáp và được chấp nhận. Đến tháng Tư, bộ chính trị Việt Minh thông qua chiến dịch.
Ngày 14-4, La Quý Ba phác họa cho Bắc Kinh kế hoạch chiến dịch Tây Bắc: Việt Minh sẽ bắt đầu tập kích vào giữa tháng Chín với việc tấn công Nghĩa Lộ; tiếp theo sẽ đánh Sơn La; rồi chiếm phần lớn Tây Bắc vào cuối năm; và đến năm sau thì tấn công Lai Châu. Năm ngày sau, quân ủy trung ương Trung Quốc đồng ý đề xuất này với lời dặn thêm là Việt Minh chú ý vấn đề thiểu số ở Tây Bắc. Ngày 11-7, La gửi về Bắc Kinh kế hoạch chi tiết. Kế hoạch cũng bao gồm thêm yêu cầu của Việt Nam rằng Trung Quốc hãy gửi quân từ Vân Nam sang Việt Nam để điều phối chiến dịch. Ngày 22-7, quân ủy trung ương trả lời Trung Quốc giữ nguyên tắc không gửi quân sang Việt Nam, nhưng họ có thể điều động một vài đơn vị dọc biên giới để thể hiện sự ủng hộ.
Ngày 31-7, La nói với quân ủy trung ương rằng Việt Minh sẽ bắt đầu mở lớp về vấn đề thiểu số cho chiến sĩ vào đầu tháng Chín trước khi tiến về Tây Bắc vào giữa tháng Chín. Ngày 8-8, quân ủy trung ương trả lời rằng còn quá sớm không nên mở đầu chiến dịch vào giữa tháng Chín, mà nên đình hoãn đến tháng Mười hoặc tháng 11 để Việt Nam đủ thời gian chuẩn bị.
Đầu tháng Chín, Bộ chính trị Việt Nam mở cuộc họp và mời La tham dự. Ông Giáp tường trình sự chuẩn bị cho chiến dịch biên giới. Ông chỉ ra các khó khăn, đặc biệt liên quan cuộc tấn công Sơn La. Đến cuối tháng Chín, ông Hồ Chí Minh có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh để thảo luận chiến dịch Tây Bắc cũng như chiến lược chiến thắng quân Pháp. Trung Quốc đề nghị Việt Nam nên chiếm Tây Bắc và miền bắc Lào trước tiên, và rồi đưa quân xuôi nam để đánh đồng bằng sông Hồng. Ông Hồ chấp thuận đề xuất này, và trong một bức điện gửi ông Giáp và La ngày 30-9, ông cho họ biết quyết định mà ông có với lãnh đạo Trung Quốc, rằng: chiến dịch Tây Bắc sẽ chỉ đánh Nghĩa Lộ, không bao gồm Sơn La; sau khi chiếm được Nghĩa Lộ, Việt Minh cần đặt căn cứ cách mạng tại đây.
“Đến cuối tháng Chín, ông Hồ Chí Minh có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh để thảo luận chiến dịch Tây Bắc cũng như chiến lược chiến thắng quân Pháp.” |
Qiang Zhai |
---|
Đến đầu tháng Mười, Bộ chính trị Việt Minh thảo luận về hướng dẫn của ông Hồ và đồng ý bỏ Sơn La ra ngoài chiến dịch Tây Bắc. Lúc này, ông Giáp đã có mặt ở mặt trận Tây Bắc, và Trường Chinh thông báo cho ông Giáp về quyết định của bộ chính trị. Ngày 14-10, Việt Minh tập trung tám tiểu đoàn tấn công Nghĩa Lộ và các đồn bốt gần đó. Ngày 16-10, Vy Quốc Thanh trở lại Việt Nam để cùng La Quý Ba chỉ đạo chiến dịch Tây Bắc. Sau khi Việt Minh chiếm được Nghĩa Lộ, quân Pháp chạy khỏi Sơn La ngày 22-11. Đến ngày 10-12, Việt Minh đã giải phóng một khu vực lớn ở Tây Bắc, cho phép Việt Minh có lợi thế để tiến hành hoạt động ở Lào.
Cải cách ruộng đất 1953
Trong mấy năm đầu kháng chiến, Việt Minh đã duy trì chính sách trung dung – tức là giảm thuế - vì ngại rằng một cuộc cải cách ruộng đất triệt để cô lập giới địa chủ. sẽ hủy hoại tình đoàn kết kháng chiến.
Tuy vậy, cuộc chiến chống Pháp khó khăn hơn dự liệu, mặc dù sức mạnh của Việt Minh tăng theo thời gian. Để nhanh kết thúc chiến cuộc và giảm gánh nặng kinh tế cho đảng, lãnh đạo Việt Minh quyết định vào cuối năm 1952 sẽ huy động nông dân cho cuộc chiến. Phần thưởng sẽ là ruộng đất cho họ. Cải cách ruộng đất phục vụ hai mục đích: loại bỏ những phần tử ‘yếu kém’ trong đảng và huy động sự ủng hộ của nông dân. Tháng Giêng 1953, đại hội lần Bốn của Đảng Lao động Việt Nam thông qua nghị quyết kêu gọi cải cách ruộng đất ở các khu giải phóng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về việc này, nên Việt Nam nhờ các cố vấn giúp đỡ. Mùa xuân 1953, Zhang Dequn trở thành lãnh đạo ban củng cố đảng và cải cách ruộng đất (thuộc nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc). Để tăng lực lượng, Bắc Kinh gửi thêm 42 chuyên viên sang Việt Nam trong năm này.
Nhóm cố vấn cho chiếu phim ‘Bạch Mao Nữ’, nói về cô con gái nhà nông chịu ách áp bức của địa chủ. Nhiều người lính Việt Nam đã khóc khi xem phim. Một người lính giận dữ đến nỗi khi tay địa chủ xuất hiện trên màn hình, anh nâng súng trường lên và bắn. Trong chiến dịch củng cố chính trị, nhiều người có nguồn gốc nông dân và công nhân được thăng chức. Chiến dịch đã giúp tăng tinh thần cho quân đội, chuẩn bị họ cho cuộc quyết chiến với Pháp tại Điện Biên Phủ.
“Mặc dù cải cách ruộng đất thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu ruộng cho nông dân và huy động họ về với đảng, nhưng nó cũng để lại các hậu quả.” |
Qiang Zhai |
---|
Cải cách ruộng đất 1953 đem lại các thay đổi lớn cả trong cơ cấu nông nghiệp và trong đảng. Trong hai năm tiếp theo, không chỉ các địa chủ thân Pháp hay trung lập, mà cả những người từng ủng hộ Việt Minh đã bị phạt, mất tài sản, đôi khi bị xử bắn. Mặc dù cải cách ruộng đất thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu ruộng cho nông dân và huy động họ về với đảng (thể hiện qua việc 200.000 nông dân vận chuyển hàng hóa qua đèo, qua núi để giúp Việt Minh), nhưng nó cũng để lại các hậu quả. Cuộc đấu tranh giai cấp trong cải cách ruộng đất đi ngược với chính sách mặt trận thống nhất của đảng và cô lập một bộ phận quan trọng trong dân số. Mang theo tinh thần quá khích, các cố vấn Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc giới thiệu phương thức đấu tranh giai cấp vào Việt Nam. Tác động tiêu cực này là một lý do quan trọng cho việc Việt Nam sau này chỉ trích mô hình Trung Hoa.
Đối phó kế hoạch Navarre
Tháng Năm 1953, tướng Henri Navarre đảm trách việc chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Ông đề nghị chiến lược ba bước: bảo đảm kiểm soát vùng đồng bằng sông Hồng trong mùa thu đông 1953-54, bình định các khu do đảng Cộng sản kiểm soát ở miền trung và nam Việt Nam trong mùa xuân 1954 và mở tổng phản kích tiêu diệt cứ địa chính của Việt Minh tại miền bắc. Tháng Chín 1953, chính phủ Eisenhower của Mỹ đồng ý cho Paris 385 triệu đôla trợ giúp quân sự để thực thi kế hoạch Navarre.
Ngày 13-8-1953, Việt Nam gửi điện cho Trung Quốc yêu cầu trợ giúp trong việc “xem xét tình hình và tìm hướng đi cho nỗ lực chiến tranh tương lai.” Cùng lúc đó, Việt Minh từ bỏ kế hoạch ban đầu định tập trung tại Tây Bắc và Lai Châu. Lần này, Việt Minh đề xuất tấn công đối phương tại đồng bằng sông Hồng. La Quý Ba dự cuộc họp của Bộ chính trị Việt Minh ngày 22-8. Tại đây, ông Võ Nguyên Giáp nói về các hoạt động ở khu đồng bằng, bỏ qua Lai Châu và hạ thấp tầm quan trọng của chiến dịch ở Lào. La tường trình lại cho Bắc Kinh về cuộc thảo luận. Ngày 27 và 29 tháng Tám, Bắc Kinh gửi hai bức điện cho La nhấn mạnh Việt Nam cần giữ nguyên kế hoạch ban đầu, tức là tập trung vào Tây Bắc và Lào. Bức điện ngày 29-8 nói: “Bằng cách tiêu diệt kẻ thủ ở khu vực Lai Châu, giải phóng khu miền bắc và trung Lào, và rồi mở rộng chiến trường sang miền nam Lào và Campuchia để đe dọa Sài Gòn...Việt Minh có thể ngăn chặn bớt sự hỗ trợ lính và tiền cho quân đội bù nhìn, xé lẻ quân Pháp....mở rộng chính lực lượng Việt Minh, và làm suy yếu rồi tiêu diệt kẻ thù dần dần và riêng rẽ.” Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nếu thực thi chiến thuật này, Việt Minh có thể chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đánh chiếm đồng bằng sông Hồng và cuối cùng sẽ đánh bại Pháp ở Đông Dương. Hiện thời, Trung Quốc nhấn mạnh, Việt Minh cần chiếm Tây Bắc và miền bắc Lào trước khi tiến về nam.
Tuân lời, nhóm cố vấn Trung Quốc đề nghị Việt Nam chọn Tây Bắc làm địa bàn chính để chiếm Lai Châu. Nhóm cố vấn nhấn mạnh đồng bằng sông Hồng chỉ là địa bàn thứ hai, nơi mà Việt Minh có thể tấn công du kích để phối hợp với địa bàn thứ nhất và lập tiền đề cho việc sau này giải phóng Hà Nội và Hải Phòng.
Tháng Chín, bộ chính trị Việt Minh thảo luận kế hoạch cho mùa đông 1953-54. Ủng hộ ý tưởng của Trung Quốc, ông Hồ Chí Minh kết luận “phương hướng chiến lược không thay đổi”, nghĩa là Việt Minh sẽ tập trung vào Tây Bắc và bắc Lào. Ông phủ quyết kế hoạch của ông Giáp muốn tập trung vào đồng bằng sông Hồng.
Xe pháo qua đèo Pha Đin bị máy bay Pháp đánh phá ác liệt |
Bắc Kinh, vào ngày 10-10, thông báo cho ông Hồ rằng họ đã bổ nhiệm Vy Quốc Thanh làm tổng cố vấn quân sự và La Quý Ba làm tổng cố vấn chính trị cho Việt Minh. Sau khi quay lại Việt Nam, Vy Quốc Thanh, vào ngày 27-10, tái khẳng định đề nghị của Bắc Kinh xoay quanh chiến lược quân sự của Việt Minh. Ông cũng trao cho ông Hồ một bản chép lại kế hoạch Navarre mà Trung Quốc thu được. Sau khi xem xét, các lãnh đạo Việt Minh nói đề nghị của Trung Quốc là đúng và rằng nếu Việt Minh làm theo, họ có thể phá vỡ kế hoạch Navarre. Việc Bắc Kinh trao bản kế hoạch Navarre cho ông Hồ chứng tỏ sự hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ tin tình báo giữa hai đảng Cộng sản trong cuộc chiến Đông Dương lần một.
Đến giữa tháng 11, sư đoàn 316 và một phần sư đoàn 325 và 304 của Việt Minh tiến về Lai Châu. Theo đề nghị của Trung Quốc muốn tiếp cận Nam Việt Nam qua ngả Lào, chính quyền ông Hồ lúc này cũng soạn thảo kế hoạch làm đường cho năm 1954. Kế hoạch dự kiến làm nhiều con đường qua Lào. Nhưng Chu Ân Lai thấy nó quá tham vọng. Trong bức điện gửi La Quý Ba ngày 12-12, Chu nói “số nhân công đòi hỏi quá lớn” và rằng nó sẽ “làm tăng gánh nặng nhân dân và gây thiệt hại năng suất”. Chu thúc giục Việt Nam giảm bớt tầm mức kế hoạch bằng cách tập trung cho ba tuyến quan trọng nhất, gồm một đường đi qua Sầm Nưa.
Sau khi nhận tin tình báo về sự di chuyển của Việt Minh về hướng Lai Châu, tướng Navarre quyết định đưa quân đến Điện Biên Phủ, một thung lũng nhỏ tại cao nguyên tây bắc, trên đường sang Luang Prabang của Lào. Khi tin này đến tai Vy Quốc Thanh, ông này đang trên đường đến Tây Bắc. Sau khi thảo luận tình hình mới với ban cố vấn, Vy Quốc Thanh đề nghị Việt Minh mở chiến dịch bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong lúc vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch tấn công Lai Châu. Ông cũng báo cáo kế hoạch cho Bắc Kinh. Chấp nhận đề nghị của Vy, quân ủy trung ương Trung Quốc nhấn mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ quan trọng về quân sự-chính trị mà có cả ảnh hưởng quốc tế. Hứa cung cấp mọi vũ khí mà Việt Nam cần, các lãnh đạo Trung Quốc chỉ thị ban cố vấn giúp Việt Nam “quyết định” và giúp đỡ việc chỉ đạo chiến dịch.
Đằng sau chiến thắng Điện Biên còn nhiều vấn đề chưa được tiết lô |
Rõ ràng, Mao Trạch Đông đang nghĩ đến ngoại giao quốc tế khi xem xét diễn biến quân sự ở Việt Nam. Vào tháng Chín 1953, thế giới Cộng sản đã bắt đầu nỗ lực hòa bình. Ngày 28-9, Liên Xô kêu gọi hội nghị năm bên , gồm Trung Quốc, để xem xét các cách giảm xung đột quốc tế. Mười ngày sau, thủ tướng Chu Ân Lai ra tuyên bố ủng hộ đề nghị này. Ngày 26-11, ông Hồ Chí Minh nói với báo Thụy Điển Expressen là ông sẵn sàng thương lượng với Pháp về vấn đề Đông Dương. Mao muốn có chiến thắng ở Điện Biên Phủ để củng cố vị trí của phe Cộng sản tại bàn đàm phán. Ngày 6-12, bộ chính trị Việt Minh thông qua kế hoạch đánh Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được lập ra với ông Võ Nguyên Giáp làm tổng tư lệnh và Vy Quốc Thanh là trưởng cố vấn.
Nhìn lại, cuộc họp tháng Chín 1953 của bộ chính trị Việt Minh là điểm bước ngoặt cho cuộc chiến. Khi xét Navarre điều động quân tại Điện Biên Phủ tháng 11 chính là để phản ứng việc Việt Minh đưa quân đến Lai Châu và bắc Lào, thì như vậy việc ông Hồ Chí Minh bác bỏ kế hoạch tập trung cho đồng bằng của ông Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò quan trọng. Nếu ông Hồ thực thi kế hoạch của ông Giáp, có lẽ đã không có cuộc quyết chiến Việt-Pháp ở Điện Biên Phủ.
Sau những bài của các học giả nước ngoài về vai trò của cố vấn Trung Quốc và sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên nay BBC mời quý vị theo dõi phần trích lược cuốn hồi ký Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuốn sách chúng tôi trích dẫn là của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2000 với phần chú là ‘hồi ức’ của tướng Giáp do Hữu Mai thể hiện.
Trò chuyện với trung tướng Nguyễn Đình Ước
Những đoạn về cố vấn Trung Quốc
Trước hết, cuốn sách nói khá ít về Trung Quốc và đoàn cố vấn do Vi Quốc Thanh chỉ đạo ở Điện Biên Phủ. Nhưng những phần nói đến họ đều được thể hiện khá tình cảm và cho thấy mối quan hệ đó kéo dài cả sau chiến thắng Điện Biên. Ở trang 396, tướng Giáp còn nhắc tới một kỷ niệm như sau:
Bốn năm sau, đồng chí Vi Quốc Thanh từ Quảng Tây sang thăm Hà Nội. Đồng chí tặng tôi bức mành trúc có con chim ưng và dòng chữ ‘Đông phong nghênh khải hoàn’ (Gió đông đón khải hoàn). Đồng chí nói: Những năm ở Việt Nam là thời kỳ hoàng kim trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi.
Trong thời gian trước khi nổ ra chiến dịch Điện Biên và suốt trong thời gian tấn công tập đoàn cứ điểm được tướng Giáp gọi là ‘con nhím thép Điện Biên’, cuốn hồi ký chỉ nhắc đến các cố vấn Trung Quốc không nhiều.
Lần thứ nhất là phần ghi trong trang 17. Sau nhiều trang dựng lại bối cảnh quốc tế được viết theo ngôn ngữ của dòng sử chính thống ở Việt Nam như cuộc chiến Triều Tiên, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, các nỗ lực chống cộng của phe xâm lược và tình hình chiến sự, tương quan lực lượng hai bên tại Đông Dương, tướng Giáp có ghi:
Từ năm 1950, chúng ta vẫn giữ thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Hạ tuần tháng Chín năm 1953, các đồng chí Trung Quốc chuyển cho ta một bản kế hoạch Nava với cả bản đồ, do cơ quan tình báo của bạn thu thập được.
Đoạn sau, ông Giáp nói về kế hoạch mang tên tướng Henri Navarre, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương từ 1953.
Tiếp sau đó, ở trang 19, ông Giáp viết:
Đồng chí Vi Quốc Thanh về nước mới sang, cùng tôi lên Khuổi Tát gặp Bác. Sau khi nghe trình bày kế hoạch của địch, Bác nói 'Nava rất nhiều tham vọng, muốn giành chiến thắng lớn về quân sự. Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh'. Tôi và đồng chí Vi Quốc Thanh nhất trí mở những cuộc tấn công nhằm vào những chiến trường hiểm yếu mà địch yếu, hoặc tương đối yếu, nhưng lại không thể bỏ, là cách tốt nhất buộc địch phải phân tán lực lượng. Cũng nhất trí về hướng Lai Châu, hướng Trung và Hạ Lào.
Từ sở chỉ huy của Đờ-cát khó phân biệt được đâu là quân Việt Minh và đâu là cố vấn Trung Quốc |
Ở đoạn này, ông Giáp không nói rõ ai ‘trình bày kế hoạch của địch’ cho ông Hồ Chí Minh và quá trình đi đến ‘nhất trí’ là như thế nào, vai trò của ông Vi Quốc Thanh ra sao. Tuy nhiên, có thể hiểu từ đoạn văn trên rằng ông Giáp muốn nhấn mạnh vai trò định hướng quân sự chiến lược của ông Hồ Chí Minh.
Sang trang 23, tướng Giáp ghi rằng ông bàn với tướng Hoàng Văn Thái cùng các đồng chí cố vấn xây dựng một kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng, buộc địch phải phân tán, đối phó, nhằm trước hết là phá thế tập trung binh lực của địch ở đồng bằng.
Trong phần về giai đoạn đưa quân lên Điện Biên Phủ, nhiều trang trong cuốn sách được dành để phân tích chiến lược của Henri Navarre và các nhận định của phía Việt Nam cùng các chiến dịch của các đơn vị quân Việt Nam tại các vùng khác. Không thấy tướng Giáp nhắc đến các cố vấn Trung Quốc trừ một đoạn như ở trang 47.
Ông viết: Ngày 26 tháng 11 năm 1953, cơ quan tiền phương của Bộ lên đường đi chiến dịch Tây Bắc. Đoàn Cố vấn Trung Quốc rất tán đồng chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta chọn Tây Bắc là hướng chính. Đoàn cử đồng chí Mai Gia Sinh, Cố vấn tham mưu, cùng đi với anh (Hoàng Văn) Thái.
Và mãi đến trang 107, Võ Nguyên Giáp mới nhắc đến nhân vật Vi Quốc Thanh ở một đoạn rất quan trọng. Vị đại tướng mô tả về quyết định khó nhất cuộc đời của ông là quyết định bỏ phương án đánh nhanh thắng nhanh đầu năm 1954 để chuyển sang phương án đánh chậm nhưng chắc thắng theo lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, phía Việt Nam đã kéo pháo vào và chuẩn bị đánh dồn dập trước khi quân Pháp kịp củng cố cứ điểm Điện Biên.
Theo những gì tướng Giáp viết thì trước cuộc họp đảng ủy mặt trận sáng 26/01/1954, ông gặp ông Vi Quốc Thanh để bàn về quyết định đó. Ông viết:
Tôi bảo đồng chí Hoàng Minh Phương, trưởng đoàn phiên dịch của Bộ, chuẩn bị cho tôi gặp ngay đồng chí Trưởng đoàn Cố vấn quân sự.
Đồng chí Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khỏe, rồi nói:
-Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?
Tôi đáp:
-Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định…
Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn nhất của bộ đội, rồi kết luận:
-Nếu đánh là thất bại.
-Vậy nên xử trí thế nào?
-Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc.
Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói:
-Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.
-Thời gian gấp. Tôi cần họp đảng ủy để quyết định. Và đã có dự kiến cho (đại đoàn) 308 tiến về phía Luông Phabăng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ra kéo pháo ra…
Cuộc trao đổi giữa tôi với đồng chí Vi diễn ra khoảng hơn nửa giờ. Tôi nghĩ đồng chí Vi sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh thắng nhanh mới giành thắng lợi.
Qua đoạn văn này, người đọc có thể hiểu rằng các cố vấn Trung Quốc từ trước tới đó muốn Việt Nam thực hiện phương án tấn công đánh chóng để tiêu diệt Điện Biên Phủ. Nhưng sau đó tướng Giáp không trở lại chuyện ông Vi Quốc Thanh thuyết phục các cố vấn như thế nào.
Những dòng ghi chép từ quá khứ giúp giới trẻ hiểu thêm về lịch sử |
Trang 136 có thêm một đoạn nói về việc tướng Giáp tới lán chúc Tết trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc. Đó là dịp Tết Giáp Ngọ. Nhân đó, ông Vi Quốc Thanh ‘đã đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi sang gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn sách Thượng Cam Lĩnh, để bộ đội Việt Nam tham khảo'.
Trong phần về ‘trận địa chiến hào’ ở trang 155 có đoạn:
Các cố vấn Trung Quốc giới thiệu với chúng ta kinh nghiệm của bạn trong chiến dịch Hoài Hải. Tại đây, giải phóng quân đã đào những đường hào cho pháo và ô tô vận động dưới những trận oanh kích của địch. Các đồng chí cũng nhắc đến kinh nghiệm chiến đấu đường hầm ở Triều Tiên. Quân chí nguyện Trung Quốc và quân đội Triều Tiên đã kiến thiết những đường hầm trong lòng núi tuyệt đối an toàn trong những trận đấu pháo với địch. Anh Thái tổ chức cho một đơn vị công binh đào thực nghiệm…Tôi cùng đồng chí Cố vấn Mai Gia Sinh trực tiếp theo dõi việc đào trận địa chiến hào của một tiểu đội theo những yêu cầu Bộ chỉ huy Mặt trận đã đề ra…
Như vậy, ngoài phần nói trong đoạn sau cuốn sách về cuộc gặp của chủ tịch Hồ Chí Minh với Chu Ân Lai tại Liễu Châu mà ông Giáp có tham gia để bàn về quyết định lấy vĩ tuyến nào làm đường giới tuyến tạm thời thì tướng Giáp không nhắc đến các nhân vật Trung Quốc trong suốt quá trình diễn ra trận Điện Biên Phủ nữa.
Cuốn sách của ông Võ Nguyên Giáp cũng không cho biết đoàn cố vấn Trung Quốc có bao nhiêu người, mang những quân hàm cấp gì, thời gian họ ở Việt Nam bao lâu, ở những đâu và quá trình liên lạc, trao đổi giữa họ và phía Việt Nam xảy ra như thế nào. Tóm lại, trong cuốn sách của ông Giáp, sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc khá là mờ nhạt. Trong tổng số 476 trang sách chỉ có chừng hơn 10 trang có những đoạn về đề tài này.
Trợ giúp quân sự
Về sự giúp đỡ quân sự của Trung Quốc, ở trang 348 có một đoạn như sau:
Trong thực tế, về đạn 105, ta chỉ có tổng số khoảng 20.000 viên, gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên Giới, 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm của mặt trận Trung Lào, và khoảng 5.000 thu được của địch thả dù tiếp tế. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105 ở Trung Quốc cũng rất khan hiếm. Trước nhu cầu cấp thiết của chiến dịch, bạn đã vét đạn 105 từ các kho chuyển cho ta, nhưng 7.400 viên tháng 5 năm 1954 mới tới khi trận đánh đã kết thúc.
Có một chi tiết không chính xác trong các con số Việt Nam đưa ra về số đạn pháo 105 ly. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết là 3.600 viên nhưng trong một bài báo trên tờ Quân Đội Nhân Dân 08/01/2004, ông Hoàng Xuân Tùy, nguyên trưởng ban tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ lại đưa ra con số 3000 viên. Tuy thế có thể coi đây là một sự sai lệch không đáng kể.
Từ những đoạn văn khác, người đọc có thể hiểu rằng số đạn dùng cho các loại pháo khác và cao xạ là rất lớn. Ở trang 339 có câu Pháo đói đạn trầm trọng. Có ngày mỗi khẩu pháo của ta chỉ còn hai, ba viên đạn. Trước đó, một số đơn vị cũng đã sử dụng đạn quá lãng phí. Một trung đoàn qua năm ngày kiềm chế pháo binh địch, bắn hết 2.000 viên đạn súng cối. Một tiểu đoàn phòng không 12 ly 7 trong một ngày, bắn tới 12.000 viên đạn.
Nhưng tướng Giáp không nói về nguồn gốc và con số các loại đạn khác đó cũng như vũ khí, quân trang quân dụng của bộ đội Việt Nam là tự chế tạo, do Trung Quốc, Liên Xô hay nước nào giúp đỡ.
Khi đề cập đến quá trình tiếp tế lương thực, ông Giáp viết khá kỹ về các đóng góp của nhân dân các tỉnh như Thanh Hóa và các địa phương khác nhưng không nói gì đến Trung Quốc.
Trong đoạn về chuẩn bị đánh Điện Biên, tướng Giáp có nhắc ngắn gọn đến cuộc Cải cách Ruộng đất. Ở trang 86, ông viết về Luật ruộng đất ngày 4/12/1953 'đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vốn phần lớn xuất thân từ nông dân' mà không nhắc đến quá trình Việt Nam áp dụng phương pháp đấu tố của Trung Quốc trong Cải cách Ruộng đất.
Đặc biệt hơn cả, trong cuốn sách không hề có đoạn nào tổng kết con số thương vong của quân đội Việt Minh. Cũng không rõ trong số cố vấn Trung Quốc có ai bị giết hay bị thương tại Điện Biên Phủ hay không.
Tư liệu có giá trị
Nhìn chung, cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp tập trung nhiều vào việc mô tả các trận đánh, nêu gương quyết tâm chiến thắng và tài trí của bộ đội Việt Nam.
Ông cũng để ra nhiều trang nhằm phân tích tình hình chiến sự ở Đông Dương, tác động qua lại giữa của các sự kiện ngoại giao trên thế giới và chiến trường. Tướng đã dùng nhiều tư liệu từ các nguồn của Pháp và Mỹ có được sau này để bổ sung thông tin.
Sự hấp dẫn của cuốn sách chính là ở chỗ những phần về chính trường quốc tế, hiển nhiên được diễn dịch theo quan điểm chính thống của đảng cộng sản Việt Nam, giúp cho những người đọc nếu thiếu tư liệu quốc tế ở tại Việt Nam có một cái nhìn toàn cảnh vượt ra ngoài chính trận Điện Biên Phủ.
Nhưng cuốn sách không nhắc gì đến cái nhìn từ Bắc Kinh khiến người ta có thể hiểu rằng: hoặc ông Giáp không có trong tay các tài liệu của Trung Quốc chưa giải mật, hoặc ông không muốn dùng những gì Trung Quốc đưa ra trong thời gian xung đột biên giới với Việt Nam để nói về vai trò của họ trong hai cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Qua những đoạn nói đến ông Vi Quốc Thanh và đoàn cố vấn Trung Quốc, người đọc có thể hiểu là Trung Quốc, ít ra là vào thời gian đó, đã thông qua lời trưởng đoàn cố vấn 'biểu thị quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng' (trang 136).
Ở phần tổng kết, cuốn sách trình bày chiến thắng Điện Biên Phủ theo tinh thần các nghị quyết từ trước tới nay của đảng cộng sản Việt Nam. Đó là quan điểm rằng đây là thắng lợi của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, liên tục, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nếu như các nhân vật Phương Tây, nhất là trong giới quân sự, thường coi tướng Giáp là kiến trúc sư của trận Điện Biên thì trong hồi ức của mình, ông Giáp khiêm tốn không viết một câu nào về bản thân ở phần kết luận.
Ông để ra nhiều trang để ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và đảng CSVN, cho rằng mọi ông Hồ là tác giả của chiến lược chiến tranh nhân dân. Ông Giáp cũng nói rằng “những thành tựu mà quân và dân ta thu được trong kháng chiến chống Pháp đã đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên một trình độ mới, một chất lượng mới và sức mạnh mới, trở thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Núi rừng Điện Biên còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử quan trọng |
Đáng tiếc là ông Giáp không so sánh và cho người đọc biết chiến tranh nhân dân của Việt Nam khác chiến tranh nhân dân của Trung Quốc, Liên Xô hay Bắc Hàn ra sao và có sự trao đổi kinh nghiệm gì giữa các quân đội cộng sản thời đó hay không. Tuy vậy, người đọc có thể thấy rải rác trong nhiều trang sách những đoạn dùng từ ngữ rất lạ với tiếng Việt trước kháng chiến chống Pháp. Chẳng hạn các từ như công kiên, tung thâm , các đoạn nói về bộ đội đọc sách Thượng Cam Lĩnh cho thấy các kinh nghiệm chiến trường kèm theo cách nói, thậm chí ít nhiều tư duy quân sự Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên đã có có mặt ở Điện Biên Phủ. Ông Giáp cũng không nhắc đến các đợt chỉnh huấn theo mô hình Trung Quốc trong quá trình xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu quân sự và sử gia nước ngoài thì đây chắc chắn là một cuốn sách có giá trị. Nó được viết qua lời kể của chính ông Giáp chứ không phải ai khác. Mà từ trước đến nay, bất kể sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc là bao nhiêu thì Điện Biên Phủ đã gắn liền với tên tuổi của ông Hồ Chí Minh và một phần nhỏ hơn là tên tuổi của ông Võ Nguyên Giáp.
Quan điểm lịch sử
Việc Trung Quốc và một số sử gia nhắc lại nhiều về vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng Điện Biên đáng ra phải được giới sử học tại Việt Nam hiện nay đón nhận chứ không nên có phản ứng quá mạnh mẽ vì cho rằng đó là một âm mưu làm giảm đi tầm vóc thắng lợi vĩ đại của Việt Nam.
Rất có thể đó là tâm lý muốn nêu cao tính dân tộc và sự độc đáo của Việt Nam trong chiến tranh. Nhưng thực tế là mọi cuộc chiến trong thế kỷ 20 đều bị quốc tế hóa nặng nề và cũng không vì thế mà người ta đánh giá kém đi tài cầm quân của các tướng lĩnh, bất kể trong trận chiến nào.
Trong thế chiến Hai, tướng de Gaulle sau khi chạy sang Anh đã hoàn toàn dựa vào sự trợ giúp của phe Đồng Minh. Quân đội Nước Pháp Tự Do của ông chỉ chiến đấu được trong sự phối hợp với Mỹ và Anh để giành lại quyền làm chủ ở nước Pháp. Nhưng không ai lấy đó làm lý do để cho rằng de Gaulle không phải là nhân vật lớn nhất của nước Pháp trong thế kỷ 20.
Nếu không có viện trợ ồ ạt từ súng đạn, tàu chiến đến binh sỹ của Hoa Kỳ thì Winston Churchill và nước Anh chắc chắn đã thua Hitler. Nhưng không ai coi đó là lý do làm giảm uy danh của Churchill và thời gian qua, người Anh trong một chương trình của BBC đã bầu chọn ông là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Anh Quốc.
Tầm vóc của các nhà chính trị và các danh tướng còn được đánh giá qua cách họ lợi dụng các đồng minh để có lợi cho mình. Thậm chí các sử gia nay còn đang thích thú tìm ra những mưu kế mà Churchill đã dùng để kéo Hoa Kỳ vào trận tại châu Âu khi nước Anh đã gần kiệt sức. Cách trình bày lịch sử cứng nhắc hoặc đơn giản hóa, tuy dễ viết, dễ nói và dễ trình bày với một số giới nhưng xét cho cùng lại chỉ làm giảm đi tính hấp dẫn và tầm vóc của các chiến thắng với mọi góc cạnh phức tạp của nó.
Trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử của đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2000, ông Giáp nói về quyết định quan trọng nhất cho trận đánh.
Hình ảnh tại chiến trường Điện Biên ngày hôm nay |
Đó là quyết định bỏ phương án đánh nhanh thắng nhanh đầu năm 1954 để chuyển sang phương án đánh chậm nhưng chắc thắng theo lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, phía Việt Nam đã kéo pháo vào và chuẩn bị đánh dồn dập trước khi quân Pháp kịp củng cố cứ điểm Điện Biên.
Tướng Giáp cho biết ông đã thuyết phục trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh về quyết định này.
Nghe tướng Nguyễn Đình Ước
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, trung tướng Nguyễn Đình Ước từ Viện Lịch sử Quân sự tại Hà Nội cho rằng đây là quyết định vô cùng đúng đắn.
Tướng Nguyễn Đình Ước là chính trị viên cấp trung đoàn trong trận Điện Biên.
Ông kể với BBC quá trình tham gia đánh trận và chia sẻ những bình luận cả về tình hình sau đó. Theo ông, trong trận Điện Biên phía Việt Nam mất chừng hơn một vạn quân. Ông trình bày mọi vấn đề theo quan điểm truyền thống của nhà nước Việt Nam.
QĐND Online - Báo điện tử “Hoa Hạ kinh vĩ”(Trung Quốc), ngày 7-4-2007 truy nhập Hồi ức của ba tác giả: Trương Đức Duy, Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Văn Trang, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt nam; Vương Đức Luân, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chúng tôi xin giới thiệu Hồi ức trên, qua bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo từ nguyên bản Trung văn, để bạn đọc tham khảo.
Giao thời Xuân Hè năm 1954, địa danh “Điện Biên Phủ” này đã thu hút ánh mắt của nhân dân toàn thế giới.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này kết thúc, cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam thắng lợi triệt để tiến công làm chủ Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ binh lực quân đội thực dân Pháp với trên 16.000 tên, đánh một dấu son viên mãn trong cuộc Chiến tranh chống Pháp 8 năm của nhân dân Việt Nam.
Nhớ lại năm xưa, năm nay đúng là Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc Chiến tranh chống Pháp thắng lợi. Chúng tôi bỗng nhớ lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bằng Hán văn nói:
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, là do nhân dân Việt Nam giành được, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ tiến hành cuộc Chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp. Thắng lợi này cũng là một thể hiện sinh động của tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt.
Năm ấy, chúng tôi vinh hạnh được cử vào Đoàn Cố vấn Trung Quốc, đã tham gia rất nhiều công tác cụ thể của Đoàn Cố vấn, cùng các đồng chí Việt Nam chiến đấu 5 năm dòng, đã kinh lịch vô số sự kiện xúc động lòng người, trực tiếp cảm thụ được tình cảm sâu đậm và chân thành của tình bạn chiến đấu Trung Việt, những hình ảnh ấy khiến suốt đời không thể nào quên.
Năm 1949, khi cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn cầm cự, cuộc đấu tranh ở vào thời khắc vô cùng gian khổ, nặng nề, cuộc Chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi mang tính toàn quốc, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập. Sự kiện này tạo ra hoàn cảnh vô cùng có lợi cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cũng khiến cho Trung Quốc có khả năng ra sức chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Hai nước Trung Việt núi liền núi sông liền sông, sướng khổ có nhau. Bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ trước, những người cách mạng hai nước đã ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lần nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh và một loạt thanh niên tiến bộ Việt Nam trước sau đã tham gia cuộc Chiến tranh cách mạng và Chiến tranh kháng Nhật của Trung Quốc.
Khi nhận được tin vui nước Trung Quốc mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức cử hai cán bộ đắc lực mang theo thư tay bằng Hán văn của Người, chia nhau đi theo hai con đường (đường bộ và đường biển) bí mật đến Bắc Kinh, thỉnh cầu Trung Quốc viện trợ.
Trong thư tay, chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: Ân ca, Dĩnh thư (Tức anh Chu Ân Lai và chị Đặng Dĩnh Siêu): Em đã xa anh, chị mười năm, luôn luôn nhớ nhung, và có rất nhiều việc mới muốn bàn với anh chị. Em xin thay mặt tệ điếm chúc mừng sự phát triển vĩ đại của quý Công ty. Tệ điếm (cửa hàng nhỏ của tôi) mấy năm qua kinh doanh khá tốt, ý muốn tranh thủ thời cơ, đánh thắng đối phương, xin cử hai người nhân viên thân tín, cấp tốc khẩn cầu anh chị giúp đỡ. Đinh (Bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Tháng 10 (năm 1949), Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, trên thực tế chính là tham mưu…”
Tháng 1 năm 1950 sau đó, sau khi đã hoá trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh không từ gian khổ nguy hiểm, vượt núi băng sông, đi bộ tới Trung Quốc, lần lượt cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cá đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, v.v… thương nghị vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam kháng chiến.
Mao Chủ tịch nói: Cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáp ứng thỉnh cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Việt Nam, Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ra sức chi viện cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đồng thời lập tức cử đồng chí La Quý Ba, Chủ nhiệm Văn phòng Quân uỷ Trung ương làm Đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đi trước sang Khu giải phóng Việt Nam tìm hiểu tình hình, để cung cấp viện trợ.
Tiếp theo, lần lượt cử Đại tướng Trần Canh thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Cố vấn Quân sự do Thượng tướng Vi Quốc Thanh đứng đầu và Đoàn Cố vấn Chính trị do đồng chí La Quý Ba đứng đầu, sang Việt Nam giúp đỡ Việt Nam kháng chiến. Trong thời gian này, chúng tôi công tác tại Đoàn Cố vấn lần lượt nhiều lần lắng nghe lãnh đạo Đoàn truyền đạt chỉ thị và căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, cho đến nay vẫn nhớ như mới rợi.
Đêm trước khi Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc lên đường sang Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức cùng tiếp kiến Cán bộ cấp Đoàn trở lên của Đoàn Cố vấn khi ấy đã đến Bắc Kinh.
Ba vị lãnh đạo đều có chỉ thị và căn dặn quan trọng, nhiều lần nhấn mạnh phải phát huy tinh thần quốc tế chủ nghĩa, thành tâm thành ý giúp đỡ các đồng chí Việt Nam, tôn trọng các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, thực hiện đoàn kết tốt, yêu quý nhân dân Việt Nam.
Mao Chủ tịch nói: “Lần này các đồng chí đi làm cố vấn, là một việc lớn, việc mới. Đảng và Nhà nước, quân đội chúng ta lần đầu tiên cử cố vấn ra nước ngoài. Việc này có ý nghĩa rất trọng đại, là niềm vẻ vang của chúng ta… Nhiệm vụ của các đồng chí đi Việt Nam, đầu tiên phải giúp đỡ đánh trận tốt. Hiện tại họ vẫn là chủ yếu đánh du kích chiến, chưa đánh qua những trận đánh tương đối lớn. Nhưng, chỉ đánh du kích chiến là không ổn, muốn giành được thắng lợi còn phải đánh những trận lớn hơn. Phải có thể đánh công kiên chiến, có thể đánh vận động chiến, mới có thể chuyển vào phản công, đánh bại quân Pháp”.
Về vấn đề làm cố vấn như thế nào, Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, nhưng trên thực tế chính là tham mưu, làm tham mưu tốt cho các đồng chí lãnh dạo của người ta. Tham mưu chính là đề xuất chủ trương, nghĩ biện pháp, hiệp tác giúp đỡ lãnh đạo. Cho nên không thể bao biện làm thay, càng không thể làm Thái Thượng hoàng, ra lệnh chỉ huy… Trước mặt quần chúng Việt Nam, không thể biểu hiện ra thái độ kiêu ngạo của chúng ta là người chiến thắng. Phải thực hiện tốt đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, đặc biệt là phải thực hiện tốt đoàn kết với những người lãnh đạo Việt Nam. Phải yêu quý bảo vệ từng gốc cây từng ngọn cỏ, từng ngọn núi từng dòng sông ở nơi đó. Phải yêu quý bảo vệ nhân dân ở nơi đó. Phải tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, tuân thủ ba kỷ luật lớn tám điều chú ý, giống như ở Trung Quốc”.
Những lời căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như vậy, luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo mà chúng tôi thường xuyên tuân theo trong nhiều năm công tác ở Việt Nam.
Chiến dịch Biên Giới: Chiến dịch Biên Giới lần đầu tiên Trung Việt hợp tác, tạo cơ sở vững chắc cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1950, nhằm khiến cho vũ khí trang bị và các loại vật tư do Trung Quốc viện trợ có thể thuận lợi tiến vào Việt Nam, khai thông tuyến giao thông biên giới Trung Việt bèn trở thành nhiệm vụ vô cùng trọng yếu. Vì vậy, khi ấy Trung ương hai đảng Việt Trung thương thảo quyết định mở một chiến dịch tại vùng biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn đồng chí Trần Canh mà Người đã quen thân trên 20 năm trước sang Việt Nam hiệp tác giúp đỡ đánh tốt trận này.
Trung tuần tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đồng chí Trần Canh làm đại biểu sang Việt Nam, giúp đỡ tổ chức thực thi chiến dịch Biên Giới.
Sau khi đến Việt Nam, đồng chí Trần Canh lập tức hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo với Hồ Chủ tịch ý tưởng tác chiến tại biên giới đã suy nghĩ suốt dọc đường, đồng thời lập tức bôn tập ra tiền tuyến cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt nam trù hoạch tỷ mỷ kế hoạc tác chiến.
Kế hoạch tác chiến do Bộ Tổng quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng trước là đầu tiên tấn công Cao Bằng. Kinh qua nghiên cứu tỷ mỷ, đồng chí Trần Canh cho rằng tình hình binh lực, công sự, địa hình của quân Pháp đồn trú ở Cao Bằng, dễ thủ khó công, cộng thêm xem xét về sức chiến đấu của quân đội Việt Nam khi ấy khó nắm chắc giành thắng lợi. Qua bàn bạc với đồng chí Võ Nguyên Giáp, quyết định đầu tiên không đánh Cao Bằng, chuyển sang đánh Đông Khê, điều động quân địch ở Thất Khê, Cao Bằng ra chi viện, để tiêu diệt quân địch tại dã chiến ngoài công sự. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành và căn cứ theo hướng đó đã điều chỉnh lại sự bố trí.
Khi ấy, Đoàn Cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh lãnh đạo cũng đã đến tiền tuyến. Trong toàn bộ quá trình chiến dịch Biên Giới, cố vấn Trung Quốc cùng hợp tác mật thiết với cán bộ chỉ quy quân đội Việt Nam, cùng ra tuyến đầu. Quân đội nhân dân không quản mệt nhọc, liên tục tác chiến, giành toàn thắng to lớn.
Kết quả chiến đấu lớn hơn nhiều so với dự kiến. Từ đó, sự phong toả của quân Pháp đối với biên giới Việt Trung bị đập tan triệt để, đường giao thông biên giới giữa hai nước thông thoáng không còn trở ngại, trang bị và vật tư do Trung Quốc viên trợ được ùn ùn vận chuyển liên tục vào Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam cũng giành được kinh nghiệm quý báu về đánh vận động chiến.
Trong mấy năm sau đó, làm những công tác phiên dịch, thư ký, chúng tôi lại hiểu sâu sắc rằng, Trung ương hai Đảng Trung Việt thường xuyên giữ liên hệ vô cùng mật thiết, gặp phải những vấn đề trọng đại vẫn thường trao đổi ý kiến qua lại, do Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định cuối cùng. Quan hệ hợp tác giữa các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội của Việt Nam với Đoàn Cố vấn vô cùng ăn ý, có thể nói là quan hệ rất thân mật, rất tín nhiệm lẫn nhau. Tất cả những điều kiện ấy đã chuẩn bị rất tốt cho tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ với quy mô to lớn hơn nhiều.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch động viên toàn dân, là một chiến dịch quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.
Cuối năm 1953, kinh qua trao đổi ý kiến sâu sắc giữa lãnh đạo cao cấp của hai đảng, hai quân đội Việt Trung, Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định trọng đại tiến hành đòn quyết chiến chiến lược với quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Thời gian trôi qua, chiến dịch này tuy cách hôm nay đã tròn 50 năm (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2004) - ND), song ngày hôm nay hồi tưởng lại vẫn hiện ra rõ mồn một trước mắt.
Trong quá trình chuẩn bị và thực thi chiến dịch, khối lượng nhân lực vật lực mà phía Việt Nam động viên khổng lồ chưa từng có. Quân chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam tập trung đến chung quanh Điện Biên Phủ, đã hình thành thế bao vây lớn đối với quân Pháp.
Sự điều động tập kết vú khí đạn dược, sự bố trí cao độ hoả lực thì khỏi phải nói, sự động viên dân công phục vụ tiền tuyến càng có quy mô chưa từng có từ khi Việt Nam chống Pháp.
Trên con đường hiểm trở quanh co, gập ghềnh đến Điện Biên Phủ, chúng tôi nhìn thấy nam nữ dân công kết thành đoàn đội, từ các khu vực xuất phát, như những dòng sông đổ ra tiến tuyến. Họ có người gồng gánh, có người gùi thồ trên vai, có người đội trên đầu, cứ vậy bằng nhiều cách vận chuyển khối lượng vật tư khổng lồ chi viện cho mặt trận.
Sự hấp dẫn nhất đập vào mắt mọi người là những đội vận tải lương thực bằng xe đạp. Những đội viên xe đạp thồ mỗi người đẩy một chiếc xe đạp đã qua cải tạo để tăng trọng tải, mỗi xe đều thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam lương thực, hoạt động trên con đường dài mấy trăm cây số, rồng rồng rắn rắn lũ lượt không dứt! Đây là một cảnh tượng của cuộc kháng chiến toàn dân của Việt Nam đặc sắc biết nhường nào!
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến quy mô lớn. Trang bị vũ khí, bổ cấp đạn dược, tổ chức hoả lực, cung ứng hậu cần, v.v… số lượng đều cực kỳ khổng lồ. Phía Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất.
Nhằm đối phó với ưu thế trên không và pháo hoả mãnh liệt của quân Pháp, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mệnh lệnh cho Quân giải phóng nhân dân điều động tập kết 24 khẩu lựu pháo 105 tốt nhất, cao xạ pháo và hàng trăm loại hoả pháo, cấp tốc vận chuyển đưa vào Việt Nam. Sườn núi chung quanh Điện Biên Phủ dốc đứng hiểm trở, pháo lớn muốn tiến vào ẩn náu trong trận địa chỉ có thể dựa vào sức người tay kéo vai vác. Chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam quen tác chiến trong điều kiện khó khăn gian khổ, một lần nữa thể hiện rõ tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, kiên cường lao động. Một khẩu lựu pháo nặng mấy tấn, đương nhiên do hàng trăm chiến sĩ dùng mấy dây thừng to lớn buộc vào kéo như trò chơi kéo co, hò dô theo từng đợt nhịp nhàng, chuyển bánh từng bước một, tiến vào trận địa đã được chuẩn bị sẵn. Thực sự khiến mọi người thán phục!
Sự hợp tác thân mật của tình bạn chiến đấu Việt Trung đã được thể hiện đầy đủ nhất trong chiến dịch này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng cố vấn quân sự. Cố vấn quân sự các cấp của phía Trung Quốc ra tiền tuyến dốc toàn lực hiệp tác giúp đỡ.
Sự hợp tác giữa hai bên vô cùng ăn ý, cùng tiến hành nghiên cứu bố trí tác chiến, phương pháp tác chiến, vận dụng chiến thuật, kế hoạch rất chu toàn bí mật. Đứng trước tình hình quân địch bố phòng nghiêm mật, công sự kiên cố, hoả lực mãnh liệt, cố vấn Trung Quốc đã giới thiệu cách đánh gần, đào giao thông hào sát địch, còn cử những chuyên gia đào hào của Quân chí nguyện từ Triều Tiên về nước sang Điện Biên Phủ, giúp đỡ chỉ đạo thực thi tác chiến hầm hào, thu được hiệu quả rất tốt.
Trước khi tiến công Điện Biên Phủ, bước vào chiến dịch “Véc-đoong ở Đông Nam Á”, quân Pháp còn đầy tự tin. Viên chỉ huy cao nhất quân Pháp tại Điện Biên Phủ - Thiếu tướng Đờ Cát vô cùng kiêu căng ngạo mạn cho máy bay thả truyền đơn thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói: “Tôi biết bộ đội của Ngài đã bao vây Điện Biên Phủ, song vì sao không tiến công? Chúng tôi đã không còn kiên nhẫn chờ đợi được nữa rồi. Nếu Ngài có gan, dám phát động tiến công, thì bắt đầu ngay đi! Tôi đang chờ đón sự khiêu chiến của Ngài, quyết sống mái một phen với ngài!”.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mỉa mai nói: “Đồ nhãi ranh, hãy đợi đấy!”.
Đồng chí Vi Quốc Thanh cũng nói: “Tên Đờ Cát thật ngông cuồng! Sau khi chiến dịch mở màn, có lúc nó sẽ phải khóc!”.
Giai đoạn thứ nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu chiến đấu từ ngày 13 tháng 3 năm 1954. Trước khi bộ binh công kích, cuộc đấu pháo của hai bên xé nát bầu trời đêm, ngẫu nhiên còn có đạn pháo bay lên chọi nhau trên không, ánh lửa khói đạn mù trời; mặt đất rung lên tiếng pháo bốn phía, tiếng hô xung phong giết giặc của quân đội nhân dân Việt Nam vang động rừng hoang núi vắng chung quanh.
Trong cuộc chiến đấu này, quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng anh hùng dũng cảm, lần lượt công phá ba cụm cứ điểm phòng ngự ở phía bắc Điện Biên Phủ, tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn đủ quân Pháp và nguỵ quân, giành chiến thắng đầu tiên.
Khi giai đoạn thứ hai tiến công khu Trung tâm, hai bên tranh giành vô cùng quyết liệt, trên chiến trường ở vào trạng thái giằng co.
Đứng trước tình hình mới xuất hiện, những người bạn chiến đấu Việt Trung cùng nhau nghiên cứu tiếp tục áp dụng cách đánh đào chiến hào ngang dọc, đánh dũi đánh lấn, chia cắt bao vây, tiêu diệt từng lô cốt quân địch, khi đó gọi cách đánh này là chiến thuật “Bóc măng tre”.
Thế là, các cụm cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ cuối cùng đã bị bóc đi dần từng mảng từng lớp một.
Trải qua trên 50 ngày đêm chiến đấu anh hùng dũng cảm, quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hành tổng công kích vào ngày 7 tháng 5, tấn công tiêu diệt toàn bộ Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Lúc một tổ mũi nhọn của quân đội nhân dân xung phong vào Sở chỉ huy quân Pháp, Đờ Cát và nhân viên tham mưu của y kinh hoàng giơ cao hai tay, mặ tái mét, cúi đầu bước ra khỏi hầm cố thủ của chúng. Vẻ ngạo mạn ngông cuồng trước đó đã mất hết sạch sành sanh!
Trong Bộ Tổng chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng cố vấn Vi Quốc Thanh phấn khởi nắm chặt hai tay, những người bạn chiến đấu Việt Trung xúc động ôm chặt lấy nhau, khắp phòng tràn đầy không khí hân hoan chiến thắng.
Sau khi chiến đấu làm chủ Điện Biên Phủ, một số đồng chí trong Đoàn Cố vấn chúng tôi tiến vào pháo đài “Véc-đoong ở Đông Nam Á” này. Nhướng mắt quan sát bốn phía, trên mặt đất nóng bỏng lửa đạn vừa trải qua cuộc chiến đấu quyết liệt, khói đạn đã tan dần, những tàn tích của chiến tranh vẫn còn nguyên đó: Xác mấy chiếc máy bay, những khẩu lựu pháo 155 chưa bị phá huỷ hoàn toàn và những khẩu súng máy, những mảnh dù loang lổ màu sắc phủ kín mặt đất rộng lớn. Nơi đây chỉ cách hôm nay ít lâu còn được coi là pháo đài vững như bàn thạch, nay đã trở thành những lô cốt nham nhở vết đạn pháo thảm hại ê chề.
Hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử khó quên này, chúng tôi càng cảm thụ sâu sắc thêm tình bạn chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt là do thế hệ lãnh đạo tiền bối Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dầy công vun đắp, kinh qua những người bạn chiến đấu hai nước chi viện lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng được củng cố và tăng cường. Đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thâm tình miêu tả:
Mối tình hữu nghị Việt Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em.
VŨ PHONG TẠO dịch theo Hồi ức của Trương Đức Duy, Văn Trang, Vương Đức Luân (Trung Quốc)
Đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, Bác Hồ thực hiện một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô. Ngày 2-1-1950, Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh, từ Tuyên Quang đi bộ tới Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, rồi đi tiếp đến Long Châu, Quảng Tây. Đến đây, Bác bắt được liên lạc với Bạn. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bố trí xe đón Đoàn đi Nam Ninh, từ đó Đoàn đi xe lửa đến Bắc Kinh. Bác làm việc ở Bắc Kinh một tuần, sau đó Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh đi xe lửa liên vận đến Liên Xô.
Ngày 16-2-1950, Nguyên soái Xtalin mở tiệc chiêu đãi đại biểu sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa tại Mát-xcơ-va nhân dịp Liên Xô và Trung Quốc ký “Hiệp ước Tương trợ Đồng minh hữu hảo Xô-Trung” ngày 14-2-1950. Xtalin tự xếp chỗ ngồi gần Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Sau buổi tiệc, Xtalin mời Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang phòng riêng để trao đổi về việc Liên Xô, Trung Quốc giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp.
Chuyến đi bí mật này, Bác đã thành công ở cả hai phương diện chính trị và ngoại giao, đó là chuyến đi lịch sử làm tiền đề cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Liên Xô, giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ngày 11-3-1950, Bác và đồng chí Trần Đăng Ninh về đến Bắc Kinh, giữa tháng 4 năm 1950, Bác mới về đến Tuyên Quang.
Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7 tháng 7, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở đường nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần cho chiến dịch. Trung tuần tháng 9 năm 1950, Hồ Chủ tịch lên đường đi chiến dịch.
Đầu năm 1950, Trung tướng Trần Canh đang chỉ huy quân đội trên chiến trường Vân Nam (khi đó Vân Nam chưa giải phóng). Thực hiện cam kết không thành văn giữa Nguyên soái Xtalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Trung Quốc giúp Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân điều động Trung tướng Trần Canh về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc gồm 14 đồng chí sang Việt Nam. Ngày 7 tháng 7, Đoàn Cố vấn Trung Quốc xuất phát từ Côn Minh đi đến Thái Nguyên. Tại một nhà sàn đơn sơ trên chiến khu, Bác Hồ cảm kích gặp lại người bạn. Bác Hồ và Trần Canh là bạn cũ của nhau. Tháng 5 năm 1924, Trần Canh học khóa 1 Trường Quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu, còn Bác Hồ khi đó là Thư ký của Phái bộ Brôđin - Cố vấn Chính trị của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Tôn Trung Sơn, khi đó hai người thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác.
Ngày 16-9-1950, chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận đánh Đông Khê tỉnh Cao Bằng, đến trưa 18 tháng 9 kết thúc thắng lợi. Trong niềm vui lớn, Bác Hồ viết tặng Trần Canh một bài thơ bằng chữ Hán. Theo nguyên bản tài liệu trong “Nhà kỷ niệm Trần Canh” bài thơ này có nội dung như sau:
Huề trượng đăng cao quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Dịch:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
Đọc xong bài thơ, Trần Canh rất cảm kích, vui vẻ nói với Bác Hồ: “Hồ Chủ tịch đã hạ quyết tâm như thế, thì một mống quân Pháp cũng chạy không thoát!”. Ngày 8-10-1950, Bác viết thư biểu dương các chiến sĩ ngoài mặt trận và gửi tặngTrần Canh bài thơ thứ hai:
Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
Dịch:
Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly
Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi
Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc
Không tha quân địch một tên về.
Từ 10 tháng 9 đến 23 tháng 10 năm 1950, quân Pháp tháo chạy khỏi Thất Khê Cao Bằng, Na Sầm, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Ta hoàn toàn phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng của biên giới Việt - Trung được củng cố và mở rộng, chiến khu Việt Bắc được nối liền với các tỉnh và với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đây là chiến dịch tiến công trên qui mô lớn đầu tiên của quân đội ta, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta. Trong bữa tiệc mừng thắng lợi, Hồ Chủ tịch tặng tướng Trần Canh hai câu thơ :
Loạn thạch sơn trung cao sỹ ngọa
Mậu mật lâm lí anh hùng lai.
(Tạm dịch: Ẩn sĩ nơi núi đá. Anh hùng chốn rừng xanh. TG).
Qua những bài, câu thơ Bác tặng Trần Canh trên đây, đủ thấy tình cảm của Bác Hồ quí trọng vị tướng Trần Canh đến mức nào! Ngày 11-11-1950, tướng Trần Canh tạm biệt Hồ Chủ tịch và Việt Nam về nước nhận nhiệm vụ mới.
Theo Nguyễn Ngọc Điệp
Thu Hiền (st)/ theo http://khcncaobang.gov.vn