Đỗ Kim Thêm
Bối cảnh quốc tế
Khác với Tổng thống Harry S. Truman, trước khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/1953, Dwight D. Einsenhower là Tư lệnh Lực lượng Quân đội tại Châu Âu và Tư lệnh Khối NATO trong Đệ Nhị Thế chiến, người từng đề ra các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề ngoại giao và quân sự.
Cộng sự với Eisenhower trong chức vụ Ngoại trưởng là John Foster Dulles, một luật gia và nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm. Một tổng thống có khuynh hướng bảo thủ và thực dụng kết hợp với một ngoại trưởng thấm nhuần tinh thần Thiên Chúa giáo, cả hai cùng đề ra một chính sách mới theo thế giới quan nhất quán cho tương lai nước Mỹ. Trong khi Eisenhower âm thầm lo phác thảo nội dung, thì trước công luận, Dulles có khả năng trình bày vấn đề một cách có sức thuyết phục cao.
Giống như quan điểm của Truman, Eisenhower cho rằng xung đột Đông Dương là một biểu hiện dị biệt giữa Cộng sản Quốc tế và thế giới phương Tây.
Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 1953, Eisenhower cáo buộc chính sách be bờ của Truman là không kiên quyết để kết thúc chiến tranh Triều Tiên và muốn chống Liên Xô mà chỉ lo phản công trên bình diện ngoại giao. Do đó, Truman đã thất bại.
Để thay thế, Eisenhower và Dulles đề xuất giải pháp mới là Trả đũa Toàn diện và Nhận diện mới (Massive Retaliation and New Look), mà luận điểm chính là phải hành động kiên quyết hơn Truman trong hai chính sách an ninh và ngoại giao.
Nhằm duy trì nguyên trạng tại Nam Hàn, Mỹ tỏ ra tích cực trong Thoả ước năm 1953 với Nam Hàn, chuyển hướng này dẫn đến thành công cho chính quyền Eisenhower.
Trong biến động nỗi dậy tại Hungary vào năm 1956, Mỹ không chuẩn bị đối phó thích hợp trước tình trạng suy sụp của Hungary.
Trong khi lo tăng cường vũ trang nguyên tử, cùng lúc phải giảm khả năng tác chiến bằng vũ khí quy ước và kinh phí cho ngân sách quốc phòng, cả hai biện pháp này làm cho Mỹ bị hạn chế khi giải quyết vấn đề.
Theo quan điểm mới về quốc phòng của Eisenhower, trước hiểm hoạ của Trung Hoa và Liên Xô, giải pháp hữu hiệu là Mỹ tìm cách chịu ít tốn kém hơn khi một cuộc bùng nổ xảy ra. Thực ra, khẩu hiệu New Look chống lại các phong trào nỗi dậy trên thế giới không đạt kết qủa.
Khi đề ra chính sách về chiến tranh Đông Dương trước tình hình mới, Eisenhower phê bình Pháp gay gắt, đòi hỏi Pháp trước tiên là phải triệt để hơn bằng giải pháp quân sự. Sau khi kết thúc chiến tranh, Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam.
Trước công luận, Eisenhower lập luận là cuộc chiến không còn nằm trong khuôn khổ chống thực dân mà mang một hình thức chiến tranh ủy nhiệm để chống phong trào Cộng Sản đang đe doạ khắp thế giới. Dân chúng cần nhận chân ra vấn đề bản chất của Việt Minh là Cộng Sản và chỉ nhân danh đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam; quan trọng nhất là phải xem ông Hồ chí Minh là một cánh tay nối dài của Liên Xô. Đó là lý do cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục hỗ trợ cho Pháp chiến đấu.
Truớc áp lực nặng nề của Mỹ, Pháp có hai phản ứng khác nhau.
Từ năm 1950, Pháp thương thuyết với Mỹ để vận động thành lập Tổ chức Liên Minh Quốc Phòng Châu Âu, trong đó với sự tham gia của Đức. Vì nhu cầu an ninh, Mỹ tỏ ra quan tâm tham gia, muốn tôn trọng quyền lợi an ninh của Pháp, nhưng phản đối Đức cùng tân trang và đóng quân. Khi triển khai chính sách, Mỹ nhận ra có hai khí cạnh khác nhau. Một mặt, Mỹ cần ngăn chận sự đe doạ của Liên minh trong khối Warsaw đang phát triển. Mặt khác, Mỹ cần kiểm soát việc tăng cường vũ khí của Đức tại Tây Âu.
Theo quan điểm của Pháp, Đức không thể trang bị vũ khí trong khuôn khổ mới, nhưng Pháp không thể gia tăng binh bị cho Tây Âu, vì cần phải tập trung sức cho chiến trường Đông Dương. Pháp có lý do tránh áp lực của Mỹ khi cho rằng kết hợp hai mục tiêu quân sự trong cùng một lúc là bất khả, trước tiên là Pháp phải lo kết thúc chiến trường Đông Dương, sau đó Quốc hội Pháp sẽ có lý do chính đáng để phê chuẩn cho thoả ước Liên minh Quốc Phòng châu Âu thành hình. Thái độ kiên quyết của Pháp làm cho Washington hạn chế áp lực đối với Paris.
Cuối cùng, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Minh trong cuộc chiến Đông Dương chuyển Việt Nam sang một trang sử mới.
Diễn tiến trận chiến Điện Biên Phủ
Để đáp ứng cho tình hình, Pháp áp dụng một chiến thuật phù hợp hơn với quan điểm của Mỹ. Tướng Henri Navare được bổ nhiệm Tư lệnh Chiến trường Đông Dương, phụ trách triển khai kế hoạch mới: Pháp tập trung truy đuổi Việt Minh về vùng châu thổ sông Hồng và sau đó sẽ phản công.
Tình thế đổi thay khi Tướng Giáp chuyển hướng, đưa Việt Minh thâm nhập đến tận biên giới Lào-Việt. Căn cứ địa của Việt Minh trong khu vực này là một làng nhỏ mà sau này vang danh thế giới: Điện Biên Phủ, một khu vực lòng chảo. Tướng Navarre của Pháp cử Đại tá de Castries chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ. Sau bốn tháng xây dựng, phòng tuyến của Pháp bao gồm 49 cứ điểm có khả năng tự phòng vệ.
Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên của Việt Minh gồm có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng; các tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Hậu cần, Trần Văn Quang, Cục trưởng Tác chiến và Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Quân báo. Lực lượng tham gia gồm các đại đoàn: 308, 312, 316, và 304 với vũ khí thô sơ
Cuộc tấn công biên giới Lào-Việt của Việt Minh gây mối quan tâm mới trong mối bang giao Lào-Pháp.
Thực ra, các cuộc tấn công của Tướng Giáp cũng là một cách nghi binh làm ngăn trở mọi triển khai kế hoạch của Pháp trong khu vực phía Đông. Pháp thất bại trong kế hoạch này trong khi kế hoạch của Tuớng Giáp mở rộng hơn.
Tháng 10 năm 1953, Pháp ký một thoả hiệp quân sự với Lào, một thành viên trong Liên bang Đông dương, mà hậu quả là quân đội Pháp mang trách nhiệm bảo vệ cho Lào. Một tháng sau, Tướng Navare ra lệnh tái chiếm vùng biên giới và đẩy Việt Minh về lại vùng Tây Bắc Việt Nam.
Với kế hoạch này, Tướng Navare lạc quan là chiến thắng đã nằm trong tầm tay. Nhưng Việt Minh chấp nhận thách thức khi điều kiện thành công cho cuộc chiến trở nên cam go hơn.
Khi Pháp chiếm trọn vùng thung lũng Điện Biên Phủ, binh đội của Tướng Giáp bao bọc các vùng núi đồi hiểm trở chung quanh. Hàng ngàn người đã tiếp tế với súng đạn. lương thực, vũ khí kể cả pháo binh. Đây là một thành quả phi thường trong một địa hình không thuận lợi vì phải vượt qua các con đường chông gai trong rừng rậm giữa hai bên biên giới.
Đầu năm 1954, Pháp có ưu thế về quân số với khoảng 12.000 lính đồn trú và tiếp tế bằng đường hàng không với một cầu không vận nối liền Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai – Hà Nội..
Pháp không tin rằng Việt Minh có khả năng chống trả, đặc biệt là dùng pháo binh trong vùng đồi núi chập chùng. Ngược lại với các dự đoán của Pháp, Việt Minh bắt đầu có thuận lợi là từ 1950 được Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ vũ khí và thiết bị quân sự, nhưng chưa có nhiều. Mãi tới năm 1951, Việt Minh chỉ có đại đoàn 351 chuyên về công binh và pháo binh lo chuyên chở vũ khí nặng.
Khi vào trận Điện Biên Phủ, Liên Xô giúp trang bị cho 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm và Trung Quốc lo huấn luyện cách xử dụng pháo. Chiến thuật duy nhất của các chiến sĩ Việt Minh là bộc phá, xung kích cảm tử xông lên đặt thuốc nổ để phá các ụ súng, các lô cốt, rồi chạy về vị trí trước khi phát nổ, đánh và diệt được xong thì lo phòng thủ cho cứ điểm khác.
Tướng Navare xem thường các tin tức tình báo và cố tình chiếm giử căn cứ địa nhằm buộc Việt Minh phải tiếp tục chiến đấu.
Năm 1953, trong khi triển vọng chiến trường chưa rõ rệt, thì tình hình quốc tế tỏ ra thuận lợi. Đình chiến tại Triều Tiên làm cho căng thẳng các quốc gia giảm bớt. Sau cái chết của Stalin vào tháng 3, giới lãnh đạo mới của Liên Xô bắt đầu quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề châu Á. Cùng lúc với Nga, Pháp quyết định sẽ không tham gia vào tổ chức Tổ chức Liên Minh Quốc Phòng Châu Âu. Do đó, chính phủ Pháp hy vọng là chiến tranh sẽ kết thúc bằng giải pháp đàm phán.
Trong khi Thủ tướng Joseph Laniel tỏ ra sẳn sàng thương thuyết với Việt Minh, nhưng phải cân nhắc đến các yếu tố nội tình vì đa số dân chúng đang chống đối chiến tranh. Vào năm 1947, 37 % dân chúng tán thành tham chiến, năm 1954, con số chỉ còn là 8%. Ngoại trưởng Mỹ Dulles chống đối việc Paris đàm phán, nhưng không kết quả.
Chiến sự tiếp diễn khốc liệt, khi các trục lộ giao thông bị phá huỷ, cách tiếp tế duy nhất là không vận. Khác hẳn với thái độ lạc quan tại Paris và Wahsington, tình hình nghiêm trọng khiến cho vị Tư lệnh Pháp tại chiến trường càng trở nên lo âu hơn.
Đó là lý do mà sau đó, Paul Ely, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, đến Washington để thảo luận với chính giới Mỹ về tình hình. Trong cuộc họp này, hai phía bộc lộ các thất vọng bị dồn nén trong bốn năm qua.
Một mặt, Ely cám ơn Mỹ về các biện pháp không vận, nhưng mặt khác, chống lại việc Mỹ gởi các nhân viên dân sự để huấn luyện cho Quân đội Việt Nam do Pháp thành lập. Đối với Ely, biện pháp này cho thấy là Mỹ muốn ra lệnh cho Pháp thi hành. Để ngăn chận các cuộc tấn công của Trung Hoa, Ely và Arthur Radford, Tham Mưu Trưởng Liên Quân của Mỹ, thoả thuận về việc không kích tai vùng Điện Biên Phủ. Nathan Twining, Tư lệnh Không quân, còn suy đoán về khả năng sử dụng bom nguyên tử:
„Không còn chống trả, nên Cộng sản tháo chạy. Thánh đường hát bài quốc ca Pháp Marseillaise. Từ Điện Biên Phủ, lính Pháp diễn hành trong tâm trạng chiến thắng. Cộng sản cũng sẽ lo sợ rằng có thể Pháp cũng sẽ còn trở lại và phải chuẩn bị cho tương lai.“
Đối với cuộc hành quân Vulture, ý kiến của Radford và Twining không được Matthiew Ridgway, một tướng lãnh thuộc Bộ Tham mưu quan tâm, ngay cả Eisenhower và Dulles cũng không tin là Pháp thất bại. Một cuộc không kích của Mỹ, chưa kể tới việc sử dụng bom nguyên tử, sẽ gây nguy hiểm là lý do chính cho Trung Hoa can thiệp. Eisenhower lo sợ tình hình sẽ chuyển biến giống như tại Triều Tiên.
Nhằm chứng minh cho thế giới biết là tinh hình trở nên nghiêm trọng, trong cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 4 năm 1954, Tổng thống Eisenhower nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến cuộc Đông Dương đối với Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Eisenhower thông báo một học thuyết mới cho chính sách ngoại giao: Domino, khi một con cờ trong ván bài Domino bị ngã, các các con cờ nối tiếp sẽ tự động ngã theo hằng loạt. Nội dung và tên gọi này được hầu hết công luận chấp nhận về sau. Những gì mà Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles quan tâm là cần phải thống nhất hành động. Một liên minh quân sự Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Liên bang Đông Dương hợp tác để giúp cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á chống Cộng Sản. Sự liên kết này sẽ tăng cường tinh thần chiến đấu cho binh sĩ Pháp để nhắm vào loại trừ sự can thiệp của Trung Hoa.
Khi thảo luận vấn đề này, Eisenhower gặp sự chống đối của các vị dân cử. Ngay tại Luân Đôn cũng không có ý kiến khác hơn. Thủ tướng Churchill và Ngoại trưởng Anthony Eden cho rằng chiến tranh Đông Dương trước sau gì cũng sẽ thất bại và không kích Điện Biên Phủ là sai lầm. Churchill lo sợ làn sóng chống đối tại các nước còn là thuộc địa sẽ lan ra, ngay cả tại Ấn Độ, một nước vừa thu hồi độc lập cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.
Ý kiến chung cho là tấn công quân sự sẽ tạo ra nguy cơ cho nền hoà bình thế giới. Tại Washington, chính giới lo âu về quan điểm chống đối của Anh, nhưng tìm cách tiếp tục đàm phán về vấn đề không kích. Trước các chống đối của Quốc hội, Eisenhower không muốn Mỹ đơn phương hành động, mà ít nhất phải có Pháp hợp tác để tiến hành. Nhưng công luận Mỹ không đồng tình phương sách này, vì cho là Mỹ cũng là một loại thực dân mới khi hợp tác với Pháp.
Cuối cùng, số phận của binh sĩ Pháp được an bài. Sau 55 ngày bị vây hãm và công kích, De Castries bị bắt cùng với tất cả bộ chỉ huy, Pháp đầu hàng. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những kết thúc sự cai trị của chế độ thuộc địa Pháp tại miền Bắc, mà còn khởi đầu cho sự thất bại của Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Cuối cùng, vấn đề Đông Dương được đưa ra trong chương trình nghị sự tại Hội nghị Quốc tế tại Genève vào ngày 8 tháng 5 năm 1954 mà Hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 là một bằng chứng khác về mặt pháp lý và ngoại giao.